28/4/13

Nguyễn Mộng Giác - Thư Gởi Đám Mây Xa

Nguyễn Mộng Giác


 
Tối hôm đó, hai bà cháu lo viết thư gửi về Việt Nam. Ngoại dặn cháu:

- Hà nhớ viết thư cho rõ nghe. Chữ cháu viết xấu khó đọc lắm.

Thằng bé kinh ngạc hỏi:

- Ngoại xem vở của cháu hồi nào? Ngoại biết chữ rồi à?

- Ðâu có. Ngoại nghe má cháu bảo vậy. Ngoại từng này tuổi còn học gì nữa.

Thằng Hà thắc mắc:

- Tại sao hồi trước ngoại không đi học?

- Hồi trước chỉ có con trai đi học, con gái ở nhà lo chuyện bếp núc thêu thùa. Ngoại làm bánh cũng giỏi lắm. Cả vùng không có cô gái nào làm bánh giỏi và thêu đẹp bằng ngoại.

Bà cụ mơ màng nhớ lại thời còn trẻ. Thằng Hà hỏi:

- Ngoại buồn ngủ hở ngoại?

- Không. Ngoại nhớ hồi… nhưng thôi, lo viết thư đi.

Ðứa cháu không chịu được điều gì thiếu rõ ràng, nên thắc mắc:

- Nhớ hồi nào hở ngoại?

Ngoại mỉm cười, giọng run run vì xúc động:

- Hồi trước ngoại thật ngơ. Ông ngoại theo mai dong đến xem mắt mà ngoại có biết gì đâu. Lúc đó ngoại đang chơi ô làng. Nghe bà cố gọi vào pha nước mời khách, ngoại bọc đống hột me bằng vạt áo trước, để hở cả rún. Bưng nước lên mời khách mà tay vẫn cứ khư khư giữ túi hột me. Không ngờ do thế mà được ông ngoại khen là da dẻ trắng trẻo.

Thằng Hà cười thích thú. Nó không thể tưởng tượng ra cảnh bà ngoại ham chơi ô làng đến nỗi giơ rún cho ông ngoại ngắm. Nó cười đến chảy nước mắt. Ngoại gắt:

- Cười cái gì? Hồi nhỏ ai chẳng thế. Thôi lo viết đi.

Hà nín cười nhưng cây viết trên tay cứ run run. Nó hoãn binh bằng cách vuốt lại tờ giấy, vặn cho tim đèn dầu hỏa cao lên một chút. Nó sơ ý làm cho dầu dính lên một góc giấy viết thư. Sợ ngoại la, nó lấy tay che vết dầu bẩn lại. Hà hỏi:

- Viết gì hở ngoại?

Ngoại đằng hắng rồi nói:

- Viết dặn má mày đêm nào cũng nhớ thắp hương trên bàn thờ ông ngoại.

Thằng Hà ngớ ra, lo âu hỏi:

- Viết cách sao ngoại?

Ngoại bực:

- Thì viết dặn má nhớ thắp hương.

- Nhưng đầu tiên phải viết cái gì đã chứ. Chưa gì đã nói chuyện thắp hương, đâu có ra lá thư.

Ngoại gật gù bảo cháu:

- Ờ phải. Cháu liệu viết vài dòng cho ra lá thư. Hà học lớp sáu, biết cách viết thư rồi.

Hà không dám thú nhận bài luận viết thư của mình bị cô giáo đọc cho cả lớp cười giải lao. Thú nhận như vậy mất mặt quá. Cho nên Hà lặng lẽ viết mấy hàng mở đầu:

Thư của ngoại – và của con – gửi má.

Ngoại và con đến đảo Kuku hôm 5-12-82. Ði biển gặp sóng lớn dữ quá, má à. Con bị ói, ngoại cũng bị ói. Chắc má lo cho ngoại dữ lắm. Bữa đó con cũng sợ dữ lắm. Ngoại vừa dặn: Qua bên đó rán học giỏi và nghe lời cậu Liễn, thôi ngoại về, thì súng nổ dễ tè. Ngoại sợ con bị đạn lạc ôm cứng lấy con. Mấy chú trên ghe hối thúc dữ lắm, hai bà cháu mới leo lên được. Ra ngoài xa ngoại mới nhớ phải về, kêu mấy chú cho xuống…

Bà ngoại thấy cháu viết một mạch không thèm hỏi ý kiến mình, đâm lo, vỗ vai cháu hỏi:

- Cháu viết gì nhiều vậy?

Hà hãnh diện đáp:

- Ðầu tiên cháu kể lại hôm mình lên ghe cho nhà biết. Cho má đỡ lo chứ ngoại.

- Cháu kể được à?

- Ðược chứ ngoại. Ðể cháu đọc cho bà nghe.

Hà bắt đầu đọc. Càng đọc, nó càng thấy mình viết dữ quá dữ lắm đến thừa thãi. Còn hai chữ dễ tè học được của tụi bạn bụi đời ở Sở Thú thì Hà rất khoái nhưng má lại rất ghét. Nhưng lỡ viết rồi, làm sao đây? Ngoại gật gù khen cháu viết ngắn gọn mà đầy đủ. Phải. Chưa chi đã căn dặn thắp hương. Má thằng Hà đang lo không biết mình lạc đi đâu, chết sống thế nào sau khi bãi bị vỡ, một số bị bắt, không nói ngay cho con yên lòng, đã dặn chuyện cúng tế. Tuổi nhỏ thời nay thông minh thật. Hà hỏi:

- Con viết chuyện thắp hương được chưa ngoại?

Bà cụ hoàn toàn tin tưởng sức cháu, mau mắn đáp:

- Ðược. Cháu liệu viết sao cho má cháu nhớ. Ngoại sợ má cháu đi làm về lo đủ thứ chuyện mệt quá, quên đi.

Hà lại tự tin, nó viết:

Ngoại và con qua đây nhớ nhà dữ lắm…

Hà giật mình ngưng lại. Lại dữ lắm. Nó xóa hai chữ thừa thãi đi, suy nghĩ một lúc, rồi viết thêm hai chữ ghê lắm. Bà ngoại thấy Hà khựng lại, tưởng cháu quên, nhắc nhở:

- Cháu viết đi. Dặn má dù mệt cũng nhớ…

- Con nhớ mà ngoại.

Rồi Hà nói dối lấy oai:

- Con suy nghĩ xem nên viết thế nào cho má nhớ lâu.

Thằng bé gặm cán bút một lúc cho đúng với lời nói dối, mặt đăm chiêu. Ngoại yên lặng kính trọng phút suy tư thâm trầm của cháu. Một lúc sau, Hà viết tiếp:

Thật tức cười. Ngoại vừa kể con nghe chuyện hồi nhỏ vì ham chơi ngoại lỡ để cho ông xem rún. Ngoại có kể chuyện đó cho má nghe chưa? Ngoại cứ lo ở nhà má nấu ăn xong, mệt ngủ vùi, quên thắp hương trên bàn thờ ông ngoại. Nhớ thắp hương nha má!…

Sau khi chấm dấu than theo đúng lời dạy cô giáo dạy văn, Hà ngừng lại. Nó đắc chí hỏi:

- Con đọc lại cho ngoại nghe nha?

Ngoại lắc đầu:

- Khỏi cần. Viết nhanh kẻo đèn hết dầu. Con nhắc má mỗi lần thắp hương nhớ khấn ông ngoại rằng bà ngoại đã qua đây rồi, ông ngoại không nên lo quá. Khấn thêm rằng hồn ông có thiêng thì xin theo ngoại cho ngoại dễ hương khói. Bên đó xa quá, ngoại muốn nói gì với ông cũng không nói tới được.

Thằng Hà thấy ý của bà hay thật. Ừ nhỉ. Sao ông không theo bà để má nó nếu có quên thắp hương cũng không đến nỗi mang lỗi nặng. Mỗi lần Hà ham ra bờ biển câu cá lượm vỏ ốc, bà ngoại có người để tâm sự, khỏi phải thấp thỏm đi vô đi ra. Nó hỏi:

- Ông qua đây được hở ngoại? Ði cách nào cho đỡ nguy hiểm, chứ như chuyến hai bà cháu mình, ghê quá.

Ngoại trầm ngâm nghĩ đến lúc có thể thắp hương tâm sự thỏa thuê với vong hồn ông, không nghe được câu hỏi của Hà. Thằng bé hiểu được tâm trạng của ngoại.

Nó cúi xuống viết:

Ngoại thường cầu khẩn nếu ông có thiêng xin qua đây cùng ngoại. Tội lắm nha má. Ngoại lên chùa cầu Phật, chưa yên lòng, ngoại còn bảo con qua bên nhà thờ cầu thêm Chúa. Con được ăn bánh thánh rồi. Bánh họ cho ít đường quá má à. Lại nhỏ xíu.

Hà vừa viết xong, ngoại đã nhắc:

- Cháu viết nhắc má nhớ cho gà uống nước. Cái chuồng heo hướng bắc bị gió, nhớ mua tấm tôn cũ dưới đường Bạch Ðằng về che lại. Heo bị cảm gió dễ chết lắm, mà má mày thì đổ biết bao nhiêu tiền mua cám với xác mì rồi.

Hà nhận thấy ngoại dặn như thế là thừa. Việc cho gà uống nước, má đã giao khoán cho em Ri. Còn chuyện nuôi heo, chính vì má đã đổ quá nhiều tiền mua cám nên bà khỏi nhắc, má cũng đã lo rồi. Vả lại, khi thư về đến Việt Nam, biết đâu má túng tiền đã kêu người tới bán heo non. Biết không thể tranh luận với ngoại được, Hà viết:

Trong hai bọc lương thực họ phát cho con với ngoại ăn năm ngày, chỉ có hai gói đường thôi. Cà phê cũng có nhưng ngoại cấm con không được uống. Ngoại để dành đem đổi cá về nấu canh. Ðồ hộp được bốn lon. Con khoái ca ry thịt gà hơn ba tê heo, tuy hộp ba tê lớn hơn hộp kỳ trước má mua về ăn bánh mì. Hơn tháng nay ăn ba tê hoài con ớn quá.

Thằng Hà liếc nhìn ngoại, sợ ngoại khám phá sự tự chuyên của nó. Cách nhìn của ngoại có vẻ ngờ vực thật. Ngoại hỏi:

- Con đã nhắc má mua tôn ở đường Bạch Ðằng chưa? Mua ở Bạch Ðằng rẻ hơn bên bến Chương Dương. Năm ngoái ngoại có đi với cậu Liễn, hồi cậu chưa đi Mỹ đó, hỏi giá hai chỗ thấy cách nhau cả trăm bạc.

Hà vội đáp để giấu lỗi:

- Con chép đủ lời ngoại dặn rồi.

Nói xong nó lấy bạo tố thêm:

- Con đọc cho ngoại nghe nha.

Bà nó lắc đầu như dự đoán của Hà. Hú vía.

Phần bà cụ, cũng nhận ra mình sơ ý. Ai đời lo cho heo gà, cho người đã khuất, mà không lo gì đến con gái mình. Mà bà cụ biết lắm, con gái bà đang mất ăn mất ngủ vì chưa biết tin tức sức khỏe con trai cưng ra sao. Ngoại liền bảo Hà:

- Thôi bây giờ nói tới chuyện cháu đi. Cho má biết tin cháu vẫn khỏe, có hơi mập thêm chút ít. Hôm qua trên bệnh viện, cháu cân tăng được một ký rưỡi phải không?

Hà vui mừng vì chờ đợi mãi, nhường ưu tiên cho ông ngoại, cho heo gà mãi, bây giờ mới đến lượt mình.

Phải gò phần này cho kỹ mới được. Sau khi suy nghĩ chín chắn nó viết:

Phần con vẫn khỏe. Hàng ngày con đi câu cá. Ở đây cá biển nhiều lắm nha má. Cá để nấu canh nhiều, mà cá vàng để chơi cũng nhiều. Hôm qua con bắt được ba chú cá đủ màu sắc tím xanh vàng đỏ. Vây dài và rộng tỏa theo hình rẽ quạt. Con còn đi lượm củi cho ngoại nấu cơm và ngày mai bắt đầu học Anh văn. Con lên được – Hà do dự một chút rồi mím môi viết – ba ký rưỡi. Má hết gọi con là Hà Ròm chưa?

Ngoại nghiêng đầu nheo mắt ngắm đứa cháu ngoan đang viết thư. Cách lập nghiêm của Hà giống y cách phụng phịu của má Hà, lúc má Hà còn là cô bé dễ thương thường làm nũng với mẹ. Ngoại cảm thấy bồi hồi, lòng lâng lâng buồn. Thời gian qua mau, thoáng một cái ngoại đã già, rồi tử biệt sinh ly, rồi nụ cười trẻ thơ héo dần cho nước mắt rỏ xuống. Bao nhiêu đổi thay ngoại từng chứng kiến, cho đến lúc hai bà cháu lưu lạc đến chốn hoang đảo này.

Ngoại đang nghĩ ngợi đủ thứ chuyện, chợt nhớ đến chuyện bên nhà, giật mình bảo cháu:

- Hà viết xong chưa? Cháu phải viết ngay, kẻo quên thì mang tiếng với người ta chết. Cháu viết cho má biết là hôm đi, ngoại còn nợ của bà Tư sét hai đồng bạc đường, và một đồng bạc ớt. Ngoài chợ thì thím Năm Cần bán rau chưa thối cho ngoại ba đồng. Hôm đó ngoại mua bảy đồng bầu với chuối, ngoại đưa mười đồng thím Năm không có tiền lẻ thối. Ngoại còn mượn của dì Bảy cái dao têm trầu chưa kịp trả. Ngoại tưởng xuống đưa cháu đi xong rồi về, ai ngờ…

Thằng Hà liền hỏi:

- Sao hôm đó ba má cháu không đưa cháu đi, hở bà?

Bà cụ nhìn quanh, thấp giọng đáp:

- Ba cháu đi học tập về chưa được trả quyền công dân đâu có đi được. Má cháu làm công nhân viên mới có thể mua gạo rẻ cho cả nhà. Ðưa cháu đi, lỡ chẳng may…

Hà thấy thương má và nhớ em Ri, buồn rầu hỏi:

- Vậy cho cháu đi làm gì? Bà ơi, cháu nhớ ba má với em Ri quá.

Ngoại xoa đầu an ủi cháu:

- Cháu là con trai phải can đảm và biết điều. Lý lịch cháu xấu, làm sao học cho được. Cháu qua với cậu Liễn nếu chăm có thể thành ông này ông nọ. Ba má và bà hy vọng ở cháu nhiều lắm. Vả lại Trời Phật xui khiến thế nào mà cuối cùng cháu có bà theo hầu hạ. Còn đòi gì nữa nào? Thôi, cháu viết tiếp đi.

- Viết gì hở ngoại?

Bà cụ ngớ ra, quên mất điều vừa dặn. Một lúc sau, cụ mới nhớ:

- Ngoại già lú lẫn mất rồi. Chỉ có bao nhiêu mà cũng quên lên quên xuống. Nhắc má ngoại nợ bà Tư Sét hai đồng đường nè, một đồng ớt nè, mượn của thím Năm con dao têm trầu chưa trả nè, bà Năm Cần chưa thối cho ngoại ba đồng nè…

Thằng Hà thấy nợ nần ngoại còn dây dưa ở Việt Nam không đáng bao nhiêu, trong khi nó chợt nhớ nợ nần ơn nghĩa của nó quá lớn. Hà vội viết vào thư:

Ngoại nhắn má trả nợ cho bà Tư Sét ba đồng, trả thím Năm cái dao và đòi bà Năm Cần ba đồng rau chưa thối. Em Ri, thằng Châu con ông Nhật Trường mượn của anh cuốn Tên Xì Trum Thứ 101 và Tintin Ở Xứ Vàng Ðen đã đem trả chưa? Em qua đòi và nhớ lật kỹ xem có thiếu tờ nào không. Sách vàng và báo Tuổi Xanh của anh, em cứ xem nhưng không được xáo lộn xộn và cho bạn bè mượn bừa bãi. Anh thấy tụi nhóc con gái ít quí sách vở. Mấy cái xe hơi nhựa em nên giữ cẩn thận, chơi xong bỏ vào hộp kẻo vô ý bể hết. Cái cặp da của anh em cứ dùng nhưng rán đừng để cho trầy uổng lắm. Tụi bồ ruột của anh như thằng Huy con bà bác sĩ Liên Hương, thằng Hà con ông cán bộ đài truyền hình, thằng hề Bảo Quốc có đến hỏi anh không? Trên trường có xôn xao bàn tán sau khi anh đi không? Ðã thi học kỳ một chưa? Nếu thi, thi xong môn nào rồi? Thầy Anh văn nghe anh đi chắc tiếc lắm lắm lắm…

Hà dừng lại, thỏa mãn dễ tè vì ba chữ Lắm cuối cùng. Ngoại ngạc nhiên, không hiểu cháu viết thứ gì mà nhiều quá, viết xong lại cười hoài, nên hỏi:

- Cháu viết xong chưa? Ngoại chỉ nợ có hai chỗ thôi mà.

Hà đỏ mặt nói dối:

- Con dặn đi dặn lại cho má khỏi quên.

Ngoại nửa tin nửa ngờ nhưng không lâu, vì bà cụ chợt nhớ tới con dao têm trầu:

- Qua đây ngoại thèm trầu quá đi mất. Không biết bên Mỹ có bán trầu không Hà?

Hà đáp liền:

- Có chứ ngoại. Con nghe dì thằng Thắng bảo có đủ cả. Nào chao, tương, nước mắm, tiêu tỏi ớt, trầu cau. Cần thứ gì có thứ nấy. Ở khu vực nhiều người Việt chỉ ra ngõ là mua đủ. Ở xa phải đi xe hơi. Nhiều người thèm bún bò lái xe cả trăm cây số ăn một tô bún rồi về.

Ngoại đâm lo:

- Phiền nhỉ. Ngoại không chịu được mùi xăng. Ði xe hơi lần nào ngoại cũng muốn nôn mửa. Qua Galang, mình đi Mỹ bằng gì hở cháu?

Hà đáp theo ước vọng chứ không phải vì thành thạo:

- Phải đi bằng máy bay chứ ngoại. Vù một cái là tới.

Giọng của ngoại thêm lo lắng:

- Có bao giờ máy bay rơi không cháu?

Hà nghĩ tới cái thú được nhảy dù, vui vẻ đáp:

- Có chứ. Rơi là thường.

Thấy ngoại quá lo, nó thú vị một cách trẻ con, thêm vào:

- Cháu nghe nói bị rớt máy bay nếu không kịp mang dù sẽ bị tan xác ra thành cám. Không còn nhận được ai ra ai hết. Mỗi người thu lại không đủ một trăm gam. Sách có nói thế.

Ngoại thì thào:

- Không đủ trăm gam. Ghê quá. Qua đó, cháu viết thêm lá thư đi Mỹ, bảo cậu Liễn đem xe qua đón bà.

Rồi muốn quên ngay ám ảnh đó, ngoại nói:

- Còn giấy không? Nửa trang thôi à? Cháu viết thêm hẹn má qua đến Galang sẽ chụp ảnh màu gửi về. Ngoại gặp cậu Liễn sẽ kể rõ tình cảnh má để cậu tìm cách giúp đỡ. Mấy loại thuốc và vải má dặn con nói với cậu, bà cũng nhớ. Cậu Liễn sẽ gửi về đều.

Thằng Hà xịu mặt. Nó thấy tự ái gia đình bị va chạm. Nó nhớ ba nó thất nghiệp nhưng thích âm thầm chịu đựng cảnh thiếu thốn hơn là lên tiếng nhờ vả. Một lần cậu Liễn gửi quà về cho ngoại, ngoại thương má khổ đem chia bớt cho má một nửa. Má mừng, đem vải đen Isofi và mấy lọ thuốc Tylenol ra khoe với ba. Ba không vui, sau đó ba má dẫn nhau ra sân trước rì rầm gì đó thật lâu. Lúc trở vào, nét mặt ba dàu dàu, còn mắt má thì đỏ hoe.

Từ đó về sau, mỗi lần ngoại hớn hở mang quà cậu Liễn xuống, má đón ngoại từ cổng và dẫn theo lối sau vào nhà bếp. Hôm Hà sắp đi, má cũng chờ ba đi vắng mới đem tờ giấy ghi tên loại vải và thuốc tây được giá tại Sài Gòn ra bắt Hà học thuộc để nói lại với cậu Liễn. Tuy thương má vô cùng, mỗi lần thấy má bần thần rầu rĩ vì túng thiếu, Hà muốn ôm má để an ủi, nhưng tận thâm tâm, Hà thích cách suy nghĩ của ba hơn. Không hiểu rõ người lớn, nhưng Hà lờ mờ cảm thấy trong lối chịu đựng của ba, có cái gì dũng cảm đáng kính. Vì thế Hà viết vào cuối thư:

Hiện ngoại và con chưa biết lúc nào mới qua Galang. Qua đó con sẽ chụp hình màu gửi về cho má ngay. Con sẽ cười thật tươi để má và em Ri thấy con vui và khỏe biết chừng nào. Ngoại nhắn má nên yên tâm. Tàu chở hai bà cháu đi Galang lớn lắm, không dễ đắm như cái ghe con nhỏ xíu dưới Bặc Liêu. Phần em Ri anh chúc em học giỏi. À quên, em sang đây thì mặc sức mà nhặt bao ni lông nộp cho đội. Anh thấy họ vứt bao ni lông khắp nơi, cái nào cũng còn trong veo và thật dày liền nghĩ lại cảnh em phải đi góp từng cái bao ni lông hôi rình mỏng dính để làm kế hoạch nhỏ mà tiếc. Qua Mỹ anh sẽ mua đồ chơi bằng thiếc gửi về cho em. Hẹn ngày gặp em trở lại, anh sẽ dẫn Ri đi mua mía và ổi hư vào Sở thú cho voi và khỉ ăn. Ri có nhớ hôm anh suýt bị chú khỉ níu tóc, còn em bị con voi già phun nước ướt cả quần áo hay không?

Ký tên: Hà và bà ngoại.

Hai bà cháu viết xong thư thì đêm đã khuya. Hà hãnh diện được ký tên như một tổng thống ký vào lời hiệu triệu quốc dân. Hà còn đề nghị bà ngoại điểm chỉ vào cạnh chữ ký của mình, nhưng ngoại bảo không cần. Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao trong thư Hà không nhắc gì đến ba cả. Hà vẫn nhớ ba, thương ba, phục ba. Nhưng trước khi đi, má dặn nếu có viết thư, đừng nhắc gì đến ba hết. Sợ công an kiểm duyệt thư đọc được, sẽ bắt ba đi học tập trở lại. Má bảo thế.

Nguyễn Mộng Giác
28/4/2013
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét