29/8/13

Hoàng Xuân Phú - Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp





Hoàng Xuân Phú


cũng chỉ là con dân
mà xưng là thiên tử

Có lẽ không điều khoản nào của Hiến pháp 1992 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lại được bàn cãi nhiều bằng Điều 4. Một bên thì cương quyết bảo lưu, bên kia lại muốn loại bỏ nó ra khỏi Hiến pháp. Nội dung mà hai bên thường đề cập là duy trì hay không việc hiến định quyền lãnh đạo đương nhiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để tìm hiểu thêm phần tiềm ẩn, ta hãy đọc lại Điều 4 Hiến pháp 1992 và cùng nhau suy ngẫm:
"Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

"Đội tiên phong" là gì vậy? Nghe mãi đâm quen, thấy oai oai, nhưng thực ra nó là cái gì? Trong ngôn ngữ thông dụng, cái từ này thường chỉ "đạo quân ở vị trí đi đầu để ra mặt trận". Thời xa xưa, khi còn đánh nhau bằng cơ bắp và vũ khí thô sơ, cả đạo quân ngàn vạn người cũng chỉ trông cậy vào võ nghệ của mấy vị tướng đầu quân, thì cả tướng lẫn quân của "đội tiên phong" cũng chỉ là thuộc hạ để nhà vua sai bảo. Ngày nay, lãnh đạo cao nhất lại càng cố thủ ở hậu phương, chứ không "tiên phong" ra mặt trận. Nếu vậy thì oai cái nỗi gì, mà lại gán cho đảng cái cương vị hạng hai, hạng ba, mà đôi lúc còn bị dùng để "thí tốt"?

Nếu cố gán cho từ "đội tiên phong" nội dung "thành phần ưu tú, đóng vai trò đầu đàn, đưa đường chỉ lối", thì lại nảy sinh câu hỏi: Một đảng mà đa số đảng viên và hầu hết lãnh đạo cấp cao đều không phải là công nhân, thì có thể coi là "đội tiên phong của giai cấp công nhân" hay không? Người của giai cấp công nhân – vốn được lý luận chính thống của ĐCSVN ngợi ca là ưu tú và cách mạng nhất – đi đâu cả, mà lại để cho cái hội thuộc giai cấp hay tầng lớp kém tiến bộ hơn xông vào choán hết "đội tiên phong" của mình?

Không chỉ được mệnh danh là "đội tiên phong", ĐCSVN còn được coi là "đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc". Tại sao lại ghi những thứ đó vào Hiến pháp? Hiến pháp là văn bản pháp lý gốc của cả Nước, của toàn bộ Nhân dân, để hiến định các quyền và nghĩa vụ cơ bản nhất, chứ đâu phải là cuốn sử ca của riêng ĐCSVN để ghi vào đó những lời tự phụ?

Vấn đề đáng bàn hơn là: Liệu những khẳng định kiểu đó có đúng hay không? Dù hào phóng giả định rằng hiện tại chúng đang đúng, thì lấy gì để đảm bảo rằng trong tương lai chúng vẫn còn đúng? Đã là Hiến pháp thì phải có hiệu lực lâu dài. Cho dù không tin vào sức sống của sản phẩm do mình tạo ra, thì chắc hẳn các tác giả Hiến pháp cũng hy vọng rằng nó sẽ tồn tại được vài chục năm. Vậy thì tại sao lại tùy tiện khẳng định hay liều lĩnh bảo lãnh phẩm giá của cả đội ngũ cầm quyền mấy mươi năm sau, những người mà các tác giả Hiến pháp không thể đoán trước sẽ là ai, sẽ cầm quyền thế nào và trong hoàn cảnh ra sao?

Cho đến nay, biết bao sự kiện bí ẩn và hành xử khó hiểu đã và đang xảy ra, đặc biệt là trong quan hệ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, kết hợp với tệ nạn tham nhũng và cướp đất tràn lan, khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: ĐCSVN (nói chính xác hơn là lãnh đạo của ĐCSVN) có còn trung thành với quyền lợi của Nhân dân và Dân tộc nữa hay không? Đối với không ít người thì câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Nếu muốn, giới cầm quyền có thể thông qua hành động thực tế để xóa bỏ nghi ngờ và chứng minh điều ngược lại. Thế nhưng, tại sao lại lạm dụng Hiến pháp để "công chứng" cho cái phẩm hạnh đang bị nghi vấn, và bắt Nhân dân phải mặc nhiên thừa nhận lòng trung thành của giới cầm quyền hôm nay và cả mai sau?

Giả sử ĐCSVN luôn thực sự là "đội tiên phong…" "đại biểu trung thành…", thì điều đó đã đủ để Nhân dân trao quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" hay chưa? Vẫn còn có nhiều "đại biểu trung thành" khác, thì tại sao lại chỉ trao quyền lãnh đạo cho một đại biểu duy nhất? Hơn nữa, giữa quyền lãnh đạotính tiên phong cộng với lòng trung thành là một khoảng cách xa vời, hai cái đó không nhất thiết là hệ quả của nhau. Chẳng hạn như Cún con, khi ra đường thì hay lon ton lên trước (nghĩa là rất "tiên phong"), và ít ai trung thành với chủ hơn Cún, nhưng chẳng vì thế mà Cún lại được chủ trao cho quyền lãnh đạo… gia đình. Rõ ràng, hai mệnh đề nhầm chỗ đó không đủ để biện minh cho quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN. Ngược lại, cái "hư hư thực thực", "hư" đến mức bất chấp cả "thực", đã làm suy giảm tính nghiêm túc và tính hợp lý của Hiến pháp. Vậy thì cưỡng nạp những mệnh đề vu vơ ấy vào Hiến pháp để làm gì?

*
*      *

Nếu quan niệm rằng hai đặc tính "đội tiên phong…" "đại biểu trung thành…"đòi hỏi, là điều kiện cần cho quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội", thì Điều 4 cần được hiệu chỉnh cho chuẩn xác về mặt lô-gíc, chẳng hạn như sau:
"Đảng cộng sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, … thì mới là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."
Hoặc hoán vị đoạn cuối lên đầu và dùng chữ "để" thay cho hai chữ "thì mới":
"Để là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng cộng sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…"
Đó là hai phương án hiệu chỉnh lô-gíc kinh tế nhất, chỉ thêm ba hoặc bốn chữ và giữ nguyên các thành phần khác. Kể cả trong trường hợp thừa nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN như một thứ đương nhiên, bất chấp hiện trạng của đảng, thì cũng nên viết lại như sau:
"Đảng cộng sản Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc."
Dù chọn phương án nào thì cũng cần thêm chữ "phải", để nhấn mạnh rằng: Đó là đòi hỏi mang tính pháp lý mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Liệu giới cầm quyền có muốn viết như vậy hay không? Chắc là không! Vậy thì nội dung về "đội tiên phong…" "đại biểu trung thành…" trong Điều 4 không phải là đòi hỏi, mà mang ý nghĩa "thừa nhận một thực trạng đã, đang và sẽ mãi tồn tại", tức là một hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản".

Vấn đề tương tự được đặt ra với khoản tiếp theo của Điều 4, viết rằng:
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Đây có phải là một yêu cầu, một đòi hỏi hay không? Nếu là đòi hỏi thì cần bổ sung một chữ "phải" như sau:
"Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

Câu hỏi nảy sinh là: Tại sao lại thiếu chữ "phải" tại vị trí quan trọng như vậy? Có phải do vô tình hay không?

Muốn hiểu được ý tứ của các tác giả, hãy điểm mặt 39 chữ "phải" trong Hiến pháp 1992 để nhận ra rằng: Từ "phải" là một trong những thuật ngữ đặc trưng trong Hiến pháp, thường được dùng để chỉ những điều bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ:
"Điều 51 … Công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội…"
"Điều 76  Công dân phải trung thành với Tổ quốc…"
"Điều 77 … Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân."
"Điều 100  Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…"
"Điều 122  Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn... Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định…"

Tại sao không viết tương tự, mà lại tránh dùng chữ "phải" trong Điều 4? Nếu quan niệm rằng chỉ cần viết
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"
đã hàm chứa chữ "phải", do đó có thể lược bỏ nó, thì sao không bỏ nốt chữ "phải" trong những trường hợp cũng "đã hàm chứa" tương tự? Chẳng hạn, sao không bỏ chữ "phải" trong hai điều khoản sau đây:
"Điều 115  … Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số."
"Điều 124  … Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Uỷ ban nhân dân phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số…"

Để hiểu hết thâm ý chứa trong Điều 4, nên so sánh nó với điều khoản sau:
"Điều 12  … Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
Vâng, không chỉ "các… tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân", mà cả "các cơ quan Nhà nước" đều "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật". Nhưng ĐCSVN và các tổ chức của đảng thì không bị liệt kê trong Điều 12, tức là chúng không nằm trong diện "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật".

Điều 4 chỉ viết là: "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Khi đã ngăn chặn việc ban hành luật về các đảng chính trị hay luật dành riêng cho ĐCSVN, thì chẳng hề tồn tại "khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" nào có thể khống chế và ràng buộc đảng. Vậy là ĐCSVN được mặc sức tung hoành. Hơn nữa, giả sử có ràng buộc pháp luật nào đó liên quan, thì ĐCSVN cũng không nhất thiết phải tuân theo, bởi vì câu hiến định "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" không nhất thiết là một đòi hỏi, mà ngược lại, rất có thế là một hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản", cũng tương tự như việc "công chứng" cho đặc tính "đội tiên phong…" "đại biểu trung thành…" mà thôi.

Hẳn là đạo diễn của Hiến pháp 1992 đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, và cố tình không cho "diễn viên" tên "phải" lạc vào "màn kịch" Điều 4, để tạo ra một "hoạt cảnh thực thực hư hư", "nói dzậy mà không phải dzậy". Cái tinh vi ấy được kế thừa trọn vẹn trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2 (được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 02/01/2013) và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3 (được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 17/05/2013). Chưa thỏa mãn với đặc quyền vô biên đã có, người ta đã sửa câu
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"
trong Hiến pháp 1992 thành
"Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Hạ cấp từ chữ "Mọi" xuống chữ "Các", phải chăng là cố chừa ra thế lực bất khả xâm phạm? Tuy trong phương án sửa đổi có bổ sung thêm đối tượng "đảng viên", nhưng đó là "đảng viên thường". Còn các vị lãnh đạo đảng"siêu đảng viên", và cá nhân họ cũng không phải là "tổ chức", vì vậy có thể hoàn toàn tự do "ngoài vòng Hiến pháp và pháp luật".

Trong tham luận trình bày tại phiên họp Quốc hội vào buổi sáng ngày 16/11/2012, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XIII của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã phân tích và kiến nghị như sau:
"Về Điều 4, hiện nay về Đảng thì chúng ta có 3 chủ thể: Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam; Thứ hai là các tổ chức của Đảng; Thứ ba là đảng viên. Nhưng khi thiết kế Điều 4 thì chúng ta bỏ quên chủ thể quan trọng nhất là Đảng cho nên chúng ta chỉ quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 4 tôi chỉ xin thêm một từ ở đằng trước, tức là 'Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật'."
Đề nghị của Luật sư Trương Trọng Nghĩa là rất hợp lý, để loại trừ khả năng biện hộ rằng: "Đảng không phải là một tổ chức của Đảng, nên Đảng không phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Nếu thực tâm muốn tôn trọng "khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật", thì chẳng tiếc gì mà không thêm chữ "Đảng" vào đầu câu như ông Nghĩa đề xuất. Thế nhưng, đề nghị ấy đã không được chấp nhận. Phải chăng việc khước từ đó càng thể hiện rõ hơn động cơ của đạo diễn và bản chất của Điều 4?

Một nét mới của Điều 4 trong phiên bản 2phiên bản 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là khoản sau đây được chèn thêm vào giữa:
"Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Câu này đã khiến một số người hâm mộ đảng hân hoan ca ngợi. Nhưng thực ra có gì là mới ở đây hay không? Thế nào là "gắn bó mật thiết"? "Gắn bó" như hiện nay đã đủ hay đã quá "mật thiết" hay chưa? "Phục vụ nhân dân" thế nào thì bấy lâu đã rõ, xin kiếu, xin kiếu! "Chịu sự giám sát" hay "đành chịu sự giám sát"? Nhân dân "giám sát" thế nào, khi mọi chuyện tày đình đều diễn ra ở những nơi kín cổng cao tường, được súng ống bảo vệ nghiêm ngặt? Giả sử bằng cách nào đó mà biết được chút chuyện "thâm cung", thì đành ngậm miệng, hay nông nổi phát ngôn, để rồi có thể bị khép vào "tội cố ý" hay "tội vô tình làm lộ bí mật nhà nước" (Điều 263Điều 264 Bộ luật hình sự)? Và "giám sát" để làm gì? Nếu được phép "giám sát", nhưng khi phát hiện ra điều sai trái thì cũng chỉ có thể bó tay bất lực và thêm ấm ức, thì "quyền giám sát đảng" có hơn gì so với "quyền được tò mò, nhòm ngó chuyện riêng của nhà hàng xóm"? Thế nào là "chịu trách nhiệm trước nhân dân"? Ăn chán, phá chán cũng chỉ cần buông một câu "xin chịu trách nhiệm" là xong, vậy thì tội gì mà không ăn, không phá? Toàn là mỹ từ chung chung, vô định, phù hợp với mục đích tuyên huấn, nhằm mê hoặc và ru ngủ người đọc, chứ không thể dùng để diễn đạt các ràng buộc pháp lý.

Những băn khoăn vừa kể chỉ có ý nghĩa khi khoản mới bổ sung vào Điều 4 là đòi hỏi mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Nhưng lấy gì để đảm bảo rằng đó thực sự là đòi hỏi, chứ không phải là tái diễn hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản"? Nếu quả là đòi hỏi, thì cần thêm bốn chữ "phải" như sau:
"Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Hoặc ít nhất cũng bổ sung một chữ "phải" để áp chung cho cả bốn nghĩa vụ:
"Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Như vậy không phải là quá máy móc, mà cũng chỉ hiến định giống như hai điều khoản sau đây của Hiến pháp 1992, cũng về quan hệ với Nhân dân:
"Điều 8  Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…"
"Điều 97  … Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri…"

Quan sát kỹ sẽ nhận ra sự khác nhau "tinh tế" giữa yêu cầu đối với Nhà nước trong Hiến pháp 1992 và yêu cầu đối với ĐCSVN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Các cơ quan Nhà nước "phải tôn trọng nhân dân" và "lắng nghe ý kiến… của nhân dân", còn đảng thì không "phải tôn trọng nhân dân" và cũng không phải "lắng nghe…nhân dân"; các cơ quan Nhà nước phải "tận tụy phục vụ nhân dân", còn đảng thì cũng "phục vụ nhân dân" nhưng không cần phải "tận tụy". Thế cũng đã là tiến bộ vượt bậc rồi, bởi Hiến pháp 1992 còn không hề nhắc đến quan hệ của đảng đối với Nhân dân.

Có lẽ để "cởi trói" cho Nhà nước, nên "Các cơ quan Nhà nước" được giải phóng khỏi Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2:
"Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân…"
Sau đó, không hiểu do sức ép nào mà người ta lại đành chịu để cho "Các cơ quan Nhà nước" tái hiện trong Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3:
"Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…"

*
*      *

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2phiên bản 3, số lần xuất hiện của chữ "phải" ít hơn so với trong Hiến pháp 1992. Vì sao như vậy? Một số chữ "phải" biến tướng thành thuật ngữ khác, như "có trách nhiệm", "có nghĩa vụ"… Chẳng hạn, đoạn
"công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội"
tại Điều 51 Hiến pháp 1992 biến thành đoạn
"Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội"
tại Điều 20 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Một số chữ "phải" thì biến mất hẳn, vì một số điều khoản được bãi bỏ. Ví dụ, quy định
" Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…"
tại Điều 100 Hiến pháp 1992 biến khỏi cả hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. (Chả trách mà một số đại biểu Quốc hội say sưa ca ngợi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.)

Có một ưu ái đặc biệt mà "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" dành cho Dân trong Hiến pháp 1992, đó là "vinh danh" Dân hai lần trong mối quan hệ với pháp luật:
"Điều 12  … mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
"Điều 79  Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật…"
Các tác giả Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2 đã kết hợp nhuần nhuyễn tính kế thừa với tính sáng tạo, và thu được kết quả tương ứng như sau:
"Điều 8  cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
"Điều 49  Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
Trong Điều 8, từ "cá nhân" được dùng để thay thế cho từ "mọi công dân"Điều 12 Hiến pháp 1992. Nghĩa là Dân vẫn được "vinh danh" hai lần: Một lần dưới danh nghĩa "công dân" và một lần dưới danh nghĩa "cá nhân". "Chu đáo" với Dân đến thế là cùng.

Trong khi đó, họ lại "sơ suất" đánh mất hai chữ "Nhà nước" trong đòi hỏi "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật". Quy định
"Điều 12  … Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…"
trong Hiến pháp 1992 được sửa thành
1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật…
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật…"
trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Khoản 1 Điều 8 học theo phong cách của Điều 4 Hiến pháp 1992, không hề sử dụng từ "phải" hay thuật ngữ tương đương, nên cũng không rõ đó là đòi hỏi hay ghi nhận (tức là "công chứng"). Nếu đó là đòi hỏi thì Nhà nước cũng chỉ cần "hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật". "Theo" được bao nhiêu thì "theo", chứ không bắt buộc "phải nghiêm chỉnh chấp hành…". Nghĩa vụ "phải nghiêm chỉnh chấp hành…" trong Khoản 3 Điều 8 chỉ áp vào "Cơ quan, tổ chức" chung chung, mà thường chỉ được hiểu là "cấp dưới".  Rồi đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3, Điều 8 chỉ giữ lại cái Khoản 1 mập mờ, còn Khoản 3 thì hoàn toàn biến mất, do đó cả "Cơ quan, tổ chức" chung chung cũng không còn bị đòi hỏi "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật" nữa.

Chưa hết, cái quy định
"Ủy ban nhân dân … chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân"
tại Điều 123 Hiến pháp 1992 cũng bị xóa khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2. Có lẽ họ đã kịp nhận ra như vậy cũng không ổn lắm: Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì không thành vấn đề, nhưng nếu bỏ cả quy định "chấp hành … các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên", ngộ nhỡ địa phương không chịu nghe theo trung ương nữa thì sao? Cho nên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3, họ đã đưa ra hai phương án: Với phương án 1 thì Ủy ban nhân dân vẫn không bị nhắc nhở là phải "chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật…"; phương án 2 khôi phục nguyên văn quy định của Điều 123 Hiến pháp 1992. Nếu phương án 1 được thông qua, thì không chỉ các cơ quan của đảng, mà cả các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều được "giải phóng" khỏi "trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật". Còn nếu phương án 2 được thông qua thì chỉ Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương phải "chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật" mà thôi. Dù bất cứ phương án nào của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3 được chọn, thì công dân cũng vẫn được "chăm sóc chu đáo", không bị bỏ sót, bởi:
"Điều 49  Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật…"
Hóa ra, nghĩa vụ Nhà nước chỉ nhất thời, nghĩa vụ Dân mới vạn đại.

*
*      *

Để hiểu rõ hơn Điều 4 Hiến pháp 1992 và các phiên bản biến dạng của nó, ta đã lan man sang một số điều khoản khác của Hiến pháp. Đấy không phải là lạc đề, mà để có được tầm quan sát bao quát hơn, nhằm thấu hiểu hơn bản chất và ý nghĩa của Điều 4. Phải so sánh với cách cư xử mà họ dành cho Dân, thì mới thấy rõ mức độ ưu ái mà thế lực cầm quyền dành riêng cho mình. Thế mới biết, trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đang tồn tại trên đất Việt, thì nguyên lý "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 52 Hiến pháp 1992) cần được hiểu như thế nào. Vâng, "mọi công dân đều bình đẳng…", nhưng giới cầm quyền còn "bình đẳng hơn", và lãnh đạo cấp cao nhất thì tất nhiên phải được "bình đẳng nhất". Có lẽ vì cái không gian dân chủ xã hội chủ nghĩa quá chật hẹp, nên giới cầm quyền phải đứng ngoài khuôn khổ pháp luật, phải đứng trên hiến pháp, để… "nhường chỗ cho Dân".

Các điều khoản đã trích dẫn ở trên cho thấy: Chỗ nào thấy cần thì các tác giả Hiến pháp đều nhớ dùng từ "phải" hoặc những từ đồng nghĩa để nhấn mạnh sự "đòi hỏi". Họ chỉ cố tình "quên" dùng từ "phải" ở Điều 4 mà thôi. Nhờ thế, Hiến pháp trao cho ĐCSVN quyền lực lãnh đạo tối cao vô biên, nhưng lại không đòi hỏi ĐCSVN phải thực hiện bất cứ điều gì, kể cả việc "nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật", như quy định ở Điều 12 đối với các thành phần còn lại của xã hội. Hơn nữa, bất luận thực tế tốt xấu ra sao, thì ĐCSVN cũng được "công chứng" trong Hiến pháp là đã "tiên phong…", đã "trung thành…", đã "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật", và đã "gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình".

Lối viết lấp lửng tạo cho người đọc ảo tưởng rằng lãnh đạo đảng đã tự giác đặt mình vào khuôn phép, nhưng vẫn đảm bảo cho "đấng tối cao" chẳng phải chịu bất kỳ ràng buộc pháp lý nào cả, và bất kể thế nào thì cũng vẫn được vinh danh.

Liệu đó có phải là thâm ý của những người đã ấn định nội dung Điều 4 trong Hiến pháp 1992 và hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hay không?

Điều 4 như vậy có hợp lý không?
Viết ra và tung hô một điều như vậy có phải là tử tế không?
Chúng ta có thể nhắm mắt mà chấp nhận một điều hiến định như thế hay không?


29/08/2013 – Mừng Cháu tròn một tuổi

Source : Blog Hoang Xuan Phu 

Hoa vàng ngày xưa


29.08.2013

bởi Nguyễn Trần Diệu Hương

Dưới những đám mây đen vần vũ trên bầu trời tháng 5 của Sài Gòn mưa nắng hai mùa, chúng tôi ghé cafe Hoa Vàng không phải để tránh mưa, cũng không phải vì muốn uống chất kích thích màu đen - rất dễ bị ghiền -  mà vì muốn được gặp mặt thi sĩ Phạm Thiên Thư tác giả của hai bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc rất hay "Động Hoa Vàng" và "Ngày xưa Hoàng Thị".

Đó là một quán cafe nhỏ, bình thường như mọi quán cà phê loại trung bình ở Sài Gòn, diện tích gần như là một hình vuông mỗi cạnh khoảng sáu mét, được trang trí bằng các bức tranh tĩnh vật, có đủ cả mai, lan, cúc, trúc. Quán có một bình hoa hồng màu đỏ làm bằng vải trong góc phòng, không có lấy một đóa hoa màu vàng như tên gọi của quán. May thay,trước cửa quán có nhiều cây cảnh, dưới cái nóng gần 40 độ C cùa Sài Gòn, cũng không có lấy một nụ hoa, ngoại trừ vài cái hoa chuông vàng nằm khép nép ở  góc trái bên ngoài quán, phải tinh ý mới thấy được.

Chừng đó thôi, nhưng đủ để  khách đến cà phê Hoa Vàng nhớ đến hình ảnh "em tan trường về anh theo Ngọ về" dễ thương của học trò những năm cuối Trung học. Trong mắt của ông chủ quán, thi sĩ  Phạm Thiên Thư, có cả một động hoa vàng rực rỡ, có cô Hoàng Thị Ngọ đội nón lá mặc áo dài trắng, vẫn đẹp ngây thơ như chưa hề có hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Và dĩ nhiên có cả hình ảnh của anh học trò đệ tam Phạm Kim Long (tên thật của thi sĩ Phạm Thiên Thư} kiên trì "em tan trường về anh theo Ngọ về" suốt cả một năm học. Thời đó các nam sinh Trung học theo các nữ sinh bằng một khoảng cách rất xa, cả  hai, ba chục thước. Thảng hoặc vô tình hay cố ý, nàng quay lại nhìn, chàng bối rối cúi xuống giả vờ cột dây giày hay giả vờ cúi xuống lượm sách vở tránh ánh mắt ngây thơ có pha chút tò mò, tinh nghịch của nàng. Và như vậy tình yêu dù đơn phương hay song phương, nếu không có duyên nợ vợ chồng, thì suốt đời vẫn là một tình yêu trong trắng tinh khôi.

Sau một thoáng "mời người lên xe tìm về quá khứ" với tiếng hát cao vút ngọt ngào của Thái Thanh phát ra từ cái máy cũ ở một góc phòng, ông PTT cho biết hình như bà Hoàng Thị Ngọ đang sống ở Quận Cam (Orange County), thủ đô tỵ nạn của người Việt lưu vong . Và vì không có cơ hội liên lạc với người xưa từ ngày "anh theo Ngọ về" có chỗ đứng vững chắc trong âm nhạc Việt Nam, hình ảnh cô Ngọ xinh tươi ở tuổi đẹp nhất đời người mãi mãi còn nguyên vẹn trong ông. Đó là mẫu con gái đẹp trong mắt nhà thơ, nên bà Phạm Thiên Thư bây giờ, mẹ của ba cậu con trai và một cô con gái đã trưởng thành của ông - theo ông - giống bà Hoàng Thị Ngọ đến hơn 80%.

Cũng giống như chị em Thúy Kiều, Thúy Vân "mười phân vẹn mười" trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, cô Hoàng Thị Ngọ có cô em gái tên Hoàng Thị Thân, kém chị hai tuổi, cũng đẹp như chị nhưng anh thanh niên Phạm Kim Long không dám "thả mồi bắt bóng" nên cho đến bây giờ và mãi mãi chỉ có mỗi một bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" được Phạm Duy phổ nhạc với câu hát nhiều thế hệ học sinh, sinh viên thuộc nằm lòng "em tan trường về anh theo Ngọ về".

Chính chúng tôi khi còn là nữ sinh, cũng thuộc câu hát này từ năm mới vào Trung học, lớp sáu, mặc dù hồi đó cứ tưởng ngõ về là danh từ chung,  lối đi về của nàng, chứ không phải là Ngọ, một danh từ riêng, tên của một người con gái, (chắc là sinh vào năm con ngựa?). Lối hát luyến láy làm dấu nặng(Ngọ) và dấu ngã (ngõ) nghe giống nhau.  Mãi đến sau, sau này chúng tôi mới biết đó là tên thật của một cô nữ sinh dễ thương duyên dáng học cùng lớp đệ tam với nhà thơ PTT ở trường Trung học Văn Lang (Tân Định, Sài Gòn).

Năm tháng trôi qua rất nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi đi ra khỏi cuộc đời, con số thanh niên mới lớn theo chân người trong mộng chắc phải là cấp số nhân của cả hai bàn tay lẫn hai bàn chân cộng lại nhưng chỉ có mỗi một Phạm Thiên Thư, mỗi một Hoàng Thị Ngọ, nên chưa và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có "Ngày xưa Ngô Thị ", "Ngày xưa Bùi Thị", "Ngày xưa Nguyễn Thị"... với "anh theo Thủy về, anh theo Loan về, hay anh theo Trân về..." mặc dù nhiều anh thanh niên mới lớn còn si tình hơn, kiên trì theo gót các bóng hồng hơn cà anh chàng tuổi trẻ Phạm Thiên Thư của cuối thập niên 50s.

Ở tuổi ngoài 70, nhà thơ vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn nhiều cảm hứng sáng tác, chỉ có điều khác biệt là từ thơ tình của những ngày thanh xuân, ở tuổi hoàng hôn ông chuyển sang thơ đạo. Ông còn soạn cả Tự điển cười để đem đến một chút bình yên cho cuộc đời không phải lúc nào cũng mang màu hồng lạc quan, hay màu xanh hy vọng.

Hai bài thơ “Động hoa vàng và “Ngày xưa Hoàng Thị được phổ nhạc bởi Pham Duy. Cả thi sĩ và nhạc sĩ đều rung động khi sáng tác, đều gởi cả tim óc và tấm lòng vào tác phẩm nẻn không ai ngạc nhiên khi bài "Ngày xưa Hoàng Thị" thuộc loại  bài hát "sống lâu" và có thể là "bất diệt", được rất nhiều ca sĩ hát. Nhưng nhà thơ cho biết ông nghĩ là Thái Thanh diễn tả hay nhất, nói lên được  mối tình si của ông với cô Hoàng Thị Ngọ. Có lẽ vì Thái Thanh cũng trạc tuổi với Phạm Thiên Thư. Khi người ta sống cùng thời, cùng vị trí địa lý, thì người ta thông cảm nhau hơn. Và biết đâu khi diễn tả "Ngày xưa Hoàng Thị" , Thái Thanh không chỉ hát vì nghề nghiệp mà bà còn thả hồn về thời mới lớn của chính mình, về những cây si đã theo bà đến mòn cả giày dép?

Và vì vậy trong bầy con tinh thần khá đông của Phạm Thiên Thư, từ thơ, văn, đến biên khảo, từ tình yêu đến tôn giáo, chúng tôi, thế hệ hậu sinh,vẫn thích tập thơ Động hoa vàng và bài thơ  Ngày xưa Hoàng Thị  nhất.

Nhìn chúng tôi giành nhau hai quyển Động hoa vàng còn lại trong số sách bày bán ngay ở cafe Hoa Vàng, ông PTT "động lòng" đi lên gác lục lọi gia sản tinh thần của mình đem xuống quyển thứ ba, quyển cuối cùng. Chúng tôi rất vui vì có thủ bút của nhà thơ ký tặng. Chừng như thi sĩ còn vui hơn vì có người trân quý một trong những công trình tim óc của mình.

Không được biết cô Hoàng Thị Ngọ, chúng tôi kín đáo quan sát bà Phạm Thiên Thư để tìm lại  hình ảnh cô nữ sinh mà tên tuổi và hình ảnh thời mới lớn đã có một chỗ đứng trong cả thi ca và âm nhạc.

Chúng tôi đến cà phê Hoa Vàng không phải vì muốn uống cà phê, chùng tôi đến thăm thi sĩ Phạm Thiên Thư chỉ vì ông là tác giả của:


Em từ rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thâu hương hiện kính bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say


Và vì chúng tôi muốn thời mới lớn đẹp nhất đời người luôn còn lại trong chúng tôi  như lời nhạc phổ từ thơ :


Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Nay trên đường này
 Ðời như sóng nổi
 Xóa bỏ vết người
 Chân người tìm nhau tìm nhau

 Ôi con đường về
Ôi con đường về
Bông hoa còn đẹp
 Lòng sao thấm mềm
 Ngắt vội hoa này
 Nhớ người thuở xưa thuở xưa


Đâu có cần phài giống nhau về quan điểm chính trị, tôn giáo, hay nhân sinh quan để cùng ngồi nói chuyện với nhau về một sáng tác có giá trị được rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ biết đến. Vì lẽ đó chúng tôi đến thăm thi sĩ Phạm Thiên Thư như một lời cảm ơn một tác giả đã góp vào thi ca và âm nhạc Việt Nam hai bông hoa rực rỡ không tàn “Ngày xưa Hoàng Thị” và “Động Hoa Vàng.

Mỗi lần tan học, ở các lớp cuối Trung học, chắc là cũng có các em học sinh mới lớn ngâm nga "em tan trường về anh theo Ngọ về" như chúng tôi ở một thời đẹp nhất đời người đã xa, xa mù tít tắp...

Nguyễn Trần Diệu Hương
California, tháng 8/ 2013

Source : VOA /Blog NXH

Phạm Thị Hoài - Nhân bản



Tháng 8 27, 2013
 

Trên Quân đội Nhân dân ngày 18-8-2013, trong bài mở đầu đợt phản công lời kêu gọi thành lập một đảng dân chủ xã hội của ông Lê Hiếu Đằng, một tác giả Trọng Đức nào đó lập luận như sau: “Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào”. Hai ngày sau, một thạc sĩ Phạm Văn Thiết cũng phát biểu gần nguyên xi như vậy, cũng trên tờ báo này. Nhưng nguyên vẹn câu này thì đã được một PGS TS Nguyễn Mạnh Hưởng diễn đạt trong bài “Vì sao Việt Nam không cần đa đảng”, đăng trên trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam từ hơn hai năm trước, ngày 18-1-2011. Song đó cũng không phải là hồ sơ gốc của trị số tư tưởng này vì trước đó, ngày 8-8-2010 cũng trên Quân đội Nhân dân, một TS Lê Văn Bảo đã viết hệt như vậy trong bài “Dân chủ phụ thuộc vào bản chất đảng cầm quyền”, còn theo tường thuật của báo Công an Nhân dân ngày 03-6-2013 thì Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp cũng đưa ra kết luận như thế. Tài sản tuyên huấn của bộ máy tư tưởng chính thống ở Việt Nam hẳn là sở hữu trí tuệ tập thể, nhiều người có thể cùng là tác giả của một câu, giống nhau đến từng chữ.
Nhưng báo chí tuyên huấn còn có lệ nhân bản một người thành nhiều người. Bài “Dân chủ phụ thuộc vào lí tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền” được báo Nhân dân ngày 08-3-2013 giới thiệu là của một độc giả Mai Hoàng Kiên. Song Mai Hoàng Kiên cũng chính là độc giả Trung Thành với bài “Không ai có thể phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam!” đăng ngày 25-2-2013, là độc giả Tuyên Trần với bài “Quay đầu lại là bờ” đăng ngày 22-3-2013, là độc giả Tường Anh với bài “Vạch mặt những kẻ mạo danh“ đăng ngày 14-1-2013, là độc giả Trần Mai với bài “Từ hải ngoại nghĩ về các ‘nhà dân chủ’” đăng ngày 30-10-2012, là độc giả Hữu Đức[i] với bài “Vì sao, vì mục đích gì?” đăng ngày 13-11-2013 trên chính tờ báo này…, đồng thời là tác giả Trọng Linh với bài “37 năm bị bịt miệng trên xứ sở tự do” trên báo Công an Nhân dân ngày 27-3-2012 cũng như là Khánh Sơn của một Tạp chí Nhân quyền nào đó, và tất cả lại đều là một người, với bút danh Amari TX, xuất hiện gần đây nhất với bài “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan” đăng ngày 22-8-2013 trên Nhân dân. Tất cả những thông tin này được Amari TX, tự giới thiệu là một người Việt ở Mỹ, trưng ra như thành tích trên blog cá nhân ít người biết đến của mình.
Bước ngoặt bất ngờ nhất của câu chuyện nhân bản dư luận viên này là mới đây, một blogger bỗng phát hiện ra rằng Amari TX tức Mai Hoàng Kiên tức Trung Thành tức Tuyên Trần tức Tường Anh tức Trần Mai tức Hữu Đức tức Trọng Linh tức Khánh Sơn ad libitum cũng chính là TS Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Xây dựng Đảng. Điều này không có gì là hoang đường tới mức không thể tin nổi, rốt cuộc thì ông trùm tuyên huấn của chế độ, Hồ Chí Minh, đã đặt cả nền móng lẫn kỉ lục khó vượt qua cho chiến thuật phân thân và hóa thân bằng vô số bút hiệu. Nhưng tiếc rằng phát hiện nêu trên hơi quá vội. Phiếu xét nghiệm tư tưởng của ông TS Hoàng Văn Lễ sống ở Việt Nam trên Sài Gòn Giải phóng ngày 26-8-2013 cho thấy một nhóm trị số hoàn toàn khớp với phiếu của ông Việt kiều Amari TX sống ở Houston trên Nhân dân ngày 22-8-2013, song cũng hoàn toàn khớp với phiếu của ông PGS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, trên Tạp chí Cộng sản số 844 từ tháng 2-2013. Bây giờ muốn thanh minh rằng mình không phải Amari TX thì ông Hoàng Văn Lễ chỉ có cách chứng minh rằng mình chính là Trần Đình Huỳnh. Tương tự như vậy, thạc sĩ Phạm Văn Thiết chỉ có thể thanh minh rằng mình không phải Amari TX bằng cách chứng minh rằng mình chính là TS Lê Văn Bảo. Huyết đồ tư tưởng giống hệt nhau của họ được biểu hiện chẳng hạn qua câu này: “Nói chung ở các nước tư bản, về hình thức, đa đảng chính trị đều ‘tự do’, ‘bình đẳng’ trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền, nhưng trong thực tế chỉ có các đảng lớn, có thế lực mới có khả năng chiến thắng và bao giờ cũng có một đảng cầm quyền hoặc lãnh đạo, có khi kéo dài nhiều thập kỷ.” Who is Who phiên bản Việt ngữ.
Quả là không có điều quái gở nào mà con người còn chưa nghĩ ra lại xa lạ với guồng máy tuyên huấn Việt Nam. Trong những vụ nhân bản dư luận viên và nhân bản trị số tư tưởng này, tôi không biết điều gì đáng kinh hơn: sự giáo điều hay sự hạ cấp của luộm thuộm, cẩu thả, ngu ngốc, lười biếng, nhếch nhác. Mọi đối thoại không cùng đẳng cấp đều vô nghĩa. Ước gì những người chống giáo điều và thảo phạt tuyên huấn có được một đối thủ uyên bác, độc đáo, chân thực và một guồng máy tuyên huấn nghiêm túc, chuyên nghiệp.
© 2013 pro&contra

[i] Lời giới thiệu của báo Nhân dân cho bài viết của Hữu Đức, tức Trần Mai, xứng đáng được đưa vào giáo trình cho sinh viên báo chí, nguyên văn như sau: “Sau khi Báo Nhân Dân đăng bài Từ hải ngoại nhìn về “các nhà dân chủ” của tác giả Trần Mai gửi từ nước Mỹ, trên một số website và blog đã có ý kiến thực hiện theo lối cắt xén, suy diễn, để từ đó phản đối bài viết của Trần Mai và quy kết là “nhận định sai lầm nghiêm trọng… về quyền con người”, và lặp lại luận điệu cho rằng, Nhà nước đã đi ngược lại các tuyên ngôn, công ước quốc tế liên quan tới vấn đề nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết! Bình luận về sự kiện này, cũng từ nước Mỹ, bạn đọc Hữu Ðức mới gửi tới tòa soạn bài Tôi thật sự không hiểu tại sao, vì mục đích gì?, xin giới thiệu cùng bạn đọc.”
 
 
 
Source : pro&contra

26/8/13

Việt Nam: các kịch bản thời sự sắp tới



Phạm Chí Dũng
Cập nhật: 14:22 GMT - thứ hai, 26 tháng 8, 2013

Một “triển vọng” đang ngày càng rõ dần là bối cảnh xã hội Việt Nam đang gần hoàn tất giai đoạn vận động thứ hai của nó, nếu lấy mốc từ thời điểm mở cửa kinh tế những năm 1990.


Trước đó, giai đoạn vận hành đầu tiên kéo dài từ năm 1975 đến hậu khủng hoảng giá - lương - tiền.
Nhưng cho tới giờ, ở Việt Nam hầu như chưa hình thành một lực lượng đối lập, chưa mang tính đối trọng đủ lớn đối với chính quyền để ít nhất có thể tác động nhằm điều chỉnh một số chính sách và hoạt động thực hành chính sách.
Những tiền đề đối trọng ở Việt Nam cho tới nay vẫn chỉ là phong trào phản biện xã hội đa dạng và đa tầng, thể hiện chủ yếu qua ý kiến chứ không phải bằng những hành động sâu xa hơn.
Ngoài nhóm “Kiến nghị 72” và vài nhóm blogger, đa phần còn lại là những cá nhân phân tán và hoạt động manh mún.
Tác động của hoạt động bất đồng chính kiến đối với chế độ chỉ có ý nghĩa như một xúc tác phụ.
Nếu không được tác động sâu sắc bởi hành động của lực lượng đối trọng, hoặc không có một số tác động vừa thuyết phục vừa áp lực về chính sách kinh tế, quân sự và chính trị, ngoại giao từ Mỹ và phương Tây, nền chính trị Việt Nam sẽ do chính nội bộ trong lòng nó quyết định.
Mọi chuyện ở Việt Nam đang diễn ra theo một quy luật: vô cảm quan chức tỷ lệ thuận với tham nhũng và quyền lợi của nhóm lợi ích.
Thời gian suy thoái kinh tế từ đầu năm 2011 đến nay đã cho thấy một hiện tượng xã hội rất đặc trưng: bất chấp sự phản ứng và tâm trạng phẫn uất của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều nhóm lợi ích và chủ nghĩa thân hữu vẫn liên kết đầy se sắt, hòa quyện vào nhau với độ kết dính như thể bám víu vào sự tồn tại cuối cùng.
Người ta có thể nhìn ra rất nhiều minh chứng cho thái độ bất chấp đó từ những cú làm giá không tiền khoáng hậu của các nhóm đầu cơ bất động sản, chứng khoán và vàng, kể cả những nhóm lợi ích có quyền lợi can dự như điện lực và xăng dầu.
Song song với trào lưu lợi ích ấy, cũng có nhiều bằng chứng về hoạt động chạy chính sách vì đặc quyền đặc lợi cho “tư sản đỏ”.
Tác động ở tầm mức mạnh mẽ nhất của người dân và xã hội đối với thể chế cầm quyền ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ được quyết định bằng việc có hay không mối cộng hưởng của một cuộc khủng hoảng kinh tế ở chính đất nước này.
Trong 2-3 năm nữa thôi, chính đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế với hậu quả chưa có tiền lệ tính từ giai đoạn lạm phát tăng đến 600% vào những năm giá – lương – tiền 1985-1986.

Những kịch bản kinh tế - chính trị

Kịch bản 1: Trong trường hợp cuộc suy thoái kép hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa nổ ra vào những năm tới, và do vậy nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể trì kéo tấm thân băng hoại rệu rã của nó, tình thế vẫn chưa diễn ra một sự thay đổi đủ lớn.
Những phản ứng tự phát của dân hiện không mang tính hệ thống và hình thành các liên kết sâu rộng và thường thể hiện bằng biểu tình, thậm chí bạo động cục bộ vẫn có thể bị chính quyền phong tỏa và đàn áp.
Tiếng nói của các nhóm trí thức dân chủ và kể cả những nhóm chính trị có mục tiêu đối kháng và triển khai bằng hành động sẽ chỉ đóng vai trò xúc tác mà không thể hiện tính dẫn dắt cho một phong trào đối lập nhằm thay đổi thể chế.
Kịch bản 2: Trong trường hợp xảy ra suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới, những lô cốt cuối cùng của nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể bị tàn phá cùng nhiều hệ lụy trực tiếp.
Vốn đang nằm trong xu thế không chỉ suy thoái gần như toàn diện nội lực trong nước mà còn quá kém hiệu quả trong cơ chế xuất khẩu và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng thoái vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ nhanh chóng rơi vào tình thế bĩ cực không lối thoát. Một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với nền kinh tế Việt Nam cũng từ đó mà khởi phát.
Cuộc khủng hoảng có thể như thế còn cần được tính thêm một yếu tố cộng hưởng rất “láng giềng”: Trung Quốc.
Tiếng nói của các nhóm trí thức dân chủ và kể cả những nhóm chính trị có mục tiêu đối kháng và triển khai bằng hành động sẽ chỉ đóng vai trò xúc tác
Nếu hệ lụy khủng hoảng kinh tế thế giới được bắt nguồn từ khủng hoảng của kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chịu hiệu ứng kép: một do suy thoái kinh tế giai đoạn cuối, một do động loạn từ Trung Quốc.
Trong cả hai yếu tố hiệu ứng tác động đó, xã hội Việt Nam đều có thể rơi vào vòng bế tắc. Nền kinh tế vốn đã què quặt, cộng thêm nhân tố rối loạn xã hội, sẽ khiến cho chính thể cầm quyền hết sức khó khăn trong việc duy trì quyền lực của mình để kiểm soát xã hội.
Phản ứng của nông dân về đất đai, của công nhân về nạn thất nghiệp và điều kiện làm việc, của tiểu thương về buôn bán, của công chức và giới về hưu về an sinh xã hội… sẽ liên tiếp xảy ra với quy mô ngày càng rộng.
Phản ứng của người dân đối với nhân viên công quyền cũng sẽ diễn ra dày đặc và mang tính tự phát với tính đối đầu nhiều hơn, ban đầu tản mạn và tự phát, sau đó sẽ có xu hướng liên đới để hình thành những phong trào, kể cả tổ chức phản kháng, của nông dân, công nhân, trí thức và với cả một số tôn giáo như Công giáo, Phật giáo Hòa hảo thuần túy, Tin Lành.
Kịch bản về không gian phản ứng và phản kháng sẽ có thể bắt nguồn từ nông thôn miền Bắc với nông dân, thậm chí ngay tại Hà Nội với thành phần trí thức, sau đó lan rộng ra các khu vực khác của đất nước như miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ.
Trong một số trường hợp phản ứng xã hội đặc biệt sâu sắc về nguyên nhân và tính chất, bạo động và có thể cả bạo loạn sẽ xảy ra.
Đó là chưa kể đến những hoạt động phản ứng riêng rẽ và có tổ chức chặt chẽ hơn nhiều của các tôn giáo có xu hướng ly khai với nhà nước, trong đó có một phần Công giáo, Tin lành, Phật giáo Việt Nam thống nhất và Phật giáo Hòa hảo thuần túy.
Gần như trái ngược với Kịch bản 1, xác suất suy thoái kép hoặc khủng hoảng của kinh tế Việt Nam trong Kịch bản 2 có thể lên đến ít nhất 70% trong những năm tới. Và dĩ nhiên, sự đổi khác chính trị cũng phải liền mạch và trực tiếp với các biến động kinh tế.

Lối thoát từ TPP?

Cuộc suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới, nếu xảy ra với xuất phát điểm từ Trung Quốc, có thể rơi vào thời gian hai năm 2016-2017. Đó cũng là thời gian chứng nghiệm những nỗ lực cuối cùng và mang tính quyết định cho sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam.
Cú hội nhập TPP có thể đem lại một lối thoát cho kinh tế và cả chính trị Việt Nam
Nếu không tự thay đổi, và hơn nữa phải cải cách một cách gấp rút theo hướng hạn chế quyền lợi của các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu, đồng thời gia tăng mối quan tâm thực tế cho các tầng lớp dân sinh, trong đó đặc biệt là nông dân và công nhân, cũng như thực thi quyền tự do dân chủ về ngôn luận, báo chí và tôn giáo một cách đúng nghĩa…, đảng cầm quyền sẽ vấp phải một thử thách mà có thể xác quyết sự tồn vong của chính nó.
Một trong rất ít lối thoát để thoát khỏi vòng xoáy kinh tế - chính trị là TPP – Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Thế nhưng, điều quá rõ ràng là trong hiện tình, TPP chỉ có thể được sinh sôi ra từ lòng thành chính trị, tương ứng với các điều kiện về dân chủ và nhân quyền.
Cơ hội để “thoát Trung” cùng vô số nguy cơ về an ninh Biển Đông có thể được giải thoát bởi người Mỹ.
Nếu tận dụng cơ hội này, với điều kiện phải thể hiện được bản lĩnh của mình trong mối giao hòa với tâm cảm của đại đa số người dân trong nước và mục tiêu chiến lược địa chính trị của phương Tây, chính đảng cầm quyền sẽ có được cơ hội tránh thoát một phần ảnh hưởng của Bắc Kinh, trong khi nhận được sự hậu thuẫn của Washington và Cộng đồng châu Âu.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng ở Việt Nam cũng do đó có thể sẽ được khuôn hẹp với những hậu quả không quá lớn.
Nếu thành công trong cơ chế “xoay trục” sang phương Tây, chính đảng cầm quyền ở Việt Nam dù có phải “trả giá” bằng một chế độ cởi mở hơn về dân chủ nhân quyền và chấp nhận sự tồn tại của một hình ảnh mang tính trang trí về một xã hội dân sự manh nha tại đất nước này, kể cả việc phải chấp nhận một lực lượng đối lập ôn hòa…, vẫn có thể duy trì được quyền lực một đảng chi phối và quyền lợi của giới lãnh đạo thêm một thời gian nào đó.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Chí Dũng từ TP Hồ Chí Minh.

BBC