13/11/13

TỚI LUÔN, CƯỢC HẾT GIA TÀI VÀO VỤ NÀY ĐI BÁC

SOURCE  : pro & contra ( Blog Pham Thi Hoai )

-----------------------------------------------------
The Economist
Phan Trinh dịch và giới thiệu
Giới thiệu của người dịch

Có thể nói vui rằng trong 35 năm qua, Trung Quốc có hai ông Bình đáng kể, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình, và có hai Hội nghị Trung ương 3 đáng kể, một diễn ra năm 1978 và một diễn ra từ ngày 9-12/11/2013.
Ông Tiểu Bình đã mở cửa Trung Quốc, ông Cận Bình đang sửa sang nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng. Ông Tiểu Bình năm 1979 xua quân “dạy cho Việt Nam một bài học” và học được một bài học từ Việt Nam; đến năm 1989, sinh viên đòi dân chủ giận dữ đập nát những cái chai nhỏ (tiểu bình) ở Thiên An Môn, ít lâu sau ông cho xe tăng đè bẹp sinh viên. Ông Cận Bình thì chưa thấy dạy ai bài học nào, cũng chưa bị ai… đập chai.
Cũng có thể nói vui rằng nếu quan hệ Việt-Trung là “môi hở răng lạnh”, thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang lèo lái con thuyền đất nước bằng “kính chiếu hậu”: Trung làm gì thì Việt làm nấy, cho an toàn (và nếu làm mà vẫn an toàn): Trung bàn về hiến pháp, thì Việt cũng hiến pháp bàn về; Trung tìm cách kiềm chế những doanh nghiệp nhà nước lộng hành, chống tham nhũng, giải quyết nạn đền bù đất đai như cướp, cấm bất đồng chính kiến trên mạng, thì Việt cũng lộng hành, tham nhũng, đền bù như cướp và bất đồng trên mạng. Chưa hết, Trung đấu đá quyền lực chóp bu, thì Việt cũng chóp bu đấu đá.
Khi Hội nghị Trung ương 3 ở bên kia họp kín thì ở bên này, tại Việt Nam, cũng đang diễn ra Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, từ 21/10-30/11, với toan tính vội vã thông qua dự thảo Hiến pháp.
Thực ra, chuyện xem thường Hiến pháp cũng không lạ. Chính quyền Trung Quốc cũng chẳng coi Hiến pháp ra gì, thậm chí không hề có điều lệ nào trong Hiến pháp nhắc đến Đảng Cộng sản Trung Quốc – Đảng và vai trò lãnh đạo chỉ được nhắc tới trong “Lời mở đầu” dông dài của Hiến pháp mà thôi. Tờ Nhân dân Nhật báo tháng 8 vừa qua cũng chạy ba bài xã luận trên trang nhất phản bác ý kiến của giới trí thức cho rằng Đảng cần nằm dưới luật. Tờ báo chê đó là ý tưởng điên rồ, chẳng khác nào đòi “leo cây bắt cá”. Tờ báo còn lu loa rằng chủ trương đề cao Hiến pháp chẳng qua chỉ là một đòn diễn biến hòa bình của các cơ quan tình báo Mỹ.[i]
Cũng dễ đoán là với tinh thần đi tới bằng cách nhìn chiếu hậu nói trên, Quốc hội Việt Nam sẽ bất chấp dư luận và thông qua dự thảo Hiến pháp có sửa mà không hề đổi. Trừ khi quá nửa các đại biểu dũng cảm tỉnh ngủ, vứt Đảng, chấm dứt nhìn ra sau hay nhìn qua vai trước khi nói điều gì lương tâm mách bảo.
Một lĩnh vực nữa cho thấy “Việt soi bóng Trung” là lãnh đạo của cả hai nước đều bị giới trí thức chỉ trích gay gắt là họ quan tâm bảo vệ quyền lực chính trị của chính mình hơn quyền lợi đất nước.
Nhưng, không biết may hay rủi, Việt lại khác Trung ở khoản này, xin trích:
“Ở Trung Quốc, sự thất sủng của Bạc Hy Lai, một lãnh tụ địa phương đầy tham vọng, là dịp hiếm hoi hé mở cho quần chúng thấy cuộc đấu đá khốc liệt trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu. Ở Việt Nam cũng thế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như đang là mục tiêu của một chiến dịch đấu đá do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một lãnh tụ bảo thủ hơn, cầm đầu. Sự khác biệt của hai nước nằm ở chỗ: Tại Trung Quốc, đấu đá nội bộ đã ngã ngũ với một kẻ thắng cuộc thấy rõ là ông Tập Cận Bình, lãnh tụ Đảng. Còn ở Việt Nam, một phần của bài toán hóc búa nằm ở chỗ dường như không có ai đang thực sự nắm quyền.”[ii]
Hóa ra lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm không điều hành đất nước dựa trên các Chủ nghĩa Mác, Mao, Minh, Xã hội hay Tư bản, mà là đang áp dụng rất sáng tạo… chủ nghĩa sinh tồn thú vật.
Cũng không khó để vẽ ra bức biếm họa: Một chiếc tầu chở 90 triệu dân nheo nhóc, sóng gió hãi hùng đang ập tới, nhưng trên phòng lái, bánh lái không ai cầm, cứ xoay qua trái rồi bật ngược qua phải. Tầu chao đảo, ai nấy ói mửa. Thực ra không phải phòng lái không có người, mà là có ông Nũng, ông Nang, ông Nùng, ông Nọng nào đó đang đứng cạnh bánh lái, nhưng thay vì cầm lái, mỗi ông đều hai tay hai súng chĩa vào đầu hai ông còn lại, hóa ra bất động, tạm gọi là “bất lực bên bánh lái”. Con tàu thì cứ ngụp xuống, ngoi lên, vật vã. Dưới bức biếm họa có dòng chữ nhỏ: “Ai cho chúng nó đứng đó nhỉ?”
Đó là câu hỏi đáng suy nghĩ. Thực vậy, theo lời giáo sư luật Hạ Vệ Phương thuộc Đại học Bắc Kinh thì ngay cả Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là một đảng phi pháp. Ông nói: “Với tư cách là một tổ chức, Đảng đang ngồi ngoài và ngồi trên pháp luật. Lẽ ra đảng phải có một tư cách pháp nhân, hay nói cách khác, có ai đó để bị kiện ra tòa, nhưng Đảng chưa bao giờ đăng ký như là một tổ chức. Đảng hoàn toàn đứng ngoài vòng pháp luật.”[iii]
Có phải chính vì tính “phi pháp” vừa kể, cộng thói quen hoạt động bí mật trước khi nắm chính quyền và truyền thống ngàn năm “con trời” cai trị, đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc mỗi lần họp là mỗi lần bí mật? Lần này cũng như bao lần trước, Hội nghị Trung ương 3 được báo chí tiết lộ là họp tại khách sạn Kinh Tây, do quân đội quản lý, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ được báo trước ít ngày, hoàn toàn không có tiếp xúc với báo giới trong hay ngoài nước, họ bàn gì cũng chẳng ai biết, có tranh cãi lớn hay không cũng không ai rõ. Kết thúc hội nghị sẽ chỉ có một thông báo chung chung, đến tháng 12 sẽ có hai hội nghị triển khai, cũng tại khách sạn Kinh Tây và cũng kín đáo nốt.[iv]
Kể cũng lạ, đường đường cũng là một đảng “quang vinh”, đưa kinh tế Trung Quốc lên hàng thứ hai thế giới, mà lại họp kín như một băng tội phạm, cứ như chung quanh họ tràn ngập những ‘thế lực thù địch’. Chẳng lẽ thế lực thù địch ở đây không ai xa lạ, mà chính là nhân dân?
Có lẽ ông Tập Cận Bình đủ sáng suốt để hiểu rõ ông không thể coi thường nhân dân, nhất là nông dân, nếu ông và Đảng của ông muốn sống còn, vì vậy tờ The Economist mới khuyên ông hãy “cược cả gia tài” vào việc cải tổ nông thôn và doanh nghiệp nhà nước. Bằng không thì rất có thể một ngày nào đó nông dân Trung Quốc sẽ lại mang chai ra đập, hoặc dân Việt sẽ gọi ông là “bình vôi” và hát chọc quê ông bằng câu thơ cũ “càng sống càng tồi, càng sống càng bé lại”.
____________
Tại hội nghị quan trọng này, lãnh đạo Trung Quốc phải thúc đẩy cho được những thay đổi rốt ráo, nhất là với nông thôn.
Nếu có ai càm ràm với bạn rằng hội họp chẳng ích lợi gì, hãy khóa miệng họ lại bằng tám chữ chì nặng ký: “Hội nghị Trung ương 3, Khóa 11”. Thực vậy, hội nghị năm ngày này của Đảng Cộng sản diễn ra vào tháng 12, 1978 đã thay đổi hẳn Trung Quốc. Hai năm sau ngày Mao Trạch Đông chết, Hội nghị đã đưa Đặng Tiểu Bình, người bị trừ khử đến ba lần, vào vị trí cầm quyền, đưa nhân sinh lên tầm quan trọng hơn đấu tranh giai cấp, nới lỏng kiểm soát nhà nước, và mở cửa Trung Quốc cho nước ngoài buôn bán, đầu tư. Cuộc mạo hiểm tả khuynh đã mở ra những “công xã nhân dân” ở nông thôn, dẫn đến nạn chết đói khủng khiếp dưới thời Mao Trạch Đông, nhưng dưới thời Đặng Tiểu Bình công xã bắt đầu được tháo bỏ. Kết quả của những biện pháp vừa kể ảnh hưởng đến một số đông nhân loại. Thu nhập đầu người ở Trung Quốc lúc đó chỉ có 200$ một năm, nay con số này lên tới 6.000$. Đối với phần còn lại của thế giới, thành quả của Hội nghị kia có thể được tóm gọn vào mấy chữ “Trung Quốc trỗi dậy”.
Vào ngày 9 tháng 11, 2013, Tổng Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình triệu tập một mật nghị khác tại Bắc Kinh, lần này là Hội nghị Trung ương 3, Khóa 18 (những hội nghị trung ương diễn ra ít nhất mỗi năm một lần, trong khi Ủy ban Trung ương, gồm hơn 370 đảng viên lãnh đạo, được Đại hội Đảng bầu ra mỗi năm năm; Đại hội Đảng gần đây nhất diễn ra năm 2012). Cuộc họp lần này, tại một khách sạn do quân đội điều hành ở thủ đô, sẽ tiếp tục diễn ra trong vòng bí mật, như vẫn bí mật từ trước đến nay. Cũng giống như Hội nghị năm 1978, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, trước khi người ngoài biết được đầy đủ nội dung của nó. Tuy vậy, ông Tập đã cho các lãnh tụ nước ngoài biết rằng Hội nghị lần này là Hội nghị quan trọng nhất của Trung Quốc kể từ năm 1978, báo hiệu những thay đổi chấn động có thể diễn ra. Đúng vậy, Hội nghị chắc chắn sẽ gây chấn động nếu ông Tập thực sự cấp tiến trong hai lãnh vực đang rất cần được cải tổ, đó là: vấn đề doanh nghiệp nhà nước, cùng hệ thống tài chính đi kèm; và vấn đề nông thôn, nơi nông dân vẫn chưa có quyền hạn rõ ràng với đất đai của họ.
Khi bạn muốn làm cách mạng
Công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình – và những cải cách khác năm 1993 giúp đưa Trung Quốc vào WTO – là những cải cách mạnh mẽ, nhưng chúng cũng đã đến hồi hết hơi. Trung Quốc không còn là nước có lao động giá rẻ có thể khai thác bất tận nữa. Những doanh nghiệp nhà nước tuy lớn nhưng không hiệu quả đang bóp nghẹt cuộc cạnh tranh lành mạnh và hút cạn các nguồn tài chánh. Sai lầm lớn trong phân bổ vốn đã đẩy giới kinh doanh tư nhân và người dân bình thường chăm chỉ tiết kiệm vào thế kẹt.
Điều vừa kể cũng làm nghẽn mức phát triển kinh tế vốn khỏe khoắn của Trung Quốc. Đó là mối nguy không thể bỏ qua đối với một Đảng mà, kể từ năm 1978, tính chính danh còn hay mất hoàn toàn lệ thuộc vào việc Đảng có làm kinh tế phát triển hay không. Vì vậy, khi ông Tập nói về một “kế hoạch chủ đạo” cho công cuộc cải cách, và một cuộc “cách mạng sâu rộng” thì có vẻ ông đã nói một cách rất nghiêm túc. Ông cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tụ họp được một nhóm rất đáng kể những nhà cố vấn có khuynh hướng thân thiện với kinh tế thị trường. Thêm vào đó, sau khi đã đè bẹp được thế lực của Bạc Hy Lai, một đối thủ (tả khuynh) có tham vọng quyền lực lớn giờ đang ngồi bóc lịch trong tù, hiện nay có thể coi ông Tập Cận Bình là nhân vật có quyền lực lớn hơn bất cứ lãnh tụ tối cao nào, kể từ thời Đặng Tiểu Bình.
Về vấn đề các doanh nghiệp nhà nước, việc tư hữu hóa, tiếc thay, sẽ chưa diễn ra. Tuy vậy, ông Tập sẽ làm cho chúng có tính thương mại hơn và phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Giải pháp tốt nhất có thể là trao quyền sở hữu các doanh nghiệp nhà nước cho Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia, được thành lập để đáp ứng nhu cầu của một xã hội đang già đi nhanh chóng. Quỹ này có thể bổ nhiệm tổng giám đốc để điều hành các doanh nghiệp nhà nước, nhằm bảo đảm quyền lợi cho những người hưởng lương hưu trong tương lai. Ông cũng có thể thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn bằng cách cắt các khoản vốn vay dễ dãi đang được ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh việc cắt bỏ đặc quyền của những đơn vị kinh tế này, ông Tập cũng nên có những bước cương quyết hơn nhằm thả lỏng lãi suất, tỉ giá hối đoái và dòng chảy vốn. Điều này cuối cùng sẽ dọn đường giúp đồng tiền Trung Quốc trở nên hoán đổi được – rất quan trọng để Trung Quốc trở thành một nền kinh tế trưởng thành.
Lĩnh vực lớn thứ hai trong cuộc cải cách sâu rộng – vấn đề nông thôn – lại còn quan trọng hơn nhiều về lâu về dài. Quan trọng, một phần vì gần nửa dân số 1 tỷ 400 triệu người dân Trung Quốc hiện sống ở nông thôn. Nhưng vấn đề trước mắt nằm ở chỗ nông thôn chưa được cải cách lại là hậu quả của cuộc khủng hoảng xoay vốn của chính quyền địa phương. Chính quyền trung ương đã buộc các chính quyền địa phương chịu thêm trách nhiệm về chi thu tại địa phương, nhất là sau khi gói kích thích tài chính khổng lồ được trên lệnh xuống năm 2008 để xoa dịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu [gói kích cầu 2008 trị giá 586 tỉ đô-la, nhưng chính quyền trung ương chỉ cấp 30% con số này, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải nộp gần 30% khác, và hơn 30% còn lại đến từ các ngân hàng][v]. Nhưng chính quyền địa phương chỉ có những phương tiện lẻ để nâng số thu. Từ đó đẻ ra một loại thuế bất động sản để tạo nguồn thu ổn định.
Từ lâu lắm rồi, lãnh đạo tỉnh đã kiếm tiền cho địa phương mình – và cho túi riêng mình – bằng cách tịch thu đất đai của nông dân rồi bán lại cho các công ty phát triển dự án. Tác dụng tích cực của tình trạng này (chẳng hạn như số nông dân rời nông thôn đến thành phố kiếm sống tăng vọt) đã không bù lỗ được những tiêu cực nó gây ra. Công nhân gốc nông dân trong các đô thị bị đối xử như những công dân hạng hai, họ phải làm những công việc nguy hiểm bậc nhất mà lại không được hưởng các quyền hạn về nơi ăn ở tươm tất, được đi học hoặc được chăm sóc y tế. Nông dân ở lại với đất đai thì lại bị cường hào ác bá lãnh đạo địa phương hành hạ. Đền bù không tương xứng và không được sở hữu đất đai một cách rành mạch chính là lời oán thán lớn nhất của nông dân.
Tính sao cho khéo với các tỉnh
Ông Tập Cận Bình nên cho nông dân Trung Quốc những quyền tự do mà người cộng sản đã nêu cao như ngọn cờ để chiến đấu và làm cách mạng. Cải cách ruộng đất sau Hội nghị 1978 đã giải thoát nông dân khỏi những công xã nhưng không cho họ những quyền tự do khác. Nông dân vẫn không thể bán ruộng đất, trừ khi bán cho người trong làng, cũng không được bán nhà. Họ cũng không được thế chấp ruộng đất hay nhà cửa. Trong khi đó, người dân thành phố đã có thể đường đường chính chính trở thành chủ sở hữu căn nhà họ ở, nhờ kế hoạch tư hữu hóa nhà đô thị diễn ra rộng khắp vào cuối thập niên 1990.
Cho nông dân đầy đủ quyền hạn với đất đai và nhà cửa sẽ mang lại những tác dụng tích cực rất lớn. Người dân sẽ dọn lên thành phố nhiều hơn – nhất là khi các ràng buộc về hộ khẩu ở thành phố được hủy bỏ – góp phần chuyển đổi nền kinh tế nặng về đầu tư thành một nền kinh tế thiên về tiêu thụ. Người ở lại nông thôn cũng sẽ được hưởng những tự do tương đối, như dân thành phố đang được hưởng, đời sống hàng ngày của họ sẽ không bị các ông lớn địa phương quấy nhiễu nữa.
Đó là sẽ một cuộc cách mạng sâu rộng và được nhân dân ủng hộ, nhưng liệu ông Tập có thể đương đầu với phe chống đối hay không? Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã vượt qua được những tay bảo thủ chủ trương kinh tế chỉ huy bằng cách biến các tỉnh trở thành những ngôi sao trong phát triển kinh tế. Tản quyền cũng gây ra những vấn đề ở địa phương hiện nay, gồm cả mớ bòng bong tài chính. Vì vậy, ông Tập Cận Bình sẽ không được các tỉnh ủng hộ nếu ông không miễn trách, rốt ráo tha nợ cho các tỉnh. Tuy nhiên, làm được vậy chăng nữa, thành phần chống đối ông hiện vẫn rất mạnh, trong số có cả những ông trùm của các doanh nghiệp nhà nước và đám con cháu tham nhũng của rất nhiều những gia đình cộng sản quyền lực nhất nước. Nhưng làm gì thì làm, ông Tập Cận Bình phải triệt hạ bằng được những thành phần chống đối này, nếu ông và Hội nghị của ông không muốn bị lịch sử luận tội, thay vì được ghi công.
NguồnThe Economist, “Go on, bet the farm”, số ra ngày 2/11/2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh & pro&contra



Ghi chú của người dịch
[i] The Ecomomist, “Climbing trees to catch fish”, số ra ngày 17/8/2013
[ii] The Economist, “Across the party wall”, số ra ngày 26/10/2013
[iii] Richard McGregor, The Party, The Secret World of China’s Communist Rulers, NXB Harper Collins, 2010. Tr. 22
[iv] The Economist, “Behind closed doors”, số ra ngày 8/11/2013
[v] Economist Intelligence Unit 2009, “China’s stimulus package – A six-month report card”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét