31/1/10

Nguyễn văn Tuấn : Tiếng Anh của Bộ Ngoại giao thời hội nhập

Tiếng Anh của Bộ Ngoại giao thời hội nhập: vài hạt sạn không nên có

Sáng nay, thức dậy sớm để đọc báo và chuẩn bị cho một ngày làm việc, tôi bắt gặp bài này (“Sáu thông điệp từ một tuồng cải lương Hồ Quảng”) trên blog của Đinh Tấn Lực.

http://dinhtanluc.multiply.com/journal/item/499/499

Đọc xong mà … ngậm ngùi cho ngôn ngữ.


Viết ra thì có thể là mang tiếng “vạch lá tìm sâu”, mà không viết ra thì thấy lòng cứ bức rức. Bức rức vì vấn đề có liên quan đến sỉ diện quốc gia. Tôi muốn nói đến văn bản bằng tiếng Anh về “Hội thảo Biển Đông” của Bộ Ngoại giao Việt Nam, mà Đinh Tấn Lực có trích dẫn một đoạn ngắn. Đọc qua đoạn văn ngắn đó, tôi phát hiện rất nhiều sai sót và khiếm khuyết trong cách hành văn.

Đinh Tấn Lực nhận xét rất chí lí rằng một văn bản xuất phát từ Việt Nam, nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa, mà cứ cấm đầu chúi mũi sử dụng cụm từ “South China Sea” liên tục. Một đoạn văn ngắn chỉ có 9 dòng, mà cụm từ “South China Sea” được lặp lại đến 6 lần! Danh chính ngôn thuận ở đâu?

Tôi có cảm giác rằng văn bản này được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, vì trong đó có nhiều đoạn rất … Việt Nam. Đó là những đoạn văn không hàm chứa thông tin, mà giống như là hô khẩu hiệu vậy. Chẳng hạn như câu này (“Developments in and related to the South China Sea have by and large been consistent to the overall contemporary trend toward greater cooperation in Asia-Pacific”) có lẽ dịch từ câu quen thuộc mà chúng ta vẫn thường hay nghe: "phù hợp", "xu hướng", "hợp tác" , v.v... Câu văn chẳng những có vấn đề về cú pháp mà còn vô nghĩa theo cái nhìn của người làm khoa học. “Xu hướng hợp tác cao hơn” là xu hướng gì? Câu văn kế tiếp không hề giải thích câu văn trước đó. Cụm từ “Asia Pacific” thường là tính từ; do đó, viết “In Asia-Pacific” là chưa hết nghĩa, chưa hết câu văn. Đáng lẽ phải viết là “In the Asia-Pacific region” hay "the Asia Pacific Basin", hay gì đó thì mới đầy đủ ý nghĩa.

Trong phần đầu, tác giả viết “THE BACKGROUND”. Tại sao lại có “THE” ở đây nhỉ? Đây là một trong những sai sót về tiếng Anh phổ biến nhất ở người Á châu, vì lúc nào cũng dùng mạo từ “the” một cách không thích hợp.

“Development in and related to the South China Sea have by and large been consistent to the overall contemporary trend toward greater cooperation in Asia-Pacific.”


•Câu văn này thoạt đầu cho thấy tác giả cũng có “võ” về tiếng Anh như cách dùng từ “in and related to” (trong “Development in and related to the South China Sea”), nhưng thật ra trong cách viết formal (nghiêm chỉnh) trong văn bản ngoại giao thì không thể chấp nhận được. Không chấp nhận được vì nó mang tính “informal”, kiểu như “chit chat” vậy.
•Cái khiếm khuyết thứ hai, tuy nhỏ, nhưng nó nói lên khả năng tiếng Anh của người viết: đó là cụm từ “by and large” cũng là một kiểu nói chit chat, một loại thành ngữ (idiom) hay ngôn ngữ đường phố, chứ không phải loại ngôn ngữ ngoại giao. Đáng lẽ nếu viết một cách nghiêm túc thì cần phải có hai dấu phẩy trước vào sau cụm-trạng-từ đó (như “… have been, by and large, …” ), hay thay by and large bằng largely (như “… have been largely …”) thì mới đúng hơn và nghiêm chỉnh hơn.
•Điểm thứ ba là giới từ trong “consistent to” rất ít ai sử dụng (nếu không muốn nói là sai sót); đáng lẽ phải viết rõ ràng hơn là “consistent with”.

“Efforts have been made by regional countries to stabilize the situation and seek the opportunities for cooperationin the South China Sea area.”

Về văn phạm, có 3 cái sai hiển nhiên trong câu văn này:

•Cái sai thứ nhất là mạo từ “the” (the situation, the opportunities) chẳng biết đề cập đến tình hình gì và cơ hội nào (chẳng thấy mô tả trước đó). Như tôi nói trên kia, đây là cái sai rất phổ biến ở người châu Á.
•Cái sai thứ hai là câu văn có 2 mệnh đề (stabilize -- ổn định, và seek -- tìm), nhưng stabilize thì có “to” còn seek thì thiếu “to”! Đáng lẽ phải viết là “to seek” mới đúng.
•Cái sai thứ ba là “South China Sea area”, vì từ “area” rất ít ai sử dụng cho biển. Vả lại, đâu có cần area trong cụm từ “South China Sea”!
Còn câu sau đây mới vui:

“These efforts have resulted in, among others, the ASEAN Declaration on the South China Sea in 1992, the adoption in 2004 of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (DOC) according to which all signing parties pledged to seek peaceful solutions to disputes and conduct maritime cooperation in order to maintain regional stability in the South China Sea under the principles of the Charter of the United Nations, the 1982 UN Convention on the Law of the Sea, the …”

Chúng ta thấy gì qua câu văn này?

•Trước hết, đó là một câu văn dài lê thê, rối rắm. Một câu văn có hơn 84 chữ (thật ra là hơn 84 chữ vì Đinh Tấn Lực ngừng trích ở đó)!
•Thứ hai là có sự nhập nhằng về thời gian tính của câu “Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea”. Có phải câu này nói năm 2004 ai đó chấp nhận tuyên bố về "Conduct of Parties in the South China Sea", hay là tuyên bố này ra đời vào năm 2004. Khi tôi tìm trên google thì tuyên bố này ra đời năm 2002! Có thể xem tuyên bố đó tại địa chỉ sau đây: www.aseansec.org/13163.htm

•Cái sai kế tiếp nữa là sai văn phạm. Đáng lẽ câu “… all signing parties pledged to seek peaceful solutions to disputes and conduct maritime cooperation” phải viết là “… which all signing parties pledged to seek peaceful solutions to disputes and TO conduct maritime cooperation.”
•Còn cụm từ "the principles of the Charter of the United Nations" thì lượm thượm vì có quá nhiều "the". Thật ra, nếu muốn viết "the principles" thì phải nói rõ hơn nguyên tắc (principles) gì. Có lẽ nên viết là các nguyên tắc của hiến chương Liên hiệp quốc năm 1945, tức là đáng lẽ phải viết đúng hơn và gọn hơn là: "according to the principles of the United Nations Charter in 1945".

Đáng lẽ tôi còn chỉ ra vài sai sót nữa, nhưng tôi xin tạm dừng ở đây. Nói tóm lại, dù chỉ mới đọc qua một đoạn văn ngắn của văn bản quan trọng này, tôi có cảm giác đây là một văn bản được soạn thảo rất cẩu thả. Thở đời nay một Bộ Ngoại giao của một nước 86 triệu dân mà không nhớ nỗi năm của các tuyên bố hay nghị định của Liên hiệp quốc! Có lẽ vì sự cẩu thả này mà văn bản lộ ra nhiều sơ hở, rất dễ bị “đối phương” và “kẻ thù” lợi dụng để củng cố cho quan điểm của chúng.

Nếu tôi là quan chức của Bộ Ngoại giao, tôi sẽ không viết như văn bản này, mà sẽ viết cách khác nghiêm trang hơn (vì văn bản ngoại giao), sẽ kiểm tra cẩn thận các dữ liệu, sẽ cân nhắc cách sử dụng từ ngữ sao cho chặt chẽ, và sẽ nhờ nhiều người khác rành tiếng Anh đọc qua để sửa các lỗi văn phạm và cú pháp. Nhưng mọi chuyện trễ rồi, vì văn bản đã được gửi đi và đến tay “đối tác”. Tôi tưởng tượng các đối tác đọc xong và sẽ mỉm cười, cái cười rất … khó ưa.

Nếu bạn và tôi có phạm sai sót trong tiếng Anh thì chắc chẳng ai quan tâm, vì chúng ta chỉ là những cá nhân chẳng đại diện cho ai, những công dân mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Nhưng nếu một quan chức cao cấp, nhất là Bộ Ngoại giao, mà sai tiếng Anh thì đó là một điều đáng xấu hổ. Tôi viết ra những nhận xét này tuy thấy đau đau trong lòng, nhưng hoàn toàn với một tinh thần xây dựng, và cũng muốn góp phần làm cho nước ta giảm đến mức tối thiểu (giảm đến số 0 thì hay hơn) những sơ hở trên trường ngoại giao quốc tế.

NVT

TB. Còn vài sai sót nhỏ khác nữa. Ngay từ cái tên của hội đoàn đã có vấn đề. Văn bản viết:

“Co-Organizers: The Diplomatic Academy of Vietnam and Vietnamese Lawyers Association”

Tôi tưởng phải là “The Vietnamese Lawyers Association” mới đúng chứ.

Còn phần địa điểm và thời gian thì hứa là “Time and Venue”, tức là thời gian trước, rồi mới đến địa điểm, nhưng lại mô tả địa điểm trước rồi mới tới thời gian:

“Hanoi, Vietnam, 26-27 November, 2009.”

Mà, ngay cả đia điểm cũng không cụ thể. Bởi vì Hà Nội là thành phố lớn, cho nên viết “Hanoi, Vietnam” đố ai tìm ra địa điểm chính xác. Ngoài ra, phía trên thì tác giả viết theo kiểu Mĩ ("organizer") nhưng viết ngày tháng thì theo kiểu Anh! Đáng lẽ nếu viết theo kiểu Mĩ thì ngày tháng cũng phải viết là November 26-27, 2009, hay

November 26 to November 27, 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét