24/12/13

Mùa Giáng Sinh Đầu Tiên Trên Đất Mỹ

Alan Phan
23/12/2013
Năm đầu tiên đến Mỹ, lễ Giáng Sinh 1963, đúng 50 năm về trước, tôi ngồi co ro trong căn phòng buốt giá (dù đã vặn hết lực máy sưởi), không dám bước ra ngoài trong tuyết lạnh của đồi núi Pennsylvania. Thằng bạn cùng toà nhà thấy tội nghiệp rủ tôi về ăn Noel với gia đình hắn, tại một trang trại nhỏ gần Altoona, cách trường 2 tiếng lái xe. Vậy là không những tôi sống qua 1 tuần ở nhà quê Mỹ, tôi còn tham dự một ngày lễ lớn với tất cả truyền thống của dân quê Mỹ, chân thành, mộc mạc và ấm cúng.
Dù không phải là nông dân ở Việt Nam, nhưng tôi đoán những anh Việt qua Mỹ lúc ban đầu đều ngố ngáo và rất “chân đất”. Cho nên tôi thủ vai trò này hoàn toàn hợp lý và suông sẻ.
Đó là những ngày lễ tuyệt vời trong đời sinh viên. Cùng xây những người tuyết (Snowman) với lũ trẻ, chơi touch football với các thành viên lớn hơn, đi lang thang trên con đường chính của thành phố (những trang trí vẫn rất nhiều sắc màu), qua công viên nhìn cây Noel cao không thể tưởng (10 anh trai trẻ chặt từ trên núi), cười đùa với các Santa Claus trước những tiệm mua sắm nhỏ (thế giới chưa có Walmart hay Target), và chọn quà thật rẻ (sinh viên không có tiền) gói gắm cẩn thận như gói cả tim mình.
Rồi đêm Noel. Đi lễ ở một nhà thờ nhỏ nhưng chật ních, không cả chỗ ngồi. Cùng nhau hát những bài hát cổ truyền vang khắp thung lũng. Bữa ăn trước nửa đêm có con gà tây hình như cũng cười cùng thực khách. Sáng hôm sau là những món quà trao tay từng người, hơn 40 trong một căn phòng khách chật hẹp quanh tiếng reo hò của các nhóm trai trẻ đang coi American football trên TV, nhấm nháp bia và gà, khoai tây chiên.
Vài ngày sau đó, tuyết tan, trời ấm lên một chút, và cô con gái chủ nhà dậy tôi cỡi ngựa. Sợ gần chết, nhưng trước mặt đàn bà thì phải làm anh hùng rởm vậy. Vả lại, con bé có mái tóc vàng ánh như thiên thần, dù hơi mập, nhưng vẫn là một nguồn cảm hứng cho thằng trai vừa lớn. Thực ra, cái cột đèn biết đi cũng đủ làm hormone của chúng tôi tuôn trào. Những thì giờ còn lại, cả bọn trai gái cùng nhau đi picnic (dã ngoại). Chiếc ca nô trôi giữa giòng suối lớn trong khu rừng thưa là thế giới chỉ thấy trong truyện cổ tích.
Đêm giao thừa, sau bữa ăn tối, cả bọn kéo nhau xuống phố, la cà từ bar này qua bar tiếp. Đứa nào cũng say mèm. Đúng 12 giờ, vài chục cây pháo bông do thành phố bắn lên, chỉ 5 phút nhưng cũng làm mọi người hưng phấn. Con bé tóc vàng ôm tôi hôn say đắm, không biết vì tục lệ hay vì say rượu. Bao quanh là tiếng cười và bài hát Auld Lang Syne lạc điệu.
Sáng hôm sau, gặp lại khi ngồi ăn sáng, con bé chào hỏi tôi lạnh nhạt như một người hàng xóm vừa qua nhà quấy rầy. Tôi im lặng. Trên đường về lại trường, thằng bạn cho biết là chị nó sắp đi lấy chồng vào tháng 4. Tôi nhủ thầm, “Tốt, ít nhất là không có cuộc tình tay ba nào rắc rối trước mặt”.
Tôi thấy mình thật may mắn trong chọn lựa. Thay vì lủi thủi cô quạnh ở căn phòng nội trú, tôi đã nhắm mắt vượt qua nỗi e ngại cá nhân; và kết quả là những ký ức thật tươi mát mỗi khi tìm lại. Trong đời sống, những lần nhắm mắt đưa chân để định mệnh dẫn dắt, tôi hay gặp những bất ngờ nhiều thú vị. Dĩ nhiên, cũng không thiếu những đau thương khốn khổ. Có lẽ vì vậy mà tôi hay khuyên các bạn trẻ BCA, hãy dành chút thì giờ để “đi loanh quoanh, để mình cuốn theo chiều gió”…Biết đâu?
50 năm đã trôi qua. Ngày đó, mỗi người Việt được Toà Đại Sứ tặng cho cuốn niên giám hàng năm có ghi tất cả địa chỉ tên tuổi mọi kiều bào trên đất Mỹ. Có khoảng hơn 400 người cả thảy. Mỗi khi đến thành phố lạ, chúng tôi gọi nhau và ai cũng hoan hỉ mời khách ghé thăm với những tô phở hay bún bò hơi tạp chế. Ngày nay, có hơn 2 triệu Việt Kiều, 16 ngàn du học sinh và cả trăm ngàn con cháu các Việt Kiều tại những đại học Mỹ. Tôi biết có nhiều bạn thấy một nhóm Việt Nam tụ họp là tìm lối khác tránh xa như sợ nhiễm bệnh.
Lúc đó, trên TV chỉ có 4 kênh chính (NBC, CBS, ABC, Fox) truyền những chương trình giống nhau đi khắp nước Mỹ. Hôm nay, hộp truyền hình cáp của nhà tôi có 186 kênh khác nhau. Nhưng nếu ngày xưa, chúng tôi xem TV gần 2 tiếng mỗi ngày, say sưa hấp thụ tinh hoa của thế giới; ngày nay, có khi cả tuần tôi không đụng đến TV. Rác rưởi văn hoá tràn khắp.
Dĩ nhiên, nếu nói về số lượng thì “tiến bộ đáng kể” đã thành một câu nói quen thuộc. Những phát minh từ công nghệ thông tin, của sự bùng nổ kiến thức và các thành phần tham gia, đã đưa con người đến tầm cao mới. Kiến thức trên đám mây chỉ từ Google không cũng nhiều gấp triệu lần Thư Viện Quốc Hội (Library of Congress), từng mang danh là lớn và nhiều tài liệu nhất thế giới.
Nhưng nhìn lại chất lượng, tôi thực sự không rõ trong số các sinh viên tốt nghiệp đại học, bao nhiêu có thể sánh nổi với các bậc tiền bối về tư duy phân tích, góc nhìn tổng thể, và một phong cách sống cân bằng trong bình an? Lớp trẻ bây giờ thỏng minh sớm, đầy kỹ năng và quá nhiều phương tiện để hoàn tất bất cứ điều gì mình theo đuổi, nhưng hình như đời sống tâm linh, ý chí sinh tồn, và bản năng đạo đức đã bị thay thế bởi sự chiếm hữu và danh lợi, tính ngạo mạn và hoang tưởng, cùng một tư duy ngắn hạn.
Do đó, dù có khống chế thế giới bên ngoài, các bạn trẻ của tôi đầy những bất an trong lòng. Ma tuý, rượu, thuốc an thần, bệnh đau bao tử…là những triệu chứng đầu tiên. Dĩ nhiên, đây chỉ là một góc nhìn phiến diện của cá nhân tôi, không dựa trên một luận cứ khoa học nào. Và tôi chỉ nói về lớp trẻ hiện sống ở Mỹ. Việt Nam thì phức tạp hơn nhiều, thôi thì …nhờ ơn Bác và Đảng vậy.
Mấy năm qua, tôi ăn lễ Giáng Sinh với đại gia đình. Cũng vẫn theo đúng tục lệ truyền thống của xã hội Mỹ với những món gà Tây, football, trao quà và đôi khi lễ đêm. Nhưng mỗi năm, sự xa cách khác biệt giữa những thế hệ, những lối sống cá nhân, những công việc cách kiếm tiền…càng ngày càng thể hiện qua sự tẻ nhạt. Mua sắm (shopping) gần như là mẫu số chung duy nhất.
Tôi không biết mùa Giáng Sinh 50 năm sau, mấy đứa con trai của tôi sẽ nghĩ và viết gì về những ký ức của một thời trai trẻ?
Alan Phan

Source Blog Alan Phan ( Goc nhin Alan )

23/12/13

Chúa Giêsu, đề tài nghiên cứu vô tận

THỨ HAI 23 THÁNG MƯỜI HAI 2013
Chúa Giêsu, đề tài nghiên cứu vô tận

Bìa sách "Jésus, cet homme inconnu" của tác  giả Christine Pedotti
Bìa sách "Jésus, cet homme inconnu" của tác giả Christine Pedotti
Thanh Phương
Đêm mai, đêm 24 sang ngày 25/12, hơn 2 tỷ người Công giáo trên thế giới mừng lễ Giáng Sinh, bởi vì đây là đêm mà theo Kinh Thánh Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, sinh ra nghèo hèn trong máng cỏ hang lừa Bêlem. Cho dù không phải là một tín hữu, ai cũng phải công nhận rằng Chúa Giêsu là một nhân vật quan trọng của lịch sử thế giới và tư tưởng của Ngài chính là một trong những nền tảng của văn minh nhân loại.
Hơn 2000 năm đã trôi qua, nhưng cho tới nay, Chúa Giêsu vẫn là đề tài nghiên cứu vô tận của các nhà sử học, các nhà tôn giáo học, ... Không biết bao nhiêu quyển sách, bài báo đã được viết về Chúa Giêsu, biết bao phim ảnh về Ngài đã được chiếu.
Cũng từ hai ngàn năm nay, Chúa Giêsu vẫn là một nhân vật mà chung quanh đó đã có biết bao chuyện hoang đường được thêu dệt. Chẳng hạn, như tại Châu Á, vẫn có một truyền thuyết cho rằng Chúa Giêsu thật ra không phải đã chết trên thập giá ở Jerusalem, mà sau khi bị tổng trấn Philatô tuyên án đóng đinh, Ngài đã lánh nạn đến tận miền bắc Nhật Bản ! Tại đây, Chúa Giêsu đã trở thành một nông gia làm nghề trồng tỏi và sống yên bình với vợ con cho đến khi qua đời một cách thanh thản ở tuổi 106 ( ! ) tại làng Shingo, trên đảo Honshu.
Đương nhiên là người Công giáo cũng như là nhiều người khác không tin vào những chuyện vô lý như vậy, thế nhưng mỗi năm, hàng ngàn khách hành hương vẫn kéo đến nghĩa địa mà người dân địa phương cho là nơi Chúa Giêsu yên giấc nghìn thu. Thậm chí tại làng này, có cả những người tự nhận là dòng họ của Chúa Giêsu, cho dù chưa bao giờ họ đặt chân đến nhà thờ !
Chúa Giêsu, Ngài là ai ?
Chúa Giêsu, thật sự Ngài là ai ? Nếu ta đặt câu hỏi này với một Giáo dân, thường thì câu trả lời sẽ rất đơn giản: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người và chịu đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Sau ba ngày, Ngài đã phục sinh và lên trời về với Chúa Cha. Đó là những gì mà Kinh Thánh dạy cho các tín hữu.
Nhưng đối với các nhà sử học thì câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: Chúa Giêsu đã tồn tại hay không? Câu hỏi này đã và vẫn tiếp tục gây nhiều tranh luận cho tới ngày hôm nay. Có những nhà nghiên cứu bác bỏ hoàn toàn sự hiện hữu lịch sử của Chúa Giêsu, những người khác thì công nhận Chúa Giêsu là một nhân vật có thật, nhưng cuộc đời của Ngài không giống như những gì mà Giáo hội rao giảng.
Trong suốt hàng mấy thế kỷ sau Công nguyên, Tân Ước vẫn được coi là chân lý bất di bất dịch, không ai được đụng đến. Nhưng đến cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, các nhà nghiên cứu bắt đầu mạnh dạn đặt lại nhiều vấn đề được nêu lên trong các sách Phúc Âm. Chính tại nước Đức, quê hương của đạo Tin Lành, mà các nhà sử học và thần học bắt đầu viết những cuốn sách về cuộc đời Chúa Giêsu. Tiêu biểu là cuốn sách của nhà thần học Đức David Strauss, mô tả Chúa Giêsu như là một bậc hiền triết, nhà tôn giáo và nhà tâm linh. Thành công của cuốn sách này đã thúc đẩy nhà sử học Pháp Ernest Renan viết cuốn sách « Cuộc đời Chúa Giêsu », xuất bản vào năm 1863, và được độc giả thời ấy tán thưởng nhiệt liệt. Cho tới nay đây vẫn là một trong những cuốn sách gối đầu giường của những nhà nghiên cứu về Thiên Chúa Giáo.
Khi viết hai cuốn sách nói trên, cả hai tác giả tiên phong Đức và Pháp đều dựa theo các sách Phúc Âm, kết hợp với những hiểu biết của họ về thế giới Do Thái và La Mã thời ấy, chứ không bàn đến chuyện Giêsu có phải là Con Thiên Chúa hay không. Chính vì thế mà cả hai ông Strauss và Renan đều bị Giáo hội Công giáo kịch liệt lên án.
Nhưng phong trào nghiên cứu về nhân vật Giêsu vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay. Bây giờ thì không chỉ các lãnh đạo của Hội Thánh Tin Lành, mà ngay cả của Giáo hội Công Giáo cũng chấp nhận rằng các sách Phúc Âm có thể là đề tài nghiên cứu mang tính phê phán. Ngay cả cựu Giáo hoàng Benedicto 16, nguyên là một nhà thần học Công giáo, gần đây cũng đã cho xuất bản công trình nghiên cứu của Ngài gồm 3 cuốn sách về Chúa Giêsu. Tuy tác giả các cuốn sách này tỏ ra rất thận trọng, nhưng nếu mà Giáo hoàng viết như vậy cách đây 100 năm, thì chắc chắn Ngài đã bị Giáo hội « khai trừ » rồi !
Trong số các nghiên cứu mới nhất về Chúa Giêsu có một cuốn sách vừa được xuất bản tại Pháp, tựa đề « Jésus, cet homme inconnu » ( Giêsu, con người xa lạ này ). Tác giả là bà Christine Pedotti, tổng biên tập tạp chí Công giáo Témoignage chrétien và đã từng viết nhiều sách về đức tin Ky-tô giáo. Nhà báo Pedotti có một cái nhìn đặc biệt về Chúa Giêsu theo cảm nhận của một phụ nữ Công giáo, khiến cho Đấng Cứu Thế trở thành một nhân vật rất gần gũi, rất « đương thời ».
Trong cuốn sách, nhà báo Pedotti trình bày sen kẻ nhau những đoạn kể chuyện sống động với những đoạn giải thích, tổng hợp những nghiên cứu mới nhất về Chúa Giêsu, giúp người đọc có thể tiếp thu dễ dàng, với cảm tưởng như đang sống lại thời kỳ cách đây 2000 năm, theo chân Ngài đi qua các làng mạc, nghe những lời rao giảng của Ngài.
Về phần Giáo hội Công Giáo cũng phải cố bắt kịp nhịp sống của thời đại Internet. Để góp phần quảng bá về Chúa Giêsu cho người Công giáo cũng như không Công giáo, vào tháng trước, Hội đồng Giám mục Pháp vừa « khai trương » một trang mạng về Chúa Giêsu ( jesus.chatholique.fr ) và một trong nhưng câu hỏi mà trang mạng này giải đáp, đó là : « Chúa Giêsu thật sự đã hiện hữu ? ».
Theo giải đáp của Cha Michel Garat, một trong những cộng tác viên của trang mạng này, trước hết, người ta có thể khẳng định Chúa Giêsu là có thật, dựa trên các sách Phúc âm, các Thư Thánh Phaolô. Nhưng theo Cha Michel Garat, ngay cả các nguồn không phải là Thiên chúa giáo cũng có đề cập đến nhân vật Giêsu.
Thực tế đúng là như thế. Như trong cuốn sách viết năm 44 sau Công nguyên, một trong những nhà sử học lớn của đế chế La Mã Tacitus đã từng viết rằng, người Kytô Giáo được gọi như vậy là vì họ là đồ đệ của Christ, « người mà tổng trấn Philatô giao hành hình » ( Annales, XV. 44.5 ).
Hay trong cuốn sách Cổ đại Do Thái viết vào nhữnng năm 93-94 sau Công nguyên, tức là cuối thế kỷ thứ nhất, nhà sử học Do Thái nổi tiếng Flavius Josephus, đã có một đoạn ngắn nói về một người mà ông gọi là « bậc hiền triết »: « Giêsu đã làm các phép lạ, đã thu hút nhiều người Hy Lạp và Do Thái, đã bị các lãnh đạo Do Thái tố giác và đã bị đóng đinh; các đồ đệ của ông vẫn tin vào ông, Giêsu đã sống lại và đã hiện ra cho họ thấy ».
Còn theo giáo sư Rémi Gounelle, thuộc Đại học Thần học Tin Lành Strasbourg, vào những năm đầu tiên của Kytô giáo, những người thờ đa thần ( paien ) và những người Do Thái Giáo đã cực lực chống tôn giáo mới này. Nếu họ nghi ngờ sự tồn tại của Chúa Giêsu, thì họ đã rêu rao ngay điều đó để bêu xấu các tín đồ Kytô giáo sơ khởi, chứ làm gì chịu để yên!
Nói chung, bên ngoài Giáo hội, ngày nay hầu như không có nhà sử học, nhà nghiên cứu nào phản bác những bằng chứng xác thực về nhân vật Giêsu.
Chúa Giêsu sinh ngày nào ?
Nhưng có nhiều điểm mà cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi về cuộc đời của Chúa Giêsu, mà đầu tiên là vấn đề về ngày sinh của Ngài, mà nay nhiều nhà nghiên cứu, kể cả Giáo hoàng Benedicto 16, xác định không phải là ngày 25/12.
Các sách Phúc Âm không hề đưa ra ngày sinh cụ thể nào, thậm chí không nói rõ là Chúa Hài đồng đã mở mắt chào đời vào mùa nào. Phúc âm theo Thánh Máccô và Phúc âm theo Thánh Gioan lại không đề cập đến sự kiện này, còn Phúc âm theo thánh Mátthêu chỉ nói là Chúa sinh ra « vào thời Vua Hêrôđê ». Theo lịch sử, Vua Hêrôđê trị vì hơn 30 năm, từ năm 37 đến năm 4 trước CN.
Còn theo Phúc âm thánh Luca, Mẹ Maria, lúc ấy đang mang thai, phải đi đến Bêlem, nơi mà Giuse chồng bà phải có mặt để được kiểm tra dân số « trong khắc cả thiên hạ », theo lệnh của Hoàng đế Augúttô, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Nhưng làm sao Chúa Giêsu có thể sinh ra vào thời Vua Hêrôđê, chết vào năm 4 trước CN, mà lại có thể được kiểm tra dân số dưới thời « ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria », vào năm 6 sau CN, tức là 10 năm sau? Như vậy, theo Thánh Luca, Chúa Giêsu sinh ra vào thời điểm mà theo thánh Mátthêu lẽ ra Ngài đã được 10 tuổi.
Cũng theo Phúc âm theo Thánh Luca, khi Ðức Giêsu khởi sự rao giảng, « Người trạc ba mươi tuổi », vào một thời điểm được xác định là cuối năm 27 hoặc đầu năm 28 sau CN. Trong Phúc âm theo Thánh Gioan lại có đoạn:
« Ông Ápraham là cha các ông
đã hớn hở vui mừng
vì hy vọng được thấy ngày của tôi.
Ông đã thấy và đã mừng rỡ
 ».
Người Dothái nói: « Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Ápraham! »
Làm sao mà Chúa Giêsu khi gặp Thánh Gioan Tẩy Giả vào khoảng năm 30 tuổi, mà chỉ vài năm sau đã là « chưa được năm mươi tuổi » ?. Như vậy phải chăng Chúa Giêsu đã sinh ra trước 20 năm so với thời điểm mà chúng ta vẫn tưởng ?
Rõ ràng là các tác giả của những Phúc Âm ít quan tâm đến ngày sinh của Chúa Giêsu hơn là chúng ta. Từ khoảng năm 200 sau Công nguyên đã có một nhà thần học nêu lên các giả thuyết về ngày sinh của Chúa, đó là các tháng 3, tháng 4 hoặc tháng 5, chứ không hề có ai nói đến ngày 25/12.
Trong một thời gian dài, Ngày Chúa Giáng Sinh được ghi lúc này lúc khác. Tổ phụ Clément d'Alexandrie đề nghị mừng lễ Noel ngày 19/4, nhưng cũng có nhiều người chủ trương ngày 18/4 hoặc 24/3 hoặc 29/5. Các Giáo hội Phương Đông mừng Chúa ra đời ngày 6/1.
Xem lại lịch sử tôn giáo ta sẽ thấy là thật ra đến thế kỷ thứ 4, Giáo hội mới chính thức ấn định ngày sinh của Chúa Hài đồng. Cụ thể là sau nhiều tranh cãi gay gắt, mãi đến cuối triều đại Hoàng đế Constantin ( qua đời năm 337 ), Giáo hội Công giáo La Mã mới dứt khoát chọn ngày 25/12 là ngày Chúa Giáng sinh, thay thế cho ngày lễ thần Mặt trời, Mythra.
Giải thích thường được đưa ra nhất đó là Giáo hội muốn ngày lễ Giáng sinh trùng với một những ngày lễ đã có của những người thờ đa thần thời ấy, mà những ngày lễ thường tập trung vào mùa Đông. Mục đích là để thúc đẩy sự bành trướng của Thiên chúa giáo thuở ban đầu. Nhưng một số nhà sử học thì vẫn bác bỏ giải thích ấy, cho rằng nó không có cơ sở lịch sử.
Hai thế kỷ sau, Dionysius Exiguus, một trong những tu sĩ La Mã uyên thâm nhất thời đó, đề nghị thay thế kỷ nguyên Dioclétien ( tên một vị Hoàng Đế La Mã ) bằng Công Nguyên, với khởi điểm là Ngày chúa Giáng sinh, mà ông đặt vào năm 753 của La Mã ( tức là năm -1 của Dương Lịch ). Nhưng nhiều nghiên cứu lịch sử cho thấy là Dionysius Exiguus đã nhầm ít nhất là bốn năm! Thành ra, ví dụ như năm 2000 lẽ ra phải là năm 2004!
Bây giờ chính Cựu Giáo hoàng Benedicto 16, nguyên là một giáo sư thần học, cũng nhìn nhận rằng Chúa Giêsu không phải hạ sinh ngày 25/12. Trong cuốn sách thứ ba viết về cuộc đời của Chúa Giêsu, xuất bản năm ngoái, Ngài đã nêu ra những sai lầm trong việc xác định ngày và năm sinh của Đấng Cứu Thế và theo Giáo hoàng Benedicto 16, đúng hơn là Chúa Giêsu đã xuống thế làm người từ cách đó 6 hoặc 7 năm, chứ không phải cách đây 2013 năm. Nhưng Giáo hoàng Benedicto 16 cũng nhắc nhở rằng sai lầm về tính toán ngày sinh không có nghĩa Chúa Giêsu là một nhân vật hư cấu, mà thật sự Ngài đã sinh ra vào một thời kỳ cụ thể và tại một nơi cụ thể.
Chúa Giêsu thời niên thiếu
Nhưng thật sự thì chúng ta biết được những gì về Chúa Giêsu, ngoài những lời rao giảng và một số chi tiết được nêu trong các sách Phúc Âm, chẳng hạn như về thời niên thiếu của Ngài ?
Chúa Giêsu trải qua thời thơ ấu ở Nazaret, vùng Galilea. Cho đến năm 5 tuổi, Thánh Giuse là người dạy dỗ cho Chúa Giêsu thấm nhuần những nguyên tắc chính của đạo Do Thái. Nhưng sao đó thì không biết là Chúa Giêsu có đến trường hay không, vì cho đến năm 66 sau Công Nguyên, giáo dục mới trở thành bắt buộc đối với trẻ nhỏ. Nhưng một điều chắc chắn là theo tục lệ thời đó, người cha truyền nghề cho người con. Cho nên, Chúa Giêsu vừa học chữ, vừa học nghề của Thánh Giuse.
Cũng theo tục lệ thời ấy, đến năm 10 tuổi, các em phải học vào trường Giáo luật Do Thái. Đến năm 12 hoặc 13 tuổi thì rời trường này. Những em thông minh nhất thì được nhận vào trường « chuyên sâu », được cùng với người lớn ngồi nghe những lời thuyết giảng của các thầy giảng ( rabbi ) uyên thâm nhất. Bản thân một số em sau này cũng có thể trở thành thầy giảng. Chính vì được học trong trường này, mà khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã có thể đối đáp rành mạch với những người pharisien và những thầy giảng rabbi khác.
Năm 12 tuổi, cậu thiếu niên Giêsu nay có thể theo bố mẹ trong những lần hành hương, nhất là hành hương đến Thánh Địa Jerusalem vào dịp Phục Sinh. Từ Nazaret đến Jerusalem đi bộ phải mất bốn ngày đường. Vào những lúc đó, Thánh Địa đông nghẹt người, dân số bình thuờng khoảng 50 ngàn tăng gần gấp đôi. Khách hành hương đến từ những nơi đôi khi rất xa. Họ dựng lều ở tạm trên đồi Cây Olive hoặc nếu có kiếm nhà trọ trong những ngôi làng kế cận Jerusalem.
Thời thanh niên, Chúa Giêsu làm gì ?
Theo Sách Phúc Âm theo Thánh Máccô, dân làng Nazaret đã rất ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu khôn ngoan và làm được các phép lạ. Họ liền hỏi nhau: « Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao ? ». Nhưng trong Phúc Âm theo Thánh Mátthêu, thì câu hỏi này lại biến thành: « Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao ?»
Thật ra, chữ « thợ mộc » có thể là không chính xác. Theo giáo sư James Tabor, Đại học North Carolina, theo tiếng Hy Lạp, chữ tektone có nghĩa rộng hơn thợ mộc, tức là cũng có thể được hiểu như là "thợ xây". Nhất là vì ở xứ Galilê thời ấy, danh từ đó có lẽ dùng để nói về những người thợ làm nghề đá. Sách Phúc Âm theo Thánh Giacôbê cũng nói rằng Thánh Giuse là thợ xây nhà. Đúng là thời đó, nhà cửa chủ yếu xây bằng đá, gỗ chỉ được dùng để làm cửa hoặc sườn nóc nhà. Hơn nữa, những đồi núi Palestine rất cằn cổi, gỗ là thứ nguyên liệu rất hiếm. Bản thân Chúa Giêsu khi rao giảng cũng thường hay dùng những ẩn dụ về xây đá, chứng tỏ rất có thể Ngài rất rành về nghề này.
Chúa Giêsu có phải là con một?
Đây cũng là câu hỏi mà các nhà sử học nghiên cứu về Chúa Giêsu thường đặt ra, bởi vì nếu chiếu theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu dường như có nhiều anh em.
Sách Phúc Âm theo thánh Luca khi nói về gia đình của Chúa Giêsu đã « liệt kê » một danh sách ít nhất là sáu người con và Chúa Giêsu có vẻ là con cả của gia đình đông con này. Nhưng thế thì em trái và em gái của Chúa Giêsu là ai?
Khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy trong hội đường Do Thái Giáo ở Nazareth, cử tọa đã ngạc nhiên hỏi: « Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?» Như vậy chẳng phải Chúa Giêsu có ít nhất 6 em trai, em gái là gì. Bốn người em trai của Chúa Giêsu đều mang tên của các tổ phụ. Có thể đây là dấu hiệu cho thấy gia đình Chúa Giêsu tuân thủ rất nghiêm chỉnh truyền thống Do Thái Giáo. Hai người em gái không được nêu tên cũng là điều dễ hiểu, vì đó là thời của chế độ gia trưởng.
Nhưng đó là căn cứ theo Phúc Âm theo Thánh Luca. Trên thực tế, vào thế kỷ thứ 2, giới Kytô giáo đã bất đồng với nhau về chuyện này. Đã nói là Đức Mẹ Đồng Trinh, thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần, vậy những người con kia sinh ra như thế nào? Nếu sinh ra một cách bình thường thì hóa ra Đức Mẹ không phải là đồng trinh trọn đời à ?
Thánh Jerôme là Giáo phụ đầu tiên khẳng định rằng, những người anh em của Chúa Giêsu thật ra là anh em bà con, chứ không phải anh em ruột. Vốn là một nhà ngôn ngữ học và rất rành tiếng Do Thái, Thánh Jerôme lập luận rằng, trong tiếng Do Thái, chữ « ach » vừa có nghĩ là « anh em », nhưng vừa có nghĩa là « anh em bà con ». Khi dịch sang tiếng Hy Lạp Kinh Thánh Do Thái, bản dịch Septante chuyển « ach » thành "« adelphos », chỉ có nghĩa là « anh em ». Cho nên, trong các Phúc Âm chỉ nói là anh em của Chúa Giêsu.Nhưng vấn đề là lập luận của Thánh Jerôme khó đứng vững. Theo nhà nghiên cứu Mỹ John P.Meier, trong tiếng Hy Lạp, chữ « adelphos » không bao giờ bao hàm luôn cả « anh em bà con ».
Thành ra có những người khác đưa ra giả thuyết rằng, danh từ « anh em » ở đây thật ra có nghĩa là anh em đồng đạo, giống như người pharisien thường nói với nhau trong nội bộ. Khi thánh Phaolồ viết trong Thư gửi tín hữu Ga-Lát: « Tôi đã không gặp một vị Tông Ðồ nào khác ngoài Giacôbê, người anh em của Chúa », ý Ngài muốn nói trên anh em đồng đạo. Ai cũng thấy là người « anh em » đó đã có vai trò quan trọng như thế nào, vì Thánh Giacôbê đã được chỉ định là lãnh đạo Hội Thánh Jerusalem.
Các Phúc Âm rất ít khi nói về gia đình Chúa Giêsu. Nhưng khi nói đến thì lại đưa ra những chi tiết khá kỳ lạ. Chẳng hạn như Phúc Âm theo Thánh Máccô viết : « Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí ». Vì sao gia đình của Chúa lại có phản ứng như vậy?
Còn bản thân Chúa Giêsu thì nói gì về gia đình của Ngài? Hãy đọc Phúc Âm theo Thánh Máccô, chương 3 : « Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!" Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi ».
Thật ra, theo tác giả Daniel Marguerat, tác giả cuốn « Jesus, ses frères et ses soeurs », qua những câu nói trên, Chúa Giêsu không hề có ý đả phá thiết chế gia đình, mà muốn nhấn mạnh đến việc con người được Thiên Chúa tha thứ, xóa tội, bất kể người đó thuộc phe nhóm nào, thuộc làng xã nào hay thuộc quốc gia nào.
Chúa Giêsu và nữ Thánh Maria Mácđala
Trong các nghiên cứu về Chúa Giêsu, nếu có nhân vật nào làm tốn hao giấy mực nhất, thì đó có lẽ là Maria Mácđala. Bà là nữ Thánh nổi tiếng nhất trong các nữ Thánh, ngoại trừ Mẹ Maria. Theo các sách Phúc Âm, Maria Mácđala là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng cuộc sống của bà sau đó là như thế nào, người ta chẳng được biết bao nhiêu. Thành ra có rất nhiều huyền thoại được thêu dệt chung quanh nhân vật này ngay từ những thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên. Các hoạ sĩ thời xưa cũng đua nhau tôn vinh nữ Thánh Maria Mácđala, sắc đẹp biểu tượng cho đức tin Kytô giáo.
Ngay cả đến bây giờ, sức hấp dẫn của Maria Mácđala vẫn không suy giảm. Bằng chứng là cuốn sách Da Vinci Code của Dan Brown, khai thác huyền thoại Maria Mácđala, đã lôi cuốn không biết bao nhiêu là độc giả trên toàn thế giới, cho dù tác giả đã nhấn mạnh đây chỉ là tác phẩm hư cấu. Sử dụng một cách tài tình những địa danh có thật, những nhân vật trong Phúc Âm, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, những chức sắc Giáo hội trong lịch sử và những tổ chức bí ẩn, Dan Brown đã « xào nấu » lại một giả thuyết có từ ngàn xưa: Maria Mácđala là.. . tình nhân của Chúa Giêsu, đã có với Ngài một đứa con và Giáo hội sau đó đã làm đủ mọi cách để «ém nhẹm » việc này.
Giả thuyết này có lẽ xuất phát từ những Phúc Âm như Phúc Âm theo Thánh Maria, mà người ta cho là của Maria Mácđala, nhưng nguồn gốc chính xác không biết là từ đâu và được chép lại vào đầu thế kỷ thứ 5. Sách này mô tả Maria Mácđala như là người bạn gái rất thân của Chúa Giêsu, người mà Chúa truyền dạy những điều bí hiểm nhất.
Nhưng nhìn từ khía cạnh lịch sử, câu hỏi được đặt ra vẫn là: Maria Mácđala thật sự là ai? Nếu chỉ đọc bốn quyển Phúc Âm chính thống, thì thật khó mà có lời giải đáp cho câu hỏi này. Sách Phúc Âm theo Thánh Luca khi kể về Chúa Giêsu đi qua các làng mạc, thành phố để loan báo Tin Mừng, có đoạn: « Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh, trong đó có bà Maria Mácđala ».
Đoạn văn này đáng chú ý hơn nữa là vì trong các Phúc Âm, các phụ nữ ít khi nào được kể tên. Mặt khác, sau khi đã trung thành theo Chúa cho đến khi Ngài chịu đóng đinh trên thập giá và sau khi đã dự vào việc chôn cất Chúa, bà đã cùng với các phụ nữ khác mua dầu và thuốc thơm để tẩm liệm cho Ngài : « Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền » ( Phúc Âm theo Thánh Luca ). Maria Mácđala cũng là người đầu tiên nhìn thấy Chúa sống lại từ cõi chết.
Nhưng về sau, vai trò của Maria Mácđala nói riêng và các phụ nữ nói chung trong Giáo hội dần dần bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Điều này được thể hiện qua một đoạn trong Sách Phúc Âm. Khi Maria Mácđala giải thích cho các Thánh Tông đồ về những gì mà Chúa Giêsu giảng dạy cho bà, Thánh Phêrô đã phản ứng: « Làm sao mà Thầy có thể nói cho một phụ nữ những bí mật mà chúng ta không biết? Chẳng lẽ chúng ta phải nghe người phụ nữ này? Có đúng là Thầy đã chọn và ưu ái bà ấy hơn chúng ta ?».
Trong cuốn sách « Jésus, cet homme inconu », tác giả Christine Pedotti nhấn mạnh rằng, phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Pedotti ghi nhận là các bà đã được đặt ngang hàng với 12 Thánh Tông Đồ, tức là nằm trong số những người rất thân cận với Chúa Giêsu. Nhà báo Pedotti lấy làm tiếc là các nhà nghiên cứu về Chúa Giêsu cho tới nay đã không nêu bật điều đó.
Lý giải mà tác giả đưa ra là các sách Phúc Âm chủ yếu đã được đọc và được bình phẩm bởi những người đàn ông, trong những xã hội mà phụ nữ không được quyền nói và quyền được giáo dục. Bà Pedotti rất đồng cảm với những phụ nữ, đã bỏ cả chồng con để theo chân Chúa Giêsu, đã ở bên Ngài cho đến khi Ngài chịu đóng đinh trên thập giá, trong khi các Thánh Tông đồ, kể cả Thánh Phêrô, chạy tứ tán như rắn mất đầu.
Cái độc đáo trong cuốn sách của Pedotti đó là bà chia sẽ niềm say mê của bà với nhân vật Giêsu, như nữ thánh Maria Mácđala, như một người phụ nữ bị quyến rũ bởi một người đàn ông đầy sức hấp dẫn.
Có thể nói là chúng ta hiện có cả một bộ Bách Khoa Toàn Thư về Chúa Giêsu và bộ sách này, trong 1000 năm hay 2000 năm sẽ còn được bổ sung thêm nhiều cuốn nữa và có lẽ sẽ không bao giờ dứt, bởi vì Chúa Giêsu là đề tài nghiên cứu vô tận.

Source : RFI

22/12/13

Bryan Ferry, tình khúc vang bóng một thời dandy



Bryan Ferry, tình khúc vang bóng một thời dandy


The Jazz Age, tập nhạc gần đây nhất của Bryan Ferry (www.jazzalavillette.com)
The Jazz Age, tập nhạc gần đây nhất của Bryan Ferry (www.jazzalavillette.com)
Tuấn Thảo
Năm 2013 đánh dấu 40 năm sự nghiệp solo của Bryan Ferry. Anh là một trong những gương mặt hiếm thấy của làng nhạc quốc tế, thành công trong sự nghiệp hát đơn cũng như hát chung với nhóm Roxy Music. Ngoài việc tái bản bộ toàn tập Roxy Music gồm 10 cuộn CD, anh còn cho ra mắt một tuyển tập gồm 40 ca khúc tiêu biểu cho bốn thập niên vừa qua.
Nhắc đến Bryan Ferry, trước hết người ta nghĩ tới một tướng mạo, một phong cách. Ca sĩ này luôn có vóc dáng chải chuốt bảnh bao, hào hoa phong nhã của một dandy, càng lớn tuổi càng đẹp lão. Bryan Ferry còn có một chất giọng đặc biệt, không khỏe khoắn làn hơi như các tenor hát nhạc pop, không đa tình mượt trầm như các crooner, nhưng Bryan Ferry có lối nén câu nhã chữ khác lạ, hát nhiều với giọng ngực, nhất là trong các bản tình ca. Với sở trường đó, Bryan Ferry trụ vững trong làng nhạc trong bốn thập niên. Tính đến nay, anh đã cho ra mắt 14 album, bán gần 40 triệu bản trên toàn thế giới.
Sinh năm 1945 tại County Durham, vương quốc Anh, Bryan Ferry lớn lên trong một gia đình khiêm tốn, bố anh làm vịệc trong một nông trại. Nhờ có năng khiếu, nên sau trung học, Bryan ghi tên vào trường Mỹ thụât thuộc đại học Newcastle. Thầy của anh là họa sĩ Richard Hamilton, nổi tiếng nhờ nghệ thụât pop art. Đồ họa, nhiếp ảnh, cắt dán : ba chuyên môn này sẽ gợi hứng sau đó cho Bryan Ferry thực hiện các tập nhạc dựa trên một ý tưởng xuyên suốt, một khái niệm chủ đạo, từ âm thanh cho đến hình bìa.

Năm anh 22 tuổi, Bryan Ferry đến Luân Đôn để lập nghiệp. Thời gian đầu, anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống : bạn bè bảo anh nên tập viết bài để kiếm tiền nhuận bút với các tờ báo chuyên về mỹ thuật, Bryan làm thử nhưng không thành nhưng thay vì nản chí, anh lại chuyển qua viết nhạc, mò mẫm sáng tác.
Trong giai đoạn này, Bryan Ferry gửi các bài hát đến các hãng đĩa, cũng như đi hát thử cho nhiều ban nhạc trẻ thời bấy giờ, trong đó có nhóm nhạc rock King Crimson. Chính cũng vì anh bị nhiều lần từ chối, không ai chịu hát hay ghi âm sáng tác của anh, mà Bryan Ferry mới quyết định tự thành lập ban nhạc vào cuối năm 1970 : nhóm Roxy Music.
Ngoài Bryan Ferry, nhóm này còn có hai thành viên quan trọng khác là Phil Manzanera và Brian Eno. Roxy Music cho ra mắt album đầu tay vào năm 1972, nhưng đến khi chuẩn bị phát hành album thứ nhì, những bất đồng nội bộ do tánh tình và quan điểm quá khác biệt, cho nên nhóm Roxy Music suýt nữa rã đám. Brian Eno tách ra riêng và nổi danh sau đó nhờ tài hoà âm cừ khôi cộng tác vứi nhiều nghệ sĩ tên tuổi từ nhóm U2 cho tới Coldplay. Còn Bryan Ferry thì ở lại trong nhóm nhưng lại hay quyết định mọi thứ và muốn mọi người làm theo ý mình.

Mối bất hoà này có thể giải thích vì sao Bryan Ferry khởi đầu một sự nghiệp solo song song với hành trình của nhóm Roxy Music. Cùng với ban nhạc, anh thử nghiệm tìm tòi những âm thanh mới với sự góp sức của các thành viên khác như tác giả Phil Manzanera, còn khi hát một mình anh xen kẽ các bản cover (ghi âm lại) với sáng tác của riêng mình.
Nổi danh từ năm 1973 trên cả hai phương diện : hát chung lẫn hát riêng, giọng ca của Bryan Ferry tỏa sáng trong vòng một thập niên liền. Đến năm 1982, ban nhạc Roxy Music tan rã, cho dù đang thành công. Các thành viên trong nhóm cho rằng Bryan Ferry nổi tiếng là một người cầu toàn khó tính, đầu óc bướng bĩnh, tính khí thất thường.
Mỗi lần ghi âm, Bryan Ferry có thể thu đi thu lại cả chục lần cho đến khi nào vừa ý mới thôi. Nhưng cũng chính sự tỉ mỉ trau chuốt ấy mới tạo nên cái âm thanh khác lạ, đầy sắc thái bóng bẫy của nhóm Roxy Music. Ban nhjac này trở thành dấu gạch nối giữa trường phái phiêu diêu của nhóm Pink Floyd và nhạc rock hào nhoáng của David Bowie.

Ban nhạc Roxy Music rã đám sau vòng lưu diễn châu Âu vào đầu những năm 1980. Trong lúc cả nhóm đang có mặt tại Đức thì cả thế giới nghe hung tin John Lennon vừa bị ám sát tại New York. Để tưởng niệm thành viên quá cố của nhsom Tứ Quái The Beatles, Bryan Ferry mới ghi âm lại ca khúc Jealous Guy do John Lennon sáng tác trên tập nhạc Imagine. Được phát hành vào tháng Ba năm 1981, ca khúc này phá kỷ lục số bán và có phần vượt trội so với nguyên tác.
Ca khúc Jealous Guy là một trường hợp ngoại lệ vì nhóm Roxy Music ít khi nào ghi âm lại các bài hát đã từng ăn khách. Khi muốn thu thanh các bản cover, thì Bryan Ferry thường đưa các bài hát vào trong các album solo của mình. Nam ca sĩ người Anh từng hát nhạc của Bob Dylan hay Carole King, của Elvis hay là của nhóm Rolling Stones.
Sau khi nhóm Roxy Music chia tay, Bryan Ferry tiếp tục sự nghịệp solo từ năm 1983 trở đi và gặt hái khá nhiều thành công cho đến đầu những năm 2000. Đến năm 2001, Roxy Music tái hợp cho một vòng lưu diễn đặc biệt Dự án ghi âm một album hoàn toàn mới với các thành viên nguyên thủy kể cả Brian Eno được lên kế họach nhưng rốt cuộc lai không thành.

Một mình, Bryan Ferry tiếp tục cuộc hành trình vào lúc mà hào quang sự nghiệp bắt đầu bị lu mờ. Dường như anh mất cảm hứng sáng tác, êkíp hoà âm làm việc chung với nam ca sĩ này cũng không tài ba bằng lớp đi trước. Album gần đây nhất của Bryan Ferry mang tựa đề The Jazz Age (Kỷ nguyên nhạc jazz) chủ yếu là các bài ghi âm lại theo lối chơi nhạc jazz của những năm 1920-1930, một số bản nhạc đã được chọn để minh họa cho bộ phim The Great Gatsbsy của đạo diễn người Úc Baz Luhrmann.
Chất giọng của Bryan Ferry đã già đi, ít còn phong độ trên sân khấu như thuở nào, nhất là vào thời anh ngự trị trên đỉnh cao với các tình khúc như Slave To Love hay Don’t Stop the Dance (1985). Nhưng Bryan Ferry vẫn lịch lãm trong phong cách, sang trọng trong lối ăn mặc. Vào tháng 3 năm nay, báo The Guardian từng bình chọn anh làm một trong những nhân vật ăn mặc hợp gu đúng điệu. Một đại gia hào hoa phong nhã, tuy không phải là The Great Gatsbsy, nhưng Bryan Ferry vẫn trung thành với cái biệt danh The Great Dandy.

Source : RFI

LÊ NIN

 Thái Bá Tân . 
Năm kia, đi hội nghị,
Tôi trở lại nước Nga,
Muốn tìm con phố cũ
Mà tìm mãi không ra.
Tôi gặp cậu cảnh sát.
“Ông hỏi phố Lênin?
Không có tên phố ấy.
Chỉ có phố Elsin.”
Biết tôi, anh ngốc nghếch,
Phố đổi tên từ lâu,
Mà còn tìm đến hỏi,
Hắn giễu tôi, lắc đầu:
“Lênin là ai nhỉ?
Chưa nghe tên bao giờ.”
Thực ra là hắn biết,
ghét ông, nên giả vờ.
*
Liên quan đến thần tượng,
Phải khẳng định một điều:
Lênin là vô địch,
Được thờ như giáo điều.
Ông nổi tiếng hơn Chúa.
Sách nhiều hơn Thánh Kinh.
Tượng cả trong hẽm phố.
Tư tưởng trong giáo trình.
Mà tôi, thằng trai ngốc,
Tuổi chưa đến hai mươi,
Thế là tin sái cổ.
Ông Lênin nhất đời.
Ông, lãnh tụ vĩ đại
Của giai cấp công nông.
Ông, ngọn đuốc rực sáng
Soi đường cho phương Đông.
Như người dân Xô-viết,
Trong một thời gian dài,
Đương nhiên tôi đã nghĩ
Lênin không thể sai.
*
Sau hội nghị lần ấy
Tôi đi chơi một ngày.
Thủ đô nước Nga mới
Không mới, cũng chẳng hay.
Giá cả cao ngất ngưởng,
Người Nga mặt đăm chiêu,
công khai ghét người Việt.
Người da đen cũng nhiều.
Quảng trường Đỏ vẫn thế.
Vẫn thế lăng Lênin,
Không ai xếp hàng viếng,
Thậm chí chẳng ai nhìn.
Tượng ông bị đập hết.
Cả tượng đồng chí ông.
Lênin ư? Không biết.
Báo không nói một dòng.
Ngọn đuốc tắt, cờ gãy.
Xe cẩu cẩu đầu ông,
Cứ như bị treo cổ.
Dẫu sao cũng chạnh lòng.
Hậm hực, tôi đi tiếp,
Không một lần ngoái nhìn.
Gã cảnh sát cười khẩy:
“Giờ còn hỏi Lênin!”
Lại đi, lại hậm hực,
Lầm lũi giữa ban trưa,
Với cảm giác chua xót
Nửa thế kỷ bị lừa.
Thái Bá Tân . 

Trong khi chúng ta bận thảo luận về hiến pháp và lý thuyết XHCN…..


Trong khi chúng ta bận thảo luận về hiến pháp và lý thuyết XHCN…..

Thế giới vẫn làm việc
 (Tổng hợp tin Yahoo và CBS 20/12/2013)
BOEING 797

Một máy bay khổng lồ chở 1000 hành khách trên chặng đường 16.000 km ở vận tốc 0.88 mach, tương đương với 1061/km/giờ.
Dưới đây là giấc mơ mà Mỹ đã ra công sức từ lâu để thực hiện. Những hình ảnh do một phó nhòm tài tử chụp được
Thiết kế cuẳ chiếc Boeing 797 này gồm việc kết hợp cánh và thân máy bay làm một, doTrung Tâm Nghiên Cứu cuả Cơ Quan Quản Trị Hàng Không & Không Gian NASA cuả Mỹ thực hiện .

Con chim khổng lồ này có sải cánh (envergure) là 265 feet (khoảng 87 mét) (so với 70 mét cuả 747) và sẽ có thể sử dụng những đường bay thiết kế riêng cho máy bay Airbus A-380 mà sải cánh là 262 feet (khoảng 86 mét).Máy bay B-797 là một thách thức trực tiếp cuả Boeing Mỹ trước A-380 Airbus cuả châu Âu, là hãng đã đạt được 159 đơn đặt hàng chắc chắn. Việc cho ra chiếc B-797 có mục đích để … đè bẹp chiếc A-380…

Chiếc A-380 đã nằm trên sàn thiết kế từ năm 1999 với phí tổn chi ra đã là 13 tỷ, thì coi như đã tạo lợi thế cho Boeing 797, vì chiếc Airbus vẫn lệ thuộc vào lối thiết kế kinh điển, dùng thân máy bay chở người, mà vài thập niên tới đây sẽ trở nên lỗi thời.Chiếc B-797 trên thực tế được coi là “cánh bay” chứ không còn là “máy bay” nưã!

Ngày giờ chính xác B-797 được đua vào sử dụng thì chưa biết chắc, nhưng trận chiến giành ưu thế trong vận chuyển hàng không dân sự coi như đã được hoạch định thật rõ ràng.



Source : Goc nhin Alan 

Mua vũ khí Nga : Việt Nam sẽ vượt Trung Quốc

RFI

Mua vũ khí Nga : Việt Nam sẽ vượt Trung Quốc

Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga (Ảnh : naval-technology.com)
Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga (Ảnh : naval-technology.com)

Trọng Nghĩa
Theo một viện nghiên cứu Nga, trong khoảng thời gian từ năm nay 2013 cho đến năm 2016, Trung Quốc sẽ chỉ đứng thứ tư trong danh sách các bạn hàng mua vũ khí của Nga, tụt 2 hạng so với giai đoạn 2005-2013. Từ nay đến năm 2016, thứ hạng đầu vẫn là Ấn Độ, theo sau là Irak, và đứng thứ ba là Việt Nam.

Theo bản tin trên mạng của báo Đài Loan Want China Times, trích dẫn một bản phúc trình do Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới (Centre for Analysis of World Arms Trade) công bố ngày 13/12/2013 vừa qua, Ấn Độ, Irak và Việt Nam hoàn toàn có thể là ba bạn hàng vũ khí hàng đầu của Nga trong thời kỳ 2013-2016.
Trung tâm nghiên cứu này dự báo là bộ ba nói trên gộp lại sẽ bảo đảm khoảng 51,24% tổng doanh thu ngành xuất khẩu vũ khí của Nga, với Ấn Độ hơn hẳn các nước đi sau, chiếm 32,75%, tiếp theo là Iraq (với 9,87%) và Việt Nam (với 8,92%).
Dự báo trên đây là một thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ của Việt Nam trong doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga chỉ là 4,86%, đứng hàng thứ năm, trong khi Irak, với 0,54%, đứng thứ bảy. Ba vị trí đầu do Ấn Độ, Trung Quốc, và Algeri nắm giữ. Chính từ năm 2005, mà New Delhi đã vươn lên giành lấy vị trí đầu bảng của Bắc Kinh.
Theo các nhà phân tích, nhân tố thúc đẩy Hà Nội cấp tốc quay sang phía Matxcơva để tìm mua vũ khí với những khối lượng đáng kể, chính là các hành vi hung hăng của Trung Quốc đe dọa, sách nhiễu Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là từ năm 2009, khi Bắc Kinh công khai hóa tấm bản đồ hình lưỡi bò đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Nổi bật trong danh mục vũ khí Việt Nam đã và sẽ tiếp tục mua vẫn là các loại phương tiện dùng để phòng thủ vùng biển, từ thương vụ mua 6 chiếc tàu ngầm kí lô, 4 chiếc khu trục hạm lớp Gepard, hàng chục chiến đấu cơ trang bị phương tiện chống tàu ngầm, cho đến các hệ thống tên lửa khác nhau dùng để phòng không, chống hạm, chống ngầm hay phòng thủ bờ biển.
Một bản tin của Đài Tiếng nói nước Nga hôm 16/11 vừa qua đã trích dẫn ông Igor Korotchenko, Tổng biên tập của một chuyên san quốc phòng Nga, thẩm định rằng trong tương lại, trị giá các giao dịch về vũ khí Nga-Việt có thể lên đến hàng chục tỷ đô la.

Source : RFI