22/12/13

Bryan Ferry, tình khúc vang bóng một thời dandy



Bryan Ferry, tình khúc vang bóng một thời dandy


The Jazz Age, tập nhạc gần đây nhất của Bryan Ferry (www.jazzalavillette.com)
The Jazz Age, tập nhạc gần đây nhất của Bryan Ferry (www.jazzalavillette.com)
Tuấn Thảo
Năm 2013 đánh dấu 40 năm sự nghiệp solo của Bryan Ferry. Anh là một trong những gương mặt hiếm thấy của làng nhạc quốc tế, thành công trong sự nghiệp hát đơn cũng như hát chung với nhóm Roxy Music. Ngoài việc tái bản bộ toàn tập Roxy Music gồm 10 cuộn CD, anh còn cho ra mắt một tuyển tập gồm 40 ca khúc tiêu biểu cho bốn thập niên vừa qua.
Nhắc đến Bryan Ferry, trước hết người ta nghĩ tới một tướng mạo, một phong cách. Ca sĩ này luôn có vóc dáng chải chuốt bảnh bao, hào hoa phong nhã của một dandy, càng lớn tuổi càng đẹp lão. Bryan Ferry còn có một chất giọng đặc biệt, không khỏe khoắn làn hơi như các tenor hát nhạc pop, không đa tình mượt trầm như các crooner, nhưng Bryan Ferry có lối nén câu nhã chữ khác lạ, hát nhiều với giọng ngực, nhất là trong các bản tình ca. Với sở trường đó, Bryan Ferry trụ vững trong làng nhạc trong bốn thập niên. Tính đến nay, anh đã cho ra mắt 14 album, bán gần 40 triệu bản trên toàn thế giới.
Sinh năm 1945 tại County Durham, vương quốc Anh, Bryan Ferry lớn lên trong một gia đình khiêm tốn, bố anh làm vịệc trong một nông trại. Nhờ có năng khiếu, nên sau trung học, Bryan ghi tên vào trường Mỹ thụât thuộc đại học Newcastle. Thầy của anh là họa sĩ Richard Hamilton, nổi tiếng nhờ nghệ thụât pop art. Đồ họa, nhiếp ảnh, cắt dán : ba chuyên môn này sẽ gợi hứng sau đó cho Bryan Ferry thực hiện các tập nhạc dựa trên một ý tưởng xuyên suốt, một khái niệm chủ đạo, từ âm thanh cho đến hình bìa.

Năm anh 22 tuổi, Bryan Ferry đến Luân Đôn để lập nghiệp. Thời gian đầu, anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống : bạn bè bảo anh nên tập viết bài để kiếm tiền nhuận bút với các tờ báo chuyên về mỹ thuật, Bryan làm thử nhưng không thành nhưng thay vì nản chí, anh lại chuyển qua viết nhạc, mò mẫm sáng tác.
Trong giai đoạn này, Bryan Ferry gửi các bài hát đến các hãng đĩa, cũng như đi hát thử cho nhiều ban nhạc trẻ thời bấy giờ, trong đó có nhóm nhạc rock King Crimson. Chính cũng vì anh bị nhiều lần từ chối, không ai chịu hát hay ghi âm sáng tác của anh, mà Bryan Ferry mới quyết định tự thành lập ban nhạc vào cuối năm 1970 : nhóm Roxy Music.
Ngoài Bryan Ferry, nhóm này còn có hai thành viên quan trọng khác là Phil Manzanera và Brian Eno. Roxy Music cho ra mắt album đầu tay vào năm 1972, nhưng đến khi chuẩn bị phát hành album thứ nhì, những bất đồng nội bộ do tánh tình và quan điểm quá khác biệt, cho nên nhóm Roxy Music suýt nữa rã đám. Brian Eno tách ra riêng và nổi danh sau đó nhờ tài hoà âm cừ khôi cộng tác vứi nhiều nghệ sĩ tên tuổi từ nhóm U2 cho tới Coldplay. Còn Bryan Ferry thì ở lại trong nhóm nhưng lại hay quyết định mọi thứ và muốn mọi người làm theo ý mình.

Mối bất hoà này có thể giải thích vì sao Bryan Ferry khởi đầu một sự nghiệp solo song song với hành trình của nhóm Roxy Music. Cùng với ban nhạc, anh thử nghiệm tìm tòi những âm thanh mới với sự góp sức của các thành viên khác như tác giả Phil Manzanera, còn khi hát một mình anh xen kẽ các bản cover (ghi âm lại) với sáng tác của riêng mình.
Nổi danh từ năm 1973 trên cả hai phương diện : hát chung lẫn hát riêng, giọng ca của Bryan Ferry tỏa sáng trong vòng một thập niên liền. Đến năm 1982, ban nhạc Roxy Music tan rã, cho dù đang thành công. Các thành viên trong nhóm cho rằng Bryan Ferry nổi tiếng là một người cầu toàn khó tính, đầu óc bướng bĩnh, tính khí thất thường.
Mỗi lần ghi âm, Bryan Ferry có thể thu đi thu lại cả chục lần cho đến khi nào vừa ý mới thôi. Nhưng cũng chính sự tỉ mỉ trau chuốt ấy mới tạo nên cái âm thanh khác lạ, đầy sắc thái bóng bẫy của nhóm Roxy Music. Ban nhjac này trở thành dấu gạch nối giữa trường phái phiêu diêu của nhóm Pink Floyd và nhạc rock hào nhoáng của David Bowie.

Ban nhạc Roxy Music rã đám sau vòng lưu diễn châu Âu vào đầu những năm 1980. Trong lúc cả nhóm đang có mặt tại Đức thì cả thế giới nghe hung tin John Lennon vừa bị ám sát tại New York. Để tưởng niệm thành viên quá cố của nhsom Tứ Quái The Beatles, Bryan Ferry mới ghi âm lại ca khúc Jealous Guy do John Lennon sáng tác trên tập nhạc Imagine. Được phát hành vào tháng Ba năm 1981, ca khúc này phá kỷ lục số bán và có phần vượt trội so với nguyên tác.
Ca khúc Jealous Guy là một trường hợp ngoại lệ vì nhóm Roxy Music ít khi nào ghi âm lại các bài hát đã từng ăn khách. Khi muốn thu thanh các bản cover, thì Bryan Ferry thường đưa các bài hát vào trong các album solo của mình. Nam ca sĩ người Anh từng hát nhạc của Bob Dylan hay Carole King, của Elvis hay là của nhóm Rolling Stones.
Sau khi nhóm Roxy Music chia tay, Bryan Ferry tiếp tục sự nghịệp solo từ năm 1983 trở đi và gặt hái khá nhiều thành công cho đến đầu những năm 2000. Đến năm 2001, Roxy Music tái hợp cho một vòng lưu diễn đặc biệt Dự án ghi âm một album hoàn toàn mới với các thành viên nguyên thủy kể cả Brian Eno được lên kế họach nhưng rốt cuộc lai không thành.

Một mình, Bryan Ferry tiếp tục cuộc hành trình vào lúc mà hào quang sự nghiệp bắt đầu bị lu mờ. Dường như anh mất cảm hứng sáng tác, êkíp hoà âm làm việc chung với nam ca sĩ này cũng không tài ba bằng lớp đi trước. Album gần đây nhất của Bryan Ferry mang tựa đề The Jazz Age (Kỷ nguyên nhạc jazz) chủ yếu là các bài ghi âm lại theo lối chơi nhạc jazz của những năm 1920-1930, một số bản nhạc đã được chọn để minh họa cho bộ phim The Great Gatsbsy của đạo diễn người Úc Baz Luhrmann.
Chất giọng của Bryan Ferry đã già đi, ít còn phong độ trên sân khấu như thuở nào, nhất là vào thời anh ngự trị trên đỉnh cao với các tình khúc như Slave To Love hay Don’t Stop the Dance (1985). Nhưng Bryan Ferry vẫn lịch lãm trong phong cách, sang trọng trong lối ăn mặc. Vào tháng 3 năm nay, báo The Guardian từng bình chọn anh làm một trong những nhân vật ăn mặc hợp gu đúng điệu. Một đại gia hào hoa phong nhã, tuy không phải là The Great Gatsbsy, nhưng Bryan Ferry vẫn trung thành với cái biệt danh The Great Dandy.

Source : RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét