15/5/13

Đĩ thúi (2)




Tháng 5 6, 2013

Nguyễn Viện

Tiểu thuyết


6.

Năm Gia Tĩnh thứ 35, Hồ Tôn Hiến làm Án sát Chiết Giang vận động Thúy Kiều xúi Từ Hải qui hàng triều đình. Sau vụ dẹp giặc Từ Hải và các đầu mục khác, Hồ Tôn Hiến muốn được thăng chức xứng đáng với công lao của mình đã tìm cách móc nối với Thúc Sinh. Thúc Sinh bảo mỗi chức 3000 lạng. Đến năm Gia Tĩnh thứ 39, Hồ Tôn Hiến được thăng một hơi ba chức và làm đến Thượng thư Bộ Binh kiêm Đô sát Viện Hữu đô Ngự sử. Vẫn chưa hài lòng, Hồ Tôn Hiến muốn mua chức Tể tướng. Thúc Sinh bảo được. Hồ Tôn Hiến hỏi bao nhiêu. Thúc Sinh đáp: “Chỉ có vàng thì không đủ.” Bởi vua đâu có thiếu vàng. Hồ Tôn Hiến năn nỉ. Thúc Sinh rỉ tai Hồ Tôn Hiến: “Tôi muốn được an dưỡng ở An Nam với Vương Thúy Kiều, Mã Kiều Nhi và Đạm Tiên.” Hồ Tôn Hiến siết chặt tay Thúc Sinh thay lời cam kết.

Minh sử không ghi chép Hồ Tôn Hiến làm Tể tướng vào lúc nào, nhưng trong dân gian đã truyền tụng nhiều câu chuyện khác nhau để giải thích việc làm thế nào Hồ Tôn Hiến có thể làm đến chức Tể tướng.

Có người bảo Tể tướng Hồ Tôn Hiến là con rơi của Gia Tĩnh, nên được vua chiếu cố. Có người bảo Hồ Tôn Hiến có công trong việc tuyển gái cho vua. Thật ra, ai làm Tể tướng thì cũng không quan trọng. Dân gian quan tâm đến các lời tố cáo Tể tướng gian tham và có âm mưu cấu kết với An Nam làm chuyện thoán nghịch. Minh sử đã ghi chép việc Hồ Tôn Hiến tự vẫn trong ngục thất vào năm Gia Tĩnh thứ 43. Nhưng trong thực tế, Hồ Tôn Hiến đã chạy sang An Nam tá túc nhà Thúc Sinh. Và Hồ Tôn Hiến không bao giờ từ bỏ giấc mộng làm Tể tướng. Lịch sử thế giới cũng như lịch sử An Nam không thiếu trường hợp Tể tướng cướp ngôi làm vua. Vì thế không loại trừ giả thiết Hồ Tôn Hiến có thể đã từng là Tể tướng hoặc làm Vua ở Việt Nam.

Hồ Tôn Hiến hỏi Thúc Sinh: “Làm thế nào thoát được việc luận tội của lịch sử?”

Thúc Sinh bảo: “Thì cứ bỏ tù lịch sử.”

Hồ Tôn Hiến lại hỏi: “Làm sao bỏ tù được lịch sử?”

Thúc Sinh hỏi lại: “Ông có thu xếp cho tôi được an dưỡng ở Dubai cùng với các em gái không?”

Hồ Tôn Hiến nói: “Chuyện nhỏ.”

Thúc Sinh cười bảo: “Cũng đơn giản thôi, hãy bỏ tù mấy thằng viết sử. Chúng là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo ngoài lề, các nhân sĩ, trí thức phản kháng…”

Hồ Tôn Hiến nói: “Bọn chúng đông như ruồi. Bắt đứa này nó đẻ ra đứa khác.”.

Thúc Sinh bảo: “Phải chuyên chính thôi đồng chí ạ.”

Nhưng Hồ Tôn Hiến chợt đổi giọng: “Tại sao ông muốn bỏ chạy?”

Thúc Sinh cũng trở nên nghiêm trang: “Tôi có thằng cháu làm trong ngành công an, nó muốn tôi giúp mua chức thiếu tướng để được gia hạn tuổi về hưu. Tôi bảo nó, trước khi chơi canh bạc chót, với một số tiền lớn có thể về hưu non mà không phải bận tâm, mày nên đi coi thày xem sao. Nó nghe lời đi coi bói, thày bảo, cuối mùa rồi rút lui đi. Phải, ông ạ, có những thứ cần được chôn vùi, bôi xóa.”

Hồ Tôn Hiến hỏi: “Ông cũng khuyên tôi rút lui?”

Thúc Sinh vội nói: “Tôi không nói vậy. Ở địa vị ông, có nhiều cách để chọn lựa.”

Chỉ có bậc thánh mới có khả năng từ bỏ danh vọng và quyền lực. Vì thế, người cháu của Thúc Sinh vẫn điên cuồng chạy chức và Hồ Tôn Hiến bằng mọi cách giữ chức.

Chưa bao giờ Thúc Sinh lại có lắm mối xin chạy chức và chạy dự án đến thế. Từ Hải được chia việc. Cấp trung ương do Thúc Sinh nhận lãnh. Từ Hải phụ trách các địa phương. Ân huệ và tiền bạc của họ lai láng.

Đạm Tiên nói với Thúc Sinh và Từ Hải: “Các anh chớ dại chạy theo các em hoa hậu, người mẫu mà quên chúng em nhé.”

Cả Thúc Sinh và Từ Hải đều biết cái giá của sự được, mất.

Thúc Sinh nói: “Anh chẳng bao giờ quên anh là Thúc Sinh.”

Tuy nói thế, không phải Thúc Sinh không mơ màng đến cái quyền lực vô hạn như Hồ Tôn Hiến.

Từ Hải bảo Thúc Sinh: “Anh chỉ nên hưởng nhàn tao nhã với tiếng đàn của Thúy Kiều thôi. Bon chen quyền lực không phải cái tạng của anh. Vả lại buôn vua như anh nói có phải vĩnh cửu hơn không.”

Thúc Sinh nói: “Cậu vẫn còn cay đắng với kinh nghiệm của vụ đầu hàng Hồ Tôn Hiến năm xưa à?”

Từ Hải bảo: “Tôi nghiệm ra, tiền và gái mới là tất cả hiện thực lý tưởng của mọi thời đại. Nó cho chúng ta cái chức của tất cả mọi chức.”

Vương Thúy Kiều nói với Thúc Sinh: “Thật ra, hồi đó anh Từ Hải qui hàng triều đình không phải chỉ vì em. Anh ấy nghĩ có thể làm điều gì đấy tốt hơn cả Hồ Tôn Hiến. Nhưng ảnh không phải là con người chính trị. Vì thế ảnh phải chết đứng.”

Đạm Tiên bảo: “Trong cuộc sống, chỉ có người thắng hoặc người thua. Đàn ông hay ảo tưởng.”

Từ Hải nói: “Có thể Hồ Tôn Hiến cũng không nhận ra điều ấy, mặc dù ông ta đã tự vẫn trong ngục.”

Mã Kiều Nhi nói: “Em lại thích những người ảo tưởng. Vì những người ảo tưởng cũng thường phóng túng.”

Nhìn lại mình, quả thực Thúc Sinh thấy không thể lươn lẹo như Hồ Tôn Hiến. Không đạp được người thì hay nhất là bợ người. Vả lại, bợ Hồ Tôn Hiến không phải là mối lợi vô tận của ông sao? Gạt bỏ dự án quyền lực, Thúc Sinh lập dự án kinh tế. Ông muốn là người giàu nhất.

Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Gái là nhu cầu muôn thuở của đàn ông. Bởi vậy, cái nghề nghiệp vững bền nhất chắc chắn phải là nghề chăn gái. Cậu cho người làm cho tôi cái dự án kinh doanh tình dục thật hoành tráng, với khả năng giải quyết việc làm cho hàng triệu phụ nữ. Đặc biệt chú ý tới vấn đề thời vụ của các chị em nông thôn. Đồng thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội.”

Từ Hải nói: “Ý tưởng hay. Nhưng liệu Hồ Tôn Hiến có chấp nhận khi ông ta đang đòi hỏi chính quyền các cấp phải xây dựng được các cộng đồng văn hóa từ cấp tổ dân phố tới cấp tỉnh?”

Thúc Sinh bảo: “Nền tảng kinh tế quyết định thượng tầng văn hóa. Tôi sẽ thuyết phục Hồ Tôn Hiến chấp nhận dự án này như một mũi đột phá cho nền công nghiệp du lịch nước nhà, vượt qua Thái Lan.” Tự sướng với sáng kiến của mình, Thúc Sinh nói tiếp: “Thật ra, không khó đâu. Phần cậu, sai đệ tử nghiên cứu làm luận chứng kinh tế cũng đừng quên yếu tố thuần phong mỹ tục và truyền thống dân tộc. Cần phải mang Truyện Kiều ra làm dẫn chứng. Vấn đề Hồ Tôn Hiến chỉ là bao nhiêu phần trăm lợi nhuận thôi.”

Dự án được triển khai tại tất cả 64 tỉnh thành trên cả nước để tránh tình trạng ăn chia không đều gây bất ổn nội bộ. Quỹ đất dành cho dự án của mỗi tỉnh thành do chính quyền địa phương và các nhà đầu tư quyết định, tùy theo mức độ cung ứng lao động của địa phương đó. Đối chiếu và đánh giá hiệu quả dự án dựa trên sự bất mãn của người mất đất và sự hài lòng do lợi ích kinh tế mang lại cho ngân sách nhà nước và các bên liên quan là tốt đẹp. Cái gọi là dân oan và những cuộc biểu tình kêu đòi công lý của họ hoàn toàn không đáng kể.

Thúc Sinh nói với Hồ Tôn Hiến: “Tể tướng Quản Trọng của nước Tề không phải là nhân vật xuất chúng sao? Chính ông ta đã cho xây 700 nhà chứa giúp cho nhà Tề có kinh phí xây dựng binh lực tranh hùng với thiên hạ. Ngày nay, để đất nước có thể hóa rồng, chúng ta cũng cần tận dụng sức mạnh và nhan sắc chị em. Hiện có khoảng 25 triệu phụ nữ trong tuổi lao động, trong đó 80% sống ở nông thôn, nhưng lao động nữ nông thôn chỉ chiếm khoảng 58%. Cái dự án mà tôi muốn nói với ông chính là để giải quyết phần 32% còn lại thất nghiệp. Mà việc này cũng không cần ông phải nhúng tay vào. Tôi sẽ đứng ra bán dự án này cho các tỉnh.”

Hồ Tôn Hiến bảo: “Tôi đồng ý trên nguyên tắc. Những vấn đề khác ông làm việc với con rể tôi.”

Trong cuộc nhậu, Từ Hải nâng ly mời Thúc Sinh: “Phụ nữ Việt Nam – Điểm đến của thế giới.”

“Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân các năm chiếm 69,79%. Cũng từ năm 2004 đến năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận được 59.751 lượt đơn của 29.671 vụ việc, trong đó khiếu nại hành chính về đất đai là 17.711 vụ chiếm 58,59%, có 5.966 vụ việc khiếu nại quyết định hành chính trong giải quyết tranh chấp đất đai chiếm 20,11%, có 4.639 vụ đòi lại đất cũ chiếm 15,63% và 1.355 vụ việc tố cáo chiếm 4,57%. Trong lĩnh vực tư pháp, số lượng các vụ án hành chính liên quan đến việc khởi kiện của công dân đối với các quyết định hành chính về quản lý đất đai cũng có xu hướng gia tăng. Từ năm 2004 đến năm 2011, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 3.994 vụ, giải quyết 2.857 vụ chiếm 71,5%, người khởi kiện là cá nhân chiếm 2.715 vụ, khởi kiện là cơ quan, tổ chức chiếm 142 vụ.”

(Cổng Thông tin Điện tử Thanh tra Nghệ An)

Các vụ xuống đường biểu tình của dân oan từ các tỉnh kéo về Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội gần như mỗi ngày. Lời kêu cứu của họ không được ai lắng nghe, kể cả những tâm hồn nhạy cảm như nhà báo và nghệ sĩ các loại. Đã có những cái chết và những bản án tù cho nạn nhân và những ai bênh vực họ.

7.

Từ Hải nói với Thúc Sinh: “Tôi đã đủ tiền mua nhà ở Dubai và bảo đảm một cuộc sống vương giả ở đó. Xét cho cùng, cuộc đời không phải cứ chống đối là hay.”

Thúc Sinh cười: “Cậu giác ngộ cách mạng rồi đấy.”#

Từ Hải hỏi: “Khi nào anh đi Dubai?”

Thúc Sinh: “Khi nào không còn kiếm tiền được nữa mới dzọt.”

Từ Hải cười: “Có lẽ chúng ta còn phải phấn đấu nhiều mới có thể tranh hùng với các anh hai dầu lửa ở Trung Đông.”

Thúc Sinh nói: “Đúng.”

Từ Hải đắc ý: “Phụ nữ thế giới – Điểm đến của Việt Nam.”

Thúc Sinh nói: “Có lẽ chưa bao giờ cậu nghĩ đến việc bán các dự án cho Trung Quốc?”

Từ Hải hỏi: “Khai thác nguyên liệu thô?”

Thúc Sinh bảo: “Cái đó ồn ào mà lợi nhuận không bao nhiêu. Vũ khí hoặc công nghệ cao. Nhẹ nhàng, kín đáo mà tiền khẳm. Trung Quốc không thể mua được các vũ khí hiện đại của Tây Âu hay Israel, hoặc linh kiện công nghệ cao của Mỹ. Chúng ta sẽ làm việc này thay cho họ.”

Từ Hải hỏi: “Ai sẽ làm cầu nối cho chúng ta với thế giới bên ngoài?”

Thúc Sinh: “Vợ cũ của tôi, Hoạn Thư. Bà ấy đang ở Mỹ.”

Hoạn Thư vượt biên năm 1978 theo diện bán chính thức dành cho các Hoa kiều với giá 4 lượng.

Từ Hải nói: “Tôi lúc nào cũng là chân tay của anh.”

Thúc Sinh giao cho Từ Hải móc nối với cảng Hải Phòng làm trạm trung chuyển. Hoạn Thư thu gom hàng hóa dưới dạng các phụ tùng và linh kiện rời. Phần ông, bán kế hoạch này cho tình báo Hoa Nam.

Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Chúng ta là những nhân vật tiểu thuyết, bởi thế chúng ta có thể làm bất cứ điều gì nghĩ ra được mà không sợ ở tù.”

Từ Hải nói: “Giả dụ nếu bị ở tù thật thì cũng đâu có sao. Ra tù, lại tiếp tục. Chúng ta không bao giờ chết.”

Họ không biết rằng, dù là nhân vật tiểu thuyết, họ vẫn có thể bị vùi dập.

Nhiều năm sau, một số nhân vật liên quan ở cảng Hải Phòng bị bắt. Từ Hải và Thúc Sinh vẫn là những người vô can. Sau vụ này, mỗi người trong số họ mua một biệt thự ở New York.

Từ Hải nói: “Tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái chết đứng. Tôi sợ đến lúc mình chạy không kịp.”

Thúc Sinh bảo: “Người ta biết thì sống. Cái biết của chúng ta là gì? Đấy là không bao giờ đặt cuộc đời mình vào một cửa. Chủ nghĩa tư bản là gì? Đấy là ở đâu có lợi thì chơi. Chỉ có kẻ ngu muội mới tin vào chính nghĩa. Chân lý là tiền. Chúng ta theo người mạnh, nhưng chúng ta cũng cần tỉnh táo để biết kẻ mạnh cũng đến lúc chết.”

Từ Hải hỏi: “Anh nghĩ Hồ Tôn Hiến còn sống được bao lâu?”

Thúc Sinh: “Hắn sống bao lâu không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải đánh hơi được người nào sẽ thay thế hắn.”

Từ Hải tâng bốc: “Anh lúc nào cũng sáng suốt.”

Thúc Sinh nói: “Cái lão Hồ Tôn Hiến B cũng đáng để chúng ta bỏ vốn đầu tư đấy. Cậu mang Thúy Kiều đến cúng cho lão.”

Vương Thúy Kiều được cải thiện chiều cao bằng cách cưa ống chân độn thêm một khúc xương mới. Nàng trở thành người đẹp chân dài. Nàng cũng được tân trang lý lịch lên đời người mẫu thời trang. Chiến dịch PR cho Kiều được Từ Hải xúc tiến một cách qui mô và bài bản. Kiều bỗng là “hot girl”. Các đại gia săn đón nàng, nhưng nàng săn đón Hồ Tôn Hiến B.

Hồ Tôn Hiến B sập bẫy. Thúc Sinh và Từ Hải trở thành nhà tài trợ chính cho Hồ Tôn Hiến B để đáp ứng các nhu cầu của người đẹp.

Bí mật quốc gia nằm trong tay Từ Hải, Thúc Sinh. Họ không đầu cơ chính sách, nhưng họ bán chính sách ăn huê hồng. Họ bảo 30% là thuế của cuộc chơi.

Mỗi lần thay đổi nhân sự, chính sách lại đảo chiều. Nhân sự và chính sách là một cuộc chơi bất tận. Nạn nhân và những kẻ thủ ác, tất cả đều là những con rối.

Mã Kiều Nhi hỏi Thúy Kiều: “Mày đã mua được mấy cái nhà?”

Kiều đáp: “Mỗi thành phố một cái. Còn mày?”

Mã Kiều Nhi nói: “Tao chỉ mua một căn thôi. Đường Lê Duẩn, Hòn Ngọc Viễn Đông. Dành để nghỉ ngơi. Còn khi làm việc tao vẫn thích vào khách sạn.”

Thúy Kiều hỏi: “Làm gì cho hết tiền?”

Mã Kiều Nhi bảo: “Bao giai và đánh bạc.”

Thúy Kiều hỏi tiếp: “Thằng nào tốt phước thế? Ra mắt chị em chứ?”

Mã Kiều Nhi bảo: “Có lạ gì mà ra mắt. Nguyễn đấy.”

Thúy Kiều lại hỏi: “Vẫn còn tình yêu à?”

Mã Kiều Nhi: “Làm gì có tình yêu. Sở thích thôi. Nuôi một thằng làm thơ là làm đẹp cho cuộc đời, huống gì nó lại làm thơ ca tụng mình.”

Kiều bảo: “Tao không làm từ thiện được.”

Sáng cà phê, chiều nhậu. Ngày nào cũng là một ngày đẹp đối với Nguyễn. Những dân oan khiếu kiện, biểu tình vất vưởng ngoài phố lướt qua mắt chàng như những bóng ma. Thơ là cái đẹp vĩnh cửu. Cái đẹp cứu rỗi thế giới. Những dân oan rách rưới lê lết sẽ làm thơ nhiễm bẩn. Thơ cần sự tinh khiết và tính nhân văn của gái và rượu.

Chữ nghĩa của Nguyễn là hoa hồng và mật ong.

Từ Hải bảo: “Ông viết giùm tôi một bài cho tập thơ sắp in nhé.”

Nguyễn bảo: “Được.”

Từ Hải hỏi: “Ông muốn lấy tiền hay vui chơi?”

Nguyễn bảo: “Vừa tiền vừa vui chơi.”

Từ Hải nói: “Chiều ông luôn.”

Nguyễn hỏi: “Ông muốn viết cho báo hay làm bài tựa?”

Từ Hải bảo: “Cả hai.”

Nguyễn nói: “Thế thì vui chơi cả tháng được.”

Từ Hải bảo: “Cả năm luôn. Bất cứ lúc nào ông muốn, cứ gọi.”

Nguyễn nhậu và gọi Từ Hải đến trả tiền. Đời lúc nào cũng đẹp.

Từ Hải nói với Thúc Sinh: “Tôi thích một giải thưởng văn chương quốc gia.”

Thúc Sinh bảo chuyện nhỏ. “Nếu cậu muốn, tôi có thể lo cho cậu cả cái giải văn chương ASEAN với điều kiện cậu đừng viết hay làm bất cứ điều gì mích lòng Đảng.”

Nguyễn nói với Từ Hải: “Tôi cũng có thể dịch thơ ông sang tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp.”

Từ Hải: “OK. Tôi sẽ cho in tập thơ bằng 4 thứ tiếng.”

Nguyễn bảo: “Thơ ông nên dát vàng.”

Từ Hải hỏi: “Còn kiểu gì sang trọng hơn nữa không?”

Nguyễn nói: “Mời Hồ Tôn Hiến viết tựa.”

Thúc Sinh nói: “Ý kiến hay. Tựa Hồ Tôn Hiến. Bạt Nguyễn. Thơ cậu đoạt giải văn chương cuối năm là cái chắc.”

Từ Hải nói: “Để tôi gọi các em đến nhậu cho vui.”

Nguyễn nói: “Kiếm cho tôi một em người mẫu nhé.”

Từ Hải hỏi: “Thích hoa hậu không?”

Nguyễn nói: “Á hậu thôi. Hoa hậu để anh Thúc Sinh.”

Từ Hải đọc thơ. Các em bảo thơ anh Từ Hải thâm sâu quá bọn em không hiểu. Nguyễn đọc thơ. Các em bảo thơ anh Nguyễn làm tụi em muốn khóc. Thúc Sinh đọc thơ. Các em cười nắc nẻ.

Thế giới có cần thơ không? Không, chỉ có các nhà thơ tự huyễn hoặc thơ cần mình, vì thế các nhà thơ vẫn tồn tại.

Đạm Tiên hỏi: “Em có tồn tại không?”

Nguyễn bảo: “Em tồn tại.”

Đạm Tiên hỏi tiếp: “Vì sao?”

Nguyễn nói: “Bởi chính câu hỏi của em.”

Đạm Tiên cười: “Lẽ ra một người như anh phải nói khác.”

Nguyễn hỏi: “Chẳng hạn?”

Đạm Tiên bảo thôi. Em không muốn giả dụ. Em thích thấy anh thực tế hơn là có vẻ triết gia-triết lý-triết học như thế.

Rồi Nguyễn cười. Lẽ ra, chàng phải nói: “Em làm anh rất nứng.”

Mã Kiều Nhi cầm ly rượu nói: “Có ai muốn làm chuyện đồi trụy, đồi bại, xúc phạm thuần phong mỹ tục không hè?”

Không ai trả lời. Mã Kiều Nhi đứng lên làm vài điệu bộ khiêu khích. Nhưng các ông thánh lim dim uể oải. Mã Kiều Nhi sờ vào đũng quần từng ông, tri hô: “Thế giới hòa bình.” Nàng cười sằng sặc.

Vương Thúy Kiều ôm cây đàn gẩy vài tiếng báo bão rồi bất ngờ buông tuồng một cơn mưa. Nhân gian nhão nhoẹt. Nguyễn ôm Đạm Tiên như thiên cổ.

Năm 1976 ở thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn bị bắt quả tang đang làm tình với Mã Kiều Nhi trong nhà trọ bởi một tổ công tác hỗn hợp ban ngành, đoàn thể các loại…

Họ bị bêu riếu ngoài phố như hai con chó phá hoại thành quả cách mạng. Người ta khoác vào cổ Nguyễn tấm bảng “Ma cô tàn dư Mỹ ngụy”, với Mã Kiều Nhi là “Đĩ điếm”. Bọn trẻ con reo hò đi theo như một đám rước, trong lúc loa phóng thanh phát đi những lời lên án tàn dư văn hóa đồi trụy phản động.

Cũng trong thời gian đó tại Hà Nội, Từ Hải được thủ trưởng gọi lên hạch hỏi: “Có dư luận nói đồng chí hủ hóa với Vương Thúy Kiều. Đồng chí phải tự kiểm điểm về hành vi xấu xa này.”

Từ Hải viết kiểm điểm: “Tôi nhận thức sâu sắc việc yêu Vương Thúy Kiều là xuất phát từ sự tiêm nhiễm tư tưởng và thói quen phong kiến tiểu tư sản, thực dân đế quốc, không phù hợp với nếp sống mới trong sáng của giai cấp vô sản. Tôi thành khẩn nhận khuyết điểm và hứa khắc phục sai lầm, xa lánh Vương Thúy Kiều mãi mãi.”

Từ Hải nộp một bản cho cơ quan, một nộp cho chi bộ, một nộp công đoàn.

Mãi sau này, Từ Hải mới biết thủ trưởng đã thế chỗ của mình trên giường Vương Thúy Kiều. Anh ta nói với Thúy Kiều: “Anh không tin Từ Hải khỏe hơn anh.”

(Còn 3 kì)

© 2013 Nguyễn Viện & pro&contra

13/5/13

Tân Việt Nam – Mười điều sung sướng lớn (2)






Phan Bội Châu





Võ Văn Sạch dịch


Tân Việt Nam – Mười điều sung sướng lớn (1)


Việc giáo dục là một cái lò đúc nên người để trị nước. Quan lại, binh lính cũng đều từ đó mà ra. Cho nên giáo dục là cái gốc trong di sản của chính trị. Thuế má, hình pháp cũng đều từ giáo dục định ra. Nền giáo dục của nước ta sở dĩ hủ bại, cũ nát là bởi vì trước đó chưa duy tân đó thôi, chẳng nên nói làm gì. Như cánh tay chín lần gãy mới biết thuốc tốt, cho đến bây giờ chỉ có nền giáo dục mới làm tan biến đi  mọi sự ngu dốt được. Trong thời đại duy tân nền giáo dục sẽ mãi mãi hoàn thiện, điều đó không nói cũng biết, nhưng người nước ta còn có người chưa rõ. Vì thế xin nói ra để người trong nước rõ thêm.

Khi đã duy tân rồi thì triều đình sẽ dốc hết lòng, tận tụy trông nom nền giáo dục. Tinh thần toàn xã hội dồn hết cho giáo dục. Đức dục, trí dục, thể dục… tất cả đều được đề cao mà không bỏ điều gì. Phải học Trung Quốc, học Nhật Bản, học nước ngoài tất nhiều người sẽ hái lượm được đầy đủ kiến thức. Các vườn cho trẻ chơi, trường tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học từ kinh đô đến thôn quê nơi nào cũng có. Khi mới duy tân thì các giáo sư ở các học đường tất phải mời người Nhật Bản, người Châu Âu, người Mỹ dạy: trong thời duy tân thì người nước ta cùng với một số người nước ngoài tham gia giảng dạy, khi duy tân sắp xong rồi thì nhân tài nước ta trình độ sẽ hơn hẳn họ, nên không cần phải mời người nước ngoài dạy nữa. Tên gọi các trường học, tư cách của học sinh, đặt ra các môn học, sự nghiệp học hành đạt kết quả cao, cơ bản đều phải thu lượm theo cái hay, cái tốt của nước Nhật và Châu Âu, đồng thời phải tìm cách để tự hoàn thiện nữa. Trong các trường học, các môn như triết học, chính trị học, kinh tế, quân sự, hình pháp, ngoại giao, công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, nữ công, y học, lâm nghiệp, phàm tất cả những gì liên quan tới cuộc sống con người cần phải học tập và phải mời thày giáo dạy tại học đường đầy đủ. Người nước ta được vào học không kể sang hèn, giàu nghèo, nam hay nữ, cứ từ 5 tuổi trở lên thì vào học ở vườn trẻ chịu sự giáo dục của bậc trẻ em, từ 8 tuổi trở lên vào học bậc tiểu học chịu sự giáo dục của bậc tiểu học, từ 14 tuổi trở lên vào học ở trường trung học chịu sự giáo dục của bậc trung học; cho đến khi 18 tuổi tài chất đã khá rồi thì được nhận vào học ở các trường bậc cao học theo sự giáo dục của các ngành chuyên môn bậc đại học. Tất cả những phí tổn về việc giáo dục, do triều đình, xã hội đảm nhiệm. Nếu người dân nào nghèo túng quá không thể đủ tiền đóng học phí thì triều đình và xã hội phải giúp đỡ, chu cấp thêm khiến cho con em trong cả nước đều được học qua ở các trường tiểu học bậc cao. Trước khi vào học ở các trường tiều học, đều phải đặt các trường dạy quốc ngữ, quốc văn, khiến cho nhi đồng và phụ nữ đều có thể đọc được báo chí, để nghe biết được những tin tức mới, bàn luận về thời sự để mở mang dân trí. Trong các trường học, hết thảy phải dùng chữ Quốc ngữ khiến cho mọi người ai ai cũng đọc được, khi đọc được ai ai cũng hiểu biết được để đến khi vào học ở các trường tiểu học ai nấy đều có điều kiện và hết lòng lĩnh hội kiến thức, mới có thể có đủ tư cách trở thành một người dân tốt hơn được. Hơn nữa, các sách giáo khoa ở các trường tiểu học, trung học, đại học phải được Bộ Văn [i] kiểm định, nhưng có sự châm chước, xét duyệt, bàn bạc chung trong nghị viện. Nội dung cơ bản của sách vở đều là cội nguồn để mở mang lòng yêu nước, khai thông tình ruột thịt đồng bào, phát huy dân trí giúp dân quyền khiến cho mọi người ai ai cũng tiến bộ ngày hàng ngàn dặm.

Tựu trung việc đào tạo nhân cách con người là trên hết, nhưng đối với binh lính và phụ nữ thì việc giáo dục đó lại càng cần thiết hơn. Vì người lính có trách nhiệm bảo vệ người làm ruộng và người đi buôn bán; có nhiệm vụ đi mở đất, dời dân và tăng thêm thế mạnh, uy nghi của một nước. Nếu ngay từ ban đầu, giáo dục không chu đáo, sâu sắc thì người lính làm sao mà dám xả thân vì nước, làm sao mà có lòng yêu thương đồng bào và làm sao mà gây dựng cho nước nhà ngày một cường thịnh được? Sau khi duy tân rồi thì người lính ở nhà được giáo dục tại nhà, ở doanh trại thì được giáo dục tại doanh trại. Là pháo binh, kị binh, công binh thì được giáo dục về công việc của pháo binh, kị binh, công binh. Là lục quân, hải quân, sĩ quan thì được giáo dục theo cách thức của lục quân, hải quân, sĩ quan. Không chỗ nào, không lúc nào là không giáo dục người lính để làm cho người lính sẵn sàng chết, làm tướng thì có khả năng cầm quân, làm cho nước nhà trở thành cường quốc trong năm châu. Đó cũng là mục đích trên hết để giáo dục người lính vậy.

Phụ nữ là người có trách nhiệm làm một người mẹ hiền, một người vợ đảm, có trách nhiệm trong việc buôn bán, làm đồ công nghệ, có trách nhiệm dạy dỗ con em, giúp đỡ việc quân. Có người mẹ anh hùng thì mới có thể giúp cho người chồng thành người anh hùng được. Vả lại, trên các mặt nghệ thuật, kinh tế người phụ nữ thực sự sẽ nắm được những quyền lợi vô cùng. Chỉ có giáo dục người phụ nữ một cách sâu sắc thì mới tạo ra cho họ lòng yêu nước sâu sắc, bỏ được riêng tư mà theo công lợi, dám hi sinh vì việc nghĩa để làm nên một quốc gia cường thịnh được. Cho nên trong một nước mà không có người phụ nữ yêu nước thì cuối cùng nước ấy sẽ phải làm đầy tớ cho nước khác mà thôi. Sau khi duy tân rồi, tất phải chú ý đặc biệt tới sự giáo dục cho phụ nữ. Sách giáo khoa dạy cho chị em phụ nữ phải chọn những sách có nội dung thật tốt; trường học để dạy chị em phụ nữ phải khuyến khích, lựa chọn những giáo viên thật giỏi. Những trường công nghệ, bệnh viện, thương điếm, ngân hàng, bưu điện, xe hơi, tàu thủy… cùng tất cả những ngành gì có liên quan đến tài chính nên tuyển dụng phụ nữ có trình độ học vấn cao, khiến cho họ phát huy hết tài năng để giúp cho việc quân, việc nước và có nghĩa vụ bình đẳng với nam giới. Tất cả những gì mà quốc gia khen thưởng, những vấn đề thuộc về xã hội thì người phụ nữ cũng có giá trị bình đẳng với nam giới. Điều đó, khiến cho phụ nữ trong cả nước không ai là không mong muốn làm một người mẹ anh hùng, làm một người vợ anh hùng, làm một người phụ nữ giàu lòng yêu nước. Bia đá tượng đồng tạc phường khăn yếm, việc sử dụng súng ống, lưu danh tên tuổi, việc hội ước, xông pha nơi chiến trường thì người phụ nữ so với kẻ mày râu đều cùng giá trị. Do đó, việc giáo dục người phụ nữ là mục đích trên hết vậy.

Còn như trong khuôn khổ của một nền chính trị thì lấy việc học về công đức, học về lòng bác ái là một việc tối quan trọng. Nói người trong nước, đó là tiếng gọi chung người trong một nhà.

Nước ta phía Nam đến tận Hà Tiên, phía Bắc đến tận Lạng Sơn. Một dải núi sông, thực như nhà chung của mọi người. Cùng được sinh ra và lớn lên như trong một nhà, cùng sống và đoàn tụ như trong một nhà, cùng được trời che đất chở, thì sẽ là anh em đồng bào ruột thịt với nhau. Khi sống chơi với nhau một chốn, khi chết cùng chôn với nhau một gò. Huyết mạch từ nghìn năm, giống nòi ai để lại? Tên họ sau muôn thuở, người nào đến viếng thăm? Há đâu cứ nhìn vào các nước Hồ, Hán, Tần, Việt mà nói rằng người nước ta chẳng phải một nhà?

Đau khổ xót thương cũng đều có quan hệ xương thịt với nhau, ấp ủ, giúp đỡ nhau chẳng khác nào như thích mùa xuân vậy.

Nước ta đương buổi duy tân, tất phải khiến cho dân trong nước không có người nào là không có chỗ ở. Lại đặt viện từ thiện cảm hóa để giáo dục cho những người tàn tật đáng thương. Lập nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nuôi dưỡng người già yếu, nhà hộ sinh cho phụ nữ. Tất cả những trường học đó đều nhằm giáo dục những người nghèo khó, cô đơn. Phàm tất cả những trường phải chọn học sinh nam nữ là những người tốt có đạo đức và những thày giáo giàu lòng bác ái để dạy bảo, chăm sóc, trông nom, khiến cho họ cùng với quốc dân, cùng hưởng thái bình, tự do và hạnh phúc. Đến khi ấy, nền giáo dục thật hoàn thiện, không có thiếu sót gì, cũng như trời mưa to vạn vật đều tươi tốt, biển lặng sóng yên cá tôm cùng nhảy múa. Chúng ta được thấm ơn như thế, sướng biết chừng nào!

Đất đai nước ta, phía Tây sát nước Tiêm La, phía Bắc thông đến xứ Việt – Điền [ii], phía Đông liền biển lớn, phía Nam tiếp đến Côn Lôn, ở giữa là tỉnh Nghệ An có 4 trấn [iii], xứ Bắc Kỳ có 10 châu, Quảng Trị có 2 xứ Cam [iv], Nam Kỳ có hai Xá [v], đất đai đều có thể cày cấy được, rừng có thể chăn nuôi được, núi có thể khai khẩn được. Riêng những điều đó thôi thì nước ta đã không thể đứng dưới một nước trung đẳng được. Huống hồ nước ta lại có cả đồng bằng rộng lớn, có nhiều hồ lớn và vùng đất tốt đã được cày cấy từ lâu. Nhưng vì sao cũng vẫn còn có nơi nửa văn minh, nửa dã man? Là bởi vì dân trí chưa được mở mang, nhân tài chưa nhiều, chỉ mới dùng sức chân tay mà làm chứ chưa biết dùng máy móc. Lại còn mùa màng hạn hán, thiên tai hoành hành, mất hàng nửa công sức để khai khẩn ruộng đất, bỏ hoang, đến một đấu thóc, nửa thăng thóc mà dân cũng không có mà tích trữ. Mà đất đai thì có đến hàng ngàn, vạn mẫu bỏ hoang. Triều đình có thế lực mà không biết mở mang ra, xã hội có công cụ làm ăn mà không biết vun trồng lại, đất nước ngày càng nghèo, dân càng ngày càng khổ. Thật đáng thương thay!

Khi đã duy tân rồi thì việc nghiên cứu về nông nghiệp phát triển mạnh, nghề nông ngày một tiến tới. Sức người không đủ sẽ có máy móc bổ sung hỗ trợ cho. Thiên tai bất lợi sẽ có trí tuệ con người chinh phục. Một người khai khẩn chưa xong thì xã hội giúp tiền để cùng làm cho thành. Dưới dân mà làm không xong thì triều đình sẽ đốc thúc quan lại giúp đỡ thêm. Quan đại thần trông coi việc nông phải là bậc học sĩ cao cấp. Người nghiên cứu về nông nghiệp phải sử dụng những người sành sỏi, tài giỏi về nghề nông. Rồi thì khắp mặt đất mới chứa đầy mầm châu báu, trời rộng kia mới chở hết sự mạnh giàu. Trên rừng núi không bỏ sót nguồn lợi nào, ở làng xóm tài sản không bao giờ cạn. Lúc bấy giờ, đất đai ngày một mở rộng, thế nước mạnh như nuốt các nước láng giềng. Của cải, sản vật tràn trề khắp nơi, danh giá nước ta trên thế giới ngày càng được trọng vọng. Chúng ta sung túc, giàu có đến thế, sướng biết chừng nào!

Người nước ta có sự suy nghĩ khôn ngoan, có tai mắt thông minh, so với người Châu Âu chỉ có hơn chứ không thua kém. Thế mà bao nhiêu thứ hàng hóa, vật dụng đều phải mua của nước ngoài, bao nhiêu lợi quyền đều chịu để nước ngoài nắm giữ. Các thứ dùng để ăn uống, từ thuốc cho đến trà, rượu, các đồ mặc như gấm, nhung cho đến vải lụa, nếu chẳng phải là do người nước ngoài làm ra thì cũng do người Hoa đem đến, nếu chẳng phải từ bên Tây chở sang thì cũng từ nước Thanh mang lại. Vì vụng về ngu muội nên tiền của tiêu hao, sản vật của trời đất sinh ra để cho người nước ngoài ra sức mà ăn nuốt hết. Hôm nay mặc hàng Tây, ngày mai mua đồ Hoa, ví như người này mặc hàng Hoa, người kia mặc hàng Tây. Người nước ta há lẽ nào không biết suy nghĩ, không có tai mắt mà nhìn mà nghe hay sao? Đất nước ta lẽ nào lại không có khoáng sản, không có công trường hay sao? Mà sao lại ngu dại để cho máu mỡ của mình dần dần mất hết, sớm tối tay chân nhọc nhằn vất vả đến thế? Đó là bởi triều đình không có phương pháp khuyến thợ khen nghề, xã hội không biết đấu tranh cho lợi quyền đó thôi. Người Pháp lấy cái lợi của ta bởi rằng ta ngu, thường ngày lo tìm cách ngăn lấp tri thông minh của ta, khiến cho ta quên hết mọi điều cổ hủ vậy. Đó là trước kia.

Khi đã duy tân rồi thì tai mắt người nước ta được rộng hiểu. Tâm tư trí tuệ người nước ta tất phát triển phi thường. Trường học bách công mọc đầy khắp trong nước. Thợ tìm mỏ, thợ nấu vàng, thợ điện khí, thợ cơ khí, thợ chế tạo vật phẩm buôn bán, thợ chế tạo dụng cụ dùng cho nhà nông, thợ hội họa, mĩ thuật, thợ may, cho đến hàng trăm các phẩm vật khác phục vụ cho đời sống con người đều có thợ cả. Tất cả các trường dạy thợ, đều lấy những kiến thức tối ưu nhất của Châu Âu, của Nhật Bản để giảng dạy. Ngành học về khai mỏ ngày càng tiến bộ, nguồn lợi khai mỏ ngày càng nhiều, của cải dưới lòng đất khai thác ngày càng tăng, những công nhân giỏi ngày một đông đảo. Miền núi sẽ đẹp như gấm vóc, thôn quê cũng hóa đô thành. Đến lúc ấy người nước ta đầu óc thông minh, tay chân khôn khéo rong ruổi khắp non sông đất nước, vật phẩm tuyệt đẹp đến nỗi Châu Âu, Châu Mỹ cũng phải chịu thua giá trị. Chúng ta bay nhảy đến thế, sướng biết chừng nào!

Việc đi buôn mạnh như cọp, như cá kình thì trong thế giới nước nào mà không nuốt nổi. Đi buôn bán nhà mà có gươm súng thì trong thế giới dân nào chẳng bắt được. Thật đáng thương cho nền thương mại yếu kém của ta! Thật đau xót cho giới kinh doanh thương mại của ta bị đình đốn! Hàng hóa sản vật của cải có xuất mà không có nhập, như máu mỡ chỉ có mất mà không hề tăng lên. Nhà nghèo có điều kiện bôn tẩu đó đây, nhưng mà lại không đủ sức, nhà giàu có của thừa thãi mà lại chẳng có lòng làm. Không tâm không lực thì không thể mà sinh tồn nổi trong thời đại cạnh tranh buôn bán này được. Dò xét nguyên nhân mới hay rằng: một là người nước mình không có tinh thần tin yêu nhau, hai là người nước mình không có cái chí tiến thủ mạo hiểm. Không cò lòng tin yêu nhau thì người nghèo có trí mà không cùng bàn bạc với người giàu, người giàu có của mà không chịu giúp người nghèo. Như thế xã hội đến tan nát, của cải tiêu mòn. Không biết cách làm, không biết hợp của cải lại thì buôn bán làm sao được. Không có chí tiến thủ mạo hiểm thì một đồng tiền cũng chẳng dám rời tay, huống hồ đem của cải nhiều đến hàng vạn quan tiền! Một bước cũng không dám rời cửa, huống hồ phải vượt biển rộng đến ngàn trùng! Cầm túi giữ chặt, chôn của chờ tiêu, không dám đi buôn bán xa, không dám xông pha đây đó thì làm sao mà có thể đi buôn bán được?

Khi đã duy tân rồi, dân trí ngày càng phát đạt lớn, sự học tập về thương mại ngày càng phát triển nhanh. Người nước ta có tình cảm thương yêu nhau nhiều, hợp của cải muôn người làm của chung, hợp sức muôn người thành một sức chung thì việc buôn bán trong xã hội ngày một cố kết mà chẳng tách rời nhau. Người nước ta tất sẽ dũng cảm mà có chí tiến thủ mạnh. Nhà nào có thực nghiệp [vi] thì được triều đình đặc biệt chú trọng, ai có tài kinh doanh được xã hội tôn vinh thì việc buôn bán sẽ mạnh mẽ như ngọn thủy triều không sức nào ngăn cản nổi. Đến lúc đó, người nước ta đồng lòng hiệp sức, quyên góp tiền vốn lại cùng với nước ngoài đua tranh buôn bán. Thóc gạo ê chề, tơ, gỗ lạt cùng các vật phẩm xuất cảng, so với các nước khác, hàng hóa Việt Nam ta sẽ chiếm mức tối đa.

Tất cả các công ti buôn bán lớn ở các thành phố như Pa-ri nước Pháp, Bá Linh nước Đức, Luân Đôn nước Anh, Nữu Ước nước Mỹ cùng với các nước khác hết thảy đều thấy rằng nền thương mại Việt Nam là thịnh vượng nhất. Tàu buôn các nước ra vào buôn bán ở các cảng Việt Nam mỗi ngày không dưới vài ngàn chiếc. Hàng hóa tiền bạc của các nước nhập vào kho thương mại của Việt Nam mỗi ngày không dưới ức vạn đồng. Chúng ta sẽ lấy của cải mà đắp nên thành trì, trên thế giới không có loại pháo nào mà công phá nổi. Chúng ta sẽ kết tàu làm trận, thì Châu Mỹ, Châu Âu cũng dễ lướt qua như sóng vậy. Người nước ta đầy đủ và mạnh đến thế, sướng biết chừng nào.

Nếu biết lấy việc thu hoạch mùa màng là sự vui sướng thì việc dầm mưa dãi gió, vất vả sớm hôm cũng không quản ngại: biết tụ họp xóm làng ca hát là vui thì thì việc chuyển đá dời non, đắp đường mở lối cũng không thấy nhọc nhắn. Sướng thay nước Việt Nam mới! Sướng như thế đó! Người trong nước ta có ai mà không đẹp lòng? Có ai mà không nhón gót giương mày ngẩng cổ mà trông?

Tuy nhiên, chợt nghe thì mừng, quá mừng lại ngờ vì cách thức để gây dựng nước Việt Nam, tiền của để xây dựng nước Việt Nam mới nước ta còn có người hoang mang chưa rõ. Tôi tuy là người hèn kém bất tài nhưng cũng may mắn được là người con yêu mến của nước ta, xin kính cẩn bày tỏ một số hiểu biết kém cỏi của mình sau đây để tất cả các bậc cha anh, chú bác, anh em lựa chọn lấy.

Mong mọi người trong nước ai ai cũng có ý chí tiến thủ mạo hiểm.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có tinh thần thương mến, tin cậy lẫn nhau.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có tư tưởng tiến bước lên nền văn minh.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có sự nghiệp thực hành yêu nước.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có sự nghiệp thực hành công đức.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có hi vọng về danh dự và lợi ích.

Nguồn: Phan Bội Châu, Tân Việt Nam. Bản điện tử được thực hiện từ ấn bản của Cục Lưu trữ Nhà nước năm 1989, do Võ Văn Sạch dịch và chú thích, Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu, tr. 19-28

[i] Tức Bộ Giáo dục

[ii] Tức hai tỉnh Quảng Đông và Vân Nam của Trung Quốc

[iii] Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Biên, Trấn Tĩnh

[iv] Cam Lộ, Cam Linh

[v] Thủy xá và Hỏa xá

[vi] Ở đây, ý chỉ một trong các ngành nghề như nghề nông, nghề công, nghề thương cùng tất cả các công việc làm cho mối lợi được phát triển mạnh.

12/5/13

Phan Bội Châu : Tân Việt Nam – Mười điều sung sướng lớn (1)

PhanBoiChau memory.JPG

Phan Bội Châu ( 1867-1940)



Nếu như mà đường sắt dài muôn dặm làm rồi thì công việc buôn bán, trong chốc lát có thể tập trung đầy đủ được; từ các đô thị thôn ấp lớn có thể nối liền và đi tới khắp mọi nơi nhanh chóng. Ngồi ung dung nơi lầu chạm chiếu hoa mà có hiệu quả như vượt núi qua sông, thật sung sướng biết chừng nào! Được như vậy mà ban đầu không chịu khó nhọc kinh doanh, xây đắp thì thành sao được? Bây giờ nói đến những việc phải khó nhọc gian nan như thế sao lại chùn tay lè lưỡi? Vì chưa biết rằng sau khi đường sắt làm rồi là sướng đó thôi!

Nếu như mà lầu cao muôn trượng xây rồi thì sao trời, trăng biển bên cửa sổ ngắm như ở trong bàn tay, khí mát gió trong vờn quanh dưới gót. Ngạo nghễ nơi cửa cao ghế đá mà nhìn thấy được ba đảo năm châu, sướng biết chừng nào! Được như vậy mà ban đầu không chịu phí tổn, trù hoạch, khó nhọc thì thành sao được? Bây giờ nói đến việc làm những công trình lớn lao như thế sao lại cúi đầu thất sắc? Vì chưa biết rằng sau khi lầu cao đá xây rồi là sướng đó thôi! Biết sau này có sự ngọt bùi khôn cùng, thì cái cay đắng hôm nay phải chịu đựng chỉ là cái điểm tiến tới cái ngọt bùi đó, ta nguyện nếm cái cay đắng ấy. Biết sau này có sự vui mừng khôn cùng thì cái gian lao hôm nay là cái cơ sở dẫn đến sự vui mừng đó, ta nguyện nhận cái gian lao ấy. Biết sau này có cái sự lợi khôn cùng thì cái phí tổn hôm nay là cái vật gốc dẫn đến cái lợi đó, ta nguyện dùng những phí tổn ấy.

Bây giờ tôi xin nói cùng với đồng bào rằng: muốn tạo dựng được một nước Việt Nam mới có đường sắt muôn dặm và nhà cao muôn trượng như thế thì tất phải nếm chịu những cay đắng như vậy, nhận sự gian lao như vậy, và tất cả những phí tổn như vậy. Đồng bào ta há sợ cực khổ lắm sao? Nếu quả có thế là vì chưa biết rằng nước Việt Nam ta sau khi đã duy tân rồi là rất sướng, rất vui và có lợi không lường hết được đó thôi.

Bây giờ tôi xin thưa với đồng bào rằng: nước Việt Nam mới có 10 điều sung sướng lớn như sau:

Không có cường quốc nào bảo hộ
Không có bọn quan lại hại dân
Không có người dân nào mà không được thỏa nguyện
Không có người lính nào mà không được vinh hiển
Không có loại thuế nào mà không công bằng
Không có hình pháp nào mà không thỏa đáng
Không có sự giáo dục nào mà không hoàn thiện
Không có nguồn địa lợi nào mà không được khai thác
Không có ngành công nghệ nào mà không phát đạt
Không có ngành thương nghiệp nào mà không được mở mang.

Diện tích nước ta có 25 vạn dặm vuông Anh, không phải là rộng sao? Dân số nước ta hơn 50 triệu tráng đinh [1] không phải là đông sao? Đất đai mầu mỡ phì nhiêu, sản vật dồi dào, non sông tươi đẹp, nếu đem so sánh với các nước mạnh trong năm châu không thua kém mấy ai. Thế thì sao ta lại cam chịu để cho nước Pháp bảo hộ? Than ôi! Căn tính nô lệ đã ăn sâu, thói ỷ lại quá nặng rồi! Mấy ngàn năm cam bề nội thuộc các triều Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh[2] xưng tôi tớ không còn có khí người. Giặc Pháp gian giảo, khinh ta yếu, dối ta ngu, thừa lúc con sư tử đương ngủ say mà nghiễm nhiên lấn át chủ nhà, giầy xéo con em ta, bắt cha anh ta làm kiếp trâu ngựa, lấy thành trì nước ta làm sào huyệt của chúng, moi hút máu mỡ dân ta. Thế mà chúng lại còn dám ngạo mạn công bố với thế giới rằng: nước Pháp là nước thống trị cõi Đông Dương. Chao ôi! Đồng bào ta ôi! Nước ta là nước ta, dân ta là dân ta, nước Pháp-lan-tây có gì ở đây mà trái lại chúng lại còn bảo hộ nước ta?

Từ khi người Pháp bảo hộ cho đến bây giờ, chúng nắm giữ hết thảy mọi quyền trong tay, muốn làm sống, làm chết ai cũng được. Tính mạng của muôn người nước Nam chẳng bằng một con chó Tây. Kìa những người mắt biếc xanh, râu sắc hồng, bay chẳng phải là cha anh ta, chẳng phải là thầy dạy của ta mà sao lại ngồi chồm chỗm, ỉa đái trên đầu ta? Đường đường các bậc nam nhi của nước Nam lẽ nào lại không biết xấu hổ, nhục nhã, phẫn uất giết bọn giặc được hay sao? Thân ta hãy còn thề phải dẹp bằng lớp sóng biển lớn, quyết giết chết bọn giặc ấy, để tỏ rõ khí tiết giống da vàng.

Khi đã duy tân rồi, tư cách nội trị do ta sắp đạt, quyền lợi ngoại giao tự ta nắm giữ. Sự nghiệp văn minh ngày càng tiến bộ, phạm vi thế lực ngày một mở mang. Ta sẽ có 300 vạn lục quân mạnh như cọp ngó nhìn bốn cõi; 50 vạn thủy quân dữ như cá kình thét trong biển lớn. Rồi ta phái các công sứ đi tới các nước mạnh ở Châu Âu, Châu Mỹ. Các nước mạnh như Nhật, Mỹ, Đức, Anh đều liên kết với nước Việt Nam ta, coi ta là đồng minh bậc nhất. Các nước Tiêm La [3], Ấn Độ và các nước ở quần đảo Nam Dương đều tôn nước ta làm minh chủ. Nước lớn nhất ở Châu Á là Trung Quốc cũng sẽ là nước anh em thân thiết với ta. Nước thù cũ của ta là nước Pháp-lan-tây cũng phải sợ ta, nghe theo ta và nguyện nhận sự bảo hộ của ta. Cờ nước Việt Nam ta phần phật, bay trên nóc thành Ba Lê và dung mạo nước ta lừng lẫy chói lọi ở hoàn cầu. Đến lúc ấy, người Việt Nam ta chỉ sợ không rảnh mà bảo hộ cho nước khác, lại sợ không dư sức lấy con gái nước Pháp, và sự nhục nhã vì người khác bảo hộ trước đây như là một phương thuốc hay để hoàn thành công việc duy tân đó mà thôi.

Đài kỉ niệm xây cao, muôn ngọn đuốc dẫn đường trong đêm tối. Gió tự do thổi mạnh, một luồng vui thấu tận trời xanh. Chúng ta ưu thắng đến thế, sung sướng biết chừng nào! Cái nọc độc hàng nghìn năm nay của bọn chuyên chế hại dân ấp ủ từ bên nước Thanh nhiễm sang nước ta để mà một tên độc phu [4] khống chế vài vạn kẻ dung nhân [5] làm cá thịt ức vạn dân ta. Rồi vài vạn tên dung phu lại thờ phụng một tên độc phu làm cá thịt ức vạn dân ta. Thế mà dân ta ngu muội không biết giành lấy dân quyền, không biết giữ lấy quốc mệnh, chỉ ngày đêm đem hết máu mỡ khô kiệt của mình cung đốn cho bọn độc phu và dung nhân uống nuốt. Than ôi! Thật đáng thương thay!

Khi đã duy tân rồi thì dân trí sẽ mở mang nhiều, dân khí sẽ lớn mạnh hơn, dân quyền tất phải phát đạt lớn; vận mệnh nước ta tất do toàn dân nắm giữ. Thủ đô nước ta đặt một tòa nghị viện lớn, tất cả những việc chính sự đều do công chúng quyết định. Thượng Nghị viện tất phải đợi Trung Nghị viện đồng ý. Trung Nghị viện tất phải đợi Hạ Nghị viện đồng ý. Hạ Nghị viện là nơi đa số công chúng có quyền phê chuẩn công việc của Thượng Nghị viện và Trung Nghị viện. Phàm đã là người dân nước ta, không kể sang hèn, giầu nghèo, lớn bé đều có nghĩa vụ bỏ phiếu bầu cử. Vua nên để hay nên phế, quan lại nên truất hay nên thăng, dân ta đều có quyền quyết định cả. Tất cả những tên vua bạo ngược, quan lại ô trọc không hợp với công đạo thì dân ta khi khai họp trong nghị viện cùng nhau bàn bạc quyết định thi hành trừng phạt chúng theo hiến pháp. Đến lúc ấy, bọn quan lại hại dân tất bị chôn vùi tiệt nọc mãi mãi không còn trên trời đất nữa. Đến lúc ấy, người nước ta chỉ ca múa thái bình, ngậm cơm vỗ bụng mà thôi. Ngẩng đầu thấy mặt trời, tiếng ca vui muôn năm còn vọng mãi: tiếng vỗ tay như sấm, điệu múa hay nghìn thu vẫn còn khen. Chúng ta vinh thịnh đến thế, sướng biết chừng nào!

Người Pháp cướp nước ta, khóa kín miệng ta, trói buộc chân tay ta, bịt kín tai mắt ta. Những việc như xuất bản, sách báo, hội họp luận bàn không kể ngày đêm, không kể đông hay ít, lớn hay nhỏ đều bị người Pháp áp chế ngặt nghèo. Người Pháp mà tức giận bắt ta phải coi cha làm thù; người Pháp mà ưa thích đặt chó làm vua cũng phải chịu. Ngay đến họ vua, nhà quan, kẻ giầu người giỏi nếu không được giấy của người Pháp cấp cho thì một bước cũng chẳng dám ra khỏi cửa. Không được người Pháp cấp thuế bài thì chủ nhà cũng giống như trộm cướp. Kìa những con chó Tây, ngựa Tây, vợ Tây và những kẻ bồi Tây thung dung tự do muốn nạt ai thì nạt theo ý mình so với người nước ta thật là khác biệt nhau như thiên đường, địa ngục. bất bình đẳng đến như thế, không công đạo đến như thế, hỏi nỗi oan khuất trong thế giới này còn có đâu hơn thế nữa hay không? Lẽ nào ta lại ngồi yên, không dám đứng lên mà réo muôn tiếng chuông độc lập. Đè nén cong nhiều tất phải bật thẳng, phải bẻ gãy vòng cường quyền áp chế mới thôi.

Khi đã duy tân rồi thì uy quyền nước ta, ta nắm trong tay; cái đạo của ta, ta cân nhắc. Nền văn minh rạng rỡ khắp nơi. Cửa tự do rộng mở không cùng, báo chí đầy đường, sách mới đầy ngõ. Người dân nghèo tha hồ kiện tụng, tiếng nói vang lên như sấm; kẻ văn sĩ được thả bút luận bàn chính sự. Bao nhiêu ẩn tình của chú phu xe, của người lính ngựa, của người mẹ góa, của đứa con côi, hết thảy đều đạt tới tai vua. Đến khi ấy, người nước ta yêu mến nước ta như biển lớn vô bờ mắt thu khó hết, lạ vì trời xanh sao quá thấp như chạm vào đầu. Chúng ta vẻ vang đến thế, sướng biết chừng nào!

Người nước ta khi chưa duy tân, thói dã man nhiễm đã quá thịnh, chí tiến thủ đã mất đi, tôn hư văn làm thánh làm thần, coi thực nghiệp như cỏ như rác. Từ vua cho đến quan lại xem tướng tá như con vật bỏ đi, coi ba quân khác chi chó dại, xem võ quan như vật để sai khiến chà đạp. Dân ta thì kiến thức ấu trĩ, tai mắt ngu tối, thấy người trên bỉ bác thì dưới xóm thôn cũng khinh rẻ. Khi sống làm lính chạy trước ngựa, bỏ xương chốn sa trường, khi chết làm quỷ ở ven đường, vùi danh nơi hoang vắng. Làm người lính đã vất vả nghèo hèn, phải chịu tiếng vô phúc như thế thật đáng thương thay! Đáng chán lắm thay! Đã đáng thương, đáng chán như thế thì ai muốn đi lính nữa, mà không ai muốn đi lính thì lấy ai ra giữ nước? Đến khi nước mất biết để lỗi cho ai? Than ôi! Vận mệnh một nước phần nhiều gửi gắm, trông mong ở ba quân, người lính tức là nước nhà ta vậy. người lính bị khinh rẻ đến thế, hỏi nước nhà còn tồn tại được không? Xe trước đổ gương còn soi đó, gọi to hồn người ném đá bắn tên [6]; tương lai kia hãy còn dài, đánh tiếng trống làm khí thiêng sông núi. Người lính ơi, người lính! Xin hãy xem từ nay về sau mình sẽ thế nào.

Khi đã duy tân rồi thì võ quan một đường, vua dân một thể. Nước nhà trông cậy và người lính bảo vệ, người lính được kính trọng vô cùng. Tôi cùng đồng bào cả nước đều biết rằng, nước là nước chung của tất cả mọi người thì ai ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn đất nước. Mọi người đều có trách nhiệm giữ nước thì ai ai cũng phải có nghĩa vụ vào lính. Mọi người có nghĩa vụ vào lính thì ai ai cũng phải có tấm lòng trọng người lính. Trong nước từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đã là có tai có mắt, không ai là không chú trọng tới người lính. Có bút mà viết, có lưỡi để nói, không thể nào nói hết, viết hết về cái hay của người lính. Người lính khi sống làm cho quốc sĩ được mở mày, gây oai hùng trong thế giới, đến khi chết làm quốc linh, hồn phách mãi mãi trường tồn với núi sông. Người trong nước đem máu thịt của mình mà sùng phụng những người chết vì Tổ quốc là người lính, vua trong nước lên tận đàn tế mà bái chúc những người hi sinh vì Tổ quốc là người lính (ở Đông Kinh nước Nhật Bản có lập một đàn tế gọi là “Tịnh quốc Thần xã” để tế những người lính tử trận, mỗi năm hai kì Thiên Hoàng phải thân hành đến tế lễ ở đàn ấy. Sau khi duy tân rổi ta cũng sẽ lễ theo cách đó). Kho tiền công, kho chứa lúa của Nhà nước phải được dùng đề nuôi nấng vợ con người lính chết trận. Triều đình và xã hội phải bảo toàn, lo lắng đến gia đình, họ hàng những người lính chết trận. Tượng đồng nguy nga ngất trời dành riêng để đúc chân dung người lính: mộ đá nhấp nhô trên mặt đất để dành đắp cho nơi yên nghỉ của người lính. Người lính ơi! Người lính! Vinh hiển trong nước thực chẳng ai bằng, danh dự muôn đời thực chẳng hề phai. Lúc bấy giờ, người nước ta chỉ có mở mắt mà ngắm trời đất, khen ông cha ta trước từng làm người lính mở đường, quay lại nhìn thôn xóm mới buồn rằng mình phải chết già dưới cửa sổ thật là như kẻ vô duyên vậy. Chúng ta hoan hỉ đến thế, sướng biết chừng nào.

Các triều đại vua trước ở nước ta, thu thuế của dân có phần khoan nhẹ, nhưng chưa thoát khỏi chế độ chính trị dã man như:

-          Một là tệ quan lại tham lam gian trá

-          Hai là tệ cường hào tàn ác hách dịch

-          Ba là tệ hương lí lộng hành.

Trăm mối phiền nhiễu, dân không chịu nổi. Nhưng dù sao vẫn còn nhân đạo ít nhiều. Đến như người Pháp hiện nay thì coi dân ta như súc vật, trâu ngựa để buôn bán mà thôi. Xin hỏi các bậc cha anh, chú bác, con em dòng họ nước ta rằng: giặc Pháp thu dân ta mỗi người một năm phải nạp thuế công sưu hoặc 2 đồng, 3 đồng hoặc 4, 5 đồng thì so với một con trâu, con ngựa, con gà phải nạp bao nhiêu tiền hỏi có khác gì không? Than ôi! Người nước ta bị vắt kiệt đến hết cả mỡ màng, huyết mạch để cung đốn cho các ông Tây, bà đầm, chó Tây một năm biết mấy nghìn ức vạn. Tất cả vật gì có thể dùng để ăn uống được cũng đều phải có thuế. Bao nhiêu sự sinh sống gì cũng đều phải đóng thuế, bao nhiêu những nơi sinh hoạt, nơi nào cũng phải đóng thuế. Cho đến cái thân ta là do đất trời sinh thành, cha mẹ tổ tiên ta để lại: mỏi chân tay, hao tâm huyết để cung phụng, nuôi nấng bọn giặc Pháp mà rồi mỗi năm phải bỏ ra 4, 5 đồng bạc để chuộc tấm thân bảy thước của mình! Than ôi! Cái tấm thân ta! Thật chẳng bằng con trâu, con ngựa, con chó, con gà. Thật đáng thương thay! Thật đáng thương thay! Người nước ta bị giặc làm nhục đến thế mà còn không biết tự mình phấn kích lên là tại làm sao? Công sưu, thuế thân là những thứ thuế mà các nước trong địa cầu chẳng nước nào có cả, chỉ riêng có ở nước ta thôi. Người nước ta không phải gỗ, đá, đồng bùn mà sao cam chịu nhục hèn đến thế? Con thú kia khi khốn quẫn còn biết cắn mổ giương lông giương vuốt. Con sâu khi bị nhốt còn biết cách vươn mình tìm trốn thì con người phải biết tính sao đây để có ngày mở mày mở mặt?

Khi đã duy tân rồi về lâu dài phải trừ bỏ ngay những tệ phiền toái cũ kéo đến mấy triều vua trước, trước mắt phải sửa đổi, tẩy sạch hết phép chính trị hà khắc của người Pháp. Công sưu, thuế thân chẳng những không còn, mà tất cả những thứ thuế khác nữa đều phải xin nghị viện phê chuẩn. Việc thu các loại thuế, các khoản quyên tiền cứu trợ đều phải được nhân dân công nhận, coi đó là nghĩa vụ cần kíp để giúp đỡ cho công ích. Sau đó chính phủ mới được sức giấy xuống để trưng cầu ý của dân. Dân ta dù thiệt một đồng tiền, góp một hạt thóc đều vui vẻ thoải mái, xuất phát từ lòng yêu nước mà đóng góp hết sức nhiệt thành, không hề có một tí gì gọi là dã man cưỡng bức. Trời cao biển rộng ai ai cũng như thấy mình bay nhảy khôn cùng. Ngày ấm gió hòa, ai nấy đều vui vẻ, tự do nhảy múa. Chúng ta vui vẻ, có lợi đến thế, sướng biết chừng nào!

Hình luật nước ta trước kia, tay chân bị gông cùm, thân thể bị đè nén. Thân muốn động mà không dám động, miệng muốn nói mà không dám nói. Người tù khi ăn uống, thức ở so với con trâu ngựa, gà lợn không có gì khác biệt. Than ôi! Phàm đã là đồng bào ta đều là con em ta cả, ai mà không cùng chung cốt nhục với mình. Sự nhẫn nhục chịu cảnh khổ cực cũng không có lòng nào khác, việc xây dựng một đất nước, cũng đều không ngoài mục đích là được sinh ra và làm ăn trên đất nước của mình. Người nước ta ơi! Người nước ta ơi! Xin xem hình pháp sau khi duy tân.

Khi đã duy tân rồi thì trong cả nước không một người nào là không có lòng yêu nước, không một người nào là không phụng sự việc công, không một người nào là không thương yêu nhau, không một người nào là không phục tùng theo phép tắc văn minh. Như vậy, cần gì phải có những hình pháp lôi thôi nữa. Tuy nhiên, nếu không may mà có một vài người phạm tội, tất cũng phải xử lí theo khuôn khổ hình pháp văn minh. Trong thời đại duy tân, hình pháp cũng bắt chước theo các nước như Nhật Bản và Châu Á. Tại kinh đô lập ra một Viện Cảm hóa có viên tài phán ở đại học đứng ra phụ trách. Phàm những người phạm tội, lập ra cho họ một trường học riêng khiến cho họ khi vào học ở đó sẽ mở mang lương thiện, tu dưỡng tư cách của một người dân; lập một xưởng thợ riêng, khi họ vào học, tùy theo sở trường của từng người mà dạy họ các nghề ở đó để họ có đủ tư cách làm việc trong khuôn khổ cuộc sống, khiến họ không thể tái phạm lầm lỗi nữa. Lại đặt một người thẩm phán công minh, những nhà giáo hiền lành có trách nhiệm, hàng ngày vào nhà giam mà thuyết giáo những điều phải trái, khiến cho phạm nhân biết ăn năn hối cải. Đến khi hết hạn giam, họ cũng như người vô tội, mọi thứ dân quyền đều được bình đẳng. Khi đương bị giam thì họ là con em thụ giáo, khi ra khỏi nhà giam thì là dân một nước cùng làm những việc hay giỏi, tự do như ngọn gió xuân thổi khắp trong ngoài có bệnh tật gì rồi cũng được mạnh khỏe. Đến lúc bấy giờ dân ta chỉ còn biết trị hóa mà không hề biết gì đến hình pháp. Đau đớn bệnh tật nhờ thuốc trời mà chữa khỏi, lòng dữ như con cọp beo, chim cú nhờ có nước thánh mà bị tiêu tán hết. Chúng ta sinh sống đến thế, sướng biết chừng nào!


Võ Văn Sạch dịch


(Còn tiếp 1 kì)

Nguồn: Phan Bội Châu, Tân Việt Nam. Bản điện tử được thực hiện từ ấn bản của Cục Lưu trữ Nhà nước năm 1989, do Võ Văn Sạch dịch và chú thích, Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu, tr. 19-28

-------------------------
[1] Dân số nước ta lúc đó có lẽ chỉ khoảng 25 triệu dân.

[2] Ở đây cụ Phan Bội Châu không nhắc tới nhà Thanh. Chúng tôi cũng chưa rõ vì lí do gì. Nhưng có thể do nhà Thanh chưa đặt được ách nô lệ trên nước ta, hoặc do Phan Bội Châu có ý tránh không đụng chạm đến Trung Quốc ở đó đang có nhiều người yêu nước Việt Nam hoạt động.

[3] Chỉ nước Thái Lan ngày nay

[4] Chỉ tên vua

[5] Chỉ bọn quan lại

[6] Chỉ người lính đánh thành

11/5/13

BBC - 'Việt Nam, ngôi sao sắp vụt tắt'


 
Cập nhật: 15:40 GMT - thứ sáu, 10 tháng 5, 2013
 
Dự đoán tăng trưởng của VN cho năm 2014 đã bị giảm bớt xuống 5,2%

William Pesek, người phụ trách cột báo thường xuyên Bloomberg View của hãng tin tài chính Bloomberg, vừa có bài nhận định riêng về kinh tế Việt Nam với tựa đề "Việt Nam, Ngôi sao sắp tắt" (Vietnam’s Star Is Dimming). BBC Tiếng Việt xin giới thiệu cùng quý vị:
Giống như các nên kinh tế có thể thành cọp, Việt Nam đang phải đối diện với những mối đe dọa mới: một cuộc khủng hoảng đang làm tê liệt châu Âu, một nước Mỹ đang sa sút, và một nước Nhật đang bị vung tay quá trán.
Thế nhưng, mối rủi ro lớn nhất cho tương lai Việt Nam có lẽ chính là sự hoài cổ.
Đã 27 năm trôi qua kể từ khi Hà Nội bắt đầu công cuộc Đổi Mới, theo đó các công ty tư nhân được tham gia vào nền kinh tế, các lĩnh vực then chốt được mở cửa, chẳng hạn như nông nghiệp.
Sự phát triển nhanh chóng sau đó đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, biến đổi vùng đất từng là vùng chiến sự trở thành một điển hình cho sự phát triển và giảm đói nghèo.
Tuy nhiên, nay hướng đi hồi 1986 của Việt Nam nhằm có một "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" đang trở nên cũ kỹ.
Các số liệu gần đây cho thấy chiến lược từng đưa Việt Nam tiến xa - sự phụ thuộc nặng nề giống như mô hình Trung Quốc vào các doanh nghiệp quốc doanh và kế hoạch hóa tập trung - nay đang khiến đất nước bị trì trệ.
Việt Nam đang hụt hơi trong bảng cạnh tranh toàn cầu, trong lúc mức tăng trưởng đã chững lại ở mức chừng 5%, thấp nhất kể từ 1999 trở lại nay.
Để phục hồi, đất nước cần phải làm chính xác là những gì họ đã từ chối làm cho tới nay: xây dựng một lĩnh vực tư nhân thực sự mạnh mẽ và sáng tạo, có thể tạo đa dạng hóa cho sự tăng trưởng và đem lại sự thịnh vượng.

Không được đảm bảo

"Việc điều chỉnh toàn bộ nền kinh tế sẽ là việc cần thiết nhằm đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ trở lại," Vaninder Singh, một kinh tế gia thuộc tập đoàn ngân hàng Royal Bank of Scotland Group Plc, làm việc tại Singapore nói. "Điều này không được đảm bảo bởi nó sẽ đòi hỏi sự thay đổi to lớn trong cấu trúc công ty và những cải thiện về hiệu quả sản xuất."
Tác giả William Pesek nói tham nhũng đang xói mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản

Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liệu có mong muốn chính trị nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trị giá 124 tỷ đô la hay không? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra nghi ngờ điều này.
IMF gần đây đã giảm dự đoán phát triển của Việt Nam năm 2014 nhiều hơn mức giảm đưa ra đối với bất kỳ quốc gia châu Á nào khác, xuống mức 5,2%.
Tỷ lệ đó có thể là ghê gớm trên thế giới, khi mà nhóm các nước hùng mạnh nhất về kinh tế, G7 đã hầu như không phát triển được thêm.
Nhưng với nền kinh tế 90 triệu dân đang ở giai đoạn phát triển của Việt Nam, điều đó trở thành đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng.
Khi tiến hành cải tổ, các lãnh đạo Hà Nội tin rằng họ đang đi theo mô hình Trung Quốc, vốn đã rất thành công. Cách tiếp cận của Việt Nam còn từ từ, thận trọng hơn cả Đặng Tiểu Bình.
Nhưng những khó khăn nói chung là giống nhau, và cả hai nay bắt đầu vấp phải những vấn đề giống nhau.

Mô hình Trung Quốc

Giống Trung Quốc, Việt Nam đang phải gánh chịu một hệ thống phân phối tín dụng bị méo mó, với sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước. Các quyết định cho vay cẩu thả đã gây ra những bong bóng bất động sản và chôn vùi các ngân hàng dưới hàng núi nợ không có khả năng xử lý.
Khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng. Căng thăng giữa người lao động muốn được trả lương cao hơn và giữa các ngành công nghiệp muốn có lao động rẻ cũng gia tăng nhanh chóng.
Các vụ thu hồi và tư hữu hóa đất khuất tất vốn làm giàu cho những ai có quan hệ chính trị đến nay đã khiến cho công chúng giận dữ. Nạn tham nhũng tràn lan đang làm xói mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Đất nước không thể tiến lên nếu không tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh, vốn chiếm tới gần 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP.
Các kinh tế gia tại McKinsey & Co ước tính rằng Việt Nam cần phải nâng hiệu suất làm việc lên hơn 50% mới có thể duy trì được mức tăng trưởng lành mạnh.
Người ta không cần phải xuất chúng gì cũng có thể thấy rằng chỉ có mảng tư nhân mới có thể làm được điều này.

Nguyên nhân gây lo lắng

Hồi tháng Hai, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung hứa hẹn chính phủ sẽ đưa ra một kế hoạch rà soát kỹ càng toàn bộ 52 tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, chậm nhất là đến tháng Sáu.
Việc cho vay bừa bãi đã tạo những bong bóng bất động sản

Nhưng dựa vào những kinh nghiệm trước đây, có lý do khiến người ta tin rằng việc cải tổ là thiếu cụ thể.
Chính phủ đã lỡ mất mục tiêu thành lập một công ty quản lý tài sản nhằm xử lý nợ ngân hàng. Các cam kết kiềm chế các khoản đầu tư công, các hoạt động cho vay và các doanh nghiệp nhà nước thì không chỉ tương tự vậy mà chúng còn trở thành tệ hơn thế.
Câu hỏi là liệu chính phủ của ông Dũng có thể triển khai một cách đáng tin cậy bất kỳ sự cải thiện nào hay không, chứ đừng nói là cả ba cùng lúc.
Chớ ai coi nhẹ vai trò của tham nhũng ở đây.
Giống như Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, ông Dũng đang phải đối diện với một vấn đề chỉ có ở đất nước cộng sản: quá nhiều quan to trở nên giàu có trong mô hình hiện nay của Việt Nam. Điều đó khiến người ta không có động lực phải thay đổi.
Nạn ăn hối lộ đã tăng tỷ lệ nghịch với tình hình kinh tế.
Trong Chỉ số về tình trạng tham nhũng năm 2012 do tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, Việt Nam tụt xuống vị trí 123 trên tổng số 176 nước, so với vị trí 112 hồi năm 2011, tệ hơn cả Sierra Leone và Belarus.
Thế còn trong Chỉ số mức cạnh tranh toàn cầu mới nhất do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra, Việt Nam tụt 10 bậc, xuống vị trị thứ 75, sau cả Uruguay và Ukraine.

Hướng tới tương lai

Thách thức đối với Việt Nam dẫu sao cũng nằm trong tầm kiểm soát hơn so với Trung Quốc: các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam nhỏ hơn, đầu tư bớt dàn trải hơn.
Nhưng nay không còn là lúc có thể làm từng bước được nữa.
Nay là lúc đất nước phải phát triển mô hình riêng của mình, một mô hình phải xóa bỏ nạn tham nhũng, đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục và các lĩnh vực phát triển then chốt như sản xuất công nghệ, và trao quyền lực cho các doanh nghiệp để bước tới bậc thang tạo giá trị gia tăng.
Trong nhiều năm, các quốc gia nhỏ khác ở Đông Nam Á, như Miến Điện và Campuchia, đã nhìn vào Việt Nam để tìm ý tưởng cải tổ kinh tế. Việt Nam có thể sẽ lại trở thành điển hình mẫu. Chỉ cần Việt Nam hướng tới tương lai, thay vì hoài niệm quá khứ.
 
BBC

9/5/13

LÊ MINH QUỐC: Một thi sĩ Việt Nam đã khiến vua Càn Long (Trung Quốc) phải khâm phục

 
 
Trong những ngày này, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đang dậy sóng biển Đông, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế thì vai trò của Phan Huy Chú lại càng được nhắc đến. Khi khẳng định hai quần đảo đó thuộc chủ quyền Việt Nam, các học giả trong và nước tìm về thư tịch cổ không thể không trích dẫn những trang tư liệu, chứng cứ rõ ràng, thuyết phục, đầy đủ mà Phan Huy Chú đã ghi chép.
Phan Huy Chú là con trai của Tiến sĩ Phan Huy Ích. Ít ai biết, khi Phan Huy Ích đi sứ nhà Thanh, với tài biện bác và bút lực thi ca của ông đã khiến vua Càn Long phải khâm phục và thốt lên “thi diệc gia thỏa” (thơ hay, lời lẽ thỏa đáng).
Từ thông tin vẻ vang nay, tôi nhọc công viết lại một vài chi tiết về dòng họ Phan Huy nhằm khẳng định đây là niềm tự hào chung trong các dòng tộc Việt Nam; và cũng là dịp chúng ta nhìn lại "thuật dùng người" của vua Quang Trung và chiến công vang dội của Ngài đã khiến nhà Thanh phải khiếp sợ và trọng vọng như thế nào...
L.M.Q
V.2013

tu-lieu-phan-huy-ich-anh-nay
Tiến sĩ Phan Huy Ích - tranh vẽ năm 1790 đặt tại Từ đường (nguồn: Từ điển văn học)

KHÔN KHÉO NGOẠI GIAO, VẺ VANG CHO NƯỚC
Trong lịch sử Việt Nam có những nếp nhà thuộc dòng khoa bảng, từ nhiều đời nối tiếp, dòng họ ấy đều có tên trên bảng vàng và nổi tiếng hiếu học. Chính sự hiếu học ấy đã góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt Nam.
* Ba cha con cùng làm quan một triều
Theo tài liệu của giáo sư Phan Huy Lê, dòng họ Phan Huy gốc ở Nghệ Tĩnh. Ông tổ đầu tiên của chi phái Phan Huy ở Sài Sơn (nay thuộc Hà Nội) là Tiến sĩ (TS) Phan Huy Cận (1722-1789) thuộc đời thứ 7. Do cha mẹ mất sớm, thuở nhỏ TS Phan Huy Cận được bà ngoại họ Dương nuôi nấng và nổi tiếng thần đồng. Những gì đã đọc là nhớ như in trong óc, thông làu kinh sử. Ra làm quan, do không bè phái, xu nịnh nên ông bị gièm pha và nhiều lần thăng giáng. Dù vậy, ông cũng không lấy đó làm phiền, lúc cởi bỏ áo quan vẫn an nhiên ra sức dạy con và đám học trò nên người hữu dụng.
Gia đình TS Phan Huy Cận đã trở thành trường hợp tự hào: “Tam phụ tử huynh đệ đồng triều” - cha và hai con (Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn) đều đậu TS và trở thành những quan chức cao cấp dưới triều Lê - Trịnh.
Không những thế, khi ông thông gia với TS Ngô Thì Sĩ, trong lịch sử khoa bảng Việt Nam có được sự vinh danh vẻ vang: “Văn phái dư lan cụ cửu nguyên” (Dòng văn để lại đủ cửu nguyên). Về sự kiện này, ta hãy nghe TS Phan Huy Ích - con trai cả của TS Phan Huy Cận giải thích: ‘Thân phụ tôi thi Hương, thi Hội hai lần đỗ đầu (lưỡng nguyên), bố vợ tôi thi Hội, thi Đình hai lần đỗ đầu (lưỡng nguyên). Tôi thi Hương, thi Hội, thi Ứng chế ba lần đều đỗ đầu (tam nguyên), anh vợ Ngô Thì Nhậm và em trai Phan Huy Ôn đều đỗ đầu thi Hương. Tất cả cộng lại được chín lần đỗ đầu, gọi là cửu nguyên”. Nếu Phan Huy Ích là nhà thơ, nhà ngoại giao thì Phan Huy Ôn - em của ông là nhà toán học, tác giả bộ sách Chỉ minh lập thành toán pháp; Phan Huy Sáng là tác giả Tu bổ liệt truyện đăng khoa khảo...
Thuở nhỏ, Phan Huy Ích theo học với cha rồi học với TS Ngô Thì Sĩ và trở thành con rể của thầy khi lấy em gái TS Ngô Thì Nhậm là bà Ngô Thị Thục.
Dù tài năng, được chúa Trịnh Sâm đánh giá thuộc loại “tuấn mã ngày đi ngàn dặm” nhưng số phận Phan Huy Ích cũng lận đận như cha, không được trọng dụng. Đến lúc anh hùng Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc năm 1788 thâu tóm cả Bắc hà, Phan Huy Ích cùng cùng anh vợ Ngô Thì Nhậm ra cộng tác với nhà Tây Sơn. Trước lúc kéo quân về Nam, vua Quang Trung sắp xếp chu toàn mọi việc và giao quyền lại cho tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, có dặn dò: “Phàm những việc giấy tờ trong nước hết thảy giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, thư từ đi lại với Tàu thì tùy nghi mà làm, ngoại trừ việc quan trọng, thì không cần phải bẩm báo làm gì”.
Điều này cho thấy vua Quang Trung rất tin cậy ở anh em Phan Huy Ích.
* Bút lực khiến vua Càn Long khen ngợi
Sau khi quét sách 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, năm 1790 Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn - anh vợ của thi hào Nguyễn Du được vua Quang Trung tín nhiệm cử vào phái đoàn sang Trung Quốc dự lễ bát tuần vua Càn Long. Theo truyền thống người Việt, song thân qua đời là đại tang, phải để tang ba năm. Bấy giờ cụ Phan Huy Cận mất chưa đầy năm nhưng vì việc nước nên Phan Huy Ích cũng nhận lệnh lên đường.
Dù có lời mời của vua Càn Long nhưng vua Quang Trung vẫn không đi. Làm như vậy thì bẽ mặt “thiên triều” quá, sứ bộ ta bèn nghĩ ra một kế độc đáo: Chọn quan võ Phạm Công Trị, cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu để đóng giả “quốc vương”! Ai là người đã nghĩ ra kế này? Đến nay trong giới học thuật dù đã nghiên cứu, tìm hiểu nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận. Hình vẽ vua Quang Trung lẫm liệt trên lưng ngựa do sử sách Trung Quốc công bố lâu nay, thực ra họ chỉ vẽ được cháu của ngài!
Trong chuyến đi sứ, Phan Huy Ích có viết tập Tinh sà kỷ hành, qua đó, hậu thế có thể hình dung ra sự tiếp đón chu đáo, trọng thị của vua Càn Long.
Theo lệ nhà Thanh, phàm công văn của nước ngoài đều không niêm phong để tiện việc kiểm duyệt, do đó, lúc “quốc vương” ta vờ gửi công văn về nước dặn dò việc này việc kia, nhà Thanh đều biết nội dung. Tương kế tựu kế, Phan Huy Ích đã dùng lời lẽ khôn khéo ghi trong thư mà họ chẳng hề mảy may nghi ngờ.
Bấy giờ, do chiến thắng của vua Quang Trung quá vĩ đại, quân thù còn kinh khiếp nên việc tiếp đón của phía nhà Thanh hết sức ân cần, chu đáo. Có lần, dọc đường đi qua bến Tầm Dương, vừa lên xe tứ mã thì sứ bộ ta nhận được 5 trái vải, trong thư viết: “Vải thì An Nam có nhiều, nhưng bên này rất quý, trừ bậc vương công đại thần ra thì không ai được hưởng. Nay đặc cách cho chạy trạm đến ban thưởng”. Thế mới biết uy tín hùng mạnh của nước Nam ta, vì thế mới có được sự trọng vọng “phá lệ” ấy.
Trong lúc xướng họa, Phan Huy Ích là người đề thơ trên quạt của vua Càn Long và được khen ngợi về tài biện bác, văn chương tót vời là “thi diệc gia thỏa” (thơ hay, lời lẽ thỏa đáng). Thậm chí, lúc hai đội văn công của ta và nhà Thanh hát mừng thọ Càn Long thì Phan Huy Ích cũng là người soạn cả thảy 10 bài ca theo điệu từ Trung Quốc.
Có một điều hết sức thú vị là trong tiếp đón, vua nhà Thanh ban thưởng cho “quốc vương” ta nhiều vật quý. Vậy ta đáp lại bằng món quà gì? Đó là chiến công ngày 11.7.1790 trên biển Đông, đồn tướng của ta là Phạm Quang Chương lúc đi tuần tra đã cứu thoát đoàn thuyền của nhà Thanh bị bọn cướp biển tấn công, uy hiếp. Tin đưa về triều khiến vua Càn Long cảm kích và nhờ sứ bộ ta chuyển tận tay hai tấm vải quý đến Phạm Quang Chương. Âu cũng là việc xưa nay hiếm mà “thiên triều” chưa dành cho nước lân bang nào. Là nhân chúng, Phan Huy Ích viết đã: “Các nước phiên bang sang chầu nhà vua, mấy ai được tiếp đãi như thế. Xin báo cho mọi người trong nước biết: sứ bộ ta là nhất”.
Sự công hiến về ngoại giao của Phan Huy Ích tất nhiên là do tài năng, nhưng nếu ông  không tìm được minh vương như vua Quang Trung thì khó có thể thi thố.
Sở dĩ nói vậy, vì ta biết rằng, vì sau khi ông đi sứ về thì hai người em trai của ông là Phan Huy Thự, Phan Huy Tân nổi dậy chống nhà Tây Sơn, thất bại và bị truy nã bắt giết. Lập tức, ông dâng lên biểu tạ tội nhằm bày tỏ lòng thành. Thái độ của vua Quang Trung đối với ông như thế nào? Vua Quang Trung truyền mệnh: “Tính người ta thiện ác khác nhau, cha còn chẳng vừa lòng được với lòng con, huống chi anh đối với em, việc không dính líu đến thì ta hiềm nghi làm gì?”.
Chi tiết này, cho ta thấy về thuật dùng người của một bậc anh hùng dân tộc. Nếu vua Quang Trung không có lòng khoan dung ấy dành cho Phan Huy Ích thì chắc gì các con của ông đã dốc lòng “mài kinh nấu sử” để có cơ hội ra giúp nước? Đừng quên bấy giờ giới trí thức vẫn còn hoài Lê, chưa mấy mặn mà với triều Tây Sơn vừa nổi lên. Nói cách khác sự lựa chọn dấn thân của Phan Huy Ích đã ảnh hưởng trực tiếp đến chí tiến thủ của các con cháu ông. Thiết nghĩ, trong gia đình, người cha luôn đóng vài trò là người giáo dục, hun đúc cho con về chí hướng khi vào đời. Phan Huy Ích đã nói với các con rằng: “Các con trưởng thành đúng lúc vận hội hanh thông / Không như ta giữa chừng gặp buổi gian nan”. Rõ ràng, lời tâm sự này cũng là một cách định hướng cho con.
 
NHỮNG “NGHI ÁN” VĂN CHƯƠNG
Vai trò của TS Phan Huy Ích còn liên quan đến nhiều sự kiện thuộc về lịch sử, văn hóa Việt Nam mà nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
*Vua Quang Trung mất lúc nào?
Về ngày mất của vua Quang Trung, sử liệu chính thống của triều Nguyễn, ngài mất vào ngày 29.9 năm Nhâm tý. Thế nhưng trong bài thơ Mùa thu quốc tang, cảm thuật, TS Phan Huy Ích có ghi lời tiểu dẫn: “Trung tuần tháng 6 tôi được thăng chức Nội các Thị trung Ngự sử. Ngày 30.7, vua Quang Trung về chầu trời”. Thông tin này đã làm tốn biết bao giấy mực của giới sử học. Cái chết đột ngột của vị anh hùng đã thần tốc quét sạch 20 vạn quân Thanh khiến cả đời sau còn thương tiếc. Vì thế, thông tin về ngày mất của ngài vẫn là một “thử thách” với các nhà sử học xưa nay.
Qua các công trình nghiên cứu, GS Hoàng Xuân Hãn đã nghiêng về thông tin của Phan Huy Ích. Sở dĩ như vậy bởi ông là nhân chứng, là người đang làm quan trong triều, rất cảm mộ tài đức và chịu nhiều ơn mưa móc của vua Quang Trung nên không thể ghi sai.
* Ai là dịch giả Chinh phụ ngâm?
TS Phan Huy Ích còn liên quan đến câu hỏi của giới sử học: Ai là dịch giả Chinh phụ ngâm nổi tiếng của Đặng Trần Côn?
Từ xưa đến nay, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã được thừa nhận là dịch giả. Củng cố cho thông tin này còn là câu chuyện được lưu hành trong sử sách: Bình sinh Hương cống Đặng Trần Côn là người học giỏi, tính tình phóng khoáng và có tài phóng bút thành thơ. Ngày nọ, Đặng Trần Côn đến thăm nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và cao hứng tặng cho nàng bài thơ mới sáng tác, nàng cười:
- Trẻ con mới cắp sách đi học đã biết gì!
Côn hậm hực bỏ về, quyết chí dùi mài kinh sử để rửa mối hận này. Côn học cả ngày lẫn đêm. Bấy giờ, chúa Uy vương Trịnh Giang (1729-1740) ra lệnh trong thành Thăng Long cấm đốt lửa ban đêm. Vì thế Đặng Trần Côn phải đào hầm dưới đất để chong đèn mà học. Nhờ tài năng và kiên gan bền chí, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Chinh phụ ngâm (dài 478 câu thơ) bằng chữ Hán. Cảm phục một người chỉ vì câu nói của mình mà thành tài, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã bỏ công dịch tuyệt tác này ra văn Nôm.
Thế nhưng lại có thông tin cho rằng, không phải Đoàn Thị Điểm mà TS Phan Huy Ích mới là dịch giả. Tại sao có thông tin này? Từ tháng 6.1926, báo Nam Phong đã công bố gia phả của dòng tộc Phan Huy, trong đó có đoạn: “Phan Huy Ích đã soạn các bộ Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập và diễn âm Chinh phụ ngâm khúc mà nay các danh nhân, văn sĩ cho đến trai gái chốn thôn quê không ai không truyền tụng”.
Thông tin này như quả bom nổ ra giữa trời quang đãng.
Ròng rã mấy mươi năm nay giới học thuật đã tranh luận dữ dội, đã công bố nhiều tư liệu và khẳng định bản dịch đó là của Phan Huy Ích. Tuy nhiên, “Cuộc tranh luận chưa kết thúc và khuynh hướng chung của đa số các nhà nghiên cứu văn học vẫn muốn giữ thuyết truyền thống khi mà thuyết mới chưa đưa ra được những cứ liệu khoa học không thể chối cãi dể phủ định thuyết cũ. Đây cũng là tâm lý thường thấy và dễ hiểu trong khoa học” (GS Phan Huy Lê).
* Cha hay con là dịch giả Tì bà hành?
Xem trong gia phải dòng họ Phan Huy, ta còn biết, nhà thơ Phan Huy Thực là con trai thứ hai của TS Phan Huy Ích. Ông Thực không đi thi, chỉ ở nhà đọc sách mà thành tài, ông là tác giả những tập sách giá trị như Nhân ảnh vấn đáp, Bần nữ thán…Sau do nhờ sự tiến cử của Ngô Thì Vị - em ruột của mẹ mà triều Nguyễn có chiếu chỉ mời ra làm quan ở Viện Hàn lâm, từng được thăng đến chức Thượng thư.
Nhà thơ Phan Huy Vịnh là con trai của Phan Huy Thực, cháu nội Phan Huy Ích. Ông Vịnh còn để lại những tác phẩm như Hành trình đi sứ nhà Thanh… Dù chỉ đậu Cử nhân nhưng do tài năng nên ông được cử làm thượng thư bộ Binh, bộ Lễ thậm chí triều Nguyễn còn giao ông chức chánh sứ khi đi sứ nhà Thanh. Ở đây, thêm một lần nữa ta thấy thuật dùng người của một một bậc “thiên tử” Minh Mạng.
Đó là cái tài của người không phân biệt “kẻ Bắc người Nam”, nói như thế vì bấy giờ không phải lòng cố cựu “hoài Lê” đã mất đi trong kẻ sĩ. Trường hợp cha con Phan Huy Thực kể cũng lạ, dù không đậu cao nhưng họ vẫn được vua Minh Mạng cất nhấc sử dụng và tin cậy giao nhiều trọng trách. Nhờ vậy, họ có điều kiện công hiến và để lại nhiều tác phẩm trác tuyệt cho đời sau.
Trong các tác phẩm ấy, đến nay cuộc tranh luận gay go và thú vị nhất có liên quan đến con cháu Phan Huy Ích vẫn là bản dịch Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Văn bản này, hiện đang sử dụng trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10”. Một bản dịch điêu luyện của nguyên tắc “đạt, tín, nhã” làm giàu cho sự trong sáng của tiếng Việt: “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu/ Người xuống ngựa, khách dừng chèo / Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti” v.v…
Lâu nay, giới học thuật (như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quang Diêu, Tạ Ngọc Liễn) thừa nhận bản dịch này là của Phan Huy Thực; nhưng nhà giáo Dương Quảng Hàm lại khẳng định của Phan Huy Vịnh. Ai đúng ai sai? Trong khi đó, gia phải dòng Phan Huy cho biết: “Người đã diễn âm Tỳ bà hành là Phan Huy Thực chứ không phải Phan Huy Vịnh”. Tuy nhiên giới nghiên cứu vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Bản dịch Tì bà hành đã lưu truyền từ nhiều năm nay và trở thành một áng văn Nôm bất hủ của nền văn học Việt Nam. Dù bản dịch ấy của con hay cháu TS Phan Huy Ích thì rõ ràng nếp nhà và truyền thống văn hóa của dòng họ Phan Huy đã được gìn giữ, lưu truyền và tiếp tục làm rạng rỡ đến đời sau.
 
CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC
Lịch sử không bao giờ bắt đầu từ chữ “nếu”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Với chữ “nếu” người ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái lọ”. Nếu nhà Tây Sơn không sụp đổ thì TS Phan Huy Ích và các con ông đã có một đời sống khác. Lúc công cán nơi xa, tâm trí của ông luôn dành cho vợ con. Trong thư gửi về nhà, bao giờ ông cũng dặn dò vợ: “Dành sự bồi đắp dòng dõi thi thư cho đứa con trai quý”; và khuyên các con: “Mới học phải công phu chớ nên trễ nải”… Do nội, ngoại thuộc dòng khoa bảng nên các con của ông như Phan Huy Quýnh, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú… đều được rèn cặp chu đáo.
* Bị đòn thù giữa sân Văn Miếu
Sau cái chết của vua Quang Trung, triều Tây Sơn sụp đổ chóng vánh. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và trả thù tàn bạo phe thù nghịch. Những trí thức cộng tác với nhà Tây Sơn đều bị phó Tổng trấn Bắc thành là Đặng Trần Thường sai lính nọc ra đánh giữa sân Văn Miếu. Không chỉ TS Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm… mà còn có cả TS Nguyễn Thế Lịch - cha vợ của Phan Huy Chú cũng thịt nát xương tan tại nơi thờ đức Thánh hiền. Với kẻ sĩ theo đạo Nho gia đây là mối nhục lớn, dẫu xuống tuyền đài vẫn mang theo.
Sự kiện này diễn ra vào năm Phan Huy Chú mới hai mươi xuân xanh. Sở sĩ nhắc lại điều này bởi trong các con của Phan Huy Ích, Phan Huy Chú vẫn là nhân vật kiệt xuất nhất - tác giả bộ Lịch triều hiến chương loại chí, xứng danh với sự tôn vinh của Viện Sử học Việt Nam “một nhà bách khoa, một danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam”.
Phan Huy Chú (1782- 1840), ngay từ lúc sinh ra đã đỉnh ngộ khác thường,  được cha mẹ thương và gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất.
Dù cha bị nhà Nguyễn lăng nhục than khốc, nhưng Phan Huy Chú không thể không lập thân bằng con đường khoa cử. Sau hai lần lều chõng, chỉ đậu Tú tài. Sau đó, ông không ứng thí nữa vì nghĩ cho cùng nếu công thành danh toại thì cũng phục vụ cho chế độ đã biếm nhục dòng tộc mình. Có nên không? Nhưng “đã mang tiếng ở trong trời đất / phải có danh gì với nứi sông” (Nguyễn Công Trứ) như quan niệm của kẻ sĩ thời ấy, vậy phải làm gì?
* Viết sách để nói chí
Đời sau vẫn còn nhắc đến công lao của Phan Huy Chú, khi ông viết bộ sách bách khoa toàn thư Lịch triều hiến chương loại chí. Để hoàn thành công việc khó nhọc này và nhất là có thời gian toàn tâm toàn ý, Phan Huy Chú cho biết trong suốt mười năm, ông bỏ nhà vào núi trú ẩn nhằm tránh khách khứa, bạn bè thường ngày vẫn tìm đến giao du, trà tam tửu tứ! Thậm chí, ông còn lấy nghệ bôi vào mặt, tay và đun nước thơm như đang sắc thuốc để cáo bệnh mà tránh bạn bè. Sau thời gian viết thì ông đọc sách, sau lúc đọc sách “được nhàn rỗi thì tùy từng loại khảo xét và đính chính, có khi nghĩ được điều gì thì làm ra lời bàn”.
Với công trình uyên bác này, dù không đậu cao nhưng ông nổi tiếng khắp vùng là người hay chữ, kiến thức uyên bác khó có ai sánh kịp. So với những bộ sách có giá trị khác như Việt sử thông giám cương mục được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, tuy dồi dào về mặt tư liệu nhưng chỉ là những tư liệu về sử. Còn ở bộ sách của Phan Huy Chú đã đề cập đến những vấn đề khác phong phú hơn nhiều như: chính trị, kinh tế học, địa lý học, luật học, văn học, ngoại giao, quân sự v.v… So với Nghệ văn chí trong bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, nếu nhà bác học họ Lê chỉ mới giới thiệu cả thảy 115 bộ sách thì phần Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã giới thiệu đến 213 bộ sách! Không phải giới thiệu qua loa đại khái, mà đối với mỗi tác phẩm ông đều có lời bình luận, nhận xét dù ngắn gọn nhưng sắc sảo. Và so với Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, bộ sách của ông đã phân loại và hệ thống hóa mang tính khoa học hơn.
Nghe tiếng tăm của ông, năm 1821 vua Minh Mạng đã triệu ông vào kinh để giữ chức Biên tu trường Quốc tử giám. Khi dâng lên nhà vua bộ sách quý Lịch triều hiến chương loại chí, ngay lập tức ông được “thiên tử” ban thưởng cho 30 lạng bạc, 1 áo sa, 30 cái bút và 30 thỏi mực.
Trong những ngày này, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đang dậy sóng biển Đông, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế thì vai trò của Phan Huy Chú lại càng được nhắc đến. Khi khẳng định hai quần đảo đó thuộc chủ quyền Việt Nam, các học giả trong và nước tìm về thư tịch cổ không thể không trích dẫn những trang tư liệu, chứng cứ rõ ràng, thuyết phục, đầy đủ mà Phan Huy Chú đã ghi chép.
Từ các số liệu, văn bản của triều đình nhà Nguyễn, các tấu biểu tường trình về hai quần đảo này đều được Phan Huy Chú ghi chép nghiêm cẩn, tỉ mỉ. Quan điểm yêu nước của Phan Huy Chú thể hiện rõ ràng: “Từ khi có trời đất thì có núi sông. Đất nào thuộc phận nào đều đã chia sẵn, bờ cõi mỗi nước đều đã phân biệt. Nước nào có địa phận nước ấy. Lý, Trần thay nhau nổi lên chống với Tống, Nguyên. Lê Thái Tổ nổi dậy quét sạch giặc Minh vận hội đến lúc thịnh, cõi đất ngày rộng ra, người phương Bắc không dám manh tâm nghĩ đến việc cướp nước ta, đặt quận huyện nữa. Mà đất nước Việt Nam ta, Trung Quốc phải coi là hùng mạnh”.
 
* Vai trò của người vợ, người mẹ
Nói về sự vẻ vang của gia đình TS Phan Huy Ích, ta không thể không nhấn mạnh đến vai trò của một người mẹ, người vợ. Dù bà Ngô Thị Thục sức học không bằng TS Phan Huy Ích nhưng cũng đủ lễ nghĩa, hiểu biết để cùng chồng luận bàn văn chương, cách dạy con…
Những lúc công cán nơi xa, có lần ông bày tỏ tâm sự: “Nơi trường đình đêm đêm mơ về chốn buồng the/ Vẫn cùng ai hàn huyên dưới ánh đèn như thuở trước”. Thật là tri âm tri kỷ. Khi bà Thục mất, chưa thể về tang vợ, ông đã khóc nghẹn ngào: “Than ôi kết tóc 28 năm trời/ Mà nay phải mãi mãi xa nhau/ Kẻ Tần người Việt/ Rầu rầu trông vời đất Bắc nước mắt đẫm áo/ Ai oán cuốc kêu quán trọ, giục giã trăng đêm/ Tình kẻ xa nhà xót thương chưa biết bao giờ về bày tỏ được?/ Ở ngoài xa ngàn dặm, kẻ góa vợ mãi đứt từng khúc ruột”.
Ít ai biết rằng, khi Phan Huy Chú lao tâm khổ tứ bỏ ra mười năm trời viết Lịch triều hiến chương loại chí cũng là một cách đền ơn mẹ. Do cha luôn công cán nơi xa, Phan Huy Chú chỉ được gần gũi với mẹ. Lúc mới lên mười mẹ đã mất, nhưng lời khyên của mẹ là phải gắng học giữ nếp gia phong vẫn luôn cánh cánh trong  lòng. Sau này, những 30 mươi sau, trên đường đi sứ nhà Thanh nhớ đến ngày giỗ mẹ,  ông bùi ngùi: “Đền sao ơn ấy, biển trời/ Tóc hoa còn ngại đường đời xiết bao/ Sông Lô vườn cũ lối nào?/ Cánh buồm trời Sở nao nao một mình”.
Có thể khẳng định, nếp nhà dòng họ Phan Huy từ TS Phan Huy Cận, Phan Huy Ích đến Phan Huy Chú… là một trong những tấm gương sáng trong các dòng tộc Việt Nam.
 
L.M.Q
IV.2013

Source : www.leminhquoc.vn

8/5/13

NHỚ CỤ PHAN VỚI 10 ĐIỀU BI AI CỦA DÂN TỘC


Nhớ Cụ Phan Chu Trinh với 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam
Trần Kinh Nghị

 Lời tiên tri của Cụ xuất phát từ 10 nhận xét vô cùng tinh tế và chính xác về đặc điểm con người Việt Nam mà đối chiếu thực tế ngày nay vẫn còn nguyên thâm căn cố đế (xem dưới đây). Tiếc thay các thế hệ nối tiếp nhau đến nay vẫn chưa thực hiện đúng theo lời lời giáo huấn của Cụ. Dẫu sao,chậm còn hơn không bao giờ, mỗi người Việt Nam chúng ta dù sống ở đâu và làm việc gì, còn trẻ hay đã già hãy chiêm nghiệm những lời dạy trên đây của bậc Tiền bối đáng kính của dân tộc-Sinh ngày 9/9/1872 tại Tây Lộc, Tiên Phước, Tam Kỳ (nay là Tam Lộc, Phú Ninh) tỉnh Quảng Nam, mất ngày 24/3/1926, Cụ Phan Chu Trinh là người Việt Nam đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) nhìn thấy trước cảnh “dịch chủ tái nô” (đổi chủ nhưng dân vẫn là nô lệ)…Để tránh điều này, Cụ đã chỉ ra con đường giành độc lập – tự do cho dân tộc là phải bắt đầu từ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh
                                         Phan Chu Trinh  và Phan Bội Châu

10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam
                                                                        

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

 2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

 3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

 4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

Source : Blog  HUYNH NGOC CHENH