5/4/13

Bích Khê (1916-1946)



Bích Khê (1916-1946)



Tác giả : THỤY KHUÊ



Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
Là con út trong gia đình tám anh chị em (4 chị, 3 anh), cha là Lê Mai Khê một nhà nho mất sớm và mẹ là bà Phạm Thị Đoan. Thủa nhỏ Bích Khê học ở Thu Xà, rồi Đồng Hới và lên trung học vào trường dòng Pellerin Huế. Sau ra Hà Nội học tú tài, ban Triết. Năm 1934, Bích Khê bỏ học, cùng người bạn vào Phan Thiết mở trường tư, vừa dạy vừa sáng tác trong 2 năm (1934-1936). Mắc bệnh phổi từ 1935 (19 tuổi). Phải điều trị ở bệnh viện lao Pasquier, Huế, trong hơn một năm (1936-1937). 1938 trở lại Phan Thiết mở trường dạy học lần thứ nhì (1938-1939) và xuất bản tập thơ đầu tiên : Tinh huyết (1939) do Hàn Mặc Tử viết tựa.
Năm 1941 về Huế dạy học, được ít lâu, bệnh phổi tái phát, lại phải trở vào bệnh viện Pasquier điều trị lần thứ nhì, năm 1942. Mất năm 1946, ở tuổi ba mươi, đúng lúc cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Làm thơ từ 15 tuổi (1931), theo các thể cổ điển như: Đường luật, từ khúc, hát nói, đăng trên các báo Tiếng dân (Huế), Phụ nữ tân văn (Sàigòn), và Đông Tây (Hà nội). Khoảng 1936, Bích Khê chuyển sang Thơ mới.
Tập Tinh huyết (1939) là tác phẩm duy nhất được in khi Bích Khê còn sống.

Thơ ông không được nhắc đến trong một thời gian dài ở miền Bắc, phần vì người ta không hiểu thơ Bích Khê, nhưng lý do chính là chính trị: Bích Khê dịch cuốn Retour de L’U.R.S.S (Ở Nga về) của André Gide, viết năm 1936, kể nỗi thất vọng sau khi đi thăm «thiên đường cộng sản». Mặc dù chưa in, nhưng việc dịch này, kèm thêm sự kiện Bích Khê tỏ ý bất bình khi nghe tin Tạ Thu Thâu bị ám sát, đã khiến người ta liệt Bích Khê vào hàng ngũ phản động Trotskiste, và tên tuổi ông bị chính thức loại ra khỏi danh sách những nhà thơ tiền chiến.
Năm 1966, tại Sàigòn, báo Văn (do Trần Phong Giao quản nhiệm) làm số tưởng niệm Bích Khê (số 64, ra ngày 15/ 8/ 1966), với những tư liệu do gia đình cung cấp và bạn thân viết. Nhờ những bài của bà Lê Ngọc Sương (chị ruột nhà thơ), của Tam Ích, của Quách Tấn... mà chúng ta biết rõ thêm nhiều chi tiết về cuộc đời Bích Khê, một số bài thơ của ông cũng được đến với độc giả.
Tập Tinh hoa xuất bản sau này, gồm những bài thơ làm sau Tinh huyết và một số bài đã có trong Tinh huyết, được sửa lại, hoặc cắt ngắn đi.
So sánh hai tác phẩm, Tinh huyết vẫn là chính. Những sáng tạo mới đều nằm trong Tinh huyết. Tinh hoa trở lại gần với thơ truyền thống. Tinh huyết là thời kỳ sung mãn, có Hàn Mặc Tử khuyến khích. Bích Khê xuất hiện sau Hàn Mặc Tử vài năm, chịu ảnh hưởng thơ Hàn Mặc Tử. Tác phẩm của Bích Khê cũng chịu những chìm nổi, đau thương, như tác phẩm của Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, trong Tinh huyết, Bích Khê đã hình thành cấu trúc thi ca của riêng mình, một cấu trúc hiện đại, khác hẳn các nhà thơ mới, mà cũng không giống thi pháp của Hàn Mặc Tử.

Thi pháp Bích Khê

Thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa cổ điển và hiện đại, trong kiến trúc âm nhạc và hội họa. Đặc biệt trong lối tạo hình, ông đã sử dụng một phương pháp mới, lúc ấy chưa thịnh hành ở Việt Nam: phương pháp cắt dán (collage).
Bài Tỳ bà của Bích Khê là một khúc ngâm mới, dựa trên tinh thần Tỳ bà hành.
Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, bản dịch của Phan Huy Thực (nhiều nơi vẫn còn ghi là của Phan Huy Vịnh, con trai Phan Huy Thực) có những lời tuyệt bút:
Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt,
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, mang giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt, bấy giờ càng hay.
Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước
Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao.
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông (Tỳ bà hành diễn nôm)

Tỳ bà hành là sự giao hoà âm nhạc và cảnh sắc trong một bút pháp thần diệu. Bích Khê mượn tinh thần Tỳ bà hành, tức là tinh thần giao hoà âm nhạc và cảnh sắc, nhưng thay đổi toàn diện bối cảnh, kiến trúc âm nhạc và kiến trúc hình ảnh, để tạo ra một tác phẩm hiện đại:

Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông (Tỳ bà)

Phạm Duy - vẫn Phạm Duy - là người duy nhất nghe được tiếng nhạc lạ trong bài Tỳ bà và ông đã tạo ra một ca khúc réo rắt, âm hưởng giao thoa kim cổ. Phải nghe Thái Thanh hát Tỳ bà mới thấm được cõi nghệ thuật linh diệu của ba thiên tài: Bích Khê, Phạm Duy, Thái Thanh.
Kiến trúc âm nhạc trong Tỳ bà của Bích Khê dựa trên âm bằng (dấu huyền hoặc không có dấu). Toàn bài hầu như không có âm trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng). Lối lập âm này, trong thơ mới, có một số người đã làm (đặc biệt Phạm Huy Thông), nhưng không mấy ai thành công như Bích Khê. Vì chỉ có âm bằng nên nhạc trong thơ đổi cung bậc, không còn điệu cổ điển và cũng khác hẳn thơ mới.
Về mặt tạo hình, lần đầu tiên, trong Tỳ bà, một nghệ sĩ Việt áp dụng thủ pháp cắt dán: các hình ảnh được «cắt dán» rồi ghép cạnh nhau, cho nên ảnh sau không «liên hệ» gì đến ảnh trước. Ví dụ, trong câu Vàng sao nằm im trên hoa gầy, hai hình ảnh vàng sao và hoa gầy, chẳng dính dáng gì với nhau, nhưng được nhà thơ cho nằm im trên nhau. Sự kiện này hầu như không có trong thơ cổ điển và thơ mới. Vì trong cấu trúc cổ điển và lãng mạn, chữ thường đôi với nghĩa, cho nên các yếu tố chữ luôn luôn có liên hệ chặt chẽ, để tạo thành một câu «có nghiã». Trong khi «vàng sao nằm im trên hoa gầy» của Bích Khê là một câu gần như «vô nghiã».
Còn một điểm nữa: việc Bích Khê đem hình ảnh sao vàng ở trên trời xuống, cho nó nằm im trên hoa gầy (dưới đất) là một động tác cắt dán; không giống với động tác của Hàn Mặc Tử trong những câu « Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối» hay «Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ / Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu» là những động tác của tưởng tượng. Và lại cũng không giống câu: «Bóng gương lồng bóng đồ mi chập chùng» của Nguyễn Gia Thiều; vì tiên sinh dùng biện pháp ẩn dụ: bóng gương để chỉ nhà vua, bóng đồ mi, người cung nữ.
Tóm lại, cùng mô tả một cảnh «mây mưa», mỗi nhà thơ có một thủ pháp khác nhau.
Những phương pháp khác nhau đó, phản ánh thời đại, lối viết, và cá tính của nhà thơ: Ôn Như Hầu dùng ẩn dụ, phong cách tạo hình trong thơ cổ điển. Hàn Mặc Tử dùng tưởng tượng, phong cách sáng tạo hiện đại phát triển từ Thi sơn (Parnasse). Và Bích Khê dùng phương pháp cắt dán (collage) trong hội hoạ hiện đại (Matisse). Nhưng việc đặt những yếu tố hoàn toàn khác nhau cạnh nhau, còn là phương pháp của Siêu thực nữa.
Cho nên có thể nói rằng ngay từ năm 1936, Bích Khê đã áp dụng những phương pháp rất mới của Tây phương để làm thơ, trong một tinh thần hết sức Đông phương.

Cấu trúc gián đoạn

Hình ảnh trong thơ Bích Khê là do cắt dán lắp ghép. Hình ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử là do tưởng tượng. Nhìn bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng thật ra rất khác: Tuy Hàn Mặc Tử là «thày» của Bích Khê, nhưng thơ Bích Khê «hiện đại» hơn thơ Hàn, vì có thêm kỹ thuật cắt dán và siêu thực, mà Hàn chưa kịp tiếp thu. Nhưng cùng trong hoàn cảnh bệnh hoạn, Bích Khê không cô đơn, tuyệt vọng như Hàn, nên thơ Bích Khê không đạt mức đớn đau tuyệt đỉnh và tuyệt tác như thơ Hàn Mặc Tử.
Biện pháp siêu thực trong thơ Bích Khê hiện rõ ở cả chữ, lẫn câu: Nhà thơ không chỉ để hai hình ảnh khác nhau cạnh nhau, mà còn để cả hai câu thơ hoàn toàn khác nhau cạnh nhau, như:
Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây.
Câu trên là sự khăng khít xác thịt: Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Câu dưới: Tương tư người xưa thôi qua đây, là sự tan vỡ.
Nói đúng hơn, vừa đang yêu: tương tư, vừa tan vỡ: người xưa thôi qua đây.
Bích Khê đã đảo lộn trật tự thời gian sống, để tạo nghịch cảnh, nghịch lý: thường thì người ta tương tư, rồi khăng khít và sau cùng mới lìa nhau; đằng này, người ta khăng khít trước, rồi mới tương tư, rồi xa nhau.
Tóm lại câu thơ của Bích Khê không có logique, vì vậy mà Hoài Thanh và nhiều người khác đọc không hiểu. Hoài Thanh ca tụng câu:
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông!
Vì đó là câu thơ hay, dễ hiểu. Sau này người ta chép lại lời Hoài Thanh như cái máy, mà ít ai tìm hiểu kỹ càng về thơ Bích Khê.
Tỳ bà là một trong những bài thơ đầu tiên của Việt Nam có cấu trúc gián đoạn: Bích Khê dán những chữ không liên lạc gì với nhau cạnh nhau, dán những câu không liên lạc với nhau lại gần nhau, để tạo ra những hình ảnh tuyệt vời, hoàn toàn siêu thực, như: tay-đêm, giăng-mền, trăng-đan, mây-nhung, thuyền-hồn...

Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mền
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung phơi màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Dây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu. (Tỳ bà)

Mỗi câu thơ là một đứt đoạn: Bích Khê là nhà thơ tiên phong, đã đi trước thời đại, thể hiện sự đứt đoạn trong không gian và trong tâm hồn. Sự đứt đoạn của đời sống là một trong những khám phá của nghệ thuật hiện đại trong toàn bộ thơ, văn, nhạc, hoạ, từ đầu thế kỷ XX. Bởi mỗi ý nghĩ của chúng ta là một đứt đoạn, mỗi hình ảnh chúng ta nhìn thấy trong đời sống là một đứt đoạn.
Bích Khê đã nhìn thấy sự đứt đoạn đó từ những năm 1936-39. Bẵng đi một thời gian dài, mãi sau này, ở miền Nam mới thấy xuất hiện trong thơ Thanh Tâm Tuyền, trong ca từ Trịnh Công Sơn, và ở miền Bắc, trong thơ Lê Đạt.
*
Không nên đọc thơ Bích Khê như ta đọc thơ cổ điển hoặc thơ mới, vì Bích Khê không làm thơ theo logique truyền thống, nghiã là thơ có mạch lạch có nghiã. Nên đọc thơ ông như xem tranh: khi ấn tượng, khi lập thể, khi siêu thực, khi trừu tượng... tranh có nhạc đệm.
Khó phân biệt được lúc nào Bích Khê dùng bút để viết, lúc nào ông vung cọ để vẽ, lúc nào ông vung đũa để đánh nhạc.
Nhạc trong thơ Bích Khê khác với nhạc trong thơ Hàn Mặc Tử: Nhạc trong thơ Hàn là nhạc thầm trong mỗi chữ. Nhạc trong thơ Bích Khê là nhạc nổi trong thanh âm lạ, âm bằng.
Thơ Bích Khê là sự hoà âm giữa các điệu nhạc cổ, như điệu Hoàng hoa, điệu Mộng cầm, với những màu sắc tân kỳ của hội hoạ hiện đại :

Lam nhung ô! màu lưng chừng trời;
Xanh nhung ô! màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy;
Chim yên eo mình nương xương cây.
Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa :
Đông nam mây đùn nơi thành xa...

Oanh già theo quyên quên tin chàng!
Đào theo phù dung: thư không sang!
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi:
Làm trăng theo chàng qua muôn nơi;
Theo chàng ta làm con chim uyên;
Làm mây theo chàng bên nhung yên.

Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,
- Hồn ta? hay là hồn tình lang?
Non Yên tên bay ngang muôn đầu...
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
- Ai xây bờ xanh trên xương người?!
- Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!
(Hoàng hoa)

Bài Hoàng hoa thể hiện rõ sự giao hưởng giữa thơ và họa. Nhà thơ như một cánh chim, bay qua những khung cảnh khác nhau, vẽ lại trước mắt ta những bức tranh khác nhau, trong cùng một khoảnh khắc: Vàng phai nằm im ôm non gầy / Chim yên eo mình nương xương cây / Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa / Đông nam mây đùn nơi thành xa...
Những bức tranh trên đây (phần nhiều là ấn tượng) chỉ gợi cảm xúc, mà không mô tả. Ví dụ, trong bức đầu: Vàng phai nằm im ôm non gầy.
Người đọc, người xem, người nghe, không thể thấy rõ hiện tượng «vàng phai nằm im ôm non gầy» nó như thế nào, mà chỉ mơ hồ cảm thấy một ấn tượng nào đó.
Những câu thơ kế tiếp cũng thế: Chim yên eo mình nương xương cây, rồi Đông nam mây đùn nơi thành xa, toàn là những bức ấn tượng, mơ hồ như sương phủ.

Ấn tượng mờ sương

Vì đâu có cảm tưởng mờ sương toả lên từ những bức tranh?
Khảo sát kỹ hơn, trong Vàng phai nằm im ôm non gầy, sự mờ sương toả ra ở bốn chữ vàng phai nằm im.
- Ai nằm im?
- Một màu nằm im
- Màu gì?
- Màu vàng. Không hẳn thế, màu vàng phai.
Nhưng không ai biết và không ai có thể định nghĩa được màu vàng phai ấy như thế nào?
Và cũng không ai có thể «khẳng định» vụ vàng phai nằm im ôm non gầy đó, nó như thế nào? Chỉ cảm. Ấy là chưa kể: non gầy là gì?
Các vị kiểm duyệt thơ hoặc phê bình thơ nhưng không biết thơ, thường hay phê câu này, câu kia vô nghĩa, là vì thế.
Cho nên, nếu không phải là thi-họa sĩ, thì không thể vẽ được những hình ảnh như Vàng phai nằm im ôm non gầy, ấy.
Sự gợi hình trong thơ Bích Khê, luôn luôn bắt nguồn từ hội hoạ, từ cách tạo ấn tượng trong lòng người xem trước, rồi mới nghe và đọc.
Bài Hoàng hoa, không chỉ bắc cầu giữa hội hoạ và âm nhạc, mà còn là nhịp cầu kim cổ. Hoàng Hoa, vùng đất Trung Hoa, thời Chiến quốc và đời Đường thường có «rợ» Hồ quấy nhiễu. Hoàng Hoa là bãi chiến trường.
Hoàng hoa còn là cúc vàng. Hoa cúc nở mùa thu, mùa lá vàng và cũng là lúc các thanh niên, thời Chiến quốc, đến tuổi đi lính phải nhập ngũ, đi «quân dịch», năm sau mới về. Vì vậy Hoàng hoa vừa là cúc vàng, vừa là bãi chiến trường, vừa là thời đi lính.
Trong Chinh phụ ngâm có câu :
Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn Hoàng hoa dậm dài
Chữ Hoàng hoa trong Chinh phụ ngâm có hai nghiã: vừa là hoàng hoa thú (người lính thú ở chiến trường), lại còn có thể là trại cúc vàng, nơi người chinh phụ tựa cửa nhớ chồng ngoài quan ải.
Vì vậy, hai câu: Đây mùa hoàng hoa mùa hoàng hoa/ Đông nam mây đùn nơi thành xa... tưởng như không có gì liên hệ với nhau, nhưng thực ra đó chính là khúc chinh phụ ngâm mới của Bích Khê, ngẫu hứng từ những câu: Xót người nương chốn Hoàng hoa dậm dài và Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt trong Chinh phụ ngâm.
Người chinh phụ ngày xưa, ngâm:
Thủa lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo oanh ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thủa đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại đã bên sông bơ xờ (Chinh phụ ngâm)

Và người chinh phụ ngày nay, trong thơ Bích Khê, hát:
Oanh già theo quyên quên tin chàng!
Đào theo phù dung: thư không sang!
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi:
Làm trăng theo chàng qua muôn nơi;
Theo chàng ta làm con chim uyên;
Làm mây theo chàng bên nhung yên

Cùng bối cảnh nhớ chồng đi chinh chiến, nhưng hai khúc ngâm, xưa và nay, khác nhau.
Và đây, cảnh chết chóc nơi chiến trường, trong Chinh phụ ngâm:
Non Kỳ mộ chỉ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn?

Trong thơ Bích Khê, sa trường là sự giao hưởng giữa những hồn ma trong cơn ác mộng của người chinh phụ:
Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,
- Hồn ta? hay là hồn tình lang?
Non Yên tên bay ngang muôn đầu...
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
- Ai xây bờ xanh trên xương người?!
- Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!


Ánh sáng trong thơ Bích Khê

Thơ Bích Khê là sự hoà tan hai không gian cổ điển và hiện đại trong lòng chữ. Nhìn một lõa thể, một cảnh thu, một vũ khúc, Bích Khê không vẽ lại những ấn tượng ấy trong hiện tại mà ông đẩy lùi chúng về hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước, rồi mới đem chúng vào thơ.
Ví dụ, nhìn một điệu múa, Bích Khê viết :

Ô trời hôm nay sao mà xanh!
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành,
Nhung mây tê ngời sao kim cương,
Dạ lan tê ngời say men hương;

Lầu ai ánh gì như lưu ly?
Nụ cười ai trắng như hoa lê?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
Không gian xà cừ hay san hô? (Nghê thường)

Vũ điệu trong thơ không còn là vũ điệu trước mắt ta nữa mà đã trở thành vũ điệu nghê thường của Đắc Kỷ, Bao Tự... trên cung Quảng.
Những khơi gợi ấy, ở đây, đến từ ánh sáng. Thứ ánh sáng mơ hồ huyền ảo của một đêm trăng giữa ban ngày: Ô trời hôm nay sao mà xanh! / Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành / Nhung mây tê ngời sao kim cương. Tất cả những chữ: trời, xanh, ngọc, trăng, vàng, mây, ngời, sao, kim cương... trong ba câu thơ trên đều có khả năng tỏa sáng. Trong luồng sáng huyền ảo ấy, một đoá lan đêm (dạ lan) gây hương lạ trong câu thơ nối tiếp, chia thế giới làm hai: thế giới của ánh sáng và thế giới của bóng tối, qua một chữ dạ (nghiã là đêm): Dạ lan tê ngời say men hương. Rồi tiếp theo đó là một chuỗi những ánh sáng lạ khác:
Lầu ai ánh gì như lưu ly?
Nụ cười ai trắng như hoa lê?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
Không gian xà cừ hay san hô?
Không thể biết những luồng sáng như ánh lưu ly, ánh hoa lê, ánh thuỷ tinh, ánh gương hồ, ánh xà cừ, ánh san hô... chiếu vào người đẹp trên lầu hay chính người đẹp trên lầu toát ra những ánh sáng huyền ảo ấy. Sự bí mật nằm trong ánh sáng và thơ dựa vào ánh sáng để hiện hữu, y như trong hội hoạ ấn tượng. Nhà thơ chưa vẽ, chưa đả động gì đến người đẹp, nhưng nàng đã xuất hiện: một sự xuất hiện liêu trai, mờ ảo, nghê thường, qua ánh sáng của vật chất chung quanh.
Và đó là lối tạo chân dung bằng ánh sáng trong thơ Bích Khê.
Trong bài Hiện hình, lại một chân dung khác, vẽ theo lối hiện thực hơn:
Tôi ráp lại xem. Ồ! sự lạ!
Một người thiếu nữ hiện trong trăng.
Khăn hồng chùi lệ ngấn đôi mắt;
Da thịt phô bày ý tuyết băng.
Nường hé môi ra. Bay điệu nhạc
Mát như xuân mà ngọt tợ hương:
Ôi sao là khúc Ba sinh lụy
Rào rạt như đầy nỗi cảm thương
Tiếng ngọc, màu trăng quấn quýt nường
Phút giây người lộ mỏng như sương
- Nường tan ra nhạc? - tan ra nhạc!
Khung trắng trời mây trắng lạ thường!
(Hiện hình)

Người con gái trong bức tranh này hội tụ hai yếu tố tiếng và màu: tiếng ngọc,màu trăng.
Nhưng không thể biết chân dung nàng được vẽ bằng nhạc hay nàng chính là âm thanh?
Dường như bút lông của hoạ sĩ chấm vào nghiên nhạc để vẽ nàng. Rồi cát bụi, nàng lại trở về với cát bụi:
- Nường tan ra nhạc? - tan ra nhạc!
Khung trắng trời mây trắng lạ thường!
Mỗi chân dung người đẹp mà Bích Khê phác lên, thường có nét Bích câu kỳ ngộ. Bức Tranh loã thể là Giáng Kiều khoả thân trong óc người con trai mới lớn đầy khát vọng nhục tình :
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu dây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
Ôi lồ lộ một toà hoa nghiêm động!
Tôi run run hãm lại cánh hồn si...
Ồ hai tay rơi chén ngọc lưu ly;
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả;
Cho tôi nàng! cho tôi nàng! tất cả...
Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao
Cho đê mê, chới với, hồn lên cao,
- Một tinh cầu sẽ tan ra biển lệ.
(Tranh lõa thể)
Tranh lõa thể, một tác phẩm tuyệt vời mà âm nhạc và màu sắc dâng lên theo nhịp rung thể xác. Chàng trai xem triển lãm, trước bức tranh khoả thân có dáng dấp xưa, chàng vào mộng, trở lại hàng ngàn năm trước, sống lại giấc mơ Tú Uyên- Giáng Kiều? Hay chàng chính là Tú Uyên, đứng trước bức họa Giáng Kiều mình vừa hoàn tất, xao động bối rối, sống một giấc mơ mới mà nhịp độ thể xác đồng tiến với đam mê, với âm nhạc, màu sắc và thời gian?
Chàng là ai mà dám vượt vòng lễ giáo cổ truyền để tiến tới tự do nghệ sĩ? Chàng là ai mà dám phô bày nhục cảm xác thịt của mình trên trang giấy? Chàng là Tú Uyên đã «hiện đại hoá tư tưởng» của mình qua thơ Bích Khê? Hay chàng là Bích Khê, nói hộ người xưa những ẩn ức dục tình qua tiếng thơ thời nay?

Đôi mắt Bích Khê

Châu, bài thơ cuối trong tập Tinh huyết là một trường khúc, diễn tả hành trình sáng tạo của Bích Khê, hành trình biến hoá từ chữ sang châu. Bài thơ có ba phần:
Phần I, định nghiã cái đẹp: Đẹp câm trong pho tượng. Đẹp huyền ảo của người trong mộng. Đẹp rã rượi của tiếng đàn, của đôi mắt mùa thu. Đẹp đau thương trong đôi mắt lệ biến thành giọt châu.
Phần II, sự chuyển hoá từ cái đẹp sang cảm xúc và rung động trong tâm hồn.
Phần III, sự biến hoá những tinh lực, những rung động trong tâm hồn nhà thơ thành những giọt châu.
Đối với Bích Khê mắt là tác nhân chính và châu là thành quả của sáng tác.
Bích Khê coi mắt và châu như những tinh thể của thi ca.
Mắt nơi Bích Khê, tương đương với tưởng tượng nơi Hàn Mặc Tử.
Nếu Hàn Mặc Tử dùng óc tưởng tượng để sáng tạo thì Bích Khê dùng mắt để làm thơ.
Tất cả tinh anh nơi Bích Khê tụ vào đôi mắt. Gần Bích Khê, chắc không thể nào tránh khỏi bị cuốn hút bởi đôi mắt. Ngày nay, chúng ta chỉ còn lại tấm ảnh duy nhất: chân dung một thiếu niên, có đôi mắt to đen đẹp tuyệt vời.
Bích Khê đã diễn tả hành trình sáng tạo của mình như sau: Trước tiên nhà thơ tiếp nhận những cảm xúc của thiên nhiên và đời sống, rồi nhập đồng trong tâm hồn:
Tôi dường nghe trong một phút mê man
Hồn thanh thiên cho đến phách dương gian
Đều vỡ lở cho rung rinh thần thức
- Một thế giới mờ đi trong sáng đục
Và im hơi cho xuất khí âm hư...
Từ vùng đồng thiếp ấy, đánh lên những âm giai và màu sắc. Những yếu tố này đọng lại trong ánh mắt. Rồi từ tinh cầu mắt đó, biến thành những giọt châu thơ:
Sao? Màu nàng vấn vít lấy màu thơ
Với tình tiết và tên hoa vô thượng
Với đôi mắt đẹp câm trong sắc tượng
Biến ra châu nguyên vẹn cốt thiên đàng
Nên Thiên Tài đang tắm ở suối vàng
Theo trực giác bay lên nguồn ngọc lệ

Như thế, mỗi lần nhả châu trong mắt ngọc, thiên tài phải chết đi trong đê mê huyền bí, trong giếng loạn của tâm hồn:
Cho đã khát trong đê mê huyền bí
Ánh tiên tri nức nở sóng anh linh
Đường kinh tuyến hút nhiễm chất vô hình
Dẫn địa ngục đi vào đôi giếng loạn?

Đỉnh hoang loạn thể xác và tâm hồn cũng là đỉnh thơ: muốn đạt tới thơ, tức cõi châu, nhà thơ phải thăng hồn tới cực điểm của đớn đau hoang loạn, tới sự mất trí, tới sự rã rời thể xác, tới xuất huyết, tới địa ngục và thiên đàng:
Tôi chết ngay đây chẳng nói rằng
Cả mình lạnh khớp đến hàm răng
Thần gì đã xuất ra đôi mắt
Vội đẩy hồn tôi tới bóng giăng

Một bóng giăng rồi một bóng giăng
Hồn vẫn phiêu lưu rất nhẹ nhàng
Đến mút không gian là bát ngát
Một trời thơ mộng đẹp mê man

Và trong vùng ánh sáng và âm thanh huyền diệu ấy, đôi mắt thần tiên hiện ra:
Bỗng khúc dương cầm nấc tiếng thu
Bỗng đôi mắt ngọc hiện xanh mờ...
Và châu và báu và thanh khí
Nức nở tan thành vạn giọt thơ

Đạt đến cõi thơ, mọi sự lại bắt đầu trở lại.
Toàn bài thơ là hành trình của sáng tác, trong một vòng tử sinh huyền bí:
Tối hôm nay mùa thu đang ảo não
Trong gió rên và trong lá vàng bay
Mỗi gân trắng rúng rẩy một luồng say
Mỗi hơi thở hoa hồng vang nức nở
Và mạch máu không gian dường vỡ lở
Hú ma điên... kinh động vạn hồn đau

Muôn u phiền đầy đặc ứ trong đầu
Muôn sầu hận xây mồ ngay giữa phổi
Tôi ngây ngất trong bể lòng sôi nổi
Để hồn mê trôi dạt cõi xa mơ
Mình lặng ngồi trên tảng đá trơ vơ
Tình khóc mướt trong đêm thu ấp ủ

Đôi mắt Bích Khê chính là nguồn sáng tạo, nguồn khổ đau và hạnh phúc. Chưa ai hỏi mắt mình: Người là ai? Nhà thơ chắc cũng không biết rõ nguồn sáng trong đôi mắt ấy từ đâu đến và sẽ dẫn mình đến đâu? Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn như người ta thường nói, nhưng linh hồn Bích Khê là một cõi huyền bí xa lạ, của một cuộc đời ngắn ngủi trên dương gian, nhưng vô tận ở cõi siêu hình:

Hỡi đôi mắt! Nơi người là ngọc thạch
Nơi giếng người phản chiếu ảnh thiên thần
Nơi suối người giữ kín tiếng châu ngân
Nơi triển lãm cả một bầu tiên động
Nơi rung rinh cả một trời thơ mộng
Người là ai?Người hỡi! Người là ai?
- Nhưng đôi mắt lờ lặng và mê say
Nhìn đắm đuối không một lời náo nức

Nhạc khiêu vũ đâu đây lan sóng múa
Tôi tưởng chừng... da thịt biến ra thơm
Những đầu lâu rã hết khí xanh dờn
Những xiêm áo bay rờn trong cảnh mộng
Cả địa ngục đi vào trăm lỗ hổng
Bắn tinh ra trộn trạo giữa nguồn hương

- Hỡi đôi mắt! hồ thuỷ tinh trong suốt
Soi trần gian địa ngục vạn đời ma
Hãy nói tên thần bí của muôn hoa
Hãy kể hết nhiệm mầu muôn thế giới
Những bí quyết khí nhạc lên vời vợi
Những màu thiêng khi đau khổ lên cao
Những thơm ngào phối hiệp giữa trăng sao
Những khoái trá truyền qua hai xác thịt
Bằng hơi điện - bằng hơi điên tha thiết
Người là ai? người hỡi! người là ai?
- Nhưng đôi mắt lờ lặng và mê say
Nhìn đắm đuối, không một lời náo nức

Bích Khê, ngàn đời sau vẫn còn là vì sao mới, chiếu vào cõi thơ, bằng đôi mắt ngọc của một thiên thần, biến chữ thành châu.

 18/02/2011

Thụy Khuê

Source :  hopluu.net.

3/4/13

Mộ khúc




"Tặng CT 
 để nhớ về  tháng Tư đen ,và những linh hồn oan khuất " 


Chợt nỗi buồn xưa động bóng trăng
vàng phai bia đá dậy bên đàng
hồn xưa ray rức cùng năm tháng
mộng cũ chôn vùi theo cỏ cây
Giấc mộng ngày xanh đã vỡ rồi
Còn chi mà tiếc nuối thanh xuân
Một ngày về đất linh hồn lạnh
Nhắm mắt , còn mơ một giấc mòng
đời vẫn buồn theo tiếng thở dài
từ cha
tóc trắng những đêm thâu
từ dòng nước mắt
trong lòng mẹ
khóc đứa con xưa chẳng trở về

Chiến tranh cốt nhục đã qua rồi
vẫn còn nghe lạnh mãi trong xương
lạnh như thân xác bao đồng đội
về đất , mà không vẹn chỗ nằm
Thế hệ tôi buồn như lá khô !
còn ai để gửi chút hương lòng
đâu bàn tay nhỏ chăn mưa gió
Non nước còn  nghe mộ khúc buồn  

tranhodung. Tháng Tư đen 1975-2013

                                                                      
 

1/4/13

Em & Tôi


Em &Tôi














Em &Tôi

Đất trời vô thủy vô chung 

Suối sông vô lượng ,phù dung  vô tình

Đằng sau ánh mắt em nhìn 

Xin cho hỏi nhỏ , có hình bóng tôi ?



                

Tôi là chiếc bóng đơn côi 

Trăm năm gửi mộng xa xôi về người 

Chỉ mong tìm   thấy nụ cười

Em là   sen nở  giữa mười phương xa

Tôi đi trong  cõi ta bà 

Ngắm bao  sen nở  , đâu  là môi em ? 


Trần Hồ Dũng.Washington .USA. 2012


Photo: ********** MỘ TÌNH *********

Em người đàn bà có trái tim ngang ngạnh
Lí trí bảo phải quên mà con tim lại muốn nhớ chẳng ngừng
Đôi phút dại khờ vỡ òa và khóe mắt rưng rưng
Trái tim ấy lưng chừng theo nỗi nhớ

Em người đàn bà với trái tim đã vỡ
Những hẹn thề cũ kỹ ngờ ngợ như đã quên
Chợt bừng tỉnh bên giấc mộng không tên
Cuộn hết vào lòng những đêm đen héo rũ

Em người đàn bà nghĩ tim mình đã ngủ
Bổng giật mình khi nói tiếng yêu anh
Vẽ giấc mơ là những lá cỏ xanh
Bỡ ngỡ ngọt ngào giấc mơ đời thức tỉnh

Đêm trở mình trái tim kia đối nghịch
Không chịu trở về lăn lóc rồi  vỡ òa
Đêm hờn tủi ,một mình gặm nhấm những xót xa
Rồi cay đắng nhận ra rằng ,mình nó ngu ngốc

Đêm yếu đuối tim buồn vỡ òa khóc
Mộng lỡ làng tan tóc buột tình em
Vỡ nát mơ hoang , chênh vênh những êm đềm
Đêm vỗ về từng giọt sầu nát vụn

Trái tim ngang ngạnh bây giờ đang tê buốt
Cơn đau cuối cùng dang dở những đắm say
------- Thôi thì tự nắm bàn tay
Tự vùi thương nhớ, tự xây mộ tình !!!!

Motkiep Buon
11/03/2014


                                                           
                                                          

NHẤT HẠNH - Nói Với Tuổi Hai Mươi (7) - TÔN GIÁO

 

 

Tôn giáo

Tôn giáo là sự cảm thông nối kết. Tôn giáo không thể là những lớp thành trì phân cách con người với con người, và thế hệ của em có trách nhiệm hoàn thành công cuộc giải phóng cho con người ra khỏi thái độ tự giam hãm trong những nhận thức có tính cách cố chấp và cuồng tín. Công cuộc giải phóng đó đã được bắt đầu từ lâu, đã được nỗ lực thực hiện, nhưng chưa được hoàn tất. Nhận thức của  con người về tôn giáo đã được thay đổi một cách đáng kể nhờ sự tiến bộ của khoa học, triết học và xã hội học. Chúng ta nên phân biệt tôn giáo và nhận thức của con người và tôn giáo. Đức KYTÔ, đức THÍCH CA và bản ý của các bậc thánh nhân ấy đã được từng thời đại từng địa phương quan niệm và nhận thức một cách khác nhau, và những nhận  thức và quan niệm đó chưa hẳn đã là  đúng với bản ý các Ngài. Có một bữa tôi thấy trong hàng sách một cuốn viết về thần học nhan đề « Thượng Đế của anh quá nhỏ bé » « Your God  is too small ». Thượng Đế thì không bé nhỏ, nhưng Thượng Đế của anh, Thượng Đế của nhận thức anh thì phải bé nhỏ. Bởi vì quan niệm và nhận thức của anh có thể còn ấu trĩ, sai lạc. Cho nên ta có thể nói  đến những tiến bộ của tôn giáo, hoặc rõ ràng hơn là những tiến bộ của con người trong phạm vi nhận thức tôn giáo, thái độ tôn giáo và hành trì tôn giáo. Những tiến bộ ấy được trông thấy ở khắp mọi tôn giáo và nhờ đó những người theo tôn giáo càng ngày càng tỏ ra khiêm cung hơn,cẩn trọng hơn và khoan dung hơn. Cuồng tín và cố chấp là những gì nặng nề và hủ bại nhất mà tôn giáo phải đả phá. Những nỗ lực liên tục của CƠ đốc giáo chẳng hạn trong mấy mươi năm  gần đây điển hình nhất là phong trào Oecuménique và công đồng Vatican là những dấu hiệu của sự thao thức thường xuyên để khế cơ hóa tôn giáo trong những điều kiện trí thức và tình cảm của đời sống mới.

Tôn giáo đã có mặt từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại, và đã là một nhu yếu lớn của đời sống nhân loại. Tuy vậy, tôn giáo của hôm nay không phải là tôn giáo của ngày hôm qua, và tôn giáo của ngày mai cũng sẽ không phải là tôn giáo của ngày hôm nay. Điều nầy là một sự thực lịch sử. Nghiên cứu lịch sử tôn giáo bằng nhân chủng học, tâm lý học và xã hội học chúng ta thấy ngay điều đó, rằng tôn giáo không có bản chất cố định, bản chất của tôn giáo không thuần nhất, nó thay đổi tùy thuộc thời gian và địa phương, tùy thuộc những điều kiện sinh hoạt của từng xã hội. Những tôn giáo có tính cách cổ sơ ( religionprimitive ) nhằm đến sự thỏa mãn những nhu cầu khẩn bách nhất của con người; chống lại đói, lạnh, bệnh tật,chết chóc. Khoa học kỹ thuật chưa phát triển, chưa bảo đảm được cho con người chống lại những thứ ấy thì con người còn cần đến thần linh, đến ma thuật, đến tôn giáo. Nền y tế hương thôn ở Việt Nam một khi có cơ sở và đã phát triển đúng mức chẳng hạn, thì các thần linh như ông địa, ông táo bà mụ, tà Phạm Nhan, và trăm thứ thần linh khác phải dần dần rút lui. Chất quinine đi tới đâu thì tà ma vắng mặt bớt đi tới đó. Trong lịch sử tôn giáo những vị thần linh lớn càng ngày càng được tôn sùng, càng nắm được quyền chỉ huy các vị thần linh nhỏ bé hơn. Từ đó xuất hiện thứ tôn giáo đế quốc(religion impériale) hay tôn giáo quốcgia (religion nationale) mà tín ngưỡng được xem như là căn bản của kỷ luật quốc gia. Thần linh của các tôn giáo nầy có nhiệm vụ bảo trợ cho một quốc gia, làm cho quốc gia đó cường thịnh và ủng hộ cả cho những quốc gia đó trong việc chiến đấu tự vệ hoặc xâm lăng. Mỗi khi một quốc gia này thắng được một quốc gia nọ thì thần linh của tôn giáo nầy cũng thắng được thần linh của tôn giáo nọ. Tôn giáo với chính trị gắn liền với nhau, không thể tách rời ra được. Sau đó, xuất hiện những tôn giáo tiến bộ (religion avancée) - vượt khỏi biên giới quốc gia và có tính cách tôn giáo đại đồng. Những tôn giáo nầy có khuynh hướng đi vào tâm linh nhắm tới thỏa mãn các nhu yếu tâm linh chứ không nhắm tới sự thỏa mãn các nhu yếu cấp bách của thân thể như trongcác tôn giáo cổ sơ, những nhu yếu chính trị như trong các tôn giáo quốc gia nữa. Chúng ta thấy có những tôn giáo nghiêng về cứu thế (religion sotériolorique) những tôn giáo nghiêng về nghĩa vụ ( religion déontologique ) và những tôn giáo nghiêng về triết học(religion philosophique).Ở các tôn giáo này, con người có quyền chọn lựa chứ không như ở các tôn giáo chưa tiến bộ; bởi vì ở đây các tôn giáo đã nghiêng về sinh hoạt nội tâm hơn là sinh lý và xã hội. Tuy nhiên trong các tôn giáo này, ta vẫn còn thấy dấu vết lưu lại của những tôn giáo cổ sơ và quốc gia.

Đó không phải là bản ý của người sáng lập tôn giáo, đó là dấu hiệu của những nhu yếu sơ đẳng đang còn. Trong đạo Phật chẳng hạn, có nhiều tín đồ còn cúng Phật để cầu mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt , trong đạo Cơ Đốc, nhiều tín đồ vẫn còn nghĩ đến thực phẩm như là một ân huệ của Thượng Đế và đó không phải là bản chất thực của những tôn giáo tiến bộ.

Tôn giáo còn tiến bộ nhiều nữa trong đà tiến bộ chung của nhân loại cùng với những tiến bộ về tư tưởng, khoa học và kỹ thuật. Mà tôn giáo cần thiết cho con người. Vì vậy ta có bổn phận thúc đẩy sự tiến bộ của con người về nhận thức và thái độ tôn giáo, khiến cho tôn giáo giữ được vai trò nuôi dưỡng phát triển tâm linh của con người và đừng bao giờ còn trở nên những chướng ngại, những thành kiến cố chấp và cuồng tín cản trở sự tiến bộ và giải phóng của con người toàn diện. Trong một tôn giáo, bao giờ cũng có một thiểu số người can đảm, có nhận thức cởi mở, đi tiên phong trong sự khám phá và nhận thức. Cho nên em hãy tìm đọc những nhà đạo học và thần học nổi tiếng nhất để có thể đứng ở chỗ đầu đường mà nhìn về phía chân trời tương lai của những tôn giáo. Em hãy đọc những người như Jacques Maritain, như Nicolas Berdyaev, như Martin Buber, như Paul Tillich, như Nagarjuna, như Karl Barth, như Asangha, như Thân Loan, như Thái Hư, như Vivekanada, như Hư Vân... Đọc những người như thế, ta thấy tôn giáo cao cả, thâm sâu, bao la. Ta thấy phần đông những người theo tôn giáo đều đi sau rất xa; đơn giản, lười biếng và ỷ lại về suy tư thực chứng cho nên dễ cố thủ, hẹp hòi và cuồng tín. Nếu em có tôn giáo, em sẽ không thể như họ. Em sẽ học hỏi về tôn giáo để thấy phần thâm thúy và siêu tuyệt của nó, để lấy những chất liệu quý báu vô hại của nó làm món ăn cần thiết cho tâm linh em. Em hãy đóng góp vào công cuộc khai phá và thực hiện, động cơ của tiến bộ tôn giáo. Nếu em chưa có một đức tin nào thì em hãy thận trọng đối với vấn đề tôn giáo. Tôn giáo, người ta nói, cũng như tình yêu. Cho đến khi chưa yêu, em không hiểu được tình yêu, và em thấy tình yêu là lố bịch. Đọc một bức thư tình, em thấy buồn cười. Nhưng mà ngôn ngữcủa những bức thư tình chỉ có nghĩa đối với những người trong cuộc, dù bức thư tình ấy bắt đầu bằng “Thưa quý nương...” Người có đức tin, theo Barth, và cả Buber nữa, là người đã nghe tiếng gọi của Tình Yêu và đã đáp lại không phải bằng một sự chấp thuận, mà bằng cả con người mình. Phần lớn, người ta theo tôn giáo vì truyền thống gia đình, vì địa lý, vì tập tục...Nếu em sinh ra ở Ấn Độ, em có nhiều cơ hội để là một người theo Ấn Độ giáo. Sinh ra ở Mỹ thì Tin Lành. Ở Nhật bản thì Phật giáo hay Thần Đạo... Nghĩ như thế để khiêm nhượng, để cởi mở, để sẵn sàng học hỏi và trao đổi Dù có đức tin tôn giáo hay không có đức tin tôn giáo, em cũng cần tìm hiểu học hỏi về các tôn giáo, và nhất là các tôn giáo có mặt tại Việt Nam. Nên tập nhìn các tôn giáo như những thực tại văn hóa và xã hội, như những di sản văn hóa xã hội, những nguồn tiềm năng của nhân loại, của đất nước. Phải tìm hiểu và bồi đắp các tôn giáo để các tôn giáo có thể hướng về sự thúc đẩy tiến bộ xã hội, như chúng ta tìm hiểu bồi đắp và sử dụng các tài nguyên quốc gia. Hãy xem các tôn giáo như những tiềm lực có thể xây dựng con người về phương diện tâm linh và xã hội. Tôn giáo không ít quan trọng hơn những miền cao nguyên trù phú, những miền đồng bằng bao la, những con sông tưới tẩm, những thác nước có thể biến thành điện lực. Phải bồi đắp, nuôi dưỡng và sử dụng các tiềm lực tôn giáo trong mục đích phụng sự con người. Thế hệ em phải đánh tan sự kỳ thị, bưng bít. Thế hệ em phải thực hiện tinh thần hòa đồng, nghĩa là hòa hợp mà không phải đồng hóa, giữa các thực tại văn hóa và tôn giáo. Em phải mở rộng nhận thức tôn giáo và vượt thái độ giáo điều. Hãy mang niềm tin yêu đến gặp các bạn không đồng tôn giáo với các em và sẵn sàng cộng tác. Nguyên tắc căn bản là: những hoạt động nhân danh tôn giáo phải là những hoạt động xây dựng cho cuộc đời, làm cao đẹp cho con người chứ không phải là những hoạt động nhằm bành trướng thế lực và quyền lợi riêng tư cho một bản ngã tôn giáo. Nghĩa là hãy đồng ý rằng tôn giáo là nhu yếu của con  người, phải phục vụ con người, chứ không nên để con người chết chóc chia rẽ khổ đau vì phải phục vụ cho những giáo điều tôn giáo, những nhận thức độc quyền về tôn giáo... Nắm được then chốt ấy em sẽ thấy tôn giáo trở nên đẹp như một người yêu. Trong buổi họp mặt với các bạn em có thể đem người em yêu tới giới thiệu cùng mọi người: ai cũng vui vẻ, ai cũng chấp nhận, ai cũng mừng cho em có lý tưởng, có đức tin, có nơi nương tựa tinh thần. Ai sẽ còn giữ sự kỳ thị?

Không khí tôn giáo vẫn còn nặng nề, trong lúc này, và điều đó trông cậy ở sự cố gắng, thái độ cởi mở và tôn trọng của em. Phải làm sao cho mọi ngôi chùa, mọi tu viện, mọi giáo đường trở nên những bông hoa im lìm đẹp nhất của đất nước. Và làm sao cho những cộng đồng tôn giáo đều hướng về sự phát triển đời sống toàn diện của con người, làm sao cho mọi tôn giáo gặp nhau trong thái độ thực sự nhân bản, không lấy những nhận thức độc quyền về tôn giáo - những giáo điều, mà lấy con người làm đối tượng và cứu cánh.

31/3/13

Mấy Sự thật của tôi hôm nay



André Menras Hồ Cương Quyết

Phạm Toàn dịch

2

Chụp ở cảng Lý Sơn, nơi ngư dân ra ngư trường Hoàng Sa. Nhắc nhở “ thiết bị an toàn”, trong tình hình hiện nay có phải kiểu hài hước đen, thậm chí vô sỉ không?


Một chút rào đón

Tôi muốn có vài lời rào đón xin bạn lượng thứ, ấy là trong bài viết dài này, tôi thường dùng chữ “Tôi” thay cho chữ “Chúng tôi”. Tôi biết rằng, cái “tôi” càng to thì cái bóng của nó càng trùm mạnh lên cái “chúng tôi”, ấy vậy mà, nếu không có cái “chúng tôi” thì lấy đâu ra cái “tôi”. Nhưng, trong những điều tôi viết tiếp đây, chữ “tôi” vẫn được đặc quyền dùng nhiều hơn, và đó không phải là vì tôi không khiêm tốn hoặc cố tình dùng để cho cá nhân mình có lợi lộc gì đấy.

Sau mấy bài của tôi viết về những hoạt động đoàn kết (với ngư dân Việt Nam của chúng ta) và để trả lời rất nhiều ý kiến và câu hỏi liên quan đến bản thân, tôi muốn tự mình làm sáng tỏ cái cách thức tôi nhìn nhận tình hình hiện thời tại dất nước thứ hai của mình là nước Việt Nam. Tôi sẽ chỉ đề cập vài quan điểm riêng, song tôi coi đó là những cơ sở động lực cho những cuộc tranh đấu ngày hôm nay của mình. Tôi quyết định tự mình làm công việc này, và mong rằng những điều tôi viết ra sẽ không bị méo mó đi vì những cách diễn giải bên ngoài dù đó là những diễn giải tử tế hoặc không tử tế.

Cũng nhân dịp này, và cũng nhân danh là một công dân Việt Nam, tôi muốn đáp lại lời kêu gọi nhắc đi nhắc lại nhiều lần của chủ tịch Trương Tấn Sang nước ta, là hãy đem “vũ khí Sự thật” ra mà sử dụng. Tôi làm công việc dùng vũ khí đó với lòng kiêu hãnh vì quá khứ của mình, nhưng là cái quá khứ đã bị rũ sạch những huân chương, mặc dù trong lòng mình vẫn còn nguyên vẹn những giá trị cộng sản được khẳng định chắc chắn, đồng thời lúc nào trong lòng mình cũng tránh rơi vào tính bảo thủ như rất nhiều tấm gương đẹp nhất đang héo tàn ta đã thấy trong nhà bảo tàng… Vả chăng chính vì tôi giữ lại những giá trị ấy mà (supprimer ce mot car je veux parler de cet article) bài viết của mình nói ra các Sự thật của mình thường khi mang vị đắng cay và đau lòng. Hẳn nhiên, đó không là những đắng cay và đau lòng chỉ riêng tôi mới có, mà cả của những ai khác nữa, không giống những nỗi đau và đắng cay của tôi. Nhưng không ai có quyền ngăn cấm ta nói ra những nỗi niềm ấy và đem chúng ra chia sẻ, đổi trao.

Tôi đã nhiều lần khẳng định điều này, xin các bạn và những ai không ưa tôi cứ thẩm tra lại: tôi bao giờ cũng là một điện tử tự do và tôi cứ sống như thế mãi mãi. Tôi là kẻ không bị kiểm soát bởi bất kỳ ai và bất kỳ tổ chức nào: tôi không có tham vọng chính trị và không phụ thuộc về tiền nong với tổ chức, hội đoàn hoặc chính đảng nào đó, tôi chẳng có gì phải thanh minh thanh nga về lòng chân thành và tình đoàn kết trong những mối quan hệ từ xưa tới nay với nhân dân Việt Nam.

Nhưng cũng có một điểm yếu đấy: tôi là một con người, và đã là con người thì thế nào cũng có lúc chết. Nhưng những gì là căn bản của đời mình vốn là đã ở phía sau của cuộc đời mình rồi, một “tai nạn” có khi lại trở thành một sự kiện hay ho phục vụ cho chính nghĩa mà tôi bảo vệ và càng làm cho chúng đến với đông đảo công chúng hơn. Tôi chẳng ngán chạy Honda trong cái khu rừng mọc đầy những xe gắn máy là Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Chưa kể là, sự thận trọng và cái tính lịch sự ngoại giao chưa bao giờ là thế mạnh của tôi sất, bao giờ tôi cũng nghĩ rằng giữ im lặng không lên tiếng tức là đồng lõa, rằng sống nửa vời tức là nửa đạo đức giả hoặc là nửa hèn nhát và tình bạn chân chính là khi thấy điều gì làm ta giận điên lên thì ta cứ nổ thôi. Vậy là tôi bình tâm nhận hoàn toàn trách nhiệm về điều tôi đang viết đây, và xin hết lời cám ơn đội Bauxite Việt Nam đã cho tôi phát biểu những lời “nhạy cảm” này.

Tại sao đến hôm nay mới viết bài này?

Tình cảnh bi kịch của ngư dân nước ta đối mặt với Hải quân Trung Hoa và bọn biệt kích lưu manh cải trang thành những dân đánh cá, là một tình trạng chắc chắn sẽ càng trở nên vô cùng trầm trọng, máu Việt Nam sẽ còn tuôn chảy trong mấy tháng tới đây, những vụ tham nhũng rồi sẽ còn bị bóp chết không để lộ ra ngoài, cuộc “thảo luận toàn quốc” để góp ý cho Hiến pháp rồi sẽ bị nhà cầm quyền xoay chuyển sang một hướng sai lệch, bọn lính đánh thuê chính trị bảo thủ các cỡ đang chực đứng sẵn bên lỗ châu mai để tấn công và bôi nhọ gần 12 ngàn chữ ký kiến nghị đòi chữa lại Hiến pháp theo hướng dân chủ hơn nữa… tất cả những điều đó đã khiến tôi quyết định viết ra những dòng này. Viết ra trước hết là để trút bỏ những mối âu lo và những cơn điên giận càng lúc càng lớn.

Sau nữa, viết ra là để giải thích vì sao tôi nằm trong danh sách những người ký tên vào bản Kiến nghị này và cũng để xác định rõ chữ ký này của tôi không phải là chuyện bốc đồng hoặc tôi đặt bút ký chỉ vì bị thôi thúc vì những tình cảm đã qua hoặc tình cảm hôm nay, lại càng không bị thôi thúc vì những thế lực bên ngoài hòng làm mất ổn định chế độ hiện nay của Việt Nam. Tôi muốn làm yên lòng thêm cho những ai vẫn còn hồ nghi chuyện đó: đây là một chữ ký vô cùng cẩn thận, vô cùng cân nhắc. Đây là một chữ ký xung trận và kết án.

Sau hết, tôi viết mấy dòng này để đóng góp vào cuộc tranh luận quan điểm rất cần thiết trên tư cách là một công dân Việt Nam đang cùng với vô số người Việt Nam khác đang muốn có một nhát chổi quét thật mạnh, không bạo lực, nhưng kiên quyết, hiện thực và cực kỳ bức thiết, trong một hệ thống điều hành đang trở thành không thể chịu đựng nổi đối với một bộ phận công dân “không nhỏ” [chữ dùng bằng tiếng Việt trong nguyên văn – ND].

Hoan nghênh Kiến nghị của 12000 người hôm nay!

Trước hết, về chuyện tranh luận xoay quanh bàn Kiến nghị mà tôi đánh giá là một văn bản có tính chất quần chúng rộng rãi, dân chủ và sáng tạo mới mẻ, tôi cần ngỏ lời cám ơn những nhà khởi xướng cũng như cám ơn trang BVN đã tung nó ra cho công chúng rồi quản lý công việc với nhiều nỗ lực dù có rất ít nhân lực và phương tiện, thường khi bị đe dọa, đôi khi còn bị giăng bẫy và bôi xấu.

Chẳng có chuyện gì trên đời lúc nào cũng là hoàn hảo cả. Từng có và sẽ còn có những nhận xét này nọ về quan điểm và cách biên soạn văn bản Kiến nghị, về cách lấy chữ ký, về cách cử người đại diện, về cách chọn một từ, cách đặt một dấu phẩy hoặc một dấu chấm. Thế nhưng, trong tình hình hiện thời, điều cơ bản là: trang BVN và các trang web khác đã có công lớn làm nơi lên tiếng, lắm khi là lên tiếng lần đầu tiên, cho những ai bị từ chối không cho biết là có một bản Kiến nghị như thế và kêu gọi con người suy nghĩ và hành động, còn thì về phía bên kia, phía cái chính quyền mặc bộ áo dân chủ, thì đồng loạt nổ súng phản thông tin bằng cách tung ra hàng binh đoàn thiết giáp tư tưởng và chính trị: độc quyền hoàn toàn các phương tiện lớn làm công việc “thông tin” cho đông đảo nhân dân (cái công thức “700 tờ = Chỉ một Tổng Biên tập” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] chỉ là hơi nói quá lên một tí thôi), những tên biệt kích là “nhà báo chính trị” của “Mặt trân Tổ quốc” đứng ra bới lông vạch vết trung thực trong danh sách người ký Kiến nghị, các “giáo sư lớn” giỏi nấu món Mác-Lê thì vẽ lại Lịch sử theo các menu do Đầu bếp vẽ ra.

Cuộc đấu tranh hết sức không cân sức về phương tiện sử dụng. Và cũng hết sức không cân sức về tính trung thực và về mục đích của các lực lượng đang mặt giáp mặt. Trong điều kiện như thế, tôi mong những ai đứng ra phê phán mặt này mặt khác của bản Kiến nghị, hoặc người này người khác trong số những người ký tên vào Kiến nghị, ngay cả khi các vị đó làm như thế là có lý do phải làm như thế, thì xin các vị chớ khi nào được quên điều căn bản này: bản Kiến nghị là một nhịp thở của nhân dân, là một cú nhảy bột phát bổ ích chống lại sự cam chịu, chống lại sự cúi đầu vô điều kiện hoặc cúi đầu vì sợ sệt, là một nỗ lực dũng cảm mang tính đối kháng và mang tính lôgic để tiến về hướng một xã hội hiện đại mà nhân dân Việt Nam phải tìm ra và tạo ra giống như hình ảnh của chính dân tộc mình.

Những tên tuổi hoàn toàn không bị điều tiếng và nhiều khi nổi danh vì những thành tích trong quá khứ và hiện tại của những vị khởi xướng bản Kiến nghị, tên tuổi của những người đã ký vào bản khởi thảo và còn tiếp tục kêu gọi mọi người ký vào đó, cùng với những tên tuổi các nhà khởi xướng, là tên tuổi những công dân nghiêm túc, trong sáng, có trách nhiệm, âu lo cho đất nước và tôn trọng luật pháp.

Tôi nhận thấy ngày càng nhiều chữ ký của nông dân, những người vẫn rất còn xa lạ với máy vi tính, đã đồng tình với nỗ lực này và nỗi hiểm nguy này để biểu lộ khát vọng muốn thay đổi của mình. Những con người ấy, những người đã chở che và nuôi nấng cách mạng, những con người đã được hứa nhăng hứa cuồi, những người ấy với một bộ phận vẫn đang sống trong địa ngục chỉ vì muốn giữ lấy đất đai của mình, cái mảnh đất bị người ta cưỡng chế tịch thu giữa ban ngày ban mặt! Tôi hết sức cầu mong bà con này tiếp tục biểu lộ nguyện vọng của mình bằng cách nhờ con cái, nhờ cháu con, hoặc nhờ bè bạn để ký vào bản Kiến nghị này. Tất cả các công dân này ở các trình độ khác nhau đều là những người Việt Nam dũng cảm đối mặt với một chính quyền trong tay có một lực lượng cảnh sát quyết tâm bắt họ phải câm họng.

Những công dân này rất đa dạng, họ khác nhau trong quá khứ và trong hiện tại, và khác nhau cả trong chính kiến (có nhiều người còn chưa có chính kiến rõ ràng nữa). Họ khác nhau về tín ngưỡng, về nghề nghiệp, về năng lực, về tuổi tác, về nơi cư trú, về cách biểu đạt nguyện vọng của mình… Và, cho dù tất cả đều thành thực cùng được thức tỉnh theo một hơi thở dân chủ cần thiết cho đất nước mình, thì cũng còn khá xa tới khi họ lập ra một Chính đảng có tổ chức được thức tỉnh vì nguyện vọng lật đổ một chế độ. Nói họ là như thế, hoặc gây dư luận rằng họ là như vậy, là chuyện hoàn toàn bôi nhọ. Đó là cách lập luận cổ điển, trẻ con và thô kệch, của những kẻ thiếu những lập cứ nghiêm túc và chỉ biết khua lên nỗi lo cảnh hỗn loạn xã hội để dọa những mong muốn thay đổi. Đó là cách khước từ thảo luận ngay từ trước khi tham gia vào thảo luận.

Suốt dọc Lịch sử, cái lối tuyên truyền gọi bất kỳ cái Mới nào cũng đều là quỷ dữ đã được các nền độc tài đem dùng để tạo chính danh cho những cuộc săn diệt phù thủy.

Điều 4 và vai trò lãnh dạo của Đảng

Tôi đã nói rồi, xin đừng lục tìm tên tôi trong các danh sách người tham gia các đảng phái chính trị, các người sẽ không tìm thấy tôi trong bất kỳ danh sách nào. Nhưng, bên trên nữa tôi cũng đã khẳng định rồi, rằng tôi kính trọng các giá trị cộng sản. Đó là những giá trị được tôi luyện trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và trong nhà ngục Việt Nam khi được tiếp xúc với những con người chân chính đã bằng hành động của họ mà dạy cho tôi những giá trị ấy! Trái ngược với một số người chỉ dùng các “giá trị cộng sản” cho hợp thời để rồi quên khuấy luôn và chạy theo những đồng đô-la xanh hoặc những danh tiếng, tôi vẫn luôn luôn tin tưởng vào phần lớn các giá trị cộng sản này và tôi thách đố ai đó có thể khẳng định rằng tôi đang tuyên ngôn về sự biến mất của Đảng Cộng sản bởi vì cho rằng tôi sẽ là kẻ đi theo những giá trị tư bản chủ nghĩa.

Đối với tôi, tự do là điều cơ bản và tự do là điều không sao thích nghi nổi với bất kỳ nền độc tài nào. Chẳng độc tài vô sản cũng chẳng độc tài của các ông chủ nhà băng, cho dù tôi vẫn thấy mình gần gụi nhiều với những người vô sản hơn là với những ông chủ ngân hàng! Đối với tôi, một Đảng Cộng sản xứng đáng với danh hiệu đó cần phải luôn luôn ở hàng đầu bảo vệ các quyền tự do, trước hết là quyền tự do của những người nghèo khổ nhất trên đời. Động cơ và mục đích trung tâm của những cuộc đấu tranh của một Đảng Cộng sản như thế phải là Con Người cụ thể, đang sống, có thực, chứ không đấu tranh cho quyền lực vì quyền lực của một nhóm bất kể đó là nhóm gì. Dù cái Đảng ấy không có tính dân tộc, thì nó vẫn có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia.

Giá trị cộng sản và Đảng Cộng sản: từ “Đảng Cộng Sản” tới “Đảng ta” tới “Đảng”… [tiếng Việt trong nguyên văn – ND]

Nhưng liệu có sự đồng nhất giữa những “giá trị cộng sản” và “Đảng Cộng sản” hay không? Liệu có cần nhắc nhớ cái sự thật hiển nhiên này hay không: suốt dọc Lịch sử, sau khi đã khơi dậy một niềm hy vọng vô biên, thì chính các Đảng Cộng sản, chính họ đã bôi bẩn và đôi khi giẫm đạp lên các giá trị đó sau khi họ nắm được chính quyền và đã làm mọi điều để được tại vị? Tội ác chung của họ là đã tịch thu thành quả của những hy sinh và cuả những cuộc đấu tranh của nhân dân, là đã tổ chức những chế độ cai trị diệt dân chủ để đẩy lui niềm hy vọng dân chủ của biết bao thế hệ. Tất cả bọn họ đã giết chết các quyền tự do ấy vào những dịp đấu tranh chống các “kẻ thù bên trong” và những “kẻ thù bên ngoài” đôi khi cũng có thực nhưng thường thì là ngụy tạo. Đến độ là họ đã tự mình xóa sạch khỏi chính trường tự nhiên của quốc gia để tự cải biến thành những quái vật thực sự ăn không biết no của một chính quyền độc đảng…

Thưa ông Chủ tịch nước, điều tôi đã thực sự nhận ra và ấn tượng chân thành của tôi, xin cho tôi nói với mọi sự chừng mực cần thiết, ấy là dường như Dảng Cộng sản hiện thời của Việt Nam đang ngày càng tuột theo cái dốc kinh khủng, và, xin Chủ tịch thứ lỗi cho tôi vì sự thiếu tôn kính, ngay trong lời ông khuyên mọi người nói lên sự thật cũng đủ cho thấy rằng bản thân ông cũng chẳng có tí tự do nào trong việc nói ra toàn bộ sự thật ấy.

Có những người cộng sản lão thành Việt Nam đã nói lên điều đó hay hơn tôi nhiều trên trang mạng BVN và nhiều trang khác: cái Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay chẳng có gì giống với cái đảng ấy ngày xưa sất. Đảng Cộng sản ngày xưa xứng danh với tên Đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng giải phóng dân tộc và đảng thống nhất quốc gia. Tôi vẫn kính trọng cái Dảng Cộng sản ấy ngay cả khi nó không rũ bỏ được những nhiệm vụ kinh khủng trong đó có việc Cải cách Ruộng đất. Đối với tôi, cái Dảng Cộng sản Việt Nam hôm nay đã trở thành cái “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên văn – ND]. Dù trình độ tiếng Việt của tôi còn nhiều chỗ đáng chê, song tôi tin rằng trong cái ngôn ngữ vô cùng phong phú này, âm “ta” vừa có thể là “chúng ta, của chúng ta” như là “Tôi, của tôi”. Và tôi nghĩ rằng, thời gian nhiều thập kỷ trôi đi, nhất là trong hai thập kỷ vừa qua, nghĩa ngôn từ đã trượt dài từ “Chúng ta” sang cái nghĩa “Tôi”.

Đảng ấy đã tiêu sạch cái uy tín đã có trong quá khứ, đã mất hết sạch niềm tin của nhân dân toàn quốc. Hệ quả là, chúng ta có bản tổng kê không ai cãi nổi: Đảng đã dẫn đưa nền kinh tế, dắt dẫn xã hội, đã đưa nền văn hóa Việt Nam tới một tình trạng vô cùng nguy kịch. Đảng ấy đã mở cửa và bày cỗ cho “đồng chí” Trung Hoa – đồng chí lãnh đạo ấy, nhất định thế rồi – người đang bình thản bơm hút tài nguyên và nhân lực tự nhiên và đang ngầm kiểm soát chặt chẽ những hướng phát triển chính yếu của nước Việt. Và làm mọi việc đó trong sự nhục mạ Việt Nam. Ngược hẳn với tình đoàn kết quốc tế đem lại lợi ích cho nhân dân Trung Hoa và Việt Nam, đây là sự nô dịch vì sợ sệt hoặc vì có lợi cho giới cầm quyền Bắc Kinh!

Quẫy ra khỏi sự nô dịch thuộc địa rồi tân-thuộc địa để rơi vào một sự nô dịch kiểu mới khác còn nguy hiểm hơn nữa: đó là món nợ to lớn đến kinh hoàng của Đảng. Khi cái “Đảng ta”, thông qua Diều 4, đòi quyền lãnh đạo quốc gia chỉ cho riêng mình, và một mình Đảng hôm nay đã quyết định bám chặt không rời con đường ấy nhân danh 90 triệu công dân, điều đó có nghĩa là không một ai nữa ngoài “Dảng ta” phải chịu trách nhiệm về cái tình hình đất nước như vừa được mô tả. Tôi hiểu rất rõ rằng, khi tôi khẳng định mấy điều nói trên, tôi đã làm vừa lòng một số người cả Việt Nam lẫn chẳng Việt Nam quen tán tụng nền dân chủ của “thế giới tự do”, những người về phía họ từng cho tôi biết khi tôi ở sau song sắt nhà tù của họ rằng nền độc tài tàn bạo ấy có khả năng “dân chủ” tới mức nào khi họ nắm quyền lực trong tay, và họ là những chuyên gia cỡ nào khi sử dụng các công cụ tra tấn.

Nhưng ta cũng cần thừa nhận rằng hiện thời trong xã hội Việt Nam cũng có những thành phần cũng chẳng có giá trị gì hơn so với những kẻ đó. Đó là những sản phẩm của nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa” rất thường bỏ qua chủ nghĩa nhân văn và nền văn hóa đoàn kết đích thực của nhân dân để thần thánh hóa lợi nhuận, để ban phép thánh cho lối sống xa hoa, để gợi lên những cách sống vị kỷ. Có những cán bộ được sinh ra từ “nền giáo dục” ấy đã khiến tôi phải nghĩ tới những người tôi từng bắt gặp trong chế độ cũ. Lời lẽ và phương pháp đã khác đi, vì không còn chiến tranh nữa, và vì người Việt Nam trong thế giới hôm nay không cho phép tồn tại cái bạo hành đã dùng ngày trước. Nhưng cái ý chí thống trị, cái ý chí bóp chết nền dân chủ thì vẫn còn đó với một số “không nhỏ” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] những nhà lãnh đạo hiện thời. Sự tham lam vơ vét cho riêng mình thì vẫn không thay đổi và được đặt cao hơn quyền lợi của quốc gia. Than ôi, rất nhiều người trong số đó lại là đảng viên của “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND].

Tuy nhiên, bên cạnh đó may sao cũng vẫn còn những người cộng sản chân chính, những người cộng sản tôi gọi là “sạch sẽ” nhưng là những người cảm thấy mình bất lực và đau lòng trước xã hội của mình vì hội chứng Trung Hoa… Những người mày có trong hàng ngũ cán bộ và nhất là cán bộ cơ sở. Nhưng các cán bọ và đảng viên đó của “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND], thường bị các công dân bình thường gọi là những “người cộng sản nhưng mà tốt” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] đều đã bị gắn chắc trong guồng máy. Chức trách của họ, công việc làm của họ, và đôi khi ngay cả sự an toàn của họ cũng bị đe dọa ngay khi họ tỏ ra muốn có thay đổi, ngay khi họ tìm cách nói lên sự thật, cái “sự thật” chính họ đang sống trong đó. Để có thể lên tiếng, họ phải bảo đảm được che chở bởi một hoặc nhiều “hậu phương” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] mà ngay cả những hậu phương này cũng không chắc chắn và có thể ngày một ngày hai là bỏ mặc nhau để trốn chạy tháo thân.

Với những đảng viên cộng sản ở cơ sở, các chi bộ “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] chỉ là nơi họ phải có mặt để nghe và nhắc lại bài kinh chính thống. Hãy cẩn thận những ai đi chệch khỏi nghi thức đó! Mấy câu hỏi nghiêm trọng được nêu ra tại đó, vài điều phản đối, mấy tiếng kêu phẫn nộ sẽ được nhanh chóng dập đi và chôn vùi tại chi bộ. Vậy là, với rất nhiều người trong bọn họ, cái “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] còn co hẹp hơn nữa để chỉ còn là “Đảng”. Cái “ta” biến nất. Đảng không khuyến khích người ta nói mà xui người ta ngồi im. Đảng không thích người ta tự suy nghĩ. Đảng không đoàn kết mọi người: Đảng chia rẽ mọi người. Danh mục các vấn đề “nhạy cảm” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] kéo dài mãi không hết, và cuối cùng dẫn đưa những cuộc đối thoại đổi trao thành ra chỉ còn là những cái gật đầu như cái máy. Khái niệm trách nhiệm cá nhân biến mất. Người ta nấp sau bộ máy: không ai dám quyết định điều gì ngoài những hệ thống vâng vâng dạ dạ càng ngày càng hoạt động hệt như những hội kín và những lũ bảo kê. Tính chất vô danh của các mối quan hệ giữa “các đồng chí” trở thành một kiểu vận hành ở đó mỗi người đều nghi ngờ không tin vào ai khác. “Đảng” là tất cả, nhưng không là một ai hết. Sức mạnh thì kinh hoàng nhưng không sao tóm được nó.

Tình thế lúc này: lúc cần thì chẳng thấy mặt, lúc không cần lại hiện ra

Vậy bây giờ nói gì về Điều 4 đây? Một cái đảng như thế có xứng đáng được đưa vào Hiến pháp trong vai trò lãnh đạo duy nhất như nó tự cho mình cái vai trò ấy? Nếu như hôm nay Dảng Cộng sản xứng đáng với vai trò lãnh đạo ấy, nếu thực sự nó đóng vai trò đó một cách tích cực, phù hợp với quyền lợi quốc gia, nếu nó là phản ánh ý nguyện của đông đảo nhân dân, thì liệu nó có cần tựa vào cái gậy chống của cụ già là bản hiến pháp để bảo đảm cho nó sống sót về chính trị? Nếu nó còn cố bấu víu vào điều khoản tối cao ấy thì đơn giản chỉ có nghĩa là, ngược lại với mọi thực tại, nó muốn áp đặt một tính chính danh về sự lãnh đạo của Đảng mà nếu xem xét thực địa mỗi ngày đều thấy chính việc ấy đang bị đòi phải xem xét lại.

Đảng ở đâu khi các công dân cần đến sự trợ giúp của Đảng để chống lại bọn cường hào địa phương, để đòi lại công bằng xã hội, để tiến hành cuộc đấu tranh thực sự theo chiều sâu chống lại đói nghèo, chống lại sự bóc lột siêu-tư bản chủ nghĩa với người lao động, chống lại nạn hủ hóa lan tràn như bệnh dịch, chống lại tệ nạn quan liêu, chống lại bàn tay đạo diễn của Bắc Kinh trong mọi lĩnh vực đời sống của đất nước? Trong hầu hết các trường hợp vừa kể, đều chẳng khi nào thấy Đảng ta ở đâu, hoặc tệ hơn nữa, Đảng còn là tác nhân tiêu cực của những vấn đề này!

Vấn đề ngư dân cho thấy rất rõ điều này. Xin cứ đi hỏi bà con ngư dân đang gặp nguy hiểm chết người mỗi lần ra khơi ở Hoàng Sa và sắp tới là ở Trường Sa, Đảng đang ở đâu khi họ đứng trước những họng súng Trung Hoa? Đảng ở đâu khi họ bị hạ nhục, bị chửi bới, bị phá sản, bị đối xử như những con chó? Đảng ở đâu khi những người vợ góa của họ đang kêu khóc vì mất hết mọi thứ? Bị cầm tù trong tấn bi kịch ấy, những người đàn ông và đàn bà này liệu có thể chỉ trong giây lát kính trọng cái Đảng khi họ lắng nghe như nghe được một sự bội phản cái tiếng nói xa xăm của các “lãnh đạo” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] hội họp ở Hà Nội hay ở Bắc Kinh trong những gian phòng bọc chất cách âm cùng đồng thanh nhắc lại: “Không được để các thế lực phản động chia rẽ chúng ta!”?

Tôi xin nói lại điều đó hết sức rành rọt đây: Đảng Cộng sản đang ở xa, rất xa mới được coi là xứng đáng với sự dũng cảm vô danh của những ngư dân Lý Sơn, Bình Châu của Đà Nẵng và của nhiều nơi khác! Tôi muốn nói thêm rằng tính thụ động và cách giữ yên lặng đều có tính toán của Đảng Cộng sản làm kéo dài những nỗi khổ đau của ngư dân và tỏ ra coi nhẹ thậm chí xóa tội cho những vụ xâm lấn của Bắc Kinh. Kể từ khi những vụ việc đó xảy ra và kéo dài thêm, thấy thật xấu hổ! Không thể chịu đựng nổi nữa!

Không có tàu tuần tra của Hải quân, không có tàu ngư chính [tiếng Việt trong nguyên bản – ND], không có tàu hải giám [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] đi kèm với ngư dân. “Các bạn hãy tự xử lý với nhau. Hãy tự bảo vệ lẫn nhau!”, họ nói với ngư dân từ bên trong những phòng làm việc có máy lạnh. Sao không nói thêm: “Đừng lo lắng gì: nếu các bạn bị giết chết, Bộ Ngoại giao [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] của chúng ta sẽ lên tiếng phản đối!”. Mọi điều nhìn thấy trên thực địa, đó là những anh Biên phòng [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] tội nghiệp, bất lực và khổ sở đã không bảo vệ biên cương mà chỉ cầm sổ tay ghi chép, nhận những lời khai của ngư dân bị tấn công khi các anh em này trở về bến. Mỗi báo cáo mới này lại được thêm vào chồng báo cáo đưa lên Đảng và không ngừng được xếp xó…

Trong khi Đảng có trong tay toàn bộ tài liệu xâm lấn của Trung Hoa theo ngày theo tháng, những cuộc bắt bớ giam cầm ở Phú Lâm, những tàu kéo lưới vây bị chọc thủng, bị “mất tích” đã hơn hai chục năm trong vùng hoàn toàn bị Trung Hoa kiểm soát và là vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Với tất cả các thứ báo cáo kết án mạnh mẽ đó, với cả ngàn nhân chứng là những nạn nhân còn sống và sẵn sàng lên tiếng đó, cả trăm trang chứng cứ dài được viết một cách chi tiết đó, thì Đảng đã có phương tiện để tạo lập một bộ hồ sơ vững vàng kết án mạnh mẽ trình lên Tòa án Công lý quốc tế về những hành vi vô nhân đạo của Bắc Kinh: phá hoại tài sản, cướp vật liệu, những tội phạm hung bạo chống lại các quyền Con người …

Đảng hẳn là có thể dễ dàng tìm nguồn và được tài trợ từ các nhóm luật sư chuyên sâu thuộc nhiều dân tộc và cực kỳ có năng lực để “quốc tế hóa” và thắng các vụ án đó! Nhưng không, trong khi ngư dân của ta bị chết trôi, thì cái “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] lại dùng phao bơi của Tàu để đi lại giữa Bắc Kinh và Hà Nội, chẳng sóng gió gì, thậm chí không ướt chân! Đảng cũng chẳng có dũng khí ra thoát khỏi Điều 4 và công khai xưng danh khi cấm chiếu bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”, cái tác phẩm chỉ làm một việc là chưng rõ ra nỗi đau thực sự, cảnh ngộ bị bỏ rơi thực sự của người ngư dân. Ngoài việc phản đối mang tính hình thức thường lệ của Bộ Ngọai giao [tiếng Việt trong nguyên bản – ND], xin nhấn mạnh đây không phải là sự phản đối chính thức của Đảng và nhân danh Đảng, cái “Đảng ta” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] vẫn chẳng ai nhìn thấy nó đâu và miệng thì câm bặt, êm ái ngồi nơi cao ráo trong Điều 4 của họ sau khi đã dùng dây thép gai vây quanh tất cả các chủ đề “nhạy cảm” [tiếng Việt trong nguyên bản – ND], tức là những chủ đề sống còn đối với đất nước! Đảng có công khai nhân danh Đảng yêu cầu Bắc Kinh phải thanh toán mọi điều? Không hề! Ngài Nguyễn Phú Trọng, rất nhanh nhảu rút kiếm như đã làm ở Vĩnh Phúc chống lại những công dân hòa hiếu khát khao tự do, ông Trọng có công khai nhân danh toàn Đảng đòi Trung Hoa đền bù các nạn nhân, đòi họ ngừng những quấy rối gây chết người của chúng? Không khi nào! Không một lời!

Nhưng đem cái Đảng “lãnh đạo” ấy dùng vào việc gì vậy ? Có đúng cái Đảng ấy đang lãnh đạo không? Nếu “có” thì nó lãnh đạo cái gì? Lãnh đạo vì quyền lợi của ai? Xin lỗi nhé, đừng có bảo là tôi đã đưa ra những câu hỏi mang tính lật đổ: những câu hỏi này đã sinh ra từ cái thực tế hàng ngày không chối cãi được, đầy âu lo, và không thể chịu đựng được nữa. Đó là những câu hỏi thuộc loại chính đáng nhất hạng! Phải đáp lại những câu hỏi ấy không bằng đe dọa hoặc bằng những lý lẽ ngụy biện mà bằng cái sự thật mà Chủ tịch nước đã dùng tâm nguyện của mình kêu gọi mọi người nói ra.

Ngược lại, nếu như Đảng luôn luôn vắng mặt trước những vấn đề sống còn đối với vận mệnh đất nước, thì Đảng luôn luôn có mặt trong cuộc trình diễn hàng ngày trên tivi áp đặt cho hàng chục triệu công dân. Đảng thường rất hay diễu binh nhân những cơ hội chính thức hoặc những hoạt động bề nổi diễn ra đúng giờ giấc một khi các hoạt động đó không gây nguy hại gì cho sự thống trị của những kẻ rất giàu đối với những người rất nghèo, những hoạt động che khuất chiều sâu và bề rộng của bối cảnh xã hội không thoải mái, những hoạt động không đụng chạm gì tới nước Tàu, không đụng chạm tới những căn nguyên của sự hủ bại, hoặc những hoạt động liên quan nhiều hơn đến từ thiện chứ không phải là liên quan đến một định hướng chính trị xã hội vững chắc và bền vững.

Đảng cũng có mặt ở đó lúc này, có mặt thật đấy, nhưng là có mặt ở những hành lang, để đàn áp những người yêu nước nổi giận vì cảnh đồng bào ngư dân bị bọn xâm lược Tàu hạ nhục và bị bỏ rơi một cách nhục nhã. Đảng có mặt khi đó ở chỗ đó để gia tăng thêm các cấm đoán. Đảng cũng vẫn có mặt ở đó, khá kín đáo nhưng rất nhiều khi lộ tẩy trong các vụ áp phe trốn thuế cá nhân hoặc cả bọn trong những đường dây của bọn mafia, tại đây những con người yếu thế vì nghèo khó bị đối xử như những hàng hóa. Đảng có mặt ở đó trong những vụ nhận bằng cấp giả mạo, theo học các trường dổm, và trong các vụ tịch thu đất đai ….

Khi ở ngoài đường phố tôi nhìn thấy trên những tấm băng-rôn, trên những tấm áp-phích khổng lồ có cái liềm và cái búa cả gan trương lên bên cạnh lá cờ đôi bên ngang tài như nhau, và tôi nghĩ tại sao cái liềm và cái búa này lại để cho Hải quân Trung Hoa và bọn cướp biển của chúng giày xéo, đốt cháy, xé tan chính cái lá cờ vẫn tung bay trên từng cột cờ tàu đánh bắt cá của chúng ta, khi tôi nhìn thấy tất cả những lá cờ Việt Nam kia vẫn bị nằm lại bến vì bị Trung Hoa ngăn cấm, tôi bỗng thấy xấu hổ cho những ai đang tiếp tục đi diễu binh như vậy nhân danh chủ nghĩa cộng sản và nhân danh tổ quốc! Làm ơn, các ngài ơi, đừng nói với tôi về Điều 4 nữa đấy!

Quân đội, nào ta cùng công khai hết mức để bàn chuyện đó!

Vâng, thưa ông Chủ tịch nước, như ông đã nói, Sự thật là một vũ khí. Và do chỗ đang bàn đến chuyện quân đội, tôi xin nói rằng Sự thật còn đáng gờm hơn những khẩu đại bác. Vâng, ta cần nêu câu hỏi và thảo luận về vai trò quốc gia của quân đội. Đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân. Đó là một trong những chìa khóa cơ bản của tương lai đất nước.

Những phản ứng mới đây nhất và được các phương tiện truyền thông đại chúng phối hợp hài hòa của các “giáo sư tư tưởng” muốn quân đội rút cục chỉ còn là công cụ của riêng Đảng, cho thấy rõ ràng rằng chính quyền hiện thời đang cố sống cố chết làm nhòe quyền lợi của Đảng với quyền lợi quốc gia. Vấn đề ta cần hiểu, là làm cách nào và liệu có thể đạt tới sự hòa nhập quyền lợi đó không? Làm cách gì để thu được sự ủng hộ của công chúng ngả theo điều đó?

Như một tác giả của một bài viết đăng trên trang BVN này đã phát biểu, người ta định bắt dân phải theo bằng con đường bạo lực hay bằng con đường thuyết phục? Nếu muốn bắt dân phải theo, thì thật vô ích cái việc nhai nhải độc thoại như hiện nay, “đối thoại” như thế mà cứ gọi là tranh luận và thế là xong “kinh bổn”: những ai cảm thấy thất vọng thì không nghe lời những “nhà giảng đạo” nữa và đi chỗ khác tìm thứ ánh sáng mà họ trông chờ; những ai thấy mình tức giận, muốn nổi loạn, thấy bị hạ nhục, xin hãy ra khỏi Nhà thờ và đi kháng chiến. Khi đó quân đội trong tay chính quyền trở thành một quân đội hướng họng súng vào nhân dân và Đảng trở thành Đảng của Người Ngoài. Liệu đó có phải là mục đích của các nhà lãnh đạo?

Nếu muốn thuyết phục, trước hết Đảng phải làm sáng tỏ tình hình thực sự hiện thời của quân đội. Việc đó cần làm một cách thẳng thắn, đầy đủ, khoa học, khách quan, thay cho việc đem phục vụ những công dân là người đã trưởng thành và có trách nhiệm một món súp chính trị tư tưởng vừa lổn nhổn vừa trừu tượng chỉ có mỗi một điệp khúc để lên dây cót là nguy cơ phản động từ bên ngoài (chắc chắn nước Tàu không bị coi là thuộc về cái “nước ngoài” vì nó không phản động). Tại sao không xóa tan tất cả những hồ nghi rất trầm trọng về sự chân thành, về lòng yêu nước, làm rõ cả những ẩn ý xấu muốn chuyên quyền của những người thực sự nắm quyền lực quân sự và thường rất hay lên tiếng không chỉ nhân danh quân đội mà còn nhân danh cả quốc gia nữa?

Tại sao không bật đèn xanh để có một loạt điều tra khách quan, độc lập và công khai về “con mụ Câm vĩ đại”? Những điều tra này có thể tiến hành theo từng khu vực. Sau đó các kết quả điều tra sẽ được nhóm lại, tổng hợp và đưa ra công khai. Cần phải rọi đầy đủ ánh sáng vào tình hình các nhà lãnh đạo hiện nay của cái quân đội này, về vị trí của họ trong Đảng, về các hoạt động kinh tế, và về thu nhập của những người thân của họ. Vậy là phải làm sáng tỏ hoàn toàn các hoạt động, các doanh nghiệp kinh tế, thương mại, ngân hàng nằm trong tay quân đội, về của cải tài sản của những kẻ điều hành các hoạt động đó, về phần của khu vực công và của khu vực tư, soi cho rõ những vùng nhập nhằng giữa hai khu vực đó. Cần phải xem xét những hệ thống thực sự được đặt ra để cai quản cái đạo quân to lớn đó của đất nước, cần biết rõ những ai là đối tác của chúng, nhất là những đối tác nước ngoài của chúng. Cần phải trả lời đầy đủ rõ ràng cho những công dân đang nêu câu hỏi về quỹ quốc phòng: ai quyết định mua vũ khí, trang bị, thiết bị, và quyết định các quỹ đào tạo xây dựng lực lượng? Ai thông qua các đơn đặt hàng? Ai kiểm soát? Vài trò và quyền hành thực sự của Quốc hội như thế nào trong địa hạt nhạy cảm và đắt giá nhất hạng và đụng chạm trực tiếp đến nền kinh tế và sự an ninh của toàn thể quốc gia này?

Và chỉ khi đó ta mới có một hình ảnh khách quan về thực trạng quân đội ở Việt Nam và về bản chất thực sự của quân đội ấy. Nó là quân đội của những quyền lợi riêng tư? Của nhân dân? Quân đội của quốc gia hay của vài nhóm lợi ích? Chỉ khi đó ta mới có thể nói rằng liệu quân đội có đủ năng lực bảo vệ đất nước hay không.

Tôi đang nghe thấy tiếng những người thuộc phe mượn gió bẻ măng: “Không thể làm được! Quá phức tạp! Bí mật quốc phòng!… ”. Tôi cũng đang nghe thấy những tiếng nói khác nữa: “Rõ ngây thơ! Đời nào những kẻ lợi dụng tình hình nhộn nhạo này lại cho những thông tin lộ liễu làm cản trở những đặc quyền đặc lợi của chúng và để dùng để cưa cái cành cây chúng đang ngồi yên vị?”. Tôi xin trả lời cả hai phe rằng những đặc quyền đặc lợi, ngay cả những thứ tỏ ra yên vị nhất, thì cũng không bao giờ vĩnh viễn trường tồn, và sớm muộn gì thì cái cành cây vững chãi nhất rồi cũng mục ruỗng và gẫy thôi. Khi đó, các bạn thấy cả đó, càng ngồi cành cao càng rơi đau.

Vâng, những công trình nghiên cứu mang đầy đủ thông tin rút ra từ những điều tra khách quan và độc lập đều có thể tiến hành và cần thiết phải tiến hành. Rất có thể các điều tra đó cũng đang được tiến hành mà chưa công bố đó thôi.

Những công trình điều tra đó có thể tiến hành được nếu những người thực hiện được bảo vệ. Nếu việc bảo vệ đó bị ngăn cấm, nếu những nhà điều tra bị đe dọa, bị tiến công và tiêu diệt, thi một cách tự động chính quyền tự khai rằng mình có liên quan đến những vụ việc không thể cung khai, và chính vì thế chính quyền đó tự làm mất giá trước công chúng một cách công khai và vĩnh viễn. Các cuộc điều tra này có thể thực hiện được và chúng có thể được tiến hành mà không làm tiết lộ chiến lược quân sự, và sẽ chỉ lo đến sức khỏe của hệ thống mà thôi, bằng cách chỉ tìm thông tin về sự vận hành cụ thể của tổ chức và về cung cách tài trợ mà thôi.

Những công trình nghiên cứu này là cần thiết đơn giản chỉ vì, như chúng tôi đã nói, cái câu hỏi đặt ra một cách trầm trọng về quân đội liên quan trực tiếp và chính đáng tới nhiều triệu công dân đang thiếu những câu trả lời sáng tỏ và đủ độ tin cậy mà họ có quyền đòi hỏi phải được trả lời. Bất kể thế nào, sớm hay muộn, dù có đèn xanh Đảng cho bật lên hay không, thì những bản điều tra như vậy thế nào rồi cũng đến được mạng internet và sẽ là món ăn cho những xì xào trong nhân dân trong nước cũng như quốc tế và ngày càng tăng cường độ.

Điều 88:

Cứ theo như Điều 88 này trong bộ Luật hình sự liên quan đến tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà tôi đã được đọc kỹ, thì hầu hết những gì tôi vừa viết, tùy theo cách diễn giải mà người ta thích đối với những điều viết ra đó, đều có thể đãn thẳng tôi vào miền ẩm thấp tối tăm của nhà biệt giam của “thế giới tự do” mà tôi đã nếm cách đây bốn mươi năm. Có thể có khả năng đó, tôi không loại trừ điều này, nhất hạng là vì sau khi đã tới thăm gian biệt giam đó vào năm 2002, tôi biết rõ là buồng biệt giam đó vẫn còn nguyên trong thế giới “đã được giải phóng” của chúng ta. Nếu chuyện xảy ra với tôi lần nữa, có thể đó là một biểu tượng của điều có người gọi bằng “bánh xe Lịch sử”… Hoặc giả, những điều tôi viết đây có thể khiến tôi bị cấm đặt chân vào đất nước Việt Nam của mình. Biết đâu đấy? Sự thật có giá của nó mà ta phải trả mới có, nhưng những vết sẹo do Sự thật để lại cũng còn là những tấm huy chương đẹp nhất hạng.

Hôm nay đây, những bài viết có lập luận tử tế và được viết hết sức cẩn trọng trên mạng internet với sự tôn trọng con người, không kêu gọi bạo lực cũng chẳng kêu gọi hằn thù, nhưng nếu trái ngược hoặc có tính kết tội; những phát tán trên một trang blog những thông tin chẳng liên can gì đến bí mật Nhà nước nhưng các phương tiện truyền thông Nhà nước có lệnh phải bịt miệng; những bài thơ, bài ca, những tiểu phẩm phê phán hoặc hoạt kê, việc mặc áo T-shirt để ủng hộ luật biển quốc tế: tất cả những điều này đều có thể dẫn tới một giấy mời “làm việc” trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày tại những cơ quan công an các kiểu. Trong trường hợp tồi tệ nhất, điều đó có thể dẫn tới quyền nghỉ ngơi miễn phí từ vài tháng đến vài năm tại một “Trung tâm phục hồi nhân phẩm” mang một cái tên được chọn thật đẹp…

Không ! Đừng có nhắc nữa đến cái Điều 88 đó và hãy ném trả nó ngay tắp lự về thời Trung Cổ xa xưa nơi Điều 88 đó có phần của nó.

Một điều nghĩ về Zola và một điều nữa nghĩ về Lénine

Để kết án sự bất công, kết án cái mờ mờ đục đục của quyền cai trị độc đoán và kết án lối bôi nhọ của quyền lực chính trị Pháp nói chung và quyền lực quân sự nói riêng, nhà văn rất nhiều người đọc Emile Zola đã tạo ra một tác phẩm hoạt kê vĩ đại mang tựa đề “Tôi kết tội” (J’accuse). Tác phẩm hoạt kê này sau khi đưa tác giả của nó đến thân phận lưu đày, đã làm rung chuyển những đường lối quan tâm đến Sự thật. Chắc chắn là tôi không dám so sánh chút gì hết giữa mình với con người nổi tiếng kia, với nhà văn hoành tráng kia về đề tài ông chọn viết. Tôi chỉ đơn giản muốn nói như một thông điệp gửi tới những kẻ định ngăn cấm bài viết này, rằng việc nuôi dưỡng Sự thật thì không có biên giới và không có thời đại riêng nào hết, vì Sự thật thường xuyên là nhu cầu cao quý của sự tiến bộ. Ý tôi muốn nói rằng đối với tôi Sự thật là hành động. Đó là một cuộc đấu tranh, một lời kết tội, một sự kháng cự và một cuộc nổi loạn thường trực chống lại những kẻ cản trở sự tiến bộ đó.

Mong sao cho cái “Đảng ta” của nước Việt Nam hôm nay hãy lường cho kỹ những gì Vladimir Illitch Oulianov Lénine nói: “Chỉ có Sự thật là có tính cách mạng thôi”. Mong sao Đảng hãy chấp nhận lắng nghe những Sự thật của đại đa số công dân Việt Nam, và một cách khiêm nhường, hãy cùng hợp tác với họ, vì họ, trong niềm tôn kính những khác biệt, để đi tới cuộc cách mạng thực sự cho một xã hội chỉ đòi hỏi được nảy nở trong độc lập và dân chủ, một xã hội có đủ các phương tiện và năng lượng tiến hành công cuộc đó.

Tôi sẽ không kết luận như Zola trong tác phẩm hoạt kê của ông bằng công thức này: “Tôi đợi chờ” bởi vì công thức đó có thể được diễn giải như là tính thụ động. Về phần mình, tôi sẽ không coi nhẹ hành động của ngày hôm nay trong bất kỳ phòng chờ nào để đợi ngày mai một bác sĩ thần kỳ sẽ tới. Mỗi ngày tôi sẽ có một đóng góp khiêm nhường nhưng cụ thể bao giờ cũng chỉ vì nước Việt Nam và vì nhân dân Việt Nam tuyệt vời.

A. M. H. C. Q.

—–

Mes vérités d’aujourd’hui

André Menras Hồ Cương Quyết

Préambule

En préambule de ce long article je voudrais m’excuser auprès du lecteur d’employer plus souvent le “ Je ” que le “ Nous ”. Je sais bien que plus le “ Je ” est gros, plus il fait de l’ombre au “ Nous ”, alors que sans le “ Nous ”, il n’y aurait pas de “ Je ”. Mais ce n’est ni par immodestie ni à dessein d’utilisation personnelle que le “ Je ” sera privilégié dans les lignes qui suivent. Suite à mes articles, à mes activités solidaires et en réponse à beaucoup de remarques et questions à mon sujet, j’ai voulu préciser moi-même ma façon de voir la situation actuelle du Vietnam, mon deuxième pays. J’aborderai juste quelques points de vue personnels que j’estime essentiels et qui motivent mes combats d’aujourd’hui. J’ai décidé de le faire moi-même car je ne souhaite pas qu’ils soient déformés par des interprétations extérieures, qu’elles soient bienveillantes ou malveillantes. Par la même occasion, et en tant que citoyen vietnamien, je réponds aussi à l’invitation réitérée de notre Président Truong Tan Sang à utiliser “ l’arme de la vérité ”. Je le fais en restant fier de mon passé mais débarrassé de ses médailles, avec toujours en mon cœur des valeurs communistes bien affirmées mais en me gardant bien d’un conservatisme desséchant qui enverrait les plus belles d’entre elles au musée… C’est d’ailleurs parce que j’ai gardé ces valeurs que mes vérités sont amères et douloureuses. Bien sûr, ce ne sont que les miennes, comme chacun a les siennes. Mais nul n’a le droit de nous empêcher de les dire, de les échanger et de les partager.

Je l’ai souvent affirmé, mes amis et d’autres qui ne le sont pas ont pu le vérifier : j’ai toujours été un électron libre et je le reste. Incontrôlable par qui que ce soit : je n’ai pas d’ambition politique, pas de dépendance d’argent avec quelque organisme, association ou parti politique, rien à prouver sur la sincérité et la solidité de mes relations passées et présentes avec le peuple du Vietnam. Un grand point faible cependant: je suis mortel. Mais, l’essentiel de ma vie étant derrière moi, un “ accident ” pourrait même devenir un heureux évènement pour les causes que je défends et leur donner plus de publicité encore. Je ne crains donc pas de rouler en Honda dans l’imprévisible jungle motorisée d’Ha Noi ou d’Ho Chi Minh ville. Par ailleurs, la prudence et la diplomatie n’ayant jamais été mes points forts, j’ai toujours pensé que le silence est complice, que les demi-teintes sont des demi-hypocrisies ou des demi-lâchetés et que la vraie amitié est celle qui ne cache pas ce qui fâche. J’assume donc tranquillement l’entière responsabilité de ce que j’écris en remerciant vivement l’équipe de BVN de me livrer cet espace de parole “ nhạy cảm ”.

Pourquoi cet article aujourd’hui ?

La situation dramatique de nos pêcheurs face à la marine de guerre chinoise et à ses commandos de voyous déguisés en pêcheurs , situation qui va certainement s’aggraver terriblement avec du sang vietnamien qui va encore couler dans les prochains mois, les affaires de corruption étouffées, le “ débat national ” pour amender la Constitution détourné, dévoyé par le pouvoir, les mercenaires politiques conservateurs de tous poils qui montent au créneau pour attaquer et diffamer près de 12000 signataires de la pétition pour amender la Constitution et l’orienter vers plus de démocratie…tout cela m’a décidé à écrire ces lignes. D’abord comme un exutoire à mes inquiétudes et à ma colère grandissante. Ensuite pour justifier ma présence dans cette liste de noms et pour bien affirmer que cette signature n’est pas de circonstances ou dictée simplement par des amitiés passées et présentes, encore moins par de méchantes forces étrangères déstabilisatrices du régime actuel. Je rassure ceux qui en douteraient : cette signature est extrêmement réfléchie et déterminée. C’est une signature de combat et d’accusation. Enfin, j’écris ces quelques lignes pour contribuer au nécessaire débat d’opinion en tant que citoyen du Vietnam qui demande avec beaucoup d’autres un grand coup de balai, non violent mais ferme, réel et extrêmement urgent, dans un système dirigeant qui devient insupportable pour un nombre “ không nhỏ ” de citoyens.

Vive la pétition des 12000 aujourd’hui !

Tout d’abord, au sujet du débat engagé sur la pétition que je qualifierai de populaire, démocratique et novatrice, je dois remercier ceux qui l’ont initiée ainsi que la page BVN qui l’a lancée pour le public et qui la gère avec beaucoup d’efforts et très peu de moyens matériels et humains, souvent sous la menace, quelquefois dans les embûches et la calomnie. Rien n’est jamais parfait. Il y a et il y aura toujours des remarques à faire sur la façon de concevoir le texte de la pétition, de recueillir les noms des signataires, la façon de désigner un représentant, l’opportunité d’un mot, la place d’une virgule ou d’un point. Mais, dans la situation actuelle, l’essentiel est là : BVN et d’autres pages web ont le grand mérite de donner la parole, souvent pour la première fois, à ceux à qui on la refuse et d’appeler à la réflexion et à l’action, quand de son côté, le pouvoir qui s’habille de démocratie sonne la charge de la désinformation en lançant ses blindés idéologiques et politiques : monopole total des grands moyens populaires d’” information ” (la formule “ 700 tờ = Chỉ một Tổng biên Tập ” n’est que très peu exagérée), commandos de “ journalistes politiques ” du “ Front de la patrie ” pour dénigrer l’honnêteté de la liste, “ grands professeurs ” de cuisine marxisme-léninisme qui refont l’Histoire selon le menu du Chef . Le combat est très inégal dans les moyens employés. Il est aussi très inégal dans l’honnêteté et le but des forces en présence. Dans ces conditions, je souhaiterais que ceux qui critiquent honnêtement tel ou tel aspect de la pétition, ou telle ou telle personne parmi les signataires, même s’ils ont des raisons de le faire, n’oublient jamais l’essentiel : cette pétition est un moment de respiration populaire, un sursaut salutaire contre la résignation, contre la soumission inconditionnelle ou craintive, un effort courageux de résistance et de proposition pour aller vers la société moderne que le peuple vietnamien doit inventer à son image. Les noms incontestablement irréprochables et souvent prestigieux par leur passé et leur présent de ceux qui ont initié la pétition, les noms de ceux qui l’ont signée et qui continuent de la faire signer autour d’eux sont ceux de citoyens sérieux, lucides, responsables, soucieux de leur pays et respectueux des lois. Je note que de plus en plus de paysans, pourtant très peu familiers avec l’ordinateur, consentent cet effort et cette prise de risque pour manifester leurs aspirations au changement. Eux, qui ont abrité et nourri la révolution, eux à qui on avait promis la lune et dont certains vivent l’enfer pour vouloir simplement garder la terre, leur terre, que l’on confisque au grand jour avec violence ! Je souhaite vivement qu’ils continuent de se manifester en signant cette pétition par l’intermédiaire de leurs enfants, petits enfants ou de leurs amis. Tous ces citoyens, à des degrés divers sont des Vietnamiens courageux face à un pouvoir et une police à son service déterminés à les faire taire. Ils sont très divers, par leur passé et leur présent, par leurs opinions politiques (certains n’en ont pas de bien arrêtées). Ils sont divers par leurs croyances religieuses, leurs professions, leurs compétences, leur âge, leur domicile géographique, leur façon de s’exprimer… Et, s’ils sont tous sincèrement animés du même souffle démocratique nécessaire à leur pays, ils sont bien loin de constituer un Parti politique organisé animé par la volonté de renverser un régime. Dire ou laisser entendre cela relève de la pure calomnie. C’est l’allégation classique, puérile et grossière, de ceux qui sont à cours d’arguments sérieux et qui brandissent au bout de tout changement l’épouvantail du chaos social. C’est une façon de rejeter le débat avant de l’avoir engagé. Tout au long de l’Histoire, cette propagande de diabolisation de ce qui est nouveau a été utilisée par les dictatures pour légitimer des chasses aux sorcières.

L’article 4 et le rôle dirigeant du Parti

Je l’ai déjà dit : ne me cherchez pas dans les listes des adhérents de parti politiques : vous ne me trouverez dans aucun. Mais, je l’affirme bien haut : mes valeurs sont communistes. Elles se sont forgées essentiellement dans la lutte anti-impérialiste et dans la prison vietnamienne au contact d’hommes véritables qui me les ont apprises dans les actes! Contrairement à certains qui les ont seulement utilisées pour la circonstance, pour vite les oublier ensuite en quête du vert dollar ou des honneurs, je crois toujours en la plupart de ces valeurs et je défie quiconque d’affirmer que je prône la disparition du Parti communiste parce que je serais devenu partisan des valeurs capitalistes. Pour moi, la liberté est essentielle et elle ne s’accommodera jamais d’aucune dictature. Pas plus de celle des prolétaires que de celle des banquiers, bien que je me sente beaucoup plus proche des premiers que des derniers ! Pour moi, un Parti communiste digne de ce nom doit toujours être au premier rang pour défendre les libertés, d’abord celles des plus pauvres. Le moteur et le but central de ses combats doit être l’Homme concret, vivant, réel et non le pouvoir pour le pouvoir d’un groupe quel qu’il soit. Sans être nationaliste, il doit protéger la nation.

Valeurs communistes et Parti communiste : de “ Đảng Cộng Sản ” à “ Đảng ta ” à “ Đảng ”…

Mais y a-t-il identité entre “ valeurs communistes ” et “ Parti communiste ”? Faut-il rappeler cette évidence : tout au long de l’Histoire, après avoir soulevé un immense espoir, ce sont les Parti communistes eux-mêmes qui ont sali et quelques fois piétiné ces valeurs quand ils sont arrivés au pouvoir et qu’ils ont tout fait pour s’y maintenir ? Leur crime commun est d’avoir confisqué le fruit des sacrifices et des luttes populaires, d’avoir fait régresser l’espoir démocratique de plusieurs générations par des régimes liberticides. Ils ont tous assassiné ces libertés à l’occasion du combat contre des “ ennemis intérieurs ” et des “ ennemis extérieurs ” quelquefois réels mais souvent inventés. Si bien qu’ils se sont effacés eux-mêmes de la scène politique naturelle de la nation en se transformant en de véritables monstres boulimiques de pouvoir unique …

Ma vérité et ma sincère impression, Monsieur le Président, c’est que l’actuel parti communiste du Vietnam, toutes proportions gardées, me semble glisser de plus en plus sur cette terrible pente et que, je vous prie d’excuser mon irrévérence, vos appels même à dire la vérité laissent entendre que vous-mêmes n’êtes pas libre de la dire totalement. Certains vieux communistes vietnamiens aux noms prestigieux l’ont dit bien mieux que moi dans ces pages de BVN et ailleurs: le Parti communiste d’aujourd’hui n’a plus grand-chose à voir avec celui d’hier. Le Parti communiste d’hier mérite le nom de Đảng Cộng Sản Việt Nam, de Parti libérateur et réunificateur. Je le respecte même s’il n’est pas dépourvu de terribles taches parmi lesquelles celle de la réforme agraire. Pour moi, le Parti d’aujourd’hui est devenu le “ Đảng ta ”. Bien que mon vietnamien laisse encore à désirer, je crois que, dans cette langue très riche, le vocable “ ta” peut aussi bien dire “ Nous, notre ” que “ Je, moi ”. Et je pense qu’au fil des décennies, surtout des deux dernières, le “ ta” du “ Đảng ta ” a glissé du “ Nous ” vers le “ Je ”. Il a épuisé son prestige passé, la confiance populaire nationale. Par voie de conséquence, le bilan est là, indéniable : Il a conduit l’économie, la société, la culture vietnamienne à une situation très critique. Il a ouvert la porte et servi la table au “camarade” chinois – camarade dirigeant, bien sûr- qui ponctionne tranquillement les ressources naturelles et humaines et contrôle fermement en sous-main les orientations majeures du pays. Dans l’humiliation. C’est le contraire de la solidarité internationaliste qui profiterait aux peuples chinois et vietnamiens, c’est de la servitude craintive ou intéressée au pouvoir de Pékin ! Se dégager d’une servitude coloniale puis néocoloniale pour tomber dans une autre servitude de type nouveau, encore plus dangereuse : c’est l’énorme passif du Parti. Quand le “ Đảng ta ”, par l’article 4, revendique exclusivement le rôle dirigeant dans la conduite de la nation, cela signifie que personne d’autre que lui n’est responsable de la situation qui vient d’être décrite et qu’il a seul décidé aujourd’hui de s’obstiner dans cette voie au nom de 90 millions de citoyens, contre la volonté de la majorité d’entre eux. J’ai bien conscience qu’en affirmant tout cela je fais plaisir à un certain nombre de chantres, vietnamiens ou non, de la démocratie et du “ monde libre ” qui, de leur côté, m’ont déjà montré lorsque j’étais derrière leurs barreaux de quelle dictature féroce ces “ démocrates ” étaient capables quand ils étaient au pouvoir et à quel point ils étaient experts dans l’utilisation de la torture. Mais il faut bien reconnaître qu’il y a actuellement dans la société vietnamienne des éléments qui ne valent pas mieux. Ce sont les produits d’une éducation ” socialiste ” qui a trop souvent laissé en chemin l’humanisme et la vraie culture populaire, solidaire, pour déifier le profit, sanctifier le luxe, susciter les égoïsmes. Certains cadres, issus de cette “ éducation ”, me font penser à ceux que j’ai connus sous l’ancien régime. Le discours et les méthodes sont différents car ce n’est pas la guerre et que le peuple vietnamien dans le monde d’aujourd’hui ne permet pas la violence passée. Mais la volonté de domination, d’étouffement de la démocratie sont toujours là pour un nombre “ không nhỏ ” de ces dirigeants. La cupidité personnelle est la même et prime sur l’intérêt de la nation. Beaucoup d’entre eux, hélas, sont membres du “ Đảng ta ”.

Cependant, à côté de cela et heureusement, il reste encore de vrais communistes, des communistes que j’appellerai “propres” mais qui se sentent impuissants et qui souffrent devant leur société gangrenée par le syndrome chinois… Ils sont présents parmi les cadres et surtout à la base. Mais ces cadres et ces membres du “ Đảng ta ”, souvent appelés par les citoyens ordinaires “Cộng sản nhưng mà tốt “ sont bien “cadrés ” par l’appareil. Leur fonction, leur emploi et quelquefois même leur sécurité sont menacés dès qu’ils veulent changer, dès qu’ils essayent de dire “ la vérité ” qu’ils vivent. Pour pouvoir parler, ils doivent s’assurer de la protection d’un ou plusieurs “ hậu phương ” eux-mêmes incertains et qui, du jour au lendemain peuvent les laisser seuls pour se sauver eux-mêmes.

Pour les communistes de base, les cellules du “ Đảng ta ” ne sont que des lieux où il faut être présent pour écouter et réciter la messe officielle. Gare à ceux ou à celles qui s’écartent de ce rituel ! Les quelques graves questions qui sont posées, les quelques protestations, les quelques cris de colère y sont vite étouffés, enterrés. Ainsi, pour beaucoup d’entre eux, le “ Đảng ta ” a encore rétréci pour se réduire à “ Đảng “. Le “ ta ” a disparu. Le Parti ne rassure pas, ne protège pas : il fait peur. Il n’encourage pas à parler mais incite à se taire. Il n’aime pas que l’on pense pour soi. Le parti n’unit pas : il divise. La liste des questions “ nhạy cảm ” s’allonge sans cesse et finira par réduire les échanges à de machinaux hochements de tête. La notion de responsabilité personnelle a disparu. On se cache derrière l’appareil : on n’ose pas décider hors des réseaux conformes qui fonctionnent de plus en plus comme des sociétés secrètes et des parapluies. L’anonymat des rapports entre “camarades” est devenu un mode de fonctionnement où chacun se méfie de l’autre. Le “ Đảng “ est tout mais il n’est personne. Redoutable de puissance mais insaisissable.

La réalité du terrain : absent où on l’attend, présent où on ne l’attend pas.



Alors, que dire de l’article 4 ? Un tel parti mérite-t-il d’inscrire dans la Constitution le rôle dirigeant exclusif auquel il prétend ? Si le Parti communiste méritait aujourd’hui ce rôle de dirigeant, s’il jouait vraiment ce rôle de façon positive, dans l’intérêt de la nation, s’il était le reflet d’une volonté populaire majoritaire, aurait-il besoin de s’appuyer sur cette canne de vieillesse constitutionnelle pour assurer sa survie politique ? S’il s’accroche bec et ongles à cet article suprême, c’est tout simplement pour imposer contre toute réalité une légitimité dirigeante que l’examen du terrain remet chaque jour en question.

Où est le Parti quand les citoyens ont besoin de son aide pour combattre les tyrannies locales, pour réclamer la justice sociale, pour mener un vrai combat en profondeur contre la pauvreté, contre l’exploitation ultra capitaliste des travailleurs , contre la corruption endémique, contre la bureaucratie mandarinale, contre la main mise de Pékin sur tous les secteurs de la vie du pays ? Dans la plupart de ces cas, il est absent ou bien, pire encore, il est acteur négatif de ces problèmes!

La question des pêcheurs est très révélatrice à ce sujet. Demandez à nos pêcheurs en danger de mort à chacune de leur sortie à Hoang Sa et bientôt à Truong Sa, où est le Parti quand ils se trouvent devant les fusils chinois ? Ou est le Parti quand ils sont humiliés, insultés, ruinés, traités comme des chiens ? Où est le Parti quand leurs veuves pleurent d’avoir tout perdu? Prisonniers de cette tragédie, ces hommes et ces femmes peuvent-ils un seul instant respecter le Parti quand ils entendent, comme une trahison, la voix lointaine des “ lãnh đạo ” réunis à Ha Noi ou à Pékin dans des salons feutrés répéter à l’unissons : “ Ne laissons pas les forces réactionnaires nous diviser !” ? Je le dis très clairement : le Parti communiste est loin, très loin d’être digne du courage anonyme des pêcheurs de Ly Son, de Binh Chau, de Da Nang et d’ailleurs..! Je dirais même que sa passivité, son silence délibérés prolongent leurs souffrances, banalise et même disculpe les agressions de Pékin. Depuis le temps que cela dure, c’est honteux! Insupportable ! Pas de patrouilleur, pas de tàu ngư chính, pas de tàu hải giám pour escorter nos pêcheurs. “ Débrouillez-vous entre vous. Protégez-vous vous-mêmes!” leur dit-on du fond des bureaux à air-conditionné. Pourquoi pas ne pas ajouter : “ N’ayez pas d’inquiétude : si vous vous faites tuer, notre Bộ Ngọai Giao protestera ! ” Tout ce que l’on voit sur le terrain, ce sont les pauvres “ Biên phòng ” impuissants et malheureux ne protègent pas nos frontières mais qui, le carnet à la main, prennent les dépositions des pêcheurs agressés quand ceux-ci reviennent au port. Chaque nouveau rapport est un rapport de plus remis au Parti et qui sera classé sans suite… Alors que le Parti possède toute la chronologie des agressions chinoises, des emprisonnements à Phu Lam, des chalutiers éperonnés, “ disparus ” depuis près de 20 ans dans la zone totalement contrôlée par la Chine et sous souveraineté vietnamienne. Avec tous ces rapports accablants, ces milliers de témoins-victimes vivants prêts à parler, ces centaines de longs témoignages écrits détaillés, le Parti a les moyens d’élaborer un dossier solide accusant implacablement devant la cour de justice internationale les actes inhumains de Pékin : destruction de biens, vol de matériel, de crimes violents contre les droits de l’Homme et des peuples… Le Parti pourrait facilement trouver et financer des groupes d’avocats spécialisés, de différentes nationalités et extrêmement compétents pour “ internationaliser ” ces procès et les gagner ! Mais non, pendant que nos pêcheurs coulent, le “ Đảng ta ” nage avec ses bouées chinoises entre Pékin et Ha Noi, sans faire de vagues, sans même se mouiller ! Il n’a même pas le courage de sortir de son article 4 et dire son nom quand il interdit la projection du film “ Hoàng Sa Việt Nam : Nỗi đau mất mát ”, qui ne fait que montrer la vraie détresse, le vrai abandon où se trouvent les pêcheurs. A part l’habituelle protestation formelle du Bộ Ngọai Giao, qui n’est pas, soulignons-le, une protestation officielle du Parti en tant que tel, le “ Đảng ta ” reste invisible et muet, douillettement installé bien au sec dans son article 4 après avoir fait entourer de barbelés tous les sujets “ nhạy cảm ”, c’est-à- dire cruciaux pour la nation! Le Parti demande-t-il publiquement, en tant que Parti, des comptes à Pékin ? Jamais ! Monsieur Nguyễn Phú Trọng, si prompt à dégainer comme il l’a fait à Vĩnh Phúc contre de pacifiques citoyens patriotes en mal de liberté exige-t-il publiquement, au nom de tout le Parti, que la Chine dédommage les victimes, qu’elle cesse ses harcèlements meurtriers ? Jamais ! Pas un mot !

Mais à quoi sert donc le Parti ” dirigeant ”? Est-ce lui qui dirige vraiment? Si oui que dirige-t-il ? Pour le compte de qui ? Je vous en prie, ne me dites pas que ces questions sont subversives: elles naissent de l’indéniable, l’inquiétante, l’insupportable réalité quotidienne. Elles sont des plus légitimes ! Il faut y répondre non pas par la menace ou par des arguments “ ngụy biện ” mais par la vérité que le Président de la République appelle de ses vœux.

Par contre, s’il est absent dans les questions cruciales pour le sort de la nation, le Parti est là dans show télévisé quotidien imposé à des dizaines de millions de citoyens. Il parade le plus souvent à l’occasion d’évènements formels ou d’actions ponctuelles de façade qui ne remettent pas en cause la domination des très riches sur les très pauvres, qui cachent la profondeur et l’étendue du malaise social, qui ne touchent pas à la Chine, aux racines de la corruption ou qui relèvent plus de la charité que d’une orientation politique sociale durable et solide.

Le Parti est là aussi, bien présent mais dans les coulisses cette fois, quand il s’agit de réprimer les patriotes en colère, humiliés par les agressions chinoises et l’abandon honteux de leurs compatriotes pêcheurs. Il est là pour multiplier les interdits. Le Parti est encore là, bien discret mais très souvent impliqué, dans les affaires de fraude individuelle ou en réseau, de filières maffieuses où les humains vulnérables par leur pauvreté sont traités comme des marchandises. Il est là dans les affaires de faux diplômes, de fausses écoles, de confiscation des terres….

Quand je vois dans la rue, sur les banderoles, sur les affiches géantes cette faucille et ce marteau, bravement exposés au côté du drapeau comme autant de publicités, et que je pense comment cette faucille et ce marteau laissent la marine chinoise et ses pirates souiller, brûler, déchirer, ce même drapeau qui flotte sur chacun de nos chalutiers, quand je vois tous ces drapeaux vietnamiens qui restent au port à cause des interdictions chinoises, j’ai honte pour ceux qui continuent de parader ainsi au nom du communisme et de la nation! S’il vous plaît, ne me parlez pas de l’article N°4 !

L’armée, parlons-en en toute transparence !

Oui, monsieur le Président, comme vous le dites, la vérité est une arme. Puisque nous parlons de l’armée, je dirai qu’elle est encore plus redoutable que les canons. Oui, il faut s’interroger et débattre sur le rôle national de l’armée. C’est le droit et le devoir de tout citoyen. C’est une des clefs essentielles de l’avenir du pays.

Les réactions récentes et bien médiatisées “d’idéologues professeurs” qui veulent la réduire à l’instrument exclusif du Parti montrent clairement que le pouvoir actuel s’obstine à confondre intérêt partisan et intérêt national. La question est de savoir, comment veut-il, peut-il y parvenir ? Comment gagner l’opinion à cette option ? Comme l’a très bien formulé l’auteur d’un article dans ces pages, veut-on soumettre par la voie violente et si besoin en utilisant l’armée, ou veut-on convaincre ? Si l’on veut soumettre, il est inutile de continuer la farce actuelle du monologue qu’on appelle débat et “ la messe ” est dite : ceux qui se sentent frustrés n’écoutent plus les prêcheurs et vont chercher ailleurs la lumière qu’ils attendent ; ceux qui sont indignés, révoltés, humiliés, quittent l’Eglise et entrent en résistance. L’armée aux mains du pouvoir devient alors une armée dirigée contre le peuple et le Parti devient le Parti de l’Etranger. Est-ce là le but des dirigeants ?

Si l’on veut convaincre, le Parti devrait d’abord laisser mettre l’éclairage sur la situation actuelle de l’armée. Il faudrait le faire franchement, complètement, scientifiquement, objectivement, au lieu de servir aux citoyens qui sont adultes et responsables, une soupe politico-idéologique trouble et abstraite dont le seul refrain mobilisateur est le danger réactionnaire venu de l’Etranger (La Chine, bien sûr, n’étant pas considérée comme faisant partie de l’Etranger puisque n’étant pas réactionnaire). Pourquoi ne pas dissiper tous ces doutes très graves sur la sincérité, le patriotisme voire les arrières pensées despotiques de ceux qui tiennent réellement le pouvoir militaire et qui parlent le plus souvent non pas seulement au nom de l’armée mais au nom de la nation ? Pourquoi ne pas donner le feu vert pour une série d’enquêtes objectives, indépendantes et publiques sur “ la Grande muette ” ? Ces enquêtes pourraient se faire par secteurs. Elles seraient ensuite regroupées, synthétisées et livrées au public. Il faudrait faire toute la lumière sur la situation des dirigeants actuels de cette armée, leur position dans le Parti, sur les activités économiques et les revenus de leurs proches. Il faudrait faire toute la lumière sur les activités, les entreprises économiques, commerciales, bancaires appartenant à l’armée, sur les biens et la fortune de ceux qui dirigent ces activités, sur la part du secteur public et celle du secteur privé, éclairer les zones troubles entre ces deux secteurs. Il faudrait examiner les réseaux réels mis en place pour administrer ce grand corps de la nation, connaître leurs partenaires, particulièrement leurs partenaires étrangers. Il faudrait éclairer les citoyens qui s’interrogent sur le budget de la Défense : qui décide de l’achat des armes, des équipements, des budgets de formation ? Qui passe les commandes ? Qui contrôle ? Quel est le rôle et le pouvoir réel de l’Assemblée nationale dans ce domaine hautement sensible et coûteux qui touche directement à l’économie et à la sécurité de la nation toute entière ?

Alors seulement on pourrait avoir une image objective de l’état actuel de l’armée au Vietnam et de sa vraie nature. Alors on pourrait dire objectivement à qui appartient l’armée. Aux intérêts privés ? Au peuple ? Armée de la nation ou armée de quelques groupes d’intérêt ? Alors seulement on pourrait dire si l’armée est en capacité de protéger la nation.

J’entends déjà les partisans de la pêche en eau trouble : “ Impossible! Trop compliqué ! Secret Défense !… ”. J’entends d’autres voix qui disent : “ Quelle naïveté ! Comment ceux qui profitent de cette situation trouble et que des informations indiscrètes dérangeraient dans leurs privilèges scieraient-ils la branche sur laquelle ils sont assis ? ”. Je réponds aux deux que les privilèges, même ceux qui paraissent les mieux assis, ne durent jamais éternellement que, tôt ou tard, la plus solide des branches finit par pourrir et casser. Alors, vous le savez bien, plus on est haut, plus la chute est douloureuse.

Oui, de telles études informatives faites à partir d’investigations objectives et indépendantes sont possibles et nécessaires. Peut-être ont-elles déjà été faites mais non révélées.

Elles sont possibles si ceux qui les mènent sont protégés. Si cette protection était empêchée, si les enquêteurs étaient menacés, agressés, réprimés, le pouvoir se désignerait automatiquement comme recélant des affaires inavouables et par là même, se discréditerait publiquement et définitivement. Ces études sont possibles car elles pourraient être réalisées sans rien révéler sur la stratégie militaire, en se préoccupant seulement de la santé du système, en informant sur le fonctionnement concret de l’Institution et sur son mode de financement.

Ces études sont nécessaires tout simplement parce que, nous l’avons dit, cette grave question de l’Armée concerne directement et légitimement des millions de citoyens en manque de réponses claires et fiables auxquelles ils ont droit. De toutes façons, tôt ou tard, avec ou sans le feu vert de la conformité donné par le Parti, de telles enquêtes finiront par arriver sur internet et nourriront la rumeur populaire, nationale et internationale, avec encore plus de force.

L’article 88 :

L’article 88

Selon cet article du Code civil concernant le crime de propagande contre l’Etat de la République socialiste du Vietnam que j’ai bien lu, presque tout ce que je viens d’écrire peut, selon l’interprétation que l’on veut en donner, me conduire tout droit dans l’humidité obscure du cachot du “ monde libre ” que j’ai connu il y a quarante ans. C’est une possibilité que je n’exclue pas, d’autant que, pour l’avoir visité en 2002, je sais que ce cachot est toujours là dans notre monde “ libéré ”. Si cela arrivait, peut-être serait-ce une manifestation de ce que certains appellent “ la roue de l’Histoire ”… Ou bien ces écrits pourraient me faire interdire l’entrée dans mon pays vietnamien. Qui sait ? La vérité a un prix qu’il faut payer mais les cicatrices qu’elle laisse sont les plus belles des médailles.

Aujourd’hui, articles argumentés écrits en toute correction et publiés sur le net dans le respect des personnes, n’appelant ni à la violence ni à la haine mais en contradiction ou en accusation ; divulgations dans un blog d’informations qui n’ont rien de secrets d’Etat mais que les média officiels ont ordre de taire ; poèmes, chants, pamphlets, satyres, port de T-shirts en soutien au droit à la mer international : tout cela peut conduire à une invitation à aller “ travailler ” plusieurs heures ou plusieurs jours avec différents services de police. Dans le pire des cas, cela peut donner droit à des séjours gratuits de quelques mois à quelques années dans un “ Centre de réhabilitation de la personne humaine ” au nom si joliment choisi…

Non ! Ne me parlez pas non plus de cet article 88 et renvoyez-le sans attendre dans le moyen âge profond dont il fait partie.

Une pensée pour Zola une autre pour Lénine

Pour condamner l’injustice, l’opacité autoritaire et la calomnie de la part du pouvoir politique français en général et du pouvoir militaire en particulier, le très populaire écrivain Emile Zola avait produit un superbe pamphlet intitulé “ J’accuse ”. Ce pamphlet, après avoir conduit son auteur en exil, a fait bouger les lignes en faveur de la vérité. Je n’oserais bien sûr aucune comparaison avec cet homme illustre et cet écrivain monumental ni avec le sujet qu’il traitait. Simplement, je voudrais dire, comme un message à ceux qui veulent l’empêcher, que la culture de la vérité n’a ni frontières ni époque car elle est en permanence la noble nécessité du progrès. Je voudrais dire aussi que pour moi la vérité est action. C’est un combat, une accusation, une résistance et une révolte permanente contre ceux qui s’opposent à ce progrès. Puisse le “ Đảng ta ” du Vietnam d’aujourd’hui, bien mesurer ce qu’en disait Vladimir Illitch Oulianov, Lénine : “ Seule la vérité est révolutionnaire ”. Puisse-t-il accepter d’écouter et d’entendre les vérités du plus grand nombre des citoyens du Vietnam et modestement, travailler vraiment avec eux, pour eux, dans le respect des différences, à la vraie révolution d’une société qui ne demande qu’à s’épanouir dans l’indépendance et la démocratie, qui en a les moyens et l’énergie.

Je ne conclurai pas comme Zola dans son pamphlet par la formule : “ J’attends ” car cela pourrait être interprété pour de la passivité. Pour ma part, je ne négligerai l’action d’aujourd’hui dans aucune salle d’attente en espérant pour demain l’arrivée d’un docteur miracle. Chaque jour verra ma contribution, modeste mais concrète, toujours au côté du Vietnam et de son peuple admirable.

A. M. H. C. Q.



Nguồn: Bauxite Việt Nam