Những người chị trong thơ Nguyễn Bính
Võ Phiến
Bài này viết vào khoảng năm 1974, đã trao cho ông Trần Phong Giao để đăng vào một tạp chí văn nghệ ở Saigon do ông phụ trách. Bài chưa kịp đăng, xảy ra biến cố 30-4-1975. Đầu năm 1991, một người bạn cho biết bài ấy vừa xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa Văn Học số 2, ở Saigon, dưới bút hiệu Mai Thế Liên. Nếu không có sự lưu tâm của bạn, chút tài liệu nhỏ mọn có thể đã thất thoát; tác giả xin trân trọng cảm tạ. (V.P.)
Có một lần Nguyễn Bính tự phê:
Yêu, yêu, yêu mãi thế này!
Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu.
Và ông đề nghị:
Ai yêu như tôi yêu nàng
Họp nhau lại họp thành làng cho xinh.
Thương nhau dựng một ngôi đình,
Thờ riêng một vị thần linh là Nàng.
("Làng yêu đương")
Nguyễn Bính tự phê sáng suốt và đề nghị một sáng kiến thật ngộ nghĩnh.
Mặc dầu yêu gái không phải là chuyện đặc biệt cho lắm, kẻ đồng tâm với Nguyễn Bính tập hợp lại e không chỉ thành một làng mà thành cả một nước (có còn xinh chăng); nhưng cái yêu ở đây vẫn có chỗ khác thường, là yêu mãi, sa lầy... Tuy vậy, cái khác thường nhất của Nguyễn Bính, mà ông không chịu nói đến, đó là các bà chị. Vâng, khác thường không phải là Nàng vị thần linh mà là những bà chị của thần linh.
Tôi không thu thập được nhiều thơ Nguyễn Bính, nhưng cũng có trong tay hàng chục bài thơ về các chị. Nhiều nhất là những bài thơ gửi chị Trúc. Ngoài ra, có bài gửi "Người chị dưới mái trăng non"; có bài nói về người chị hàng rượu; lại có bài nói về một bà chị trống trơn, không cần minh định:
Năm xưa chị chưa lấy chồng,
Chị đan tấm áo len hồng cho tôi.
Năm nay chị lấy chồng rồi,
Mỗi kỳ gió lạnh không người đan len.
("Gió lạnh")
Tại sao gặp lúc gió lạnh lại không nghĩ đến sự ấp ủ của mẹ, đến những khắng khít êm ấm bên cạnh nàng mà lại nghĩ đến chị? Chúng ta không có tài liệu để mong được hiểu về điểm tâm sự ấy của Nguyễn Bính; nhưng đã rõ ràng là trong trường hợp này chị là chỗ hướng về khi trời trở lạnh hay lòng trống lạnh: người chị như thế đã thành một biểu tượng, không cần có mặt mũi, không cần mang tên tuổi riêng biệt.
Thơ Nguyễn Bính thường vẫn có cái vẻ dễ dàng, mộc mạc của ca dao. Những bài thơ liên quan đến các chị thì lại không thế: phần lớn là những công trình vừa dài vừa điêu luyện. Có những bài dài hàng trăm câu, lại chỉ dùng có một vần.
Tự buộc mình vào những rắc rối khó khăn như thế, thi sĩ có ý làm những chuyện tiểu xảo chăng? Trái lại, nếu muốn chọn những bài thơ nào của Nguyễn Bính mà chứa đựng nhiều chân tình, chắc chắn trong số đó phải có những bài thơ gửi chị.
Thật vậy, trong nội dung thơ Nguyễn Bính thường cũng không mấy cầu kỳ. "Sa lầy trong yêu" như ông, ông hay nói về ái tình; nhưng tuy nói nhiều ông cũng không thiết tìm ra những lối nói độc đáo, tân kỳ. Toàn những nàng con gái lầu hoa, cô lái đò, cô gái hái mơ, những chuyện mơ làm đôi bướm, mơ đậu trạng nguyên để chờ nàng gieo cầu v.v... Về các nàng toàn khuôn sáo cũ kỹ, nhưng về chị của các nàng thì không thế. Hãy nghe ông tíu tít hỏi chị Trúc:
Đố chị thư này ai viết nhé!
Chị ơi! Em bé chị đây mà!
Được tin người ấy cho em biết:
Chị Trúc giờ đang bận chữa nhà
Nhà mới bao giờ chị chữa xong?
Bao giờ cho thợ chén hồi công?
Bao giờ chị dọn sang bên đó?
Xem lịch, khai trương, đốt pháo hồng?
("Xây lại cuộc đời")
Lại nghe ông ngậm ngùi nhắc về chị Tuyết:
Nhớ ngày tôi vào chơi Hà Tiên,
Chiều chiều cùng chị về trong Rẫy,
Đường mòn, nắng nhạt soi tà tà,
Biển khơi, gió mặn thổi hây hẩy.
("Bài thơ vần Rẫy")
Kỷ niệm mỗi chiều về Rẫy, việc chữa nhà, việc xem lịch, việc ăn hồi công... xác thực, cụ thể biết bao! Các nàng thuộc cõi mơ, các chị của nàng thuộc cuộc đời thực tại sống động, gần gũi.
Yêu là ngón sở trường của các thi sĩ, vậy mà mỗi nhà thơ thường chỉ có một mối tình lớn trong đời: Liên của Đinh Hùng, Tố của Hoàng, Mộng Cầm của Hàn Mặc Tử... Tình chị là chuyện hiếm hoi, riêng ở Nguyễn Bính lại bắt gặp bóng dáng ba bốn người chị. Ba bốn người: khó có thể là sự ngẫu nhiên. Hết người chị này thi sĩ lại sà vào một người chị khác; trong tâm hồn ông hẳn phải có một khía cạnh nào nghiêng về thứ tình cảm ấy, liên tiếp xô đẩy ông về phía những người thiếu phụ ấy.
Và thứ tình cảm đã khởi hứng cho ông viết nên những bài thơ công phu về hình thức, độc đáo về nội dung đến thế, tưởng cũng là một yếu tố đáng kể trong thi nghiệp của Nguyễn Bính.
Tình chị em sự thực nó ra làm sao?
Nguyễn Bính có kể với nữ sĩ Mộng Tuyết về chuyện chị Trúc;[1] nhưng ông không có hồi ký để kể lại với chúng tạ Còn về trường hợp của chính mình thì nữ sĩ Mộng Tuyết đã thuật lại.[2]
Nguyễn Bính hứa với nữ sĩ Mộng Tuyết xem nữ sĩ là người chị tinh thần, người chị thứ hai sau chị Trúc. Đối với chị, Bính thường quấn quít bên cạnh như một chú em ngoan ngoãn. Ban ngày, chị ở ngoài tiệm thì Bính cũng ra tiệm, để "trông hàng cho chị", để "xem chị may áo", để "đi gửi thư cho chị". (Chị viết xong cái thư nào, Bính giành đi bỏ thùng thư bưu điện cái ấy.) Buổi chiều, chị về trong Rẫy, Bính đưa chân. Buổi tối, chị ở Rẫy, Bính lại vào nghe truyện đến khuyạ Chị mặc tang phục, Bính khen chị đẹp não nùng, như một bài thơ buồn. Chị gửi nhiều thư cho một người nào, Bính hờn dỗi, bảo chị làm cho Bính phát ghen.
Căn cứ vào thái độ đối với chị Mộng Tuyết, đọc lại một số bài thơ, hãy phỏng đoán về thái độ của Nguyễn Bính đối với chị Trúc.
Quấn quít là chuyện tất nhiên, bởi vì chị Trúc thân tình cố cựu hơn chị Tuyết. Cứ xem cách xưng hô thì Bính còn làm nũng với chị Trúc gấp mấy. Với chị Tuyết, Bính xưng tôi; nhưng với chị Trúc còn xưng đến "em bé", "Bính em" cơ:
Chị ơi! Em bé chị đây mà!
Chị hãy nghe lời em bé đây
("Chị đã ghen")
Bính em một tấm lòng vàng ("Xây hồ bán nguyệt")
Đi bỏ thư cho chị, trông cửa hàng cho chị... là một cách quấn quít mà cũng là một tâm lý thích tự làm cho có vẻ bé thêm. Cũng như trong cách tự xưng "em bé", "Bính em", cũng như trong cách "đố chị". Về dung nhan của chị Trúc, Bính chỉ có câu:
Chị vẫn môi son vẫn má hồng
("Xuân tha hương")
Nhưng điều đó không đủ để chứng tỏ ông ít quan tâm đến nhan sắc của chị Trúc. Bởi vì cứ theo dõi trong thơ thì Nguyễn Bính không có một lời nào nói về cái đẹp não nùng của chị Tuyết, ấy vậy mà ngoài đời ông có những câu xưng tụng nhiệt liệt đến thế. Trong thơ thi sĩ vẫn giữ sự tôn cách hơn ngoài đời. Nữ sĩ Mộng Tuyết chỉ nói về sự quấn quít lúc gần; ở chị Trúc, em Bính còn bộc lộ lòng nhớ thương lúc xa chị:
Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống,
Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng.
("Xuân tha hương")
Nhớ thương như thế thì đòi hỏi sự chuyên nhất cũng là chuyện dĩ nhiên:
Ôi, chị một em, em một chị,
Giời làm xa cách mấy con sông.
Mấy sông mấy núi mà xa được,
Lòng chị em ta vẫn một lòng.
("Xuân tha hương")
Cố nhân chẳng biết làm sao ấy,
Rặt những tin đồn chuyện bướm ong.
...
Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc,
Chắp nối nhau hoài cũng uổng công.
("Xuân tha hương")
Có khi lại là những mối tình bốn phương mà chị hẳn chưa hề được biết:
Mấy lần em tính chị ơi,
Làm quà cho chị một người em dâu.
("Một chiều say")
Em say em tính thế, chứ thực ra nàng con gái đầu tiên mà em yêu và mang ra tỉ tê với chị Trúc là ai vậy? Có phải là cô Oanh nào đó đã đi liền với chị Trúc trong hai câu thơ chăng?
Nghỉ học, cô Oanh loà một mắt,
Lấy chồng, chị Trúc bó hai tay.
("Trời mưa ở HuḀ¿")
Cả hai người con gái đều ở Hà Đông, nơi tưởng nhớ khôn nguôi của Nguyễn Bính, mặc dù quê ông ở Nam Định:
Để hồn về tận xứ Hà Đông
("Xuân tha hương")
Thương về Hà Nội, nhớ về Hà Đông
("Một chiều say")
Thành thử các người chị đã được tìm đến vì Nguyễn Bính muốn tự làm bé bỏng để thấy được tưng tiụ Trong "Hoa với rượu", người chị xem Nguyễn Bính không khác Nhi: chợ về mua quà cho cả hai, ngày giỗ cho cả hai uống rượu... "Chị Nhi thường bảo với u tôi". Chị nàng và u tôi: Chị ở đây phần nào đóng vai trò của người mẹ trong tình cảm người con trai có cái nhu cầu được ấp ủ.
Nhưng chỉ là người mẹ, không đủ. Bé Bính là thứ bé quá quắt: vừa là em bé vừa là gã đàn ông phiêu bạt, lăn lóc. Cho nên người chị cũng là người bầu bạn để nghe Bính trút bầu tâm sự. Khi thì nói về chuyện đời lang bạt:
Chị ơi, trôi nổi là thân tôi,
Cánh buồm bạt gió trôi hồ hải.
("Bài thơ vần Rẫy")
Những khi khác, nói về chuyện ái tình, đem kỷ niệm về cô này cô nọ ra nhỏ to với chị. Chị thường chứng kiến bước đầu một mối tình của em (với cô Nhi), dự tính một chuyện nhân duyên cho em (với cô Ngọc); thậm chí chị cũng là một yếu tố trong hạnh phúc lứa đôi mà em mơ ước nữa. Em tưởng tượng ngày được chung sống với người yêu rồi:
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị,
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.
("Hoa với rượu")
Chiều chiều thăm chị là một hình ảnh đẹp trong trong một cảnh sống hạnh phúc mơ tưởng. Nhưng cái hay nhất ở một người chị là vừa làm mẹ hiền, làm bầu bạn, chị vừa là một người nữ, môi son má hồng, đẹp não nùng!
Chị là thế,thật hay ho và thú vị. Nhưng trên đời, xưa nay có mấy ai đã làm một nam nhi trưởng thành mà còn công nhiên vòi chị? Dù là thi sĩ cũng chỉ gọi đến chị... Hằng mà thôi.
Lý Bạch, Đỗ Phủ... không kêu chị; Nguyễn Công Trứ hào hùng không có thơ cho chị đã đành, mà Nguyễn Du ủy mị, Tản Đà lãng mạn cũng tuyệt không có người chị "tinh thần" nào; Tú Xương lêu lổng, suốt đời la cà bên đám đàn bà con gái: "Một trà, một rượu, một đàn bà", nhưng cũng khó tưởng tượng người thi sĩ ấy xưng em, xưng bé Xương với một người chị nào.
Trong làng thơ từ trước đến nay chỉ có một "em Bính". Người chị tinh thần là một đóng góp hoàn toàn mới lạ của Nguyễn Bính vào kho đề tài thơ ca ở nước ta và ở nhiều nước ngoài tạ
Nói về Nguyễn Bính, nhiều người vẫn bảo ông là người dân quê, thơ ông là ca dao, khơi động nếp sống truyền thống, hồn ông mang cái mộc mạc quê mùa của người nông dân nghìn đời... Người ta chỉ chú ý đến cái rất cũ của ông mà không chú ý đến cái rất mới của ông. Người ta chú ý quá nhiều đến những chỗ ông giống quá khứ, giống thiên hạ; mà không chú ý đúng mức đến chỗ ông khác lạ, không giống ai. Không giống ai trong quá khứ, mà cũng không giống ai trong lớp người sau ông một thế hệ. Thật vậy, cho đến nay có nhà thơ nào chị chị em em? Không phải rằng con trai không còn nhận thấy ở những người con gái hơn tuổi mình chút ít những nét khả ái, đáng mến đáng quí; cũng không phải rằng con gái không còn cảm tình đối với những người con trai kém tuổi mình ít nhiều. Tuy nhiên một cậu con trai thoáng nghĩ: "Con trai mà xưng em kể cũng khỉ thật." Thằng Dũng nào đó tả một đứa học trò, thế mà đối với cô giáo nó thầm yêu, nó còn không muốn xưng em. Tìm cho được thơ "chị em", khó là phải.
Tình chị em, trước hiếm sau hiếm, món độc quyền ấy Nguyễn Bính giữ trọn hay có chia xẻ phần nào cho lớp người đồng thời chăng? Cái khuynh hướng tình cảm nghiêng về người chị là một khía cạnh độc đáo của tâm hồn người đàn ông ấy, hay là tâm hồn người đàn ông thời ấy?
Cùng thời với Nguyễn Bính, không cùng làm thơ như ông nhưng cùng là nghệ sĩ, có một ông Nguyễn khác Nguyễn Tuân cũng có một bà chị: chị Hoài. Chị Hoài cũng là bà chị "tinh thần", và cũng có một dung nhan xuất sắc với món tóc rất được chú em tán thưởng. Việc bắt gặp mấy bà chị ấy, chị Trúc, chị Tuyết, chị Hoài... không đủ để cho chúng ta quyết đoán về đặc điểm tâm hồn của cả một thế hệ. Nhưng sự việc nhỏ nhặt cũng là việc khác thường, lẽ nào không có chút ý nghĩa?
Nguyễn Bính than với chị: "trôi nổi là thân tôi" thì Nguyễn Tuân cũng nhiều lần nói về cuộc đời lang bạt kỳ hồ của ông. Về điểm này đời sống của hai ông Nguyễn có tính cách tiêu biểu. Vào thời ấy, đàn ông đua nhau sống đời lang bạt, hay mơ ước một đời lang bạt. Lưu Trọng Lư nói đến "nửa đời phiêu lãng", Thế Lữ "rũ áo phong sương trên gác trọ", nhân vật lừng lẫy nhất của Nhất Linh chàng Dũng cũng như hầu hết các nhân vật nam phái của Lê Văn Trương... sống một đời phong trần... Hệt Nguyễn Bính, thanh niên hồi ấy họ hay than vãn về chuyện thân thế trôi nổi đấy (nhất là với đàn bà con gái, hoặc chị hoặc em); nhưng đừng có ai nghe họ mà lầm: Giúp đỡ họ nơi ăn chốn ở đầy đủ êm ấm, họ oán hận ngay! Họ vờ than thở mà lấy làm hãnh diện về cuộc đời lang bạt ngoài sương gió.
Họ làm gì ngoài sương gió? Có người hé cho thấy mập mờ là hoạt động cách mạng; có người phân bua vu vơ qua quít là đi theo tiếng gọi của... hải hồ; có người không giấu nổi rằng sự thực chỉ là đi chơi bời, rượu chè, hút xách... Dẫu sao, văn chương một thời đã làm cho sương gió có một bí ẩn thơ mộng, quan niệm một thời đem so sánh cuộc sống bên song cửa đã ngầm gán cho lối sống người đàn ông hồi ấy một ý nghĩa ngang tàng, hào hùng, ít ra cũng trình bày một hình ảnh nam nhi dạn dày, già dặn... Và chính lớp đàn ông phong thái dạn dày ngang tàng ấy đã là lớp đàn ông đầu tiên trong lịch sử nước ta xướng lên việc thờ Nàng.
Người đàn ông dày dạn ngang tàng thời tiền chiến của ta không giống các bậc tiền bối ở nước ta, ở xã hội phương Đông, nhưng cũng không hẳn là một sự quái dị. Người ta có thể nghĩ đến những chàng hiệp sĩ đa tình trong các truyện thời Trung cổ ở châu Âu, những anh hùng vô địch, hoặc xông pha trận mạc, hoặc chém giết quái vật, vượt muôn trở lực thực hiện kỳ công, để rồi cuối cùng đem thành tích về dâng lên nàng. Thế rồi, thời đại của con người hùng đã qua, đến bây giờ, nam nữ đã bình quyền, địa vị phái nữ cao vọt lên, đàn bà làm thủ tướng là chuyện thường, con gái đốt xú-cheng... Bây giờ chuyện thờ Nàng lại thành huyền thoại lố bịch. Trái lại, con trai thời nay đối với nữ giới lại có thái độ khinh mạn. Trong nhiều cuốn truyện người ta gọi: đứa con gái. Ngoài đời không có thần linh đã đành, cũng không còn "Nàng", mà chỉ có những "em": em này thơm như múi mít, em kia đáng đồng tiền bát gạo... Lối nói ngụ ý một sự đánh giá, một ý thức hưởng thụ trâng tráo. Có thể nữ giới đối với nam phái thời nay cũng có thái độ tương tự, để cho trọn nghĩa bình quyền. Dù sao, đã hết thời của thần linh.
Như vậy, có một điểm khá rõ trong tâm hồn những chàng trai phong trần thời tiền chiến, ngoài việc yêu đương đến sa lầy trong yêu: ấy là thái độ trọng vọng đối với gái.
Thái độ ấy không liên hệ trực tiếp với những người chị của Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân. Tuy nhiên cũng có thể nghĩ: Đã thờ nàng được thì sao lại không vòi chị được nhỉ? Một khi phụ nữ đã được suy tôn thì sự suy tôn, tùy tuổi tác, tùy trường hợp tình cảm... có thể mang nhiều hình thức khác nhau. Dẫu sao sáng kiến tôn xưng những người chị tinh thần cũng dễ phát sinh ở một thời như thế hơn là những thời kỳ khác, thiếu vị thần linh đẹp tóc. Đó là về thời của Nguyễn Bính, mà chưa có trường hợp của Nguyễn Bính. Về phần ông, Nguyễn Bính cũng có cái ủy mị khá đặc biệt. Thơ tình của ông có những câu dịu dàng, dễ cảm lòng đàn bà:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của Trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
("Tương tư")
Nhan đề các thi phẩm của ông liên hệ quá nhiều đến thân phận đàn bà, có khi cho thấy tác giả tự đồng hoá với phận gái: "Hương cố nhân", "Người con gái lầu hoa", "Lỡ bước sang ngang", "Mười hai bến nước"... Con người ủy mị ấy muốn làm cho đáng thương. Yêu thì khối người yêu như ông; nhưng ở ông sự yêu đương nhiều khi có vẻ gì qui lụy, tội nghiệp lắm kia:
Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
("Chân quê")
Con tằm được mấy tiền tơ,
Chao ôi! mà ước mà mơ lấy nàng?
("Nhà tôi")
Hồn anh như hoa cỏ may,
Một chiều cả gió bám đầy áo em.
("Hoa cỏ may")
Ngay khi ông xưng anh mà còn thế, huống hồ khi xưng em. Ông sở trường trong tài gây xúc động bằng cái giọng của một kẻ bị hất hủi, ruồng rẫy. Từ thái độ tự làm ra đáng thương đến thái độ làm ra bé bỏng, đâu có xa gì?
[1]Tạp chí Văn, Saigon, 1968.
[2] Như trên.
oOo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét