Tổng Thống Mỹ Eisenhower và Bộ trưởng Ngoại Giao John Foster Dulles đón Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở Washington National Airport ngày 8 tháng 5, 1957
Hơn nửa thế kỷ trước, nước Mỹ, từ Bạch ốc, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Quốc hội, nhất là giới truyền thông, và Đại sứ quán Mỹ cũng như CIA ở Sàigòn, đã giúp để ông Ngô Đình Diệm trở thành “Kỳ nhân” (Miracle Man). Rồi chỉ mấy năm sau, cũng chính những người Mỹ tại Bạch ốc, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng, Quốc hội và nhất là báo chí, cũng như Đại sứ quán Mỹ và CIA ở Sàigòn, đã đẩy ông Diệm tới chỗ chết thảm.
Chuyện gì đã xẩy ra, khiến kỳ nhân bị thảm sát?
Đã có nhiều sách vở báo chí nói về sự thành bại của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng ngày càng có thêm nhiều tài liệu mới được giải mật, nhờ đó, nhiều sự việc trở thành rõ ràng hơn. Nhân kỷ niệm 50 năm biến cố 1-11-1963, một lần nữa, thử nhìn lại những diễn tiến đã khiến Tổng thống Ngô Đình Diệm đi từ thành công tuyệt đỉnh tới thất bại thảm khốc.
Chuyển bại thành thắng
Mặc dầu có dư luận khá phổ biến cho rằng Ông Diệm là bù nhìn của Mỹ, nhưng nhiều tài liệu đã chứng minh ông Diệm không do Mỹ mang về. Chính Vua Bảo Đại đã đóng vai chủ động trong việc trao quyền cho ông, với sự miễn cưỡng chấp thuận của Pháp, và Hoa Kỳ không chống đối.
Ông Diệm ghét Pháp, Đại sứ Mỹ Donald Heath lần đầu tiên gặp đã mô tả ông có thái độ ghét Pháp tới mức bệnh hoạn, nên Pháp ghét ông Diệm, không muốn cho ông làm thủ tướng, là điều dễ hiểu. Mùa Hè 1954, Pháp vẫn ghét ông Diệm. Thủ tướng Pháp Pierre Mendes-France tuyên bố: Quyết định của Hoàng Đế Bảo Đại chọn ông Diệm là điều bất hạnh nhất. Nhưng sắp thua Điện Biên Phủ, Pháp miễn cưỡng buông xuôi theo ý muốn của Bảo Đại. Vua Bảo Đại mời ông Diệm, vì thấy Pháp đã hết thời, và hy vọng ông Diệm sẽ được Mỹ ủng hộ để cứu Việt Nam. Trong khi ấy, Mỹ không chống đối, và cũng không có lý do để chống đối, vì Pháp vẫn còn vai trò quan trọng ở Việt Nam. Cá nhân tổng thống Eisenhower, và hai anh em ông Dulles, một người là Ngoại trưởng, một người là Giám đốc CIA, muốn ủng hộ ông Diệm ngay sau khi ông cầm quyền. Nhưng nói chung, Mỹ chưa quyết định tích cực ủng hộ ông Diệm, chưa quyết định có muốn thay thế Pháp ở Đông Dương không. Nhận xét đầu tiên của Đại sứ Mỹ ở Saigòn là ông Diệm không thể thu hút quần chúng, không có bạn, và thiếu hành động cương quyết.
Trong tình trạng chưa quyết định như vậy, Ngoại trưởng Foster Dulles đã đề nghị với Tổng thống Eisenhower gửi một tướng lãnh cao cấp tới Sàigòn, như là đại diện cho cá nhân tổng thống, một nhân vật uy tín với quyền hành rộng rãi, có đủ khả năng nhận định tình hình tại chỗ, để giúp Washington quyết định thái độ. Tổng thống Eisenhower đã cử một danh tướng của Đệ Nhị Thế chiến là Joseph Lawton Collins, có hỗn danh “Joe Thiên Lôi” (Lightning Joe). Nhiệm kỳ của Tướng Collins được định sẽ kéo dài từ 60 đến 90 ngày, mang danh “Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại VN”, ngang hàng Đại sứ. Vào lúc Tướng Collins lên đường đi Sài Gòn, Ngoại trưởng Dulles nói với ông rằng cơ may để Mỹ thành công ở Nam Việt Nam là một trên mười.
Tướng Joseph Lawton Collins
Tư lệnh Pháp ở Việt Nam là Tướng Paul Ely đã gặp Tướng Collins trước khi ông này gặp Thủ tướng Diệm. Cùng là dân nhà binh dễ hiểu nhau, Tướng Collins đã mau chóng thân với Tướng Ely hơn là có cảm tình với ông Diệm. Bất đồng đầu tiên là Thủ tướng Diệm muốn loại Tướng Hinh, trong khi Tướng Collins cho rằng ông Hinh là một tướng lãnh có khả năng. Kế đến, hai tướng Collins và Ely thỏa thuận với nhau về kế hoạch cải tổ quân đội quốc gia VN, mà không tham khảo ý kiến ông Diệm. Tiếp theo, hai ông tướng gặp nhau tại Phủ Toàn quyền, thảo luận về hệ thống giáo dục VN, mà phía VN không được mời tham dự. Ely còn đề nghị tiếng Pháp và văn hóa Pháp cần được bảo tồn trong nền giáo dục VN, và được Collins đồng ý, để dân VN gần gũi Tây phương, hầu khỏi bị cộng sản mua chuộc.
Sau một tháng ở VN, Tướng Collins kết luận Thủ tướng Diệm là trở ngại chính cho việc tạo dựng một chính quyền vững vàng, vì ông Diệm không chịu mở rộng chính phủ cho các giáo phái và phe nhóm chính trị khác tham dự. Tướng Collins chủ trương ông Diệm phải mời tham gia chính phủ các lãnh tụ mạnh như Bác sĩ Phan Huy Quát. Theo ông Collins, BS. Quát là người có khả năng nhất tại Sàigòn. Vì ông Diệm không chịu mời ông Quát, ông Collins đề nghị thay ông Diệm bằng ông Quát.
Tháng 1, 1955, Tướng Collins trở lại Wasington báo cáo tình hình. Ông vẫn giữ quan điểm cần phải thay ông Diệm. Ngoại trưởng Dulles đề nghị Tướng Collins trở thành đại sứ thường trực tại Sàigòn, nhưng ông từ chối, chỉ đồng ý ở lại thêm 60 ngày.
Tháng 3, 1955, ông Diệm quyết định đóng cửa các sòng bạc và nhà điếm ở Sàigòn Chợ Lớn do Bình Xuyên khai thác, và chấm dứt trợ cấp các nhóm giáo phái võ trang. Tướng Ely vận động ông Diệm đừng làm như vậy, nhưng không được. Các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo cùng với Bình Xuyên lập ra “Mặt trận Thống nhất” để tranh đấu với ông Diệm. Ngày 21 tháng 3, Mặt trận gửi tối hậu thư, yêu cầu ông Diệm cải tổ chính phủ trong vòng năm này. Chẳng những không chịu, ông Diệm còn lấy lại ngành cảnh sát Bảo Đại đã trao cho Bình Xuyên từ trước. Đêm 29 rạng 30 tháng 3, Quân Bình Xuyên tấn công bộ Tổng tham mưu. Vụ nổ súng kéo dài 3 giờ. Tướng Ely vừa dàn chiến xa và quân Pháp cản trở quân chính phủ đánh lại Bình Xuyên, vừa dàn xếp để hai bên tạm thời ngừng bắn. Vua Bảo Đại đánh điện về yêu cầu ông Diệm từ chức.
Tướng Collins về phe với Bảo Đại, vì theo ông, dù thắng Bình Xuyên, ông Diệm đã làm suy yếu hàng ngũ chống cộng. Do đó, thay ông Diệm bằng BS. Quát là điều tốt nhất, và nếu vì lý do nào đó ông Quát không thể làm thủ tướng, thì nên mời ông Trần Văn Đỗ. Ông Collins còn dự trù, trong trường hợp cả ông Quát và Đỗ đều không thể thay ông Diệm, thì Quốc trưởng Bảo Đại cần về nước để trực tiếp lãnh đạo chính phủ. Tóm lại, dù cách nào, cũng tốt hơn để ông Diệm ở chức thủ tướng.
Trước khi trả lời điện văn của Tướng Collins, Ngoại trưởng Dulles hỏi ý kiến Nghị sĩ Mansfield. Ông này nói rằng: Nếu ông Diệm ra đi hoặc bị lật đổ, sẽ có thể đưa đến nội chiến, và Hồ Chí Minh dễ dàng lấy miền Nam. Ngoại trưởng Dulles đánh điện cho Tướng Collins nói không nên thay ông Diệm. Cùng thời gian này, tuần báo TIME của Henry Luce đăng hình ông Diệm ngoài bìa báo, số phát hành ngày 4-4-55, cùng với bài báo hết lời ca tụng ông Diệm. Dulles cũng yêu cầu Tướng Collins gặp Tướng Ely để báo cho Pháp biết lập trưởng của Mỹ đối với ông Diệm. Ely nói với Collins là nếu duy trì ông Diệm, “chúng ta sẽ giữ lại cho Việt Nam một thủ tướng tệ nhất từ xưa tới nay”. Vẫn theo Ely, “vì quyền lợi của Việt Nam và thế giới tự do, không nên duy trì ông Diệm”.
Đêm 7-4, Tướng Collins đánh điện cho Ngoại trưởng Dulles: “Diệm không có khả năng tạo đoàn kết cần thiết để lập một chính phủ có sức chống lại cộng sản tại Nam VN”. Collins không úp mở: “Tôi tin là Trần Văn Đỗ hay Bác Sĩ Quát có thể thành lập được và đứng đầu một chính phủ như vậy”.
Trong khi Tổng thống Eisenhower có vẻ ngả theo đại diện của ông là Tướng Collins ở Sàigòn, Ngoại trưởng Dulles lại hỏi ý kiến Nghị sĩ Mansfield. Ông này nói: “Chỉ có hai lãnh tụ tại Việt Nam là Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh, loại bỏ Diệm là dành ưu thế cho Hồ”. Collins nói rằng không thể so sánh hậu thuẫn của Diệm với Hồ, nên vẫn chủ trương: “Thuyết phục Diệm từ chức, nếu ông ta từ chối, để Bảo Đại giải nhiệm ông ta”. Collins còn đề nghị: “Nếu ông ta không thuận từ chức, Tòa Đại sứ có thể thảo sẵn cho ông ta lời tuyên bố”.
Đến ngày 11 tháng 4, sau khi thảo luận với Tổng thống Eisenhower, Ngoại trưởng Dulles cũng đành đồng ý thay đổi ông Diệm. Nhưng muốn có một giai đoạn chuyển tiếp, bớt dần quyến hành trong tay ông Diệm trao cho ông Quát hoặc Đỗ. Trong khi ấy, Collins vẫn muốn phải thay ngay ông Diệm, vì chiến tranh giữa ông ta và Bình Xuyên có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Bất đồng ý kiến giữa Ngoại trưởng Dulles ở Washington và đại diện Mỹ tại Sàigòn là Tướng Collins khiến Tổng thống Eisenhower khó xử. Dulles đề nghị mời Collins về Mỹ để trực tiếp trình bầy về các lý do cần thay ngay ông Diệm. Trong cuộc gặp gỡ trước khi rời Sàigòn, Collins đã đề nghị ông Diệm mở rộng chính phủ với sự tham dự của một số tên tuổi, ông Diệm cương quyết từ chối tất cả. Collins đi đến kết luận: “Tôi thấy không, nhắc lại làkhông có giải pháp nào khác hơn là thay thế ông Diệm”
Tướng Collins có vẻ thắng thế khi được Tổng thống Eisenhower mời ăn trưa tại Bạch Ốc. Nhân dịp này, Collins đã nói thẳng với Tổng thống: Tình hình tại Sàigòn cho thấy việc tiếp tục chính quyền hiện tại dưới quyền của Diệm là điều không thể ủng hộ được. Collins kết luận: “…cha này không thể được” (this fellow is impossible). Khi Tổng thống Eisenhower hỏi về một kế hoạch có thể cứu được Nam VN khỏi hỗn loạn và cộng sản, Collins trả lời chỉ có một kế hoặch khả dĩ thực hiện được là đưa Quát lên cầm quyền…, “Quát là người tốt nhất trong tình thế hiện nay”. Tuy nhiên, Tổng thống Eisenhower vẫn không tự mình định đoạt. Ông yêu cầu Collins trình bầy ý kiến với bên Quốc Hội, và đợi Ngoại trưởng Dulles nghỉ hè trở về.
Từ Canada trở về, thảo luận với Collins trong một bữa ăn trưa, Ngoại trưởng Dulles đồng ý vói Tướng Collins về việc thay thế Thủ tướng Diệm. Sau đó, Dulles, Collins và các phụ tá thảo 2 điện văn gửi Paris và Sàigòn, để thông báo cho ông Diệm biết việc thay thế ông đã không thể tránh được, vì ông đã không lập được một chính phủ có căn bản rộng rãi. Điện văn cũng nói rõ các ông Phan Huy Quát và Trần Văn Đỗ là tân thủ tướng, và người kế nhiệm. Tướng Collins còn thêm vào điện văn: “Nếu Diệm từ chối, chương trình vẫn cứ tiến hành”.
Trong khi ấy, trận chiến giữa Bình Xuyên và quân chính phủ bùng nổ ngày 28 tháng 4, 1955. Khi Bình Xuyên bắt đầu nã súng cối vào dinh Độc lập, ông Diệm gọi điện thoại báo cho Tướng Ely biết là Bình Xuyên đã phá vỡ cuộc hưu chiến, và tức khắc ra lệnh phản công.
Washington nhận được hai nguồn tin khác nhau: Tin do các viên chức cao cấp từ Tòa Đại sứ Mỹ ở Sàigòn (Tướng Collins còn đang trên đường từ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam) cho biết tình trạng yếu kém của binh sĩ chính phủ chống lại quân Bình Xuyên. Nguồn tin khác trái ngược từ điện văn của Lansdale, nhờ xông xáo khắp nơi và quan sát trận chiến trên đường phố, cho biết mặc dầu bị quân Pháp gây trở ngại, quân chính phủ chiến đấu hăng hái và đang trên đà thắng thế. Đến nỗi, Washington đã phải yêu cầu Lansdale: Nếu ông Diệm vẫn còn sống, vẫn là Thủ tướng và đang được quân đội ủng hộ, thì phải nhờ các viên chức cao cấp Hoa Kỳ xác nhận.
Khi biết được tình hình khả quan nhờ điện tín của Lansdale, Ngoại trưởng Dulles cấp tốc ra lệnh tiêu hủy điện văn bỏ rơi ông Diệm, “cho đến khi có chỉ thị mới”.
Sau đó, tin tức cuộc chiến Sàigòn được loan báo ở Washington cùng với những lời tuyên bố của các nhà lập pháp Hoa Kỳ ủng hộ ông Diệm. Nghị sĩ Hubert Humphrey: “Thủ tướng Diệm là hy vọng tốt nhất của chúng ta tại Việt Nam”. Trưởng khối đa số tại Thượng Viện Lyndon Johnson so sánh: “Thủ tướng Diệm là Churchill của Việt Nam”. Có dân biểu trong Ủy Ban Ngoại giao Hạ Viện đòi thay thế Collins. Nghị sĩ Mansfield có cuộc nói truyện ủng hộ ông Diệm định trước vào ngày 2 tháng 5, nhưng vì chiến sự Sàigòn, đã công bố trước bài nói vào ngày 29 tháng 4, trong đó đề nghị sẽ chấm dứt mọi viện trợ cho Việt Nam, ngoại trừ các khoản có tính cách nhân đạo, nếu ông Diệm bị lật đổ.
Tướng Collins trở lại Sàigòn ngày 2 tháng 5. Điện văn của Ngoại trưởng Dulles đã đợi ông ở tòa Đại sứ, nói rằng các biến cố tại Sàigòn mấy ngày qua đã khiến tình hình Việt Nam thay đổi nhiều, và: “Đối với Hoa Kỳ và thế giới nói chung, ông Diệm dù đúng hay sai, cũng đã trở thành biểu tượng của người quốc gia chống lại các phần tử tham nhũng và lạc hậu”.
Kết quả, người ra đi không phải ông Diệm. Đại sứ Frederick Reinhardt thay Tướng Collins. Ngoại trưởng Dulles chỉ thị cho tân đại sứ đến VN là để giúp đỡ, không phải để chỉ trích: “Ông sẽ tiếp tục cung ứng cho chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm một cách toàn diện, trung thành, và thật tâm”, và “Ông sẽ giao thiệp với chính quyền này như chính quyền một nước độc lập, có chủ quyền mà chúng ta tin tưởng là nó phải như vậy. Hoa Kỳ không có quyền, và không muốn xếp đặt thành phần chính phủ của một nước độc lập và có chủ quyền”.
Kỳ Nhân
Thắng Bình Xuyên, ông Diệm cũng thắng “Joe Thiên Lôi”, và trở thành “Kỳ Nhân” (Miracle Man). Sau tuần báo Life ca tụng ông Diệm với tựa lớn “Kỳ Nhân cứng cựa của Việt Nam” (The Tough Miracle Man of Vietnam), hai chữ “Kỳ Nhân” nghiễm nhiên trở thành nhãn hiệu của ông Diệm. Newsweek: “Ngô Đình Diệm là bằng chứng sống của điều thường được gọi là phép lạ…” New York Herald Tribune: “Người tạo phép lạ từ Á châu – Diệm của Nam Việt Nam”. Vua báo William Randolph Hearst Jr. viết trên New York Journal-American: “Phép lạ đã xẩy ra tại Việt Nam như thế nào?” Nhà báo Edward R. Murrow, người từng nổi tiếng nhờ vụ đối đầu với nghị sĩ chống cộng Joe McCarthy, nói trong một cuộc phỏng vấn trên radio: “Diệm đã đạt được nhiều tiến triển trong 6 tháng qua, khiến có người đã dùng chữ ‘phép lạ’ để mô tả những thành quả tại Nam VN”.
Ngay khi hai chữ “phép lạ” không được dùng, ông Diệm vẫn được ca tụng nhiệt liệt. Ngoại trưởng Dulles phát biểu sau vụ thắng Bình Xuyên: “Tôi rất ấn tượng về Thủ tướng Diệm. Ông ấy thực sự là một nhà ái quốc đã tận hiến cho độc lập, và cho dân tộc ông được hưởng tự do về chính trị và tôn giáo”. Phụ tá Ngoại trưởng về Đông Nam Á Robertson nhận xét năm 1956: “Á châu đã cho chúng ta một khuôn mặt vĩ đại khác qua Tổng thống Diệm, và cả Thế giới Tự do đã phong phú thêm qua thí dụ về sự quyết tâm và đạo đức của ông”.
Báo Saturday Evening Post viết: “Việt Nam là điểm sáng tại Á châu”, và điều này “nhờ một ông quan trong bộ đồ sạc-kin, người đã làm đảo lộn thời biểu của phe đỏ”. Tuần báo US New & World Report đăng hình ông Diệm có dân chúng bu quanh với chú thích: “Ngô Đình Diệm của Nam VN được công chúng ủng hộ. Thành công dưới sụ lãnh đạo của ông Diệm làm ngạc nhiên những người dè dặt và người cộng sản tăng thêm giận dữ”. Báo TIME ghi công ông Diệm đã làm cho Nam VN được hòa bình và ổn định mà ít ai dám tiên đoán khi nước này bị chia đôi tại Hội nghị Geneva. Báo Reader’s Digest gọi ông Diệm là một người “tí hon vĩ đại nhất Á châu”, và “Diệm đã đứng như ngọn hải đăng hướng dẫn cho người dân được tự do giữa cảnh bão tối đe dọa Đông phương”. Báo Foreign Affairs: “Lịch sử chưa đánh giá Diệm là một trong những khuôn mặt lớn của Thế Kỷ 20 tại Á châu” nhưng “một cách vắn tắt, một phép lạ chính trị hoàn toàn không ngờ đã xẩy ra tại Nam VN”. Báo Foreign Policy Bulletin viết: Diệm đang trong tiến trình “Biến đổi Việt Nam thành một trong những thành công nhất của Thế giới Tự do tại Á châu”. Và còn nhiều nữa những lời ca tụng, kể ra không hết.
Điều đáng chú ý, là trong một xã hội dân chủ như Hoa Kỳ, thường có nhiều khuynh hướng đối chọi nhau, khiến người vừa ý phe này, có thể mất lòng phe kia. Ông Diệm là trường hợp ngoại lệ. Ngoài những lời ca tụng của phe bảo thủ như đã trình bầy, ông Diệm cũng được cả khuynh hướng cấp tiến tích cực ủng hộ. Trong khi các lãnh tụ khác tại Á châu như Bảo Đại và Tưởng Giới Thạch bị phe cấp tiến chỉ trích là bù nhìn, hay tham nhũng thối nát, ông Diệm được coi là người không thể tham nhũng, và có tinh thần độc lập. New York Post, tờ báo hàng đầu có khuynh hướng cấp tiến gọi ông Diệm là “một người quốc gia bất khả tham nhũng” (an incorruptible nationalist), và tiên đoán, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, Nam VN có thể trở thành “tiểu thiên đàng theo tiêu chuẩn của Á châu”. Tờ Reporter đã khen việc Hoa Kỳ ủng hộ ông Diệm như là một hành vi sửa lại những sai lầm trong quá khứ, vì chuyên ủng hộ những người thiếu tư cách để chống cộng.
Những bạn Mỹ của Việt Nam
Khi Tổng thống Eisenhower gửi Đại sứ đặc nhiệm Joseph Lawton Collins tới Việt Nam vào cuối tháng 10 năm 1954, Mỹ vẫn chưa dứt khoát về việc có quyết tâm ủng hộ ông Diệm hay không. Sau mấy tháng ở Việt Nam, danh tướng Collins, một phần thấy tình hình Nam VN quá rối ren, một phần do ảnh hưởng thân thiết với tướng Paul Ely, đã đồng ý với nhận định của Pháp rằng ông Diệm là người “vô hy vọng”. Cũng thời gian này, Ủy Ban Quốc Tế Cứu Nguy (International Rescue Committee – IRC) phái ông Joseph Buttinger, một người Mỹ gốc Áo tới Việt Nam giúp dân di cư từ miền Bắc sau hiệp định Geneva. Nhờ biết tiếng Pháp và theo đạo Công giáo, Buttinger dễ dàng trở thành bạn của ông Diệm. Chỉ sau một tháng ở Sàigòn, ngày 21-11-54 Buttinger đã viết về cho Leo Cherne, Chủ tịch IRC ở Mỹ rằng: “Diệm là người mà những ai khá nhất có thể đặt vào ông ta những hy vọng chính trị. Nếu ông ta không thành công, thì không ai có thể”.
Trước khi trở về Mỹ, trong lá thư viết cho ông Diệm, Buttinger nói những ngày ở Việt Nam của ông là “một trong những thời gian hấp dẫn và sung sướng nhất trong đời tôi”. Ông hứa khi về Mỹ sẽ dành hết thì giờ và nghị lực để nói về những người không quản khó nhọc đã di cư từ miền Bắc với hy vọng được yên ổn và tự do. Và trên hết, ông hứa: “khi nói về dân tộc Việt Nam, tôi sẽ nói về vị tổng thống của họ — nói về sự can đảm, khôn ngoan, và tận tụy của ông – người mà tài lãnh đạo của mình đã đem lại hy vọng cho rất nhiều, cho xứ sở ông và cho cả thế giới dân chủ”.
Buttinger đã giữ lời hứa khi trở lại nước Mỹ, ông mướn Harold Oram, chủ một cơ sở quảng cáo nổi tiếng ở New York đã từng giúp gây quỹ cho IRC, để tổ chức một nhóm gọi là “Những bạn Mỹ của Việt Nam” (American Friends of Vietnam – AFV). Mục tiêu của AFV là vận động để “các nhà lãnh đạo dư luận, các viên chức chính quyền, các nhà lập pháp Hoa Kỳ có thiện cảm trong việc đề ra những biện pháp cần thiết để duy trì tự do của Việt Nam”.
Oram giới thiệu Buttinger với Hồng Y Spellman, người giúp Buttinger vận động với Bộ Ngoại giao, và các nhà lập pháp nổi tiếng; trong số này có Dân biểu Walter Judd. Ông này giúp Buttinger gặp Kenneth Young, Giám đốc cơ quan Phi Luật Tân và Đông Nam Á Sự Vụ thuộc Bộ Ngoại giao, để trình bầy rằng: “Ủng hộ chính quyền Diệm là hy vọng tốt nhất để cứu Việt Nam cho Thế giới Tự do”. Young chuyển quan điểm của Buttinger cho Bộ trưởng Ngoại giao John Foster Dulles. Buttinger cũng bắt đầu liên lạc với Giám đốc CIA là Allen Dulles, em của Ngoại trưởng.
Cũng qua Oram, Buttinger gặp được các chủ bút của báo New York Times, New York Heald Tribune, Newsweek, Time và Life. Sau các cuộc gặp gỡ này, Buttinger đã khoe với Nghị sĩ Mansfield là các báo này đều mạnh mẽ ủng hộ Diệm, và cuộc vận động đã đạt kết quả ngoài sự mong đợi. Chính Buttinger còn viết bài đăng trên các báo New Leader, Reporter, và New Republic, rằng; “Thủ tướng Diệm là một người tận tụy và liêm khiết…. Về phương diện nghị lực và khả năng, ông ấy có thể sánh với bất cứ ai có thể tìm được ở Á châu ngày nay”. Vào đầu năm 1955, Buttinger đã được khen tặng là “hầu như chỉ có một người mà đã làm được sự thay đổi quan niệm của công chúng Hoa Kỳ về Việt Nam trong vòng một tháng”.
Kỳ công của Buttinger và Oram là đã quy tụ được hầu như đủ mặt các nhà tai mắt của Hoa Kỳ thời bấy giờ vào hội Những Bạn Mỹ của VN. Những người từ đủ mọi giới, quan trọng hơn cả là giới truyền thông, như: Whitelaw Reid, Chủ nhiệm và Chủ bút New York Herald Tribune; Malcolm Muir, Chủ nhiệm Newsweek; Walter Annenberg, chủ Philadelphia Inquirer; William Randolph Hearst Jr. của New York Journal-American; và quan trọng hơn cả Henry Luce, chủ công ty Time. Với những tay tổ báo chí như vậy làm hậu thuẫn, ông Diệm chẳng những được đề cao, mà những lời chỉ trích ông cũng khó lọt ra được.
Ngoài ra, AFV còn quy tụ mọi khuynh hướng và mọi thành phần, như Mike Mansfield và John Kennedy là các Nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ, Walter Judd và Clement Zablocki là Dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa, các nhà báo bảo thủ như Henry Luce và William Randolph Hearst, các nhà khoa bảng cấp tiến như Samuel Eliot Morison và Arthur Schlesinger Jr., các anh hùng chiến trường như Audie Murphy và Mike O’Daniel, như nhà đạo diễn được Oscar Joseph Mankiewicz, và cả vị linh mục được coi như thánh sống là Tom Dooley. Đặc biệt hơn cả, Chủ tịch Đảng Xã Hội (American Socialist Party) là Norman Thomas, người từng 6 lần tranh cử tổng thống, cũng là thành viên của nhóm.
Trong cuộc họp đầu tiên của ban điều hành AFV vào cuối năm 1955, Oram hãnh diện loan báo đã có trên tám chục “Nhân vật Hoa Kỳ lỗi lạc” tham gia nhóm, trong số, gồm tới một phần ba là thành viên Ủy ban Ngoại giao Hạ viện. Cựu Giám đốc cơ quan Tình báo Chiến lược OSS (tiền thân của CIA) là William Donovan đóng vai Chủ tịch danh dự, và các sáng lập viên của nhóm đã đồng thanh quyết định mời danh tướng John O’Daniel là Chủ tịch “Những bạn Mỹ của Việt Nam”. O’Daniel cũng là một danh tướng của Đệ Nhị Thế chiến, từng lãnh đạo phái bộ viện trợ quân sự và cố vấn Mỹ (MAAG) tại Sài Gòn vào 1954-1955, cùng thời với Tướng Collins. Nhưng trong khi Tướng Collins tìm đủ cách để loại ông Diệm, Tướng O’Daniel chủ trương bảo vệ ông Diệm bằng mọi giá, và bảo vệ tới cùng. Ngay cả khi những người bạn khác của VN như Buttinger và Lansdale đã bỏ ông Diệm vào đầu thập niên 60, Tướng O’Daniel vẫn cho rằng ông Diệm là một lãnh tụ vĩ đại nhất của VN, “một vị anh hùng của dân tộc ông”, và là “một người cha của đất nước ông, như Washington đã trở thành người cha cua chúng ta”. Cuối cùng, Tướng O’Daniel là người duy nhất trong số thành viên của AFV đã từ chối không ký tên trong lá thư khen ngợi các tướng lãnh đã làm đảo chánh ông Diệm năm 1963, và ông đã từ chức để phản đối.
Tổng thống Diệm trong buổi diễn hành trên đại lộ Broadway, thành phố New York, ngày 13 tháng 5, 1957 (với viên chức thành phố và trưởng ban giao thức (chief of protocol) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ)
Cao điểm của AFV trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Diệm năm 1957, là một Hội nghị tại khách sạn Willard ở Washington vào mùa Hè năm 1956, với đề tài “Dự phần của Hoa Kỳ tại VN” (America’s Stake in Vietnam). Hội nghị đã quy tụ khoảng hai trăm người, gồm đủ mọi giới, mọi ngành. Trong diễn văn chào mừng, Tướng O’Daniel tuyên bố: “Từ khởi đầu, là thủ tướng rồi tổng thống của Nam VN, Ngô Đình Diệm đã chứng tỏ sự can đảm và quyết tâm… Hội nghị này được triệu tập để nhấn mạnh những tiến bộ đã đạt được của Tổng thống Diệm và nhân dân của ông, những tiến bộ đã gây cảm hứng cho sự ngưỡng mộ và kính trọng”. Nghị sĩ John F. Kennedy, sau trở thành tổng thống, ca tụng ông Diệm về “những thành công tuyệt vời trong việc đối đầu một cách cứng rắn và quyết tâm với những khủng hoảng chính trị và kinh tế đã liên tục băng hoại Việt Nam”. Phụ tá Ngoại trưởng Robertson tuyên bố: “Thế giới tự do nợ Tổng thống Diệm một sự biết ơn”. Chủ tịch IRC Cherne tuyên bố: “Diệm đã thành công trên sự mong đợi của những người lạc quan nhất”. Vẫn theo Cherne: “Một cơ hội đã tạo được ở Nam VN… một mẫu mực về tự do. Tất cả những ai ở Á châu đói khát về nhân phẩm có thể nhìn vào đấy và tìm lấy bài học cho mình”
Cả Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles đều gửi điện văn chúc mừng hội nghị. Tổng thống Eisenhower vào dịp này đã xác nhận Nam VN là một quốc gia độc lập. Điều này hàm ý Hoa Kỳ ủng hộ Tổng thống Diệm trong việc khước từ tổ chức bầu cử theo như bản tuyên bố sau cùng của Hội nghị Geneva. Tuy mắc bận vào phút chót, không thể tham dự Hội nghị, nhưng một trong những người tích cực ủng hộ ông Diệm hơn cả, là Nghị sĩ Mansfield, vị Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện đã tuyên bố giữa phòng họp Quốc hội: “Diệm không chỉ là cứu tinh của nước ông, mà theo tôi, ông còn là vị cứu tinh của toàn thể Đông Nam Á”
Nhưng không phải những người bạn Mỹ đã ủng hộ ông Diệm một cách mù quáng. Vào tháng 10 năm 1957, AFV đã gửi thư cho ông Diệm, yêu cầu đừng thi hành án tử hình tám tử tội bị kết án vì theo Bình Xuyên. Ông Diệm đã nhượng bộ một phần, chỉ thi hành án tử với hai người, còn sáu người cho đổi thành án tù chung thân. Như vậy, mầm mống về những bất đồng giữa những Bạn Mỹ của VN và ông Diệm đã manh nha từ khi uy tín của ông Diệm lên cao nhất tại Hoa Kỳ.
Chuyến đi vinh quang
Sau khi đã dẹp xong Bình Xuyên và chế ngự được đối lập, vào tháng Hai 1957, ông Diệm tỏ ý muốn có một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ. Đại sứ Reinhardt cho biết nước Mỹ háo hức được đón tiếp ông. Bộ Ngoại giao Mỹ chuẩn bị rất công phu lễ nghi đón tiếp. Một cuốn sách nhỏ với những chỉ dẫn tỷ mỷ được sở Nghi lễ cho ấn hành, gồm cả những chi tiết như phải phát âm chữ NGÔ thế nào cho đúng; mô tả hình dáng và tính tình ông Diệm, thứ tự và chức tước những người chúc tụng trong một bữa tiệc v.v… Và không quên ghi chú rằng các viên chức không nên chỉ trích ông Diệm về đường lối cai trị, vì đó là lãnh vực rất nhậy cảm đối với ông.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Eisenhower, nghi lễ đón tiếp quốc khách thường chỉ diễn ra tại Bạch Ốc. Trước cuộc đón ông Diệm, chỉ có một lần Tổng thống ra phi trường National đón Vua Ibn Saud của nước Ả Rập Saudi, vì lời yêu cầu của nước này. Tổng thống Eisenhower cũng ra phi trường đón ông Diệm, nhưng với lễ nghi long trọng hơn.
Tổng thống Mỹ đã dùng máy bay riêng là chiếc Columbine III, đón Tổng thống Diệm từ Honolulu. Phi cơ đáp xuống phi trường National ở Washington DC. vào lúc 12 giờ, ngày 8 tháng 5, 1957. Từ cửa máy bay bước ra, Tổng thống Diệm được đón chào bằng 21 phát đại bác. Tổng thống Eisenhower cùng Ngoại trưởng Dulles, và Chủ tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân đã đợi sẵn dưới chân cầu thang. Tổng thống Eisenhower hướng dẫn Tổng thống Diệm duyệt qua đạo quân danh dự, trước khi lên bục đọc lời chào mừng. Ông đã ca tụng lòng yêu nước của Tổng thống Diệm, và rằng ông Diệm đã hoàn thành một nhiệm vụ cao cả là ổn định đất nước với cực kỳ can đảm, và cực kỳ nghiêm túc – “là những phẩm cách làm tăng thêm sự ngưỡng mộ của chúng tôi, và khiến chúng tôi vui mừng được đón tiếp Ngài”. Trong đáp từ, ông Diệm nói chính nhờ sự viện trợ bất vụ lợi của Hoa Kỳ, mà “chúng ta đã hoàn thành được một phép lạ tại VN”. Rồi Ủy viên Quận Columbia, (chức vụ của ngừơi đứng đầu Thủ Đô Washington — hồi đó chưa có Đô trưởng dân cử) trao cho Tổng thống Diệm chìa khóa Thủ đô. Sau đó, cả hai tổng tống cùng lên một chiếc xe mui trần để tới dinh quốc khách Blair House, ngay trước Bạch ốc. Hơn năm chục ngàn công chức Thủ đô và Liên bang được nghỉ nửa ngày để đi đón quốc khách, đã dàn hàng dọc hai bên đường vẫy chào.
Ngày hôm sau, Tổng thống Diệm được lưỡng viện Quốc hội đứng lên hoan hô, và bài diễn văn của ông được nồng nhiệt tán thưởng. Các báo lớn như New York Times và Washington Post đều khen hay. Báo Christian Science Monitor còn viết “Ngô Đình Diệm đã chiếm được cả hào quang lẫn trái tim của Washington”.
Ngày thứ ba tại Washington, Tổng thống Diệm còn thành công hơn trong bữa tiệc trưa tại Câu Lạc Bộ Báo Chí. Các chính khách nổi tiếng của Á châu thời bấy giờ như Nehru của Ấn Độ, và Sukarno của Nam Dương đều có khuynh hướng trung lập, trong khi ông Diệm dứt khoát chống trung lập. Trước câu hỏi của báo chí tại sao chống chính sách trung lập, Tổng thống Diệm trả lời: “Vì cộng sản không trung lập, chúng tôi không thể trung lập”. New York Times nhận định: “Đó là lời nói ngay thẳng từ một người can trường… Không còn nghi ngờ gì nữa rằng Ngô Tổng thống đã hoàn toàn đứng về phe Thế giới Tự do”.
Trước khi ông Diệm rời Washington đi New York ngày 11 tháng 5, Bạch Ốc ra thông cáo ca tụng Tổng thống Diệm là người đã “đạt được nhiều thành tích đáng kể cho Nam VN”. Có một chi tiết đáng ghi nhận là, dù đóng vai quốc khách tại Thủ đô Hoa Kỳ, ông Diệm vẫn không bỏ được tật độc thoại. Ngoại trưởng Dulles cùng với Phụ tá Ngoại trưởng Robertson tới Blair House thăm ông Diệm, và đành ngồi nghe ông nói, không thể chen vào một lời. Khi ra về, Ngoại trưởng Dulles đã nói đùa với Phụ tá NT Robertson “Anh có nghĩ rằng, ngay tại Washington này, ông ấy có muốn nghe ngoại trưởng của chúng ta nói không?”
So với Washington, New York còn đón tiếp ông Diệm tưng bừng hơn. Vẫn dùng chiếc Columbine III, Tổng thông Diệm tới phi trường LaGuardia, được một đoàn xe có môtô hộ tống, đưa thắng tới Thánh Đường Saint Patrick, nơi đây, Đức Cha Joseph Flannelly phải bắt đầu thánh lễ chậm nửa tiếng để chờ. Sau khi hướng dẫn khách tới chỗ danh dự tại cung thánh, vị Giám mục chủ tế nói: “Chúng ta vui mừng và hãnh diện được nhìn thấy tại cung thánh của Thánh đường New York vị Tổng thống của Nam VN, Ngài Ngô Đình Diệm. Cả thế giới đã ca tụng khi vị chính khách biết sợ quyền phép Chúa, chống cộng và can đảm này đã cứu được Nam VN”.
Buổi chiều cùng ngày, Tổng thống Diệm đã tới viếng Tu Viện Maryknoll, nơi ông đã từng lưu ngụ một thời gian trước năm 1953. Tất cả chủng sinh đều mặc phẩm phục đen, nồng nhiệt đón chào. Rồi ông tới Nam Orange ở New Jersey để nhận bằng Tiến sĩ danh dự Luật khoa tại Đại học Seton Hall. Trong bài vinh danh ông, Đại học này ghi nhận ông Diệm đã “Hơn bất cứ ai, chặn được cộng sản vào giờ phút họ đã chinh phục được một phần VN”.
Cao điểm chương trình đón tiếp tại New York, là cuộc diễn hành từ phía dưới Đại lộ Broadway tới Tòa Thị Chính. Đoàn xe mui trần có mô tô và mật vụ đi bộ hộ tống, đi rất chậm giữa hai trăm năm chục ngàn người tung hô từ hai bên đường, và từ trên các cao ốc dọc lộ trình, đưa ông Diệm tới gặp Thị trưởng Robert Wagner. Ông Thị trưởng đã gọi ông Diệm là “người mà tự do chính là hơi thở của mình”, là “một phép lạ chính trị”. Đáp từ Thị trưởng Wagner, cũng như lên tiếng trong một cuộc gặp gỡ giới doanh thương sau đó, Tổng thống Diệm đã ca tụng dân tộc Việt Nam cần cù chịu khó, có đầu óc tự chủ và thực tế. Ông nói người ngoại quốc ngày nay không tìm thấy các ngôi chùa tráng lệ hay đền đài nguy nga trong rừng, bởi thay vì làm những việc phí phạm không sản xuất đó, người Việt từ bao nhiêu đời đã dùng vốn liếng dành dụm của mình để khai khẩn ruộng vườn. Kết quả là ngày nay ruộng vườn rải rác khắp nơi ở Việt Nam, trong khi rừng rậm nuốt chửng các nền văn minh khác.
Chiều ngày thứ nhì ở New York, Tổng thống Diệm được hội AFV vinh danh và nhận giải thưởng Richard Byrd tại một dạ tiệc ở Khách sạn Ambassador, do vua báo chí Henry Luce chủ tọa. Và mặc đầu ông Diệm mới rời Washington được hai hôm, Tổng thống Eisenhower cũng gửi một điện văn tới dạ tiệc, ca tụng ông là một chính khách có những phẩm chất cao quý nhất.
Ngày thứ ba tại New York, ông Diệm dự thánh lễ do Hồng Y Spellman cử hành, rồi dự tiệc trưa tại khách sạn nổi tiếng nhất thời đó là Waldorf-Astoria, do Hội đồng Thương mại Kỹ nghệ Hoa Kỳ Đông Nam Á khoản đãi. Sau đó, ông Diệm lên máy bay đi Detroit, để thêm một lần nữa nhận bằng Tiến sĩ Danh dự, tại Đại học Michigan. Từ Michigan, phái đoàn ông Diệm đi Knoxville, Tennessee, rồi từ đây đi Los Angeles, để tham dự dạ tiệc do Hội Đồng Kinh DoanhThế Giới tại Los Angeles khoản đãi.
Tất cả mọi nơi Kỳ Nhân đi qua, đều được báo giới nhiệt liệt ca tụng ông như một “Nhà giải phóng Á châu”, “Một nhà vô địch tự do”, “Một biểu tượng đích thực của Người Việt quốc gia… có khả năng chặn đứng Hồ Chi Minh”. Báo New York Post: “Tổng thống Ngô Đình Diệm là điều cuối cùng nhân loại đã chứng tỏ rằng ‘mất chính nghĩa’ là điều có thể cứu vãn được, nếu có người lãnh đạo quả cảm”. Sau mười ngày hoàn thành một chuyến đi đầy vinh quang, Tổng thống Diệm đã lên đường trở về, vẫn trên chiếc máy bay riêng của Tổng thống Eisenhower, vào ngày 19 tháng 5, ngày sinh nhật Hồ Chí Minh. Một ngày có chủ đích để chứng tỏ rằng, với những thành công to lớn của chuyến đi, người đối thủ tại miền Bắc sẽ ở thế bị áp đảo.
(đọc tiếp phần 2)
Source : Da Mau
đinh từ thức