7/9/13

Nguyễn Văn Bông – Luật Hiến pháp và Chính trị học (10)



Tháng 9 7, 2013

CHƯƠNG III: THAM GIA VÀ BẤT THAM GIA

Mục I: THÁI ĐỘ PHI CHÍNH TRỊ
Trong cuộc sinh hoạt chính trị hiện nay, người ta nhận thấy có hai trào lưu tư tưởng, hai khuynh hướng, tuy khác biệt nhau, nhưng chung  quy chỉ là hai hình thức của thái độ phi chính trị. Khuynh hướng thứ nhất đư đến việc phủ nhận tính cách chính trị của hoạt động của mình. Khuynh hướng thứ hai nhằm đề cao thái độ thụ động của công dân trước thời cuộc.
Chúng ta lần lượt phân tích và phê bình hai khuynh hướng quan trọng này.
Đoạn 1: PHỦ NHẬN TÍNH CÁCH CHÍNH TRỊ CỦA HOẠT ĐỘNG
Như chúng ta đã biết, công dân không tham gia thật sự vào cuộc sinh hoạt chính trị, phần đông vì chán ghét chính trị, vì thiếu thì giờ hoặc vì cho rằng chính trị là một địa hạt không liên quan đến họ, là địa hạt của những nhà chuyên môn chính trị. Loại công dân này thường có một thái độ thụ động.
Trái lại, một số người có những hành vi, những hoạt động liên hệ với cuộc sinh hoạt chính trị, nhưng đối với những người này, những hành vi đó không có tính cách chính trị. Họ phủ nhận rằng hành động của họ, lập trường của họ có tính cách chính trị. Thái độ phi chính trị này, vì tầm quan trọng của nó, vì tính cách phổ thông của nó, cần được phân tích rõ rệt vì thái độ này là một khía cạnh quan trọng của sự tham gia chính trị. Chúng ta có thể nói một cách tổng quát rằng có 3 trạng thái khác nhau về thái độ phi chính trị: hoặc đó chỉ là một ảo tưởng, chỉ là một chiến thuật, chỉ là một nhiệm vụ.
A. Một ảo tưởng
Thái độ phi chính trị, một ảo tưởng, là lập trường của tất cả những người tham gia và cuộc sinh hoạt chính trị, nhưng đồng thời lại phủ nhận tính cách chính trị của hoạt động ấy. Và họ phủ nhận một cách cương quyết, thành thật. Tại sao? Sở dĩ như thế là vì những người này có một quan niệm quá hẹp hòi; quá khắt khe về chính trị, và đôi khi lại chống chính trị.
* Hoặc họ cho rằng chính trị là cái gì liên quan đến chính đảng, đến bè phái. Vì thế khi mà hoạt động của họ trên đảng phái hay ngoài đảng phái, khi mà hoạt động của họ không có tính cách chia rẽ, phân li thì họ quan niệm rằng đó không phải là chính trị, đó là những hành vi không có tính cách chính trị.
* Hoặc họ cho rằng chính trị là cái gì liên quan đến ý thức hệ, đến sự đấu tranh về ý thức hệ. Vì thế mà khi hoạt động của họ bề ngoài, có tính cách kĩ thuật, dựa trên kinh nghiệm thực hành, thì không bao giờ nhận rằng hành vi ấy là hành vi chính trị.
Đó là một quan niệm quá chật hẹp về chính trị. Họ không chấp nhận được rằng chính trị chi phối những địa hạt quan trọng và rộng rãi của mối tương quan của con người, chứ không phải chỉ vỏn vẹn nằm trong lĩnh vực định chế và chính quyền. Họ từ khước việc xem xét, việc cân nhắc những hậu quả chính trị của hành vi mà họ cho rằng chỉ có tính cách riêng tư.
Tâm trạng này là tâm trạng của rất nhiều người. Ví dụ:
* Trường hợp của những đạo sĩ, những vị tu hành. Những vị này, trong những ngày cách mạng, giữa lúc chính biến, có những hành vi như: góp tiền để giúp tù nhân chính trị, cho ở trong nhà mình, giấu trong nhà mình những kẻ đối lập chính trị. Đó là những hành vi hoàn toàn và không thể chối cãi có tính cách chính trị. Nhưng vì lòng từ thiện của họ, vì họ cho rằng làm như thế ngoài mục đích chính trị, mà trái lại vì đó là bổn phận, vì đó là để tránh cho con người những đau khổ. Họ thành thật cho rằng không vì lí do chính trị, nhưng họ quên rằng những hành vi ấy có hậu quả chính trị.
* Trường hợp của những người cầm bút, của văn sĩ: nghề nghiệp của họ đưa đến một lập trường chính trị, hoặc một hậu quả chính trị mà họ không ý thức. Những người cầm bút, trong những bộ tiểu thuyết hay những quyển tùy bút, tiểu luận v.v… Khi họ tố cáo những tệ đoan trong xã hội, khi họ miêu tả chính giới với những đặc điểm như loạn luân lãng mạng, những con buôn chính trị, khi họ tố cáo những thối nát của chính quyền, thì dù muốn dù không, dù cho họ có phủ nhận rằng họ không bao giờ có ý định phán đoán giá trị xã hội mà họ phác họa hay phân tích, dù muốn dù không, hành vi của họ có tính cách chính trị, có hậu quả chính trị và đôi khi, nhận định của họ có ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sinh hoạt chính trị.
* Trường hợp của những nhà bác học: khi họ tố cáo thảm họa của thí nghiệm nguyên tử hay chiến tranh nguyên tử, lời tuyên bố hay hành vi của họ hoàn toàn có tính cách khách quan, trên cả ý thức hệ và đảng phái chính trị. Vẫn biết rằng hành vi ấy chỉ nhằm mục tiêu cao cả, nhân đạo và sự tồn vong của nhân loại, nhưng họ không thể ngăn cản được sự kiện là lời tuyên bố của họ sẽ được khai thác trên phương diện chính trị, lời tuyên bố của họ không thể không có ảnh hưởng chính trị và là một yếu tố quan trọng trong lãnh vực bang giao quốc tế.
Đấy là một vài ví dụ tâm trạng, thường thường của nhiều người tưởng mình đứng ngoài chính trị. Lập trường phi chính trị này dựa trên những hành vi mà người ta cho rằng tự nó không có tính chất chính trị, nhưng đó chỉ là ảo tưởng vì, dù tự nó không có tính chất chính trị đó là hành vi có hậu quả chính trị. Mà tất cả những hành vi có hậu quả chính trị là những hành vi chính trị.
Thái độ phi chính trị này, chúng ta lại tìm thấy được đề cao bởi những tổ chức, nhưng đây không phải vì một ảo tưởng: nó trở thành một chiến thuật.
B. Một chiến thuật
Thái độ phi chính trị, một chiến thuật, là thái độ của những ai, và nhất là của những tổ chức, chối cãi rằng mình tham gia chính trị, mà kỳ thật thì trong thâm tâm lại nghĩ khác.
Vì chính trị có tiếng không tốt, như chúng ta đã biết, cho nên các nhà lãnh đạo các nghiệp đoàn, hiệp hội ngại rằng có một thái độ rõ rệt hay là dùng những danh từ hơi chính trị một chút có thể sẽ làm sứt mẻ tình đoàn kết của nhân viên, và làm cho họ hoảng sợ. Bởi thế các nhà lãnh đạo khôn khéo luôn luôn quả quyết rằng lập trường của mình hay là quyết định của mình chỉ nhằm việc bảo vệ quyền lợi của đoàn thể, đứng ngoài mọi tranh chấp chính trị. Họ cố tránh danh từ chính trị và chỉ dùng nào là quyền lợi nghiệp đoàn, quyền lợi công dân, quyền lợi quốc gia v.v…
Mặc dù họ can thiệp vào chính quyền, và sự can thiệp có tính cách chính trị không thể chối cãi, họ vẫn tuyên bố nhân danh quyền lợi của đoàn thể và đứng ngoài đảng phái. “Chúng tôi bảo vệ quyền lợi của chúng tôi chứ chúng tôi không có làm chính trị.”
Đó chỉ là thái độ phi chính trị bề ngoài và ai cũng thừa hiểu rằng những tổ chức không mục tiêu chính trị có những hành vi chính trị và không có thời nào mà người ta không nghe thỉnh thoảng dư luận tố cáo sự can thiệp của giới thương mại, của bức tường tiền bạc vào nội bộ chính trị.
Sở dĩ những nhà lãnh đạo phải bao trùm trên những hành vi chính trị một bức màn có vẻ khách quan, trung lập, đó chỉ là một chiến thuật nhằm đạt kết quả mong muốn mà thôi.
C. Một nhiệm vụ
Đây là khía cạnh thứ ba của lập trường phi chính trị. Ở đây người ta nhằm mong mỏi hoặc đòi hỏi nhân viên chính quyền nên đứng ngoài cuộc sinh hoạt chính trị. Đây là một vấn đề liên hệ đến tình trạng của công chức nói chung.
Trong một chính thể dân chủ, chính thể mà mọi chính kiến đều phải được tự do phát biểu và bảo đảm, mối tương quan giữa nhân viên chính quyền và công dân đặt nhiều vấn đề tế nhị. Để tránh mọi thiên vị và bảo vệ tính cách vô tư của người công chức, Nhà nước bắt buộc công chức phải có một thái độ khách quan khi thừa hành chức vụ. Nghĩa là, trên mọi phương diện nghề nghiệp, họ phải có một thái độ thận trọng đối với tất cả lực lượng chính trị và phải luôn luôn đặt quyền lợi của công vụ trên hết. Và bổn phận của công chức là tuân mệnh lệnh của Chính phủ, bất cứ là Chính phủ nào.
Đây là tình trạng thông thường của công chức trong chính thể dân chủ. Và trước một tình trạng như thế, người ta gán danh từ phi chính trị.
Thật ra khi chúng ta nói đến công chức không làm chính trị, đứng ngoài chính trị, chúng ta chỉ nêu lên một khía cạnh công chức không nên vì cảm tình đảng phái mà quyền công vụ, mà có những hoạt động hoặc quyết định thiên vị. Thái độ phi chính trị nhằm mục tiêu đó, và chỉ có thế thôi.
Nhưng yếu tố bè phái chỉ là một yếu tố trong những yếu tố khác của các quyết định hành chính hay chính trị quan trọng. Công chức, nhất là công chức cao cấp, tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo các quyết định chính trị; công chức không thể không xem vào chính trị.
Đoạn 2: ĐỀ CAO THÁI ĐỘ THỤ ĐỘNG CỦA CÔNG DÂN ĐỐI VỚI THỜI CUỘC
Đây là một khuynh hướng chính trị được thể hiện trong rất nhiều nước, nhất là sau một khủng hoảng chính trị.
Người ta tố cáo chính trị, cho rằng vì chính trị nhiều quá mà hỏng việc tất cả.
A. Và đây là lí luận của những người chủ trương thái độ thụ động của công dân:
“Con người – vấn đề chính của họ là sống, sống đời sống hằng ngày của họ; những lo âu cá nhân hay của gia đình họ chiếm hết thì giờ. Số công dân theo dõi các vấn đề quốc gia với ý muốn tham gia rất hiếm có. Và như thế là tốt lắm! Xứ nào, nước nào mà trong ấy công dân tham gia, thảo luận quá nhiều về chính trị, xứ ấy, nước ấy gần đến ngày tàn.”
Theo khuynh hướng này, thì chính trị là cái gì cao siêu khó khăn và chỉ có một nhóm người am hiểu và đủ thẩm quyền đề cập đến. Những người này chấp nhận nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc bầu cử, nhưng giữa hai cuộc bầu cử, công dân nên trở về công việc hàng ngày riêng tư. Sự tham gia của công dân có tính cách bất thường và khi nào cần đến.
Tóm lại, những người chỉ trích sự tham gia chính trị của công dân và đề cao thái độ thụ động của công dân, cho đó là triệu chứng tốt đẹp của cuộc sinh hoạt chính trị. Thái độ này dựa trên hai ý tưởng chính:
* Quần chúng vô thẩm quyền, để định đoạt những vấn đề ấy, và trong trường hợp quần chúng có am hiểu đi nữa, nếu họ phải quyết định chắc chắn là họ quyết định theo quyền lợi riêng tư của họ.
* Quyền lực vô chính trị, trên chính trị rất cần thiết để giải quyết những vấn đề trọng đại; nói một cách khác chính trị đóng vai trò của nó nơi mà có sự tranh chấp về quyền lợi nho nhỏ; khi có việc đại sự cần có một quyền lực trên tất cả chính trị
B. Chúng ta nghĩ sao về khuynh hướng và lí luận này?
Cần phải nói ngay rằng là một lập luận không đứng vững.
* Quần chúng không thẩm quyền? Đó là một luận cứ không đứng vững nếu chúng ta nhận thức rằng chính quyền thường thường bao trùm màn bí mật trên các vấn đề quốc gia đại sự. Rồi những kẻ có quyền lực, núp sau bức màn này để tha hồ định đoạt. Họ tuyên bố rầm rĩ lên là khó, họ cố tình làm rối beng công việc nào là hồ sơ chồng chất lên cao, nào là tính cách kĩ thuật của vấn đề, để làm công dân chán ngán. Sau đó, kết luận rằng công dân vô thẩm quyền.
Sự thật ra, không có một vấn đề chính trị nào mà không thể giải nghĩa rõ ràng, và vấn đề quần chúng vô thẩm quyền chỉ là bịa đặt và lí do để gạt sự tham gia của công dân ra ngoài.
* Một quyền lực vô chính trị để giải quyết những vấn đề trọng đại? Luận cứ này chỉ là phản ảnh của một ảo tưởng. Cho rằng có thể lấy một quyết định chính trị và chỉ dựa trên một tiêu chuẩn, hay một quan điểm không chính trị, là một ảo tưởng. Bất cứ một người nào, một nhân vật nào, dù là ngự trị ở tận mây xanh đi nữa, khi mà họ quyết định về phương diện chính trị, là đương nhiên họ lấy một quyết định chính trị và họ trở thành một nhân vật chính trị.
Đấy, những luận cứ của những ai chỉ trích sự tham gia không thể đứng vững.
Vẫn biết rằng khi mà công dân có một thái độ hơi tách rời chính trị, không chú ý nhiều đến cuộc sinh hoạt chính trị có thể đó là triệu chứng của một sinh hoạt chính trị ổn định. Thật vậy, khi mà guồng máy chính trị, hành chính của quốc gia chạy đều và trong nước thanh bình, thịnh vượng thì lẽ tất nhiên các vấn đề chính trị kém phần sôi nổi.
Vẫn biết rằng những nhà cầm quyền cần có một chút tự do, một phần tự trị nào đó đối với dư luận, đối với công dân, mới có thể thi hành nhiệm vụ một cách hữu hiệu. Chính quyền không thể làm gì được nếu dư luận cứ thọc gậy bánh xe, cứ quấy nhiễu mãi. Mới lên nắm chính quyền có vài tháng mà mỗi ngày bị gán cho danh từ con rùa thì không làm sao mà làm việc được. Chính quyền – và bất cứ một chính quyền nào cũng cần phải có thì giờ và được yên trí để thi hành nhiệm vụ. Nếu sự tham gia của công dân đưa đến hậu quả nói trên, thì sự tham gia nguy hiểm hơn sự bất tham gia.
Đấy, những chỉ trích sự tham gia chính trị là cho chúng ta phải để ý mực tự trị tương đối của chính quyền. Nhưng không vì lẽ đó mà lại đề cao thái độ thụ động của công dân.
Rất nhiều chế độ chính trị đã bị lật đổ vì đã trốn chính trị và từ khước biến đổi, làm sai lạc sự tham gia chính trị của công dân. Thay vì giữa chính quyền và nhân dân nên có một luồng điện để thông cảm và cùng giải quyết những vấn đề, người ta chỉ nhìn thấy trong những chế độ này, tinh thần vô trách nhiệm, những diễn văn rườm rà, những danh từ trống rỗng.
Chính thể dân chủ đòi hỏi một chính quyền vững mạnh và sự hữu hiệu của những phần tử tinh hoa chính trị có trách nhiệm. Nhưng để có thể lựa chọn những phần tử này một cách tự do, và nếu muốn các phần tử tinh nhuệ ấy có tinh thần trách nhiệm, cần phải có một sự kiểm soát chặt chẽ bởi một dư luận hoạt động và thông thạo. Tức là tham gia chính trị.
Mục II: LẬP TRƯỜNG MÁC-XÍT: SỰ THAM GIA TRONG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ LÀ MỘT TRÒ BỊP BỢM
Đoạn 1: NỘI DUNG CỦA LẬP TRƯỜNG
A. Lập trường này không hẳn là của Marx, mà chính là của Lenin. Theo Lenin không thể có sự tham gia trong xã hội tư bản được. Cho đến ngày nào còn giai cấp đấu tranh, mà còn người bóc lột người, tham gia chính trị – và đồng thời danh từ dân chủ – chỉ là một trò hề.
Tại sao? Vì thượng tầng kiến tạo  – nghĩa là các định chế chính trị  – hoàn toàn bị chi phối bởi hạ tầng cơ sở kinh tế và xã hội. Quốc gia, Nhà nước – cái thượng tầng kiến tạo này – chỉ là bộ máy chỉ huy và đàn áp ở trong tay giai cấp thống trị. Vì thế, trong xã hội tư bản ngày nay, Quốc gia, Nhà nước là công cụ của giai cấp trung lưu. Hiểu như thế, thì tất cả những thủ tục tinh vi, cũng như hệ thống pháp lí và chính trị trong xã hội tư bản, chung quy chỉ là những trò bịp bợm hoặc những phương tiện khéo léo hầu bảo đảm sự thống trị của giai cấp nắm quyền. Trong một khung cảnh chính trị như thế, tất cả những quyền lợi, tự do mà xã hội tư bản đã nhìn nhận cho cá nhân và đoàn thể cùng những hiện tượng tham gia hoàn toàn có tính cách trừu tượng, pháp lí chứ không có một nội dung thực sự. Lenin cũng nhìn nhận rằng dân chủ kiểu Âu-Mỹ ngày nay là một bước tiến, một giai đoạn cần thiết và là một con đường ngắn nhất để tiến đến độc tài vô sản[1].
A. Thuyết Mác-xít không phủ nhận sự có thể có được của một xã hội dân chủ. Nhưng dân chủ chỉ có thể có được sau một cuộc cách mạng phá vỡ xã hội giai cấp ngày nay và thiết lập độc tài vô sản. Mà độc tài vô sản có phải dân chủ không? Lenin, trong quyển Nhà nước và Cách mạng đã cố gắng trả lời câu hỏi quan trọng này. Ông cho rằng không thể phán đoán độc tài vô sản mà không chú ý đến điều kiện sinh hoạt của xã hội trong ấy độc tài vô sản được thiết lập. Vì độc tài vô sản là một chế độ độc tài, một chế độ trong ấy vẫn còn giai cấp này đàn áp giai cấp nọ, một hệ thống cưỡng bách, thế không thể xem độc tài vô sản là một chế độ thực hiện dân chủ được. Vì chỗ nào có cưỡng bách áp bức, chỗ ấy không có dân chủ được. Tuy nhiên, đối với tình trạng trước, độc tài vô sản là một bước tiến trên đường dân chủ, vì trong xã hội tư bản ngày trước, dân chủ là một thứ dân chủ của một thiểu số thống trị đa số; trái lại, với độc tài vô sản là một thứ độc tài của đa số bị bóc lột đối với thiểu số xưa kia từng bóc lột.
Và Lenin kết luận rằng sự tiến triển của độc tài vô sản sẽ đưa đến một xã hội không giai cấp trong ấy nền dân chủ thực sự sẽ nẩy nở mau chóng.
Đoạn 2: NHẬN XÉT
Lập trường Mác-xít trên đây rất là quan trọng. Trên phương diện lí thuyết và triết học, vấn đề được đặt ra là vấn đề tự do của con người. Những người theo chủ nghĩa Mác-Lê quan niệm rằng tự do, không phải là một dữ kiện đồng thời tồn tại với con người, mà là sản phẩm của sự tiến triển của con người. Bởi thế cho nên, con người trở thành tự do, con người tự đặt điều kiện để có tự do và điều kiện ấy là cách mạng vô sản. Thuyết Mác-xít cho rằng nói đến tự do có trước hay đồng thời tồn tại với con người, trong xã hội tư bản, chỉ là ảo tưởng.
Vấn đề đặt ra là thử hỏi tự do là sản phẩm của con người hay là có tính cách siêu việt vượt hẳn mọi tiến triển của con người? Một vấn đề hoàn toàn triết lí, rất quan trọng. Cuộc tranh luận đã và đang tiếp diễn.
Trên phương diện thực thể, cần phải nhận định rằng chủ nghĩa Mác-Lê phủ nhận sự có thể có một thay đổi toàn diện trong xã hội bởi những phương thức bất bạo động. Vì con người chỉ có thể có tự do sau một cuộc cách mạng vô sản và với sự độc tài vô sản.
Tuy nhiên, lịch sử chính trị cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều trường hợp phủ nhận hoàn toàn khẳng định trên của thuyết Mác-xít.
Đó là trường hợp của nhiều xã hội tân tiến ngày nay trong ấy, sự phát triển theo một chiều hướng mà cách mạng và độc tài vô sản có thể nói khó lòng có được thực hiện. Xin nhắc lại rằng theo thuyết Mác-Lê, chính những xã hội tân tiến, kĩ nghệ hóa nhiều nhất lại là những xã hội có thể đưa đến một tình trạng cách mạng bùng nổ.
Nhưng, có thể chắc chắn rằng không phải Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức Quốc, những xứ kĩ nghệ hóa nhiều nhất là những xứ mà tình trạng chính trị đem đến một sự bùng nổ cách mạng và độc tài vô sản. Đó là một sự kiện không thể chối cãi. Trái lại, chính tình trạng kém mở mang lại là tình trạng thúc đẩy cách mạng.
Hơn nữa, lịch sử đã chứng minh rằng thuyết Mác-xít đã quá tin ở sự bất hữu hiệu của thủ tục dân chủ. Vẫn biết rằng lá phiếu không thể đưa đến một thay đổi hẳn căn bản, lá phiếu không phải như thuyết Mác-xít khẳng định – là một ảo tưởng mà chính là phương tiện dân chủ có tính cách quyết định và đã đưa đến những thay đổi quan trọng mà trường hợp Anh Quốc, Pháp Quốc, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu là trường hợp điển hình.
Thật ra, vấn đề tham gia chính trị là một vấn đề quan trọng phức tạp và hiện đang thảo luận sôi nổi. Tuy nhiên cần phải xác nhận lại rằng, sự kiện đã chứng minh rằng sự tham gia ấy không phải chỉ là trò bịp bợm.
TỔNG KẾT
Qua những hình thức tham gia chính trị và sau khi phân tích những nguyên do của sự bất tham gia hay thiếu tham gia của công dân vào cuộc sinh hoạt chính trị, chúng ta nhìn thấy một sự kiện, đầy hậu quả cho tương lai của nền dân chủ, sự kiện ấy là thái độ thụ động của công dân trong cuộc sinh hoạt chính trị.
Và nếu chúng ta không đồng ý với những người cho rằng thái độ như thế là một triệu chúng của tình thế chính trị tốt đẹp, thì chúng ta bắt buộc phải mong mỏi một sự đảo ngược cái khuynh hướng ấy và phác họa phương tiện để đi đến kết quả. Cần phải nhấn mạnh ngay rằng đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong cuộc phục hồi danh dự tầm quan trọng của chính trị trong nhân sinh quan.
Theo chiều hướng nào? Hai điểm chính: giáo dục công dân và chỉnh đốn cuộc sinh hoạt địa phương.
1. Giáo dục công dân
Như chúng ta đã biết, chính trị có tiếng không tốt. Vì đó mà mọi vấn đề liên quan đến chính trị đều không tốt cả. Và cũng vì đó mà nhiều người thường hay phản đối rằng hành vi của mình có tính cách chính trị. Công dân khi nói đến quyền lợi chung, đến công vụ họ nghĩ ngay đến hành chính hơn là chính trị. Bởi thế, biện hộ cho chính trị, bào chữa cho chính trị là một điều hết sức cần thiết ở mọi trình độ, ở mọi địa hạt mà công dân được huấn luyện. Một vấn đề giáo dục, và vấn đề giáo dục này cần phải đặt ngay tại nhà trường. Vấn đề là khêu gợi cho học sinh ý thức được sự hiện hữu của cuộc sinh hoạt công cộng và tầm quan trọng của vai trò chính trị trong việc chuyển hướng quốc gia.
Thật ra, vấn đề này đã được giải quyết và – như các bạn đã trải qua, học sinh bắt buộc phải học cái môn mà người ta gọi là “Công dân Giáo dục”. Đó là một điều hay nhưng không đạt nhiều kết quả vì người ta làm sai lạc hướng đi của công dân giáo dục. Thật vậy, trong môn Công dân Giáo dục người ta chú trọng quá nhiều đến những giá trị tinh thần luân lí, đến bản chất chung cho tất cả công dân, đến trạng thái nhất trí của toàn dân của quốc gia, dân tộc. Quá lí tưởng! Trái lại, cuộc sinh hoạt chính trị dựa trên những bất đồng, dị biệt, dựa trên sự hòa giải giữa những điểm bất tương đồng, hòa giải những mâu thuẫn. Chính trị dựa trên một sự lựa chọn có thể chấp nhận được cho một số đông người giữa những giải pháp có thể được.
Chính cái tính cách đa nguyên ấy và tính cách tương đối của nhận thức chính trị cần phải được nhấn mạnh.
Hơn nữa, khi nói đến công dân, nghĩa vụ hay quyền lợi công dân, cần phải đặt ngay câu hỏi: khi đề cập đến vấn đề công dân, người ta quan niệm như thế nào? Sở dĩ cần phải đặt câu hỏi như thế là vì, trong xã hội cận đại, khi nói vấn đề công dân, người ta chỉ nghĩ đến – và người ta ở đây thường thường là những người cầm quyền – người ta chỉ nghĩ đến nghĩa vụ, nào có bổn phận tuân hành luật lệ, nào là hi sinh cho Tổ-quốc, cho tương lai dân tộc. Và kinh nghiệm cho biết rằng trong những giờ phút nguy biến, khi chính thể dân chủ trải qua những cuộc khủng hoảng, chính quyền hay dùng tới danh từ công dân với khía cạnh nghĩa vụ mà thôi.
Chúng ta không thể chối cãi rằng nghĩa vụ là đức tính quan trọng của công dân trong chính thể dân chủ, nhưng khi đề cập đến công dân chúng ta không nên quên khía cạnh tham gia. Hô hào, kêu gọi lòng ái quốc, đến công dân, không nhằm nghĩa vụ mà đồng thời phải chú trọng đến công việc đem lại cho công dân một niềm tin, một ý nghĩa và tinh thần trách nhiệm của họ.
Hô hào, kêu gọi đến sự tham gia của công dân mà không gợi cho họ một giá trị nào, giá trị chính trị, không gợi cho họ một công cuộc thực hiện một mục tiêu nhất định, mà trái lại chỉ nhấn mạnh những nguyên tắc tinh thần luân lí, nhấn mạnh khía cạnh bổn phận, làm như thế là một khuyết điểm. Có thể sự tham gia của công dân được tăng cường nhưng sự tăng cường đó chỉ có tính cách bề ngoài. Công dân không ý thức tầm quan trọng của chính trị. Công dân có thể làm tròn nghĩa vụ của mình, có thể thực hiện một vài hành động chính trị, nhưng không nắm vững ý nghĩa thực sự. Mà, hành động không đủ, ý chí tham gia mới là cần thiết, và ý chí tham gia này do nơi sự chú ý đến cuộc sinh hoạt chính trị.
Nếu không ham muốn tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị, nếu không ý thức rằng mình tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị, thì công dân không dự vào việc quyết định số mệnh quốc gia và họ chỉ còn là một yếu tố, một đơn vị, ít nhiều thụ động, của một guồng máy độc đoán dùng họ mà thôi.
Giáo dục công dân không những ở nhà trường và nhấn mạnh đến khía cạnh tham gia, mà còn là một vấn đề quan trọng của chính đảng. Nói đến vấn đề giáo dục công dân và chính đảng là phải nghĩ ngay đến công việc cải tổ và đem lại nguồn sinh lực cho hệ thống chính đảng và phong trào chính trị.
Như chúng ta đã biết những tổ chức này rất có nhiều tiếng tăm, nhất là ở Việt Nam, nhưng toàn là tiếng tăm bất hảo. Vì chính đảng thường thường là một nhóm người họp nhau để có một lực lượng, rồi dùng lực lượng này với tính cách lực lượng áp lực nhằm mục đích chiếm ngôi thứ.
Công cuộc cải tổ những chính đảng và phong trào chính trị nhằm đem lại một quan niệm mới và thiết thực về vai trò của chính đảng trong cuộc sinh hoạt chính trị là một vấn đề cấp bách.
Chính đảng không phải chỉ là một dụng cụ, để bảo vệ quyền lợi của một nhóm người hay một thành phần xã hội; chính đảng còn phải là một phương tiện để đề cao một chủ nghĩa và thực hiện một chương trình. Quan niệm như thế thì vai trò chính yếu của chính đảng là vai trò trung gian. Một mặt chính đảng đặt vấn đề chính quyền đúng với trình độ hiểu biết của công dân; mặt khác chính đảng giúp vào công việc thể hiện sự tín nhiệm của công dân vào chính quyền.
Đặt các vấn đề chính quyền đúng với trình độ hiểu biết của công dân là như thế này: công dân, đa số, không thể nào thấu hiểu những vấn đề Chính phủ, những vấn đề càng ngày càng phức tạp và có tính cách chuyên môn, vì thế mà đã có khuynh hướng giao cho các nhà chuyên môn giải quyết các vấn đề này. Vì công dân không hiểu mà chính đảng phải thông tin và có thể thông tin. Chính đảng là một nhà trường tự do, cần thiết cho việc điều hành nền dân chủ. Công tác của Chính phủ càng phức tạp, khó khăn chừng nào, thì công việc thông tin, giải thích càng sâu xa và đầy đủ chừng ấy. Công dân chỉ thích, chỉ chú ý những gì mà họ biết và chỉ kiểm soát những gì mà họ hiểu.
Công dân có thể không nắm vững được tất cả các quyết định chính trị trong chi tiết. Nhưng họ có thể thấu hiểu đâu là nguyên nhân, đâu là tinh thần và họ phải có thể xét đoán được những giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Đấy chính đảng và phong trào chính trị đóng vai trò quan trọng là giáo dục chính trị công dân.
Không những chính đảng đặt vấn đề chính trị đúng tầm hiểu biết của công dân, các tổ chức này còn giúp vào công việc thể hiện sự tín nhiệm của công dân đối với chính quyền. Tại sao chính đảng giúp vào việc thể hiện sự tín nhiệm?
Chính thể dân chủ dựa trên một phương thức tổ chức, trên một hình thức cấu tạo về phương diện tín nhiệm cũng như về phương diện kiểm soát. Nói rằng công dân tín nhiệm chính quyền chỉ có nghĩa là công dân tín nhiệm chính quyền qua sự trung gian của đại diện. Danh từ đại diện ở đây bao gồm không những đại diện chính thức – các vị dân biểu Quốc hội mà luôn cả cán bộ của chính đảng. Vì những cán bộ của chính đảng, những phần tử ưu tú của chính đảng là thành phần của đoàn thể nắm chính quyền.
Tóm lại, không thể có một nền dân chủ linh động nếu không có một sự tín nhiệm của công dân đối với các phần tử ưu tú của chính đảng và những phong trào chính trị. Nhưng cần phải nhấn mạnh ngay rằng sự tín nhiệm này, cái cảm tính này không có nghĩa là thoái vị. Tín nhiệm nhưng đồng thời được giáo dục, huấn luyện người dân thấu hiểu các vấn đề và tham gia thường xuyên vào việc định hướng cho tương lai. Và chúng ta có thể kết luận rằng không có nhà trường nào quý giá hơn nhà trường chính đảng và không có chỗ nào công dân tích cực tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị bằng chính đảng.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đặt tất cả hi vọng vào chính đảng. Có lẽ cũng cần thêm rằng, chúng ta không có một mảy may hi vọng vào khả năng của chính đảng hiện nay để đảm đương vai trò ấy, vai trò giáo dục và trung gian giữa chính quyền và công dân. Những trò gian lận, bịp bợm của họ, những sự dối trá, những chương trình, hành động mị dân của họ là những yếu tố đưa đến sự mất uy tín của chính đảng hiện nay.
Vậy nhu cầu hiện tại  – để tăng cường sự tham gia chính trị của công dân – là gầy dựng lại những tổ chức chính trị có trách nhiệm. Cần phải thành thật mà nhận rằng công cuộc xây dựng này đòi hỏi một công trình nặng nề và không bao giờ hoàn hảo. Soạn thảo một bản Hiến pháp dễ gấp trăm lần việc thiết lập và khích động một hệ thống chính đảng đáp ứng với nhu cầu của một xã hội tân tiến.
Nhưng dù sao, công tác chính trị là công tác trường kỳ và cố gắng hàng ngày. Giữa một trạng thái nô lệ, lỗi thời và một tình trạng dân chủ bề ngoài, không có lối thoát nào khác.
2. Chỉnh đốn cuộc sinh hoạt địa phương
Giáo dục công dân đem lại cho họ một niềm tin và khích lệ họ chú ý đến cuộc sinh hoạt chính trị chưa hẳn là đủ. Còn cần phải duy trì phong trào này. Cuộc sinh hoạt chính trị địa phương là dịp để công dân tham gia vào chính trị.
Các chính trị gia đều đồng ý rằng cái mà người ta gọi là “chính phủ địa phương” là nền tảng của chính thể dân chủ và sự tham gia của công dân vào đời sống chính trị xã thôn là trường học quý giá trong việc giáo dục công dân. Chính ngay trong thôn xã là nơi tập trung sức mạnh của những dân tộc tự do. Những định chế xã thôn đối với tự do, dân chủ có thể ví như những trường tiểu học đối với khoa học. Chính ngay ở trường tiểu học mà con em tìm thấy những bước đầu tiên của kiến thức. Chính ngay ở cuộc sống xã thôn mà công dân thưởng thức tự do, dân chủ. Cuộc sinh hoạt địa phương đem lại và duy trì tinh thần công cộng, một quan niệm của sự ích lợi của làng của nước. Cuộc sinh hoạt địa phương đặt những vấn đề đúng tầm hiểu biết của họ, là dịp họ luyện tập tham gia. Những định chế gần họ, chính quyền kề bên họ, và họ thấy ngay đâu là quyền lợi chung và tinh thần trách nhiệm.
Đem lại một luồng sinh lực mới cho cuộc sinh hoạt địa phương là một công tác tối cần. Vì ở địa phương, công dân ý thức tinh thần tự do, ý thức trạng thái một công dân chứ không phải con người nô lệ.
Ý tưởng tham gia – và cuộc sinh hoạt dân chủ – có nghĩa một sự tán đồng của mỗi người và của mọi người, tán đồng một công trình cùng nhau trù liệu, một công trình có tính cách siêu việt đầy hứa hẹn.
Sự tán đồng này dĩ nhiên đòi hỏi mỗi người một sự gia nhập hoàn toàn, sức can đảm để khắc phục khó khăn có thể xẩy đến và, đôi khi, nhiều hi sinh đau đớn. Vì không có một công trình vĩ đại nào mà không có sự hi sinh về con người cũng như về khát vọng ích kỉ.
Hi sinh, làm sao có được nếu không có một động lực gây một mối cảm tình sâu rộng và một bầu không khí nồng nhiệt tập đoàn?
Nghĩ cho cùng, ý tưởng tham gia nhấn mạnh một sự phủ nhận cá nhân và đồng thời đề cao sự thực hiện giá trị bản thân trong công trình xây dựng chung.
(Còn tiếp)

Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.

[1] Tức “độc tài của giai cấp vô sản” (dictature du prolétariat), tác giả dịch đúng nghĩa, khác với cách dịch của Đảng Cộng sản Việt Nam là chuyên chính vô sản. (p&c).

source :pro&contra  


Nguyễn Xuân Hoàng: “Kiểu cách mà hững hờ”

 Võ Phiến

1 September 2013


vophien tranh Dinh Cuong
Võ Phiến (tranh Đinh Cường)

[Nguồn: Văn học Miền Nam, thể loại truyện (tập 2), tr. 1175-1185 (Văn Nghệ: 1999)]

Truyện Nguyễn Xuân Hoàng, trước hết hãy xin cử ra lấy vài truyện, để xem qua cái dáng dấp đặc biệt của nó.
Truyện “Một người ngồi trong ghế bành” chẳng hạn. Một thiếu phụ – Diệp – đêm ấy nhờ “tôi” đưa tới một quán nước để gặp một người đàn ông chưa từng biết mặt. Là ai vậy? Để làm gì vậy? Tôi tò mò hỏi: “…hình như có một người đàn ông nào đó yêu em và em muốn biết mặt người đàn ông đó. Phải vậy không?” Diệp bảo,”Cứ cho là gần như vậy đi.” Người chưa từng biết mặt hẹn trước: Trong tiệm có chiếc ghế bành bằng da màu đỏ; đến, ông ta sẽ ngồi vào ghế ấy. Diệp và tôi vào, gọi nước, gọi món ăn. Chợt Diệp hướng mắt về phía chiếc ghế bành, ngạc nhiên: Một người đàn ông đã ngồi trong ấy. Thức ăn mang lên, tôi ăn bữa tối một mình.
Xong  một truyện. Đây là một truyện nữa: “Đường mòn.” “Tôi” – Bích –là một cô giáo dạy ở một trường quận hẻo lánh, bất an. Nghỉ hè, tôi thu dọn đồ đạc, làm va-li, chờ chuyến xe về thành phố. Ở thành phố tôi có một người tình chờ đợi; ở đây – chỗ quận lỵ – tôi có một người đàn ông quen thuộc “theo cái nghĩa rất đàn bà.” Chuyến xe chưa đến, có tiếng gõ cửa, gọi “Bích! Bích!” Vạn tươi cười bước vào. “Anh cao lớn, khỏe mạnh, đen đúa. Bộ đồ tác chiến làm người anh như to và dày hơn.” Vạn và tôi không nói gì nhiều. Tôi pha hai ly cà-phê. Hai người ngồi đối diện nhau. Vạn hỏi: “Bích à? Sao em không nói gì với anh hết vậy? Tôi: “Anh muốn em nói với anh cái gì bây giờ? Em sẽ biên thư cho anh mà!” Vạn cúi xuống tháo dây giày. Vạn choàng tay ra sau rịt đầu tôi xuống. Tôi nghe nước miếng mình ứa ra. Rồi Vạn đề nghị: “Anh đóng cửa sổ, nghe em?” Tôi biết Vạn muốn gì ở tôi, và tôi nữa, tôi biết tôi sẽ phải từ giã Vạn như thế nào (…) Tôi nghe những tế bào trong tôi cữa quậy,nghe ngóng, chờ đợi nhức nhối …
Xong một truyện nữa.
Vừa rồi có nói đến cái dáng dấp đặc biệt của truyện Nguyễn Xuân Hoàng. Xem qua, thấy ngay quả là đặc biệt. Hồi tiền chiến chắc không ai nghĩ có thể viết truyện như thế. Viết như thế, viết làm gì? Viết mà không cốt nói lên cái gì, không nhằm làm sáng tỏ cái gì, không nhắn nhủ điều gì, không gởi gắm gì ráo, không đưa ra nhận thức nào, phát giác nào cả … Viết chi vậy?
Không những thời trước không ai viết thế, mà đời nay, bây giờ, viết thế cũng chẳng mấy ai. Viết thế, cũng thậm chí cũng không phải là viết mua vui. Vui vẻ gì đâu những câu chuyện như vậy mà vui?
Viết như vậy có vẻ là một cái viết thật hững hờ. Như thể bắt gặp cái gì đó, tiện tay ghi phác qua, có sao ghi vậy thôi. Ngay trong truyện “Một người ngồi trong ghế bành” trên đây cô Diệp nói về anh bạn của cô ta: “Anh không thực tế chút nào hết, anh lơ lơ lửng lửng, anh bấp bênh và không dứt khoát. Anh gần gũi một cách xa lạ, nồng nàn một cách lãnh đạm, em không yêu anh vì thế.” Nếu Diệp là người “thực tế,” nếu cô hiểu yêu đương đưa tới hôn nhân, tới cuộc sống chung với nhau, thì không yêu “anh” là phải thôi. Anh lơ lơ lửng lửng, ở đời với anh thế nào được!
Gái thực tế không lấy làm chồng một anh như thế. Độc giả thực tế e cũng không đọc những truyện của một tác giả như thế. E như thế, cho nên nghĩ chẳng mấy ai viết vậy. Nhưng nghĩ thế không hẳn đúng. Trước không có ai, nhưng về sau thì có. Chiều hướng rõ dần: viết vậy có cái hay, viết vậy cũng đưa tới thành công. Trong nuớc, gần đây có Phan thị Vàng Anh là một.
Trong nước Nguyễn Khải chẳng hạn là người thực tế; Phan thị Vàng Anh thì lơ lơ. Ngoài nước, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Ngọc Ngạn chẳng hạn là người viết thực tế; Nguyễn Xuân Hoàng thì lửng lửng. Cái viết nào cũng đẹp. Mỗi người có nét riêng: cô Vàng Anh thì tinh quái, hóm hỉnh; ông Nguyễn, không.
Bảo truyện của Nguyễn Xuân Hoàng hững hờ, ấy là nói về cái vẻ, cái dáng dấp. Còn về công phu xây dựng, về kỹ thuật, thì dựng nên một dáng hững hờ vị tất kém vất vả hơn dựng một dáng nghiêm túc. Ông Nguyễn là người viết đắn đo.
Hãy lấy một ví dụ. Lấy ngay cái truyện “Một người ngồi trong ghế bành” đã nói trên đây. Truyện ấy xuất hiện trong cuốn Sinh nhật do Nguyệt san Văn Uyển ấn hành năm 1968, có nhiều chỗ khác với bản in ở Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta ra đời sáu năm sau. Khác là do sự sửa chữa của tác giả: đọc lại thiên truyện chính mình đã viết, đã cho in, ông không bằng lòng. So sánh bản trước với bản sau, theo dõi cách sửa chữa, thì thấy cái ông không bằng lòng nhất ở bản trước là nó dài, nó thừa lời. Bản trước dài 12 trang sách, mỗi trang độ 280 chữ; bản sau còn lại 7 trang, mỗi trang chừng 400 chữ. Như thế sau khi sửa sang cái truyện co lại mất khoảng 1/8: cứ tám dòng chữ có một dòng bị cắt bỏ.
Thử xem một vài trường hợp cắt xén. Trong bản trước, khi truyện kể tới chỗ “tôi” ngồi trên ghế dựa ở nhà Diệp, tréo chân, trông thấy một mảng bùn dính nơi đầu mũi giày, thì “tôi” nghĩ đến con đường lầy lội cạnh nhà mình, nghĩ có lúc mình lỡ ngã xuống có thể bị xe nhà binh cán chết, rồi lại nghĩ luôn tới cái tật của mình là hay nghĩ ngợi về chết chóc mặc dù đang khỏe mạnh v.v… Trong bản sau, những suy tưởng lan man ấy bị loại bỏ.
Trong bản trước, khi truyện kể tới chỗ hai người (Diệp và “tôi”) cùng đi với nhau giữa đường phố, cùng nói cười với nhau, Diệp bảo: “Lâu nay em không biết cười, cười được kể cũng khó ghê. Đừng anh, đừng làm đau em, Diệp kêu lên khi tôi nắm chặt tay nàng kéo ùa về một sạp báo còn chong đèn.” Trong bản sau, đoạn ấy không còn: Diệp không nói cười khó, cũng không kêu đau tay.
Đại khái sửa chữa là thế. Tôi nghĩ lan man: Cắt! Diệp nói lẻo bẻo: Cắt!
Truyện Nguyễn Xuân Hoàng vốn không hề là truyện rườm ra lòng thòng. Trái lại. Đối thoại trong truyện ông thường vắn tắt, ỡm ờ, thông minh, có lúc đến khó hiểu. Ấy thế mà duyệt lại truyện mình, ông cũng chỉ rặt cắt với tỉa với xén. Bỏ bớt chỗ này, loại bớt đoạn kia lia lịa. Rõ ràng có một ý định chỉ giữ lại cái cốt tủy.
“Cốt tủy” trong thiên truyện chúng ta đang nói đây là cái gì vậy? Là cái người ngồi trong ghế bành đó chăng? Trời đất! Một người không tính danh, không hình dạng, không có tiếng nói, không có một cử chỉ nào hết trơn. “Một người đàn ông đã ngồi trong ấy,” chỉ có vậy thôi, không thêm được một lời. Người như vậy mà “cốt tủy” nỗi gì?
Là “tôi” chăng? – “Tôi” tha hồ làm cái rốn của vũ trụ ở đâu khác, chứ ở đây thì không. Ở đây, tôi bị gọi tới gặp Diệp không biết vì lý do gì, được cô ta dẫn đi, dọc đường mua cho gói thuốc, mưa cho tờ báo, trao đổi những câu vẩn vơ, tới nơi cô ta gọi cho một bữa ăn, tôi ngồi ăn một mình. Tôi như vậy, “cồt tủy” chỗ nào.?
Vậy chuyến đi là “cốt tủy” chăng? Một người đàn bà đi gặp một người đàn ông, đi đến một cuộc hẹn hò có thể quyết định tương lai mình: việc như thế quan trọng chứ gì nữa? Chính vì e độc giả nghĩ vậy, tác giả hình như cố gắng đánh bạt ý nghĩ ấy. Trong ấn bản trước, vừa gặp mặt “tôi,” Diệp rối rít, “Anh chờ em có lâu không? Em sắp khóc vì sợ đến trễ hẹn. Em mắc bận quá. Thiệt là kỳ, bữa nay là ngày xui nhất trong năm của em ….” Trong ấn bản sau, đã sửa chữa, Diệp trả tiền taxi tắc-xi xong, “nàng bước xuống xe, cầm tay tôi kéo đi, không nói thêm nột lời nào khác.” Những chuyện Diệp sắp khóc, Diệp than xui xẻo, làm nổi bật tầm quan trọng của chuyến đi. Ông Nguyễn phất tay gạt bỏ tuốt.
Trong ấn bản trước, ở một đoạn khác, đoạn Diệp và “tôi” trò chuyện dọc đường, :tôi” có câu: “Em chẳng quên thứ gì hết, vậy mà không hiểu tại sao chồng em lại có thể bỏ em được.” Nói như thế tức cho biết em là một thiếu phụ đang thiếu chồng. Ở bản sau tác giả xóa bỏ câu nói ấy. Thành thử hoàn ảnh đổi khác hẳn: Em là một thiếu phụ, chấm hết. Đừng nghĩ tới chuyện em thiếu gì, cần gì. Tầm quan trọng của chuyến đi, của cuộc hẹn hò bị đánh trụt xuống ngay.
Thế trong thiên truyện còn gì nữa để làm cái “cốt tủy”? Là Diệp chăng? Có thể lắm. Tại sao không? Đưa ra được một nhân vật linh động như thế, sống như thế, thực như thế, cũng đủ là một thành công đáng xem là chủ đích của thiên truyện. Hà tất nhân vật phải đánh giặc giỏi, phải đủ ba đảm đang, mới là nhân vật xuất sắc? Chỗ đáng tiếc là chính tác giả cản trở chúng ta: ông không nhận vai trò của Diệp, ông đánh lạc định hướng của truyện bằng cái nhan đề; nhan đề không đả động đến Diệp, tác giả truất phế Diệp. Tác giả là chúa tể, thân phận mỗi nhân vật là do ông định chứ còn ai nữa? Vì thế, dù cho chúng ta – độc giả – có chọn Diệp làm cái cốt tủy của thiên truyện thì ở đây ta không hề gặp sự đồng tình sốt sắng của tác giả. Mà gặp một thái độ cơ hồ miễn cưỡng, gần như muốn chối bỏ. Hững hờ là thế.
Hãy lấy thêm một thí dụ khác, truyện kế tiếp trong cuốn sách, tức “Giả mù sa mưa.” Câu chuyện dài dòng hơn: “Tôi” và Thư có một đứa con với nhau, nhưng chưa bao giờ Thư nhìn tôi bằng cái nhìn dịu dàng, nói gì đến chuyện yêu đương. Tôi ở với anh Đàm và chị Trang là chị dâu tôi. Anh Đàm đi lính mất biệt. “Chị Trang đứng đắn đầy sinh lực và đầy dục vọng, anh Đàm mạnh dạn một cách yếu đuối, và tôi? …. Tôi gọi chị Trang bằng chị khi có người khác, và khi chị Trang nằm trong cánh tay tôi, khuy áo mở hết, da thịt trắng trẻo, tôi cũng gọi chị Trang bằng chị. Nhà vắng vẻ, chị Trang gọi: “Chú Mạnh ơi, chú Mạnh! Chú có còn thức đó không?” Có, có, có. Tôi luôn luôn thức tỉnh, mãi mãi thức tỉnh, trong lời kêu gọi của chị. Anh Đàm chợt về rồi chợt đi. Chị Trang gọi kêu, tôi luôn thức tỉnh. Sự việc tiếp tục diễn tiến, không có gì quan trọng. Hững hờ là thế. Vân vân và vân vân.
Vừa rồi có bảo Diệp là một nhân vật sống động, xứng đáng làm cốt tủy của truyện. Nàng hối hả, bẻo lẻo, như cạn cợt mà không cạn cợt, nói năng đùa giễu tuồng như dễ dãi mà không dễ dãi, mà chu tất, mà ý nhị, mà tinh tế, “anh làm gì, đi đâu, ở đâu, em biết hết …,” và biết đúng phóc, biết cả tính nết anh, biết từng thói quen của anh (tới nỗi anh phát sợ). Thế Diệp với “tôi” quan hệ thế nào? Diệp sống ra sao? – Tác giả bỏ lửng. Diệp là một phong cách thấp thoáng thôi, là cái thấp thoáng của một phong cách độc đáo thôi, là một gợi ý nhẹ nhàng thôi. Ở Nguyễn Xuân Hoàng thường không có những trang phân tích tỉ mỉ, những biện bạch dông dài.
Hoặc gợi ý về bóng dáng đáng yêu của em Diệp ở đây, hoặc gợi ý về cuộc sống nhẹ thênh của cô giáo Bích ở truyện “Đường mòn” đã dẫn ở đoạn trên. Bích sắp đi, Vạn vào phòng. “Nếu Vạn không mở đầu, tôi (tức Bích) tin chắc rằng sẽ không có gì xảy ra, nhưng Vạn đã mở đầu tôi tin chắc rằng mọi sự đều được phép xảy ra hết.” Tất nhiên là Vạn mở đầu chứ. Và mọi sự đã xảy ra. Dễ dàng thôi. Không tính trước, không đắn đo. Ngẫu nhiên. Như cuộc đụng độ tình cờ giữa hai toán quân đôi bên trên đường di chuyển. Như một cuộc tao ngộ chiến, không phải một cuộc phục kích, không có bố trí, điều nghiên, kế hoạch gì ráo. Chuyện có thể có, có thể không. Ngoài dự định. Cũng không có hậu quả đáng kể. Xảy ra cách hững hờ.
Không phải mọi thiên truyện của Nguyễn Xuân Hoàng đều một kiểu, tất nhiên. Làm gì có một người nhạt nhẽo, có một sự nghiệp trước tác đơn điệu đến thế! Nhưng cái cốt cách chung là thế. Vả lại cuối một thời kỳ sáng tác, “Một người ngồi trong ghế bành” được ông chọn và chữa: cái ông chọn và cách ông sửa chữa nó hẳn đã tiết lộ xu hướng của ông chứ.
Nguyễn Xuân Hoàng cẩn thận kết cấu nên những công trình hững hờ mà kiểu cách. Một tác giả không có chủ tâm, cặm cụi tạo nên những tác phẩm không có chủ đích (không có chủ đích nào ngoài nghệ thuật).
Vậy ông Nguyễn muốn … vượt không gian và thời gian chăng? – Rất có thể. Có thể ông không hề muốn bắt vào thời thế, không có ý phát biểu gì về các vấn đề xã hội, chính trị …. Thế nhưng có dễ đâu. Lũ cỏ lan mặt đất, mớ rêu xanh dưới đế giày, mấy con éng liệng ngược liệng xuôi trong tòa nhà vắng …, những thứ lăng nhăng ấy nào có định phát biểu cái gì? Nào có ý nói lên cái gì? Chẳng qua tự chúng nó, bản thân chúng nó, bày ra cái hoang sơ tiêu điều thôi.
Đám nhân vật của Nguyễn Xuân Hoàng – đa số là những người trẻ – không hẹn mà họ cùng nhau bày ra một vẻ chung, khiến những ai có chút quan tâm đến thế cuộc lúc bấy giờ hẳn phải chú ý ….
Trước hết là thái độ chung chạ của họ. Giữa người trẻ với nhau, tất có xảy ra một cái gì. Trong đám nam nữ nhân vật của ông Nguyễn cũng xảy ra lắm điều, trừ tình yêu. Nhiều nhất là sự chung chạ.
Diệp thân mật với “tôi” đến nỗi có lần “tôi” hỏi “Sao em còn đợi gì mà chẳng lấy quách tôi đi có hơn không.” Lấy “tôi” à? Còn khuya. Diệp vừa nói rõ: “Ai mà yêu nổi ông.” (“Một người ngồi trong ghế bành.”)
Còn Vạn với Bích? Còn giữa hai người khác phái mà “mọi sự đều được phép xảy ra” và đã từng xảy ra ngay trong truyện? Đối với Bích, Vạn chỉ là một người đàn ông “quen thuộc, theo cái nghĩa rất đàn bà,” thế thôi. (“Đường mòn.”)
Thế giữa Thư với Mạnh? Giữa hai người đã có một đứa con, đứa “con của chúng ta” thì sao? Mạnh suy nghĩ, “Chúng tôi có là gì nhau đâu (….) Chúng tôi chỉ là bạn, bạn, ngắn ngủi có từng ấy thôi. “Chưa bao giờ Thư nhìn tôi bằng cái nhìn dịu dàng, nói gì đến chuyện yêu đương.” Mạnh còn nghĩ xa hơn: “Tôi thì tôi rất ghét những con vật làm ra vẻ cao siêu đó lắm.” (Thư là một trong số những “con vật” ấy.) Thư cũng nghĩ ngợi về Mạnh: “Tôi chưa bao giờ yêu anh. Tuy nhiên tôi có một trí nhớ tốt: anh là vật xúc tác kỳ diệu nhất mà tôi được biết.” Thư được “biết”điều ấy vào cái hôm Mạnh say khướt rồi ở lại một mình chung phòng với Thư suốt ngày. (“Giả mù sa mưa.”)
Mạnh với Thư “có là gì nhau đâu;” Lữ với Hà cũng là một cặp nữa, và cũng tự kiểm điểm, “chúng tôi chẳng là gì nhau.” Hà tự hỏi: “Làm sao tôi có thể yêu được Lữ?” Thế thì tại sao lại gần nhau?” Hà bảo: “Có lẽ rồi tôi đến ghiền anh mất.” (“Sinh nhật trên sân thượng.”)
Một vật xúc tác tốt, một thói quen trở nên cái ghiền. Ngoài ra, trong cuốn Sinh nhật, về mối liên hệ nam nữ còn có nhiều lối nói khác: Bóng tối, hơi thở dục tình, những mơn trớn làm rởn da gà (trang 29), những rạo rực của một thân xác ham muốn (trang 64), thích chiều cao và bề dầy của thân thể anh, thèm khát được ôm ấp, chịu đựng và chế ngự sức nặng của thân thể đó, muốn bị bẹp dí, rã rời, tan biến như mây khói khi gần gũi (trang 67), con sâu dục vọng đang bò lẩn quẩn (trang 73), thân thể tôi đây anh cứ mở cửa đi vào, bởi làm đàn bà chỉ có ý nghĩa khi có sự hiện diện của một người đàn ông (trang 78), nghe nước miếng mình ứa ra thèm khát, nghe những tế bào trong tôi cựa quậy, nghe ngóng, chờ đợi nhức nhối (trang 88) v.v….
Toàn những thân xác rạo rực. Còn “trái tim,” chỗ phát xuất của tình yêu xưa nay? – “Trong đời sống chúng ta thiếu thốn hết đủ thứ nhưng trong trái tim chúng ta lại quá thừa sự dửng dưng (….) Không, chẳng còn thứ tình yêu nào dành cho chúng tôi hết” (trang 66).
Những nhân vật dửng dưng, không có tình yêu, những nhân vật ấy cũng không buồn nghĩ về cuộc sống: “Chưa bao giờ nàng trả lời tôi một câu nào khác ngoài câu: Không, tôi chẳng nghĩ gì hết” (trang 56). “Thói quen, tôi coi đời sống như một chuỗi những thói quen, những thói quen tốt và xấu đan kết vào nhau chằng chịt (….) Thói quen làm ta dửng dưng hết mọi sự vật, trí tưỡng tượng khô cằn và cảm xúc cũng trở nên chai cứng” (trang 61). “Đời sống bị bủa vây bởi những đều đặn nhàm chán, niềm tin cũng đã tàn rữa” (trang 64).
Cả cuộc sống đã thế, huống hồ cái chiến tranh đang diễn ra quanh đây. Đáng gì mà phải suy nghĩ, phải tìm hiểu. Bất quá, đó là “một cuộc chiến kỳ lạ đến khó hiểu” (trang 75). Rối lắm. Kỳ lạ lắm. Không hiểu được. Đuổi nó đi chỗ khác chơi. Đừng lý đến nó.
Những nhân vật như thế không riêng của Nguyễn Xuân Hoàng. Nhân vật bực dọc với cuộc chiến kỳ lạ, phi lý v.v…, nhan nhản trong truyện các ông Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Thế Uyên, trong thơ Nguyễn Bắc Sơn v.v…. Kẻ trót dính vào truyện thời cuộc, không khỏi tưởng tượng ra cái cảnh đạo quân hùng hổ của Miền Bắc xông vào, xéo lên đám nhân vật nọ như lên một khối nhão nhoẹt, ngơ ngác, vô lực, vô thức, không một chút đề kháng: cảnh tượng thảm hại quá chừng.
Các tác giả sẽ nhún vai: Cái đó không thuộc về nghệ thuật.

Võ Phiến
12-97
 
Source  : damau.org

Nguyễn Xuân Nghĩa : Mỹ-Nga Nháng Lửa


Mâu thuẫn Nga Mỹ ở một nơi bất ngờ
          * Bật lại bang giao và bật lên khí đốt *

Như một tay mơ chính hiệu, Tổng thống Barack Obama tin vào sự sùng bái mà truyền thông cánh tả dành cho ông, tưởng rằng mình mở ra một kỷ nguyên mới, và như một đấng Cứu Thế sẽ đẩy lui thủy triều. Tuần này, ông bắt đầu thấy ra một sự thật khác.
Sự thật đó không là những lụp chụp với hồ sơ Syria (xin đọc bài "Obama, Syria và Silly-A - Nghịch lý Obama, vũng lội Syria và Liên bang Nga cười cười" trên cột báo này vào tuần trước). Nghĩ rằng dư luận đã quên lời phát biểu dõng dạc hùng hồn của mình vào ngày 20 Tháng Tám năm ngoái, ông chối bỏ rằng mình không vẽ "lằn ranh đỏ" cho chế độ độc tài Bashar al Assad của Syria. Họp báo tại Stockholm bên Thủ tướng Thụy Điển, ông biện bạch là chính "thế giới và Quốc hội Hoa Kỳ" mới vạch ra giới hạn này, nên bây giờ có nhiệm vụ chứng tỏ sự khả tín khi chế độ al Assad sử dụng võ khí hóa học chống lại thường dân.
Nhưng sự bất nhất và dập dừng đó về chuyện Syria đang là thời sự nóng. Nhưng tình chất tài tử của Tổng thống Obama phải được thấy từ trước, trong quan hệ với Liên bang Nga.
Nó đang kết trái tại Thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg: thời sự quốc tế chú ý đến việc Tổng thống Mỹ không có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Vladimir Putin của Nga mà lại gặp các tổ chức ngoài chính phủ (NGOs) và những đoàn thể tranh đấu cho nhân quyền tại Nga. Mục đích có thể là để gây khó cho chính quyền Putin.
Chúng ta trở lại nguyên ủy để hiểu ra những mâu thuẫn trong quan hệ Nga-Mỹ mà Obama không thấy, hoặc tưởng rằng mình sẽ vượt qua.
***
Sau khi đắc cử năm 2008 và vừa nhậm chức vào đầu năm 2009, Chính quyền Obama có sáng kiến gọi là chiến lược, đó là cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. Họ dùng một khái niệm vật lý là bật lại cái nút, reset the button.
Về ngôn từ, Phó Tổng thống Joe Biden đã nói sai việc cải thiện này thành "reset" rồi bộ Ngoại giao của Hilary Clinton còn dịch sai ("reset" mà in thành "reload") trên cái hộp bà tặng người tương nhiệm là Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga. Nhưng chuyện quan trọng không là ngôn từ hay tự vựng mà là nội dung. Obama muốn san bằng mâu thuẫn với Liên bang Nga trong tám năm cầm quyền của George W. Bush, để trở về trước khi có vụ khủng bố 9-11. 
 Bật lại cái nút hay lên đạn?
Là tay mơ còn đang "phát triển cộng đồng", Obama không nhìn ra một chuyển động lớn từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991. Xin hãy tóm lược ở đây....
Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước Trung Âu và Đông Âu đều thoát khỏi quỹ đạo Xô viết. Họ vừa xây dựng dân chủ vừa hội nhập với Âu Châu, khi ấy còn gọi là Tây Âu, sau này mới thành Liên hiệp Âu châu. Chính quyền Bill Clinton có góp phần chuyển hóa này khi đẩy lá chắn của Minh ước NATO về hướng Đông, đằng sau là các cuộc cách mạng dân chủ muôn màu.
Nhưng nhìn theo con mắt của lãnh đạo Moscow thì đấy là thu hẹp vùng ảnh hưởng của Nga, điển hình là việc Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc nội chiến tại Liên bang Nam Tư và vùng Balkans rồi NATO còn tấn công Cộng hoà Serbia, một đồng minh truyền thống của Nga, để cứu dân Hồi giáo tại Kosovo và Âu Châu đòi giành quyền độc lập cho Kosovo....
Bị khủng hoảng trong 10 năm "hậu Liên Xô", Liên bang Nga đành thúc thủ trước thế lực độc bá của Hoa Kỳ. Và chỉ hồi phục từ khi Vladimir Putin lên làm Thủ tướng năm 1999 rồi Tổng thống trong hai nhiệm kỳ, 2000-2008. Dựa trên lợi thế năng lượng lên giá, Putin muốn chinh phục lại vùng ảnh hưởng Xô viết, thực tế là đẩy lui trào lưu dân chủ trong các nước Đông Âu cũ và cản trở sự bành trướng của Liên Âu.
Mâu thuẫn Đông-Tây lại tái diễn.
Dù mắc bận với cuộc chiến chống khủng bố ngay trong năm vừa nhậm chức là 2001, Tổng thống Bush vẫn công nhận sự sai lầm và trách nhiệm của Hoa Kỳ khi bán đứng Đông Âu cho Liên bang Xô viết sau Thế chiến II. Đầu năm 2002, Bush hủy bỏ Hiệp ước ABM (hỏa tiễn chống phi đạn) đã ký kết với Liên Xô từ năm 1972 để giành quyền phát triển hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile). Ông muốn duy trì động lượng hay cái trớn (momentum) của làn sóng dân chủ do vị tiền nhiệm tiến hành, rồi đưa ra kế hoạch bảo vệ Đông Âu bằng lá chắn chiến lược BMD (ballistic missile defense).
Cụ thể là một hệ thống thám báo đặt tại Cộng hoà Tiệp nối kết với dàn hỏa tiễn thiết trí tại Ba Lan. Tiếng là để phát giác và ngăn chặn hỏa tiễn từ Iran mà thực tế là để phòng ngự Đông Âu. Nếu Nga thấy ngại thì phải gây áp lực với Iran, chứ không thể cùng Trung Quốc giải vây và bao che cho các Giáo chủ cực đoan ở Tehran.
Phần mình, ổn định xong nội tình và củng cố được quyền lực, Putin bắt đầu tổng phản công.
Năm 2008, khi Âu Châu và Hoa Kỳ vừa bị khủng hoảng là Nga dùng võ lực tấn công Cộng hoà Georgia (ngày tám Tháng Tám, 2008) rồi gây áp lực về năng lượng với Cộng hòa Ukraina từ đầu năm 2009. Sau đó, Putin còn đưa ra sáng kiến thiết lập hệ thống quan thuế tự do từ Âu Châu tới Á Châu: nếu các nước dân chủ có Liên Âu European Union thì Nga sẽ có Eurasian Custom Union, kéo dài từ rặng Urals tới Viễn Đông và bao trùm lên Trung Á.
Đấy là lúc Obama lên nhậm chức với chiến lược cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.
Đầu năm 2009, tại Thượng đỉnh G-20 ở London hai Tổng thống Obama và Dmitri Medvedev đã thông báo một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Cụ thể đảo ngược quyết định của Bush và tháo gỡ hệ thống phòng thủ BMD khiến các nước Đông Âu ngao ngán là lại bị Mỹ phản bội. Nhiều người đã quên lời than của cố Tổng thống Václav Havel về vụ này.
Ông Obama còn thương thuyết lại Hiệp ước START sắp mãn hạn và kêu gọi Nga khuyên giải Iran từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Mà không kết quả. Những ai mắc chứng Obamê mà hoài nghi chuyện ấy thì có thể vào trang nhà của Phủ Tổng thống đọc lại những giấc mơ màu hồng của Obama với Medvedev.
Vì hạn định của Hiến pháp Nga thời Yeltsin, Putin phải lui về làm Thủ tướng sau hai nhiệm kỳ Tổng thống (2000-2008) nhưng vẫn thực sự là lãnh tụ của Tổng thống Medvedev. Suốt bốn năm liền của Medvedev và từ đầu năm 2012, khi Putin trở về làm Tổng thống, Nga liên tục có thái độ gây hấn với Hoa Kỳ, kể cả bằng oanh tạc cơ Tu-95B và tiềm thủy đĩnh hạng Akula ở ngoài khơi Alaska, trong vùng Vịnh Mễ Tây Cơ và trên lãnh hải của đảo Guam.
Trên toàn cầu, Nga triệt để cấu kết với các chế độ hung đồ như Trung Quốc, Iran, Syria hay Cuba và Venezuela để giảm thiểu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Vậy mà khi tái tranh cử năm 2012, Obama vẫn nhờ Medvedev nhắn thầm với Putin, rằng sau khi thắng cử, ông sẽ "có khả năng linh động hơn"!
Kết quả thì Barack Obama được Putin trả ơn bằng cái tát: Nga cho Edward Snowden tỵ nạn chính trị sau khi bị nhà chức trách Hoa Kỳ truy nã về tội tiết lộ bí mật quốc gia. Vì biến cố đó mà Obama phải hủy cuộc họp riêng với Putin tại Thượng đỉnh G20 và đi gặp đối lập khi hệ thống quyền lực của Putin đã có dấu hiệu rạn nứt ở bên trong.
***
Người ta có thể bình luận dài dòng về mâu thuẫn Mỹ-Nga. Sau đây là vài nét chính.
Với rất nhiều nhược điểm - như chủ quan, phóng túng, hết hồ hởi sảng lại hốt hoảng bậy - Hoa Kỳ có chế độ dân chủ. Đây là "chế độ ít tệ nhất trong các giải pháp chính trị mà loài người đã thử nghiệm", ý của Winston Churchill. Ngược lại, Nga vẫn duy trì ách độc tài, tham nhũng thì chẳng thua gì thời Yeltsin, mà chuyên chế gấp bội, với thế lực của Putin được xây dựng trên hệ thống quốc doanh về năng lượng và chiến dịch bóp chết quyền tự do báo chí cùng đòn phép bức hại đối lập.
Khác biệt ấy khiến Hoa Kỳ vẫn là niềm hy vọng cho các nước khát khao dân chủ trên thế giới, còn Nga thì là đồng minh bảo trợ các chế độ chuyên quyền. Cùng với Bắc Kinh, Moscow tận dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để chặn mọi quyết định của Hoa Kỳ và các nước Tây phương và để bảo vệ các chế độ độc tài.
Một mâu thuẫn thứ hai thuộc về kinh tế và chính trị.
Trong khi Hoa Kỳ mở rộng sáng kiến xây dựng chiến lược hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và thương thuyết hiệp định tự do mậu dịch với Liên Âu thì Nga phát triển hệ thống tự do mậu dịch Âu-Á như đã nói ở trên. Năm 2008, khi Thụy Điển và Ba Lan đề nghị kế hoạch đối tác (Eastern Partneship) giữa Liên Âu với các nước Đông Âu, như Belarus, Ukraina, Moldova, Georgia, Armenia và Azerbaijan, Putin bèn ra sức ngăn cản bằng kế hoạch quan thuế Âu-Á.
Được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm ngoái, Nga tiếp tục vi phạm quy định của WTO và gây áp lực kinh tế với các nước Đông Âu để tách họ khỏi Liên Âu và trở về quỹ đạo Xô viết cũ. Chẳng những vậy, Putin tận dụng võ khí năng lượng để chia rẽ các nước Tây Âu với Đông Âu như đã thấy từ đầu năm 2009: Nga phong toả khí đốt bán cho Ukraina làm các nước Tây Âu khốn đốn và đòi Ukraina phải nhượng bộ Moscow.
Chiến lược hơn vậy, Putin còn muốn kéo nước Đức vào thế trung lập, thậm chí thỏa hiệp với Moscow để có thể mua khí đốt của Nga. Người ta không quên là ngay sau khi Putin tấn công Georgia năm 2008, Thủ tướng Đức là Angela Merkel đã lập tức bay qua Moscow hoà giải, trước phản ứng khó chịu của hai Tổng thống Bush và Nicolas Sarkozy của Pháp.
Nhưng thật ra, mâu thuẫn quan trọng nhất giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga nằm trong một lãnh vực sinh tử của Nga, và bên ngoài chánh sách của Obama. Đó là năng lượng.
***
Liên bang Nga của Putin chỉ là một nước chậm tiến, sống nhờ sản xuất và xuất cảng năng lượng. Khu vực dầu khí chiếm tới 30% Tổng sản lượng, đem lại phân nửa ngân sách của Putin và 70% xuất cảng của Nga. Nhưng từ khi lãnh đạo, Putin dùng năng lượng làm võ khí và còn cả tin vào một chiều hướng lâu dài là năng lượng lên giá. Cũng vì vậy, kinh tế Nga lệ thuộc vào dầu thô và khí đốt, mà khu vực năng lượng lại tụt hậu nhờ được bảo vệ và giữ thế độc quyền.
Trong khi đó, vì giá dầu khí tăng vọt, thị trường tại Hoa Kỳ đã lặng lẽ tính kiểu khác.
Không chỉ nâng hiệu suất tiêu thụ, tốn ít hơn mà được nhiều hơn để giảm số cầu, kỹ nghệ năng lượng Mỹ  còn cải tiến khả năng sản xuất để nâng số cung.
Họ đào dọc rồi xoay ngang và bơm dung dịch với áp suất cực mạnh vào đá phiến để gạn ra dầu khí và áp dụng công nghệ mới để chế tạo khí lỏng có khả năng vận chuyển tiện lợi hơn. Kết quả là Hoa Kỳ bỗng dưng thành đại gia sản xuất năng lượng với triển vọng là một nước xuất cảng đáng kể. Không những vậy, qua các dự án liên doanh và hợp tác, Hoa Kỳ còn quảng bá kỹ thuật mới cho các nước Tây phương.
Họ không còn bị khối OPEC hay các nước Trung Đông bắt bí về năng lượng mà còn đe dọa thị trường xuất cảng của Nga và giúp Âu Châu có dầu, khí, và cả than đá, để khỏi bị Putin xử ép.
Trận đánh Mỹ-Nga về dầu khí mới là hồ sơ còn đáng kể hơn chuyện Syria hay Geogia, Ukraina....
Tuần qua, một ông trùm về năng lượng của Nga báo động rằng "các doanh nghiệp quốc tế đang có âm mưu phá hoại khu vực năng lượng và làm kinh tế của Nga bị tê liệt". Chủ tịch Igor Sechin của tập đoàn quốc doanh Rosneft không là tài phiệt ôm tiền trong quỹ đạo Putin, mà là người cầm đầu phe "siloviki" gồm các thế lực an ninh và quân sự bảo thủ nhất chung quanh Putin, và từng là Phó Thủ tướng và cố vấn thân tín cho Putin. Lý do báo động là vì tổ hợp ExxonMobile của Mỹ vừa tạm ngưng thực hiện một dự án khí lỏng cho Nga. 
Đấy chỉ là chi tiết nhỏ phản ảnh vấn đề lớn.
Trong cả chục năm, Putin củng cố và bảo vệ thế độc quyền của các tập đoàn năng lượng nhà nước. Nhưng thế độc quyền mới gây lụn bại, như đã thấy tại Iran, Venezuela, Việt Nam hay Trung Quốc. Và ngày nay hệ thống tụt hậu này của Nga cần học hỏi công nghệ hiện đại của các nước Tây phương. Khi Putin gây khó cho các nước Tây phương thì mới thấy khí bốc lên đầu....
Chi tiết ly kỳ là Chính quyền Obama đã đi bên lề cuộc cách mạng về công nghệ năng lượng của Hoa Kỳ, có lúc còn muốn cản trở vì áp lực của cánh tả là để bảo vệ môi sinh.... Lần này, Tổng thống Mỹ sẽ ngẩn ngơ trước thế lực của nước Mỹ và sự hậm hực của Putin.  
Chính sách "reset" của ông rất vần với rỉ sét!

Source : Việt Báo / Dainamax Tribune
 



Nói tiếp về ý tưởng cơm 2.000 đồng


Trường Yên
Cập nhật: 10:02 GMT - thứ bảy, 7 tháng 9, 2013 
 
Quán cơm 2000 đồng
Nhiều quán cơm 2000 đồng như của 'Người tôi cưu mang' đã xuất hiện
Bài viết “Một góc nhìn về cơm 2000 đồng” của tác giả Nguyễn Quảng đăng trên BBC ngày 5/9/2013 đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.
Những ý kiến đồng tình cho rằng, bài viết đã phân tích ra những hệ lụy xã hội như ảnh hưởng đến những người bán “cơm bình dân”, tạo điều kiện cho những kẻ “chăn thầu ăn mày” càng giàu thêm, làm tăng tỷ lệ di dân cơ học từ nông thôn vào thành thị, cổ vũ tính ỷ lại của dân nghèo,…
Ngược lại, những ý kiến phản đối lại cho rằng, bài viết có một góc nhìn hạn hẹp, chà đạp lên giá trị “từ thiện” của những người tổ chức cơm 2.000 đồng, quay lưng lại với những giá trị truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt.
Để rộng đường dư luận, bài viết này sẽ phân tích vấn đề trên ở một góc nhìn khác.
Từ thiện hay kinh doanh
Cơm 2.000 đồng xuất phát từ ý tưởng của một nhóm người thiện nguyện, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để cung cấp một bữa ăn miễn phí cho người nghèo.
Người Việt thường có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Có lẽ nhìn nhận rõ vấn đề trên, nên những nhóm thiện nguyện đưa ra mức giá 2000.đồng để những người nghèo không bị mặc cảm theo kiểu “bố thí” khi nhận những xuất cơm từ thiện như thế.
Ý tưởng cơm 2.000 đồng không mới. Đã từ lâu, tại một số chùa và tu viện đã có những bữa ăn miễn phí cho người nghèo, chủ yếu vào các ngày cuối tuần. Những người thiện nguyện góp tiền, gạo, công sức để tổ chức nấu những bữa cơm miễn phí. Cũng có những nhóm thiện nguyện góp tiền nấu cơm và phát cho những bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện.
Như vậy có thể thấy, cơm 2.000 không phải là một ý tưởng kinh doanh, càng không phải là một ý tưởng từ thiện mới mẻ.
Những nhóm thiện nguyện tổ chức bán cơm 2.000 đồng với mục tiêu không chỉ giới hạn những bữa ăn miễn phí cuối tuần tại các chùa, không chỉ giới hạn những xuất cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo trong xã hội. Mà họ muốn đưa mô hình này nhân rộng ra xã hội, giúp những người nghèo khác có những bữa ăn “gần như” miễn phí hàng ngày, với mức giá mang tính tượng trưng: 2.000 đồng. Đồng thời, việc trả 2.000 đồng để mua một suất cơm cũng có ý nghĩa để những người nghèo được ăn cơm đóng góp vào để có thêm nhiều suất cơm cho những người nghèo khác.
Như vậy, có thể thấy, cơm 2.000 đồng không phải là một phương thức kinh doanh. Đây là một chương trình từ thiện của những người thiện nguyện với mong muốn có một sự sẻ chia với những người nghèo trong xã hội như truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Có hay không hệ lụy xã hội
Bài viết của tác giả Nguyễn Quảng nêu lên những hệ lụy của hình thức “kinh doanh” cơm 2.000 đồng. Tác giả cho rằng cơm 2.000 đồng “bán phá giá” và ảnh hưởng đến những người bán cơm bình dân khác. Tiếp tay cho những kẻ chăn thầu ăn mày làm giàu trên thân xác của trẻ em ăn xin. Khuyến khích người dân lao động phổ thông từ nông thôn tràn vào đô thị. Đồng thời, tạo ra tính ỷ lại của người nghèo khi đã có những người khác “bao cấp”.
Bất kỳ một hoạt động nào trong xã hội, mà đặc biệt những hoạt động liên quan đến người nghèo đều có tính tích cực và mặt hạn chế của nó. Không riêng gì xã hội Việt Nam, mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng không ngoại lệ. Những đô thị phồn hoa như Paris, New York hay Tokyo không phải là không có những người nghèo và những khu nhà ổ chuột.
Rõ ràng, mục đích của cơm 2.000 đồng là làm từ thiện như đã nêu ở trên. Những người thiện nguyện không có ý định cạnh tranh kinh doanh với những người bán cơm bình dân. Họ cũng không tiếp tay cho những kẻ chăn thầu ăn mày, cũng không muốn tạo ra tính ỷ lại của người nghèo.
Những thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, luôn có hàng triệu người lao động. Nghĩa là trưa nào cũng có hàng triệu suất cơm được bán ra. Với vài cửa hàng cơm 2.000 đồng, mỗi cửa hàng bán tối đa 200 suất cơm/ngày , nghĩa là chương trình này chỉ cung cấp khoảng 1.000 suất cơm mỗi ngày. Có hay không sự ảnh hưởng đến những người bán cơm bình dân khác, chắc độc giả tự đánh giá được.
Đối với những kẻ chăn thầu ăn mày, những kẻ có thể nói là thất đức nhất trong xã hội, vì chúng kiếm tiền trên thân xác của những trẻ em vô tội. Chúng là những tội phạm của xã hội mà chúng ta cần phải lên án và trừng trị. Thay bằng việc phê phán cơm 2.000 đồng giúp cho chúng tiết kiệm được 18.000 đồng từ bữa trưa của đứa trẻ, hãy làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn để loại bỏ những kẻ này trong xã hội, để những trẻ em thay vì đi ăn mày được đi học, được vui chơi như những trẻ em khác.
Đối với những người lao động nghèo, đành rằng những người nghèo có tính ỷ lại. Nhưng sự ỷ lại không phải vì họ không cố gắng, mà là họ không thể cố gắng. Khi mà họ không có tri thức, không có nghề nghiệp, không có phương tiện và công cụ lao động,… thì sự cố gắng của họ có đem lại hiệu quả gì không? Đồng thời, cũng cần nhìn nhận rằng, sự ỷ lại của họ một phần được hình thành từ sự quản lý tập trung bao cấp duy ý chí trước đây và thậm chí ngay cả hiện tại.
Như vậy, những hệ lụy xã hội nêu trên nếu không có cơm 2.000 đồng vẫn đã và đang tồn tại. Vấn đề cần quan tâm là những yếu kém của cơ chế quản lý nhà nước và những định hướng nhận thức xã hội dẫn đến tồn tại những vấn nạn xã hội chứ không nên đổ lỗi cho một chương trình từ thiện có ý nghĩa như cơm 2.000 đồng.
Và những trăn trở!
Không chỉ riêng Việt Nam có cơm 2.000 đồng, mà nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng có những chương trình tương tự. Chẳng hạn những nhà trọ miễn phí cho dân lang thang, hay những chương trình phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo.
Có điều, ở những nước phát triển, những chương trình giúp đỡ người nghèo, người lang thang cơ nhỡ không “bị” những người không nghèo, có nhà có cửa lợi dụng.
Đó cũng chính là điều mà tác giả Nguyễn Quảng áp đặt quan điểm cơm 2.000 đồng là một hình thức kinh doanh, bởi vì những kẻ có tiền sẵn sàng nhảy vào tranh suất cơm 2.000 với những người rất nghèo, cần có sự giúp đỡ.
Xã hội đã kịch liệt lên án những hành vi như thế khi có những kẻ đi xe SH vào ăn cơm 2.000 đồng ở quán mệ Hiếu (Tp. Huế), hay những nhân viên văn phòng chen nhau mua suất cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn. Ngay cả những người thực hiện chương trình cơm 2.000 đồng và những người tài trợ, đóng góp cũng thấy bất bình vì lòng tốt của họ bị lạm dụng.
Câu hỏi đặt ra, tại sao ở Việt Nam lại có những điều xấu đến thế?
Có lẽ, do trải qua những thời kỳ rất khó khăn về kinh tế, nên trong tâm thức của một bộ phận không nhỏ người Việt luôn bị ám ảnh, và thói quen cố “giành” bằng được miếng ăn mà không mất công sức đã thành một bản năng của họ.
Cũng có lẽ, do ám ảnh cái nghèo, nên một bộ phận không nhỏ cố làm giàu bằng mọi giá, kể cả tranh suất cơm 2.000 đồng của những người thực sự nghèo và cần sự giúp đỡ để dư ra 18.000 đồng làm giàu cho bản thân.
Cũng có lẽ, sự vô cảm và ích kỷ của một bộ phận không nhỏ người Việt. Họ sẵn sàng lạm dụng lòng tốt của những người thiện nguyện, sẵn sàng giành giật suất ăn 2.000 đồng mà họ không phải là đối tượng để bán, cũng như có hàng trăm người nghèo thực sự đang đứng chờ mua suất cơm ấy, và cũng như trong túi họ có đủ tiền để đi ăn nhà hàng.
Những kẻ đi xe SH, những kẻ có đủ tiền đi ăn nhà hàng,… lại lao vào tranh cướp một suất ăn từ thiện 2.000 đồng của người nghèo, chắc chắn không có một chút “liêm sỉ” nào cả. Cũng chính những kẻ đó làm mất đi tính nhân đạo của xã hội đối với chương trình cơm 2.000 đồng. Làm tổn thương lòng tốt của những người hảo tâm với người nghèo. Làm xã hội nghi ngờ tính thiện nguyện của những quán cơm 2.000 đồng và coi đó là một phương thức kinh doanh “bán phá giá”.
Tại sao xã hội bây giờ lại đầy rẫy những kẻ như vậy? Câu trả lời để dành cho độc giả!!!
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang làm việc ở một trường đại học tại Hà Nội.

Nguyễn Quảng - Một góc nhìn về cơm 2000 đồng



Cập nhật: 09:52 GMT - thứ năm, 5 tháng 9, 2013 
 
 
Quán cơm 2000 đồng
Nhiều quán cơm 2000 đồng như của 'Người tôi cưu mang' đã xuất hiện
Từ khi có quán cơm mới mở bán với giá 2 nghìn cách đó vài con phố vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6, chị L – chủ một quán cơm bình dân tại một quận trung tâm thành phố Hồ Chí Minh – chỉ bán được một nửa hàng.
"Những ngày đó chị cắt giảm phần ăn cho đỡ ế, cứ thế này thì chết đói hết" – chị phân trần với tôi sau khi nói một tràng lẫn những câu đệm không có trong từ điển.
Quán cơm 2 nghìn đã nhân rộng ra nhiều nơi, thậm chí đã tới Hà Nội, với giá 5 nghìn.
Hai nghìn hay 5 nghìn cũng đều là bán dưới giá cả, và đều là những đồng tiền lẻ để rải trong đám ma.
Hãy thử phân tích xem, liệucó 100 quán cơm kiểu 2 nghìn thì lợi hay hại?

Bán 'phá giá'

Về mặt kinh tế, rõ ràng khi quán 2 nghìn bán được 1 suất cơm, đâu đó ở thành phố, một quán cơm bình thường sẽ ế một suất cơm.
Nếu quán 2 nghìn mở cạnh 1 hàng cơm bất kì, chủ quán cơm bán 20 nghìn 1 suất đó phải đổi nghề, do không thể cạnh tranh lại.
Vì cùng một suất cơm với ngần ấy thức ăn, mà một hàng lại bán cao hơn đối thủ đến mười lần, đương nhiên khách sẽ chọn phương án cơm 2 nghìn.
Cứ một quán cơm 2 nghìn được mở, đồng nghĩa một quán cơm bình thường khác phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt lao động bị mất việc.
Đến anh đến lấy nước gạo nuôi lợn cũng mất phần mà phải ngậm ngùi quay gót.
Những chủ quán cơm bình thường hoàn toàn không có lỗi khi mở quán để kiếm tiền.
Họ phải thuê cửa hàng, nhân công, trả tiền thuế, tiền điện, nước... và không thể bán phá giá như quán 2 nghìn đồng.
Một sự cạnh tranh bất bình đẳng liệu có công bằng cho họ? Họ cũng đóng thuế như bao doanh nghiệp, nhưng ai sẽ bảo vệ họ cú bán phá giá tuyệt đối gây ra bởi hàng cơm 2 nghìn bên cạnh?
Khách của những quán cơm hai nghìn thường là lao động ngoại tỉnh, lao động nghèo, xe ôm, ve chai, xe ôm, hàng rong, ăn mày...
Vấn đề nằm ở chỗ, họ ở đâu khi chưa có cơm 2 nghìn? Có thể họ tự nấu ăn hoặc ăn quán, nhưng chắc chắn giá bán phải nhiều hơn 2 nghìn.

'Chăn thầu ăn mày'

Những kẻ hưởng lợi trước tiên từ cơm 2 nghìn là những kẻ chăn thầu ăn mày.
Thầu ăn mày nghĩa là một anh nuôi độ chục trẻ nít. Anh ta trả cho bố mẹ lũ trẻ một khoản tiền để đưa các em lên thành phố làm ăn mày, với nhiệm vụ mỗi ngày phải nộp số tiền ăn xin được.
Giờ anh lùa chúng vào quán cơm 2 nghìn, trước anh trả 200 nghìn cho 10 xuất cơm (mười em), giờ anh chỉ phải trả có 20 nghìn. Anh đã giàu lại càng giàu!
Người ăn mày cũng không vui đâu. Họ đi ăn mày cả ngày rồi. Giờ lúc ăn vẫn phải ăn mày.
Tôi mà là họ ắt cũng cáu lắm.
Anh xe ôm cũng quá vui. Anh vào quán 2 nghìn ăn trưa, thế là để dành dôi ra được 18 nghìn, và dùng tiền này để thư giãn với cốc bia hơi vào buổi chiều.
Tương tự với các anh chị vé số ve chai, họ để dành ra được một cơ số tiền nhờ vào quán 2 nghìn.

Rẻ nhưng liệu có hay?

Nhưng câu hỏi là: có nhiều quán 2 nghìn liệu có hay?
Quá nhiều lao động ngoại tỉnh tràn vào thành phố đã khiến khắp nơi quá tải và ngột ngạt. Phần đông số này xả rác khắp nơi, phóng uế bừa bãi, ngủ vạ vật gầm cầu mái hiện thậm chí giữa hè phố và vô luật pháp.
Nhân viên phục vụ trong quán cơm 2000 đồng của Người tôi cưu mang
Các quán cơm 2.000 đồng phục vụ nhiều khách hàng nghèo
Cơm 2 nghìn sẽ tiếp sức tích cực cho họ trong công cuộc bám trụ thành phố, và nếu ai đó đang phân vân giữa việc rời quê lên thành phố để kiếm sống, cơm 2 nghìn đã cho họ câu trả lời sắc nét (dĩ nhiên là nếu mô hình cơm 2 nghìn được nhân rộng hơn hiện tại).
Quán cơm 2 nghìn được nói là "chỉ phục vụ người nghèo". Nhưng thế nào là nghèo?
Rất nhiều trường hợp những người dân xấu tính hôi đồ hôi của xe tai nạn, trong khi họ đâu có nghèo?
Quán cơm 2 nghìn đâu có lựa chọn hoàn cảnh, khi bất cứ ai cũng vào ăn được với tờ bạc 2 nghìn trên tay. Vậy chủ các quán cơm 2 nghìn có chắc nhiều người không tranh thủ vào ăn ké, như cách họ hôi đồ trên xe tai nạn?
Cho họ ăn gần như miễn phí liệu có phải cách giúp hay?

Con cá và cần câu

Việt Nam thời bao cấp cũng được viện trợ nhiều từ các nước bạn thuộc khối xã hội chủ nghĩa.
Nhưng khi Liên Xô tan rã, Việt Nam đã phải tự đi trên chính đôi chân của mình. Và thật ngạc nhiên, khi từ một nước chỉ biết nhận viện trợ, nước này đã thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, trong thời gian rất ngắn.
Được viện trợ chưa chắc đã hay, vì nó khiến người nhận bị lệ thuộc và khiến đôi chân họ yếu đi.
Tôi đánh giá cao lòng nhân đức của các vị mạnh thường quân và lòng hảo tâm của họ để duy trì quán cơm 2 nghìn, nhưng bỏ đồng tiền chỉ để lương tâm thanh thản mà không quan tâm rằng liệu đồng tiền đó có giúp được cho bà con nghèo hay không, đây là điều khiến tôi băn khoăn hơn cả.
Hẳn chúng ta đều đã nghe câu: hãy cho kẻ khốn khó cần câu, thay vì con cá?
Quán cơm 2 nghìn chính là con cá, nó không giúp được vào trọng tâm của vấn đề.
Ngược lại, mô hình kinh tế này gây cạnh tranh bất bình đẳng, dồn nhiều lao động ngoại tỉnh về trung tâm, làm suy yếu nghị lực bản thân của người tìm đến ăn, rõ ràng chả việc gì phải cày cuốc kiếm ăn mửa mật, khi mà ăn 1 bữa no tới 24 giờ kế tiếp?
Vậy hãy phân vân một chút, điều gì sẽ xảy ra nếu có một trăm quán cơm "2000 đồng" như thế?

Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, hiện sống ở Anh quốc. Quý vị có thể xem thêm một bài viết khác về Bấm chủ đề này tại đây.

BBC © 2013
 

4/9/13

lục bát Cuồng Từ


Hình ảnh: tranh thủy mặc : Ao sen

Lục bát Cuồng Từ
_____________________________________________

Ta về
tan cuộc
vong tình
Nghẹn ngào qúa khứ
giật mình tương lai


Ta về
gầy giấc mơ dài
Sông hồ

hư ảnh
trăng cài
mặc nhiên

Ta về
rót chén u huyền
Dỗ cơn huyễn hoặc
 nhập thiền tịch dương

Ta về
 khép cánh tư lương
 Nửa vòng giải thoát
 nửa đường trần duyên

Ta về
 se ngọn trúc phiền
 Đèn khuya
 trải bóng
 viết thiên phiêu bồng

Ta về
 xếp lại sắc không
 Du du viễn mộng
 ngược dòng Tào Khê
Cuồng Từ