8/8/10

K. Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu

K. Marx dưới con mắt của một trí thức Đông Âu
J. KORNAI
Một bài viết quan trọng của J. Kornai qua bản dịch của Nguyễn Quang A
-----------------


K. Marx dưới con mắt
của một trí thức Đông Âu
Kornai János
Trình bày tại Đại học Kanagawa, Yokohama, 6-12-2008*




Dẫn nhập1

Tôi e rằng tất cả những gì có thể nói về Karl Marx đã được viết cả rồi. Hàng ngàn bài báo, bài nghiên cứu và hàng trăm cuốn sách đã được xuất bản trong đó có thể thấy đủ mọi thứ từ ca tụng cuồng nhiệt, phân tích khách quan, đến căm thù giận dữ. Cái tôi có thể thêm vào kho tài liệu mênh mông này chỉ là quan điểm cá nhân mà từ đó tôi xem xét công trình của Marx. Tôi là một người Hungary, một người Đông Âu, sinh năm 1928, tôi bắt đầu trở thành người lớn vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Những diễn biến lịch sử lớn đã gây những ấn tượng sâu sắc lên tư duy của tôi : chiến tranh tàn phá đất nước chúng tôi, Holocaust (vụ tàn sát hàng loạt [người Do thái]), giải phóng khỏi ách thống trị Nazi, đảng cộng sản lên nắm quyền với hệ thống xã hội chủ nghĩa của nó, cách mạng Hungary 1956 và việc đánh gục nó, sự khôi phục hệ thống xã hội chủ nghĩa, các cuộc cải cách trong các năm 1960 về chủ nghĩa xã hội thị trường và chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người và sự thất bại của chúng, sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự trở lại của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nền dân chủ thế chỗ cho chế độ độc tài, và khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay. Chỉ chúng tôi, những người sống ở Đông Âu và bây giờ vào tuổi bảy tám mươi, có thể nói rằng chúng tôi đã đích thân trải nghiệm, không phải một vài lần mà tám lần, những thay đổi hệ thống, những sự biến đổi vĩ đại, hay chí ít các bước ngoặt đột ngột tiến và lùi, rẽ sang và quay lại của chế độ chính trị có nghĩa là gì. Đối sánh chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, so sánh các đặc tính của hai loại hệ thống này, những biến đổi vĩ đại : đấy là những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử thế giới mà Marx quan tâm nhất và cố thử để hiểu. Chúng tôi, tuy vậy, không chỉ quan tâm đến chúng về mặt trí tuệ ‒ chúng tôi đã trải nghiệm những thay đổi đó. Có lẽ lượng kinh nghiệm sống này, chứ không phải khả năng phân tích đặc biệt nào đó, khiến cho tôi có thể thêm nét đặc sắc nào đó vào kho tàng tài liệu lớn và có giá trị về Marx.2

Khi các vị chủ nhà Nhật mời tôi trình bày báo cáo này, họ nhấn mạnh rằng có hai sự kiện gắn với nhau. Một là có một hội thảo chuyên môn về Karl Marx, và báo cáo của tôi sẽ được trình bày trong khuôn khổ hội thảo đó. Sự kiện khác là Đại học Kanagawa kỷ niệm tám mươi năm thành lập. Khi họ biết rằng năm nay các nhà kinh tế học Hungary đã mừng sinh nhật lần thứ 80 của tôi, tức là chính xác tôi cùng tuổi với đại học của họ, có lẽ hợp nếu tôi có thể tham gia lễ kỷ niệm thành lập với báo cáo của mình. Đó là một niềm vinh hạnh lớn và tôi rất cảm ơn các vị chủ nhà đã mời. Tôi chào mừng các bạn nhân dịp sinh nhật này với những lời chúc nồng nhiệt và với sự đồng cảm của một người 80 tuổi.

Bởi vì bản thân lời mời có tính chất cá nhân, có lẽ có thể chấp nhận được, nếu giọng bài trình bày của tôi mang tính chủ quan. Tôi không truyền đạt lập trường tập thể loại nào đó của các trí thức Đông Âu, mà tôi kể chuyện cá nhân của chính mình. Cuộc sống của mỗi cá nhân là đơn nhất và khác với cuộc sống của mọi người khác. Thế nhưng, tôi có thể nói thêm rằng từ nhiều khía cạnh câu chuyện của riêng tôi có tính điển hình. Nếu không phải là toàn bộ đường đời của tôi, nhưng các pha khác nhau của nó có thể đại diện cho các pha tương tự của cuộc sống của nhiều người khác. Khi hồi ký tự sự của tôi, cuốn Bằng sức mạnh tư duy, được xuất bản, nhiều người tìm đến và nói với tôi rằng đọc ký sự cá nhân của tôi về một giai đoạn hay giai đoạn khác họ nhận ra câu chuyện của chính họ.3 Tôi hy vọng điều này cũng đúng hôm nay, khi tôi kể về: quan hệ của tôi đã như thế nào với những tư tưởng của Marx trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời riêng của tôi (và của lịch sử mà đã ảnh hưởng rất lớn đến đời tôi).

Tôi chỉ lựa ra vài tư tưởng trong sự nghiệp vô cùng phong phú của Marx. Chỉ để trình bày những nhận xét riêng của tôi liên quan đến mỗi tư tưởng này thực ra cũng cần đến một hai tiểu luận, thế mà trong khung khổ hiện tại tôi chỉ có nhiều nhất vài phút cho mỗi ý đó. Vì thế tôi không thể đưa ra những lập luận phân tích chi tiết. Tôi hy vọng rằng thể loại được chọn – tường thuật câu chuyện chủ quan về mối quan hệ của tôi với công trình của Marx – sẽ cho phép việc thảo luận các đề tài lớn với nhịp độ rất cao.


Cái gì thu hút tôi đến với Marx…


Tôi đã là một cậu bé, một con mọt sách. Thực sự tôi đã đọc nghiến ngấu không chỉ những kiệt tác văn học, mà cả các tác phẩm triết học và lịch sử nữa, nhưng trước 1945 tôi đã chẳng đọc một bài viết nào của Marx cả. Ở nhà, trong gia đình khá giả, đã chẳng có ai, ở trường, nơi người ta dạy con em của giới trung lưu, cũng đã chẳng có ai giới thiệu cho tôi một tác phẩm mác-xít nào. Thế mà, một vài năm sau tôi đã tự nhận là một người mác-xít có ý thức.

Cái gì đã gây ra sự thay đổi nhanh chóng này và đã thu hút tôi vô cùng mạnh mẽ đến với Marx ?

Trong thời dậy thì nhạy cảm nhất của mình, đầu tiên tôi đối mặt với các luật phân biệt đối xử với người Do Thái, sau đó là những trải nghiệm nhục nhã của sự săn đuổi, sự ẩn náu, trốn chạy, khiếp sợ. Khi cuộc bao vây Budapest chấm dứt, chẳng bao lâu trở nên rõ ràng là, họ đã đưa cha tôi đi Auschwitz và ông bị giết ở đó, còn anh cả tôi đi nghĩa vụ lao động thì không trở về. Ngần ấy tôi đã hiểu từ việc học lịch sử và từ những trải nghiệm cá nhân rằng chế độ Hitler và những kẻ đồng loã Hungary của nó đã kéo chúng tôi vào chiến tranh và diệt chủng. Nhiều đảng đã hình thành, và tôi rất nhanh chóng trở thành người ủng hộ đảng cộng sản. Ý nghĩ đầu tiên hướng tôi tới đó là : đảng cộng sản là đảng duy nhất, bất chấp rủi ro bị truy bắt, đã kiên định đấu tranh suốt hàng thập kỷ chống lại chế độ Horthy – chế độ đã liên minh với Hitler và sau đó đã đưa sự cai trị Nazi vào Hungary. Họ đã là những người chống phát-xít kiên định nhất. Chỗ của tôi là ở trong hàng ngũ của họ. Vì thế tôi đã gia nhập, chứ không phải vì cương lĩnh cải biến xã hội xã hội chủ nghĩa của họ đã cổ vũ, cương lĩnh mà khi đó tôi ít biết đến và bản thân những người cộng sản cũng ít nói tới.

Sau đó khi tôi bắt đầu đi dự các buổi họp và thuyết trình của phong trào thanh niên do đảng cộng sản lãnh đạo, tôi bắt đầu đọc các cuốn sách mỏng do đảng phát hành. Tôi có thiện cảm với hệ tư tưởng của đảng, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa có vẻ thuyết phục. Chưa đầy một năm sau giải phóng tôi đã đến với Marx như vậy. Tôi mười tám tuổi, khi lần đầu cầm cuốn Tư bản luận (bằng tiếng Đức, vì khi đó vẫn chưa có bản dịch ra tiếng Hungary) trong tay, và cùng với bạn thân nhất của mình chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng từng dòng một và ghi chép rất chi tiết.

Tôi dừng lại ở đây một chút để lưu ý bạn đọc về thứ tự thời gian. Không phải kinh nghiệm trí tuệ đã cho tôi, một con mọt sách trẻ, cú hích khởi động đầu tiên đến với Marx, mà đầu tiên là sự tiếp cận chính trị, sự tham gia vào hoạt động của đảng cộng sản, và sau đó mới là ảnh hưởng của việc đọc sách, đọc tác phẩm của Marx. Tôi đã không bắt đầu với việc lựa chọn Marx giữa các trào lưu tư tưởng khác nhau, giữa các trường phái kinh tế học hay triết học khác nhau. Tôi đã bắt đầu với việc lựa chọn đảng cho bản thân mình giữa các phong trào chính trị, các đảng và các hệ tư tưởng khác nhau, và đảng cộng sản đã đặt các công trình của Marx lên bàn của tôi.

Tôi có thể liệt kê dài dài về những đặc điểm mà Tư bản luận đã có ảnh hưởng mạnh nhất khi đó lên tôi, nhưng bây giờ ở đây tôi chỉ lựa ra vài điểm trong số đó.

Việc đọc càng tiến triển tôi càng mê logic sắc sảo, dòng suy nghĩ và lập luận chặt chẽ, việc sử dụng khái niệm chính xác của tác phẩm. Ngay từ khi còn rất trẻ tôi đã có tính mà các thành viên gia đình và các cộng sự của tôi chế nhạo là “cuồng ngăn nắp”. Tôi khó lòng chịu nổi sự lộn xộn, lang thang trong các bài viết hay bài nói nghiêm túc, thậm chí trong cả các cuộc trò chuyện không gò bó. Marx đã ngay lập tức chinh phục tôi với cấu trúc lập luận sáng sủa, trong sáng, với các khái niệm sắc bén. Chỉ rất lâu sau tôi mới biết các tác phẩm đã chuyển hoá một số phần của lâu đài trí tuệ đồ sộ của Marx sang ngôn ngữ mô hình toán học. Thí dụ các nhà kinh tế học Hungary Bródy (1969) và nhà kinh tế học Nhật Bản Morishima (1973) đã diễn đạt lý thuyết tái sản xuất của Marx bằng các mô hình input-output, nhà kinh tế học Mỹ Roemer (1986) đã sử dụng cả các công cụ tiêu chuẩn của kinh tế học vĩ mô dòng chủ lưu để diễn đạt lại kinh tế học chính trị của Marx. Việc sử dụng ngôn ngữ toán học nghiêm ngặt của các nhà lập mô hình được dễ dàng bởi vì Marx đã trình bày nguyên liệu tư duy ban đầu (thí dụ lý thuyết tái sản xuất) theo một trật tự có logic, cố gắng dùng các định nghĩa chính xác ngay từ đầu.

Nếu không phải ngay từ lần đọc đầu tiên, thì muộn hơn, khi tôi đã đọc khá nhiều và đã học được từ công trình của các tác giả mác-xít, còn một hiện tượng nữa đã có tác động lớn đối với tôi. Tôi đã có cảm tưởng, rằng một nhà mác-xít có trong tay một chìa khóa có thể mở mọi cánh cửa. Nhà mác-xít có một bộ máy phân tích và một hệ thống khái niệm mà sức mạnh giải thích của nó là vạn năng. Bất luận đó là đánh giá một sự kiện lịch sử, một vấn đề kinh tế hay một buổi biểu diễn vừa xem xong, trong tay nhà mác-xít có các công cụ mà với chúng có thể giải quyết vấn đề phân tích. Điều này tạo cảm giác tự cao trong ông ta. Có thể là X. Y. biết giai đoạn ban đầu của chủ nghĩa tư bản một cách chi tiết bởi vì anh ta đã bỏ hàng năm ra nghiên cứu tỉ mỉ, nhưng anh ta không phải là nhà mác-xít, còn tôi là, và vì thế tôi hiểu thời kỳ lịch sử này đúng hơn. Có thể nhà mỹ học N. N. có khiếu thẩm mĩ văn học chắc chắn hơn, và là chuyên gia về kịch, nhưng anh ta không phải là nhà mác-xít, còn tôi là, và vì thế tôi nhận ra đúng hơn các giá trị đích thực và những thiếu sót của vở kịch.

Các trí thức trẻ thèm khát loại giải thích thế giới chung nào đó. Có người tìm thấy lời giải thích tổng quát trong niềm tin vào Chúa, hay có lẽ trong một tôn giáo nào đó. Ngày nay nhiều nhà kinh tế học hay nhà khoa học xã hội khác được đào tạo một cách hiện đại cho rằng có thể tìm thấy lời giải thích cho mọi hành động con người và sự kiện xã hội trong lý thuyết quyết định duy lý. Đối với tôi nhu cầu mạnh mẽ về công cụ giải thích vạn năng đã được chủ nghĩa Marx thoả mãn, chính xác hơn là loại chủ nghĩa Marx mà các nhà mác-xít sống trong môi trường trí tuệ của tôi khi đó đã coi là của mình và đã sử dụng. Tôi không nghĩ đến những kẻ không chuyên tầm thường, mà nghĩ đến những đồng bào của mình, như Lukács György, nhà triết học, hay Varga Jenő nhà kinh tế học – đều là những người nổi tiếng thế giới trong ngành của mình. Tôi đã cảm thấy rằng, tôi càng hiểu biết Marx và các môn đồ xuất sắc của ông cặn kẽ hơn, thì tôi càng có thể nắm chắc hơn chiếc chìa khoá mở mọi cánh cửa.

Trong số các lực lôi cuốn, tôi nhắc đến cái thứ ba, tuy thực ra nó tác động song trùng với hai lực kia : sự cam kết đầy nhiệt huyết của Marx với những người bị áp bức, bị bần cùng cũng đã tác động sâu sắc đến tôi về mặt tình cảm. Số phận run rủi là, năm 1944, năm cuối cùng của chiến tranh đã tách tôi khỏi sự tiện nghi của một gia đình trung lưu. Trong vài tháng tôi đã làm công việc chân tay nặng nhọc trong một nhà máy gạch. Những công nhân khác đã thân thiện tiếp nhận một thanh niên gầy gò, nhưng chăm chỉ. Tôi đã đến thăm nhà của họ, và dù muốn hay không tôi đã không thể không so sánh căn hộ quen thuộc, rộng rãi, thanh lịch của chúng tôi với nhà ở chật chội của họ, thức ăn sung túc ở nhà với thức ăn ít ỏi của họ. Hình thành và từ đó vẫn sống trong tôi ý thức đoàn kết. Tư bản luận đã là sách đọc cảm động về khía cạnh này nữa, vì trong đó có sự kết hợp không thể tách rời của sự phân tích kinh tế học lạnh lùng, cảm giác con người nồng ấm và sự phẫn nộ đối với bóc lột.



… và cái gì đã làm tôi vỡ mộng với các tư tưởng của Marx


Bây giờ tôi nhảy qua thời gian. Ở trên tôi kể về các năm đầu sau chiến tranh, tôi đã thử nhớ lại bức chân dung trí tuệ của mình khi đó. Khi thời gian trôi đi, tôi đã nắm vững nhiều và nhiều hơn những giáo huấn của Marx và các môn đồ của ông – và cho đến 1953, đến khi Stalin chết, rồi đến các năm đầy bão tố, đánh dấu điểm ngoặt trong đời sống của các đảng cộng sản và các nước dưới sự cai trị của các đảng đó. Chúng cũng tạo ra điểm ngoặt trong tư duy của tôi.

Bước ngoặt bây giờ cũng chẳng bắt đầu trên bình diện trí tuệ, thí dụ giả như tôi đã đọc các tác phẩm phê phán các học thuyết của Marx. Không phải sự phê phán được xuất bản trong các sách hay các tạp chí đã thuyết phục tôi, rằng Marx đã nhầm về những vấn đề cơ bản. Hoàn toàn là các tác động khác đã làm lung lay – không phải hệ thống tư duy mà tôi đã xây dựng một cách vững chắc cho đến khi đó, mà làm lung lay niềm tin của tôi. Tôi đã gặp một đồng nghiệp già, một người cộng sản từ xưa, người đã bị tù và bị tra tấn tuy đã chẳng phạm tội gì. Cho đến thời điểm đó tôi đã không biết, rằng bằng tra tấn cảnh sát mật chính trị nhân danh các tư tưởng cộng sản đã buộc các tù nhân thú nhận tội giả, theo lệnh trực tiếp của các lãnh đạo tối cao. Nền tảng đạo đức của lòng tin của tôi sụp đổ. Nếu điều này có thể được làm nhân danh đảng cộng sản, thì ở đây hẳn phải có tai hoạ lớn khác !

Nhìn lại tôi thấy rằng trước bước ngoặt này đã hình thành một cơ chế tự vệ đặc biệt trong đầu óc tôi. Tôi đã tin vào các tư tưởng cộng sản không chỉ bằng trí tuệ, mà bằng cả tấm lòng và trái tim, và vì thế đã hình thành các hàng rào bảo vệ ngăn cản sự thâm nhập của các tư tưởng xa lạ với chủ nghĩa Marx và các học thuyết xã hội chủ nghĩa. Một tác phẩm tranh luận với Marx có đến với tôi cũng vô ích. Tôi không coi nó ra gì, tôi gạt bỏ nó, cho rằng đấy là tiếng nói đầy thành kiến của kẻ thù. Tôi cảm thấy mình được miễn thứ khỏi phải so đọ các tư tưởng có thể được tôi chấp nhận với các tư tưởng đối lập. Trạng thái tâm thần này không chỉ đặc trưng cho những người cộng sản vững tin, mà ít nhiều cũng đặc trưng cho những người cuồng tín khác nữa.4 Biện lý hay thẩm phán của toà dị giáo, viên chức của tổ chức khủng bố phái những kẻ đánh bom liều chết, người truyền giáo, người thuyết giáo theo thuyết chính thống, hay một chính trị gia vững tin có sức thu hút quần chúng có thể là người có học thức và thông minh, có thể có khả năng trí tuệ cao, nhưng niềm tin cuồng tín riêng của họ gạt bỏ các lý lẽ đối lập khỏi suy nghĩ của họ. Họ không thể được thuyết phục bằng bất cứ lý lẽ duy lý, điềm tĩnh nào cho đến khi những trụ đỡ đạo đức của niềm tin đó còn vững chắc trong tâm khảm họ.

Khi nền tảng đạo đức đột ngột sụp đổ dưới chân tôi, thì cùng lúc các cửa cống mở ra, và dòng các tư tưởng phê phán tràn vào. Ở đây tôi lại dừng lại một chút để lưu ý bạn đọc về bài học của câu chuyện của riêng tôi. Lại lần nữa đã có cái gì đó đi trước bước ngoặt trí tuệ hiểu theo nghĩa hẹp. Sự kiện đi trước lần này không xảy ra trên bình diện chính trị, mà trên bình diện đạo đức. Một khi các cửa cống đã mở, tôi đã cởi mở trước các lý lẽ. Từng mục một, tôi đối sánh những tư tưởng và các phương pháp mác-xít mà tôi đã biết trước đây với sự phê phán mà tôi mới biết. Các ý tưởng mới thâm nhập vào tôi, và đột nhiên tôi cũng trở nên phê phán trên bình diện trí tuệ nữa. Tôi bắt đầu đối mặt với các vấn đề mà trước kia tôi luôn xua đuổi tuy chúng vẫn lởn vởn đâu đó ở bên rìa suy nghĩ của tôi.

Thời đó tôi là một nhà báo viết về đời sống kinh tế. Nhiều lần tôi đã bắt gặp những hiện tượng trái khoáy : hàng trăm loại thể hiện của sự lãng phí, vô kỷ luật, chất lượng kém, sự thiếu hụt. Toàn những vấn đề mà kinh tế học chính trị của Marx chẳng cung cấp cho tôi loại công cụ nào để phân tích. Đây là kinh tế học loại gì mà lại chẳng có nội dung đáng kể nào về các vấn đề hiển nhiên mang tính kinh tế này ? Tai hoạ không phải là nó đưa ra các câu trả lời sai cho những câu hỏi này, mà là nó chẳng thèm nêu ra chúng. Tôi bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc và học các lý thuyết khác kình địch với lý thuyết của Marx, và đột nhiên thấy một thế giới trí tuệ mới mở ra trước mắt mình. Chúng đề cập, đúng hay tồi, đến các vấn đề thực sự là các vấn đề rõ ràng còn bỏ ngỏ của cuộc sống kinh tế hoạt động xung quanh tôi. Đúng là một phần các vấn đề do chúng thảo luận chỉ nảy sinh trong các điều kiện của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng chúng cũng thảo luận một cách có hệ thống các vấn đề chung nữa (thí dụ, tính hiệu quả, hay các khía cạnh của sản xuất và nhu cầu, các vấn đề của mối quan hệ cung và cầu), mà các vấn đề đó cũng không kém quan trọng trong hoàn cảnh kinh tế xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa tư bản.

Những nghi ngờ của tôi cũng nổi lên liên quan đến những luận đề lý thuyết mà Marx và các môn đồ của ông đã không bỏ qua, ngược lại được đưa ra sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi chỉ nêu một thí dụ, những khẳng định của Marx được trích dẫn nhiều lần về sự tích tụ nghèo khổ. Nói về “quy luật chung về sự tích tụ tư bản” Marx khẳng định : “ Sự tích tụ của cải ở một cực, vì thế, đồng thời là sự tích tụ nghèo khổ, lao động thống khổ, nô lệ, ngu dốt, tàn bạo và sự thoái hoá đạo đức, ở cực bên kia…” (Tư bản luận, I, (1867) [1967] trang 645). Các môn đồ của Marx thường nói về sự nghèo khổ tương đối và tuyệt đối của giai cấp lao động – và điều này không mâu thuẫn với gợi ý của câu trên. Ngược với khẳng định này, không chỉ những cảm nhận hời hợt thu được qua các cuộc du ngoạn nước ngoài, mà tất cả các số liệu thống kê đáng tin cậy cũng chứng minh rằng mức sống trung bình của những người sống bằng sức lao động của mình ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển trong một thế kỷ đã tăng lên rất đáng kể. (Trong khi đó tất nhiên không thể chối cãi là ở đó sự nghèo khổ cũng chẳng biến mất đi). Đây không phải là một sự hiểu lầm nhỏ nhặt, không phải là một sự nhầm lẫn có thể dễ sửa. Luận đề tiên đoán sự bần cùng hoá của giai cấp vô sản có vai trò cốt yếu trong việc rút ra kết luận cuối cùng của dòng tư duy marxian. Giả như đúng là sự bần cùng tăng liên tục, và trở thành hàng loạt, thì sự giận dữ của hàng triệu người đã quét sạch chủ nghĩa tư bản từ lâu rồi.

Tôi đã tiến triển liên tục trong tìm hiểu sự phê phán các học thuyết marxian, và quá trình học này kéo dài nhiều năm. Ngày càng nhiều luận đề – đóng vai trò quan trọng trong lý thuyết kinh tế học marxian – trở thành không thể chấp nhận được đối với tôi. Cuối cùng tôi đã đạt đến điểm để bác bỏ học thuyết giá trị lao động cùng với việc làm quen với các lý thuyết giải thích tốt – và với nhịp độ tiến triển của việc nghiên cứu ngày càng giải thích tốt hơn – sự vận động thực tế của giá cả, lương, các chi phí, và lợi nhuận.5



Trách nhiệm trí tuệ đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa


Hãy quay lại những năm ngay trước cách mạng Hungary 1956. Từ một người xây dựng xã hội chủ nghĩa nhiệt thành và ngây thơ trước kia, kể từ giữa các năm 1950 tôi đã trở thành nhà phê phán gay gắt – và ngày càng gay gắt hơn – đối với hệ thống.

Các thành viên của thế hệ tôi đã trải qua sự biến đổi tư tưởng không phải với cùng nhịp độ và với cùng hình thức. Có người ngay lập tức vứt bỏ quan niệm cũ, có người chỉ từng bước một, bảo vệ từng mẩu tư tưởng khỏi sự huỷ diệt. Có người, tự mình bắt đầu cải cách tư tưởng của mình từ sớm, và có người trì hoãn và chỉ sau nhiều thập kỷ mới bắt đầu. Nhưng rốt cuộc các tấn kịch lịch sử vĩ đại, mà họ đã cùng trải nghiệm, đã tạo ra sự biến đổi tư tưởng của cả nhóm trí thức này và của mọi thành viên của nó.6 Đối với những trí thức khởi đầu như các nhà mác-xít và cộng sản vững tin thì sự kiện choáng váng là cách mạng Hungary 1956 và sự đàn áp đẫm máu, rồi đến phong trào Mùa xuân Praha năm 1968 và sự đè bẹp nó, sau đó là phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan và những cuộc bắt bớ và ban bố tình trạng khẩn cấp kế tiếp. Những sự nghi ngờ ngày càng mạnh ngay cả trong những người cố thử giữ gìn dù cho chỉ một mẩu thế giới quan một thời của họ. Câu hỏi giày vò chúng tôi là một trong những câu hỏi cơ bản của thế kỷ 20 : thực ra hệ thống mà người ta gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện tồn” là loại hệ thống gì ? Liệu nó có đi cùng một cách không tránh khỏi với nhiều đau khổ mà chúng ta đã phải chịu đựng, từ nạn đói, sự lạc hậu kỹ thuật, đến thiếu hụt kinh niên, từ bóp nghẹt tự do tư duy đến sự khủng bố tàn bạo của cảnh sát và Gulag hay không ? Hay tất cả những kinh nghiệm đau xót này chỉ là sự méo mó do việc thực hiện tồi một cách tội lỗi gây ra, chứ thực ra chẳng liên quan gì đến Marx, đến học thuyết của ông và đến cương lĩnh hành động mà ông công bố ?

Diễn đạt theo cách khác : Marx có chịu trách nhiệm không về những gì đã xảy ra ở Liên Xô của Lenin, Stalin, Khrushev và Brezhnev, ở Trung Quốc của Mao và ở các nước cộng sản khác do các học trò của họ cai trị ?

Nhiều người đã diễn toàn bộ câu chuyện trong trí tưởng tượng của mình : giả như nếu với cùng thân thể và tâm hồn thời xưa của ông, giả như ông không sống vào thời đó, mà đã sống trong thế kỷ 20, thí dụ ở Budapest, thì Marx đã ứng xử thế nào ? Có thể phỏng đoán rằng ông đã bắt đầu như một người cộng sản, nhưng tinh thần phản kháng của ông mau chóng kéo ông vào hàng ngũ những người chống lại chế độ cộng sản. Có lẽ ông phải vào trại tập trung trong các năm 1950, nhưng thoát ra được, ông đã tham gia các cuộc tranh luận trí tuệ hồi hộp trước và chuẩn bị tinh thần cho cách mạng 1956. Chắc ông đã ở giữa các nhà cách mạng khi đó, và nếu tránh được làn sóng bắt bớ sau đó, thì chắc ông đã xuất bản chui những phê phán của mình với dọng châm chọc chua cay chống lại nền kinh tế kiểu Soviet. Đây là một dòng suy nghĩ lý thú, trong trí tưởng tượng nó miễn thứ cho Marx, cho con người, cho tính cách rất đặc trưng đối với ông, và kính trọng lòng dũng cảm và lòng trung thành với nguyên tắc của ông. Nhưng đồng thời nó cũng lảng tránh câu hỏi thực sự xác đáng được nêu ra ở trước : quan hệ giữa những tư tưởng lý thuyết của Marx và thực tế lịch sử của hệ thống xã hội chủ nghĩa là gì ? Trong phép xấp xỉ đầu tiên, tôi sẽ thử trả lời một cách ngắn gọn : hệ thống xã hội chủ nghĩa (không phải loại hệ thống không tưởng đẹp đẽ trong trí tưởng tượng, mà là hệ thống đã tồn tại mà trong đó bản thân tôi đã sống) đã thực hiện kế hoạch của Marx.

Tôi biết rằng nghe câu chắc nịch này nhiều người sẽ sửng sốt, có lẽ cả một số người ngồi đây nữa. Nhưng tôi vẫn nhắc lại. Theo niềm tin của tôi, khẳng định đó là đúng và có thể được hậu thuẫn bằng những sự thực kinh nghiệm lịch sử, rằng cái đã hình thành sau 1917 trong khu vực cộng sản của thế giới, và đã tồn tại đến 1989, về cơ bản đã thực hiện cái mà Marx đã coi là hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ hình thành như cái đối lập của chủ nghĩa tư bản.

Cái nhân cốt lõi của dòng tư duy marxian là sở hữu tư nhân đặc trưng cho các mối quan hệ sở hữu của chủ nghĩa tư bản. Để xoá bỏ chủ nghĩa tư bản phải chuyển tư liệu sản xuất thành công hữu. Chừng nào sở hữu tư nhân còn chiếm ưu thế, thì thị trường điều phối sự hợp tác con người, sự trao đổi tài sản, sự phân bổ lực lượng sản xuất. Thị trường là nhà điều phối hoạt động không tốt, thị trường rắm rối, không rõ ràng, hỗn loạn. Sở hữu công sẽ cho phép phân bổ lực lượng sản xuất và rốt cuộc lao động con người trở nên minh bạch, rõ ràng và có kế hoạch.

Tôi đưa ra vài trích dẫn để hậu thuẫn cho những điều mà tôi nhắc đến ở trên đúng là các tư tưởng riêng của Marx (chứ không chỉ là các tư tưởng marxian có lẽ do những môn đồ của ông đã pha loãng hay đã hiểu nhầm chúng). Tôi trích Tư bản luận : “ Độc quyền tư bản trở thành xiềng xích của chính phương thức sản xuất đã nảy sinh và thịnh vượng với nó và dưới nó… Giờ tận số của sở hữu tư nhân tư bản đã điểm. Những kẻ chiếm đoạt bị tước đoạt.” (Capital Vol. 1 (1867) [1967], p. 763). Hay một trích dẫn quan trọng khác : “…sự hỗn loạn liên tục và những biến động chu kỳ là những thứ đi cùng chí tử của sản xuất tư bản chủ nghĩa…” – Marx viết trong nghiên cứu về Nội chiến ở Pháp ((1871) [1988], p.61). Và trong cùng đoạn văn vừa được trích dẫn có thể thay cụm từ kế hoạch chung các từ mà người ta hay nhắc đến : “…các hiệp hội hợp tác điều tiết nền sản xuất quốc dân theo một kế hoạch chung, đặt nền sản xuất ấy dưới sự điều khiển của mình…”

Bây giờ chúng ta hãy so sánh các luận đề lý thuyết nêu trên với thực tế của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã hình thành ở Liên Xô và các nước cộng sản khác ! Hai nét đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống hiện thực chính là cái Marx đã kỳ vọng và chỉ dẫn :

1.Đã tiến rất gần đến việc xoá bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất (tuy những tàn tích què quặt, bị siết chặt của nó vẫn tồn tại đó đây), và thay vào đó sở hữu công, chủ yếu dưới dạng sở hữu nhà nước, trở nên áp đảo.

2.Đã tiến rất gần đến việc xoá bỏ hoàn toàn điều phối thị trường (tuy những tàn tích vẫn còn trong nền kinh tế đen và xám), và thay vào đó kế hoạch hoá tập trung, điều phối quan liêu, nền kinh tế chỉ huy trở nên áp đảo.

Tôi đã không tuỳ tiện đưa ra hai đặc điểm trong số các đặc điểm thứ yếu của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ở đây tôi nói về hai đặc điểm cơ bản của hệ thống kinh tế.7

Nếu tôi đã tranh luận với các nhà mác-xít thiển cận về điều này, thì một trong những lập luận phản lại quen thuộc đã là : chế độ Stalinist hay Maoist đã sử dụng tên của Marx chỉ như biểu tượng đánh lạc hướng, đã chỉ nhắc đến như thánh bảo trợ, mặc dù trong thực tế chúng chẳng có gì chung với ông cả. Ở trên tôi đã cố gắng đối chọi với lập luận này bằng những lời lẽ của chính Marx và Engels. Các chế độ đó có toàn quyền để dẫn chiếu đến Marx, vì chúng đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử vĩ đại do ông đề ra.

(Tôi lưu ý chỉ trong ngoặc đơn, rằng phân tích đặc điểm nêu trên phù hợp với đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay, cái đảng trương ảnh Marx trên tường như “thánh bảo trợ” trong các dịp nghi lễ chính trị để che giấu chính sách thực của nó. Đảng cộng sản Trung Quốc trình bày ý thức hệ giả mạo khi dẫn chiếu đến chủ nghĩa Marx. Cái hệ thống mà đảng cộng sản ngự trị về cơ bản mang tính tư bản chủ nghĩa, vì sở hữu tư nhân đã trở thành hình thức sở hữu áp đảo, và bởi vì cơ chế điều phối chính là cơ chế thị trường. Như thế, chính xác là cái đối lập đã được thực hiện trong mười - hai mươi năm so với cái Marx đã nêu thành cương lĩnh, cũng như cái đã thực sự hình thành ở các nước xã hội chủ nghĩa trước kia.)

Những người bảo vệ kiên định các học thuyết của Marx không thích đối mặt với khẳng định đanh thép rằng đảng Bolshevik Nga và các đảng đi theo ở các nước khác đã thực hiện cương lĩnh biến đổi của Marx. Không phải một lần tôi đã đích thân trải nghiệm điều này. Tại vài đại học Mỹ tôi đã gặp các sinh viên thông minh và quan tâm, những người tự coi mình là “các nhà kinh tế học cấp tiến”. Họ tận tâm đọc và học các tác phẩm mà họ cho là có thể chấp nhận được về mặt chính trị. Họ đã sẵn sàng tìm hiểu, thậm chí nghiên cứu kỹ lưỡng cả các lý thuyết kinh tế học và các phương pháp của dòng chủ lưu nữa. Thế nhưng, họ không thèm nghiên cứu sâu nền kinh tế của Liên Xô hay của các nước Đông Âu. Trong con mắt của họ đấy là cái gì đó không đáng quan tâm, hay có lẽ trúng hơn, nếu tôi nói : là hiện tượng khả ố, ghê tởm chẳng liên quan gì đến họ và chẳng có quan hệ gì với các tư tưởng của Marx mà họ kính trọng và chấp nhận. Theo quan điểm của tôi họ chúi đầu vào cát như những con đà điểu.

Tôi bắt gặp hiện tượng này không chỉ ở các sinh viên trẻ. Bây giờ, khi chuẩn bị cho báo cáo này, tôi đọc lại các công trình của các nhà bác học có đầu óc cởi mở, có học thức cao, diễn giải lại các lý thuyết mác-xít, tôi chợt thấy rằng ngay các công trình xuất sắc nhất cũng hoàn toàn bỏ qua sự đối sánh những kinh nghiệm lịch sử của Liên Xô, của Trung Quốc và các nước Đông Âu trước cải cách với cương lĩnh xã hội chủ nghĩa của Marx. Những tên như Lenin hay Stalin chẳng hề xuất hiện trong các tác phẩm này.

Theo quan điểm của tôi, sự chính trực trí tuệ và chính trị đòi hỏi chúng ta phải đối mặt một cách tận tâm với câu hỏi : những tư tưởng của Marx có liên quan gì đến hệ thống xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện ? Marx có liên quan gì đến Lenin và Stalin ? Tôi đã thử đưa ra câu trả lời thẳng thắn của mình. Có thể tranh luận về câu trả lời của tôi, song tính chính đáng của câu hỏi thì khó có thể tranh cãi.

Một nền kinh tế, nơi người ta loại bỏ sáng kiến tư nhân và sự điều phối thị trường, buộc phải dựa vào sự điều chỉnh hành chính, từ trên xuống. Trong một cơ chế như vậy, phải cưỡng bức kỷ luật và thực hiện các mệnh lệnh từ trên xuống bằng con đường hành chính. Hệ thống xã hội chủ nghĩa không thể hoạt động mà không có sự trấn áp. Nếu nới lỏng bộ máy trấn áp, chẳng sớm thì muộn hệ thống sẽ sụp đổ. Điều này đã xảy ra ở Liên Xô, và khi nó bắt đầu tan rã, ở các nước cộng sản Đông Âu cũng thế.

Gắn vào đây là lập trường của Marx về vấn đề nền độc tài [chuyên chính] và dân chủ. Có lẽ, bản thân ông cũng rùng mình, nếu giả như với chính mắt mình ông nhìn thấy cái gì xảy ra trong các phòng tra khảo của Cheka hay tại các trại tù ở Siberia. Thế nhưng trong khi cần diễn đạt chỉ trên tờ giấy, thì cả Marx lẫn Engels đều khinh miệt nói về chủ nghĩa lập hiến, chế độ đại nghị, nền dân chủ tư sản sáo rỗng và hình thức, và ủng hộ tư tưởng của nền độc tài [chuyên chính] vô sản.

Những ngày qua tôi đọc lại tranh luận nổi tiếng của Kautsky và Lenin, cuốn Nền chuyên chính vô sản của Kautsky (1918), và cuốn Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky đáp lại của Lenin (1918). Kautsky viết với giọng khách quan, điềm tĩnh, ông kiên định tin vào tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời là tín đồ tận tâm của dân chủ đại nghị. Ông lên tiếng ái ngại rằng nhân danh quyền lợi của giai cấp vô sản người ta có thể bóp nghẹt ý chí của đa số, có thể lạm dụng quyền lực, thiểu số bị bỏ rơi không được bảo vệ. Lenin với giọng mỉa mai khinh miệt, chà đạp lên danh dự của đối thủ, bẻ lại từng lý lẽ của Kautsky. Đọc với con mắt hôm nay, mọi lo sợ của Kautsky tỏ ra chính đáng. Ông đã đúng trong mọi vấn đề ngược với Lenin, trừ một chủ đề quan trọng duy nhất, cụ thể là trong lý giải lập trường của Marx và Engels. Không phải Kautsky, mà Lenin mới là người đã có thể đưa ra các trích dẫn thuyết phục từ tư tưởng của hai nhà tiên tri vĩ đại này để ủng hộ cho lý lẽ của mình. Ông nhắc tới những lời nổi tiếng của Marx : “…những người công nhân sẽ thay thế nền độc tài của giai cấp tư sản bằng nền độc tài cách mạng của mình…” (Marx (1873) [1974] p. 300). Ông trích dẫn Engels : “…đảng chiến thắng không muốn phải chiến đấu vô ích, nó phải duy trì sự thống trị của mình bằng nỗi sợ hãi do vũ khí của nó tạo ra trong những kẻ phản động.” (Engels (1872) [1978] p. 733). Và một trích dẫn Engels nữa mà Lenin dụi vào mũi Kautsky một cách nhạo báng : “ Nhà nước không là gì khác bộ máy đàn áp của một giai cấp đối với giai cấp khác, và quả thực trong một nền cộng hoà dân chủ cũng chẳng kém hơn trong nền quân chủ.” (Engels (1891) [1988], p. 22).

Kautsky không thể đưa ra các trích dẫn của Marx để hậu thuẫn cho lý lẽ của ông ở đây. Ông cũng trích dẫn các lời của Marx về nền độc tài cách mạng của giai cấp vô sản, và buộc phải đưa thêm bình luận chua chát sau : “ Đáng tiếc, Marx đã bỏ quên việc nêu chính xác ông hình dung nền độc tài này thế nào.” (Kautsky (1919) [1964] p. 43). Cả ở Kautsky, lẫn ở các nhà nghiên cứu Marx đương đại, thực sự rất khách quan và trong nhiều khía cạnh có cảm tình với Marx, tôi cũng chẳng tìm thấy trích dẫn nào, trong đó Marx – nhà phân tích chính trị vô cùng lỗi lạc, người đã thảo luận toàn diện đến vậy về sự cầm quyền chính trị, nhà nước, và các mối liên hệ giữa áp bức và tự do – giả như đã khảo sát nghiêm túc mối quan hệ giữa các định chế dân chủ và quyền con người, và các mối đe doạ của nền độc tài. Marx đã bỏ qua bản thân vấn đề, bỏ qua toàn bộ lĩnh vực vấn đề khó giải quyết về sự bảo vệ chế định của các quyền tự do và quyền con người. Sự khinh thường nhạo báng này [của Marx] đã ăn sâu vào Lenin và vào những môn đồ trung thành của ông.

Sự khẳng định, rằng nền dân chủ là nền độc tài của giai cấp tư sản, thế chỗ cho nó phải đưa một nền độc tài khác vào bằng con đường cách mạng, đã làm mờ đi sự phân biệt sắc nét giữa nền dân chủ và nền độc tài. Chỉ sau khi Hitler lên nắm quyền, những người cộng sản phương tây mới đột nhiên nhận ra rằng nền dân chủ “hình thức”, “tư sản”, chế độ đại nghị, nhà nước pháp quyền, sự hợp pháp không phải là trò viển vông, mà là giá trị không thể thay thế được. Một trong những lý do là vì nó cung cấp sự bảo vệ chế định cho những người muốn nói và viết, cho những người phê phán chính phủ mọi thời, cho những người làm thay đổi xã hội triệt để, trong đó có các trí thức bức xúc về lẽ phải như Marx đã là trong thời của ông.

Có thể, trong thời của Marx cặp đối lập dân chủ – độc tài, nền độc tài của giai cấp tư sản hay của giai cấp vô sản mới chỉ có vẻ là cuộc đấu khẩu. Ngày nay trong con mắt của những người đã sống và đã sống sót dưới các chế độ chuyên quyền của Stalin, Mao, Rákosi và của những kẻ khác, thì các từ này có nghĩa khác. Ngày nay đã có thể thấy rằng sự khinh bỉ dân chủ trong các bài viết của Marx dường như đã chuẩn bị mặt bằng mà trên đó toà nhà chuyên chế Leninist–Stalinist–Maoist được dựng lên, đã làm tê liệt sự kháng cự chống áp bức trong những tín đồ của tư tưởng Marxian.

Hiển nghiên tôi dùng từ “trách nhiệm” không theo nghĩa hình sự. Bản thân việc công bố một tư tưởng sai lầm không phải là một hành vi tội phạm. Vấn đề “trách nhiệm” cũng chẳng nổi lên ngay cả theo nghĩa đạo đức học. Marx không vi phạm các mệnh lệnh đạo đức bằng việc lên tiếng đòi xoá bỏ sở hữu tư nhân và thị trường, và đã không nhận ra tầm quan trọng của dân chủ đại nghị và nhà nước pháp quyền trong bảo vệ các quyền con người. Tôi chỉ nói về trách nhiệm trí tuệ. Nếu tôi công bố một tư tưởng thúc đẩy hành động xã hội, thì không chỉ những người trực tiếp thực hiện hành động đó, mà cả tôi cũng chịu trách nhiệm về cái xảy ra, và tôi cũng chịu trách nhiệm về những hệ quả của những cái xảy ra này. Lời tôi càng có ảnh hưởng, thì trách nhiệm của tôi càng lớn. Thế mà, chưa bao giờ, chẳng có ai bằng tư tưởng của mình, bằng cương lĩnh được công bố của mình, lại có ảnh hưởng đến những con người lớn hơn Karl Marx đã ảnh hưởng.


Cái tiếp tục sống từ các học thuyết của Marx


Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, quan điểm khá phổ biến trong giới trí thức khắp thế giới rằng các tư tưởng của Marx đã sụp đổ một lần và mãi mãi. Thấy đấy, lịch sử đã phủ nhận điều đó. Không phải một lần tôi bắt gặp những bài viết huênh hoang hay bài nói ngạo mạn : Marx đã là “passé –quá khứ”, lỗi thời, và không cần quan tâm thêm.

Trong những ngày này, khi khủng hoảng diễn ra, hình thành đúng là tâm trạng ngược lại. Marx lại trở thành mốt. Trong các giới chính trị gia và nhà báo, việc dẫn chiếu đến những tiên đoán mang tính tiên tri của Marx trở nên sang trọng, khi người ta vẽ ra những cảnh tượng kinh hoàng về sự sụp đổ đến nơi của chủ nghĩa tư bản. Đột nhiên Tư bản luận trở thàng sách bán chạy nhất.8

Cả hai trào lưu mốt này đều không có căn cứ. Với công trình của ông, Marx đã không chỉ ghi tên mình vĩnh viễn vào lịch sử chính trị và tư tưởng, mà nhiều tư tưởng của ông ngày nay cũng vẫn đứng vững, và giúp cho sự hiểu biết thế giới đương đại. Tôi sẽ quay lại ngay vấn đề này. Nhưng trước đó tôi muốn nói vài lời về sự phục hưng gần đây nhất của Marx. Đúng là Marx thường đưa ra các lời tiên tri được lặp đi lặp lại, theo đó trong chủ nghĩa tư bản có các lực tự hủy diệt hoạt động, các lực đó sẽ dẫn hệ thống đến khủng hoảng chí tử và sụp đổ. Ngay cả một vài trong số các nhà nghiên cứu Marx, những người kính trọng các tư tưởng của Marx nhất, cũng thừa nhận rằng dòng tư duy giải thích sự sụp đổ cuối cùng là khó theo dõi, bí ẩn, khó hiểu, hay đơn giản là sai lầm.9

Tôi không thích tiên tri, và tôi đã học được ngần ấy từ kinh nghiệm riêng của mình rằng những thay đổi có tầm quan trọng lịch sử thế giới nhiều khi lại diễn ra một cách đột ngột không ngờ được. Tôi không biết cơ cấu xã hội sẽ như thế nào trong tương lai. Tôi chỉ có thể nói ngần này : trong tầm nhìn của tôi không xuất hiện sự kết liễu của chủ nghĩa tư bản, và lời tiên tri của Marx về sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội còn ít có khả năng trở thành hiện thực hơn. Theo tôi những nền tảng của chủ nghĩa tư bản tỏ ra vững chắc hơn thế nhiều. Tất nhiên vấn đề sẽ không thể được giải đáp bởi cuộc đấu khẩu, tranh luận giữa các lời tiên tri tranh cãi nhau, mà bởi lịch sử tương lai. Ngày nay chúng ta chỉ có thể khẳng định ngần này với sự chắc chắn hoàn toàn rằng hiện thời chủ nghĩa tư bản đang co giật – nhưng vẫn sống.

Trong báo chí hàng ngày chúng ta có thể đọc thấy những tuyên bố của các chính trị gia và các nhà báo rằng sự “soviet hoá” của thế giới phương tây đã bắt đầu. Bởi vì cái gì khác có thể giải thích cho sự thực rằng chính phủ của một số nước không cho không các khoản cứu trợ, mà thay vào đó đòi quyền sở hữu [các doanh nghiệp được cứu trợ]. (Hãy để tôi nói thêm : muộn hơn chính phủ có thể tư nhân hoá [bán] sở hữu nhà nước này, trừ trường hợp có loại đảng cộng sản nắm được quyền ở Hoa Kỳ và ở Anh mà đảng đó kiên quyết áp dụng mô hình Soviet bằng mọi giá). Những kẻ huyên thuyên về “soviet hoá” và về việc đưa chủ nghĩa xã hội vào, là những kẻ tự bộc lộ về mình rằng họ không những không hiểu Marx, mà cũng chẳng biết gì về lịch sử của Liên Xô và các nét đặc trưng thực sự của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, đáng nhấn mạnh rằng có thể thấy những nhận xét thiên tài trong tập I và tập III của Tư bản luận về sự bành trướng tín dụng quá đáng lúc này lúc khác và về tác động gây khủng hoảng của nó. Có lẽ ông là người đầu tiên, hay chí ít cũng là một trong những người đầu tiên, chú ý đến hiện tượng rằng bành trướng tín dụng dẫn đến sản xuất thừa (theo thuật ngữ Marxian) như thế nào, tức là dẫn đến sản xuất vượt cầu thực sự, hay là dẫn đến thừa năng lực cần thiết để đạt mức sản xuất quá cao. Và quá trình bành trướng gia tăng này tiếp tục cho đến khi chuỗi cho vay bắt đầu đột ngột đứt tung.10

Trong một hai thập kỷ qua đã có các kinh tế gia hàn lâm và các chuyên gia tài chính thực tiễn nhận ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong việc cho vay vô trách nhiệm, tính toán sai lầm những rủi ro, và trong yếu kém của sự điều tiết hệ thống tín dụng, thậm chí đã đưa ra những kiến nghị để ngăn ngừa tai hoạ, nhưng người ta đã không lắng nghe họ. Những lời cảnh báo tỉnh táo này không đến từ các giới mác-xít, cũng chẳng đến từ những kẻ thù cấp tiến của chủ nghĩa tư bản, mà đến từ những tín đồ chăm lo bảo vệ chủ nghĩa tư bản, từ các nhà phê phán tập quán cho vay hiện hành, từ các nhà cải cách hệ thống.

Còn bây giờ quay trở lại khung khổ kể chuyện chủ quan, tôi muốn nói vài lời về các tư tưởng đáng làm bài học nhất cho tôi từ những tư tưởng ngày nay vẫn còn đúng của Marx. Nhà bác học thiên tài này đã thực sự làm tràn ngập chúng ta với những dòng thác ý tưởng và các công cụ phân tích. Trong tiểu luận ngắn này tôi đã tranh luận với vài tư tưởng rất quan trọng của ông, và tôi đã ra hiệu rằng về phần mình tôi không chấp nhận chúng. Thế nhưng – nếu tôi vẫn có thể tiếp tục nói nhân danh cá nhân mình – có nhiều đóng góp quan trọng của Marx đối với tư duy khoa học, mà tôi vẫn tiếp tục chấp nhận, và tôi cố gắng sử dụng chúng. Tôi chỉ giới hạn ở vài thí dụ sau đây.

Hầu hết chúng ta thường dẫn chiếu đến Schumpeter, khi nói đến “sự sáng tạo huỷ diệt”. Chúng ta nghĩ đến các nhà kinh doanh, các nghiệp chủ, những người tổ chức việc đưa ra các sản phẩm mới, các công nghệ mới, phương thức quản lý mới, chiếm lĩnh các thị trường mới. Và bên cạnh đó chúng ta nghĩ đến sự phát triển tư bản chủ nghĩa do Schumpeter mô tả, nó phá huỷ thế giới cũ, tạo ra thế giới của riêng nó, phương thức sản xuất của riêng nó thế vào đó, áp đặt chúng lên xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nói ngay, Marx và Engels đã mô tả quá trình này, lực lượng tạo ra và lực lượng huỷ diệt của chủ nghĩa tư bản, trước rất lâu rồi, trong những dòng đầu tiên đầy quyến rũ của Tuyên ngôn Cộng sản. Theo quan niệm của kinh tế học chính trị Marxian các nhà tư bản có vai trò nổi bật trong tổ chức quá trình đổi mới kỹ thuật.

Trước và sau Marx sự chú ý của đa số các nhà kinh tế tập trung vào các trạng thái cân bằng, mà cụ thể là vào một trường hợp đặc biệt của cân bằng thị trường, khi cầu và cung cân bằng với nhau. Muộn hơn kinh tế học gọi trạng thái cân bằng đặc biệt này là cân bằng Walrasian. Bên cạnh Malthus, Marx là người mở đường của hướng nghiên cứu phân tích các trạng thái lệch khỏi cân bằng thị trường, cụ thể là không chỉ nghiên cứu những thăng giáng ngẫu nhiên xung quanh cân bằng thị trường (Walrasian), mà cả những sự lệch kéo dài nữa. Marx đặc biệt quan tâm đến thị trường sức lao động về khía cạnh này, trong đó cung cao hơn cầu không chỉ tạm thời mà kéo dài. Marx đã không thử đưa ra lời giải thích nhân khẩu học, mà đưa ra lời giải thích kinh tế học khi ông khảo sát hiện tượng mà ông gọi là “nạn nhân mãn [quá nhiều người] tương đối”. Ngày nay cũng tình trạng này, tình trạng dư cung sức lao động kéo dài, được kinh tế học sức lao động gọi là cân bằng thất nghiệp. (Xem thí dụ, Layard-Nickell-Jackman 2005, p. 8 và 11). Ít người nhớ rằng Marx là ông tổ mở đường. Về phần mình, tôi nhấn mạnh, trước hết tôi học từ Marx rằng đáng chú ý nhường nào đến những sự lệch kéo dài khỏi cân bằng thị trường.11

Tôi không biết chính xác lịch sử về khái niệm “chủ nghĩa tư bản” hình thành ra sao và được đưa vào tư duy khoa học như thế nào. Tôi tin, tôi không nhầm, nếu tôi khẳng định : từ lâu hầu hết các chính trị gia, các nhà bình luận và các nhà khoa học xã hội gắn sự đưa vào khái niệm “chủ nghĩa tư bản” với Marx và trào lưu tư tưởng mác-xít, và đối sánh hệ thống tư bản chủ nghĩa thực sự hình thành về mặt lịch sử với một thế giới mới, với hệ thống xã hội chủ nghĩa mà trước đó Marx mới chỉ tiên tri và ao ước. Marx không hình dung cái sau (hệ thống xã hội chủ nghĩa) như một sự không tưởng, mà như một thực tế lịch sử chắc chắn sẽ xuất hiện.

Sự tạo khái niệm này gắn mật thiết với học thuyết liên quan đến các phương thức sản xuất kế tục nhau, khác nhau về những đặc trưng quan trọng nhất.

Thành phần quan trọng này của toà lâu đài trí tuệ của Marx ngày nay vẫn có ảnh hưởng mạnh đến tư duy của tôi. Trong một bài viết của mình tôi gọi cách xem xét này là “khung mẫu hệ thống – system paradigm”, tức là cách xem xét không tách một lát (cắt) duy nhất, phần được giới hạn duy nhất của xã hội, ấy là lĩnh vực chính trị, lĩnh vực văn hoá và tư tưởng hay nền kinh tế, mà tập trung vào cái toàn thể do các phần đó tạo nên. Nó tập trung chú ý đến các phần khác nhau phụ thuộc lẫn nhau thế nào, những mối quan hệ nào hình thành giữa chúng. Nó không mô tả hệ thống trong bức ảnh tĩnh chụp chớp nhoáng, mà nó cố hiểu động học của hệ thống, như hệ thống diễn ra trong lịch sử. Marx là người mở đường vĩ đại và bậc thầy vô song của system paradigm. Cùng một lúc, trong một cá nhân, ông vừa là nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà khoa học chính trị và nhà sử học. Thời đó, đã chẳng ai dùng từ “liên ngành–interdisciplinary”, nhưng ông đã nêu một tấm gương về làm thế nào để vượt lên trên giới hạn chuyên ngành hạn hẹp và nghiên cứu với tư cách một nhà khoa học xã hội toàn diện.

Người ta thường hỏi, tôi có là nhà mác-xít hay không ? Câu trả lời của tôi dứt khoát là không.12 Những người khác nói : tôi thuộc trường phái Áo, hay tôi là người theo trường phái Keynes, tân cổ điển hay tân tự do, và v.v. Tôi lắc đầu từ chối trong mỗi trường hợp. Tôi không là một tín đồ vô điều kiện của một trường phái hay chủ nghĩa nào cả. Nếu những người khác thử làm việc đó, tôi cũng chẳng để mình bị nhốt trong một cái hộp nào. Tôi ưa thú nhận rằng các thành tố của tư duy của tôi – mượn các từ châm biếm của Engels – hoà lẫn thành cháo biện chứng của kẻ ăn mày. Nếu tôi có thiện chí hơn với bản thân mình, tôi vui lòng nói rằng tôi cố gắng tích hợp nhiều loại trào lưu tư tưởng. Khi phải nêu tên những người đã có ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi, tôi thường nhắc đến tên Schumpeter, Keynes, Hayek, nhưng cùng trong danh sách này tên của Karl Marx luôn đứng ở vị trí đầu tiên.







Tài liệu tham khảo



BENCE, G. – KIS, J. [1978] : Towards an East European Marxism, under the pseudonym Marc Rakovski, London: Allison and Busby.

BRÓDY, ANDRÁS [1970] : Proportions, Prices and Planning: A Mathematical Restatement of the Labor Theory of Value, Budapest – Amsterdam: Akadémiai Kiadó - North Holland.

BRUS, W. (1961) [1972] : The General Problems of the Functioning of the Socialist Economy, New York -London: Routledge.

COLLINS, P. [2008] : Karl Marx : Did he get it all right ? Times, October 21, 2008. http://www.timesonline.co.uk (Downloaded November 4, 2008.)

ELSTER, J. [1991] : Making Sense of Marx, Cambridge – Paris: Cambridge University Press – Maison des Sciences de l’Homme.

ENGELS, F. (1872) [1978]: On Authority, in Marx-Engels Reader, second edition (first edition in 1973), pp.730-733. New York: Norton.

ENGELS, F. (1981) [1988] : Introduction, in Karl Marx : The Civil War in France : The Paris Commune, pp.9-22. , New York: International Publishers..

FOLEY, D. [1986] : Understanding Capital : Marx’s Economic Theory, Cambridge MA: Harvard University Press.

KAUTSKY, K. (1918) [1964] : The Dictatorship of the Proletariat, University of Michigan Press.

KORNAI, J. [1980] : Economics of Shortage, Amsterdam: North-Holland

KORNAI, J. [1993] : The Socialist System, Princeton - Oxford, Princeton: University Press – Oxford University Press. (Hệ thống xã hội Chủ nghĩa, NXB Thông tin, 2002)

KORNAI, J.(2005) [2007] : By Force of Thought - Irregular Memoirs of an Intellectual Journey, Cambridge, Massachusetts and London, England: The MIT Press. (Bằng sức mạnh Tư duy, NXB Thanh Hoá, 2008)

LAYARD, R. – NICKELL, S. – JACKMAN, R. [2005] : Unemployment. Macroeconomic Performance and the Labor Market. Oxford: Oxford University Press.

LENIN, V. I. (1918) [1964] : The Proletarian Revolution and the Renegade Kautsky, Moscow: Foreign Languages Press.

MANDEL, E. [2008] Marx, Karl Heinrich (1818–1883), in Durlauf, S.N. – Blume, L.E. (eds.) The New Palgrave Dictionary of Economics. Second Edition. Vol. 5. pp. 384-405. Palgrave - Macmillan.

MARX, K – F. ENGELS (1848) [1969] : The Communist Manifesto, Marx-Engels Selected Works, Volume One, Moscow: Progress , pp. 98-137.

Marx, K. (1871) [1988] : The Civil War in France, in Karl Marx : The Civil War in France : The Paris Commune, New York: International Publishers.

MARX, K (1873) [1974] : Political Indifferentism, in Karl Marx : The First International and After, New York: Vintage Books

MARX, K. (1867) [1967] : The Capital : A Critique of Political Economy Vol. 1., New York: International Publishers.

MARX, K. (1863-1883) [1967] : The Capital : A Critique of Political Economy Vol. 3, New York: International Publishers.

MORISHIMA, M. [1973] : Marx’s Economics : A Dual Theory of Value and Growth, Cambridge: Cambridge University Press.

OZ, A. [2006] : How to Cure a Fanatic, Princeton: Princeton University Press.

ROEMER, E. J. (ed.) [1986] : Analytical Marxism, Cambridge, UK: Cambridge University Press.

ROEMER, E. J. (ed.) [1994] : Foundations of Analytical Marxism, Brookfield: Elgar.

TABBIT, F. [2006] : A Brief History, Scope, and Peculiarities of „Analytical Marxism”, Review of Radical Political Economics, www.sagepublications.com





* Nguyễn Quang A dịch dựa vào nguyên bản tiếng Hungary, “Marx egy ketet-erópai értelmiségi szemével” và bản dịch tiếng Anh, “Marx through the eyes of an east european intellectual”. Có thể tiếp cận cả hai bản tại: http://www.colbud.hu/fellows/kornai.shtml

1 Tôi cảm ơn Dániel Zsuzsa, Madarász Aladár, và Nagy Eszter vì sự giúp đỡ quý báu của họ cho việc soạn tiểu luận này. Tôi cảm ơn Brian McLean đã dịch sang tiếng Anh, cảm ơn Collegium Budapest và Đại học Trung Âu đã hỗ trợ nghiên cứu của tôi.

2 Tôi chọn ra các công trình sau từ văn liệu gần đây và đương đại: Elster (1991), Foley (1986), Kolakowski (1978), Mandel (2008), Roemer (1986 và 1994) và Tabbit (2006).

Các sách giáo khoa về lịch sử lý thuyết được dùng ở các đại học phương Tây – hay chí ít các sách giáo khoa được xuất bản trong mười năm lại đây – có nhắc đến các công trình của Marx nhưng thường không phân tích hay đánh giá chúng một cách sâu sắc. Xem, thí dụ, Backhouse (2002) và Vaggi and Groenewegen (2006)

3 Hồi ký tự sự của tôi được xuất bản bằng tiếng Hungary năm 2005. Kế tiếp là các lần xuất bản bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, rồi đến tiếng Nga, Ba Lan và tiếng Việt. Bản tiếng Trung Quốc đang chuẩn bị. Cuốn sách được Tsuneo Morita dịch ra tiếng Nhật và được Nippon-Hyoron-Sha xuấ bản ở Tokyo.

4 Amos Oz, nhà văn lớn của Israel, cũng rút ra những kết luận tương tự trong kiệt tác của ông: How to Cure a Fanatic [Chữa trị một kẻ cuồng tín thế nào] (2006).

5 Không chỉ những người chưa bao giờ chịu ảnh hưởng của Marx có lập trường này, mà cả hầu hết các đại diện của cái gọi là “chủ nghĩa Marx giải tích – analytical Marxism” cũng có lập trường như vậy cho dù họ coi hầu hết các yếu tố của lý thuyết xã hội và triết học của Marx là của mình.

6 Cuộc vật lộn với các tư tưởng của Marx và sự vượt từ từ qua chủ nghĩa Marx có thể thấy trong các công trình của nhiều nhà khoa học xã hội Đông Âu. Tôi chỉ nhắc đến hai công trình đáng chú ý và có ảnh hưởng, là cuốn sách của W. Brus (1972), xuất bản lần đầu tiên ở Ba Lan năm 1961, và nghiên cứu của G. Bence và J. Kis (1978). Bản xuất bản chui (samizdat) của cuốn sau đầu tiên được lưu truyền bất hợp pháp ở Hungary, rồi được xuất bản dưới một bút danh trong một tạp chí của người Hung di tản ở Paris.

7 Tôi đã thử nêu các đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa bằng vài dòng ngắn gọn. Các ý tưởng của tôi được trình bày chi tiết trong cuốn Hệ thống xã hội chủ nghĩa (1992, 2002).

8 Về sự quan tâm được hun nóng đột ngột đến Marx, xem, thí dụ bài báo của tờ Times ở London (Collins 2008).

9 Các ý tưởng của Marx về vấn đề này thường được diễn giải rằng xu hướng suất lợi nhuận giảm dần cuối cùng sẽ dẫn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đến mất khả năng. Dựa vào những cân nhắc lý thuyết cũng như các sự thực lịch sử, đa số các nhà phê phán nghi ngờ bản thân xu hướng này. Về phần mình, tôi đồng ý với các nhà phê phán.

10 Marx đã không tổng kết các ý tưởng của mình về các cuộc khủng hoảng có chu kỳ. Có lẽ những chỗ quan trọng nhất để dẫn chiếu đến ở đây là Tư bản luận tập III, chương 30. Mandel (2008) cho một tổng kết ngắn gọn về các ý tưởng của Marx liên quan đến các cuộc khủng hoảng.

11 Hiện tượng trung tâm đối với nghiên cứu của tôi (Kornai 1980) là sự thiếu hụt kinh niên về hàng hoá và sức lao động xuất hiện trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chính là ảnh đối xứng của hiện tượng dư thừa kéo dài do Marx và Keynes mô tả, tức là hiện tượng đối xứng với nó và có dấu ngược lại.

12 Ngày nay ở Đông Âu, ngay cả những người năm 1989 vẫn bình tĩnh dạy “chủ nghĩa duy vật biện chứng” hay “kinh tế học chính trị” [mác-xít] cũng trả lời là không. Tuyên bố trên của tôi có những tiền đề cá nhân khác. Như tôi đã nói ở đầu: tôi bắt đầu như một người mác-xít. Thế nhưng, tháng 11-1956, sau khi các xe tăng Soviet đã tràn vào Budapest, tôi đã tuyên bố với bí thư đảng bộ địa phương lập trường chính trị của mình: hãy ghi nhận tôi không còn là người mác-xít nữa. Tuyên bố này đã gây nhiều khó khăn cho đời sống của tôi sau đó, trong một thế giới hàn lâm nơi mà theo nghĩa đen của từ bắt buộc phải là người mác-xít.

Source : DIEN DAN FORUM

Phan Huy Đường - Lại Karl Marx

Lại Karl Marx !





Phan Huy Đường



Ông cụ này chết dai hơn đỉa. Mỗi lần "thị trường toàn cầu hoá" khủng hoảng, người ta lại lôi cổ ông ra bàn. Dĩ nhiên theo kiểu trích một ý, một "quy luật", bàn cho vui rồi quên, qua chuyện khác… Nhưng cũng có thanh niên đã no đòn chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 20, vẫn nỗ lực tìm hiểu học thuyết kinh tế của ông, phê phán những sai lầm hay thiếu hụt của nó đúng theo lôgích nội tại của nó, để trang bị cho mình một phương tiện tiếp cận và tìm hiểu những hiện tượng kinh tế thời nay.

Hoài bão ấy chính đáng và bổ ích. Những lý thuyết nền tảng trong mọi lĩnh vực của sự hiểu biết đều như thế : nó cần được và sẽ được phê phán và bổ sung cho tới khi người ta khai thác cạn những khả năng hiểu biết mà nó chứa đựng.

Thí dụ 1 : lý thuyết của Newton về vật-giới. Miễn bàn. Ai thích tìm hiểu, trong nước đã có mấy quyển sách quý giá về lịch sử phát triển của ngành vật lý hiện đại. Chẳng ai dám chê Newton già nua lỗi thời hết tuy ông đáng làm cụ kị của Marx (hơn Marx ít nhất 150 tuổi !)

Thí dụ 2 : lý thuyết của Darwin về sinh-giới. François Jacob (Nobel Pháp) có nhận định lý thú sau. Ngày này, một sinh viên năm thứ nhất trong lĩnh vực này, sau vài tuần nghe giảng dạy, đã có thể thoải mái "xào nấu" (bricoler) những chuỗi gien (séquence génétique) để tìm hiểu thế giới sinh vật. Thời Darwin, chẳng ai tưởng tượng tới gien cả. Chính Darwin cũng không có chút kiến thức nào về sự di truyền (Mendel). Tuy vậy, tất cả những kiến thức mà loài người đã đạt được từ thời Darwin tới nay đều không vượt qua tầm nhìn tổng quát và mấy khái niệm cơ bản của ông về sinh-giới. Chỉ trong tầm nhìn ấy với những khái niệm ấy thì những kiến thức kia mới có ý nghĩa như những viên gạch "hiệu đính", củng cố và phát triển lý thuyết của Darwin. Đủ thấy kiến thức và trí tuệ là hai phạm trù rất khác nhau.

Đối với tôi, lý thuyết kinh tế của Marx cũng có vai trò tương tự trong một lĩnh vực hiểu biết phức tạp hơn nhiều. Ngày nào hình thái kinh tế chính trị tư bản còn thống trị đời sống hàng ngày của nhân loại, ngày đó tư tưởng và lý thuyết kinh tế của Marx chưa thể "chết" được : duy nó mới cho phép ta hiểu một cách lôgích có thể tạm chấp nhận được sự vận động của hình thái kinh tế chính trị tư bản.

Tôi vui mừng thấy vẫn có thanh niên, nhất là Việt Nam, vẫn quan tâm tới học thuyết kinh tế của Marx.

Tôi xin góp với các bạn 3 ý nhỏ.



1/ Sử dụng khái niệm


Bất kể ta đồng ý hay không, ta nên cố gắng sử dụng khái niệm của người khác một cách thật chính xác, nhất là những khái niệm nền tảng của một lý thuyết. Nếu không, ta sẽ lạc đường, mất thời giờ hết sức, có càng nhiều kiến thức lẻ, càng mất thời giờ.

Thí dụ khái niệm "giá trị của lao động" (valeur du travail) hay, hàm hồ hơn, "giá trị lao động" (valeur-travail ?)

Đó là một khái niệm của Ricardo, vẫn làm nền tảng cho các học thuyết kinh tế tư sản đời nay, vẫn tồn tại trong ngôn ngữ thường ngày của người đời dưới nhiều dạng, "thị trường lao động" (marché du travail) chẳng hạn.

Nếu Marx có viết cụm từ này ở đâu đó thì chỉ có thể là để vạch ra tính hão huyền của nó.

a/ Vì chính Marx đã mất 10 năm nghiên cứu để định nghĩa lại khái niệm giá trị trao đổi của hàng hoá (Góp phần phê phán kinh tế chính trị học), rồi mất 10 năm nghiên cứu nữa để hoàn chỉnh định nghĩa của khái niệm giá trị của hàng hoá (Tư bản luận). Định nghĩa giá trị đó không thể sử dụng cho lao động được. Lao động là hành động của con người. Nó chỉ hiện thực khi con người thực sự tác động vào thế giới. Thế thì, trong nhân gian bé tí này, mò tận gầm trời đáy biển cũng không đâu tìm được một "thị trường lao động" để "mua lao động". Ngược lại, thị trường sức lao động thì có thực, cứ ra "chợ cơ bắp", "chợ người" hay thị trường gọi là lao động thì thấy : một đống người rất khác nhau, đàn ông có, đàn bà có, cụ già và trẻ con cũng có nốt, chẳng ai thực sự biết mình sẽ làm gì, đang chờ đón người mua mình để được lao động nuôi thân. Ở đó, có món hàng ấy và món hàng ấy có giá trị. Giá trị của nó là bao nhiêu, tính toán được khá chính xác, sau đó, nó chệch choạc cân bằng theo "quy luật" cung cầu tại trận. Tôi đã trình bày vấn đề này đâu đó trong oép của tôi, xin không trở lại.

b/ Vì chính Marx, trong Tư bản luận, đã chứng mình rằng nếu lao động của con người có giá trị (như Ricardo tưởng tượng) và nếu giá trị ấy được trao đổi ngang giá với lao động của người khác đúng theo nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường thì không tài nào hiểu nổi sự hình thành và phát triển của hình thái kinh tế tư bản trong lòng kinh tế thị trường.

Như thế, khi ta dùng khái niệm "giá trị lao động", ta bàn về học thuyết kinh tế của ai đó, không bàn về học thuyết kinh tế của Marx.

Trong học thuyết kinh tế của Marx, cơ bản chỉ có vài khái niệm gốc thôi : hàng hoá, lao động, sức lao động, giá trị của hàng hoá, giá trị của sức lao động, giá trị thặng dư… Thế cũng đã đủ để hiểu lõi cơ bản của kinh tế thị trường và kinh tế tư bản. Chẳng khác gì học thuyết của Darwin chỉ có hai khái niệm cơ bản thôi mà mở đường hiểu biết và thu nhập một cách nhất quán biết bao nhiêu sự kiện và kiến thức lạ lùng trong sinh giới từ thời ông tới hôm nay. Nhưng hiểu cho đúng và cạn ý nghĩa của những khái niệm loại này, chẳng dễ tí nào. Trong mọi lĩnh vực của tri thức, những khái niệm cơ bản nhất thường rất đơn giản và rất… khó hiểu !



2/ Phê phán để phát triển một khái niệm trong một hệ suy luận


a/ chúng ta có toàn quyền sáng tạo hay định nghĩa lại một khái niệm để xây dựng một hệ suy luận của riêng ta trong bất cứ lĩnh vực nào của sự hiểu biết. Cứ thoải mái làm, chẳng ai cấm được. Tôi đã làm chuyện ấy đối với khái niệm "biện chứng" trong quyển Tư duy tự do. Chẳng ai than phiền cả. Còn sẽ có ai chia sẻ hay không, để xem…

b/ nhưng khi ta muốn phê phán những sai lầm hay thiếu hụt của một khái niệm trong một hệ suy luận để phát triển hệ suy luận đó, giúp nó có khả năng tiếp cận và giải thích những sự kiện chưa hề có hay chỉ có ở dạng chi tiết không đáng kể ở thời hệ suy luận đó ra đời thì, chí ít, ta phải tôn trọng "môi trường suy luận" trong đó khái niệm ấy có ý nghĩa và giá trị.

Thí dụ, ta muốn phát triển định nghĩa của khái niệm hàng hoá của Marx để xử lý tất cả những gì người đời gọi là hàng hoá công cộng, kể cả những "dịch vụ" của Nhà nước (giáo dục chẳng hạn). Đây là một cái mode đang thịnh hành tại Pháp : biến Nhà nước thành một xí nghiệp, biến quan hệ giữa Nhà nước với công chức thành quan hệ chủ tư bản – người làm thuê, biến quan hệ giữa Nhà nước với công dân thành quan hệ trao đổi hàng hoá trong thị trường, với những khẩu hiệu như : người sử dụng (utilisateur) những phương tiện hay dịch vụ của Nhà nước (service public) phải được coi như khách hàng (client) và Nhà nước chẳng qua cũng chỉ là một người kinh doanh như mọi người kinh doanh khác trong thị trường.

Nếu ta lựa chọn hướng đi a/ ta cứ thoải mái phát triển tư duy của ta trong lĩnh vực này, không nên mất thời giờ tìm cách phát triển kinh tế học của Marx.

Nếu ta lựa chọn hướng đi b/ thì cần xem lại điều sau.

Trong kinh tế học và tư tưởng của Marx, để cho sản phẩm của con người có thể hiện-thực dưới hình thái hàng hoá, chí ít phải có 2 điều kiện :

i/ lực lượng sản xuất phải đạt tới mức con người có khả năng sản xuất nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ cho phép nó tồn sinh. Đây là cơ sở của mọi hình thái bóc lột trong lịch sử của nhân loại, kể cả trong những nền văn minh nô lệ. Ừ, cũng là nền văn minh đó, cứ coi văn minh Ai Cập hay Hy Lạp xa xưa thì thấy. Giữa chủ nô và nô lệ có quan hệ trực tiếp tước đoạt "giá trị thặng dư" như những kinh tế gia mácxít và không mácxít, đều không hiểu Marx, thích nói. Thực tế là tước đoạt sản phẩm của lao động, bằng bạo lực, không có quan hệ trao đổi hàng hoá, không có vấn đề giá trị nói chi tới giá trị thặng dư.

ii/ phải có sự hiện diện của hai tác nhân (cá nhân hay tập thể) tự do và bình đẳng với nhau trong tư cách mình là chủ của sản phẩm được mang ra để trao đổi. Vì họ tự do, họ có toàn quyền bán sản phẩm của mình để mua sản phẩm của tha nhân. Vì họ bình đẳng với nhau, họ trao đổi sản phẩm trên nguyên tắc đồng thuận, không ai chèn ép ai, nên họ có thể trao đổi với "giá phải chăng" đối với mỗi người. Đại khái : cả hai bên đều không thấy mình bị lấn áp, thua thiệt. Họ thấy mình đã trao đổi ngang giá. Toàn bộ những quan hệ ấy gọi là thị trường tự do, toàn bộ những sản phẩm được trao đổi với nhau như thế, gọi là hàng hoá. Khái niệm hình thái đó.

Quan hệ giữa Nhà nước và công dân không dính dáng gì hết với quan hệ trao đổi hàng hoá trong thị trường tự do ! Đó là quan hệ quyền lực, cưỡng ép. Không hề có sự trao đổi bất cứ gì trên nguyên lý tự do và bình đẳng thể hiện qua sự tự do mặc cả rồi đồng thuận về giá cả.

Nguồn thu cơ bản của Nhà nước là thuế, trực tiếp hay gián tiếp. Mỗi năm, Nhà nước quy định ai đóng thuế bao nhiêu. Ai không bằng lòng thì cứ chửi (tại các nước dân chủ) nhưng ai trốn thuế mà bị tố giác thì… "ăn đòn" liền (trong tất cả các chế độ dân chủ hay không !) "Dịch vụ" mà Nhà nước mang lại cho dân – đường xá, cầu cống, công viên, điện nước, TV, điện thoại, bưu điện, giáo dục và đào tạo et tutti quanti – Nhà nước có thể "cho không", ai cũng có thể thoải mái sử dụng, kể cả người không đóng thuế, chẳng tốn xu nào. Nhưng nó cũng có thể phán : muốn dùng, nộp "thuế" (redevance) bây nhiêu, chấm hết. Ai không nộp đủ thì, hè hè, nó cúp. Đừng có hòng mặc cả, dù một xu.

Gọi đó là quan hệ trao đổi hàng hoá trong thị trường được chăng ? Với kinh tế học macxít, chắc chắn là không. Còn sửa đổi định nghĩa khái niệm hàng hoá của Marx để có thể nói là có thì nên dẹp kinh tế học của Marx và xây dựng kinh tế học của chính mình cho đỡ mất thời giờ giải quyết những mâu thuẫn nội tại trong tư duy của mình. Có sao đâu ? Người đời đã làm như thế cả trăm năm rồi. Có nhiều người còn lĩnh giải Nobel kinh tế mà.

Dù sao, chúng ta cũng nên thử tìm hiểu vì sao một quan điểm như thế có thể xuất hiện và lôi cuốn một số người.

Kinh tế là quan-hệ giữa người với người. Quan-hệ ấy rất khác quan-hệ vật-lý hay sinh-học giữa người với tự-nhiên. Nó không "trắng đen" như trong quan hệ giữa người với vật-giới : suy luận đúng thì được việc, sai thì… vỡ mặt tức khắc. Nó cũng không "đơn giản" như quan hệ giữa người với sinh-giới. Trong quá trình vận động của xã hội loài người có những lúc nó tranh tối tranh sáng. Do đó, nhận diện tính đặc thù của từng hiện tượng kinh tế trong từng thời điểm của lịch sử rất khó và nêu danh nó cho chính xác còn khó hơn. Có những lúc, Nhà nước, trong một số lĩnh vực, thực sự ứng xử như một tư nhân trong thị trường. Thí dụ.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Pháp kiệt quệ. Trong một số năm, giá cả của một số nhu yếu phẩm, bột mì, bánh mì chẳng hạn, do Nhà nước cưỡng ép. Quan trọng hơn, Nhà nước tư bản đã quốc hữu hoá không ít lĩnh vực kinh tế, dùng tiền của dân đầu tư vào rất nhiều khu vực sản xuất chiến lược trong những công ty quốc doanh : đường sắt, điện, gaz, điện thoại, bưu điện, viễn thông, năng lượng nguyên tử, v.v. Nhiều công nghệ mũi nhọn của Pháp ngày nay đã hình thành và phát triển trong bối cảnh ấy. Trong giai đoạn này, sản phẩm của các công ty quốc doanh hiện thực dưới hai hình thái khác nhau, tuỳ nó được "trao đổi" xuyên qua quan hệ nào.

a/ nếu là bán cho khách hàng ngoại quốc thì nó là hàng hoá đích thực, xuyên qua quan hệ thị trường quốc tế, có cạnh tranh.

b/ nếu là "bán" cho dân thì nó không là hàng hoá : mỗi năm, chính phủ quyết định "giá" điện là bao nhiêu và thu tiền dưới hình thái redevance, một loại thuế hoàn toàn không bị thị trường chi phối. Thuở ấy, người Pháp dùng từ chính xác thế đấy.

Tới thập niên 70, Nhà nước Pháp trực tiếp hay gián tiếp chi phối khoảng 1/3 hoạt động kinh tế của nước Pháp. Đó là 30 năm phát triển kinh tế huy hoàng của Pháp (30 glorieuses).

Bắt đầu từ thập niên 80, cao trào tư hữu hoá triệt để lan tràn Châu Âu và hiện nay đã trở thành "nguyên lý" đối với các chính đảng của toàn bộ Châu Âu, tả cũng như hữu. Tiến hành ý thức hệ ấy nhanh hay chậm tuỳ thuộc nghiệm sinh của từng dân tộc. Thế nào đi nữa cũng nên khôn khéo đi từng bước. Một trong những bước ấy là : vừa chấm dứt độc quyền của Nhà nước trong một lĩnh vực kinh tế, cho phép tư nhân bước vào để cạnh tranh, vừa từ từ tư hữu hoá công ty Nhà nước. Trong quá trình ấy, có lúc công ty của Nhà nước bắt buộc phải cạnh tranh với công ty tư nhân, bắt buộc phải bán sản phẩm của mình "theo giá thị trường", tức là Nhà nước ứng xử y hệt như một ông chủ tư bản trong thị trường. Theo lý thuyết của các kinh tế gia tư bản, sự cạnh tranh "tự do" "trong suốt" ấy sẽ có lợi cho người tiêu dùng : giá cả ắt phải hạ và nó sẽ tối ưu khi Nhà nước cút khỏi thị trường để cho nền "kinh tế thị trường" tự điều tiết với "bàn tay vô hình" của nó và chó phép bàn dân hưởng tính siêu việt của nó : sống thoải mái hơn, sung sướng hơn, ít nhất là với những kẻ không lười biếng, chịu khó làm ăn, không sợ rủi ro, sẵn sàng uyển chuyển và di động (nghĩa là… đổi công ăn việc làm, chỗ ở, nếp sống, kiểu Hãng bảo đi là đi, Hãng bảo đánh là thắng !), cố gắng vươn lên mãi mãi et tutti quanti. Tiếc thay, trong thực tế thì ngược lại ! Một mặt, số người lao động có biên chế trong các công ty quốc doanh hay nửa quốc doanh càng ngày càng giảm, làm việc càng ngày càng nặng nề căng thẳng hơn, số người lao động bấp bênh càng ngày càng tăng và, mặt khác, giá cả, nói chung, càng ngày càng đắt đỏ hơn : xăng, dầu, khí đốt, nước, điện, bưu điện, et tutti quanti ! Mỗi lần rục rịch tư hữu hoá một công ty của Nhà nước thì bàn dân nên chuẩn bị tinh thần : giá cả sẽ… tăng ngay. Phải điên điên mới tin rằng thay thế độc quyền trong một số lĩnh vực kinh tế của những Nhà nước tại Châu Âu bằng độc quyền của vài hãng tư bản quốc tế (gần1/2 vốn tư bản của 40 hãng tư bản lớn nhất của Pháp thuộc quyền sở hữu của người ngoại quốc) sẽ mang lại lợi ích cho toàn dân của các nước ấy ! Dù sao anh chính khách còn lệ thuộc cử tri tí ti trong cuộc bầu cử tới nếu muốn tiếp tục làm chính trị. Còn chủ tư bản thì chẳng lệ thuộc ai, trừ Nhà nước, khi nó quyết định hành động của nó. Và nó hành động chỉ vì một mục đích thôi : cuối năm nay, tỷ lệ lời tăng hay giảm bao nhiêu so với năm ngoái ? Có nên rỡ nhà máy qua Trung Quốc để tăng lợi nhuận nhờ giá sức lao động thấp chăng ? Thế thôi.

Từ ấy, cái mode coi Nhà nước như một ông chủ tư bản trong thị trường, phát triển trong ngôn từ của một số lý thuyết gia. Đến mức người ta đòi quản lý Nhà nước như một xí nghiệp với những phương pháp quản lý xí nghiệp thông dụng ! Ngược lại, người ta đưa vào đời sống của xí nghiệp những khái niệm chẳng dính dáng gì với thực tế của nó : chế độ cai trị xí nghiệp (gouvernement d'entreprise), văn hoá xí nghiệp (culture d'entreprise) et tutti quanti. Kết quả : một môi trường ngôn ngữ hằm bà lằn, ai muốn nói gì hiểu sao cũng được. Xưa nay ngôn ngữ vẫn là phương tiện cơ bản và hữu hiệu nhất để lừa gạt, thống trị nhau và để lừa gạt chính mình mà !

Sự kiện mới, hiện tượng mới trong đời sống kinh tế toàn cầu hôm nay, ngày nào cũng có. Tìm hiểu lẻ tẻ từng cái rất cần thiết và bổ ích nhưng không chắc giúp ta hiểu nổi đại thể, nhất là khi ta phóng đại những kiến thức lẻ ấy thành một nguyên lý mới cho phép hiểu toàn bộ hệ thống kinh tế. Những modes kiểu này đã từng có quá nhiều và chẳng đi tới đâu cả. Chắc nhiều người còn nhớ thời trang "small is beautiful" chứ ? Nó là một thời trang lớn, ngày nay, chẳng còn ai nói tới. Quyển sách ra đời năm 1973, rồi lan tràn khắp thế giới. Chẳng bao lâu sau cả thế giới chứng kiến những tập trung tư bản khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử ! tới nay vẫn đang tiếp tục. Đúng như Marx đã từng phân tích và "tiên đoán" như một quy luật của kinh tế tư bản cách đây hơn cả… 100 năm ! Thế mà còn có người phán chàng đã lỗi thời !

Nhét loạn xạ tất cả những sự kiện ấy đằng sau một ngôn từ và phán ngôn từ ấy là một khái niệm cơ bản, mới, hoàn chỉnh hơn tất cả các khái niệm có trước đó cũng không chắc giúp ta hiểu biết hơn thực tế hiện nay.



3/ Để hiểu những ý tưởng của Marx trong những lĩnh vực tri thức khác nhau


Không chóng thì chầy sẽ phải tìm hiểu triết lý của chàng vì :

a/ nó là nền tảng cuối cùng của mọi suy luận của chàng1 trong mọi lĩnh vực của tư duy.

b/ nó chẳng giống ai cả. Cơ bản, đó là một phương pháp suy luận quái đản : có lôgích hình thức nhưng không là lôgích hình thức của Kant2 ; có lôgích biện chứng nhưng không là lôgích biện chứng của Hegel ; duy vật, nhưng không là duy vật của Feuerbach ; duy tâm nhưng không là duy tâm của Pascal, Descartes hay một đống triết gia khác từ ấy tới nay. Phải chăng vì thế mà có hai người đọc Marx thì có ngay hai cách hiểu khác nhau ?

Thế thì, hoặc nó là một loại tôn giáo hàm hồ, ai muốn tin gì thì tin và sử dụng tuỳ tiện ; hoặc nó có một giá trị nhận thức mà ta chưa hiểu rõ hết vì nó chưa được biến thành lời một cách dễ hiểu trong ngôn ngữ hôm nay của chúng ta.

Trường hợp thứ nhất, miễn bàn.

Trong trường hợp thứ hai, ngoài chính ta, không ai có thể giúp ta hiểu nó được. Nếu ta có khả năng hiểu nó hơn người đời xưa thì vì :

a/ ta đã no đòn của các cách hiểu trước.

b/ kinh nghiệm và kiến thức mà người đời đã tích lũy trong suốt thế kỷ 20 và nghiệm sinh của chính ta có điều giúp ta thấy rõ hơn một số vấn đề.

Tôi chỉ có khả năng góp mấy ý ấy thôi.

Chúc các bạn tự tin vững bước trên con đường tìm hiểu và hành động của các bạn.



2009-08-06,

Phan Huy Đường




1 Triết lý của Marx hình thành khi chàng ở tuổi 25, chưa làm cụ của ai cả.

2 ngày nay vẫn còn có giá trị trong nhiều lĩnh vực của tư duy, chưa già nua, lỗi thời tí nào cả tuy ông cụ này sinh trước Marx gần một thế kỉ !

Source : DIENDAN FORUM

Vĩnh Sính - QUAN SÁT VĂN MINH TÂY PHƯƠNG

QUAN SÁT VĂN MINH TÂY PHƯƠNG
Vĩnh Sính
04/08/2010

Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đang làm cuộc Nam du từ tháng 2 năm 1905, bắt đầu từ Quảng Nam (...) Vào đến Nha Trang thì đã tháng 4, nghe tàu Nga đang ghé ở Cam Ranh, ba chí sĩ bèn giả làm người bán thức ăn rồi thuê ghe ra tận nơi nhằm quan sát văn minh Tây phương cho thỏa chí. Chúng ta thử phác họa bức tranh toàn cảnh của cuộc đi “thám hiểm” đó.



'QUAN SÁT VĂN MINH TÂY PHƯƠNG':

CHUYỆN PHAN CHÂU TRINH, HUỲNH THÚC KHÁNG
VÀ TRẦN QUÝ CÁP ĐI XEM CHIẾN HẠM NGA
CẬP BẾN Ở VỊNH CAM RANH, THÁNG 4, 1905




Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.

Phan Châu Trinh, “Chí thành thông thánh”, 1905

Văn chương tám vế mơ màng,
Muôn dân nô lệ dưới chân cường quyền.

V.S. dịch

Vĩnh Sính



Lời dẫn nhập: Chiến tranh Nhật-Nga chính thức bắt đầu từ đầu ngày 10 tháng 2, năm 1904.1 Sau khi Nga thất thủ hai cảng Đại Liên (Port of Dalny) và Lữ Thuận (Port Arthur) trên bán đảo Liêu Đông, Nga yếu thế rõ rệt. Không thể dựa vào hạm đội Thái Bình Dương (Pacific Fleet) để lật đảo thế cờ, Nga phải trông chờ vào hạm đội Baltic. Rời cảng Liepaja vào giữa tháng 10 năm 1904, hạm đội Baltic phải đi vòng Phi châu rồi đi qua Ấn Độ Dương trước khi ngược lên Thái Bình Dương. Dọc đường vừa đi vừa tránh sự nhòm ngó của hải quân Anh – bởi Anh là đồng minh của Nhật. Madagascar và Việt Nam là hai thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ, bởi vậy Nga có thể cập bến ở Madagascar và Cam Ranh để lấy thêm than đá và lương thực. Đến cuối tháng 3 năm 1905, hạm đội Baltic cập bến Cam Ranh.

Mặt khác, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đang làm cuộc Nam du từ tháng 2 năm 1905, bắt đầu từ Quảng Nam. Nam du nói nôm na là “đi vào Nam”, Nam đây gồm cả Nam bộ, nhưng giữa đường vì Phan Châu Trinh bị ốm nặng ở Phan Thiết nên đành phải quay về. Trong ba người, Phan Châu Trinh thi Hội đỗ phó bảng khoa Tân Sửu (1901) nhưng đã quải ấn từ quan từ đầu năm 1905; còn Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp vừa đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) nhưng cả hai đều không ra làm quan.

Mục đích của cuộc Nam du là xem xét dân tình và tình hình, đồng thời chiêu mộ những người cùng chí hướng để vạch đường cứu nước. Đến Bình Định, vừa gặp ngày tỉnh mở khoa thi, “người hội hạch đông có năm, bảy trăm”.2 Phan nghĩ rằng “cái học khoa cử làm hại người nước ta đã lâu,... ngày nay còn chun đầu vào như kiến, giấc mộng mê say này không cho một gậy ngang đầu không thể nào thức dậy được”.3 Cả ba giả dạng vào trường thi rồi làm một bài thơ và một bài phú, ký tên chung là Đào Mộng Giác. Kỳ thật, bài thơ do Phan Châu Trinh làm, có đầu đề là “Chí thành thông thánh” (Lòng thành thông đạt đến thánh hiền); còn bài phú “Lương ngọc danh sơn” (Ngọc tốt tìm ở núi danh tiếng) do Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cùng làm chung. Đó đúng là “tiếng sét rầm vang cả trong nước, học giới ta trong hai mươi năm nay, lấy văn tự cổ động để mở mang phong khí, thì bài thi bài phú đó cũng là một bài có ảnh hưởng trong lúc đầu tiên”.4

Vào đến Nha Trang thì đã tháng 4, nghe tàu Nga đang ghé ở Cam Ranh, ba chí sĩ bèn giả làm người bán thức ăn rồi thuê ghe ra tận nơi nhằm quan sát văn minh Tây phương cho thỏa chí. Chúng ta thử phác họa bức tranh toàn cảnh của cuộc đi “thám hiểm” đó.


I


Tảng sáng ngày 31 tháng 3, 1905, từng chiếc khu trục hạm Nga từ từ ló dạng ở cửa biển vịnh Cam Ranh còn quyện sương mù. Những chiếc tàu này vượt cửa Bé vào vịnh trước để kiếm nơi thả neo an toàn cho đoàn tàu 45 chiếc của hạm đội Baltic,5 tức hạm đội Thái Bình Dương II, dưới quyền chỉ huy của đề đốc Rozhestvensky.

Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau đó, hạm đội Baltic thả neo, “đậu thành 5 hàng song song với những chiến hạm bọc sắt lớn nằm án ngữ cửa vịnh”.6 Sau 28 ngày trường vượt trùng dương từ đảo Madagascar thuộc Pháp, Cam Ranh là bến cảng nghỉ chân đầu tiên sau một hải trình dài 4.500 hải lý. Cam Ranh cũng là trạm tiếp tế nhiên liệu và lương thực cuối cùng trước khi đoàn tàu này lên đường đi Vladivostock nhằm trợ chiến cho hạm đội Thái Bình Dương I đang tranh hùng với hải quân Nhật trên vùng biển Bắc Á từ hơn một năm ròng. Cam Ranh còn là điểm hẹn với hạm đội Thái Bình Dương III của đề đốc Nebogatoff hãy còn lẽo đẽo theo sau.





Hạm đội Baltic đang cập bến ở Madagascar



Trước đó Cam Ranh đã một thời là bến cảng khá nhộn nhịp của hải quân Pháp. Vào thời điểm năm 1905, quân cảng này đã “đượm vẻ hoang vắng điêu tàn”.7 Nhưng dù sao Cam Ranh vẫn nổi danh là một “hải cảng thiên nhiên toàn bích, an toàn, rộng rãi, mặt nước phẳng lặng như tờ”.8 Chiến hạm Nga tuy đã lỗi thời, nhưng những giàn cự pháo 12 ly và 10 ly trang bị trên tàu là lý do khiến nhiều quan sát viên cho rằng hải quân Nga “chỉ có thể thua trận trong trường hợp khả năng pháo kích của họ quá tồi”.9 Bởi vậy, sau khi hạm đội Baltic vào hạ neo ở Cam Ranh, dư luận báo chí ở Singapore, Manila, Malacca, Sài Gòn, Hồng Công và những thành phố nhiều người Hoa ở ven biển Thái Bình Dương không ngớt chào xáo về một trận hải chiến không tiền khoáng hậu sắp diễn ra trong nay mai.10 Sĩ phu nước ta chắc hẳn cũng nhờ vậy mà theo dõi được những diễn tiến của chiến tranh Nhật-Nga.

Ngày 2 tháng 4, đề đốc Pháp de Jonquières, phó tư lệnh hải quân Pháp ở Thái Bình Dương, dẫn tuần dương hạm Descartes ghé thăm xã giao hạm đội Nga. Nhưng khi de Jonquières trở lại ngày 22 tháng 4, tuy vẫn giữ thái độ hòa nhã bặt thiệp, đề đốc Pháp yêu cầu hạm đội Nga phải nhổ neo trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Tai sao Pháp lại có thái độ lạnh nhạt với Nga? Lý do dễ thấy nhất là lục quân Nga đang bị lục quân Nhật do danh tướng Nogi Maresuke chỉ huy phản đòn tới tấp trên chiến trường Mãn Châu. Nhưng lý do chính yếu vẫn là áp lực của Nhật và đồng minh là Anh. Bằng mọi cách, hai nước này đòi Pháp phải ngưng chỉ những “hành động có tính cách dung túng” (indulgent attitude) đối với hạm đội Nga. Thêm vào đó, chính quyền Hoa Kỳ cũng cảnh giác cực độ trước sự xuất hiện của hạm đội Nga ở một địa điểm không cách bao xa thuộc địa mà họ mới chiếm từ Tây Ban Nha là Phi Luật Tân.

Nhật báo Evening Sun ở New York bình luận: “Nếu không có sự dung túng” của Pháp và “tệ hơn nữa là sự vô ý” của chính phủ quyền Đông Pháp đã cho phép hạm đội Nga ghé vào Cam Ranh lâu hơn thời hạn 24 tiếng đồng hồ theo luật quốc tế, thì Rozhestvensky không tài gì có thể chuẩn bị giao chiến với hạm đội Nhật. Bài báo kết luận là “ai cũng thấy rằng nếu không có sự che chở của Pháp”, toàn bộ hành trình 18.000 hải lý của Rozhestvensky từ biển Baltic, xuống Đại Tây Dương, vòng châu Phi qua Ấn Độ Dương, rồi ngược lên miền Bắc Thái Bình Dương “bất quá chỉ là một kế hoạch vô vọng, điên khùng” (a hopelessly mad enterprise)”.11 Cần nói thêm là hạm đội Baltic phải vừa đi vừa tránh sự nhòm ngó của hải quân Anh, nhưng nhờ có căn cứ hải quân của Pháp ở Madagascar và Việt Nam cung cấp than đá và lương thực nên cuối cùng mới có thể tham chiến, mặc dù sau đó sẽ bị hải quân Nhật của đề đốc Tôgô Heihachirô (mà sách ta thường gọi là Đông-hương Bình-bát-lang 東郷平八郎) tập kích ở eo bể Tsushima và tiêu diệt sau 24 giờ giao tranh.

Trước yêu sách đột ngột của chính quyền Đông Dương, đúng 1 giờ trưa hôm sau, Rozhestvensky ra lệnh nhổ neo và cho hạm đội Baltic “dàn thành đội ngũ ngoài cửa vịnh Cam Ranh”. Quang cảnh hoành tráng của hạm đội Nga lúc bấy giờ được mô tả trên báo The Times của Anh như sau: “Các chiến hạm Nga dàn thành một hình cánh cung dài như vô tận, trải dài từ mũi Valera sang tận mũi bên này của bán đảo Cam Ranh”.12 Sau khi de Jonquières đã trịnh trọng đưa tiễn chân soái hạm của Rozhestvensky ra đến cửa vịnh, nhằm tránh trách nhiệm cho Pháp là đã cho phép hạm đội Nga vào lấy thêm nhiên liệu và lương thực trong một thời gian khá lâu, ông đánh điện về sở chỉ huy với lời lẽ khôn khéo, tựa hồ như chẳng hay biết gì cả về tình hình chiến sự Nhật Nga: “Hạm đội Nga đã rời bờ biển An Nam và đang tiến về hướng Đông. Không rõ sẽ đi đâu”!13 Sự thật thì sau khi tuần dương hạm của de Jonquières vừa đi khuất, Rozhestvensky lại đưa hạm đội của mình vào ẩn náu, lần này ở vịnh Vân Phong, không cách cửa Bé bao xa. Trên thực tế Rozhestvensky chỉ ra khỏi bờ biển Việt Nam vào ngày 14 tháng 5, sau khi hạm đội Thái Bình Dương III của đề đốc Nebogatoff đã bắt kịp và đã lấy thêm than đá nhằm chuẩn bị cho cuộc hành trình định mệnh. Ngoài ra, trước khi rời Cam Ranh, Rozhestvensky cũng đã khôn khéo dàn xếp để de Jonquières mặc nhận cho một số tàu tiếp tế của hạm đội Baltic khỏi di chuyển ngay nhằm có đủ thời gian để bốc xếp hết than đá.





Hạm đội Baltic đang đi ngang qua vịnh Singapore

Cần nói thêm là trước đó, vào ngày 15 tháng 4, bốn chiếc tàu vận tải của hãng Hamburg-Amerika (Đức) chở 30.000 tấn than đá đã cập bến Cam Ranh để cung cấp nhiên liệu cho hạm đội Baltic. Vì không biết cuộc thư hùng với hải quân Nhật sẽ kéo dài bao lâu, mọi chiến hạm được lệnh đổ than tới mức tối đa. Những chỗ trống trên tàu hầu như đều trở thành nơi chứa than. Than đổ bừa bãi ngay cả trên boong tàu, chỉ có sàn pháo đài được chừa trống nhằm khỏi vướng vít khi lâm chiến.14 Tàu chở than cũng mang theo thư tín gia đình cho thủy thủ gửi qua một địa chỉ trung gian ở Sài Gòn. Hôm đó cũng là ngày đầu tiên sau mấy tuần lễ lênh đênh trên đại dương, thủy thủ trên tàu được ăn xúp cải bẹ và rau tươi chở từ Sài Gòn. Những thương nhân người Pháp cung cấp lương thực đủ loại cho hạm đội, từ trái cây, rau tươi, cho đến bột mì, đồ hộp hay thịt gà, thịt bò. Những hàng này bán “với giá cao kinh khủng, chưa nói những mặt hàng xa xỉ có lời lớn như rượu vang hay rượu mạnh”. Bởi vậy, có thể hiểu tại sao chính phủ Đông Pháp đã chần chừ không muốn nhanh chóng chấp hành lệnh trục xuất.15 Thương nhân người Việt cũng thường mang thực phẩm ra bán bằng ghe.16 Đặc biệt vào đêm 16 tháng 4, 1905, biết thủy thủ Nga sẽ ăn mừng lễ Phục Sinh, ghe thuyền của các thương nhân người Việt chở gà vịt, rượu đế ra bán cho tới khuya. Thủy thủ Nga nhận xét là các mặt hàng do người “An Nam” chở ra bán giá phải chăng, đặc biệt họ tấm tắc tán thưởng món rượu đế, khen là “mỹ tửu” giống rượu của người Nga17 – ý chừng muốn so sánh với rượu Vodka.


II


Có ai ngờ trong những ghe ra bán thực phẩm trên tàu Nga lúc ấy lại có chiếc ghe chở ba người giả dạng thương nhân để quan sát tận mắt văn minh cơ khí của phương Tây! Ba thương nhân giả dạng này không ai khác hơn là ba nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp trong chuyến Nam du.

Trong tự truyện, Huỳnh Thúc Kháng ghi lại về việc lên xem tàu Nga qua mấy dòng đơn giản như sau: “Lúc đi ngang qua Nha Trang, được tin chiến hạm Nga đậu tại Cam Ranh, bèn giả khách buôn, thuê thuyền đánh cá, mua trứng gà cùng trái cây các thứ, lên thuyền Nga xem rất khoái. Đấy chẳng qua vì tính thiếu niên hiếu kỳ, chứ không có ý gì”.18

Trong ba nhà chí sĩ nói trên, chỉ có Huỳnh để lại chứng từ về cuộc “thám hiểm” độc đáo này. Cũng dễ hiểu thôi, vì Trần Quý Cáp thì mất sớm – ba năm sau (1908), khi phong trào Dân biến ở miền Trung bột phát, cụ bị án sát Khánh Hoà là Phạm Ngọc Quát sát hại, còn Phan Châu Trinh thì ít khi đề cập đến việc riêng tư trong các trước tác văn xuôi (hầu hết là chính luận), hay nếu có nhắc tới chuyện riêng chăng nữa thì cũng để làm sáng tỏ những công việc chung có liên hệ tới đồng bào và đất nước mà thôi. Hơn nữa, người nước ta hầu như không có truyền thống biên chép chi tiết về mọi sự việc.

Các đây khá lâu, khi đọc những dòng chứng từ trên đây của Huỳnh Thúc Kháng, người viết không khỏi lấy làm lạ. Đã đành Huỳnh Thúc Kháng là người có trí nhớ tuyệt vời, hầu như chẳng bao giờ lẫn lộn các chi tiết, bởi vậy chúng tôi tin việc các cụ tự mình “tạo điều kiện” để lên quan sát chiến hạm Nga hơn 100 năm trước đây phải là chuyện có thật nên Huỳnh mới ghi lại trong tự truyện cho hậu thế biết. Tuy nhiên, người viết không khỏi thắc mắc vì sao một việc kỳ thú và có ý nghĩa như vậy mà từ trước tới nay ít thấy ai nhắc đến. Thắc mắc ấy cứ lởn vởn trong đầu. Chuyện mạo hiểm của các cụ xui chúng tôi nhớ lại một mẩu chuyện tương tự xảy ra ở Nhật Bản vào giữa thập niên 1850.

Khi chiến thuyền của đề đốc Matthew Perry (Hoa Kỳ) đến Nhật lần đầu tiên vào năm 1853, nhà chí sĩ Yoshida Shôin (người mà Phan Bội Châu thường gọi là Cát-điền Tùng-âm 吉田松陰) nhận thấy cần phải tìm hiểu về Tây phương nên đã táo bạo chèo thuyền nhỏ ra biển rồi tìm cách đột nhập lên tàu của Perry để tìm đường du học. Kế hoạch không thành, Shôin bị bắt và bị giao trả lại cho cơ quan hữu trách Nhật, rồi bị giam lỏng một thời gian trước khi bị hành quyết. Qua những hành động quả cảm trong cuộc đời vỏn vẹn 29 năm, sau khi mất Shôin được người Nhật xem là “người đi tiên phong của phong trào dẫn đến Minh Trị Duy tân”. Một chi tiết rất ít được biết tới, nhưng cụ Ngô Đức Kế có thuật lại rằng khi quan tỉnh lên án đày Huỳnh Thúc Kháng ra Côn Đảo (1908) “có dẫn việc đi xem thuyền Nga mà bắt tội”.

Nhớ lại chuyện cũ, gần đây chúng tôi tìm đọc các sách nói về hạm đội Baltic thử xem có cuốn nào ghi lại thời gian hạm đội cập bến ở Cam Ranh hay chăng. May mắn thay, chúng tôi tìm được hai cuốn sách tiếng Anh, một cuốn đặc biệt nghiên cứu về hạm đội Baltic và một cuốn là hồi ký của một sĩ quan Nga trên hạm đội Baltic còn sống sót sau trận hải chiến với hải quân Nhật ở eo bể Đối Mã. Cả hai cuốn thuật lại khá chi tiết những sự việc xảy ra khi hạm đội vào đậu ở Cam Ranh. Hai cuốn sách đó là : The Fleet That Had to Die (Hạm đội phải bị tiêu diệt) của Richard Hough và Tsushima (Eo bể Đối Mã) do A. Novikoff-Priboy trước tác. Những thông tin về hạm đội Baltic trong thời gian cập bến ở Cam Ranh trong phần đầu của bài viết này phần lớn dựa theo hai nguồn tài liệu đó. Căn cứ vào những thông tin này chúng tôi mới biết chắc là có khá nhiều ghe thuyền của các thương nhân người Việt ra bán thực phẩm cho thủy thủ và việc lên tàu của các thương nhân này cũng khá dễ dàng – một phần có lẽ do nhu cầu khẩn thiết của thủy thủ người Nga về lương thực, đặc biệt là các thức ăn tươi. Do đó, chúng ta có thể suy luận là việc giả dạng làm thương nhân của ba nhà chí sĩ chắc hẳn cũng không mấy khó khăn, điều cốt yếu là cần phải có óc quả cảm, táo bạo và liều lĩnh thì họa hoằn mới dám nghĩ tới kế hoạch đó.

Vậy trong bộ ba Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, ai là người khởi xướng việc này? Chắc hẳn người đó không phải là Huỳnh Thúc Kháng, vì đúng như nhà nghiên cứu Huỳnh Lý đã nhận xét, Huỳnh Thúc Kháng “nhanh nhạy chốn trường ốc nhưng chất phác ở ngoài đời”.19 Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp tính tình đã hăng say mà còn có tầm nhìn sâu rộng, đặc biệt Phan là người “từng trải và nhạy bén”20 và chắc hẳn là nhân vật có đầu óc táo bạo nhất trong bộ ba. Chỉ cần xem một vài hành tung của Phan thì rõ.

Ví dụ, chẳng bao lâu sau chuyến Nam du, khi nghe tin Phan Bội Châu đã đi Nhật, Phan Châu Trinh đã tìm cách lặn lội sang Quảng Đông là chỗ Phan Châu Trinh hẹn với Phan Bội Châu, rồi từ đó sang Nhật chừng 2 tháng (vào năm 1906) để nhìn tận mắt đất nước mới canh tân sau Minh Trị Duy Tân. Chính vì Phan Châu Trinh đã quan sát hạm đội Baltic tại Cam Ranh mà chẳng bao lâu sau đó bị Nhật Bản đánh tan tành, Phan chắc hẳn lại càng muốn nhìn nước Nhật bằng chính mắt của mình. Rồi cũng chính Phan Châu Trinh, sau khi được phóng thích từ lao tù Côn Đảo vào năm 1910, đã tìm đường sang ngay chính nước Pháp để tìm con đường giải cứu cho đồng bào. Tư tưởng “Nhiều tay vỗ nên bộp” và “Không vào tận hang hùm sao bắt được cọp” được thể hiện suốt cuộc đời xả thân vì đồng bào, vì nước quên mình của Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh từng nói: “Việc đời không thể ngồi một xó mà nói được; huống chi thời cuộc chừ gió mây biến đổi, trăm dạng nghìn hình, có đi tới tận nơi mới thấy rõ được”.21 Bởi thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu trên thực tế, giữa Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp, chính Phan Châu Trinh là người đầu tiên ngỏ ý về cuộc đi quan sát văn minh Tây phương táo bạo ngay ở vịnh Cam Ranh hơn 100 năm trước đây.

Khi nhìn lại lịch sử nước nhà vào đầu thế kỷ XX, chúng ta không khỏi có cảm tưởng là dường như bánh xe lịch sử chuyển mạnh từ năm 1905.


Vĩnh Sính


Diễn Đàn Forum số 150, tháng 4, 2005, dưới tiêu đề “Chuyện một trăm năm trước – Tháng 4, 1905 ở vịnh Cam Ranh”.

Viết thêm và sửa lại xong vào cuối tháng 7, 2010.







1 Ngày bắt đầu của chiến tranh Nhật-Nga mà Nhật Bản công bố khác các nước khác. Lý do vì mồng 10 tháng 2 là giờ Nhật chính thức tuyên chiến, nhưng kỳ thật Nhật đã nổ súng từ mồng 9 tháng 2.

2 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử (Huế: Nxb Anh Minh, 1957), trang 18.

3 Như trên.

4 Như trên.

5 A. Novikoff-Priboy, Tsushima (Eo bể Đối Mã) do Eden và Cedar Paul dịch sang tiếng Anh từ tiếng Nga (New York: Alfred A. Knopt, 1937), trang 95.

6 Richard Hough, The Fleet That Had to Die (Hạm đội phải bị tiêu diệt) (New York: The Viking Press, 1958), trang 137.

7 Như trên, trang 129.

8 Như trên, trang 127.

9 Như trên, trang133.

10 Như trên.

11 Như trên, trang 132.

12 Như trên, trang 135.

13 Như trên, trang 136.

14 Novikoff-Priboy, trang 95.

15 Hough, trang 135.

16 Novikoff-Priboy, trang 97.

17 Như trên, trang 98.

18 Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, Anh Minh dịch ra quốc ngữ từ Hán văn. (Huế: Nxb Anh Minh, 1963), trang 26-27.

19 Huỳnh Lý, Phan Châu Trinh : Thân thế và sự nghiệp (Đà Nẵng : Nxb Đà Nẵng, 1993), trang 42.

20 Như trên.

21 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, trang 18.




Source : DIEN DAN

Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org - Contributeurs

7/8/10

MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN

MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN

Báo Hồng Công “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” ngày 25/7 dẫn các tài liệu lịch sử mới được công bố ở Trung Quốc cho thấy ban đầu, Mao Trạch Đông không đồng ý với kế hoạch xâm chiếm Hàn Quốc của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, sau khi Stalin yêu cầu hỗ trợ, Mao Trạch Đông đã thay đổi quyết định và trở thành người ủng hộ mạnh mẽ cho cuộc chiến này. Dưới đây là nội dung bài viết:
Mao Trạch Đông đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Bắc Triều Tiên xâm chiếm Hàn Quốc cho đến 6 tuần trước khi nổ ra cuộc tấn công và nhà lãnh đạo Trung Quốc này chỉ thay đổi chính sách sau một chỉ thị của nhà lãnh đạo Liên Xô, Josef Stalin. Cả Kim Nhật Thành lẫn viên tướng Mỹ, MacArthur, đều tính toán sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng có thể thắng cuộc chiến mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Đó là những tiết lộ từ các tài liệu lịch sử của giới chức Trung Quốc mới được công khai và giúp dư luận có một bức tranh chi tiết hơn bao giờ hết về những quyết định của nhà lãnh đạo của họ.
Những tài liệu này cho thấy Mao Trạch Đông đã bỏ qua lời khuyên của phần còn lại trong chính quyền phản đối cuộc chiến và trở thành người khởi xướng mạnh mẽ cho nó. Sự phản đối quyết liệt của Lâm Bưu, tướng quân đội tài năng nhất của Mao, người đáng lẽ đã thống lĩnh các lực lượng trong cuộc chiến, khiến nhân vật này phải rời Trung Quốc sang Liên Xô một thời gian.
Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên vào ngày 25/6 năm nay, đã dẫn đến một loạt bài viết trên truyền thông Trung Quốc. Vẫn là một điều cấm kỵ với quan điểm việc Trung Quốc tham chiến là một sai lầm và tương lai của quốc gia này đáng lẽ đã tốt đẹp hơn nếu họ không tấn công Mỹ. Tuy nhiên, những thông tin dày đặc vừa qua hơn bao giờ hết cũng giúp dư luận biết được nhiều về các tình tiết trong lịch sử.
Theo cuốn sách “Mao Trạch Đông, Stalin và Chiến tranh Triều Tiên” của tác giả Thẩm Chí Hoa dựa trên các tài liệu chính thức, Trung Quốc không được chia sẻ thông tin về kế hoạch tấn công Hàn Quốc của Bắc Triều Tiên.
Ngày 19/1/1950, Kim Nhật Thành nói với đại sứ Liên Xô tại Bình Nhưỡng rằng ông ta có kế hoạch “giải phóng” miền Nam. Được tin đó, Stalin gửi một bức điện thể hiện ủng hộ kế hoạch, nhưng không nói gì với Mao Trạch Đông – lúc này đang thăm Mátxcơva, Stalin cũng đồng ý cung cấp trong năm 1950 vũ khí và trang thiết bị đã cam kết cho năm 1951, để Kim Nhật Thành có thể tăng thêm 3 sư đoàn, nâng quân đội Bắc Triều Tiên lên 10 sư đoàn. Kim Nhật Thành bảo đảm với Stalin rằng ông ta có thể chiếm xong Hàn Quốc trước khi người Mỹ có thời gian cũng như ý định can thiệp.
Mục đích của Stalin là muốn kiểm soát bán đảo Triều Tiên và dùng các cảng không bao giờ bị đóng bắng là Inchon và Pusan cho hải quân Liên Xô, thay thế cho việc mất cảng Đại Liên (Trung Quốc) mà quân đội Liên Xô đã kiểm soát trong tháng 8/1945. Hồi tháng 3/1949, Mátxcơva và Bình Nhưỡng đã nhất trí xây dựng một tuyến đường sắt nối hai nước và vận chuyển hàng hóa qua hai cảng này.
Phải đến cuối tháng 4/1950, Kim Nhật Thành mới cử một phái viên hàng đầu đến Bắc Kinh để thông báo cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc về kế hoạch tấn công Hàn Quốc. Mao Trạch Đông ban đầu phản đối mạnh mẽ cuộc chiến, nói rằng ông phải lo duy trì ổn định tình hình trong nước của Trung Quốc trước tiên. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông cũng chấp thuận cho hàng nghìn người Bắc Triều Tiên trong Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) trở về phục vụ trong quân đội của Kim Nhật Thành.
Theo chỉ thị của Stalin, đích thân Kim Nhật Thành đến Bắc Kinh ngày 13/5/1950 để cố thuyết phục Mao Trạch Đông. Cuộc đàm phán gay gắt kéo dài đến tận đêm mà hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận nào. Ngày sau đó, Stalin đã gửi cho Mao Trạch Đông một bức điện nói rằng vì những thay đổi trong trật tự quốc tế, giới lãnh đạo Liên Xô đã thông qua kế hoạch của Bắc Triều Tiên: “Vấn đề này phải được các đồng chí Triều Tiên và Trung Quốc giải quyết. Các đồng chí Triều Tiên sẽ đưa cho ông một thông báo chi tiết về các cuộc trao đổi của họ với chúng tôi”. Đối mặt với bức điện đó, Mao Trạch Đông không còn giải pháp nào khác là đồng ý.
Kim Nhật Thành phát động cuộc tấn công vào ngày 25/6/1950 và đã thành công lớn. Nhưng sang tháng 7, Mỹ nhảy vào cuộc chiến và đẩy lui các lực lượng Bắc Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo của một chính phủ mới tại Trung Quốc ngày càng lo lắng: họ đang triển khai các chương trình đối nội lớn như cải cách ruộng đất. Liệu họ có phải dừng các chương trình đó và trở lại chiến tranh?
Kim Nhật Thành khiếp sợ khi chứng kiến hiệu quả tàn phá của không quân Mỹ mà Bắc Triều Tiên không có cách nào ngăn chặn được. Nhà lãnh đạo này gửi một bức điện tới Stalin, khẩn cầu hỗ trợ quân sự mà nếu không từ Liên Xô được thì cũng từ các quốc gia cộng sản khác.
Không muốn gửi quân và đối mặt với nguy cơ gây chiến cùng Mỹ, Stalin gửi một bức điện cho Mao Trạch Đông: “Theo tình hình hiện nay, nếu Trung Quốc có thể hỗ trợ quân sự cho Bắc Triều Tiên thì 5-6 sư đoàn sẽ là ổn thỏa để tiến tới vĩ tuyến 38. Vai trò của họ sẽ là quân tình nguyện và dĩ nhiên, họ nằm dưới sự chỉ huy của Trung Quốc”.
Ngày 1/10/1950, Mao Trạch Đông tổ chức một cuộc họp khẩn Ban Bí thư Trung ương Đảng, bao gồm Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. “Các ý kiến chia rẽ, nhưng với sự ủng hộ của Chu Ân Lai, quyết định cử quân của Mao Trạch Đông đã thắng”. Được chọn làm chỉ huy quân Chí nguyện Trung Quốc tham gia cuộc chiến “Kháng Mỹ viện Triều”, Bành Đức Hoài tham dự một cuộc họp khác tại Trung Nam Hải vào ngày 4/10/1950. Viên tướng này kể lại: “Bầu không khí rất không bình thường. Sự khác biệt trong các ý kiến là rất lớn. Tôi không thể đưa ra một ý kiến nào”. Ngày 19/10/1950, quân Chí nguyện vượt sông Áp Lục và ngày 25/10 cùng năm, họ đụng độ với các lực lượng do Mỹ đứng đầu.
Đó là câu chuyện chính thức. Kim Chung, biên tập viên của “Khai phóng” (một tạp chí Hồng Công chuyên về chính trị Trung Quốc) có một phiên bản hơi khác: “Mao Trạch Đông ủng hộ cuộc chiến. Ông ta nói rằng chỉ 1,5 người ủng hộ, bao gồm ông ta và Chu Ân Lai ủng hộ một nửa. Tất cả các nhà lãnh đạo khách đều phản đối. Họ cho rằng Trung Quốc vừa kết thúc một cuộc nội chiến dài và đang chịu cảnh bị tàn phá. Giờ là lúc cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông quyết định tham chiến để chiều lòng Stalin, “anh cả” của phong trào Cộng sản toàn cầu và để bảo đảm sự hỗ trợ của Liên Xô cho Trung Quốc”.
Theo nhà bình luận này, đây chính là biểu hiện của sự độc tài khi “một cá nhân có thể đưa ra một quyết định nghiêm trọng đẩy một quốc gia vào cuộc chiến. Tại Mỹ, một mình Tổng thống không thể quyết định như vậy mà phải có sự thông qua của cả Quốc hội”.
Quân đội Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên được gọi là “quân Chí nguyện” để tránh một cuộc chiến chính thức với Mỹ. Họ đã có những thành công đáng kể trước đối thủ được trang bị tốt nhất và có công nghệ cao nhất thế giới. Đến Giáng sinh năm 1950, quân Trung Quốc đã có thể chiếm lại phần lớn vùng lãnh thổ mà quân đội Bắc Triều Tiên bị đẩy lùi trước đó. Họ cùng quân Bắc Triều Tiên tái chiếm Xơun ngày 4/1/1951 nhưng bị đánh bật một lần nữa trong tháng 3. Đến tháng 6, hai bên rơi vào thế giằng co dọc vĩ tuyến 38. Phải mất 2 năm để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Kim Nhật Thành là một đối tác ngang bướng và khó chịu. Đầu tiên, ông từ chối hợp nhất các lực lượng của mình dưới sự chỉ huy của Bành Đức Hoài, cho dù lính Trung Quốc chiếm đa số quân đội. Kim Nhật Thành chỉ đồng ý sau khi nhận được một chỉ thị từ Stalin. Ông ta có một cuộc tranh cãi nảy lửa với Bành Đức Hoài vào đầu năm 1951 xung quanh việc liệu liên quân Trung-Triều có nên vượt vĩ tuyến 38. Kim Nhật Thành ra lệnh tiến quân song Bành Đức Hoài từ chối. Một lần nữa, vấn đề chỉ được dàn xếp sau khi có một chỉ thị từ Stalin ủng hộ Bành Đức Hoài.
Để chống lại sức mạnh áp đảo của không quân Mỹ, Stalin buộc phải gửi hàng trăm máy bay chiến đấu MiG. Không quân Liên Xô đào tạo các phi công Trung Quốc hoặc dùng phi công của mình mặc quân phục Trung Quốc và nói tiếng Trung để vẫn giả vờ rằng Liên Xô không can thiệp và tránh xung đột trực tiếp với Mỹ.
Với PLA, một trong những di sản giá trị nhất từ cuộc chiến này là một lực lượng không quân mà trước đó, họ chưa hề có. Kết thúc cuộc chiến, họ có hàng trăm máy bay MiG của Liên Xô và các phi công được huấn luyện chu đáo, trong số đó nổi bật là Lâm Hồ, người bắn hạ ít nhất 6 máy bay chiến đấu Mỹ. Tháng 8/1977, ở tuổi 70, Lâm Hồ vẫn lái loại máy bay huấn luyện mới nhất của không quân Nga bay biểu diễn tại Triển lãm Hàng không quốc tế Mátxcơva trước sự ngưỡng mộ của hàng nghìn quan khách tham dự.
Một di sản khác của cuộc chiến là mối bất hòa giữa Mao Trạch Đông với Lâm Bưu, người phản đối quyết liệt và cho rằng không có không quân hoặc hải quân, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nặng nề. Theo Lâm Bưu, chính phủ mới của Trung Quốc nên củng cố sức mạnh ở trong nước trước khi lao vào một cuộc chiến ở bên ngoài như vậy. Lâm Bưu đến Liên Xô “chữa bệnh” và không tái xuất hiện trên chính trường Trung Quốc cho đến năm 1958, khi nhân vật này được chọn vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Theo các số liệu được hai chính phủ công bố, Trung Quốc có 114.000 quân tử trận trong giao chiến, 34.000 quân tử trận trong các tình huống không giao chiến và 380.000 người bị thương. Trong khi đó, Mỹ có 36.516 quân thiệt mạng và 92.134 người bị thương. Tuy nhiên, nhà bình luận Kim Chung cho rằng số tử trận của quân Chí nguyện phải lên đến 400.000 người trong tổng số 1 triệu lính được điều động. Trong số đó có cả con trai của Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Anh chết khi sở chỉ huy PLA bị một máy bay Mỹ ném bom.
Trần Lâm, một nhà sử học Trung Quốc, cho rằng Mao Trạch Đông gửi ra chiến trường các binh sĩ từ quân đội Quốc dân đảng đã đầu hàng Cộng sản: “PLA thực tế không muốn thu nhận họ. Đó là một cách tốt để loại bỏ họ. Động cơ của Mao Trạch Đông khi tham chiến là để thu hút sự chú ý và công nhận Trung Quốc như một cường quốc, đồng thời đoàn kết người dân trong một cuộc chiến yêu nước”.
Nhà sử học này cũng bình luận: “Kim Nhật Thành đã rất ngạo mạn, tự tin vào sự siêu việt của các trang thiết bị do Liên Xô chế tạo và cho rằng có thể thắng nhanh chóng trước khi người Mỹ can thiệp. Ông ta đã mắc một sai lầm lớn, cũng như viên tướng Mỹ MacAthur khi cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhập cuộc. Cả hai đều quá kiêu căng”.
Trong khi đó, nhà bình luận Kim Chung cho rằng sự can thiệp của Mỹ đã cứu không chỉ Hàn Quốc mà cả Đài Loan: “Nếu không có cuộc chiến, Mao Trạch Đông sẽ xâm chiếm Đài Loan, dùng các làn sóng người làm chiến thuật. Hàng nghìn người sẽ thiệt mạng, nhưng ông ta sẽ thành công. Chiến tranh Triều Tiên đã ngăn cản được điều đó”.
• Dư luận Trung Quốc gia tăng chỉ trích Bắc Triều Tiên
Cũng trong hàng loạt thông tin trên truyền thông Trung Quốc nhân kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên vừa qua, những quan điểm chỉ trích Kim Châng In và chế độ của ông ta cũng trở nên ngày càng mạnh mẽ với câu hỏi: Liệu 150.000 người Trung Quốc tử trận có đáng không để cứu một chính quyền như vậy?
Trương Liễn Khôi, một giáo sư về nghiên cứu chiến lược quốc tế tại trường Đảng trung ương đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nhận xét: “Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia Đông Âu đã lao vào cải cách và các chính sách mở cửa, còn Đức tranh thủ cơ hội để thống nhất. Lịch sử đã trao cơ hội này cho bán đảo Triều Tiên nhưng họ không nắm lấy”.
Vị giáo sư trên cho rằng quyết định của Bắc Triều Tiên về ưu tiên phát triển quân đội và vũ khí hạt nhân đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh của quốc gia Triều Tiên và tình hình trên bán đảo, thách thức cộng đồng quốc tế, châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á.
Các quan điểm chỉ trích Kim Châng In và chế độ của ông cũng trở nên dữ dội hơn. Một bài bình luận trên tờ “Tuần san Phượng Hoàng” trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên đã viết: “Bất chấp sự hy sinh to lớn của các sinh mạng người Trung Quốc trong cuộc nội chiến cũng như những sự hỗ trợ khổng lồ mà Trung Quốc dành cho sau đó, Chính quyền Bắc Triều Tiên vẫn không thể hiện được sự cảm kích xứng đáng. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và chính sách mở cửa, Bắc Triều Tiên một mặt nhận viện trợ của Trung Quốc, mặt khác chỉ trích công khai ý thức hệ của Trung Quốc. Họ bỏ phiếu phản đối Bắc Kinh đăng cai Olympic 2000. Các chính sách của họ đặt Trung Quốc trước sức ép quốc tế và gây thiệt hại nghiêm trọng cho hình ảnh của Trung Quốc. Mỗi lần nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên thăm Trung Quốc, ông ấy đều xem các thành công kinh tế như là minh họa cho một chính sách cải cách mà Bình Nhưỡng có thể học theo. Nhưng quốc gia này lại từ chối bài học đó. Bắc Triều Tiên vẫn phải phụ thuộc tới 90% nguồn dầu mỏ và 80% hàng tiêu dùng vào Trung Quốc trong khi họ chi 25% GDP của mình cho quốc phòng”.
Trong một bài viết khác mang tựa đề “Bắc Triều Tiên-cái bẫy đầu tư”, tờ “Tuần san Phượng Hoàng” nêu ra những câu chuyện đáng buồn của các doanh nghiệp Trung Quốc thiết lập dự án tại Bắc Triều Tiên nhưng trang thiết bị của họ bị tịch thu, tiền bạc bị phong tỏa, các nhà máy phải đóng cửa. Các quy định, luật lệ thay đổi tùy tiện, không thông báo trước và các nhà đầu tư phải tự lo liệu đường sá, nguồn cung năng lượng.
Không ít người Trung Quốc đang đặt câu hỏi tại sao tiền bạc của họ lại bị dùng để hỗ trợ cho một chế độ mà thậm chí không ghi nhận những trợ giúp nhận được. Họ đang đặt câu hỏi tại sao Bình Nhưỡng phớt lờ kêu gọi của Chính phủ Trung Quốc từ bỏ vũ khí hạt nhân, theo đuổi hòa bình với các láng giềng mà thay vào đó là những hành động có thể khiến Nhật Bản cũng chế tạo vũ khí hạt nhân. Họ đang đặt câu hỏi liệu như vậy có đáng để 150.000 lính Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc chiến cách đây 6 thập kỷ hay không./.

( Source : TTXVN , Tài liệu tham khảo đặc biệt . 29/7/2010 )

Quần đảo Hoàng Sa: Chia sẻ chủ quyền Việt – Trung?

Bài của TS Vũ Quang Việt trên Tuần VN:
Quần đảo Hoàng Sa: Chia sẻ chủ quyền Việt – Trung?
Theo Tuần Việt Nam – 06/04/2010
Dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế, TS Vũ Quang Việt cho rằng, quần đảo Hoàng Sa nên được chia sẻ chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụm đảo An Vĩnh (Amphitrite) có đảo Phú Lâm sẽ do Trung Quốc giữ và cụm đảo Lưỡi Liềm(Crescent) có đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam, cùng với vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh các cụm đảo.
Hoàng Sa trong các văn bản hiện đại của Việt Nam phản ánh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bao gồm cụm đảo Crescent (nhóm Lưỡi Liềm) có đảo Hoàng Sa và cụm đảo Amphitrite (nhóm An Vĩnh) có đảo Phú Lâm.
Các ghi chép lịch sử của Việt Nam khẳng định sự thật rằng nhà Nguyễn đã biết và triển khai chủ quyền của Việt Nam đối với Bãi cát vàng (quần đảo Hoàng Sa) trước khi có người Pháp đến Việt Nam và trước khi Pháp tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là mức độ rộng tới đâu của các hoạt động thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Nghiên cứu kĩ lưỡng các cứ liệu lịch sử cho thấy Việt Nam và sau đó là Pháp, với tư cách nước áp chính sách thuộc địa lên Việt Nam chỉ kiểm soát cụm đảo Crescent (nhóm Lưỡi Liềm) của quần đảo này, ít nhất là từ 1818 cho tới 1974 khi Trung Quốc chiếm cụm đảo này bằng vũ lực từ tay quân đội chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.
Cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) bao gồm 7 đảo nhỏ và một số dải san hô. 5 đảo nhỏ chính là Pattle (Hoàng Sa), Money (Quang Ảnh), Robert (Hữu Nhật), Quang Hoà (Duncan), Duy Mộng (Drummond) và Tri Tôn.
Đảo nhỏ Pattle hay tên tiếng Việt là đảo Hoàng Sa không phải là đảo lớn nhất nhưng về quân sự lại là đảo quan trọng nhất trong cụm đảo Crescent. Nó chỉ có diện tích là 0,3 km2 nhỏ hơn nhiều so với đảo Phú Lâm ở cụm An Vĩnh (Amphitrite), đảo có diện tích 2,5km2.
Đảo Hoàng Sa gần đất liền Việt Nam, đã được sử dụng như trung tâm hành chính của Pháp và hải quân miền Nam Việt Nam. Trạm khí tượng cũng được Pháp xây dựng vào năm 1938. Đảo này có Miếu Bà có thể ở cùng vị trí ở ngôi đền vua Minh Mạng đã ra lệnh xây dựng năm 1835 như đã được nhắc đến bởi các học giả Việt Nam.

Cụm đảo Lưỡi Liềm gần với tuyến đường hàng hải đi lại giữa Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ Dương. Đây là khu vực nguy hiểm, tàu có thể vỡ và chìm nếu va phải các dải đá ngầm và cát, nhất là trong mùa bão có thể kéo dài đến 6 tháng. Trước khi người Pháp đến, đảo Pattle hay Hoàng Sa là một điểm quan trọng nơi có thể thu thập các tài sản có giá trị còn lại từ các tàu bị vỡ.Hằng năm, chúa Nguyễn và sau này là vua Nguyễn đều gửi các thuỷ thủ đến đế lấy những vật có giá trị còn lại từ các tàu đắm, điều đã được viết rất rõ trong Phủ biên tạp lục và Đại Nam Thực Lục.
Đảo Tri Tôn cũng nằm trong cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) được xác định là nơi người ta có thể tìm thấy nhiều Hải sâm và baba và sự mô tả này hoàn toàn phù hợp với mô tả trong Đại Nam Thực lục.
Cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) là nơi mà các hoàng đế của Việt Nam xem là lãnh thổ của mình và do đó đã cố gắng chỉ đạo chặt chẽ hoạt động và ghi chép địa lý rõ ràng hết sức có thể. Mỗi năm, các hoàng đế đều cử các biệt đội tới đây. Vua Minh Mạng đã ra lệnh vẽ bản đồ cụm đảo, trồng cây và thậm chí xây dựng của ngôi đền.
Ngoài ra, tên của các nhà lãnh đạo đội đến Hoàng Sa đã được sử dụng để đặt tên các đảo nhỏ. Phạm Hữu Nhật được vua Minh Mạng cử đến năm 1836, được đặt tên cho đảo Robert Island. Tương tự như vậy, Phạm Quang Ảnh, đội trưởng biệt đội do vua Gia Long cử ra Hoàng Sa năm 1816 được đặt tên cho đảo Money Island.
Trong khi đó, cả người dân và chính quyền Trung Quốc đều không nỗ lực thể hiện sự hiện diện của mình ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent)trước khi họ chiếm đóng bằng vũ lực năm 1974.
Người Hoa ở đảo Hải Nam có thể nhận thức về sự tồn tại và thừa nhận rõ ràng đó là nơi Việt Nam có chủ quyền ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent). Điều này thể hiện rõ qua việc chính quyền đảo Hải Nam đã trao trả những thuỷ thủ Việt Nam thuộc biệt đội Hoàng Sa khi họ bị cuốn vào đảo sau bão.
Luật quốc tế cho phép Việt Nam lập luận rằng khi Việt Nam có chủ quyền đối với một phần, Việt Nam có thể tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo. Nhưng việc này chỉ hợp pháp khi phần còn lại là đất vô chủ – terra nullius, vào thời điểm đưa ra tuyên bố.
Điều này có vẻ không đúng khi đảo Phú Lâm (Woody Island) lúc đó đang do người Nhật Bản (tức là người dân Đài Loan lúc Đài Loan là thuộc địa của Nhật) chiếm giữ và sau đó là người Trung Quốc trước khi người Pháp đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Nếu như cụm đảo Crescent được ngư dân Hải Nam hiểu là phần của Việt Nam, tránh khai thác thì các chính quyền Việt Nam dưới triều Nguyễn không quan tâm đến cụm đảo An Vĩnh (cụm Amphitrite) có đảo Phú Lâm vì nó không có tài nguyên gì giá trị, khi mà phân chim/ phốt pho chưa được công nhận là nguyên liệu giá trị.
Các ghi chép lịch sử còn lại của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn hoàn toàn không đề cập đến đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa. Không nghi ngờ gì khi các vua Nguyễn đều nhận thức toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nhưng mối quan tâm của họ có lẽ chỉ ở cụm đảo Lưởi Liềm Crescent có đảo Hoàng Sa, nơi mà có các tài sản giá trị từ các tàu bị đắm.
Thái độ này của nhà Nguyễn cũng giống như các hoàng đế Trung Hoa: mở rộng ra các đảo là việc làm tốn kém, trừ khi họ có thể thu về các giá trị kinh tế.
Trong khi đó, theo Marwyn S. Sam uels trong cuốn sách “Contest for South China Sea”, Phú Lâm (Woody Island), một phần của cụm đảo Amphitrite (An Vĩnh) và là hòn đảo lớn nhất tại Hoàng Sa, ít nhất đã được Trung Quốc khai thác từ năm 1911 và có thể từ trước đó. Điều này đã được chứng minh bởi đơn khởi kiện của một nhóm các thương nhân đối với tỉnh Quảng Đông về việc cấp phép khai thác phân chim/ khu dự trữ phốt pho năm 1921. Một uỷ ban đã được thành lập năm 1928 và thậm chí họ còn cử người đến “Hoàng Sa” để điều tra, trong khi hoạt động khai thác đã được triển khai. Thế nhưng, việc khai thác chỉ hạn chế ở đảo Phú Lâm.
Luôn muốn tránh đối đầu với Nhật Bản/ Trung Quốc – những người đến trước, Pháp chưa bao giờ thực hiện quyền sở hữu với đảo Phú Lâm. Trong các năm 1925, 1926, tàu chiến của Pháp từng đến đảo Phú Lâm rồi lại bỏ đi.
Ngay cả khi tuyên bố chính thức về quyền sở hữu các quần đảo vào năm 1930, Pháp cũng chưa từng thực hiện quyền sở hữu với cụm đảo An Vĩnh (Amphitrite) có đảo Phú Lâm này, mà chỉ ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) có đảo Hoàng Sa. Và việc tuyên bố này cũng nhằm đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực.
Tháng 1/1938, Nhật Bản đã thiết lập sự hiện diện quân sự của mình ở đảo Phú Lâm (Woody) và đảo Lincoln (cả hai đều thuộc nhóm đảo An Vĩnh – Amphitrite của quần đảo Hoàng Sa). Khi quân đội Pháp đến đây, họ đã gặp hai tàu của Nhật Bản. Quân đội của Pháp và Nhật đã cùng tồn tại trên đảo Phú Lâm.

Tuy nhiên, chỉ có quân đội Pháp Đông Dương ở đảo Pattle (Hoàng Sa) trong cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) của quần đảo Hoàng Sa. Tương tự, quân đội của Pháp và Nhật cùng tồn tại ở đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa. Từ tháng 10/1940, Nhật Bản chiếm đóng hoàn toàn đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình cho đến khi đầu hàng trong chiến tranh thế giới thứ 2.Sau Thế chiến II, một chiếc tàu Pháp trở lại đảo Pattle – Hoàng Sa vào tháng 5/1946. Ở Việt Nam, quân đồng minh đã giao nhiệm vụ giải trừ quân bị Nhật Bản cho Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc và Anh ở miền Nam Việt Nam. Không ai quan tâm lực lượng nào sẽ lo vấn đề biển Nam Trung Hoa.
Tưởng Giới Thạch tận dụng cơ hội này để chiếm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bị bỏ rơi ở biển ĐNA. Tưởng Giới Thạch đã chiếm hữu đảo Phú Lâm vào tháng 1/1947, có lẽ bởi đó là nơi người Trung Quốc đã từng ở. Pháp gửi một con tàu trở lại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/1946. Không rõ địa điểm mà tàu này đến, mặc dù khả năng ở đảo Pattle – Hoàng Sa có vẻ cao hơn.
Có thể nói, các dữ kiện được trình bày ở trên cho thấy, Việt Nam đã có tuyên bố rõ ràng và thực thi chủ quyền của mình ở cụm đảo Lưỡi Liềm trong khi Trung Quốc kiểm soát cụm đảo An Vĩnh trước và sau chiến tranh thế giới thứ 2. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 không thể chấp nhận là căn cứ để xác định chủ quyền, theo luật pháp và thông lệ quốc tế.
Sẽ là công bằng và hợp lý cho cả Trung Quốc và Việt Nam theo luật và thông lệ quốc tế nếu Trung Quốc tiếp tục giữ lại cụm đảo An Vĩnh có đảo Phú Lâm và trả lại cho Việt Nam cụm đảo Lưỡi Liềm, có đảo Hoàng Sa.
Box: Trước khi tây phương lấn chiếm châu Á, Trung Quốc chưa bao giờ coi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ của mình. Thậm chí cuối những năm 1800, Trung Quốc vẫn không coi Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này được đánh dấu bởi các sự kiện liên quan đến hai tàu La Bellona và Imeji Maru, bị chìm gần quần đảo Hoàng Sa, vào các năm 1895 và 1896.
Các ngư dân từ đảo Hải Nam, Trung Quốc đã thâu nhặt đồng từ các mánh vỡ của tầu.
Công ty bảo hiểm hai con tầu này gửi phản đối chính phủ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Phía Trung Quốc cũng đáp trả rằng Trung Quốc sẽ không chịu trách nhiệm vì đó không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Quan trọng hơn cả sách sử chính thống của triều đại Minh và Thanh cũng đều không ghi Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.
(Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả)

4- Bài phỏng vấn trên BBC: với tuyên bố hùng hồn “Chẳng hạn, theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước khác cũng không có bằng chứng gì rõ ràng để nói Trường Sa là của họ.”
Hội thảo về tranh chấp Biển Đông Nam Á
Một hội thảo của giới học giả bàn về tranh chấp biển và an ninh ở khu vực Đông Nam Á khai mạc ngày 29/07 tại Philadelphia, Hoa Kỳ.
Hội thảo này kéo dài tới ngày 31/07, tập trung một số nhà nghiên cứu hàng đầu người Việt trong lĩnh vực an ninh ở khu vực, nhất là trong tranh chấp Biển Đông.
Lời giới thiệu của Ban Tổ chức hội thảo viết: ” Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng mạnh lên, cho phép họ mua chuộc, áp lực các nước khác; kể cả dùng sức mạnh quân sự để thực hiện những yêu sách của họ; đặc biệt ở Biển Đông Nam Á, tình hình ngày càng nghiêm trọng, vì Trung Quốc không chỉ yêu sách đảo mà còn cả biển”.
Với nhận định chính sách của Trung Quốc ảnh hưởng không chỉ tới Việt Nam, mà cả các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn thế giới, hội thảo ‘Tranh chấp Biển Đông Nam Á và vấn đề an ninh con người’ đặt mục tiêu “đón nhận các phân tích, đánh giá về vai trò Trung Quốc, về chiến lược mà Việt Nam nên theo đuổi”.
Đài BBC đã hỏi chuyện Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một trong các thành viên Ban Tổ chức hội thảo:
TS Vũ Quang Việt: Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hai hội thảo về chủ đề này tại Đại học Yale và Đại học Temple, nhưng đó chủ yếu là cho học giả nước ngoài.
Lần này, đây là hội thảo đầu tiên chỉ cho học giả người Việt. Tuy nhiên số học giả từ trong nước tham gia thì rất ít, mà đa số là người Việt ở nước ngoài.
Một phần là do con số người nghiên cứu về Biển Đông ở trong nước không có nhiều, phần nữa, tự trang trải chi phí để sang Hoa Kỳ tham gia hội thảo cũng là vấn đề lớn.
Tôi biết có trường hợp học giả Hoàng Việt ở TP Hồ Chí Minh định qua đây dự hội thảo, nhưng lại không được phép của hiệu trưởng. Lý do vì sao thì tôi không rõ, vì chính phủ Việt Nam không có cản trở gì chuyện này.
BBC: Ở trong nước vẫn có nhiều người cho rằng vấn đề Biển Đông và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là vấn đề “tế nhị”. Liệu suy nghĩ như vậy có cản trở gì cho việc nghiên cứu vấn đề này hay không thưa ông?
TS Vũ Quang Việt: Quá trình nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn độc lập, không có liên quan gì tới Việt Nam cả. Thêm nữa, tìm kiếm cổ sử của Trung Quốc, tư liệu của Pháp… thì cũng không nhất thiết phải có mặt ở Việt Nam.
Dĩ nhiên nếu có sự tham gia cùng nghiên cứu của các học giả Việt Nam, nhất là những người giỏi tiếng Hán, thì chắc là sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên cho tới nay thì chưa có sự hợp tác nghiên cứu nào giữa bên ngoài và trong nước trong lĩnh vực này.
Tôi nghĩ, trong việc cộng tác nhiều khi hai bên phải có sự hăng hái giống nhau thì kết quả mới tốt. Chứ còn nếu cứ phải thông qua hệ thống, cơ quan… thì chúng tôi không quen làm như vậy.
BBC: Xin ông cho biết đôi nét về nghị trình của hội thảo?
TS Vũ Quang Việt: Hội thảo lần này không chỉ nói về Biển Đông, nhưng có nhiều bài viết và tham luận về vấn đề Biển Đông. Chúng tôi cũng đặt vấn đề về vai trò của Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực này.
Tôi cho là con số bài viết về Biển Đông còn nhiều hơn một số cuộc hội thảo khác, và chất lượng tương đối cao.
Ở đây, khi đọc các tham luận chúng ta sẽ thấy có cả sự khác biệt ý kiến trong giới học giả. Thông qua trình bày, thảo luận… hy vọng sẽ đưa ra được cái nhìn nhiều chiều vì đây là một hội thảo khoa học nên không nhằm tìm ra một ý kiến nhất quán nào.
Thí dụ nói về vai trò của Trung Quốc thì cá nhân tôi đặt vấn đề là Trung Quốc đang có những hành động không có lợi cho hòa bình trong khu vực, và có những tuyên bố không đúng sự thật. Thế nhưng hầu hết chưa có nghiên cứu độc lập của người Việt Nam về sử liệu này.
Vậy nên chúng tôi tập hợp và mang các tổng hợp đó ra tranh luận.
BBC: Xin nói rộng ra ngoài cuộc hội thảo: tình hình Biển Đông hiện nay đang gia tăng căng thẳng. Theo đánh giá của Tiến sỹ, liệu có giải pháp nào để tháo gỡ các căng thẳng đó không?
TS Vũ Quang Việt: Tôi nghĩ đầu tiên phải làm sao để dư luận thế giới hiểu rõ vấn đề vì chỉ khi đó họ mới có thể ủng hộ các giải pháp tốt đẹp được. Và bản thân chính người Việt Nam cũng phải hiểu rõ tình hình như thế nào trước.
Chẳng hạn, theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước khác cũng không có bằng chứng gì rõ ràng để nói Trường Sa là của họ.
Vì thế nếu các bên bây giờ đẩy mạnh tinh thần dân tộc, vận động người dân trong nước chiến đấu bảo vệ, sống chết với nó thì sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh hết sức vô ích.
Nhưng nếu ta thừa nhận đây là một vùng hải đảo không thuộc về ai, thì sẽ vận dụng công pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ có lợi cho khu vực.
Nhiều nước Đông Nam Á cùng chia sẻ Biển Đông, các nước này có thể góp tiếng để cùng đoàn kết giải quyết vấn đề cho thỏa đáng.
BBC: Thưa ông, Trung Quốc đã nhiều lần lặp lại rằng họ muốn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách song phương. Liệu công pháp quốc tế có thể được áp dụng trong trường hợp này hay không?
TS Vũ Quang Việt: Không thể chấp nhận song phương được. Biển Đông là khu vực biển nằm cạnh nhiều nước, nước nào cũng có quyền lợi trong đó nên không thể giải quyết một cách song phương được.
Trung Quốc dùng phương cách đó để “chia để trị”, mua chuộc nước này, nước kia, nhằm khống chế kiểm soát Biển Đông. Thế nhưng chiến lược này của họ sẽ không thể thành công được.
BBC: Vừa rồi, Hoa Kỳ cũng tuyên bố muốn tham gia quá trình đàm phán Biển Đông. Thưa ông đánh giá vai trò của Hoa Kỳ trong vấn đề này như thế nào?
TS Vũ Quang Việt: Nếu không có Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ dễ bề đòi hỏi song phương hơn. Bắc Kinh có thể mua chuộc lãnh đạo các nước riêng rẽ, khiến các nước chống lại nhau, tất cả phục vụ lợi ích c̉ủa Trung Quốc.
Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát hoàn toàn khu vực. Tự do đi lại, nhưng phải hỏi ý kiến và xin phép Trung Quốc.
Thế nhưng đây là vùng biển mà Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát được trong quá khứ, bởi vậy bây giờ cũng chẳng có lý do gì để Trung Quốc bắt đầu nói là của mình.
Thái độ của Mỹ gần đây theo tôi là rất tích cực. Mỹ không chấp nhận vùng biển này là của Trung Quốc và duy trì quan điểm ủng hộ tự do đi lại ở đây.

5-Bài phỏng vấn mới đây nhất trên RFA:
Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa?
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-08-03
Về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mời quý vị theo dõi lập luận của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt xung quanh vấn đề này.
Mới đây những người có quan tâm đến chứng cứ lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã tỏ ra rất ngạc nhiên trước quan điểm của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt trả lời bài phỏng vấn trên BBC cho rằng tất cả các nước đang tranh chấp tại quần đảo Spratlys Island mà Việt Nam gọi là Trường Sa đều không có đầy đủ chứng cứ chủ quyền, kể cả Việt Nam và Trung Quốc.Mặc Lâm phỏng vấn TS Vũ Quang Việt để tìm hiểu thêm chi tiết về lập luận của ông chung quanh quan điểm này.
Không đồng thuận
Mặc Lâm: Thưa TS, trong một bài trả lời phỏng vấn, ông cho rằng “không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam. Theo Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ do vua Minh Mạng ra lệnh vẽ vào năm 1838 và in ra sau đó một năm, thì hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được gộp chung lại gọi là Vạn Lý Trường Sa. Liệu tài liệu này sẽ được mang ra để chống lại ý kiến của ông hay không?
TS Vũ Quang Việt: Trong bài phỏng vấn BBC tôi đã không nói được hết ý nên xin cám ơn anh cho tôi có cơ hội làm vấn đề rõ ràng hơn.
Mục đích bài viết của tôi ở Hội thảo là xem xét chiến lược cần có của Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia, đối phó với chiến lược mới của Trung Quốc coi gần như toàn bộ biển Đông Nam Á là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc do đó Trung Quốc cần bảo vệ như bảo vệ Đài Loan và Tây Tạng. Nếu chấp nhận điều này thì mọi nước đi qua biển Đông Nam Á đều phải xin phép Trung Quốc, như trước đây Trung Quốc đã đòi hỏi Mỹ phải xin phép khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ở gần Đảo Hải Nam. Trung Quốc nói “bảo đảm tự do đi lại” trên Biển Đông Nam Á.
Không hiểu Trung Quốc hiểu như thế nào nhưng phải xin phép thì không thể gọi là “tự do đi lại”. Trung Quốc nói sẵn sàng cùng các nước hợp tác khai thác biển, nhưng nếu biển thuộc chủ quyền Trung Quốc thì việc hợp tác này chỉ mang tính ban ơn của thiên triều cho chư hầu như ngày xưa. Mục đích của Trung Quốc là gạt ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực. Gạt bằng việc mua chuộc rẻ tiền như vậy thì không ai nghe nổi. Trung Quốc từ lâu đã nhân danh là cùng xã hội chủ nghĩa anh em với Việt Nam để mua chuộc Việt Nam.
Nhưng cho đến nay, Việt Nam không dại như vậy. Tất nhiên Việt Nam gần ngay nách Trung Quốc, lại không là đồng minh của phương tây, nên Trung Quốc đã tăng cường áp lực và hù dọa Việt Nam bằng cách cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá, bắt tàu đòi chuộc, đe dọa các công ty thăm dầu mỏ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Họ cũng biểu dương sức mạnh hải quân để đe Mỹ, hù dọa Việt Nam và các nước khác.
Vấn đề tranh chấp biển đảo như vậy phải đặt trong toàn cảnh chiến lược của Trung Quốc ở cả Thái Bình Dương trong đó có biển Đông Nam Á. Việt Nam trong một thời gian dài, cả chính quyền lẫn người dân đều chỉ tập trung vào tranh chấp đảo không những với Trung Quốc mà với cả các nước Đông Nam Á khác. Chính vì thế mà không thể có sự đồng thuận trong khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc.Tôi hoàn toàn không chống Trung Quốc, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần làm bạn với mọi người. Tôi cho rằng phản ứng của các nước chung quanh trong đó có Việt Nam chỉ nhằm bảo đảm an ninh cho quốc gia mình và mong muốn Trung Quốc cùng với các nước chung quanh và kể cả Mỹ thảo luận đa phương để mang lại hòa bình cho khu vực.
Do đó mà mọi nước kể cả Trung Quốc cần nhìn nhận lại vấn đề tranh chấp này về mặt chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế. Cần minh bạch chúng, mở rộng bàn thảo đa phương để giải quyết vấn đề, kể cả yêu cầu Tòa án Quốc tế tài phán tranh chấp.
Nghiên cứu của chúng tôi (dựa vào sự đóng góp mới đây của các nhà Hán học như Hồ Bạch Thảo) cho thấy là Trung Quốc trong chính sử như Minh Sử và Thanh sử không có đoạn nào nói đến Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Bản đồ chính thức của Trung Quốc cũng thế. Bằng chứng của Trung Quốc đưa ra là các sách của tác giả Trung Quốc có những đoạn viết về cái gì đó mơ hồ như là Hoàng Sa, thậm chí là Trường Sa. Nhưng đây là ghi chép của những người du lịch, thám hiểm.
Về mặt công pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử phải là từ chính sử hoặc những tài liệu tin cậy ghi hành động của nhà nước trung ương, nói lên được ý chí và hành động làm chủ và sự hiện diện liên tục của quốc gia đối với mảnh đất nào đó thì nước đó mới có chủ quyền chính đáng ở đó. Trung Quốc đã không làm được như vậy.
Việt Nam và các nước khác cũng cần làm thế. Nhà nước Việt Nam có chứng cứ lịch sử trong chính sử về làm chủ Hoàng Sa từ thời Gia Long và sau đó trên vùng Lưỡi Liềm cho đến năm 1974 khi bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm mất. Về Trường Sa thì phía Việt Nam cần nghiên cứu để làm cho rõ hồ sơ. Riêng Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ có một điểm mạnh là vẽ rõ Hoàng Sa và Trường Sa dù bị hạn chế bởi khả năng khoa học vẽ bản đồ chính xác của thời đó. Tuy nhiên một nhà nghiên cứu Việt Nam là ông Võ Long Tê trong Tạp chí Sử Địa số 27-28, xuất bản ở Sài Gòn năm 1974 cho rằng nguồn gốc bản đồ này không rõ, nên cần tìm hiểu thêm.
Chấp nhận đàm phán đa phương là chấp nhận xem xét trên cơ sở chứng cứ lịch sử, và những thực tế khác liên quan, nếu có vùng nào đó không rõ ràng thì các nước liên hệ có thể dùng Luật Biển và các tiền lệ của Tòa án Quốc tế để bàn việc chia sẻ lợi ích một cách hợp lý và công bằng nhất.
Cần chứng cứ lịch sử chính thống
Mặc Lâm: Đó là nói về bản đồ, riêng vấn đề người Việt Nam đã có mặt tại đây thì Phủ Biên Tạp Lục có ghi:
“Nhà Nguyễn cũng xây dựng biệt đội Bắc Hải, với các nhân sự đa dạng, được tuyển từ làng Tứ Chính, huyện Bình Thuận, hoặc từ làng Cảnh Dương. Những tình nguyện viên được chấp nhận sẽ được miễn các loại thuế và các phí cầu cảng.
Họ đã sử dụng tàu thuyền đánh cá tư nhân nhỏ để đi du lịch đến Bắc Hải, Côn Lôn để bắt đồi mồi, cá heo, bào ngư, hải sâm. Biệt đội Bắc Hải được đặt dưới sự giám sát của biệt đội Hoàng Sa vì họ chỉ thu thập hải sản, và rất hiếm khi có được các nguyên liệu quý khác như vàng và bạc. Ông nghĩ sao về bằng chứng này?
TS Vũ Quang Việt: Nếu ta dùng nguyên tắc là chứng cứ lịch sử phải mang tính chính thống của nhà nước trung ương và áp dụng nguyên tắc này để xem xét yêu sách của Trung Quốc thì ta cũng phải áp dụng nguyên tắc này cho Việt Nam và các nước khác.
Chính sử Trung Quốc không nói gì đến Hoàng Sa và Trường Sa là đất Trung Quốc và luôn luôn ghi cương vực Trung Quốc chấm dứt ở Đảo Hải Nam. Vậy thì yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở lịch sử. Còn phía Việt Nam, Phủ Biên Tạp Lục là ghi chép của Lê Quí Đôn, không phải chính sử, nhưng là tài liệu cổ được đánh giá là đáng tin cậy, không thể bỏ qua. Phủ Biên Tạp Lục nói về Bắc Hải. Bắc Hải có phải là Trường Sa không thì phải chứng minh.Về Trường Sa, Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử. Việt Nam cần làm rõ chứng cứ về ý chí và hành động làm chủ nó thời Nguyễn.
Nhưng vấn đề Trường không thể chỉ dựa trên chứng cứ lịch sử để xem xét. Nó phức tạp hơn nhiều. Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933 trên cơ sở nó là đất vô chủ, nhưng không gửi quân ngay ra đó để thực hiện chủ quyền. Sau này Pháp và Việt Nam cũng chỉ kiểm soát được số đảo. Rồi Phi, Mã Lai chiếm đóng những đảo không có người. Đài Loan (Trung Quốc) cũng chiếm đóng 1 hòn đảo khi tước võ khí Nhật ở Itu Aba.
Trung Quốc là nước duy nhất dùng dùng võ lực chiếm đóng lại các đảo mà Việt Nam chiếm trước đó. Trong khu vực Trường Sa, có thể nói là yêu sách của Trung Quốc là yếu nhất, vì chỉ phản ánh qua bản đồ có đường chữ U năm 1947 và chính thức yêu sách từ năm 1951.
Mặc Lâm: Riêng trường hợp Philippine, mãi đến năm 1971 mới tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa tuy người dân của họ đã đánh bắt cá hay ghé đảo này từ năm 1956. Trong khi trước đó, Việt Nam đã có hẳn quân đội và thường dân trú đóng trên đảo. Hai sự kiện này được giải thích như thế nào?
TS Vũ Quang Việt: Phi tuyên bố chủ quyền một số hòn đảo trên cơ sở là vùng đất vô chủ, đặc biệt là ở những đảo gần Phi mà trước đây Pháp không có mặt, chưa thực hiện việc kiểm soát hữu hiệu dù đã tuyên bố chủ quyền.
Trước khi chính phủ Phi tuyên bố chính thức một số đảo thì Tomas Cloma người Phi yêu sách Itu Aba, đảo lớn nhất ở Trường Sa vào năm 1956. Gọi là là lớn nhất nhưng diện tích rất nhỏ, dưới 0.5km2. Như vậy Pháp và Phi đều yêu sách trên cơ sở trước đó là đất vô chủ.
Chỉ có Trung Quốc và Việt Nam sau này mới đưa ra yếu tố lịch sử. Sau yêu sách, không ai đồng ý với ai, các nước tự chiếm những nơi còn vô chủ. Chỉ riêng Trung Quốc là dùng võ lực chiếm lại của nước khác.
Mặc Lâm: Mặc dù ông đưa ra nhiều chứng cứ bảo vệ sự tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam, nhưng về vấn đề Trường Sa, những đề nghị của ông có thể sẽ bị chống đối từ dư luận Việt Nam, và để giải thích ông sẽ nói gì với họ?
TS Vũ Quang Việt: Xin nói cho rõ là những ý kiến phát biểu của tôi là ý kiến riêng, dựa vào các tài liệu có được. Tôi chưa được tiếp cận với chứng cứ lịch sử mà nhà nước Việt Nam hiện có nên những ý kiến phát biểu ở đây có thể thay đổi nếu như chứng cứ lịch sử đó đòi hỏi cách nhìn khác. Lịch sử thường được viết lại khi đối mặt với chứng cứ mới. Đó là phương pháp mà các nhà khoa học xử dụng.
Tôi có vài ý kiến riêng dựa vào chứng cứ hiện có và có thể có người không đồng ý. Điều đó không quan trọng bằng việc người Việt cần giúp chính phủ Việt Nam xây dựng hồ sơ chứng cứ lịch sử và lập luận dựa trên công pháp quốc tế để đàm phán với nước khác và tạo công luận.
Tôi nghe nói vẫn còn Châu Bản Triều Nguyễn là các thư từ tài liệu cơ sở có đóng dấu của Vua, đây là tài liệu gốc dùng để viết lịch sử chính thống. Hình như chúng vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt và cũng chưa được sử gia khai thác.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Tiến Sĩ.