CHÍNH ĐẠO Chủ Nhật, Ngày 16 tháng 8-2009
Bán tuần báo Tiếng Dân là một cơ quan ngôn luận tư nhân, độc lập đầu tiên tại An Nam (Trung Kỳ). Dưới sự điều khiển của Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)—một nho gia thuộc trường phái duy tân theo kiểu mẫu Pháp thuộc đầu thế kỷ XX, từng bị đầy ra Côn Đảo 13 năm vì tội xúi dục dân chúng làm loạn—Tiếng Dân xuất bản đều đặn suốt gần 16 năm dài, từ 1927 tới năm 1943. Dù tòa soạn và nhà in riêng đặt tại Huế, Tiếng Dân phát hành khắp miền Trung, tạo ảnh hưởng khá lớn trong giới trí thức địa phương, và là nguồn thông tin khả tín cho các nhà nghiên cứu về An Nam thời Pháp thuộc cũng như tinh thần quốc gia mới tại Việt Nam từ năm 1925 tới giai đoạn Nhật chiếm đóng Đông Dương (1940-1945).
Đã có nhiều nghiên cứu về Huỳnh Thúc Kháng và Tiếng Dân. Trong khi một số biên khảo đã khá đầy đủ và trung thực,(1) nhiều sách báo bằng Việt ngữ khó qua khỏi khuôn thức “cung văn” hay “đào mộ” quen thuộc tại Việt Nam.(2)
Trong dịp du khảo tại Việt Nam từ tháng 11/2004 tới tháng 5/2005 vừa qua, chúng tôi được may mắn đọc một số hồ sơ về sinh hoạt báo chí Việt Nam, đặc biệt là tư liệu về báo Tiếng Dân của công ty Huỳnh Thúc Kháng. Hơn 20 tài liệu này cung cấp những thông tin chính xác nhất về giai đoạn Tiếng Dân được chuẩn bị ra mắt độc giả miền Trung từ 1926 tới 1928.(3) Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày tinh thần quốc gia Việt Nam mới bắt đầu bộc phát (1925- 2005)—thể hiện qua phong trào xin ân xá cho nhà ái quốc Phan Bội Châu (1868-1940), tiếp nối bằng quốc táng nhà nho duy tân Phan Châu Trinh (1872-1926)—chúng tôi công bố những tư liệu mới tham khảo để phần nào đóng góp vào việc san định lịch sử cận đại Việt.
I. DIỄN TIẾN VIỆC RA BÁO TIẾNG DÂN (8/10/1926-1/5/1928):
Kho văn khố của Tòa Khâm sứ An Nam (HC/RSA) tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia [TTLTQG] 2 Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) có một hồ sơ ghi lại khá rõ diễn tiến sự việc Huỳnh Thúc Kháng xin ra báo Tiếng Dân từ ngày 8/10/1926 tới khi báo ra mắt số 74 ngày 1/5/1928. Hồ sơ này có trên 20 tài liệu cơ bản:
Tài liệu 1:
Ngày 8/10/1926, Huỳnh Thúc Kháng chính thức làm đơn gửi XLTV Toàn quyền Pierre Pasquier (10/1926-5/1927), xin được phép xuất bản một tờ báo bằng chữ Việt mới [Quốc ngữ], với tên Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Tourane (Đà Nẵng). Mục đích nhắm sử dụng cơ quan ngôn luận này để phổ biến những tư tưởng ôn hòa hầu đưa vào kỷ luật những khuynh hướng dị biệt biểu lộ tại một khúc quanh khó khăn của sự tiến hóa tại An Nam (Trung kỳ), và hướng dẫn dân chúng tiến bộ trong trật tự và hòa bình. Về khuôn khổ, giống như những báo quốc ngữ đang lưu hành ở Đông Dương. Về phương diện pháp lý, sẽ tuân theo luật lệ hiện hành. Đơn viết bằng Pháp ngữ, đánh máy, với hàng chữ viết tay ở cuối thư: “Huynh Thuc Khang, Président de la Chambre des représentants du peuple d’Annam” [Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Viện Dân biểu An Nam].
Đính kèm là bản “Chương trình báo “Tiếng Dân” [Programme du Journal “Tieng Dan”]. Gồm 2 trang đánh máy, với 16 điều, đánh số từ 1 tới 16.
Điều 1: Báo sẽ ra hai lần một tuần, vào các ngày thứ Tư và thứ Bảy.
Điều 3: Lý tưởng phục vụ lợi ích quốc gia an-nam-mit [la nation annamite], sẽ không phục vụ chủ nghĩa Cộng Sản [se gardera de servir le communisme], và tôn trọng giới lãnh đạo Đông Dương [respectera . . . la Souveraineté en Indochine].
Điều 4: Bài vở chọn đăng theo 4 nguyên tắc:
a. Khiến chính quyền biết được nguyện vọng của dân.
b. Đưa ra ánh sáng quyền lợi chung của dân chúng và những điều tệ hại khiến họ bị phiền nhiễu.
c. Giúp chính quyền thực hiện tất cả các kế hoạch chính trị cởi mở [libéral].
d. Tiếp tay vào việc giáo dục đạo đức, tri thức, chính trị và kinh tế cho dân An-nam-mít.
Điều 14: Góc mặt, trên đầu trang nhất báo sẽ dùng để trích đăng những tư tưởng hay cách ngôn từ tác phẩm của các triết gia kim cổ.
Điều 16: Tất cả những điều trên có thể cải đổi, sau khi đã được sự chấp thuận của chính quyền.
Phía dưới tài liệu ghi “Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Viện Dân biểu An Nam, ngụ tại xã Thanh Bình, Tam Kỳ, Quảng Nam,” với chữ ký của HTK.
Tài liệu 2:
Ngày 9/10/1926, Huỳnh Thúc Kháng viết thư cho XLTV Khâm sứ J. d’Elloy, nhờ chuyển cho Toàn quyền đơn xin ra báo ngày 8/10, đồng thời yêu cầu d’Elloy ủng hộ. Ông cho biết đang ngụ tại nhà Nguyễn Khoa Tùng, Đập Đá, Huế. [Thư viết tay] (RSA/HC, HS 1869)
Tài liệu 3:
Một đoạn trích từ phiên họp Cơ Mật Viện ngày 13/10/1926, dưới sự chủ tọa của Pasquier.
Pasquier nói Phan Bội Châu từng xin ra báo, nhưng đã được khuyên nên rút đơn. Nay Huỳnh Thúc Kháng cũng xin ra báo. Muốn được biết ý kiến Viện Cơ Mật. Thượng thư Hồ Đắc Trung (Bộ Lễ và Học) và Tổng lý Nội các Nguyễn Hữu Bài đều đồng ý, với điều kiện phải kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ. (Extrait du procès-verbal de la 8è séance de 1926 (13 Oct 1926) du Conseil de Co Mat; RSA/HC, HS 1869)
Tài liệu 4:
Ngày 14/10/1926, Huỳnh Thúc Kháng lại nhờ XLTV Khâm sứ chuyển thư cho Pasquier, bổ túc thêm chi tiết cho đơn xin ra báo ngày 8/10: Đích thân HTK sẽ là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tiếng Dân. (RSA/HC, HS 1869)
Tài liệu 5:
Ngày 6/11/1926, trong thư gửi d’Elloy, Pasquier chấp thuận đề nghị ngày 18/10/1926 của J. d’Elloy: đồng ý trên nguyên tắc cho Huỳnh Thúc Kháng xuất bản một tờ báo. Tuy nhiên chỉ có quyết định cuối cùng sau khi nhận được đầy đủ thông tin cần thiết. (RSA/HC, HS 1869)
Tài liệu 6:
Ngày 12/11/1926, D’Elloy cho Huỳnh Thúc Kháng biết là đã chấp thuận trên nguyên tắc việc ra báo Tiếng Dân. Tuy nhiên, muốn biết thêm chi tiết về ban biên tập, tòa soạn cũng như tài chính.
Tài liệu 7:
Ngày 26/11/1926, Huỳnh Thúc Kháng nhờ Đốc lý Tourane chuyển thư cho D’Elloy, nêu rõ thêm chi tiết về tòa soạn và trị sự của Tiếng Dân. Báo có nhà in riêng, về tài chính sẽ lập một công ty vô danh. Phụ tá HTK có Đào Duy Anh, Trần Đình Phiên (trị sự), một thư ký kế toán và một thư ký phụ trách văn thư. (Ngày 27/11/1926, Đốc lý Tourane chuyển thư [ngày 26/11/1926] HTK cho D’Elloy).
Tài liệu 8:
Ngày 6/12/1926, D’Elloy [qua công sứ Hội An] cho Huỳnh Thúc Kháng biết đã nhận được tài liệu ngày 26/11/1926 về việc ra báo Tiếng Dân. D’Elloy đồng ý, nhưng với điều kiện tòa soạn phải đặt ở Huế.
Tài liệu 9:
Ngày 14/12/1926, Huỳnh Thúc Kháng [lúc này ở nhà Lê Ấm, Giáo sư Quốc tử Giám, tại Huế] gửi thư viết tay cho D’Elloy để hồi đáp thư ngày 6/12/1926.
Theo HTK, công ty in báo sẽ là một công ty cổ phần, mà không phải công ty vô danh như đã viết trong thư ngày 26/11/1926. Về địa điểm đặt tòa soạn, HTK muốn nhấn mạnh đã chọn Tourane, nếu rời ra Huế phí tổn di chuyển quá nặng, trong khi công ty nghèo. Ngoài ra, Tourane là thành phố thương mại, trong khi Huế là một trung tâm văn hóa, nơi có nhiều trào lưu tư tưởng và chính kiến dị biệt, chắc chắn có những tư tưởng không phù hợp với chủ trương ôn hòa và mục tiêu giáo huấn đám đông của Tiếng Dân. Bản chất vốn không ưa những nơi náo nhiệt và thích làm việc trong cảnh thanh tịnh, HTK muốn giữ tòa soạn Tiếng Dân ở Đà Nẵng. Hơn nữa, vì dân trí người Việt còn lạc hậu, HTK muốn Tiếng Dân ít bị ảnh hưởng vì những áp lực chính trị đa tạp như ở Huế. HTK cũng yêu cầu trong buổi gặp mặt ngày hôm sau, 15/12, để bàn về trụ sở Viện Dân Biểu, D’Elloy sẽ cho phép HTK trình bày thêm về nơi đặt tòa soạn.
Tài liệu 10:
Báo cáo (Note) ngày 6/1/1927 của Công sứ Phan Thiết gửi D’Elloy về những thương gia Phan Thiết muốn góp cổ phần xuất bản Tiếng Dân.
Tài liệu 11:
Ngày 11/1/1927, từ Tourane Huỳnh Thúc Kháng viết thư cho D’Elloy về vấn đề tòa soạn và tài chính của Tiếng Dân [để giải thích thêm chi tiết đã nêu lên trong buổi gặp mặt ngày 5/1/1927]: Tòa soạn Tiếng Dân đặt tại Đà Nẵng. Huỳnh Thúc Kháng sẽ là Chủ nhiệm (Directeur Gérant) kiêm Chủ bút (Rédacteur en Chef). Phụ tá biên tập là Đào Duy Anh (1904-1988), một cựu giáo viên. Quản trị giao cho Trần Đình Phiên, thương gia ở Phan Thiết. Về tài chính, sẽ lập một công ty cổ phần [une société en commandite par actions] thay vì công ty vô danh. Yêu cầu D’Elloy ban hành nghị định càng sớm càng tốt. [Thư viết tay, 3 trang].
Tài liệu 12:
Ngày 14/1/1927, Huỳnh Thúc Kháng gửi thư cho D’Elloy, xin được yết kiến Toàn quyền trong dịp ghé Huế, và nhờ chuyển thư đề cùng ngày gửi cho Pasquier. (HTKháng ngụ tại nhà Nguyễn Khoa Tùng, Đập Đá, Huế)
Tài liệu 13:
Ngày 14/1/1927, Huỳnh Thúc Kháng viết thư cho Pasquier, xin yết kiến để trình bày về báo Tiếng Dân.
Tài liệu 14:
Ngày 12/2/1927, Pasquier ký Nghị định (Arreté) cho phép Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ Tiếng Dân.
Tài liệu 15:
Ngày 16/2/1927, D’Elloy chỉ thị Sở Liêm Phóng (Sureté en Annam) theo dõi kỹ Tiếng Dân. Sở Liêm Phóng phải lưu trữ và theo dõi thường xuyên.
Tài liệu 16:
Ngày 21/2/1927, Huỳnh Thúc Kháng nhờ tân XLTV Khâm sứ Friès chuyển công điện cám ơn Pasquier về nghị định ra báo.
Tài liệu 17:
Ngày 18/3/1927, Huỳnh Thúc Kháng gửi thư cho XLTV Khâm sứ Friès, nhắc lại lời Friès tuyên bố là đã có trong tay nghị định cho phép ra báo Tiếng Dân, và sẽ thông báo cho HTK biết khi về tới Tourane. Yêu cầu Friès gửi Nghị định trên càng sớm càng tốt. (RSA/HC, HS 1869)
Tài liệu 18:
Ngày 19/3/1927, Léonard Sogny, Chánh Sở Liêm Phóng An Nam, đệ trình kế hoạch kiểm soát tờ Tiếng Dân.
1. Một ban kiểm soát dưới quyền Bùi Văn Cung, công dân Pháp, thông dịch viên giao kèo của Sở Liêm Phóng; Đoàn Nẫm, thư ký tại đoàn đại biểu Pháp tại Bộ Lại; và Đặng Thái Vận, “nho” tại Sở Liêm Phóng.
2. Không được xúc phạm chủ quyền Pháp và chế độ thiết lập tại Annam.
3. Phải nạp hai bản vỗ cho Sở Liêm Phóng với bản dịch Pháp ngữ. Sau khi kiểm duyệt, một bản sẽ trả lại cho Chủ nhiệm báo, do đích thân Sogny ký, với con dấu. Nếu Sogny vắng mặt, cần chữ ký của Dussaut, cò đặc biệt. Sẽ có câu “Visa pour publication” [cho phép xuất bản].
4. Báo ấn hành phải nạp hai bản: tại Kho lưu trữ [dépôt légal] tòa Khâm, và Kho lưu trữ cảnh sát [dépôt de police]. Sogny sẽ liên lạc trực tiếp với Huỳnh Thúc Kháng. (Tờ trình số 462, ngày 19/3/1927, RSA/HC, HS 1869)
Tài liệu 19:
Ngày 13/4/1927, Huỳnh Thúc Kháng thông báo cho Khâm sứ biết là sẽ rời chỗ cư trú ra Huế để xuất bản báo.
Tài liệu 20:
Ngày 5/8/1927, Khâm sứ thông báo cho Huỳnh Thúc Kháng biết mỗi số báo phải nạp 2 bản cho văn phòng Tòa Khâm. Hai ngày trước khi in, phải nộp cho Sở Liêm Phóng Huế hai bản vỗ với bản dịch đầy đủ qua Pháp ngữ.
Tài liệu 21:
Ngày 1/5/1928, Huỳnh Thúc Kháng báo cho Khâm sứ biết là sau khi thiết lắp lại nhà in, Tiếng Dân ra số 74 ngày 1/5/1928. Số báo này cùng sáu số kế tiếp, từ số 75 tới 80, chỉ có 2 tờ khổ nhỏ bằng nửa bình thường, vì máy in do hãng d’Alauzet sản xuất đang được tháo ra để thiết trí ở địa chỉ mới. (RSA/HC, HS 1869)
II. TRƯỜNG HỢP NÀO TIẾNG DÂN RA ĐỜI?
A. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ BÁO CHÍ VIỆT NAM (1861-1926):
Kỹ nghệ báo chí và xuất bản nhập cảng vào Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Trước ngày Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, báo chí chưa hề hiện hữu tại vương quốc Đại Nam. Nghề in cũng còn thuộc tiểu công nghệ, tập trung tại kinh đô cùng Hà Nội và Sài Gòn (Phiên An).
Tờ báo đầu tiên xuất hiện tại Đông Dương là tờ Le Bulletin Officiel d’Expédition de la Cochinchine [Thành tích biểu viễn chinh Nam Kỳ], bằng Pháp ngữ. Số 1 ra mắt ngày 29/9/1861. Tiếp đó là tờ Le Bulletin des Communes [Thành tích cộng đồng], bằng Hoa ngữ, số 1 ra năm 1862, rồi thêm tờ công báo bằng Pháp ngữ Le courrier de Saigon [Sài Gòn thời báo]. (Ngày 5/9/1865, báo này khởi đăng loạt bài "Notes historiques sur la nation annamite" [Những ghi chú về quốc gia an-nam-mit] của Théophile Le Grand de la Liraye, đưa ra “thuyết” người Giao Chỉ có hai ngón chân cái chạm vào nhau khi đứng thế nghiêm!)
Mãi tới ngày 15/4/1865, tờ báo đầu tiên bằng chữ Việt mới—dựa theo chữ cái Latin và dấu xướng âm Portuguese—mới chào đời ở Sài Gòn, tức tờ Gia Định Báo. Tuần báo này phát không trong các làng mạc miền Nam để phổ biến chính sách của Pháp. Tháng 9/1869, Trương Vĩnh Ký (tức Petrus Key, 1837-1898) được cử làm Tổng tài (Chủ biên) cho tới năm 1872.(4) Tất cả bốn tờ trên đều là cơ quan ngôn luận của Soái phủ Sài Gòn, do Linh mục Thanh tra Bản xứ vụ [Inspecteur des affaires indigènes] Le Grand de la Liraye (tức cố Trường) điều khiển, với sự phụ tá của nhóm Paulus Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), Petrus Key, v.. v.. thuộc Ban thông ngôn Soái phủ. Gần cuối thập niên 1880, Petrus Key cũng ấn hành một tờ học báo, với tựa Miscellanées ou Lectures instructives pour les élèves des écoles primaires, communales, cantonales et les familles [Thông Loại Khóa Trình]. Báo ra hàng tháng, từ tháng 1/1888 tới tháng 10/1889; nhằm cung cấp bài dạy cách trí cho học sinh tiểu học và sơ học cấp tổng, cấp xã. (5)
Theo tài liệu Pháp, tờ báo thứ hai bằng Việt ngữ là Nam Kỳ, do A. Schneider xuất bản ngày 21/10/1897. (Số báo 46, ra ngày 8/9/1898, có bài về Petrus Key cùng một chân dung với dầy đủ huy chương Pháp-Việt, kể cả Bắc đẩu Bội tinh) Tờ thứ ba là Phan Yên báo (Phan Yên là tiếng nói lái của Phiên An, tức Sài Gòn). Báo này vừa ra mắt thì phải đóng cửa ngay vì Nghị định ngày 30/12/1898. Điều 2 của Nghị định trên qui định rằng tất cả các báo không viết bằng Pháp ngữ phải đưa kiểm duyệt trước khi phát hành.(6)
Riêng báo tư nhân bằng Pháp ngữ phát triển khá mạnh ở Nam kỳ và rồi Bắc kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Đáng kể nhất là tờ Le Cochichinois (1888-1893), Le Courrier de Saigon (1889-1900)/Le Mékong (1893-1901) của một nhóm tả phái ở Sài Gòn, với lập trường chống Hội truyền giáo. Báo có số phát hành cao nhất ở miền Bắc là L’Avenir du Tonkin [Tương lai Bắc kỳ] (1884-1940), do Hội truyền giáo chi phối (chuyển qua nhật báo năm 1901) và L’Indépendance tonkinois [Nền độc lập của Bắc Kỳ] (1889-1940). Năm 1892, tờ Le Courrier d’Haiphong [Hải Phòng Thời Báo] (1890-1940; chuyển qua nhật báo năm 1908; BNF, Jo 5912) từng gây náo động triều Huế qua bài viết về âm mưu của Diệp Văn Cương đưa Thành Thái (1889-1907) lên ngôi năm 1889. L’Avenir du Tonkin cũng gây nên những cuộc bút chiến với Camille Pâris hay Ulysse Leriche, người đỡ đầu Nguyễn Ái Quốc vào nghề báo trên tờ L’Humanité trong thời khoảng 1919-1923. Năm 1907, L’Avenir du Tonkin còn lên án các viên chức “Tam Điểm” Pháp “truy diệt tôn giáo” qua việc truất phế vua Thành Thái—người có tin đã được một thày kẻ giảng bỏ tu bí mật rửa tội trước khi lên ngôi, hoặc khi đang ở ngôi.
Đầu thế kỷ XX, mới xuất hiện một số báo tiếng Việt hoặc song ngữ (Hán-Việt) trong một thời gian ngắn. Tại Hà Nội, có Nông Cổ Mín Đàm (1904), Đại Nam Đăng cổ tùng báo (1907), và Đại Việt Tân báo (1905-1908). Tại Sài Gòn có Lục tỉnh tân văn (1907, 1910). Sự chậm phát triển này có nhiều lý do. Số độc giả chữ Việt mới còn rất giới hạn. Cho tới năm 1908, khắp ba kỳ mới có 167 người (kể cả Nguyễn Sinh Côn) đậu bằng tiểu học Pháp-Nam. Ngoài ra, luật báo chí ngày 30/12/1898 rất khe khắt.
Nhân vật lừng lẫy nhất trong giới văn bút thời gian này là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Tốt nghiệp trường thông ngôn Hà Nội năm 1896, Nguyễn Văn Vĩnh làm thư ký cho Tòa Thống sứ tới năm 1907 mới đổi qua nghề báo. Ngoài tờ Đại Nam Đăng cổ tùng báo (1907), ông còn chủ trương tờ Notre Journal [Báo của chúng ta] (1908) và Notre Revue [Tạp chí của chúng ta] (1910) tại Hà Nội, rồi hợp tác với tờ Lục tỉnh tân văn (1910) ở miền Nam. Năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút nhật báo Đông Dương tạp chí. Hai năm sau, kiêm chủ bút Trung Bắc Tân Văn [Tin tức Trung và Bắc Kỳ] (15/5/1915-1918), phụ bản hàng tuần của Đông Dương tạp chí. Francois Schneider là chủ nhiệm.(7)
Gần cuối Thế chiến thứ nhất (1914-1918), làm báo trở thành một nghề. Miền Nam có tờ La tribune indigène [Diễn đàn bản xứ] (1917-1919), và miền Bắc có Trung Bắc Tân Văn cùng Nam Phong. Cả ba tờ báo trên đều được sự trợ giúp, cách này hay cách khác, của chính quyền Bảo hộ Pháp. La tribune indigène do Charles Nguyễn Phú Khai (1887-?) cùng nhóm trí thức Tây học ấn hành. Nguyệt san Nam Phong, xuất bản số đầu tiên ngày 1/7/1917(BNF, MICR D-998), là tiếng nói bán chính thức của cơ quan an ninh Pháp, do Louis Marty thuộc Tổng Nha Thanh tra Chính trị, cơ quan tiền thân của Nha Liêm Phóng (Mật Thám, hay Sureté) Pháp, làm Chủ nhiệm. Ban biên tập do hai người Việt phụ trách: Phạm Quỳnh (1892-1945) lo phần quốc ngữ mới, trong khi Cử nhân Nguyễn Bá Trác (?-1945), một cựu du học sinh Đông Độ, gốc Quảng Nam, phụ trách phần chữ Nho [Hán].(8) Từ năm 1919, Nguyễn Văn Vĩnh trở thành chủ nhiệm nhật báo Trung Bắc Tân Văn, đồng thời ra tờ Học Báo.(9)
Thập niên 1920 chứng kiến sự phát triển mạnh của báo chí và ngành xuất bản tại Nam và Bắc Kỳ.
Tại Nam kỳ, gây chú ý nhất là các tờ Le Courrier indochinois [Đông Pháp Thời Báo] (1923-1928) của Nguyễn Kim Đính (sau bán cho Diệp Văn Kỳ, con Diệp Văn Cương); Trung Lập (16/1/1924-30/5/1933) (BNF, Jo 93899), và Sài Thành nhựt báo của Trương Duy Toản (1885-1907), tức Mạnh Tự ; La tribune indochinoise [Diễn đàn Đông Dương] (6/8/1926-1942), cơ quan ngôn luận của Đảng Lập Hiến, do Bùi Quang Chiêu (1873-1945) làm Chủ nhiệm, và L’Echo annamite [Tiếng vọng An Nam hay Dư Luận] của Nguyễn Phan Long (1889-1960).(10) Ngoài ra, còn tờ Lục tỉnh tân văn (1927-30/9/1944) của nhóm Nguyễn Văn Của-Lê Quang Liêm (1881-1945) tự “Phủ” Bảy.(11) L’Echo annamite, L’Impartial, Trung Lập và Lục tỉnh tân văn giữ bề ngoài trung lập.
Riêng bán tuần báo La Cloche fêlée [Chuông rạn] bằng Pháp ngữ đứng hẳn về phe đối lập, đòi hỏi dân chủ và dân quyền cho người Việt. La Cloche Fêlée do Nguyễn An Ninh (1900-1943), Cử nhân Luật năm 1921, xuất bản tại Sài Gòn từ ngày 10/12/1923 tới 14/7/1924 thì tự ý đình bản. Ngày 26/11/1925, báo tục bản với Luật sư Phan Văn Trường (1878-1933) làm Giám đốc chính trị. Theo E. Dejean de la Bâtie, Luật sư Trường là "một người An-Nam toàn vẹn (un annamite complet)." Cũng ngày này, Phan Văn Trường cùng Nguyễn An Ninh và Bâtie yêu cầu hủy bỏ lễ đón tiếp Toàn quyền Alexandre Varenne (1925-1927) và đưa kiến nghị (Cahier des Voeux Annamites) để phản đối việc Phan Bội Châu bị kết án chung thân khổ sai ba ngày trước.(12) Nhóm La Cloche Fêlée luôn đòi hỏi cải cách xã hội, luật pháp và giáo dục, hủy bỏ chế độ quân chủ, thay bằng chế độ Cộng hòa. Báo cũng đăng tải nhiều khảo luận về các biến cố lịch sử, như cuộc du hành của vua Duy Tân năm 1916, v.. v... Thái độ của viên chức thuộc địa với nhóm La Cloche Fêlée khác hẳn với nhóm Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Bài, Bùi Quang Chiêu, hay Nguyễn Phan Long v..v... Mặc dù có phần vị nể Phan Văn Trường, Thống đốc Maurice Cognacq (1922-1926) bí mật yêu cầu Varenne ngăn chặn những hành vi “phỉ báng các viên chức thuộc địa Pháp cùng giới quan lại Việt” (Như hô hào dân chúng đừng đón tiếp Varenne, gọi Bảo Đại là le roi bé con, hay Khâm sứ Pasquier là thằng). Sau khi Nguyễn An Ninh bị câu lưu ngày 24/3/1926 [kết án 18 tháng tù, nhưng ngày 7/1/1927 được đặc xá], báo đổi tên thành L’Annam. Ra được hơn một năm (6/5/1926 tới 25/7/1927), lại phải đóng cửa vì Luật sư Trường bị bắt ngày 21/7/1927 và truy tố ra tòa. Ngày 12/1/1928, L'Annam tục bản được ít số, rồi đình bản vĩnh viễn từ ngày 2/2/1928.(13)
Tại Bắc kỳ, ngoài hai tờ Trung Bắc Tân Văn và Nam Phong, còn có thêm một số báo tư nhân như Thực nghiệp Dân báo (1920-1933), Hữu Thanh (1922-1924) (BNF, MICR D-982), An Nam Tạp chí, v.. v... (14) Năm 1924, Tiến sĩ Ngô Đức Kế (1878-1929) từng mượn tờ Hữu Thanh để đả kích “con đĩ” Thúy Kiều trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh [Tiếng kêu đứt ruột mới], hay Truyện Kiều, mà Phạm Quỳnh ca ngợi như “quốc hồn, quốc túy.”
Riêng miền Trung, cho tới năm 1926, vẫn chưa có một tờ báo nào. Hai tờ báo được đọc nhiều nhất từ Bình Định trở ra là Trung Bắc Tân Văn và Nam Phong. Chính trong khoảng trống báo chí này của miền Trung, Huỳnh Thúc Kháng và những người ủng hộ đã khai sinh Tiếng Dân.
B. TRƯỜNG HỢP TIẾNG DÂN:
Việc xin xuất bản Tiếng Dân khởi đầu từ tháng 10/1926, sau khi Tiến sĩ Kháng đắc cử vào Viện Dân Biểu An Nam [Trung Kỳ] và được cử làm Chủ tịch Viện này. (15)
Tiếng Dân ra đời dưới thời Toàn quyền Varenne, nhưng người có tiếng nói quyết định là Khâm sứ Pasquier, một viên chức hành chính thuộc địa lão luyện, tác giả L’Annam d’autrefois [An Nam cổ thời], lúc ấy vừa rời Tòa Khâm sứ Huế ra Hà Nội xử lý thường vụ chức Toàn quyền từ tháng 10/1926 tới tháng 5/1927.
Varenne thuộc Đảng Xã Hội, có tinh thần cấp tiến, nghiêng về chủ trương hợp tác hay Pháp-Việt đề huề. Trước ngày Varenne nhậm chức vào gần cuối tháng 11/1925, mối quan tâm lớn nhất của viên chức Thuộc địa Pháp tại Paris là tâm trạng bất an và bất mãn của giới thanh niên tân học Đông Dương. Mặc dù Pháp có khả năng dẹp yên những người bất mãn trong nước, nhưng các tổ chức chống đối ở Trung Hoa hay tại chính mẫu quốc không dễ đối phó. Nhóm Tâm Tâm Xã từng mưu sát cựu Toàn quyền Martial Merlin tại Quảng Châu vào giữa năm 1924, và các tổ chức có khuynh hướng Bolshevik [như Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Hội [VNTNKMH] của Lý Thụy] vừạ hình thành, với sự trợ giúp của Quốc Tế Cộng Sản. Tại Pháp, các học sinh, sinh viên tại Trung tâm Đông Dương (Foyer indochinois) cũng ngày thêm bất an. Ngày 15/9/1925, Bộ trưởng Thuộc Địa cho Varenne những chỉ thị tổng quát về chính sách bản xứ như sau:
(1) Thứ nhất là tạo công ăn, việc làm cho giai tầng tân học;
(2) thứ hai, cải tổ Đại học Hà Nội, hầu đáp ứng nhu cầu học hỏi về kỹ thuật, và cải tổ lại nền giáo dục tiểu học; và,
(3) thứ ba, cải tổ các cơ quan dân cử địa phương cũng như Hội đồng chính phủ, để có sự tham gia của giai tầng tân học.(16)
Ngay sau khi nhiệm chức, Varenne cải tổ Hội đồng Tư Vấn Bắc Kỳ và An Nam thành Viện Dân Biểu. Cuộc bầu cử năm 1926 đưa vào Viện Dân biểu Trung Kỳ nhiều nhân vật tên tuổi, kể cả Huỳnh Thúc Kháng hay Lê Văn Huân, mới được phóng thích khỏi Côn Đảo ít năm trước. Tại miền Bắc, có Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Lê Bổng, v.. v... Varenne dự trù thiết lập một Thượng Hội Đồng (Grand Conseil) với 32 thành viên, mà một nửa là người bản xứ. Varenne còn ban hành ba nghị định—Nghị định ngày 27/2/1926, cùng hai nghị định ngày 20/5 và 28/8/1926—cho phép người Việt có bằng cấp và quốc tịch Pháp được gia nhập ngạch công chức thuộc địa “người Âu,” ngoại trừ tiền trợ cấp xa xứ. Họ cũng có quyền, ít nhất trên lý thuyết, nắm những chức vụ ngang hàng với người Pháp trong guồng máy hành chính thuộc địa, ngoại trừ các chức vụ chính trị và tư pháp. Varenne còn ban hành nhiều biện pháp nâng đỡ giới công nhân và nông dân, đặc biệt là phu đồn điền cao su. Giờ làm việc giới hạn từ 12 tới 13 giờ mỗi ngày. Varenne cũng nghiên cứu biện pháp giúp đỡ những người mang hai dòng máu Pháp-Việt (métis).
Để kiện toàn sự thống nhất chương trình học vấn khắp ba miền, Varenne thành lập một Nha Thanh tra học chính. Ở cấp tiểu học, chỉ dạy tiếng quốc ngữ mới. Đại học Hà Nội được nâng cấp, tổ chức chương trình cử nhân luật khoa (ba năm). Trường Thuốc (Y Khoa) được nối kết với Đại học Y Khoa Paris. Các y sinh tốt nghiệp ở Hà Nội, nếu xuất sắc, có thể qua tu nghiệp tại Paris để hoàn tất chương trình Tiến sĩ. Y khoa phòng ngừa và bình dân cũng được phát triển. (Năm 1928, các viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang hoạt động mạnh, chích ngừa dịch tả cho khoảng 12 triệu người).(17)
Món quà chính trị đáng ghi nhớ nhất của Varenne với người Việt là lệnh ân xá cho Cử nhân Phan Bội Châu vào dịp Giáng Sinh 1925, và phản ứng tương đối ôn hòa trong dịp quốc táng Phó bảng Phan Châu Trinh ngày 4/4/1926. Tuy nhiên, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng đang đi vào một khúc quanh lịch sử dạy sóng bạo lực. Phong trào quốc gia mới bắt đầu lan tràn khắp ba kỳ. Cầm đầu phong trào này đa số gồm những người sở đắc những mảnh vụn văn hóa Pháp, cộng thêm chút kiến thức bì phu hoặc cảm nhận về lịch sử hay chủ thuyết “Cộng Sản.”
Một số người Việt từ Pháp trở về cũng không hoàn toàn tán thành. Theo họ, những cải cách của Varenne quá ít, và quá chậm. Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, v.. v... không ngớt đả phá nền hành chính thuộc địa, đặc biệt là triều đình Huế. Nguyễn Thế Truyền (1898-1969) nhắm vào các tệ nạn kinh tế, xã hội như chính sách độc quyền bán “rượu ty,” muối và thuốc phiện.(18)
Ba nhóm “bản xứ” Việt khiến người Pháp chú ý đặc biệt là Đảng Lập Hiến [Le Parti Constitutionalist] của Bùi Quang Chiêu (1873-1945), Đảng Lao Động Nam Kỳ [Le Parti Travailliste de la Cochinchine] của Cao Triều Phát (1888-1956) và Cao Hải Đề (?), chủ báo L'ère nouvelle [Thời Đại Mới] (Vũ Đình Dy [1906-1945] làm Chủ bút), và các nhóm Cộng Sản Bôn-xê-vích như L'Âme annamite/Việt Nam Hồn của Nguyễn Thế Truyền tại Pháp, Thanh Niên của Nguyễn Ái Quốc (Lý Thụy) ở Canton (Quảng Châu). Ngoài ra phải kể đạo Cao Đài của Lê Văn Trung (1875-1934). (19)
Các nhóm Pháp kiều cũng công khai chống đối chính sách “đề huề” của Varenne.
Những biến động trong năm 1926 khiến Varenne phải về Paris tham khảo ý kiến từ ngày 4/10/1926 đến 16/5/1927. Pasquier ra Hà Nội làm XLTV Toàn quyền. Quyết định cho Huỳnh Thúc Kháng ra một tờ báo chống Cộng, chủ trương duy tân ôn hòa là điều tự nhiên và dễ hiểu của một chuyên gia hành chính thuộc địa như Pasquier—người chủ trương “hợp tác” và đoạn tuyệt với chính sách “đồng hóa,” nhưng là loại hợp tác “củ cà-rốt với cây gậy.” Chiếc giường trên lưng tên tướng cướp mang tên “trung thành với chủ quyền Đại Pháp” này của Pasquier nói riêng và “giới tiến bộ” Pháp nói chung, trên đường dài, khiến những chính khách trí thức ôn hòa bị lỗi thời và cô lập dần với đám đông nghèo khổ, giữa những cơn cuồng phong quá khích và bạo lực tràn vào Đông Dương trong hai thập niên sắp tới—mở đầu cho thời kỳ người giết người với đầy đủ sự kiêu hãnh và mê say như những âm binh chịu phù phép.
III. VÀI GHI CHÚ THÊM VỀ TIẾNG DÂN:
Báo ra mỗi tuần 2 lần, vào Thứ Tư và Thứ Bảy. Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút. Quản lý là Trần Đình Phiên. Danh số cũ tại thư viện Versailles: Jo 94195. Hiện đã chụp microfilm, lưu trữ trong thư viện Quốc Gia Pháp (Francois Mitterand) ở quận XIII Paris. (BNF, MICR D-996)
A. NGHỊ ĐỊNH CHO RA BÁO:
Qua những tư liệu trên, ta thấy Pasquier ký Nghị định (Arreté) cho phép Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ Tiếng Dân từ ngày 12/2/1927. (Tài liệu 14)
Ngày 5/8/1927, Khâm sứ Trung Kỳ nhắc nhở Huỳnh Thúc Kháng rằng mỗi số báo phải nộp 2 bản cho văn phòng Tòa Khâm. Đồng thời, hai ngày trước khi in, phải nộp cho Sở Liêm Phóng Huế hai bản vỗ với đầy đủ bản dịch qua Pháp ngữ. (Tài liệu 20) Tiếng Dân ra mắt độc giả vào ngày 10/8/1927. Tính đến đầu tháng 5/1928, ra được 74 số. (Tài liệu 21)
B. TÒA SOẠN ĐẶT TẠI HUẾ:
Sau một thời gian dài tranh luận, ngày 13/4/1927, Huỳnh Thúc Kháng đã đồng ý đặt tòa soạn tại Huế. (Tài liệu 19) Báo quán tại số 123 đường Đông Ba.
Mùa Hè 1927, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Xương Thái, và Đào Duy Anh ra Hà Nội mua lại trọn nhà in Nghiêm Hàm mang về Huế, và dự trù xuất bản báo vào tháng 7/1927. (Đào Duy Anh, 1989:22, 24) Tuy nhiên, Tiếng Dân ra mắt độc giả trễ ít lâu.
D. NHỮNG BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT TIẾNG DÂN:
Mặc dù Huỳnh Thúc Kháng khẳng định lập trường chống Cộng, và cổ võ chính sách duy tân thân Pháp, ôn hòa, nhưng viên chức Pháp vẫn theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Bài và Hồ Đắc Trung, thực hiện những biện pháp kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ.
1. Ngày 16/2/1927, D’Elloy chỉ thị Sở Liêm Phóng An Nam theo dõi kỹ Tiếng Dân. Sở Liêm Phóng phải lưu trữ và theo dõi thường xuyên. (Tài liệu 15)
2. Ngày 19/3/1927, Sogny đệ trình kế hoạch kiểm soát tờ Tiếng Dân.
Lập một ban kiểm soát riêng dưới quyền Bùi Văn Cung và hai người khác. (Bùi Văn Cung từng cùng H. Peyssonnaux hợp dịch nhật ký của Linh mục Nguyễn Văn Thơ (hay Cư), một trong hai thông ngôn của sứ đoàn Lê Tuấn tham dự cuộc nghị hòa năm 1873 ở Sài Gòn, đăng trên Đô thành hiếu cổ [Bulletin des Amis de Vieux Hué]).(20)
Ban kiểm duyệt này sẽ bảo đảm bài vở không được xúc phạm chủ quyền bảo hộ Pháp và chế độ thiết lập tại Annam. Mỗi số báo phải nộp hai bản vỗ cho Sở Liêm Phóng với bản dịch Pháp ngữ. Đích thân Sogny, hoặc “cò” đặc biệt Dussaut, ký dưới câu “Visa pour publication” [thuận cho xuất bản], với con dấu. (Tài liệu 18: Tờ trình số 462, ngày 19/3/1927, RSA/HC, HS 1869)
3. Ngày 5/8/1927, Khâm sứ lập lại điều kiện hai ngày trước khi in phải nộp cho Sở Liêm Phóng hai bản vỗ kèm theo bản dịch Pháp ngữ. (Tài liệu 20) Năm ngày sau, báo ra số đầu tiên.
4. Thỉnh thoảng trên báo Tiếng Dân có những khoảng trắng, dấu tích của ban kiểm duyệt. Trong báo cáo chính trị hàng tháng của Cảnh sát Pháp, đôi ba lần Tiếng Dân và Huỳnh Thúc Kháng được nêu tên, nhất là dưới thời Nhật chiếm đóng Đông Dương. Tuy nhiên, Tiếng Dân vẫn đều đặn xuất bản một cách hợp pháp suốt hơn 15 năm.
5. Suốt gần một năm Tiếng Dân chuẩn bị ra mắt, tình hình chính trị Đông Dương có những chuyển biến khá lớn. Một trong những biến cố trực tiếp ảnh hưởng đến Đông Dương là quyết định cắt đứt bang giao với Mat-scơ-va của Tưởng Giới Thạch, chấm dứt chính sách liên hiệp, phát động chiến dịch “thanh Cộng.” Trước khi Varenne rời Paris, ngày 21/4/1927 Bộ trưởng Thuộc Địa Léon Perrier chỉ thị rõ ràng rằng đừng nên vội vã cải cách, và vấn đề “chủ quyền” Pháp phải ưu tiên hàng đầu. Varenne cần tuyên bố rõ ràng rằng mặc dù Pháp theo đuổi một chính sách cởi mở, nhưng không quên bảo vệ quyền lợi Pháp; sẽ trừng phạt nặng nề và tức khắc những vi phạm luật pháp, kể cả giới báo chí. Perrier còn chỉ thị Varenne phải theo dõi và cô lập hoá những phần tử bị nghi ngờ, như nhóm Bùi Quang Chiêu, Cao Triều Phát, cùng các nhóm có khuynh hướng Đệ Tam Cộng Sản.(21) Hôm sau, ngày 22/4/1927, Perrier cử Tướng Claudel, Tổng Thanh Tra Quân lực Thuộc địa, qua Viễn Đông để nghiên cứu kế hoạch phòng thủ chống lại mọi xâm phạm an ninh của Đông Dương cũng như Quảng Châu Loan.(22)
Ngày 16/5/1927, Toàn quyền Varenne trở lại Đông Dương. Pasquier về Pháp, cầm đầu Sở Kinh tế Đông Dương tại Bộ Thuộc Địa. Ngày 4/10/1927, Varenne ký một nghị định, áp dụng những biện pháp hành chính để ngăn chặn giới cầm bút sử dụng báo chí và sách vở chống chính quyền bảo hộ. Theo Nghị định này, “mọi âm mưu và hành vi gây rối loạn trật tự công cộng hay gây nên những bất ổn trầm trọng, hay khích động lòng ghét bỏ chính phủ Pháp hay những chính phủ được bảo hộ” sẽ bị truy tố ra tòa sơ thẩm hình sự và có thế bị kết án tù tới 5 năm” [theo điều 91 hình sự].(23)
Nhóm Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường của báo La Cloche Fêlée [Chuông Rạn] tại Sài Gòn trở thành nạn nhân đầu tiên của nghị định này. Mặc dù La Cloche Fêlée đã đổi tên thành L’Annam ngày 6/5/1926, báo bị gián đoạn từ hạ tuần tháng 7/1927, sau khi Phan Văn Trường bị bắt giữ, truy tố ra tòa. Tháng 1/1928, L’Annam tục bản được ít số, nhưng cuối cùng phải đình bản ngày 2/2/1928. Luật sư Trường bị kết án 2 năm theo tinh thần Nghị định 4/10/1927. Là công dân Pháp, ông chống án tới Paris, nhưng cuối cùng vẫn bị y án, tù 2 năm tại Pháp. Nguyễn An Ninh cũng bị án 3 năm tù, giam tại Khám Lớn Sài Gòn, sau một cuộc xô xát giữa Phan Văn Hùm và nhân viên Mật thám tại ga xe lửa Bến Lức.(24)
Một Luật gia khác, Tiến sĩ Dương Văn Giáo (1890-1945), nguyên Luật sư tòa phá án Paris, có thể coi như người tiếp nối con đường đối lập của Phan Văn Trường. Năm 1928, Luật sư Giáo xuất bản tờ Le Flambeau d’Annam [Đuốc Nhà Nam] đặt cùng trụ sở tòa soạn với La Tribune indochinoise. Chuyến hồi hương ngày 25/11/1927 của Luật sư Giáo—cùng Camille Brevet và Edith Pye của Women’s International League for Peace and Freedom [Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế vì Hòa bình và Tự do]—từng gây sôi nổi dư luận Sài Gòn một thời. Trong khi nhóm Bùi Quang Chiêu-Nguyễn Phan Long, qua báo La Tribune indochinoise ngày 23/11/1927 hô hào đón tiếp long trọng phái đoàn Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ (1894-1945), trên tờ Đông Pháp Thời báo, chống lại. Theo Kỳ, Giáo cũng như Bùi Quang Chiêu, Phó Chủ tịch Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, đều lấy tiền của tài phiệt A. R. Fontaine. Hôm sau, ngày 25/11/1927, tờ Văn Minh Báo của Bác sĩ Lê Quang Trinh đăng lại bài của Kỳ về Giáo. Tháng 9/1945, Giáo cũng bị Cộng Sản bắt và thủ tiêu trong đợt tắm máu các lãnh tụ Lập Hiến và Đệ tứ CS.(25)
E. TÀI CHÍNH:
Một tờ báo tư nhân nào cũng cần ổn định tài chính. Công ty Huỳnh Thúc Kháng là một công ty cổ phần. Những người thuộc ban quản trị đều phải có đa số cổ phần. Riêng Huỳnh Thúc Kháng không có vốn, các thương gia Phan Thiết “cho mượn” cổ phần để ông làm Chủ tịch.
Việc này gây ra vụ kiện tụng, trong thập niên 1970, về tài sản công ty Huỳnh Thúc Kháng giữa ông Võ Đàn Sơn tại Tam Kỳ và người thừa kế hương hỏa Tiến sĩ Kháng (con gái và rể đang ở miền Bắc).(26)
F. BAN BIÊN TẬP TIẾNG DÂN:
1. Ngày 11/1/1927, từ Tourane Huỳnh Thúc Kháng viết thư cho D’Elloy về vấn đề Ban biên tập của Tiếng Dân. Huỳnh Thúc Kháng sẽ là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Phụ tá biên tập là Đào Duy Anh. Quản trị giao cho Trần Đình Phiên, thương gia ở Phan Thiết. (Tài liệu 12)
2. Theo Đào Duy Anh, còn có:
a. Trần Hoành, tức Cửu Cai, bạn tù Côn Đảo của HTK, giúp việc quản đốc nhà in; Nguyễn Xương Thái, từ chức thư ký sở Thương chính Tourane, giúp việc văn thư. (Anh, 1989:24-25)
b. Chủ nhân rạp chiếu bóng Tam Tân ở Huế, ông Trần Kiêm Trinh và cháu là Phạm Đăng Nghiệp, giúp đỡ chỗ ở trong những tháng đầu, và rồi thuê tòa soạn, v.. v... (Anh, 1989:25)
c. Y sĩ Trần Đình Nam (1896-1974) là một mạnh thường quân, tham gia ban biên tập. Ngoài ra còn Võ Liêm Sơn, v.. v...
3. Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) sinh tại Thanh Bình, Tiên Phước, Quảng Nam. Bạn kết giao của Phan Châu Trinh (1872-1926) và Trần Quí Cáp (1869-1908). Năm 1900, đậu đầu thi Hương trường Thừa Thiên. Năm 1904, đậu đầu thi Hội (Phan Bội Châu không đỗ khóa này); nhưng chỉ được hạng tư tại Đình thí. Vì lý do nào đó không vào trường Quốc học hay ra làm quan.
Năm 1904, được Nguyễn Thành mời tới tư gia, cùng Phan Châu Trinh, gặp Phan Bội Châu (1868-1940).(27) Sau khi Cử nhân Châu rời nước, Phan Thúc Diện, Lê Bá Thuần [Trinh], và Nguyễn Đình Tân lập Hội thương ở Faifo (Hội An).(28) Trong khi đó, một số thân sĩ đồng hương hô hào việc mở mang hương học, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học tiếng Pháp. Năm 1905, nhóm Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng còn làm một huyến du Nam, sáng tác ra bài Chí Thành Thông Thánh và Lương Ngọc Danh Sơn Phú khích bác lối học khoa cử từ chương, kêu gọi giới sĩ phu đứng lên nhận trách nhiệm duy tân. Việc phát triển “tân học” được đẩy mạnh hơn sau khi Trần Qúi Cáp được bổ làm Giáo thụ Thăng Bình năm 1906.
Năm này, Phan Châu Trinh qua Quảng Đông, rồi theo Phan Bội Châu sang Nhật, nhưng không tán thành chủ trương tranh đấu bằng vũ lực. Về tới Quảng Nam, Phó bảng Trinh xin gặp công sứ Jean Charles bày tỏ ước muốn “thờ người Pháp làm bậc thày để cầu tiến bộ.” Tháng 11/1906, Phó bảng Trinh viết “Đầu Pháp chính phủ thư,” được dịch đăng trên tờ Thành tích biểu Trường Viễn Đông Pháp [BEFEO], thường biết như Kỷ Yếu trường Viễn Đông Bác Cổ. Tuy nhiên Charles—một nhà hành chính thuộc địa lão luyện, từng làm Chánh văn phòng cho Auvergne, và được coi như một chuyên viên về bản xứ vụ, dù không tốt nghiệp trường Thuộc Địa Paris— vẫn luôn luôn nghi ngờ Phan Châu Trinh và các thân hữu. Nhiều hơn môt lần, Charles đã phản kháng các bài viết của Ernest Babut trên tờ Đại Việt Tân Báo, cũng như sự đả kích giới quan lại Việt trên tờ BEFEO của Phó bảng Trinh. Theo Charles, những lời hô hào trực trị của nhóm Phan Châu Trinh cực kỳ nguy hiểm, vì Pháp không thể bảo hộ nếu không có vua quan thủ vai giới trung gian. Việc hô hào lập sở buôn, mở mang hương học, lập hội diên thuyết là phương cách để thiết lập những hội kín có tinh thần yêu nước, gợi hứng từ chiến thắng [Nga] của Nhật Bản năm 1905. Tóm lại, dù cách hoạt động khác biệt, cả hai nhóm Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều có một mục đích chung, tối hậu, là giành độc lập.(29)`
Mùa Thu 1907, sau ngày Toàn quyền Paul Beau về nước, các viên chức bảo hộ Pháp xuống tay với phong trào Duy Tân. Đồng chí của Phan Bội Châu, ngoại trừ Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, bị bắt giữ khắp nơi. Khâm sứ Fernand Levecque tìm đủ cách để khép nhóm Tiến sĩ Ngô Đức Kế ở vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh vào tội tổ chức sở buôn để chuyển tiền cho Phan Bội Châu, qua trung gian Lương Tam Kỳ, một thổ phỉ người Hoa đã đầu thú. Đích thân Levecque còn tới Bắc Trung Kỳ hướng dẫn các quan tỉnh để có được bản án mong muốn, nhưng các quan Việt—như Tuần vũ Hường Khản—quá “ngu dốt,” viết nên những bản án thiếu sự tham khảo và áp dụng luật pháp.(30)
Nhóm duy tân Quảng Nam, dù chủ trương hợp tác với Pháp, cũng bị âm thầm kiềm chế. Năm 1907, Công sứ Charles thuyết phục được Levecque thuyên chuyển Tiến sĩ Cáp vào Ninh Hòa, giải tán Hội thương ở Faifo (Hội An). Đầu năm 1908, Tổng đốc Hồ Đắc Trung cũng tuân lệnh Charles ra bố cáo cấm Trần Quí Cáp diễn thuyết tại các làng xã, cấm tụ họp dân và cấm đánh trống trường, sợ gây phiền nhiễu cho dân chúng.(31) Trường hương học ở xã Tây Lộc bị đóng cửa. Mặc dù hơn 60 lý trưởng, hào mục làm đơn khiếu nại, chương trình giáo dục của nhóm duy tân bị gián đoạn.
Nhưng phải tới phong trào nổi dạy của nông dân miền Trung đòi giảm sưu dịch, thuế má trong mùa Xuân 1908—khởi đầu từ Quảng Nam, rồi lan rộng tới Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên—Levecque và Charles mới có cơ hội xuống tay mạnh mẽ. Phan Châu Trinh, đang ở Hà Nội đã hơn nửa năm, bị bắt, dẫn giải về Huế, kết án tử hình, rồi giảm còn chung thân khổ sai, đầy ra Côn Đảo.
Tại Quảng Nam, Huỳnh Thúc Kháng và hơn 20 người bị bắt vào cuối tháng 3/1908. Sáu người bị đầy ngay lên Lao Bảo. Tổng đốc Trung kết tội Huỳnh Thúc Kháng và Phan Thúc Diện là “âm mưu làm loạn, nhưng chưa thực hiện” [mưu bạn vi hành], kết án tử hình [giảo giam hậu], đổi thành đánh 100 trượng, chung thân khổ sai, đầy đi Côn Đảo. Lê Bá Thuần [tự Trinh], Nguyễn Thành, Nguyễn Bá Trác và Trương Huy bị án đánh 100 trượng, 7 năm khổ sai. Nguyễn Đình Tân, vì đã 70 tuổi, bị lột bỏ mọi chức sắc. 10 người khác bị 100 trượng, 3 năm khổ sai vì biết mà không báo cáo. Ngày 29/8/1908, Phủ Phụ Chính duyệt xét và y án tỉnh Quảng Nam, ngoại trừ trường hợp Nguyễn Bá Trác, lúc ấy đã trốn qua Nhật. Cử nhân Trác (tác giả bài Hồ trường sau này) được giảm án còn 3 năm khổ sai. (Năm 1913, Trác còn bị Hội Đồng Đề Hình Bắc Kỳ lên án tử hình khiếm diện).
Cùng bị đầy ra Côn đảo với Tiến sĩ Kháng có Cử nhân Diện (được phóng thích sau Thế chiến I), Thuần (Trinh), và Thành [chết ở Côn Đảo năm 1910 hoặc 1912].(32)
Phần Tiến sĩ Cáp bị một viên chức Pháp và Bố chính Phạm Ngọc Quát đến tận Ninh Hòa bắt ngày16/4/1908 cùng 9 người khác (6 giáo quan, 3 Đông y sĩ), dẫn về Nha Trang. Sau đó, Bố chính Quát làm án tử hình ông với tội phản nghịch, tàng trữ tài liệu quốc cấm, và thông đồng với nước ngoài. Cùng bị kết án với TQC là Nguyễn Tư Trực, người đã cung khai những chi tiết vô cùng tai hại cho ông. Ngày 13/6/1908, Phủ Phụ chính Huế y án Tiến sĩ Cáp, trong khi giảm án Trực còn “giảo giam hậu.” Hai ngày sau, 15/6/1908, Tiến sĩ Cáp lên đoạn đầu đài. (33) Như thế, chi tiết Tiến sĩ Cáp bị chém trong vòng 24 giờ mà Phó bảng Trinh nêu lên trong bản điều trần Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ky (1911 và 1913) không đúng.
Nhờ sự can thiệp của ký giả Ernest Babut và Hội Nhân và Dân Quyền Pháp, tháng 6 năm 1910 Phó bảng Trinh được Toàn quyền Anthony Klobukowski đem ra tái xử, và phóng thích, rồi ngày 1/4/1911 đưa ông cùng con trai là Phan Châu Dật sang Pháp với học bổng 6 tháng. Sau khi Albert Sarraut được cử thay Klobukowski, ngày 18/7/1911 Phan Châu Trinh viết thư xin ở lại Pháp thêm một năm nữa để “lãnh hội văn minh.” Sarraut chấp thuận ngay. Ai ngờ thời gian Phó bảng Trinh tự lưu đầy tại Pháp kéo dài tới 14 năm, kể cả ngót một năm bị tạm giam trong ngục Santé khi Thế chiến thứ nhất (1914-1918) bùng nổ.(34)
Nhờ bản điều trần của Phó bảng Trinh nạp cho Sarraut năm 1911 (do Đại úy Jules Roux dịch, gồm khoảng 50 trang giấy khổ lớn), và sự can thiệp tích cực của Hội Nhân Quyền, năm 1913 một số nho sĩ duy tân được Phủ Phụ chính Huế giảm án. Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn và một số người khác ở Côn Đảo chỉ được phóng thích năm 1921.(35) Ngày 26/6/1925, Phó bảng Trinh về tới Sài Gòn, nhưng không có cơ hội gặp lại bạn cũ. Tối 24/3/1926, ông từ trần vì bệnh lao phổi.
Ngày 4/4/1926, Huỳnh Thúc Kháng dự lễ quốc táng Phan Châu Trinh ở Sài Gòn. Ông là một trong hai diễn giả chính đọc điếu văn trước khoảng trên 60,000 người tham dự tang lễ. Ít lâu sau, Huỳnh Thúc Kháng được yểm trợ ra tranh cử dân biểu Trung Kỳ. Ông đắc cử với số phiếu cao nhất (600 trên tổng số 640 phiếu), và được bầu làm Chủ tịch Viện Dân biểu.(36)
Trong thời gian ở Huế, Tiến sĩ Kháng khá thân tình với Phan Bội Châu, đang bị an trí tại đây từ cuối năm 1925. Sau khi báo L’Annam của Phan Văn Trường/Nguyễn An Ninh bị đóng cửa, Tiếng Dân đứng ra tiếp tục nhận quyên góp cho Cử Nhân Châu sinh sống suốt những năm cuối đời. Ông ít nhiều tham gia vào việc hiệu đính bản dịch Việt ngữ hồi ký của Phan Bội Châu (Tự Phán hay Niên Biểu). Ông cũng viết nhiều về Phan Tây Hồ, kể cả một tiểu sử tóm lược không được chính xác lắm. Huỳnh Thúc Kháng còn viết lại về cuộc dân biến 1908, cùng lược sử đời ông.
Từ ngày Nhật thiết lập Tòa Lãnh sự ở Huế năm 1942, nhân viên Hiến Binh [Kempeitai] Nhật liên lạc với nhóm Tiến sĩ Kháng. Có lẽ vì thế năm 1945, Y sĩ Trần Đình Nam được chọn làm Bộ trưởng Nội vụ của chính phủ Trần Trọng Kim (4-8/1945).
Tháng 3/1946, Tiến sĩ Kháng được chọn làm Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, với cương vị “độc lập.” Được Hồ Chí Minh cử làm Quyền Chủ tịch Nhà Nước từ 31/5 tới 21/10/1946, khi Hồ qua Pháp thương thuyết về một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Vì một lý do nào đó, Tiến sĩ Kháng công khai ủng hộ Võ Nguyên Giáp thẳng tay tiêu diệt các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt trong mùa Hè-Thu 1946—đặc biệt là vụ án Ôn Như Hầu Hà Nội . . . “để bẻ gãy âm mưu đảo chính nhân dịp Quốc khánh Pháp” (14/7/1946)!
Tham dự phiên họp Quốc Hội “kháng chiến” từ 28/10 tới 9/11/1946, rồi vào Huế. Sau ngày 19/12/1946, được di tản vào Liên khu V. Ngày 24/4/1947 chết tại Quảng Ngãi.
4. Đào Duy Anh (1904-1988) nguyên quán Khúc Thủy, Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Sinh tại Thanh Hóa. Học Quốc học Huế. Năm 1923, tốt nghiệp cao đẳng tiểu học (trung học đệ nhất cấp), dạy học ở Đồng Hới, Quảng Bình (37)
Giống như nhiều thanh niên “thế hệ 1925,” Đào Duy Anh bắt đầu có ý thức quốc gia dân tộc nhờ phiên tòa xét xử Phan Bội Châu ngày 23/11/1925 ở Hà Nội. Sau khi Phan Bội Châu bị Hội đồng đề hình Bắc Kỳ kết án chung thân khổ sai, một phong trào đòi ân xá bùng lên khắp nơi. Ngày 5/12/1925, khi tân Toàn quyền Varenne (11/1925-11/1927) ra tới Hà Nội, hàng trăm học sinh, sinh viên biểu tình chào mừng và yêu cầu ân xá cho Phan Bội Châu. Bốn ngày sau, 9/12, Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ dưới sự chủ tọa của tân Thống sứ René Robin quyết định giảm án chung thân của Phan Bội Châu xuống án treo.(38)
Ngày 21/12/1925, Pasquier ra Hà Nội; gặp Phan Bội Châu một tiếng đồng hồ tại văn phòng chúa ngục để thảo luận với cựu lãnh tụ Đông du về các điều kiện an trí. Cuối cùng, ngày 23/12/1945, Varenne ký nghị định an trí Phan Bội Châu tại Huế, dưới sự kiểm soát của Chánh sở Mật thám Trung Kỳ Sogny.(39)
Trên đường xe hơi từ Hà Nội về Huế, Phan Bội Châu ghé qua trụ sở Hội Quảng Trị ở Đồng Hới, Quảng Bình. (Anh, 1989: 9-10) Sau lần gặp Phan Bội Châu này, Đào Duy Anh bỏ nghề giáo, định vào Sài Gòn làm báo.
Tới Đà Nẵng, Đào Duy Anh gặp Huỳnh Thúc Kháng, và đồng ý tham gia công ty Tiếng Dân. (Anh, 1989:20). Mùa Hè 1926, Trần Mộng Bạch kết nạp Đào Duy Anh vào Việt Nam Cách Mệnh Đảng, hoá thân của Hưng Nam Hội (Anh, 1989:20, 28-31). Lúc này Bạch đã chịu ảnh hưởng của Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Hội [VNTNKMH] của Lý Thụy, qua đường dây Lê Duy Điểm, và cử Trần Phú qua Quảng Châu vào tháng 7/1926. Nhưng Điểm thực ra đã bí mật tham gia tổ chức VNTNKMH, và được gửi về nội địa hoạt động. Trần Phú rồi cũng ngả theo Lý Thụy và được gửi qua Nga huấn luyện.
Mùa Hè 1927, Đào Duy Anh tham gia Việt Nam Tấn Bộ Đảng (Parti Progressive Annamite); với ý định đề cử Phan Bội Châu làm Đảng trưởng. Bị Pasquier cho lệnh cấm (Anh 1989:21). Ngày 14/7/1928, Đào Duy Anh được cử làm Tổng Bí thư Tân Việt Cách Mạng Đảng [Tân Việt], một giả túc mới của Việt Nam Cách Mệnh Đảng. Tôn Quang Phiệt là Bí thư Trí kỳ (Bắc). Nhân kỳ (Trung) có Đặng Thái Mai, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Hữu Diếu, Trần Hữu Duẩn, Nguyễn Khoa Văn, Võ Nguyên Giáp, v.. v... Tháng 7/1929, Đào Duy Anh bị bắt ở Huế, do lời khai của Tú Đàn (Anh, 1989:44). Cuối năm 1930, Đào Duy Anh và vợ chưa cưới được tha. Từ đó, dạy tư tại trường Thuận Hóa, đi vào đường soạn từ điển Hán-Việt và tự nghiên cứu lịch sử kiểu Marxist.
Vì lập trường “Cộng Sản” này, việc Đào Duy Anh xa rời Tiếng Dân rất dễ hiểu, nhất là từ khi các tân lãnh đạo Đảng CSĐD công khai chỉ trích Tiếng Dân và Huỳnh Thúc Kháng là “cải lương”, “phá hoại cách mạng.” Thêm vào đó, năm 1928, Huỳnh Thúc Kháng bị ép buộc phải từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu, sống thuần bằng nghề báo.
Thập niên 1950, Đào Duy Anh dính líu vào vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, bị cách chức Giáo sư, về làm việc dưới quyền Trần Huy Liệu tại Viện Sử học Hà Nội.
KẾT TỪ:
Bán tuần san Tiếng Dân—dù không gây nhiều tiếng vang hay được nghiên cứu sâu rộng như Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, La Cloche Fêlée, La Lutte, Thanh Nghị, v.. v...—có giá trị lịch sử của nó.
Tiếng Dân là cơ quan ngôn luận tư nhân bằng Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Huế và phục vụ độc giả An Nam (Trung Kỳ) suốt hơn 15 năm dài. Huỳnh Thúc Kháng—giống như những tri kỷ của ông từng hy sinh đời mình cho giấc mộng hiện đại hóa đất nước một cách ôn hòa—đã kiên nhẫn tối đa, dùng Tiếng Dân như một phương tiện giáo hóa đám đông mà theo ông còn “chậm tiến,” chưa đủ sức chen vai, thích cánh với thế giới của Luật kẻ mạnh.
Một mặt, chính quyền bảo hộ Pháp, liên tục theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ. Điều này cũng dễ hiểu. Và chưa hẳn chỉ có thực dân Pháp mới đàn áp giới văn bút.
Tại miền Bắc Việt Nam, sau sự cố Nhân Văn-Giai Phẩm, từ năm 1957 không còn một tờ báo tư nhân nào. Sau năm 1975, tình trạng triệt tiêu báo tư nhân trải rộng khắp nước. Những đòi hỏi về quyền tự do cơ bản mà nhóm Nguyễn Ái Quấc đưa ra trước Hội nghị Versailles ngày 18/6/1919—nhất là tự do tư tưởng và phát biểu, tự do hội họp—đều có thể lập lại vào đầu thế kỷ XXI, ngay tại Việt Nam. Ngoài ra, còn những pháp lệnh và “Luật bảo vệ an ninh quốc gia,” cho phép tịch thu mọi ấn loát phẩm, trừng phạt những người tàng trữ.
Dưới chế độ Quốc Gia Việt Nam, và rồi hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù cũng có nguyên tắc “tự do ngôn luận” nhưng giới báo chí, xuất bản đều chịu những kiểm soát chặt chẽ. Chính sách kiểm duyệt được duy trì từ năm 1949 tới 1975. Các Nghị định, Sắc luật báo chí năm 1949, 1950, 1954, hay Sắc Luật số 10/64 ngày 30/4/1964, và nhất là Luật 07 (1972) dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu từng là mục tiêu của những cuộc tranh đấu đòi hủy bỏ (Ngày ký giả đi ăn mày). Lưỡi kiếm treo trên đầu giới báo chí Quốc Gia Việt Nam là “cái mũ” Việt Minh và chống Pháp. Qua thời Việt Nam Cộng Hòa, ngoài cái mũ “Việt Cộng,” còn thêm những cái mũ “trung lập,” “phản chiến,” “ngụy hòa.”
Báo chí, sách vở đều bị kiểm duyệt. Đặc biệt là các tác phẩm viết về chiến tranh của Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Thế Hoài, v.. v... Văn khố Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Sài Gòn còn lưu trữ danh sách 29 ký giả bị tình nghi là Cộng Sản nằm vùng hay thân Cộng vào năm 1964. Ngoài những nhân vật như Quốc Phượng (báo Tia Sáng), Nguyễn Duy Hinh, v.. v..., thật ngạc nhiên khi thấy nhà thơ Nguyễn Vỹ (báo Phổ Thông), nhà văn Chu Tử (báo Sống), hay ký giả Việt Định Phương (báo Trắng Đen), Lê Tràng Kiều, v.. v... bị nghi là “thân Cộng.” Thiếu tướng Đỗ Mậu phải viết thư can thiệp Chu Tử mới được ra báo; trong khi Trung tướng Dương Văn Minh cũng phải đích thân cho Đinh Văn Khai, người bị tố cáo thuộc “chế độ Ngô triều,” tục bản tờ Tiếng Chuông! Và, người có quyết định cho ra báo hay không, một thời, là Đại tá Phạm Ngọc Thảo, ngồi tại văn phòng Phủ Thủ tướng Nguyễn Khánh!(40) Người Việt đối xử với người Việt chẳng tử tế gì hơn ngoại nhân.
Mặt khác, lập trường “Pháp-Việt đề huề” của Tiếng Dân, cũng như nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở miền Bắc, hay Lập Hiến ở miền Nam, thường bị Đảng Cộng Sản và một thiểu số quá khích chỉ trích. “Án Nghị Quyết” của Đảng CSĐD vào tháng 3/1931, chẳng hạn, xếp hạng “bọn” Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, cùng nhóm Lập Hiến là “quốc gia cải lương,” “phá hoại cách mạng.”(41) Tại Đại hội lần thứ I của Đảng CSĐD từ 27 tới 31/3/1935, còn gay gắt hơn nữa. Nghị quyết Đại hội I chửi rủa—một đặc tính khó trộn lẫn của những “công nhân giác ngộ cách mạng”—“bọn” cải lương Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Dương Văn Giáo, v.. v... là treo bảng hiệu “phản đối đế quốc”. . . “để bán mình cho cao giá.”(42) Truyền đơn và các tài liệu học tập hay báo cáo khác của Đảng CSĐD trong năm 1936 vẫn còn lên án “bọn cải lương” Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Quang Chiêu, v.. v... là “phá hoại cách mạng.” (43)
Thực ra, đây chỉ là quan điểm của nhóm tả khuynh mới từ Mat-scơ-va trở về bắt đầu công tác chỉnh Đảng (Trần Phú, 1930-1931) và rồi tái dựng Đảng CSĐD (Litvinov Lê Huy Doãn [Hồng Phong, 1902-1942], Cintchkin Hà Huy Tập [Năm nhỏ, 1906-1941], Svan Nguyễn Văn Dựt, Kan Nguyễn Ngọc Vi [Phùng Chí Kiên, 1906-1941], v.. v..., từ 1932 tới 1941). Quá giáo điều và trung thành với Liên bang Sô viết, họ công kích ngay cả Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra VNTNKMH và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Theo họ, Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ viết ra “những lý thuyết đầu cơ, cải lương, duy tâm, quốc gia chủ nghĩa (như quyển sách Đường Kách Mệnh . . ., quyển Duy Vật Sử Quan Sơ học của Đảng Xiêm).” (44)
Với đại đa số người Việt đương thời, chẳng có gì quí hơn một cuộc sống no đủ, yên lành. Luật sinh tồn là khuôn thước có hàng ngàn năm lịch sử. Giấc mộng độc lập, tự chủ người Việt nào chẳng thầm mơ ước. Nhưng những người có viễn kiến không thể không nhìn về giai đoạn hậu-thuộc-địa. Một nước “độc lập” trên giấy tờ, truyền đơn, khẩu hiệu—nhưng thực chất độc tài, chuyên chế, nghèo khổ, lạc hậu, người cầm quyền trở thành những kẻ cướp ngày, công khai có vũ khí và được “luật pháp” bảo vệ—chưa hẳn đã đáng mong ước, trông đợi hơn một chế độ lệ thuộc ngoại nhân. Đó là chưa nói đến hiểm họa đời kiếp từ phương Bắc.
Chủ trương và liên lũy tranh đấu nâng cao dân trí, đòi hỏi nhân và dân quyền là những điều chỉ có bậc trí thức với viễn kiến mới đủ đại dũng hô hào, thực hiện bằng sự khổ đau, tủi nhục và ngay cả mạng sống mình. Chẳng cần đọc Lenin, một người có minh trí bình thường thôi, cũng hiểu được rằng “nhiệt tình cộng với sự ngu dốt thành phá hoại.” Một phe nhóm, đảng phái nào đó có thể giành đoạt chính quyền bằng họng súng, độc quyền cai trị và độc quyền tư tưởng, lý luận; nhưng khó thể hiện đại hóa được đất nước, đưa dân tộc vào nhịp sống văn minh, hiện đại chung của thế giới. Liều thuốc duy nhất để chữa chạy căn bệnh chậm tiến của Việt Nam là nâng cao dân trí. Huỳnh Thúc Kháng chỉ đi theo con đường của Trần Quí Cáp, Phan Châu Trinh hay Phan Văn Trường đã thể hiện. Con đường đã biến Gandhi thành Á Thánh, đưa India đến độc lập chính trị và hiện đại hóa một cách hòa bình.
Chỉ những cá nhân đặt quyền lợi đảng phái, tôn giáo hay bè phái mình trên quyền lợi đất nước, dân tộc—hoặc vì thiếu sự hiểu biết và tầm nhìn, hoặc vì quá giáo điều—mới không đọc lại và suy nghiệm vai trò của nhóm nho sĩ duy tân mà Huỳnh Thúc Kháng là con ngựa chiến già cuối cùng kéo chiếc xe Tiếng Dân từ 1927 tới 1943.
Houston, 6/10/2005
Chính Đạo
________
Phụ chú:
1. David G. Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1925-1945 ( Berkeley: Univ of California Press, 1981); Idem., Vietnamese Anti-Colonialism, 1885-1925 ( Berkeley: Univ of California Press, 1971); Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt-Nam từ khởi thủy đến 1930 (Sài Gòn: Trí Đăng, 1973).
2. Nguyễn Quốc Thắng, Huỳnh Thúc Kháng: con người và thơ văn (Sài Gòn: PQVKDTVH, 1972; Huỳnh Thúc Kháng, Tự truyện, Anh Minh dịch từ bản Hán ngữ (Huế: Anh Minh, 1963).
3. Trung tâm lưu trữ Quốc gia [TTLTQG] 2 (Sài Gòn), RSA/HC, HS 1763 và 1869.
4. Le Courrier de Saigon, số 7, 5/4/1965. Thư viện Quốc Gia Pháp tại quận XIII, Paris, có lưu trữ một sưu tập không đầy đủ Gia Định Báo. Hiện báo đã được chụp microfilm. Xem thêm Huỳnh Văn Tòng, 1973, tr. 91-102; Marr, Tradition On Trial, 1981:44-9, 164-6, 350-1; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1999-2000), tập I, 1999:169-170; Phạm Long Điền, “Gia Định Báo;” Bách Khoa M [số 403], 1974:33-37; & N [số 404], 1974:23-30; Nguyên Vũ, “Góp phần vào việc nghiên cứu Petrus Key;” Ngàn Năm Soi Mặt (Houston: Văn Hóa, 2002), tr. 217-218.
5. Xem thêm Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký: Nhà văn hóa (Hà Nội: 1993), tr. 169-205.
6. CAOM (Aix), GGI [AMIRAUX], d. 7717.
7. Huỳnh Văn Tòng, 1973, tr. 57-58, 65-66; Marr, Tradition On Trial, 1981:151-152, 164. Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương tách biệt Bắc Kỳ khỏi Trung Kỳ. Từng đắc cử Hội đồng thành phố Hà Nội; từ 1913 là Nghị viên Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ (sau là Viện Dân biểu), và có chân trong Thượng Hội đồng Đông Pháp.
8. Yểm trợ báo này có Sarraut và Khải Định. Pierre Pasquier, Giám đốc Nha Chính trị và Hành chính, cung cấp mỗi tháng 500 đồng. Ngay từ bài “Mấy nhời nói đầu” trong số ra mắt đã phải chịu sự kiểm duyệt của Nha Liêm phóng và Thống sứ Bắc Kỳ. CAOM (Aix), R.19.40; dẫn trong Marr, Tradition on Trial, 1981:153n38, 68n28 (dẫn tư liệu văn khố Thống sứ Bắc Kỳ tại Việt Nam). Xem chi tiết trong Ibid., tr. 63-6, 294; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, Tập II, 2000:752n10. Có tài liệu cho thấy Phạm Quỳnh là thư ký hạng 5 của Nha Thanh Tra Chính trị và Hành chính (mật thám) Pháp của Pasquier; CAOM (Aix), Amiraux 19065. Nguyễn Bá Trác, đồng chủ bút của Phạm Quỳnh, cũng làm việc dưới quyền Pasquier và ngày 11/6/1918, được đề nghị tăng lương từ 100$ lên 120$ mỗi tháng vì mới thăng lên tòng ngũ phẩm; Ibid., Amiraux 26701. Về một quan điểm khác đối với Phạm Quỳnh, xem Phạm Thị Ngoạn, Tìm hiểu tạp chí Nam Phong, 1917-1934, bản dịch Phạm Trọng Nhân (Yerres, Pháp: Ý Việt, 1993). Sẽ dẫn: Phạm Thị Ngoạn 1993. Bà Ngoạn là trưởng nữ Phạm Quỳnh. Thư viện Quốc gia Pháp (Paris) có một sưu tập khá đầy đủ tựa báo này, với dạng microfilm [MICR D-998].
9. Trung Bắc tân văn chỉ đình bản vào tháng 9/1945. Nguyễn Văn Vĩnh còn xuất bản bán tuần san L’Annam Nouveau, tại Hà Nội, bằng Pháp ngữ; từ ngày 25/1/1931 cho tới ngày 26/4/1942. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Vĩnh chết từ năm 1936. Từ số báo 920, đề ngày Chủ Nhật, 4/2/1940, Vũ Ngọc Liên làm Chủ bút. (BNF, Jo 95260)
10. Trương Duy Toản là một cựu du học sinh phong trào Đông độ, tới Paris từ năm 1913 như sứ giả của Cường Để, từng bị bắt giữ năm 1915 (cùng với Đỗ Văn Y), tại Paris, rồi bị trục xuất về nước sau khi được miễn tố. Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, tập III: Nhân Vật Chí, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hoá, 1997), tr. 558-559. Chúng tôi sử dụng năm sinh và mất, cũng như chi tiết về tờ Sài thành nhựt báo, từ Nguyễn Quốc Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (TP/HCM: 1992), tr. 918-919. Phần Nguyễn Phan Long là một nhà văn có tài viết tiếng Pháp. Từ năm 1922, bỏ việc ở Sở Quan thuế Sài Gòn ra tranh cử Hội đồng Quản Hạt [HĐQH] Nam Kỳ, và bước vào nghiệp báo. Tháng 10/1926, hợp tác với nhóm Bùi Quang Chiêu lập Đảng Lập Hiến. Trực tiếp trông coi La Tribune indochinoise khi Bùi Quang Chiêu qua Pháp, và dính líu vào việc công kích Pasquier sau “cuộc đảo chính cung đình” ở Huế ngày 2/5/1933—tức đột ngột loại bỏ toàn bộ Nội các Nguyễn Hữu Bài, thành lập một nội các mới do vua Bảo Đại trực trị. Năm 1936, tách khỏi nhóm Lập Hiến, ngả theo Cao Đài. Xem tiểu sử Nguyễn Phú Khai, và Nguyễn Phan Long trong Chính Đạo, Nhân Vật Chí, tr. 363-4, 361-2. Idem., Hồ Chí Minh, tập I: 1892-1924 (Houston: Văn Hoá, 1997), tr. 260-3. Sẽ dẫn: Chính Đạo, Hồ Chí Minh, tập I (1997). Xem thêm Ralph Smith, “Bui Quang Chieu and the Constitutionalist Party in French Indochina, 1917-1930;” Modern Asian Studies, 3:2 (1969), tr. 131-50.
11. Lục tỉnh tân văn, lập trường thân chính phủ, chỉ đóng cửa năm 1944.
12. La Cloche Fêlée, số 20, (26/11/1925).
13. Ngày 27/3/1928, Phan Văn Trường bị Tòa Đại hình Sài Gòn kết án hai năm tù. Chống án qua Pháp, nhưng bị y án. Ngày 14/8/1929, bị bắt ở Paris, giam tại ngục Santé 2 năm. Mãn hạn, về nước, ra Hà Nội, và từ trần ở đây ngày 22[21?]/4/1933. Phần Nguyễn An Ninh, sau chuyến qua Pháp đón vợ chồng Nguyễn Thế Truyền vào cuối năm 1927, ngày 3/10/1928, bị kết án 3 năm tù [tới 3/10/1931] vì tội hành hung một nhân viên liêm phóng [Cai Nên] tại ga xe lửa Bến Lức. Phan Văn Hùm, hung thủ thực sự, chỉ bị án treo, qua Pháp du học. Xem thêm chú 24, infra.
14. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), quê Bất Bạt, Sơn Tây (huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội). Con Án sát Nguyễn Danh Kế và bà Lưu Thị Hiền. Thi hỏng khóa thi Hương năm 1912. Chủ bút Hữu Thanh năm 1921-1924, và chủ biên An Nam Tạp chí từ 1926 tới 1933. Vào Nam, ông giữ mục Văn uyển của tờ Đông Pháp thời báo. Tự ví mình như bị “đầy xuống hạ giới vì tội ngông.”
15. La Tribune indochinoise (Sài Gòn), 15/9/1926. Ngày 30/10/1926, Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Viện Dân Biểu An Nam, gửi thư cho Khâm sứ về mẫu triện [con dấu] Viện Dân Biểu An Nam; TTLTQG 2 (Sài Gòn), RSA/HC, HS 1763.
16. CAOM (Aix), INF, carton 276, d. 2423. Xem thêm “Note pour le Ministre” ngày 14/3/1927; Ibid., d. 2425.
17. Báo cáo ngày 3/3/1926, Varenne gửi BTTĐ; CAOM (Aix), INF, carton 276, d. 2424; “Note pour le Ministre” ngày 14/3/1927; Ibid., d. 2425. Một hồi ký xuất sắc về ngành thuốc tại Đông Dương là Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ (Houston: Văn Hóa, 1996).
18. Theo Chủ tịch Đảng Việt Nam Độc Lập, khi A. F. Fontaine thành lập công ty Société francaise des Distilleries de l'Indochine [SFDI] tại miền Bắc năm 1901, tổng số vốn chỉ 2 triệu francs. Phần tư thế kỷ sau, năm 1926, vốn của Fontaine tăng lên 1500% (30 triệu francs), trong khi trị giá mỗi cổ phần tăng lên 1320% (500 francs năm 1901 lên 6,600 francs năm 1926). Đó là chưa kể những tệ nạn bắt rượu lậu—đưa đến những vụ tố cáo rượu lậu vô bằng chứng, nhưng đủ mang lại bao thảm kịch, khó khăn cho nông dân. Nạn độc quyền muối, ban hành từ năm 1898, cũng khiến dân chúng cực kỳ bất mãn. Dân làm muối ở vùng biển phải mang số muối thu hoạch tới cân ở sở đoan, bán cho nhà nước; rồi nhà nước bán lại cho giới tiêu thụ qua trung gian các đại lý. Năm 1926, chính phủ mua vào, 6 hào một tạ; nhưng bán ra cho đại lý 3.70 đồng 1 tạ, và khi nhà buôn bán ra cho dân, giá lên tới 6$ tới 7$ 1 tạ; Ibid., SLOTFOM, Séries III, cartons 2 & 3. Xem thêm hồ sơ các báo Đông Dương và Pháp trong Ibid., INF, carton 276, d. 2424, 2426, và 2427.
19. Note của Duchêne ngày 14/3/1927; Ibid., INF, carton 276, d. 2425.
20. Bulletin des Amis de Vieux Hué [BAVH], vol. VII, No. 3 (7-9/1920), tr. 365-384.
21. Thư ngày 21/4/1927, Perrier gửi GGI; CAOM [Aix]. INF, carton 276, d. 2425.
22. “Instructions secrètes au sujet de la Mission confiée au Général de Division Claudel;” Ibid. INF, carton 276, d. 2425.
23. “Le régime de la presse;” Văn Lang (Sài Gòn), 26/8/1939, tr. 31. Những điều khoản của Luật báo chí năm 1898 vẫn giữ nguyên. Ngày 1/11/1927, Varenne về nước. Tổng thư ký Đông Dương, Monguillot, xử lý thường vụ cho tới ngày 7/8/1928. Mặc dù có những vận động đưa Monguillot lên thay Varenne, tháng 8/1928, Pasquier được cử làm Toàn quyền; Thư ngày 23/1/1928, Darles gửi BTTĐ; CAOM (Aix), INF, carton 276, d. 2425. René Robin, Thống sứ Bắc Kỳ, xử lý thường vụ tới ngày 26/12/1928, khi Pasquier nhiệm chức.
24. Đã có nhiều nghiên cứu về Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường và “khuynh hướng Cộng Sản” của hai tờ La Cloche Felée và L’Annam. Xem, chẳng hạn, Tâm Vũ, “Khuynh hướng Cộng Sản trong hai tờ báo La Cloche Felée và L’Annam ở Sài Gòn ( 1923- 1927);” Nghiên Cứu Lịch Sử (Hà Nội), số 175 (7&8/1977), tr. 1926, 36; và Nguyễn Phan Quang-Phan Văn Hoàng, Luật sư Phan Văn Trường (TPHCM: 1995). Xem thêm, Trần Ngươn Phiêu, Phan Văn Hùm (Amerillo, TX: Hải Mã, 1993). Tâm Vũ và Nguyễn Phan Quang-Phan Văn Hoàng có lẽ đi quá xa khi giải thích NAN và PVT có khuynh hướng CS từ thập niên 1920. Tài liệu của Ban chỉ huy ở ngoài [BCHON] Đảng CSĐD cho thấy tới giữa thập niên 1930, NAN vẫn chưa hề được coi như người Cộng Sản, mà chỉ bị lợi dụng để phát động chính sách “Mặt trận thống nhất” của Quốc tế Cộng Sản [QTCS], đồng thời đương đầu nhóm “Trotskyite” Tạ Thu Thâu-Trần Văn Thạch-Phan Văn Hùm—những người bạn cũ, chia ngọt xẻ bùi với nhóm Bourov Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, giờ đã có lệnh từ Mat-scơ-va phải truy diệt, khiến ngừng hiện hữu. Xem, Văn kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], tập VI:1936-1939 (Hà Nội: CTQG, 2003). Mùa Hè 1937, Dân biểu Maurice Honel còn tặng hoa cho bà Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn như để khoét sâu dị biệt giữa NAN với nhóm La Lutte. Kết luận NAN có khuynh hướng Trotskyite—như Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu trong Phan Văn Hùm (2003)—sợ rằng không đủ bằng chứng. PVT hay NAN thực ra chỉ là những người yêu nước nhiệt thành. Cả hai chủ trương tranh đấu một cách hợp pháp cho nhân và dân quyền, và chủ nghĩa cộng hòa với lòng ngưỡng mộ và niềm tin ở truyền thống dân chủ, tự do, pháp trị của dân tộc Pháp. Cũng như Nguyễn Sinh Côn (NAQ), PVT và NAN chỉ tả khuynh, ngưỡng mộ Liên Xô là nước duy nhất đứng về phía các nước bị ngoại cường xâm chiếm và đô hộ. Trong khi đó, những người hữu khuynh như Phan Châu Trinh, Bùi Quang Chiêu, v.. v... muốn hợp tác tinh thành với Pháp, đấu tranh trong khuôn khổ pháp định. Chua chát là dù tả khuynh hay hữu khuynh, những người Việt Nam yêu nước đều bị chính quyền Pháp thường trực nghi ngờ, theo dõi và sẵn sàng hủy diệt khi đụng chạm, hoặc bị tình nghi là làm tổn hại, đến “chủ quyền” Đại Pháp cùng nền “trật tự thuộc địa.” Trong khi đó, Nga Sô của Josef V. Stalin [Dzhugasvili]—hay Trung Cộng của Mao Trạch Đông sau này—có những lý do riêng để thực hiện “nghĩa vụ quốc tế” tại Đông Dương. Cần những nghiên cứu mới, dưới ánh sáng sử học, mới thây rõ được những “ảo ảnh sa mạc” của trí thức Việt Nam trong giai đoạn 1925-1945.
25. TTLTQG 2 (TP/HCM), Goucoch, IIA.45/233(2). Hồ sơ trục xuất Kỳ về Huế năm 1937 ghi năm sinh là 1900. Xem thêm truyền khẩu về Kỳ và cha, Diệp Văn Cương, trong Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ (Houston: Văn Hóa, 1999), tr. 163-167, 244-262.
26. Xem, Xuân Tùng, “Nhân chuyến đi thăm nhà thờ cụ Huỳnh;” Bách Khoa (Sài Gòn), số D [405], [1/3/]1974, tr. 47-48.
27. Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua châu bản triều Duy Tân (Sài-gòn: 1972), Tài liệu 9, tr.143. Huỳnh Thúc Kháng chỉ nói gặp nhau; Idem., “Cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908,” trong Nguyễn Quốc Thắng, Huỳnh Thúc Kháng: Con người và thơ văn (Sài-gòn: 1972), tr. 317. PCT cho rằng chỉ có HTK và Phan Diện gặp PBC.
28. Nguyễn Thế Anh, Châu Bản, TL. 9, tr., 43-44. Nguyễn Đình Tân có lẽ là Nguyễn Tòan trong điều trần của PCT, một quan đã về hưu, trên 70.
29. Báo cáo ngày 3/5/1908, RFaifo gửi Khâm sứ; CAOM (Aix), GGI, d. 5886.
30. Nguyên văn: “Le jugement rendu par les autorités provinciales, ne paraissant pas suffisamment étudié et l’application de la loi n’étant pas régulièrement faite, . . . Ce jugement, comme plusieurs autres qui m’ont été remis ayant montré d’une facon trop évidente, l’ignorance, la faiblesse ou la complaisance du Tuan phu de cette province,...;” Báo cáo ngày 27/6/1908, RSA gửi Gougal; Ibid., d. 5887.
31. Nguyên văn: “de ne plus battre le tambour, de crainte de troubler la tranquilité publique;” Lệnh ngày 18/1/1908 [ngày 15 tháng chạp Duy Tân năm thứ nhất]; Ibid., d. 5886.
32. Xem Phan Chu Trinh, A Complete Account of the Peasants’ Uprising in Central Vietnam (1908), bản dịch Anh ngữ của Peter Baugher and Vũ Ngự Chiêu (Madison: Center for Southeast Asian Studies, Monograph No. 1, 1983); Nguyễn Thế Anh, Châu bản, Tài liệu 9, tr. 43-46 (bản án 26 nhân sĩ Quảng Nam); và, đặc biệt, thư Quảng Nam Thân sĩ gửi Toàn quyền Bonhoure ngày 13/6/1908, trích in trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người và huyền thoại, tập I: 1892-1924, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 272- 275.
33. Tel. Cabinet 209C, 19/6/1908, RSA gửi Gougal; CAOM (Aix), d. 5886, và danh sách 66 người bị quan tỉnh Khánh Hòa bất giữ trong Ibid., d. 5887 ; Nguyễn Thế Anh, Châu Bản, TL 30, tr. 105-107.
34. Phan Văn Trường, đã bị động viên với cấp bậc Trung sĩ, bị nhốt tại quân lao. Phó bảng Trinh không hề bị nhốt chung với Nguyễn Ái Quốc tại ngục Santé như có người hoang tưởng. Nhân vật tội nghiệp nhất trong vụ này là Nguyễn Như Chuyên, từng làm thông dịch viên cho Phan Châu Trinh từ năm 1911-1912. Năm 1917, Chuyên tháp tùng Nguyễn Sinh Côn [Paul Thành] từ Paris tới Toulouse.
35. CAOM (Aix), GGI, 9PA, d. 15.
36. La Tribune indochinoise (Sài Gòn), 15/9/1926.
37. Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm (Hà Nội: Trẻ, 1989), tr. 7.
38. CAOM [Aix], Affaires Politiques [AP], carton 1642.
39. Journal officiel de l’Indochine Francaise [JOIF], 26/12/1925; CAOM [Aix], AP, carton 1642.
40. TTLTQG 2 (TP/HCM), Phủ Thủ tướng VNCH, HS 29285 (Nghị định về báo chí), 29290 (ký giả thân Cộng), 29291 (báo Tiếng Chuông, Tia Sáng và Sống).
41. Văn Kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], tập 3: 1931 (Hà Nội:1999), tr. 88.
42. VKĐTT, tập 5:1935, 2002:14. Đại hội kỳ I Đảng CSĐD, tổ chức tại Macao, qui tụ 13 [14?] đại biểu Việt, Miên và Lào. Tại Đại hội này, Litvinov Doãn được chỉ định làm Tổng thư ký Ban Trung ương chấp ủy [BTWCU]; trong khi Cinitchkin Tập làm Thư ký Ban chỉ huy ở ngoài [BCHON], kiêm ủy viên thường trực BTWCU. BTWCU gồm 13 người. Nguyễn Ái Quốc (dưới bí danh mới Lin) là Ủy viên Dự bị [Dự khuyết]. Ban thường vụ gồm 5 người, kể cả Cinitchkin Tập và Đinh Thanh (Đinh Tân), người được QTCS chỉ định làm XLTV Tổng thư ký trong thời gian Litvinov Doãn vắng mặt. Tuy nhiên, Đinh Thanh đến Macao sau Đại hội I, và rồi “biến mất.” Hồ Nam Trần Văn Giàu, dù đã công khai xin lỗi và tham dự việc soạn thảo tài liệu, không được bầu vào BTWCU vì thái độ “phản Lê-nin-nit;” Thư ngày 31/3/1935, BCHON gửi QTCS; Ibid. 2002:190-204. Trần Văn Giàu sau đó bị Pháp bắt, và tháng 6/1935 bị kết án 5 năm tù, đầy ra Côn Đảo. Chưa rõ Trần Văn Giàu bị bắt vào thời điểm nào. Trong hai lần gặp tác giả ở Sài Gòn, Giáo sư Giàu, 94 tuổi, tránh đề cập đến vấn đề này. Xem thêm chi tiết về Đại hội I Đảng CSĐD trong CAOM (Aix), SLOTFOM, III, c.54; Ibid., INF, c. 121, d. 1096; Kurihara Hirohide, “The First Congress of the Indochinese Communist Party (1935) and Its Aftermath: A Turning Point in the Comintern-ICP Relations;” Journal of Asian and African Studies (2000), 60:1-35; Đỗ Quang Hưng, “Ban lãnh đạo hải ngoại của đảng qua sự phản ánh của Lê Hồng Phong;” Tạp chí lịch sử Đảng [TCLSĐ] (1999), 3:4; Trần Văn Hưng, “Những tư liệu mới về chức Tổng Bí thư của các đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập;” TCLSĐ (2000), 5:45-48; Lê Hồng Phong, người Cộng Sản kiên cường (Hanoi: NXB CTQG, 2002).
43. Tháng 4/1936, trong lời kêu gọi nhân ngày 1/5/1936, Đảng CSĐD lên án Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh và “bọn quốc gia cải lương không lùi bước trước âm mưu nào để đánh lừa nhân dân bị áp bức nhằm làm họ bị lạc hướng trong cuộc đấu tranh cách mạng;” VKĐTT, 6:1936-1939, 2000:3. “Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng CSĐD” vào tháng 6/1936 thêm một lần tố cáo “bọn quốc gia cải lương Phan Bội Châu, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh làm lệch hướng tranh đấu;” VKĐTT, 6:1936-1939, 2000:8.
44. VKĐTT, tập 5:1935, 2002:20.
Phụ Bản I:
Thư ngày 9/10/1926, Huỳnh Thúc Kháng gửi Quyền Khâm sứ J. d'Elloy
Phụ Bản II:
Phóng ảnh một trang báo Tiếng Dân
Phụ Bản III:
DANH SÁCH KÝ GIẢ “THÂN CỘNG” (1964)
Do Tổng Nha Cảnh Sát Công An Việt Nam Cộng Hòa Thiết Lập
(HS29290)
1. Nguyễn Duy Hinh (1922-?) tự Nguyễn Minh
2. Triệu Trường Thế, tức Triệu Công Minh (1909-?), Vĩnh Mỹ, Bạc Liêu. Trí vận; vợ là Lê Liễu Huệ, tự Ái Lan. Con Triệu Việt Sơn, Triệu Công Khanh tập kết ra Bắc, tốt nghiệp Kỹ sư.
3. Trần Minh Ký tự Cậu Năm (1921), Vĩnh Trạch, Bạc Liêu.
4. Nguyễn Văn Tùng, tức Lê Thanh Thủy, Sơn Tùng (1926, Long Thành, Mỹ Tho): Cán bộ báo chí VC của Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn.
5. Nguyễn Kỳ Nam tự Nguyễn Thế Phương tự Nam Đình (1907, Phú Mỹ, Gia Định): Đổng lý văn phóng Bộ Tư pháp thời TTKim.
6. Hồ Ngọc Cứ (1924, Sa Đéc) [1956: Quận trưởng Q 2; Nghị viên Đô thành]: “thân Cộng nguy hiểm”
7. Nghiêm Kế Tổ (1911-?): Sinh tại Móng Cáy. Cha là Nghiêm Đức Tu, mẹ, Nguyễn Thị Mỹ. Có tin VC mời ra Củ Chi xem triển lãm.
8. Ngô Văn Quân tự Quảng (1926-), Sài Gòn, ký giả nằm vùng CS.
9. Hàng Thị Quế (1922), Chợ Lớn. Thân Cộng.
10. Nguyễn Xuân Hoà (1926, Nha Trang), quản lý báo Tia Sáng. Kinh tài cho CS.
11. Phạm Thu Trước tức Việt Định Phương (1929), Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá: “thân Cộng.”
12. Trần Thanh Thế, bí danh Trần Chi Lăng (1928), Long Mỹ, Rạch Giá: “thân Cộng.”
13. Đặng Văn Trí, tự Hương Ngô: Cán bộ Đảng Dân Chủ: thân Cộng.
14. Lê Tràng Phùng tự Lê Tràng Kiều (Hà Đông, 1913): “thân Cộng.”
15. Hoàng Thái Sơn tự Lê Minh (1920), Hà Nội: “thân Cộng.”
16. Trần Tự Thành tự Trần Tấn Quốc (1914), Mỹ Trà, Cao Lãnh, Sa Đéc. Cựu đảng viên Trốt-kít. 1945 hợp tác với Nguyễn Văn Sinh tự Năm Quốc Cang. Ngầm liên lạc với Lê Văn Thủ, tự Việt Tha: “thân Cộng.”
17. Nguyễn Văn Đông tức Xích Tùng Tử (1908, Quảng Nam): “thân Cộng.”
18. Bùi Quang Thành tự Vũ Bình (Hoà Mỹ, Cái Nhuôm, Vĩnh Long): “thân Cộng.”
19. Trương Lê, hiệu Phong Châu (1913, Điện Bàn, Quảng Nam) : “thân Cộng.”
20. Lâm Thế Nhơn tự Phi Vân (1917), An Xuyên: thân Cộng và tiếp tay CS.
21. Dương Minh Cựu tự Hoàng Việt: Cán bộ VC.
22. Nguyễn Bảo Hóa, Tô Nguyệt Đình (1920), Phước Lễ, Bà Rịa: VC nằm vùng nguy hiểm.
23. Trần Văn Bảy tức Hoàng Minh Nhựt (1927), Long Hòa, Chợ Lớn: Cán bộ VC nằm vùng.
24. Nguyễn Kiên Giang tức Lý Thanh Cần (1918, Long Mỹ, Rạch Giá: “thân Cộng.”
25. Phạm Văn Ương tức Đoàn Hùng (1912, Mỹ Tho):
26. Nguyễn Vỹ (1910), Đức Phổ, Quảng Ngãi. Theo Trần Kim Tuyến, được Ngô Đình Nhu yểm trợ tiền ra báo Bông Lúa: “thân Cộng.”
27. Chu Văn Bình, bút hiệu Chu Tử (1917-1975), Sơn Tây. Con Chu Nguyên Định và Nguyễn Thị Tình. Ngụ tại 63 Bùi Thị Xuân, Sài Gòn, và 875/5 Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. 9/3/1945: Quận trưởng tại Vinh (NghệAn); 19/8/1945: Giáo sư tại Hà Nội. 1946-1948: Trưởng đoàn Thanh Niên tỉnh Sơn Tây, kiêm Giáo sư trường Phùng Hưng; 1950: Thẩm phán Tòa án quân sự miền Bắc. 21/12/1951: Về thành. 1953: Vào Tây Ninh, hiệu trưởng trường Lê Văn Trung. Ra báo Sống. Ngày 6/1/1964: Báo bị đóng cửa, “thân Cộng.”
28. Hồ Ngọc Bảy tức Quốc Phượng (1935), Chợ Lớn:
29. Huỳnh Hoài Lạc tức Huệ Chương.
Ngoại trừ một số người đã tự xác nhận là đảng viên Cộng Sản, “thân Cộng” chỉ là cái mũ vừa khôi hài, vừa nguy hiểm cho đời sống các đương sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét