21/1/10

Đặng Tiến : Mấy lối giảng thơ

Mấy lối giảng thơ



Giảng thơ có nhiều lối. Chữ trinh kia cũng còn ba bảy đường, huống nữa chữ thơ.

Thơ có thể gợi tả, hoặc tố cáo thực trạng xã hội như tiểu thuyết ; thơ có thể phản ánh hoàn cảnh tâm lý như kịch ; thi nhân cũng có thể suy tưởng như triết nhân ; thơ có thể giảng dạy luân lý như Nhị Thập Tứ Hiếu, hay lịch sử như Đại Nam Quốc Sử diễn ca. Tất cả các thi loại đó, nếu được gọi là thơ, phải có một thừa số chung, là chất thơ, ngày nay gọi là thi pháp.

Ba bảy đường trong địa bàn của thơ, cuối cùng, đều quay về một hướng. Cảm thơ, là nhận ngay ra được mặt trời ; giảng thơ, là dò hỏi từng đóa hướng dương. Những cành hướng dương vô tội.

Giảng thơ có nhiều lối, nghĩa là có nhiều giai đoạn, nhưng không phải là những trường đình hay đoản đình tiễn đưa người biệt xứ, mà là, xa xa, những cụm mây vàng nơi Tần Lĩnh hay ngọn mây bạc trên đỉnh Thái Hàng, và gần gần, là mái tranh, là gốc khế, những cái mốc lắng đợi người về.

Truyện Kiều là một rừng thơ nhiều nẻo, là một vườn hồng nhiều màu ; các cụ dùng cái gương « lấy hiếu làm trinh » để dạy dỗ con em, cũng như người dùng chất hoa hồng làm thuốc trị ho ; bậc tân học Trương Tửu đã từng dùng phân tâm học, giải Kiều bằng bệnh trạng của Nguyễn Du, cũng như vị kỹ sư canh nông giải thích hương hoa hồng bằng mùi phân bón. Gần đây hơn, tại miền Nam, các vị giáo sư uyên bác đem thuyết hiện sinh để giảng Kiều, và trong lúc đó, tại miền Bắc, nền văn nghệ hiện thực xem truyện Kiều như một cáo trạng xã hội, cũng như người xem giọt sương hoa như những giọt mồ hôi của nhân dân. Lối giải thích nào cũng có cái lý của nó, có ích lợi của nó, tùy hoàn cảnh. Tôi nói những cành hướng dương vô tội là vì vậy.

*

Lối kiến giải ý nghĩa của thơ có ích ở chỗ nó cho ta cái cớ đầu tiên để yêu thơ. Yêu, có cái duyên và cái cớ. Chàng trai mười tám tuổi về thưa với mẹ xin cưới một cô gái làm bếp khéo, bà mẹ hiểu ngay là con mình mê nhan sắc ; nếu cậu ta xin cưới một cô gái vì đức hạnh, người mẹ sẽ hiểu con mình phải lòng một người đàn bà có gia cảnh hay nhan sắc chỉ trung bình. Mượn lời ví von của ca dao ta có thể nói : yêu thơ, một là duyên, hai là nợ, ba là tình.

Trong bài này chúng ta sẽ xét lại một số phương pháp vẫn thường dùng để giảng thơ. Cách phân tích hình thức theo hình dung. Đây là lối giải thích đắc dụng ở nhà trường, thường được học sinh hưởng ứng. Ta thường quan niệm thơ phải diễn tả cái gì ; và khi hình thức câu thơ rập khuôn với đối tượng, ta cho là tinh vi, là ý nhị. Ví dụ câu đầu của bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Thực :

Bến Tầm dương canh khuya đưa khách


Hai chữ đầu và cuối vần trắc cao như hai bờ sông, ở giữa là mặt nước thấp, rộng, bằng phẳng như năm thanh bằng liên tiếp. Có người kể lại rằng Chế Lan Viên nói ra điều đó. Xuân Diệu rất thích âm điệu câu thơ này, và chúng ta biết trong thể thất ngôn, Xuân Diệu sử dụng thanh bằng liên tiếp rất tài, như trong câu :

Mây vẩn từng không, chim bay đi

(Đây mùa thu tới)

Nguyễn Hiến Lê, trong một cuốn sách Luyện văn, giải thích : năm thanh bằng liên tiếp gợi hình ảnh đàn chim xếp hàng ngang bay tới. Ông khen câu thơ Bàng Bá Lân :

Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa

(Trưa hè)

Nhạc điệu gợi lên hình ảnh cánh đồng lượn sóng, tôi không nhớ Nguyễn Hiến Lê giải thích ra sao. Theo tôi trên bảy từ đã có sáu điệp âm (êm+đềm, lụa+lúa, trôi+trên) thật ra câu này mượn cả ý lẫn nhạc điệu một câu thơ Pháp :

Une ondulation majestueuse et lente

(Midi, Leconte de Lisle)

Câu thơ cũng gợn sóng nhờ những nguyên âm dài, phải đọc chậm và những nguyên âm đôi (diphtongue). Bản thân tôi có lần, trên báo Văn – cách đây đã lâu – đã dùng lối « tượng hình » để giảng thơ bà Huyện Thanh Quan (ngày nay được xem như của Hồ Xuân Hương) :

Xanh om cổ thụ tròn xoe tán

Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.

Câu trên những nguyên âm tròn : o, ô, u gợi hình tròn của tàn cây ; còn âm ang bằng phẳng, là mặt sông bao la. Hai câu thơ, mười bốn chữ dùng toàn hai nguyên âm o và a.

(nguyên âm ở đây phải hiểu là những nguyên âm trong tiếng nói, chứ không phải là trong chữ viết. Thời đó tác giả viết bằng chữ nôm. Bạn đọc giỏi chữ Nôm hay chữ Hán có thể phân tích vẻ đẹp của thơ xưa một cách sâu rộng hơn. Vì chữ Hán, chữ Nôm là những hình ảnh vừa của thị giác vừa của thính giác, còn mẫu tự la tinh chỉ là những ký hiệu ngữ âm, theo quy ước độc đoán. Thơ Hán nôm và thơ quốc ngữ, cái hay có phần khác nhau).

Trong Xuân Diệu, ta thường bắt gặp những âm thanh tượng hình như trong bài Đây Mùa Thu Tới đã dẫn :

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.


Những âm cong, do nguyên âm đôi, i, u, và nhất là ba lần uôn vẽ ra dáng cây thùy liễu (cái chữ !) rũ cành xuống thấp.

Đến như câu :

Những luồng run rẩy rung rinh lá


Thì dụng công của tác giả lộ liễu quá, câu thơ kém thi vị. Độc giả chuộng câu này hơn :

Cành biếc run run chân ý nhi

Cũng niềm mong manh, mà kín đáo hơn.

Âm điệu tượng hình, chúng ta chỉ mới xem xét âm thanh, nhưng còn tiết điệu nữa :

Nửa chừng xuân / thoắt gẫy cành thiên hương (Kiều)


Ai cũng biết câu Kiều này, nhịp ngắt phải thất thường, so le, 3-5, thì mới có nghĩa ; nhịp điệu gãy đổ của câu lục bát gợi được hình ảnh của cành cây bất ngờ bị gãy một cách tàn nhẫn. Như vậy, nhịp cũng có nội dung của nó, đề này cần đào sâu thêm.

Bài Tống biệt của Tản Đà, dùng thể từ khúc tạo được nhịp thơ lạ :

Đá mòn, rêu nhạt,

Nước chảy, huê trôi,

Cái hạc bay lên vút tận trời


Nhịp thơ đang ngắt quãng, bỗng dưng câu sau kéo dài, phải đọc nhanh, vẽ lên không trung một đường bay hun hút.

Câu sau đây của Bàng Bá Lân, nhịp bình thường của thất ngôn nhưng đắc dụng, vì cô lập được cánh diều lặng đứng trong không gian :

Đứng lặng trong mây / một cánh diều

Cũng như thơ Xuân Diệu :

Đã vắng người sang / những chuyến đò

Nhịp 4-3 cổ điển, nhưng tạo được khoảng im lặng giữa câu thơ gợi nên bến đò vắng lặng.

Người sành thơ Pháp liên tưởng đến một câu nổi tiếng của Ronsard, thế kỷ 16, nhịp lạ đời : 6-4-2 :

Comme on voit sur la branche / au mois de mai / la rose

Như tríu cành xuân một đóa hồng

Chữ rose (hoa hồng) bị nhịp thất thường cô lập ở cuối câu thơ, lơ lửng như một đóa hoa đầu nhánh. Chỉ nhịp thơ thôi cũng báo hiệu nội dung toàn bài thơ tả kiếp phù du của một đóa hồng.

Nếu vó câu khệp khễnh bánh xe gập ghềnh của Nguyễn Du có những âm thanh tượng hình, tạo được cái lắc lư của chuyến xe, thì trong câu hò Huế dưới đây, nguyên gốc là của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nhịp điệu đong đưa như con đò trên sóng nhẹ :

Chiều chiều…

Trước bến / Vân Lâu /

Ai ngồi / ai câu /

Ai sầu /ai thảm /

Ai thương / ai cảm /

Ai nhớ / ai mong.


Rồi một chiếc đò khác vụt qua, chợt biến trong sương, chỉ để lại chút mơ màng trên sông nước :

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy/ chạnh lòng nước non

Đó là cảm giác chủ quan của người đọc ; về phần người sáng tác hò mái nhì, mái đẩy, thì nhịp câu trước ngắn, nhịp đôi, cho ăn khớp với tay chèo, nhịp sau dài là lúc dừng chèo. Đây là nhịp dài ngắn thường thấy trong dân ca Bình trị Thiên. Nhưng về mặt thi pháp, thì nhịp điệu phục vụ ý tưởng. Ta có thể chọn nhiều ví dụ khác, vẫn của Ưng Bình :

Một giải nước trong

Mười dòng / nước đục

Một trăm người tục

Một chục / người thanh

Biết ai tâm sự như mình

Mùa tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân

Trong Bài Ca Vỡ Đất, Hoàng Trung Thông tạo được những nhát cuốc đều đặn, hăm hở, khỏe mạnh :

Giữ chiều nắng gió

Chặt cây, cuốc cỏ,

Tỉa đổ, trồng khoai

Ngày còn dài

Còn dai sức trẻ

Cuốc càng khỏe

Càng dễ cày sâu

Hát lên ta cuốc cho mau

Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.


Thơ Việt Nam, nhịp thường có vần lưng yểm trợ. Hoặc, nhìn xa hơn, vần là một cách nhịp câu nói, câu thơ. Đây là một đề tài cần nghiên cứu thêm.

Trong tiếng Pháp hay tiếng Anh, vần và nhịp cùng một từ nguyên. Giới biên khảo Phương tây đang lưu tâm đến tầm quan trọng của nhịp trong câu nói, câu thơ.

Ngoài nhạc điệu tượng hình, nhẽ ra, phải kể thêm nhạc điệu tượng thanh, thì thùng trống trận, rập rình nhạc quân như trong Kiều, hoặc chát chúa như trong thơ Tú Xương : Mụ nọ chanh chua / vợ chửi chồng.

Nhưng chúng ta không nên dài dòng, vì đây là một sắc thái của ngôn ngữ hàng ngày, chứ không phải là đặc tính của ngôn ngữ thi ca. Nhất là tiếng Việt nhiều nhạc điệu, nên lắm tiếng tượng thanh ; ngược lại tiếng Pháp, mệnh danh là duy lý, nên quý những âm điệu tượng thanh (harmonie imitative) trong thơ, mà họ phân biệt với tiếng tượng thanh trong ngôn ngữ (onomatopée). Apollinaire gợi tiếng gió trên sông Rhin bằng nhiều âm S và Z lẫn với âm mũi, trong lối ngắt câu bất thường :

Et le vent du Rhin / secoue sur le bord / les osiers

Et les roseaux jaseurs / et les fleurs nues / des vignes.

Gió lay động sậy bên bờ xào xạc

Lau rì rào hoa mướp xác xơ bay

Tinh tế hơn hai lối tượng thanh tượng hình, là lối tượng ý, thơ Tản Đà :

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non.

Khi lời thề gắn bó, thì non nước quấn quít lấy nhau ở đầu câu trước : khi cách biệt nhau đằng đẵng thì nước ở đầu câu, mòn mỏi trông chờ non ở mãi tận cuối câu. Đến giữa bài thơ, nước non vẫn ngàn trùng xa biệt, non vẫn kiên trinh ôm ấp trong tim lời thề róch rách :

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non

Mãi đến cuối bài thơ, nước non mới tái hợp, xoắn xuýt lấy nhau, như đôi vợ chồng son :

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi lời thề.

Những ví dụ như thế, không hiếm, miễn là ta tinh ý và chịu khó tưởng tượng. Trong Kiều, đoạn Thúc Sinh gặp lại Kiều làm hoa nô cho vợ cả :

Bây giờ đất thấp trời cao

Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ

Vì không biết phải ăn nói làm sao nên phải ấp a ấp úng, cuối câu lặp lại đầu câu.

Có người lưu ý đến nhịp vừa tượng thanh vừa tượng ý trong câu ca dao đơn giản :

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng.

Hai câu trên nhịp ngắt phập phồng như những lo âu dồn dập hơi thở và trái tim, hai câu sau nhịp dài, thanh thản như tiếng thở dài trút sạch ưu tư ra khỏi buồng phổi, trái tim của người đi cấy. Gần đây, tại Pháp, tôi có « bịa đặt » ra một cách giảng thơ Apollinaire để dạy học trò :

Le mai, le joli mai, en barque sur le Rhin

Les Dames regardaient du haut de la montagne

Vous êtes si jolies, mais la barque s’éloigne

Qui donc a fait pleurer les saules riverains

(Mai, Alcools)

Tạm dịch :

Xuôi sông Ranh tháng Năm ngày ngát lộng

Nương tử nhìn theo từ ngọn đỉnh trời

Nàng tuyệt diễm nhưng thuyền lìa bến mộng

Liễu ven bờ thùy lệ hỏi vì ai

Trong câu đầu hai chữ « joli mai » quyến lấy nhau, đến câu ba, lúc thuyền qua không buộc chặt, phải lìa xa bến, thì ý cách biệt tách rời hai chữ « jolies / mais » như vầng trăng ai xẻ làm đôi vậy.

*

Lối kiến giải theo cách hình dung đó, tuy hấp dẫn nhưng đặt ra một số vấn đề.

Trước tiên, người ta tự hỏi : tác giả có cố tình, hoặc có ý thức, vẽ ra những hình tượng đó không ? Câu hỏi tự nhiên nhưng chỉ là một « giả vấn đề » : thơ là quán tha hồ muôn khách đến, là một cánh hoa gửi hương cho gió, muốn cảm thụ thế nào tùy thích, mà không cần biết đến cái dụng tâm của tác giả. Người mình thường nói : thơ có hồn – nghĩa là có đời sống riêng, chiếu tỏa ra một thứ ánh sáng riêng, chính tác giả cũng khó ngờ được. Thơ hay như ngọc quý, mỗi lúc lung linh một tia sáng khác nhau.

Thứ đến, là câu hỏi thực tế : những câu gợi hình, gợi ý như vậy, chỉ là số ít. Còn bao nhiêu câu thơ khác, tuyệt diệu mà không thể suy diễn ra được thành những sơ đồ, thì sao ? Từ đó nảy ra vấn nạn cuối cùng, là một nguyên tắc. Chúng ta đã từng quan niệm thơ không miêu tả như văn xuôi, thì không nên đòi hỏi thơ phải lược họa một ngoại vật, hay minh họa một ý tưởng. Giảng giải bằng cách họa hình, như ta đã làm trong bài này, chỉ hữu hiệu trong phương diện mô phạm, để gợi sự chú ý của những bạn trẻ không sành thơ. Qua lối kiến giải đó, bạn đọc thấy là người giảng thơ tinh tế, chứ không thấy thơ hay : luật giảng thơ, không nên để lời bình giảng của mình lấn át tiếng thơ. Không nên đặt cây đàn vĩ cầm của mình cao hơn nghệ thuật âm nhạc. Cây vĩ cầm phục vụ âm nhạc chứ không phải ngược lại.

Ngày nay, người sành điệu không ai đòi hỏi một họa phẩm phải vẽ lại trung thực, những đường nét, màu sắc của tạo vật ; thì người yêu thơ lại càng không nên tìm ở thơ những tương quan sẵn có của ngoại giới. Thơ phải có khả năng tạo ra một vũ trụ mới, với những kích thước, những quan hệ, những định luật riêng, bằng cách khai thác đặc tính của ngôn ngữ, mà ta sẽ xét trong một dịp khác.

Đặng Tiến

Normandie, 8/1973

Đọc lại, Orléans, 12.2008

Đặng Tiến : Âm trầm Tuệ Sĩ

Âm trầm Tuệ Sĩ
Đặng Tiến


Tuệ Sĩ là bậc danh sĩ cao tăng, đã trọng nhiệm nhiều chức vụ trong hàng giáo phẩm Việt Nam. Trong và ngoài nước nhiều người biết danh và ái mộ, qua những trầm luân mà ông chịu đựng non nửa thế kỷ, chúng tôi không nhắc lại nơi đây, vì ai muốn truy tìm thì rất dễ.

Tuệ Sĩ còn là nhà thơ, nhiều người biết danh, nhưng ít người được đọc, vì thơ ông ít được phổ biến. Mới đây, trong nước, nhà xuất bản Phương Đông đã ấn hành tập thơ Những điệp khúc cho dương cầm, song ngữ Việt-Pháp đối chiếu, do Dominique de Miscault, nữ họa sĩ người Pháp, chuyển ngữ và trình bày, minh họa, bà gọi là “biểu cảm đồ họa” (expressions graphiques). Trang bên trái là văn bản Việt-Pháp nối tiếp, trang bên phải là hình cách điệu nhà sư đang lướt ngón tay trên phím dương cầm.

Sách gồm 23 bài thơ ngắn, trình bày trên 53 trang, khổ vuông 21 x 21 cm, giấy tốt, in đẹp và trình bày trang nhã.

Điều đáng mừng là độc giả Việt Nam và thế giới có dịp tiếp cận với thơ Tuệ Sĩ, trong niềm đồng cảm nhân loại, qua thi ca và nghệ thuật. Trong lời tựa, bà De Miscault kể lại:

“Tôi được hạnh ngộ với Tuệ Sĩ và người thân từ mùa xuân 2003.

Chúng tôi đã học tập phơi trải và trao đổi hai thế giới, diễn dịch những cảm xúc, đồng thời là dấn thân. Tôi không phải phật tử cũng không phải kẻ tu hành, lại không biết tiếng Việt, nhưng thơ Tuệ Sĩ thì đã gặp đâu đó tại châu Âu già cỗi. Đó chẳng phải là những khoảng hư không mà các tác gia thần bí đã trải nghiệm?

Kinh nghiệm phiêu du trong bóng đêm và tĩnh lặng, cũng như những tâm hồn khắc khoải, vô vọng truy tầm lời giải đáp cho những hy sinh, dù tự nguyện hay cưỡng chế ? ”

Bà tiếp xúc với thơ Tuệ Sĩ nhờ việc lược dịch của một người Pháp được Tuệ Sĩ duyệt lại. “Tôi cố gắng nắm bắt nội dung qua những hình ảnh, và không gian sống của Tuệ Sĩ như tôi được trông thấy và đã khai thị cho tôi. Tôi chọn những từ ngữ và ảnh tượng đơn giản nhất, đã giản lược và tát cạn tối đa thi pháp để tập trung vào cuộc phiêu lưu thần bí của nhà sư mệt mỏi vì đời sống và những truy tầm vô vọng…

Vô vọng hay không, vẫn là câu hỏi. Buông thả theo dòng đời.

Dương cầm và tịch lặng là thần giao giữa hai lục địa giữa chúng tôi.

Nơi đây không còn là hoài cảm hay xúc cảm, mà là phân tích khô khan cõi dửng dưng.

Tôi hân hoan được tiếp tục chia sẻ, và trong dài lâu tính nhẹ nhàng tuyệt đối của đời sống.”

Bài tựa này đã được Hạnh Viên dịch ở trang 7, tôi dịch lại để đóng góp.

Một cơ duyên khác, là với kỹ thuật điện tử hiện đại, toàn bộ công trình của TS – Dominique de Miscault và nhà xuất bản Phương Đông được đưa lên lưới, để người đọc, Việt hay ngoại quốc, khắp năm châu bốn biển đều có thể thưởng lãm. Năm mươi trang giấy không phải là công trình to tát gì, nội dung cũng không phải chuyện khai sơn phá thạch, nhưng là một sự kiện văn học, như cơn gió bất ngờ đưa đóa lan rừng ra ánh sáng.

Tuệ Sĩ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, “cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan“, câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi.

Thơ, thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính. Thơ thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và lịch sử.

Ví dụ bài cuối :

Giăng mộ cổ
Mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
Huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
Làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ.

Ý nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta không nên giải thích chân phương. Nhưng từ ngữ thì rõ ràng là trầm tích đau thương của con người trong lịch sử. Bà De Miscault dịch hay và thoát (xem Trên kệ sách của mạng Da màu). Tôi vẫn táy máy dịch lại xem như góp một nốt đàn vào bản hợp tấu :

Sur les tombes antiques
La pluie du soir se confond en larmes
Des mythes illusoires
En ruine esseulés,
La bruine givre
Les épaules meurtries de laurier
Serrant la statue
J’aime ô que j’aime les espaces innocents

Trầm tích lịch sử còn dư vang rõ hơn trong bài này ;

Ngoài biên cương
Cây cao chói đỏ
Chiến binh già cổ mộ
Nắng tắt chiến trường
Giọt máu quạnh hơi sương

(Tr. 34)

A la frontière
Le grand arbre rougeoie
Le soldat vieillit sur la tombe antique
Le soleil éteint la bataille
Le sang se condense en rosée.

Thơ gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ ; người đọc một bài thơ trong tiếng mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình. Gọi là tiếng lòng.

Trong nghề dạy học và việc bình luận văn chương tôi có đôi kinh nghiệm về việc dịch thuật và thông ngôn này. Gặp những bài thơ Tuệ Sĩ việc giảng luận có phần trắc trở. Ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ chung là tiếng Việt, nhưng tương quan giữa người nói và lời nói thì khác nhau. Khi Tuệ Sĩ viết đâu đó “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” thì ông không chỉ nói về màu áo, cũng không nói về ngọn đồi, mà phản ánh tâm linh trong một thế giới khác. Đưa lời thơ Tuệ Sĩ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục.

Thơ bao giờ cũng phản ánh ba tính cách: môi trường xã hội trong lịch sử ; ngôn ngữ trong những biến chuyển với thời đại; và tác giả, qua đời sống hàng ngày; nhưng ở Tuệ Sĩ đời sống hằng ngày, ý thức và vô thức dường như đã thăng hoa, thành một siêu thức. Ngôn ngữ do đó cũng siêu thoát, khó bề lý giải chân phưong và đơn phương.

Đầu thế kỷ XX giới văn học tây phương đưa ra khái niệm “thơ thuần túy”, và nghệ thuật nguyên chất theo nghĩa của hóa học: thực thể nguyên chất đối lập với những thực thể tạp chất “impur”, có lẫn lộn nhiều ngoại tố. Nghệ thuật nguyên chất là kiến trúc của ngôn ngữ: một dạo khúc dương cầm, một tranh tĩnh vật, một bài thơ đẹp. Người thưởng thức không pha lẫn vào đó những kỷ niệm, buồn vui riêng tư, nhất là những thành kiến lịch sử, chính trị. Yêu một chân dung phụ nữ không phải vì nó hao hao giống một người bạn cũ.

Trong nghệ thuật, dân tộc là một tạp chất.

Tôi nghĩ khi Tuệ Sĩ đặt tên Những điệp khúc cho dương cầm, và làm những bài thơ mô tả tiếng dương cầm, là ông muốn cho tiếng thơ mình trong trẻo, thuần khiết “trong như tiếng hạc bay qua“. Do đó, bình giải thơ Tuệ Sĩ là tạo cơ nguy gây tạp âm không phải lẽ và không phải lúc. Bài viết này vẫn mang tạp âm là ngoài ý muốn của chúng tôi.

Lấy một ví dụ ngoài đề, cho thông thoáng. Nhà thơ Phạm Công Thiện, thời trẻ, có lúc tu tại một Phật Viện Nha Trang. Một hôm anh về chơi với nhà văn Võ Hồng, ở lại mấy hôm, khi về Chùa, anh có thơ:

Mưa chiều thứ bảy, tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.

Anh tâm đắc thường đọc cho chúng tôi nghe, và chúng tôi hiểu đại khái, nhưng chưng hửng khi nghe Phạm Công Thiện, mười năm sau, tự dịch câu thơ ra tiếng Pháp :

Je suis le Retour
Il fait Tard sur le Chemin
Sept jours après la pluie tombe
En haut
du Temple
L’arbre est le
Défleuri

Chúng tôi đã hiểu chung chung: thứ bảy là trước chủ nhật, cây khế là cây khế, ngọn đồi là ngọn đồi, nhưng qua bản dịch tiếng Pháp, thì nội hàm câu thơ không phải chỉ có vậy.

Nhưng nghĩ cho cùng, ai làm sao hiểu hết một câu thơ, kể cả tác giả?

Và cách tiếp cận thơ Tuệ Sĩ của bà De Miscault biết đâu là cách hay nhất, như câu tiếng Pháp không biết của ai “la voix du cœur est la voie au cœur”: lời trái tim là lối đến con tim.

Đọc thơ Tuệ Sĩ. Bằng trái tim.

Nỗi Nhớ :

Màu tối mù lan vách đá
Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ
Rồi đi biệt
Để hờn trên đỉnh gíó
Ta ở đâu
Cánh mộng phù du

Tr. 18

Les ténèbres envahissant les pierres du mur
Immense le souvenir des regards de nos adieux
Et je m’en vais à jamais
Délaissant les chagrins aux cimes de l’ouragan
Où suis-je ?
Frêles sont les ailes de l’éphémère

Tình người:

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,
Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt trời sao.

Tr 50

Sur mes chagrins enfumés, je revis
L’Amour des hommes à chaque instant de mes songes
Dès l’origine la parole a été retenue
Comme l’océan retient le reflet du printemps en fleur
Des refrains animent mes ailes épuisées
Pour l’Homme, j’ouvre mes mains au firmament étoilé

Trần thế:

Theo chân kiến
Luồn qua cụm cỏ
Bóng âm u
Thế giới chập chùng
Quãng im lặng
Nghe mùi đất thở

Tr. 46

Traces de fourmi
Je faufile entre les herbes
Ténèbres des ténèbres
Les mondes s’amoncellent
Silences entre silences
J’accueille la terre respirante.

Thơ Tuệ Sĩ cô đúc, hàm súc, uyên áo. Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác giả không đề cập đến một đề tài nào chính xác, không miêu tả không tự sự. Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại gới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.

Thỉnh thoảng, người đọc cảm thấy an tâm trong đôi lời thơ mạch lạc:

Cửa kín chòm mây cuốn nẻo xa
Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa
Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã
Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà

Tr. 26

Người Thơ hé mở một thoáng tâm linh, nhưng hình ảnh vẫn mang tính cách tượng trưng, xa cách, xóa nhòa tâm sự cá nhân, pha loãng tình riêng vào làn mưa trên mái ngói.

Đôi khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên dăm viên đá cuội trên lộ trình cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút đường về.

Ngoại giới biết đâu là ảo giác:

Bóng sao đêm dài vời vợi
Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền

Tr. 10

Và thơ, tập thơ mình cầm trong tay, những nốt nhạc, những hàng chữ “đen trắng đuổi nhau thảnh ảo tượng“. Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo giác của ảo giác ?

Cần gì để nói thêm về Những điệp khúc cho Dương cầm của Tuệ Sĩ?

Phải chăng là tiếng ve sầu chung thủy, ưu hoài những mùa hạ đã ra đi?

Tiếng ve trở về,

Khóc mùa hè mà khô cả đại dương


Đặng Tiến
Orleans 17/8/2009

Tranh luận sau báo cáo của Harvard về GD VN

Tranh luận sau báo cáo của Harvard về GD VN

Vietsciences-Neal Koblitz - Tuần Việt Nam 20/01/2010







Những bài cùng đề tài

Sau bản đánh giá của một số học giả Harvard về giáo dục đại học Việt Nam, đã có nhiều ý kiến tranh luận. Ngày 16/10, trên website chính thức của Bộ Giáo dục & Đào tạo (http://moet.gov.vn) và diễn đàn chính thức của Bộ GD&ĐT (http://edu.net.vn), đăng tải bài viết của GS Neal Koblitz.

Giới thiệu tác giả: Năm 1985, GS Neal Koblitz (ĐH Washington) và TS Victor Miller (Cty IBM) đã đề xuất (độc lập với nhau) phương pháp mật hóa mã công khai dựa trên đường cong ellip. Ngày nay kỹ thuật Elliptic Curve Cryptography (ECC) đã tiến bộ rất xa trong cả nghiên cứu hàn lâm lẫn các hệ thống mật hóa thương mại. Neal Koblitz có khá nhiều công trình về Lý thuyết số và Mật mã học hiện đại. Ông là người bạn Mỹ lâu năm của giới khoa học nước ta và đã cùng vợ sáng lập Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà toán học nữ.

1. Dẫn nhập

GS Neal Koblitz
Đối với những vấn đề quốc tế quan trọng, quan điểm của người Mỹ thường bị chia rẽ một cách sâu sắc. Vào những năm sáu mươi, hàng triệu người Mỹ đã nhiệt tình ủng hộ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong số đó không chỉ là bao gồm những người không có học thức mà đáng tiếc là còn có cả một số giáo sư của Harvard và các trường đại học khác, họ đã đến Washington để nắm giữ các chức vụ quan trọng trong nội các của Kennedy và Johnson. Cũng trong thời kỳ này, nhiều người Mỹ khác đã phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đã tổ chức các cuộc biểu tình rộng lớn. Người Mỹ không nói chung một giọng.
Mục đích của báo cáo này là để trao đổi về một tài liệu với tiêu đề "Giáo dục bậc cao ở Việt Nam : Khủng hoảng và phản ứng."[1] Bài viết này có tiêu đề của Viện Ash thuộc Trường Harvard Kennedy, và tên của Thomas Vallely và cộng sự của ông ta là Ben Wilkinson. Tôi sẽ trích dẫn tài liệu này một cách ngắn gọn là "báo cáo Vallely".

Báo cáo Vallely được viết với quan điểm tương tự như một báo cáo trước đây về Giáo dục bậc cao ở Việt Nam dưới sự bảo trợ của Viện Hàn Lâm Hoa Kỳ.[2] Vào năm 2008 tôi đã có một bài bình luận về tài liệu đó.[3] Trong bài viết này, tôi sẽ không nhắc lại những điểm mà tôi đã nêu ra trong đó.

Những khó khăn của Việt Nam trong giáo dục bậc cao là rất phức tạp và cũng khá giống với những vấn đề thường thấy ở các nước khác, đặc biệt là ở Thế Giới Thứ Ba. Bài viết này không nhằm phân tích toàn diện vấn đề đó. Mục đích của tôi là xem xét câu hỏi này trong bối cảnh lịch sử, và cảnh báo các nhà toán học, các nhà khoa học và các quan chức của Việt Nam cần phải hết sức thận trọng trước những phân tích và kiến nghị của các đại diện của những tổ chức Hoa Kỳ kiểu như là Viện Ash.

2. Lịch sử
2.1. Thời kỳ đầu Sau chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của tôi vào năm 1978, tôi đã viết một bản báo cáo[4] trong đó tôi có bình luận về sự kính trọng đối với tri thức như là một phần trong văn hoá Việt Nam từ thời xa xưa.

Có thể giải thích phần nào cho địa vị cao quí của những học giả trong truyền thống của người Việt. Trường Đại học Quốc tử giám cổ kính, được thành lập vào năm 1076, luôn là một địa điểm hấp dẫn khách du lịch tới Hà Nội... Tấm bia đá dựng năm 1463 có khắc tên của Lương Thế Vinh, người mà bên cạnh sự nghiệp văn chương của mình còn được coi là một trong những nhà hình học đầu tiên của Việt Nam.

Những truyền thống đó cũng có thể giải thích được phần nào vì sao trong số các sinh viên từ các nước đang phát triển theo học tại Mátxcơva thì sinh viên Việt Nam có lẽ là những người làm việc chăm chỉ nhất và thành công nhất. Có thể là các nhà toán học trẻ của Việt Nam từ Mátxcơva, khi quay trở về quê hương sau khi hoàn thành khoá học sau đại học cũng trải qua những cảm xúc hân hoan, vui sướng giống như cha ông mình sau khi thi đỗ trong các kỳ thi của hoàng gia.

Tuy nhiên trong thời kỳ thực dân, người Pháp đã thất bại trong việc phát triển giáo dục bậc cao. Báo cáo Vallely đã có một phân tích chính xác về vấn đề này: Những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối đầu trong hệ thống giáo dục đại học ngày nay một phần là do hậu quả từ một lịch sử cận đại bi thảm của đất nước này.

Chế độ thực dân Pháp cai trị Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 19 cho đến năm 1945 đã đầu tư rất ít, ngay cả khi so sánh với các thế lực thực dân khác, vào hệ thống giáo dục đại học. Hậu quả là Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội khi làn sóng cách tân thể chế giáo dục đại học quét qua phần lớn lục địa Châu Á trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Đây là thời gian rất nhiều học viện hàng đầu được thành lập tại vùng này.

Hậu quả là sau khi thu hồi độc lập, Việt Nam chỉ có một thể chế giáo dục đại học rất yếu kém để làm nền móng xây dựng (Đây là một điểm tương phản rõ rệt so với Trung Quốc, nơi mà, cho đến ngày nay, phần lớn các trường Đại Học hàng đầu đã được thành lập rất lâu trước cách mạng).

Mặc dù báo cáo Vallely đã có lý khi phê bình nặng nề người Pháp, nhưng mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam cũng có những khía cạnh tích cực. Một số những trí thức hàng đầu của Việt Nam (như các nhà toán học Lê Văn Thiêm và Nguyễn Đình Ngọc) đã tu nghiệp ở Pháp và khi trở về đã có những đóng góp to lớn cho Việt Nam. Sau đó, đặc biệt trong thời gian chiến tranh với Mỹ, một số nhà toán học và khoa học nổi tiếng nhất của Pháp (như A. Grothendieck, L. Schwartz, và P. Cartier) đã đến thăm và giảng bài tại Việt Nam và đã cố gắng giúp đỡ các đồng nghiệp của họ. Người sáng lập ra Uỷ ban Hoa Kỳ về Hợp tác Khoa học với Việt Nam - Ed Cooperman (ông đã bị ám sát ở California đúng vào tháng này 25 năm trước), đã từng làm việc một năm ở Pháp trong những năm 1970 đã có những ấn tượng sâu sắc đối với các hoạt động của các nhà khoa học Pháp trong việc ủng hộ Việt Nam, và từ đó thôi thúc ông xây dựng một nhóm tương tự như vậy ở Hoa Kỳ.

Tại thời điểm cam go nhất của cuộc chiến tranh với Pháp, các lớp học nâng cao vẫn được tổ chức, tại Liên khu Bốn do Nguyễn Thúc Hào phụ trách, tại khu vực phía tây Hà Nội do Nguyễn Xiển đảm nhiệm và ở gần biên giới với Trung Quốc do Lê Văn Thiêm phụ trách. Cũng trong cùng thời kỳ này, một cuốn sách giáo khoa về hình học do Hoàng Tụy biên soạn đã được xuất bản tại nhà xuất bản của Việt Minh. Tôi tin rằng đây là cuốn sách toán duy nhất trên thế giới do một phong trào kháng chiến phát hành. Các sự kiện lịch sử này đã được những nhiều nhà toán học biết đến thông qua cuộc phỏng vấn của tôi với Hoàng Tuỵ.[5]

2.2. Thời kỳ 1954-1985

Báo cáo Vallely mô tả khoảng thời gian kể từ sự ra đi của người Pháp đến trước thời kỳ đổi mới một cách tiêu cực như là "một kỷ nguyên chế độ xã hội chủ nghĩa độc đoán." Nhưng chính trong giai đoạn này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp gặp Grothendieck để thảo luận về sự phát triển toán học của Việt Nam trong tương lai, và một vài năm sau chính ông đã trực tiếp can thiệp mạnh mẽ để xây dựng một tòa nhà nghiêm chỉnh dành cho Viện Toán học Hà Nội. Đây thực sự là một việc làm "độc đoán" của ông, vì theo những gì mà tôi biết, chưa có một ông thủ tướng của một nước tư bản nào từng cương quyết xây dựng một toà nhà mới dành cho các nhà toán học!

Có thể các độc giả Việt Nam cảm thấy ngạc nhiên vì trong báo cáo Vallely, khi nói về "lịch sử cận đại đầy bi thảm" của Việt Nam, chỉ thấy người Pháp phải giơ đầu chịu báng về chính sách ngược đãi với Việt Nam. Các tác giả dường như đã quên đi toàn bộ giai đoạn từ năm 1954 đến 1975, khi nước Mỹ ban đầu ủng hộ cho các chế độ chuyên chế thối nát ở miền Nam, và sau đó từ năm 1964 đến năm 1975, đã chiếm giữ các tỉnh phía nam và tiến hành một cuộc chiến man rợ chống lại Việt Nam. Không một điều gì người Pháp đã làm có thể so sánh được với sự tàn phá trong giai đoạn này - khi mà tổng số lượng bom đổ xuống miền bắc và miền nam Việt Nam nhiều hơn hẳn bất kỳ một cuộc chiến tranh khác nào trong lịch sử thế giới, kể cả Chiến tranh thế giới II. Tham mưu trưởng không quân, tướng Curtis LeMay đã miêu tả chiến lược của Mỹ ở Việt Nam như sau: "Chúng ta sẽ ném bom và đưa họ trở về thời kỳ đồ đá."

Tuy nhiên, chỉ một chút tìm hiểu là ta sẽ thấy rõ ràng vì sao phần về "di sản lịch sử" trong báo cáo Vallely lại hoàn toàn không đề cập chút nào tới vai trò của người Mỹ. Tôi được biết qua trang web của viện Ash rằng trong suốt thời gian này chính ông Vallely đã ở Việt Nam với tư cách như là một thành viên của Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ. Đây là một trong những tổ chức đã gây ra các tội ác chiến tranh chống lại người Việt Nam.

Hơn nữa, văn phòng của ông Vallely lại có liên kết với Trường Đại học Harvard, và điều này cũng có thể giải thích cho sự thiếu vắng những tư liệu liên quan đến vai trò của nước Mỹ trong "giai đoạn lịch sử hiện đại đầy bi kịch" của Việt Nam. Mặc dù Harvard đã có nhiều nhà toán học và khoa học lỗi lạc trong danh sách các giáo sư của mình, nhưng không phải mọi điều trong quá khứ của Harvard đều đáng khen ngợi. Trường đại học này đóng một vai trò to lớn trong chiến tranh của Mỹ. Một vài giáo sư về chính trị, như McGeorge Bundy và Samuel Huntington, là những nhà hoạch định chính sách quan trọng. Bundy và Huntington đã tham gia xây dựng và cổ vũ nhiệt thành cho chương trình "Ấp chiến lược" nổi tiếng ở miền nam Việt Nam. Chương trình cưỡng bức di dời phần lớn nông dân này do quân đội Mỹ và chế độ bù nhìn thực hiện đã bị lên án là vi phạm luật pháp quốc tế.[7] Chất Napalm - do Công ty Hoá học Dow sản xuất và được quân đội Mỹ sử dụng để chống lại dân thường ở Việt Nam - được thử nghiệm lần đầu tiên trên sân vận động của Harvard. Vì vậy người ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao những người có liên quan tới trường Harvard lại thích giữ im lặng về cuộc chiến tranh của Mỹ và đổ mọi vấn đề của Việt Nam cho người Pháp.

Sự tàn phá của người Mỹ không phải chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn cả về mặt văn hoá, đặc biệt là ở miền nam, nơi đã chịu đựng sự chiếm đóng của quân đội Mỹ trong suốt 11 năm. Tiền bạc của họ đã nuôi sống các tệ nạn như mại dâm, nghiện hút, và tham nhũng với qui mô khủng khiếp. Giống như vũ khí của Mỹ mang lại sự tàn bạo và chết chóc, tiền bạc của Mỹ đã ăn dần ăn mòn các cơ cấu văn hoá và xã hội Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17.

Có cả những ảnh hưởng về mặt văn hóa khác, tuy không hiện rõ bằng. Một ví dụ là nhiều năm trước đây, ông Hoàng Tuỵ đã nói với tôi một nhận xét rằng trong một cuộc chiến sinh tồn, truyền thống mỹ thuật và làng nghề thủ công cũng dần dần bị phai nhạt. Và nếu không có sự nỗ lực phi thường của các nhà trí thức và các nhà lãnh đạo Việt Nam - những người trong suốt thời gian Hà Nội bị ném bom vẫn tổ chức giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học ở trong các khu rừng cách xa Thủ đô - thì đời sống khoa học cũng sẽ bị xoá sổ trong thời gian chiến tranh với Mỹ.

3. Đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa
Hầu hết các nhà toán học và khoa học hàng đầu của Việt Nam ở thế hệ của Hoàng Tụy và thế hệ của tôi đều được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa. Theo ấn tượng của tôi thì nhìn chung họ được đào tạo rất tốt. Tôi biết rằng các sinh viên Việt Nam ở Mátxcơva có tiếng là làm việc rất chăm chỉ và thông minh, và họ thường được làm việc dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học hàng đầu của Liên xô.

Báo cáo Vallely gợi ý rằng các nhà khoa học và các quan chức của Việt Nam, những người đã được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa, có năng lực kém hơn so với những người được đào tạo ở phương Tây, và cho rằng chính họ đã ngăn cản sự tiến bộ. Khi đưa ra những cáo buộc này, các tác giả dường như đang muốn tạo nên một cuộc xung đột giữa các nhóm khác nhau ở Việt Nam. Dù cho có các ý kiến khác nhau về khả năng của người Việt được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa hay không xã hội chủ nghĩa - còn theo quan điểm của tôi thì ở cả hai nhóm này đều có những người có năng lực cao - thì việc tạo nên bất đồng giữa một nhóm người Việt Nam này với một nhóm khác cũng không đem lại lợi ích gì.

Nhìn vào những nhận xét mang tính miệt thị của báo cáo Vallely về những người Việt Nam được đào tạo bậc cao tại các nước xã hội chủ nghĩa, một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là: Các tác giả của bản báo cáo này có những phẩm chất, trình độ nào để có thể cho phép họ đưa ra những phán xét tiêu cực như vậy?

Theo trang web của viện Ash thì trước khi trở thành giám đốc của chương trình Việt Nam, ông Vallely đã từng là thành viên của Hạ viện bang Massachusettes (tương tự như một quan chức cỡ nhỏ ở một tỉnh của Việt Nam). Ngoài ra, ông ta có bằng M.P.A, có nghĩa là "Thạc sĩ về Hành chính Công cộng." Đây là một bằng cấp thông thường ở Mỹ dành cho những người muốn làm việc tại các khu vực hành chính cấp địa phương hoặc ở tiểu bang. Nó không có ý nghĩa như trình độ Thạc sĩ về một lĩnh vực khoa học, và tất nhiên là còn kém xa một Tiến sĩ (Ph.D.) hay là bằng Candidate của Liên Xô.

Trợ lý của Vallely, ông Ben Wilkinson, còn có ít bằng cấp hơn nữa. Theo trang web của viện Ash thì trình độ của ông ta là đã tham gia các khoá học về lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam hồi ông ta là sinh viên, và ông ta đã "học luật tại Trường Luật Harvard" (cách viết này có nghĩa là ông ta đã không hoàn thành khoá học và có bằng cấp gì về luật).

Nếu một người nào đó có một tấm bằng Thạc sĩ Hành chính Công cộng, hoặc đã từng theo các khoá học đại học về lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam thì liệu anh ta có đủ trình độ để chỉ bảo cho chính phủ Việt Nam nên làm gì hay không? Liệu anh ta có đủ tư cách để đưa ra các phán xét tiêu cực về các nhà khoa học và các quan chức đã từng theo học ở các nước xã hội chủ nghĩa hay không?

Liệu một người với trình độ như ông Vallely hoặc ông Wilkinson có thể được chính phủ Hoa Kỳ mời làm chuyên gia tư vấn về cải cách giáo dục bậc cao hay không? Tất nhiên là không. Người ta sẽ coi họ là hoàn toàn không đủ trình độ, và sẽ không có ai muốn nghe ý kiến của họ về vấn đề này. Thế mà Viện Ash của Trường Havard và chương trình học giả Fulbright của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại cử họ đến Việt Nam như là các "chuyên gia" về đào tạo bậc cao. Đây là một ví dụ của cái gọi là chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Giọng điệu của bản báo cáo Vallely mang tính chất trịnh thượng, ra vẻ quan trọng và dạy bảo. Các tác giả đã tự tin thái quá một cách sai lầm vào kiến thức cao cả của mình và tỏ ra chế nhạo, coi thường các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Dù cho Mc George Bundy và Samuel Huntington đã chết thì thói kiêu căng kiểu thực dân mới mà họ đã từng thể hiện vẫn tồn tại và hiện hữu ở các tổ chức có liên quan tới Harvard như cái viện Ash này.

4. Tuyên truyền chính trị
Số đông các sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, đến Mỹ để tham gia vào các chương trình Ph.D. trong các ngành khoa học tại các trường đại học nghiên cứu lớn. Không nên nhầm lẫn những chương trình này với một loại hình đào tạo khác thường được các tổ chức kiểu như Viện Ash thực hiện. Các chương trình của các tổ chức đó thường được tiến hành trong khoảng thời gian từ vài tháng cho tới hai năm, không phải tập trung vào một chủ đề khoa học nào, mà là "khoa học chính trị" hay "chính sách công cộng." (từ "khoa học" trong các cụm từ như "khoa học chính trị" hay "khoa học xã hội" tất nhiên chẳng có nghĩa là chúng là các ngành khoa học.) Các sinh viên hay tu nghiệp sinh[9] (như thỉnh thoảng họ vẫn được gọi) học về những chủ thuyết chính trị và các học thuyết kinh tế nổi bật ở Mỹ, và họ được dạy rằng cách tiếp cận của người Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề là tốt nhất và chúng nên được du nhập vào các quốc gia khác.

Báo cáo Vallely cho rằng ở Việt Nam "25% chương trình giảng dạy đại học được dành cho các môn học mang nặng tính tuyên truyền chính trị." Tuy nhiên, khi nhìn vào các chương trình về chính sách tại Viện Ash ở Harvard của ông Vallely, người ta dễ có cảm giác rằng việc truyền bá chính trị chiếm tới 100%. (Có lẽ 100% thì hơi quá, nhưng chắc chắn rằng tỷ lệ các môn tuyên truyền về chính trị và tư tưởng vượt xa con số 25%.) Sự khác biệt giữa hai dạng tuyên truyền chính trị tại các trường đại học ở Việt Nam và tại viện Ash là ở chỗ một nơi tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội còn nơi kia là chống chủ nghĩa xã hội. Ngay cả khi nhận định trong báo cáo Vallely rằng sinh viên đại học ở Việt Nam đã lãng phí 25% thời gian của mình là đúng, thì nó vẫn còn tốt hơn là lãng phí hầu như 100% thời gian.




5. Đổi mới
Vào năm 1985 Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một loạt chính sách cải tổ nền kinh tế và điều đó dẫn tới việc nền kinh tế đã phát triển nhanh chóng trong nhiều năm, chất lượng cuộc sống của mọi người được nâng cao, và khu vực tư nhân phát triển rất mạnh. Trong cuốn sách Random Curves[10] của mình, tôi đã cố gắng đưa ra một cách nhìn cân bằng về ảnh hưởng của đổi mới.

...Những thay đổi này có ảnh hưởng cả tốt lẫn xấu. Hầu hết người Việt Nam có một cuộc sống vật chất tốt hơn ... Mặt khác, sự mất cân đối về kinh tế trở nên rõ rệt hơn trước, và tầng lớp người "vô-sản" đã xuất hiện. Hơn nữa, trong nhiều mặt thì ở Việt Nam khu vực kinh tế tư nhân thậm chí còn chịu thuế và những ràng buộc ít hơn so với ở Mỹ và các nước tư bản khác.

Trong một lần thảo luận vấn đề này với Bà Nguyễn Thị Bình - khi đó là Phó Chủ tịch nước- tôi có nhận xét rằng trong vấn đề này thì Việt Nam còn kém xã hội chủ nghĩa hơn nước Mỹ. Trong cuốn sách của mình, tôi đã đưa ra một ví dụ để minh họa cho những cách hành xử tồi tệ của các công ty tư nhân ở Việt Nam, điều không bao giờ được chấp nhận ở hầu hết các nước tư bản tiên tiến:

Ví dụ, vào năm 2003 chúng tôi để ý thấy có một tờ quảng cáo tuyển nhân viên của khách sạn Caravelle, đăng trên tờ báo tiếng Anh Vietnam News. Mẩu quảng cáo này tuyển nhân viên nam giới cho các công việc kỹ thuật và tuyển nhân viên nữ cho các công việc phục vụ phòng. Những quảng cáo có tính chất phân biệt nam nữ như vậy là không hợp pháp ở Mỹ và ở hầu hết các nước Châu Âu.

Hơn nữa, đã có nhiều trường hợp những ông chủ là người Mỹ, người Hàn Quốc hay Nhật Bản quấy rối tình dục công nhân nữ Việt Nam, những người phụ nữ này hoàn toàn bất lực và người ta cũng chẳng có hành động gì để xử phạt những kẻ quấy rối tình dục đó.

Cũng giống như ở các nước khác, chính sách mở cửa có mặt trái của nó. Những người đã từng nghiên cứu về các mối quan hệ phức tạp giữa các nước giầu có và các nước Thế giới Thứ Ba thường hay nói về vấn đề "dumping"[11]. Điều này có nghĩa là nhiều công ty đa quốc gia thường xuyên bán các sản phẩm chất lượng thấp hoặc có lỗi cho các nước Thế giới Thứ Ba - ví dụ, các loại thuốc quá hạn sử dụng hoặc không được kiểm nghiệm và vì vậy không thể bán được ở Mỹ. Nạn dumping cũng được mở rộng tới cả lĩnh vực văn hóa. Ví dụ như, các phim Mỹ thường được chiếu ở Việt Nam (và làm cản trở nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam) thường là những bộ phim kém chất lượng nhất của Hollywood - những bộ phim Mỹ có chất lượng tốt hiếm khi được nhập về.

Tương tự như vậy, hầu hết các trường của Mỹ đặt chi nhánh ở Việt Nam đều là những trường có chất lượng thấp. Ví dụ, một bài báo[12] mà tôi đọc được trên một tờ báo của Mỹ nói tới việc Trường cao đẳng Cộng đồng Houston[13] có một chi nhánh rất phát đạt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không một người nào ở Mỹ coi Trường Cao đẳng Cộng đồng Houston là một trường có địa vị học thuật nghiêm túc. Vì vậy, điều này cũng có thể được xem là một hình thức dumping. Và cũng có thể nói rằng việc gửi những người không có khả năng sang Việt Nam làm "chuyên gia" về giáo dục bậc cao cũng là một dạng dumping.

Một mặt trái khác của chính sách mở cửa là sự gia tăng của chủ nghĩa thực dụng trong thế hệ trẻ - một hiện tượng cũng thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ và một vài nơi khác. Tôi đã viết trong cuốn Random Curves, Những người làm khoa học ở Việt Nam thường than phiền rằng ngày càng ít các bạn trẻ muốn theo đuổi các lĩnh vực khoa học cơ bản. Đã có hiện tượng "bạc tóc" ở các cơ quan khoa học ... Người Việt Nam có truyền thống coi trọng việc học hành... Nhưng với sự tác động mạnh mẽ của các hệ thống giá trị được du nhập từ các nước tư bản, những công việc lao động trí óc không cạnh tranh nổi với các ngành nghề khác có lợi hơn.

Thậm chí cả các bạn trẻ đã rất thành công trong các cuộc thi Ôlimpíc Toán học Thế giới cũng thường không chọn nghề làm toán hoặc các lĩnh vực hoạt động sáng tạo khác của khoa học và công nghệ.

Mặc dù việc đấu tranh chống lại những ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ là khó khăn, nhưng cũng không phải là hoàn toàn bó tay. Đã có nhiều nỗ lực thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Ấn Độ, một số nhà toán học hàng đầu đã tham gia giảng dạy trong các chương trình mùa hè về toán học được chính phủ tài trợ dành cho các học sinh cả nam và nữ đã đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi Ôlimpíc. Mục đích của các chương trình này không phải chỉ để dạy toán, mà còn nhằm chuyển tải vẻ đẹp và sự hấp dẫn của việc nghiên cứu toán học. Ở Mỹ, Hiệp hội các nhà Toán học Nữ tổ chức "ngày Kovalevskaia" tại các trường cấp hai ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Tại những buổi gặp gỡ này, các nhà nghiên cứu nữ nói chuyện với các em gái về rất nhiều công việc có sử dụng đến toán học. Một sáng kiến khác tỏ ra rất thành công là một chương trình được chính phủ tài trợ mang tên "Kinh nghiệm nghiên cứu ở bậc đại học"[14] (REU), được tổ chức vào mùa hè tại nhiều trường đại học, trong đó có trường của tôi. Các giáo sư phụ trách REU cố gắng đem lại cho các sinh viên những cảm giác ban đầu của công việc nghiên cứu toán học.

6. Giáo dục bậc cao ở Mỹ
6.1. Sự xuống cấp về kiến thức cơ bản của sinh viên

So với hầu hết các trường ở Mỹ, trường của tôi thu hút được nhiều sinh viên khá. Đại học Washington (U.W.) là trường đại học hàng đầu ở vùng tây bắc, và hầu hết sinh viên học toán và khoa học tại U.W. đều nằm trong nhóm 20% dẫn đầu ở trung học. Vì sự "lạm phát điểm số"[15] và sự "ngu hoá"[16] , nhiều người trong số họ thường quen với việc có điểm số cao mà lại chỉ tốn rất ít công sức.

Trong thời gian từ 20 hoặc 25 năm trở lại đây, mức độ chuẩn bị của sinh viên khi nhập trường dần dần đi xuống. Lần đầu tiên tôi nhận ra điều này là khi một sinh viên khi học môn học giải tích dành cho năm thứ nhất của tôi đã than phiền với bộ phận hành chính về tôi. Cô ta nói rằng tôi dạy quá khó, và để chứng minh, cô ta chỉ ra rằng để trả lời cho một câu hỏi trong một bài kiểm tra của tôi, các sinh viên phải nhớ được công thức tính diện tích hình tròn.

Một vài năm trước, một đồng nghiệp của tôi, Giáo sư chuyên ngành khí tượng học Cliff Mass đã hết sức thất vọng khi thấy sinh viên của mình không thể hiểu được những kiến thức toán học mà ông ta sử dụng trong môn học nhập môn của mình. Để tìm hiểu những lỗ hổng trong kiến thức chuẩn bị về toán của họ, ông đã cho họ một bài "kiểm tra chất lượng" về toán cơ bản. Sau đây là ba câu hỏi điển hình trong bài kiểm tra này cùng với tỷ lệ sinh viên trả lời sai:

(1) Chia 25×108 cho 5×10-5. (63% đã bỏ câu này.)

(2) Diện tích của hình tròn bán kính r là bao nhiêu? (31% bỏ câu này.)

(3) Cho y= x/(1-x), hãy tìm x theo biến y. (86% bỏ câu này.)

Để có thể so sánh, sẽ rất lý thú nếu như biết được có bao nhiêu phần trăm sinh viên Việt Nam sẽ không thể trả lời được các câu hỏi trên?

6.2. Chi phí cao và tệ quan liêu

Chi phí cho giáo dục bậc cao ở Mỹ còn tăng nhanh hơn cả lạm phát và nhanh hơn cả mức thu nhập gia đình. Tại nhiều trường đại học tư hiện nay, tính trung bình mỗi năm sinh viên phải chi trả cho các khoản: học phí, lệ phí, tiền thuê nhà, tiền ăn là vào khoảng 50.000 USD. (Tại các trường công lập thì chi phí vào khoảng một nửa số đó.) Đã có nhiều tranh luận về vấn đề này trên báo chí Mỹ.

Một lý do của chi phí cao là các trường đại học đó cung cấp cho sinh viên nhiều dịch vụ hơn trước đây. Ví dụ, so với các sinh viên ở các thế hệ trước, sinh viên thời nay dường như cần sự giúp đỡ về sức khoẻ và tâm lý nhiều hơn. Nhiều người trong số họ lam dụng các loại thuốc gây nghiện, các hoá chất chống dị ứng, thuốc tránh thai, và đặc biệt là các dược phẩm điều trị tâm lý như các loại thuốc giảm đau và thuốc giảm cường độ hoạt động[17] - và những cuộc rượu chè say sưa (một dạng của chứng nghiện rượu) cũng là một vấn đề lớn.

Một lý do khác nữa là sự nở rộ như bệnh ung thư của hệ thống quan liêu, điều mà tôi cũng đã đề cập trong bài bình luận của tôi về bản báo cáo của Viện Hàn Lâm Quốc gia Hoa Kỳ. Đội ngũ cán bộ hành chính trong các trường đại học thường đông đảo như một khoa, và có nhiều toà nhà chỉ dành cho các phòng hành chính. Các cán bộ hành chính này mất quá nhiều thời gian cho các cuộc họp vô bổ và các hội nghị đắt đỏ không cần thiết, và họ xuất bản ra một khối lượng khổng lồ những ấn phẩm không có giá trị mà hầu như chẳng ai thèm đọc.

Do những yếu tố tổng hợp liên quan đến vấn đề cá nhân, áp lực về tài chính, và sự chuẩn bị nghèo nàn về toán học và các lĩnh vực khác, hầu như một nửa số sinh viên vào các trường có chương trình đào tạo là 4 năm đã không thể hoàn thành khoá học của mình trong vòng 4 năm, 5 năm và thậm chí là 6 năm.[18] Điều này khiến cho nhiều nhà bình luận của Mỹ nói rằng giáo dục bậc cao ở Mỹ là rất không hiệu quả và quá đắt đỏ.

6.3. Làm thế nào mà nước Mỹ vẫn tạo ra được những sản phẩm khoa học tốt ?

Khi các nhà khoa học và toán học đến thăm và giảng dạy tại Mỹ trong vòng một năm, họ thường bị sốc vì trình độ rất thấp của sinh viên ở đây. Họ thường tự hỏi vì sao mà một nước có nền giáo dục yếu kém như thế này lại có thể vẫn duy trì một nền khoa học hàng đầu thế giới? Nước Mỹ luôn nắm giữ những kỹ thuật hiện đại nhất trong hầu hết các ngành kỹ thuật cao, vẫn có những chương trình sau đại học về các ngành khoa học tốt nhất thế giới, và vẫn đạt được rất nhiều giải Nobel. Thoạt nhìn, điều này đúng là một nghịch lý.

Có hai lý do giải thích vì sao nước Mỹ vẫn sản sinh ra các nhà khoa học hàng đầu thế giới:

Nước Mỹ là một quốc gia rộng lớn và giàu có, với một hệ thống giáo dục hoàn toàn phi tập trung. Sự đa dạng về chất lượng là rất lớn. Có một thiểu số các trường công lập và trường tư có chất lượng rất cao. Giả sử rằng 98% người Mỹ được hưởng một nền giáo dục không đầy đủ trong các ngành khoa học, thì vẫn còn 2% nhận được một nền giáo dục tầm cỡ thế giới. Con số 2% đó cũng đủ để cung cấp cho đất nước hàng trăm nghìn kỹ sư và các nhà khoa học.
Nước Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ phong trào nhập cư. Sự "bòn rút chất xám"[19] từ các quốc gia khác cung cấp đều đặn cho nước Mỹ một số lượng phong phú các nhà khoa học và kỹ sư. Trong nhiều ngành khoa học, hơn một nửa các luận án Tiến sĩ chất lượng hàng đầu được viết bởi các sinh viên sau đại học đã từng học tập tại các trường bậc thấp hơn ở các quốc gia khác.
Đối với các quốc gia khác, có thể rút ra nhiều bài học từ thành công và thất bại của giáo dục khoa học ở Mỹ. Tuy nhiên, không một người có tri thức nào lại có thể khẳng định rằng nhìn chung hệ thống đào tạo trung học và đại học của Mỹ là một mô hình tốt và đáng để các quốc gia khác noi theo.



7. Về ý tưởng một trường đại học mới do người Mỹ dựng lên
Báo cáo Vallely có kèm theo một phụ lục bài viết của Giáo sư Hoàng Tụy, trong đó ông ủng hộ ý tưởng xây dựng một trường đại học mới, do nhà nước tài trợ, dựa trên mô hình của Mỹ, và do người Mỹ thiết kế.

Tôi đặc biệt ngưỡng mộ và kính trọng Hoàng Tụy (và đã viết về điều này trong Random Curves), nhưng tôi không phải là đồng ý với ông về mọi điểm. Chẳng hạn như khi tôi phỏng vấn ông khoảng 20 năm trước cho tờ The Mathematical Intelligencer, ông và một vài nhà toán học có tiếng khác có vẻ rất thích thú với một trường đại học mới là đại học Thăng Long, và cho rằng những đại học tư như thế sẽ trở thành kiểu mẫu cho giáo dục bậc cao ở Việt Nam. Tôi không bao giờ tin điều này sẽ xảy ra. Tôi biết nhiều trường đại học tư ở các nước thế giới thứ ba khác, và tôi không tin rằng việc "tư nhân hóa" như thế sẽ là một lời giải cho những khó khăn của Việt Nam (và các nước khác) trong giáo dục bậc cao. Bây giờ thì rõ ràng là tôi đã đúng về điểm này. Các "đại học" tư, kể cả Thăng Long, không thực sự là các đại học mà chỉ là các trường dạy nghề với một vài hình thức giáo dục trên bậc phổ thông.[20]

Cũng tương tự như thế, tôi cho rằng Hoàng Tụy và nhiều người khác đã sai lầm khi cho rằng một trường đại học được xây dựng hoàn toàn mới theo thiết kế của một nhóm các trường đại học của Mỹ sẽ là một mô hình thành công trong giáo dục bậc cao ở Việt Nam. Có nước nào trên thế giới mà điều này đã xảy ra không? Có một vài nước, chủ yếu là ở vùng Trung Đông,[21] là có các trường đại học do người Mỹ xây dựng, nhưng theo tôi được biết thì những trường này chỉ đào tạo các con em tầng lớp thượng lưu và không có nhiều ảnh hưởng đến việc nâng cáo chất lượng giáo dục ở các quốc gia đó.

Một điểm quan trọng trong bản kiến nghị về một trường đại học mới kiểu Mỹ ở Việt Nam là nó sẽ không lấy kinh phí từ nguồn của Mỹ. Như thế, nó sẽ là một khoản chi rất lớn đối với chính phủ Việt Nam. Như trong bản báo cáo Vallely đã viết: "Nói một cách thẳng thừng là Việt Nam phải chấp nhận chi tiền." Và mỗi đồng đô la mà Việt Nam trả cho một hiệp hội của Mỹ có nghĩa là nhà nước sẽ có ít tiền hơn để cải tổ các trường đại học hiện có.

Nhìn sang các nước khác để học tập các ý tưởng để cải cách là một việc làm hoàn toàn xác đáng. Có một số điều ở nước Mỹ được thực hiện tốt - như tôi đã từng đề cập đến trong những lần sang thăm Việt Nam. Ví dụ, ở Mỹ thì việc giảng dạy và nghiên cứu được gắn kết với nhau tốt hơn so với đa số các nước khác. (Tôi đã trình bày về điều này từ năm 1983 trong một bản báo cáo mà tôi đã viết cho các nhà lãnh đạo Việt Nam về giáo dục và khoa học.) Nhưng Việt Nam không nên tôn sùng nước Mỹ (hay bất cứ quốc gia nào khác). Cần phải hiểu rằng có rất nhiều thất bại trong hệ thống Mỹ. Và một số nước khác, như Ấn Độ, Trung Quốc, và Nhật Bản - lại là những nguồn ý tưởng và cảm hứng hay hơn nhiều trong một số khía cạnh của giáo dục.



8. Thị trường việc làm
Bản báo cáo Vallely khẳng định rằng "có đến khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình," và dùng điều này như là một bằng chứng về sự kém hiệu quả của chương trình đào tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là kết luận đứng đắn rút ra được từ con số thống kê này. Ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước Thế giới Thứ Ba khác, vấn đề là ở chỗ khu vực tư nhân không đạt được đến mức độ có khả năng thu nhận một số lượng lớn các nhà khoa học và kỹ sư tài năng (và ở khu vực nhà nước thì điều này lại bị giới hạn bởi những lý do về tài chính).

Từ nhiều năm nay tôi thường xuyên đến Peru, một quốc gia cũng không có khả năng cung cấp công ăn việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp đúng với chuyên môn của họ. Một khách du lịch ở Peru rất có thể sẽ gặp một người lái taxi hay một hướng dẫn viên du lịch rất có học! Khách du lịch tất nhiên sẽ thích điều này, nhưng đây lại là một bi kịch đối với quốc gia đó. Lý do vì sao rất nhiều người Peru có bằng cấp cao nhưng lại làm các công việc thậm chí không cần đến trình độ đại học không phải là do các trường đại học của Peru quá kém cỏi trong công tác đào tào họ, mà là vì nền kinh tế chưa đủ sức để có thể thu nhận họ. Peru, giống như Việt Nam, chưa có một khu vực tư nhân sống động. Và ở Peru, cũng như ở nhiều quốc gia khác, chính phủ đang phải chịu một sức ép rất lớn phải giảm bớt khu vực nhà nước, nơi phần lớn những người làm việc trong các ngành khoa học ăn lương (sự cắt giảm trong khu vực nhà nước thường là một trong những điều kiện mà Ngân Hàng Thế Giới hay Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế yêu cầu).

Ngay cả khi một quốc gia có một khu vực kinh tế tư nhân giàu sáng tạo với rất nhiều việc làm dành cho các nhà khoa học và kỹ sư, cũng cần phải có những cố gắng đặc biệt để đảm bảo cho các sinh viên tốt nghiệp đại học có một bước chuyển tiếp trơn tru ra thị trường nhân lực. Một trường đại học đã có rất nhiều thành công trong việc này là đại học Waterloo (thường được gọi là "MIT của Canada"), nơi mà khái niệm "thực tập sinh"[22] được đưa ra lần đầu tiên từ gần nửa thế kỷ trước. Các sinh viên Waterloo mất 5 năm chứ không phải 4 năm đại học để tốt nghiệp vì họ dành một phần không nhỏ thời gian trong các năm đó để làm các công việc tạm thời, thường là các khu vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại các công ty công nghệ cao. Tất nhiên là một chương trình thực tập như vậy chỉ có thể thực hiện được vì khu vực Toronto, nơi đại học Waterloo đặt địa điểm, có rất nhiều công ty như vậy.

8.1. Tính chất của khu vực tư nhân

Bản báo cáo Vallely sử dụng khái niệm "chỉ số sáng tạo" để chỉ bảng các bằng sáng chế được cấp năm 2006, và nó sử dụng việc thiếu vắng các bằng sáng chế được cấp cho Việt Nam như là một bằng chứng cho "chất lượng kém cỏi" của giáo dục bậc cao. Điều này là một sự nhầm lẫn tai hại..

Mục đính của bằng sáng chế là bảo vệ sự sáng tạo trong phu vực tư nhân, nói rõ hơn, là để đảm bảo cho các công ty thu được lợi nhuận từ những cải tiến mà các nhà nghiên cứu của họ đề xuất. Thông thường thì nghiên cứu trong khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng tại các trường đại học và tại các viện nghiên cứu của chính phủ không dẫn đến các bằng sáng chế, dù tính sáng tạo của nó ở mức độ nào chăng nữa.[23] Do đó, việc thiếu vắng những bằng sáng chế ở Việt Nam là một hệ quả, không phải của một sự thất bại trong hệ thống đại học, mà là chất lượng thấp của khu vực tư nhân.

Như đã chỉ ra trong báo cáo Vallely, Hàn Quốc có rất nhiều bằng sáng chế. Lý do là vì nền công nghiệp Hàn Quốc đã phát triển ở mức độ cao, với nhiều tên tuổi lớn trên thế giới cỏ khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp điện tử, xe hơi - và những công ty đặt tại quốc gia đó có mạng lưới R&D dày đặc.

Ngược lại, Việt Nam, cũng như nhiều nước thuộc Thế Giới Thứ Ba khác, không có một công ty quan trọng nào đi đầu trong các sáng tạo kỹ thuật. Và các chi nhánh tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia chỉ tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, phân phối và các hoạt động liên quan chứ không phải là phát triển sáng tạo kỹ thuật mới.

8.2. Intel

Trong một mục có tiêu đề là "Mức độ khủng hoảng," bản báo cáo Vallely khẳng định rằng kinh nghiệm của Intel trong việc tuyển người tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy "chất lượng tồi tệ của giáo dục đại học." Bản báo cáo cũng dẫn các kết quả của một bài kiểm tra trắc nghiệm của 2000 sinh viên ở Thành Phố Hồ Chí Minh và dẫn lời một ai đó tại Intel như sau:

Intel xác nhận rằng đây là kết quả tồi tệ nhất mà họ đã gặp phải tại tất cả các quốc gia mà họ đã đầu tư. Các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế thường dẫn việc thiếu hụt công nhân và lực lượng quản lý có trình độ là rào cản lớn đối với sự mở rộng của họ.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem liệu báo cáo Vallely có mô tả chính xác những gì mà Intel đã trải qua hay không và đi đến kết luận thích ứng.

8.2.1. Hoạt động của Intel tại Việt Nam

Trên trang web của mình, Intel công bố rằng các cơ sở được mở rộng đã được hoạch định trước ở Việt Nam sẽ hoạt động trong bốn lĩnh vực: sản xuất, kiểm nghiệm, bán hàng và marketing. Một biểu đồ trong Báo Cáo Trách Nhiệm Công Ty năm 2008 của Intel cho thấy là vào thời điểm 31 tháng 12 năm 2008, Intel đã có cơ sở hoạt động với trên 50 nhân viên tại mười hai nước Thế Giới Thứ Ba, trong đó có Việt Nam. Theo biểu đồ này thì Intel có các cơ sở R&D tại bốn nước trong số đó (Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, và Philippines).

Những công nhân có trình độ cao hoặc kém hơn một chút tại Việt Nam của Intel sẽ làm việc tại các dây chuyền sản xuất, thực hiện các giao thức kiểm nghiệm sản phẩm, và cố gắng tăng sức mua các sản phẩm của Intel trong nước. Ngoài ra, Intel cần nhân công có trình độ trong các công việc thư ký và quản lý (đôi khi được gọi là "kỹ năng mềm") để giải quyết các công việc hành chính và quản lý nhân viên Việt Nam. Đối với những mục đính như vậy thì chỉ cần một hai năm học tại một trong những trường dạy nghề tư đang nở rộ tại Thành phố Hồ Chí Minh là đủ; không có một điều gì trong mô tả công việc đòi hỏi đến bằng đại học 4 năm. Nói riêng, chi nhánh tại Việt Nam của công ty không cần đến các kỹ sư hay các nhà khoa học sáng tạo vì nó không có R&D.

Trong những lần đầu khi tôi đến thăm Việt Nam vào năm 1978 và những năm 1980, tôi thường cảm thấy hết sức kinh ngạc trước sự khéo léo của các tài xế và thợ máy Việt Nam, họ có thể sửa chữa và bảo trì những chiếc xe cũ nát của Mỹ từ thời chiếm đóng. Có vẻ như những kỹ năng, sự thông minh, và đôi khi là sự sáng tạo thể hiện khi sửa chữa xe hơi hay tại các cửa hàng sửa chữa xe đạp trong những năm tháng đó vượt quá những gì mà Intel mong đợi từ những nhân viên Việt Nam của mình. Những người này chỉ được yêu cầu phải theo đúng những công đoạn thực hiện mà những nhân viên Mỹ đã vạch ra. Người ta không yêu cầu họ phải sáng tạo.[24] Vì thế, không thể đưa ra những kết luận hợp logic nào về chất lượng của các trường đại học đào tạo 4 năm của Việt Nam từ sự thành công hay thất bại của Intel trong công tác tuyển dụng nhằm thỏa mãn mục tiêu của họ.

8.2.2. Trả lời của Intel về bản báo cáo Vallely

Được sự giúp đỡ của một người đồng nghiệp, hiện đang là một nghiên cứu viên có thâm niên trong lĩnh vực mật mã tại Intel, tôi đã tiếp cận được với một số người tại Intel có hiểu biết về hoạt động của công ty tại Việt Nam. Tôi đã đề nghị họ đọc những phát biểu về Intel trong bản báo cáo Vallely và trả lời. Dưới đây là phát biểu của Intel:[25]

Mục tiêu của Intel là phối hợp với chính phủ Việt Nam, các trường đại học, và ngành kinh doanh khác để phát triển một đội ngũ nhân công kỹ thuật cao có chất lượng quốc tế. Đây không phải là điều mà chúng tôi có thể hay muốn làm một cách đơn độc, lại càng không phải là một việc có thể xảy ra ngay lập tức. Nó cần phải có được sự hỗ trợ và đóng góp của tất cả các bên có liên quan. Từ khi chúng tôi bắt đầu hoạt động tích cực ở Việt Nam, chúng tôi đã có được một định hướng tích cực.

Intel muốn xây dựng một nhà máy kiểm nghiệm dây chuyền bán dẫn lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã có được một số thành công trong việc tuyển dụng sịnh viên kỹ thuật. Từ khi chúng tôi bắt đầu đánh giá khả năng của sinh viên, họ đã chứng tỏ được khả năng tiếp thu tiếng Anh tốt hơn, và những kỹ năng mềm của họ đã có tiến bộ. Khi Intel thông báo các yêu cầu của mình, sinh viên và các trường đại học đã có những đáp ứng có tính xây dựng. Chúng tôi còn cả một chặng đường, nhưng những tiến bộ gần đây là đáng kể.

Khi tiếp tục đi trên con đường này cùng với các thành viên đối tác, và khi các trường đại học và chính phủ và giới kinh doanh tập trung vào các ứng dụng cụ thể của kỹ năng kỹ thuật, chúng tôi tin rằng lực lượng nhân công kỹ thuật cao của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh ở mức độ toàn cầu.

Phát biểu của Intel không ủng hộ cho cái gọi là các trường đại học Việt Nam đang khủng hoảng, hay cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong việc quản lý. Báo cáo Vallely rõ ràng là đã xuyên tạc và bóp méo những kinh nghiệm của Intel để phục vụ cho mục tiêu chính trị của mình.



9. Học tập ở nước ngoài
Bản báo cáo Vallely khẳng định rằng do chất lượng học tập ở bậc đại học kém nên "Các sinh viên Việt Nam thường không thể cạnh tranh [với] các sinh viên đến từ Ấn Độ và Trung Quốc ... khi đăng ký vào các chương trình cao học có chất lượng cao tại Mỹ và Châu Âu." Nhưng nó không đưa ra được một bằng chứng nào để minh chứng cho khẳng định nói rằng các sinh viên Việt Nam không đủ sức cạnh tranh.[26]

Rất có thể là tại một vài trường đại học của Trung Quốc và Ấn Độ, các ứng viên của họ thành công hơn so với các ứng viên đến từ các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba, bao gồm cả Việt Nam. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có nhiều năm kinh nghiệm hơn trong việc gửi sinh viên của họ ra nước ngoài để tiếp tục học tập, và thường thì số ứng viên từ hai nước này cũng cao hơn rất nhiều. (Cũng cần nhắc lại rằng Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 37% dân số thế giới; còn Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1.28%.)

Trong trường hợp Việt Nam, có một hiện tượng đặc biệt có thể giúp giải thích phần nào cho sự ít ỏi của ứng viên so với một vài nước khác, tương tự như Việt Nam, có truyền thống đòi hỏi cao trong giáo dục toán học. Nhiều chương trình Ph.D. toán yêu cầu phải có điểm TOEFL rất cao. Lý do là vì tại các trường đại học của Mỹ, nguồn tài chính chủ yếu cho việc học tập sau đại học là làm trợ giảng cho các môn học nhập môn - một công việc đòi hỏi kiến thức tiếng Anh giao tiếp rất vững vàng.

Thường thì các sinh viên từ Hà Nội có trình độ toán cao hơn, nhưng lại không có điểm TOEFL cao, trong khi đó thì đối với các sinh viên từ phía nam, điều ngược lại xảy ra. Tất nhiên là có nhiều ngoại lệ đối với khẳng định trên, nhưng nói chung thì khó tìm được một ứng viên Việt Nam dẫn đầu cả về toán học và tiếng Anh.

Theo như tôi biết thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà ở đó, nơi đào tạo khoa học tốt nhất và nơi giảng dạy tiếng Anh tốt nhất lại gần như hoàn toàn khác nhau. Ở Trung Quốc chẳng hạn, thì những nơi này là một. Trong trường hợp của Ấn Độ, vấn đề này không tồn tại vì tiếng Anh là ngôn ngữ của tầng lớp cao, và tiếng Anh được dùng trong giảng dạy tại tất cả các trường đại học.

10. Một vài khuyến nghị
Nếu như tôi được yêu cầu đóng góp một số lời khuyên cho chính phủ Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao, thì chúng sẽ khác hẳn những gì mà Viện Ash hay Viện Hàn Lâm Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa ra. Những khuyến nghị của tôi là như sau:

1. Tăng lương cho các giảng viên, giáo sư, và các nghiên cứu viên để có thể tiếp cận được với mức lương ở khu vực tư nhân.

2. Cấp học bổng cho sinh viên ở bậc cao học (Master) trong các ngành toán hoc và khoa học.

3. Cấp kinh phí cho các chương trình mùa hè dành cho các sinh viên tài năng (ví dụ như những sinh viên có kết quả tốt trong các kỳ thi Olimpic toán).

4. Cấp kinh phí để xây dựng các chương trình đặc biệt dành cho nữ sinh, đặc biệt là tại các trường trung học và đại học, để khuyến khích nữ giới lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. (Quỹ Kovalevskaia dành những phần thưởng cho các nhà khoa học nữ có trình độ cao, nhưng lại không có một chương trình tương tự như vậy dành cho nữ giới ở trình độ thấp hơn).

5. Cấp kinh phí để xây dựng các chương trình đặc biệt dành cho các dân tộc thiểu số, để họ có thể tham gia trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Cả học sinh nữ lẫn các học sinh người dân tộc thiểu số đều cần được khuyến khích tham gia và các hoạt động như các kỳ thi Olimpic toán. (Vào năm 2007, Quỹ Kovalevskaia đã cấp kinh phí cho một cậu bé người dân tộc miền núi thiểu số ở Peru tham gia vào cuộc thi IMO tại Hà Nội, và cậu đã dành được huy chương bạc.)

6. Cố gắng vận động, gây ảnh hưởng đối với các công ty kỹ thuật cao đa quốc gia để xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển (không chỉ có các công việc kinh doanh, marketing, kiểm nghiệm và sản xuất) tại Việt Nam, để từ đó có thêm nhiều công việc đòi hỏi trình độ cao trong các khu vực tư nhân, tạo thêm cơ hội cho sự sáng tạo của các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Hiện tại thì gần như tất cả các nghiên cứu khoa học đều chỉ do nhà nước hỗ trợ chứ không có sự tham gia của khu vực tư nhân. Nếu như Intel có thể xây dựng các cơ sở R&D tại Malaysia và Phillippines thì tại sao nó không thể làm như vậy tại Việt Nam?

7. Đưa ra một loại thuế mới đối với các công ty ở khu vực tư nhân - kể cả với các công ty đa quốc gia - để chỉ sử dụng vào các hoạt động của chính phủ nhằm hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học. [27]

8. Đừng phung phí tiền của chính phủ Việt Nam bằng cách chi trả cho các cái gọi là "chuyên gia" Hoa Kỳ, hay chi trả cho các trường đại học của Mỹ để họ dựng lên một đại học ở Việt Nam.

Mục đính của các khuyến nghị 7 và 8 là để cho chính phủ Việt Nam có thêm kinh phí từ các khuyến nghị 1, 2, 3, 4, 5. Khác với bản báo cáo Vallely, cho rằng không cần thiết phải tăng thêm kinh phí tài trợ cho giáo dục bậc cao ở Việt Nam, tôi cho rằng một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao chắc chắn PHẢI LÀ tài chính.

11. Kết luận
Một vài nhà bình luận Việt Nam mô tả tình trạng hiện nay bằng các ngôn từ của ngày tận thế, và tuyên bố rằng các vấn đề của giáo dục bậc cao đã trở nên trầm trọng đến mức cần phải có sự can thiệp từ phía bên ngoài - bởi những người nước ngoài - mới có thể dẫn đến cải cách. Một số thậm chí còn tin tưởng rằng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu như toàn bộ hệ thống kinh tế và chính trị được thay đổi - chắc với ý là bằng một mô hình nào đó theo mô hình tư bản phương tây.

Trong tiếng Anh, có một câu nói là: "Hãy coi chừng những ước muốn của mình."[28] Lý do (thường không nói đến) là bởi vì "anh sẽ lĩnh đủ nó."[29] Khi tôi ở Mátxcơva vào những năm 1970 và 1980, tôi thấy rất nhiều trí thức đầu đàn của Liên Xô chán ghét hệ thống xã hội chủ nghĩa mà họ đang sống và chỉ muốn được thấy nó bị thay thế bởi một hình thức kiểu phương Tây cả về kinh tế và chính trị. Họ thường tỏ ra rất ngưỡng mộ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và họ thường không hiểu được những khó khăn và thất bại của hệ thống Mỹ.

Bây giờ thì họ đã lĩnh đủ những gì họ mong đợi - Hệ thống xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã sụp đổ và được thay thế bởi một dạng thô sơ của chủ nghĩa tư bản. Nhưng những hệ lụy đối với nghiên cứu khoa học và giáo dục là hết sức tai hại. Nước Nga bây giờ không còn là nơi mà khoa học, toán học và giáo dục bậc cao có tầm cỡ thế giới. Gần đây, Math Reviews[30] có nhờ tôi đọc nhận xét một bài báo đăng bằng tiếng Nga về mật mã (điều này rất hiếm xảy ra vì thời gian gần đây chẳng có gì được đăng bằng tiếng Nga cả). Danh sách các tài liệu trích dẫn của nó đều là các bài đã cũ từ 15 năm trước - một điều rất lạ so với một ngành toán ứng dụng đang phát triển rất nhanh chóng - và "ý tưởng mới" của tác giả đã được phát triển và công bố từ cuối những năm 1990. Trình độ của tác giả giống như của một ai đó từ một nước Thế Giới Thứ Ba chậm phát triển. Một đất nước mà trước kia từng là đối thủ cạnh tranh khoa học của nước Mỹ thì ngày nay chỉ là một vũng nước đọng.

Nhiều năm trước Hoàng Tụy đã giải thích cho tôi rằng khác với một vài nước khác (chắc là ông đang nghĩ chủ yếu đến Trung Quốc), từ khi giành độc lập năm 1945, Việt Nam đã tránh được nhiều sự đổi hướng đột ngột - những thay đổi đã gây nên rất nhiều gian khổ ở các nơi khác trên thế giới. Người Việt Nam, theo quan sát của ông, thích những sự thay đổi vừa phải và giải quyết những bất đồng một cách êm thấm, sao cho không dẫn đến những sự đàn áp hay làm nhục đối phương. Nếu như cái nhìn này về cách thực hiện cải cách ở Việt Nam vẫn còn chính xác thì rất có thể nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao ở Việt Nam mà vẫn không đoạn tuyệt với hệ thống xã hội chủ nghĩa, không sỉ nhục những người được đào tạo tại Liên Xô các nước khối Đông Âu cũ, và không giao phó tương lai của Việt Nam cho những người được gọi là "chuyên gia" Mỹ.

Neal Koblitz

Khoa Toán, Đại học Washington, Seattle, USA

koblitz@math.washington.edu

Ngày 03 tháng 10 năm 2009

[1] http://www.hks.havard.edu/innovations/asia/Documents/HigherEducationOverview112008.pdf

[2] http://home.vef.gov/download/Report_on_Undergrad_Educ_V.pdf

[3] http://www.viet-studies.info/Neal_Koblitz_article-vietnamese.pdf

[4] A mathematical visit to Hanoi, The Mathematical Intelligencer, 2 (1979), no. 1, pp. 38-42

[5] Recollections of mathematics in a country under siege, The Mathematical Intelligencer, 12 (1990), no.3, pp 16-34.

http://ashinstitute.havard.edu/asia/staff

[7] Điều này được xem như một tội ác chống lại loài người theo Điều 7(d) của Bộ luật của Toà án Tội ác Quốc tế

Master of Public Administration (ND).

[9] "fellows" (ND)

[10] N. Koblitz, Random Curves: Journeys of a Mathematician, Springer-Verlag 2007. Chương 9 và 10 được dành cho Việt Nam.

[11] Bán phá giá, hàng ế (ND)

[12] M.A. Overland, American college raise the flag in Vietnam, The Chronicle of Higher Education, 15/05/2009, pp. A1, 22-24

[13] Houston Community College (ND)

[14] Research Experiences for Undergraduates (ND).

[15] Điều này được hiểu là xu hướng các giáo viên Mỹ thường cho điểm sinh viên cao hơn ngày trước ở cùng mức công việc được giao. Sự lạm phát điểm số xuất hiện tràn lan ở các trường cấp hai, đồng thời nó lan rộng ở các cấp đại học trong hầu hết các trường đại học, đặc biệt là các trường phi khoa học. (grade inflation).

[16] Khái niệm này được hiểu như là hiện nay việc thực hành ở các trường phổ thông và đại học ở Mỹ trong các khoá học trở nên ngày càng dễ hơn, thông thường là bằng cách cho qua các ví dụ khó và có ít bài kiểm tra hơn.(dumbing down).

[17] anti-hyperactivity (ND).

[18] Theo tờ The Chronicle of Higher Education (24/08/12009), trong số các sinh viên hệ 4 năm nhập học năm 2001, chỉ có 56.1% tốt nghiệp vào năm 2007.

[19] "brain drain" (ND).

[20] post-secondary

[21] Mideast

[22] internship

[23] Tại Mỹ, trong những năm gần đây, những người quản lý tại các trường đại học liên tục yêu cầu các giáo sư trong các lĩnh vực ứng dụng lấy bằng sáng chế. Nếu như những bằng sáng chế này có lợi nhuận thì trường sẽ được hưởng một phần không nhỏ. Tuy nhiên, chỉ mãi đến gần đây thì mới có nhiều giáo sư đại học có bằng sáng chế, và ngay cả tại thời điểm hiện tại thì đa số các nhà khoa học ở các trường đại học chưa bao giờ có một bằng sáng chế nào. Ví dụ như mặc dù đã làm việc trong lĩnh vực mật mã học từ 25 năm nay, tôi không có một bằng sáng chế nào.

[24] Trong bản quảng cáo dành cho nhân viên tương lai, Intel Việt Nam đôi khi tỏ ra mập mờ về tính chất công việc. Trên trang Facebook "Việc làm tại Intel Việt Nam", chúng ta đọc được "Tại Intel, bạn sẽ có đươc những cơ hội để khẳng định trí tuệ của mình khi làm việc, phát triển và sáng tạo cùng với những nhân viên giỏi nhất trên thế giới tại một môi trường làm việc sáng tạo và có tính chất quốc tế." Chú ý rằng cùng một từ "sáng tạo" được sử dụng đến hai lần trong cùng một câu. Tuy nhiên, từ các thông tin trên chính trang web của Intel về những hoạt động dự kiến của nó ở Việt Nam, rõ ràng là câu nói trên tỏ ra vô nghĩa.

[25] Email đề ngày 2 tháng 10, 2009 của Gail DunDas từ Nhóm Liên Lạc Toàn Cầu của Công ty Intel - Intel Corporation Global Communications Group.

[26] Tôi làm việc trong ban xét duyệt hồ sơ sinh viên sau đại học của khoa, với trách nhiệm phải đọc và đánh giá hàng trăm hồ sơ đăng ký vào chương trình Ph.D ngành toán của đại học Washington, Seattle. Trong hơn ba năm qua, chúng tôi đã có khoảng 6 ứng viên từ Việt Nam, trong đó có hai người được chấp nhận. Tỷ lệ được chấp nhận này tương tự như đối với các nước khác; ví dụ như khoảng một phần ba trong số 90 ứng viên Trung Quốc đăng ký trong cùng khoảng thời gian 3 năm nói trên được chấp nhận.

[27] Một phương án khác với hình thức đánh thuế là một hệ thống các "người tài trợ tình nguyện" giống như những gì mà Viện Toán học Hà nội sử dụng để thu thập kinh phí từ các thành viên của viện trở về từ các nước tư bản. Tức là, với mỗi công ty, nhà nước sẽ tính toán một khoản tiền tương ứng mỗi năm, và công ty đó sẽ được yêu cầu phải thực hiện một khoản tài trợ tình nguyện cho phát triển khoa học và giáo dục. Số tiền yêu cầu và số tiền được tài trợ sẽ được công bố, và các công ty tài trợ đầy đủ số tiền sẽ nhận được nhiều thiện cảm và sự hợp tác cả ở cac kênh chính thức cũng như không chính thức so với các công ty khác với số tiền tài trợ không đầy đủ.

[28] Be careful what you wish for. (ND)

[29] Because you might get it. (ND)

[30] Một hệ thống điểm các bài báo thuộc lĩnh vực toán học của hội toán học Mỹ (ND)


Nguồn: Tuần Việt Nam



http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org

Trung quốc không phải là một siêu cường

THE DIPLOMAT

Trung quốc không phải là một siêu cường
Minxei Pei



… và không thể một sớm một chiều trở thành siêu cường, theo Minxin Pei, tình hình chính trị và kinh tế của nó bất ổn hơn nhiều so với vẻ ngoài.





Khi mà nước Mỹ rõ ràng đang ở trong suy thoái tột cùng với tư cách là siêu cường duy nhất của thế giới, câu hỏi mang tính thời sự là nước nào sẽ là siêu cường mới? Dường như câu trả lời hầu như mọi người đều nhất trí là Trung quốc. Chuẩn bị thay chỗ nước Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong năm 2010, Vương quốc Trung tâm nầy có tất cả mọi yếu tố cần thiết về sức mạnh có thể so sánh và về mặt lôgic ngang ngửa với sức mạnh của chú Sam – nền tảng công nghiệp rộng lớn, nhà nước mạnh, quân đội vũ trang hạt nhân, diện tích lãnh thổ cỡ châu lục, vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và dân số lớn.. Thực tế là cảm nhận cho rằng Trung quốc trở thành siêu cường thứ hai của thế giới tăng mạnh đến nỗi ở phương Tây đã có đề nghị thành lập G2 – Mỹ và Trung quốc – như là một tổ chức hợp tác mới để giải quyết những vấn đề căng thẳng nhất của thế giới.


Chắc chắn cảm nhận Trung quốc là siêu cường kế tiếp ít nhất một phần dựa trên sự phát triển kỳ diệu của đất nước nầy trong ba thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế với mức gần hai con số từ năm 1979, Trung quốc đã tự chuyển hóa từ một xã hội cô lập, bần cùng và suy đồi thành một thế lực thương mại tòan cầu tự tin, thịnh vượng. Với GDP 4,4 nghìn tỉ và tổng ngoại thương 2,6 nghìn tỉ đôla trong năm 2008, Trung quốc đã tự mình phát triển vững chắc thành một cỗ máy chính của kinh tế thế giới.


Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu không thế phủ nhận đó, có thể quá sớm để cho rằng Trung quốc sẽ là siêu cường kế tiếp. Chắc chắn là Trung quốc đã là một cường quốc, một tư cách của các nước không chỉ bảo vệ hiệu quả chủ quyền của mình mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ lên các vấn đề kinh tế và an ninh toàn cầu. Nhưng một cường quốc không nhất thiết là siêu cường.

Trong lịch sử thế giới, duy nhất chỉ có một nước – nước Mỹ – thực sự có được tất cả khả năng của một siêu cường: nền kinh tế công nghệ hiện đại, quân đội công nghệ cao, đất nước hội nhập hoàn toàn, quân đội và lợi thế kinh tế vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng, khả năng cung cấp hàng hóa và một ý thức hệ lôi cuốn. Ngay cả trong thời hoàng kim của nó, Liên xô cũ, giỏi nhất cũng chỉ là siêu cường về một phương diện – có thể cạnh tranh với Mỹ về quân sự, nhưng thiếu tất cả những phương tiện thiết yếu khác của sức mạnh quốc gia.


Trong khi đó, những thách thức mà Trung quốc phải đối mặt trong quá trình trở thành siêu cường kế tiếp thực sự đáng ngại. Ngay khi sản lượng kinh tế của nó dự kiến vượt 5 nghìn tỉ đôla trong năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Trung quốc vẫn dưới 4000 đôla, bằng khoảng một phần mười so với Mỹ và Nhật. Hơn nửa dân số Trung quốc vẫn sống ở nông thôn, phần lớn không được dùng nước sạch, không được chăm sóc y tế cơ bản hay giáo dục tử tế. Với tốc độ đô thị hóa hàng năm tăng 1 phần trăm phải cần đến ba thập kỷ nữa Trung quốc mới giảm được số lượng nông dân xuống còn một phần tư dân số. Khi nào Trung quốc còn có số nông dân quá lớn, hàng trăm triệu người ở nông thôn với thu nhập thấp vật vờ bên lề hiện đại, nó không thể trở thành một siêu cường thực sự.


Để tin rằng Trung quốc là siêu cường kế tiếp, cũng cần phải giả định là sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung quốc sẽ tiếp tục. Đáng tiếc, dựa vào kết quả quá khứ của một nước để dự báo viễn cảnh tương lai của nó là một nhận định đầy rủi ro. Cho dù kết quả tăng trưởng kỳ diệu từ năm 1979, khả năng duy trì mức tăng trưởng như thế không có gì đảm bảo. Thực ra, khả năng tăng trưởng của Trung quốc sẽ chậm lại đáng kể trong hai thập kỷ tới là hiện thực và thậm chí chắc chắn. Nhiều nhân tố cấu trúc thuận lợi, thu nhập dân cư (có từ dân số tương đối trẻ), sự xâm nhập thị trường toàn cầu hầu như không bị hạn chế, tỉ lệ tiết kiệm cao và chi phí môi trường thấp, sẽ dần dần biến mất. Giống như nước Nhật, Trung quốc đang trở thành một xã hội già nua, một phần không nhỏ là do hiệu quả của chính sách một con khắt khe của chính quyền (bắt các gia đình thành thị chỉ được có một con). Tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ là 17 phần trăm vào năm 2020, và số người già nầy sẽ làm tăng chi phí y tế và hưu trí đồng thời giảm tiết kiệm và đầu tư. Dù qui mô chính xác của việc giảm tiết kiệm và tăng chi phí y tế và hưu trí không rõ ràng, tác động tiêu cực kép của chúng lên tăng trưởng kinh tế sẽ rất lớn.


Một trở ngại khác đối với sự tăng trưởng của Trung quốc trong tương lai nằm ở mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước nầy. Là một nước thu nhập trung bình có thị trường nội địa hạn chế, Trung quốc dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng. Trong khi chiến lược nầy đã được ứng dụng thành công ở Đông Á và đã phục vụ tốt cho Trung quốc trong hai thập kỷ qua, khả năng tồn tại của nó trong tương lai hiện đang bị nghi ngờ sâu sắc. Là nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới (Trung quốc dự kiến sẽ vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong năm 2010) Trung quốc đang vấp phải sự phản kháng của chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều thị trường chính của nó (Mỹ và châu Âu). Đặc biệt, chính sách duy trì đồng tiền định giá thấp để tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của nó đang bị lên án làm tồi tệ thêm sự mất cân đối toàn cầu và làm suy yếu kinh tế của các đối tác thương mại của nó.


Khác với các nước láng giềng Đông Á, sức mạnh thương mại tương đối yếu, qui mô rõ rệt của Trung quốc đồng nghĩa nó có khả năng gây ra khó khăn kinh tế nghiêm trọng cho những đối tác của nó. Trừ phi chính quyền Trung quốc từ bỏ chiến lược vị lợi của nó, không thể tránh khỏi một sự chống đối hàng xuất khẩu Trung quốc trên toàn cầu. Do tăng trưởng xuất khẩu ròng đã làm cho Trung quốc tăng trưởng ít nhất thêm hai phần trăm trong năm năm vừa qua, sự sụt giảm xuất khẩu của Trung quốc trong tương lai đồng nghĩa với một tốc độ tăng trưởng thấp hơn. Đúng ra, Trung quốc có thể bù đắp sự tổn thất nhu cầu bên ngoài bằng cách tăng tiêu dùng trong nước. Nhưng quá trình nầy đòi hỏi chấn chỉnh toàn bộ chiến lược tăng trưởng của Trung quốc, một biện pháp vất vả và khó khăn về mặt chính trị mà chính quyền hiện thời không có khả năng thực hiện.


Một hạn chế thứ ba đối với tăng trưởng tương lai của Trung quốc là sự xuống cấp môi trường. Trong ba thập kỷ qua, Trung quốc đã bỏ mặc môi trường để chạy theo sự phát triển kinh tế tạo ra những hậu quả tai hại. Ngày nay, ô nhiễm không khí và nước giết chết khoảng 750.000 người một năm. Tổng chi phí do ô nhiễm chiếm khoảng 8 phần trăm GDP. Số liệu chính thức cho rằng để làm giảm sự xuống cấp môi trường đòi hỏi một khoản đầu tư bổ sung 1,5 phần trăm GDP hàng năm. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng nguồn cung cấp nước của Trung quốc và làm trầm trọng thêm hạn hán ở miền bắc. Phương thức tăng trưởng thông thường của doanh nghiệp Trung quốc, dựa vào năng lượng giá rẻ và ô nhiễm miễn phí, sẽ không thể tiếp tục duy trì.


Ngoài viễn cảnh kinh tế không rõ ràng, sự tiến đến tư thế siêu cường của Trung quốc còn bị hạn chế bởi một loạt nhân tố chính trị. Trước hết và trên hết, các nhà lãnh đạo Trung quốc phải tự mình tìm kiếm một tầm nhìn toàn cầu và một sứ mệnh chính trị. Các nước trở thành siêu cường không chỉ vì chúng có được quyền lực cứng. Sự thực thi quyền lực phải được truyền thông bằng những tư tưởng và tầm nhìn có tính thuyết phục phổ quát. Nước Mỹ mãi cho đến khi nó tham gia Thế chiến II vẫn chưa là siêu cường thực sự, cho dù nó có được tất cả yếu tố cần thiết của một siêu cường từ lâu trước vụ Trân Châu Cảng. Thách thức chính trị đối với Trung quốc trong tương lai là liệu nó có tìm thấy tư tưởng và tầm nhìn chính trị dẫn dắt việc sử dụng quyền lực của nó hay không. Hiện tại, Trung quốc thịnh vượng về kinh tế nhưng phá sản về ý thức hệ. Nó không tin vào chủ nghĩa cộng sản lẫn dân chủ. Việc không có tư tưỏng và tầm nhìn thuyết phục đối với thế giới không chỉ loại bỏ nguồn quyền lực mềm của Trung quốc mà còn chịu trách nhiệm về tư duy hướng nội của lãnh đạo Trung quốc, cho đến nay vẫn chỉ kêu gọi suông về việc Trung quốc phải có trách nhiệm quốc tế lớn hơn.


Khác với nước Mỹ, Trung quốc sẽ thấy khả năng thực thi quyền lực ở nước ngoài bị hạn chế to lớn vì thiếu sự hài hoà chính trị trong nước. Đảng Cộng sản Trung quốc sẽ chống lại các nhà tiên tri vốn thường xuyên cường điệu sự kết thúc của nó trong quá khứ. Nhưng sự độc quyền chính trị của đảng không có gì bảo đảm. Trung Quốc nắm giữ quyền lực bằng cả việc đưa đến thành tựu kinh tế thoả đáng và cả đàn áp những người chống đối sự cai trị của nó. Khi xã hội Trung quốc phát triển tiến bộ và tự chủ hơn, đảng sẽ thấy ngày càng khó để bác bỏ quyền tham gia chính trị của tầng lớp trung lưu thành thị. Là chế độ độc đảng, Đảng cộng sản cũng là nạn nhân của tham nhũng nội bộ. Sự kết hợp giữa thách thức chính trị từ tầng lớp trung lưu đang lên và tình trạng nội bộ ngày càng thối nát sẽ làm tăng khả năng thay đổi chế độ trong tương lai, một quá trình đột phá, thậm chí biến động.


Một sự chuyển biến dân chủ tiềm ẩn không chỉ là điều duy nhất mà thiểu số cai trị Trung quốc lo sợ, chủ nghĩa ly khai sắc tộc thậm chí còn đáng sợ hơn. Hầu như Trung quốc không phải là một nhà nước dân tộc, mà là một đế quốc đa dân tộc với những vùng lãnh thổ to lớn (Tây tạng và Tân cương) cư trú bởi những nhóm thiểu số có tư tưởng ly khai. Nguy cơ tan rã nội bộ, trên cả vấn đề Đài loan lâu đời, có nghĩa là Trung quốc sẽ phải dành các nguồn lực quân sự và an ninh khổng lồ để bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của nó. Điểm yếu mang tính kết cấu nầy làm Trung quốc khó có thể thực thi quyền lực ở nước ngoài và dễ bị tổn thương trước các mưu đồ của đối thủ, những nước lợi dụng căng thẳng sắc tộc của Trung quốc để trói tay Bắc Kinh.


Về mặt địa chính trị, các hạn chế quyền lực của Trung quốc cũng nghiêm trọng như thế. Trong khi nước Mỹ có những láng giềng yếu, Trung quốc phải đương đầu với những đối thủ mạnh trong khu vực – Ấn độ, Nhật và Nga. Ngay cả những nước láng giêng tầm cỡ trung bình của Trung quốc như Hàn quốc, Indonesia, và Việt nam cũng không phải là những nước dễ bị bắt nạt. Sự phát triển của Trung quốc đã châm ngòi cho một sự bố trí lại địa chính trị của khu vực nhằm kiểm sóat thamvọng và sự bành trướng của Bắc kinh. Chẳng hạn, Mỹ đã tăng cường mạnh mẽ hợp tác chiến lược với Ấn độ để New Dehli có thể đương đầu với Bắc kinh. Nhật bản cũng tăng viện trợ cho Ấn độ với cùng một mục đích chiến lược đó. Ngay cả Nga, đối tác dễ chịu hiện nay của Trung quốc, vẫn cảnh giác Trung quốc. Moscow đã từ chối bán vũ khí hiện đại nhất và hạn chế cung cấp năng lượng cho Trung quốc. Bất chấp những tuyên bố chống Mỹ của nó, Hàn quốc tiếp tục dựa vào Mỹ để có được thịnh vượng kinh tế và an ninh. Đối với Việt nam và Indonesia, hai nước Đông Nam Á nghi ngờ nhất ý đồ tương lai của Trung quốc, họ thận trọng tiếp cận nước đôi. Trong khi cố gắng không công khai chỉ trích Trung quốc, họ cải thiện mạnh mẽ quan hệ với Mỹ và Nhật, những đối thủ tiềm tàng của Trung quốc trong khu vực.


Một sự phản cân bằng địa chính trị như vậy sẽ khiến cho Trung quốc không có khả năng trở thành bá chủ ở châu Á – một thế lực thống trị tuyệt đối các đối thủ của nó. Theo định nghĩa, một quốc gia không thể là siêu cường toàn cầu nếu nó không phải vừa là bá chủ khu vực, giống như nước Mỹ. Là một cường quốc bị vây quanh bởi các láng giềng hùng mạnh và đầy cảnh giác, Trung quốc phải thường xuyên trông chừng lưng mình trong khi thực thi quyền lực và ảnh hưởng trên sân khấu toàn cấu.


Tư cách như thế – một cường quốc có ảnh hưởng tòan cầu, nhưng không phải là một siêu cường chi phối – là thứ mà không ai nên bác bỏ dễ dàng. Pax Americana là một tai nạn của lịch sử mà một nước khác không thể sao chép. Đối với thế giới, nó không nên bị ám ảnh với nỗi sợ hãi Trung quốc sẽ trở thành một siêu cường khác. Thay vào đó, nó nên học để sống chung với Trung quốc như là một cường quốc.


Vấn đề là: Trung quốc là loại cường quốc gì?

Điều trớ trêu là, trong khi tất cả các nước đều xem tương lai Trung quốc như là một siêu cường đã an bài thì chính lãnh đạo Trung quốc lại hiểu rõ hơn về những hạn chế cố hữu trong sức mạnh của đất nước nầy. Do vậy, Bắc kinh cực kỳ thận trọng thực thi quyền lực mới đạt được, tránh dính líu với bên ngoài, không tán thành sự có mặt quân sự ở nước ngoài, né tránh những nghĩa vụ quốc tế tốn kém và chung sống với trật tự an ninh và kinh tế quốc tế đã được Mỹ thiết lập và chi phối. Dĩ nhiên, Trung quốc canh chừng lợi ích quốc gia của nó, đặc biệt là chủ quyền, một cách đầy cảnh giác. Về vấn đề tòa vẹn lãnh thổ và phúc lợi kinh tế, Trung quốc hiếm khi ngại ngần ra tay. Nhưng nó không đi xa đến chỗ xây dựng đế quốc hải ngoại thông qua tăng cường sức mạnh quân sự của mình.


Như vậy trong một tương lai có thể thấy được, Trung quốc, cao nhất, cũng chỉ là một cường quốc kinh tế do vai trò là một thế lực thương mại lớn nhất thế giới (với nghĩa nầy, cả Đức và Nhật cũng nên được xem là siêu cường kinh tế). Trong lúc đó, ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế của nó sẽ tiếp tục bị hạn chế do sự mong manh nội bộ và cạnh tranh bên ngoài.

Trong khi Trung quốc luôn có một vị trí trong sân khấu toàn cầu, nguyện vọng và khả năng thực thi quyền lãnh đạo của nó hầu như sẽ làm thất vọng những ai kỳ vọng Bắc kinh hành xử như một siêu cường. Không phải là Trung quốc không muốn là một siêu cường. Sự thật đơn giản là nó không phải, và sẽ không là một siêu cường,


Minxei Pei là giáo sư của trường Claremont McKenna College. Cuốn sách mới nhất của ông là ‘China: Trapped Transition (2006).’





Người dịch: C.B.L.

Hà Văn Thùy - Không trốn chạy mà quay về nguồn cội

Không trốn chạy mà quay về nguồn cội!


Hà Văn Thùy

Đọc bài “Xây danh dự cho dân tộc Việt” của Nguyễn Lương Hải Khôi, “Thoát thân luận” của Giáp Văn Dương và “Thoát Á mới có thể ‘Thoát thân’” của Phạm Gia Minh trên TuầnViệtNam, tôi chia sẻ với nhiệt huyết của các vị lo cho dân, cho nước. Tuy nhiên xin được nói rằng, suy tư của các vị không mới. Hàng chục năm trước, ông Nguyễn Gia Kiểng viết cả cuốn sách dầy hơn 500 trang A4 Tổ quốc ăn năn nhằm chối bỏ văn hóa Việt đồng thời muốn thay đổi tận gốc văn hóa để canh tân… Qua ý kiến quý vị, tôi cảm tưởng rằng, là những người giầu lòng yêu nước nhưng ít hiểu về dân tộc nên khi ra ngoài gặp trăm hồng ngàn tía lấp lánh, có vị nóng lòng sốt ruột muốn “nhớm cây mạ”* cho nhanh có mùa màng!

Xin mạo muội trao đổi với quý vị đôi điều.

I. Xin được hỏi, quý vị biết gì về châu Á? Có phần chắc rằng, tất cả những điều các vị được học về “lịch sử châu Á” chỉ là phần nổi của tảng băng mà trong đó không thiếu lầm lẫn, dối trá! Ngay cả Carl Marx nữa, khi viết Tư bản luận thì anh chàng thông thái này cũng mù tịt về Á Đông! Ngộ nhận rằng mô hình châu Âu là tiến trình duy nhất của lịch sử nhân loại, học lóm từ du ký của những nhà phiêu lưu cưỡi ngựa xem hoa, anh ta vội vàng hư cấu rằng châu Á cũng trải qua giai đoạn nô lệ! Xin quý vị chứng minh cho giai đoạn nô lệ trong lịch sử phương Đông? “Phương thức sản xuất châu Á” là cái quái quỷ gì nếu không phải ngôn từ che đậy sự thiếu hiểu biết về phương Đông của Carl Marx?!

Cho đến nay, ít người biết được rằng, 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng hà chấm dứt, tổ tiên người châu Âu từ bỏ cách sống hái lượm trong những hang hốc đóng băng để nuôi con cừu con dê đầu tiên làm người du mục thì ở phương Đông, người Việt cổ đã là dân cư nông nghiệp thuần thục. Tới 4000 năm TCN, Đông Á với hơn 60% nhân số thế giới đã xây dựng nền văn hóa nông nghiệp phát triển nhất hành tinh. Khoảng 2600 năm TCN, sự cố lớn xảy ra, người Mông Cổ du mục tràn qua Hoàng Hà xâm lăng giang sơn Bách Việt. Tầng lớp ưu tú của tộc Việt theo Lạc Long Quân vượt biển về Việt Nam dựng nước Văn Lang.

Vào Trung Nguyên, người Mông Cổ, nhân số ít và văn hóa thấp, đã bỏ lối sống du mục, học nghề nông cùng văn hóa của người Việt. Do sống chung, người Mông Cổ hòa huyết với dân Bách Việt, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam, tự nhận là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán hiện nay. Là con lai Việt, kế thừa kinh tế, văn hóa Việt, người Hoa Hạ tạo dựng văn minh Trung Hoa rực rỡ khoảng 1500 năm TCN. Từ đầu Công nguyên, người Hán xâm lược và đô hộ Việt Nam một thiên niên kỷ. Quá khứ vĩ đại của tộc người là chủ nhân đầu tiên của Á Đông bị chôn vùi. Mất đất đai, mất chữ viết và lịch sử nên khi giành lại quyền tự chủ, người Việt Nam biết rất ít, thậm chí ngộ nhận về lịch sử văn hóa của mình. Chính là trên cơ sở này, ông Nguyễn Gia Kiểng viết: “ Văn hóa Việt Nam chỉ là bắt chước Trung Hoa. Sở dĩ không hoàn toàn giống Tàu chỉ là vì chưa bắt chước kịp mà thôi (!)” Rồi ông đề nghị phải thay văn hóa truyền thống lạc hậu bằng văn hóa Thiên chúa giáo!

Sang thế kỷ XXI, nhờ những công trình lập Bản đồ gen người của khoa học thế giới, ta biết được rằng, khoảng 70.000 năm trước, trong Kỷ Băng hà, Người Khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam. Do điều kiện sống thuận lợi, họ hòa huyết sinh ra người Việt cổ. Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khí hậu phía Bắc được cải thiện, người Việt cổ đi lên khai phá đất Trung Hoa, sau đó vượt eo Bêrinh sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Khoảng 15000 năm trước, người Việt cổ phát minh ra cây lúa nước cùng với Đồ Đá mới và đưa lên xây dựng nền nông nghiệp trên đất Trung Hoa. Vì lẽ đó, toàn bộ nền văn hóa vật thể và phi vật thể có trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN là sản phẩm của Việt tộc. Nền văn hóa Trung Hoa là sự kế thừa, tiếp thu văn hóa của tộc Việt. Như vậy, nhờ thành tựu của khoa học nhân loại, chúng ta chắc chắn xác định được cội nguồn sinh học của mình.

Nhưng chuyện rất lớn khác: cái văn hóa nguyên bản mà tộc Việt sáng tạo là gì? “Một câu hỏi lớn không lời đáp”! Một thách đố khổng lồ không chỉ với trí tuệ Việt mà còn cả với nhân loại!

Thật may cho dân Việt, vào thập niên 70 thế kỷ trước, triết gia thiên tài Kim Định, bằng siêu nghiệm, quán tưởng, giải mã huyền thoại và truyền thuyết Việt đã khai quật được văn hóa cội nguồn của tộc Việt mà ông gọi là Nguyên Nho hay Việt Nho với những nội dung sau:

1.Quan niệm về một vũ trụ “tham thiên lưỡng địa”: Vũ trụ vận hành đi lên với 3 phần Dương, và 2 phần Âm. Đấy là sự phát triển tích cực nhưng cân đối mà nay gọi là phát triển bền vững. Quan niệm này trái ngược với văn minh du mục trọng động đẩy vũ trụ vận hành 4 Dương 1 Âm, tức Dương cực thịnh, Âm cực suy, một sự phát triển quá nóng đưa Trái đất tới hủy diệt.
2.Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh. Trong tam tài thiên – địa – nhân thì con người là chủ. Trong vị trí chủ nhân, con người phải sống thái hòa với nhau và với thiên nhiên. Con người không chỉ là thể xác vật chật mà còn là tâm linh, sống trong tương quan với những thế giới siêu nhiên khác.
3.Để được như trên, con người phải sống trong Đạo Việt An vi. Không hữu vi duy vật tranh giành chiếm đoạt, không vô vi lánh đời mà sống tích cực tận tâm tận lực làm việc cho mục đích hướng thiện, theo lẽ an nhiên, an hòa của lòng mình, hợp với sự vận hành của vũ trụ.
4.Sự tồn tại của xã hội dựa trên cơ sở bình sản.
Suốt 40 năm qua, phát kiến lớn nhất về lịch sử văn hóa này không được thừa nhận vì các nhà duy sử cho đó là ngược đời, là hoang tưởng. Nay, với việc xác định cội nguồn sinh học cùng quá trình lịch sử của tộc Việt, những dự báo thiên tài của triết gia Kim Định được chứng minh.

Công lao lớn của triết gia Kim Định là tách Việt nho, nền văn hóa nguyên bản của tộc Việt (trước cuộc xâm lăng của Mông Cổ) ra khỏi Hán nho, Tống, Minh, Thanh nho là những văn hóa mang đậm sắc thái du mục Mông Cổ. Trong những phát hiện của Kim Định về Việt nho thì quan niệm về vũ trụ hài hòa “tham thiên lưỡng địa” có ý nghĩa đặc biệt. Nó nói rằng tổ tiên chúng ta quan niệm về một vũ trụ phát triển cân đối, cuộc sống đi lên, theo chiều dương nhưng phải giữ sao cho Dương 3 phần còn Âm 2 phần. Một tỷ lệ như thế là hài hòa, quân bình đảm bảo duy trì lâu dài môi trường sống. Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh là quan niệm nhân sinh không chỉ đạt tới chiều sâu tận cùng, bản thể của cuộc sống mà còn là quan niệm vô cùng nhân bản. Đạo Việt an vi cùng cơ chế bình sản là những thể chế giúp cho xã hội hài hòa.

II. Nói cho cùng, mọi xung đột của thế giới 2000 năm nay là sự tranh chấp giữa văn minh du mục và văn hóa nông nghiệp. Những cuộc thánh chiến, những cuộc xâm lăng kinh hoàng của người Mông Cổ, những cuộc chinh phục thuộc địa từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, hai cuộc chiến tranh thế giới, sự bành trướng một thời của chủ nghĩa cộng sản, cuộc toàn cầu hóa hiện nay… là sự thắng thế của văn minh du mục trước văn hóa nông nghiệp. Văn minh du mục với bản chất của nó là sự tước đoạt tự nhiên và tha nhân để thu lợi ích tối đa cho bản thân, bộ lạc, tập đoàn mình. Với mục đích duy lợi, văn minh du mục đẩy cuộc sống vận hành theo chiều 4 Dương 1 Âm, tạo nên thế Dương cực thịnh, Âm cực suy. Nhờ thu hút toàn lực cho phát triển, văn minh du mục mà hậu duệ của nó là chủ nghĩa tư bản đã đạt được những thành quả kỳ diệu về hoa học, kỹ thuật, kinh tế, đưa nhân loại tới tầm mức văn minh “ngang với thánh thần.” Nhưng bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản để lại cho nhân loại những hệ lụy khủng khiếp. Không chỉ là nguyên nhân trực tiếp của những cuộc chiến tranh nóng, là chủ nghĩa khủng bố, những ông chủ tư bản còn đẩy bộ phận lớn nhân loại vào cảnh sống cùng quẫn. Mặt khác, với sự kích động lòng tham, cùng sự hưởng thụ vô chừng mực, chủ nghĩa tư bản đẩy con người vào trạng thái đạo đức suy đồi chưa từng có. Loài người mang tội trọng như đứng trước Ngày phán xét cuối cùng. Tội ác lớn nhất của chủ nghĩa tư bản là tàn phá Trái đất, gây khủng hoảng môi sinh, đang đe dọa sự sống còn của Loài người.

Truớc sự nóng lên của khí hậu, những chính trị gia hàng đầu thế giới mang nặng lợi ích cục bộ, với tầm nhìn thiển cận đã thất bại ở Copenhagen trong việc tìm ra cách cứu Trái đất. Trong khi đó, các nước thi nhau kích cầu, mà thực chất đó chỉ là cuộc thủ dâm kinh tế vĩ đại! Lòng tham của con người, nhu cầu của con người, như câu tục ngữ Việt, là vô đáy. Vậy kích cầu mãi rồi dẫn tới đâu trong khi nhân số thế giới tăng đến chóng mặt mà nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, cả tới bầu trời trên đầu, nơi trú ngụ của thánh thần tưởng như vô tận cũng đang bị ô nhiễm! Rõ ràng, khi đẩy thế giới phát triển tận lực, chủ nghĩa tư bản đang mù quáng dẫn dắt nhân loại đến bước hủy diệt.

III. Giữa thế kỷ XX, khi thấy trước mối nguy mà chủ nghĩa tư bản đang dẫn con người đi tới, một số thức giả phương Tây đã đi tìm con đường cứu thế giới. Không ít người “hành trình về phương Đông” mong tìm thấy nơi “mặt trái” của xã hội phương Tây một cứu cánh. Nhưng cho tới nay, hầu như phương Tây đã thất vọng vì ngoài một số cuốn sách phát giác những bí ẩn Tây Tạng, Ấn Độ, họ chưa tìm được gì! Chưa thấy không có nghĩa là không có! Chưa thấy bởi lẽ phương Tây còn thiếu cặp mắt xanh nhìn ra những gì cần tìm. Điều này cũng là thường tình vì lẽ tư duy du mục phương Tây với cách nhìn chủ biệt khó mà thấy được một vấn đề quá đa dạng, xa lạ với truyền thống của họ. Chưa thấy cũng còn do phần lớn trí thức phương Đông mang đầu óc vong bản, quá phụ thuộc phương Tây, chưa đủ trưởng thành để giác ngộ về gia sản văn hóa, minh triết vĩ đại mà tiền nhân để lại! Không thiếu những người như các vị Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Lương Hải Khôi, Phạm Gia Minh… bức xúc trước những bộn bề cản trở đất nước, gặp là bùa rách “thoát Á luận” tưởng như mới mẻ liền lượm mang về! Một ngộ nhận đáng buồn và đáng trách. Những vị này bị mê hoặc về huyền thoại Nhật nên không thấy những đặc điểm không gian và thời gian của cuộc Duy tân nước Nhật. Nhật bản là ngoại biên, là phần rìa của châu Á, có lịch sử hình thành dân cư và văn hóa khá muộn màng. Việc Nhật ly khai “thoát Á” phù hợp hoàn cảnh địa lý của họ và cũng trong cơ hội riêng của nó hơn trăm năm trước. Tuy nhiên sự “thoát Á” này không phải không có mặt trái mà trước hết là vai trò điên khùng của nước Nhật trong Thế chiến II. Mặc dù vượt lên, trở thành cường quốc thứ 2 về kinh tế, nhưng “sự thần kỳ” mấy thập kỷ qua cũng để lại cho xã hội Nhật biết bao vấn nạn. Và bây giờ, chung số phận phương Tây, Nhật cũng phải đối đầu với cuộc suy thoái toàn cầu chưa tìm thấy lối ra! Nếu “thoát Á” có thể tốt với Nhật thì khẳng định đó là điều không thể với nước Việt cả về không gian lẫn thời gian. Nước Việt là cái nôi văn hóa không chỉ của châu Á mà của cả nhân loại. Trong quá khứ đã có thời kỳ, từ Hòa Bình Việt Nam, những vòng xoáy đồng tâm lan tỏa văn hóa ra châu Á và thế giới. Là trung tâm của nhân chủng và văn hóa Á Đông, Việt Nam cố kết số phận với Đông Á, không nên và cũng không thể “thoát Á” đi tìm văn hóa khác! Những phẩm chất văn hóa hình thành suốt trong 70.000 năm qua thực chất đã trở nên những yếu tố di truyền (fenotype), không qua gene nhưng cũng qua tâm linh, qua tinh thần chúng ta truyền mãi tới mai sau. Những đặc tính văn hóa như thế không thể nào chối bỏ, chưa nói tới chuyện có đáng chối bỏ không? Những ý đồ “thoát Á” tưởng như hay ho tân kỳ nhưng thực chất là ngây thơ, vong bản, gieo vào thế hệ trẻ chủ nghĩa hư vô rất nguy hiểm!

Những khuyết tật, những thói hư tật xấu của người Việt như tiến sĩ Giáp Văn Dương nêu ra là có thật. Nhưng như bài học vỡ lòng chúng ta từng học về triết học Macxit: “Cái tồn tại là hợp lý”! Hợp lý vì những khuyết tật trên là sản phẩn của nghìn năm nô lệ phương Bắc, nghìn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế và gần thế kỷ dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Hơn nửa thế kỷ nay, tuy đất nước độc lập nhưng dân cũng không thực sự được tự do. Trong khu rừng tối thì dây leo thắng thế! Trong xã hội thiếu dân chủ thì đám cơ hội lộng hành. Để sống sót, Đức Hạnh buộc phải cúi đầu khoanh tay trong địa vị tôi đòi! Một cuộc thăm dò dư luận mới đây trong sinh viên cho thấy, sự trung thực không phải là phẩm chất họ cần tu dưỡng! Trong hoàn cảnh lịch sử như vậy, những thói xấu là có lý do để tồn tại! Không phải là vi trùng, nên không thể trục mầm bệnh khỏi cơ thể bằng thuốc kháng sinh, có nghĩa là tự thân rất khó thoát khỏi thói xấu! Muốn thoát, cần một cơ chế xã hội. Hôm nay dù còn bề bộn, nhưng cơ chế như vậy đang hình thành. Có một thời, rời khỏi hộ khẩu, rời khỏi sổ gạo không ai sống được. Nhưng hôm nay, không ít quan chức cấp khá cao, cố nhiên với quyền hành và bổng lộc đi kèm, tự nguyện rời nhiệm sở để sống theo tự do và ý chí của mình. Đó là sự trưởng thành về nhân cách. Điều này sở dĩ có được là một cơ chế đảm bảo cho Nhân chủ – con người tự làm chủ bản thân – đang hình thành. Từ một xã hội đóng kín, cô lập với bên ngoài, nay ta mở cửa, làm bạn với thế giới. Từ sự tàn phá môi sinh một cách tự do, tự phát, nay từng bước ý thức được việc bảo vệ môi trường sống. Như vậy, chúng ta đang tiến tới Thái hòa. Từ chủ trương duy vật khô cứng “trời không có thiên thần, đất không có thánh nhân”, nhiều đình chùa miếu mạo bị đập phá, hoạt động tín ngưỡng bị cấm đoán, nay trong chừng mực, đã có tự do tín ngưỡng. Với những hoạt động dùng khả năng đặc biệt để tìm hài cốt thân nhân, việc con người gặp rồi trò chuyện với vong linh người đã khuất, từ đó biết sợ làm ác, sống nhân đức hơn… chúng ta đang xây dựng lại con người Tâm linh. Chậm nhưng rõ ràng, những gì đang diễn ra là không thể đảo ngược, dòng đời đang trở lại với cái ngày xưa của văn hóa Việt…

IV. Trong họa có phúc, đó là dịch lý phương Đông. Giữa vô vàn đổ vỡ, cuộc suy thoái toàn cầu đem lại cơ may lớn cho nhân loại: tìm con đường đi tới! Chính là lúc này, chúng ta thực thi Minh triết mà tổ tiên Việt sáng tạo kết tinh trong “Tham thiên lưỡng địa”, “Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh”, “Đạo Việt An vi” và “Bình sản”. Trong hoàn cảnh hiện tại của thế gới, nếu huy động được trí tuệ, tâm huyết toàn dân tộc, chúng ta có điều kiện thuận lợi nhất mở con đường tới tương lai. Và chính con đường này sẽ cứu nhân loại.

Năm trăm năm trước, nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm dự báo vào đầu thiên niên kỷ này: nhân đào đáo hoàn, xã tắc an lạc. Nghĩa là những người đi trốn sẽ trở về, đất nước yên vui. Khi những người “thoát thân” thực sự tìm về xây dựng đất nước thì không có lý gì dân Việt lại “thoát Á”?! Không chỉ vậy, Trạng Trình còn nói:

Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ,
Hưng tộ diên trường ức vạn xuân.
(Đất nước Hồng Lam này 500 năm sau sẽ là thời kì hưng thịnh trăm nghìn năm).

Không “thoát Á”, cũng không (thể) “thoát thân” mà giờ là lúc tìm về Minh triết Việt để dùng minh triết xây dựng giang sơn cùng dân tộc.

12.1.2010


* Ngụ ngôn xưa: có người nhớm từng cây mạ cho mạ lên nhanh.