6/1/09

Lê Xuân Quang : câu đố ,thơ đối ,thơ đố VN

Lê Xuân Quang

Trong câu đố dân gian Việt Nam, có một lọai khác tuy cũng là ''câu đố'' nhưng chỉ dành cho những người có học. Người ra đề kiến thức uyên thâm, hay chữ. Mục đích là dùng kiến thức của mình trấn áp đối tượng, dồn ép đối tượng tới thất bại nhằm đạt được mục đích nào đó. Loại này trong văn học dân gian truyền tụng rất nhiều. Xin đưa một vài thí dụ.

Vẫn chuyện cụ Mạc Đĩnh Chi

Theo truyền thuyết, cụ Mạc được vua ta cử đi Sứ sang Tàu. Bước chân tới cửa khẩu biên giới hoặc cổng thành kinh đô của họ, cụ đã liên tục bị đám quan quân nước sở tại gây khó dễ bằng cách ra câu đối hòng dồn cụ phải bó tay, chịu nhục. Nhưng tất cả âm mưu đó đều bị cụ đánh bại bởi tài trí thông minh tuyệt đỉnh, cách ứng xử nhanh trí, bằng những câu đối hay, chuẩn xác đầy kiêu hãnh khiến đám người kia tuy tức giận mà không làm gì được Sứ thần của nước ''Man dí' - (cách gọi những nước ngoài biên giơi Trung Nguyên của người Trung Hoa cổ). Vả lại riêng đôi với Sứ thần nước Nam Việt lại ''xấu như quỷ'' luôn thắng trước các cuộc thử tài - khiến sự ghét bỏ đói với cụ Mạc Đĩnh Chi cư ngày càng tăng. Lần này những bộ óc siêu việt của Trung Nguyên quyết tâm tìm cách hạ gục trả mối hận. Vẫn võ cũ - ''ăn miếng trả miếng'' - sau khi đoàn ngoại giao của Nam Việt được bố trí nghỉ ngơi ở quán khách, người đại diện cho nhà vua Tàu đến đưa cho cụ Mạc một vế đối nói rằng nếu đối chỉnh mới được vào trình quốc thự Nội dung vế ra như sau: Ly, Mỵ, Võng, Lượng - Tứ tiểu quỷ.

Đây là vế ra đề rất khó, ác hiểm. 4 chữ đầu đều là tên 4 Quẻ trong Kinh Dịch. 3 chữ tiếp theo lột tả bản chất của 4 chữ đầu, tạo ra một tập hợp Hán từ vừa mang ý nghiã cấu trúc của từ vựng tượng hình, vừa mang ý nghĩa của từ rất ''Nôm'' - Các người xấu như Quỷ. Điều quan trọng: Làm thế nào để đối được câu này hoàn chỉnh cả về ý lẫn về lời. Nhất là làm sao hạ gục, xóa bỏ ý nghĩa của tập hợp từ ''Tứ Tiểu Quỷ''. Kinh Dịch là tác phẩm triết học, khoa học cổ đại nhất của Trung Hoa mà chỉ có rất ít những người Trung Hoa học giỏi, học rộng, đọc, hiểu. Kinh Dịch lại viết bằng Hán tự - tiếng nói, ngôn ngữ của chính họ. Dưới mắt họ, viên Sứ thần của nươc "Man di Xấu như Qủy, tài học làm sao bì được với những bộ óc kiệt xuất của Trung Nguyên. Chẳng ngờ, nhận đề xong, cụ Mạc không suy nghĩ, đọc ngay vế đôi': Cầm, Sắt, Tỳ, Bà - Bát đại vương! Cầm, Sắt, Tỳ, Bà cũng là 4 quẻ trong Kinh dịch. Trong 4 từ này, ở mỗi từ đều có 2 chữ Vương. Vế đối hoàn chỉnh đến lạ lùng. Bát Đại Vương đối với Tứ Tiểu Quỷ. Nhưng còn tuyệt diệu ở chỗ:

Người ra là chủ, khinh miệt khách ở hình hài, trí tuệ đến hợm hĩnh, chủ quan tự đặt mình, núp mình trong ''Tứ Tiểu Qủy'' - hòng áp đảo đối thủ. Còn khách thì kiêu hãnh cũng tự nhận, đặt mình vào 8 chữ Vương. Bát Đại Vương (8 ông vua lớn) - chứ không phải là 4 quỷ nhỏ. Trước 8 ông vua lớn tất nhiên 4 con qủy nhỏ sẽ bị chém đầu. Quan viên nước chủ nhà ra đón đều giật mình kinh ngạc, bái phục vội mở rộng cửa mới danh sỹ Mạc Đĩnh Chi vằo trình quốc thự

Một chuyện khác cũng nằm trong khuôn khổ ra câu đối. Tục truyền: Trạng Quỳnh có tiếng là hay ''Nỡm'' (diễu cợt) thiên hạ. Kể cả diễu Chúa Trịnh. Tuy nhiên nhiều làn thua bà Đoàn Thị Điểm. Một lần bà Điểm tắm. Trạng Quỳnh đứng bên ngoài trêu trọc ''đòi vào tắm cùng''. Bà Đoàn Thị Điểm biết tính Qùynh, không chấp nhặt nhưng nói: - Nếu đối được câu này thì sẽ mở cửa cho vào - đoạn bà đọc: Da Trắng vỗ Bì Bạch. Quỳnh nghe xong cố vắt óc mà không thể tìm được từ để đưa ra vế đối đành lẳng lặng bỏ đị Đây là vế ra thật độc đáo. Cả câu chỉ có 5 chữ. Đã có 1 động từ (vỗ). Còn 4 từ lặp lại nhau trên ý nghĩa của hai thứ ngôn ngữ Hán - Nôm. Da - nghĩa là da người.

Trắng là mầu Trắng. Người đàn bà đang tắm thì phải phơi bầy da thịt trắng ngần để... tắm. Bì tiếng Hán cũng là Dạ Bạch tiếng Hán nghĩa là Trắng. Dịch nghĩa thì vế ra là Da Trắng vỗ... Da Trắng! Trong thực tế khi dùng bàn tay vỗ vào... da cũng phát tiếng bạch... bạch. Còn khi người ngâm trong nước dùng tay vỗ vào dạ.. sẽ phát ra tiếng bì ... bõm. Vị Trạng có tiếng là hay ''Nỡm'' thiên hạ gặp phải người đàn bà ''Khắc tinh'' ra vế đề quá hóc đành chào thuạ Đến nay đã mấỳ trăm năm trôi qua câu đối của bà Đoàn Thị Điểm cũng chưa có ai đối được hoàn chỉnh.

Một loại ''Đố'' khác cũng không kém phần tinh tế, trí tuệ đó là ra đề cho người làm thơ ứng khẩu. Nếu ứng khẩu được bài thơ hay sẽ được khen, thưởng. Không được sẽ bị phạt. Thể thức này đòi hỏi người nhận đề phải có kiến thức văn chương mới có thể đáp ứng được yêu cầu của người ra đề. Lấy 2 thí dụ sinh động để dẫn chứng:

Tục truyền Vua Lý Công Uẩn do người mẹ không chồng sinh ra . Dưới thời xa xưa, người phụ nữ không chồng mà chửa là một trọng tội sẽ bị hình phạt thảm khốc. Sinh xong, đang đêm người mẹ trẻ bọc con trong mớ dẻ rách mang đến cổng chùa Giặn (Đình Bảng ngày nay) vứt. Ngay lúc đó vị sư trụ trì của chùa nằm mộng thấy một vị Bồ Tát đến bảo: Các người hãy chuẩn bị sáng mai đón quý nhân. Nhà sư tỉnh dậy thấy trời vừa hừng đông, sai mấy chú tiểu ra mở cổng. Họ thấy tiếng trẻ khóc vội bồng lấy đưa vào trình thầy. Sư Trụ trì thấy đưa bé trai liền lấy họ Lý của mình đặt cho bé rồi giao cho các sư nữ (bà Vãi) chăm nuôi. Lý Công Uẩn lớn lên dưới mái chùa Giặn và sự chăm sóc của thầy cộ Đến 10 tuổi cậu bé Lý vẫn không chịu chăm học chỉ ham chơi, phá phách khiến sư Trụ Trì phiền lòng luôn trách phạt..

Một đêm kia Thượng tọa Trụ trì thấy rất nhiều tượng phật khăn gói quả Mướp, tay nải đến gặp ông, chào từ biệt. Trụ trì hốt hoảng hỏi, các vị tượng buồn rầu nói: Thiên tử ăn hết đồ cúng tế, chúng tôi đói quá đành đi đến các chùa khác. Tỉnh lại nhà sư đi kiểm tra: quả thật trên những bệ thờ trống trơn. Ông cho rằng bọn trộm đã đột nhập, đành ra lệnh cho các sư tiểu trong chùa thay phiên nhau canh giữ đêm ngày. Tệ nạn mất đồ thờ cúng chấm dứt. Tuy nhiên nhiều vị sư nghi việc này do Lý Công Uẩn gây ra, nhưng không dám bầy tỏ với sư phụ Trụ Trì. Các ông tượng trong chùa cũng không đến tìm gặp Trụ Trì cáo biệt nữa.

Mấy hôm sau sự Trụ Trì lại mơ thấy hai vị hộ pháp của chùa khăn gói đến gặp mình, mặt buồn rầu, nói: Chúng tôi bái biệt ngài, sáng mai sẽ đi .

- Tại sao cac vị lại đi ?

- Thiên Tử (Con Trời - Vua) đầy chúng tôi xa 3000 dặm. Nhà sư toát mồi hôi hột vụt tỉnh, nghĩ: Hai vị hộ pháp trấn giữ trước cửa để đánh đuổi bọn quỷ. Giờ các vị đi, ai sẽ làm việc này - Vội gọi các công sự và đệ tử cùng ra xem thực hư ra sao. Mọi người đến trước hai ông hộ pháp một ông mặt đỏ, một ông mặt xanh. Hình hài của hai vị vẫn bình thường nhưng đằng sau lưng mỗi vị có một giòng chữ :

Đồ tam thiên lý (đày xa 3000 dặm). Những sư ông, sư bác hiểu ra vội xum vào lau giòng chữ nhưng không thể lau sạch. Một vị nghĩ ngay tới Lý Công Uẩn bảo - Để thằng Uẩn lau xem sao. Lý Công Uẩn được điệu đến. Cậu bé chỉ đưa tay phẩy nhẹ, giòng chữ kia tan ngay. Sư trụ trì giận lắm ra lệnh cho đệ tử bắt Lý đưa lên gác tam quan trước cổng chùa giam nhằm trừng phạt răn đẹ Đêm đó vào giữa tuần trăng, tiết trời se lạnh, nhà sư không yên tâm lò dò lên kiểm trạ Đến nơi thấy Lý Công Uẩn rét, nằm co quắp chân tay để giữ hơi ấm. Trông thật tội nghiệp. Động lòng thầy hỏi: Con đã biết lỗi chưa. Bây giờ con làm được bài thơ tự vịnh mình đang đêm nằm co, nếu hay, thầy cho xuống. Lý Công Uẩn suy nghĩ đoạn đọc :

Trời làm màn chiếu, đất làm chiên (Chăn)

Nhật, Nguyệt cùng ta một giấc yên.

Đang đêm chẳng dám giang, chân duỗi

Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng.

Sư trụ trì thức tỉnh bởi bài thơ ứng khẩu của cậu bé mươi tuổi : Nằm co vì rét mà dám tự ví ''giang tay, duỗi chân sợ sơn hà xã tắc ngiêng ngả'' - Đó là khẩu khí của con trời (vua). Xâu chuỗi lại các sự kiện từ lúc cậu bé mới đến chùa... lời của các tượng phật... ông liên tưởng tới cơ trời... vội quyết định tập trung dậy dỗ Lý Công Uẩn... Hơn 10 năm sau Lý Công Uẩn đã dựng nghiệp lớn rồi lên ngôi lấy vương hiệu là Lý Thái Tổ, dời Kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đông Quan (Thăng Long - Hà Nội ngày nay). Một triều đại mà đạo Phật thịnh trị kéo dài được 8 đời hơn 100 năm.

Một thí dụ khác: Trạng Nguyên Lương Hữu Khánh lúc còn hàn vi, đi học nhưng nghèo khó. Một lần đi đò cùng các nhà sư, thấy vị sư trẻ mang một tay nải nặng đầy Oản, Chuối - theo gót nhà sư già. Khánh đói xin ăn. Nhà sư già không chọ Khánh nài nỉ: Học trò nghèo, ăn xin cửa Phật cớ sao lại từ chối. Nhà sư kia bảo: Nếu thực là học trò thì hãy làm một bài thơ Nhà sư và học trò nghèo cùng đi đò. Đò tới bến mà làm xong, thơ hay thì có bao nhiêu oản, chuối ta tặng cả. Lương Hữu Khánh đọc luôn:

Một hòm kinh sử níp kim cương
Ngươi, Tớ cùng sang một chuyến dương
Trong hội cồ đàm - Ngươi thoả thích
Trên ngôi đài các -Tớ nghênh ngang.
Truyện xưa, Ngươi vẫn căm Hàn Dũ(*)
Sử cũ Tớ còn giận Thuỷ Hoàng
Chốc nữa lên bờ ta tạm biệt
Ngươi thì lên Phật, Tớ lên Sang!

Hết bài thơ Đường luật cũng là lúc đò cập bến. Cảm phục tài học của Lương Hữu Khánh, nhà sư giữ lời hứa đưa cả tay nải oản, chuối cho người học trò nghèo -Trạng Nguyên Lương Hữu Khánh sau này.

Berlin, Giáp Thân 1/2004

Võ Phiến : Những người chị trong thơ Nguyễn Bính

Những người chị trong thơ Nguyễn Bính

Võ Phiến

Bài này viết vào khoảng năm 1974, đã trao cho ông Trần Phong Giao để đăng vào một tạp chí văn nghệ ở Saigon do ông phụ trách. Bài chưa kịp đăng, xảy ra biến cố 30-4-1975. Đầu năm 1991, một người bạn cho biết bài ấy vừa xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa Văn Học số 2, ở Saigon, dưới bút hiệu Mai Thế Liên. Nếu không có sự lưu tâm của bạn, chút tài liệu nhỏ mọn có thể đã thất thoát; tác giả xin trân trọng cảm tạ. (V.P.)

Có một lần Nguyễn Bính tự phê:

Yêu, yêu, yêu mãi thế này!
Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu.
Và ông đề nghị:
Ai yêu như tôi yêu nàng
Họp nhau lại họp thành làng cho xinh.
Thương nhau dựng một ngôi đình,
Thờ riêng một vị thần linh là Nàng.
("Làng yêu đương")

Nguyễn Bính tự phê sáng suốt và đề nghị một sáng kiến thật ngộ nghĩnh.

Mặc dầu yêu gái không phải là chuyện đặc biệt cho lắm, kẻ đồng tâm với Nguyễn Bính tập hợp lại e không chỉ thành một làng mà thành cả một nước (có còn xinh chăng); nhưng cái yêu ở đây vẫn có chỗ khác thường, là yêu mãi, sa lầy... Tuy vậy, cái khác thường nhất của Nguyễn Bính, mà ông không chịu nói đến, đó là các bà chị. Vâng, khác thường không phải là Nàng vị thần linh mà là những bà chị của thần linh.

Tôi không thu thập được nhiều thơ Nguyễn Bính, nhưng cũng có trong tay hàng chục bài thơ về các chị. Nhiều nhất là những bài thơ gửi chị Trúc. Ngoài ra, có bài gửi "Người chị dưới mái trăng non"; có bài nói về người chị hàng rượu; lại có bài nói về một bà chị trống trơn, không cần minh định:

Năm xưa chị chưa lấy chồng,
Chị đan tấm áo len hồng cho tôi.
Năm nay chị lấy chồng rồi,
Mỗi kỳ gió lạnh không người đan len.
("Gió lạnh")

Tại sao gặp lúc gió lạnh lại không nghĩ đến sự ấp ủ của mẹ, đến những khắng khít êm ấm bên cạnh nàng mà lại nghĩ đến chị? Chúng ta không có tài liệu để mong được hiểu về điểm tâm sự ấy của Nguyễn Bính; nhưng đã rõ ràng là trong trường hợp này chị là chỗ hướng về khi trời trở lạnh hay lòng trống lạnh: người chị như thế đã thành một biểu tượng, không cần có mặt mũi, không cần mang tên tuổi riêng biệt.

Thơ Nguyễn Bính thường vẫn có cái vẻ dễ dàng, mộc mạc của ca dao. Những bài thơ liên quan đến các chị thì lại không thế: phần lớn là những công trình vừa dài vừa điêu luyện. Có những bài dài hàng trăm câu, lại chỉ dùng có một vần.

Tự buộc mình vào những rắc rối khó khăn như thế, thi sĩ có ý làm những chuyện tiểu xảo chăng? Trái lại, nếu muốn chọn những bài thơ nào của Nguyễn Bính mà chứa đựng nhiều chân tình, chắc chắn trong số đó phải có những bài thơ gửi chị.

Thật vậy, trong nội dung thơ Nguyễn Bính thường cũng không mấy cầu kỳ. "Sa lầy trong yêu" như ông, ông hay nói về ái tình; nhưng tuy nói nhiều ông cũng không thiết tìm ra những lối nói độc đáo, tân kỳ. Toàn những nàng con gái lầu hoa, cô lái đò, cô gái hái mơ, những chuyện mơ làm đôi bướm, mơ đậu trạng nguyên để chờ nàng gieo cầu v.v... Về các nàng toàn khuôn sáo cũ kỹ, nhưng về chị của các nàng thì không thế. Hãy nghe ông tíu tít hỏi chị Trúc:

Đố chị thư này ai viết nhé!
Chị ơi! Em bé chị đây mà!
Được tin người ấy cho em biết:
Chị Trúc giờ đang bận chữa nhà
Nhà mới bao giờ chị chữa xong?
Bao giờ cho thợ chén hồi công?
Bao giờ chị dọn sang bên đó?
Xem lịch, khai trương, đốt pháo hồng?
("Xây lại cuộc đời")

Lại nghe ông ngậm ngùi nhắc về chị Tuyết:

Nhớ ngày tôi vào chơi Hà Tiên,
Chiều chiều cùng chị về trong Rẫy,
Đường mòn, nắng nhạt soi tà tà,
Biển khơi, gió mặn thổi hây hẩy.
("Bài thơ vần Rẫy")

Kỷ niệm mỗi chiều về Rẫy, việc chữa nhà, việc xem lịch, việc ăn hồi công... xác thực, cụ thể biết bao! Các nàng thuộc cõi mơ, các chị của nàng thuộc cuộc đời thực tại sống động, gần gũi.

Yêu là ngón sở trường của các thi sĩ, vậy mà mỗi nhà thơ thường chỉ có một mối tình lớn trong đời: Liên của Đinh Hùng, Tố của Hoàng, Mộng Cầm của Hàn Mặc Tử... Tình chị là chuyện hiếm hoi, riêng ở Nguyễn Bính lại bắt gặp bóng dáng ba bốn người chị. Ba bốn người: khó có thể là sự ngẫu nhiên. Hết người chị này thi sĩ lại sà vào một người chị khác; trong tâm hồn ông hẳn phải có một khía cạnh nào nghiêng về thứ tình cảm ấy, liên tiếp xô đẩy ông về phía những người thiếu phụ ấy.

Và thứ tình cảm đã khởi hứng cho ông viết nên những bài thơ công phu về hình thức, độc đáo về nội dung đến thế, tưởng cũng là một yếu tố đáng kể trong thi nghiệp của Nguyễn Bính.

Tình chị em sự thực nó ra làm sao?

Nguyễn Bính có kể với nữ sĩ Mộng Tuyết về chuyện chị Trúc;[1] nhưng ông không có hồi ký để kể lại với chúng tạ Còn về trường hợp của chính mình thì nữ sĩ Mộng Tuyết đã thuật lại.[2]

Nguyễn Bính hứa với nữ sĩ Mộng Tuyết xem nữ sĩ là người chị tinh thần, người chị thứ hai sau chị Trúc. Đối với chị, Bính thường quấn quít bên cạnh như một chú em ngoan ngoãn. Ban ngày, chị ở ngoài tiệm thì Bính cũng ra tiệm, để "trông hàng cho chị", để "xem chị may áo", để "đi gửi thư cho chị". (Chị viết xong cái thư nào, Bính giành đi bỏ thùng thư bưu điện cái ấy.) Buổi chiều, chị về trong Rẫy, Bính đưa chân. Buổi tối, chị ở Rẫy, Bính lại vào nghe truyện đến khuyạ Chị mặc tang phục, Bính khen chị đẹp não nùng, như một bài thơ buồn. Chị gửi nhiều thư cho một người nào, Bính hờn dỗi, bảo chị làm cho Bính phát ghen.

Căn cứ vào thái độ đối với chị Mộng Tuyết, đọc lại một số bài thơ, hãy phỏng đoán về thái độ của Nguyễn Bính đối với chị Trúc.

Quấn quít là chuyện tất nhiên, bởi vì chị Trúc thân tình cố cựu hơn chị Tuyết. Cứ xem cách xưng hô thì Bính còn làm nũng với chị Trúc gấp mấy. Với chị Tuyết, Bính xưng tôi; nhưng với chị Trúc còn xưng đến "em bé", "Bính em" cơ:

Chị ơi! Em bé chị đây mà!
Chị hãy nghe lời em bé đây
("Chị đã ghen")

Bính em một tấm lòng vàng ("Xây hồ bán nguyệt")

Đi bỏ thư cho chị, trông cửa hàng cho chị... là một cách quấn quít mà cũng là một tâm lý thích tự làm cho có vẻ bé thêm. Cũng như trong cách tự xưng "em bé", "Bính em", cũng như trong cách "đố chị". Về dung nhan của chị Trúc, Bính chỉ có câu:

Chị vẫn môi son vẫn má hồng
("Xuân tha hương")

Nhưng điều đó không đủ để chứng tỏ ông ít quan tâm đến nhan sắc của chị Trúc. Bởi vì cứ theo dõi trong thơ thì Nguyễn Bính không có một lời nào nói về cái đẹp não nùng của chị Tuyết, ấy vậy mà ngoài đời ông có những câu xưng tụng nhiệt liệt đến thế. Trong thơ thi sĩ vẫn giữ sự tôn cách hơn ngoài đời. Nữ sĩ Mộng Tuyết chỉ nói về sự quấn quít lúc gần; ở chị Trúc, em Bính còn bộc lộ lòng nhớ thương lúc xa chị:

Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống,
Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng.
("Xuân tha hương")

Nhớ thương như thế thì đòi hỏi sự chuyên nhất cũng là chuyện dĩ nhiên:

Ôi, chị một em, em một chị,
Giời làm xa cách mấy con sông.
Mấy sông mấy núi mà xa được,
Lòng chị em ta vẫn một lòng.
("Xuân tha hương")


Cố nhân chẳng biết làm sao ấy,
Rặt những tin đồn chuyện bướm ong.
...
Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc,
Chắp nối nhau hoài cũng uổng công.
("Xuân tha hương")


Có khi lại là những mối tình bốn phương mà chị hẳn chưa hề được biết:

Mấy lần em tính chị ơi,
Làm quà cho chị một người em dâu.
("Một chiều say")

Em say em tính thế, chứ thực ra nàng con gái đầu tiên mà em yêu và mang ra tỉ tê với chị Trúc là ai vậy? Có phải là cô Oanh nào đó đã đi liền với chị Trúc trong hai câu thơ chăng?

Nghỉ học, cô Oanh loà một mắt,
Lấy chồng, chị Trúc bó hai tay.
("Trời mưa ở HuḀ¿")

Cả hai người con gái đều ở Hà Đông, nơi tưởng nhớ khôn nguôi của Nguyễn Bính, mặc dù quê ông ở Nam Định:

Để hồn về tận xứ Hà Đông
("Xuân tha hương")
Thương về Hà Nội, nhớ về Hà Đông
("Một chiều say")

Thành thử các người chị đã được tìm đến vì Nguyễn Bính muốn tự làm bé bỏng để thấy được tưng tiụ Trong "Hoa với rượu", người chị xem Nguyễn Bính không khác Nhi: chợ về mua quà cho cả hai, ngày giỗ cho cả hai uống rượu... "Chị Nhi thường bảo với u tôi". Chị nàng và u tôi: Chị ở đây phần nào đóng vai trò của người mẹ trong tình cảm người con trai có cái nhu cầu được ấp ủ.

Nhưng chỉ là người mẹ, không đủ. Bé Bính là thứ bé quá quắt: vừa là em bé vừa là gã đàn ông phiêu bạt, lăn lóc. Cho nên người chị cũng là người bầu bạn để nghe Bính trút bầu tâm sự. Khi thì nói về chuyện đời lang bạt:

Chị ơi, trôi nổi là thân tôi,
Cánh buồm bạt gió trôi hồ hải.
("Bài thơ vần Rẫy")

Những khi khác, nói về chuyện ái tình, đem kỷ niệm về cô này cô nọ ra nhỏ to với chị. Chị thường chứng kiến bước đầu một mối tình của em (với cô Nhi), dự tính một chuyện nhân duyên cho em (với cô Ngọc); thậm chí chị cũng là một yếu tố trong hạnh phúc lứa đôi mà em mơ ước nữa. Em tưởng tượng ngày được chung sống với người yêu rồi:

Chiều chiều hai đứa sang thăm chị,
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.
("Hoa với rượu")

Chiều chiều thăm chị là một hình ảnh đẹp trong trong một cảnh sống hạnh phúc mơ tưởng. Nhưng cái hay nhất ở một người chị là vừa làm mẹ hiền, làm bầu bạn, chị vừa là một người nữ, môi son má hồng, đẹp não nùng!

Chị là thế,thật hay ho và thú vị. Nhưng trên đời, xưa nay có mấy ai đã làm một nam nhi trưởng thành mà còn công nhiên vòi chị? Dù là thi sĩ cũng chỉ gọi đến chị... Hằng mà thôi.

Lý Bạch, Đỗ Phủ... không kêu chị; Nguyễn Công Trứ hào hùng không có thơ cho chị đã đành, mà Nguyễn Du ủy mị, Tản Đà lãng mạn cũng tuyệt không có người chị "tinh thần" nào; Tú Xương lêu lổng, suốt đời la cà bên đám đàn bà con gái: "Một trà, một rượu, một đàn bà", nhưng cũng khó tưởng tượng người thi sĩ ấy xưng em, xưng bé Xương với một người chị nào.

Trong làng thơ từ trước đến nay chỉ có một "em Bính". Người chị tinh thần là một đóng góp hoàn toàn mới lạ của Nguyễn Bính vào kho đề tài thơ ca ở nước ta và ở nhiều nước ngoài tạ

Nói về Nguyễn Bính, nhiều người vẫn bảo ông là người dân quê, thơ ông là ca dao, khơi động nếp sống truyền thống, hồn ông mang cái mộc mạc quê mùa của người nông dân nghìn đời... Người ta chỉ chú ý đến cái rất cũ của ông mà không chú ý đến cái rất mới của ông. Người ta chú ý quá nhiều đến những chỗ ông giống quá khứ, giống thiên hạ; mà không chú ý đúng mức đến chỗ ông khác lạ, không giống ai. Không giống ai trong quá khứ, mà cũng không giống ai trong lớp người sau ông một thế hệ. Thật vậy, cho đến nay có nhà thơ nào chị chị em em? Không phải rằng con trai không còn nhận thấy ở những người con gái hơn tuổi mình chút ít những nét khả ái, đáng mến đáng quí; cũng không phải rằng con gái không còn cảm tình đối với những người con trai kém tuổi mình ít nhiều. Tuy nhiên một cậu con trai thoáng nghĩ: "Con trai mà xưng em kể cũng khỉ thật." Thằng Dũng nào đó tả một đứa học trò, thế mà đối với cô giáo nó thầm yêu, nó còn không muốn xưng em. Tìm cho được thơ "chị em", khó là phải.

Tình chị em, trước hiếm sau hiếm, món độc quyền ấy Nguyễn Bính giữ trọn hay có chia xẻ phần nào cho lớp người đồng thời chăng? Cái khuynh hướng tình cảm nghiêng về người chị là một khía cạnh độc đáo của tâm hồn người đàn ông ấy, hay là tâm hồn người đàn ông thời ấy?

Cùng thời với Nguyễn Bính, không cùng làm thơ như ông nhưng cùng là nghệ sĩ, có một ông Nguyễn khác Nguyễn Tuân cũng có một bà chị: chị Hoài. Chị Hoài cũng là bà chị "tinh thần", và cũng có một dung nhan xuất sắc với món tóc rất được chú em tán thưởng. Việc bắt gặp mấy bà chị ấy, chị Trúc, chị Tuyết, chị Hoài... không đủ để cho chúng ta quyết đoán về đặc điểm tâm hồn của cả một thế hệ. Nhưng sự việc nhỏ nhặt cũng là việc khác thường, lẽ nào không có chút ý nghĩa?

Nguyễn Bính than với chị: "trôi nổi là thân tôi" thì Nguyễn Tuân cũng nhiều lần nói về cuộc đời lang bạt kỳ hồ của ông. Về điểm này đời sống của hai ông Nguyễn có tính cách tiêu biểu. Vào thời ấy, đàn ông đua nhau sống đời lang bạt, hay mơ ước một đời lang bạt. Lưu Trọng Lư nói đến "nửa đời phiêu lãng", Thế Lữ "rũ áo phong sương trên gác trọ", nhân vật lừng lẫy nhất của Nhất Linh chàng Dũng cũng như hầu hết các nhân vật nam phái của Lê Văn Trương... sống một đời phong trần... Hệt Nguyễn Bính, thanh niên hồi ấy họ hay than vãn về chuyện thân thế trôi nổi đấy (nhất là với đàn bà con gái, hoặc chị hoặc em); nhưng đừng có ai nghe họ mà lầm: Giúp đỡ họ nơi ăn chốn ở đầy đủ êm ấm, họ oán hận ngay! Họ vờ than thở mà lấy làm hãnh diện về cuộc đời lang bạt ngoài sương gió.

Họ làm gì ngoài sương gió? Có người hé cho thấy mập mờ là hoạt động cách mạng; có người phân bua vu vơ qua quít là đi theo tiếng gọi của... hải hồ; có người không giấu nổi rằng sự thực chỉ là đi chơi bời, rượu chè, hút xách... Dẫu sao, văn chương một thời đã làm cho sương gió có một bí ẩn thơ mộng, quan niệm một thời đem so sánh cuộc sống bên song cửa đã ngầm gán cho lối sống người đàn ông hồi ấy một ý nghĩa ngang tàng, hào hùng, ít ra cũng trình bày một hình ảnh nam nhi dạn dày, già dặn... Và chính lớp đàn ông phong thái dạn dày ngang tàng ấy đã là lớp đàn ông đầu tiên trong lịch sử nước ta xướng lên việc thờ Nàng.

Người đàn ông dày dạn ngang tàng thời tiền chiến của ta không giống các bậc tiền bối ở nước ta, ở xã hội phương Đông, nhưng cũng không hẳn là một sự quái dị. Người ta có thể nghĩ đến những chàng hiệp sĩ đa tình trong các truyện thời Trung cổ ở châu Âu, những anh hùng vô địch, hoặc xông pha trận mạc, hoặc chém giết quái vật, vượt muôn trở lực thực hiện kỳ công, để rồi cuối cùng đem thành tích về dâng lên nàng. Thế rồi, thời đại của con người hùng đã qua, đến bây giờ, nam nữ đã bình quyền, địa vị phái nữ cao vọt lên, đàn bà làm thủ tướng là chuyện thường, con gái đốt xú-cheng... Bây giờ chuyện thờ Nàng lại thành huyền thoại lố bịch. Trái lại, con trai thời nay đối với nữ giới lại có thái độ khinh mạn. Trong nhiều cuốn truyện người ta gọi: đứa con gái. Ngoài đời không có thần linh đã đành, cũng không còn "Nàng", mà chỉ có những "em": em này thơm như múi mít, em kia đáng đồng tiền bát gạo... Lối nói ngụ ý một sự đánh giá, một ý thức hưởng thụ trâng tráo. Có thể nữ giới đối với nam phái thời nay cũng có thái độ tương tự, để cho trọn nghĩa bình quyền. Dù sao, đã hết thời của thần linh.

Như vậy, có một điểm khá rõ trong tâm hồn những chàng trai phong trần thời tiền chiến, ngoài việc yêu đương đến sa lầy trong yêu: ấy là thái độ trọng vọng đối với gái.

Thái độ ấy không liên hệ trực tiếp với những người chị của Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân. Tuy nhiên cũng có thể nghĩ: Đã thờ nàng được thì sao lại không vòi chị được nhỉ? Một khi phụ nữ đã được suy tôn thì sự suy tôn, tùy tuổi tác, tùy trường hợp tình cảm... có thể mang nhiều hình thức khác nhau. Dẫu sao sáng kiến tôn xưng những người chị tinh thần cũng dễ phát sinh ở một thời như thế hơn là những thời kỳ khác, thiếu vị thần linh đẹp tóc. Đó là về thời của Nguyễn Bính, mà chưa có trường hợp của Nguyễn Bính. Về phần ông, Nguyễn Bính cũng có cái ủy mị khá đặc biệt. Thơ tình của ông có những câu dịu dàng, dễ cảm lòng đàn bà:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của Trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
("Tương tư")


Nhan đề các thi phẩm của ông liên hệ quá nhiều đến thân phận đàn bà, có khi cho thấy tác giả tự đồng hoá với phận gái: "Hương cố nhân", "Người con gái lầu hoa", "Lỡ bước sang ngang", "Mười hai bến nước"... Con người ủy mị ấy muốn làm cho đáng thương. Yêu thì khối người yêu như ông; nhưng ở ông sự yêu đương nhiều khi có vẻ gì qui lụy, tội nghiệp lắm kia:

Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
("Chân quê")
Con tằm được mấy tiền tơ,
Chao ôi! mà ước mà mơ lấy nàng?
("Nhà tôi")
Hồn anh như hoa cỏ may,
Một chiều cả gió bám đầy áo em.
("Hoa cỏ may")


Ngay khi ông xưng anh mà còn thế, huống hồ khi xưng em. Ông sở trường trong tài gây xúc động bằng cái giọng của một kẻ bị hất hủi, ruồng rẫy. Từ thái độ tự làm ra đáng thương đến thái độ làm ra bé bỏng, đâu có xa gì?

[1]Tạp chí Văn, Saigon, 1968.

[2] Như trên.

oOo

Nguyễn Dư : Cái váy và cái quần của các bà

Nguyễn Dư

Thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, được học bài Hai bà Trưng:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
...
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành ...

Nghe thầy giảng lúc ra trận hai bà mặc hồng quần, nghĩa là quần đỏ.

Cả lớp khoái chí, cười khúc khích.

Sau này đọc sách thấy nhiều học giả đồng ý với thầy.

Hồng quần: quần chính nghĩa là cái váy, cái xiêm, phụ nữ xưa mặc quần đỏ. (Đinh Xuân Lâm và Chu Thiên , Đại Nam quốc sử diễn ca, Văn Học, 1966, tr. 87 ). Hồng quần: đàn bà (xưa mặc quần đỏ). (Hoàng Xuân Hãn, tập 2, Giáo Dục, 1998, tr. 77). Hồng quần: quần đỏ (tức con gái). (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển).

Hình ảnh hai bà Trưng mặc quần đỏ dẹp giặc đẹp quá!

Đẹp quá hoá ra ... đáng ngờ!

Theo truyền thuyết thì thời Hùng Vương, đàn ông Việt Nam đóng khố, đàn bà mặc váy kín (váy chui) hoặc váy mở (váy quấn). (Thời đại Hùng Vương, Khoa Học Xã Hội, 1976, tr.177).

Sử nước ta lại cho biết thêm:

Năm 1414, nhà Minh cấm con trai con gái không được cắt tóc; đàn bà con gái thì mặc áo ngắn quần dài, hoá theo phong tục phương Bắc. (Đại Việt sử kí toàn thư).

Nhà Minh muốn đồng hóa dân ta, cấm đàn bà con gái nước ta mặc váy, bắt phải mặc quần như người Tàu. Năm 1428 Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh, giành lại độc lập cho đất nước.

Sử không cho biết cách ăn mặc của dân ta dưới thời Lê Thái Tổ và mấy triều vua kế tiếp.

Thời tự chủ, với ý quyết xoá bỏ hết tàn tích nô lệ về y phục, vua Lê Thần Tông niên hiệu Thịnh Đức năm đầu (1653) định phép ăn mặc cho quan dân. Vua Lê Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị thứ ba (1665) cấm đàn bà con gái không được mặc áo có thắt lưng và mặc quần có ống chân (nghĩa là bắt buộc phải mặc váy). (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Đại Nam, tr. 206).

Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người đường ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu. (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Bốn Phương, 1961, tr. 173). Chúa Võ Vương muốn "Triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà" (Kiều), độc lập đối với vua Lê chúa Trịnh đàng ngoài nên ra lệnh bắt đàn bà đàng trong phải ăn mặc như Tàu. Vì chúa muốn "Thà làm tôi thằng hủi hơn chịu tủi anh em", mà các bà đàng trong phải mặc quần.

Vua Minh Mạng đi xa thêm một bước nữa:

Tháng tám (có chỗ hát tháng chín) có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì bóc lột quần chồng sao đang.

Thật ra thì chưa chắc đã là tháng tám hay tháng chín vì sử nhà Nguyễn chép: tháng 10 năm 1828, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh trở ra Bắc. (Quốc triều chính biên toát yếu, Thuận Hoá, 1998, tr. 188).

Quần không đáy, "vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tàu thì không", tức là cái váy. Minh Mạng bắt cả đàn bà đàng ngoài mặc quần, cấm mặc váy.

Trên lí thuyết thì từ năm 1828 đàn bà cả nước ta đều phải mặc quần theo ý muốn của nhà vua.

Nhưng thực tế thì ra sao?

Thực tế thì "phép vua thua lệ làng". Đằng sau luỹ tre xanh, mọi chuyện trong nhà ngoài xóm đều được dàn xếp theo bộ luật bất thành văn "lệnh ông không bằng cồng bà". Vua nói vua nghe, váy bà bà mặc. Minh Mạng làm sao mà đụng được vào cái váy của các bà nhà quê đàng ngoài! Trong lúc tỉnh thành xôn xao kháo nhau cởi váy mặc quần thì thôn quê miền Bắc vẫn khư khư giữ cái váy. Cho mãi đến những năm 1940 vẫn còn cảnh:

Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm
(Anh Thơ, Đêm ba mươi tết, 1941)

Cái váy của ta cứ âm thầm "Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi"(Phạm Duy). Nhiều phen được vua yêu, lắm lúc bị chúa ghét! Cái váy cứ nhẫn nhục bám lấy các bà mà tồn tại.

Thế mà hai bà Trưng đã tung ra mốt mặc quần từ những năm 40-43, nghĩa là gần 14 thế kỉ trước khi nhà Minh ra lệnh bắt đàn bà nước ta mặc quần, gần 18 thế kỉ trước khi vua Minh Mạng cấm mặc váy!

Đầu thế kỉ 20, đàn bà nước ta "quần phần nhiều mặc quần sồi, lĩnh thâm, đôi khi cũng có người mặc quần nhiễu đỏ; ở Nam kỳ và Trung kỳ thì người phong lưu mặc quần nhiễu trắng, chốn quê mặc quần vải xanh". (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng hợp Đồng Tháp,1990, tr. 330).

Đến khoảng 1938, dân ta "quần thì chỉ dùng sắc trắng và nâu. Những người già cả mà giàu sang thì ngày hội hè tết nhất mới dùng quần đỏ". (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, sđd, tr. 173).

Hai bà Trưng nhìn xa, đi trước thiên hạ hay cái quần của hai bà ... có vấn đề?

Bàn về quần, trước hết phải đặt câu hỏi quần là cái gì? Chết thật! Ngần này tuổi đầu mà không biết quần là cái gì à?

Quần (chữ hán, bộ y) được Huỳnh Tịnh Của và Đào Duy Anh định nghĩa là đồ để che phần dưới thân thể.

Tự điển Génibrel dịch chữ quần là pantalon (quần dài), culotte (quần đùi), jupe (váy đàn bà), vêtement descendant depuis les reins jusqúaux pieds (đồ mặc che từ eo xuống đến chân).

Quần được Thiều Chửu dịch là cái quần, cái xiêm. Đang tìm hiểu cái quần lại bị vướng vào cái xiêm. Vậy xiêm là cái gì?

Xiêm là áo choàng che trước ngực (Thiều Chửu), áo che đàng trước (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển), cái váy (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều), đồ bận dưới, cái củn (củn là đồ bận trên), cái váy (Huỳnh Tịnh Của), jupe (váy dài), jupon (váy ngắn), vêtement inférieur (đồ mặc che phần dưới) (Génibrel), manteau (áo choàng) (Gustave Hue).

Đúc kết các định nghĩa trên, chúng ta hiểu rằng xiêm là cái áo choàng, áo mặc ngoài. Xiêm ngắn, chỉ che phần trên thân thể, thì chỉ có một tên gọi là xiêm. Xiêm dài (che cả phần dưới thân thể) thì ngoài tên xiêm, còn được gọi là quần, hay váy.

Quần là chữ dùng để chỉ đồ mặc che phần dưới thân thể. Quần được dùng cho cả đàn ông và đàn bà. Quần có thể là cái sa rông của người Miên, cái kilt của người Ecosse ... Đàn ông và đàn bà Tàu đều mặc quần hai ống, cho nên quần đàn ông hay quần đàn bà Tàu đều là ... quần (như cách hiểu ngày nay).

Chỉ có cái quần đàn bà Việt Nam mới lận đận, rắc rối.

Ngày xưa (tạm cho là trước thời thuộc Minh) đàn bà nước ta không mặc quần. Thế à? Các bà không mặc quần hai ống như ngày nay mà chỉ mặc váy thôi.

Chữ quần (hán), chỉ đồ mặc để che phần dưới thân thể của đàn bà Việt Nam ngày xưa, phải được hiểu và phải được dịch nôm là cái váy để khỏi nhầm lẫn với cái quần đàn ông.

Điều này đã được tranh dân gian Oger (1909) chứng minh rõ ràng hơn qua một tấm vẽ đàn bà mặc váy. Tranh được ghi chú bằng chữ hán nôm "dã phụ y thử quần, tục danh quần đùm" (váy của đàn bà nhà quê, tục gọi là váy đùm). Người đàn bà trong tranh mặc váy, do đó chữ quần (hán) phải được dịch (nôm) là váy. Váy đùm là váy buộc túm cạp lại.

Dường như chỉ có văn học mới dùng hồng quần hay quần hồng để chỉ cái váy.

Bốn cột lang, nha cắm để chồng
Ả thì đánh cái, ả còn ngong
Tế hậu thổ khom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Cột nhổ đem về để lỗ không.
(Cây đánh đu, Hồng Đức quốc âm thi tập)

Hai cô gái đánh đu, khoe "tám bức quần hồng". Vậy là mỗi cô có "bốn bức quần hồng". Hồ Xuân Hương cũng đưa ra "bốn mảnh quần hồng" trong bài Đánh đu:

( ...)
Trai du gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song ...

Bốn bức hay bốn mảnh quần hồng ở đây là cái gì?

Nếu chỉ là cái quần hai ống thì mỗi ống phải xẻ hai. Ta không có kiểu quần tân kì như thế. Cũng không phải là một mình cái váy vì không có váy nào lại xẻ tư như vậy. Chỉ còn cái áo tứ thân (áo tứ thân có 2 vạt đằng trước, 1 vạt đằng sau) cộng với cái váy mới hợp thành bốn mảnh quần hồng. Cái áo tứ thân (cái xiêm của ta) đã được các tác giả gọi là cái quần. Chúng ta hiểu vì sao Thiều Chửu đã định nghĩa quần là cái xiêm, và Huỳnh Tịnh Của lại định nghĩa cái xiêm là đồ bận dưới, tức là cái quần.

Trong bài Chỗ lội làng Ngang Nguyễn Khuyến có nói đến cái quần đàn bà:

Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đấy vén quần lên
Chỗ thì đến háng chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười
Cái gì trăng trắng như con cúi
Đàn bà khép nép đứng liền thưa
Con trót hớ hênh ông xá tội ...

Đàn bà vén quần, hớ hênh, để lộ cả cái gì trăng trắng như con cúi. Các nhà quan sát có thẩm quyền kết luận rằng người đàn bà trong câu chuyện mặc váy. Quần hai ống vén đến gối hay đến háng thì vẫn còn kín đáo, chưa để lộ bí mật.

Nguyễn Khuyến đã dùng chữ quần theo nghĩa chữ hán, để chỉ cái váy của các bà.

Hình ảnh vén váy để hở cả cơ đồ còn được thấy qua tấm tranh dân gian Hứng dừa dí dỏm.

Qua vài thí dụ kể trên thì thấy rằng từ thế kỉ 15 (Hồng Đức quốc âm thi tập) đến đầu thế kỉ 20 (Nguyễn Khuyến) chữ quần đã được văn học Việt Nam dùng theo nghĩa của chữ hán, để chỉ đồ che nửa dưới thân thể. Quần của đàn bà (miền Bắc) Việt Nam ngày xưa là cái váy, cái áo dài (xiêm), chứ chưa phải là cái quần hai ống ngày nay.

Hồng quần của hai bà Trưng phải được hiểu là cái váy màu đỏ.

Từ ngày người Pháp cai trị nước ta thì các bà nhà quê miền Bắc mới dần dần mặc quần hai ống như các ông. Một số bà tân thời ở tỉnh thành mặc màu trắng. Dân quê chỉ dùng màu đen hay màu nâu. Ngày nay, cả hai phái nước ta, phái mạnh và phái đè đầu phái mạnh, đều mặc quần hai ống, nhiều màu sắc, kể cả màu hồng, màu đỏ.

Cái váy, cái quần không những đã ám ảnh vua chúa mà còn đè nặng lên đời sống của đám dân đen.

Người xưa có phương thuật "chữa mắt hột bằng gấu quần đàn bà".

Quần nào chả là quần, tại sao không dùng quần đàn ông mà phải dùng quần đàn bà? Chẳng nam nữ bình quyền tí nào cả! Nam nhi thua thiệt quá!

Thật ra thì phương thuật dùng gấu váy, sau này váy hiếm, khó kiếm người ta mới thay váy bằng quần, dĩ nhiên phải là quần đàn bà.

Chữ váy, ngoài nghĩa thông dụng là cái váy đàn bà, còn có nghĩa khác là nạo vét, lau chùi (curer, nettoyer, tự điển Génibrel). Váy là dùng vật gì mà vặn xáy (xoáy) hoặc móc rạ Váy tai nghĩa là móc cứt ráy trong lỗ tai ( Huỳnh Tịnh Của).

Váy (đồ mặc) đồng âm với váy (lau chùi, xoáy móc). Do đó, giới bình dân đã dùng cái váy để tượng trưng cho động tác lau chùi. Ai bị đau mắt hột thì lật mí mắt lên, lấy gấu váy dí nhẹ vào mí là tất cả các hột sẽ được đánh sạch.

Từ ngày các bà không mặc váy nữa thì người ta dùng gấu quần. Đứng về mặt chữ nghĩa thì cái quần không giải thích được ý nghĩa của phương thuật. Phải thông qua cái váy mới rõ nghĩa.

Quần đàn ông không dính dáng gì đến váy cho nên không chữa được mắt hột! Quần của các ông thua quần các bà chứ không phải các bà kì thị các ông!

Xưa kia, "thợ may và thợ giặt không nhận may váy, giặt váy cho các bà". Pierre Huard và Maurice Durand (Connaissance du Vietnam, EFEO, Paris, 1954, tr. 178) cho rằng ta bắt chước tục Tàu. Người Tàu kiêng để lẫn lộn quần áo vợ chồng còn trẻ, dưới 70 tuổi.

Thuyết âm dương của Tàu e rằng cao siêu quá, vượt quá xa cái triết lí bình dân của cái váy của ta:

Sáng trăng em tưởng tối trời

Em ngồi em để sự đời em ra

Sự đời bằng cái lá đa

Đen như mõm chó, chém cha sự đời.

Bọn thợ may, thợ giặt sợ cái váy có lẽ chỉ vì họ tin rằng váy có ma thuật nạo vét của cải, làm hao tài, sạt nghiệp mà thôi.

Giới trí thức cũng bị váy, quần làm cho vướng mắc lùng bùng ...

Ngày xưa, "thư sinh, nhà nho kiêng không sờ vào váy, vào quần đàn bà giữa ban ngày".

Không biết cụ Khổng lúc bé có phải giặt giũ, phơi quần áo giúp mẹ không?

Nhiều người cho rằng vì váy, quần đàn bà là vật ô uế nên nhà nho không đụng đến. Giải thích như vậy nghe không ổn. Cho dù váy, quần của các bà có ô uế thật đi nữa thì cũng chỉ ô uế vài ngày lúc các bà có tháng thôi. Còn những ngày bình thường thì quần đàn ông hay váy đàn bà đã chắc gì cái nào sạch hơn cái nào? Không riêng gì nhà nho, đến người mù chữ cũng chẳng ai muốn đụng đến những đồ ô uế.

Nhà nho là người dùi mài kinh sử chuyên nghiệp. Ông nào cũng đầy một bụng chữ thánh hiền. Ban ngày ban mặt, nhỡ mà đụng vào cái váy hấp dẫn kia thì còn đâu là chữ nghĩa nữa! Cái váy sẽ cạo vét, lau chùi sạch sành sanh cái bụng chữ thì làm sao mà mở mày mở mặt với thiên hạ được! Có muốn sờ thì chờ lúc nhá nhem hãy sờ."Tối lửa tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh", mèo nào cũng xám như nhau. Tranh tối tranh sáng thì ... có mắt cũng như không, còn thấy đường nào mà cạo với vét! Dân gian có một giai thoại về cái váy.

Chuyện kể rằng ông lí làng kia mới tậu được cái ô đen. Ông rất hãnh diện, đi đâu cũng che ô để khoe với dân làng. Một hôm ông vênh vang đi qua chỗ có mấy cô gái đang làm cỏ ruộng. Một cô hát:

Hôm qua tôi mất xống thâm

Hôm nay tôi gặp người cầm ô đen.

Một cô phụ hoạ thêm:

-Nói thế thì ra người ta ăn cắp cái xống thâm, cái váy đen của chị về may ô à? Em nhớ là xống thâm của chị tươi đẹp hơn ô đen kia cơ mà. Để em lên mượn, chúng mình xem cho kĩ nhé.

Ông lí bầm gan tím ruột định mắng mấy con "vén váy không nên" kia, nhưng ông chợt nghĩ nhỡ đụng phải bọn "xắn váy quai cồng" thì thật là nan giải. Nghĩ vậy, ông lí vội cụp ô, chuồn cho nhanh.

Hải Phòng cũng có một giai thoại tương tự.

Trong một cuộc hát đúm, cô gái tấn công trước:

Hôm qua em mất cái váy thâm

Hôm nay em thấy anh cầm một chiếc ô đen.

Cô gái chanh chua vừa dứt lời, liền được chàng trai nhã nhặn đáp lễ:

Em nói thế là em cũng nhầm

Hôm qua anh thấy ông đội khăn thâm ra đình

Trong lúc các bà nhà quê phải mất nhiều năm mới bỏ được cái váy sồi, váy đùm, váy đụp, thì mấy cô ở thành thị lại hớn hở tung hô cái váy xoè, váy chẽn, váy cụt của phương Tây.

Thú phô trương ao ước bấy lâu nay! Giờ mới được mân mê cái váy hiện đại, hiện sinh ... hiện hình! Khách bên đường sững sờ liếc trộm cái của lạ muôn màu, muôn vẻ ... Muôn năm!

Thấy mà chóng cả mặt, chỉ ... muốn nằm!

Hoài Thanh, trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh

HOÀI THANH

Tôi được tiếp xúc với Hoài Thanh nhiều lần.
Hồi công tác ở một cơ quan của Tỉnh đảng bộ Thái Nguyên, tôi đã được nghe ông nói chuyện về thơ kháng chiến, tại một địa điểm ở thị trấn Phúc Trìu. Tiếp đó tôi học ở trường sư phạm trung cấp trung ương (đóng ở Chợ Ngọc, Tuyên Quang). ở đây tôi lại được nghe ông nói về đề tài ấy một lần nữa. Cả hai lần đều vào năm 1949.
Khi tôi về học ở Đại học sư phạm Hà Nội (từ 1957 – 1960) thì ông đến dạy mấy bài về văn học Việt Nam thời trung đại: Kiều, Cung oán, Hoa Tiên, Phan Trần..
Sau này, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy đại học, lúc đầu ở Đại học Sư phạm Vinh, sau ở Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi luôn đến ông để hỏi về tình hình văn học thời trước cách mạng tháng Tám và về kinh nghiệm phê bình văn học (Khi ở Nguyễn Thượng Hiền, khi ở Trần Quốc Toản).
Hầu hết những ghi chép của tôi về ông, tôi đã sử dụng trong bài chân dung đặt tên là “ Hoài Thanh, con người sinh ra để đọc thơ, bình thơ”.
ở đây tôi chỉ xin ghi một số điều về ông mà tôi chưa có dịp viết ra hoặc viết ra chưa đầy đủ.
Có lẽ một trong những điều khổ tâm nhất của Hoài Thanh là hầu hết các cây bút cùng thời với ông và cùng theo cách mạng như ông, đều gọi ông là “thằng nịnh” (Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên...)
Cho nên Xuân Sách có thơ:
Vị nghệ thuật nửa đời người
Nửa đời còn lại vị người cấp trên.
Tôi nghe nói, hồi kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu Việt Bắc Hoài Thanh luôn luôn sát cánh với Tố Hữu, luôn gần gũi trò chuyện thân mật với Tố Hữu, trong khi anh em khác thường lảng đi chỗ khác, sợ mang tiếng cầu thân với cán bộ lãnh đạo. Tâm lý anh trí thức thường như thế. Và họ phản ứng với thái độ của Hoài Thanh.
Tôi thì cho rằng, Hoài Thanh là con người sống bằng tình cảm. Hồi cách mạng tháng Tám, ông ở Huế. Lúc ấy Tố Hữu còn rất trẻ mà đã làm chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa của Huế. Một thanh niên vào tù ra tội, lại là một thi sĩ thật sự và cũng mê Kiều như ông, hợp với ông, nên ông phục lắm. Tố Hữu cũng rất quý và tin cậy Hoài Thanh. Khi được gọi ra Bắc để lãnh đạo văn nghệ, người đầu tiên Tố Hữu cần gặp là Nguyễn Tuân. Tố Hữu đã nhờ Hoài Thanh đến Nguyễn Tuân, thương lượng và hẹn thời gian, địa điểm gặp (Nguyễn Tuân hẹn gặp ở nhà hàng Thuỷ Tạ bờ hồ Hoàn Kiếm). Tố Hữu còn là chỗ dựa về chính trị của Hoài Thanh nữa.
Từ Sơn, con Hoài Thanh, có lần nói với tôi: có một bữa, ông Hoài Thanh nằm trên giường, có vẻ mệt. Bỗng ông nói với con: “Cha mà không có anh Lành thì Bùi Công Trừng nó giết cha rồi!” Té ra là thế! Cái chuyện vị nghệ thuật, vị nhân sinh có chết ai đâu mà những ông cộng sản làm to chuyện thế, và thù dai thế! Người ta đã đi theo cách mạng, theo kháng chiến bao năm rồi mà vẫn không tha (cho mãi đến kỳ tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), họ cũng không tặng cho Hoài Thanh, trong khi sẵn sàng tặng cho Hà Xuân Trường, Hồ Tôn Trinh, tuy sự nghiệp của hai vị này có đáng gì đâu so với Hoài Thanh). Tôi cứ nghĩ mãi, không hiểu sao, đối với trí thức, các ông cộng sản lại hẹp hòi và ngu xuẩn đến thế. Chính các ông ấy, đã làm hại cách mạng nhiều lắm.
Anh Từ Sơn còn cho biết, hồi Hoài Thanh phụ trách tuần báo Văn nghệ. Có một số báo, trang đầu in ảnh Trường Chinh. ảnh bị cái tít in quá đậm ở mặt sau làm mờ đi. Trường Chinh gọi Hoài Thanh đến nói: “Anh in ảnh tôi như thế này à?” Hoài Thanh sợ quá, cứ đi lang thang ngoài đường, vô cùng hoang mang. Cái án vị nghệ thuật trở thành cái án chính trị, vẫn như lưỡi gươm lơ lửng treo trên đầu.
Đúng vậy, Hoài Thanh là con người chủ yếu sống bằng tình cảm. Cái tạng ông nó thế (Người ta từng cho ông thuộc loại phê bình tình cảm - để phân biệt với phê bình lý trí, phê bình khoa học chủ nghĩa scientisme). Cho nên, ông có quan hệ đặc biệt với Tố Hữu, viết rất say sưa về thơ Tố Hữu, tập thơ nào củaTố Hữu ra đời cũng lập tức có một bài phê bình rất tâm huyết của ông. Đó, cũng là do cái nợ tình, nợ nghĩa mà ra.
Nhưng cái: “án chính trị vị nghệ thuật” chắc cũng làm cho ông phải lên gân lên cốt khi phủ nhận triệt để Thi nhân Việt Nam:
Thi nhân còn một chút duyên
Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau.
(Xuân Sách)
Chẳng lẽ một con người giầu tình như ông mà lại dễ dàng dứt tình với đứa con tinh thần mà ông đã gửi cả tâm hồn vào đấy. Từ Sơn nói, cuối đời, có lần Hoài Thanh nói với anh: “Nhờ có cuốn Thi Nhân Việt Nam mà người ta mới coi cha là một nhà văn”.
Vậy mà ông lại phủ nhận Thi nhân Việt Nam (Nhìn lại phong trào Thơ mới và cuốn Thi nhân Việt Nam) đến mức Trần Huy Liệu cho là quá đáng, và Tố Hữu thì nói: “Hoài Thanh đã tát mình đau quá”.



Cho nên tôi vẫn cứ ngờ ngợ thế nào về cái thái độ quá cứng, quá tả của Hoài Thanh. Tiếp xúc với ông, thấy ông luôn luôn nói lập trường cách mạng, lập trường giai cấp. Phải có tình cảm đúng, tình cảm đúng là tình cảm của giai cấp công nhân. Ông tỏ ra rất phục các lãnh tụ cộng sản, coi phát ngôn của các vị ấy là chân lý mình phải lấy làm chuẩn, kể cả những phát biểu về văn chương. Và ông không viết về các nhà Thơ mới nữa, mà chỉ chăm chăm viết về thơ Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, hay các cây bút đang chiến đấu ở miền Nam như Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Anh Đức... Cứ như là mỗi bài viết phải là một cuộc chiến đấu về tư tưởng theo gương những người cộng sản. Không biết ông có thật sự tin ở những điều mình nói, mình viết hay không – tôi cứ ngờ ngờ thế nào ấy.



Nhưng ý kiến của Hoài Thanh bên cạnh “phần cứng” cũng có những “phần mềm”. ấy là khi ông phát biểu về những đối tượng khác. Nhiều nhận xét của ông khá thẳng thắn, không dè dặt, né tránh.



Có lần ông nói với tôi về Viện văn học và tờ Tạp chí văn học do ông phụ trách (Lúc này Hoài Thanh làm Viện phó Viện Văn học, thư ký toà soạn Tạp chí văn học): “Viện văn học của chúng tôi làm sao có uy tín được như Tự lực văn đoàn ngày trước. Nó đưa ai lên là được lên. Nó hạ ai xuống là phải xuống”



Bây giờ ta đang chống Mỹ (1967), tạp chí của chúng tôi vẫn ra được đều đều là coi như thắng Mỹ rồi. Mỗi số ra được đúng kì hạn là một trận thắng... Chứ thực ra nhiều bài có chất lượng gì đâu. Tôi khổ với các ông HMĐ, HSV quá, chữ nghĩa, câu văn, tôi cứ phải sửa rất nhiều mới đăng được.



Ông nói về Chế Lan Viên: “Chế Lan Viên sắc sảo, nhiều sáng tạo khá hấp dẫn. Nhưng tôi cứ lởn vởn ý nghĩ về chỗ trung thực của anh. Cuốn Thi nhân Việt Nam của tôi có nhiều sai lầm. Nhưng điều tôi ân hận hơn cả là đã qúa khen Chế Lan Viên. Thực thì chắc có thực, nhưng có thực đến mức ấy không? Có thật “Hồn ai trú ẩn ở đầu ta”, có thật có “tâm hồn Chàm” thế không? Có muốn trốn lên “một tinh cầu giá lạnh” thật không? Xuân Diệu thì chân chất, thật thà.



Về Nguyễn Đình Thi, ông nói vắn tắt: “Chưa bao giờ tôi đánh giá cao nhân cách của Nguyễn Đình Thi”.



Hoài Thanh cũng đánh giá rất thấp con người Huy Cận: “Có người nhân cách tốt nhưng thơ lại không hay, như Thanh Tịnh. Có người nhân cách kém mà thơ lại hay, như Huy Cận”. Đây là ông nói Huy Cận trước cách mạng, Huy Cận “Lửa thiêng”. Thơ Huy Cận sau cách mạng, ông cho là tầm thường (vulgaire) – Trong tập Di bút, ông có ghi lại cuộc trao đổi của ông với Trường Chinh ở chiến khu Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp về Huy Cận. Họ thống nhất với nhau: thơ Huy Cận vulgaire (Khi in tập Di bút thành sách, anh Từ Sơn ngại đụng chạm nên cắt bỏ đi, cả ý kiến của Hoài Thanh về văn của HMĐ nữa). Còn với tôi, ông nói: “Huy Cận xưa hay hơn bây giờ. Bây giờ cũng có bài hay nhưng ít, càng làm càng dở. Xưa trong cái u uất nặng nề, anh chàng 16, 17 tuổi đó có nhìn thấy một góc, một khoảng trời rất trong, rất thơ.



Nay có thể là tâm hồn không u ám nữa, tiến bộ, nhưng không có được khoảng trời rất trong như thế nữa.



Nguyễn Tuân không ưa Hoài Thanh, nói về ông nhiều câu rất ác. Nhưng nhận xét về Nguyễn Tuân, thái độ của Hoài Thanh vẫn rất công bằng: “Nguyễn Tuân địch có thể lợi dụng, như trước cách mạng, nó tặng anh ấy giải thưởng Alexanơre de Rhodes – Sau cách mạng thì bọn Nhân văn lôi kéo. Nhưng Nguyễn Tuân không bao giờ hạ mình làm những điều phi nghĩa. Nguyễn Tuân không phải Nhân văn, không bê tha truỵ lạc trong sinh hoạt như cánh Nhân văn. Nguyễn Tuân thích phát hiện những cái lặt vặt, thứ yếu vì cho rằng những cái quan trọng ai cũng biết cả rồi. Nguyễn Tuân rất bướng. Cần góp ý kiến gì với anh ấy, chúng tôi phải nhờ anh Tố Hữu. Tố Hữu nói mới nghe, mà cũng nghe vừa phải thôi. Anh ấy cho giáo điều thì sinh ra xét lại. Vào Đảng như một thứ nhân sĩ, không gắn bó với một trách nhiệm cụ thể nào, coi mình như một thế giới uỷ, chính uỷ của thế giới, có trách nhiệm với toàn nhân loại. Cho nên chậm tiến. Đi trong kháng chiến như đi chơi, tuy đi chơi trong kháng chiến khác đi chơi trước cách mạng.



Bài Tờ hoa của Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên có công phát hiện, đã bỏ đi. Thế mà sau lại đăng báo được. Tờ hoa là có ý chửi cải cách ruộng đất.



Cái gì quen đi rồi cũng thành nghề. Nguyễn Tuân có nghề chửi. Chửi rất ác. Không thể phê bình thân ái nội bộ được. Nguyễn Tuân cứ phải chửi ác. Nay vớ được thằng phi công Mỹ, tốt quá! Ta chửi Mỹ lâu rồi, song trước kia nó ở tận đâu đâu ấy, nay nó trực tiếp đánh ta, ta nhìn rõ mặt nó rồi. Cái nghề chửi của Nguyễn Tuân được dùng đến, rất tốt. Nguyễn Tuân ghét conformisme. Tôi cho tác dụng của Nguyễn Tuân còn lâu dài đối với cách mạng giải phóng dân tộc.



Hoài Thanh nói về Nguyên Hồng: “Lắm lúc không biết anh ấy thật hay giả. Trên diễn đàn, đang nói, dừng lại: “Cho tôi khóc một lúc đã”. Nguyên Hồng cũng không gắn với một trách nhiệm cụ thể nào, nên chậm tiến bộ”.



Hoài Thanh luôn luôn cho rằng phải sống gắn bó với quần chúng, có trách nhiệm cụ thể với cách mạng mới tiến bộ được.





* *



*



Nhìn chung cuộc đời Hoài Thanh, thấy ông có mấy cái thực sự trở thành niềm say mê:



Một là say Thơ mới (1932 – 1945). Điều này, sau cách mạng ông đã quyết dứt bỏ. Nhưng chắc ở chỗ sâu kín của tâm hồn, vẫn không dứt bỏ được.



Hai là say Kiều. Trước cách mạng thì không nói làm gì. Ông đã ca tụng câu nói mà ông cho là “can đảm” của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.Thi nhân Việt Nam câu thơ của Nguyễn Du: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Và ông đã trân trọng ghi lên trang đầu cuốn



Sau cách mạng, ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã viết ngay một cuốn sách về Kiều: Quyền sống của con người trong Truyện Kiều. Ông ca ngợi Nguyễn Du trong dịp kỉ niệm 200 năm sinh của nhà thơ, rồi ông dạy Truyện Kiều ở Đại học Sư phạm Hà Nội...



Trong những cuộc tiếp xúc với ông, tôi thấy khi nói về quá trình phấn đấu về tư tưởng để có được lập trường của Đảng, có được tình cảm mà ông gọi là tình cảm đúng đắn của giai cấp công nhân, cứ thấy ông quẩn quanh, vướng vít không sao dứt khỏi được duyên nợ với Truyện Kiều. Ông thương cô Kiều chịu nhiều oan khổ thì không có chuyện gì. Nhưng ông cảm thông với giấc mộng Từ Hải của Nguyễn Du thì có vấn đề. Ông biết Cụ Hồ nói: “Thằng Từ Hải sao nó tồi thế. Nó không chết đứng thì về triều nó cũng chết ngồi”. Lê Duẩn phê phán cuốn “Quyền sống...” của ông. Tuy ông rất phục Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, nhưng ông vẫn chưa thông. Đến cuộc chỉnh huấn năm 1952, Tố Hữu còn phải giúp đỡ ông nhiều: “Làm sao lại lấy Từ Hải làm lý tưởng được: một nhân vật bất mãn và bất lực”. Nhưng ông vẫn chưa thông hẳn.



Duyệt lại quá trình phê bình, nghiên cứu của Truyện Kiều của mình, ông nói: “Trước cách mạng tháng Tám mình viết “Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du” (1944), nhiệt liệt ca ngợi Từ Hải. Lúc nhỏ tôi cũng có mộng anh hùng (Hoài Thanh từng tham gia đảng Tân Việt và từng bị bắt giam một thời gian ở Hà Nội, sau đó bị trục xuất về Nghệ An), rồi cuộc đời ác liệt quá, lại không gắn được với một tổ chức nào cho chắc nên không dám làm anh hùng. Nhưng vẫn có mơ ước làm anh hùng. Nguyễn Du chắc cũng vậy. Đến thời kháng chiến, năm 1948, tôi viết Quyền sống của con người trong Truyện Kiều, tự thấy chưa thay đổi gì lắm. Đi cách mạng, ừ thì đi. Rồi đâu cũng vào đấy thôi, chỉ khác là có đánh Tây. Vì thế trong cuốn sách tôi chỉ thêm có một câu: “ Nhân dân ta đang thực hiện giấc mộng anh hùng của Nguyễn Du và còn vượt xa nữa. Nói chung vẫn ca ngợi Từ Hải.



Sau chỉnh huấn 1952, cũng chưa hoàn toàn thay đổi. Trước thì viết Từ Hải chết vì ngay thẳng mà chết. Sau viết, Từ Hải chết vì thật dạ tin người. Đến mãi 1965, kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du tuy có phê phán Từ Hải thiếu cảnh giác, nhưng trong phê phán vẫn có thương hại nhiều...



Đấy, qua lời tự bạch của Hoài Thanh, thấy ông không sao dứt được khỏi tâm trí mình nỗi ám ảnh của Từ Hải, giấc mơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Dù đấu tranh tư tưởng, dù kiểm thảo lên, kiểm thảo xuống, vẫn không dứt ra được. Ông mê Kiều có lẽ còn hơn cả Chu Mạnh Trinh ngày trước: “Ta cũng nói tình, thương người đồng điệu”.



Một niềm say mê nữa cũng đeo đuổi Hoài Thanh đến trọn đời là đọc thơ, bình thơ, giảng thơ. Con người tình cảm của Hoài Thanh tất nhiên thể hiện rất rõ ở lĩnh vực này.



Ngay giải thích những hiện tượng văn học sử ông cũng dùng kinh nghiệm đời sống, dùng trực cảm. Ông không thích nói lý luận, có lẽ ông không tin ở lý luận.



Ông nói, nhà thơ lãng mạn đến với cách mạng, sáng tác được ngay vì quen ca ngợi. Còn nhà văn hiện thực phê phán lại lúng túng, không viết được, vì chửi đã thành nghề rồi. Chỉ quen chửi. Đến với cách mạng, chửi ai?



Ông cho rằng, vấn đề dân tộc bao giờ cũng gây xúc động mạnh. Cách mạng vô sản nói chuyện giai cấp nên khó hấp dẫn. Mặt trận Việt Minh ra đời nêu dân tộc lên hàng đầu, làm nức lòng người.



Về tầng lớp tiểu tư sản, ông cho rằng, tiểu tư sản yêu nước song yếu đuối. Rất sợ cây súng của Tây nên không tin tưởng. “La raison du plus fort est toujours la meilleure” là cái triết lý nó đè lên tâm hồn như một định mệnh.



Ông nói về phê bình văn học: “Ta cho đến nay chưa có ai gọi là nhà phê bình. Từ 1930, cái gì cũng đổi mới cả, song chưa thể nói đã có phê bình chuyên nghiệp (nhà văn chuyên nghiệp thì có). Thường chỉ là nghiệp dư, làm một nghề nào đó rồi mới làm thêm phê bình.



Muốn đẩy mạnh phê bình, phải giải quyết:



- Gây hào hứng cho phê bình. Người ta hiện nay không thích viết phê bình, không hào hứng làm nhà phê bình.



- Tạo điều kiện để có nhà phê bình chuyên nghiệp.



- Luyện cách viết cho hay. Hiện nhiều người chưa có cách viết, không biết cách viết. Phải viết thế nào cho người ta đọc một câu cứ phải đọc tiếp.



Nhược điểm của phê bình là không dứt khoát, tác phẩm nào cũng ưu một chút, khuyết một chút. Như nhau. Người đọc không biết anh cho tác phẩm là hay hay dở. Phê phán Vào đời và Đống rác cũ là trung ương phê chứ có phải nhà phê bình nêu ra đâu.



Hiện nay có hiện tượng trái ngược là nhà văn và nhà phê bình đọc tác phẩm rất ít, ít hơn quần chúng. Anh phê bình chỉ đọc để viết thôi. Khi cần viết mới đọc.



Phê bình phải có hai điều kiện:



- Nhậy cảm. Xúc cảm nhạy bén.



- Có văn hoá. Dù là inpressionnisme cũng phải có văn hoá. Phải đọc nhiều, đọc hết, có ấn tượng sâu và nhớ lâu.



Ngày xưa tôi đọc nhiều lắm, nhớ lâu, dễ khóc. Nay khó khóc quá - “Tuổi già hạt lệ như sương”. Cũng ít nhớ. Tôi thuộc loại người cũ rồi. Lê Đình Kỵ thế mà cũng thuộc loại cũ rồi.



Đi vào văn học mà 40 tuổi mới vào là dại. Vào làm gì! Viết văn là phải bắt đầu từ trẻ, có nhiệt tình, nhậy cảm. Người ta viết văn bằng những ấn tượng những năm lên năm, lên bẩy, chứ không phải 30, 35 đâu.



Và cái đó không thay đổi được. Cái tạo nên tài năng, phong cách, sở trường là hoàn cảnh sống từ tuổi lên năm, lên bẩy: cánh đồng ấy, bờ tre ấy, cái ao ấy... Sau này lớn lên, thay đổi quan điểm, lập trường, chứ không thay đổi phạm vi đề tài, cách viết, cách cảm xúc, cách nghĩ. Không nên bắt người ta thay đổi. Bắt vô ích. Mỗi ca sĩ chỉ hát hay vài bài, Tân Nhân chỉ hát hay vài bài, các bài khác cũng hát được nhưng không hay.”



Về vấn đề tính dân tộc của văn học, tôi rất tán thành ý kiến Hoài Thanh: “Tính dân tộc chỉ cảm thấy thôi, rất khó định nghĩa hay phân tích cho rành mạch”. Viết văn thì phải thể hiện tính dân tộc. Nhưng tính dân tộc là gì? Hoài Thanh bình thơ Giang Nam viết về tình vợ chồng mà ông cho là có tính dân tộc:



Dây bầu sai trái bên đầu ngõ



Vẫn đợi anh về hái nấu canh



Đó là tính dân tộc đấy, rất Việt Nam! Người vợ nghèo Việt Nam chỉ mơ ước thế thôi.



Nhớ chồng, thương chồng, em khóc. Nhưng lại đổ tại con:



“Nó khóc làm em cũng khóc theo”



Thực ra con không khóc, em cũng khóc.



Tình cảm của người Việt Nam thường tỏ bầy, kín đáo, lặng lẽ, không ồn ào. Đó là cái tần ngần của Kim Trọng khi trở lại vườn Thuý:



Cuối tường gai góc mọc đầy



Đi về này những lối này năm xưa...



Người Tây thì khác: Le lac của Lamartine: Ôi, hồ! ầm ĩ cả lên.



Về việc phân biệt thơ hay thơ dở, tức là việc thẩm văn, Hoài Thanh cũng quan niệm hết sức đơn giản, theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa. Ông nói: “Phân biệt thơ hay thơ dở chỉ có đọc nhiều. Ăn phở mãi thì phân biệt được phở ngon. Chứ phân chất, định nghĩa phở ngon là gì, vô ích. Nhưng phải đọc kỹ, phải tinh. Nếu không, có khi mắc lừa. Phở có lẽ ít mắc lừa hơn.



Về điểm này, tôi thấy Hoài Thanh chỉ đúng một phần thôi. Vì thực tế có người đọc rất nhiều mà thẩm văn vẫn kém. Quan trọng là phải sống sâu sắc với những gì mình đọc, cũng như những gì mình thấy, mình nghe...Người sống hời hợt thì đọc thiên kinh vạn quyển, đi khắp thế giới, sống đến trăm tuổi, cũng chẳng có được năng lực thẩm văn tử tế. Theo tôi, Hoài Thanh sở dĩ thẩm văn tốt, chủ yếu vì ông sống sâu sắc cuộc sống của mình, sống sâu sắc với mọi cảnh vật quanh mình. Cứ đọc những đoạn bình thơ của ông mà xem.



Thí dụ, ông bình thơ Tố Hữu, bài Việt Nam, máu và hoa



“Ngày 29 – 1 – 1973, báo Nhân dân đăng bài Việt Nam máu và hoa của Tố Hữu. Hôm ấy, hiệp định Pari vừa kí được hai hôm. Nhà thơ cảm thấy một niềm vui lớn quá, tưởng chừng như không phải là chuyện thật mà là chuyện trong mơ:



Khao khát trăm năm mãi đợi chờ,



Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ



Cả cái êm ả của bầu trời, cái bình yên của mặt đất cũng có cái gì như là không thật:



Một trời êm ả xanh không tưởng,



Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ.



Có người băn khoăn: chuyện ta chiến thắng là chuyện tất nhiên, chuyện ta dự kiến từ lâu, chính ta tự mình làm nên chiến thắng, tại sao gọi là chuyện trong mơ? Nhưng tuần tự và đột biến, tất nhiên mà ta vẫn cứ ngạc nhiên, cuộc sống xưa nay là thế và chính vì thế mà say người. Một cây hoa ta trồng ta biết nó sẽ nở hoa, nhưng đến ngày nở hoa, ta lại không khỏi có chút ngạc nhiên. Một đôi vợ chồng trẻ, một hôm nào đó cũng không ngờ mình đã làm cha, làm mẹ. Một bông hồng nở, một đứa bé ra đời còn thế nữa là chuyện chiến thắng hôm nay...”



Đấy, ông có dẫn sách vở gì đâu. Toàn nói chuyện kinh nghiệm sống thông thường mà đem đến cho ông những rung cảm trước những vần thơ.



Ông nói đúng: Đọc thơ, nếu không có vốn sống thì cứ dửng dưng, không có xúc cảm gì. ấy là thơ đã gieo vào những tâm hồn chưa có gì để đón đợi nó.



Cảm nhận được thơ hay thơ dở rồi, lại còn phải biết diễn đạt sao cho hấp dẫn nữa. ở đây, Hoài Thanh có hai tư cách thống nhất làm một: nhà phê bình và thày giáo dạy văn.



Ông nói: “Cách viết, cách nói không nên cố định, mà tuỳ bài, tuỳ nội dung mà quyết định hình thức. Có thể đi từ đại ý đến chi tiết hay ngược lại. Điều quan trọng là làm sao luôn luôn đặt ra những vấn đề để giải quyết – cuộc sống là như thế.



Và phải nói sao buộc người nghe phải chờ đợi.



Thí dụ, năm 1941, Tố Hữu ở trong tù viết bài Quyết hy sinh, đã vẽ được hình ảnh người chiến sĩ cộng sản rất đẹp:



Các anh chị bước lên đài gươm máy



Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi!



Song lúc đó anh mới 20 tuổi, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, nên hình ảnh chưa sâu. Đến bài Ba mươi năm đời ta có Đảng ( 1960), hình ảnh người chiến sĩ được vẽ sâu hơn: “Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”. Đúng hơn, sâu hơn. Đằng sau câu thơ lại có thấp thoáng hình ảnh anh Hoàng Văn Thụ.



Thí dụ khác: Tháng Tám 1945, Tố Hữu làm bài Hồ Chí Minh. Hình ảnh Bác rất đúng, rất đẹp:



Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng



Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời.



Nhưng lúc đó, Tố Hữu chưa được gần Bác, nên có câu không đúng “Tiếng người thét, mau lên gươm lắp súng”. Tiếng thét này không phải của Bác. Sau này trong bài Sáng tháng năm, anh sửa lại đúng hơn:



Giọng của Người, không phải sấm trên cao



Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước.



Về cách nói, có cách nói nhợt nhạt, có câu nói cứ trơn tuồn tuột. Có cách nói làm cho người ta phải chú ý. Chữ dùng thì phải bình dị, gần gũi. Phải học ngôn ngữ quần chúng, học ca dao, để nói cho đỡ khô khan.



Và phải tuỳ thể loại của tác phẩm. Mỗi thể loại có ưu thế và hạn chế của nó, đáp ứng một khía cạnh nào đó của đời sống. Chẳng hạn, đánh giá Sống như anh phải theo đặc trưng của thể ký. Đọc ký, người ta tin có thực. Cái hay của ký, tác dụng của ký, một phần là ở chỗ người đọc tin là có thực. Nếu là tiểu thuyết thì người ta đòi hỏi nhân vật phải được đào sâu vào tâm lý với những diễn biến thầm kín và phức tạp. Nhưng là ký thì không ai đòi hỏi thế. Lê Anh Xuân làm Trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Anh tả chị Quyên đến thăm anh Trỗi ở khám tử hình “Chấn song sắt cũng trổ cành đơm hoa”. Thơ tả thế được. Ký không tả thế được.



* *



*



Hoài Thanh vốn là một học sinh trường Bưởi. Ông cùng Tôn Quang Phiệt tham gia đảng Tân Việt, bị nó bắt giam rồi trục xuất khỏi Hà Nội, tống vào Vinh. Có một thằng Tây, chủ nhà máy gạch Vinh thấy ông nói được tiếng Pháp, gọi cho làm thư ký.



Một buổi kia đi làm, xe đạp thủng săm, đến chậm 15 phút, nó tát tai và đuổi. Ông tìm được một gia đình xin làm gia sư. Bùi Huy Tín ở nhà in Đắc Lập, Huế, tình cờ gặp, đưa vào trong ấy làm thợ chữa morasse (1931). Đến năm 1933, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt thành lập trường Collège tư thục Thuận Hoá. Ông được mời dạy. Ông dạy Việt văn và tiếng Pháp, vừa đi làm, vừa đọc sách, viết văn từ ngày ấy.



Hồi làm thợ chữa morasse, Hoài Thanh đã viết phê bình. Rồi nổ ra cuộc tranh luận với Hải Triều về quan điểm nghệ thuật. Hoài Thanh hàng ngày đi làm phải cuốc bộ, guốc gỗ, vậy mà bị quy là nhà văn phú hào. Còn Hải Triều đi xe nhà gọng đồng, nhà có 8 đầy tớ, thì là nhà văn vô sản. Hoài Thanh ngẫm nghĩ thấy cũng buồn cười.



Nhà in Đắc Lập, nơi làm việc của Hoài Thanh rất gần hiệu sách Hương Giang của Hải Triều. Họ rất dễ gặp nhau. Nhưng Hải Triều tránh không muốn gặp Hoài Thanh, vì sợ gặp, nhỡ hoà giải với nhau thì mất đối tượng đấu tranh.



Đọc thơ, bình thơ quả là niềm say mê, một niềm vui, thậm chí là lẽ sống của Hoài Thanh. Dường như lúc nào ông cũng băn khoăn day dứt về chuyện văn chương.



Trước cách mạng, cãi nhau với Hải Triều cũng là chuyện say mê văn chương. Sau cách mạng, phấn đấu về tư tưởng, nhưng vẫn luôn luôn trăn trở về quan niệm văn chương thế nào là đúng, là sai.



Năm 1954, anh Thành Thế Thái Bình được cử vào tiếp quản Thủ đô. Trước khi nhận nhiệm vụ này, anh có tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 với Hoài Thanh ít ngày ở Đại Từ – Thái Nguyên. Anh nhận xét, Hoài Thanh ba cùng rất nghiêm túc, thái độ với anh đội trưởng rất kính cẩn, một thưa anh, hai báo cáo anh, tuy anh này rất trẻ, chỉ đáng tuổi con ông thôi. Thành Thế Thái Bình lúc đó chỉ độ 20 tuổi, cũng được ông thưa gửi như thế. Ông không hề tỏ ra là một nhà văn, không bao giờ nói chuyện văn chương. Nhưng những buổi tối sáng trăng, thấy ông thường ngồi trầm ngâm, ở cái chõng ngoài sân, hút thuốc lào, vừa chống cái điếu cày, vừa nhìn trăng, thỉnh thoảng thở dài. “ Yêu trăng có phải là vị nghệ thuật không nhỉ, cũng có thể là vị nhân sinh chứ! Có nhất thiết cứ phải trực tiếp viết về người nghèo khổ mới là vị nhân sinh? Như thơ Hồ Xanh: “Nước mắt của anh em vô sản, là nguồn thơ chảy ra vô tận”? Tôi đoán ông tự hỏi mình như thế khi ngắm trăng và thở dài. Tôi nghĩ thế vì liên hệ đến đoạn Di bút của ông sau này viết về ý kiến Lê Duẩn nói với họa sĩ Huỳnh Văn Gấm hồi hoạt động ở trong Nam: “Không nhất thiết bức tranh nào cũng trình bày những hình ảnh công nông. Một bông hồng rung rinh dưới ánh mặt trời trong sương sớm sao lại không được xem là nghệ thuật vị nhân sinh?”.



Trong những ngày cuối đời, ông ghi những ý nghĩ của mình vào một tập giấy gọi là Di bút. Đọc tập Di bút này thấy những băn khoăn day dứt cuối đời của ông chủ yếu cũng vẫn là chuyện văn chương, đặc biệt là chuyện hiểu thơ và bình thơ.



* *



*



Nhưng trong những ngày cuối cùng trước khi mất, theo anh Từ Sơn, Hoài Thanh hình như có ngộ ra một cái gì đó có vẻ ngược chiều với những suy nghĩ trước kia của ông.



Trong Di bút (bản đánh máy Từ Sơn cho tôi) tuy ông chủ yếu nói về văn chương, nhưng cũng có nêu lên một vài thắc mắc về chế độ xã hội miền Bắc. Chẳng hạn, ông nhận xét thái độ lao động của cán bộ ta không nghiêm túc bằng những viên chức của các cơ quan dưới chính quyền nguỵ (gọi là viên chức “lưu dung”). Thí dụ, những cô y tá, hộ lý của bệnh viện ta không phục vụ bệnh nhân tốt như y tá, hộ lý của các bệnh viện ở Sài Gòn trước 1975 ở lại làm việc với ta, hay những cô mậu dịch của ta thì rất hách dịch, cửa quyền. Còn luật lệ giao thông của ta thì không nghiêm như luật lệ giao thông của Sài Gòn thời nguỵ...Ông thuật lại câu chuyện của em ông là Nguyễn Đức Ninh là đảng uỷ viên xã Nghĩa Mỹ huyện Nghĩa Đàn. Trong cải cách ruộng đất, khi anh bí thư đảng uỷ bị bắt, bị quy là phản động mà Ninh không hề biết, anh rất phục đảng: đảng tài giỏi quá!. Nhưng đến khi chính anh cũng bị bắt thì anh mới thấy, hoá ra đảng cũng sai (Từ Sơn cho biết Nguyễn Đức Ninh bị kết án tử hình, sau hạ xuống tù chung thân).



Ông thắc mắc cả về Lê Duẩn khi Duẩn nói Nguyễn Du không có chút tình cảm gì với quần chúng. Ông thắc mắc cả về Hồ Chí Minh: trong 5 điều Bác Hồ dạy “không có một điều nào nói về tình thương mẹ, thương cha. Tình thương ấy mà không có hoặc có mà lệch lạc thì đâu có thể nói được là đã nên người”. Hoặc là “vào khoảng năm 1952, tôi được nghe Bác nói trong một lớp chỉnh huấn: “Bác có thể sai, Trung ương có thể sai... Nhưng đồng chí Mao Trạch Đông, đồng chí Xitalin thì không thể sai”(...). ý kiến ấy khó có thể nói là không sai.



Tuy thắc mắc đấy, nhưng qua cách diễn đạt, thấy ông vẫn phải rào đón rất kỹ. Di bút chỉ viết cho con đọc thôi mà phải rào đón như thế có nghĩa là ông chỉ phân vân thế thôi, chứ vẫn rất tin ở đảng, ở Lê Duẩn và cụ Hồ.



Về bài thơ của Xuân Sách viết về ông, Đặng Vương Hưng có viết trên một số Văn nghệ công an rằng Xuân Sách có đến thăm Hoài Thanh khi ông Hoài sắp mất. Xuân Sách cho biết, cuối cùng Hoài Thanh đã thú nhận Xuân Sách viết về ông như thế là đúng. Thực ra, theo Từ Sơn, Đặng Vương Hưng đã bịa ra chuyện ấy. Vì khi ốm nặng, Hoài Thanh ra Hà Nội, còn Xuân Sách vẫn ở Vũng Tầu, không hề đến thăm. Theo Từ Sơn, chuyện thật chỉ là thế này: Hoài Thanh nói với Từ Sơn: “Xuân Sách nó dùng Kiều để nói mình vì biết mình mê Kiều. Nhưng câu thứ hai ác quá. Nên sửa như thế này cho đúng: “Nửa đời lại phải vị người cấp trên” – thêm cho một chữ “phải”. Vậy là có thể hiểu,Hoài Thanh quả có công nhận Xuân Sách nói đúng một phần về mình.

Khi Hoài Thanh mệt nặng, Từ Sơn có nói với Tố Hữu đến thăm.

Tố Hữu đến, Hoài Thanh quay mặt vào tường không tiếp. Tố Hữu về rồi, ông mới quay ra. Ông nói với Từ Sơn: “Từ bài Chuyện thơ (Làm bí thư hoài có bí ... thơ), coi như sự nghiệp của Tố Hữu đã kết thúc.

Tôi cho ông nói thế là đúng. Qua bài Chuyện thơ, Tố Hữu ngang nhiên tuyên bố: “Ta là nhà thơ bí thư Đảng, nhà thơ lãnh tụ đây!”. Cụ Hồ làm thơ có bao giờ tuyên bố thế đâu! Thậm chí còn coi những “bạn tù nghiện ngập, bẩn thỉu, ghẻ lở là tri âm tri kỷ nữa “Gẩy đàn trong ngục thấy tri âm” (Ghẻ)


Láng Hạ, 25 – 5 – 2007


NGUYỄN ĐĂNG MẠNH VIẾT VỀ HOÀNG NGỌC HIẾN



Hoàng Ngọc Hiến là một trong hai người bạn đồng tuế thân nhất của tôi (người thứ hai là Phạm Luận, cán bộ giảng dạy ở Đại học Việt Bắc). Có thểgọi là tri âm tri kỉ, hiểu nhau từ cái hay đến cái dở, chỗ mạnh và chỗ yếu, hoàn toàn tin cậy nhau, luôn quan tâm bảo vệ nhau.

Tôi với Hoàng Ngọc Hiến như có duyên trời xe kết vậy.

Anh ở tận Nghệ Tĩnh, tôi ở Việt Bắc. Thế mà tình cờ gặp nhau. Tôi cùng gia đình tản cư từ Bắc Ninh lên Thái Nguyên hồi kháng chiến chống Pháp, anh thì chạy cải cách ruộng đất cũng vọt lên đấy. Anh có một người học trò tên là Lới, trong đoàn uỷ cải cách ruộng đất, báo cho biết phải chạy ngay lên Việt Bắc vì lý lịch xấu, có thể nguy. Và anh ta lấy quyền đoàn uỷ viên giải quyết ngay cho Hiến (Trong cải cách, bố Hoàng Ngọc Hiến bị quy địa chủ và bị tù). Lên Thái Nguyên, anh dạy văn ở trường Lương Ngọc Quyến. Còn tôi lúc đó là cán bộ Sở giáo dục Việt Bắc thường đến Lương Ngọc Quyến là trường trọng điểm của Sở, để kiểm tra, theo dõi về chuyên môn.

Dạy ở Lương Ngọc Quyến ít lâu, anh được gọi về trường Đại học Hà Nội. Thầy Nguyễn lương Ngọc cho Hiến có hiểu biết về triết học, bố trí làm trợ lý cho Trần ĐứcThảo. TRần Đức Thảo thấy Hiến là đảng viên, không nhận. Vì thế Hiến phải chuyển sang làm trợ lý cho Hoàng Xuân Nhị dạy văn học Nga Xô viết.

Từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiến được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Tôi thì chả đi đâu cả, chỉ quanh quẩn ở trong nước. Nhưng rồi tình cờ tôi và Hiến lại gặp nhau ở Đại học Sư phạm Vinh. Tôi thì bị điều từ Hà Nội vào. Hiến lẽ ra được ở Hà Nội, vì Đại học Hà Nội cử đi học, nay đỗ phó Tiến sĩ trở về, phải được ở Hà Nội. Nhưng Đỗ Đức Uyên bí thư đảng uỷ và Hoàng Dung bí thư liên chi cho Hiến mắc chủ nghĩa xét lại Khrútxốp, không nhận lại nữa, tống anh vào Vinh.

Từ Vinh, tôi được chuyển ra Hà Nội trước. Hiến ra sau. Nhưng rồi lại gặp nhau ở trường Viết văn Nguyễn Du. Anh phụ trách trường này, còn tôi được mời đến dạy. Rồi nhờ có Phan Ngọc Thu, một học trò cũ của tôi, lúc đầu ở Đại học Sư phạm Huế, sau ở Đại học Đà Nẵng, tổ chức đào tạo giáo viên cấp II lên trình độ đại học và bồi dưỡng giáo viên chuyên văn, thường mời tôi và Hiến vào giúp. Thế là lại gặp nhau luôn, khi ở Huế, khi ở Đà Nẵng, khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thích đi, Hiến cũng thế. Tôi là thằng ham chơi, vui đâu chầu đấy, Hiến cũng vậy, cứ ới là đi, để tán chuyện, để đánh chén. Ngoài ra tôi hay mời anh đến làm phản biện cho nghiên cứu sinh của mình. Mời là anh đến ngay...

Tuy nhiên tôi và Hiến có những chỗ không giống nhau. Anh dạy văn học nước ngoài, thích lý luận, thiên về tư duy trừu tượng, say mê triết học Đông Tây. Tôi chỉ dạy văn học Việt Nam và thiên về nghiên cứu văn học sử và phêbình văn học. Hiến rất thích nhận xét khái quát, đúc thành những mệnh đề chắc nịch, tuy có phần cực đoan, chẳng hạn:

- Đặc điểm người Nghệ Tĩnh: "Cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc."

- Phân loại cán bộ giảng dạy đại học: "Có hai loại động vật và thực vật. Loại động vật, suốt ngày lăng xăng, chạy từ đề tài này sang đề tài khác, không nghiên cứu được cái gì nên hồn, dù thông minh, cũng chỉ có những ý kiến loe loé thế thôi, chẳng làm nên sự nghiệp gì. Loại thực vật, ngồi yên kiên trì suy nghĩ, như cái cây cắm rễ xuống đất thật sâu, có thế mới làm khoa học được."

- ý kiến sinh viên nhận xét thầy: "Nói chung chê thì đúng, khen thì

thường sai..."

Hiến cái gì cũng muốn giải thích, cũng tìm quy luật. Thí dụ: Anh nói: " Lê Hoài Nam nếu cao hơn 5 phân, số phận khác hẳn". Lê Hoài Namlà chủ nhiệm khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, sau là bí thư đảng uỷ trường và Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Anh người thấp lùn, hơi dị dạng. Hiến cho rằng vì đặc điểm cơ thể như vậy nên Lê Hoài Nam rất ngại xuất hiện ở chỗ đông người, nơi thành phố lớn, nên cứ lùi dần, lùi dần vào nơi hẻo lánh: Vinh, rồi Quy Nhơn.

Có lần tôi nhận xét, các danh nhân thế giới thường là người ở các tỉnh nhỏ, nhưng về Thủ đô thì thành danh nhân. Danh nhân người gốc ở Thủ đô rất ít. Như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, như Marx, Tolstoi, Lomonosov, Napoléon... Hiến giải thích luôn: "Vì ở Thủ đô lắm cái hấp dẫn làm cho con người ở đây phung phí hết tinh lực, Người các địa phương tinh lực không mất, về Thủ đô được phát huy lên".

Vì sao Hồ Chí minh chết đúng vào ngày Tuyên ngôn độc lập 2.9? Hiến giải thích: "Vì ông cố tình chết vào ngày ấy. Ông Hồ là đáo để lắm. Chỉ cần dứt đứt các giây dợ ở ống thở ôxy là chết chứ gì".

Hiến thường có những nhận xét rất gọn và rất ác về người này người khác trong giới đại học. Hồi ở Đại học Sư phạm Vinh, tôi với Hiến thường đạp xe đi về cùng đường với nhau (Hà Nội - Vinh hay Hà Nội - Thanh Hoá) dọc đường, thường "luận anh hùng" trong thiên hạ. Thường tôi hỏi, Hiến trả lời. Thí dụ:

- NĐN (một giáo sư tiến sĩ được đánh giá rất cao ở Đại học Sư phạm Hà Nội) chỉ là một giáo viên cấp III giỏi.

- Không nên đánh giá ĐVK (giáo sư tiến sĩ của Đại học tổng hợp Hà Nội) là giỏi hay dốt. Anh ta là người không có trí khôn.

- HL (cán bộ dạy sử của Đại học Sư phạm Vinh) kết tinh mọi cặn bã của dân Nghệ Tĩnh.

- Có một giáo sư văn học, trước khi dự lớp, anh đánh giá là một con sư tử (về chuyên môn, khoa học), khi dự lớp về, anh nói: chỉ là một giáo viên phổ thông.

- Một vị giáo sư văn học khác, anh cho chẳng hiểu văn là gì cả.

- Anh nhận xét ĐT, một cây bút phê bình khá tài hoa ở hải ngoại, chỉ là một ông chánh tổng Annam ở Paris.

- PTL (giáo sư trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Hiến nói: "Một điều nhục nhã của mình là đồng hương với PTL. Thậm chí chỉ quen biết PTL thôi cũng đã là một sai lầm, một sai lầm không thể sửa chữa được".

Hiến có những nhận xét rất cảm tính, nghĩa là chưa có căn cứ đầy đủ. Nhưng anh rất tin ở trực cảm của mình.

Trường Đại học Sư phạm Vinh có chủ trương cán bộ giảng dạy phải theo sát thực tế phổ thông. Ai đã đi hướng dẫn thực tập sư phạm thì không nói làm gì, những những người không hướng dẫn thực tập cũng phải về ở một đoàn thực tập nào đấy khoảng một tuần lễ, gọi là tham quan thực tập. Hiến cũng phải về một đoàn, anh chọn một đoàn ở gần chỗ khoa Văn sơ tán, do LBH phụ trách. Đêm ấy, LBH và Hiến cùng ngủ trong một căn phòng kê hai cái giường song song. LBH hỏi Hiến một cách trịnh trọng: "Anh là người sâu sắc, từ ngày anh về trường này, anh nhận xét tôi là người thế nào?". Hiến trả lời luôn: "Cậu là người thiếu nhân cách". LBH ắng đi một lúc vì nhận xét quá bất ngờ của Hiến. Nhưng rồi gặng hỏi Hiến: "Anh cho dẫn chứng?". Hiến bí không tìm ra dẫn chứng. Mãi sau cũng cố đưa ra một ví dụ: "Chẳng hạn, cậu không biết tiếng Pháp mà cứ làm như biết".

Trong quan hệ hàng ngày với tập thể cán bộ, sinh viên, Hiến rất hồn nhiên, chân thật, dễ tính, nên được anh em mến. Nhưng hình như anh có máu phiến loạn, thích gây sự với lãnh đạo. Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Phạm Văn Đồng có viết một bài về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài ấy, người khác có thể coi là thường, không hay hoặc chưa đúng chỗ này chỗ khác. Nhưng Hoàng ngọc Hiến thì phải nói: "Phạm Văn Đồng viết bài ấy là thiếu văn hoá". Ở Đại học Sư phạm Vinh, Hiến bị lãnh đạo quy tội thiếu quan điểm giáo dục, vì không chịu đi thực tế, luôn luôn bỏ ra Hà Nội, lẩn tránh việc hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm. Hôm ấy, chi bộ họp kiểm thảo Hiến về khuyết điểm này, có Lê Hoài Nam là đảng uỷ viên của trường xuống dự. Hiến nói: "Tôi cho rằng không đi thực tế mà nắm được thực tế mới giỏi. Tôi kém, nên còn phải đi thực tế một lần. Anh Lê Hoài Nam không đi lần nào mà nắm được thực tế mới giỏi chứ!" Những câu nói như thế, tôi chắc Hiến đều có nghiền ngẫm cẩn thận. Phóng ra những đòn như thế, Hiến bao giờ cũng chuẩn bị rất chu đáo. Tôi biết rõ điều này. Vì cùng được mời đi nói chuyện với anh nhiều lần, tôi thấy anh bao giờ cũng chuẩn bị bài bản rất cẩn thận.

Trở lại tính thích gây sự của Hiến đối với lãnh đạo. Như đã nói, Hiến ít ở khoa (Đại học sư phạm Vinh), hay ra Hà Nội. Có lần anh vắng mặt đúng vào dịp công đoàn khoa văn xếp loại cán bộ theo ba mức A, B, C. Tiêu chuẩn cũng nhẹ nhàng thôi. Loại A chỉ là không có khuyết điểm gì đáng kể thôi. Hầu như cả khoa không có trường hợp nào phải xếp loại B cả. Tổ công đoàn, được sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, lập kế hoạch: khi Hiến ở Hà Nội vào thì họp xếp loại. Chủ trương của Chi bộ là phải, nhân cuộc xếp loại này, nghiêm khắc kiểm điểm Hiến về tư tưởng. Trình tự cuộc xếp loại được dự kiến như sau: người được xếp loại tự xếp loại trước. Anh em trong tổ có ý kiến sau. Người ta đoán chắc Hiến sẽ tự nhận loại A. Lúc đó anh tổ trưởng sẽ điều khiển tổ viên phân tích thiếu sót của Hiến, đại khái như sau: Anh Hiến chỉ đáng xếp loại B thôi, vì khuyết điểm này, khuyết điểm khác... Nhưng gần đây anh đã tỏ ra có tiến bộ, thí dụ như gánh nước uống cho anh em tập tự vệ, vậy ta chiếu cố xếp lên loại A... Nhưng, bất ngờ, Hiến chỉ tự xếp loại B. Bài bản đã dự kiến thế là bị phá sản. Tuy thế, tổ trưởng là tay khá thông minh, anh ta vẫn tìm được cách thực hiện phương án cũ: "Đúng, anh Hiến tự xếp mình loại B là đúng (Phân tích khuyết điểm của Hiến một chập). Nhưng vì gần đây có một vài tiến bộ nên ta chiếu cố xếp lên loại A". Hiến nhất định không nghe, chỉ nhận loại B thôi. Anh nói: "Đối với tôi A hay B cũng thế thôi. Và tôi chẳng tiến bộ gì cả. Còn nếu các anh muốn tìm chỗ tiến bộ thật sự của tôi thì tôi xin mách: tôi rất tiến bộ về chuyên môn, soạn bài rất kỹ". Mà đúng như vậy thật. Tôi đã dự giờ Hiến dạy một lần. Anh soạn bài rất nghiêm túc. Anh muốn ý tưởng của mình phải được trình bầy thật sáng rõ, rành mạch, gây ấn tượng và có sức thuyết phục.

Hoàng Ngọc Hiến có một phản ứng khá dữ dội, chung quanh vụ "hiện thực phải đạo" (Hoàng Ngọc Hiến viết bài Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua đăng Văn nghệ số 23 (9.6.1979) có luận điểm nổi tiếng "hiện thực phải đạo"). Hồi ấy anh còn ở Triệu Việt Vương. Tôi đến anh một buổi chiều. Anh kể một câu chuyện vừa xẩy ra với anh: sau bài "hiện thực phải đạo", anh bị đánh rất mạnh. Trên tạp chí cộng sản, Hà Xuân Trường có bài đả Hiến. Hiến viết bài tranh luận lại. Tạp chí cộng sản không đăng, cho người đến mời anh lại toà soạn để nói chuyện. Tay phái viên đến mời anh, nói xong, lấy cái điếu cầy định làm một hơi. Hiến quát ngay: "Thôi, không hút. Đi ngay, không hút sách gì cả!". Đến toà soạn tạp chí, mấy biên tập viên đã chờ sẵn: "Nào mời anh lên gác. Chuyện văn chương phải nói nơi kín đáo". Hiến lại bác lại ngay: "Chuyện văn chương không việc gì phải kín đáo!". Hiến giải thích với tôi: "ấy đối với bọn này cứ phải tấn công như thế, tấn công ngay từ thằng đến mời". Ban biên tập tạp chí Cộng sản giải thích với Hiến: "Hiện nay bọn Tàu đang gây sự ở biên giới. Tạp chí phải dành giấy để đăng bài phê phán chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh, không đăng bài của anh được". Hiến phản ứng ngay: "Tại sao ta thừa giấy để đánh bọn cường bạo nước ngoài, lại thiếu giấy để đánh bọn cường bạo trong nước!".

Năm 1980, người ta tổ chức một cuộc hội nghị khoa học đặt ở Viện bảo tàng cách mạng xế xế Nhà hát lớn Hà Nội. Hội nghị toàn quốc, rất đông. Tôi có gặp một số bạn quen ở Vinh, Huế ra họp. Hoàng Ngọc Hiến hôm ấy nói buông mà rất rành mạch, hấp dẫn. anh nhắc lại cái câu đã nói ở trụ sở tạp chí cộng sản: "Tại sao ta thừa giấy để đánh bọn cường bạo nước ngoài, mà lại thiếu giấy để đánh bọn cường bạo trong nước!". Đến giờ nghỉ. Mọi người, hoặc tản ra dạo chơi ngoài vườn hoa, hoặc ngồi trò chuyện với nhau trong hội trường. Tôi cũng ngồi lại trong hội trường nói chuyện với mấy anh bạn cũ ở Vinh, ở Huế. Hiến cũng ở lại hội trường, nhưng ngồi một mình cách vài hàng ghế, trước mặt chúng tôi. Hà Xuân Trường lững thững từ hàng ghế đầu đi xuống chỗ Hiến, vỗ vai anh thân mật. Hiến gạt phắt tay Trường ra: "Tôi không phải hạng người cho anh vỗ vai nhé!". Trông Hiến lúc ấy rất dữ. Hà Xuân Trường sững người và hơi ngượng. Anh phân bua với chúng tôi: "Đấy, các anh xem, anh Hiến anh ấy như thế đấy!".

Buổi trưa hôm ấy, Hiến rủ tôi về nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, Hiến hỏi tôi: "Sao, cậu thấy mình nói có được không?". Tôi khen: "Khá lắm!". Chị Tố Nga, vợ Hiến, mách luôn: "Lẩm bẩm suốt đêm làm gì mà không khá!". Thì ra Hiến không phải chỉ chuẩn bị ý, mà còn luyện nói nữa. Hiến thế mà cũng là một tay đấu khẩu khá nhanh trí và đáo để.

Cũng vào khoảng trước sau năm 1980, khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội có tổ chức một cuộc hội thảo khoa học, đề tài: giáo dục tư tưởng qua giảng dạy văn học. Hiến lúc đó vẫn còn ở Đại học Sư phạm Vinh. Anh ra dự hội nghị. Không biết bản báo cáo viết của anh gửi ra như thế nào, nhưng anh trình bầy miệng thì khá gai góc, và hình như anh lại cố tình diễn đạt cho thật ấn tượng về cái ý rất gai góc của mình. Anh cứ thủng thẳng nói đi nói lại: "Những gì chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng đã nói hay viết, thì trong lớp ta không nói. Ta chỉ nói những điều chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng không nói, không viết". Ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến đã gây chấn động hội nghị. Những người lãnh đạo hội nghị rất lo ngại (lãnh đạo hội nghị là Nguyễn Văn Hạnh quyền chủ nhiệm khoa và Trần Thanh Đạm phó chủ nhiệm khoa). Đạm thấy nhất thiết phải uốn nắn lại. Anh động viên Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thị Hoàng lúc đó là đảng viên dự bị hay cảm tình đảng gì đó lên phê phán Hiến. Tôi không nhớ ý kiến của cô Hoàng thế nào, chỉ nhớ một câu mỉa mai của Châu: "Đứa trẻ con ngồi trên vai bố, cứ tưởng mình cao hơn bố". Hoàng Ngọc Hiến giơ tay xin phát biểu. Anh cố tình tự khoe: "Tôi đã góp phần làm cho hội nghị thành công. Vì một hội nghị khoa học có tranh luận học thuật thì mới là một hội nghị có kết quả. Tôi đã gây được cuộc tranh luận cho hội nghị. Ngoài ra tôi rất sướng vì đã được ngồi trên vai anh Đỗ Hữu Châu".

Sau hội nghị này, Trần Thanh Đạm gửi giấy cho chi bộ Đảng của khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh phản ánh về sự "lệch lạc tư tưởng" của Hiến. ít ngày sau, tôi đến chơi Hiến - Anh vẫn ở Triệu Việt Vương. Một căn phòng rất hẹp, chỉ độ 16 mét vuông. Kê được hai cái ghế salon và một cái bàn nước nhỏ. Tôi và Hiến ngồi ở salon. Chị Tố Nga, vợ Hiến giải chiếu ngồi trên nền nhà. Chị cứ chỉ tay vào mặt Hiến mà nói đi nói lại xa xả: "Tôi không thấy có ai ngu như anh Hiến!". Nói mãi chán, chị bỏ ra đi. Hiến thủng thẳng nói với tôi: "Hắn nói thế mà đúng. Như ta vẫn nói đế quốc Mỹ là ngu ấy mà!". Té ra, anh lại ngẫm nghĩ về lời nói của vợ, như một đối tượng nghiên cứu.

Chị Tố Nga, vợ Hiến, là một người cũng khá đặc biệt: chuyên môn mạt sát chồng trước mặt khách khứa bạn bè, thậm chí trước cả học trò của chồng. Nhưng đám học trò của anh đã có kinh nghiệm: bà ấy nói thầy Hiến thì được, chứ người khác tưởng bở, cũng phụ hoạ theo, nói theo, là chết với bà ấy. Còn Hoàng Ngọc Hiến thì coi thường, bỏ ngoài tai, xem như nói ai đó, chẳng dính dáng gì đến mình.

Hoàng Ngọc Hiến, tư duy khoa học thì tỏ ra sâu sắc, nhưng trong đời sống thực tế, nhiều khi rất nhẹ dạ, cả tin. Vào khoảng 1987, Hội văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng có mời tôi và Hiến vào nói chuyện với giới văn nghệ trong ấy. Chúng tôi ở với nhau độ một tuần lễ, sau đó, Hiến vào Sài Gòn, tôi ra Hà Nội. ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe tới. Lúc đó mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay, tàu 7 giờ sáng tới Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi làm gì! Hoá ra anh vừa tham gia một đảng gọi là đảng "Nhân dân hành động" và ra Hà Nội để phát triển Đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ lĩnh là một tay tiến sỹ ở Mỹ về. Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng sản chuẩn bị ra đa đảng. Trong đảng này có một uỷ viên bộ chính trị và một thiếu tá công an cộng sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi, thằng Thanh nhà ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo giải quyết cho.Tôi không tin, từ chối: "Cậu định làm chính trị à? Không sợ công an à?" Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát. ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.

Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: "Biết gì chưa?" Hiến: "Biết rồi! Biết rồi!" Tôi lại hỏi: "Có sao không?" Hiến: "Không sao, không sao - Nhưng này, đừng nói với ai nhé!"

Dương Thu Hương khi biết chuyện này, nói với tôi: "Ông Hiến mà là

đàn bà thì chửa hoang hàng tỉ lần".

Tôi cho rằng Hoàng Ngọc Hiến có số "quý nhân phù trợ". Nghĩa là luôn gặp may. Tôi ví anh với nhân vật Pie Bêdukhốp trong Chiến tranh và hoà bình của L.Tolstoi. Người to lớn, ra trận cứ trương ngực ra mà đi giữa chiến trường, nhưng tên đạn cứ tránh không dính. Đấu súng tuy không biết bắn súng, mà lại thắng một tay thiện xạ... Hiến cũng thế. Ăn nói táo tợn với người có chức có quyền, hành động nhiều khi dại dột. Nhưng chẳng sao cả. Vẫn đi Pháp, đi Mỹ đều đều. Anh kể tôi nghe cái vụ "phải đạo" của anh hồi 1980, anh có một cú thoát hiểm rất ngoạn mục. Người ta tổ chức hẳn một cuộc hội nghị để đánh anh. Lê Đức Thọ trực tiếp chỉ đạo. Loại có vấn đề như tôi, không được mời. Hơn 50 người được mời có chọn lọc để nhằm phê phán Hiến. Hiến là người thứ 50 (avant dernier) được phép phát biểu. Người cuối cùng là Chế Lan Viên (thứ 51) . Người ta bố trí một tay sắc sảo như thế để có thể đập tan ý kiến của Hiến vàhội nghị kết thúc luôn. Giờ nghỉ, Lê Đức Thọ trò chuyện với Hiến mới biết Hiến là người đồng hương với mình. Cùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh (Lê Đức Thọ ở Nam Định, nhưng quê gốc ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, anh em Lê Đức Thọ đều lấy biệt danh có chữ Đức hoặc chữ Thọ: Đinh Đức Thiện, Mai Chí Thọ, Lê Đức Thọ) Thế là Hiến gặp may. Vì tình đồng hương, Lê Đức Thọ đã cứu anh. Ai đó trong hội nghị nói Hiến chịu ảnh hưởng tư tưởng mỹ học của Kant. Thọ dõng dạc khẳng định trước hội nghị: "Hoàng Ngọc Hiến chẳng kăng kiếc gì hết, Hoàng Ngọc Hiến là Mác Lênin". Tình thế thành ra đảo ngược. Chế Lan Viên chót đánh Hiến, thấy thế, đâm hoảng, bèn lảng qua chỗ Hiến đang ngồi với Lê Đức Thọ, nói khẽ với anh: "Lúc nãy tôi có nói điều gì quá, anh bỏ qua đi cho nhé!". Sau này, Chế Lan Viên còn nhờ tôi nhắn lại với Hiến hai lần như thế. Lại còn nói phách "Tôi có trọng anh Hiến thì tôi mới tranh luận với anh ấy chứ!".

Có lẽ vì hay gặp may mà Hiến luôn luôn lạc quan.

Lại vẫn cái vụ "hiện thực phải đạo". Tôi nhớ giáp Tết âm lịch năm ấy, Khái Vinh có mời tôi, Hiến và Xuân Diệu ăn thịt chó ở Hàng Lược. Lúc đó, dân Nhật Tân đã lục tục đem đào tới bán. Khái Vinh nói, anh Hiến là người có tài mà khổ, bị đánh dữ quá!. Xuân Diệu nói: "Con người ta có trải qua đau khổ thì mới nên người". Nhưng Hiến lại phát biểu một cách đắc ý: "Những điều tôi được nhiều hơn những điều tôi mất". Và anh dẫn chứng: "Đứa con gái tôi vào Sài Gòn, giáp Tết bị mắc kẹt ở đấy không ra được vì giao thông khó khăn. Có một anh phi công cho lên ngồi ghé phụ bay ra không mất tiền, vì biết là con ông "hiện thực phải đạo". Cũng con bé ấy học đến lớp cuối cấp, sắp thi đại học, rất cần có người luyện cho môn toán. Rất may, có một cô giáo tự nguyện đến luyện giúp miễn phí vì biết là con ông "hiện thực phải đạo". Đó là chưa kể nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đến tận nhà Hiến tặng hoa. Và bài "hiện thực phải đạo" đã làm cho anh nổi tiếng một thời và được nể trọng trong giới trí thức cấp tiến.

Đúng là Hoàng Ngọc Hiến có quý nhân phù trợ thật.

Hồi Hiến sang Mỹ, có một bọn Việt kiều chống cộng quá khích định hành hung anh. May sao lại có một thượng nghị sĩ Mỹ phái một vệ sĩ của ông ta tới bảo vệ - Mới đây Hiến kể với tôi như vậy.

* * *

Tôi rất tin cậy Hoàng Ngọc Hiến. Nên chịu ảnh hưởng Hiến về nhiều mặt, đặc biệt là trong việc dùng thuốc. Thuốc huyết áp, thuốc bổ, thuốc loãng xương... Tất nhiên tôi có chịu ảnh hưởng anh cả về tư duy khoa học. Hiến có tài liệu nào anh cho là hay hoặc nghĩ ra điều gì có vẻ tâm đắc, đều trao đổi với tôi. Trò chuyện với Hiến bao giờ cũng có ích, dù ít dù nhiều, đối với cái nghĩ của mình. "Dữ quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư". Người xưa nói thế, vận dụng vào trường hợp Hoàng Ngọc Hiến e có hơi quá. Nhưng quả là trò chuyện với Hiến bao giờ cũng thu lượm được một cái gì đó có ích. Hiến rất ghét giáo điều và nghĩ cái gì thì nghĩ đến nơi đến chốn. Tôi cho rằng, mấy phát biểu sau đây của Hiến là những ý kiến nghe được:

Nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình. Đọc người khác rất cần, song phải thấm thế nào đó để trở thành của mình, để khi nghĩ là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình.

Quán tính của con người là thường quy những điều chưa biết vào cái sơ đồ có sẵn, sơ đồ biết rồi. Do lười nghĩ. Quán tính rất mạnh, lay chuyển được quán tính, được cách nghĩ là khoa học.

Khoa học trước hết là đặt vấn đề đích đáng. Tìm ra cái mới hoàn toàn rất khó. Thường chỉ chỉnh lại một tý. Vấn đề đặt ra đúng, nhưng chưa đúng hẳn. Chỉnh lại một tý như chỉnh ti vi cho hình nét hơn, âm rõ hơn. Thí dụ, nói Đam Săn anh hùng dũng cảm là đúng. Nhưng thực ra tính cách Đam Săn phong phú hơn: hồn nhiên, trung thực, lãng mạn, ngỗ nghịch... đặc biệt là một cá tính tự do.

Nói Số đỏ đả kích những ông chủ bà chủ của xã hội cũ là đúng, nhưng đâu chỉ có thế. Số đỏ là cả một xã hội hài hước gồm đủ hạng người, ai cũng buồn cười, một xã hội ngớ ngẩn, nhí nhố, lố bịch... , kể cả bình dân.

Hiến khẳng định vai trò quan trọng của cảm hứng và trực giác. Tôi cho rất đúng. Anh nói, cảm hứng lay động toàn bộ năng lực tinh thần của người nghiên cứu. Trong giây phút ấy, con người, cùng một lúc, có vô số liên tưởng, kể cả liên tưởng vô thức. Do đó rất sáng suốt. Nhưng phải băn khoăn nhức nhối về nhân sinh, về văn học mới có cảm hứng dẫn tới tìm tòi phát hiện. Cảm hứng làm cho câu, chữ có hồn. Cảm hứng phát huy trực giác, khiến cảm nhận được cái mới. Mọi tìm tòi đều bắt đầu bằng trực giác. Sau đó mới dùng suy lý lôgic chỉnh lại (vì thế Hiến rất phục những phán đoán trực giác của ai đó, chỉ ra chính xác bản chất một đối tượng nào đấy, không cần lý lẽ chứng minh gì hết).

Phân tích tác phẩm gay nhất là đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy có ý gì cả. ý là một ý nghĩa mới đích đáng trả lời một câu hỏi ta đang tìm tòi, đang suy nghĩ để giải đáp. Tác phẩm chẳng giải đáp được một câu hỏi nào cần thiết, là vô nghĩa.

Phân tích tác phẩm là phân tích chi tiết. Phải chọn chi tiét có vấn đề. Phân tích một chi tiết mà mở ra cả một vấn đề về đạo lý, về triết lý. Phân tích một chi tiết như thế có sức thuyết phục và sang trọng hơn là phân tích tràn lan.

Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là có được một hai từ đích đáng kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái thần của bài viết.

Hiến nghĩ thế nên rất chăm chỉ học chữ, học từ. Có khi học ở dân gian. Thí dụ, anh rất khoái vì học được chữ "bõ hờn" của một ông người Mường tên là Cò Lửa, chủ nhà chúng tôi ở nhờ hồi kháng chiến chống Mỹ tại Thạch Thành, Thanh Hoá. Phần nhiều học ở sách vở. Thí dụ chữ "hương nguyện", "phường hương nguyện" anh học được của Mạnh Tử khi nghiên cứu triết học cổ phương Đông. Có lẽ tương đương với chữ philistin chăng?

Có những chữ thông thường nhưng anh đem đến cho nó một nghĩa mới nào đấy. Như "kể lại nội dung" và "viết nội dung". (Bài "Kể lại nội dung và viết nội dung" (Văn học gần ...và xa. NXB giáo dục 2003). Hay như chữ "trí thức bình dân" trong bài anh giới thiệu Tuyển tập Nguyễn đăng Mạnh (NXB Giáo dục 2006)... Có thể gọi trường hợp này là sáng tạo từ mới.

Gần đây Hoàng Ngọc Hiến say mê đọc Nho, Phật, Đạo qua sách của Francois Fulien. Anh lấy làm khoái chí học được ở F.Julien, sự phân biệt giữa tư duy Đông và Tây. Tây là chân lý (Vérité). Đông là dịch lý (transformation). Một đằng cứ cãi nhau về chân lý, về đúng hay sai. Một đằng chủ trương "cùng" hay "thông". Đúng sai không quan trọng, quan trọng là không bế tắc, là thông, là được việc, là có hiệu quả thực tế...

* * *

Như đã nói, Hoàng Ngọc Hiến sống rất hồn nhiên, tự nhiên.

Hồi chống Mỹ, sơ tán ở Thạch Thành, Thanh Hoá, không mấy khi có được miếng thịt mà ăn. Hôm ấy, anh em kiếm được một đĩa thịt. Hiến vừa ăn, vừa xụt xịt mũi, vừa gật gù: "Ăn thịt ngon thật!".

Tối tối, anh rất chịu khó cùng với tôi xách đèn đi bắt ốc sên về cải thiện, tin rằng ba con ốc sên bằng một quả trứng vịt (Hồi ấy có kẻ phao lên như vậy).

Hiến hay nghĩ ra những chuyện kỳ cục và buồn cười để đùa vui. Thí dụ như chuyện phân loại cán bộ khoa văn trường Đại học Sư phạm Vinh thành ăn cướp và ăn cắp. Hình như tư duy khoa học mãi, nghĩ mãi những điều có nghĩa lý, người ta phải thư giãn đầu óc bằng những chuyện vô nghĩa lý.

Hiến đúng là vui đâu chầu đấy.

Có một lần Ngô Thảo nhân quen một Việt kiều về nước, mời tôi, Hiến và Hoàng Cầm đến đánh chén ở một nhà hàng. Xe đón tôi trước, đón Hiến sau. Trên xe, tôi gọi điện cho Hiến chuẩn bị ra ngõ để đón xe. Chị Tố Nga, vợ Hiến, cầm máy trả lời: "Lão ấy mời đi họp thì đến chậm, nhưng mời đi ăn thì đúng giờ lắm!".

Một lần khác, mới năm ngoái đấy thôi, anh Vũ Văn Viết ở Việt Trì mời chúng tôi lên dự lễ khai trương ngôi trường phổ thông dân lập do anh vừa xây dựng. Anh cần nhiều người ở Hà Nội lên dự cho thật long trọng. Nhưng hôm ấy nhiều người trong danh sách mời không đi được vì bận việc hay đang đi công tác xa. Ngồi trên xe thấy vắng vẻ quá, tôi nẩy ra ý mời Hiến, tuy Hiến chẳng quen biết gì Vũ Văn Viết cả. Và Viết cũng không mời Hiến.Tôi gọi điện. Hiến nhận lời ngay, và lập tức đáp xe ôm đến chỗ hẹn.

Cái giống nghệ sĩ thật sự bao giờ cũng rất tự nhiên - nói như Lưu Công Nhân, "tự nhiên như ruồi". Họ rất khó tính trong sáng tạo, nhưng rất dễ tính trong sinh hoạt đời thường. Khoa học cũng là một hoạt động sáng tạo, nhà khoa học cũng là một loại nghệ sĩ, nhất là khoa học về văn chương.Vì thế Hoàng Ngọc Hiến cũng rất hồn nhiên, tự nhiên, "tự nhiên như ruồi". Hiến là dân Nghệ Tĩnh nhưng lại chê dân Nghệ "cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc". Nhưng chính Hiến cũng rất Nghệ. Một tay đầy nghị lực. Tập thể dục rất kiên trì. Nghiện cả thuốc lá, thuốc lào mà bỏ hẳn (Bỏ mà vẫn cho hút thuốc lá là thích nhất. Anh nói "Khi nào sắp chết sẽ hút lại"). Gần 80 tuổi vẫn cả ngày ôm cái máy vi tính để lấy thông tin và luyện ngoại ngữ. Rồi đọc sách, dịch sách, viết sách... Tôi là dân Bắc Kỳ, kém xa Hiến về mặt này.

Hiến đích thực là dân Nghệ, đúng thế, nhưng là một tay Nghệ "cái gì cũng biết, kể cả hạnh phúc". Vì tôi biết chưa bao giờ anh từ chối một lạc thú trần thế, trần tục nào.

Láng Hạ, 20.5.2007

1/1/09

Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh : Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa từ bộ dạng, cách nói năng (lẫn lộn n với l), đến thói quen ăn uống đều đặc nông dân: chỉ thích món thịt lợn kho, cá kho, rau muống luộc, lòng lợn chấm mắm tôm, không thích thịt bò, gà vịt, hải sản, không thích bia...

Vào khoảng năm 1975, báo Phụ nữ Việt nam có đặt tôi viết một bài về trường ca Tiếng hát người anh hùng của Trần Đăng Khoa. Bài ấy, tôi ký tên con gái tôi: Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Nội dung cơ bản của bài viết là khẳng định Trần Đăng Khoa là nhà thơ nông dân. Tất cả tài năng của anh đều do nông thôn bồi dưỡng nên. Thành công hay thất bại của tác phẩm đều là do Khoa hoặc nói bằng tâm hồn và ngôn ngữ nông dân của mình, hoặc mượn ý tưởng, cách nói của tầng lớp xã hội khác.

Tôi tiếp xúc với Khoa lần đầu tại nhà Khoa ở Nam Sách. Lúc ấy Khoa học lớp Tám ở trường cấp III Nam Sách (Hồi ấy cấp III gồm 3 lớp 8, 9, 10). Một đoàn sinh viên sư phạm Hà Nội về đấy thực tập. Tôi về thăm đoàn thực tập này và nhân tiện tạt về nhà Khoa một lát.Tôi thấy Khoa ứng xử, tiếp đón, nói năng với khách rất đàng hoàng, chững chạc, không có vẻ một cậu học trò lớp Tám. Về sau này chính Khoa nói với tôi: “Người ta cứ bảo em hồi nhỏ rất hồn nhiên, nay không còn hồn nhiên nữa. Không đúng. Hồi nhỏ em chẳng hồn nhiên gì cả. Nói dối như ranh." Và Khoa kể chuyện này: “Một lần có một cuộc hội nghị y tế toàn miền Bắc họp ở tỉnh Hải Hưng. Các ông phụ trách hội nghị đưa Khoa đến để khoe “thần đồng” của tỉnh. Thường họ đề ra cho em làm thơ để thử tài. Ông Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng Bộ Y tế, tặng em một cái bật lửa. Không hiểu sao lại tặng mình bật lửa? Tặng trẻ con, lại tặng bật lửa để làm gì! Đúng là dớ dẩn. Em nghĩ bụng thế. Nhưng em lại phát biểu trước hội nghị: “Bác tặng em cái bật lửa là rất có ý nghĩa. Đây là ngọn lửa tượng trưng cho lý tưởng cách mạng. Em nguyện sẽ mang ngọn lửa này trong suốt cuộc đời mình...” Cả hội trường vỗ tay ầm ĩ, khen thằng bé giỏi quá!

Từ ngày Khoa học trường viết văn Nguyễn Du, tôi tiếp xúc với Khoa luôn. Có năm Khoa đến ăn Tết với gia đình tôi, quan hệ rất thân mật.

Khoa đúng là có tài, rất thông minh. Có lẽ Khoa có ý thức mình là thần đồng nên chịu khó đọc sách, đọc sáng tác, đọc phê bình, để có một vốn tri thức đàng hoàng, có thể ăn nói với đời. Khoa tỏ ra rất hoạt bát. Mồm mép ghê gớm, phát biểu rất có chủ kiến, đầy tự tin, có phần kiêu ngạo nữa. Những năm gần đây, tôi với Khoa thường được mời tham gia hội đồng chung khảo của những cuộc thi sáng tác văn học do Nhà xuất bản Giáo dục, Hội nhà văn hay tổ chức Văn hoá doanh nhân của Lê Lựu tổ chức. Tôi thấy Khoa rất to mồm, nhiều khi tỏ ra muốn áp đặt tư tưởng của mình đối với hội đồng.

Khoa thường nói giọng khẳng định dứt khoát, nhiều ý kiến sắc sảo, nhưng cũng lắm nhận định không chính xác do vốn kiến thức còn lắm lỗ hổng. Tuy thế tôi vẫn thích nghe Khoa nói. Tôi thích người nói thẳng thắn, có chủ kiến riêng, dù không đúng cũng gợi cho mình suy nghĩ.

Dưới đây, tôi tường thuật vài đoạn Khoa nói chuyện với tôi (tôi muốn ghi lại đúng giọng điệu, khẩu khí của Khoa):

“Văn học đang đổi mới. Không thể viết như cũ được nữa. Tất cả cũ rồi, Các nhà thơ thời chống Mỹ vẫn khá hơn cả, song cũng tắc rồi. Nguyễn Duy triển lãm thơ bằng cách vất thơ vào rổ rá, cối xay... là vớ vẩn lắm rồi! Nguyễn Huy Thiệp cũng tắc. Vàng Anh cũng hết – một hồi ta đề cao hơi quá. Phạm Thị Hoài có khá hơn.
Nhưng cái mới chưa có, chưa xuất hiện. Văn xuôi có khá hơn. Thơ thì có lẽ thời buổi này không phải là thời của thơ. Đây là thời của truyện, của kịch, của phim, của tivi...”
“Hồ Xuân Hương không có. Không có Hồ Xuân Hương! Đàn bà không tả cái của đàn bà hấp dẫn như thế “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, đàn ông mới nói thế: “Cô gái ngủ ngày” là đàn ông viết”.
“Em đã ghép mười câu thơ của mười nhà thơ lại thành một bài hoàn chỉnh. Chứng tỏ thơ ta một thời rất giống nhau, cùng một gương mặt. Em cũng ghép lại những câu thơ của Huy Cận lại thành một bài thơ về vũ trụ. Lại ghép bốn nhà thơ, mỗi ông bốn câu, thành một bài hoàn chỉnh.
“Ngoài sân rơi cái lá đa, Lá rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Nhiều người khen, Thực ra không hay lắm, câu thơ trung bình thôi. Chỉ tả cảm giác. Thơ hay là nói cái nội tâm, cái tình, cái hồn. Như câu “Mái tranh ơi hỡi mái tranh, Trải bao mưa nắng mà thành quê hương”.
“Phê bình văn học chỉ có ba người: Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Ngọc Trà. Trà thực ra là nhà lý luận. Cụ Mạnh lý luận không phải chỗ mạnh. Chỗ mạnh là phê bình tác phẩm. Cụ rất tinh”.
Em không thích bài Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi, cả bài Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Chả có gì hay. Cụ phản biện đi, hay ở chỗ nào?”. Tôi nói:
“Thơ hay không phân tích, không giảng được”. Khoa: “Không phải thế. Nếu hay là cụ phân tích được hết”.

Khoa khen bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, không có gì mà hay. Tôi nói: “Đấy cậu nói không có gì mà hay đấy thôi!” Khoa: “Không phải, hai chuyện khác nhau, cụ đánh tráo khái niệm”. Nhật có bài thơ tên là Tiếng thu. Có bốn câu khác hẳn. Nguyễn Vỹ dịch ra giống thơ Lưu Trọng Lư, rồi người ta tưởng là Lưu Trọng Lư ăn cắp. Một vụ án văn học, oan cho Lưu Trọng Lư”.
“Nhà cổ Hà Nội không gọi là nhà cổ được. Một trăm năm, cổ gì! Tốt nhất là phá hết khu phố cổ Hà Nội đi. Hội An mới thực là nhà cổ”.

Khoa khi nói hay đế chữ “đấy!” như là một thứ dấu chấm câu vậy:
“Thầy hình dung không?
Em nói thật với thày, đấy!
Nguyễn Khải, Chế Lan Viên thông mình, là đầu bảng - đấy!
Cụ Mạnh viết ra tấm ra món. Thẩm văn rất tinh. Có văn. Nhiều người có ý mà không có văn. Có ý mà không tải được ra văn, cứ tải ra chữ lại hỏng - đấy! Cụ Hiến phát hiện thì đúng, nhưng triển khai ra thì như hụt hơi, như ngắn lưỡi - đấy! TĐX tiếp xúc tay bo thì rất khá. Nhưng viết ra thì không ra sao cả - đấy! Phải có mắt xanh, ông Xuân Diệu gọi là đầu mày cuối mắt”.
Phạm Xuân Nguyên thông minh, nhưng thẩm văn kém. Mai Quốc Liên cũng vậy - đấy. Sử có học, nhưng thẩm văn xoàng...”

Nói chung Khoa không thích văn trí thức như văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi. Khoa nói dứt khoát với tôi: “Đấy rồi thầy xem, mươi năm nữa người ta không đọc Nguyễn Tuân nữa đâu!”.

Trong Chân dung và đối thoại, Khoa chê Nguyễn Tuân không biết uống nước trà. Bà Ân con gái cả của Nguyễn Tuân tức lắm. Bà nói: “Cái thằng ấy chỉ biết ăn cua ăn cáy chứ nó biết uống trà là cái gì mà dám chê ông cụ tôi. Tôi đã phục vụ ông cụ uống trà, tôi biết chứ. Pha trà phải kén nước giếng ở một ngôi chùa là chuyện có thật (trong truyện Nguyễn Tuân gọi là chùa Đồi Mai). Rồi hầm củi ủ than để đun nước pha trà như thế nào... Nó biết cái gì mà dám nói láo!”. Hôm ấy, dự lễ trao giải thưởng Nguyễn Tuân cho sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, bà nói sôi sục. Anh Nguyễn Xuân Đào, con trai út Nguyễn Tuân, phải can mãi.

Nhưng Khoa là tay chống chế rất giỏi. Trong Chân dung và đối thoại, Khoa chê cụ Ngô Tất Tố, trong Tắt đèn cho chị Dậu bán con, so sánh với Fantine của V.Hugo bán tóc, là vô nhân đạo. Khoa bị phê phán là không hiểu ngày xưa người nông dân phải bán vợ đợ con là chuyện phổ biến. Khoa chắc thấy mình đuối lý nên tìm cách chống chế. Hôm ấy tôi và Khoa được trường chuyên Hùng Vương (Việt Trì) mời lên giao lưu với học sinh. Khoa nói: “Tôi không phải không biết chuyện bán vợ đợ con của nông dân nghèo ngày xưa. Chính tôi có một bà cô phải bán con. Nhưng cụ Ngô Tất Tố cho chị Dậu đem con đến nhà Nghị Quế, khi nó bắt cái Tý ăn cơm của chó, lẽ ra phải thôi, đem con về, chấm dứt luôn truyện ở đấy. Ai lại mẹ thấy con phải ăn cơm của chó mà chịu được!”.

Tôi biết đấy là mồm mép chống chế của Khoa, chứ trong Chân dung và đối thoại , Khoa có viết thế đâu!

Khoa có một hồi được mời đi nói chuyện khắp. Người nghe rât thích. Khoa biết cách nói rất hấp dẫn. Một trong thuật hấp dẫn của Khoa là giỏi hài hước. Khoa ghét cái gì là chế giễu rất ác. Thí dụ, Khoa định nghĩa thơ Lê Đạt: Người ta nói “Tôi đi ăn cơm”, thì Lê Đạt viết “Cơm đi ăn tôi”.

Trong một cuộc nói chuyện, Khoa dẫn thơ của Hoàng Hưng, Dương Tường để giễu cợt:
Anh lang thang em...
Anh mini em...
Anh xanh xao em...
Anh tiết canh em...

Khoa cố tình tách những cụm từ ấy ra khỏi văn cảnh, biến chúng thành khôi hài.

Khoa có cách diễn đạt rất tinh quái khi nhận xét lối phê bình của Nguyễn Hoà: “Nguyễn Hoà là tay phê bình nghiệp dư, nhưng là nhà bóp dái chuyên nghiệp. Hoà thực hiện được hai “cú” rất ngoạn mục: bóp vú Hà Minh Đức và bóp dái Đoàn Thị Đặng Hương”.

Khoa kể câu chuyện này cũng vui: có một cô gái ở Sài Gòn kém Khoa hàng chục tuổi, nhưng vẫn tưởng Khoa là một em thiếu nhi làm thơ. Cô gửi thư cho Khoa gọi Khoa là em, muốn kết nghĩa chị em và khuyên Khoa chăm học, nghe lời cha mẹ, tập thể dục buổi sáng...

Nghe Khoa nói, chỉ nên tin một nửa. Rất có thể chỉ là bịa cho vui. Khoa đặc biệt có tật nói dối. Nói dối chẳng để làm gì cả. Một thói quen thế thôi.

Thí dụ Khoa khoe, tập II Chân dung và đối thoại đã viết xong. Có một bài viết về Nguyễn Đăng Mạnh. Có những bài trả lời những người phê phán Chân dung và đối thoại tập I... Sách in như thế nào, bìa ra sao, nhuận bút bao nhiêu. Khoa còn nói cho biết cả nội dung các bài viết nữa. Khoa nói với tôi chuyện này dễ đã sáu, bẩy năm rồi mà tới nay vẫn chẳng thấy mặt mũi tăm hơi gì. Mà khi nói, Khoa toàn báo cho biết sắp in đến nơi.

Tôi nhớ cách đây dăm năm, mồng một Tết, Khoa có đến tôi (ở Quan Hoa, Cầu Giấy). Khoa có kể cho vợ chồng tôi nghe anh sắp viết một vở kịch vui: “Thị Nở cưỡi trâu ra tỉnh”. Cho đến nay vẫn chưa thấy viết.

* **
Người ta thường xì xào về chuyện sinh lý của Khoa, giống như Xuân Diệu. Đã có người làm vè chế giễu.

Nhưng Khoa đã lấy vợ. Tôi có được mời tới dự. Ngay hôm cưới, Lê Lựu, bạn chí cốt của Khoa, vẫn không tin Khoa có thể làm ăn được gì. Anh nói với tôi ngay ở tiệc cưới như thế. Nhưng vợ Khoa có mang và sinh con gái. Khoa được thể nói phét: “Mình từng rắc con nhiều nơi, con rơi con vãi của mình nay đã lớn, có thể bồ bịch với Trần Đăng Xuyền được”. Khoa nói với tôi hôm ấy ở Cần Thơ, có mặt Trần Đăng Xuyền.

Khoa bây giờ là tay khôn ngoan có tiếng, đối đáp rất sắc sảo. Tô Hoài nói, Khoa là quân sư quạt mo của Hữu Thỉnh. Trong ban chấp hành Hội nhà văn khoá 7, Vàng Anh hay gây sự với Hữu Thỉnh. Khoa là người đứng ra gỡ bí cho Hữu Thỉnh.

Theo chỗ tôi biết, Khoa còn là quân sư quạt mo cho Lê Lựu nữa trong việc điều hành tổ chức Văn hoá doanh nhân.

Hai tay nông dân này hợp nhau trên mọi phương diện.

Láng Hạ 15.6.2007.