13/11/13

Đinh Từ Thức - kỳ nhân gặp sát nhân (phần 2)

kỳ nhân gặp sát nhân (phần 2)

 12.11.2013
(tiếp theo phần 1)

NgoDinhDiem_Time cover

Người đã được Hoa Kỳ coi như một vị anh hùng, nhận được không kể xiết những lời ca tụng ít chính khách nào có được, rồi chỉ sáu năm sau, Kỳ Nhân đã phải đối diện với sát nhân, và kết liễu cuộc đời trong bi thảm. Không bởi ai khác, mà do chính guồng máy đã biến ông thành Kỳ Nhân. Nguyên nhân tại đâu?
Tương tự huyền thoại Mỹ đưa ông Diệm về cầm quyền năm 1954 nhưng chưa ai trưng được bằng cớ, từ 50 năm qua, có nhiều người cho rằng Mỹ đã hạ ông Diệm, để có thể đưa quân chiến đấu vào VN, vì ông Diệm chống lại chủ trương này. Cho đến nay, chưa ai nêu được văn kiện hay nhân chứng khả tín nào nói rằng Mỹ chủ trương đưa quân vào chiến đấu ở VN trước biến cố 1963. Thật ra, vào tháng 11 năm 1961, Tướng Maxwell Taylor đã có đề nghị này, nhưng không được Tổng thống Kennedy chấp thuận. Và có lúc, chính ông Diệm đã yêu cầu Mỹ mang quân vào, không phải để chiến đấu, mà đóng dọc theo vĩ tuyến 17, ngăn chặn sự xâm nhập của Bắc Việt, để quân đội VNCH rảnh tay chiến đấu với quân Cộng sản. Cả yêu cầu này cũng không được thi hành.
Vào ngày 7 tháng 7 năm 1959, nhân dịp kỷ niệm Song Thất lần thứ năm (ngày Thủ tướng Ngô Đình Diệm chính thức cầm quyền), báo New York Times vẫn còn hết lời ca tụng: “Không phải một kế hoạch được thực hiện, mà một phép lạ đã xẩy ra trong 5 năm. Việt Nam có tự do, và đang trở thành mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ tự do của mình, và cho chúng ta. Hôm nay chúng ta có lý do để hoan hô Tổng thống Ngô Đình Diệm”.
Nhưng sau “Phép lạ 5 năm”, ông Diệm bắt đầu gặp khó khăn khi bước sang thập niên 60. Những khó khăn này cùng lúc xuất phát từ Việt Nam, và ở nước ngoài.
Dĩ mật trị mật
Sau khi dẹp xong các phe phái chống đối, ông Diệm và gia đình bắt đầu củng cố địa vị. Edward Lansdale, người đã giúp đỡ ông Diệm rất nhiều vào lúc đầu, cũng là người đã nhìn thấy sự nguy hiểm từ khá sớm. Ông viết trong hồi ký “In the Midst of Wars”: “…[N]hiều gia đình đến nhà tôi vào một buổi sáng để cho biết thân nhân họ bị bắt giữ vào lúc nửa đêm: tất cả những người này đều có liên hệ tới vấn đề chính trị”.
Buổi sáng hôm ấy, nhờ có cuộc gặp gỡ ông Diệm đã hẹn trước, Lansdale cho biết: “Nhân cơ hội này, tôi cho ông Diệm biết về những vụ bắt bớ ban đêm ấy và đưa tên những người tôi nghe nói đã bị bắt giữ. Ông nhận ra những người này và tỏ ra ngạc nhiên về việc bắt bớ nói trên. Ông kiếu tôi để đi ra ngoài khoảng 20 phút, khi trở lại ông báo cho tôi biết rằng đó là sự lầm lẫn và những người này sẽ được tha. Ông có vẻ bối rối và lúng túng khi nói chuyện này với tôi. Tôi ngờ rằng ông đã đem sang nói với ông Nhu mà văn phòng ở ngay phía sau dinh, và có lẽ thực sự ông Diệm không biết gì về câu truyện trước khi tôi nói ra”.
Lansdale viết tiếp: “Thấy gặp dịp thuận tiện, tôi bèn nói với ông Diệm những gì tôi được nghe về việc tuyển mộ bí mật đảng viên Cần Lao trong mọi cơ quan quân dân sự và về lễ tuyên thệ trong đó tân đảng viên phải quỳ để hôn ảnh ông. Ông Diệm cười và nói là điều vô lý; ông chắc chắn rằng không có những chuyện ấy. Về đảng Cần Lao thì quả thật có nhiều tân đảng viên gia nhập để ủng hộ ông chỉ vì họ có cùng chung với ông lập trường phát triển và xây dựng Việt Nam. Tất cả những gì ông Nhu đang làm chỉ là tổ chức một đảng chính trị đằng sau vị Tổng thống VNCH mới đắc cử, không khác chi ở Mỹ, mỗi tổng thống có một đảng ủng hộ”.
Lansdale còn nói thêm với ông Diệm rằng: “Nếu đảng Cần Lao được ông Nhu tổ chức như một cơ cấu chính trị bí mật khắp trong chính phủ, dùng công an mật vụ do ông Nhu kiểm soát để loại trừ đối lập, thì đảng Cần Lao sẽ khiến cho các đảng phái quốc gia khác rút vào phạm vi hoạt động bí mật để khỏi bị tiêu diệt. Nó sẽ làm cho hàng ngũ chính trị Nam VN bị phân hóa sâu xa trong một cuộc đấu tranh âm thầm nhưng tàn tệ giữa những người quốc gia với nhau, vào đúng lúc mà những người có tư tưởng yêu nước cần sinh hoạt công khai xây dựng hiến pháp cũng như thiết lập một thể chế chính trị mới đối lại với chế độ cộng sản miền Bắc. Những sự kiện đang xẩy ra chỉ dẫn đến việc tái diễn những thảm kịch ghê gớm trong những thành phần đảng phái quốc gia như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hòa Hảo, Cao Đài”.
Sau khi trình bầy với ông Diệm mà không đạt được hứa hẹn nào, Lansdale đã nêu thẳng vấn đề với Đại sứ Mỹ: “Tôi nói với Đại sứ Reinhart về chuyện này, và kết luận rằng đã đến lúc các nhân viên Mỹ thuộc quyền ông có liên lạc thường xuyên với ông Nhu, và đang cố vấn cho ngành Cảnh sát Đặc biệt, cần phải ráng thuyết phục người Việt Nam hướng dẫn một quan niệm chính trị rộng rãi và cởi mở hơn”. Câu trả lời của Đại sứ Reinhart là: Chính sách của Hoa Kỳ đã được quyết định, người Mỹ phải làm tất cả những gì có thể để giúp vào việc xây dựng một đảng quốc gia mạnh ủng hộ ông Diệm. Ông Diệm đã là một tổng thống dân cử, cần có một đảng để làm hậu thuẫn.
Không thành công ở Sài Gòn, Lansdale được phép về Mỹ trình bầy quan điểm với Ngoại trưởng Foster Dulles, và em là Giám đốc CIA Allen Dulles, nhưng cũng thất bại. Lansdale đã xin đổi về Mỹ, nhưng bị giữ lại cho đền hết năm 1956.
Sự lo ngại của Lansdale đã được chứng minh qua thực tế. Chẳng những không được đối lập công khai, ngay việc gửi thư cho ông Diệm yêu cầu cải tổ như “Tuyên ngôn Caravelle” vào 26 tháng 4 năm 1960 cũng gặp rắc rối. Thay vì các chính đảng cùng nhau hoạt động công khai để vận động sự ủng hộ của quần chúng, và cầm quyền bằng sự quyết định của người dân qua lá phiếu, thì rút vào bí mật để thảo hoạch những âm mưu cướp chính quyền bằng đảo chánh, hay bạo lực. Kết quả là vụ đảo chánh hụt 11 tháng 11 năm 1960, và vụ bỏ bom dinh Độc Lập ngày 27 tháng 2 năm 1962. Đại sứ Mỹ Durbrow gây áp lực đòi ông Diệm cải tổ, nới rộng tự do dân chủ. Nhưng ông Diệm không phải loại người dễ bị khuất phục, càng áp lực, ông càng cứng rắn.
Vùng dậy hay là chết
Trong khi ấy, sau mấy năm thiệt hại nặng nề trước “Phép lạ” của ông Diệm, Cộng sản tìm đường sống bằng cách gia tăng hoạt động. Theo chính tài liệu từ phía cộng sản, trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1958, số đảng viên bị thiệt hại lên tới 90%, từ 60.000 còn có 5.000. Năm 1959, Hội nghị Trung ương đảng thứ 15 đã quyết định thôn tính miền Nam bằng võ lực, bắt đầu mở đường mòn HCM. Theo lượng định của tình báo Hoa Kỳ, trong hai năm 1959 và 1960 đã có 26 nhóm từ Bắc xâm nhập miền Nam, tổng cộng lên tới 4.500 người.
Tại miền Nam, Nguyễn Thị Định lãnh đạo cuộc nổi dậy bạo động ở Bến Tre đầu năm 1960. Hơn tuần sau là vụ tấn công đồn ở Tây Ninh vào đầu năm âm lịch, trong lúc đa số binh sĩ về nhà ăn Tết. Tuy nhiên, để tránh Mỹ có lý do trực tiếp can thiệp, Hà Nội chưa ra mặt trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tại miền Nam. Hoạt động chính của du kích quân là bắt cóc và ám sát, đưa đến tình trạng hai chính quyền tại nhiều nơi ở nông thôn: ban ngày Quốc gia, ban đêm Việt cộng. Theo báo cáo về tình hình an ninh cua tòa Đại sứ Mỹ vào đầu năm 1960, trong cả năm 1958 có 193 vụ ám sát, nhưng riêng 4 tháng cuối năm 1959 đã có tới 119 vụ. Ngày 8 tháng 7 năm 1959, khủng bố cho nổ bom trong căn cứ Biên Hòa, 2 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Đây là thiệt hại nhân mạng đầu tiên về phía Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Tháng 9-1959 Phạm Văn Đồng tuyên bố sẽ có mặt ở Sàigòn, và hai tháng sau tuyên bố sẽ đẩy Mỹ ra biển.
Để làm bình phong chỉ huy cuộc chiến, Hà Nội cho ra đời tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ngày 20 tháng 12 năm 1960.
Ông Diệm muốn Mỹ tăng viện, để có thể gia tăng các lực lượng phòng thủ, đối phó với tình thế mới. Nhưng Đại sứ Durbrow phản đối, đòi cải tổ chính trị trước. Mãi đến khi tình hình Ai Lao nghiêm trọng, mới thôi chống việc tăng quân.
Thần đồng nắm quyền
Về phía Mỹ, những người tích cực ủng hộ ông Diệm lúc đầu bớt dần. Lansdale về Mỹ cuối năm 1956. Ngoại trưởng Dulles, người ủng hộ ông Diệm mạnh mẽ nhất, qua đời vào mùa Xuân năm 1959. Đầu năm 1961 chính quyền Cộng hòa Eisenhower thay bằng chính quyền Dân chủ Kennedy. Cả một ê-kíp mới gồm toàn những người trẻ tuổi, học thức, thiếu kinh nghiệm nhưng thừa kêu ngạo, được dư luận gọi là nhóm “Thần đồng” (Whiz Kids). Với chủ trương “Tân biên cương” (New Frontier) nhóm này nghĩ rằng họ có đủ khả năng thay đổi cả thế giới.
Khi còn là Nghị sĩ, Tổng thống Kennedy đã rất ngưỡng mộ và từng hết lòng ca tụng Tổng thống Diệm. Ngay sau khi nhậm chức, ông được đọc hai báo cáo về tình hình Việt Nam: Một là “Kế hoạch căn bản chống nổi dậy” của Ban tham mưu từ Tòa Đại sứ ở Sài Gòn, nói rằng mặc dù ông Diệm đã có nhiều tiến bộ trong việc chống nổi dậy, nhưng cần phải làm thêm rất nhiều điều, để Nam Việt Nam không bị thất bại trong những tháng tới. Tài liệu liệt kê những cải tổ cần thiết về chính trị, quân sự và kinh tế, và quân đội VN cần tăng thêm ít nhất 20.000 người.
Báo cáo thứ hai của Edward Lansdale mới chấm dứt chuyến đi Việt Nam vào đầu tháng Một. Lansdale nói Nam Việt Nam trong tình trạng nguy kịch, và cần chữa trị khẩn cấp. Theo Lansdale, ông Diệm vẫn là người không thể thay thế, và phía đối lập thiếu các ý tưởng xây dựng. Lansdale đề nghị cần thay đổi trong cách giao thiệp với Nam Việt Nam từ đương đầu thành thân hữu, dựa trên căn bản tôn trọng lẫn nhau, để Hoa Kỳ có thể lấy lại ảnh hưởng đối với ông Diệm. Trong chiều hướng này, theo Lansdale, việc cần làm ngay là rút Đại sứ Durbrow về nước. Lansdale đặt câu hỏi: “Liệu Liên Xô và Trung Cộng có làm khó Hồ Chí Minh hay chỉ viện trợ và tiếp tay ông ta?”
Tổng thống Kennedy gặp Lansdale, tỏ ý thích báo cáo của ông ta, chấp thuận giúp Nam Việt Nam tăng thêm 20.000 quân. Ông cũng quyết định chấm dứt nhiệm vụ của Đại sứ Durbrow, và muốn thay bằng Lansdale. Nhưng Bộ Ngoại giao và Quốc phòng không đồng ý.
Vấn đề quan trọng nhất về đối ngoại được chính quyền Eisenhower trao cho chính quyền Kennedy không phải là Việt Nam, mà là Ai Lao. Hôm 19 tháng 1-1961, trước ngày tuyên thệ nhậm chức, trong cuộc họp tại Bạch ốc, Tổng thống sắp mãn nhiệm Eisenhower nói với Tổng thống đắc cử Kennedy: Hoa Kỳ đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập của Lào. Nếu Lào thất thủ, đó là một thảm cảnh lớn, và chẳng bao lâu sau sẽ đến lượt Nam VN, Căm Bốt, Thái Lan và Miến Điện bị sụp đổ. Đó là toàn thể kế hoạch của cộng sản tại Đông Nam Á, và cần phải chặn đứng tại Lào. Hoa Kỳ không thể để cho cộng sản tham dự bất cứ loại chính phủ liên hiệp nào ở Lào – đó sẽ là điều chí tử cho quyền lợi của Hoa Kỳ tại toàn thể Á châu nếu để điều này xẩy ra. Tổng thống Eisenhower còn nói rằng, nếu không được các nước đồng minh hợp tác để giữ Lào, thì Mỹ phải đơn phương bảo vệ Lào bằng mọi giá.
Trong khi chưa có quyết định cụ thể nào về Việt Nam và Lào, vào đầu tháng 4-1961, Hoa Kỳ thất bại nặng nề trong vụ yểm trợ nghĩa quân Cuba lưu vong đổ bộ tại Vinh Con Heo. Vụ này do CIA thảo kế hoạch từ thời chính quyền cũ, nhưng Tổng thống Kennedy phải nhận hoàn toàn trách nhiệm. Mời cựu Tổng thống Eisenhower tới gặp tại trại David vào trưa ngày 22 tháng 4-61 để chia sẻ tin tức về vụ này, ông Kennedy cũng nói với vị tiền nhiệm của mình là Anh và Pháp không thuận góp sức bảo vệ Lào.
Vừa thất bại ở Cuba, chỉ cách Florida 100 dặm, Kennedy không dám quyết định đơn phương bảo vệ Lào; một nơi hẻo lánh, cách xa biển, và cách Mỹ nửa vòng địa cầu. Sau này, Kennedy đã tâm sự với phụ tá thân cận Sorensen: “Cám ơn Chúa đã để cho vụ Vịnh Con heo xẩy ra như nó đã xẩy ra. Nếu không, bây giờ chắc chúng ta đang ở Lào – và nó còn tệ hơn cả trăm lần”.
Kennedy đành theo đề nghị của Averell Harriman, chọn giải pháp trung lập cho Lào. Là Đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa thời Đệ nhị Thế chiến, khi Liên Xô là đồng minh của Hoa Kỳ, có lẽ Harriman nghĩ là có thể tin vào sự hợp tác của Liên Xô để bảo đảm nền trung lập của Lào. Harriman tới Sài Gòn thuyết phục anh em ông Diệm chấp nhận thỏa hiệp ở Lào, đã bị ông Nhu phản đối kịch liệt. Là người từng cộng tác với các Tổng thống Roosevelt và Truman, và từng là Thống đốc New York, trong đảng Dân Chủ, Harriman là bậc trưởng thượng, vào hàng cha chú của Kennedy, thế mà bị ông Nhu chống đối và coi thường, ông ta có ác cảm với anh em ông Diệm là điều dễ hiểu.
Không bao lâu sau, thực tế chứng minh giải pháp trung lập ở Lào đã thất bại. Cộng sản Bắc Việt chẳng những không rút quân khỏi Lào, còn sử dụng lãnh thổ Lào để chuyển quân và võ khí vào Nam VN. Chỉ trong mấy tháng, Mỹ đã thất bại ở Cuba và Lào, nếu để Việt Nam là thất bại thứ ba trong năm, cử tri sẽ không thể tha thứ. Vậy, chỉ còn lại Nam Việt Nam để chính quyền Kennedy chứng tỏ sức mạnh và quyết tâm của mình, cả với bạn lẫn thù. Nhưng chứng tỏ bằng cách nào?
Sau khi cử Phó Tổng thống Johnson thăm Nam VN và mấy nước Đông nam Á để tác động tinh thần, Tổng thống Kennedy cử một phái đoàn hùng hậu, gồm đại diện nhiều thành phần, từ Bạch ốc, Ngoại giao, Quốc phòng, CIA và một số cơ quan khác, do Tướng Maxwell Taylor hướng dẫn, tới VN tìm hiểu tại chỗ để đề nghị biện pháp hành động, với chỉ thị rõ ràng: Không phải tìm cách để thoái lui, mà tìm cách để thay đổi từ tình trạng thua thiệt tới chỗ bắt đầu đi tới thắng lợi.
Từ năm 1961, tình hình VN cũng không còn ổn định như khoảng 1957-1959 nữa. Sau thời gian “ngủ dài hạn”, các cán bộ cộng sản nằm vùng đã hoạt động trở lại để sống còn. Hà Nội cũng đã ra quyết nghị thôn tính miền Nam bằng võ lực, và cũng đã khai sinh tổ chức chính trị bình phong MTGPMN. Phía đảng phái quốc gia đối lập đã có “Lá thư Caravelle”, và cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960.
Những người hiểu rõ tình hình biết rằng: Lá thư đòi thực thi tự do dân chủ của nhóm nhân sĩ họp nhau tại khách sạn Caravelle, cũng như cuộc đảo chánh không thành công ngày 11-11-60, là việc làm của những người quốc gia chống cộng. Còn các cán bộ khủng bố ở nông thôn, MTGPMN, và Cộng sản Hà Nội chỉ là một. Nhưng dưới con mắt các viên chức quyết định chính sách của Hoa Kỳ dưới quyền Tổng thống Kennedy, từ kháng thư, đảo chánh tới khủng bố, và sự ra đời của MTGP, đều là những hình thức khác nhau của một tình trạng chung là “nhân dân nổi dậy vì bị đàn áp và thiếu tự do…”
Dưới con mắt các nhà cầm quyền Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng Hòa từ năm 1960 về trước, chế độ Ngô Đình Diệm tương đối tốt đẹp, “không có vấn đề”. Nhưng dưới con mắt các nhà cầm quyền mới thuộc đảng Dân Chủ từ năm 1961, chế độ Ngô Đình Diệm rõ ràng là “có vấn đề”. Dùng tiền của dân Mỹ đóng thuế để ủng hộ một chế độ “có vấn đề”, thì phải tìm hiểu vấn đề đó là gì, để kịp thời sửa chữa. Nếu không, là phí phạm tiền của dân, không thể tha thứ.
Chính quyền Kennedy đã gửi nhiều người tới VN để tìm hiểu vấn đề. Kết quả, Tổng thống Kennedy đã được nghe nhiều báo cáo khác hẳn nhau, khiến ông hoang mang. Cuối cùng, chính quyền Hoa Kỳ cũng có một số đề nghị, như ông Diệm phải mở rộng thêm tự do dân chủ, cải tổ hành chánh cho guồng máy cai trị hữu hiệu hơn…Để thực hiện điều này, ngoài cố vấn quân sự, nên tăng thêm cố vấn Mỹ về kinh tế và hành chánh tới tận cấp quận.
Những sai lầm chí mạng
Thời “Thiên Lôi Joe” đại diện Tổng thống Eisenhower tại Sàigòn, dù đang buổi đầu khó khăn, ông Diệm đã nhất định không chịu khuất phục Thiên Lôi, cuối cùng, ông thắng cả Thiên Lôi, trở thành Kỳ Nhân. Bây giờ, sau chín năm cầm quyền, ông đang ở đỉnh cao chói lọi: sau khi nghe ông “ban huấn từ” trước một tập thể giáo chức, Chủ Tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ thốt lên “Chúa ngồi bên Tổng Thống!” và mới hôm Tết Quý Mão, sau lễ chúc tuổi thường lệ dành cho các viên chức cao cấp quân cán chính và ngoại giao đoàn, một số tướng tá thân cận đã vào tận phòng riêng, trong quân phục chỉnh thề và huy chương rực rỡ, quỳ lậy trước bàn giấy ông để tỏ dạ trung thành. Sau vụ chết người ở đài phát thanh Huế, ông hứa chính phủ sẽ giải quyết ổn thỏa, và như để an lòng những ai còn nghi ngờ về hiệu năng của chính phủ, ông nêu thêm bảo đảm, “sau chính phủ còn có hiến pháp”, và bảo đảm tối hậu: “sau hiến pháp còn có tôi”. Ngoài hàng ngũ quân cán chính đáng tự hào, ông còn cả một tập thể đông đảo Thanh niên Cộng Hòa được lãnh đạo bởi Ông Cố Vấn, và nhất là nhũng đoàn Thanh nữ Cộng Hòa biết bắn súng, dưới sự lãnh đạo của Bà Cố Vấn, sẵn sàng xả thân để bảo vệ chế độ – “thằng nhà báo” Francois Sully nham nhở nói đám nữ binh của Bà Cố là sự khuyến khích cho địch quân, đã bị trục xuất. Ba chục năm trước (1933), chỉ mới là một Thượng Thư ngoài ba chục tuổi, ông đã không chịu cúi đầu trước chính quyền bảo hộ Pháp, và Vua Bảo Đại. Bây giờ, ông đã ở tuổi già gấp đôi, được gọi là “Cụ”, đường đường là nguyên thủ Quốc gia, là “Tổng Thống Anh Minh.” Trong tình trạng tốt đẹp như thế, chẳng lẽ ông chịu khuất phục trước đòi hỏi của mấy “thằng” Mỹ? Ông có đường lối riêng của mình. Theo ông, muốn có thêm tự do dân chủ, cũng phải từ từ, vì dân chưa quen với dân chủ kiểu Tây phương. Mỹ phải trải qua gần hai trăm năm mới được như ngày nay, ông mới cai trị có chín năm. Về cố vấn Mỹ, ông muốn giảm đi hơn là tăng thêm, vì sự hiện diện đông đảo của Mỹ sẽ làm cho Nam VN mất chính nghĩa, là cái cớ cho Bắc Việt tuyên truyền và tấn công.
Hue mandarins in the 1930s
Mối liên hệ cùng cách hành động của Mỹ và ông Diệm năm 1963 khá giống như đã diễn ra đầu năm 1955. Hồi đó, Hoa Kỳ đã theo chủ trương của Tướng Collins, là thay ông Diệm, dù ông không thuận, “chương trình vẫn cứ tiến hành”. Năm 1963, tình hình VN nghiêm trọng hơn nhiều so với khi ông Kennedy lên cầm quyền vào năm 1961: Có thêm vụ ném bom dinh Độc Lập ngày 27-2-1962, trận Ấp Bắc đầu năm 1963, và đặc biệt là vụ Phật Giáo từ tháng 5, 1963.
Ông tổng thống Công Giáo đầu tiên trong lịch sử Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ vô điều kiện ông tổng thống Công Giáo đầu tiên của Việt Nam, nhất là từ sau khi Phật Giáo xuống đường tự thiêu để phản đối vào tháng Sáu. Lửa tự thiêu bùng lên ở đường phố Saigòn, nhưng rát mặt Washington. Càng rát mặt hơn khi chế độ của ông tổng thống Công Giáo ở Sàigòn chữa lửa tự thiêu bằng cách xịt thêm dầu vào lửa, đó là những lời tuyên bố của bà Nhu, và lệnh tấn công chùa của ông Nhu vào tháng Tám.
Quang Duc immolation
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11 tháng 6 năm 1963 để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm (Ảnh: Malcolm Browne)
Bà Nhu nghĩ rằng gọi tự thiêu bằng động từ “nướng thịt” là một cách chữa lửa, khiến cho hào quang của sự hy sinh cao cả biến đi, không còn hấp lực gây xúc động trong lòng dân chúng, như một đám cháy bị áp đảo bằng chất kỵ hỏa. Tiếc thay, đó là suy nghĩ riêng của bà, không phải của người dân thường. Ngày nay, đã có nhiều người mổ xẻ, bàn cãi, kể cả xỉ vả lẫn nhau, khi phân tích về vụ tự thiêu, hay “bị thiêu” nửa thế kỷ trước. Nhưng muốn hiểu rõ, cần đặt sự việc vào thời điểm khi nó xẩy ra. Người dân thường, nhất là những người mộ đạo, họ nhậy cảm như thi sĩ. Dưới mắt một thi sĩ lớn như Vũ Hoàng Chương, một người không có liên hệ chính trị với bất cứ phe phái nào, điều bà Nhu gọi là “nướng thịt” chính là “Lửa Từ Bi”:
Lửa, lửa cháy ngất tòa sen,  
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống  
Hai vầng sáng rưng rưng  
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Hình ảnh tự thiêu đã được đăng trên báo chí khắp thế giới, trừ Nam VN. Người dân không có cơ hội, và cũng chẳng cần biết ai tưới xăng, ai châm lửa, chỉ biết là “lửa cháy ngất tòa sen”.
Từ Washington, ông Kennedy không thể ngồi yên, tình thế buộc ông phải có hành động.
Như một trách nhiệm quá nặng để gánh vác một mình, ông đã phải chia sẻ với một đối thủ chính trị từ nhiều đời thuộc đảng Cộng Hòa đối lập, gửi đi Sài gòn đóng vai Thiên Lôi. Giống “Thiên Lôi Joe” tám năm trước, Đại sứ Cabot Lodge cũng chủ trương thay ông Diệm, sau khi ông không chịu thay đổi.
Nhưng thay ông không dễ. Tám năm trước, ông đã thắng cả Bảo Đại lẫn Tướng Collins, là những người muốn loại bỏ ông.
Năm 1955, một mình tứ bề thọ địch, ông Diệm nhờ cây nỏ quý có cái lẫy là móng chân của thần dư luận, đã bất ngờ tấn công địch quân là một đảng cướp và đồng bọn, khi Thiên Lôi Joe Collins đang từ Washington trở lại Sàigòn. Ông đã cả thắng, lên ngôi Kỳ Nhân. Tháng Tám năm 1963, vẫn theo thế trận cũ, ông tấn công chùa chiền trong lúc Thiên Lôi Cabot Lodge từ Washington chưa kịp tới Sàigòn. Lần này, vì ông có hiềm khích với nhà báo quốc tế, nỏ thần dư luận chẳng những hết hiệu nghiệm, mũi tên độc còn dội ngược, khiến ông thân bại danh liệt. Cùng một thế trận, khi tấn công vào sào huyệt một đảng cướp, ông được lòng dân; khi tấn công vào một tôn giáo lớn, ông mất lòng dân. Dù cai trị theo chế độ nào, khi đã mất lòng dân là mất tất cả, là hết thuốc chữa. Nếu cho rằng Điện văn 243 là bản án tử hình dành cho chế độ Ngô Đình Diệm, thì nó đã được gửi từ Washington tới Saigòn vào ngày 24 tháng 8, 1963, ba ngày sau vụ tấn công chùa. Theo những tài liệu đã được giải mật cho tới nay, vụ tấn công chùa là yếu tố quan trọng nhất khiến Washington dứt khoát với ông Diệm.
Sau nửa thế kỷ, ngày càng có thêm nhiều người ca tụng lòng yêu nước và công đức của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Mặc dầu là những lời ca tụng có cơ sở, nhưng không đủ để bảo đảm cho sự vững chắc của một chế độ. Ông Diệm không theo chủ trương kỳ thị Phật giáo. Đúng! Ông Diệm đã giúp xây hay trùng tu hàng ngàn ngôi chùa. Đúng! Ông Diệm đã cho nhiều tu sĩ Phật giáo xuất ngoại du học. Đúng! Nhưng là một tổng thống đầu tiên trong lịch sử sùng đạo Công Giáo, có ông anh Tổng Giám Mục là lãnh đạo hàng đầu của hàng giáo phẩm, ông Diệm (hay ông Nhu thì cũng thế) đã ra lệnh tấn công hàng loạt chùa chiền, bắt sư sãi, trong khi cô em dâu đóng vai Đệ Nhất Phu Nhân chũm môi tuyên bố nhà sư tự thiêu chỉ là một vụ nướng thịt, và sẽ vỗ tay hoan hô nếu có thêm nhiều vụ tương tự. Dưới con mắt của người dân, như thế là kỳ thị, là không thể chấp nhận được. Người ta không cần biết có bao nhiêu bộ trưởng, bao nhiêu tướng tá, bao nhiêu tỉnh trưởng theo đạo Phậ̣t, không cần biết ông Diệm đã dùng số tiền riêng của mình trên chục ngàn đô la tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đó là những điều người ta không thấy trước mắt. Người ta chỉ thấy trước mắt nhiều chùa bị tấn công, bị cô lập. Đó là bằng chứng cụ thể ông và gia đình ông coi Phật Giáo như kẻ thù. Công an có thể nói trong chùa có võ khí, có tay sai cộng sản, có sư trốn quân dịch, nhưng đó là những điều người dân không thấy rõ như thấy chùa bị tấn công. Hơn nữa, tín đồ sùng đạo tin các nhà sư, hay tin công an? Khi người dân tin các nhà sư, nhà cầm quyền còn bị thêm tội là vu oan giá họa. Có lẽ, nhờ học được kinh nghiệm đắt giá này, nhà cầm quyền Hà Nội ngày nay chưa tấn công Dòng Chúa Cứu Thế.
Muốn hiểu được sự liên hệ giữa thành tích và sự mong manh của một chế độ, có thế nhìn ngay vào thí dụ là chiếc computer. Đó là một sản phẩm tuyệt vời, cung cấp cho người sử dụng rất nhiều thứ. Nhưng thành tích này không đủ để bảo đảm chính đời sống của nó. Chỉ cần một virus từ ngoài lẻn vào, hay người sử dụng sơ ý bấm nhầm nút, cả hệ thống sẽ bị sụp (crash). Muốn phục hồi, cần phải bắt đầu lại, “restart” – đảo chánh hay cải tổ toàn diện, xóa đi làm lại từ đầu. Là người sử dụng chiếc “computer Việt Nam” – nói như vậy cho dễ hiểu vì thời đó computer chưa ra đời – gia đình ông Diệm đã không ngăn được virus xâm nhập từ bên ngoài, và trong tình thế bối rối, đã bấm những nút không thích hợp, khiến nó sụp. Chuyên viên Hoa Kỳ Lyndon Johnson đã giúp restart, nhưng thiếu kinh nghiệm, không phục hồi được. Đến thời chuyên viên Nixon thì đành bó tay, lo về sửa ống nước đang rò rỉ ở nhà mình, hơn là sửa computer 4-0-VN.
*
Ngày xưa, Thục An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu trong bước đường cùng tẩu thoát trên lưng ngựa, đã than thở, không hiểu sao nỏ thần mất hiệu lực dẹp loạn. Thần Kim Quy đã hiện ra cho nhà vua biết: Kẻ thù chính là người ngồi sau lưng nhà vua. Nếu Kỳ Nhân Ngô Đình Diệm, thay vì chạy vào nhà Mã Tuyên, đã dùng một chiếc xe bọc thép, chở cả gia đình gồm Đức Cha, ông bà Cố Vấn, và Cậu Cẩn cùng chạy trốn. Trên đường bôn tẩu cũng than với Chúa, không hiểu sao một Kỳ Nhân như ông mà ra nông nỗi này. Có lẽ, Chúa cũng hiện ra và nói cho ông biết: “Kẻ hại con chính là những người ngồi cùng xe!”
*
Người viết xin chấm dứt bài này bằng một chi tiết có liên hệ tới ai ra lệnh giết anh em Tổng Thống Diệm. Theo một bài báo trên tờ New York Times ngày 25 tháng 9, 1973, E. Howard Hunt, một nhân viên CIA, cũng là một nhà văn, là nhân viên Đơn vị Điều tra Đặc biệt (President’s Special Investigations Unit), thường được gọi là “White House Plumbers” dưới thời Tổng Thống Nixon khi xẩy ra vụ Watergate, đã khai trước một cuộc điều trần tại Quốc Hội là vào năm 1971, ông ta đã làm giả một điện văn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, rồi tiết lộ cho tạp chí Life. Điện văn có nội dung ra lệnh giết anh em ông Diệm vào năm 1963, với mục đích làm cho cử tri Công Giáo oán giận Kennedy, sẽ không bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ. Hunt bị ba năm tù vì vụ Watergate, qua đời năm 2007. Trong cuốn hồi ký Blind Ambition của John Dean, cố vấn pháp luật của Tổng Thống Nixon, xuất bản năm 1976, cũng xác nhận chuyện này. Theo Dean, khi vụ Watergate vỡ lở, lúc mở chiếc két sắt trong văn phòng Hunt ở Bạch Ốc, trước sự chứng kiến của một nhóm người, thấy điện văn giả mạo này vẫn còn đấy. Sự việc này cho thấy, nếu quả thật chính quyền Kennedy đã ra lệnh giết anh em ông Diệm, thì chính quyền Nixon chỉ cần tiết lộ tài liệu thật, không cần hại nhau bằng tài liệu giả.
————-
Chú thích:
Người viết căn cứ vào hai cuốn sách để viết bài này. Đó là những cuốn sách không do những người trong cuộc, hay những người đã trưởng thành vào thập niên 60 viết, để thanh minh hay buộc tội, mà tác giả là các nhà sử học lớn lên sau khi ông Diệm không còn nữa.
Ngoài phần theo lời kể trong một bài báo của Linh Mục Trần Văn Kiệm, và ngoại trừ phần kết luận, tất cả các dữ kiện trong bài này đều thuật lại, hay dịch lại từ hai cuốn:
Miracle man cover
Một là “America’s Miracle Man in Vietnam” (Kỳ nhân của Mỹ tại Việt Nam), của Tiến sĩ Seth Jacobs, Phụ tá Giáo sư Sử học tại Boston College, do Duke University Press xuất bản năm 2004. Người viết xử dụng bản bìa giấy, tái bản năm 2006, nhiều nhất là những dữ kiện trong các Chương I, V, và VI, chỉ ghi lại các dữ kiện, mà không theo lập luận của tác giả.
Triumph Cover
Cuốn thứ hai là “Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954-1965” (Toàn thắng bỏ lỡ: Cuộc chiến Việt Nam 1954-1965), của Tiến sĩ Mark Moyar, từng dậy sử tại nhiều trường đại học, là Phó Giáo sư (Associate Professor) và Giám đốc Khóa trình (Course Director) tại Đại học Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ (U.S. Marine Corps University) ở Virginia, do Cambridge University Press xuất bản năm 2006.
Bài này được viết từ tháng 11, 2007, và được sửa lại vào tháng 11, 2013.
Source : DA MAU 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét