Chuyện bên phố cũ
Nguyễn Tường Thiết Chia sẻ với bạn bè ♦ 0 bình luận ♦ 11.05.2009
Phố cũ là phố Hàng Bè Hà Nội. Chuyện xẩy ra bên phố cũ thì nhiều lắm. Tôi chỉ xin kể dăm ba chuyện thôi. Chẳng hạn:
Chuyện bố tôi bắt trộm
Câu chuyện ấy mẹ tôi kể tôi nghe tự hồi nào nhỉ? Không thể nhớ. Thỉnh thoảng nó xuất hiện loáng thoáng trong mớ ký ức mịt mờ của tôi về thời thơ ấu. Mà tự cái thuở xa vời vợi ấy bây giờ có cố nhớ lại cũng chẳng thể nhớ rõ mà đoan chắc chuyện gì. Chẳng hạn có chắc gì mẹ tôi đã trực tiếp kể chuyện ấy cho tôi nghe?
Rất có thể câu chuyện “bố tôi bắt trộm” tôi đã nghe “trộm” được của bà khi mẹ tôi vừa ăn trầu vừa kể với bà bạn hàng cau, trên chiếc sập gụ của bà, một căn nhà mang số 15 bên phố cũ hàng Bè Hà Nội. Và tôi, đứa bé tình cờ có mặt, bắt được mẩu chuyện. Mẩu ấy đâm vào tuổi thơ tôi, dính mãi vào trí nhớ tôi. Cho đến tận giờ.
Dẫu vậy cái mẩu mà tôi còn nhớ được nó cụt lắm. Nếu cứ chép lại nguyên lời thì “chuyện” ấy tài lắm chỉ kéo được dăm dòng, chẳng thể nào thành “truyện” được, cho dù là truyện “cực ngắn”.
Cũng may loài người còn có trí tưởng tượng. Và tưởng tượng đã pha loãng rất nhiều cho lời kể của mẹ tôi năm xưa để ngày nay câu chuyện có thật ấy, chuyện ông Nhất Linh bắt trộm, có thể được kể lại dưới một hình thức mới trang trọng hơn gọi là hư cấu.
Truyện hư cấu ấy nó như sau:
Hồi đó…
tôi mới chừng chín mười tuổi. Tôi hay chơi trò búng cóc. Cóc là những mảnh giấy vuông nhỏ được xếp thành hình con cóc. Tôi đặt một dọc những con cóc giấy lên mép cái sập gụ rồi búng tay thật mạnh vào đít cóc xem con nào nhẩy xa nhất.
Trên sập gụ có tiếng mẹ tôi kể với bà bạn hàng cau:
–Thấy có tiếng động tên ăn trộm chui tọt vào gầm giường.
Bà bạn hỏi:
–Thế hả? Nó chui vào gầm giường hả bà?
Tôi dừng tay lắng nghe. Con mèo tam thể nằm trong lòng mẹ tôi cũng lắng nghe.
–Tôi và nhà tôi nằm trên giường, nó nằm ngay dưới gầm cả tiếng đồng hồ mà cả hai chúng tôi không ai biết.
–Bà nói chiếc sập gụ này?
–Ừ, đúng chiếc sập này nhưng không phải tại căn nhà 15 này đâu, hồi đó chúng tôi còn ở bên căn số 9. Chuyện xẩy ra cũng lâu rồi. Đêm đó chúng tôi dự đám cưới ông bà Lơ-Muya Cát Tường, khuya trở về nhà thì thằng ăn trộm không biết từ lúc nào đã lẻn vào trong nhà trước rồi.
Mẹ tôi chỉ tay vào tôi:
–Hồi đó tôi chưa sinh thằng này.
Bây giờ…
tôi tưởng tượng khác. Bố tôi tinh lắm. Mẹ tôi nói tên ăn trộm nằm dưới gầm giường cả tiếng mà cả bố lẫn mẹ tôi không biết, chắc bà nói sai. Bố tôi biết chứ nhưng ông còn đang nghĩ mưu tìm cách đối phó.
Mẹ tôi nhỏm dậy hỏi bố tôi:
–Mình này, mình có nghe thấy tiếng động gì là lạ ở trong nhà không?
Bố tôi giả vờ lắng nghe một lúc rồi nói:
–Có gì đâu. Chắc chuột nó rúc dưới gầm tủ đấy.
Miệng nói thế nhưng bố tôi suy nghĩ…
nếu mình để vợ hốt hoảng làm toáng lên tên ăn trộm đâm hoảng mà liều mạng thì nguy hiểm lắm. Nếu hắn có mang vũ khí, một con dao chẳng hạn, lại càng nguy hơn. Mình không sợ lắm nếu hắn to lớn mà không mang vũ khí vì mình những hai người nhưng khi nó đã liều mình thì… Tốt nhất là mình nên đối phó bằng đường lối ngoại giao. Nhưng ngoại giao cũng cần sức mạnh. Mình phải tỏ cho hắn biết là mình cũng có vũ khí…
Bố tôi nhỏm dậy với tay bật ngọn đèn con ở đầu giường.
–Chiều nay uống nhiều rượu người cứ nôn nao cả lên khó ngủ quá. Mình nằm quay mặt phía trong cho tôi bật đèn đọc sách.
Bố tôi cầm lên cuốn truyện Đoạn Tuyệt mới in xong. Cuốn sách in trên giấy bản, chưa rọc, còn thơm mùi giấy. Trí ông thoáng hiện lên hình ảnh cô Loan giết chồng bằng con dao rọc giấy. Ông quay sang hỏi vợ:
–Quái con dao rọc giấy mình vẫn để ở đầu bàn đâu mất rồi?
–Tôi cất dưới bếp ấy. Mình xuống mà lấy.
Bố tôi vào bếp. Thay vì lấy con dao díp nhỏ ông mang ra một con dao phay thật lớn. Trước khi lên giường ông thoáng nhìn phía dưới gầm.
Vừa rọc giấy ông vừa nói to với vợ nhưng cốt để tên trộm nghe thấy:
–Tôi không thấy con dao díp ở đâu, dùng tạm con dao phay lớn này. Chà, con dao này sắc quá, mình mới mua hả?
Bố tôi giả vờ chăm chú đọc sách. Nhưng trí ông thì lại nằm dưới gầm giường…
nếu mình là thằng ăn trộm thì chỗ trốn nhanh nhất và kín nhất là chui tọt xuống dưới gầm giường. Cái sập gụ này tuy cao thật đấy, nhưng không phải dễ chui. Chung quanh sập có gờ trạm trổ bao quanh che kín gần nửa chiều cao của sập. Vậy thì muốn chui lọt được tên ăn trộm phải là một đứa bé con hay là người lớn gầy tong teo. Cả hai trường họp đều không đáng sợ, thứ nữa mình lại có con dao phay lớn này. (Ông nghĩ thế và thấy yên tâm). Bây giờ mình phải ăn nói làm sao cho khéo để dụ nó ra…
Bà hàng cau sốt ruột hỏi mẹ tôi:
–Thế sau ra sao? Có bắt được nó không?
Mẹ tôi đưa tay vuốt vuốt lưng con mèo tam thể rồi bà với cái ống phóng đưa lên gần miệng nhổ bã trầu vào đó chậm rãi nói:
–Mới đầu tôi cứ tưởng là ông nhà tôi say ăn nói lung tung. Sau thấy tôi ngạc nhiên ngồi nhỏm hẳn dậy ông khẽ bấm vào đùi tôi và đưa một ngón tay lên miệng thì tôi hiểu ngay cái dụng ý của nhà tôi.
–Ông nhà nói gì với bà?
–Nhà tôi nói: “Cuốn sách này mới mua có một truyện ngắn hay lắm. Để tôi đọc cho mình nghe!”. Rồi thay vì đọc cuốn sách cầm tay ông nhà tôi lại bịa ra một câu chuyện kể về đời của một thằng bé có bản chất tốt nhưng trót sinh ra làm con nhà nghèo nên phải làm nghề trộm cắp. Một bữa nọ hắn lẻn vào nhà một gia đình kia, chưa trộm được món nào thì gia chủ đã về, hắn hoảng sợ trốn ngay xuống dưới gầm giường. Chủ nhà biết được dùng dao đe dọa bắt được hắn. May quá ông ta là một người có lòng từ tâm nên không những không đi báo sở cẩm mà lại còn khuyên bảo và giúp tiền cho nó ăn học. Đứa bé về sau này trở thành một người hữu ích cho xã hội. Chuyện ông nhà tôi kể cứ y như là một câu chuyện thật ấy bà ạ, nghe cảm động lắm. Khi nhà tôi đọc xong chuyện ấy thì ở dưới gầm giường có tiếng khóc thút thít và một thằng bé chừng mười lăm mười sáu tuổi lòm còm chui ra. Nhà tôi giữ đúng lời hứa với thằng bé. Chúng tôi giúp nó ăn học trong mấy năm liền cho đến khi nó bước qua khỏi tuổi trưởng thành.
Kể xong mẹ tôi cúi xuống lấy tay xoa đầu tôi một lát rồi bà quay sang tiếp tục câu chuyện buôn bán với bà khách.
Chuyện con bé Phương (hay Phượng?)
Cho mãi đến nay mặc dù đã rời xa phố cũ Hàng Bè trên nửa thế kỷ tôi vẫn còn nhớ như in căn nhà mang số 15 ấy nơi mẹ tôi mở tiệm bán cau khô.
Căn nhà ấy ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của tôi thời thơ ấu. Cái sân gạch kia, cái buồng chứa cau nọ, cái sàn đá hoa ấy, cái sập gụ này… chỗ nào cũng nhắc nhở tôi một vài hình bóng của tuổi thơ in đậm trong trí nhớ. Những kỷ niệm ấy bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh đứa em trai tôi, thằng Thái, kém tôi hai tuổi.. và hình ảnh một con bé láng giềng.
Tên con bé là Phương. Hay Phượng? Tôi không nhớ. Năm đó tôi 10 tuổi. Con bé lớn hơn tôi. Nó độ chừng 11, 12 gì đó. Tôi đoán thế. Nhà nó ở sát cạnh nhà tôi, số 17 phố Hàng Bè.
Nhà tôi hai từng, nhà nó một tầng. Ở trên gác nhà tôi chỗ trên cái hành lang lát đá hoa từ một cái cửa sổ hông nhìn qua nhà nó tôi thấy hai cái mái ngói phủ rêu châu xuống hai đầu của một cái sân gạch lộ thiên. Sân này nối nhà trên với nhà bếp nên mọi người đều phải đi băng qua đó. Hầu như lúc nào tôi cũng thấy trên sân có người qua lại. Ở góc sân có một cái chum lớn đựng nước mưa. Tôi thấy thằng Tý em con Phương vạch quần đứng đái vào thành cái chum ấy nhiều lần. Có bận nó mải đái mẹ nó dón dén lại đằng sau phát vào đít nó một cái mạnh làm nó giật nẩy mình: “Tiên sư bố mày! Đây là chỗ để mày đứng đái đó hả thằng Tý?”. Mẹ nó chửi nó thế nhưng chính bà cũng có lần ngồi đái ở sân. Một đêm tình cờ đi ngang qua cửa sổ nhìn xuống tôi thấy bà nhìn trước nhìn sau không thấy ai rồi ngồi sụp hẳn xuống. Dưới ánh trăng cái mông của bà lộ ra trắng hếu. Còn con Phương thì hay kiễng chân chúi đầu vào trong miệng chum để vớt những con cung quăng ở trong đó. Một bữa thằng anh cả nó nghịch chụp ngang bụng nó dúi đầu nó sâu vào trong chum. Con bé sợ quá kêu oai oái, hai chân nó dẫy đành đạch.
Nhà số 17 bán nước mắm. Thảo nào mà người con Phương hôi mùi nước mắm. Tôi biết thế vì có lần bọn tôi 4 đứa chơi trò đi trốn, tôi và nó cùng chui vào trốn trong những bồ cau, nó sợ bị bắt nên rúc hẳn người vào tôi. Dẫu sao tôi thân với con bé này nhất, thân hơn cả thằng Thái. Thằng Thái trẻ con lắm, động một tí là khóc. Còn thằng Tý bằng tuổi tôi nhưng tôi ghét nó thậm tệ. Nó hay phá đám. Lại có tính gian nữa. Khi nào chơi trốn oẳn tù tì nó bị là người phải đi bắt thì nó giở trò gian liền.
Nhà mẹ tôi rộng lắm, có nhiều buồng. Chính giữa nhà có một cái buồng rộng nhưng tối lắm, mẹ tôi dùng làm kho chứa hàng, kho lúc nào cũng đầy những bao cau xếp đống cao gần đụng trần. Đây là chỗ đi trốn lý tưởng cho bốn đứa tôi. Giữa những đống bao tải có chừa một khoảng hở rất hẹp chỉ một người đi lọt lại tối tăm và ngoắt ngoéo, trốn vào đó thì ngay người trốn cũng lạc chứ đừng nói là người đi bắt.
Con Phương và tôi là hai người khỏe nhất bọn. Đi trốn hai đứa chúng tôi xoạc chân giữa hai đống bao tải mà trèo dần lên cao. Nằm sát trần nhà áp mặt trên bao tôi ngửi thấy mùi cau nồng nồng toát ra từ những bao bố. Trên đó nhìn xuống tôi thấy cái đầu của thằng Tý di chuyển giữa những bồ cau. Đi trốn, thằng Thái bao giờ cũng là người bị chộp trước tiên. Nó nhát cáy lại sợ ma không bao giờ dám mạo hiểm chui sâu vào những ngõ ngách. Nếu gặp phải thằng Tý là người đi tìm thì nó lại bị chộp nhanh nữa vì thằng Tý đếm gian không để nó có đủ thì giờ tìm chỗ nấp kín đáo. Thay vì phải đứng dựa cột nhà lấy hai tay bịt kín hai mắt mình lại và đếm năm mười mười lăm hai mươi… thật to và chậm cho đủ số một trăm để mọi người có thì giờ tìm chỗ trốn thì thằng Tý lại đếm nhỏ và nhanh, đã thế vừa đếm vừa xoè mấy ngón tay ra để nhìn lén. Nó đếm nhẩy cóc: 5, 10, 15, 20… rồi bắt qua 45, 50, 55… cứ thế cho đến con số 100 là nó chạy đi liền làm thằng Thái không kịp trở tay. Còn khi nào thằng Thái phải đi tìm thì tội nghiệp quá! Nó không dám chui sâu vào những chỗ tối. Tìm mãi không bắt được ai nó bèn đứng yên một chỗ mà khóc tỉ tê.
Mẹ tôi đi ngang thấy nó khóc thì dừng lại hỏi. Thế là bà biết được cái trò chơi nguy hiểm của chúng tôi. Mẹ tôi hét tướng lên: “Mấy cái bồ cau nó mà đổ xuống đầu thì tụi bay cứ mà chết bẹp!”. Sau đó bà cấm tiệt không cho chúng tôi vào nhà kho nữa.
Chúng tôi tìm trò chơi khác. Cạnh nhà kho có một cái buồng nhỏ chứa đồ, tuy nhỏ nhưng vì ít đồ đạc bên trong nên chúng tôi có một khoảng khá rộng để chơi. Chúng tôi làm nhà để ở trong đó. Làm nhà là sáng kiến của con Phương. Nó mang sang nhà tôi một cái chiếu hoa thật to. Đặt chiếu dựa sát tường nó uốn cong cái chiếu lại thành một cái nhà vòm. Mặt kia của chiếu nó lấy mấy cái ghế chặn lại. Bốn chúng tôi chui vào cửa tò vò ở hai đầu. Con Phương còn bắt tôi đi vơ vét thật nhiều gối rồi mỗi đứa ngồi trên một cái gối rù rì nói chuyện. Vì muốn tránh mẹ tôi bắt gặp nên chúng tôi phải đóng cửa. Đóng cửa thì buồng này tối om. Con Phương kiếm đâu ra một cái đèn pin. Thế là dưới ánh đèn bốn chúng tôi ngồi hể hả trong căn nhà mới. Thằng Tý và thằng Thái thoạt đầu thích lắm nhưng hôm sau là chúng hết thích ngay. Ngồi mãi trong bóng tối chỉ để nghe con Phương và tôi nói chuyện, thằng Tý chán quá năn nỉ chị nó ra ngoài chơi đánh khăng, nhưng con Phương không chịu. Căn nhà tôi cũng có một cái sân gạch lộ thiên rộng, còn rộng hơn sân nhà con Phương, và chúng tôi thường chơi đánh khăng ở đó. Thằng Tý bèn rủ em tôi ra ngoài chơi khăng. Lát sau có lẽ vì nó chê thằng Thái chơi dở quá nó cáu sườn mở cửa rồi chẳng nói chẳng rằng nhẩy ụp lên trên cái nóc nhà vòm. Con Phương và tôi đang nói chuyện trong chiếu bị nó đè lên ngã dúi vào nhau. Lần đầu tiên tôi nằm đè lên người nó. Tôi chỉ thấy cái đùi nó êm êm chứ không nhớ có một cảm giác nào khác. Con Phương nổi sùng với thằng em phá đám nhất định không thèm chơi với nó nữa. Thành thử căn nhà chiếu từ đó chỉ còn mỗi hai đứa tôi. Mỗi buổi chiều đi học về là con Phương và tôi quẳng hết mọi thứ, hai đứa chui vào nhà chiếu thủ thỉ với nhau.
Chiếu đèn pin vào mặt tôi con Phương hỏi tôi: “Tao đố mày con muỗi và con ruồi con nào sống dai hơn?”. Tôi bảo con muỗi sống lâu hơn vì nó hút máu người, máu người tốt lắm. Con ruồi ăn cứt chỉ tổ mau chết. Con Phượng cãi: “Tao thấy con ruồi sống lâu hơn vì nó to hơn con muỗi, nó khoẻ hơn. Khoẻ thì phải sống dai”. Cuộc tranh luận giữa hai đứa kéo dài bất phân thắng bại.
Mấy hôm sau nhìn thấy anh Doãn, một người anh họ lớn tuổi của tôi hồi đó còn ở chung hút thuốc lá Cotab tôi bèn nẩy ra một ý kiến. Tôi lén bóc hai cái bao thuốc lá Cotab của anh Doãn lấy ra hai cái bao giấy bóng kính. Đưa một bao cho con Phương tôi bảo nó bắt ruồi bỏ vào đó, còn tôi thì bắt muỗi. Ruồi thì ở đâu cũng có lại dễ bắt, chỉ việc lấy bao giấy bóng chụp lên lưng con ruồi đậu là xong. Muỗi thì khó hơn phải chờ đến đêm có con nào chui vào màn mới bắt được. Chúng tôi nhét hai cái bọc giấy kính lên cái bệ cao trong căn chứa đồ. Thế là chiều chiều đi học về hai đứa lấy xuống mang vào trong nhà vòm chiếu đèn pin quan sát. Mấy ngày đầu hai con đều còn khỏe, vẫy nhẹ một cái là chúng bay vo vo trong bọc. Nhưng sau đó mỗi ngày phải lắc mạnh thêm thì hai con vật mới chịu nhúc nhích. Rồi một buổi chiều vừa mới rọi đèn pin thì hai đứa biết ngay là con ruồi đã chết ngắc: nó co quắp nằm ngửa ra đưa mấy cái chân bé xíu lên. Còn con muỗi tuy suội lơ nhưng vẫn còn sống. Tôi thắng cuộc. Con Phương thua. Nó tức lắm. Cả tuần lễ sau nó không thèm nhìn mặt tôi.
Vào tháng Ba của năm 1950 ấy cả thành phố Hà Nội bị một nạn dịch hoành hành. Đó là bệnh dịch tê liệt trẻ em. Thằng Thái lên cơn sốt. Mẹ tôi chở nó vào nhà thương Phủ Doãn. Khi biết nó bị bệnh dịch mẹ tôi sợ tôi ở nhà bị lây nên tức tốc gửi tôi qua phố Hàng Trống ở tạm nhà bác cả Chi. Tôi ở đó tới gần một tháng. Ngày tôi trở về căn nhà Hàng Bè thì tôi được biết cả nhà đã đi chôn thằng Thái từ mấy hôm trước rồi. Tôi còn nhớ ngày chết của nó; rất dễ nhớ, cứ đếm từ hai đến năm là ra. Thứ Hai, mồng Ba, tháng Tư, năm Năm mươi. Khi nghe tin nó chết tôi chẳng thấy buồn, chỉ thấy nhà thiếu nó thì có vẻ vắng hẳn đi. Cho mãi đến buổi chiều ngày hôm sau tôi lên gác nhìn qua cái cửa sổ hông thấy cái sân gạch bên nhà con Phương vắng hoe, đứng mãi cũng không thấy bóng người qua lại. Căn nhà im lìm không nghe một tiếng động. Hỏi ra mới biết là cả nhà nó đã dọn đi ở chỗ khác. Lúc đó tôi mới thấy buồn. Thật buồn. Cái buồn lắng sâu vào tuổi thơ tôi và là nỗi buồn xa xôi nhất của thời quá vãng mà ngày nay tôi còn nhớ được. Đám bốn đứa chơi với nhau nay chỉ còn trơ lại mình tôi. Từ nay tôi phải tập chơi lấy một mình.
Ngày tháng qua hình ảnh thằng Thái và con Phương nhanh chóng phai mờ. Năm 1951 tôi theo bố tôi và chị cả tôi là chị Thư vào sống ở trong Sài Gòn. Từ đó tôi hoàn toàn không nhớ gì về chúng nó nữa.
Chuyện mảnh giấy đi cầu của anh tôi
Đời có những chuyện run rủi lạ lùng. Chỉ một chút xíu thôi mà thay đổi hẳn cả cuộc đời. Những chuyện ấy nghe xong người ta dễ tin vào số mạng. Chẳng hạn như chuyện cái mảnh giấy đi cầu do anh tôi kể lại.
Vào năm 1950 bố tôi còn ở bên Hồng Kông chưa về nước. Chúng tôi sống với mẹ tại căn nhà số 15 phố Hàng Bè. Anh cả tôi, anh Việt năm ấy 19 tuổi, còn tôi lên 10. Sau khi em Thái của tôi mất vào tháng Tư năm ấy thì tôi bị đẩy xuống làm em út trong nhà.
Anh cả thường dẫn em út đi chơi. Tôi còn nhớ mãi những buổi anh đèo tôi trên chiếc xe đạp từ phố Hàng Bè lên Petit Đồ Sơn ở ven Hồ Tây để thuê thuyền perissoire chèo sang bên kia hồ phía Quảng Bá. Lúc về anh em chúng tôi ăn bánh tôm trên đường Cổ Ngư rồi anh dẫn tôi vào vườn bách thảo để chụp ảnh. Anh tôi mê chụp ảnh lắm. Hồi đó trên căn gác căn nhà số 15 anh đã tự làm một phòng tối để rửa ảnh lấy. Đứa em út của anh đôi lần vén màn vào phòng nhìn người anh cả thả những miếng giấy ảnh vào một chậu nước hoá chất. Dưới ánh đèn màu đỏ nó ngây người nhìn trong thau nước miếng giấy trắng nổi dần lên những bức hình anh chụp mới đầu còn mờ mờ nhưng hiện ra mỗi lúc một rõ nét. Ngay từ hồi nhỏ anh tôi đã có khiếu về khoa học. Thảo nào mà khi sang Pháp du học anh đã đoạt bằng tiến sĩ về vật lý và sau này anh được mời làm giảng sư để hướng dẫn sinh viên lấy bằng tiến sĩ tại truờng đại học danh tiếng Stanford của tiểu bang California.
Năm 1950 cũng là năm anh đi Pháp du học. Anh ở luôn bên ấy cho mãi đến tận năm 1973 mới trở về Việt Nam lần đầu. Sau hai mươi ba năm dài xa cách lần đầu tiên gặp lại nhau tại căn nhà số 39 chợ An Đông Sài Gòn tôi nhìn anh ngỡ ngàng. Anh đã 42 tuổi và tôi 33. Mặc dù tôi đã trưởng thành nhưng anh vẫn xem tôi như một người em nhỏ thuở nào: hôm gặp mặt, tôi ngỡ là anh sẽ ôm chầm lấy tôi khi anh tiến lại gần tôi nhưng không, anh đứng áp sát hẳn vào người tôi giơ một bàn tay đặt lên đầu tôi, lưng bàn tay ấy chạm vào trán của anh như để đo lường xem là thằng em út 10 tuổi của anh nay đã cao lớn chừng nào rồi.
Từ ngày anh qua Pháp anh có một cuộc đời khác hẳn với chúng tôi. Hai mươi ba năm xa nhà anh sống nơi một thế giới khác trong khi ở trong nước có bao nhiêu là biến chuyển. Cả một cuộc di cư vào Nam, cả một cuộc chiến khốc liệt, anh không hề chứng kiến, như thể anh là người đã sống ngoài lề của lịch sử. Những người bạn thân thiết của anh từ hồi còn ở Hà Nội như các anh Quí, anh Tô, anh Ái, anh Khang mỗi người một số phận. Anh Quí qua Pháp sống, anh Ái anh Tô ở lại Hà Nội sau ngày di cư, anh Khang vào Nam đăng vào quân đội sau này lên đến cấp bậc Đại Tá. Trong số những người học cùng lớp với anh Việt ở Hà Nội hồi đó có cả tướng Nguyễn Cao Kỳ. Cách đây vài năm tình cờ lên mạng Internet tôi đọc một bài báo ở Việt Nam tường thuật những người bạn cũ cùng lớp Chu Văn An tiếp đón ông Kỳ ở Hà Nội, trong số tôi thấy có tên anh Nguyễn Tô.
Năm 2002 anh tôi và tôi từ Mỹ cùng về thăm Hà Nội. Anh 71 tuổi và tôi cũng đã 64. Hai anh em rủ nhau đi thăm lại căn nhà cũ 15 Hàng Bè, nơi anh đã sống trước khi đi Pháp hơn nửa thế kỷ trước. Chúng tôi nhờ một người em họ ở phố Cầu Gỗ có quen biết với chủ căn nhà dẫn đến giới thiệu và được phép vào hẳn bên trong nhà để xem.
Mặc dù con số nhà 15 rành rành gắn phía trước nhưng tôi không nhận ra căn nhà xưa. Cho đến lúc ngước mặt nhìn lên cao tôi mới nhận ra đúng là căn nhà cũ của mình bởi vì mặt tiền trên cao vẫn giữ nguyên trạng như trước với ba cái cửa sổ rộng và bức từng vôi loang lổ. Hoá ra hiệu bán cau rộng rãi của mẹ tôi nay bị chia làm hai căn nhà nhỏ, chính giữa là một cái cổng gỗ. Căn bên trái là hiệu cắt uốn tóc Thu Hương. Người em họ bảo chúng tôi đứng đợi phía ngoài rồi anh ta đẩy cổng gỗ vào trong. Lát sau chủ nhà, một người ở tuổi trung niên, mời chúng tôi vào nhà.
Lúc ấy giữa trưa mà bên trong tối tù mù. Chúng tôi vào nhà mà cứ như vào một đường hầm hẹp. Vừa bước vào hầm chủ nhà dẫn chúng tôi lên một cái cầu thang nhỏ lên gác. Ông ta tiếp chúng tôi trong một gian phòng rộng và sáng sủa nhìn ra hành lang nơi có ba cái cửa sổ rộng hướng ra ngoài phố. Qua cửa sổ ấy tôi nhìn thấy tàn lá xanh của mấy cây dâu da xoan. Tôi nhớ rõ là tại một góc của hàng hiên này anh Việt tôi ngày xưa đã thiết lập phòng rửa ảnh. Trong lúc dùng trà người em họ tôi nói với chủ nhà: “Ông biết không, nhà này xưa kia là nhà ông Nguyễn Tường Tam ở đấy!”. Ông ta gật đầu nói: “Tôi có nghe”. Trước khi về tôi ngỏ ý muốn được xem toàn thể căn nhà. Ông ta có vẻ chần chừ một lát, nhưng sau cũng nhận lời. Trước khi bước xuống cầu thang tôi nhìn sang bên hông nhà tìm cái cửa sổ mà năm mươi hai năm trước tôi đã thường nhìn qua căn nhà bên cạnh. Cái cửa sổ vẫn còn nguyên đó. Hình ảnh con bé Phương (hay Phượng?) vụt loé lên trong tôi và một ý nghĩ muốn tiến lại gần cửa sổ để nhìn xuống nhưng chủ nhà đã vội vã dẫn chúng tôi xuống cầu thang. Xuống tới bậc cuối cùng, thay vì đi về phía cửa để về thì ông ta dẫn chúng tôi đi sâu vào con đường hầm mà ở hai bên, trong những gian buồng rất nhỏ và tăm tối, tôi thấy người ta ở lố nhố. Căn nhà lớn của mẹ tôi năm xưa nay đã bị cắt thành nhiều hộ nhỏ chỉ chừa một lối đi chung là con đường hầm này để đi vào nhà sau nơi có một khoảng sân lộ thiên và sau đó là nhà bếp, cầu tiêu.
Đến sân lộ thiên chủ nhà dừng lại. Tôi nhìn cái sân gạch cũ mà lòng bồi hồi. Trên cái sân gạch này những trò chơi năm xưa của tuổi ấu thơ được gợi lại. Tôi thấy tôi ép vào lòng bàn tay cái đầu cao su của một chiếc đạn đũa vào nòng khẩu súng lò xo Eureka và nheo mắt bắn bia trên bức tường vôi kia, tôi thấy chị Thoa nhẩy giây trên sân cứ quay vài vòng chị lại bắt chéo hai tay, tôi thấy thằng Thái cúi xuống bắn hòn bi ve, nó chăm chú đến nỗi mồm miệng nó méo xẹo cả lại. Cũng tại cái sân gạch này, trước bức tường vôi này, ngày bố tôi từ bên Tàu về nước có chụp một bức ảnh kỷ niệm tôi còn cất giữ cho đến tận giờ. Bức ảnh chụp bố mẹ tôi, chị Thoa và tôi. Ảnh chụp lúc tôi cúi xuống ôm một con chó nhỏ.
Đứng nói chuyện một lát ở sân chúng tôi đi trở ra. Tôi ngoái nhìn lần sau cùng vào trong bếp nơi đó sau cánh cửa gỗ là cái cầu tiêu mà hồi đó chúng tôi gọi là “nhà trồ”. Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được cái nhà trồ ấy. Được xây xi măng nhà trồ nằm trên cao, có năm sáu bực thang đi lên. Trên nền nhà trồ khoét một vòng tròn hơi trũng xuống có hai chỗ gồ lên để chân được dũa trên xi măng bằng những nhát gạch chéo, chính giữa là một cái lỗ. Khi đi cầu có thể nghe rõ tiếng những cục phân rớt bịch bịch trên một cái thùng nhôm, lại còn nghe cả tiếng ruồi nhặng vo ve ở phía dưới. Cái thùng phân ấy nằm ở cuối một con hẻm dài và hẹp ăn thông sang một con phố khác. Mỗi sáng có người gánh phân theo con hẻm ấy mà vào thay thùng mới. Chúng tôi là những người rất may mắn vì ở nhà rộng và sâu nên có đường lấy phân riêng. Còn những nhà bên cạnh không được may như thế. Họ phải chịu cái cảnh mỗi ngày người gánh phân vào nhà bằng lối trước, khi đi ra họ gánh một thùng phân đầy làm thối um cả nhà.
Chính ở cái nhà trồ ấy mà số phận cuộc đời của anh Việt tôi được định đoạt. Và nó định đoạt bởi một cái giấy đi cầu!
Khoảng cuối năm 1950 anh Việt nộp đơn xin du học bên Pháp. Hồi ấy muốn du học không phải dễ. Qua những thủ tục giấy tờ phức tạp sau cùng anh cũng được chính phủ chấp thuận. Mọi chuyện xong xuôi, vé tàu đã có, anh chỉ việc chờ có chuyến tàu thủy từ Sài Gòn ra Hải Phòng để đưa anh đi Pháp. Hồi đó những chuyến tàu như vậy rất hiếm. Anh ngồi chờ dài cổ ngày này qua tháng nọ mà vẫn chưa có tin tàu đến. Người ta nói khi có tàu từ Pháp về Việt Nam lúc tàu ghé bến Sài Gòn trước khi ra Bắc họ sẽ đánh điện tín báo cho biết ngày tàu cập bến Hải Phòng và ngày tàu rời bến Hải Phòng để đi Pháp.
Hai tháng sau một bữa nọ anh mót đi cầu. Hồi đó trong nhà cầu làm gì có sẵn giấy chùi như bây giờ. Ai ấy đều vớ đại một mảnh giấy lộn nào đó vò nhàu cho nát ra cho đến khi giấy mềm thì dùng mà chùi đít. Anh tôi mở cái ngăn kéo mà mọi người vẫn dùng để bỏ vào những giấy tờ vứt đi không dùng nữa. Anh vớ một tờ giấy màu xanh rồi vừa chạy vào nhà trồ vừa vò nát tờ giấy. Vì cầu tiêu hồi đó luôn luôn hôi thối nên thời gian đi cầu được cắt giảm đến mức tối đa. Nhưng hôm đó có chuyện bất thường. Người gánh phân đến sớm hơn thường lệ. Cái thùng phía dưới là thùng mới thay. Nhà trồ sạch ít hôi hám, và cũng chính vì thế anh tôi đi cầu lâu hơn thường lệ. Ngồi lâu buồn buồn anh tẩn mẩn giở tấm giấy vò nhầu nát trong tay ra đọc và tá hỏa tam tinh khám phá ra cái giấy đi cầu chính là cái tờ điện tín báo cho biết tàu đã đến bến từ mấy hôm trước và ngày mai là ngày tàu nhổ neo rời Hải Phòng để đi Pháp. Tờ điện tín ấy được gửi đến nhà mẹ tôi gần một tháng trước, nhưng không biết ai nhận được (có thể là người làm vì nhà mẹ tôi có đông người giúp việc lắm) đã sơ ý không báo cho anh tôi biết và tờ giấy ấy không biết bằng cách nào lại lọt vào cái ngăn đựng những giấy tờ vứt đi.
Câu chuyện mảnh giấy đi cầu ấy anh tôi kể tôi nghe lúc hai anh em rời căn nhà Hàng Bè trên đường đi bộ về khách sạn Prince ở đường Lương Ngọc Quyến. Chuyện anh kể khiến tôi liên tưởng ngay tới một truyện ngắn của bố tôi, truyện Cái Tẩy, trong truyện ấy một cái tẩy cỏn con đã thay đổi hẳn cuộc đời của anh chàng “Huy địa dư” và tôi tự hỏi: nếu cái tẩy ấy nó “nặng” hơn một tí, nếu cái cầu tiêu ấy nó “thối” hơn một tí, thì có lẽ cuộc đời của anh chàng Huy, của anh Việt đã khác hẳn. Anh Việt kết luận: “Hôm ấy nếu anh không mở tờ điện tín ra đọc thì chắc chắn anh đã trễ chuyến tàu đi Pháp. Cơ hội đi Pháp có thể không bao giờ xẩy đến một lần thứ hai. Cuộc đời của anh đã khác. Nhưng đâu biết “cái khác” đó là rủi hay là may? Chuyện đời biết sao mà nói cho cùng. Biết đâu ở lại Việt Nam anh lại làm lớn, như anh Khang, như ông Kỳ?”. Tôi không nói gì nhưng tôi nghĩ trong bụng: “Hay là anh đã chết rục xương trong cuộc chiến tranh rồi”.
Về đến khách sạn Prince đứng trước cửa anh quay sang nói với tôi:
–À này, lúc nẫy nhìn vào hiệu cắt tóc Thu Hương anh thấy có hai con bé xinh xinh. Anh mới cắt tóc ở bên Mỹ nhưng cần gì cắt lại và xấy gội cũng không sao. Chiều nay anh sẽ đến đó để hai nàng chăm sóc mái đầu, lại được ngồi ngay trong căn nhà cũ của mình, cũng thú vị lắm chứ?
Nguyễn Tường Thiết
* Chuyện bên phố cũ - 11.05.2009
* Chai rượu khai xuân - 26.01.2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét