7/8/10

Quần đảo Hoàng Sa: Chia sẻ chủ quyền Việt – Trung?

Bài của TS Vũ Quang Việt trên Tuần VN:
Quần đảo Hoàng Sa: Chia sẻ chủ quyền Việt – Trung?
Theo Tuần Việt Nam – 06/04/2010
Dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế, TS Vũ Quang Việt cho rằng, quần đảo Hoàng Sa nên được chia sẻ chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụm đảo An Vĩnh (Amphitrite) có đảo Phú Lâm sẽ do Trung Quốc giữ và cụm đảo Lưỡi Liềm(Crescent) có đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam, cùng với vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh các cụm đảo.
Hoàng Sa trong các văn bản hiện đại của Việt Nam phản ánh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bao gồm cụm đảo Crescent (nhóm Lưỡi Liềm) có đảo Hoàng Sa và cụm đảo Amphitrite (nhóm An Vĩnh) có đảo Phú Lâm.
Các ghi chép lịch sử của Việt Nam khẳng định sự thật rằng nhà Nguyễn đã biết và triển khai chủ quyền của Việt Nam đối với Bãi cát vàng (quần đảo Hoàng Sa) trước khi có người Pháp đến Việt Nam và trước khi Pháp tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là mức độ rộng tới đâu của các hoạt động thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Nghiên cứu kĩ lưỡng các cứ liệu lịch sử cho thấy Việt Nam và sau đó là Pháp, với tư cách nước áp chính sách thuộc địa lên Việt Nam chỉ kiểm soát cụm đảo Crescent (nhóm Lưỡi Liềm) của quần đảo này, ít nhất là từ 1818 cho tới 1974 khi Trung Quốc chiếm cụm đảo này bằng vũ lực từ tay quân đội chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.
Cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) bao gồm 7 đảo nhỏ và một số dải san hô. 5 đảo nhỏ chính là Pattle (Hoàng Sa), Money (Quang Ảnh), Robert (Hữu Nhật), Quang Hoà (Duncan), Duy Mộng (Drummond) và Tri Tôn.
Đảo nhỏ Pattle hay tên tiếng Việt là đảo Hoàng Sa không phải là đảo lớn nhất nhưng về quân sự lại là đảo quan trọng nhất trong cụm đảo Crescent. Nó chỉ có diện tích là 0,3 km2 nhỏ hơn nhiều so với đảo Phú Lâm ở cụm An Vĩnh (Amphitrite), đảo có diện tích 2,5km2.
Đảo Hoàng Sa gần đất liền Việt Nam, đã được sử dụng như trung tâm hành chính của Pháp và hải quân miền Nam Việt Nam. Trạm khí tượng cũng được Pháp xây dựng vào năm 1938. Đảo này có Miếu Bà có thể ở cùng vị trí ở ngôi đền vua Minh Mạng đã ra lệnh xây dựng năm 1835 như đã được nhắc đến bởi các học giả Việt Nam.

Cụm đảo Lưỡi Liềm gần với tuyến đường hàng hải đi lại giữa Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ Dương. Đây là khu vực nguy hiểm, tàu có thể vỡ và chìm nếu va phải các dải đá ngầm và cát, nhất là trong mùa bão có thể kéo dài đến 6 tháng. Trước khi người Pháp đến, đảo Pattle hay Hoàng Sa là một điểm quan trọng nơi có thể thu thập các tài sản có giá trị còn lại từ các tàu bị vỡ.Hằng năm, chúa Nguyễn và sau này là vua Nguyễn đều gửi các thuỷ thủ đến đế lấy những vật có giá trị còn lại từ các tàu đắm, điều đã được viết rất rõ trong Phủ biên tạp lục và Đại Nam Thực Lục.
Đảo Tri Tôn cũng nằm trong cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) được xác định là nơi người ta có thể tìm thấy nhiều Hải sâm và baba và sự mô tả này hoàn toàn phù hợp với mô tả trong Đại Nam Thực lục.
Cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) là nơi mà các hoàng đế của Việt Nam xem là lãnh thổ của mình và do đó đã cố gắng chỉ đạo chặt chẽ hoạt động và ghi chép địa lý rõ ràng hết sức có thể. Mỗi năm, các hoàng đế đều cử các biệt đội tới đây. Vua Minh Mạng đã ra lệnh vẽ bản đồ cụm đảo, trồng cây và thậm chí xây dựng của ngôi đền.
Ngoài ra, tên của các nhà lãnh đạo đội đến Hoàng Sa đã được sử dụng để đặt tên các đảo nhỏ. Phạm Hữu Nhật được vua Minh Mạng cử đến năm 1836, được đặt tên cho đảo Robert Island. Tương tự như vậy, Phạm Quang Ảnh, đội trưởng biệt đội do vua Gia Long cử ra Hoàng Sa năm 1816 được đặt tên cho đảo Money Island.
Trong khi đó, cả người dân và chính quyền Trung Quốc đều không nỗ lực thể hiện sự hiện diện của mình ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent)trước khi họ chiếm đóng bằng vũ lực năm 1974.
Người Hoa ở đảo Hải Nam có thể nhận thức về sự tồn tại và thừa nhận rõ ràng đó là nơi Việt Nam có chủ quyền ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent). Điều này thể hiện rõ qua việc chính quyền đảo Hải Nam đã trao trả những thuỷ thủ Việt Nam thuộc biệt đội Hoàng Sa khi họ bị cuốn vào đảo sau bão.
Luật quốc tế cho phép Việt Nam lập luận rằng khi Việt Nam có chủ quyền đối với một phần, Việt Nam có thể tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo. Nhưng việc này chỉ hợp pháp khi phần còn lại là đất vô chủ – terra nullius, vào thời điểm đưa ra tuyên bố.
Điều này có vẻ không đúng khi đảo Phú Lâm (Woody Island) lúc đó đang do người Nhật Bản (tức là người dân Đài Loan lúc Đài Loan là thuộc địa của Nhật) chiếm giữ và sau đó là người Trung Quốc trước khi người Pháp đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Nếu như cụm đảo Crescent được ngư dân Hải Nam hiểu là phần của Việt Nam, tránh khai thác thì các chính quyền Việt Nam dưới triều Nguyễn không quan tâm đến cụm đảo An Vĩnh (cụm Amphitrite) có đảo Phú Lâm vì nó không có tài nguyên gì giá trị, khi mà phân chim/ phốt pho chưa được công nhận là nguyên liệu giá trị.
Các ghi chép lịch sử còn lại của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn hoàn toàn không đề cập đến đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa. Không nghi ngờ gì khi các vua Nguyễn đều nhận thức toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nhưng mối quan tâm của họ có lẽ chỉ ở cụm đảo Lưởi Liềm Crescent có đảo Hoàng Sa, nơi mà có các tài sản giá trị từ các tàu bị đắm.
Thái độ này của nhà Nguyễn cũng giống như các hoàng đế Trung Hoa: mở rộng ra các đảo là việc làm tốn kém, trừ khi họ có thể thu về các giá trị kinh tế.
Trong khi đó, theo Marwyn S. Sam uels trong cuốn sách “Contest for South China Sea”, Phú Lâm (Woody Island), một phần của cụm đảo Amphitrite (An Vĩnh) và là hòn đảo lớn nhất tại Hoàng Sa, ít nhất đã được Trung Quốc khai thác từ năm 1911 và có thể từ trước đó. Điều này đã được chứng minh bởi đơn khởi kiện của một nhóm các thương nhân đối với tỉnh Quảng Đông về việc cấp phép khai thác phân chim/ khu dự trữ phốt pho năm 1921. Một uỷ ban đã được thành lập năm 1928 và thậm chí họ còn cử người đến “Hoàng Sa” để điều tra, trong khi hoạt động khai thác đã được triển khai. Thế nhưng, việc khai thác chỉ hạn chế ở đảo Phú Lâm.
Luôn muốn tránh đối đầu với Nhật Bản/ Trung Quốc – những người đến trước, Pháp chưa bao giờ thực hiện quyền sở hữu với đảo Phú Lâm. Trong các năm 1925, 1926, tàu chiến của Pháp từng đến đảo Phú Lâm rồi lại bỏ đi.
Ngay cả khi tuyên bố chính thức về quyền sở hữu các quần đảo vào năm 1930, Pháp cũng chưa từng thực hiện quyền sở hữu với cụm đảo An Vĩnh (Amphitrite) có đảo Phú Lâm này, mà chỉ ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) có đảo Hoàng Sa. Và việc tuyên bố này cũng nhằm đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực.
Tháng 1/1938, Nhật Bản đã thiết lập sự hiện diện quân sự của mình ở đảo Phú Lâm (Woody) và đảo Lincoln (cả hai đều thuộc nhóm đảo An Vĩnh – Amphitrite của quần đảo Hoàng Sa). Khi quân đội Pháp đến đây, họ đã gặp hai tàu của Nhật Bản. Quân đội của Pháp và Nhật đã cùng tồn tại trên đảo Phú Lâm.

Tuy nhiên, chỉ có quân đội Pháp Đông Dương ở đảo Pattle (Hoàng Sa) trong cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) của quần đảo Hoàng Sa. Tương tự, quân đội của Pháp và Nhật cùng tồn tại ở đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa. Từ tháng 10/1940, Nhật Bản chiếm đóng hoàn toàn đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình cho đến khi đầu hàng trong chiến tranh thế giới thứ 2.Sau Thế chiến II, một chiếc tàu Pháp trở lại đảo Pattle – Hoàng Sa vào tháng 5/1946. Ở Việt Nam, quân đồng minh đã giao nhiệm vụ giải trừ quân bị Nhật Bản cho Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc và Anh ở miền Nam Việt Nam. Không ai quan tâm lực lượng nào sẽ lo vấn đề biển Nam Trung Hoa.
Tưởng Giới Thạch tận dụng cơ hội này để chiếm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bị bỏ rơi ở biển ĐNA. Tưởng Giới Thạch đã chiếm hữu đảo Phú Lâm vào tháng 1/1947, có lẽ bởi đó là nơi người Trung Quốc đã từng ở. Pháp gửi một con tàu trở lại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/1946. Không rõ địa điểm mà tàu này đến, mặc dù khả năng ở đảo Pattle – Hoàng Sa có vẻ cao hơn.
Có thể nói, các dữ kiện được trình bày ở trên cho thấy, Việt Nam đã có tuyên bố rõ ràng và thực thi chủ quyền của mình ở cụm đảo Lưỡi Liềm trong khi Trung Quốc kiểm soát cụm đảo An Vĩnh trước và sau chiến tranh thế giới thứ 2. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 không thể chấp nhận là căn cứ để xác định chủ quyền, theo luật pháp và thông lệ quốc tế.
Sẽ là công bằng và hợp lý cho cả Trung Quốc và Việt Nam theo luật và thông lệ quốc tế nếu Trung Quốc tiếp tục giữ lại cụm đảo An Vĩnh có đảo Phú Lâm và trả lại cho Việt Nam cụm đảo Lưỡi Liềm, có đảo Hoàng Sa.
Box: Trước khi tây phương lấn chiếm châu Á, Trung Quốc chưa bao giờ coi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ của mình. Thậm chí cuối những năm 1800, Trung Quốc vẫn không coi Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này được đánh dấu bởi các sự kiện liên quan đến hai tàu La Bellona và Imeji Maru, bị chìm gần quần đảo Hoàng Sa, vào các năm 1895 và 1896.
Các ngư dân từ đảo Hải Nam, Trung Quốc đã thâu nhặt đồng từ các mánh vỡ của tầu.
Công ty bảo hiểm hai con tầu này gửi phản đối chính phủ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Phía Trung Quốc cũng đáp trả rằng Trung Quốc sẽ không chịu trách nhiệm vì đó không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Quan trọng hơn cả sách sử chính thống của triều đại Minh và Thanh cũng đều không ghi Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.
(Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả)

4- Bài phỏng vấn trên BBC: với tuyên bố hùng hồn “Chẳng hạn, theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước khác cũng không có bằng chứng gì rõ ràng để nói Trường Sa là của họ.”
Hội thảo về tranh chấp Biển Đông Nam Á
Một hội thảo của giới học giả bàn về tranh chấp biển và an ninh ở khu vực Đông Nam Á khai mạc ngày 29/07 tại Philadelphia, Hoa Kỳ.
Hội thảo này kéo dài tới ngày 31/07, tập trung một số nhà nghiên cứu hàng đầu người Việt trong lĩnh vực an ninh ở khu vực, nhất là trong tranh chấp Biển Đông.
Lời giới thiệu của Ban Tổ chức hội thảo viết: ” Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng mạnh lên, cho phép họ mua chuộc, áp lực các nước khác; kể cả dùng sức mạnh quân sự để thực hiện những yêu sách của họ; đặc biệt ở Biển Đông Nam Á, tình hình ngày càng nghiêm trọng, vì Trung Quốc không chỉ yêu sách đảo mà còn cả biển”.
Với nhận định chính sách của Trung Quốc ảnh hưởng không chỉ tới Việt Nam, mà cả các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn thế giới, hội thảo ‘Tranh chấp Biển Đông Nam Á và vấn đề an ninh con người’ đặt mục tiêu “đón nhận các phân tích, đánh giá về vai trò Trung Quốc, về chiến lược mà Việt Nam nên theo đuổi”.
Đài BBC đã hỏi chuyện Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một trong các thành viên Ban Tổ chức hội thảo:
TS Vũ Quang Việt: Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hai hội thảo về chủ đề này tại Đại học Yale và Đại học Temple, nhưng đó chủ yếu là cho học giả nước ngoài.
Lần này, đây là hội thảo đầu tiên chỉ cho học giả người Việt. Tuy nhiên số học giả từ trong nước tham gia thì rất ít, mà đa số là người Việt ở nước ngoài.
Một phần là do con số người nghiên cứu về Biển Đông ở trong nước không có nhiều, phần nữa, tự trang trải chi phí để sang Hoa Kỳ tham gia hội thảo cũng là vấn đề lớn.
Tôi biết có trường hợp học giả Hoàng Việt ở TP Hồ Chí Minh định qua đây dự hội thảo, nhưng lại không được phép của hiệu trưởng. Lý do vì sao thì tôi không rõ, vì chính phủ Việt Nam không có cản trở gì chuyện này.
BBC: Ở trong nước vẫn có nhiều người cho rằng vấn đề Biển Đông và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là vấn đề “tế nhị”. Liệu suy nghĩ như vậy có cản trở gì cho việc nghiên cứu vấn đề này hay không thưa ông?
TS Vũ Quang Việt: Quá trình nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn độc lập, không có liên quan gì tới Việt Nam cả. Thêm nữa, tìm kiếm cổ sử của Trung Quốc, tư liệu của Pháp… thì cũng không nhất thiết phải có mặt ở Việt Nam.
Dĩ nhiên nếu có sự tham gia cùng nghiên cứu của các học giả Việt Nam, nhất là những người giỏi tiếng Hán, thì chắc là sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên cho tới nay thì chưa có sự hợp tác nghiên cứu nào giữa bên ngoài và trong nước trong lĩnh vực này.
Tôi nghĩ, trong việc cộng tác nhiều khi hai bên phải có sự hăng hái giống nhau thì kết quả mới tốt. Chứ còn nếu cứ phải thông qua hệ thống, cơ quan… thì chúng tôi không quen làm như vậy.
BBC: Xin ông cho biết đôi nét về nghị trình của hội thảo?
TS Vũ Quang Việt: Hội thảo lần này không chỉ nói về Biển Đông, nhưng có nhiều bài viết và tham luận về vấn đề Biển Đông. Chúng tôi cũng đặt vấn đề về vai trò của Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực này.
Tôi cho là con số bài viết về Biển Đông còn nhiều hơn một số cuộc hội thảo khác, và chất lượng tương đối cao.
Ở đây, khi đọc các tham luận chúng ta sẽ thấy có cả sự khác biệt ý kiến trong giới học giả. Thông qua trình bày, thảo luận… hy vọng sẽ đưa ra được cái nhìn nhiều chiều vì đây là một hội thảo khoa học nên không nhằm tìm ra một ý kiến nhất quán nào.
Thí dụ nói về vai trò của Trung Quốc thì cá nhân tôi đặt vấn đề là Trung Quốc đang có những hành động không có lợi cho hòa bình trong khu vực, và có những tuyên bố không đúng sự thật. Thế nhưng hầu hết chưa có nghiên cứu độc lập của người Việt Nam về sử liệu này.
Vậy nên chúng tôi tập hợp và mang các tổng hợp đó ra tranh luận.
BBC: Xin nói rộng ra ngoài cuộc hội thảo: tình hình Biển Đông hiện nay đang gia tăng căng thẳng. Theo đánh giá của Tiến sỹ, liệu có giải pháp nào để tháo gỡ các căng thẳng đó không?
TS Vũ Quang Việt: Tôi nghĩ đầu tiên phải làm sao để dư luận thế giới hiểu rõ vấn đề vì chỉ khi đó họ mới có thể ủng hộ các giải pháp tốt đẹp được. Và bản thân chính người Việt Nam cũng phải hiểu rõ tình hình như thế nào trước.
Chẳng hạn, theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước khác cũng không có bằng chứng gì rõ ràng để nói Trường Sa là của họ.
Vì thế nếu các bên bây giờ đẩy mạnh tinh thần dân tộc, vận động người dân trong nước chiến đấu bảo vệ, sống chết với nó thì sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh hết sức vô ích.
Nhưng nếu ta thừa nhận đây là một vùng hải đảo không thuộc về ai, thì sẽ vận dụng công pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ có lợi cho khu vực.
Nhiều nước Đông Nam Á cùng chia sẻ Biển Đông, các nước này có thể góp tiếng để cùng đoàn kết giải quyết vấn đề cho thỏa đáng.
BBC: Thưa ông, Trung Quốc đã nhiều lần lặp lại rằng họ muốn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách song phương. Liệu công pháp quốc tế có thể được áp dụng trong trường hợp này hay không?
TS Vũ Quang Việt: Không thể chấp nhận song phương được. Biển Đông là khu vực biển nằm cạnh nhiều nước, nước nào cũng có quyền lợi trong đó nên không thể giải quyết một cách song phương được.
Trung Quốc dùng phương cách đó để “chia để trị”, mua chuộc nước này, nước kia, nhằm khống chế kiểm soát Biển Đông. Thế nhưng chiến lược này của họ sẽ không thể thành công được.
BBC: Vừa rồi, Hoa Kỳ cũng tuyên bố muốn tham gia quá trình đàm phán Biển Đông. Thưa ông đánh giá vai trò của Hoa Kỳ trong vấn đề này như thế nào?
TS Vũ Quang Việt: Nếu không có Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ dễ bề đòi hỏi song phương hơn. Bắc Kinh có thể mua chuộc lãnh đạo các nước riêng rẽ, khiến các nước chống lại nhau, tất cả phục vụ lợi ích c̉ủa Trung Quốc.
Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát hoàn toàn khu vực. Tự do đi lại, nhưng phải hỏi ý kiến và xin phép Trung Quốc.
Thế nhưng đây là vùng biển mà Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát được trong quá khứ, bởi vậy bây giờ cũng chẳng có lý do gì để Trung Quốc bắt đầu nói là của mình.
Thái độ của Mỹ gần đây theo tôi là rất tích cực. Mỹ không chấp nhận vùng biển này là của Trung Quốc và duy trì quan điểm ủng hộ tự do đi lại ở đây.

5-Bài phỏng vấn mới đây nhất trên RFA:
Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa?
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-08-03
Về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mời quý vị theo dõi lập luận của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt xung quanh vấn đề này.
Mới đây những người có quan tâm đến chứng cứ lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã tỏ ra rất ngạc nhiên trước quan điểm của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt trả lời bài phỏng vấn trên BBC cho rằng tất cả các nước đang tranh chấp tại quần đảo Spratlys Island mà Việt Nam gọi là Trường Sa đều không có đầy đủ chứng cứ chủ quyền, kể cả Việt Nam và Trung Quốc.Mặc Lâm phỏng vấn TS Vũ Quang Việt để tìm hiểu thêm chi tiết về lập luận của ông chung quanh quan điểm này.
Không đồng thuận
Mặc Lâm: Thưa TS, trong một bài trả lời phỏng vấn, ông cho rằng “không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam. Theo Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ do vua Minh Mạng ra lệnh vẽ vào năm 1838 và in ra sau đó một năm, thì hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được gộp chung lại gọi là Vạn Lý Trường Sa. Liệu tài liệu này sẽ được mang ra để chống lại ý kiến của ông hay không?
TS Vũ Quang Việt: Trong bài phỏng vấn BBC tôi đã không nói được hết ý nên xin cám ơn anh cho tôi có cơ hội làm vấn đề rõ ràng hơn.
Mục đích bài viết của tôi ở Hội thảo là xem xét chiến lược cần có của Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia, đối phó với chiến lược mới của Trung Quốc coi gần như toàn bộ biển Đông Nam Á là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc do đó Trung Quốc cần bảo vệ như bảo vệ Đài Loan và Tây Tạng. Nếu chấp nhận điều này thì mọi nước đi qua biển Đông Nam Á đều phải xin phép Trung Quốc, như trước đây Trung Quốc đã đòi hỏi Mỹ phải xin phép khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ở gần Đảo Hải Nam. Trung Quốc nói “bảo đảm tự do đi lại” trên Biển Đông Nam Á.
Không hiểu Trung Quốc hiểu như thế nào nhưng phải xin phép thì không thể gọi là “tự do đi lại”. Trung Quốc nói sẵn sàng cùng các nước hợp tác khai thác biển, nhưng nếu biển thuộc chủ quyền Trung Quốc thì việc hợp tác này chỉ mang tính ban ơn của thiên triều cho chư hầu như ngày xưa. Mục đích của Trung Quốc là gạt ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực. Gạt bằng việc mua chuộc rẻ tiền như vậy thì không ai nghe nổi. Trung Quốc từ lâu đã nhân danh là cùng xã hội chủ nghĩa anh em với Việt Nam để mua chuộc Việt Nam.
Nhưng cho đến nay, Việt Nam không dại như vậy. Tất nhiên Việt Nam gần ngay nách Trung Quốc, lại không là đồng minh của phương tây, nên Trung Quốc đã tăng cường áp lực và hù dọa Việt Nam bằng cách cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá, bắt tàu đòi chuộc, đe dọa các công ty thăm dầu mỏ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Họ cũng biểu dương sức mạnh hải quân để đe Mỹ, hù dọa Việt Nam và các nước khác.
Vấn đề tranh chấp biển đảo như vậy phải đặt trong toàn cảnh chiến lược của Trung Quốc ở cả Thái Bình Dương trong đó có biển Đông Nam Á. Việt Nam trong một thời gian dài, cả chính quyền lẫn người dân đều chỉ tập trung vào tranh chấp đảo không những với Trung Quốc mà với cả các nước Đông Nam Á khác. Chính vì thế mà không thể có sự đồng thuận trong khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc.Tôi hoàn toàn không chống Trung Quốc, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần làm bạn với mọi người. Tôi cho rằng phản ứng của các nước chung quanh trong đó có Việt Nam chỉ nhằm bảo đảm an ninh cho quốc gia mình và mong muốn Trung Quốc cùng với các nước chung quanh và kể cả Mỹ thảo luận đa phương để mang lại hòa bình cho khu vực.
Do đó mà mọi nước kể cả Trung Quốc cần nhìn nhận lại vấn đề tranh chấp này về mặt chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế. Cần minh bạch chúng, mở rộng bàn thảo đa phương để giải quyết vấn đề, kể cả yêu cầu Tòa án Quốc tế tài phán tranh chấp.
Nghiên cứu của chúng tôi (dựa vào sự đóng góp mới đây của các nhà Hán học như Hồ Bạch Thảo) cho thấy là Trung Quốc trong chính sử như Minh Sử và Thanh sử không có đoạn nào nói đến Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Bản đồ chính thức của Trung Quốc cũng thế. Bằng chứng của Trung Quốc đưa ra là các sách của tác giả Trung Quốc có những đoạn viết về cái gì đó mơ hồ như là Hoàng Sa, thậm chí là Trường Sa. Nhưng đây là ghi chép của những người du lịch, thám hiểm.
Về mặt công pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử phải là từ chính sử hoặc những tài liệu tin cậy ghi hành động của nhà nước trung ương, nói lên được ý chí và hành động làm chủ và sự hiện diện liên tục của quốc gia đối với mảnh đất nào đó thì nước đó mới có chủ quyền chính đáng ở đó. Trung Quốc đã không làm được như vậy.
Việt Nam và các nước khác cũng cần làm thế. Nhà nước Việt Nam có chứng cứ lịch sử trong chính sử về làm chủ Hoàng Sa từ thời Gia Long và sau đó trên vùng Lưỡi Liềm cho đến năm 1974 khi bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm mất. Về Trường Sa thì phía Việt Nam cần nghiên cứu để làm cho rõ hồ sơ. Riêng Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ có một điểm mạnh là vẽ rõ Hoàng Sa và Trường Sa dù bị hạn chế bởi khả năng khoa học vẽ bản đồ chính xác của thời đó. Tuy nhiên một nhà nghiên cứu Việt Nam là ông Võ Long Tê trong Tạp chí Sử Địa số 27-28, xuất bản ở Sài Gòn năm 1974 cho rằng nguồn gốc bản đồ này không rõ, nên cần tìm hiểu thêm.
Chấp nhận đàm phán đa phương là chấp nhận xem xét trên cơ sở chứng cứ lịch sử, và những thực tế khác liên quan, nếu có vùng nào đó không rõ ràng thì các nước liên hệ có thể dùng Luật Biển và các tiền lệ của Tòa án Quốc tế để bàn việc chia sẻ lợi ích một cách hợp lý và công bằng nhất.
Cần chứng cứ lịch sử chính thống
Mặc Lâm: Đó là nói về bản đồ, riêng vấn đề người Việt Nam đã có mặt tại đây thì Phủ Biên Tạp Lục có ghi:
“Nhà Nguyễn cũng xây dựng biệt đội Bắc Hải, với các nhân sự đa dạng, được tuyển từ làng Tứ Chính, huyện Bình Thuận, hoặc từ làng Cảnh Dương. Những tình nguyện viên được chấp nhận sẽ được miễn các loại thuế và các phí cầu cảng.
Họ đã sử dụng tàu thuyền đánh cá tư nhân nhỏ để đi du lịch đến Bắc Hải, Côn Lôn để bắt đồi mồi, cá heo, bào ngư, hải sâm. Biệt đội Bắc Hải được đặt dưới sự giám sát của biệt đội Hoàng Sa vì họ chỉ thu thập hải sản, và rất hiếm khi có được các nguyên liệu quý khác như vàng và bạc. Ông nghĩ sao về bằng chứng này?
TS Vũ Quang Việt: Nếu ta dùng nguyên tắc là chứng cứ lịch sử phải mang tính chính thống của nhà nước trung ương và áp dụng nguyên tắc này để xem xét yêu sách của Trung Quốc thì ta cũng phải áp dụng nguyên tắc này cho Việt Nam và các nước khác.
Chính sử Trung Quốc không nói gì đến Hoàng Sa và Trường Sa là đất Trung Quốc và luôn luôn ghi cương vực Trung Quốc chấm dứt ở Đảo Hải Nam. Vậy thì yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở lịch sử. Còn phía Việt Nam, Phủ Biên Tạp Lục là ghi chép của Lê Quí Đôn, không phải chính sử, nhưng là tài liệu cổ được đánh giá là đáng tin cậy, không thể bỏ qua. Phủ Biên Tạp Lục nói về Bắc Hải. Bắc Hải có phải là Trường Sa không thì phải chứng minh.Về Trường Sa, Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử. Việt Nam cần làm rõ chứng cứ về ý chí và hành động làm chủ nó thời Nguyễn.
Nhưng vấn đề Trường không thể chỉ dựa trên chứng cứ lịch sử để xem xét. Nó phức tạp hơn nhiều. Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933 trên cơ sở nó là đất vô chủ, nhưng không gửi quân ngay ra đó để thực hiện chủ quyền. Sau này Pháp và Việt Nam cũng chỉ kiểm soát được số đảo. Rồi Phi, Mã Lai chiếm đóng những đảo không có người. Đài Loan (Trung Quốc) cũng chiếm đóng 1 hòn đảo khi tước võ khí Nhật ở Itu Aba.
Trung Quốc là nước duy nhất dùng dùng võ lực chiếm đóng lại các đảo mà Việt Nam chiếm trước đó. Trong khu vực Trường Sa, có thể nói là yêu sách của Trung Quốc là yếu nhất, vì chỉ phản ánh qua bản đồ có đường chữ U năm 1947 và chính thức yêu sách từ năm 1951.
Mặc Lâm: Riêng trường hợp Philippine, mãi đến năm 1971 mới tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa tuy người dân của họ đã đánh bắt cá hay ghé đảo này từ năm 1956. Trong khi trước đó, Việt Nam đã có hẳn quân đội và thường dân trú đóng trên đảo. Hai sự kiện này được giải thích như thế nào?
TS Vũ Quang Việt: Phi tuyên bố chủ quyền một số hòn đảo trên cơ sở là vùng đất vô chủ, đặc biệt là ở những đảo gần Phi mà trước đây Pháp không có mặt, chưa thực hiện việc kiểm soát hữu hiệu dù đã tuyên bố chủ quyền.
Trước khi chính phủ Phi tuyên bố chính thức một số đảo thì Tomas Cloma người Phi yêu sách Itu Aba, đảo lớn nhất ở Trường Sa vào năm 1956. Gọi là là lớn nhất nhưng diện tích rất nhỏ, dưới 0.5km2. Như vậy Pháp và Phi đều yêu sách trên cơ sở trước đó là đất vô chủ.
Chỉ có Trung Quốc và Việt Nam sau này mới đưa ra yếu tố lịch sử. Sau yêu sách, không ai đồng ý với ai, các nước tự chiếm những nơi còn vô chủ. Chỉ riêng Trung Quốc là dùng võ lực chiếm lại của nước khác.
Mặc Lâm: Mặc dù ông đưa ra nhiều chứng cứ bảo vệ sự tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam, nhưng về vấn đề Trường Sa, những đề nghị của ông có thể sẽ bị chống đối từ dư luận Việt Nam, và để giải thích ông sẽ nói gì với họ?
TS Vũ Quang Việt: Xin nói cho rõ là những ý kiến phát biểu của tôi là ý kiến riêng, dựa vào các tài liệu có được. Tôi chưa được tiếp cận với chứng cứ lịch sử mà nhà nước Việt Nam hiện có nên những ý kiến phát biểu ở đây có thể thay đổi nếu như chứng cứ lịch sử đó đòi hỏi cách nhìn khác. Lịch sử thường được viết lại khi đối mặt với chứng cứ mới. Đó là phương pháp mà các nhà khoa học xử dụng.
Tôi có vài ý kiến riêng dựa vào chứng cứ hiện có và có thể có người không đồng ý. Điều đó không quan trọng bằng việc người Việt cần giúp chính phủ Việt Nam xây dựng hồ sơ chứng cứ lịch sử và lập luận dựa trên công pháp quốc tế để đàm phán với nước khác và tạo công luận.
Tôi nghe nói vẫn còn Châu Bản Triều Nguyễn là các thư từ tài liệu cơ sở có đóng dấu của Vua, đây là tài liệu gốc dùng để viết lịch sử chính thống. Hình như chúng vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt và cũng chưa được sử gia khai thác.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Tiến Sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét