25/11/10

15 Điều để suy gẫm

15 Điều để suy gẫm

Danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta.

Vì vậy, người ta sẽ lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được. Ai chứa đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả.

1. Sống trong hiện tại

Phật hỏi đệ tử:
- Cuộc sống người ta được bao nhiêu?
Các đệ tử thay nhau trả lời:
- 80 năm.
- Sai.
- 70 năm.
- Còn sai.
- 60 năm.
- Sai.
- Vậy người ta sống bao lâu?
Phật mỉm cười đáp
- Đời người chỉ thuộc trong vòng hơi thở.
Lời bình
Đừng quá coi trọng quá khứ hoặc tương lai mà quên hiện tại…Hiện tại còn quan trọng hơn. hãy sống với thực tại.

2. Sau khi chết người ta đi về đâu?

Hoàng đế Goyozer đang học thiền với thiền sư Gudo Toshoku.
- Bạch thầy, sau khi chết, người ta đi đâu?
- Tôi không biết.
- Tại sao thầy không biết?
- Vì tôi chưa chết.
- ???
Lời bình
Khi sống, con người nên thưởng thức những vẻ đẹp và bí ẩn của cuộc sống theo cái nhiều người sống. Hãy sống trọn hôm nay, đừng quá lo cho ngày mai vì chuyện ngày mai thì mai mới xảy ra.

3. Định mệnh nằm trong bàn tay

Thời xưa, có vị tướng quyết tấn công địch dẫu quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên đường
tiến quân, ông dừng chân ở một đền thờ cầu nguyện, xin giúp đỡ. Sau đó, ông rút ra một đồng
xu và nói lớn với quân sĩ:
- Bây giờ, ta sẽ lấy đồng xu để xin keo.Nếu là sấp, quân ta sẽ thắng còn ngửa thì quân ta sẽ bại.
Chúng ta phó mặc mạng sống cho định mệnh. Đồng xu bay lên, xoay mấy vòng và rơi xuống
đất.
- Sấp rồi ! Chúng ta sẽ thắng ! Hãy xông lên chà nát quân thù ! - Ba quân reo hò phấn khởi.
Sau trận chiến, toàn bộ quân địch hùng hậu đông đảo bị đánh bại hoàn toàn. Vị phó tướng vui vẻ nói với tướng quân:
- Không ai có thể thay đổi được bàn tay định mệnh.
Tướng quân chỉ mỉm cười không đáp. Ông xoè tay đưa đồng tiền ra. Cả hai mặt đồng xu đều là mặt sấp.
Lời bình
Thiên đàng rất công bằng đối với tất cả mọi người, không thiên vị dành riêng cho ai. Chỉ có chính bạn mới cứu được bản thân bạn, đừng quá trông chờ vào người khác !!!

4. Con sóng nhận thức

Nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, con sóng nhỏ tỏ ra bực mình:
- Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao sao ta yếu đuối thế này.
Con sóng to cười đáp: - Đó là vì không nhận ra gốc gác của mình mà bạn buồn bực thế.
- Tôi không là sóng thế là gì?
- Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong bản chất của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra
bản chất của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn
buồn bực gì nữa.
Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ:
- À, bây giờ thì tôi hiểu. Bạn và tôi tuy hai mà một.
Lời bình
Con người cho rằng "ngã" là ta nên xảy ra phân biệt ta và người mà buồn khổ. Cứ so sánh, suy bì thì chỉ làm ta thêm đau khổ mà thôi. Thực ra loài người được cấu tạo cùng một bản chất trong thiên nhiên bao la.

5. Thiên đường địa ngục

Một vị tướng quân đến gặp thiền sư Ekaku hỏi:
- Bạch thầy, thiên đường hay địa ngục có thật hay không?
- Thế ngài là ai?
- Tôi là tướng quân.
Bất ngờ, thiền sư cười lớn:
- A ha! Thằng ngốc nào cho ông làm tướng vậy, trông ông giống anh hàng thịt.
Tướng quân nổi giận, rút gươm:
- Tao băm xác mi ra !!!
Thiền sư vẫn điềm tĩnh:
- Này là mở cửa địa ngục.
Chợt giác ngộ, vị tướng sụp xuống lạy:
- Xin... xin thầy tha lỗi cho cử chỉ thô bạo vừa rồi của tôi.
- Này là mở cửa thiên đường - thiền sư Ekaku mỉm cười.
Lời bình
Thiên đường, địa ngục không phải là chỗ con người tới sau khi chết mà nó ở vào cách suy nghĩ và hành sử của bạn! Lành, dữ đều do tư tưởng. Cửa thiên đường địa ngục mở ra bất cứ lúc nào.

6. Thiên đàng địa ngục đều do tâm tạo

Có một bà lão biệt danh "mụ già hay khóc". Trời mưa, mụ cũng khóc, trời không mưa mụ cũng khóc. Có người hỏi bà:
- Bà lão ơi, sao bà lại khóc?
- Tôi có hai con gái, cô chị bán giày vải, cô em bán dù. Khi trời nắng ráo, lão nghĩ tới con em bán dù không được. Khi trời mưa, lão lại lo cho con chị, mưa gió không có khách nào chịu mua giày.
- Lão nên nghĩ rằng khi trời đẹp đứa lớn sẽ bán được, khi trời mưa đứa nhỏ bán dù rất chạy.
- À, ông có lý.
Từ đó, "mụ già hay khóc" thôi khóc. Bà lão cười suốt ngày dù trời mưa hay nắng.
Lời bình
Một điều lợi hay bất lợi sẽ tuỳ thuộc vào cách nhìn, cách suy nghĩ của bạn. Hãy nhìn mọi thứ theo hường tich cực thay vì theo hướng tiêu cực thì bạn sẽ luôn vui sống…

7. Phật tại gia

Yangpu về tỉnh Sichuan định tâm tìm kiếm Bồ Tát. Trên đường đi, Yangpu gặp một nhà sư. Nhà sư hỏi:
- Cậu đi đâu đấy?
- Tôi đi cầu Bồ Tát.
- Bồ Tát ở xa, chi bằng đi tìm Phật có hơn không?
- Tìm Phật ở đâu bây giờ?
- Khi cậu về nhà, thấy người đón cậu trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái, đó chính là Phật.
Theo lời, cậu về nhà thì trời đã khuya. Mẹ cậu nghe con gọi cửa mừng quá vội khoác mền lên
người, xỏ dép trái. Bà chạy ào ra mở cửa và khi Yangpu thấy mẹ mình như vậy thì đứng chết lặng.
Lời bình
Người ta tìm chân lý nhưng điều cần là thực thi ngay trong lòng, không thì khó mà gặp được. Đ ừng khổ công đi tìm hạnh phúc từ những gì cao xa, những điều nhỏ nhặt hàng ngày quanh ta chính là hạnh phúc.

8. Ngón tay chỉ mặt trăng

Sư Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng:
- Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin tổ sư soi sáng cho.
Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh đưa cho ni sư, nói:
- Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu.
- Tổ không đọc chữ sao ngài hiểu thông nghĩa được? - Jincang rất ngạc nhiên.
Lục Tổ Huệ Năng thủng thỉnh đáp:
- Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này,
chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ vậy. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải là trăng. Xem trăng có cần ngón chỉ không?
Lời bình
Ngôn ngữ văn tự đều là biểu tượng để diễn đạt chân lý. Đừng lầm chữ nghĩa với chân lý như đã lầm ngón tay với mặt trăng.

9. Ai đó

Kitagaki, thống đốc bang Kyoto, đến viếng đền Tofuku để thăm Keichu - vị sư trưởng đền này.
Đệ tử của Keichu vào báo:
- Kitagaki, thống đốc Kyoto muốn diện kiến thầy.
- Ta không biết thống đốc nào cả - Sư trưởng trả lời.
Đệ tử chạy ra nói với Kitagaki:
- Thầy tôi yêu cầu ngài lui gót vì không quen thống đốc nào cả.
Kitagaki hiểu ra:
- Nếu vậy, hãy báo với thầy anh có Kitagaki
muốn diện kiến.
- Để tôi thử lần nữa.
Lần này, sư trưởng ra đón tận nơi:
- Ồ, Kitagaki đấy à. Mời vào nhà.
Lời bình
Khi có danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta. Vì vậy, nếu quá coi trọng những thứ đó sẽ làm con người ta lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được.

10. Càng vội càng chậm (dục tốc bất đạt)

Một thanh niên nọ lên núi tìm kiếm sĩ lừng danh để học kiếm thuật. Anh ta hỏi vị sư phụ:
- Thưa thầy, nếu con luyện tập chuyên cần thì phải bao lâu mới thành kiếm sư?
- Có lẽ 10 năm.
- Cha con đã già rồi và con phải chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì mất bao lâu?
Lặng yên suy tư một lúc, vị sư phụ đáp:
- Trường hợp này có lẽ phải 30 năm.
Anh thanh niên không giấu được vẻ nôn nóng:
- Trước thầy bảo 10 năm, bây giờ 30 năm. Con sẽ vượt qua mọi trở lực để nắm vững kiếm thuật với thời gian ngắn nhất.
- Thế thì anh cần phải ở lại đây 70 năm - Vị sư phụ mỉm cười.
Lời bình
Những người càng nôn nóng muốn đạt kết quả nhanh thì hiếm khi thành công.

11. Đèn đã tắt

Một anh mù đến từ giã bạn mình. Người bạn cho anh một cây đèn lồng. Anh mù cười hỏi:
- Tôi đâu cần đèn lồng. Với tôi, sáng hay tối có gì khác.
- Tôi biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác có thể đụng vào anh.
- Ồ, vậy thì được.
Đi được một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người đâm sầm vào. Bực mình, anh ta quát:
- Bộ không thấy đèn hả?
- Đèn của ông đã tắt từ lâu rồi mà.
Lời bình
Hãy là chính mình, đừng làm con vẹt, nói những điều mà mình không biết. Người nào dùng lời kẻ khác để dạy người có thể giống anh mù này. Đèn đã tắt từ lâu, tuy nhiên anh ta không biết điều đó.

12. Bình thường tâm

- Bạch thầy, sống theo Đạo một cách siêng năng là thế nào?
- Khi đói hãy ăn, khi mệt hãy ngủ.
- Đó là những điều mà mọi người thường làm mà?
-Không, không ! Hầu hết mọi người đều không làm như vậy. Khi ăn, mọi người đầy những suy tư, ao ước và khi ngủ lại đầy những lo toan.
Lời bình
Rất ít người mà mỗi sáng thức dậy mà đầu óc không bận bịu những chuyện quá khứ?
Con người phải vứt bỏ những điều nguy đã gây ra bão tố nội tâm và sống theo bản chất nguyên thuỷ của họ vì Đạo nằm ngay trong đời sống hằng ngày.

13. Thiền trong chén trà

Vị giáo sư đại học đến gặp thiền sư Nan In để tìm hiểu Thiền. Nan In mời ông uống trà. Nan In rót đầy chén trà rồi mà cứ thế rót thêm. Giáo sư nhắc:
- Kìa thầy, chung trà đầy tràn rồi, xin đừng rót nữa.
Nan In cười đáp:
- Như chung trà này, ông cũng đầy ắp những quan niệm của ông. Nếu trước tiên, ông không
cạn chén thì sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được.
Lời bình
Đừng cậy mình giỏi giang mà điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả. Người khiêm tốn thì mới học cao, biết rộng được.

14. Con quỷ bên trong

Nhà sư nọ mỗi khi bắt đầu nhập định đều thấy một con nhện khổng lồ làm ông bối rối. Nhà sư
liền vấn ý sư Tổ:
- Mỗi khi con bắt đầu nhập định thì luôn có một con nhện khổng lồ xuất hiện, dẫu có đuổi thế nào nó cũng không đi.
-Lần tới, nếu thấy con nhện xuất hiện, con hãy vẽ một vòng tròn to làm dấu xem nó từ đâu đến.
Nhà sư làm đúng như vậy. Khi ông vẽ vòng tròn to vào bụng con nhện, con nhện chạy đi, ông lại có thể tiếp tục thiền định. Sau buổi thiền định, nhà sư rất bối rối khi thấy vòng tròn nằm ngay trên bụng mình.
Lời bình
Trong cuộc sống, con người gặp phải nhiều xáo trộn và âu lo, phiền nhiễu. Nhưng âu lo tệ nhất thường là từ chính bản thân mình mà ra. Mọi sự nhiều khi do chính mình làm cho thêm phức tạp.

15. Đích tới có một đường đi không cùng

Một tăng đồ hỏi Thiền sư Baling Haojian:
- Nghĩa lý của sư tổ và ý nghĩa của giáo lý có gì giống và có gì khác nhau?
- Khi vịt lạnh, chúng lội xuống nước. Khi gà lạnh chúng đậu trên cây.
Lời bình
Lạnh vẫn lạnh nhưng phương thức tránh lạnh lại khác nhau. Cùng một mục tiêu nhưng mỗi loài lại có cách riêng của chúng. Để đạt mục tiêu không chỉ có một con đường, không phải ai cũng đi theo một con đường. Hãy khéo chọn cách nào phù hợp và tốt nhất đối với mình...

13/10/10

Tính chất thuộc địa và hậu thuộc địa trong văn học Việt Nam

Tính chất thuộc địa và hậu thuộc địa trong văn học Việt Nam
Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 13 tháng 10 2010



Chủ nghĩa thực dân, dưới hình thức cổ điển hay hiện đại, ở Tây phương hay ở Đông phương, bất kể những sự dị biệt về lịch sử và văn hoá, đều có một bản chất giống nhau: ăn cướp. Có hai hình thức ăn cướp chính: thứ nhất, ăn cướp chủ quyền, từ đó, ăn cướp tài nguyên và nhân lực của nước khác; thứ hai, ăn cướp tâm hồn của người dân thuộc địa. Biện pháp để thực hiện cuộc ăn cướp thứ nhất chủ yếu là quân sự; biện pháp để thực hiện cuộc ăn cướp thứ hai chủ yếu là tuyên truyền (1). Công việc tuyên truyền thường có hai nội dung chính: thứ nhất, văn minh chỉ xuất hiện ở các thuộc địa cùng lúc với sự xuất hiện của thực dân; và thứ hai, gắn liền với điều đó, lịch sử tiền-thực dân ở các quốc gia thuộc địa chỉ là lịch sử của sự mông muội.

Người Việt Nam thường nói chủ nghĩa thực dân theo kiểu cổ điển đã bị đánh bại ở Việt Nam vào năm 938, và sau đó, một lần nữa, vào năm 1428; chủ nghĩa thực dân theo kiểu hiện đại đã bị đánh bại ở Việt Nam vào năm 1945, hoặc trễ hơn một chút, vào năm 1954.

Nhưng theo tôi, không phải.

Ở bất cứ thời điểm nào kể trên, chủ nghĩa thực dân cũng chỉ bị đánh bại ở âm mưu thứ nhất mà thôi, âm mưu ăn cướp chủ quyền, tài nguyên và nhân lực. Còn âm mưu thứ hai thì cả Trung Hoa lẫn Pháp đều thành công trọn vẹn: sau các thành tích vang dội trên mặt trận quân sự, chúng ta thường chào mừng chiến thắng với rất nhiều thương tích và dị tật trong tâm hồn. Kẻ thù đã rút lui, nhưng cái bóng của họ vẫn tiếp tục ngả trùm lên cuộc đời của chúng ta, đè nặng lên tâm hồn chúng ta, và hằn sâu vào trang viết của chúng ta. Trong cả đời sống tình cảm lẫn đời sống trí tuệ, chúng ta chỉ quanh quẩn mãi với một trong hai phản ứng: tuân phục hay kháng cự lại cái bóng ấy. Làm như lúc nào kẻ thù cũng đang hiện diện sừng sững trước mặt. Khiến cho văn học Việt Nam, từ trước đến nay, theo tôi, thành thực mà nói, bao giờ cũng có cái vẻ gì như một nền văn học thuộc địa hoặc hậu thuộc địa.

Không đâu tính chất thuộc địa lại được thể hiện rõ rệt cho bằng văn học trung đại Việt Nam.

Sau khi đánh bại quân Nam Hán vào năm 938, mặc dù vẫn phải triều cống Trung Hoa, nhưng trên nguyên tắc, Việt Nam đã là một quốc gia độc lập: chúng ta có triều đình riêng, có quân đội riêng, hoàn toàn làm chủ trên lãnh thổ của mình. Hơn nữa, chúng ta còn là những ông chủ cực kỳ mạnh mẽ, liên tục đánh bại nhiều âm mưu xâm lấn của ngoại bang, kể cả một đế quốc hung hãn, từng dẫm nát bản đồ châu Á và một phần châu Âu: Mông Cổ.

Thế nhưng, mặt khác, ông chủ ấy lại cực kỳ khiêm tốn: chỉ dành và giữ độc lập về chính trị mà thôi, còn ở những lãnh vực khác thì vẫn tiếp tục thần phục Trung Hoa, lúc nào cũng rập khuôn Trung Hoa, nhất nhất đều bắt chước Trung Hoa, từ cách tổ chức chính quyền đến cách học hành và thi cử, từ văn tự đến các nguồn thư tịch, từ tôn giáo đến triết học, từ luật pháp đến nghi lễ, v.v... Ở những lãnh vực này, trước và sau những chiến thắng vang dội về quân sự, dường như không có gì thay đổi cả. Cứ thế, kéo dài cả ngàn năm.

Thảng hoặc, chúng ta nghe nói có ai đó hoài nghi kinh điển Nho giáo hay muốn dùng chữ Nôm như một văn tự chính thức. Nhưng chỉ thảng hoặc. Và bao giờ cũng dừng lại ở một giới hạn nào đó: ngay cả những người yêu chữ Nôm nhất cũng không dám nghĩ đến việc dùng chữ Nôm để thay thế hẳn cho chữ Hán; ngay cả những người có tinh thần độc lập nhất cũng không dám vượt qua những lời giảng dạy của các bậc thánh hiền Trung Hoa hầu tìm cho mình một chân trời tư tưởng riêng biệt; và ngay cả những người giàu tinh thần sáng tạo nhất cũng không dám vượt ra khỏi những hệ thẩm mỹ đã trở thành khuôn sáo từ xưa.

Tại sao có hiện tượng nghịch lý như vậy? Tại sao những con người rất mực kiên cường trong lãnh vực chính trị lại dễ dàng bị khuất phục về phương diện văn hoá như vậy?

Theo tôi, câu trả lời không đến nỗi quá phức tạp. Chúng ta hay nói đến sự kiện nền Bắc thuộc kéo dài đến hơn một ngàn năm và hay đề cao lòng quật cường của cha ông chúng ta, những kẻ không những không bị đồng hoá mà còn, cuối cùng, đã đứng dậy quật ngã được kẻ thù lớn và mạnh hơn mình gấp bội. Những sự kiện và những niềm tự hào ấy nhất định là đúng. Nhưng chúng ta lại hay quên những sự thực khác, chẳng hạn, cảnh nô lệ không phải là cái gì nhẹ nhàng để có thể tan biến dễ dàng và nhanh chóng ra khỏi ký ức của con người, nhất là cảnh nô lệ ấy lại quá lâu, lâu dằng dặc, đến hơn một ngàn năm, tức một nửa chiều dài của lịch sử dân tộc. Trong cảnh cùng khốn và có khi tuyệt vọng như vậy, lòng tự tin của cha ông chúng ta làm sao tránh khỏi bị sứt mẻ? Làm sao họ không sợ hãi và ít nhiều thần phục kẻ thù?

Đấu tranh để dành độc lập trong tình trạng tâm lý ấy, dù muốn hay không, một cách có thể là vô ý thức, người ta phải tự động thu hẹp nội hàm khái niệm độc lập đến mức tối đa, cho phù hợp với thực tế, như một cách hạ tầm hy vọng của mình, giảm bớt ước mơ của mình. Đến lúc nào đó, đối với người Việt Nam, độc lập chỉ có nghĩa là có chủ quyền riêng và phong tục riêng trên lãnh thổ của mình. Trong "Bình Ngô Đại Cáo" viết thay cho Lê Lợi, Nguyễn Trãi chỉ nhấn mạnh hai yếu tố ấy: "Núi sông bờ cõi đã riêng / Phong tục Bắc Nam cũng khác". Sau này, trong hịch đánh quân Thanh, Quang Trung cũng chỉ nhấn mạnh đến hai yếu tố ấy: "Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ."

Có thể nói chính cách hiểu khái niệm độc lập một cách hạn chế và thực tế như vậy đã cắt nghĩa lý do tại sao cha ông chúng ta có thể là những con người anh hùng và những kẻ nô lệ cùng một lúc; tại sao cha ông chúng ta vừa mới đánh bại Trung Hoa lại vừa có thể thanh thản chấp nhận làm những đứa học trò nhỏ của Trung Hoa ngay tức khắc; tại sao họ có thể vừa căm thù Trung Hoa như một đế quốc đầy tham vọng và dã tâm vừa không ngớt ngưỡng mộ Trung Hoa như một trung tâm của văn minh nhân loại.

Hậu quả là, nhìn từ một góc độ nào đó, trong suốt hơn hai ngàn năm, từ trước Công nguyên cho đến hết thế kỷ 19, chúng ta chưa bao giờ thoát được cảnh Bắc thuộc: nửa đầu Bắc thuộc về chính trị và văn hoá; nửa sau, về văn hoá.

Hơn nữa, chỉ cần nhớ lại những lời tuyên bố của ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo tối cao của cả Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và của miền Bắc trong giai đoạn gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội, những lời tuyên bố, đại khái: ông ta có thể sai lầm, nhưng Mao Trạch Đông thì không (2); hoặc, về mặt chính trị, ông ta "không còn gì để viết nữa vì ông Mao đã viết tất cả rồi" (3), chúng ta đủ thấy là dấu vết của tình trạng Bắc thuộc về văn hoá chưa phải đã chấm dứt hẳn.

Nó không những không chấm dứt hẳn mà, ở một phương diện nào đó, có khi còn trầm trọng hơn, thời gian gần đây.

Nhưng đó lại là chuyện khác. Sẽ bàn sau.

Chú thích:

1. "Chủ yếu là tuyên truyền" chứ không phải chỉ có tuyên truyền. Khi cần, thực dân không ngại sử dụng cả bạo lực để "ăn cướp tâm hồn" của thuộc địa. Sử sách kể lại là khi cướp nước ta vào năm 1407, Minh Thành Tổ viết sắc chỉ gồm 10 điều sai thuộc hạ tìm bắt những người tài giỏi đem về Tàu, tịch thu các bản đồ và sách vở các thứ, v.v... Mười tháng sau, Minh Thành Tổ lại ra lệnh: "Nhiều lần đã ra lệnh cho các ngươi rằng ở An Nam, tất cả thư tịch văn tự, đến cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ con học, như loại Tam tự kinh, từ một mảnh giấy, một chữ, đến các bia đá mà xứ ấy dựng lên, hễ thấy là phải phá huỷ ngay không được giữ. Nay ta nghe có những sách có chữ mà quân lính lấy được, không được lệnh thiêu huỷ ngay, mà lại để xem xét rồi mới thiêu huỷ. Các ngươi đã biết là quân lính ta phần nhiều không biết chữ, nếu nhất nhất chờ lệnh xem xét, đến khi chuyển được lên để xem thì đã mất mát nhiều. Từ nay, các ngươi nhất nhất làm theo lệnh trước đây của ta, truyền cho quân lính, cứ thấy giấy có chữ ở bất cứ chỗ nào là phải lập tức đốt ngay, nhất thiết không được giữ lại". Trích theo Từ trong di sản... do Nguyễn Minh Tấn, Trần Lê Sáng, Minh Hạnh, Trần Nghĩa, Đỗ Văn Hỷ và Hồ Tuấn Niêm biên soạn, nxb Tác Phẩm Mới, Hà Nội, 1981, tr. 212.

2. Trong một đoạn di bút in trong Hoài Thanh Toàn Tập (Từ Sơn sưu tập), tập 4, nxb Văn Học, Hà Nội, 1999, tr. 849, Hoài Thanh viết: "Lại có lần ở Việt Bắc, vào khoảng năm 1952, tôi được nghe Bác nói trong một lớp chỉnh huấn: 'Bác có thể sai, Trung Ương có thể sai. Nhưng đồng chí Mao Trạch Đông, đồng chí Xtalin thì không thể sai'."
3. Olivier Todd (1990), Ho Chi Minh, l'homme et son héritage, Duong Moi, Paris, tr. 180 (Dẫn theo Võ Nhân Trí, "'Tư tưởng Hồ Chí Minh' về chủ nghĩa xã hội có mâu thuẫn gì với chính sách 'đổi mới' không?" in trong cuốn Đảng Cộng sản trước thực trạng Việt Nam, Đường Mới biên tập và xuất bản tại Paris năm 1994, tr. 64.)
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

29/9/10

Suy ngẫm nhỏ về phương tiện và cứu cánh trong tinh thần Phật pháp

Suy ngẫm nhỏ về phương tiện và cứu cánh trong tinh thần Phật pháp
29/09/2010

Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến

Chuyên mục: Tôn giáo, Tư tưởng
Thẻ: Tinh thần Phật pháp

Trang VnExpress ngày 19/6/2010 đăng tin về một chiến binh al-Qeada giết cha, vì ông này làm việc cho Mỹ. Người cha bất hạnh tên Hameed al-Daraji, 50 tuổi, là một nhà thầu và phiên dịch viên cho quân đội Mỹ. Ông bị đứa con trai bắn vào ngực lúc 3 giờ sáng qua khi đang ngủ tại nhà ở Samarra.

Bài viết chỉ đưa vài dòng tin ngắn ngủi nhưng sức chấn động của nó quá lớn, khiến bất kỳ ai còn có lương tri đều không khỏi cảm thấy đau lòng. Đôi khi đọc báo, ta lại thấy có những tin về con giết cha trong cơn say hoặc cơn giận đến mất cả trí khôn, hoặc đọc lịch sử, ta thấy trong các vương triều phong kiến vẫn có chuyện con giết cha để tranh giành quyền lực; điều đó đã là quá khủng khiếp rồi, nhưng nó hoàn toàn khác hẳn với kẻ giết cha nhân danh một tổ chức, một lý tưởng.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, trên con đường đấu tranh để đạt đến lý tưởng, thì sự xung đột giữa gay gắt tình và lý, giữa cá nhân và tập thể, giữa đạo lý và công lý, giữa hạnh phúc và trách nhiệm, giữa phương tiện và cứu cánh vẫn luôn xảy ra. Đây là những vấn nạn thường đặt ra trong nền văn hóa nhân loại, để con người phải tìm ra được sự điều hòa chân thực giữa đạo trời và đạo người, làm sao cho xã hội vẫn tốt đẹp mà lương tâm con người vẫn thanh thản, vì nền đạo lý vẫn được duy trì. Tìm được sự điều hòa cho mối tương xung tưởng chừng như bất khả vãn hồi đó sẽ là con đường dẫn con người đến với vẻ đẹp nhân văn, giúp con người sống đẹp đẽ hơn.

Giết người trong cơn nóng giận là sân, giết người để tranh giành quyền lực là tham, còn giết người vì lý tưởng là si. Huống gì kẻ bị giết đó là đấng sinh thành? Lý tưởng mà người chiến binh kia đang nỗ lực kiến tạo hoàn toàn được xây dựng trên nền tảng của Tham–Sân–Si; phương tiện thì đầy bạo lực mà lại muốn kiến tạo nên một xã hội tốt đẹp thì quả là vô minh quá đỗi.

Xây dựng nên một xã hội lý tưởng để tất cả mọi người đều sống hạnh phúc luôn là một cứu cánh vô cùng cao cả, một ước mơ của toàn thể nhân loại, nhưng liệu “chân diện mục” của xã hội đó sẽ ra sao, khi con đường dẫn đến xã hội lý tưởng đó được kiến tạo bằng quá nhiều bạo lực, và cả máu của người thân? Nếu tổ chức của người chiến binh kia mà thành công thì điều gì sẽ chờ đón nhân loại? Có gì có thể biện minh được cho một nền công lý, một thế giới lý tưởng được xây dựng trên máu của người cha? Liệu có loài hoa thanh bình nào có thể đơm bông trên nền đất của tội ác? Một người có thể thản nhiên giết cha để bảo vệ cho cái gọi là lý tưởng thì đối với người đó, liệu những người đồng loại còn có một giá trị nào chăng, hay chỉ được xem là một thứ chất liệu, một loại phân bón cho lịch sử, cho lý tưởng? Một tôn giáo hay một học thuyết nào cổ vũ cho điều đó chỉ có thể đưa xã hội đến sự băng hoại đạo đức, và dẫn đời sống tinh thần con người đến chỗ lụi tàn.

Lý tưởng mà ta muốn hướng đến dĩ nhiên được coi là cao đẹp, nhưng nếu để đạt đến cứu cánh cao đẹp đó ta lại phải hủy hoại không thương tiếc những điều thiêng liêng khác trong cuộc sống thì cái lý tưởng kia liệu có còn mang một giá trị nhân bản gì chăng, hay là nó đã thực sự băng hoại từ tận nền tảng? Văn hào Nga Dostoievsky cho rằng địa ngục là tâm hồn không còn biết yêu thương. Đem cái tâm hồn không còn biết yêu thương đó để nỗ lực đấu tranh cho một xã hội lý tưởng thì cái xã hội đó chỉ có thể là địa ngục, hoặc là xã hội của những con robot vô cảm đã được lập trình.

Người ta thường nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Đây là cách lập luận rất được ưa dùng để biện minh cho những phương tiện mang tính bá đạo được dùng trong quá trình tiến tới cứu cánh. Lý luận vẫn luôn là con dao hai lưỡi mà con người thường vẫn dùng để bào chữa cho tội ác và thủ đoạn, nhằm đánh bạt tiếng nói của lương tri. Câu “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mới nghe tưởng chừng như rất hợp lý, nhưng thử hỏi một khi chưa đạt đến cứu cánh thì cái gì sẽ biện minh cho cứu cánh? Khi nóng lòng muốn đạt đến cứu cánh mà ta phải dùng mọi phương tiện, bất chấp thủ đoạn theo kiểu “vô sở bất chí” thì cứu cánh tự nó đã bị thối rữa rồi. Muốn đánh giá cứu cánh tốt đẹp hay không thì cách đơn giản nhất là nhìn vào bản chất của phương tiện. Nếu phương tiện đầy bạo lực và máu lửa, đầy những hành động tham sân si thì làm sao ta có thể tin rằng nó sẽ đưa đến một cứu cánh thanh bình an lạc?

Chỉ có những phương tiện mang tinh thần bất bạo động và thấm nhuần lòng từ bi mới có thể giúp con người đạt đến lý tưởng chân chính, đạt đến cứu cánh tốt đẹp thực sự để giải thoát cho con người. Cuộc đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động của thánh Gandhi dẫu không dẫn đến thắng lợi hoàn toàn như mong muốn, nhưng phương tiện đầy tính nhân bản dùng trong cuộc đấu tranh đó đã mở ra những phương trời mênh mông cho tâm thức nhân gian. Người xưa hy sinh bản thân để thành tựu đạo nhân (sát thân dĩ thành nhân) hay Mạnh Tử bảo rằng “Làm một chuyện bất nghĩa, giết một kẻ vô tội mà được cả thiên hạ đều không nên làm” (Hành nhất bất nghĩa, sát nhất bất cô, nhi đắc thiên hạ, giai bất vi dã. Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng) cũng nằm trong tinh thần đó.

Con người, trong suốt dòng lịch sử, luôn cho rằng dùng bạo lực để hủy diệt những cái được cho là xấu trên đời này, là cách đúng đắn duy nhất tạo ra tiền đề cho sự xây dựng nên cái mới tốt đẹp. Tư duy đó đã đem máu và lửa rải khắp đông tây, gây nên biết bao thảm họa cho nhân loại tự cổ chí kim. Biết bao nhiêu chuyện bất nghĩa đã diễn ra, biết bao nhiêu máu người vô tội đã đổ xuống cho tham vọng tranh giành thiên hạ. Dùng bạo lực –và do đó, thù hận – để kiến tạo cái mới thì bản thân cái mới cũng là một hình thức bạo lực mới mang đầy sự thù hận. Và sự thù hận đó sẽ là nguyên nhân để làm khởi phát sự thù hận khác. Giống như để loại bỏ cây đinh ra khỏi một khúc gỗ, ta phải dùng một cây đinh khác. Khi cây-đinh-cần-loại-bỏ đã bị trục ra ngoài thì bản thân cây-đinh-dùng-để-trục-cây-đinh-kia lại trở thành một chướng ngại mới trong khúc gỗ. Phương tiện được sử dụng để đạt đến cứu cánh lại tiếp tục trở thành cho chướng ngại mới cho một phương tiện khác. Và như thế cứ tiếp tục đến vô cùng. Đó là sự diễn tiến của dòng lịch sử được kiến tạo trên nền tảng của bạo lực.

Muốn kiến tạo nên một xã hội lý tưởng thấm nhuần vẻ đẹp nhân văn, như cảnh giới Tịnh Độ, thì phương tiện duy nhất chỉ có thể là Từ Bi và Trí Huệ. Đôi khi chính những người dẫn đắt các cuộc tiến hóa lịch sử đó phải hy sinh để khơi lại dòng lịch sử. Máu của tổng thống Lincoln, của mục sư Luther King, của thánh Gandhi… đổ xuống đã tô thắm cho những trang lịch sử đen tối của nhân loại.

Viễn cảnh con chim bồ câu vui đùa cùng sư tử như mong ước của Dostoievsky, cảnh tượng “lão giả an chi, thiếu giả hoài chi” của đức Khổng Tử, hay kiến lập được một nhãn quan bình đẳng giữa sinh tử với Niết Bàn để đưa con người đến giải thoát của Phật giáo … vẫn mãi mãi là điểm hướng đến của mọi nền chính trị, mọi tôn giáo và triết học. Biện pháp mà Dostoievsky đưa ra là dùng cái Đẹp để cứu chuộc thế giới, đức Khổng Tử dùng lễ nhạc, đức Phật dùng vô vàn phương tiện thiện xảo để từng bước dìu con người về bến giác.

Thay vì nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, ta phải nói “phương tiện minh họa cho cứu cánh”. Điều này hiện rõ nét trong tinh thần Phật giáo chân chính. Kinh Giáo giới Phú lâu na có lẽ là một minh họa đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc về tinh thần này. Kinh thuật lại chuyện tôn giả Phú lâu na [Punna], muốn xin phép đức Phật để đến xứ Sunaparanta (Tây Phương Du-na Quốc) để sống và truyền giáo.

Sau đây là cuộc đối thoại giữa ông và đức Thế tôn [bản dịch của T.T. Thích Minh Châu]:

“Này Punna, người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc Ông, nhục mạ Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ như thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta’. Bạch Thế Tôn, tại đây con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”

“Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ như thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy! Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”

“Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy các cục đất ném đánh Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy gậy ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”

“Nhưng này Punna… lấy gậy đánh đập Ông… Ông nghĩ thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập con… ‘… Vì rằng họ không lấy đao đánh đập ta’… Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”

“Nhưng này Punna,… lấy đao đánh đập Ông… Ông nghĩ thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập con… ‘… Vì rằng họ không lấy đao sắc bén đoạt hại mạng ta’… Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy.”

“Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng Ông… Ông nghĩ thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: ‘Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy.”

“Lành thay, lành thay, này Punna! Này Punna, Ông có thể sống trong nước Sunaparanta, khi Ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Punna, Ông nay hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.”

Đoạn kinh văn trên đây phản ánh tinh thần Từ Bi chân chính của Phật giáo khi hoằng pháp. Người xưa không chỉ xả thân cầu pháp mà còn xả thân hoằng pháp. Chỉ cần nhìn vào “phương tiện” là tinh thần xả thân hoằng pháp của Punna, thì “cứu cánh” là chính pháp chưa cần nghe giảng, ta cũng có thể hình dung được rồi. Cũng như Niết Bàn là gì, “đáo bỉ ngạn” là gì, đó là cứu cánh ta khoan vội bàn, nhưng chỉ cần nhìn vào phương tiện để đạt đến cứu cánh đó, là Từ Bi và Trí Huệ, là lục độ thì ta cũng có thể hình dung cứu cánh đó sẽ là phương trời giải thoát bao la.

© 2010 Huỳnh Ngọc Chiến

© 2010 talawas

Huỳnh Ngọc Chiến – Suy ngẫm nhỏ về phương tiện và cứu cánh trong tinh thần Phật pháp

Huỳnh Ngọc Chiến – Suy ngẫm nhỏ về phương tiện và cứu cánh trong tinh thần Phật pháp

Huỳnh Ngọc Chiến – Suy ngẫm nhỏ về phương tiện và cứu cánh trong tinh thần Phật pháp

Huỳnh Ngọc Chiến – Suy ngẫm nhỏ về phương tiện và cứu cánh trong tinh thần Phật pháp

23/9/10

Chứng nhân lịch sử Nội chiến Mỹ – Đầu hàng tại Appomattox, 1865

Chứng nhân lịch sử Nội chiến Mỹ – Đầu hàng tại Appomattox, 1865
24/09/2010

Tác giả: Trần Ngọc Cư

Chuyên mục: Lịch sử

Trần Ngọc Cư dịch

Ghi chú của người dịch: Cuộc đầu hàng tại Appomattox, 1865, là một trang sử đầy nhân ái và có tính hòa giải cao, nói lên đạo người quân tử, đóng góp đáng kể cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh sau cuộc Nội chiến Mỹ. Người dịch đã sử dụng hai websites: Phần đầu là bản dịch toàn bài “Surrender at Appomattox”, gồm phần lớn những thư trao đổi giữa tướng U.S. Grant (Miền Bắc) và tướng Robert E. Lee (Miền Nam) chuẩn bị cho cuộc đầu hàng của quân Miền Nam, mô tả phong cách của hai vị tướng thuộc hai chiến tuyến đối địch. Phần hai dịch trích đoạn “Incident at Appomattox” từ một tiểu sử ngắn của đại tá Joshua L. Chamberlain, người tổ chức việc tiếp nhận vũ khí của hàng binh và ra lệnh “bồng súng chào” đoàn quân bại trận. Các đường dẫn nằm liền sau mỗi phần của bản dịch. Chú thích trong ngoặc vuông là của người dịch.

___________________


Với đạo quân dưới quyền chỉ huy của mình đang bị bao vây, binh sĩ ốm yếu và mệt lả, tướng Robert E. Lee [Miền Nam] không còn lựa chọn nào khác hơn là phải cân nhắc đến việc cho Đạo quân này đầu hàng tướng U.S. Grant [Miền Bắc]. Sau một loạt thư trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo quân sự, họ đồng ý gặp nhau vào ngày 9 tháng Tư năm 1965, tại nhà ông Wilmer McLean thuộc làng Appomattox Courthouse. Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ và vào cuối buổi họp này, cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ sắp đến hồi kết thúc.

Những diễn biến dẫn đến sự đầu hàng của quân đội Miền Nam


Ngày 3 tháng Tư, khi Richmond rơi vào tay của quân Liên Bang [Miền Bắc], Robert E. Lee dẫn Đạo quân Bắc Virginia (the North Virginia Army) rút về Miền Tây và liền bị tướng Grant và Đạo quân Potomac (the Potomac Army) của ông truy kích. Cứ mỗi lần một Đạo quân tiến sâu hơn vào Miền Tây trong nỗ lực lấy lợi thế bao vây đối phương hoặc để tránh bị bao vây là một cuộc lưu động chiến lại diễn ra. Cuối cùng, tướng Grant khởi động một loạt văn thư giữa ông và tướng Lee, một nỗ lực đã dẫn đến buổi họp mặt giữa hai vị tư lệnh.

“Kính gửi Đại tướng R.E. Lee, Tư lệnh Quân đội các Bang Liên minh, C.S.A. [Confederate States Army, có khi gọi là Quân đội Miền Nam trong bản dịch này]:

5 giờ sáng, ngày 7 tháng Tư, 1865.

Kết quả của các trận đánh trong tuần qua chắc hẳn đủ sức thuyết phục ông về tình trạng vô vọng của Đạo quân Bắc Virginia nếu còn tiếp tục chiến đấu. Tôi cảm thấy như vậy và thấy có bổn phận phải tránh cho mình cái trách nhiệm gây đổ máu thêm nữa, bằng cách yêu cầu ông giao nộp bộ phận C.S.A. mệnh danh là Đạo quân Bắc Virginia.

U.S. Grant, Trung tướng.”

Văn thư này được đưa qua phòng tuyến của Nam quân và tướng Lee tức khắc trả lời:

“Ngày 7 tháng Tư, 1865.

Thưa Trung tướng: Tôi đã nhận được thư ông đề ngày hôm nay. Mặc dù không hài lòng về ý kiến của ông khi ông nói về tình trạng vô vọng của Đạo quân Bắc Virginia nếu còn tiếp tục kháng cự thêm nữa, nhưng tôi cũng xin đáp lại nguyện vọng của ông là tránh phải đổ máu thêm một cách vô ích, và vì thế tôi xin hỏi về những điều kiện mà ông định đưa ra cho một cuộc đầu hàng của Đạo quân này.

R.E. Lee, Đại tướng.”

Tướng Grant nhận được thư tướng Lee vào quá nửa đêm và trả lời vào sáng sớm hôm sau, đưa ra các điều kiện đầu hàng:

“Ngày 8 tháng Tư, 1865.

Kính gửi Đại tướng R.E. Lee, Tư lệnh C.S.A.:

Thư ông gửi vào chiều qua vừa mới đến với chúng tôi, nhằm trả lời thư đề cùng ngày của tôi, đồng thời hỏi về những điều kiện mà tôi sẽ chấp nhận cho một cuộc đầu hàng của Đạo quân Bắc Virginia. Tôi xin trả lời rằng, vì hòa bình là nguyện vọng to lớn của tôi, chỉ có một điều kiện duy nhất mà tôi đòi hỏi—đó là, tất cả binh lính và sĩ quan được giao nộp sẽ bị tước hết binh quyền (disqualified) vì đã cầm súng chống lại Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ cho đến khi họ được trao đổi một cách thích đáng. Tôi sẽ đích thân gặp ông, hoặc sẽ cử sĩ quan của chúng tôi đến gặp bất cứ sĩ quan nào mà ông muốn chỉ định vì mục đích này, ở bất cứ nơi nào thuận lợi cho ông, để dàn xếp dứt khoát những điều khoản theo đó Đạo quân Bắc Virginia sẽ được tiếp nhận.

U.S. Grant, Trung tướng.

Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn và trên đường rút sâu hơn về Miền Tây, tướng Lee trả lời thư của tướng Grant:

“Ngày 8 tháng Tư, 1865.

Thưa Trung tướng: Tôi nhận được vào cuối ngày lá thư hôm nay của ông. Trong thư hôm qua của tôi, tôi không có ý định đề nghị việc giao nộp Đạo quân Bắc Virginia, nhưng chỉ hỏi để biết rõ những điều khoản của đề nghị ông định đưa ra. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ tình hình đã đến độ khẩn trương để đạo quân này phải buông súng đầu hàng, nhưng vì lập lại hòa bình là mục đích duy nhất của tất cả chúng ta, tôi muốn biết rõ là, những đề nghị của ông có dẫn đến mục đích ấy không? Vì thế, tôi không thể gặp ông với mục đích giao nộp Đạo quân Bắc Virginia; nhưng vì đề nghị của ông có thể ảnh hưởng đến các lực lượng C.S.A. nằm dưới quyền tư lệnh của tôi và nhắm tới việc lập lại hòa bình, tôi bằng lòng gặp ông lúc 10 giờ sáng ngày mai trên bang lộ cũ (old state road), con đường dẫn đến Richmond, nằm giữa chiến tuyến của hai đội quân.

R.E. Lee, Đại tướng.”

Mệt lả vì bị căng thẳng và vì cơn đau đầu khá trầm trọng, tướng Grant đã trả lời tướng Lee khoảng 5 giờ sáng ngày 9 tháng Tư.

“Ngày 9 tháng Tư, 1965.

Thưa Đại tướng: Chúng tôi đã nhận được lá thư hôm qua của ông. Tôi không có thẩm quyền xử lý vấn đề lập lại hòa bình. Buổi họp vào lúc 10 giờ ngày mai, như đã đề nghị, có thể sẽ không đi đến đâu. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng tôi cũng tha thiết hòa bình như ông, và toàn Miền Bắc đều chung một lòng như thế. Mọi người đều biết rõ điều kiện để có hoà bình là gì. Bằng cách buông súng xuống, Miền Nam sẽ nhanh chóng thúc đẩy biến cố tuyệt vời đó, cứu được hàng ngàn sinh mạng, và hàng trăm triệu tài sản chưa bị tàn phá. Tôi thật lòng hi vọng rằng tất cả mọi vấn đề khó khăn của chúng ta có thể được giải quyết mà không tổn thất thêm một sinh mạng nào nữa.

Trân trọng,

U.S. Grant, Trung tướng”.

Vẫn còn bị cơn nhức đầu hành hạ, tướng Grant tiến gần ngã tư đường làng Appomattox Court House thì một người đưa tin mang thư hồi đáp của tướng Lee bắt kịp ông.

“Ngày 9 tháng Tư, 1865.

Thưa Trung tướng: Tôi nhận được thư ông sáng nay ngay tại chiến tuyến, nơi tôi đến để gặp ông và để nắm chắc các điều khoản chứa đựng trong đề nghị ngày hôm qua của ông liên quan đến việc đầu hàng của Đạo quân này. Bây giờ tôi yêu cầu một cuộc trao đổi ý kiến với ông, phù hợp với đề nghị ông đã đưa ra trong lá thư hôm qua, về mục đích ấy [việc đầu hàng].

R.E. Lee, Đại tướng”.

Tướng Grant tức khắc xuống ngựa, ngồi bên vệ đường và biên thư trả lời sau đây cho Tướng Lee.

“Ngày 9 tháng Tư, 1865.

Kính gửi Đại tướng R.E. Lee, Tư lệnh C.S.A.:

Chúng tôi vừa mới nhận được thư ông ngay lúc này (11:50 sáng), có chậm trễ là vì tôi đi từ góc đường Richmond-Lynchburg đến góc đường Farmville-Lynchburg. Chỗ tôi ngồi viết thư này cách Nhà thờ Walker khoảng hơn 6 cây số, và tôi sẽ tiến về phía trước để được gặp ông. Bất cứ thông báo nào gửi cho tôi trên con lộ này, nơi ông muốn cuộc hội kiến diễn ra, chắc chắn sẽ đến với tôi.

U.S. Grant, Trung tướng”.

Cuộc hội kiến Appomattox

Việc trao đổi thư từ này đã khởi đầu cho phiên họp lịch sử tại nhà ông Wilmer McLean. Là người đến trước, tướng Lee ngồi trong một phòng khách rộng lớn ở tầng trệt. Tướng Grant đến liền sau đó và một mình bước vào phòng trong khi ban tham mưu kính cẩn đứng đợi trên sân cỏ trước nhà. Sau một hồi ngắn ngủi, ban tham mưu được gọi vào phòng họp. Tướng Horace Porter [Bắc quân] đã mô tả buổi hội kiến như sau:

“Chúng tôi bước vào, nhìn thấy tướng Grant ngồi ở chiếc bàn có mặt cẩm thạch đặt ngay giữa căn phòng, và tướng Lee ngồi cạnh một chiếc bàn nhỏ hình bầu dục gần cửa sổ phía trước, trong một góc đối diện với cửa chúng tôi đi vào và nhìn về phía tướng Grant. Chúng tôi nhè nhẹ bước vào, rồi lặng lẽ đứng quanh căn phòng, như thể khi ta bước vào một phòng bệnh và biết rằng bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Sự tương phản giữa hai vị tư lệnh thật rõ nét, không thể không thu hút sự chú ý đặc biệt của mọi người, vì họ ngồi cách nhau chừng ba mét, mặt đối mặt. Tướng Grant, lúc bấy giờ mới gần 43 tuổi, cao 1 mét 7, vai hơi cong. Tóc và râu có màu nâu sậm, không một sợi bạc. Ông mang chiếc áo trận không xẻ ngực, may bằng vải flanen xanh đậm, không cài nút phía trước, để lộ áo gi lê ở phần bụng. Ông mang đôi giày cao ống bình thường, quần nhét vào giày, không có đinh thúc ngựa (spurs). Giày và nhiều chỗ trên áo quần ông bết bùn. Tướng Grant không mang kiếm, chỉ có đôi cầu vai nói lên quân hàm của ông. Ngoài một chút biểu hiệu ấy ra, quân phục của ông là quân phục của một người lính trơn.

Trái lại, tướng Lee cao trên 1 mét 8, lưng vẫn còn thẳng đối với một người ở tuổi ông, vì ông lớn hơn tướng Grant đến 16 tuổi. Tóc và râu đều xám bạc và khá rậm, ngoại trừ phía trước trán tóc hơi thưa một chút. Ông mang bộ quân phục xám của Nam quân, nút cài đến tận cổ, và bên hông mang chiếc kiếm dài cực kỳ tinh xảo, chuôi có gắn kim hoàn. Giày cao ống tương đối còn mới và trông như có những đường trang trí bằng lụa đỏ. Cũng giống như quân phục của ông, đôi giày trông sạch một cách kỳ lạ, ít có dấu vết bụi đường. Trên giày có những đinh thúc ngựa với những bánh rộng ở đầu đinh. Chiếc mũ dạ có màu sắc hài hòa với quân phục, và một đôi găng tay dài bằng da hoẵng nằm trên bàn cạnh chỗ ông ngồi.

Tướng Grant mở đầu câu chuyện bằng: ‘Tôi đã gặp ông một lần trước đây, thưa Đại tướng, trong thời gian chúng ta cùng phục vụ tại chiến trường Mexico, khi ông được bộ chỉ huy của tướng Scott cử sang thăm lữ đoàn của Garland, tức đơn vị tôi đang công tác. Tôi luôn luôn nhớ hình ảnh của ông, và tôi thiết tưởng có thể nhận ra ông ở bất cứ nơi nào’.

‘Vâng,’ tướng Lee trả lời, ‘tôi biết tôi đã gặp ông vào dịp đó, và tôi thường nghĩ đến điều ấy; tôi cũng cố gắng nhớ lại hình ảnh của ông, nhưng không thể mường tượng ra một nét nào’.”

Hai vị tướng nói thêm một chút nữa về những trải nghiệm ở Mexico rồi xoay sang bàn thảo những điều kiện đầu hàng, khi Lee yêu cầu Grant viết ra những điều khoản ấy trên giấy tờ:

“’Được,’ tướng Grant trả lời, ‘Tôi sẽ viết ra’. Rồi gọi thuộc hạ mang đến cuốn nhật lệnh loại nhiều bản sao, Grant đặt nó lên bàn ngay trước mặt và bắt đầu viết các điều khoản đầu hàng. Những trang giấy được sắp xếp khéo léo để có thể viết ra ba bản cùng một lúc. Ông viết rất nhanh và viết một mạch cho đến khi ông chấm dứt câu cuối cùng bằng ‘tôi sẽ chỉ định sĩ quan tiếp nhận họ [hàng binh]’. Đoạn, ông nhìn về phía tướng Lee, mắt hình như dừng lại trên thanh kiếm tuyệt đẹp đeo bên hông vị tướng này. Về sau Grant nhìn nhận rằng chính thanh kiếm ấy đã khiến ông nghĩ rằng nếu buộc các sĩ quan phải giao nộp kiếm của họ, đấy là một hành vi sỉ nhục không cần thiết; nếu tước đoạt cả hành lý cá nhân và ngựa của họ nữa, việc này sẽ tạo ra những gian khổ quá lớn, và sau khi ngừng bút suy nghĩ chốc lát, Grant viết câu này: ‘Điều khoản này không bao gồm vũ khí tùy thân của sĩ quan cũng như ngựa và hành lý cá nhân của họ’.

Grant đưa văn bản cho Lee xem. Sau khi duyệt lại, Lee tiết lộ rằng lính Kỵ binh và lính Pháo binh trong Quân đội Miền Nam phải sử dụng ngựa nhà và vì thế ông yêu cầu họ được phép giữ lại ngựa. Grant đồng ý về điểm này và Lee viết một văn thư chính thưc chấp nhận đầu hàng. Sau đó, Lee bước ra khỏi phòng:


“Khoảng chừng 4 giờ chiều tướng Lee bắt tay tướng Grant, cúi chào các sĩ quan khác, rồi cùng đại tá Marshall rời phòng họp. Lần lượt chúng tôi bước theo sau, ra trước hành lang. Lee ra hiệu cho lính cần vụ mang ngựa đến, và trong khi con vật được thắng yên cương, viên tướng đứng trên bậc hành lang thấp nhất, mắt buồn rầu nhìn về thung lũng, mà phía bên kia là nơi Đạo quân của ông đang nằm – bây giờ toàn bộ đạo quân ấy đã trở thành tù binh. Bằng một cử chỉ lơ đãng, tướng Lee phủi tay mấy lần, hình như không hề nhìn thấy toán sĩ quan Bắc quân nãy giờ ngồi trong sân đang đứng dậy kính cẩn chào khi ông bước qua; ông đã mất hết ý thức về mọi vật chung quanh. Tất cả chúng tôi hiểu được nỗi buồn sâu nặng đang trùm phủ lên ông, và ông chiếm được cảm tình của mỗi một cá nhân đang chứng kiến ông trong giây phút thử thách tột cùng này. Con ngựa tiến lại gần cơ hồ đánh thức ông ra khỏi cơn mê, và ông leo nhanh lên mình nó. Bây giờ tướng Grant bước xuống hành lang, đi về phía tướng Lee và nhấc mũ lên chào. Các sĩ quan hiện diện đều làm theo cử chỉ lịch sự này; tướng Lee cũng kính cẩn nhấc mũ chào lại, rồi cỡi ngựa đi báo tin buồn cho những chiến hữu can trường mà ông từng chỉ huy qua bao nhiêu năm tháng”.

Nguồn: “Surrender at Appomattox, 1865”

Vụ việc bất ngờ tại Appomattox

[Đại tá Joshua] Chamberlain đã tạo ra một trong những cảnh tượng cảm động nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ tại cuộc đầu hàng của Đạo quân Bắc Virginia của tướng Lee tại làng Appomattox Court House vào tháng Tư 1865. Tướng Grant giao cho Chamberlain trách nhiệm tiếp nhận vũ khí và quân kỳ của quân Miền Nam. Khi các binh sĩ bại trận đi theo đội ngũ xuống con lộ để giao nộp súng ống và cờ xí, Chamberlain, mặc dù không được lệnh hay được phép của cấp trên, đã chủ động ra lệnh cho binh sĩ mình đứng nghiêm và “bồng súng chào” để tỏ lòng kính trọng đối phương. Chamberlain mô tả những gì diễn ra sau đó:

“[Tướng Miền Nam] John B. Gordon đầy uy nghi, dẫn đầu đội ngũ hàng binh, tỏ ra hơn hẳn chúng tôi về phép lịch sự. Ông ngồi trên mình ngựa, mắt nhìn xuống trĩu buồn, đầy vẻ trầm tư; nhưng khi nghe tiếng bồng súng rào rạt, ông đưa mắt nhìn lên và tức khắc hiểu được ý nghĩa, bèn xoay ngựa một vòng với phong độ tuyệt vời cố hữu của ông, tay hạ mũi kiếm chỉ vào bộ đinh thúc ngựa và ra một mệnh lệnh; liền lúc đó, ngọn cờ hiệu sau ông hạ xuống thấp và các chiến đoàn tơi tả của ông, khi đến bên phải của chúng tôi, đã chào đáp lễ hàng quân “bồng súng”. Trong những giây phút ấy, về phía chúng tôi không hề có một tiếng kèn hay tiếng trống, không một tiếng reo vui, không một lời nói hay một cử động nào, nhưng là một sự tĩnh lặng khủng khiếp, như thể chúng tôi đang nhìn những hồn tử sĩ đi qua”.

Việc Chamberlain ra lệnh dàn chào đội quân Miền Nam bị nhiều người Miền Bắc chỉ trích, nhưng ông đã biện hộ hành vi của mình trong hồi ký The Passing of the Armies (Những binh đoàn lặng lẽ đi qua). Nhiều năm về sau, tướng Miền Nam John Brown Gordon, qua hồi ký, đã gọi Chamberlain là “một trong những chiến sĩ hào hiệp nhất của Quân đội Liên bang”.

Trích dịch từ: “Joshua Lawrence Chamberlain (1828-1914)”

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư
Bản tiếng Việt © 2010 talawas