MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN
Báo Hồng Công “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” ngày 25/7 dẫn các tài liệu lịch sử mới được công bố ở Trung Quốc cho thấy ban đầu, Mao Trạch Đông không đồng ý với kế hoạch xâm chiếm Hàn Quốc của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, sau khi Stalin yêu cầu hỗ trợ, Mao Trạch Đông đã thay đổi quyết định và trở thành người ủng hộ mạnh mẽ cho cuộc chiến này. Dưới đây là nội dung bài viết:
Mao Trạch Đông đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Bắc Triều Tiên xâm chiếm Hàn Quốc cho đến 6 tuần trước khi nổ ra cuộc tấn công và nhà lãnh đạo Trung Quốc này chỉ thay đổi chính sách sau một chỉ thị của nhà lãnh đạo Liên Xô, Josef Stalin. Cả Kim Nhật Thành lẫn viên tướng Mỹ, MacArthur, đều tính toán sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng có thể thắng cuộc chiến mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Đó là những tiết lộ từ các tài liệu lịch sử của giới chức Trung Quốc mới được công khai và giúp dư luận có một bức tranh chi tiết hơn bao giờ hết về những quyết định của nhà lãnh đạo của họ.
Những tài liệu này cho thấy Mao Trạch Đông đã bỏ qua lời khuyên của phần còn lại trong chính quyền phản đối cuộc chiến và trở thành người khởi xướng mạnh mẽ cho nó. Sự phản đối quyết liệt của Lâm Bưu, tướng quân đội tài năng nhất của Mao, người đáng lẽ đã thống lĩnh các lực lượng trong cuộc chiến, khiến nhân vật này phải rời Trung Quốc sang Liên Xô một thời gian.
Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên vào ngày 25/6 năm nay, đã dẫn đến một loạt bài viết trên truyền thông Trung Quốc. Vẫn là một điều cấm kỵ với quan điểm việc Trung Quốc tham chiến là một sai lầm và tương lai của quốc gia này đáng lẽ đã tốt đẹp hơn nếu họ không tấn công Mỹ. Tuy nhiên, những thông tin dày đặc vừa qua hơn bao giờ hết cũng giúp dư luận biết được nhiều về các tình tiết trong lịch sử.
Theo cuốn sách “Mao Trạch Đông, Stalin và Chiến tranh Triều Tiên” của tác giả Thẩm Chí Hoa dựa trên các tài liệu chính thức, Trung Quốc không được chia sẻ thông tin về kế hoạch tấn công Hàn Quốc của Bắc Triều Tiên.
Ngày 19/1/1950, Kim Nhật Thành nói với đại sứ Liên Xô tại Bình Nhưỡng rằng ông ta có kế hoạch “giải phóng” miền Nam. Được tin đó, Stalin gửi một bức điện thể hiện ủng hộ kế hoạch, nhưng không nói gì với Mao Trạch Đông – lúc này đang thăm Mátxcơva, Stalin cũng đồng ý cung cấp trong năm 1950 vũ khí và trang thiết bị đã cam kết cho năm 1951, để Kim Nhật Thành có thể tăng thêm 3 sư đoàn, nâng quân đội Bắc Triều Tiên lên 10 sư đoàn. Kim Nhật Thành bảo đảm với Stalin rằng ông ta có thể chiếm xong Hàn Quốc trước khi người Mỹ có thời gian cũng như ý định can thiệp.
Mục đích của Stalin là muốn kiểm soát bán đảo Triều Tiên và dùng các cảng không bao giờ bị đóng bắng là Inchon và Pusan cho hải quân Liên Xô, thay thế cho việc mất cảng Đại Liên (Trung Quốc) mà quân đội Liên Xô đã kiểm soát trong tháng 8/1945. Hồi tháng 3/1949, Mátxcơva và Bình Nhưỡng đã nhất trí xây dựng một tuyến đường sắt nối hai nước và vận chuyển hàng hóa qua hai cảng này.
Phải đến cuối tháng 4/1950, Kim Nhật Thành mới cử một phái viên hàng đầu đến Bắc Kinh để thông báo cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc về kế hoạch tấn công Hàn Quốc. Mao Trạch Đông ban đầu phản đối mạnh mẽ cuộc chiến, nói rằng ông phải lo duy trì ổn định tình hình trong nước của Trung Quốc trước tiên. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông cũng chấp thuận cho hàng nghìn người Bắc Triều Tiên trong Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) trở về phục vụ trong quân đội của Kim Nhật Thành.
Theo chỉ thị của Stalin, đích thân Kim Nhật Thành đến Bắc Kinh ngày 13/5/1950 để cố thuyết phục Mao Trạch Đông. Cuộc đàm phán gay gắt kéo dài đến tận đêm mà hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận nào. Ngày sau đó, Stalin đã gửi cho Mao Trạch Đông một bức điện nói rằng vì những thay đổi trong trật tự quốc tế, giới lãnh đạo Liên Xô đã thông qua kế hoạch của Bắc Triều Tiên: “Vấn đề này phải được các đồng chí Triều Tiên và Trung Quốc giải quyết. Các đồng chí Triều Tiên sẽ đưa cho ông một thông báo chi tiết về các cuộc trao đổi của họ với chúng tôi”. Đối mặt với bức điện đó, Mao Trạch Đông không còn giải pháp nào khác là đồng ý.
Kim Nhật Thành phát động cuộc tấn công vào ngày 25/6/1950 và đã thành công lớn. Nhưng sang tháng 7, Mỹ nhảy vào cuộc chiến và đẩy lui các lực lượng Bắc Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo của một chính phủ mới tại Trung Quốc ngày càng lo lắng: họ đang triển khai các chương trình đối nội lớn như cải cách ruộng đất. Liệu họ có phải dừng các chương trình đó và trở lại chiến tranh?
Kim Nhật Thành khiếp sợ khi chứng kiến hiệu quả tàn phá của không quân Mỹ mà Bắc Triều Tiên không có cách nào ngăn chặn được. Nhà lãnh đạo này gửi một bức điện tới Stalin, khẩn cầu hỗ trợ quân sự mà nếu không từ Liên Xô được thì cũng từ các quốc gia cộng sản khác.
Không muốn gửi quân và đối mặt với nguy cơ gây chiến cùng Mỹ, Stalin gửi một bức điện cho Mao Trạch Đông: “Theo tình hình hiện nay, nếu Trung Quốc có thể hỗ trợ quân sự cho Bắc Triều Tiên thì 5-6 sư đoàn sẽ là ổn thỏa để tiến tới vĩ tuyến 38. Vai trò của họ sẽ là quân tình nguyện và dĩ nhiên, họ nằm dưới sự chỉ huy của Trung Quốc”.
Ngày 1/10/1950, Mao Trạch Đông tổ chức một cuộc họp khẩn Ban Bí thư Trung ương Đảng, bao gồm Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. “Các ý kiến chia rẽ, nhưng với sự ủng hộ của Chu Ân Lai, quyết định cử quân của Mao Trạch Đông đã thắng”. Được chọn làm chỉ huy quân Chí nguyện Trung Quốc tham gia cuộc chiến “Kháng Mỹ viện Triều”, Bành Đức Hoài tham dự một cuộc họp khác tại Trung Nam Hải vào ngày 4/10/1950. Viên tướng này kể lại: “Bầu không khí rất không bình thường. Sự khác biệt trong các ý kiến là rất lớn. Tôi không thể đưa ra một ý kiến nào”. Ngày 19/10/1950, quân Chí nguyện vượt sông Áp Lục và ngày 25/10 cùng năm, họ đụng độ với các lực lượng do Mỹ đứng đầu.
Đó là câu chuyện chính thức. Kim Chung, biên tập viên của “Khai phóng” (một tạp chí Hồng Công chuyên về chính trị Trung Quốc) có một phiên bản hơi khác: “Mao Trạch Đông ủng hộ cuộc chiến. Ông ta nói rằng chỉ 1,5 người ủng hộ, bao gồm ông ta và Chu Ân Lai ủng hộ một nửa. Tất cả các nhà lãnh đạo khách đều phản đối. Họ cho rằng Trung Quốc vừa kết thúc một cuộc nội chiến dài và đang chịu cảnh bị tàn phá. Giờ là lúc cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông quyết định tham chiến để chiều lòng Stalin, “anh cả” của phong trào Cộng sản toàn cầu và để bảo đảm sự hỗ trợ của Liên Xô cho Trung Quốc”.
Theo nhà bình luận này, đây chính là biểu hiện của sự độc tài khi “một cá nhân có thể đưa ra một quyết định nghiêm trọng đẩy một quốc gia vào cuộc chiến. Tại Mỹ, một mình Tổng thống không thể quyết định như vậy mà phải có sự thông qua của cả Quốc hội”.
Quân đội Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên được gọi là “quân Chí nguyện” để tránh một cuộc chiến chính thức với Mỹ. Họ đã có những thành công đáng kể trước đối thủ được trang bị tốt nhất và có công nghệ cao nhất thế giới. Đến Giáng sinh năm 1950, quân Trung Quốc đã có thể chiếm lại phần lớn vùng lãnh thổ mà quân đội Bắc Triều Tiên bị đẩy lùi trước đó. Họ cùng quân Bắc Triều Tiên tái chiếm Xơun ngày 4/1/1951 nhưng bị đánh bật một lần nữa trong tháng 3. Đến tháng 6, hai bên rơi vào thế giằng co dọc vĩ tuyến 38. Phải mất 2 năm để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Kim Nhật Thành là một đối tác ngang bướng và khó chịu. Đầu tiên, ông từ chối hợp nhất các lực lượng của mình dưới sự chỉ huy của Bành Đức Hoài, cho dù lính Trung Quốc chiếm đa số quân đội. Kim Nhật Thành chỉ đồng ý sau khi nhận được một chỉ thị từ Stalin. Ông ta có một cuộc tranh cãi nảy lửa với Bành Đức Hoài vào đầu năm 1951 xung quanh việc liệu liên quân Trung-Triều có nên vượt vĩ tuyến 38. Kim Nhật Thành ra lệnh tiến quân song Bành Đức Hoài từ chối. Một lần nữa, vấn đề chỉ được dàn xếp sau khi có một chỉ thị từ Stalin ủng hộ Bành Đức Hoài.
Để chống lại sức mạnh áp đảo của không quân Mỹ, Stalin buộc phải gửi hàng trăm máy bay chiến đấu MiG. Không quân Liên Xô đào tạo các phi công Trung Quốc hoặc dùng phi công của mình mặc quân phục Trung Quốc và nói tiếng Trung để vẫn giả vờ rằng Liên Xô không can thiệp và tránh xung đột trực tiếp với Mỹ.
Với PLA, một trong những di sản giá trị nhất từ cuộc chiến này là một lực lượng không quân mà trước đó, họ chưa hề có. Kết thúc cuộc chiến, họ có hàng trăm máy bay MiG của Liên Xô và các phi công được huấn luyện chu đáo, trong số đó nổi bật là Lâm Hồ, người bắn hạ ít nhất 6 máy bay chiến đấu Mỹ. Tháng 8/1977, ở tuổi 70, Lâm Hồ vẫn lái loại máy bay huấn luyện mới nhất của không quân Nga bay biểu diễn tại Triển lãm Hàng không quốc tế Mátxcơva trước sự ngưỡng mộ của hàng nghìn quan khách tham dự.
Một di sản khác của cuộc chiến là mối bất hòa giữa Mao Trạch Đông với Lâm Bưu, người phản đối quyết liệt và cho rằng không có không quân hoặc hải quân, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nặng nề. Theo Lâm Bưu, chính phủ mới của Trung Quốc nên củng cố sức mạnh ở trong nước trước khi lao vào một cuộc chiến ở bên ngoài như vậy. Lâm Bưu đến Liên Xô “chữa bệnh” và không tái xuất hiện trên chính trường Trung Quốc cho đến năm 1958, khi nhân vật này được chọn vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Theo các số liệu được hai chính phủ công bố, Trung Quốc có 114.000 quân tử trận trong giao chiến, 34.000 quân tử trận trong các tình huống không giao chiến và 380.000 người bị thương. Trong khi đó, Mỹ có 36.516 quân thiệt mạng và 92.134 người bị thương. Tuy nhiên, nhà bình luận Kim Chung cho rằng số tử trận của quân Chí nguyện phải lên đến 400.000 người trong tổng số 1 triệu lính được điều động. Trong số đó có cả con trai của Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Anh chết khi sở chỉ huy PLA bị một máy bay Mỹ ném bom.
Trần Lâm, một nhà sử học Trung Quốc, cho rằng Mao Trạch Đông gửi ra chiến trường các binh sĩ từ quân đội Quốc dân đảng đã đầu hàng Cộng sản: “PLA thực tế không muốn thu nhận họ. Đó là một cách tốt để loại bỏ họ. Động cơ của Mao Trạch Đông khi tham chiến là để thu hút sự chú ý và công nhận Trung Quốc như một cường quốc, đồng thời đoàn kết người dân trong một cuộc chiến yêu nước”.
Nhà sử học này cũng bình luận: “Kim Nhật Thành đã rất ngạo mạn, tự tin vào sự siêu việt của các trang thiết bị do Liên Xô chế tạo và cho rằng có thể thắng nhanh chóng trước khi người Mỹ can thiệp. Ông ta đã mắc một sai lầm lớn, cũng như viên tướng Mỹ MacAthur khi cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhập cuộc. Cả hai đều quá kiêu căng”.
Trong khi đó, nhà bình luận Kim Chung cho rằng sự can thiệp của Mỹ đã cứu không chỉ Hàn Quốc mà cả Đài Loan: “Nếu không có cuộc chiến, Mao Trạch Đông sẽ xâm chiếm Đài Loan, dùng các làn sóng người làm chiến thuật. Hàng nghìn người sẽ thiệt mạng, nhưng ông ta sẽ thành công. Chiến tranh Triều Tiên đã ngăn cản được điều đó”.
• Dư luận Trung Quốc gia tăng chỉ trích Bắc Triều Tiên
Cũng trong hàng loạt thông tin trên truyền thông Trung Quốc nhân kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên vừa qua, những quan điểm chỉ trích Kim Châng In và chế độ của ông ta cũng trở nên ngày càng mạnh mẽ với câu hỏi: Liệu 150.000 người Trung Quốc tử trận có đáng không để cứu một chính quyền như vậy?
Trương Liễn Khôi, một giáo sư về nghiên cứu chiến lược quốc tế tại trường Đảng trung ương đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nhận xét: “Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia Đông Âu đã lao vào cải cách và các chính sách mở cửa, còn Đức tranh thủ cơ hội để thống nhất. Lịch sử đã trao cơ hội này cho bán đảo Triều Tiên nhưng họ không nắm lấy”.
Vị giáo sư trên cho rằng quyết định của Bắc Triều Tiên về ưu tiên phát triển quân đội và vũ khí hạt nhân đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh của quốc gia Triều Tiên và tình hình trên bán đảo, thách thức cộng đồng quốc tế, châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á.
Các quan điểm chỉ trích Kim Châng In và chế độ của ông cũng trở nên dữ dội hơn. Một bài bình luận trên tờ “Tuần san Phượng Hoàng” trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên đã viết: “Bất chấp sự hy sinh to lớn của các sinh mạng người Trung Quốc trong cuộc nội chiến cũng như những sự hỗ trợ khổng lồ mà Trung Quốc dành cho sau đó, Chính quyền Bắc Triều Tiên vẫn không thể hiện được sự cảm kích xứng đáng. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và chính sách mở cửa, Bắc Triều Tiên một mặt nhận viện trợ của Trung Quốc, mặt khác chỉ trích công khai ý thức hệ của Trung Quốc. Họ bỏ phiếu phản đối Bắc Kinh đăng cai Olympic 2000. Các chính sách của họ đặt Trung Quốc trước sức ép quốc tế và gây thiệt hại nghiêm trọng cho hình ảnh của Trung Quốc. Mỗi lần nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên thăm Trung Quốc, ông ấy đều xem các thành công kinh tế như là minh họa cho một chính sách cải cách mà Bình Nhưỡng có thể học theo. Nhưng quốc gia này lại từ chối bài học đó. Bắc Triều Tiên vẫn phải phụ thuộc tới 90% nguồn dầu mỏ và 80% hàng tiêu dùng vào Trung Quốc trong khi họ chi 25% GDP của mình cho quốc phòng”.
Trong một bài viết khác mang tựa đề “Bắc Triều Tiên-cái bẫy đầu tư”, tờ “Tuần san Phượng Hoàng” nêu ra những câu chuyện đáng buồn của các doanh nghiệp Trung Quốc thiết lập dự án tại Bắc Triều Tiên nhưng trang thiết bị của họ bị tịch thu, tiền bạc bị phong tỏa, các nhà máy phải đóng cửa. Các quy định, luật lệ thay đổi tùy tiện, không thông báo trước và các nhà đầu tư phải tự lo liệu đường sá, nguồn cung năng lượng.
Không ít người Trung Quốc đang đặt câu hỏi tại sao tiền bạc của họ lại bị dùng để hỗ trợ cho một chế độ mà thậm chí không ghi nhận những trợ giúp nhận được. Họ đang đặt câu hỏi tại sao Bình Nhưỡng phớt lờ kêu gọi của Chính phủ Trung Quốc từ bỏ vũ khí hạt nhân, theo đuổi hòa bình với các láng giềng mà thay vào đó là những hành động có thể khiến Nhật Bản cũng chế tạo vũ khí hạt nhân. Họ đang đặt câu hỏi liệu như vậy có đáng để 150.000 lính Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc chiến cách đây 6 thập kỷ hay không./.
( Source : TTXVN , Tài liệu tham khảo đặc biệt . 29/7/2010 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét