28/4/13

Lê Hữu - “Việt Nam, Việt Nam”, giấc mơ ngậm ngùi



Đất nước thống nhất rồi
mà lòng người thì không thống nhất.”
(Phạm Duy)


Trong số “ngàn lời ca” của Phạm Duy, bài hát nào được mọi người yêu thích nhất?
Ngày trước, có đôi lúc tôi vẫn tự hỏi như vậy. Sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, tôi tìm ra câu trả lời. Khi được hỏi “Thích bài nào nhất của Phạm Duy?”, hầu hết những người yêu nhạc ông đều nhắc đến bài “Tình ca”. Có người gọi bài hát ấy với tên khác là “Tiếng nước tôi” hoặc “Tôi yêu tiếng nước tôi”, là câu hát đầu tiên của bài hát ấy.


Từ “Tình ca” đến “Việt Nam, Việt Nam”
Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, câu hát ấy, mười nốt nhạc đầu tiên của bài nhạc ấy, từng được một cơ sở thương mại ở trong nước mua với giá 100 triệu (tính ra là 10 triệu cho một nốt nhạc), được xem là mười nốt nhạc Việt có giá thương mại cao nhất từ trước đến nay.
Đã từng có một đêm nhạc Phạm Duy tổ chức tại Huế (16/9/2012) với tên gọi là “Phạm Duy – Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”. Trước đó và ở bên ngoài đất nước, một đêm nhạc Phạm Duy khác được tổ chức tại Singapore (17/10/2010) cho cộng đồng người Việt ở đấy cũng với tên gọi là “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”. Bài hát rất được yêu thích và gắn liền với tên ông khiến ông được xem là người nhạc sĩ viết về tình tự dân tộc, về tình yêu quê hương hay nhất.
“Tình ca” là bài hát mang nhiều “chất Phạm Duy” nhất. “Tình ca” là một “tình yêu tổng hợp”, là bản tình ca lớn nhất của Phạm Duy: bản tình ca của đất nước. Với lớp người trẻ, bài hát ấy còn là bài học lớn về lòng yêu nước, yêu tiếng Việt, yêu người Việt, yêu lịch sử dân tộc Việt.
Bài hát không dễ thuộc lời, thế nhưng mọi người đều hát được câu hát đầu của bài hát ấy. Như thế cũng đủ. “Nếu một trăm năm nữa,” tác giả bài hát nói, “người ta vẫn hát bài ‘Tình ca’ với câu ‘Tôi yêu tiếng nước tôi’, thì 999 bài còn lại người ta có quên đi cũng được.” Câu nói ấy cho thấy không chỉ người yêu nhạc Phạm Duy mà chính Phạm Duy cũng yêu bài hát ấy hơn cả. Thậm chí, khi nói về cái chết, ông cũng nhắc tên bài hát ấy, “Mộ tôi sẽ nằm trên môi những người hát ‘Tình ca’. Cứ mỗi lần có ai hát bài này, tôi tin là mình đang được tái sinh trong lòng họ.”

Bài hát ấy ai hát cũng được thế nhưng hát để nghe ra “Tình ca”, để diễn được những tình ý người nhạc sĩ gửi vào bài hát thì cần đến một giọng hát. “Nghe ‘Tình ca’ là phải nghe Thái Thanh”, nhiều người vẫn nói như thế, tưởng như khó mà tìm được giọng hát nào hay hơn, phù hợp hơn. Cách thể hiện của những ca sĩ trẻ hôm nay cũng gieo được vào lòng người những cảm xúc dạt dào. Có đến ba thế hệ hát “Tình ca” kể từ khi bài hát ra đời (1953). Được yêu thích nhưng “Tình ca” có vẻ để nghe hơn là để hát, và càng không phải là bài hát để cùng hát với nhau. Muốn hát chung một bài nào của Phạm Duy, người ta đi tìm một bài khác.

“Tình ca” là bài hát đầu tiên trong số chín ca khúc đầu tiên của Phạm Duy được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) ở trong nước cấp phép phổ biến sớm nhất (21/7/2005), hai tháng sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy chính thức hồi hương.
Tôi nhớ, một lần nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ tin vui thêm một đợt những ca khúc của ông được cấp phép phổ biến, tôi nói rằng có một bài tôi thực sự mong cho ông, hơn bất cứ bài nào khác, sẽ được phép lưu hành. “Bài gì?” ông hỏi. Tôi nói, “Việt Nam, Việt Nam.” Ông im lặng. Tôi nói thêm là tôi chờ cái ngày bài hát ấy được hát vang vang trên khắp mọi miền đất nước, hát vang vang trong màn kết thúc một chương trình nhạc Phạm Duy. Ông im lặng. Tôi gửi ông nghe/xem cho vui ít màn trình diễn bài hát ấy ở nước ngoài trước và sau ngày ông về nước. Ông im lặng. Tôi hiểu được sự im lặng ấy, và không nhắc tên bài hát ấy nữa.
Vì sao bài hát ấy, bài “Việt Nam, Việt Nam”, vẫn chưa được cấp phép? Có gì lấn cấn chăng? Có “vấn đề” gì chăng?
Bài hát có những lời lẽ khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại và những giá trị phổ quát của các quyền làm người trong một đất nước tự do dân chủ.
Việt Nam đem vào sông núi
Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu

Việt Nam kêu gọi thương nhau

Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…

Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời
Tình Yêu đây là khí giới

Tình Thương đem về muôn nơi

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người…

Những lời lẽ ấy là không thích hợp chăng?
Bài hát có nhịp điệu khỏe khoắn, tiết tấu mạnh mẽ, nghe phấn chấn, thúc giục tựa những bước chân hăm hở xốc tới, rất thích hợp để hát hợp ca, đồng ca trong những cuộc họp mặt, xuống đường, tuần hành.
Nhạc điệu ấy là không thích hợp chăng?
Bài hát có nhạc điệu trang nghiêm, hùng tráng với lời ca khơi dậy tinh thần yêu nước, mang tính cách của một bài quốc ca. Nhiều người vẫn nhớ rằng “Việt Nam, Việt Nam” từng hơn một lần được đề nghị làm bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa (thay cho bài “Tiếng gọi công dân” của Lưu Hữu Phước, một nhạc sĩ miền Bắc). Bài hát “Việt Nam, Việt Nam” vì thế, rất “gần” với bài quốc ca của miền Nam ngày trước.
Những điểm ấy là “nhạy cảm” và là không thích hợp chăng?
Liệu còn có những lý do nào khác? Hoặc, chẳng có lý do nào cả. Chưa duyệt, chưa cấp phép là vì chưa duyệt, chưa cấp phép, thế thôi.
“Việt Nam, Việt Nam” là một chung khúc (cách gọi của nhạc sĩ Phạm Duy), là một kết thúc có hậu cho bản trường ca “Mẹ Việt Nam” (1964) của Phạm Duy. Là chung khúc nhưng “Việt Nam, Việt Nam” vẫn thường được trình diễn như một bài hát riêng, độc lập. Chung khúc ấy thể hiện những ước mơ, khát vọng của người dân Việt về một vận hội mới về trên quê hương, cho đất nước yên bình, cho không còn những cách chia, cho người biết thương người.
Trả lời câu hỏi “Vì sao cái tựa bài hát không là ‘Việt Nam’ mà lại hai lần ‘Việt Nam, Việt Nam’?” tác giả bài hát nói: “Vì nước Việt Nam mình bị chia làm hai, thành ra có hai ‘Việt Nam – Việt Nam’. Nếu chỉ có một Việt Nam thôi thì tốt hơn. Trong khi tôi xưng tụng một nước Việt Nam như vậy, ‘Tình yêu, đây là khí giới’, thì hai bên vẫn còn nghi kỵ nhau, vẫn còn chưa bắt tay nhau.”
Sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, một bài báo ở trong nước (Thanh Niên, 30/1/2013) có tựa là “Nhạc sĩ Phạm Duy: Tâm nguyện cuối đời” cho phổ biến một lá thư của ông (không đề ngày) gửi đến “giới chức có thẩm quyền” xin cấp phép phổ biến ca khúc “Việt Nam, Việt Nam”. Thư có đoạn:
“Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nuôi một nguyện vọng đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc trong nước bằng một ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề ‘Việt Nam, Việt Nam’ sáng tác từ 1960, rút trong trường ca ‘Mẹ Việt Nam’, là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng và độ lượng. Sau đây là ca khúc đó… (lời ca bài ‘Việt Nam, Việt Nam’). Tôi mong có ngày ca khúc này được phép phổ biến.” (thư kèm một CD gồm hai bài hợp ca “Việt Nam, Việt Nam”).
Một lá thư khác, cũng theo bài báo ấy, dài đến gần mười trang của Giáo sư Trần Văn Khê (6/2012), người bạn cố tri của nhạc sĩ Phạm Duy, nội dung đề nghị cấp phép phổ biến hai trường ca của Phạm Duy là “Con đường cái quan” và “Mẹ Việt Nam” (kết thúc bằng chung khúc “Việt Nam, Việt Nam”). Thư có đoạn:
“Tâm nguyện của Phạm Duy đối với quê hương là một tâm nguyện trọn vẹn… Tôi ước mong chính phủ, Bộ Văn Hóa xem xét đến trường hợp hai tác phẩm trường ca của Phạm Duy để giúp cho hai tác phẩm rất sâu sắc, nhân văn này được phổ biến đến đại chúng toàn quốc, giúp cho tư tưởng rất đẹp trong lời nhạc, lời ca đi sâu vào lòng người dân… Với hai trường ca này, Duy đã nói về một Việt Nam hoàn toàn chung nhất, vẽ nên một bức tranh Việt Nam đầy đủ địa lý tới văn hóa, từ chiều dài lịch sử đến bề sâu tâm hồn, từ tư tưởng triết lý đến quan niệm nhân sinh... để thấy rằng Việt Nam đẹp đến nhường nào, từ trong nội tại tâm hồn đến cảnh vật bên ngoài, luôn lấp lánh cái bóng dáng hòa bình, yêu thương, nhân ái, người vì người, sống chết cho nhau.”

Cả hai lá thư với lời lẽ thiết tha ấy đều “thư đi” mà không có “tin lại”.

Mỗi năm lại có thêm một vài đợt duyệt xét, có thêm một ít ca khúc của Phạm Duy được cấp phép phổ biến (gồm cả những bài một thời được xem là “dị ứng” với nhà cầm quyền trong nước, như “Bên cầu biên giới”, “Mùa thu chết,” “Tìm nhau”…). Không có bài “Việt Nam, Việt Nam”. Đợt cấp phép mới nhất, mười ngày trước khi người nhạc sĩ qua đời, có thêm tám ca khúc Phạm Duy được cho phép lưu hành trên cả nước. Vẫn không có bài “Việt Nam, Việt Nam”. Bài hát vẫn biệt vô âm tín. Người nhạc sĩ già vẫn tiếp tục chờ đợi, chờ đợi trên giường bệnh. Nỗi đợi chờ trong câm lặng, trong khắc khoải, mỏi mòn, như người ngồi đợi hoài những giấc mơ không bao giờ đến.
“Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ấy hoặc được duyệt rất sớm, hoặc rất muộn, hoặc chẳng bao giờ, vì không thích hợp, vì khá “nhạy cảm”; hoặc hơn thế nữa, vì “dị ứng”, như cách nói ở trong nước.
Chung khúc” nào cho Việt Nam – Việt Nam?
Ít hôm sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy mất, ở Mỹ người ta tổ chức một đêm nhạc để tưởng nhớ ông. Một người bạn ở Nam Cali gọi cho tôi, nói “Nếu ông ở đây thì tối nay tôi rủ ông đi nghe nhạc, một chương trình nhạc đặc biệt, chỉ phổ biến trong thân hữu.” “Nghe nhạc Phạm Duy phải không?” tôi hỏi. Người bạn hỏi lại, “Sao biết?” Tôi nói, “Nhạc Phạm Duy thì người ta vẫn hát, vẫn nghe dài dài từ bao nhiêu năm nay và vẫn đang hát, đang nghe chứ đâu phải đợi đến lúc ông ấy nằm xuống mới rủ nhau đi nghe.” Tôi không rõ những “thân hữu” trong đêm nhạc ấy gồm những ai ai, và vì sao lại “chỉ phổ biến trong thân hữu”. Theo lời người bạn kể, một “tiết mục” khá ấn tượng trong đêm “Phạm Duy, Ngàn Lời Ca” ấy: kết thúc chương trình, không ai bảo ai tất cả mọi người đều cùng đứng dậy và cùng cất cao tiếng hát bài “Việt Nam, Việt Nam”. “Cảm động nhất là màn cuối ấy,” người bạn nói.
Vì sao lại “cảm động”? Phải chăng vì những cảm xúc rưng rưng pha trộn: vì cảm thương cho con người nghệ sĩ lắm tài hoa mà cũng nhiều nghiệt ngã, cho đến những năm tháng cuối đời vẫn cứ nuôi mãi một “giấc mộng dài”. Hoặc vì cảm thương cho thân phận đất nước mình dân tộc mình, cho những kiếp người nổi trôi, những số phận lênh đênh không bờ không bến. Hoặc vì bài hát gợi nhớ về những năm tháng xa xôi, những tháng năm tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ với ước mơ trong veo về một ngày hòa bình trên quê hương đổi mới... Người nhạc sĩ già đã nhắm mắt xuôi tay, “người tình già” đã đi về đầu non. “Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ấy, tiếng hát ấy, như một giấc mơ rạn vỡ.
Một trùng hợp ngẫu nhiên, ít hôm sau đó, vào những phút cuối của đám táng người nhạc sĩ, trong lúc người người đứng vây quanh huyệt mộ, trong lúc những nắm đất, những bông hoa đủ sắc màu lần lượt thả xuống nắp áo quan, một tiếng nói cất lên, “Chúng ta hãy cùng hát bài Việt Nam, Việt Nam.” Rồi một giọng hát cất lên, “Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời…” Rồi những giọng hát khác cất lên, cất lên, hòa quyện vào nhau. Những câu hát bật ra, bài hát bật ra, càng lúc càng lớn, trong lúc những nắm đất, những cánh hoa vẫn không ngừng thả xuống nắp áo quan... Người ta đã chọn bài hát ấy để nói lời chia tay với người nhạc sĩ.
Việt Nam, hai câu nói bên vành nôi…
Việt Nam, hai câu nói sau cùng khi lìa đời…
Tình Yêu, đây là khí giới
Tình thương đem về muôn nơi

Việt Nam, đây tiếng nói đi xây tình người

Ở ngoài nước, kết thúc đêm nhạc tưởng niệm người nhạc sĩ, người ta cùng hát với nhau bài “Việt Nam, Việt Nam”. Ở trong nước, kết thúc đám táng người nhạc sĩ, người ta cùng hát với nhau bài “Việt Nam, Việt Nam”.
Đoàn người cất cao tiếng hát bài “Việt Nam, Việt Nam” trong “nghĩa trang mông mênh” ấy là những ai? Nhiều phần là những người lớn tuổi, những người từng sống ở miền Nam trước năm 1975. Những người trẻ tuổi, một số đã không hát theo được vì không thuộc hay không biết bài hát ấy.
Một bà cụ tóc trắng nêu thắc mắc, “Sao không in ra thành nhiều bản phát ra cho mọi người để cùng hát với nhau cho có khí thế hơn?!” (Bà cụ không rõ bài hát chưa được nhà nước… cho phép hát).
Những người khác quay sang hỏi nhau, “Tại sao một bài hát có ý nghĩa như thế lại không được nhà nước cấp phép?”
Những câu hỏi không có câu trả lời.
Khác với tác giả bài hát, người ta không phải đợi “nhà nước” duyệt hay cấp phép. Hàng ngàn người đồng hành với ông trong ngày “Chủ Nhật buồn” ấy đã “duyệt” cho ông bài hát ấy. Hoặc, nói như cách nói ở trong nước, “một bộ phận quần chúng nhân dân” đã cấp phép cho bài hát ấy; hơn thế nữa, đã “biểu diễn” bài hát ấy như một dàn đồng ca tự phát.
Bài hát, lần đầu tiên được cất lên kể từ ngày ông về nước. Phải đợi đến lúc hạ huyệt, đến lúc xác thân ông được gửi vào lòng đất mẹ thì bài hát ấy mới cất lên. Cũng đâu có gì là muộn màng, phải không? “Có còn hơn không, có còn hơn không”, như câu hát trong một bài hát quen thuộc của ông. Bây giờ thì ông không còn phải chờ đợi thêm nữa.
“Việt Nam, Việt Nam” từng là một trong những bài hát cộng đồng khá phổ biến trên môi tuổi trẻ, sinh viên, học sinh ở miền Nam tự do một thời nào. Bài hát vang lên trong những sân trường, lớp học, trong những đêm không ngủ, trong những ngày lên đường, xuống đường rực lửa đấu tranh. Mọi người vừa hát vừa vỗ tay rất nhịp nhàng, rất khí thế, rất sôi nổi. Bài hát ấy, nhiều năm sau lại vang lên bên huyệt mộ người nhạc sĩ một ngày cuối đông. Người ta đã hát cho ông nghe bài hát bao năm ông hằng chờ đợi, bài hát ông gửi vào những tâm huyết, tâm nguyện, tâm tình. Ông còn mong gì hơn nữa!
Hát “Việt Nam, Việt Nam” là hát về những giấc mơ, những khát vọng của người dân Việt tội tình. Giấc mơ “Việt Nam, Việt Nam”, giấc mơ của Phạm Duy, giấc mơ của tuổi trẻ ngày ấy, của tuổi trẻ hôm nay, của người Việt khắp nơi khắp chốn, giấc mơ ấy vẫn còn… xa vời vợi.
“Việt Nam, Việt Nam”, sau năm mươi năm, bài hát vẫn còn là giấc mơ.
“Việt Nam, Việt Nam”, chung khúc ấy là viễn mơ.
Bài chung khúc ông viết cho Mẹ Việt Nam, cho dân Việt Nam và cho tâm nguyện của riêng ông cách nay nửa thế kỷ, chung cục trở thành “bài hát tiễn đưa” ông về lòng Đất Mẹ, như là những gì thuộc về ông nay chính thức trả về ông, cho ông mang theo làm hành trang của “những gì sẽ đem theo về cõi chết”. (1)
Liệu có một “chung khúc” nào cho người dân Việt? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Giáo sư Eric Henry (Đại Học North Carolina, Chapel Hill, NC), giảng dạy về ngôn ngữ và văn chương Việt Nam–người dành ra nhiều thời gian vào việc khảo cứu về lịch sử tân nhạc Việt cũng như chuyển dịch sang tiếng Anh bộ Hồi Ký Phạm Duy–trong một bài tham luận, tỏ ra lạc quan về những tín hiệu cho thấy “hai phía Việt Nam – Việt Nam” ngày càng có khuynh hướng “xích lại gần nhau” hơn: “Sự chuyển hoá từ cả hai phía có vẻ chỉ là những thay đổi cỏn con, ngẫu nhiên, và cá nhân, như thể những hạt cát ngoài bờ biển, hoặc như những chiếc lá vàng mùa thu, nhưng không còn hồ nghi gì nữa về những kết quả chung cuộc. Khi nào cả hai phía cùng hoà giải với nhau thì họ sẽ thấy Phạm Duy đón họ ở đấy, vì ông đã thấy trước từ lâu rồi là sẽ có một ngày như thế.” (2)
Nhạc sĩ Phạm Duy, ngược lại, trong bài trả lời phỏng vấn của đài RFA (23/6/2012), gọi là “Những bộc bạch cuối đời”, đã không giấu nỗi chua xót trong lòng mình: “Các anh yêu tôi thì nói là tôi có sự nghiệp hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng tôi, cho đến giờ phút này, tôi thấy là tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử nếu tôi có chết đi thì gần như là tôi không có được thỏa mãn.” Trả lời câu hỏi “Tại sao?” ông nói, “Giản dị lắm, các anh muốn biết tại sao như vậy thì các anh phải hỏi thẳng chính quyền ấy.”
Ngày ông nằm xuống, người Việt vẫn chưa đi đến một “chung khúc”.
“Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ông viết ra từ thời chiến như gửi đi một thông điệp của thương yêu và hòa giải, của thống nhất đất nước và thống nhất lòng người. Thông điệp ấy đến nay người ta vẫn chưa sẵn sàng đón nhận.
Nếu có “thống nhất” được với nhau điểm nào thì chỉ là cả “hai phía” đều gọi ông là “cây đại thụ” của làng nhạc Việt. Sau ngày cây đại thụ ấy bật gốc, cả hai phía ấy và cả những người yêu ông và ghét ông đều nói rằng đến cả trăm năm nữa cũng khó mà có được một tài năng âm nhạc nào như ông.
Người ta vẫn hay gọi một văn nghệ sĩ tên tuổi là “tác giả”, theo sau là tên tác phẩm phổ biến nhất, ý nghĩa nhất và được yêu chuộng nhất. Cách gọi ấy gọi được cả “tác giả và tác phẩm”.
Phạm Duy, tôi chắc nhiều người sẽ gọi ông là “Tác giả Việt Nam, Việt Nam”.

Lê Hữu




(1) Tên một bài hát của Phạm Duy
(2) Eric Henry, “Phạm Duy and Modern Vietnamese History”, Southeast Review of Asian Studies 27. Phố Tịnh dịch, “Phạm Duy và lịch sử Việt Nam hiện đại”, talawas.org 22/11/2005
* Những chữ in nghiêng là tên bài hát và những câu hát của Phạm Duy
- Chung khúc “Việt Nam, Việt Nam”, Phạm Duy
Ban hợp xướng Ngàn Khơi (hòa âm Lê Văn Khoa, nhạc trưởng Trần Chúc):
- “Những bộc bạch cuối đời”, Phạm Duy & đài RFA:
 
 
 

Nguyễn Mộng Giác - Thư Gởi Đám Mây Xa

Nguyễn Mộng Giác


 
Tối hôm đó, hai bà cháu lo viết thư gửi về Việt Nam. Ngoại dặn cháu:

- Hà nhớ viết thư cho rõ nghe. Chữ cháu viết xấu khó đọc lắm.

Thằng bé kinh ngạc hỏi:

- Ngoại xem vở của cháu hồi nào? Ngoại biết chữ rồi à?

- Ðâu có. Ngoại nghe má cháu bảo vậy. Ngoại từng này tuổi còn học gì nữa.

Thằng Hà thắc mắc:

- Tại sao hồi trước ngoại không đi học?

- Hồi trước chỉ có con trai đi học, con gái ở nhà lo chuyện bếp núc thêu thùa. Ngoại làm bánh cũng giỏi lắm. Cả vùng không có cô gái nào làm bánh giỏi và thêu đẹp bằng ngoại.

Bà cụ mơ màng nhớ lại thời còn trẻ. Thằng Hà hỏi:

- Ngoại buồn ngủ hở ngoại?

- Không. Ngoại nhớ hồi… nhưng thôi, lo viết thư đi.

Ðứa cháu không chịu được điều gì thiếu rõ ràng, nên thắc mắc:

- Nhớ hồi nào hở ngoại?

Ngoại mỉm cười, giọng run run vì xúc động:

- Hồi trước ngoại thật ngơ. Ông ngoại theo mai dong đến xem mắt mà ngoại có biết gì đâu. Lúc đó ngoại đang chơi ô làng. Nghe bà cố gọi vào pha nước mời khách, ngoại bọc đống hột me bằng vạt áo trước, để hở cả rún. Bưng nước lên mời khách mà tay vẫn cứ khư khư giữ túi hột me. Không ngờ do thế mà được ông ngoại khen là da dẻ trắng trẻo.

Thằng Hà cười thích thú. Nó không thể tưởng tượng ra cảnh bà ngoại ham chơi ô làng đến nỗi giơ rún cho ông ngoại ngắm. Nó cười đến chảy nước mắt. Ngoại gắt:

- Cười cái gì? Hồi nhỏ ai chẳng thế. Thôi lo viết đi.

Hà nín cười nhưng cây viết trên tay cứ run run. Nó hoãn binh bằng cách vuốt lại tờ giấy, vặn cho tim đèn dầu hỏa cao lên một chút. Nó sơ ý làm cho dầu dính lên một góc giấy viết thư. Sợ ngoại la, nó lấy tay che vết dầu bẩn lại. Hà hỏi:

- Viết gì hở ngoại?

Ngoại đằng hắng rồi nói:

- Viết dặn má mày đêm nào cũng nhớ thắp hương trên bàn thờ ông ngoại.

Thằng Hà ngớ ra, lo âu hỏi:

- Viết cách sao ngoại?

Ngoại bực:

- Thì viết dặn má nhớ thắp hương.

- Nhưng đầu tiên phải viết cái gì đã chứ. Chưa gì đã nói chuyện thắp hương, đâu có ra lá thư.

Ngoại gật gù bảo cháu:

- Ờ phải. Cháu liệu viết vài dòng cho ra lá thư. Hà học lớp sáu, biết cách viết thư rồi.

Hà không dám thú nhận bài luận viết thư của mình bị cô giáo đọc cho cả lớp cười giải lao. Thú nhận như vậy mất mặt quá. Cho nên Hà lặng lẽ viết mấy hàng mở đầu:

Thư của ngoại – và của con – gửi má.

Ngoại và con đến đảo Kuku hôm 5-12-82. Ði biển gặp sóng lớn dữ quá, má à. Con bị ói, ngoại cũng bị ói. Chắc má lo cho ngoại dữ lắm. Bữa đó con cũng sợ dữ lắm. Ngoại vừa dặn: Qua bên đó rán học giỏi và nghe lời cậu Liễn, thôi ngoại về, thì súng nổ dễ tè. Ngoại sợ con bị đạn lạc ôm cứng lấy con. Mấy chú trên ghe hối thúc dữ lắm, hai bà cháu mới leo lên được. Ra ngoài xa ngoại mới nhớ phải về, kêu mấy chú cho xuống…

Bà ngoại thấy cháu viết một mạch không thèm hỏi ý kiến mình, đâm lo, vỗ vai cháu hỏi:

- Cháu viết gì nhiều vậy?

Hà hãnh diện đáp:

- Ðầu tiên cháu kể lại hôm mình lên ghe cho nhà biết. Cho má đỡ lo chứ ngoại.

- Cháu kể được à?

- Ðược chứ ngoại. Ðể cháu đọc cho bà nghe.

Hà bắt đầu đọc. Càng đọc, nó càng thấy mình viết dữ quá dữ lắm đến thừa thãi. Còn hai chữ dễ tè học được của tụi bạn bụi đời ở Sở Thú thì Hà rất khoái nhưng má lại rất ghét. Nhưng lỡ viết rồi, làm sao đây? Ngoại gật gù khen cháu viết ngắn gọn mà đầy đủ. Phải. Chưa chi đã căn dặn thắp hương. Má thằng Hà đang lo không biết mình lạc đi đâu, chết sống thế nào sau khi bãi bị vỡ, một số bị bắt, không nói ngay cho con yên lòng, đã dặn chuyện cúng tế. Tuổi nhỏ thời nay thông minh thật. Hà hỏi:

- Con viết chuyện thắp hương được chưa ngoại?

Bà cụ hoàn toàn tin tưởng sức cháu, mau mắn đáp:

- Ðược. Cháu liệu viết sao cho má cháu nhớ. Ngoại sợ má cháu đi làm về lo đủ thứ chuyện mệt quá, quên đi.

Hà lại tự tin, nó viết:

Ngoại và con qua đây nhớ nhà dữ lắm…

Hà giật mình ngưng lại. Lại dữ lắm. Nó xóa hai chữ thừa thãi đi, suy nghĩ một lúc, rồi viết thêm hai chữ ghê lắm. Bà ngoại thấy Hà khựng lại, tưởng cháu quên, nhắc nhở:

- Cháu viết đi. Dặn má dù mệt cũng nhớ…

- Con nhớ mà ngoại.

Rồi Hà nói dối lấy oai:

- Con suy nghĩ xem nên viết thế nào cho má nhớ lâu.

Thằng bé gặm cán bút một lúc cho đúng với lời nói dối, mặt đăm chiêu. Ngoại yên lặng kính trọng phút suy tư thâm trầm của cháu. Một lúc sau, Hà viết tiếp:

Thật tức cười. Ngoại vừa kể con nghe chuyện hồi nhỏ vì ham chơi ngoại lỡ để cho ông xem rún. Ngoại có kể chuyện đó cho má nghe chưa? Ngoại cứ lo ở nhà má nấu ăn xong, mệt ngủ vùi, quên thắp hương trên bàn thờ ông ngoại. Nhớ thắp hương nha má!…

Sau khi chấm dấu than theo đúng lời dạy cô giáo dạy văn, Hà ngừng lại. Nó đắc chí hỏi:

- Con đọc lại cho ngoại nghe nha?

Ngoại lắc đầu:

- Khỏi cần. Viết nhanh kẻo đèn hết dầu. Con nhắc má mỗi lần thắp hương nhớ khấn ông ngoại rằng bà ngoại đã qua đây rồi, ông ngoại không nên lo quá. Khấn thêm rằng hồn ông có thiêng thì xin theo ngoại cho ngoại dễ hương khói. Bên đó xa quá, ngoại muốn nói gì với ông cũng không nói tới được.

Thằng Hà thấy ý của bà hay thật. Ừ nhỉ. Sao ông không theo bà để má nó nếu có quên thắp hương cũng không đến nỗi mang lỗi nặng. Mỗi lần Hà ham ra bờ biển câu cá lượm vỏ ốc, bà ngoại có người để tâm sự, khỏi phải thấp thỏm đi vô đi ra. Nó hỏi:

- Ông qua đây được hở ngoại? Ði cách nào cho đỡ nguy hiểm, chứ như chuyến hai bà cháu mình, ghê quá.

Ngoại trầm ngâm nghĩ đến lúc có thể thắp hương tâm sự thỏa thuê với vong hồn ông, không nghe được câu hỏi của Hà. Thằng bé hiểu được tâm trạng của ngoại.

Nó cúi xuống viết:

Ngoại thường cầu khẩn nếu ông có thiêng xin qua đây cùng ngoại. Tội lắm nha má. Ngoại lên chùa cầu Phật, chưa yên lòng, ngoại còn bảo con qua bên nhà thờ cầu thêm Chúa. Con được ăn bánh thánh rồi. Bánh họ cho ít đường quá má à. Lại nhỏ xíu.

Hà vừa viết xong, ngoại đã nhắc:

- Cháu viết nhắc má nhớ cho gà uống nước. Cái chuồng heo hướng bắc bị gió, nhớ mua tấm tôn cũ dưới đường Bạch Ðằng về che lại. Heo bị cảm gió dễ chết lắm, mà má mày thì đổ biết bao nhiêu tiền mua cám với xác mì rồi.

Hà nhận thấy ngoại dặn như thế là thừa. Việc cho gà uống nước, má đã giao khoán cho em Ri. Còn chuyện nuôi heo, chính vì má đã đổ quá nhiều tiền mua cám nên bà khỏi nhắc, má cũng đã lo rồi. Vả lại, khi thư về đến Việt Nam, biết đâu má túng tiền đã kêu người tới bán heo non. Biết không thể tranh luận với ngoại được, Hà viết:

Trong hai bọc lương thực họ phát cho con với ngoại ăn năm ngày, chỉ có hai gói đường thôi. Cà phê cũng có nhưng ngoại cấm con không được uống. Ngoại để dành đem đổi cá về nấu canh. Ðồ hộp được bốn lon. Con khoái ca ry thịt gà hơn ba tê heo, tuy hộp ba tê lớn hơn hộp kỳ trước má mua về ăn bánh mì. Hơn tháng nay ăn ba tê hoài con ớn quá.

Thằng Hà liếc nhìn ngoại, sợ ngoại khám phá sự tự chuyên của nó. Cách nhìn của ngoại có vẻ ngờ vực thật. Ngoại hỏi:

- Con đã nhắc má mua tôn ở đường Bạch Ðằng chưa? Mua ở Bạch Ðằng rẻ hơn bên bến Chương Dương. Năm ngoái ngoại có đi với cậu Liễn, hồi cậu chưa đi Mỹ đó, hỏi giá hai chỗ thấy cách nhau cả trăm bạc.

Hà vội đáp để giấu lỗi:

- Con chép đủ lời ngoại dặn rồi.

Nói xong nó lấy bạo tố thêm:

- Con đọc cho ngoại nghe nha.

Bà nó lắc đầu như dự đoán của Hà. Hú vía.

Phần bà cụ, cũng nhận ra mình sơ ý. Ai đời lo cho heo gà, cho người đã khuất, mà không lo gì đến con gái mình. Mà bà cụ biết lắm, con gái bà đang mất ăn mất ngủ vì chưa biết tin tức sức khỏe con trai cưng ra sao. Ngoại liền bảo Hà:

- Thôi bây giờ nói tới chuyện cháu đi. Cho má biết tin cháu vẫn khỏe, có hơi mập thêm chút ít. Hôm qua trên bệnh viện, cháu cân tăng được một ký rưỡi phải không?

Hà vui mừng vì chờ đợi mãi, nhường ưu tiên cho ông ngoại, cho heo gà mãi, bây giờ mới đến lượt mình.

Phải gò phần này cho kỹ mới được. Sau khi suy nghĩ chín chắn nó viết:

Phần con vẫn khỏe. Hàng ngày con đi câu cá. Ở đây cá biển nhiều lắm nha má. Cá để nấu canh nhiều, mà cá vàng để chơi cũng nhiều. Hôm qua con bắt được ba chú cá đủ màu sắc tím xanh vàng đỏ. Vây dài và rộng tỏa theo hình rẽ quạt. Con còn đi lượm củi cho ngoại nấu cơm và ngày mai bắt đầu học Anh văn. Con lên được – Hà do dự một chút rồi mím môi viết – ba ký rưỡi. Má hết gọi con là Hà Ròm chưa?

Ngoại nghiêng đầu nheo mắt ngắm đứa cháu ngoan đang viết thư. Cách lập nghiêm của Hà giống y cách phụng phịu của má Hà, lúc má Hà còn là cô bé dễ thương thường làm nũng với mẹ. Ngoại cảm thấy bồi hồi, lòng lâng lâng buồn. Thời gian qua mau, thoáng một cái ngoại đã già, rồi tử biệt sinh ly, rồi nụ cười trẻ thơ héo dần cho nước mắt rỏ xuống. Bao nhiêu đổi thay ngoại từng chứng kiến, cho đến lúc hai bà cháu lưu lạc đến chốn hoang đảo này.

Ngoại đang nghĩ ngợi đủ thứ chuyện, chợt nhớ đến chuyện bên nhà, giật mình bảo cháu:

- Hà viết xong chưa? Cháu phải viết ngay, kẻo quên thì mang tiếng với người ta chết. Cháu viết cho má biết là hôm đi, ngoại còn nợ của bà Tư sét hai đồng bạc đường, và một đồng bạc ớt. Ngoài chợ thì thím Năm Cần bán rau chưa thối cho ngoại ba đồng. Hôm đó ngoại mua bảy đồng bầu với chuối, ngoại đưa mười đồng thím Năm không có tiền lẻ thối. Ngoại còn mượn của dì Bảy cái dao têm trầu chưa kịp trả. Ngoại tưởng xuống đưa cháu đi xong rồi về, ai ngờ…

Thằng Hà liền hỏi:

- Sao hôm đó ba má cháu không đưa cháu đi, hở bà?

Bà cụ nhìn quanh, thấp giọng đáp:

- Ba cháu đi học tập về chưa được trả quyền công dân đâu có đi được. Má cháu làm công nhân viên mới có thể mua gạo rẻ cho cả nhà. Ðưa cháu đi, lỡ chẳng may…

Hà thấy thương má và nhớ em Ri, buồn rầu hỏi:

- Vậy cho cháu đi làm gì? Bà ơi, cháu nhớ ba má với em Ri quá.

Ngoại xoa đầu an ủi cháu:

- Cháu là con trai phải can đảm và biết điều. Lý lịch cháu xấu, làm sao học cho được. Cháu qua với cậu Liễn nếu chăm có thể thành ông này ông nọ. Ba má và bà hy vọng ở cháu nhiều lắm. Vả lại Trời Phật xui khiến thế nào mà cuối cùng cháu có bà theo hầu hạ. Còn đòi gì nữa nào? Thôi, cháu viết tiếp đi.

- Viết gì hở ngoại?

Bà cụ ngớ ra, quên mất điều vừa dặn. Một lúc sau, cụ mới nhớ:

- Ngoại già lú lẫn mất rồi. Chỉ có bao nhiêu mà cũng quên lên quên xuống. Nhắc má ngoại nợ bà Tư Sét hai đồng đường nè, một đồng ớt nè, mượn của thím Năm con dao têm trầu chưa trả nè, bà Năm Cần chưa thối cho ngoại ba đồng nè…

Thằng Hà thấy nợ nần ngoại còn dây dưa ở Việt Nam không đáng bao nhiêu, trong khi nó chợt nhớ nợ nần ơn nghĩa của nó quá lớn. Hà vội viết vào thư:

Ngoại nhắn má trả nợ cho bà Tư Sét ba đồng, trả thím Năm cái dao và đòi bà Năm Cần ba đồng rau chưa thối. Em Ri, thằng Châu con ông Nhật Trường mượn của anh cuốn Tên Xì Trum Thứ 101 và Tintin Ở Xứ Vàng Ðen đã đem trả chưa? Em qua đòi và nhớ lật kỹ xem có thiếu tờ nào không. Sách vàng và báo Tuổi Xanh của anh, em cứ xem nhưng không được xáo lộn xộn và cho bạn bè mượn bừa bãi. Anh thấy tụi nhóc con gái ít quí sách vở. Mấy cái xe hơi nhựa em nên giữ cẩn thận, chơi xong bỏ vào hộp kẻo vô ý bể hết. Cái cặp da của anh em cứ dùng nhưng rán đừng để cho trầy uổng lắm. Tụi bồ ruột của anh như thằng Huy con bà bác sĩ Liên Hương, thằng Hà con ông cán bộ đài truyền hình, thằng hề Bảo Quốc có đến hỏi anh không? Trên trường có xôn xao bàn tán sau khi anh đi không? Ðã thi học kỳ một chưa? Nếu thi, thi xong môn nào rồi? Thầy Anh văn nghe anh đi chắc tiếc lắm lắm lắm…

Hà dừng lại, thỏa mãn dễ tè vì ba chữ Lắm cuối cùng. Ngoại ngạc nhiên, không hiểu cháu viết thứ gì mà nhiều quá, viết xong lại cười hoài, nên hỏi:

- Cháu viết xong chưa? Ngoại chỉ nợ có hai chỗ thôi mà.

Hà đỏ mặt nói dối:

- Con dặn đi dặn lại cho má khỏi quên.

Ngoại nửa tin nửa ngờ nhưng không lâu, vì bà cụ chợt nhớ tới con dao têm trầu:

- Qua đây ngoại thèm trầu quá đi mất. Không biết bên Mỹ có bán trầu không Hà?

Hà đáp liền:

- Có chứ ngoại. Con nghe dì thằng Thắng bảo có đủ cả. Nào chao, tương, nước mắm, tiêu tỏi ớt, trầu cau. Cần thứ gì có thứ nấy. Ở khu vực nhiều người Việt chỉ ra ngõ là mua đủ. Ở xa phải đi xe hơi. Nhiều người thèm bún bò lái xe cả trăm cây số ăn một tô bún rồi về.

Ngoại đâm lo:

- Phiền nhỉ. Ngoại không chịu được mùi xăng. Ði xe hơi lần nào ngoại cũng muốn nôn mửa. Qua Galang, mình đi Mỹ bằng gì hở cháu?

Hà đáp theo ước vọng chứ không phải vì thành thạo:

- Phải đi bằng máy bay chứ ngoại. Vù một cái là tới.

Giọng của ngoại thêm lo lắng:

- Có bao giờ máy bay rơi không cháu?

Hà nghĩ tới cái thú được nhảy dù, vui vẻ đáp:

- Có chứ. Rơi là thường.

Thấy ngoại quá lo, nó thú vị một cách trẻ con, thêm vào:

- Cháu nghe nói bị rớt máy bay nếu không kịp mang dù sẽ bị tan xác ra thành cám. Không còn nhận được ai ra ai hết. Mỗi người thu lại không đủ một trăm gam. Sách có nói thế.

Ngoại thì thào:

- Không đủ trăm gam. Ghê quá. Qua đó, cháu viết thêm lá thư đi Mỹ, bảo cậu Liễn đem xe qua đón bà.

Rồi muốn quên ngay ám ảnh đó, ngoại nói:

- Còn giấy không? Nửa trang thôi à? Cháu viết thêm hẹn má qua đến Galang sẽ chụp ảnh màu gửi về. Ngoại gặp cậu Liễn sẽ kể rõ tình cảnh má để cậu tìm cách giúp đỡ. Mấy loại thuốc và vải má dặn con nói với cậu, bà cũng nhớ. Cậu Liễn sẽ gửi về đều.

Thằng Hà xịu mặt. Nó thấy tự ái gia đình bị va chạm. Nó nhớ ba nó thất nghiệp nhưng thích âm thầm chịu đựng cảnh thiếu thốn hơn là lên tiếng nhờ vả. Một lần cậu Liễn gửi quà về cho ngoại, ngoại thương má khổ đem chia bớt cho má một nửa. Má mừng, đem vải đen Isofi và mấy lọ thuốc Tylenol ra khoe với ba. Ba không vui, sau đó ba má dẫn nhau ra sân trước rì rầm gì đó thật lâu. Lúc trở vào, nét mặt ba dàu dàu, còn mắt má thì đỏ hoe.

Từ đó về sau, mỗi lần ngoại hớn hở mang quà cậu Liễn xuống, má đón ngoại từ cổng và dẫn theo lối sau vào nhà bếp. Hôm Hà sắp đi, má cũng chờ ba đi vắng mới đem tờ giấy ghi tên loại vải và thuốc tây được giá tại Sài Gòn ra bắt Hà học thuộc để nói lại với cậu Liễn. Tuy thương má vô cùng, mỗi lần thấy má bần thần rầu rĩ vì túng thiếu, Hà muốn ôm má để an ủi, nhưng tận thâm tâm, Hà thích cách suy nghĩ của ba hơn. Không hiểu rõ người lớn, nhưng Hà lờ mờ cảm thấy trong lối chịu đựng của ba, có cái gì dũng cảm đáng kính. Vì thế Hà viết vào cuối thư:

Hiện ngoại và con chưa biết lúc nào mới qua Galang. Qua đó con sẽ chụp hình màu gửi về cho má ngay. Con sẽ cười thật tươi để má và em Ri thấy con vui và khỏe biết chừng nào. Ngoại nhắn má nên yên tâm. Tàu chở hai bà cháu đi Galang lớn lắm, không dễ đắm như cái ghe con nhỏ xíu dưới Bặc Liêu. Phần em Ri anh chúc em học giỏi. À quên, em sang đây thì mặc sức mà nhặt bao ni lông nộp cho đội. Anh thấy họ vứt bao ni lông khắp nơi, cái nào cũng còn trong veo và thật dày liền nghĩ lại cảnh em phải đi góp từng cái bao ni lông hôi rình mỏng dính để làm kế hoạch nhỏ mà tiếc. Qua Mỹ anh sẽ mua đồ chơi bằng thiếc gửi về cho em. Hẹn ngày gặp em trở lại, anh sẽ dẫn Ri đi mua mía và ổi hư vào Sở thú cho voi và khỉ ăn. Ri có nhớ hôm anh suýt bị chú khỉ níu tóc, còn em bị con voi già phun nước ướt cả quần áo hay không?

Ký tên: Hà và bà ngoại.

Hai bà cháu viết xong thư thì đêm đã khuya. Hà hãnh diện được ký tên như một tổng thống ký vào lời hiệu triệu quốc dân. Hà còn đề nghị bà ngoại điểm chỉ vào cạnh chữ ký của mình, nhưng ngoại bảo không cần. Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao trong thư Hà không nhắc gì đến ba cả. Hà vẫn nhớ ba, thương ba, phục ba. Nhưng trước khi đi, má dặn nếu có viết thư, đừng nhắc gì đến ba hết. Sợ công an kiểm duyệt thư đọc được, sẽ bắt ba đi học tập trở lại. Má bảo thế.

Nguyễn Mộng Giác
28/4/2013
 

27/4/13

Đám trẻ ham ca điệp khúc 30 tháng Tư

 
Cập nhật: 11:04 GMT - thứ năm, 25 tháng 4, 2013
Ngày 30/4/1975 tôi có ba đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội.
Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác.
Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.
Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt.
Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi từ 50 trở xuống - tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12 tuổi - chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.
Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân.
Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy - có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi - con trai một ủy viên Bộ Chính trị - còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số.

Thế hệ Tân Gia Ba

Nói theo kiểu dân gian: họ là những người “tân gia ba” tức là mới tham gia cách mạng sau ngày Ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố:
“Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác”.
Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà - tiếc thay - họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện “đổ xương máu”.
Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.
"Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà - tiếc thay - họ chỉ là kẻ thừa hưởng"
Đào Hiếu
Thật vậy sao?
Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.
Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75 bởi vì điều đó thật vô lý.
Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: “chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác”… đã trở nên quá nhàm chán.
Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào.
Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù.
Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ.
Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời.
Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.
Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn lại một nước Việt buồn.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà văn Đào Hiếu, hiện sống tại Sài Gòn.
 
Theo BBC
 

Liêm sỉ và... xã hội đen -



 

Ấn tượng trong tuần: Liêm sỉ và... xã hội đen -


Con người vốn là động lực phát triển, nhưng cũng là... mầm mống tai họa xã hội.
Những ngày này, thế giới vừa chứng kiến một chấn động mạnh của nước Mỹ. Hai anh em nhà Tsarnaev- nghi phạm đánh bom khủng bố tại Boston, kẻ bị chết, kẻ bị bắt và nay mai sẽ phải hầu tòa. Giờ là lúc dư luận lắng xuống bởi những câu hỏi, chuyển từ "kẻ nào" sang "tại sao"? Trước một vụ việc tội ác, động cơ kẻ phạm tội bao giờ cũng được đặt ra.
Còn trước sự suy thịnh, hưng vong của xã tắc, quốc gia, phẩm cách con người bao giờ cũng được đề cập đến.
Những tháng năm thật buồn...
Mới đây, Cổng TTĐT Chính phủ có bài viết của GS. TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ mà chủ đề bài viết khiến dư luận giật mình, quan tâm sâu sắc: Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ.
Liêm sỉ, theo Hán Việt từ điển giản yếu (Đào Duy Anh- NXB Văn hóa- Thông tin, 2005) là "liêm khiết, biết điều sỉ nhục", là bản tính trong sạch quyết không làm điều phải xấu hổ. Còn theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng (Như Ý- NXB Giáo dục), liêm sỉ là bản chất trong sạch, ko vướng vào điều tủi hổ.
Đương nhiên, đối ngược với liêm sỉ là vô liêm sỉ, là con người ta làm những điều đáng hổ thẹn, nhưng không hề hổ thẹn. Nói theo cách nói của giáo dục, là mất nhân cách, không coi trọng danh dự, không biết hổ thẹn là gì.
Suy ngẫm kỹ, thấy cái chủ đề bài viết Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ là... hơi muộn. Vì liêm sỉ- biết xấu hổ, phải là ý thức, là thái độ sống con người được dạy dỗ từ bé thơ cho đến khi trưởng thành. Không chỉ bằng những tấm gương của các bậc tiền nhân, bằng trang sách, mà còn bằng những câu thành ngữ của trang đời, của cha ông tự ngàn xưa để lại, thâm thúy và thấm thía: Đói cho sạch/ rách cho thơm; Giấy rách phải giữ lấy lề; Thật thà là cha quỷ quái...
Thế nhưng vì sao, bài viết của vị GSTS Hội đồng Lý luận TƯ lại xới lên một vấn đề tưởng chừng như nằm sâu trong ý thức sống của người Việt? Bởi liêm sỉ hiện đang là của quý và hiếm? Hay bởi xã hội hiện đại ngày nay, có những "đồng dao" còn tuyệt vời hơn cả... liêm sỉ: Tiền là Tiên, là Phật/ Là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già/ Là đà cho danh vọng/ Là lọng của nịnh thần/ Là cán cân công lý/ Tiền là hết ý...
Mới đây, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi "lui về ở ẩn" tại quê nhà, vừa cho ra mắt bài thơ có những câu thơ thấm đẫm nghĩ ngợi với rất nhiều dấu hỏi:
Đất nước những năm thật buồn/ Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt/ Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành/ Như kẻ khát nước qua sa mạc...
...Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành/ Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội/ Có còn bay trong đêm/ Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng/ Mong gặp một con cá hanh khác? Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường/ Thấy mọi người nhẹ nhàng vui tươi?
Đặt bài viết của một vị GSTS chuyên làm lý luận, bên cạnh bài thơ của một nhà thơ, liệu có thấy một thông điệp chung nào không, về chủ đề liêm sỉ?
Cũng không phải chỉ có nhà thơ (mà trong ông, có cả nhà thơ vốn sống bằng trực cảm, cũng lại có cả nhà chính trị quá dày dạn chính trường) mới thấy Đất nước những tháng năm thật buồn. Xã hội, người dân, và ngay cả người viết bài này, từ lâu rồi, đã thấy thật buồn. Nỗi buồn của sự day dứt, sự đơn độc của cái tốt, sự... bất lực và cả sự hèn kém.
Trước đó khá lâu, tháng 6/2012, vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng trong cuộc gặp gỡ cử tri quận Ba Đình đã phải buồn rầu: Hiện tượng tham nhũng, hư hỏng, nhìn vào đâu cũng có...
Không buồn sao được, khi những quan chức, cán bộ cốt cán có trách nhiệm lớn trước nhân dân, trước xã hội, nhưng lời nói và hành vi của họ trái ngược "nói zậy,không phải zậy", như tốt/ xấu, trắng/đen, hay/ dở...
Chủ tịch tỉnh miền núi nghèo nhất nhì nước- tham gia vào đường dây mua bán dâm học trò, nhưng lại thao thao bất tuyệt rao giảng đạo đức. Và còn những vị nào nữa...?
"Hiện tượng tham nhũng, hư hỏng, nhìn vào đâu cũng có...". Ảnh minh họa
Một ông Chủ tịch tỉnh khác, cho đến các vị quan chức cốt cán của tỉnh đó, vừa phải trả lại 25 tỷ đồng trót bỏ túi vì những hành vi, quyết định sai trái, khi lợi dụng chức quyền?
Rồi hàng chục ông quan chức và cán bộ Vinakhủng, làm thất thoát tới 4 tỷ USD tiền vay nợ nước ngoài, đưa Vinakhủng lên thành "biểu tượng" của chính sách "tập đoàn kinh tế thua lỗ"?
Hàng chục "quan chức- đại gia" của ngành ngân hàng bị bắt, bị khởi tố vì lợi dụng và cố ý làm trái quy định của luật pháp, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng an ninh tiền tệ, gây bất ổn chính sách tiền tệ của Nhà nước...
Không buồn sao được trước cái hội chứng gian dối trắng trợn của ngành giáo dục, được xã hội gọi một cách văn vẻ là bệnh thành tích. Trước cái hội chứng ăn tiền của ngành y tế, mà khoảng cách từ chiếc phong bì đến cái khẩu hiệu biến tướng "lương y đang... từ mẫu" lại rất gần.
Hai ngành giáo dục- y tế, vốn là những ngành nhân bản nhất của xã hội- dạy người và trị bệnh cứu người, nhưng "ngành cách" cũng lại đang cần chữa trị, thì người dân, trẻ em Việt sẽ trông vào đâu, để sống và lớn lên có liêm sỉ?
Liêm sỉ không có hình hài, nhưng lại được định tính, định lượng, định hình rất rõ?
Sự thiếu vắng liêm sỉ, xấu hổ thay, có khi trở thành... bình thường, như phẩm cách công chức, mà người ta đã điều tra và tổng kết, có tới 30% số công chức ăn không ngồi rồi, có làm việc cũng như không. Đôi khi, nó còn là hình ảnh quan chức lặc lè, phì nộn khiến người dân thấy bất bình, phản cảm, đặt bên cạnh hình ảnh trẻ em nghèo nhiều vùng còn đói ăn, đói chữ.
Có khi, nó nhức nhối như điều tra xã hội học mới đây: "Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn" (Chủ nhiệm đề tài- ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng- thanh tra Chính phủ), cho thấy thu nhập ngoài lương của 79% cán bộ có chức quyền tăng và đến từ nhiều nguồn. Đặc biệt, có những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng...
Liêm sỉ của người Việt, không còn là hành vi đơn lẻ của cá nhân người đó, mà nó liên quan đến những thăng tiến, phát triển hay họa hại của cả một xã hội, cả một quốc gia.
Người ta còn chưa quên cái chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2012 (CPI) hổ thẹn, xót xa được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố. Ở đó, Việt Nam đứng thứ 123/ 176 quốc gia, vùng lãnh thổ, tụt hẳn 11 bậc so với năm ngoái.
Điểm đáng chú ý, ở những quốc gia "sạch" vào loại nhất, nhì thế giới, như Đan Mạch, Phần Lan và New Zealan đều nhờ có sự công khai, minh bạch hóa thông tin, có những quy định rạch ròi điều chỉnh hành vi các quan chức nắm hệ thống công quyền.
Dù vậy, liêm sỉ con người không chỉ giáo dục bằng giải pháp tự phê bình và phê bình như vị GSTS của Hội đồng Lý luận TƯ đề xuất. Hay như ước mong của nhà thơ: Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má/ Không phải gạt vội vì xấu hổ/ Ngước mắt tin yêu mọi người/ Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta/ Trong không gian đầy sợ hãi? Bởi nơi thì quá duy ý chí, nơi thì cô đơn và bất lực.
Liêm sỉ của con người chỉ có thể được giáo dục, được nảy nở, hình thành trên một nền tảng thiết chế chính trị- xã hội thay đổi theo hướng văn minh, khoa học và ? bạch hóa, phù hợp quy luật thực tiễn và hội nhập hiện đại. Ở đó, giáo dục tôn trọng cá tính, bản ngã cá nhân và khuyến khích sự sáng tạo của mọi con người. Ở đó, quan chức "nói đi đôi với làm", pháp luật không bị... cầm tay chỉ việc, được thượng tôn. Pháp luật và chỉ pháp luật mà thôi!
Liêm sỉ không chỉ là thuộc tính riêng của cá nhân. Nó còn được hình thành và mang tính cộng đồng sâu sắc trong một xã hội, mà nền tảng Hiến pháp thực sự tiến bộ, mang tầm lịch sử của thời cuộc mới, không phải bằng những khẩu hiệu đầy mỹ từ, mà bằng sự hiến định cụ thể, được dân thừa nhận... Bởi, nói như GSTS Hoàng Chí Bảo, có dân thì có tất cả, mất dân là mất tất cả.
"Đỏ" và "đen"
Chuyện liêm sỉ của một bộ phận không nhỏ quan chức, đảng viên suy thoái đang là nỗi nhức nhối của xã hội, thì câu chuyện cán bộ chính quyền cơ sở ...bảo kê cho xã hội đen được báo chí khui ra ánh sáng mới đây, khiến cho vấn đề liêm sỉ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên càng trở nên SOS hơn bao giờ hết.
Khái niệm xã hội đen là cụm từ chỉ một nhóm những kẻ hoạt động tội phạm có tổ chức, hoạt động trong thế giới ngầm, nhưng lại tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Những năm trước đây, người Việt từng biết đến xã hội đen qua những bộ phim nổi tiếng của Italia, của Hồng Kông...
Còn nay, đến người nông dân một nắng hai sương hay những doanh nghiệp làm ăn ở Khoái Châu (Hưng Yên), ở Sài Gòn, bỗng nhiên thấy mình như những diễn viên... bất đắc dĩ trong những "bộ phim" tự phát, mà ở đó, cuộc sống mưu sinh của họ được quyết định không phải bởi lao động của họ, mà bởi những kẻ giang hồ, bởi xã hội đen, rất ngang nhiên, công khai và trắng trợn.
Cái kết cục của "bộ phim" khá có hậu: Đó là gần chục đối tượng đầu sỏ trong băng nhóm tội phạm (khoảng 100 tên) chuyên hoạt động theo kiểu xã hội đen tại địa bàn huyện Khoái Châu vừa bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bắt giữ, cùng với nhiều loại hung khí băng nhóm này chuyên sử dụng để làm ăn.
Một số tang vật thu được trong vụ án xã hội đen tại Khoái Châu
Cách làm ăn của băng nhóm xã hội đen này cũng không mới: Đó là thâu tóm địa bàn hoạt động, đòi các doanh nghiệp nộp tiền "bảo kê" hàng trăm triệu đồng cho chúng. Bên cạnh đó là các hoạt động phi pháp, manh động như tổ chức cá độ, đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản và đòi nợ thuê...
Sự yên ổn làm ăn của các doanh nghiệp, của người dân hóa ra không phụ thuộc vào luật pháp Nhà nước đã quy định, mà phụ thuộc rất lớn vào... luật rừng.
Điều đáng nói, là sự cầu cứu hay tố cáo của các doanh nghiệp ở địa bàn này gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện đã chỉ gặp sự im lặng là vàng- tiền bạc? Chả lẽ, chính quyền cơ sở huyện Khoái Châu, các ngành chức năng của huyện này, trở thành "cánh tay nối dài" cho băng đảng xã hội đen ngang nhiên quản lý?
Đến mức, nỗi nghi ngờ của người dân, của các doanh nghiệp ở Khoái Châu đã thành tít của một loạt các bài báo "Tội phạm "xã hội đen" lộng hành: Có hay không sự bảo kê? (VTV News, ngày 20/4), Thế lực nào bảo kê cho băng xã hội đen? (LĐ, ngày 23/4).
Còn người nông dân thì bất bình: Bức xúc nhất của người dân hiện nay là ai đứng đằng sau? Ai che chắn, ai bênh vực, ai bị nó khống chế, bịt mồm, dây dợ với nó để cho bọn nó hoạt động công khai?
Ai? Có lẽ chỉ chính quyền huyện Khoái Châu là có thể trả lời chính xác nhất cho người dân, cho dư luận xã hội những câu hỏi đáng hổ thẹn này.
Khi cái "bộ phim" xã hội đen ở Khoái Châu tạm thời... The End, là lúc hàng loạt câu hỏi cần mở ra.
Vì sao, nói như ông Hồ Sỹ Tiến, Đại tá, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an): Băng nhóm của "Tú khỉ" hoạt động công khai, trắng trợn như thế trong suốt một thời gian dài, người dân ở khu vực đấy rất bức xúc, mà chính quyền cơ sở không biết được?
Vì sao, Trưởng Công an xã Đông Ninh bị nhóm côn đồ chém, viết đơn tố cáo rồi lại phải viết đơn xin rút? Phải chăng, vì ông này một mình... không chống lại nổi mafia?
Vì sao, kết luận của Thanh tra tỉnh giao UBND huyện Khoái Châu xử lý những cán bộ sai phạm, huyện vẫn "ngâm" cả ba năm trời?
Anh em nhà Tsarnaev đánh bom khủng bố người Mỹ, nước Mỹ đã không còn nơi ẩn nấp. Tiếc thay, băng đảng xã hội đen như của "Tú khỉ" khủng bố tinh thần doanh nghiệp, người dân, lại có nơi trú ẩn? Mới đây lại xảy chuyện côn đồ hành hung người dân xã Đại Thắng (Tiên Lãng- Hải Phòng) xung quanh chuyện đất đai.
Chữ liêm sỉ ở đây, liệu chỉ cần được giáo dục bằng ...rút kinh nghiệm nội bộ, phê và tự phê như thường thấy. Hay cần có các biện pháp xử lý bằng luật pháp nghiêm khắc, mang tính răn đe?
Chợt nhớ bài thơ Đất nước những năm tháng thật buồn.
Như một tiếng kêu bi thương!
---------------
Tham khảo:
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/621304/79-can-bo-cong-chuc-co-thu-nhap-ngoai-luong-tpp.html
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/99943/xep-hang-tham-nhung--viet-nam-tut-11-bac.html
http://laodong.com.vn/Phap-luat/Bai-hoc-tu-Khoai-Chau-Sai-qua-lau-da-tro-thanh-dung/112714.bld




24/4/13

TƯỞNG NIỆM

TƯỞNG NIỆM

Trần Hồ Dũng

                             "In memory of fallen Soldiers in VN's War. THD "

  

Ơi những anh em còn sống sót

Sẻ chia nước mắt đắng cay này
Biết bao đồng đội không về nữa
Thây vùi trong đất Mẹ lạnh căm
Tên rồi cũng nát theo bia đá
Chỉ còn sương khói lạnh mồ hoang

Nhớ thương ngày cũ ! Ôi đồng đội
Rựơu rót đêm nay tưới mộ người !
Xin hãy về đây cùng uống cạn
Nỗi buồn thất trận , lạc quê hương
Cùng dòng máu đỏ , da vàng cả
mà sao thù hận cứ mang mang ?
Ôi những anh linh xưa bất khuất
Gối đầu trong đất , khóc quê nhà !


Nào những linh hồn đồng đội cũ

Hãy về đây uống cạn chén sầu
Đốt nén hương trầm, ta rót rượu
Rượu buồn như máu chiến trường xưa

THD- Washington- USA . 2012-2013

  


23/4/13

Mẹ & ngọn gió tháng Tư




Đất nước những ngày tháng Tư
Có người vui
Có người buồn
Có  người dửng dưng 
Có  người lặng im
nhìn vào khoảng không trước mặt

Chiến tranh đã đi qua lâu rồi
Có người vênh vang nói về chiến thắng
hả hê là người của bên "thắng cuộc "
Có người trầm ngâm nhớ về những năm tháng cũ
Khi mình   là  " bên  thua cuộc "
Có người khẳng định mình
Chẳng thuộc về bên thua hay thắng
Họ xếp mình vào " bên bỏ cuộc "
Cuộc sống còn nhiều thứ phải lo trước mắt
chẳng hơi đâu đào bới lại lịch sử

Đất nước những ngày tháng Tư
Có người vênh vang  reo mừng chiến thắng 
Có người  dửng dưng 
Có người yên lặng trầm ngâm

Có người mẹ già
 âm thầm
Cắm cây nhang nơi đầu ngõ
Khấn hương hồn đứa con
đã  chết trận
Không tìm được xác
Hãy nhớ lối tìm về
Có bát cơm trắng
Mẹ đợi  con   về
Đã mấy mươi năm 

Có ngọn gió tháng Tư
hắt hiu
thổi ngang qua
nỗi buồn của Mẹ

Tran hodung. Những ngày tháng Tư (1975-2013)