Dien Dan Xa Hoi Dan Su
TS Cù Huy Hà Vũ góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Kính gửi Qúy Báo,
Ngày 4/10/2013, công dân Cù Huy Hà Vũ đã thông báo cho vợ là Ls Nguyễn Thị Dương Hà biết: Thực hiện chủ trương của Quốc Hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hưởng ứng phong trào Lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Trại giam số 5 Bộ Công an – Yên Định – Thanh Hóa, ngày 30/9/2013, công dân Cù Huy Hà Vũ đã gửi bài góp ý Sửa đổi Hiến pháp 1992 tới Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 qua đường Bưu điện của Trại giam số 5 Bộ Công an.
Trong điều kiện khó khăn của trại giam, công dân Cù Huy Hà Vũ thực hiện nghĩa vụ của mình, đã viết Bản góp ý gồm 20 trang A4 viết tay chữ nhỏ, dày kín, nội dung gồm 7 phần lớn. Vậy mà sáng nay, công dân Cù Huy Hà Vũ lại cho biết, ngày 15/11/2013, Trại giam số 5 đã thông báo chính thức là Trại giam số 5 đã không gửi bài góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 của TS Vũ cho Quốc Hội và Ủy Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp!!!???
Vì sợ bài góp ý không đến được địa chỉ nên công dân Cù Huy Hà Vũ đã nhờ vợ, con soạn, đánh máy giúp bài Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 theo đúng tinh thần của công dân Vũ. Ngày 22/10/2013, vợ công dân Vũ đã gửi tới Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bài Góp ý kể trên (photocopy đính kèm).
Kính mong Quý Báo cho đăng để những ai quan tâm được biết.
Trân trọng cảm ơn Quý Báo,
Gia đình Công dân Cù Huy Hà Vũ
——
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————————
Hà Nội, ngày 22/10/2013
Kính gửi: – Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam;
- Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Tôi, Nguyễn Thị Dương Hà, ở tại 24 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội, CMND 010538534 do Công an Hà Nội cấp ngày 16/12/2010, là vợ cũng là luật sư của ông Cù Huy Hà Vũ – HKTT tại 24 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội, bị Tòa án nhân dân tối cao kết án 07 (bảy) năm tù, 03 (ba) năm quản chế kể từ ngày bị bắt 05/11/2010 về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình sự – ông Vũ luôn khẳng định ông Vũ hoàn toàn vô tội – hiện bị giam tại B11, K3, Trại giam số 5 – Bộ Công an (Yên Định – Thanh Hóa).
Căn cứ Nghị Quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và theo yêu cầu của Ban Giám thị Trại giam số 5 – Bộ Công an, ngày 30/9/2013, ông Vũ đã gửi Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Bản “Góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” gồm 20 trang (viết tay) qua Ban Giám thị Trại giam số 5 – Bộ Công an. Đề phòng trường hợp văn Bản Góp ý kể trên mà ông Vũ đã gửi qua Ban Giám thị Trại giam số 5 – Bộ Công an chưa đến được Quốc hội và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Vũ ủy quyền cho tôi đánh máy lại, gửi tới Quốc Hội và Ủy ban Dự thảo Bản Góp ý kể trên. Toàn văn Bản “Góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” của ông Cù Huy Hà Vũ đã được đánh máy lại có 19 trang được gửi cùng với thư này.
Trân trọng,
Người được ủy quyền
Nguyễn Thị Dương Hà
—
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 30 tháng 9 năm 2013
GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
Kính gửi: Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Tôi là Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, thường trú tại 24 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội, bị Tòa án nhân dân tối cao kết án 07 ( bảy ) năm tù giam, 03 (ba) năm quản chế kể từ ngày bị bắt 05/11/2010, về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự – tôi luôn khẳng định tôi hoàn toàn vô tội, hiện bị giam tại B11-K3 – trại giam số 5 – Bộ Công an ( Yên Định – Thanh Hóa), căn cứ Nghị quyết số 38/2012/QH 13 ngày 23/11/2012 của Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về “Tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) như trình bày sau đây.
I – BỎ SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI, THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ĐA ĐẢNG
Tôi đề nghị bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội quy định tại Điều 4 Hiến pháp và tại Điều 4 Dự thảo và thay vào đó là quy định về thực hiện chế độ đa đảng với những lý do sau đây.
1- Điều 2 Hiến pháp và Điều 2 Dự thảo đều quy định: “ Nhà nước của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, “ tức nhân dân là chủ duy nhất của Nhà nước đồng nghĩa Nhà nước không phục tùng, không chịu sự lãnh đạo của ai khác ngoài nhân dân. Nói cách khác, Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước là tiếm quyền làm chủ Nhà nước của nhân dân.
2- Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (do Chính phủ Việt Nam tổ chức biên soạn), “ chế độ độc tài” là “chế độ chính trị tập trung quyền hành vào tay một cá nhân, một nhóm người hay một đảng phái cai trị độc đoán, không bị ràng buộc bởi luật pháp hay một cơ quan quyền lực nào”. Như vậy với quy định “Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội” tại Điều 4 Hiến pháp và Điều 4 Dự thảo trong khi đảng này không bị ràng buộc bởi bất cứ luật nào hay bởi bất cứ cơ quan quyền lực Nhà nước nào thì chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dứt khoát là chế độ độc tài! Do đó để thiết lập chế độ dân chủ thì không có cách nào khác là bỏ quy định nói trên.
3- Quan điểm “đấu tranh giai cấp” hay thiết lập sự thống trị của giai cấp vô sản – công nhân với chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đối lập với Dân chủ. Thực vậy, Dân chủ đồng nhất với xóa bỏ phân biệt giai cấp tầng lớp xã hội trong quyết định các vấn đề của đất nước, không kích động giai cấp, tầng lớp xã hội này chống lại giai cấp, tầng lớp xã hội khác. Nói cách khác, Dân chủ là tiếng nói của mỗi người dân về các vấn đề của đất nước được thể hiện rõ nhất và tập trung nhất qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử Quốc Hội, Hội đồng nhân dân hay trưng cầu ý dân, chứ tuyệt nhiên không phải là áp đặt ý chí nhân danh giai cấp, tầng lớp xã hội. Vả lại, quan điểm “ giai cấp công nhân thống trị” của Đảng cộng sản Việt Nam là trái ngược với quyền bình đẳng của mọi người được Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 trân trọng tuyên bố và trái ngược ngay với nguyên tắc “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị,dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” được Dự thảo nêu tại Khoản 2 Điều 17.
4- Khải niệm “lãnh đạo” có thể áp dụng cho đảng chính trị mà trong trường hợp này là Đảng cộng sản Việt Nam nhưng chỉ trong trường hợp Đảng tổ chức giành chính quyền về tay nhân dân chủ yếu bằng vũ lực, điều này có nghĩa một khi chính quyền đã về tay nhân dân thì chính nhân dân chứ không phải đảng chính trị, quyết định đường lối quốc gia cũng như cách thức hoạt động của Nhà nước, cụ thể là nhân dân thực hiện các quyết định tối cao này của mình hoặc trực tiếp bằng lá phiếu trong các cuộc bầu cử Quốc Hội, Hội đồng nhân dân hay trưng cầu ý dân hoặc gián tiếp thông qua các đại diện của mình tại các cơ quan quyền lực Nhà nước nói trên. Tóm lại Dân chủ là nhân dân tự quyết định vận mệnh của đất nước và của bản thân mà không có sự can thiệp từ bên ngoài, không cần ai dẫn dắt, không cần ai lãnh đạo. Các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hay bất cứ ai khác được nhân dân trực tiếp bầu vào các cơ quan quyền lực Nhà nước chỉ là để thực hiện ý chí của nhân dân hay chỉ là đầy tớ của nhân dân như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chứ không thể làm điều ngược lại là áp đặt ý chí của bản thân hoặc của Đảng cộng sản Việt Nam cho nhân dân. Nghĩa là không thể có chuyện đầy tớ “lãnh đạo”, bắt ông chủ, bà chủ phục tùng mình được!
Ngoài ra, quy định “Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước” là trái với nhiều quy định khác ngay trong Dự thảo. Điều 2 Hiến pháp và Dự thảo quy định Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền”. tức Nhà nước chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Do đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như đảng chính trị nào khác không phải là Hiến pháp và pháp luật nên dĩ nhiên Nhà nước không thể chịu sự lãnh đạo của đảng này. Điều 83 Hiến pháp và Điều 74 Dự thảo quy định “ Quốc Hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” đồng nghĩa không có thế lực nào đứng trên Quốc Hội để có thể “ lãnh đạo” hay áp đặt ý chí của mình cho Quốc Hội ngoài chính người đã đẻ ra thiết chế này là nhân dân!
5- Đảng cộng sản Việt Nam lấy câu nói “Đảng ta là đảng cầm quyền” của Hồ Chí Minh để biện minh cho chế độ độc tài của mình được thiết lập thông qua việc áp đặt Điều 4 Hiến pháp. Thế nhưng chính câu nói này của người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam lại khẳng định chế độ dân chủ – đa đảng. Thực vậy, “ đảng cầm quyền” là để so sánh với “đảng không cầm quyền” bởi dưới thời Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Nước đã có nhiều đảng hoạt động song song với Đảng cộng sản Việt Nam nhưng không chiếm đa số ghế trong Quốc Hội nên không thể đứng ra thành lập Chính phủ như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội. Chế độ đa đảng này tồn tại cả sau khi Hồ Chí Minh mất, cho đến 1988 khi Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội tự giải thể. Thực tế đa nguyên chính trị này được phản ánh tại Điều 9 Hiến pháp 1980: “Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam – bao gồm các chính đảng…”
Vẫn chưa hết, Đảng cộng sản Việt Nam luôn khẳng định đảng này cầm quyền mà không cần cạnh tranh với ai là do được nhân dân tín nhiệm. Thế nhưng lập luận này của Đảng cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định chế độ đa đảng. Thực vậy, tín nhiệm của nhân dân là niềm tin mà người dân đặt vào người này, đảng này mà không áp đặt vào người khác, đảng khác, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử Quốc Hội. Nói cách khác, không có sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị thì không tồn tại sự tín nhiệm của nhân dân. Vậy để “sự tín nhiệm của nhân dân” nguồn gốc của quyền lực Nhà nước – thực sự tồn tại thì không có cách nào khác là phải thực hiện chế độ đa đảng!
Cũng cần khẳng định ngay rằng thiết lập chế độ đa đảng tuyệt nhiên không nhằm ngăn cản Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền, thậm chí lâu dài, càng không nhằm loại bỏ đảng này ra khỏi đời sống chính trị của đất nước. Thực tế cho thấy mặc dù ở Singapore có nhiều đảng nhưng chỉ có Đảng nhân dân hành động là cầm quyền vì luôn chiếm đa số ghế trong các kỳ Quốc Hội. Ở Mỹ cũng có hơn 100 đảng nhưng chỉ có Đảng Dân chủ và Đảng cộng hòa là thay nhau có ứng cử viên được bầu làm tổng thống và ngược lại, vẫn ở đất nước mà Đảng Cộng sản Việt Nam coi là đế quốc và chống cộng số 1 này Đảng cộng sản vẫn tồn tại. Tóm lại, chế độ đa đảng là quyền của nhân dân được tự do lựa chọn giữa các quan điểm chính trị khác nhau và về phía các chính đảng là làm sao giành được sự tín nhiệm cao nhất của nhân dân để có thể cầm quyền. Để nói, Đảng cộng sản Việt Nam luôn khẳng định bản thân có nhiều công trạng với dân, với nước thì không có lý do gì để đảng này phải sợ sẽ không được nhân dân tín nhiệm trong cạnh tranh với các đảng khác. Ngược lại, nếu Đảng cộng sản Việt Nam không dám chấp nhận cạnh tranh chính trị một cách hòa bình trong khuôn khổ chế độ đa đảng thì điều này chẳng những chứng tỏ đảng này yếu kém và vụ lợi mà nghiêm trọng hơn rất nhiều, sẽ dẫn đến cạnh tranh chính trị bằng bạo lực đồng nhất với một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn kéo dài 2 thập kỷ từ 1955 đến 1975 giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa (Điều này có nghĩa chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam không phải là xâm lược)
6- Chính chủ nghĩa Mác Lê Nin mà Đảng cộng sản Việt Nam lấy làm nền tảng tư tưởng đã thừa nhận “nguồn gốc của sự vận động và phát triển là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập ở ngay trong lòng sự vật”. Vậy không có lý do gì để Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận song song với mình sự tồn tại của các đảng khác trong đó có các đảng đối lập với mình, trừ phi đảng này chống lại sự vận động và phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam.
Kết luận lại, việc bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội quy định tại Điều 4 Hiến pháp và Điều 4 Dự thảo đồng nhất với chế độ độc tài và việc thực hiện chế độ đa đảng là tuyệt đối cần thiết để đảm bảo Dân chủ, bảo đảm “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”.Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, bỏ được sự cai trị độc đoán của Đảng cộng sản Việt Nam do đảng này không bị ràng buộc bởi luật pháp thì lại vớ phải tình trạng hỗn loạn “vô chính phủ” được tạo ra bởi sự vắng bóng của luật pháp về các đảng chính trị thì cách duy nhất là phải có luật về các đảng chính trị mà những nét cơ bản phải được xác định trong Hiến pháp. Cụ thể là Hiến pháp xác định vai trò của các đảng trong bảo đảm Dân chủ, xác định cách thức thành lập, cách thức tổ chức, cách thức hoạt động của các đảng. Ví dụ: “Các đảng chính trị tham gia vào việc hình thành ý chí chính trị của nhân dân”, “việc đăng ký các đảng chính trị được thực hiện tại Tòa án Hiến pháp”..
II – BỎ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, LẤY “VIỆT NAM” LÀM QUỐC HIỆU, THIẾT LẬP CHỨC VỤ TỔNG THỐNG
Tôi đề nghị bỏ chủ nghĩa xã hội – chế độ xã hội chủ nghĩa khỏi Hiến pháp, Hiến pháp sửa đổi với những lý do sau đây.
1- Chủ nghĩa xã hội phản dân chủ
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, “ chuyên chính” là “ trực tiếp dùng bạo lực (đối lập với dân chủ) để áp đặt ý chí của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị”. Vậy chủ nghĩa xã hội – chế độ xã hội chủ nghĩa mà chủ trương “chuyên chính vô sản”, tức dùng bạo lực để áp đặt cho xã hội sự thống trị của giai cấp công nhân, cụ thể là áp đặt sự lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội của Đảng cộng sản là “đội tiên phong” của giai cấp công nhân, dứt khoát là một chế độ chính trị phản dân chủ. Bản chất phản dân chủ này của chủ nghĩa xã hội, chế độ xã hội chủ nghĩa đã được tôi phân tích ở trên trong mục “ Bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, thực hiện chế độ đa đảng”.
2 – Chủ nghĩa xã hội phản dân tộc
Đối với chủ nghĩa xã hội thì không có “dân tộc” mà chỉ có “giai cấp” không có “con người dân tộc” mà chỉ có “con người giai cấp” bất cứ ai không tán thành sự thống trị của giai cấp vô sản – công nhân đều là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội và vì vậy là đối tượng đàn áp của “chuyên chính vô sản” mà hiện thân là chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo. Điều này lý giải vì sao sau 30/4/1975, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiếp đó là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đưa cả trăm nghìn nhân viên của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào các trại tập trung cải tạo – các nhà tù thực sự – với lý do duy nhất là họ đã phục vụ trong chính quyền chống cộng. Lẽ dĩ nhiên, việc bỏ tù các “kẻ thù giai cấp” này của Nhà nước Cộng sản Việt Nam chỉ càng đào sâu hận thù dân tộc thay vì xóa bỏ nó. Chính sách gây hận thù dân tộc này còn được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đẩy lên cao độ khi bỏ tù luôn cả người yêu cầu Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hòa giải dân tộc, cụ thể là bỏ tù tôi – Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ – do đã gửi Quốc hội “ Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”!
Chủ nghĩa xã hội không chỉ phản dân tộc ở chỗ xóa bỏ “con người dân tộc” bằng cách luôn duy trì người Việt Nam trong tình trạng thù hận lẫn nhau như trên vừa chứng minh mà tày giời hơn, ở chỗ muốn xóa bỏ Tổ Quốc của người Việt Nam với định danh “ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” ghi trong Hiến pháp và Dự thảo. Thực vậy, “Tổ quốc” trong tiếng Việt có nghĩa “quốc gia do Tổ tiên tạo lập” đồng nghĩa Tổ Quốc của người Việt Nam chỉ có một, là quốc gia do Tổ tiên của người Việt Nam là Vua Hùng tạo lập. Do đó “Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa” không gì khác hơn là phủ nhận Vua Hùng, phủ nhận quốc gia của người Việt Nam đã có từ 4000 năm nay hay phủ định chính Tổ Quốc của người Việt Nam!
Cũng như vậy, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mà Đảng cộng sản Việt Nam luôn tuyên truyền là hoàn toàn trái với lich sử của dân tộc Việt Nam. Thực vậy, Độc lập dân tộc mà nhân dân Việt Nam đã giành được cách đây 68 năm hoàn toàn không dính dáng đến chủ nghĩa xã hội, điều này có thể thấy rõ trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Không những thế, việc Đảng cộng sản Việt Nam – lúc bấy giờ có tên là Đảng cộng sản Đông Dương – tự giải thể vào ngày 11/11/1945, chỉ 2 tháng sau khi nền Cộng hòa ra đời, càng chứng tỏ nhân dân Việt Nam giành độc lập là để thực hiện quyền dân tộc tự quyết chứ tuyệt nhiên không phải để xây dựng chủ nghĩa xã hội là mục đích tự thân của Đảng cộng sản Việt Nam cũng như chứng tỏ sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ gây hại cho việc bảo vệ và củng cố nền Độc lập dân tộc còn trứng nước. Ngoài ra, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” không gì khác hơn là phủ định sạch trơn Độc lập dân tộc mà người Việt Nam đã giành được dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, Lý Bí, Ngô Quyền, Lê Lợi trước phong kiến Trung Hoa hay nói ngắn gọn, xóa bỏ toàn bộ lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam!
Không dừng lại ở phủ nhận, xuyên tạc Tổ Quốc và Độc lập dân tộc của người Việt Nam, chủ nghĩa xã hội xâm hại ngay chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Năm 1958, vì “đại cục xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đã gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai công hàm gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, điều này giải thích vì sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không hề phản ứng dù chỉ là tý chút trước việc Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý vào năm 1974. Năm 1988, Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công quần đảo Trường Sa, giết chết 64 sĩ quan, chiến sĩ Việt Nam đồn trú và chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo này của Việt Nam. Thế nhưng một lần nữa, vì “đại cục xã hội chủ nghĩa” Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không hề lên án hành vi xâm lược này của Trung Quốc. Bộ mặt phản dân tộc này của chế độ xã hội càng lộ rõ khi cách đây một số năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bắt giam một số công dân Việt Nam vì họ đã lên tiếng khẳng định “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” với lý do không thể ngược đời hơn là những công dân này đã “xâm phạm an ninh quốc gia” cũng như cho đến bây giờ đã không chịu công nhận liệt sĩ cho các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa như tôi đã yêu cầu trong một Kiến nghị gửi Quốc Hội.
Điều nghiêm trọng là hành vi “ bán nước” hay phản dân tộc của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Thực vậy, trước âm mưu dùng vũ lực thôn tính nốt quần đảo Trường Sa và độc chiếm biển Đông đã quá rõ ràng của Trung Quốc, nước đang sở hữu các phương tiện chiến tranh nói chung, phương tiện chiến tranh trên biển nói riêng gấp bội lần Việt Nam, tôi – Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ – đã nhiều lần kều gọi Nhà nước Việt Nam khẩn trương liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ thành công quần đảo Trường Sa và tiến tới thu hồi quần đảo Hoàng Sa nói riêng, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông nói chung vì Mỹ không chỉ là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới mà còn là nước duy nhất trên thế giới có chiến lược ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực ở Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Á. Thế nhưng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bác bỏ liên minh quân sự với Mỹ vì cho rằng cái giá phải trả cho liên mình này là mất chế độ xã hội chủ nghĩa!
3 – Chủ nghĩa xã hội chống lại con người
Trước hết cần ghi nhận rằng nhiều quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam mà sau đây là một số cơ bản nhất.
Điều 69 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Điều 70 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào… Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”.
Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam đã tham gia một số điều ước quốc tế về nhân quyền trong đó có Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự. Điều 19 Công ước này quy định:
1) Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
2) Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ!
3) Việc thực hiện những quyền quy định tại Khoản 2 Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên những hạn chế này phải được quy định trong luật và là cần thiết để:
- Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác.
- Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.
Thế nhưng chế độ xã hội chủ nghĩa là “nói một đằng, làm một nẻo” những quyền con người nói trên đều bị Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chà đạp trên thực tế.
Để triệt tiêu quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin của công dân, Nhà nước đã đặt ra “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” – Điều 88 Bộ luật hình sự bất chấp quy định “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp tại Khoản 1 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền chính trị dân sự. Cụ thể là Nhà nước đã vịn vào tội danh được đặt ra trái pháp luật này để bỏ tù tất cả những ai bày tỏ quan điểm chính trị trái ngược với quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam mà tôi – Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là một trong số các nạn nhân.
Cũng cần nói thêm rằng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấm báo chí tư nhân trong khi thực chất của quyền tự do báo chí là cá nhân hay tư nhân được quyền ra báo chí. Bản thân khái niệm “tự do” xuất phát và gắn liền với khái niệm “cá nhân” hay nói cách khác, “cá nhân” không tồn tại thì “tự do” không tồn tại!
Về quyền lập hội, quyền biểu tình của công dân, các quyền này chỉ có thể được pháp luật bảo hộ sau khi các quyền này được luật hóa như quy định tại Điều 69 Hiến pháp 1992. Thế nhưng cho đến nay, đã 21 năm trôi qua, Luật về Hội và Luật biểu tình vẫn chưa được ban hành đồng nghĩa quyền lập hội, quyền biểu tình vẫn chưa được ban hành đồng nghĩa quyền lập hội, quyền biểu tình “có cũng như không” hay nói đúng hơn, các hội, các cuộc biểu tình ở Việt Nam luôn ở trong tình trạng bất hợp pháp và vì vậy có thể bị Nhà nước dẹp bỏ bất cứ lúc nào và những người tổ chức luôn có thể bị Nhà nước khép vào “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự hay vào “Tôi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự hay vào “Tội gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự hay vào “ Tội gây rối trật tự công công” quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự. Nhân đây cần khẳng định rằng “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân “ là trái nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là “Mọi người có thể làm những gì mà Luật không cấm” (Từ điển bách khoa Việt Nam), tức không vi phạm điều mà luật cấm thì không thể là tội phạm! Nói cách khác, Điều 258 và Điều 88 Bộ luật hình sự được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra là để loại bỏ các quyền tự do, dân chủ của công dân!
Cũng như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại Điều 70 Hiến pháp là không tồn tại chừng nào còn Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thực vậy, tín ngưỡng, tôn giáo, suy cho cùng đều là hệ tư tưởng trong khi chủ nghĩa Mác Lê-nin cũng là hệ tư tưởng. Do đó, một khi đã khẳng định tự do tín ngưỡng, tư do tôn giáo thì đương nhiên tín ngưỡng tôn giáo không thể bị “lãnh đạo” hay định hướng, điều khiển bởi hệ tư tưởng nào khác mà ở đây là chủ nghĩa Mác Lê-nin. Đó là chưa nói đến quan điểm “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” của chủ nghĩa Mác-Lê-nin theo đó những người cộng sản phải giải thoát nhân dân khỏi sự đầu độc của tôn giáo, tức coi tôn giáo là địch thủ, là đối tượng mà những người cộng sản phải trừ bỏ!
Về quy định “những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” cũng tại Điều 70 Hiến pháp thì quy định này đồng nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo bị hủy diệt khi nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo bị Nhà nước xóa bỏ và chiếm lấy. Cần khẳng định rằng nghĩa trang của giáo xứ là một nơi thờ tự của đạo Thiên chúa ( Kito giáo). Do đó việc chính quyền Đà Nẵng năm 2009 đã chiếm lấy nghĩa trang của giáo xứ Cồn Dầu và bỏ tù một số giáo dân do những người này đã đưa một giáo dân khác vừa qua đời đến chôn ở nghĩa trang này là hành vi đàn áp, hủy diệt tôn giáo không hơn không kém!
Lẽ dĩ nhiên, còn rất nhiều quyền con người – công dân khác như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tài sản đối với đất đai… bị Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xâm hại nghiêm trọng. Tuy nhiên một số dẫn chứng đã nêu ở trên cũng đã đủ cho thấy chủ nghĩa xã hội hay chế độ xã hội chủ nghĩa là điển hình của đàn áp con người.
4 – Chủ nghĩa xã hội mang lại đói nghèo và tham nhũng
Trước hết phải khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản không gì khác hơn là kinh tế tư nhân đồng nhất với kinh tế thị trường, còn chủ nghĩa xã hội lại chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, tức xóa bỏ kinh tế tư nhân, xóa bỏ kinh tế thị trường thông qua “công hữu hóa tư liệu sản xuất”mà sản phẩm là các doanh nghiệp Nhà nước. Thực tế ở Việt Nam cho thấy chủ nghĩa xã hội chỉ mang lại đói nghèo cho tuyệt đại đa số người dân, đẩy Việt Nam đến bờ vực phá sản với lạm phát 900% vào năm 1985 dẫn tới ăn mày đầy đường.
Để sống sót, từ 1986, Đảng cộng sản Việt Nam phải tiến hành “Đổi mới” bước đầu đi theo chủ nghĩa tư bản bằng cách thừa nhận kinh tế tư nhân đồng nhất với kinh tế thị trường và tự diễn biến hòa bình từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản đã cơ bản hoàn tất với việc 20 năm sau vào năm 2006 Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam đã chính thức cho đảng viên làm kinh tế tư nhân vốn bị đảng này coi là “bóc lột”. Mặc dầu vậy, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không chịu công khai thừa nhận sự phá sản của chủ nghĩa xã hội và để bao biện cho việc rốt cuộc đã phải thực hiện kinh tế thị trường hiện thân của chủ nghĩa tư bản – đảng này đã biến báo kinh tế thị trường bằng cách gắn cho nó cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”: “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, sự bao biện này của Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại hoàn toàn. Thực vậy, như trên đã nêu, “ chủ nghĩa xã hội” hay “xã hội chủ nghĩa” đồng nhất với “xóa bỏ kinh tế thị trường”. Vậy khi thay “xã hội chủ nghĩa” trong “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì ta có “kinh tế thị trường định hướng xóa bỏ kinh tế thị trường” vô nghĩa hoàn toàn! Ngoài ra, chỉ việc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến đi thăm các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu ( EU) đầu năm nay, 2013, luôn khẩn khoản đề nghị các nước này công nhận Việt Nam có “nền kinh tế thị trường” chứ không phải “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng đã đủ cho thấy để tồn tại và hội nhập thế giới ngày nay, Việt Nam không thể không từ bỏ chủ nghĩa xã hội!
Chủ nghĩa xã hội cũng đồng nhất với tham nhũng. Như trên đã đề cập, chủ nghĩa xã hội chủ trương quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế, Nhà nước trực tiếp kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp Nhà nước, nghĩa là Nhà nước vừa là người quản lý đồng nhất với giám sát, kiểm soát tài sản quốc gia vừa là người sử dụng tài sản ấy, tức làm cái chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” theo cách nói dân gian. Nói cách khác, Nhà nước không phải chịu bất cứ giám sát kiểm soát nào trong việc sử dụng tài sản quốc gia và chính lỗ hổng thể chế này đã tạo ra tham nhũng – tham nhũng thể chế!
Tóm lại, doanh nghiệp Nhà nước là kênh chủ yếu để những người nắm giữ quyền lực Nhà nước mà ở đây là các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam bòn rút tiền, của Nhân dân mà các vụ VINASHIN, VINALINES là những bằng chứng điển hình. Điều này lý giải vì sao Hiến pháp 1992 hiện hành vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế quốc gia cho dù tuyệt đại đa số doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, cơ bản là lỗ. Trong các lĩnh vực phi kinh doanh cũng vậy, tham nhũng tràn lan và trầm trọng bởi sự độc quyền cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam đã loại trừ tính minh bạch trong sử dụng ngân sách Nhà nước. Tình hình nghiêm trọng đến mức mà ngay Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã phải thừa nhận tham nhũng là quốc nạn!
Trên cơ sở bộ chủ nghĩa xã hội – chế độ xã hội chủ nghĩa vì những lý do đã rõ, tôi đề nghị lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu thay cho “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Cũng trên tinh thần bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa để thiết lập chế độ dân chủ – đa đảng, tôi đề nghị bỏ chức vụ “Chủ tịch Nước” và thay vào đó thiết lập chức vụ “Tổng thống”. Thực tiễn trên thế giới cho thấy Tổng thống hoặc do Quốc Hội (Nghị viện) bầu hoặc do toàn dân bầu thông qua phổ thông đầu phiếu. Tôi đề nghị Tổng thống do toàn dân bầu nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
III QUYỀN LẬP HIẾN THUỘC VỀ TOÀN DÂN, TRƯNG CẦU Ý DÂN VỀ HIẾN PHÁP, HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI
Điều 83 Hiến pháp quy định: “Quốc Hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập pháp”.
Điều 84 Hiến pháp quy định: “Quốc Hội làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật”.
Điều 74 Dự thảo quy định: “Quốc Hội thực hiện quyền lập Hiến, quyền lập pháp”.
Như vậy, “lập Hiến” và “ lập pháp” là hai vấn đề khác nhau hay “lập pháp” không bao gôm “lập Hiến”.
Tôi đề nghị Hiến pháp sửa đổi quy định quyền lập Hiến thuộc về toàn dân, Quốc Hội chỉ thực hiện quyền lập pháp với các lý do sau đây.
1 – Chính thể Việt Nam là Cộng hòa đồng nghĩa nhân dân là chủ của đất nước. Do đó, chỉ nhân dân mới có quyền quyết định các vấn đề của đất nước và nhân dân thực hiện chủ quyền này của mình hoặc trực tiếp bằng lá phiếu trong khuôn khổ bầu cử Quốc Hội, Hội đồng nhân dân và trưng cầu ý dân hoặc gián tiếp thông qua các đại diện của mình ở Quốc Hội, Hội đồng nhân dân và cac cơ quan do các cơ quan dân cử bầu ra.
Trên tinh thần đó, những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, quan hệ đến vận mệnh quốc gia, mà đứng đầu là Hiến pháp phải được nhân dân trực tiếp quyết định bằng lá phiếu trong khuôn khổ trưng cầu ý dân hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất mà Hiến pháp 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nền Cộng hòa mà Bộ trưởng Cù Huy Cận phụ thân tôi là Tổng thư ký Ban Dự thảo – gọi là quyền phúc quyết của nhân dân ( Điều 21: Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh của quốc gia theo điều 32 và 70”; Điều 32: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ được nhân dân phúc quyết nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý”. Điều 70: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu; b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi; c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viên ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Nói cách khác, chừng nào Hiến pháp chưa được nhân dân trực tiếp làm ra dưới hình thức phúc quyết về Hiến pháp thì không thể nói nhân dân đã làm chủ đất nước hay Việt Nam đã có Dân chủ.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong điều kiện chiến tranh thì quyền phúc quyết của toàn dân về Hiến pháp và các vấn đề khác quan hệ đến vận mệnh quốc gia là không thể thực hiện được như trường hợp của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, điều này có nghĩa trong thời bình thì chủ quyền tối cao ấy của nhân dân quyết không thể bị từ chối bất kể vì lý do gì. Để nói việc Quốc Hội đã không đưa vào Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 quy định toàn dân phúc quyết về Hiến pháp để rồi vin vào đó không đưa hai đạo luật cơ bản này của nền Cộng hòa ra trưng cầu ý dân chỉ có thể là hành vi cố ý xâm phạm Dân chủ một cách nghiêm trọng nhất. Do đó, để vãn hồi nền Dân chủ thì không có cách nào khác là Hiến pháp, Hiến pháp sửa đổi quy định quyền lập Hiến thuộc về toàn dân.
2 – Điều 2 Hiến pháp quy định: “Có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp hàm thức, tư pháp”. Điều 2 Dự thảo quy định: “có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, cơ quan Nhà nước (Được hiểu ở đây là Quốc Hội) chỉ có quyền lập pháp chứ không có quyền lập Hiến.
Cụ thể, tôi đề nghị ghi vào Hiến pháp, Hiến pháp sửa đổi quyền lập Hiến của nhân dân như sau:
1) Chỉ nhân dân mới có quyền lập Hiến dưới hình thức phúc quyết về Hiến pháp, Hiến pháp sửa đổi trong khuôn khổ trưng cầu ý dân.
2) Quy trình lập Hiến như sau:
a) Mọi công dân, cơ quan, tổ chức có quyền đề xuất Hiến pháp, đề xuất sửa đổi Hiến pháp với Quốc Hội, Ủy ban thường vụ Quốc Hội vào bất cứ lúc nào.
b) Căn cứ đề xuất Hiến pháp, đề xuất sửa đổi Hiến pháp của công dân, cơ quan, tổ chức Quốc Hội quyết định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số Đại biểu Quốc Hội biểu quyết tán thành.
c) Quốc Hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
d) Dự thảo Hiến pháp, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được ít nhất hai phần ba tổng số Đại biểu Quốc Hội biểu quyết tán thành được đưa ra trưng cầu ý dân.
e) Trưng cầu ý dân chỉ hợp lệ khi có sự tham gia của quá nửa tổng số cử tri. Dự thảo Hiến pháp, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua sau khi được quá nửa tổng số cử tri tham gia trưng cầu ý dân biểu quyết tán thành.
IV – THỰC HIỆN “TAM QUYỀN PHÂN LẬP”
Điều 2 Hiến pháp quy định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trong Điều 2 Dự thảo có thêm từ “kiểm soát”: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiêm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Nếu như Hiến pháp tại Điều 83 xác định Quốc Hội thực hiện quyền lập pháp thì cơ quan Nhà nước nào thực hiện quyền hành pháp, cơ quan Nhà nước nào thực hiện quyền tư pháp vẫn chưa được làm rõ, điều này đương nhiên tác động tiêu cực đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Do đó việc Dự thảo quy định Chính phủ thực hiện quyền hành pháp tại Điều 99, Tòa án thực hiện quyền tư pháp tại Điều 107 bên cạnh việc tái khẳng định Quốc Hội thực hiện quyền lập pháp tại Điều 74 là hoàn toàn đúng đắn. Hơn thế nữa, với việc xác định quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, mỗi quyền có một chủ thể riêng biệt, tức ba quyền này được thực hiện độc lập với nhau, Dự thảo đã hoàn tất thiết lập thể chế “Tam quyền phân lập” đồng nghĩa quyền lực Nhà nước không phải là một thể thống nhất hay quyền lực Nhà nước không phải là thống nhất.
Thực ra, khái niệm “quyền lực Nhà nước là thống nhất” có nguồn gốc từ chế độ quân chủ chuyên chế trong đó mọi quyền lực Nhà nước như quyền đặt ra luật, quyền bổ nhiệm , bãi nhiệm các chức vụ trong bộ máy Nhà nước, quyền tối hậu trong điều hành công việc Nhà nước và trong xét xử điều nằm trong tay một người là vua. Nói cách khác, trong chế độ quân chủ chuyên chế Nhà nước là của vua hay bản thân vua là Nhà nước mà tuyên bố “Nhà nước là Ta” ( L’Etat, c’est moi) của vua Pháp Louis XIV (trị vì từ 1643 đến 1715) đã thể hiện không gì rõ hơn. Do đó, để Nhà nước là của dân, vì dân thì không có cách nào khác là phải lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế đồng nhất với việc phân chia quyền lực Nhà nước thành 3 quyền riêng biệt là lập pháp, hành pháp, tư pháp và mỗi quyền này được giao cho một cơ quan độc lập thực hiện đồng nghĩa thành viên của cơ quan thực hành quyền này không được là thành viên của cơ quan thực hành quyền kia, cụ thể là Nghị viện (Quốc Hội) thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Điêu đáng chú ý là một sự phân công quyền lực Nhà nước như vậy không chỉ nhằm tránh cai trị độc đoán khi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chỉ do một cơ quan thực hiện theo kiểu “quân chủ chuyên chế không vua” mà còn nhằm tránh lạm dụng quyền lực Nhà nước khi mỗi quyền được đặt trong sự kiểm soát của hai quyền kia. Học thuyết chính trị này được gọi là “Tam quyền phân lập” và đã được các nhà cách mạng tư sản dân quyền thực hiện thành công ở Châu Âu từ thế kỷ 16. Tóm lại, sự ra đời của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với mỗi quyền có chủ thể riêng biệt chính là sự phủ nhận tuyệt đối “quyền lực Nhà nước là thống nhất”. Ví như cái bánh một khi được cắt thành miếng thì không thể gọi đó là bánh nguyên cái nữa!
Do đó, việc Hiến pháp và Dự thảo một mặt đề ra các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng mặt khác khẳng định “quyền lực Nhà nước là thống nhất rõ ràng là phủ nhận “Tam quyền phân lập” hay khẳng định “Tam quyền nhất lập” theo đó 3 quyền này kết làm một bởi đều nằm trong tay của Đảng cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, hành xử của Đảng cộng sản Việt Nam là hành xử của “vua không ngai”, lẽ dĩ nhiên điều này chi gây hại cho Dân chủ, cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bài “Tam quyền nhất lập đồng lòng hại dân” mà tôi đã viết và công bố chính là nhắm tới xóa bỏ thể chế bê bối và phản pháp quyền này.
V - BỎ “LỰC LƯỢNG VŨ TRANG PHẢI TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH VỚI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, BẢO VỆ ĐẢNG, CHẾ ĐỘ XÃ HÔI CHỦ NGHĨA”
Điều 70 Dự thảo quy định: “Lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ Quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền , thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
Tôi đề nghị bỏ “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối với Đảng cộng sản Việt Nam bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa” ra khỏi Hiến pháp sửa đổi với những lý do sau:
1 - Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ quốc gia nào, việc Hiến định lực lượng vũ trang có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt vì nó liên quan đến vận mệnh của quốc gia, của toàn thể người dân và vì thế việc Hiến định này, bao gồm cả sửa đổi, cần phải được lý giải một cách rõ ràng, ngược lại là áp đặt, mà áp đặt tất sẽ gây động loạn trong xã hội.
Như chúng ta đa biết, không có bất cứ Hiến pháp Việt Nam nào kể cả Hiến pháp hiện hành, quy định “ lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, bảo vệ Đảng” cả. Do đó, nhất thiết phải có giải thích vì sao các Hiến pháp không có quy định này cũng như vì sao Dự thảo lại có quy định này. Thế nhưng trong “Thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” ngày 05/01/2013 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ thấy ghi: “Dự thảo khẳng định lực lượng vũ trang có nhiệm vụ tuyệt đối trung thành với Đảng và bảo vệ Đảng:! Nghĩa là áp đặt với hậu quả đã rõ!
2 – Điều 2 Hiến pháp và Điều 2 Dự thảo đều quy định: “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Như vậy, lực lượng vũ trang nhân dân với tư cách là một công cụ để thực hiện quyền lực Nhà nước đương nhiên là của nhân dân, thuộc về nhân dân như chính cái tên của lực lượng vũ trang này đã chỉ rõ, điều này đồng nghĩa lực lượng vũ trang nhân dân không thể trung thành với ai khác bảo vệ ai khác ngoài nhân dân và Tổ quốc! Nói cách khác, muốn quy định lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa (mục đích của Đảng cộng sản Việt Nam) thì Điều 2 Hiến pháp và Điều 2 Dự thảo phải được sửa thành “Nhà nước của Đảng cộng sản Việt Nam, do Đảng cộng sản Việt Nam, vì Đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam” cũng như phải loại bỏ “nhân dân” khỏi “lực lượng vũ trang nhân dân” cái đã! Tất nhiên khi tiến hành những thay đổi này thì đồng thời phải xóa bỏ nền Cộng hòa vì Cộng hòa đồng nhất với “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Mà đã xóa bỏ nền Cộng hòa thì hoặc phải tái lập chế độ quân chủ hoặc phải thiết lập một chính thể hoàn toàn mới mà “ Đảng chủ” chắc chắn là tên gọi thích hợp nhất! còn nếu những thay đổi chính trị nói trên là không thể thì lực lượng vũ trang nhân dân chỉ có thể trung thành với Tổ Quốc và nhân dân mà thôi!
3 – Nói một cách thực tế, ai nuôi lực lượng vũ trang thì nhận được sự trung thành và sự bảo vệ của lực lượng vũ trang. Do đó, việc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đang được nuôi bằng ngân sách Nhà nước, tức bằng tiền của nhân dân chứ không phải bằng đảng phí của Đảng cộng sản Việt Nam, huống hồ đảng này cũng đang hoạt động chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước, thì lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam chỉ có thể trung thành với nhân dân, bảo vệ nhân dân chứ tuyệt nhiên không thể trung thành và bảo vệ Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhân đây cũng cần khẳng định rằng lực lượng vũ trang không được “ ăn hai mang” không được cùng lúc nhận tiền từ ngân sách Nhà nước và từ đảng chính trị hoặc đối tượng khác. Còn một khi đã nhận tiền của đảng chính trị hoặc của đối tượng khác thì lực lượng vũ trang không thể là lực lượng vũ trang nhân dân hay lực lượng vũ trang quốc gia mà nhận tiền của đảng chính trị hoặc đối tượng khác thì là Nhà nước nhân dân đang “nuôi ong tay áo” bởi lực lượng vũ trang “ăn hai mang” này thủ tiêu chính quyền nhân dân vì lợi ích của đảng chính trị hay đối tượng khác chỉ còn là vấn đề thời gian!
4 – Tại lễ khai giảng khóa đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho cán bộ, học viên lá cờ thêu dòng chữ “Trung với Nước, Hiếu với Dân” và có nói: “Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau … Mong rằng anh em ở đây bao giờ cũng phải làm theo hai khẩu hiệu mà nó là cái mục đích của anh em “Trung với Nước, Hiếu với Dân”. Mà trong chính thể Cộng hòa thì Nước với Dân là một, “Trung với Nước” cũng là “Trung với Dân”. Lời căn dặn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm khẳng định lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng phải “phi đảng hóa” hay “phi chính trị hóa” để có thể toàn tâm chiến đấu vì Nước vì Dân. Do đó việc Dự thảo quy định “lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, bảo vệ Đảng, chủ nghĩa xã hội (mục đích của Đảng cộng sản Việt Nam) rõ ràng là chống lại chính Chủ tịch Hồ Chí Minh!
VI – THIẾT LẬP TÒA ÁN HIẾN PHÁP
Khoảng 6 năm trước, tôi đã tuyên bố trên phương tiện thông tin đại chúng là ở Việt Nam phải có cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp, cụ thể là Tòa bảo Hiến hay Tòa án Hiến pháp không chỉ vì có quá nhiều xâm phạm Hiến pháp gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia và công dân từ các cơ quan Nhà nước mà còn vì Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền đồng nghĩa Hiến pháp – đạo luật cơ bản của quốc gia được bảo vệ nghiêm cẩn bằng thiết chế, chứ không chỉ bằng ý chí, thì mới loại trừ và răn đe được sự cố ý làm trái Hiến pháp hay chí ít sự tùy tiện của các cơ quan Nhà nước trong làm luật và ban hành các văn bản dưới luật và các văn bản khác. Do đó tôi hoanh nghênh việc thiết lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp mà Dự thảo đề xuất dưới hình thức Hội đồng Hiến pháp.
Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định rằng cần thiết lập Tòa án Hiến pháp với những lý do sau:
Dự thảo quy định Hội đồng Hiến pháp kiến nghị Quốc Hội và các cơ quan Nhà nước khác xem xét lại, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình vi phạm Hiến pháp, kiểm tra tính hợp Hiến của điều ước quốc tế được ký kết. Như vậy, Hội đồng Hiến pháp chỉ có chức năng tư vấn, không có chức năng phán quyết về tính hợp Hiến của các văn bản do các cơ quan Nhà nước ban hành đồng nhất với quyền hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp và do đó Hội đồng Hiến pháp không thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp trong trường hợp các cơ quan Nhà nước có liên quan không thu hồi, hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp. Còn với chức năng phán quyết của mình, Tòa án Hiến pháp hủy bỏ các văn bản vi Hiến là không phải bàn cãi.
Trên thực tế, không chỉ các văn bản quy phạm pháp luật, tức có tính bắt buộc chung mà cả các văn bản chuyên biệt của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có tính bắt buộc đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức nhất định vi phạm Hiến pháp. Do đó, phạm vi điều chỉnh của Tòa án Hiến pháp là tất cả các văn bản có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp do các cơ quan Nhà nước ban hanh, bất luận quy phạm pháp luật hay không.
Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp có quyền phán quyết về các tranh chấp liên quan đến bầu cử Quốc Hội, bầu cử Tổng thống, Hội đồng nhân dân, kết quả trưng cầu ý dân, thực hiện chức năng đăng ký các đảng chính trị.
Mặc dầu vậy, “Hội đồng Hiến pháp” vẫn có thể được chấp nhận nếu cơ quan này có mọi chức năng của Tòa án Hiến pháp như tôi vừa nêu trên.
Bởi lẽ trên tôi đề nghị quy định về tòa án Hiến pháp (Hội dồng Hiến pháp) trong Hiến pháp sửa đổi như sau:
1 – Tòa án Hiến pháp (Hội đồng Hiến pháp) là cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp do Quốc Hội thành lập, các thành viên do Quốc Hội bầu trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Quốc Hội. Nhiệm kỳ của Tòa án Hiến pháp (Hội đồng Hiến pháp) kéo dài cho đến khi Quốc Hội khóa mới bầu ra các thành viên mới của Tòa án Hiến pháp.
2 – Tòa án Hiến pháp có chức năng:
a) Phán quyết về tính hợp Hiến của các văn bản do các cơ quan Nhà nước ban hành, hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp.
b) Phán quyết về các tranh chấp liên quan đến bầu cử Quốc Hội, bầu cử Tổng thống, bầu cử Hội đồng nhân dân, trưng cầu ý dân.
c) Đăng ký các đảng chính trị.
VII- NGĂN CHẶN CƠ QUAN NHÀ NƯỚC XÂM PHẠM QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN
Tôi đề nghị như sau:
1 - Dự thảo quy định “Quyền con người , quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng tại khoản 2 Điều 15 mà không quy định các giới hạn quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong luật tất dẫn đến việc các cơ quan Nhà nước ngoài Quốc Hội hay cơ quan lập pháp tùy tiện định ra các giới hạn quyền con người, quyền công dân để triệt tiêu chính các quyền này. Do đó, cần sửa lại quy định này của Dự thảo như sau “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Nhưng giới hạn quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong luật”.
2 - Bỏ quy định “ Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo vì quy định này trái với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là “Mọi người có thể làm những gì mà luật không cấm” (Ngược lại, cơ quan công quyền và công chức phải tuân theo nguyên tắc “chỉ được làm những gi mà luật cho phép” – Từ điển Bách Khoa Việt Nam).
Trên đây là những tâm huyết và cũng là trách nhiệm công dân của tôi trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nếu có vấn đề gì cần trao đổi, Quý Quốc Hội và Quý ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên hệ sớm với tôi và tôi sẵn sàng phục vụ quý vị.
Tôi mong sớm nhận được hồi âm từ quý vị.
Người yêu nước
Đã ký
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Nơi nhận:
- Như trên;
- Gia đình ông Cù Huy Hà Vũ; Bà Nguyễn Thị Dương Hà ( vợ)
- Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và các luật sư khác;
- Lưu.