Alan Phan
23/12/2013
Năm đầu tiên đến Mỹ, lễ Giáng Sinh 1963, đúng 50 năm về trước, tôi ngồi co ro trong căn phòng buốt giá (dù đã vặn hết lực máy sưởi), không dám bước ra ngoài trong tuyết lạnh của đồi núi Pennsylvania. Thằng bạn cùng toà nhà thấy tội nghiệp rủ tôi về ăn Noel với gia đình hắn, tại một trang trại nhỏ gần Altoona, cách trường 2 tiếng lái xe. Vậy là không những tôi sống qua 1 tuần ở nhà quê Mỹ, tôi còn tham dự một ngày lễ lớn với tất cả truyền thống của dân quê Mỹ, chân thành, mộc mạc và ấm cúng.
Dù không phải là nông dân ở Việt Nam, nhưng tôi đoán những anh Việt qua Mỹ lúc ban đầu đều ngố ngáo và rất “chân đất”. Cho nên tôi thủ vai trò này hoàn toàn hợp lý và suông sẻ.
Đó là những ngày lễ tuyệt vời trong đời sinh viên. Cùng xây những người tuyết (Snowman) với lũ trẻ, chơi touch football với các thành viên lớn hơn, đi lang thang trên con đường chính của thành phố (những trang trí vẫn rất nhiều sắc màu), qua công viên nhìn cây Noel cao không thể tưởng (10 anh trai trẻ chặt từ trên núi), cười đùa với các Santa Claus trước những tiệm mua sắm nhỏ (thế giới chưa có Walmart hay Target), và chọn quà thật rẻ (sinh viên không có tiền) gói gắm cẩn thận như gói cả tim mình.
Rồi đêm Noel. Đi lễ ở một nhà thờ nhỏ nhưng chật ních, không cả chỗ ngồi. Cùng nhau hát những bài hát cổ truyền vang khắp thung lũng. Bữa ăn trước nửa đêm có con gà tây hình như cũng cười cùng thực khách. Sáng hôm sau là những món quà trao tay từng người, hơn 40 trong một căn phòng khách chật hẹp quanh tiếng reo hò của các nhóm trai trẻ đang coi American football trên TV, nhấm nháp bia và gà, khoai tây chiên.
Vài ngày sau đó, tuyết tan, trời ấm lên một chút, và cô con gái chủ nhà dậy tôi cỡi ngựa. Sợ gần chết, nhưng trước mặt đàn bà thì phải làm anh hùng rởm vậy. Vả lại, con bé có mái tóc vàng ánh như thiên thần, dù hơi mập, nhưng vẫn là một nguồn cảm hứng cho thằng trai vừa lớn. Thực ra, cái cột đèn biết đi cũng đủ làm hormone của chúng tôi tuôn trào. Những thì giờ còn lại, cả bọn trai gái cùng nhau đi picnic (dã ngoại). Chiếc ca nô trôi giữa giòng suối lớn trong khu rừng thưa là thế giới chỉ thấy trong truyện cổ tích.
Đêm giao thừa, sau bữa ăn tối, cả bọn kéo nhau xuống phố, la cà từ bar này qua bar tiếp. Đứa nào cũng say mèm. Đúng 12 giờ, vài chục cây pháo bông do thành phố bắn lên, chỉ 5 phút nhưng cũng làm mọi người hưng phấn. Con bé tóc vàng ôm tôi hôn say đắm, không biết vì tục lệ hay vì say rượu. Bao quanh là tiếng cười và bài hát Auld Lang Syne lạc điệu.
Sáng hôm sau, gặp lại khi ngồi ăn sáng, con bé chào hỏi tôi lạnh nhạt như một người hàng xóm vừa qua nhà quấy rầy. Tôi im lặng. Trên đường về lại trường, thằng bạn cho biết là chị nó sắp đi lấy chồng vào tháng 4. Tôi nhủ thầm, “Tốt, ít nhất là không có cuộc tình tay ba nào rắc rối trước mặt”.
Tôi thấy mình thật may mắn trong chọn lựa. Thay vì lủi thủi cô quạnh ở căn phòng nội trú, tôi đã nhắm mắt vượt qua nỗi e ngại cá nhân; và kết quả là những ký ức thật tươi mát mỗi khi tìm lại. Trong đời sống, những lần nhắm mắt đưa chân để định mệnh dẫn dắt, tôi hay gặp những bất ngờ nhiều thú vị. Dĩ nhiên, cũng không thiếu những đau thương khốn khổ. Có lẽ vì vậy mà tôi hay khuyên các bạn trẻ BCA, hãy dành chút thì giờ để “đi loanh quoanh, để mình cuốn theo chiều gió”…Biết đâu?
50 năm đã trôi qua. Ngày đó, mỗi người Việt được Toà Đại Sứ tặng cho cuốn niên giám hàng năm có ghi tất cả địa chỉ tên tuổi mọi kiều bào trên đất Mỹ. Có khoảng hơn 400 người cả thảy. Mỗi khi đến thành phố lạ, chúng tôi gọi nhau và ai cũng hoan hỉ mời khách ghé thăm với những tô phở hay bún bò hơi tạp chế. Ngày nay, có hơn 2 triệu Việt Kiều, 16 ngàn du học sinh và cả trăm ngàn con cháu các Việt Kiều tại những đại học Mỹ. Tôi biết có nhiều bạn thấy một nhóm Việt Nam tụ họp là tìm lối khác tránh xa như sợ nhiễm bệnh.
Lúc đó, trên TV chỉ có 4 kênh chính (NBC, CBS, ABC, Fox) truyền những chương trình giống nhau đi khắp nước Mỹ. Hôm nay, hộp truyền hình cáp của nhà tôi có 186 kênh khác nhau. Nhưng nếu ngày xưa, chúng tôi xem TV gần 2 tiếng mỗi ngày, say sưa hấp thụ tinh hoa của thế giới; ngày nay, có khi cả tuần tôi không đụng đến TV. Rác rưởi văn hoá tràn khắp.
Dĩ nhiên, nếu nói về số lượng thì “tiến bộ đáng kể” đã thành một câu nói quen thuộc. Những phát minh từ công nghệ thông tin, của sự bùng nổ kiến thức và các thành phần tham gia, đã đưa con người đến tầm cao mới. Kiến thức trên đám mây chỉ từ Google không cũng nhiều gấp triệu lần Thư Viện Quốc Hội (Library of Congress), từng mang danh là lớn và nhiều tài liệu nhất thế giới.
Nhưng nhìn lại chất lượng, tôi thực sự không rõ trong số các sinh viên tốt nghiệp đại học, bao nhiêu có thể sánh nổi với các bậc tiền bối về tư duy phân tích, góc nhìn tổng thể, và một phong cách sống cân bằng trong bình an? Lớp trẻ bây giờ thỏng minh sớm, đầy kỹ năng và quá nhiều phương tiện để hoàn tất bất cứ điều gì mình theo đuổi, nhưng hình như đời sống tâm linh, ý chí sinh tồn, và bản năng đạo đức đã bị thay thế bởi sự chiếm hữu và danh lợi, tính ngạo mạn và hoang tưởng, cùng một tư duy ngắn hạn.
Do đó, dù có khống chế thế giới bên ngoài, các bạn trẻ của tôi đầy những bất an trong lòng. Ma tuý, rượu, thuốc an thần, bệnh đau bao tử…là những triệu chứng đầu tiên. Dĩ nhiên, đây chỉ là một góc nhìn phiến diện của cá nhân tôi, không dựa trên một luận cứ khoa học nào. Và tôi chỉ nói về lớp trẻ hiện sống ở Mỹ. Việt Nam thì phức tạp hơn nhiều, thôi thì …nhờ ơn Bác và Đảng vậy.
Mấy năm qua, tôi ăn lễ Giáng Sinh với đại gia đình. Cũng vẫn theo đúng tục lệ truyền thống của xã hội Mỹ với những món gà Tây, football, trao quà và đôi khi lễ đêm. Nhưng mỗi năm, sự xa cách khác biệt giữa những thế hệ, những lối sống cá nhân, những công việc cách kiếm tiền…càng ngày càng thể hiện qua sự tẻ nhạt. Mua sắm (shopping) gần như là mẫu số chung duy nhất.
Tôi không biết mùa Giáng Sinh 50 năm sau, mấy đứa con trai của tôi sẽ nghĩ và viết gì về những ký ức của một thời trai trẻ?
Alan Phan
Source Blog Alan Phan ( Goc nhin Alan )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét