11/1/10

INRASARA -Chăm, Đau Khổ, Kiêu Hãnh Và Bí Ẩn

Chăm, Đau Khổ, Kiêu Hãnh Và Bí Ẩn (trích Chương 9, Tự Sự: Inrasara & Chăm & Chữ, Đang In)

INRASARA Thứ Bảy, Ngày 31 tháng 10-2009
Thế giới đã nói nhiều về bí ẩn của kĩ thuật xây tháp Chàm. Làm thế nào các viên gạch chồng khít và gắn kết vào nhau mà không cần lớp vữa, đến nỗi đập vỡ còn dễ hơn tách hai miếng gạch? Tại sao gạch Chăm không bị mốc sau hàng ngàn năm, trong khi các viên mới tháp vào chưa tới chục năm đã bị rêu bám? Chăm làm xong tháp rồi chất củi nung, là giả thiết ngây ngô nhất. Nỗi hiện diện của bao nhiêu lò gạch suốt miền Trung bác lại điều đó. Các viên gạch được mài chập vào nhau cho đến khi kết dính, cũng là một giả thuyết. Hay người Chăm xưa xài đến dầu thực vật? Còn bao nhiêu giả thuyết nữa? Ông Chỉnh miệt mài ra tay thử và thử, cuối rồi cũng xong ngôi tháp hiện đại đầu tiên. Còn nó sẽ trụ vững không và trụ đến đâu thì chỉ có ba đời Ma Hời mới hiểu. Dù gì đi nữa, kĩ thuật siêu tuyệt kia đã biến. Biến mất cùng vương quốc hùng mạnh và ngạo nghễ một thời. Như kĩ thuật đóng tàu viễn dương đã. Cả các bài thuốc gia truyền, thiên văn học, vân vân nữa.

Người ta đã nói nhiều về kĩ thuật tạo dáng hay lối chạm trổ tuyệt kĩ của nghệ nhân Champa xưa trên các đồ trang sức bằng vàng, bạc. Vũ Kim Lộc mày mò tìm ra chất "khằng" hỗn hợp của nhựa thông và đất sét đơn giản nhưng đầy bí ẩn đó. Các nhà nghiên cứu cũng đã đề cập về huyền thoại loại giếng vuông Chăm còn phơi mặt dọc duyên hải miền Trung nắng hạn nhưng không bao giờ khô nước, về gốm Bàu Trúc - một trong vài làng mà kĩ thuật chế tác và nung gốm cổ sơ nhất Đông Nam Á còn tồn tại dai dẳng, về vị vua đầu tiên của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo - vua Gangaraja ở đầu thế kỉ thứ V, vừa lên ngôi đã nhường lại ngai vàng cho cháu, để làm cuộc vượt đại dương sang bờ sông Hằng... Người ta đã nói nhiều về chúng, tốn bao giấy mực lí giải sự ra đời và biến mất của chúng - những bí ẩn Chăm xa xưa với bao nhiêu kỉ lục. Tôi thì khác, tôi muốn kể câu chuyện về những huyền bí của đời sống Chăm hiện đại. Chăm đương sống cuộc sống kì diệu của ngày hôm nay.

Bí ẩn với huyền bí, khi ta không biết về nó, ít biết hay chưa điều kiện biết nó nên nó tha hồ tỏ ra… bí ẩn.


*

Cei Halim Mưh là huyền thoại trong Chăm. Cei đơm đậu vào ai nấy được, bất kể ông hay bà, người ta cứ kêu là Cei chú. Khi đó, Cei ở Bal Riya Bính Nghĩa. Chuyện talang xương cốt Chăm Bà-la-môn là vấn đề trọng đại muôn thuở. Trong đám thiêu, chín miếng xương trán của người chết được lấy cẩn thận, cắt nhỏ và mài tròn bằng đồng xu cho vào lọ bằng đất sét. Klaung này không được cất ở nhà mà mang chôn đâu gốc cây, hốc đá ngoài rừng. Chiến tranh với di tản, con cháu hay dòng họ phiêu giạt làm ăn quên mất dấu. Cho đến hai, ba mươi năm sau, tất cả klaung của dòng họ mới được tập hợp lại để làm lễ Nhập kut.

Tìm đâu mà tìm? Nếu được thì lấy gì biện biệt ông nọ bà kia? Một dấu hiệu nhỏ cũng không có: tuổi tên không, lọ thì như lọ. Thế là phải chạy đi nhờ Cei. Cei phán lọ ông Phang đang nằm hốc đá này, ở hướng mặt trời ấy. Con trai út dời đi mà chẳng nói với họ hàng lấy một tiếng. Ông theo vợ làm ruộng tận Phan Rí, rồi chết trận lụt năm ấy thì có ma mới biết klaung cha mình ở đâu. Còn của bà Kak vẫn còn nằm dưới gốc cây cang kia thôi, ba mươi năm chớ ít oi gì đâu, sao ngu thế, rễ cây to thêm làm vỡ lọ đất rồi còn gì. Đến đó bứng gốc cây thì thấy, nhưng nhớ mang sàng theo tìm đủ chín miếng đấy nhé.

Mọi người đổ xô nhau, cuốc với sàng, trứng gà với chai rượu. Như thần: nó có đấy. Không tin sao được. Cei phán tiếp: cái này là của chú kia mới chết năm con Trâu, lọ kia không phải của mẹ bà này. Cei khiến họ như thể điều quân trong bàn cờ tâm linh huyền hoặc. Mọi người cứ thế mà răm rắp.

Đó là cuộc tìm xương Họ Anak tôi vào mùa Hè năm 1969, sau đám tang bà Mai. Tất cả người trong họ túm tụm giữa sân nhà bà Juk, nín thở theo dõi từng động tĩnh của Cei. Xóm giềng xem như xem hội. Đột ngột, như từ cõi trời lao xuống mặt đất đau khổ và trần trụi, Cei phán: - Về đi, xong rồi. Sắp có chuyện to rồi. Lúc đó chưa tới mười giờ tối. Mọi người ngơ ngác. Mưdwơn Phải còn muốn hỏi thêm Cei vài câu. - Ta nói về đi, Cei thổi tắt phụt ngọn nến trên cabbah hala khay trầu! Mẹ bảo mầy với anh Đạm về trước đi. Hai anh em tôi về. Sau lưng tiếng bước chân, tiếng nói cười rôm rả.

Vừa mở cánh cổng, đột ngột loạt đại liên nổ inh tai. Sau đó tiếng bom, tiếng súng các loại loạn xạ. Rất gần. Trận đánh diễn ra ngay nhà bà Tiểu cách đó không đầy trăm bước. Anh Đạm lôi tôi chui bừa xuống gầm giường ngoài hiên. Run cầm cập. Mẹ cha chưa về kịp. Mấy đứa em đang trong nhà. Có tiếng bước chân lính chạy rần rần ngoài ngõ. Tiếng người bị thương kêu thét. Tôi chứng kiến hơn chục lần vụ Việt cộng vào làng, có bao giờ súng đạn gầm rú như thế đâu. Đó là đêm kinh hoàng nhất của làng Caklaing, suốt hai mươi năm chiến tranh.


Vẫn chưa lấy gì làm to.

Trước đó hơn chục năm, làng tôi có một dúm. Trạm thông tin đặt tại nhà bà Cò giữa làng. Chỉ có hai lính địa phương quân với một cây súng Garăng, lấy lệ. Hai anh cùng thầm yêu một chị trong làng. Chuyện bắt đầu từ nỗi đó. Hai anh thay phiên gác thì đúng bài bản lính tráng rồi. Nhưng khi anh này làm bổn phận công dân thì thời gian đó anh kia lại có mặt tại nhà người yêu. Giờ phút tâm tình ở đó sao ngắn thế, chốn này thì thời gian sao mà dài quá xá dài! Kỉ luật nhà binh không thắng nổi con tim yêu đương. Anh kia trên đường về cũng là lúc anh này bỏ chòi gác đi sang nhà người yêu. Cây súng vắt đó. À, thằng này nó chơi mình, phải chơi lại mới được. Thế là anh giở trò xấu: giấu súng đi. Giấu đâu? Anh mang cây Garăng quăng bừa. Chuyện dại dột tưởng bé tí đã thành to đùng.

- Việt cộng, Việt cộng rồi! Cả trung đội lính chính quy ở huyện, tỉnh cấp tốc được điều xuống bao vây làng. Xe nhà binh đậu đầy sân banh. Phải mọi cách tìm cho ra cây súng duy nhất của làng. Hơn năm chục căn nhà Caklaing bị xới tung lên. Chịu. Cả hai thà chết chứ không khai, dù có xài tới tiết mục chích điện. Ông Klơng Thân chợt nhớ đến Cei Halim Mưh. Nhưng chuyện đại sự quốc gia không thể là trò đùa mê tín, đám nhà binh tin sao được mấy thứ nhảm ấy. Nhưng Cei ở làng xa non buổi đi bộ, nói như thánh: nó còn trong làng chớ không biến đâu mà lo. Tức thì ông cho vời Cei đến. Tỉnh trưởng dù không tin, cũng chịu lên xe Jeep xuống chứng kiến sự vụ. Lính tráng canh nghiêm ngặt. Đó là buổi chiều năm tôi ra đời, anh Ngọc kể lại. Chiếc chiếu lớn trải giữa sân nhà bà Chòi. Trước một cái khay trên đó có ba trứng gà, một chai rượu, một cây nến, Cei dõng dạc phán:

- Hãy mang cây rựa đi theo ta!

Cei dẫn họ đi thẳng lùm cây xương rồng cạnh nhà bà Quế:

- Nó đó! Đúng, nó đang có đó, nằm sâu giữa hàng rào ấp chiến lược đúng bảy cán rựa. Đến lúc ấy, anh C mới chịu khai thiệt.


Nhưng có lẽ chuyện rềnh rang nhất lại là vụ xử án kiểu Chăm tại Pabhan Vụ Bổn vào năm 1969. Làng có một bà bệnh bí ẩn kéo dài, người ta nghi do ông thầy Tóc tổ ong ngap jru yểm bùa. Ông thì không chịu. Ai phải ai trái và đâu là chứng cớ? Thế là Ong Kadhar Gam Muk người Ia Li-u Nghĩa Lập lấy vợ Caklaing được vời qua. Lệ Nhuk ia lặn nước Chăm từ lâu lắm không còn nhớ, được mang ra thi hành.

Buổi chiều, tòa xét xử được dựng lên ở bãi trống đầu làng. Ong Kadhar Gam Muk vào trong rừng sâu thỉnh nước về đầy hai chậu. Ông cih bauh xarak vẽ bùa trong đó thật lâu, trước mặt quan khách các nơi tò mò tìm đến xem Chăm xử án. Ông đọc kinh, kéo kanhi làm lễ, trang trọng và nghiêm trọng. Bên nguyên phía tay trái, người to lớn, đôi mắt sâu giấu dưới hàng lông mày rậm, trên đầu là búi tóc to như tổ ong, kì dị và bí hiểm. Bên bị, bà già nhỏ con ốm yếu nhợt nhạt. Họ ngồi hướng về phía mặt trời mọc, trước mặt là hai chậu nước thiêng. Chăm tin rằng kẻ phạm tội khi vục mặt xuống thấy dưới nước toàn rắn rết với hơi nóng của lửa địa ngục, sẽ không chịu đựng nổi. Ngược lại, người vô tội chứng kiến vô số cảnh tượng đẹp với bao người thân đã mất, mừng vui khôn xiết nên không muốn ngoi lên mặt nước nữa.

Quan tòa phát hiệu lệnh, Ong Kadhar nắm hai đầu kẻ tình nghi vục xuống chậu nước đồng lúc. Ô kìa, vị to lớn kia cứ lúc lắc cái đầu như đòi ngoi lên, trong khi bà già ốm yếu như đang ngủ vùi trên chậu nước. Ong Kadhar thả hai người ra, và lệnh cho người nhà kéo bà già lên khi bà đã ngất xỉu.

Kẻ gây án nhận tội ngay sau đó. Phiên xử kết thúc.

Câu chuyện Cei Halim Mưh và Ong Kadhar Gam Muk chỉ là hai trong những.


*

Năm 1833, sau biến cố Lê Văn Khôi, con dân Chăm trải qua trận càn lớn nhất của lịch sử dân tộc. Lớn nhất và là cuối cùng. Không còn con đường nào khác, phương tiện nào khác, họ chạy bộ. Tán loạn. Qua Xiêm, Cambốt, hoặc lên rừng lẩn vào đồng bào Churu, Kơho. Cho đến khi vua Thiệu Trị xuống chiếu kêu những thân phận khốn khổ này trở về làng mạc, ruộng rẫy, kiểm lại Chăm chỉ còn trên dưới vạn người. Nhưng chuyện kiểm kê dân số mới nhiêu khê. Có mỗi chuyện xếp hàng đếm đầu người thôi cũng trầy trật lạ đời. Các nhà nghiên cứu Tây làm ăn khoa học vẫn thế, đủ biết Chăm khi ấy mãi chưa thôi hãi. Kiểm để làm gì đây?

Năm 1891, Aymonier đoán rằng người Chăm còn khoảng ba vạn. Nhưng sau đó ít lâu, năm 1907-1908, Annuaire Général de L’Indochine lại đếm Chăm ở Phan Rang tới con số 6.000, Bình Thuận 9000, là hết. Thống kê có vẻ kĩ càng hơn của Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế và Pnong Pênh vào năm 1910 và 1913 cho hay Chăm Trung Việt có con số lẻ: 15.389 (rất đáng tin), Kinh Cựu ở Phan Rí là 10.000 (có lẽ kiểm đến đây thì Tòa mỏi lưng, nên đoán bừa). Riêng Chăm Cambốt đúng ba vạn chẵn.

Sống ở cuối chót miền Trung nắng gió, nghèo nàn và thất học, hạn hán, lũ lụt với dịch tả, đậu mùa liên miên, vậy mà sang những năm đầu thế kỉ XXI, đếm riêng Việt Nam thôi, Chăm đã lên con số gấp hơn mươi lần. Thêm, người lại siam likei chai Lauw đẹp trai như Tàu, glaung glang yuw Tei cao ráo như Tây, patih kadi Ywơn trắng như Kinh. Đội bóng chuyền Tuấn Tú mới kéo nhau ra sân dàn đội hình thôi cũng đủ cho đối thủ vãi đái. Trường Pô-Klong mấy thế hệ, đến hội thao học sinh, là cứ hàng đầu các trường mà đứng. Đó chẳng là niềm bí ẩn lộ thiên, thì còn kêu là nỗi gì? Lộ thiên độc đáo khác, khi xã hội mẫu hệ Chăm tuyệt không có nạn đĩ điếm, ăn xin. Còn gì nữa?


Từ xó xỉnh rừng núi đi xuống, nhà cửa - không, gia sản - không, lèo tèo sót lại vài người thân với bà con lối xóm cũ, Chăm gần như không còn gì cả ngoài nỗi hốt hoảng, lòng ham sống cháy bỏng và niềm hi vọng mơ hồ.

Ra đường mẹ dặn: - Thuw hwơc di Ywơn hai Biết sợ người Kinh với [con] nhé! Ywơn yuw hadơm yuw halak Người Kinh [đông] như kiến như sâu. Làng Hamu Tanran đông thế cũng chưa tới năm mươi gia đình, còn Palau quê cha, ông ngoại kể chỉ có hơn chục nóc nhà ẩn mình run rẩy giữa rừng thưa. Chăm làm lại từ đầu: dựng chòi, phát rẫy, khai mương chống chọi với đất cằn, hạn hán cùng bão lũ.

Lâu lắm, chú Mưdwơn Phải kể, làng Caklaing trụ tại Takai Tanưh Wak. Sau đại dịch, làng dời về nơi ở hiện nay. Giữa thế kỉ XIX, lần nữa Caklaing chuyển lên Puh Kaghwơ La Sang cách đó non cây số hướng Đông Nam, nhưng chỉ dăm chục năm sau, mưa dầm dề khiến đất nhão nhẹt, làng về lại chỗ cũ. Chú kể lúc đào đất dựng rào còn thấy xương cốt người chôn bị bỏ hoang. Chăm quá nghèo, nên khi có người chết bà con tranh thủ làm đám thiêu ngay, không thì chẳng biết bao giờ có điều kiện cải táng. Năm sinh cả sư Hán Bằng, 1924, năm đại hạn. Rồi năm tôi lên năm, đại hạn hán xảy ra ở Ninh Thuận lượt nữa. Hạn hán đến bồ câu mổ trứng [ăn], cây tre trổ bông và làm hạt. Cả làng lên rừng núi tìm hái trái nhi thứ cây chịu hạn luộc ăn lót lòng. Bữa ăn chính phải là các loại củ. Có được củ khoai bột là phước đời, nhưng loại này cực hiếm. Còn thì dân làng đánh xe trâu lên núi tìm đào củ nần về xắc, phơi, rửa, nấu ăn. Loài củ độc đến rửa qua sáu nước vẫn còn làm độc. Nước rửa củ nần, to sức trâu uống phải cũng ngoẻo. Vậy mà bọn trẻ con Chăm vẫn phải ăn! Ăn mà sống, mà hi vọng.


Ơk kuw nau mưk danin

Glai lin tapin tian anưk kuw lipa.

Đói, ta kiếm củ nần

Rừng núi mịt mùng cho đói con ta.


Khổ, cứ sau hạn hán là lũ lụt. 1924 trời đại hạn thì 1926 đất lụt to. 1962 hạn thì có ngay lụt năm 1964. Đi kèm với lũ lụt là dịch tả. Nạn dịch năm 1964 làng chỉ bị cắp đi hai người, chứ trước kia, năm 1926 dân làng chết không dám đếm. Chăm kêu nó là kalin akarah giặc trời. Dân làng chạy giặc lánh sang Puh Ritak cạnh đó, khiêng theo khung sợi dệt vải; một số hãi hơn, ẩn trốn vào rừng tre dưới những con sông. Bỏ lại người già chôn cất người chết. Đến năm 1945 thêm 30 nhân khẩu Caklaing nữa bị dịch mang đi; còn làng Bal Caung cạnh đó chưa tới ba mươi nóc nhà mà mất đến 65 mạng. Khủng khiếp! Mưdwơn Phải kể cả dòng họ chỉ mỗi cụ ông trên tám mươi còn trụ lại để chôn thằng cháu, cuối cùng ông cũng nằm đó chịu chết đói luôn.

Định mệnh vẫn chưa thôi làm khốn đốn dân Caklaing tôi. Năm 1940, hơn nửa làng bị cháy rụi. Mọi người gồng gánh nhau lên Puh Hào Biửng cách làng non cây số hướng Nam, dựng lều sống qua ngày. Mãi Tây đóng đồn 1948 mới trở về đất cũ. Hani sinh tại làng Tân Nghiệp tạm bợ ấy.

Đói khổ, Chăm vẫn cứ làm lễ, cứ nhảy múa, ca hát và yêu đương.

Anh Th ở đợ nhà ông C cày sát đồng cha đang làm rẽ. Tối, xong cơm chiều, buộc trâu đâu đấy rồi là anh dzọt. Người yêu anh ở tận Pabhan cách Caklaing mươi cây số, đường rừng. Chỉ để tán gái. - Tao đi hết ba điếu thuốc là tới, anh hãnh diện khoe. Mãi gà gáy sáng mới lò mò về. Ba, bốn đêm như vậy. Cày, anh vừa nhắm mắt vừa đi theo đuôi cày. Trai mười tám cuồn cuộn bắp thịt phải chịu mệt lả. Ông C hết sạc: Trâu không ăn lấy sức đâu mà kéo cày, còn mầy không ngủ sức đâu mà theo cày, đến dọa: - Tối nay mầy mà còn đi nữa thì tao cho mầy đi luôn. Nhưng anh đâu chừa. - Mầy giúp ông anh với nhé, anh năn nỉ tôi, - chị có quà cho mầy đây. Anh nhét vào tay tôi túi khoai mì phơi khô luộc với mấy trái na, bù lại tôi coi giúp anh trâu ăn buổi tối. - Sắp được rồi, hết mùa là cưới - Anh nói, nắm tay phải đấm vào bàn tay trái mở ra. Mạnh và chắc nịch. Tôi nghĩ đó là nắm đấm đầy tính biểu trưng. Cho sức mạnh tình dục và sự trỗi dậy của tinh thần sống. Một bí ẩn khác.


Ngàn năm, hãy tưởng tượng nó nhộn nhịp như thế nào. Nhưng mới ba mươi năm trước thôi: không đường, không cầu. Ngay Phú Quý cạnh đó chưa tới nồi cơm chín mà đi chợ, mẹ tôi phải lụy đò chở chưa tới mươi người lớn không đính kèm trẻ em. Thuở tôi còn bé, Nha Tranh sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Người bỏ rơi, lịch sử bỏ quên. Ba bề với hơn trăm mẫu ruộng, lại là ruộng các nơi khác xâm canh. Nguyên phía nam là khoảng rừng thưa, đất cằn chả trồng được thứ gì, chỉ mọc các loại dây leo có loài dê chăn thả là khoái.

Vậy là làng tôi chủ yếu sống bằng nghề mơ mộng. Chính thứ ghẻ lác mơ mộng này làm thành địa phương tính dân làng. Mọi người sinh ra, lớn lên và đợi… con rồng liếm. Qua tuổi hai mươi, ai cũng nghĩ mình đã được liếm một lần, không trúng khúc này cũng dính phần kia. Mà đã liếm trúng thật.

Thời đầu chế độ họ Ngô, làng tôi 400 dân sống khép nép dưới trăm nóc tranh, khiêm cung và câm lặng. Sau 40 năm, con số tăng vọt 02957, thì chả con rồng liếm là gì. Bà nội tôi đóng góp phần đáng kể vào công cuộc. Mẹ góp tám nhân khẩu, dì Tư tôi đẻ chẵn chục mười hai, rụng rơi đâu hết còn chín. Mẹ nói dì may phước nhờ xin chị cả về nuôi mới níu được mấy mạng ở trần đời. Rồi dì Sáu, dì Bảy nữa, cứ là hơn đầu ngón tay trở đi. Chưa đầy góc tư thế kỉ riêng Nội cũng đã tạo lập nên một liên gia, rất oách. Mẹ còn nói thêm giá mà cậu Út mầy chịu con Tám Xóm Dưới, Ciet prauk dòng họ này đâu kém cạnh ai mủng nào.

(Chân dung Cát, 2006)


Chạy giặc, Chăm cứ vác theo ciet sách. Cơ cực, ông bà vẫn cứ yêu đương và làm thơ. Tại trại sáng tác Đà lạt mùa Đông 1998, tôi không hiểu nổi tại sao năm, sáu nhà văn Tày lại nói tiếng Việt với nhau, trong lúc ngồi với họ chỉ có mỗi ông Kinh, hoặc lắm lúc không có người tộc nào khác. Chăm thì khác, chúng tôi cứ tiếng mẹ đẻ mà thoải mái. Không cố ý, và chả vấn đề gì cả.

Người Chăm học như thế nào? Truyện cổ "Đi tìm học bán vợ":

Một người nông dân hiền lành, có vợ và đứa con trai mười hai tuổi. Đang sống rất yên ổn và hạnh phúc, bỗng một hôm ông nẩy ý định đi tu. Ý tưởng nung nấu mãi để một năm sau ông quyết định tìm đến một guru Bà-la-môn nổi tiếng nhất vùng để học đạo. Vị sư nói:

-Dạy ngươi kinh sách thì ta lại phải học thêm gấp hai lần ngươi. Ta đã già, không có của cải gì cả.

Không chần chừ, người nông dân bảo:

-Nhà con có một mẫu ruộng, con xin hiến cho guru.

-Ta không có trâu để cày.

-Con có cặp trâu đã thuần.

-Ta cũng không có người chăn trâu.

-Con có đứa con trai khỏe mạnh, người nông dân nói sau giây lát ngập ngừng.

-Ta sống cô đơn, không có ai lo cơm nước.

-Con nguyện lo cho guru.

-Không, ta và ngươi dành tất cả thời gian cho học tập và tu luyện.

-Nhà ngươi có vợ chứ? Vị sư hỏi sau một hồi im lặng.

Người nông dân lưỡng lự giây lát, cuối cùng ông nói dạ một tiếng vừa đủ cho người đối diện nghe.

Hôm sau, người nông dân đi qua nhà vị sư Bà-la-môn cùng với tất cả tài sản và hai người thân yêu của mình.

Một, hai rồi ba tháng, người học trò chỉ được phân công chép một bản kinh duy nhất. Lần một, lần hai, ba… vị sư Bà-la-môn đều lắc đầu và bảo chép lại. Đến lần thứ bảy, guru nói:

-Được rồi, lòng con không còn bợn bụi trần. Ta có thể truyền dạy cho con tinh hoa của giáo lý Bà-la-môn.

Ba năm trôi qua. Sau một buổi thiền định, vị sư nói với đồ đệ:

-Vụ gieo cuối cùng đã mãn, con có thể cho cháu dắt trâu về.

Nửa năm sau, vị sư nói:

-Vụ gặt cuối cùng đã xong, bây giờ phần mẫu ruộng lại thuộc về con.

Rồi sáu tháng sau, guru lại bảo:

-Bữa tiệc cuối cùng đã tàn, người vợ của con có thể về nhà. Và cả con nữa, bài học cuối cùng đã dứt, con không phải cần đến ta nữa.

-Thưa thầy, con xin ở lại suốt đời phụng sự thầy.

-Không, con phải tự đi một mình. Để sau này con còn phải làm thầy. Cả ta, ta cũng không cần đến con nữa.

Vị sư già nói xong, quay lưng bước nhanh về phía núi.

Học, Chăm sẵn sàng trả giá đắt cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, người học dám hi sinh, cả điều không thể hi sinh: tài sản, vợ con, có khi tính mạng của mình nữa! Học, không phải để mưu lợi mà là để biết. Là tinh thần thiện tri thức. Chỉ như vậy, người học mới đạt đến minh triết thực sự. Yêu tiếng Chăm, thế hệ cha ông học nó, chứ không học vì nó có hứa hẹn cho ta có cái gì bỏ vào nồi không. Thầy, không buộc trò phải làm nô lệ mình: nô lệ vật chất nhất là, nô lệ tinh thần. Khi trò đã khôn lớn, hãy bỏ thầy mà đi, đi một mình. Và thầy phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình. Đức Phật: Con hãy rời bỏ ta, đừng tin tưởng vào sách vở, vào kinh Phật, cũng đừng tin tưởng vào cả ta nữa,... mà hãy tin tưởng những gì mi từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi.

Ông bà Chăm đã có lối suy nghĩ tuyệt chiêu như vậy đó.

Khi tôi còn chưa cắp sách đến trường như anh Đạm, cha dạy tôi thuộc lòng: Tikuh, Kabaw, Rimaung, Tapay, Inư Girai, Ula Anaih, Athaih, Pabaiy, Kra, Mưnuk, Athuw, Pabwei. Sau đó là Tí, Sửu, Dần,… Tôi nằm úp ngực sàn nhà mà vẽ chữ Chăm. Từng chữ từng nét. Tôi hỏi cha: - Sao cứ phải ula anaih mà không neh cho nhanh, yang (lối xưng hô của chúng tôi hồi bé) thấy ai cũng nói thế mà? - Không nhanh được, cha bảo. Bốn mươi năm sau, Hani hay độn tiếng Việt vào câu nói, - Để cho nhanh, em bao biện. Nhanh, đó là đặc tính của văn minh hiện đại, trong khi học thì phải thật chậm.

Đánh vần TÍ, cha dạy: akhar kak takai kuk pauh danih lang likuk akhar tak takai kik, kak kuk dani kuh tak tik TIKUH. Chẳng phiền ai cả, êm như ru, đánh vần mà như hát. Sau một góc tư thế kỉ, Ban biên soạn dạy con cháu: k/ uh/ kak uh kuh/ TIKUH. Nhanh, gọn, rất fast food! Nhưng học thì phải chậm. Thông minh đến đâu cũng nên chậm, - ông ngoại nói. Ông ngoại là thầy cao đạo nổi tiếng trong vùng, tác giả thi phẩm Ariya Rideh Apwei nổi tiếng. Đêm trăng sáng, nằm ngửa trên chõng tre ngoài sân, ông ngâm Ariya Glơng Anak. Đoạn đó cháu thuộc rồi ông à. - Thuộc rồi cũng phải học lại, ông ngoại bảo. Mãi sau này, tôi mới hiểu ngoại: thuộc cũng cần học lại.

Khác với người Việt - Văn học trong một nước mù chữ, Nguyễn Hưng Quốc nói thế, ta tin thế -, đàn ông Chăm những năm 50 thế kỉ XX trở về trước, không ai là không biết chữ. Biết đến nơi đến chốn là các nông dân-trí thức và tầng lớp giáo sĩ. Cái biết đủ cho họ thoải mái bàn luận triết học.

Trong các chuyến đi xuyên Việt, bằng tàu lửa hay máy bay hoặc xe du lịch chất lượng cao, để ý ta nhận thấy, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện vặt hoặc tán gẫu, có hai bộ phận đọc khác nhau: đọc sách và đọc báo. Chú ý nữa, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách dày là khách Tây, ngược lại: dân Việt Nam! Tại thánh địa Mĩ Sơn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trong khi dân ta xách theo gói đồ ăn với tờ nhật báo thì dân phương Tây luôn tay giở các trang sách. Đi du lịch, họ chuẩn bị sẵn tri thức tối thiểu về nơi họ sắp đến. Không hiểu, họ hỏi; hiểu lờ mờ, họ hỏi. Họ thắc mắc về sai biệt giữa thực tế và kiến thức được viết trong cuốn cẩm nang du lịch: tại sao bức tượng kia không còn ở đó? Sao sách lí giải thế này mà cô thuyết minh như thế kia?

Ở xã hội nông thôn Việt Nam, vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà một gia đình trung lưu, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và... cái tivi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách. Có - nhưng rất ít, chỉ lèo tèo vài chục cuốn. Trước Bảy lăm, Caklaing quê tôi chưa tới ngàn dân có hai gia đình sở hữu tủ sách trên ngàn cuốn. Con số ở làng Hữu Đức là gấp đôi. Các tạp chí như Bách khoa, Phổ thông, Văn, Tư tưởng, Đại học.. được bày biện trang trọng là chuyện nhỏ. Tại vài hiệu sách tỉnh lẻ như thị xã Phan Rang, lứa trẻ chúng tôi dễ dàng tìm mua bộ Nho giáo, Thơ tiền chiến toàn tập, Bùi Giáng. Hôm nay, nhân khẩu Caklaing tăng tám lần nhưng tủ sách gia đình thì hầu như... tuyệt chủng! Chúng ta đọc báo, yên tâm rằng mình đã hiểu mọi chuyện.


Bản năng múa nơi người nữ Chăm thì miễn bàn. Mãi mãi không biến dạng hay biến mất, chắc thế. Múa là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm. Múa gắn liền với các lễ hội như Rija Nưgar, Kate, Rija Praung, trong nhà, giữa làng hay trên tháp. Kèm với múa là nhạc: trống đôi ginơng, trống baranưng, ceng chiêng, kèn xaranai, đàn kanhi, grong lục lạc. Trong bộ ba ginơng - baranưng - xaranai, ginơng là chủ đạo.

Chính điệu trống ginơng được Chăm dùng đặt tên cho các điệu múa. 72 điệu cả thảy: Biyen, Tiaung Công, Trĩ, Patra Hoàng tử, Wah gaiy Chèo ghe, Kamang, Mrai,… Đủ loại, từ Múa quạt Tamia tadik, Múa đội lu Tamia đwa buk, Múa đội cỗ bồng trầu Tamia đwa thong hala trong lễ dâng nước thánh trên tháp được kết hợp với thao tác đội nước trong sinh hoạt ngày thường, mà thành. Từ Múa khăn Tamia tanhiak uyển chuyển đến Múa kiếm Tamia carit, Múa roi và Múa đạp lửa Tamia jwak apwei mạnh mẽ, dứt khoát. Rồi Múa chèo ghe Wah gaiy, và cả Múa âm dương Tamia klai kluk nữa! Tamia klai kluk, là múa âm dương. Ai đời dịch như thế kia chứ! Đây là loại múa giao hòa vũ trụ siêu tuyệt đã thất truyền, chỉ dân Bính Nghĩa còn bảo lưu. Người múa là nam, với khúc gỗ được đẽo như hình dương vật, múa dẫn đường, sau đó là các cặp nam nữ khác, lắc mông bên này bên kia, trước và sau. Vui nhộn đầy dục lạc và linh thánh. Khán giả cả bà già con nít đứng xung quanh a… hei, a… hei hoan hô.

Katê 2008. Dưới góc hai cây me tàn lá xum xuê nhà Trà Vigia, Dư Thị Hoàn khoe với mọi người xung quanh về khám phá của mình:

- Tôi thấy lạ lắm, quý ông Chăm hầu hết đều biết làm thơ, còn quý bà thì múa. Nghe, tôi ngạc nhiên. Lâu nay là hát chứ phải thơ đâu. Ai đã nổi hứng thay ghế ngồi kia chứ? Nhưng nhìn qua ngó lại, cả sáu ông Chăm ngồi lai rai kia đều làm thơ. Tôi với Trà: làm thơ. Lộ Trung Thiện hay Kay Amưh có thơ đăng báo. Nguyễn Văn Tỷ thi sĩ một bài, bà con đầu thôn cuối xóm thuộc thơ nhưng không biết ai tác giả. Ở đây, mỗi Chế Viên là không, nhưng anh biết hát. Rất cừ.

Xã hội ai cũng làm thơ chỉ có nước đi ăn mày. Đó là hiện tượng mới nảy chục năm nay thôi, chứ trước đó, Chăm hát. Xong buổi cày, họ hát. Đang ngồi khung dệt, ngưng tay, họ hát. Hát trên cánh đồng, nương rẫy, sân khấu nhà quê, hội trường và cả phòng trà đèn màu nghịt người. Khổ nhiều rồi, cần hát để giải tỏa nỗi niềm, thăng hoa tinh thần. Cộng đồng nhỏ bé mà đẻ được nhạc sĩ Từ Công Phụng, ca sĩ-nhạc sĩ Chế Linh, không là bí ẩn sao? Đó là chưa nói đến giọng hát trời cho Đàng Năng Quạ, Trà Vigia đã bị chủ nhân của nó chôn vùi vào nỗi buồn bí ẩn. Rồi cả tiếng thơ của bao nhiêu thi sĩ vô danh nữa.

Vô danh như bao nhiêu người nữ nghệ sĩ múa vô danh. Bà Sạn, bà Mỡ, bà Trụ, hay Yến Vân, Trưng, Tiến, Dẫn thì khỏi nói rồi, họ quá nổi tiếng trong cộng đồng. Cả bà Piên vũ sư chuyên trị các lễ Rija cũng thế. Đến em gái tôi, chưa hề bước lên sân khấu dù nhà quê, chưa hề múa tập thể lớp, chưa hề "múa lén" sau bếp, vậy mà bất ngờ ở tuổi bốn mươi, vào thế kẹt, khi chủ họ buộc lên chức Muk Rija Vũ sư, đã múa như một nghệ sĩ chính hiệu. Múa ăn vào máu thịt người nữ Chăm từ trong bụng mẹ khi mẹ múa, thấm đẫm vào da xương khi họ biết đi và đi xem múa lễ, trở thành bản năng nghệ thuật khi họ đóng cửa tập một mình hay tập nhóm. Họ múa, hứng khởi và đầy tràn sáng tạo.

Cứ nhìn tháp Chàm so với tháp Khmer, Thái hay Lào cũng thấy. Nhìn Chăm biến nét chữ Sanskrit thành akhar thrah hôm nay cũng đủ hiểu. Đích thị nòi sáng tạo, phá cách. Ông Phan Lạc Tuyên nhận định Chăm quen đội nên dáng đi của người nữ Chăm thẳng và rất đẹp; nhưng bên cạnh không ít người Chăm do thiếu canci cứ đi khòm. Đàng Năng Quạ bảo múa truyền thống Chăm không giơ tay quá vai, không ít học sinh ông tùy nghi phá cách. Động tác chân trong múa Chăm rất nhẹ, nhẹ và ngắn, vậy mà bà con làng Thành Ý Pabơng vẫn bước dài lẫn nhún nhảy không phải là không đẹp. Rồi lối múa trống Baranưng của quý ông vài thập niên qua nữa, tập tục có dạy thế đâu, nhưng riết rồi nó đã thành truyền thống không kém đậm đà.

Tội hơn cả là Múa cung đình do Đặng Hùng đặt cho các điệu múa ông biên đạo và dàn dựng cho Đoàn ca múa Thuận Hải thuở ông trưởng đoàn. Lấy cảm hứng từ các thao tác của tác phẩm điêu khắc Champa xưa, ông "giải mã" chúng, rút tỉa và tổng hợp được tám thế tay và bốn thế chân, bên cạnh kết hợp với vài thao tác múa dân gian để thành "Múa cung đình" Chăm. Khát vọng, Ước mơ, Niềm tin được đưa lên sân khấu, truyền hình. Chúng gặp bao phản ứng và rủa sả, nhưng rồi nó nghiễm nhiên trở thành món đặc sản múa Chăm. Chăm tiếp thu và sáng tạo nó còn nhuyễn hơn cả các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp ở Sài Gòn nữa là.

Khi nghe tin ông Vũ Ngọc Liễn "nào đó" vượt đại dương lặn lội moi về "Điệu múa Chàm lưu lạc trên đất Nhật" có tên "Long vương vũ" hay "Long vương", "Lăng vương", "La lăng vương" gì gì đó, rồi viết bài cho thằng Trạm mát đăng ở Tagalau số 9, chị em Chăm háo hức thèm biết nó quá. Ồ, có ai dạy mình múa nó nhỉ! Chẳng phải là một bí ẩn khác ư?

Dẫu không là tín đồ racialism, nhưng Trần Wũ Khang đã nổ rất to rằng: quý ông không biết hát thì còn xem xét lại lí lịch, chứ người nữ mà không biết múa dứt khoát không là Chăm rồi.

Inrasara




Copyright © 2008 www.hopluu.net. All Rights Reserved.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét