5/4/13

Bích Khê (1916-1946)



Bích Khê (1916-1946)



Tác giả : THỤY KHUÊ



Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
Là con út trong gia đình tám anh chị em (4 chị, 3 anh), cha là Lê Mai Khê một nhà nho mất sớm và mẹ là bà Phạm Thị Đoan. Thủa nhỏ Bích Khê học ở Thu Xà, rồi Đồng Hới và lên trung học vào trường dòng Pellerin Huế. Sau ra Hà Nội học tú tài, ban Triết. Năm 1934, Bích Khê bỏ học, cùng người bạn vào Phan Thiết mở trường tư, vừa dạy vừa sáng tác trong 2 năm (1934-1936). Mắc bệnh phổi từ 1935 (19 tuổi). Phải điều trị ở bệnh viện lao Pasquier, Huế, trong hơn một năm (1936-1937). 1938 trở lại Phan Thiết mở trường dạy học lần thứ nhì (1938-1939) và xuất bản tập thơ đầu tiên : Tinh huyết (1939) do Hàn Mặc Tử viết tựa.
Năm 1941 về Huế dạy học, được ít lâu, bệnh phổi tái phát, lại phải trở vào bệnh viện Pasquier điều trị lần thứ nhì, năm 1942. Mất năm 1946, ở tuổi ba mươi, đúng lúc cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Làm thơ từ 15 tuổi (1931), theo các thể cổ điển như: Đường luật, từ khúc, hát nói, đăng trên các báo Tiếng dân (Huế), Phụ nữ tân văn (Sàigòn), và Đông Tây (Hà nội). Khoảng 1936, Bích Khê chuyển sang Thơ mới.
Tập Tinh huyết (1939) là tác phẩm duy nhất được in khi Bích Khê còn sống.

Thơ ông không được nhắc đến trong một thời gian dài ở miền Bắc, phần vì người ta không hiểu thơ Bích Khê, nhưng lý do chính là chính trị: Bích Khê dịch cuốn Retour de L’U.R.S.S (Ở Nga về) của André Gide, viết năm 1936, kể nỗi thất vọng sau khi đi thăm «thiên đường cộng sản». Mặc dù chưa in, nhưng việc dịch này, kèm thêm sự kiện Bích Khê tỏ ý bất bình khi nghe tin Tạ Thu Thâu bị ám sát, đã khiến người ta liệt Bích Khê vào hàng ngũ phản động Trotskiste, và tên tuổi ông bị chính thức loại ra khỏi danh sách những nhà thơ tiền chiến.
Năm 1966, tại Sàigòn, báo Văn (do Trần Phong Giao quản nhiệm) làm số tưởng niệm Bích Khê (số 64, ra ngày 15/ 8/ 1966), với những tư liệu do gia đình cung cấp và bạn thân viết. Nhờ những bài của bà Lê Ngọc Sương (chị ruột nhà thơ), của Tam Ích, của Quách Tấn... mà chúng ta biết rõ thêm nhiều chi tiết về cuộc đời Bích Khê, một số bài thơ của ông cũng được đến với độc giả.
Tập Tinh hoa xuất bản sau này, gồm những bài thơ làm sau Tinh huyết và một số bài đã có trong Tinh huyết, được sửa lại, hoặc cắt ngắn đi.
So sánh hai tác phẩm, Tinh huyết vẫn là chính. Những sáng tạo mới đều nằm trong Tinh huyết. Tinh hoa trở lại gần với thơ truyền thống. Tinh huyết là thời kỳ sung mãn, có Hàn Mặc Tử khuyến khích. Bích Khê xuất hiện sau Hàn Mặc Tử vài năm, chịu ảnh hưởng thơ Hàn Mặc Tử. Tác phẩm của Bích Khê cũng chịu những chìm nổi, đau thương, như tác phẩm của Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, trong Tinh huyết, Bích Khê đã hình thành cấu trúc thi ca của riêng mình, một cấu trúc hiện đại, khác hẳn các nhà thơ mới, mà cũng không giống thi pháp của Hàn Mặc Tử.

Thi pháp Bích Khê

Thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa cổ điển và hiện đại, trong kiến trúc âm nhạc và hội họa. Đặc biệt trong lối tạo hình, ông đã sử dụng một phương pháp mới, lúc ấy chưa thịnh hành ở Việt Nam: phương pháp cắt dán (collage).
Bài Tỳ bà của Bích Khê là một khúc ngâm mới, dựa trên tinh thần Tỳ bà hành.
Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, bản dịch của Phan Huy Thực (nhiều nơi vẫn còn ghi là của Phan Huy Vịnh, con trai Phan Huy Thực) có những lời tuyệt bút:
Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt,
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, mang giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt, bấy giờ càng hay.
Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước
Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao.
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông (Tỳ bà hành diễn nôm)

Tỳ bà hành là sự giao hoà âm nhạc và cảnh sắc trong một bút pháp thần diệu. Bích Khê mượn tinh thần Tỳ bà hành, tức là tinh thần giao hoà âm nhạc và cảnh sắc, nhưng thay đổi toàn diện bối cảnh, kiến trúc âm nhạc và kiến trúc hình ảnh, để tạo ra một tác phẩm hiện đại:

Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông (Tỳ bà)

Phạm Duy - vẫn Phạm Duy - là người duy nhất nghe được tiếng nhạc lạ trong bài Tỳ bà và ông đã tạo ra một ca khúc réo rắt, âm hưởng giao thoa kim cổ. Phải nghe Thái Thanh hát Tỳ bà mới thấm được cõi nghệ thuật linh diệu của ba thiên tài: Bích Khê, Phạm Duy, Thái Thanh.
Kiến trúc âm nhạc trong Tỳ bà của Bích Khê dựa trên âm bằng (dấu huyền hoặc không có dấu). Toàn bài hầu như không có âm trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng). Lối lập âm này, trong thơ mới, có một số người đã làm (đặc biệt Phạm Huy Thông), nhưng không mấy ai thành công như Bích Khê. Vì chỉ có âm bằng nên nhạc trong thơ đổi cung bậc, không còn điệu cổ điển và cũng khác hẳn thơ mới.
Về mặt tạo hình, lần đầu tiên, trong Tỳ bà, một nghệ sĩ Việt áp dụng thủ pháp cắt dán: các hình ảnh được «cắt dán» rồi ghép cạnh nhau, cho nên ảnh sau không «liên hệ» gì đến ảnh trước. Ví dụ, trong câu Vàng sao nằm im trên hoa gầy, hai hình ảnh vàng sao và hoa gầy, chẳng dính dáng gì với nhau, nhưng được nhà thơ cho nằm im trên nhau. Sự kiện này hầu như không có trong thơ cổ điển và thơ mới. Vì trong cấu trúc cổ điển và lãng mạn, chữ thường đôi với nghĩa, cho nên các yếu tố chữ luôn luôn có liên hệ chặt chẽ, để tạo thành một câu «có nghiã». Trong khi «vàng sao nằm im trên hoa gầy» của Bích Khê là một câu gần như «vô nghiã».
Còn một điểm nữa: việc Bích Khê đem hình ảnh sao vàng ở trên trời xuống, cho nó nằm im trên hoa gầy (dưới đất) là một động tác cắt dán; không giống với động tác của Hàn Mặc Tử trong những câu « Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối» hay «Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ / Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu» là những động tác của tưởng tượng. Và lại cũng không giống câu: «Bóng gương lồng bóng đồ mi chập chùng» của Nguyễn Gia Thiều; vì tiên sinh dùng biện pháp ẩn dụ: bóng gương để chỉ nhà vua, bóng đồ mi, người cung nữ.
Tóm lại, cùng mô tả một cảnh «mây mưa», mỗi nhà thơ có một thủ pháp khác nhau.
Những phương pháp khác nhau đó, phản ánh thời đại, lối viết, và cá tính của nhà thơ: Ôn Như Hầu dùng ẩn dụ, phong cách tạo hình trong thơ cổ điển. Hàn Mặc Tử dùng tưởng tượng, phong cách sáng tạo hiện đại phát triển từ Thi sơn (Parnasse). Và Bích Khê dùng phương pháp cắt dán (collage) trong hội hoạ hiện đại (Matisse). Nhưng việc đặt những yếu tố hoàn toàn khác nhau cạnh nhau, còn là phương pháp của Siêu thực nữa.
Cho nên có thể nói rằng ngay từ năm 1936, Bích Khê đã áp dụng những phương pháp rất mới của Tây phương để làm thơ, trong một tinh thần hết sức Đông phương.

Cấu trúc gián đoạn

Hình ảnh trong thơ Bích Khê là do cắt dán lắp ghép. Hình ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử là do tưởng tượng. Nhìn bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng thật ra rất khác: Tuy Hàn Mặc Tử là «thày» của Bích Khê, nhưng thơ Bích Khê «hiện đại» hơn thơ Hàn, vì có thêm kỹ thuật cắt dán và siêu thực, mà Hàn chưa kịp tiếp thu. Nhưng cùng trong hoàn cảnh bệnh hoạn, Bích Khê không cô đơn, tuyệt vọng như Hàn, nên thơ Bích Khê không đạt mức đớn đau tuyệt đỉnh và tuyệt tác như thơ Hàn Mặc Tử.
Biện pháp siêu thực trong thơ Bích Khê hiện rõ ở cả chữ, lẫn câu: Nhà thơ không chỉ để hai hình ảnh khác nhau cạnh nhau, mà còn để cả hai câu thơ hoàn toàn khác nhau cạnh nhau, như:
Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây.
Câu trên là sự khăng khít xác thịt: Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Câu dưới: Tương tư người xưa thôi qua đây, là sự tan vỡ.
Nói đúng hơn, vừa đang yêu: tương tư, vừa tan vỡ: người xưa thôi qua đây.
Bích Khê đã đảo lộn trật tự thời gian sống, để tạo nghịch cảnh, nghịch lý: thường thì người ta tương tư, rồi khăng khít và sau cùng mới lìa nhau; đằng này, người ta khăng khít trước, rồi mới tương tư, rồi xa nhau.
Tóm lại câu thơ của Bích Khê không có logique, vì vậy mà Hoài Thanh và nhiều người khác đọc không hiểu. Hoài Thanh ca tụng câu:
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông!
Vì đó là câu thơ hay, dễ hiểu. Sau này người ta chép lại lời Hoài Thanh như cái máy, mà ít ai tìm hiểu kỹ càng về thơ Bích Khê.
Tỳ bà là một trong những bài thơ đầu tiên của Việt Nam có cấu trúc gián đoạn: Bích Khê dán những chữ không liên lạc gì với nhau cạnh nhau, dán những câu không liên lạc với nhau lại gần nhau, để tạo ra những hình ảnh tuyệt vời, hoàn toàn siêu thực, như: tay-đêm, giăng-mền, trăng-đan, mây-nhung, thuyền-hồn...

Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mền
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung phơi màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Dây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu. (Tỳ bà)

Mỗi câu thơ là một đứt đoạn: Bích Khê là nhà thơ tiên phong, đã đi trước thời đại, thể hiện sự đứt đoạn trong không gian và trong tâm hồn. Sự đứt đoạn của đời sống là một trong những khám phá của nghệ thuật hiện đại trong toàn bộ thơ, văn, nhạc, hoạ, từ đầu thế kỷ XX. Bởi mỗi ý nghĩ của chúng ta là một đứt đoạn, mỗi hình ảnh chúng ta nhìn thấy trong đời sống là một đứt đoạn.
Bích Khê đã nhìn thấy sự đứt đoạn đó từ những năm 1936-39. Bẵng đi một thời gian dài, mãi sau này, ở miền Nam mới thấy xuất hiện trong thơ Thanh Tâm Tuyền, trong ca từ Trịnh Công Sơn, và ở miền Bắc, trong thơ Lê Đạt.
*
Không nên đọc thơ Bích Khê như ta đọc thơ cổ điển hoặc thơ mới, vì Bích Khê không làm thơ theo logique truyền thống, nghiã là thơ có mạch lạch có nghiã. Nên đọc thơ ông như xem tranh: khi ấn tượng, khi lập thể, khi siêu thực, khi trừu tượng... tranh có nhạc đệm.
Khó phân biệt được lúc nào Bích Khê dùng bút để viết, lúc nào ông vung cọ để vẽ, lúc nào ông vung đũa để đánh nhạc.
Nhạc trong thơ Bích Khê khác với nhạc trong thơ Hàn Mặc Tử: Nhạc trong thơ Hàn là nhạc thầm trong mỗi chữ. Nhạc trong thơ Bích Khê là nhạc nổi trong thanh âm lạ, âm bằng.
Thơ Bích Khê là sự hoà âm giữa các điệu nhạc cổ, như điệu Hoàng hoa, điệu Mộng cầm, với những màu sắc tân kỳ của hội hoạ hiện đại :

Lam nhung ô! màu lưng chừng trời;
Xanh nhung ô! màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy;
Chim yên eo mình nương xương cây.
Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa :
Đông nam mây đùn nơi thành xa...

Oanh già theo quyên quên tin chàng!
Đào theo phù dung: thư không sang!
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi:
Làm trăng theo chàng qua muôn nơi;
Theo chàng ta làm con chim uyên;
Làm mây theo chàng bên nhung yên.

Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,
- Hồn ta? hay là hồn tình lang?
Non Yên tên bay ngang muôn đầu...
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
- Ai xây bờ xanh trên xương người?!
- Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!
(Hoàng hoa)

Bài Hoàng hoa thể hiện rõ sự giao hưởng giữa thơ và họa. Nhà thơ như một cánh chim, bay qua những khung cảnh khác nhau, vẽ lại trước mắt ta những bức tranh khác nhau, trong cùng một khoảnh khắc: Vàng phai nằm im ôm non gầy / Chim yên eo mình nương xương cây / Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa / Đông nam mây đùn nơi thành xa...
Những bức tranh trên đây (phần nhiều là ấn tượng) chỉ gợi cảm xúc, mà không mô tả. Ví dụ, trong bức đầu: Vàng phai nằm im ôm non gầy.
Người đọc, người xem, người nghe, không thể thấy rõ hiện tượng «vàng phai nằm im ôm non gầy» nó như thế nào, mà chỉ mơ hồ cảm thấy một ấn tượng nào đó.
Những câu thơ kế tiếp cũng thế: Chim yên eo mình nương xương cây, rồi Đông nam mây đùn nơi thành xa, toàn là những bức ấn tượng, mơ hồ như sương phủ.

Ấn tượng mờ sương

Vì đâu có cảm tưởng mờ sương toả lên từ những bức tranh?
Khảo sát kỹ hơn, trong Vàng phai nằm im ôm non gầy, sự mờ sương toả ra ở bốn chữ vàng phai nằm im.
- Ai nằm im?
- Một màu nằm im
- Màu gì?
- Màu vàng. Không hẳn thế, màu vàng phai.
Nhưng không ai biết và không ai có thể định nghĩa được màu vàng phai ấy như thế nào?
Và cũng không ai có thể «khẳng định» vụ vàng phai nằm im ôm non gầy đó, nó như thế nào? Chỉ cảm. Ấy là chưa kể: non gầy là gì?
Các vị kiểm duyệt thơ hoặc phê bình thơ nhưng không biết thơ, thường hay phê câu này, câu kia vô nghĩa, là vì thế.
Cho nên, nếu không phải là thi-họa sĩ, thì không thể vẽ được những hình ảnh như Vàng phai nằm im ôm non gầy, ấy.
Sự gợi hình trong thơ Bích Khê, luôn luôn bắt nguồn từ hội hoạ, từ cách tạo ấn tượng trong lòng người xem trước, rồi mới nghe và đọc.
Bài Hoàng hoa, không chỉ bắc cầu giữa hội hoạ và âm nhạc, mà còn là nhịp cầu kim cổ. Hoàng Hoa, vùng đất Trung Hoa, thời Chiến quốc và đời Đường thường có «rợ» Hồ quấy nhiễu. Hoàng Hoa là bãi chiến trường.
Hoàng hoa còn là cúc vàng. Hoa cúc nở mùa thu, mùa lá vàng và cũng là lúc các thanh niên, thời Chiến quốc, đến tuổi đi lính phải nhập ngũ, đi «quân dịch», năm sau mới về. Vì vậy Hoàng hoa vừa là cúc vàng, vừa là bãi chiến trường, vừa là thời đi lính.
Trong Chinh phụ ngâm có câu :
Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn Hoàng hoa dậm dài
Chữ Hoàng hoa trong Chinh phụ ngâm có hai nghiã: vừa là hoàng hoa thú (người lính thú ở chiến trường), lại còn có thể là trại cúc vàng, nơi người chinh phụ tựa cửa nhớ chồng ngoài quan ải.
Vì vậy, hai câu: Đây mùa hoàng hoa mùa hoàng hoa/ Đông nam mây đùn nơi thành xa... tưởng như không có gì liên hệ với nhau, nhưng thực ra đó chính là khúc chinh phụ ngâm mới của Bích Khê, ngẫu hứng từ những câu: Xót người nương chốn Hoàng hoa dậm dài và Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt trong Chinh phụ ngâm.
Người chinh phụ ngày xưa, ngâm:
Thủa lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo oanh ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thủa đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại đã bên sông bơ xờ (Chinh phụ ngâm)

Và người chinh phụ ngày nay, trong thơ Bích Khê, hát:
Oanh già theo quyên quên tin chàng!
Đào theo phù dung: thư không sang!
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi:
Làm trăng theo chàng qua muôn nơi;
Theo chàng ta làm con chim uyên;
Làm mây theo chàng bên nhung yên

Cùng bối cảnh nhớ chồng đi chinh chiến, nhưng hai khúc ngâm, xưa và nay, khác nhau.
Và đây, cảnh chết chóc nơi chiến trường, trong Chinh phụ ngâm:
Non Kỳ mộ chỉ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn?

Trong thơ Bích Khê, sa trường là sự giao hưởng giữa những hồn ma trong cơn ác mộng của người chinh phụ:
Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,
- Hồn ta? hay là hồn tình lang?
Non Yên tên bay ngang muôn đầu...
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
- Ai xây bờ xanh trên xương người?!
- Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!


Ánh sáng trong thơ Bích Khê

Thơ Bích Khê là sự hoà tan hai không gian cổ điển và hiện đại trong lòng chữ. Nhìn một lõa thể, một cảnh thu, một vũ khúc, Bích Khê không vẽ lại những ấn tượng ấy trong hiện tại mà ông đẩy lùi chúng về hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước, rồi mới đem chúng vào thơ.
Ví dụ, nhìn một điệu múa, Bích Khê viết :

Ô trời hôm nay sao mà xanh!
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành,
Nhung mây tê ngời sao kim cương,
Dạ lan tê ngời say men hương;

Lầu ai ánh gì như lưu ly?
Nụ cười ai trắng như hoa lê?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
Không gian xà cừ hay san hô? (Nghê thường)

Vũ điệu trong thơ không còn là vũ điệu trước mắt ta nữa mà đã trở thành vũ điệu nghê thường của Đắc Kỷ, Bao Tự... trên cung Quảng.
Những khơi gợi ấy, ở đây, đến từ ánh sáng. Thứ ánh sáng mơ hồ huyền ảo của một đêm trăng giữa ban ngày: Ô trời hôm nay sao mà xanh! / Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành / Nhung mây tê ngời sao kim cương. Tất cả những chữ: trời, xanh, ngọc, trăng, vàng, mây, ngời, sao, kim cương... trong ba câu thơ trên đều có khả năng tỏa sáng. Trong luồng sáng huyền ảo ấy, một đoá lan đêm (dạ lan) gây hương lạ trong câu thơ nối tiếp, chia thế giới làm hai: thế giới của ánh sáng và thế giới của bóng tối, qua một chữ dạ (nghiã là đêm): Dạ lan tê ngời say men hương. Rồi tiếp theo đó là một chuỗi những ánh sáng lạ khác:
Lầu ai ánh gì như lưu ly?
Nụ cười ai trắng như hoa lê?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
Không gian xà cừ hay san hô?
Không thể biết những luồng sáng như ánh lưu ly, ánh hoa lê, ánh thuỷ tinh, ánh gương hồ, ánh xà cừ, ánh san hô... chiếu vào người đẹp trên lầu hay chính người đẹp trên lầu toát ra những ánh sáng huyền ảo ấy. Sự bí mật nằm trong ánh sáng và thơ dựa vào ánh sáng để hiện hữu, y như trong hội hoạ ấn tượng. Nhà thơ chưa vẽ, chưa đả động gì đến người đẹp, nhưng nàng đã xuất hiện: một sự xuất hiện liêu trai, mờ ảo, nghê thường, qua ánh sáng của vật chất chung quanh.
Và đó là lối tạo chân dung bằng ánh sáng trong thơ Bích Khê.
Trong bài Hiện hình, lại một chân dung khác, vẽ theo lối hiện thực hơn:
Tôi ráp lại xem. Ồ! sự lạ!
Một người thiếu nữ hiện trong trăng.
Khăn hồng chùi lệ ngấn đôi mắt;
Da thịt phô bày ý tuyết băng.
Nường hé môi ra. Bay điệu nhạc
Mát như xuân mà ngọt tợ hương:
Ôi sao là khúc Ba sinh lụy
Rào rạt như đầy nỗi cảm thương
Tiếng ngọc, màu trăng quấn quýt nường
Phút giây người lộ mỏng như sương
- Nường tan ra nhạc? - tan ra nhạc!
Khung trắng trời mây trắng lạ thường!
(Hiện hình)

Người con gái trong bức tranh này hội tụ hai yếu tố tiếng và màu: tiếng ngọc,màu trăng.
Nhưng không thể biết chân dung nàng được vẽ bằng nhạc hay nàng chính là âm thanh?
Dường như bút lông của hoạ sĩ chấm vào nghiên nhạc để vẽ nàng. Rồi cát bụi, nàng lại trở về với cát bụi:
- Nường tan ra nhạc? - tan ra nhạc!
Khung trắng trời mây trắng lạ thường!
Mỗi chân dung người đẹp mà Bích Khê phác lên, thường có nét Bích câu kỳ ngộ. Bức Tranh loã thể là Giáng Kiều khoả thân trong óc người con trai mới lớn đầy khát vọng nhục tình :
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu dây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
Ôi lồ lộ một toà hoa nghiêm động!
Tôi run run hãm lại cánh hồn si...
Ồ hai tay rơi chén ngọc lưu ly;
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả;
Cho tôi nàng! cho tôi nàng! tất cả...
Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao
Cho đê mê, chới với, hồn lên cao,
- Một tinh cầu sẽ tan ra biển lệ.
(Tranh lõa thể)
Tranh lõa thể, một tác phẩm tuyệt vời mà âm nhạc và màu sắc dâng lên theo nhịp rung thể xác. Chàng trai xem triển lãm, trước bức tranh khoả thân có dáng dấp xưa, chàng vào mộng, trở lại hàng ngàn năm trước, sống lại giấc mơ Tú Uyên- Giáng Kiều? Hay chàng chính là Tú Uyên, đứng trước bức họa Giáng Kiều mình vừa hoàn tất, xao động bối rối, sống một giấc mơ mới mà nhịp độ thể xác đồng tiến với đam mê, với âm nhạc, màu sắc và thời gian?
Chàng là ai mà dám vượt vòng lễ giáo cổ truyền để tiến tới tự do nghệ sĩ? Chàng là ai mà dám phô bày nhục cảm xác thịt của mình trên trang giấy? Chàng là Tú Uyên đã «hiện đại hoá tư tưởng» của mình qua thơ Bích Khê? Hay chàng là Bích Khê, nói hộ người xưa những ẩn ức dục tình qua tiếng thơ thời nay?

Đôi mắt Bích Khê

Châu, bài thơ cuối trong tập Tinh huyết là một trường khúc, diễn tả hành trình sáng tạo của Bích Khê, hành trình biến hoá từ chữ sang châu. Bài thơ có ba phần:
Phần I, định nghiã cái đẹp: Đẹp câm trong pho tượng. Đẹp huyền ảo của người trong mộng. Đẹp rã rượi của tiếng đàn, của đôi mắt mùa thu. Đẹp đau thương trong đôi mắt lệ biến thành giọt châu.
Phần II, sự chuyển hoá từ cái đẹp sang cảm xúc và rung động trong tâm hồn.
Phần III, sự biến hoá những tinh lực, những rung động trong tâm hồn nhà thơ thành những giọt châu.
Đối với Bích Khê mắt là tác nhân chính và châu là thành quả của sáng tác.
Bích Khê coi mắt và châu như những tinh thể của thi ca.
Mắt nơi Bích Khê, tương đương với tưởng tượng nơi Hàn Mặc Tử.
Nếu Hàn Mặc Tử dùng óc tưởng tượng để sáng tạo thì Bích Khê dùng mắt để làm thơ.
Tất cả tinh anh nơi Bích Khê tụ vào đôi mắt. Gần Bích Khê, chắc không thể nào tránh khỏi bị cuốn hút bởi đôi mắt. Ngày nay, chúng ta chỉ còn lại tấm ảnh duy nhất: chân dung một thiếu niên, có đôi mắt to đen đẹp tuyệt vời.
Bích Khê đã diễn tả hành trình sáng tạo của mình như sau: Trước tiên nhà thơ tiếp nhận những cảm xúc của thiên nhiên và đời sống, rồi nhập đồng trong tâm hồn:
Tôi dường nghe trong một phút mê man
Hồn thanh thiên cho đến phách dương gian
Đều vỡ lở cho rung rinh thần thức
- Một thế giới mờ đi trong sáng đục
Và im hơi cho xuất khí âm hư...
Từ vùng đồng thiếp ấy, đánh lên những âm giai và màu sắc. Những yếu tố này đọng lại trong ánh mắt. Rồi từ tinh cầu mắt đó, biến thành những giọt châu thơ:
Sao? Màu nàng vấn vít lấy màu thơ
Với tình tiết và tên hoa vô thượng
Với đôi mắt đẹp câm trong sắc tượng
Biến ra châu nguyên vẹn cốt thiên đàng
Nên Thiên Tài đang tắm ở suối vàng
Theo trực giác bay lên nguồn ngọc lệ

Như thế, mỗi lần nhả châu trong mắt ngọc, thiên tài phải chết đi trong đê mê huyền bí, trong giếng loạn của tâm hồn:
Cho đã khát trong đê mê huyền bí
Ánh tiên tri nức nở sóng anh linh
Đường kinh tuyến hút nhiễm chất vô hình
Dẫn địa ngục đi vào đôi giếng loạn?

Đỉnh hoang loạn thể xác và tâm hồn cũng là đỉnh thơ: muốn đạt tới thơ, tức cõi châu, nhà thơ phải thăng hồn tới cực điểm của đớn đau hoang loạn, tới sự mất trí, tới sự rã rời thể xác, tới xuất huyết, tới địa ngục và thiên đàng:
Tôi chết ngay đây chẳng nói rằng
Cả mình lạnh khớp đến hàm răng
Thần gì đã xuất ra đôi mắt
Vội đẩy hồn tôi tới bóng giăng

Một bóng giăng rồi một bóng giăng
Hồn vẫn phiêu lưu rất nhẹ nhàng
Đến mút không gian là bát ngát
Một trời thơ mộng đẹp mê man

Và trong vùng ánh sáng và âm thanh huyền diệu ấy, đôi mắt thần tiên hiện ra:
Bỗng khúc dương cầm nấc tiếng thu
Bỗng đôi mắt ngọc hiện xanh mờ...
Và châu và báu và thanh khí
Nức nở tan thành vạn giọt thơ

Đạt đến cõi thơ, mọi sự lại bắt đầu trở lại.
Toàn bài thơ là hành trình của sáng tác, trong một vòng tử sinh huyền bí:
Tối hôm nay mùa thu đang ảo não
Trong gió rên và trong lá vàng bay
Mỗi gân trắng rúng rẩy một luồng say
Mỗi hơi thở hoa hồng vang nức nở
Và mạch máu không gian dường vỡ lở
Hú ma điên... kinh động vạn hồn đau

Muôn u phiền đầy đặc ứ trong đầu
Muôn sầu hận xây mồ ngay giữa phổi
Tôi ngây ngất trong bể lòng sôi nổi
Để hồn mê trôi dạt cõi xa mơ
Mình lặng ngồi trên tảng đá trơ vơ
Tình khóc mướt trong đêm thu ấp ủ

Đôi mắt Bích Khê chính là nguồn sáng tạo, nguồn khổ đau và hạnh phúc. Chưa ai hỏi mắt mình: Người là ai? Nhà thơ chắc cũng không biết rõ nguồn sáng trong đôi mắt ấy từ đâu đến và sẽ dẫn mình đến đâu? Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn như người ta thường nói, nhưng linh hồn Bích Khê là một cõi huyền bí xa lạ, của một cuộc đời ngắn ngủi trên dương gian, nhưng vô tận ở cõi siêu hình:

Hỡi đôi mắt! Nơi người là ngọc thạch
Nơi giếng người phản chiếu ảnh thiên thần
Nơi suối người giữ kín tiếng châu ngân
Nơi triển lãm cả một bầu tiên động
Nơi rung rinh cả một trời thơ mộng
Người là ai?Người hỡi! Người là ai?
- Nhưng đôi mắt lờ lặng và mê say
Nhìn đắm đuối không một lời náo nức

Nhạc khiêu vũ đâu đây lan sóng múa
Tôi tưởng chừng... da thịt biến ra thơm
Những đầu lâu rã hết khí xanh dờn
Những xiêm áo bay rờn trong cảnh mộng
Cả địa ngục đi vào trăm lỗ hổng
Bắn tinh ra trộn trạo giữa nguồn hương

- Hỡi đôi mắt! hồ thuỷ tinh trong suốt
Soi trần gian địa ngục vạn đời ma
Hãy nói tên thần bí của muôn hoa
Hãy kể hết nhiệm mầu muôn thế giới
Những bí quyết khí nhạc lên vời vợi
Những màu thiêng khi đau khổ lên cao
Những thơm ngào phối hiệp giữa trăng sao
Những khoái trá truyền qua hai xác thịt
Bằng hơi điện - bằng hơi điên tha thiết
Người là ai? người hỡi! người là ai?
- Nhưng đôi mắt lờ lặng và mê say
Nhìn đắm đuối, không một lời náo nức

Bích Khê, ngàn đời sau vẫn còn là vì sao mới, chiếu vào cõi thơ, bằng đôi mắt ngọc của một thiên thần, biến chữ thành châu.

 18/02/2011

Thụy Khuê

Source :  hopluu.net.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét