3/7/11

HẠ NGỌC TỂ -VỀ NƠI SẼ CÒN

HẠ NGỌC TỂ

Vĩnh biệt bạn Trần Hữu Minh

( khóa 1972-1975 Kỹ Thuật Đà Nẵng)

-----------------------------------------



VỀ NƠI SẼ CÒN



Ngày giờ sau tả tơi

Vĩnh biệt không chào nói

Thân đời ta nằm đây

Cạnh hoa là sợi khói



Những tiếp diễn sẽ chờ

Đường phàm treo tử cuộc

Thân ta nằm chơ vơ

Đường chưa buông khúc ruột



Tổ tiên đâu là ngã?

Đi hay về miền xa?

Ta nằm đây thấy lạ

Sinh linh lại vào nhà



Chào các bạn cùng đường

Chào tạo vật thân quen

Ta loài chim se sẻ

Khẽ bóng về theo đêm



Vì hồn quay sóng vỗ

Thân ôm hồn không xong

Vì chuyến xe vội đón

Chở về nơi sẽ còn



--------------------------

BD/02/07/11

1/7/11

ĐI –VỀ

ĐI –VỀ

              Trần Hồ Dũng

                  Tưởng niệm bạn  Trần Hữu Minh (KTĐN 72-75) 


ĐI

Một hôm

hồn bỗng ra ngoài

Theo cơn mộng dữ

trôi hoài ngàn năm

Có khi

chợt muốn về thăm

quê hương xa ngái

thuở

trăm năm ngồi


VỀ

Nương theo 

khói lạnh 

hương trầm

Quay về cố quận

Đầm đầm giọt châu

Chân bước chậm

hồn đi mau

Tôi về lại chỗ

ngàn sau

tôi nằm .

tranhodung .saigon 01.07.2011

30/6/11

Trần Hồ Dũng - TIỄN BIỆT

TIỄN BIỆT

Trần Hồ Dũng

“ Viếng bạn Trần Hữu Minh ( cựu HS KTĐN 1972-1975 )”


Kìa em xiêm áo lê thê
Khăn tang quấn vội
mắt tê tái nhìn
Ta đi vào cõi tử sinh
Lòng còn u uất
con mình còn thơ

Chia ly nào có ai ngờ
Thôi em ở lại,
hẹn hờ kiếp sau
Ta nằm yên đó
hồn đau
Nghe buồn theo tiếng kinh trầm trầm sa

Xin chào nhau giữa ta bà
Cảm ơn bè bạn từng là “ áo xanh” ̣
Áo xưa , dù đã phai màu
Nhưng tình xưa vẫn chưa nhàu bể dâu

Đội trời mây trắng trên đầu
Từ trong di ảnh ta chào biệt nhau
Hình như có tiếng kinh cầu
Tiễn ta về chốn không sầu hợp-tan
Xin chào một cõi nhân gian !

THD. Sài Gòn, 29/6/2011

28/6/11

Biển Đông và chuyện “con ếch chịu nóng” -

Biển Đông và chuyện “con ếch chịu nóng” -
Tác giả: Tô Văn Trường
Bài đã được xuất bản.: 28/06/2011


Cứ ngồi yên, và bị cảm giác cũng như thói quen cũ chi phối, chúng ta sẽ cảm thấy không có đe dọa (hoặc đe dọa quá nhỏ) thì đến một lúc nào đó sẽ vô cùng thiệt thòi, trở tay không kịp.

Đất nước đang đứng trước những thử thách cam go: lạm phát, giá cả tăng cao, chủ quyền biển đảo bị xâm phạm nghiêm trọng. Nổi cộm nhất hiện nay là mối quan hệ với nước Trung Quốc khổng lồ đã có rất nhiều điều phải nghĩ, phải nói, trong đó nổi cộm là vấn đề biển Đông.

Nhìn chung, nhân dân ta chưa được tiếp cận đầy đủ với các nguồn thông tin để đánh giá phân tích có được thái độ rõ ràng, do đó dư luận dường như tập trung vào tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi, mưu đồ và thủ đoạn, hành động nguy hiểm nhất, trái thực tế, lẽ phải và pháp lý nhất, xâm phạm đến lợi ích của nhiều quốc gia dân tộc nhất, đồng thời thiết cốt nhất đối với thủ phạm, và vì thế là chỗ yếu kém nhất của thủ phạm, chính là đường đứt khúc 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò bao trùm 3/4 diện tích Biển Đông mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

Chính đường lưỡi bò của Trung Quốc, chứ không chỉ sự giành giật chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mới thực sự phi lý, thâm hiểm, mục đích chiếm toàn bộ biển Đông , nhốt nước ta và một số nước Đông Nam Á vào một cái rọ. Bởi thế, Việt Nam cần chủ động, khôn ngoan xây dựng chiến lược và sách lược phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các nước Đông Nam Á có cùng chung trách nhiệm và quyền lợi đấu tranh một cách bài bản, hiệu quả với Trung Quốc cả trước mắt lẫn lâu dài.



Biển Đông đang "nổi sóng".

Đến nay, chúng ta đã tìm thấy bằng chứng rằng cách đây 30 năm, Trung Quốc đã âm thầm và có âm mưu chiếm biển Đông, đưa ra cả yêu sách "Đường đứt đoạn 9 khúc" vào các bài báo khoa học, có nghĩa là họ đã đi trước nhiều bước hơn chúng ta tưởng.

Qua các bài báo xuất bản ra thế giới chúng ta thấy rằng các tác giả Trung Quốc đã sử dụng bản đồ nước họ với đường lưỡi bò vô lý, ngay cả khi tính minh họa cho nghiên cứu không liên quan, ví dụ như khu vực nghiên cứu chỉ là các thành phố lục địa. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã lập bản đồ quốc gia với "đường lưỡi bò" chiếm hầu hết biển Đông và công bố trên các tạp chí quốc tế từ cách đây 30 năm. Mặc dù trong các công bố khoa học này, họ chỉ đưa "hình lưỡi bò" một cách "lập lờ", không đưa bất cứ chú thích cụ thể nào về đường chữ U trong bản đồ là đường gì, nhưng ảnh hưởng của nó đến cộng đồng quốc tế vẫn rất lớn vì được đăng trên các các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Trong khi đó, các bài báo của các nhà khoa học Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học trên thế giới đã vừa ít, thậm chí lại vừa sai.

Có ý kiến cho rằng nếu chúng ta cứ ngồi yên, và bị cảm giác cũng như thói quen cũ chi phối, chúng ta sẽ cảm thấy không có đe dọa (hoặc đe dọa quá nhỏ) thì đến một lúc nào đó sẽ vô cùng thiệt thòi, trở tay không kịp, sẽ lại phải chấp nhận những việc mà trước đó nhiều năm chúng ta không thể chấp nhận.

Nhiều người còn nhớ phương Tây có câu chuyện ngụ ngôn “con ếch chịu nóng”. Nếu thả con ếch vào chậu nước sôi thì nó nhảy ra ngay, còn nếu thả nó vào chậu nước lạnh rồi đun nóng từ từ thì nó sẽ không nhảy ra mà chịu nóng cho đến khi bị luộc chín. Điều đó có nghĩa là sự mất cảnh giác, ngộ nhận, tự ru ngủ, quen dần với mọi đe dọa thật là nguy hiểm, nó dẫn người ta tới chỗ bị bất ngờ và tất nhiên là thất bại.

Có người còn vạch rõ tư duy về biển Đông của Trung Quốc giống như hình ảnh của con cá mập khi đã xác định được con mồi của nó quyết đuổi đến cùng để thỏa mãn cơn đói.

Sau khi nhận được hàng chục phản ứng của các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước về việc các bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc có cả hình “lưỡi bò” phi lý, không theo luật quốc tế, ban biên tập tạp chí khoa học quản lý chất thải ở Ý hứa sẽ cho chỉnh sửa lại trong số xuất bản sắp đến.

Tuy nhiên, có tạp chí khoa học quốc tế như “Biến đổi khí hậu” cho biết GS Xuemei Shao Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc là tác giả bài báo có hình lưỡi bò phản hồi là sẽ không chỉnh sửa vì đó là do yêu cầu của chính phủ Trung Quốc!? Qua đó, càng thấy rõ chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà khoa học Trung Quốc sửa bản đồ, và chèn đường lưỡi bò vào trong bản đồ, bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận thế giới để thực hiện âm mưu chiếm toàn bộ biển Đông.

Trong cuộc đấu tranh này, giới trí thức Việt Nam càng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trước đất nước và dân tộc, đóng vai trò như những nhà ngoại giao kênh hai, "ngoại giao nhân dân" kịp thời thông tin chính xác ra thế giới, để bạn bè, quốc tế hiểu rõ thiện chí của Việt Nam, mưu đồ, thủ đoạn của Trung Quốc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế sâu rộng đối với dân tộc ta.

Chúng ta cần thông tin đầy đủ và rộng rãi hơn tới cộng đồng khoa học Việt Nam cả trong và ngoài nứớc và bạn bè ở các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á về việc nhiều Tạp chí khoa học quốc tế đã vô tình đăng bài của các tác giả Trung Quốc có hình vẽ đường lưỡi bò ở biển Đông. Động viên cộng đồng khoa học Việt Nam gửi ý kiến tới Ban biên tập các Tạp chi khoa học có sai sót yêu cầu sửa chữa, hiệu đính, như đã làm có kết quả với Tạp chí của Hội địa lý Hoa Kỳ và Tạp chí khoa học Quản lý chất thải rắn của Ý.

Đối với Trung Quốc, đừng gộp người dân Trung Quốc và nhà cầm quyền Trung Quốc làm một. Nên nói về lợi ích chung chính đáng (hòa bình, ổn định, hữu nghị, thịnh vượng) của dân Việt Nam và dân Trung Quốc.

Cuộc sống thay đổi từng ngày, thế giới phẳng thay đổi từng giờ, trí thức là những người được học nhiều, biết rộng, biết vượt lên chính mình để không bị rơi vào trường hợp mà Shakespeare đã từng trách khéo: “càng thông minh hiểu biết nhiều càng hèn nhát”!

Thời gian vừa qua, cộng đồng trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước đã rất tích cực bám sát, phát hiện, phản ứng nhanh, hiệu quả trước việc một số Tạp chí khoa học quốc tế đưa thông tin sai lệch về vấn đề chủ quyền ở biển Đông. Giới trí thức Việt Nam chắc chắn cũng thấy rõ hơn bao giờ hết sứ mạng xã hội của mình, để tiếp nối ý nguyện của nhà thơ - nhà báo liệt sỹ Lê Anh Xuân là góp phần tạo nên một "Dáng đứng Việt Nam" trường tồn vững chắc bên biển Đông đầy sóng gió.

------------------------------
Source : tuanvietnam

Khi người Việt Nam xây phố dành riêng cho người Hoa? -

Khi người Việt Nam xây phố dành riêng cho người Hoa? -
Tác giả: Trần Minh Quân

29/06/2011
Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên?


"Xuất khẩu" lao động phổ thông giá rẻ

Người Trung Quốc (người Hoa) di cư vào làm ăn, sinh sống tại Việt Nam từ rất lâu đời. Lần đầu tiên người Hoa di cư vào Việt Nam được ghi nhận là từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trong suốt 2 thiên niên kỷ tiếp sau đó, nhiều làn sóng người Hoa di cư sang Việt Nam với nhiều nguyên nhân, từ quan, lính, tội phạm ... đến những người phải trốn chạy khỏi các cuộc nội chiến triền miên ở Trung Quốc.

Sau những biến cố lịch sử, người Trung Quốc di cư đến Việt Nam ngày càng đông. Họ cư trú tập trung ở những nơi có điều kiện buôn bán và dần dần hình thành nhiều khu phố người Hoa. Đó là đô thị thương mại Vân Đồn thế kỷ 15, đô thị phố Hiến thế kỷ 16, đô thị Hội An thế kỷ 17 và đậm nét nhất phải kể đến là khu Sài Gòn - Chợ Lớn thế kỷ 18, 19.

Ngày nay, làn sóng di cư người Trung Quốc sang Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Không giống như trước đây, người Trung Quốc đang di cư sang Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau nhưng chủ yếu là lao động phổ thông từ các gói thầu EPC. Theo thống kê không chính thức của các cơ quan báo chí thì hiện có khoảng 90% gói thầu EPC đang được các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, trong đó, ngoài các nguyên vật liệu, thiết bị cần thiết thì ngay cả lực lượng lao động phổ thông cũng được các nhà thầu này "xuất khẩu" sang Việt Nam.

Hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng có thể nói số lượng người Trung Quốc nói riêng và người gốc Hoa nói chung đang hiện diện trên đất nước Việt Nam là rất lớn. Có lẽ, trong tất cả các sắc dân nước ngoài đang sống trên lãnh thổ Việt Nam thì người Hoa là cộng đồng dân cư nước ngoài có số lượng đông nhất.

Liệu đây có phải là một quyết định quá "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa nơi đây nói riêng và các địa phương khác nói chung?

Công bằng mà nói thì người Hoa cũng đã ít nhiều góp phần vào sự phát triển kinh tế và làm tăng tính đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ồ ạt những đối tượng lao động nhập cư đến từ Trung Quốc đang gây nên những mối lo ngại về an ninh trật tự nơi người Trung Quốc cư ngụ đông như đã từng xảy ra ở Ninh Bình và đang góp phần đẩy người lao động Việt Nam đến chỗ thiếu công ăn việc làm.

Trước đây, chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc "xuất khẩu" nông dân sang châu Phi thì một lần nữa họ lại rất thành công trong việc "xuất khẩu" lao động phổ thông giá rẻ sang các nước mà các nhà thầu mang quốc tịch Trung Quốc đang chiếm nhiều ưu thế như Việt Nam.

Khác với các quốc gia ở châu Phi, Việt Nam là một quốc gia với đặc điểm đất chật, người đông và nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Hiện nay, nhiều khu đất canh tác truyền thống thuộc dạng "bờ xôi, ruộng mật" đang dần nhường chỗ cho các dự án khác như khu công nghiệp, sân golf, ... Người Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu đất canh tác và đất ở nghiêm trọng. Nếu phải gồng mình chia sẻ tài nguyên đất đai vốn dĩ hạn hẹp với người dân nhập cư ồ ạt đến từ Trung Quốc thì không biết trong vài chục năm nữa, người dân Việt Nam sẽ đi về đâu?

Do điều kiện lịch sử, xã hội, cũng là một sự giao lưu tự nhiên, và do đặc điểm dân số quá đông của Trung Quốc, mà đến ngày nay, tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên trái đất đều có sự hiện diện của cộng đồng người Hoa làm ăn, sinh sống. Tại đây, họ đều để lại những dấu ấn đậm nét Trung Hoa. Đó là những khu phố người Hoa không lẫn vào đâu được đang nằm rải rác khắp thế giới.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là những khu phố người Hoa này đều do chính những người Hoa di cư đến tự thành lập và xây dựng nên. Sự có mặt và thành công của họ cũng chính là góp phần vào sự thịnh vượng của các quốc gia và vùng lãnh thổ mà họ đang sinh sống.


PHOTO
( Khu Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương )


Quyết định "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa?

Trước những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đất đai đang rất hạn chế như đã nói đối với Việt Nam và lịch sử hình thành của những khu phố người Hoa trên khắp thế giới, thì việc xây dựng một khu phố mới toanh đặc biệt chỉ dành cho người Hoa như khu Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương, thực sự đang gây nên nhiều quan ngại. Khu phố này do chính Công ty Becamex IJC tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.

Nhiều người sẽ đặt ra những nghi vấn rằng tại sao phải xây dựng một khu phố người Hoa mà không phải của một dân tộc nào khác ở ngay trung tâm đô thị được giới thiệu là trung tâm hành chính trong tương lai của một tỉnh? Tại sao không để một khu phố rất đặc trưng như vậy hình thành theo quy luật sinh tồn như vốn có của nó từ hàng nghìn năm nay trên khắp thế giới? Liệu người Việt Nam có bị bắt buộc phải không được bén mảng đến đây (trên chính đất nước Việt Nam) như tại một Casino quốc tế ở Đà Nẵng, hay một sân gofl ở ngay địa đầu Móng Cái?

Trong những năm qua, tại một số tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh bỗng đều đang có ý định "dời đô". Trong đó Bình Dương là một tỉnh đi đầu trong việc xây dựng một thành phố mới, là bước đệm cho việc di dời các cơ quan hành chính chủ chốt của tỉnh về thành phố này. Điều đáng nói là ngay sau khi đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, ... thì Bình Dương cho tiến hành ngay dự án dành riêng cho người Hoa? Liệu đây có phải là một quyết định quá "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa nơi đây nói riêng và các địa phương khác nói chung?

Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên? Khi đó, liệu người Việt Nam có bị đẩy lùi ra khỏi khu trung tâm của những thành phố mới trong tương lai? Và, khi bắt tay xây dựng những khu phố "dành riêng" khác tương tự liệu các nhà đầu tư Việt Nam có khi nào nghĩ đến trong một tương lai không xa, người Việt Nam sẽ không còn được làm chủ trên chính mảnh đất của mình?

SOURCE : TUANVIETNAM.NET

Louisa Lim - Khi kỷ nguyên “ẩn mình chờ thời” của Trung Quốc chấm dứt

Khi kỷ nguyên “ẩn mình chờ thời” của Trung Quốc chấm dứt -
Tác giả: Louisa Lim
Bài đã được xuất bản.: 28/06/2011

Tại căn cứ quân sự đảo Stonecutters ở Hong Kong, những người lính Trung Quốc nguỵ trang, lăn lộn diễn tập. Có những lời tán thưởng vang lên từ đám đông xem họ trình diễn. "Chúng tôi đã làm rất nhiều việc để xây dựng hình ảnh của mình ở Hong Kong”, Dư Tân, người vừa giúp du khách leo lên một chiếc tàu chiến vừa nói. “Tôi nghĩ mọi người không nên sợ hãi, bởi vì sau tất cả, chúng tôi ở đây để bảo vệ đất nước”.

Bấy lâu nay, Bắc Kinh luôn khẳng định rằng, quân đội của họ trước tiên là để phòng thủ, nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy vậy, tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc đang làm các nước láng giềng và cả Mỹ bất an.

Quan chức quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh, quân đội nước này (gọi tắt là PLA) còn tụt hậu sau quân đội Mỹ nhiều thập niên, khi họ gắng biện minh cho 20 năm gia tăng ngân sách quân sự gần như luôn ở mức hai con số. Rất nhiều người Trung Quốc cũng đồng tình như thế, ví dụ như Lai Pau Mok. "So với Mỹ, còn con đường rất dài phía trước", ông nói. Như nhiều người Trung Quốc khác, ông tin là một quân đội mạnh là điều cần thiết để đối trọng với Mỹ. "Nếu quân đội của chúng tôi đủ mạnh, sẽ không có chiến tranh. Nếu quân đội của chúng tôi không đủ mạnh, chiến tranh sẽ tới".

Qua rồi lúc "ẩn mình chờ thời"?

Khi Hong Kong trở về Trung Quốc năm 1997, rất nhiều cư dân Hong Kong đã lo lắng khi binh lính Trung Quốc ầm ầm qua biên giới. Nhưng tình hình bây giờ khác hẳn. "Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn. Tất cả mọi người đều thấy tự hào với thực tế này", một người khác trong đám đông nói.

Thật vậy, những vũ khí quân sự mới của Bắc Kinh đã khiến giới tình báo quốc phòng Mỹ cảm thấy bất ngờ, như ông chủ Lầu Năm Góc Robert Gates công khai thừa nhận trong tháng 1. Trung Quốc đã tiến hành bay thử loại máy bay tàng hình mới đầu tiên J-20 đúng vào lúc ông Gates thăm Bắc Kinh hồi tháng 1. Và giờ đây, Trung Quốc đã gần như hoàn thành con tàu sân bay đầu tiên mang tên Varyag - con tàu được nâng cấp sau khi mua từ Ukraine.

Tuần trước, Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức lần đầu tiên đã chính thức xác nhận về sự tồn tại của con tàu nay. Ông nói: "Tàu sân bay giờ đây đang được xây dựng, và chưa hoàn tất".

"Họ thay đổi tàu Varyag từng ngày, từng giờ", Andrei Chang, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng châu Á nói. "Chúng ta đã chứng kiến họ lắp đặt hệ thống điện tử, ăng ten radio - tất cả mọi thứ đã được thực hiện".

Ông tin là, con tàu chủ yếu sử dụng cho mục tiêu huấn luyện trong khi Trung Quốc nỗ lực chuẩn bị xây dựng tàu sân bay của chính họ. Hạm đội tàu sân bay Trung Quốc cuối cùng có thể thay đổi cán cân sức mạnh quân sự, đe doạ ưu thế Mỹ ở Thái Bình Dương.



Một cuộc thăm dò tại Trung Quốc hồi tháng 5 cho thấy, phần lớn dân nước này ủng hộ việc có tàu sân bay, với 81,3% người được hỏi tin là, tàu sân bay sẽ là cột trụ cho sức mạnh quân sự tổng thể của Trung Quốc" và 50,9% người nói rằng, nó sẽ là đối trọng với Mỹ.

Tuy nhiên, theo Chang, đây chỉ là m ột thứ vũ khí trong cả kho vũ khí của Trung Quốc. "So với Nga và Mỹ, chỉ có Trung Quốc đồng thời xây dựng cả tàu sân bay, tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược, máy bay tàng hình, tàu ngầm hạt nhân tấn công, vệ tinh GPS, tất cả mọi thứ cùng một lúc", Chang nói.

Tốc độ gia tăng quân sự cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc, sự tự tin có thể là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên "ẩn mình và chờ thời" mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây chủ trương theo đuổi. Bắc Kinh đã thể hiện sự quả quyết mới, công khai các cuộc tập trận quân sự và đưa ra quan điểm cứng rắn hơn, thậm chí là gây hấn ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Việt Nam và Philippines quanh vấn đề chủ quyền Biển Đông, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc diễn tập phòng thủ hàng hải, đổ bộ bãi biển và điều động một trong các tàu tuần tra hàng hải lớn nhất của mình tới Biển Đông. Và cách nhìn của dân Trung Quốc dường như còn cứng rắn hơn thế; cho dù Bắc Kinh cam kết không sử dụng vũ lực, nhưng kết quả một cuộc thăm dò cho thấy, 82,9% người Trung Quốc được hỏi đề nghị Trung Quốc nên sử dụng các hành động quân sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng có một số người tin rằng, tham vọng quân sự của Trung Quốc không còn là điều mới mẻ. "Giấc mơ quân sự của Trung Quốc là xây dựng một quốc gia mạnh nhất thế giới, số 1 trong sức mạnh quân sự", Đại tá Lưu Minh Phúc nói trong cuộc phỏng vấn đăng trên trang web Tạp chí Người quan sát Quốc phòng như vậy. Cuốn sách của ông "Giấc mơ Trun Quốc" được dạy trong các trường quân sự Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông bác bỏ rằng, quân đội Trung Quốc là mối đe doạ. "Chúng tôi quá yếu và không an toàn", Lưu nói. "Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngay cửa ngõ của chúng tôi và sử dụng các tàu sân bay để phô trương sức mạnh quân sự. Từng người Trung Quốc đều có thể cảm nhận mối đe doạ quân sự từ Mỹ. Ngăn chặn Mỹ là động lực lớn nhất đằng sau sự phát triển quân sự của Trung Quốc".

Thời thế đổi thay

Nhiều người trong giới quân sự Trung Quốc đã cố gắng giảm nhẹ ý tưởng về một "mối nguy Trung Quốc" khi khẳng định rằng, mục tiêu của Trung Quốc không phải là bành trướng. "Chúng tôi chỉ muốn một điều: Đừng gây hại cho các lợi ích của chúng tôi", vị tướng về hưu Hứa Quảng Ngọc nói. Nhưng điều cần chú ý ở đây là, các lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ chóng mặt, bao gồm nhiều tuyến đường hàng hải, các kênh cung cấp dầu khí và số lượng ngày càng lớn công dân Trung Quốc ở nước ngoài.

"Mỹ phải chấp nhận rằng, tình thế đang thay đổi. Khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn, chúng tôi sẽ bắt đầu bày tỏ ý kiến, quan điểm về các nhu cầu hàng hải của mình, và về bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan tới các lãnh thổ xung quanh", ông Hứa quả quyết. Ông mô tả lập trường an ninh của Trung Quốc là "chủ động phòng thủ" và nói, Bắc Kinh không có ý định thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài hay thế chân Mỹ trở thành một "cảnh sát toàn cầu".

Tuy nhiên, có nhiều tiếng nói hiếu chiến hơn, thậm chí trở nên lớn tiếng hơn trong cuộc tranh cãi về sự mở rộng quân sự của Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu - tờ báo chính thống mang đậm chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, gần đây đăng tải bài xã luận thúc giục Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở nước ngoài.

"Nếu thế giới thực sự muốn Trung Quốc có trách nhiệm hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khắp thế giới, họ nên để Trung Quốc tham gia hợp tác quân sự quốc tế và hiểu rõ nhu cầu của Trung Quốc trong việc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài", bài xã luận viết. "Nó sẽ không chỉ làm cho thế giới của chúng ta an toàn hơn, mà còn có thể bảo vệ các tuyến đường thương mại khỏi hải tặc và khủng bố. Lo lắng về hành động quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ chỉ cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới".

Có lẽ với hy vọng xoa dịu những căng thẳng, gần đây Trung Quốc đã cử ban nhạc quân đội (tháp tùng một vị tướng chỉ huy) tới Mỹ và có buổi biểu diễn cùng với ban nhạc quân đội Mỹ. Về mặt tuyên bố công khai, cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo quân sự hai bên được cho là hợp tác, hữu nghị. Nhưng nhiều người e ngại rằng, tốc độ hiện đại hoá quân sự nhanh chóng của Trung Quốc lại thể hiện bằng thứ ngôn ngữ khác.

Thuỵ Phương (Theo NPR)

Source : TUAN VN