13/5/09

Ian Bremmer: Chủ nghĩa tư bản nhà nước đã tới tuổi trưởng thành ...

Ian Bremmer: Chủ nghĩa tư bản nhà nước đã tới tuổi trưởng thành - phải chăng thị trường tự do tới lúc cáo chung?

Trần Ngọc Cư dịch


Về tác giả: Ian Bremmer là Chủ tịch của Eurasia Group, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn về các rủi ro chính trị toàn cầu, có văn phòng tại New York, Washington, London và Tokyo. Công ti tư vấn này hiện có 100 nhân viên toàn thời gian và sử dụng một mạng lưới tri thức toàn cầu gồm khoảng 480 chuyên gia của 65 quốc gia. Tác phẩm bán chạy nhất của Bremmer, The J Curve: A New Way to Understand Why Nations Rise and Fall [Vòng cung chữ J: Một phương cách mới để tìm hiểu lẽ thịnh suy của các quốc gia], do Simon & Schuster xuất bản năm 2006, được tạp chí The Economist chọn là Sách trong năm (Book of the Year), 2006.
______________________
Từ Hoa Kì, sang châu Âu, và nhiều nơi khác của thế giới phát triển, chủ đích của làn sóng can thiệp của nhà nước vào sinh hoạt kinh tế quốc gia trong thời gian qua là nhằm giảm bớt cơn đau do cuộc suy trầm toàn cầu hiện nay gây ra và nhằm hà hơi tiếp sức cho các nền kinh tế bệnh hoạn sớm được bình phục. Trên tổng thể, chính phủ của các nước phát triển không có ý định quản lí sinh hoạt kinh tế vô hạn định. Nhưng, một ý định đối nghịch hiện nằm đằng sau những sự can thiệp tương tự trong thế giới đang phát triển: ở đó, việc nhà nước thọc mạnh bàn tay vào sinh hoạt kinh tế đang báo hiệu một sự bác bỏ có ý nghĩa chiến lược đối với lí thuyết thị trường tự do.
Các chính phủ, chứ không phải cổ đông tư nhân (private share holders), hiện làm chủ các công ti dầu lớn nhất thế giới và kiểm soát ba phần tư kho dự dữ năng lượng thế giới. Những công ti thuộc các lãnh vực khác, hoặc là quốc doanh hoặc liên doanh với nhà nước, đang ngày một gia tăng sức mạnh thị trường trong các khu vực kinh tế chủ yếu của các nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các “quĩ tài sản quốc gia” (sovereign wealth funds, SWF), một từ mới được nặn ra để chỉ các danh mục đầu tư do nhà nước làm chủ, có trị giá tương đương với một phần tám đầu tư toàn cầu, và tỉ lệ đó đang tăng lên. Những khuynh hướng này đang biến đổi chính trị quốc tế và kinh tế toàn cầu bằng cách chuyển giao đòn bẩy quyền lực và ảnh hưởng kinh tế ngày một to lớn vào tay chính quyền trung ương. Chúng đang thúc đẩy một hiện tượng to lớn và phức tạp của chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Chưa đầy 20 năm về trước, tình hình trông thật khác hẳn với bây giờ. Sau khi Liên Xô quị xuống dưới sức nặng của nhiều mâu thuẫn nội bộ, giới lãnh đạo mới của điện Cẩm Linh đã nhanh chân ôm lấy mô hình kinh tế phương Tây. Những chính phủ non trẻ của các cộng hòa và các chư hầu Xô viết cũ cũng cổ vũ những giá trị chính trị phương Tây và bắt đầu gia nhập những liên minh với phương Tây. Trong khi đó, tại Trung Quốc, những cải tổ theo hướng thị trường tự do, được phát động một thập niên trước, bắt đầu thổi một luồng sinh khí mới vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những nước tân hưng theo kinh tế thị trường, như Bra-xin, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kì, đã bắt đầu giảm điều tiết nền kinh tế thiếu sinh khí của mình và gia tăng quyền hạn cho các hoạt động tự do kinh doanh trong nước. Khắp tây Âu, những đợt tư hữu hóa dồn dập đã cuốn phăng vai trò quản lí của nhà nước tại nhiều công ti và trong nhiều khu vực kinh tế. Số thương vụ gia tăng nhanh chóng. Việc toàn cầu hóa quyền lựa chọn của giới tiêu thụ và các nguồn cung cấp, các luồng vốn và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kĩ thuật và canh tân, đã củng cố những khuynh hướng này nhiều hơn nữa.
Nhưng cơn thủy triều của thị trường tự do hiện đang rút xuống. Thế vào chỗ đứng của nó là chủ nghĩa tư bản nhà nước, một hệ thống trong đó nhà nước thực hiện chức năng của một lực tác động kinh tế hàng đầu và sử dụng thị trường chủ yếu vì mục đích chính trị. Xu thế này đã và đang nhen nhúm một sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu mới mẻ, không phải giữa các ý thức hệ đối nghịch mà giữa các mô hình kinh tế cạnh tranh nhau. Và với quyền lực chính trị xâm nhập vào quá trình ra quyết định kinh tế, một bối cảnh hoàn toàn mới mẻ trong đó có kẻ thắng người thua đang dần dần xuất hiện.
Trong thời kì Chiến tranh lạnh, những quyết định do các nhà quản lí các nền kinh tế chỉ huy Xô viết và Trung Quốc làm ra ít có ảnh hưởng lên các thị trường phương Tây. Lúc đó, các thị trường mới nổi (emerging markets) ngày nay chưa xuất hiện. Nhưng bây giờ, các quan chức nhà nước tại các thủ đô như Abu Dhabi, Ankara, Bắc Kinh, Brasília, Mexico City, Mát-xcơ-va, và New Delhi cũng có quyền ra các quyết định kinh tế — về đầu tư chiến lược, về sở hữu nhà nước và điều tiết kinh tế — và những quyết định này lại có khả năng tác động lên thị trường toàn cầu. Sự thách đố, mà mô hình chủ nghĩa tư bản do nhà nước quản lí này đặt ra, đang trở nên gay gắt hơn vì cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và cuộc suy trầm kinh tế toàn cầu. Bây giờ là lúc những người cổ vũ tự do mậu dịch và thị trường mở cửa cần phải chứng minh giá trị của những hệ thống này cho một khối thính giả quốc tế ngày càng có nhiều hoài nghi.
Sự phát triển của hệ thống tư bản nhà nước không hoàn toàn tùy thuộc vào sự xuống dốc quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kì so với quyền lực và ảnh hưởng của những quốc gia tân hưng (emerging states). Nếu chính phủ của các quốc gia mới nổi này chịu đi theo chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, thì thị phần đang sa sút (declining market share) của Hoa Kì trên thị trường thế giới đã được bù đắp lại bằng những thành quả toàn cầu về hiệu năng và năng suất. Trong khi đó, sự vươn dậy của hệ thống tư bản nhà nước đã gây nhiều tổn thất to lớn về hiệu năng cho các thị trường toàn cầu và đã đưa các chính sách mị dân vào tiến trình ra quyết định kinh tế.
Những tác nhân chính
Hệ thống tư bản nhà nước có bốn tác nhân chủ yếu: các tập đoàn dầu khí quốc gia, các xí nghiệp quốc doanh, những công ti quán quân quốc gia do tư nhân làm chủ (privately owned national champions), và các quĩ tài sản quốc gia (sovereign wealth funds, SWF).
Khi nghĩ đến “anh cả dầu khí” (big oil), điều trước tiên mà hầu hết người Mĩ nghĩ đến là các tập đoàn đa quốc như BP, Chevron, ExxonMobil, Shell, hay Total. Nhưng 13 công ti dầu khí lớn nhất thế giới, dựa vào trữ lượng, lại do các chính phủ làm chủ và điều hành — những công ti như Saudi Aramco của Ả-rập Xê-út; Công ti dầu khí quốc gia của I-ran; Petróleos de Venezuela, S.A. của Vê-nê-du-ê-la; Gazprom và Rosneft của Nga; Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc; Petronas của Ma-lai-xi-a; và Petrobras của Bra-xin. Những công ti quốc doanh này kiểm soát 75 phần trăm trữ lượng và sản lượng dầu toàn cầu. Một số chính phủ, khi thấy được những lợi thế gắn liền với việc nhà nước khống chế các nguồn năng lượng, đã triển khai quyền kiểm soát của mình qua các nguồn lực gọi là các tài sản chiến lược khác. Hiện nay, các công ti đa quốc do tư nhân làm chủ sản xuất chỉ 10 phần trăm lượng dầu trên thế giới và làm chủ chỉ 3 phần trăm trữ lượng dầu toàn cầu. Và ở nhiều nơi trên thế giới, những công ti này phải cố gắng duy trì quan hệ hữu hảo với các chính phủ hiện đang làm chủ và điều hành các đối thủ thương mại to lớn và dồi dào tài chính hơn.
Trong những khu vực đa dạng như ngành biến chế phụ sản dầu, ngành điện lực, công nghiệp khai thác mỏ, ngành sản xuất sắt thép, ngành quản lí bến cảng và vận chuyển đường biển, ngành sản xuất vũ khí, xe hơi, máy móc hạng nặng, ngành truyền thông viễn liên, và ngành hàng không, ngày càng có nhiều chính phủ không chịu dừng lại ở việc điều tiết thị trường (regulating the market). Thay vì vậy, những chính phủ này lại muốn sử dụng thị trường để củng cố tư thế chính trị nội bộ của mình. Những xí nghiệp quốc doanh là công cụ giúp cho các chính phủ đạt mục tiêu này phần nào, bằng cách hợp nhất thành những khu vực công nghiệp to lớn [để thao túng thị trường, DG]. Công ti Endiama (kim cương) của Ăng-gô-la, công ti AzerEnerji (điện lực) của A-déc-bai-dan, công ti Kazatomprom (uranium) của Ca-dắc-xtan, và Office Chérigien des Phosphates của Ma-rốc — tất cả những công ti quốc doanh này đều giữ vai trò quan trọng nhất trong khu vực kinh tế riêng của chúng (their respective sectors) ở trong nước. Một số công ti quốc doanh đã phát triển đến mức cực lớn, đáng lưu ý nhất là những công ti độc quyền xuất khẩu vũ khí và sản xuất điện thoại dây của Nga; Trung Quốc có công ti độc quyền ngành nhôm, công ti bán độc quyền (duopoly) đường tải điện, các công ti viễn liên và hàng không dân dụng quan trọng; Ấn Độ thì có công ti đường sắt quốc gia, một trong những công ti trên thế giới có số nhân viên dân sự đông nhất, với hơn 1 triệu 400 ngàn nhân viên.
Một xu thế gần đây hơn đã làm cho hiện tượng này trở nên phức tạp. Trong một số quốc gia đang phát triển, nhiều đại công ti mặc dù vẫn nằm trong tay tư nhân nhưng lại dựa vào sự bảo trợ của chính phủ qua các hình thức như tín dụng, hợp đồng, và tiền trợ cấp. Những quán quân quốc gia do tư nhân làm chủ nhưng được nhà nước ưu đãi này hưởng được nhiều cơ hội thuận lợi từ phía chính phủ, trong khi đó chính phủ lại coi những đại gia này như một phương tiện để cạnh tranh với các công ti thuần túy thương mại nước ngoài. Nhờ vậy các công ti quán quân quốc gia (national champions) có thể giành lấy một vai trò nổi bật trong nền kinh tế quốc nội và trên các thị trường xuất khẩu. Để rồi, những công ti này lại dùng ảnh hưởng của mình với chính phủ để nuốt chửng những đối thủ cỡ bé ở trong nước, đồng thời củng cố sức mạnh của công ti như là một thứ trụ cốt của hệ thống tư bản nhà nước.
Ở Nga, bất cứ một doanh nghiệp lớn nào muốn thành công đều phải có quan hệ tốt đẹp với nhà nước. Các doanh nghiệp quán quân quốc gia này đều nằm trong tay một thiểu số đầu sỏ chính trị (oligarchs), những cá nhân rất được lòng điện Cẩm Linh. Những công ti như Norilsk Nickel (khai thác mỏ); công ti luyện kim Novolipetsk Steel (NLMK); và Evraz, SeverStal, Metalloinvest (ngành thép) rơi vào loại này. Ở Trung Quốc, cũng có những doanh nghiệp quán quân quốc gia, mặc dù nhóm chủ nhân cơ sở (ownership base) của mỗi công ti có phần đông đảo hơn và ít nổi bật hơn: vương quốc hàng không AVIC (the Aviation Industries of China), Huawei (viễn liên), và Lenovo (điện toán) đều đã trở thành những đại gia được nhà nước ưu đãi (state-favored giants) và do một thiểu số doanh nhân “có quen biết lớn” điều hành. Nhiều dạng thức quán quân quốc gia do tư nhân làm chủ nhưng được nhà nước ưu đãi cũng đã mọc lên ở nhiều nước khác, kể cả những nước tương đối vẫn còn theo kinh tế thị trường tự do: như ở An-giê-ri có công ti Cevital (công nghiệp canh nông), ở Ấn độ có công ti Tata (xe hơi, sắt thép, và hóa chất), ở Ix-ra-en có công ti Tnuva (thịt và bơ sữa), ở Li-băng có Solidere (công ti xây dựng), ở Phi-lip-pin có tập đoàn San Miguel (công ti biến chế đồ ăn thức uống).
Nhiệm vụ giúp vốn cho những công ti này phần nào thuộc về các quĩ tài sản quốc gia (SWF), và sự kiện này đã nâng tầm cỡ và ảnh hưởng của những quĩ đó lên rất nhiều. Các chính phủ đều biết họ không thể tài trợ các công ti quán quân quốc gia của mình bằng cách chỉ việc in thêm tiền; vì nếu làm vậy, rốt cuộc nạn lạm phát sẽ bào mòn giá trị tài sản của các đại gia ấy. Còn nếu lấy tiền trực tiếp từ ngân sách quốc gia ra mà tài trợ, thì việc này sẽ gây ra thâm thủng trong tương lai nếu không may tình hình kinh tế trở nên tồi tệ. Vì thế, các quĩ tài sản quốc gia (SWF) đã đảm trách một vai trò to lớn hơn. Các quĩ này là nơi dự trữ số ngoại tệ thặng dư kiếm được từ việc xuất khẩu các thương phẩm hay hàng hóa chế tạo. Nhưng các quĩ SWF có nhiều chức năng hơn những trương mục ngân hàng. Đây là những quĩ đầu tư do nhà nước làm chủ, với các danh mục đầu tư hỗn hợp gồm có ngoại tệ, trái phiếu nhà nước, bất động sản, quí kim, và các phần hùn trực tiếp - và đôi khi sở hữu phần lớn — một số hãng xưởng ở trong và ngoài nước. Giống như tất cả quĩ đầu tư, các quĩ SWF cũng nhắm vào lợi nhuận tối đa. Nhưng đối với giới tư bản nhà nước (state capitalists), những lợi tức này có thể vừa có ý nghĩa chính trị vừa có ý nghĩa kinh tế.
Mặc dù được nổi bật trong vài năm qua, bản thân các quĩ SWF không có gì mới mẻ. Cục đầu tư Cô-oét (the Kuwait Investment Authority), quĩ SWF lớn thứ tư trên thế giới hiện nay, được thành lập năm 1953. Nhưng cụm từ “quĩ tài sản quốc gia” (sovereign wealth fund) được nặn ra lần đầu vào năm 2005, phản ánh việc nhìn nhận tầm quan trọng ngày một tăng của những quĩ này. Từ đó, thêm một số quốc gia đã gia nhập cuộc chơi: Dubai, Li-bi, Qatar, Hàn Quốc, và Việt Nam. Các quĩ tài sản quốc gia (SWF) lớn nhất hiện nay nằm trong tay Tiểu vương quốc Abu Dhabi, Ả-rập Xê-út, và Trung Quốc, còn Nga thì đang cố đuổi theo cho kịp. Nước dân chủ duy nhất có quĩ SWF đứng hạng 10 trên thế giới là Na Uy.
Quan hệ thiết thân
Một đặc điểm chủ yếu của hệ thống tư bản nhà nước là quan hệ thiết thân gắn bó nhà cầm quyền với những người điều hành các xí nghiệp. Cựu thủ tướng Nga Mikhail Fradkov hiện nay là chủ tịch của Gazprom, công ti độc quyền khí đốt của Nga. Còn cựu chủ tịch của Gazprom, Dmitry Medvedev, lại là tổng thống Liên bang Nga hiện nay. Tính năng động của chế độ “ô dù” (client-patron dynamic) đã đưa chính trị, chính khách, và giới thư lại vào tiến trình ra quyết định kinh tế ở một mức độ chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Và chính tính năng động này đã gia tăng nhiều rủi ro cho hiệu năng của thị trường toàn cầu.
Một là, các quyết định thương mại thường được giao cho giới quan liêu chính trị, những người ít có kinh nghiệm trong việc quản lí các hoạt động thương mại một cách hiệu quả. Các quyết định của họ thường làm giảm tính cạnh tranh và vì thế cũng làm giảm hiệu năng của thị trường. Nhưng vì những công ti này có những ô dù chính trị đầy quyền lực và có lợi thế cạnh tranh nhờ tiền trợ cấp từ nhà nước, chúng tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn cho các đối thủ trong khu vực tư.
Hai là, những động lực nằm đằng sau các quyết định đầu tư thường là chính trị hơn là kinh tế. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn, biết rằng việc tạo ra thịnh vượng kinh tế là rất thiết yếu cho việc duy trì quyền lực chính trị. Đảng bèn gửi các tập đoàn dầu khí ra nước ngoài để nắm vững các nguồn cung cấp dầu khí dài hạn mà Trung Quốc cần đến để duy trì đà phát triển liên tục. Nhờ tài trợ của nhà nước, các công ti dầu khí quốc doanh này sẽ có nhiều thanh khoản (tiền mặt) để sử dụng hơn các đối thủ trong khu vực tư - và những công ti này sẵn sàng trả cao hơn giá thị trường cho các nhà cung cấp vật tư để thủ đắc các hợp đồng dài hạn. Nếu các tập đoàn dầu khí quốc gia cần chính phủ giúp thêm, lãnh đạo Trung Quốc có thể can thiệp bằng cách hứa hẹn cho quốc gia cung cấp nguyên vật liệu vay vốn phát triển.
Lối ứng xử này làm méo mó hiệu năng của các thị trường năng lượng bằng cách tăng phí tổn sản xuất dầu khí rồi bắt mọi người phải chi trả. Nó cũng tướt mất phần lợi nhuận dư dôi mà các công ti năng lượng đa quốc (do tư nhân làm chủ) cần sử dụng cho các dự án trường kì rất tốn kém, như thăm dò và sản xuất dầu khí từ các vùng biển sâu. Sự thể này do đó sẽ làm trì trệ việc khai thác các trữ lượng dầu khí mới, vì ít có tập đoàn dầu khí quốc doanh nào có đủ thiết bị và khả năng chuyên môn mà việc khai thác này đòi hỏi. Nói thế khác, hệ thống tư bản nhà nước nhiên hậu sẽ gia tăng chi phí và làm mất hiệu năng của hoạt động sản suất, bằng cách đưa chính trị và nạn tham ô ở cấp cao vào sự vận hành của các thị trường.
Nếu doanh nghiệp và chính trị được gắn liền với nhau, thì những bất ổn trong nước đe dọa giới thống trị ở chóp bu - và, nói trắng ra theo ngôn ngữ của họ, lợi ích quốc gia và những tiêu chí trong chính sách đối ngoại — bắt đầu mang tính nghiêm trọng hơn đối với các doanh nghiệp. Đối với các doanh gia ngoài cuộc, việc quán triệt các động lực chính trị này đã trở thành một sách lược nhằm đối phó tình hình. Nhiều công ti tư nhân hoạt động trong các thị trường mới lên đã học được giá trị của việc đầu tư thêm thì giờ vào việc triển khai quan hệ hữu hảo với cả giới lãnh đạo chính phủ, tức những nhân vật có quyền ban phát những hợp đồng béo bở, lẫn giới thư lại giám sát các khung pháp lí và điều tiết thiết yếu cho việc thực thi các hợp đồng này. Đối với các công ti đa quốc, việc chi phí thì giờ và tiền bạc này bề ngoài có vẻ là một xa xỉ trong thời buổi suy trầm kinh tế toàn cầu, nhưng để bảo vệ những đầu tư và thị phần (market share) ở nước ngoài, họ không thể làm khác hơn.
Nhà nước vào cuộc
Hệ thống tư bản nhà nước bắt đầu thành hình trong cuộc khủng hoảng dầu hỏa 1973, khi các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) nhất trí cắt giảm sản lượng dầu để phản ứng chống lại hậu thuẫn của Hoa Kì dành cho Ix-ra-en trong Cuộc chiến Yom Kippur. Chỉ một sớm một chiều, dầu hỏa, thương phẩm quan trọng nhất của thế giới bỗng biến thành một vũ khí địa chính trị (geopolitical weapon), tạo cho các chính phủ những quốc gia sản xuất dầu hỏa một ảnh hưởng quốc tế to lớn chưa từng thấy. Như một công cụ chính trị, việc OPEC cắt giảm sản lượng dầu hỏa được sử dụng như một biện pháp cấm vận nhắm vào một số nước nhất định — đặc biệt là Hoa Kì và Hoà Lan. Như một hiện tượng kinh tế, cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã đảo chiều luồng vốn trước đó (the previous flow of capital), theo đó các quốc gia tiêu thụ dầu hỏa đã mua nhiều khối lượng dầu ngày càng lớn với giá khá rẻ nhưng lại bán cho các quốc gia sản xuất dầu hỏa những hàng hóa với giá thổi phồng. Từ góc độ của những thành viên OPEC, cuộc khủng hoảng đã chấm dứt nhiều thập kỉ họ phải ở trong tình trạng bất lực chính trị và kinh tế, đồng thời dứt điểm luôn cái thời thuộc địa trong lịch sử quốc gia họ.
Cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã cho các quốc gia sản xuất dầu thấy rằng bằng hành động thống nhất, họ có thể kiểm soát mức sản xuất và giành về cho mình một phần to lớn hơn từ số lợi tức do các công ti dầu phương Tây tạo ra. Tiến trình này tỏ ra là dễ dãi hơn nhiều trong những trường hợp các chính phủ có thể sử dụng xí nghiệp nội địa để khai thác và lọc dầu của chính nước mình. Rốt cuộc, các công ti dầu quốc gia tự đặt mình dưới sự kiểm soát ngày một lớn hơn của chính phủ (chẳng hạn, mãi đến năm 1980 hãng Aramco của Xê-út mới hoàn toàn được quốc hữu hóa) và nhiên hậu khuynh loát các hãng dầu tư nhân phương Tây. Cuộc khủng hoảng dầu hỏa đã khai sinh tập đoàn dầu khí quốc gia hiện đại, một mô hình từ bấy đến nay đã trở nên phổ biến và áp dụng luôn cho cả khu vực khí đốt.
Đợt triển khai thứ hai của hệ thống tư bản nhà nước bắt đầu từ thập niên 1980, được đẩy mạnh nhờ sự vươn dậy của các nước phát triển dưới quyền của các chính phủ đi theo các giá trị và truyền thống nhà nước trung tâm (state-centric values and traditions). Đồng thời, sự sụp đổ của các chính phủ vốn dựa trên các kế hoạch do trung ương hoạch định để phát triển kinh tế, đã tạo ra một làn sóng toàn cầu đòi hỏi cơ hội kinh doanh và chế độ mậu dịch thông thoáng. Xu thế này tiếp theo đó đã khởi động một thời kì tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh chóng tại nhiều nước đang phát triển trong thập niên 1990. Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ, Mê-hi-cô, Nga, và Thổ Nhĩ Kì, cùng với một số nước Đông Nam Á, đã chuyển động với nhiều tốc độ khác nhau trên con đường từ “đang phát triển” đến “phát triển”.
Mặc dù nhiều nước có thị trường tân hưng này không nằm trong khối cộng sản trước đây, nhưng chúng quả có một lịch sử trong đó nhà nước luôn can thiệp mạnh tay vào kinh tế. Ở vài quốc gia thuộc diện này, một thiểu số xí nghiệp quan trọng, thường thường do các gia đình làm chủ, đã thật sự nắm giữ độc quyền trong nhiều khu vực kinh tế chiến lược. Trong thời kì sau Thế chiến II, Ấn Độ dưới thời Nehru, Thổ Nhĩ Kì thời hậu-Ataturk, Mê-hi-cô dưới sự cầm quyền của Đảng Cách mạng Cơ chế (the Institutional Revolutionary Party, PRI), và Bra-xin dưới nhiều chính phủ do các nhóm quân nhân và phe dân tộc chủ nghĩa thay nhau cầm quyền — những quốc gia này chưa bao giờ thực sự chấp nhận quan niệm tư bản cho rằng chỉ có thị trường tự do mới có thể tạo ra sự phồn vinh bền vững. Một số tín lí chính trị đã định hướng những chế độ này theo quan điểm cho rằng một số khu vực kinh tế nhất định cần phải nằm dưới sự quản lí của chính phủ, một phần là để tránh sự khai thác bóc lột của giới tư bản phương Tây.
Khi bắt đầu tự do hóa, những nước có thị trường mới xuất hiện này chỉ chấp nhận một số nguyên tắc của thị trường tự do. Những viên chức chính trị và các nhà lập pháp ở đây, những người chủ trương cải tổ từng phần, đã trải qua những năm tháng trưởng thành của họ trong các cơ chế giáo dục và chính quyền, những cơ chế vốn được tạo ra để truyền bá các giá trị quốc gia do nhà nước định nghĩa. Tại hầu hết các nước này, phát triển kinh tế đã đi liền với một số bất cập như thiếu tính minh bạch và tinh thần pháp trị của các chế độ dân chủ thị trường tự do. Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy sự tin tưởng của thế hệ [lãnh đạo] mới đối với các giá trị của thị trường tự do khá bị hạn chế. Với sự non trẻ của các cơ chế điều hành quốc gia, những nước có thị trường đang lên là những quốc gia trong đó những vấn đề chính trị chí ít cũng có tầm quan trọng ngang hàng với những nguyên tắc kinh tế cơ bản thiết yếu cho hoạt động của thị trường. Đã có thời, chính phủ của các nước giàu không mấy quan tâm đến các sự kiện này, vì những nước nói trên không có hoặc ít có ảnh hưởng trên các thị trường thế giới.
Đợt triển khai thứ ba của hệ thống tư bản nhà nước được đánh dấu bằng sự vươn dậy của các quĩ tài sản quốc gia, SWF, là những quĩ từ năm 2005 đã bắt đầu thách thức sự thống trị của phương Tây đối với các luồng tư bản toàn cầu. Những khối dự trữ tư bản này vốn được sản sinh do sự gia tăng khổng lồ về số lượng hàng hoá xuất khẩu từ các nước có thị trường đang vươn lên. Hầu hết các quĩ SWF vẫn còn được quản lí bởi các viên chức chính phủ, những người có lề thói coi các chi tiết liên quan đến mức tiền dự trữ, các đầu tư, và việc quản trị các tài sản nhà nước gần như là một bí mật quốc gia. Do đó, không ai biết rõ những quyết định thu mua và đầu tư của các quĩ này đã bị các yếu tố chính trị ảnh hưởng đến mức độ nào.
Hiện nay, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang dẫn đầu những nỗ lực đòi nâng cao tính minh bạch và tính nhất quán tại các quĩ SWF, nhưng những nỗ nực này chắc sẽ không thành công hơn các dàn xếp tự nguyện bao nhiêu. Những quĩ SWF nào đặc biệt thiếu minh bạch thì vẫn cứ tiếp tục thiếu minh bạch, và các lãnh đạo chính trị vẫn cứ tiếp tục điều hành chúng để hưởng lợi chính trị và tài chánh. Để biện minh cho thái độ cứng rắn của mình, các nhà quản lí những quĩ SWF này đã viện dẫn những kêu gọi được nhìn nhận là có li do chính trị đòi rút vốn đầu tư ra khỏi Darfur hoặc I-ran, những kêu gọi do các quĩ tương tự SWF của phương Tây đưa ra, chẳng hạn như Quĩ hưu trí Công chức của Na-Uy (Norway’s Government Pension) or của California (the California Public Employees’ Retirement System).
Đợt triển khai thứ tư của hệ thống tư bản nhà nước hiện đang diễn ra, được thúc đẩy bởi cuộc suy trầm kinh tế toàn cầu gần đây. Nhưng lần này, chính chính phủ những nước giàu nhất thế giới, chứ không riêng gì chính phủ các nước có thị trường mới lên, lại là những nhà nước nhúng tay can thiệp vào kinh tế quốc gia. Tại Hoa Kì, các nhà lập pháp đã và đang can thiệp vào sinh hoạt kinh tế bất chấp sự nghi kị có truyền thống của dân chúng đối với quyền lực chính phủ và bất chấp sự tin tưởng của họ dành cho doanh nghiệp tư. Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, và các nước giàu theo thị trường tự do khác cũng đã làm theo như vậy. Ở châu Âu, nhờ có truyền thống nhà nước mạnh và truyền thống dân chủ xã hội, nên việc quốc hữu hoá và các nỗ lực tiếp cứu do nhà nước thực hiện dễ được dân chúng chấp nhận hơn.
Tuy nhiên, những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới đã không chấp nhận chủ nghĩa tư bản nhà nước với thái độ không hề do dự. Ở Hoa Kì và cả châu Âu, sức mạnh của bàn tay vô hình [tức thị trường tự do, DG] vẫn còn là một tín điều. Các chính phủ trên cả hai bờ Đại Tây Dương đều biết rằng muốn duy trì hậu thuẫn của dân chúng, họ phải giữ lời hứa là sẽ trả lại khu vực ngân hàng và các đại xí nghiệp cho tư nhân một khi chúng được hồi sức. Nhưng bao lâu mà nỗ lực kích thích kinh tế vẫn chiếm ưu tiên hàng đầu trong những cân nhắc chính trị của Washington, thì khắp châu Âu cũng như tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, các nhà làm chính sách quốc gia vẫn giữ vị trí trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu. Để kích thích nền kinh tế, các bộ tài chính và ngân khố sẽ tiếp cứu các ngân hàng và công ti tư, bơm thêm tiền mặt, và in thêm giấy bạc chỉ vì không còn ai khác hơn có thể làm việc đó. Các ngân hàng trung ương, mà ít có trường hợp hoàn toàn độc lập với nhà nước, không còn là chỗ dựa cuối cùng hay thậm chí là chỗ dựa đầu tiên; chúng đã trở thành những kẻ cho vay duy nhất (the only lenders) đối với các ngân hàng trong nước. Tình hình này đã tạo ra một xê dịch đột biến đáng kể cho trọng tâm quyền lực tài chính toàn cầu.
Mãi đến gần đây, New York là thủ đô tài chính thế giới. Nhưng bây giờ thành phố này thậm chí không còn là thủ đô tài chính của Hoa Kì. Vinh dự đó bây giờ thuộc về Washington, nơi các đại biểu Quốc Hội và ngành hành pháp Mĩ đang ra những quyết định có ảnh hưởng thị trường dài hạn, trên một qui mô chưa từng thấy từ thập niên 1930. Một chuyển dịch trách nhiệm tương tự cũng đang diễn ra khắp thế giới: từ Thượng Hải về Bắc Kinh tại Trung Quốc, từ Dubai về Abu Dhabi tại Á-rập Xê-út, từ Sydney về Canberra tại Ốt-xtray-lia, từ São Paulo về Brasília tại Bra-xin, và thậm chí một quốc gia tương đối tản quyền như Ấn Độ, từ Mumbai về New Delhi. Còn các thủ đô như Luân Đôn, Mát-xkơ-va và Pa-ri, nơi tài chính và chính trị ở chung trong một thủ đô, sự chuyển dịch trách nhiệm kinh tế đang hướng về phía chính phủ.
Chiếu bạc to lớn
Các nền kinh tế tư bản nhà nước chắc sẽ ra khỏi cuộc suy trầm kinh tế toàn cầu kèm theo quyền kiểm soát hoạt động kinh tế ở một mức độ chưa từng thấy, mặc dù đã chịu nhiều thiệt hại tài chính to lớn, cùng với các nền kinh tế khác, trong thời kì 2008-2009. Trung Quốc và Nga đang tiếp cứu các công ti quốc doanh và các công ti quán quân quốc gia do tư nhân làm chủ (private national champions) của mình. Cả hai nước này đều muốn củng cố các công nghiệp quan trọng để cắt giảm chi phí. Tiếp theo sau nạn dầu thô tụt giá từ 147 Mĩ kim một thùng vào tháng Bảy 2008 xuống dưới 40 Mĩ kim một thùng vào tháng Hai 2009, Nga hiện đang đối đầu với nạn thiếu hụt ngân sách xảy ra lần đầu trong vòng 10 năm qua. Trung Quốc, một nước nhập khẩu dầu chủ yếu, đã hưởng lợi nhiều nhờ giá dầu hạ, nhưng cuộc suy thoái toàn cầu đã khiến chính phủ cả hai nước có khả năng phải đối đầu với nạn thất nghiệp gia tăng và bất ổn xã hội đi kèm. Cả hai chính phủ đã ra sức đối phó, chủ yếu bằng cách siết chặt quyền kiểm soát kinh tế của nhà nước nhiều hơn nữa.
Bất chấp cuộc suy thoái toàn cầu, các quĩ tài sản quốc gia (SWF), vốn đã là tác nhân kinh tế toàn cầu quan trọng, sẽ vẫn tồn tại trong tương lai gần. Mặc dù tổng trị giá của chúng đã rơi từ cao điểm ước tính khoảng 4000 tỉ năm 2007 xuống dưới 3000 tỉ Mĩ Kim cuối năm 2008, con số sau vẫn còn suýt soát với tổng số tài khoản ngoại tệ ở các ngân hàng trung ương và vượt quá tất cả tài sản trong các quỉ đối xung (hedge funds) toàn cầu cọng lại. Quĩ SWF có trị giá tương đương với 12 phần trăm đầu tư toàn cầu, gấp đôi tỉ lệ bách phân 5 năm trước. Đà gia tăng của các quĩ SWF vẫn còn tiếp tục, một vài tiên đoán khả tín đặt trị giá của chúng ở 15 ngàn tỉ Mĩ Kim vào năm 2015.
Nói tóm lại, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các công ti dầu khí quốc gia vẫn khống chế ba phần tư tài nguyên chiến lược chủ yếu của thế giới, các xí nghiệp quốc doanh và các công ti quán quân quốc gia (national champions) do tư nhân làm chủ vẫn hưởng nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ trong khu vực tư, và các quĩ SWF vẫn rất phong phú tiền mặt. Những công ti và cơ sở tài chính này thực sự quá to lớn, khó mà thất bại.
Nhà nước càng can thiệp sâu đậm hơn vào kinh tế bao nhiêu thì các nạn quan liêu lãng phí, kém hiệu năng và tham nhũng lại càng kìm hãm phát triển bấy nhiêu. Những gánh nặng này lại càng nghiêm trọng hơn trong một nước độc tài, nơi mà các viên chức chính quyền thoải mái ra các quyết định thương mại mà không sợ bị chất vấn hay điều tra bởi một báo giới tự do hay các cơ quan điều tiết có tính độc lập chính trị, các toà án hay các nhà lập pháp. Tuy nhiên, cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay đã làm lung lay niềm tin quốc tế đối với mô hình thị trường tự do. Dù nguyên nhân đích thực của cuộc khủng hoảng là gì đi nữa, thì các chính phủ Trung Quốc, Nga, và nhiều nhà nước khác vẫn có những lí do bức thiết để đổ lỗi cho hệ thống tư bản kiểu Mĩ đã gây ra cuộc suy trầm kinh tế hiện nay. Các chính phủ này phải làm như thế để tránh trách nhiệm trước nạn thất nghiệp đang gia tăng và năng suất đang suy giảm trong chính quốc gia của họ và để biện minh cho việc cương quyết theo đuổi chủ nghĩa tư bản nhà nước, một hệ thống đã tồn tại một thời gian khá dài trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu.
Để đối phó với tình hình này, những nhà làm chính sách Hoa Kì phải ra sức thuyết phục các chính phủ khác về giá trị của thị trường tự do. Nếu Washington đi theo chế độ bảo hộ mậu dịch và duy trì bàn tay đầy quyền lực của mình trong sinh hoạt kinh tế quá lâu, các chính phủ và nhân dân thế giới sẽ có phản ứng tương xứng. Trình trạng này có thể đưa đến nguy cơ to lớn, bởi vì việc đưa các chính sách mị dân vào lãnh vực thương mại và đầu tư quốc tế sẽ gây cản trở cho những nỗ lực hồi phục thương mại toàn cầu và sẽ giảm bớt mức tăng trưởng trong tương lai. Bảo hộ mậu dịch sẽ nảy sinh bảo hộ mậu dịch, tài trợ nhà nước sẽ nảy sinh tài trợ nhà nước. Vòng đàm phán Doha về mậu dịch thế giới năm 2008 sở dĩ thất bại một phần vì Hoa Kì và Liên minh châu Âu cương quyết duy trì mức thuế quan cao trên nông phẩm, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ cũng muốn bảo vệ nông gia và một số công nghiệp còn non trẻ chưa đủ sức tự cạnh tranh của mình. Sự bế tắc ở Vòng đàm phán Doha đã làm thiệt hại hằng trăm tỉ đôla trong một nền mậu dịch toàn cầu đầy tiềm năng tăng trưởng.
Những sáng kiến bảo hộ mậu dịch khác đã bắt đầu đè nặng lên thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã tái lập việc giảm thuế cho một số công ti xuất khẩu nhất định. Nga đã hạn chế đầu tư nước ngoài trong 42 “khu vực chiến lược” và áp đặt thuế nhập khẩu mới lên xe hơi, thịt heo, và gia cầm. In-đô-nê-xi-a áp đặt thuế quan và hạn chế giấy phép nhập khẩu lên trên 500 sản phẩm nước ngoài. Ấn Độ tăng 20% thuế nhập khẩu đậu nành. Ác-hen-ti-na và Bra-xin đang công khai cân nhắc việc áp đặt thuế quan mới lên nguyên liệu dệt và rượu nhập khẩu. Hàn Quốc không chịu bỏ hàng rào mậu dịch đối với xe hơi nhập khẩu từ Hoa Kì. Pháp công bố thành lập một quĩ nhà nước để bảo vệ những công ti trong nước khỏi bị các công ti nước ngoài tiếp quản (foreign takeover).
Một số quốc gia trong nhiều vùng khác nhau trên thế giới đã có nỗ lực nâng thuế quan lên mức tối đa được cho phép theo qui định của Vòng đàm phán Uruguay về Thoả thuận Chung về Thuế quan và Mậu dịch. Trong khi đó những thỏa ước và cơ chế tranh chấp (dispute mechanisms) toàn diện, toàn cầu thì đang bị thay thế một cách vá víu bằng khoảng 200 thỏa ước song phương hay theo vùng. (Thêm khoảng 200 thoả ước thuộc loại này đang được soạn thảo.) Sự xé lẻ này sẽ ngăn cản tính cạnh tranh toàn cầu, gây thiệt thòi cho người tiêu thụ, và làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương–tất cả những hiện tượng này lại diễn ra vào lúc nền kinh tế toàn cầu đang cần đến một kích thích mới.
Con đường trước mặt
Càng ngày càng có nhiều người Mĩ tin tưởng rằng xu hướng toàn cầu hoá đã lấy công ăn việc làm của họ để đưa sang nước khác, hạ thấp đồng lương của họ, và đem về cho giới tiêu thụ Mĩ những sản phẩm thiếu chất lượng. Rất có thể khoảng trước cuộc bầu cử năm 2012, chí ít sẽ có một ứng viên tổng thống có tầm vóc đưa ra một cương lĩnh mang màu sắc chủ nghĩa biệt lập mới, “người Mĩ mua hàng của Mĩ” (a neo-isolationist, “Buy American” platform). Nếu các nhà lập pháp Hoa Kì muốn tránh chiếc bẩy bảo hộ mậu dịch này, họ phải cố gắng ôn lại những bài học lịch sử của Luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, một đạo luật đã tăng thuế nhập khẩu trên 20 ngàn mặt hàng, đã khiến các nước khác trả đủa tương xứng, và vì thế đã đào sâu và kéo dài cuộc Đại Suy thoái Kinh tế (the Great Depression).
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đã tạo ra một ảo tưởng về tình đoàn kết quốc tế, dựa trên cảm thức sợ hãi sai lầm là, mọi người sẽ chìm chung trên một con thuyền. Một năm trước đây, trong các giới làm chính sách, người ta thường nói đến “xé lẻ” (decoupling), một tiến trình theo đó các nền kinh tế tân hưng (emerging economies) sẽ triển khai một cơ sở tăng trưởng nội địa đủ rộng lớn để tự giải phóng mình ra khỏi sự lệ thuộc vào giới tiêu thụ tại Hoa Kì và châu Âu. Nhưng thực tế cho thấy rằng những tiên đoán về các nỗ lực “xé lẻ” như thế là quá sớm. Những vấn đề kinh tế phát sinh tại Hoa Kì đã buộc sinh hoạt kinh tế tại hằng chục quốc gia đang phát triển phải hạ cánh nhọc nhằn, vì những khó khăn của Mĩ đã dập tắt nhu cầu tiêu thụ hàng xuất khẩu từ các nước đó.
Nhưng dưới bề nổi, tiến trình xé lẻ vẫn biểu hiện trong các thị trường nội địa ngày một lớn rộng của Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ và Liên Bang Nga; trong các đầu tư mà chính phủ của những nước này đang thực hiện ở nước ngoài; trong việc khoanh vùng các luồng vốn; và trong khả năng dài hạn là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (the Gulf Cooperation Council), các thành viên của Hiệp hội các Nước đông nam Á, và một vài chính phủ nam Mĩ sẽ tung ra các loại tiền tệ có giá trị trong khu vực để trở nên tự túc hơn [nghĩa là, giảm bớt ảnh hưởng của đồng Mĩ kim hay đồng Euro, DG].
Hoa Kì không còn có thể nhờ các đồng minh chiến lược mua trái phiếu của mình, như đã từng trông cậy Nhật Bản và Tây Đức làm việc này vào thập niên 1980. Hiện nay Hoa Kì phải trông cậy vào các đối thủ kinh tế chiến lược, đặc biệt Trung Quốc, là nước không mấy tin tưởng Hoa Kì có thể vĩnh viễn làm chiếc neo kinh tế toàn cầu. Việc cất giữ các trữ lượng Mĩ kim to lớn đã giúp cho Bắc Kinh giữ giá trị đồng Nhân dân tệ ở mức thấp, nhờ thế đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc và tạo ra những thặng dư mậu dịch chưa từng thấy. Nhưng ưu tiên hiện nay của Trung Quốc là xây dựng một thị trường nội địa để tạo ra một mô hình tăng trưởng kinh tế, theo đó Trung Quốc sẽ ít tùy thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kì và châu Âu nhưng sẽ dựa vào nhu cầu của giới tiêu thụ trong nước nhiều hơn. Khi và nếu Trung Quốc thành công trong nỗ lực này, từ “xé lẻ” sẽ trở nên có ý nghĩa hơn nhiều, và khi đó Trung Quốc sẽ ít có động lực mua trái phiếu Hoa Kì như trong thời gian qua. Nếu càng ít quốc gia chịu mua công khố phiếu Hoa Kì, thì lãi suất của nó sẽ được nâng cao để thu hút người mua, và điều này có nghĩa là Hoa Kì sẽ ở trong tình trạng thiếu nợ lâu dài. Vì thế, sự phục hồi kinh tế của Hoa Kì, một khi bắt đầu, sẽ diễn tiến chậm hơn, và địa vị của đồng đôla như một trữ kim quốc tế sẽ bị bào mòn nhanh chóng hơn.
Chính phủ Hoa Kì có lẽ sẽ đi đến kết luận là mình đang mất dần quyền thiết kế và thi hành các luật lệ kinh tế toàn cầu. Dù sao, Hoa Kì không còn mấy tin tưởng khi đóng vai trò lãnh đạo trong nhóm G-20 (gồm các nền kinh tế quan trọng). Diễn đàn này bao gồm cả các cường quốc kinh tế tân hưng như Trung Quốc và Ấn Độ, tức những nước đã phải đứng ngoài G-7 (nhóm quốc gia được công nghiệp hóa ở trình độ cao). Ngoài ra, sự khác biệt tự nhiên giữa quyền lợi của các nước tân hưng và quyền lợi của các nước đã phát triển sẽ làm cho hai nhóm quốc gia này khó đạt được bất cứ đồng thuận nào trước những thách đố kinh tế cam go nhất. Vấn đề này lại được khuyếch đại do khuynh hướng của các chính khách, trong thế giới phát triển cũng như đang phát triển, có chủ tâm thiết kế các gói kích cầu sao cho phù hợp với các nhóm cử tri bản địa, chứ không vì nhu cầu điều chỉnh những bất quân bình kinh tế vĩ mô.
Trong trường kì, tương lai của chủ nghĩa tư bản nhà nước rất có thể bị nhiều hạn chế, nhất là nếu nó không thể cung ứng cho hai ngọn cờ đầu, Trung Quốc và Nga, một mô hình phát triển kinh tế bền vững. Thực tế nhiên hậu sẽ chứng minh rằng việc chế ngự những thách đố xã hội và môi trường của Trung Quốc nằm ngoài khả năng của giới thư lại; cuối cùng những viên chức này sẽ nhận chân rằng thị trường tự do hóa ra có khả năng giúp họ nhiều hơn trong việc lo nơi ăn chốn ở cho 1,4 tỉ người và tạo từ 10 đến 12 triệu việc mới mỗi năm. Trong khi đó tại Liên Bang Nga, vì phải đối diện với một dân số đang giảm dần và một nền kinh tế quá lệ thuộc vào xuất khẩu dầu khí, có lẽ các nhà làm chính sách sẽ kết luận rằng muốn tạo được thịnh vượng kinh tế tương lai thì phải một lần nữa thực hiện những cải tổ theo khuynh hướng thị trường tự do. Hoa Kì cần phải tái khẳng định cam kết nới rộng mậu dịch với Liên minh châu Âu (khối thị trường tự do lớn nhất và chặt chẽ nhất thế giới) lẫn các cường quốc kinh tế đang lớn mạnh, gồm Bra-xin, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kì, các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, và các nước có thị trường mới lên tại Đông Nam Á, một phần vì cần đảm bảo rằng những quốc gia này sẽ không xích gần thêm hệ thống tư bản nhà nước, một khả năng có thể làm cho thị trường toàn cầu mất thêm hiệu năng và giới hạn các vận hội thương mại của Hoa Kì.
Trong khi đó, những nhà làm chính sách Hoa Kì phải đòi hỏi thêm nhiều cơ hội thương mại tại các nước đang theo chủ nghĩa tư bản nhà nước, đồng thời giúp các công ti Mĩ hiện đang hoạt động tại Trung Quốc, Nga, vùng Vịnh Ba Tư và các nơi khác triển khai các chiến lược đối xung (hedging strategies), tức chiến lược đi nước đôi, nhằm chống lại nguy cơ bị mất thị trường vào tay các công ti bản địa được nhà nước ưu đãi. Như một mô thức đối xung hữu hiệu, các công ti đa quốc Hoa Kì nên học hỏi chiến lược đa dạng hóa “Trung Quốc cọng một” của Nhật Bản; theo đó ngoài Trung Quốc ra, Nhật còn đầu tư ở nhiều quốc gia khác. Thay vì quá tin chắc rằng một mình thị trường Trung Quốc sẽ cung ứng phần lớn lợi tức trong tương lai, các công ti Hoa Kì nên nới rộng đích đầu tư của mình để bao gồm một loạt các quốc gia có thị trường đang lên khắp châu Á và các vùng khác nữa.
Bây giờ là lúc Hoa Kì phải nghênh đón thêm các nguồn tiền đầu tư nước ngoài, kể cả từ các quĩ tài sản quốc gia (SWF). Một số dự án đầu tư của nước ngoài hiện cần được duyệt xét cẩn thận để đảm bảo chúng không phương hại an ninh quốc gia. Bao lâu mà một duyệt xét như vậy là chính đáng và chân thật, chứ không phải là một nỗ lực chính trị nhằm chặn đứng đầu tư nước ngoài, Hoa Kì không cần phải ngăn cản các dự án đầu tư (investment proposals). Vì cần phải bảo vệ đầu tư của mình tại Hoa Kì, các chính phủ và công ti nước ngoài sẽ thấy rằng lợi ích to lớn của mình gắn liền với sự ổn định của hệ thống tài chính Mĩ. Nếu có một sự hủy diệt tài chính thì chắc chắn cả hai bên đều chịu thiệt hại (mutually assured financial destruction). Ý niệm này nhất định làm cho các quốc gia tư bản nhà nước (state capitalist countries) hiểu rằng việc Hoa Kì vẫn tiếp tục thành công kinh tế là rất phù hợp với lợi ích của các quốc gia ấy.
Liệu chủ nghĩa tư bản thị trường tự do có còn là một giải pháp đứng vững dài hạn hay không, việc này sẽ tuỳ thuộc phần lớn những gì các nhà lập chính sách Hoa Kì thực hiện kế tiếp trong tương lai. Thành công sẽ không những tùy thuộc vào việc ra chính sách kinh tế đúng lúc mà lại còn tùy thuộc vào việc làm cho nhản hiệu phổ quát của Hoa Kì trở nên hấp dẫn. Washington phải duy trì những lợi thế tương đối thật to lớn về quyền lực cứng [quân sự]–một lãnh vực mà Hoa Kì vẫn còn chi phí gấp mười lần Trung Quốc và chi phí nhiều hơn tất cả các quốc gia còn lại của thế giới cọng lại-và cả quyền lực mềm [văn hóa, ngoại giao], một lãnh vực cho đến nay đã được chính quyền Obama cải thiện bằng cách nâng cao hình ảnh của Hoa Kì khắp thế giới.
Chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ không dễ gì biến mất một sớm một chiều. Dù có dựng những bức tường thuế quan nhằm ngăn chặn nước khác tiếp cận thị trường Hoa Kì, chính phủ Mĩ cũng không thay đổi được tình hình này. Thay vì vậy, việc ra sức khai thác lợi nhuận từ các quan hệ thương mại với các quốc gia tư bản nhà nước lại nằm trong lợi ích ngắn hạn của Hoa Kì. Vì triển vọng lâu dài của nền kinh tế Hoa Kì và kinh tế thế giới, việc bảo vệ thị trường tự do vẫn là một chính sách rất cần thiết. Không có sách lược nào có thể thay thế được cách lãnh đạo bằng gương mẫu trong việc đẩy mạnh tự do mậu dịch, cổ vũ đầu tư nước ngoài, cổ vũ tính trong sáng, và thị trường mở rộng, nhằm đảm bảo thị trường tự do vẫn là một lựa chọn lành mạnh và vững bền nhất so với chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Nguồn: Foreign Affairs, tháng Năm/tháng Sáu 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét