9/5/13

LÊ MINH QUỐC: Một thi sĩ Việt Nam đã khiến vua Càn Long (Trung Quốc) phải khâm phục

 
 
Trong những ngày này, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đang dậy sóng biển Đông, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế thì vai trò của Phan Huy Chú lại càng được nhắc đến. Khi khẳng định hai quần đảo đó thuộc chủ quyền Việt Nam, các học giả trong và nước tìm về thư tịch cổ không thể không trích dẫn những trang tư liệu, chứng cứ rõ ràng, thuyết phục, đầy đủ mà Phan Huy Chú đã ghi chép.
Phan Huy Chú là con trai của Tiến sĩ Phan Huy Ích. Ít ai biết, khi Phan Huy Ích đi sứ nhà Thanh, với tài biện bác và bút lực thi ca của ông đã khiến vua Càn Long phải khâm phục và thốt lên “thi diệc gia thỏa” (thơ hay, lời lẽ thỏa đáng).
Từ thông tin vẻ vang nay, tôi nhọc công viết lại một vài chi tiết về dòng họ Phan Huy nhằm khẳng định đây là niềm tự hào chung trong các dòng tộc Việt Nam; và cũng là dịp chúng ta nhìn lại "thuật dùng người" của vua Quang Trung và chiến công vang dội của Ngài đã khiến nhà Thanh phải khiếp sợ và trọng vọng như thế nào...
L.M.Q
V.2013

tu-lieu-phan-huy-ich-anh-nay
Tiến sĩ Phan Huy Ích - tranh vẽ năm 1790 đặt tại Từ đường (nguồn: Từ điển văn học)

KHÔN KHÉO NGOẠI GIAO, VẺ VANG CHO NƯỚC
Trong lịch sử Việt Nam có những nếp nhà thuộc dòng khoa bảng, từ nhiều đời nối tiếp, dòng họ ấy đều có tên trên bảng vàng và nổi tiếng hiếu học. Chính sự hiếu học ấy đã góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt Nam.
* Ba cha con cùng làm quan một triều
Theo tài liệu của giáo sư Phan Huy Lê, dòng họ Phan Huy gốc ở Nghệ Tĩnh. Ông tổ đầu tiên của chi phái Phan Huy ở Sài Sơn (nay thuộc Hà Nội) là Tiến sĩ (TS) Phan Huy Cận (1722-1789) thuộc đời thứ 7. Do cha mẹ mất sớm, thuở nhỏ TS Phan Huy Cận được bà ngoại họ Dương nuôi nấng và nổi tiếng thần đồng. Những gì đã đọc là nhớ như in trong óc, thông làu kinh sử. Ra làm quan, do không bè phái, xu nịnh nên ông bị gièm pha và nhiều lần thăng giáng. Dù vậy, ông cũng không lấy đó làm phiền, lúc cởi bỏ áo quan vẫn an nhiên ra sức dạy con và đám học trò nên người hữu dụng.
Gia đình TS Phan Huy Cận đã trở thành trường hợp tự hào: “Tam phụ tử huynh đệ đồng triều” - cha và hai con (Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn) đều đậu TS và trở thành những quan chức cao cấp dưới triều Lê - Trịnh.
Không những thế, khi ông thông gia với TS Ngô Thì Sĩ, trong lịch sử khoa bảng Việt Nam có được sự vinh danh vẻ vang: “Văn phái dư lan cụ cửu nguyên” (Dòng văn để lại đủ cửu nguyên). Về sự kiện này, ta hãy nghe TS Phan Huy Ích - con trai cả của TS Phan Huy Cận giải thích: ‘Thân phụ tôi thi Hương, thi Hội hai lần đỗ đầu (lưỡng nguyên), bố vợ tôi thi Hội, thi Đình hai lần đỗ đầu (lưỡng nguyên). Tôi thi Hương, thi Hội, thi Ứng chế ba lần đều đỗ đầu (tam nguyên), anh vợ Ngô Thì Nhậm và em trai Phan Huy Ôn đều đỗ đầu thi Hương. Tất cả cộng lại được chín lần đỗ đầu, gọi là cửu nguyên”. Nếu Phan Huy Ích là nhà thơ, nhà ngoại giao thì Phan Huy Ôn - em của ông là nhà toán học, tác giả bộ sách Chỉ minh lập thành toán pháp; Phan Huy Sáng là tác giả Tu bổ liệt truyện đăng khoa khảo...
Thuở nhỏ, Phan Huy Ích theo học với cha rồi học với TS Ngô Thì Sĩ và trở thành con rể của thầy khi lấy em gái TS Ngô Thì Nhậm là bà Ngô Thị Thục.
Dù tài năng, được chúa Trịnh Sâm đánh giá thuộc loại “tuấn mã ngày đi ngàn dặm” nhưng số phận Phan Huy Ích cũng lận đận như cha, không được trọng dụng. Đến lúc anh hùng Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc năm 1788 thâu tóm cả Bắc hà, Phan Huy Ích cùng cùng anh vợ Ngô Thì Nhậm ra cộng tác với nhà Tây Sơn. Trước lúc kéo quân về Nam, vua Quang Trung sắp xếp chu toàn mọi việc và giao quyền lại cho tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, có dặn dò: “Phàm những việc giấy tờ trong nước hết thảy giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, thư từ đi lại với Tàu thì tùy nghi mà làm, ngoại trừ việc quan trọng, thì không cần phải bẩm báo làm gì”.
Điều này cho thấy vua Quang Trung rất tin cậy ở anh em Phan Huy Ích.
* Bút lực khiến vua Càn Long khen ngợi
Sau khi quét sách 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, năm 1790 Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn - anh vợ của thi hào Nguyễn Du được vua Quang Trung tín nhiệm cử vào phái đoàn sang Trung Quốc dự lễ bát tuần vua Càn Long. Theo truyền thống người Việt, song thân qua đời là đại tang, phải để tang ba năm. Bấy giờ cụ Phan Huy Cận mất chưa đầy năm nhưng vì việc nước nên Phan Huy Ích cũng nhận lệnh lên đường.
Dù có lời mời của vua Càn Long nhưng vua Quang Trung vẫn không đi. Làm như vậy thì bẽ mặt “thiên triều” quá, sứ bộ ta bèn nghĩ ra một kế độc đáo: Chọn quan võ Phạm Công Trị, cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu để đóng giả “quốc vương”! Ai là người đã nghĩ ra kế này? Đến nay trong giới học thuật dù đã nghiên cứu, tìm hiểu nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận. Hình vẽ vua Quang Trung lẫm liệt trên lưng ngựa do sử sách Trung Quốc công bố lâu nay, thực ra họ chỉ vẽ được cháu của ngài!
Trong chuyến đi sứ, Phan Huy Ích có viết tập Tinh sà kỷ hành, qua đó, hậu thế có thể hình dung ra sự tiếp đón chu đáo, trọng thị của vua Càn Long.
Theo lệ nhà Thanh, phàm công văn của nước ngoài đều không niêm phong để tiện việc kiểm duyệt, do đó, lúc “quốc vương” ta vờ gửi công văn về nước dặn dò việc này việc kia, nhà Thanh đều biết nội dung. Tương kế tựu kế, Phan Huy Ích đã dùng lời lẽ khôn khéo ghi trong thư mà họ chẳng hề mảy may nghi ngờ.
Bấy giờ, do chiến thắng của vua Quang Trung quá vĩ đại, quân thù còn kinh khiếp nên việc tiếp đón của phía nhà Thanh hết sức ân cần, chu đáo. Có lần, dọc đường đi qua bến Tầm Dương, vừa lên xe tứ mã thì sứ bộ ta nhận được 5 trái vải, trong thư viết: “Vải thì An Nam có nhiều, nhưng bên này rất quý, trừ bậc vương công đại thần ra thì không ai được hưởng. Nay đặc cách cho chạy trạm đến ban thưởng”. Thế mới biết uy tín hùng mạnh của nước Nam ta, vì thế mới có được sự trọng vọng “phá lệ” ấy.
Trong lúc xướng họa, Phan Huy Ích là người đề thơ trên quạt của vua Càn Long và được khen ngợi về tài biện bác, văn chương tót vời là “thi diệc gia thỏa” (thơ hay, lời lẽ thỏa đáng). Thậm chí, lúc hai đội văn công của ta và nhà Thanh hát mừng thọ Càn Long thì Phan Huy Ích cũng là người soạn cả thảy 10 bài ca theo điệu từ Trung Quốc.
Có một điều hết sức thú vị là trong tiếp đón, vua nhà Thanh ban thưởng cho “quốc vương” ta nhiều vật quý. Vậy ta đáp lại bằng món quà gì? Đó là chiến công ngày 11.7.1790 trên biển Đông, đồn tướng của ta là Phạm Quang Chương lúc đi tuần tra đã cứu thoát đoàn thuyền của nhà Thanh bị bọn cướp biển tấn công, uy hiếp. Tin đưa về triều khiến vua Càn Long cảm kích và nhờ sứ bộ ta chuyển tận tay hai tấm vải quý đến Phạm Quang Chương. Âu cũng là việc xưa nay hiếm mà “thiên triều” chưa dành cho nước lân bang nào. Là nhân chúng, Phan Huy Ích viết đã: “Các nước phiên bang sang chầu nhà vua, mấy ai được tiếp đãi như thế. Xin báo cho mọi người trong nước biết: sứ bộ ta là nhất”.
Sự công hiến về ngoại giao của Phan Huy Ích tất nhiên là do tài năng, nhưng nếu ông  không tìm được minh vương như vua Quang Trung thì khó có thể thi thố.
Sở dĩ nói vậy, vì ta biết rằng, vì sau khi ông đi sứ về thì hai người em trai của ông là Phan Huy Thự, Phan Huy Tân nổi dậy chống nhà Tây Sơn, thất bại và bị truy nã bắt giết. Lập tức, ông dâng lên biểu tạ tội nhằm bày tỏ lòng thành. Thái độ của vua Quang Trung đối với ông như thế nào? Vua Quang Trung truyền mệnh: “Tính người ta thiện ác khác nhau, cha còn chẳng vừa lòng được với lòng con, huống chi anh đối với em, việc không dính líu đến thì ta hiềm nghi làm gì?”.
Chi tiết này, cho ta thấy về thuật dùng người của một bậc anh hùng dân tộc. Nếu vua Quang Trung không có lòng khoan dung ấy dành cho Phan Huy Ích thì chắc gì các con của ông đã dốc lòng “mài kinh nấu sử” để có cơ hội ra giúp nước? Đừng quên bấy giờ giới trí thức vẫn còn hoài Lê, chưa mấy mặn mà với triều Tây Sơn vừa nổi lên. Nói cách khác sự lựa chọn dấn thân của Phan Huy Ích đã ảnh hưởng trực tiếp đến chí tiến thủ của các con cháu ông. Thiết nghĩ, trong gia đình, người cha luôn đóng vài trò là người giáo dục, hun đúc cho con về chí hướng khi vào đời. Phan Huy Ích đã nói với các con rằng: “Các con trưởng thành đúng lúc vận hội hanh thông / Không như ta giữa chừng gặp buổi gian nan”. Rõ ràng, lời tâm sự này cũng là một cách định hướng cho con.
 
NHỮNG “NGHI ÁN” VĂN CHƯƠNG
Vai trò của TS Phan Huy Ích còn liên quan đến nhiều sự kiện thuộc về lịch sử, văn hóa Việt Nam mà nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
*Vua Quang Trung mất lúc nào?
Về ngày mất của vua Quang Trung, sử liệu chính thống của triều Nguyễn, ngài mất vào ngày 29.9 năm Nhâm tý. Thế nhưng trong bài thơ Mùa thu quốc tang, cảm thuật, TS Phan Huy Ích có ghi lời tiểu dẫn: “Trung tuần tháng 6 tôi được thăng chức Nội các Thị trung Ngự sử. Ngày 30.7, vua Quang Trung về chầu trời”. Thông tin này đã làm tốn biết bao giấy mực của giới sử học. Cái chết đột ngột của vị anh hùng đã thần tốc quét sạch 20 vạn quân Thanh khiến cả đời sau còn thương tiếc. Vì thế, thông tin về ngày mất của ngài vẫn là một “thử thách” với các nhà sử học xưa nay.
Qua các công trình nghiên cứu, GS Hoàng Xuân Hãn đã nghiêng về thông tin của Phan Huy Ích. Sở dĩ như vậy bởi ông là nhân chứng, là người đang làm quan trong triều, rất cảm mộ tài đức và chịu nhiều ơn mưa móc của vua Quang Trung nên không thể ghi sai.
* Ai là dịch giả Chinh phụ ngâm?
TS Phan Huy Ích còn liên quan đến câu hỏi của giới sử học: Ai là dịch giả Chinh phụ ngâm nổi tiếng của Đặng Trần Côn?
Từ xưa đến nay, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã được thừa nhận là dịch giả. Củng cố cho thông tin này còn là câu chuyện được lưu hành trong sử sách: Bình sinh Hương cống Đặng Trần Côn là người học giỏi, tính tình phóng khoáng và có tài phóng bút thành thơ. Ngày nọ, Đặng Trần Côn đến thăm nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và cao hứng tặng cho nàng bài thơ mới sáng tác, nàng cười:
- Trẻ con mới cắp sách đi học đã biết gì!
Côn hậm hực bỏ về, quyết chí dùi mài kinh sử để rửa mối hận này. Côn học cả ngày lẫn đêm. Bấy giờ, chúa Uy vương Trịnh Giang (1729-1740) ra lệnh trong thành Thăng Long cấm đốt lửa ban đêm. Vì thế Đặng Trần Côn phải đào hầm dưới đất để chong đèn mà học. Nhờ tài năng và kiên gan bền chí, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Chinh phụ ngâm (dài 478 câu thơ) bằng chữ Hán. Cảm phục một người chỉ vì câu nói của mình mà thành tài, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã bỏ công dịch tuyệt tác này ra văn Nôm.
Thế nhưng lại có thông tin cho rằng, không phải Đoàn Thị Điểm mà TS Phan Huy Ích mới là dịch giả. Tại sao có thông tin này? Từ tháng 6.1926, báo Nam Phong đã công bố gia phả của dòng tộc Phan Huy, trong đó có đoạn: “Phan Huy Ích đã soạn các bộ Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập và diễn âm Chinh phụ ngâm khúc mà nay các danh nhân, văn sĩ cho đến trai gái chốn thôn quê không ai không truyền tụng”.
Thông tin này như quả bom nổ ra giữa trời quang đãng.
Ròng rã mấy mươi năm nay giới học thuật đã tranh luận dữ dội, đã công bố nhiều tư liệu và khẳng định bản dịch đó là của Phan Huy Ích. Tuy nhiên, “Cuộc tranh luận chưa kết thúc và khuynh hướng chung của đa số các nhà nghiên cứu văn học vẫn muốn giữ thuyết truyền thống khi mà thuyết mới chưa đưa ra được những cứ liệu khoa học không thể chối cãi dể phủ định thuyết cũ. Đây cũng là tâm lý thường thấy và dễ hiểu trong khoa học” (GS Phan Huy Lê).
* Cha hay con là dịch giả Tì bà hành?
Xem trong gia phải dòng họ Phan Huy, ta còn biết, nhà thơ Phan Huy Thực là con trai thứ hai của TS Phan Huy Ích. Ông Thực không đi thi, chỉ ở nhà đọc sách mà thành tài, ông là tác giả những tập sách giá trị như Nhân ảnh vấn đáp, Bần nữ thán…Sau do nhờ sự tiến cử của Ngô Thì Vị - em ruột của mẹ mà triều Nguyễn có chiếu chỉ mời ra làm quan ở Viện Hàn lâm, từng được thăng đến chức Thượng thư.
Nhà thơ Phan Huy Vịnh là con trai của Phan Huy Thực, cháu nội Phan Huy Ích. Ông Vịnh còn để lại những tác phẩm như Hành trình đi sứ nhà Thanh… Dù chỉ đậu Cử nhân nhưng do tài năng nên ông được cử làm thượng thư bộ Binh, bộ Lễ thậm chí triều Nguyễn còn giao ông chức chánh sứ khi đi sứ nhà Thanh. Ở đây, thêm một lần nữa ta thấy thuật dùng người của một một bậc “thiên tử” Minh Mạng.
Đó là cái tài của người không phân biệt “kẻ Bắc người Nam”, nói như thế vì bấy giờ không phải lòng cố cựu “hoài Lê” đã mất đi trong kẻ sĩ. Trường hợp cha con Phan Huy Thực kể cũng lạ, dù không đậu cao nhưng họ vẫn được vua Minh Mạng cất nhấc sử dụng và tin cậy giao nhiều trọng trách. Nhờ vậy, họ có điều kiện công hiến và để lại nhiều tác phẩm trác tuyệt cho đời sau.
Trong các tác phẩm ấy, đến nay cuộc tranh luận gay go và thú vị nhất có liên quan đến con cháu Phan Huy Ích vẫn là bản dịch Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Văn bản này, hiện đang sử dụng trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10”. Một bản dịch điêu luyện của nguyên tắc “đạt, tín, nhã” làm giàu cho sự trong sáng của tiếng Việt: “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu/ Người xuống ngựa, khách dừng chèo / Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti” v.v…
Lâu nay, giới học thuật (như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quang Diêu, Tạ Ngọc Liễn) thừa nhận bản dịch này là của Phan Huy Thực; nhưng nhà giáo Dương Quảng Hàm lại khẳng định của Phan Huy Vịnh. Ai đúng ai sai? Trong khi đó, gia phải dòng Phan Huy cho biết: “Người đã diễn âm Tỳ bà hành là Phan Huy Thực chứ không phải Phan Huy Vịnh”. Tuy nhiên giới nghiên cứu vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Bản dịch Tì bà hành đã lưu truyền từ nhiều năm nay và trở thành một áng văn Nôm bất hủ của nền văn học Việt Nam. Dù bản dịch ấy của con hay cháu TS Phan Huy Ích thì rõ ràng nếp nhà và truyền thống văn hóa của dòng họ Phan Huy đã được gìn giữ, lưu truyền và tiếp tục làm rạng rỡ đến đời sau.
 
CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC
Lịch sử không bao giờ bắt đầu từ chữ “nếu”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Với chữ “nếu” người ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái lọ”. Nếu nhà Tây Sơn không sụp đổ thì TS Phan Huy Ích và các con ông đã có một đời sống khác. Lúc công cán nơi xa, tâm trí của ông luôn dành cho vợ con. Trong thư gửi về nhà, bao giờ ông cũng dặn dò vợ: “Dành sự bồi đắp dòng dõi thi thư cho đứa con trai quý”; và khuyên các con: “Mới học phải công phu chớ nên trễ nải”… Do nội, ngoại thuộc dòng khoa bảng nên các con của ông như Phan Huy Quýnh, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú… đều được rèn cặp chu đáo.
* Bị đòn thù giữa sân Văn Miếu
Sau cái chết của vua Quang Trung, triều Tây Sơn sụp đổ chóng vánh. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và trả thù tàn bạo phe thù nghịch. Những trí thức cộng tác với nhà Tây Sơn đều bị phó Tổng trấn Bắc thành là Đặng Trần Thường sai lính nọc ra đánh giữa sân Văn Miếu. Không chỉ TS Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm… mà còn có cả TS Nguyễn Thế Lịch - cha vợ của Phan Huy Chú cũng thịt nát xương tan tại nơi thờ đức Thánh hiền. Với kẻ sĩ theo đạo Nho gia đây là mối nhục lớn, dẫu xuống tuyền đài vẫn mang theo.
Sự kiện này diễn ra vào năm Phan Huy Chú mới hai mươi xuân xanh. Sở sĩ nhắc lại điều này bởi trong các con của Phan Huy Ích, Phan Huy Chú vẫn là nhân vật kiệt xuất nhất - tác giả bộ Lịch triều hiến chương loại chí, xứng danh với sự tôn vinh của Viện Sử học Việt Nam “một nhà bách khoa, một danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam”.
Phan Huy Chú (1782- 1840), ngay từ lúc sinh ra đã đỉnh ngộ khác thường,  được cha mẹ thương và gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất.
Dù cha bị nhà Nguyễn lăng nhục than khốc, nhưng Phan Huy Chú không thể không lập thân bằng con đường khoa cử. Sau hai lần lều chõng, chỉ đậu Tú tài. Sau đó, ông không ứng thí nữa vì nghĩ cho cùng nếu công thành danh toại thì cũng phục vụ cho chế độ đã biếm nhục dòng tộc mình. Có nên không? Nhưng “đã mang tiếng ở trong trời đất / phải có danh gì với nứi sông” (Nguyễn Công Trứ) như quan niệm của kẻ sĩ thời ấy, vậy phải làm gì?
* Viết sách để nói chí
Đời sau vẫn còn nhắc đến công lao của Phan Huy Chú, khi ông viết bộ sách bách khoa toàn thư Lịch triều hiến chương loại chí. Để hoàn thành công việc khó nhọc này và nhất là có thời gian toàn tâm toàn ý, Phan Huy Chú cho biết trong suốt mười năm, ông bỏ nhà vào núi trú ẩn nhằm tránh khách khứa, bạn bè thường ngày vẫn tìm đến giao du, trà tam tửu tứ! Thậm chí, ông còn lấy nghệ bôi vào mặt, tay và đun nước thơm như đang sắc thuốc để cáo bệnh mà tránh bạn bè. Sau thời gian viết thì ông đọc sách, sau lúc đọc sách “được nhàn rỗi thì tùy từng loại khảo xét và đính chính, có khi nghĩ được điều gì thì làm ra lời bàn”.
Với công trình uyên bác này, dù không đậu cao nhưng ông nổi tiếng khắp vùng là người hay chữ, kiến thức uyên bác khó có ai sánh kịp. So với những bộ sách có giá trị khác như Việt sử thông giám cương mục được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, tuy dồi dào về mặt tư liệu nhưng chỉ là những tư liệu về sử. Còn ở bộ sách của Phan Huy Chú đã đề cập đến những vấn đề khác phong phú hơn nhiều như: chính trị, kinh tế học, địa lý học, luật học, văn học, ngoại giao, quân sự v.v… So với Nghệ văn chí trong bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, nếu nhà bác học họ Lê chỉ mới giới thiệu cả thảy 115 bộ sách thì phần Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã giới thiệu đến 213 bộ sách! Không phải giới thiệu qua loa đại khái, mà đối với mỗi tác phẩm ông đều có lời bình luận, nhận xét dù ngắn gọn nhưng sắc sảo. Và so với Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, bộ sách của ông đã phân loại và hệ thống hóa mang tính khoa học hơn.
Nghe tiếng tăm của ông, năm 1821 vua Minh Mạng đã triệu ông vào kinh để giữ chức Biên tu trường Quốc tử giám. Khi dâng lên nhà vua bộ sách quý Lịch triều hiến chương loại chí, ngay lập tức ông được “thiên tử” ban thưởng cho 30 lạng bạc, 1 áo sa, 30 cái bút và 30 thỏi mực.
Trong những ngày này, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đang dậy sóng biển Đông, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế thì vai trò của Phan Huy Chú lại càng được nhắc đến. Khi khẳng định hai quần đảo đó thuộc chủ quyền Việt Nam, các học giả trong và nước tìm về thư tịch cổ không thể không trích dẫn những trang tư liệu, chứng cứ rõ ràng, thuyết phục, đầy đủ mà Phan Huy Chú đã ghi chép.
Từ các số liệu, văn bản của triều đình nhà Nguyễn, các tấu biểu tường trình về hai quần đảo này đều được Phan Huy Chú ghi chép nghiêm cẩn, tỉ mỉ. Quan điểm yêu nước của Phan Huy Chú thể hiện rõ ràng: “Từ khi có trời đất thì có núi sông. Đất nào thuộc phận nào đều đã chia sẵn, bờ cõi mỗi nước đều đã phân biệt. Nước nào có địa phận nước ấy. Lý, Trần thay nhau nổi lên chống với Tống, Nguyên. Lê Thái Tổ nổi dậy quét sạch giặc Minh vận hội đến lúc thịnh, cõi đất ngày rộng ra, người phương Bắc không dám manh tâm nghĩ đến việc cướp nước ta, đặt quận huyện nữa. Mà đất nước Việt Nam ta, Trung Quốc phải coi là hùng mạnh”.
 
* Vai trò của người vợ, người mẹ
Nói về sự vẻ vang của gia đình TS Phan Huy Ích, ta không thể không nhấn mạnh đến vai trò của một người mẹ, người vợ. Dù bà Ngô Thị Thục sức học không bằng TS Phan Huy Ích nhưng cũng đủ lễ nghĩa, hiểu biết để cùng chồng luận bàn văn chương, cách dạy con…
Những lúc công cán nơi xa, có lần ông bày tỏ tâm sự: “Nơi trường đình đêm đêm mơ về chốn buồng the/ Vẫn cùng ai hàn huyên dưới ánh đèn như thuở trước”. Thật là tri âm tri kỷ. Khi bà Thục mất, chưa thể về tang vợ, ông đã khóc nghẹn ngào: “Than ôi kết tóc 28 năm trời/ Mà nay phải mãi mãi xa nhau/ Kẻ Tần người Việt/ Rầu rầu trông vời đất Bắc nước mắt đẫm áo/ Ai oán cuốc kêu quán trọ, giục giã trăng đêm/ Tình kẻ xa nhà xót thương chưa biết bao giờ về bày tỏ được?/ Ở ngoài xa ngàn dặm, kẻ góa vợ mãi đứt từng khúc ruột”.
Ít ai biết rằng, khi Phan Huy Chú lao tâm khổ tứ bỏ ra mười năm trời viết Lịch triều hiến chương loại chí cũng là một cách đền ơn mẹ. Do cha luôn công cán nơi xa, Phan Huy Chú chỉ được gần gũi với mẹ. Lúc mới lên mười mẹ đã mất, nhưng lời khyên của mẹ là phải gắng học giữ nếp gia phong vẫn luôn cánh cánh trong  lòng. Sau này, những 30 mươi sau, trên đường đi sứ nhà Thanh nhớ đến ngày giỗ mẹ,  ông bùi ngùi: “Đền sao ơn ấy, biển trời/ Tóc hoa còn ngại đường đời xiết bao/ Sông Lô vườn cũ lối nào?/ Cánh buồm trời Sở nao nao một mình”.
Có thể khẳng định, nếp nhà dòng họ Phan Huy từ TS Phan Huy Cận, Phan Huy Ích đến Phan Huy Chú… là một trong những tấm gương sáng trong các dòng tộc Việt Nam.
 
L.M.Q
IV.2013

Source : www.leminhquoc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét