21/4/13

Huyền ca

 Pinned Image



Huyền ca 
                          Trần Hồ Dũng 
Em gieo sầu chi lên cung đàn 
Cho ta ngồi đây đau tình xa
Em ngân nga chi cung  tơ vàng 
Cho ta nghe xa như huyền ca
    Lá thu còn rơi cho vai gầy
    Gió thu còn trôi cho tóc bay  
    Lệ xưa còn rơi trên vai người
    Tình xưa còn in trong nắng phai

    Em như chim bay về chân trời 
    Tình ta nổi trôi theo ngàn mây 
    Nhớ em về trong ly rượu đầy 
    Ta nghe sầu lên men ngất ngây 

Tình đâu trăm năm mà ngậm ngùi
Đời không thiên thu sao mãi đau 
Ai thương nhớ ai trông mây ngàn
Ai ngồi khóc ai dòng sông trăng
    Ừ , ta giờ đây thôi yêu nàng
    Ừ , em giờ đây thôi yêu trăng  
    Lòng ta hồ như bia mộ vàng
    Lòng em hồ như rêu đá xanh

20/4/13

Vì sao mỹ nhân?


Nguyễn Thanh Hiện

kính tặng hết thảy những mỹ nhân trong trời đất.


"Lilith" by John Collier
...
sử sách hoá thành ký ức, và ký ức lại dày vò ta, lần này thì ta nhìn thấy hình thù sử thư một cách tường tận, đáy sử đầy xương khô, còn bờ sử vẫn cứ tiếp tục chảy những dòng sử sự đen ngòm...
...
ta nhớ bấy giờ là đang mùa thu, đất cũ kinh thành như trở nên tươi tỉnh khi được nhìn thấy dung mạo của người nghìn năm trước, thấy ông loay hoay mãi với đám cổ thư nên em phải trở về đây, cứ tưởng nàng cũng cũ kỹ như những thành quách rêu phong, nhưng ta đã lầm, thời gian có làm cho thành quách rêu phong nhưng lại khiến cho con người bớt đi ngu muội, nàng tiếp tục nói, và ta lập tức quyết định rũ bỏ thứ quãng cách nghìn năm, thưa nương nương, mới đầu thì ta tính mở đầu như thế, nhưng ta lập tức bãi bỏ mở đầu như thế, mà em đã nhìn thấy ta tự bao giờ, ta hỏi, nàng vén nhẹ xiêm y, bước tới, con ngựa nòi phương nam hơi nhích về phía đằng sau như để tỏ cung kính với nữ chủ, ông cứ xem thì xưa nay đám con gái có chút nhan sắc với kẻ cầm bút luôn là đồng điệu, cảm động vô cùng, và ta bắt đầu nói, ta nói là ta đã nhìn thấy nàng từ những trang cổ thư nhàu cũ, ta đã đọc chúng đến nhàu cũ, tàn bạo và luân lạc, cũng vào một ngày mùa thu ta đã nhìn thấy em đứng ở giữa máu mà hát, máu của những người mông muội có nước da sáng và máu của những người mông muội có nước da không sáng, người ta đã bắt em phải đứng ở giữa máu mà hát, ta nói là ta đã nhìn thấy những cổ kính ngàn năm bị vứt tung giữa những trận cười man dại, ta nói là ta đã nhìn thấy vì vua thắng trận buồn bã đi dưới bầu trời mùa thu khi không cưỡng đoạt được nàng và đã biến nàng thành cát bụi, nàng bảo dẫu sao thì kẻ biến nàng thành cát bụi cũng là khách của đất cũ nghìn năm, ta giật mình hỏi kẻ giết vua của nàng để chiếm đoạt nàng cũng là khách ư, nàng không trả lời ta mà bảo, rằng xưa nay đã mang tiếng mỹ nhân đều là thế, nhưng dường có ai đó đang cãi vã nhau ở góc cũ kinh thành, nàng hỏi, ta nói hầu như ngày nào lũ chó hoang cũng tụ tập để tranh nhau trèo lên bức tường thành cũ ở nơi góc cũ kinh thành, nhưng lũ chúng tranh lên đó để chi, để sủa, lên đó mà sủa thì hết thảy đều nghe thấy, ta nói, cũng là khách của đất cũ kinh thành, nàng nói, ta không tiện hỏi nàng có cách gọi nào khác cách gọi là khách cho hợp lẽ hơn để gọi những vì vua đi giết vua và cướp đoạt vợ vua của nước khác vì bấy giờ dường có đám quan quân đang tiến về chỗ ta và nàng, a ha lại là giai nhân, đất cũ kinh thành lại nổi lên bóng dáng giai nhân, có nhiều người trong bọn người ấy nói to, nàng có vẻ ái ngại, nói đủ ta nghe, rằng chẳng lẽ hết thảy những kẻ chết năm xưa đã hoá thành quỉ dữ để quay lại đất cũ kinh thành, ta phải lập tức giảng cho nàng rõ đấy là đám quan quân phóng đãng đời nay, chúng ăn nhậu và tắm bùn ở gần đâu đây, nghe hơi mỹ nữ mà kéo đến đấy thôi, dường nàng cố nhịn cười khi đám người mình mẩy đầy bùn ấy cứ xoắn vào nàng, ta có ý định bảo nàng hãy lên ngựa ra đi cho yên chuyện, nhưng từ đằng xa có ai đó đang phóng ngựa về phía ta và nàng, hãy tránh ra lũ vô sỉ, ta sẽ bảo chủ của lũ ngươi giết hết lũ ngươi, người đàn ông trên lưng ngựa tuốt gươm, quát, thấy nàng tỏ ra xúc động, ta lập tức dò tìm trong ký ức của mình, và ta cũng đã lập tức nhận ra, và trong đám quan quân phóng đãng có kẻ nào đó cũng đã nhận ra, vua cũ của chúng ta đấy, kẻ ấy la lớn, và lập tức hết thảy bọn chúng cúi rạp người lên đất, nàng là vương phi của đất cũ, nghìn năm trước ta đã trót yêu và bức tử nàng, biết chưa, kỵ sĩ tra gươm vào vỏ, nói to với đám quan quân phóng đãng, rồi quay sang nàng bảo là ông đã có lỗi với nàng, lỗi rất lớn, nghìn năm sau ông vẫn không quên nàng, ông nói, nàng im lặng vái chào ông, và ông vẫn ngồi yên trên lưng ngựa, vái chào nàng, rồi quất ngựa đi về nơi sinh ra và yên nghỉ của mình, ta nghe như nàng đang cố nén tiếng thở dài khi nhìn thấy đám quan quân phóng đãng đều đã lăn ra đất chết cả, dẫu gì thì cũng là khách của đất cũ nghìn năm, chỉ có điều hơi tiếc là kẻ làm quan đời nay lại lấy niềm sợ hãi làm bản mệnh, nàng thì thào, nói, rồi từ biệt ta lên ngựa ra đi, đêm, ta còn trằn trọc nghĩ về dòng sử sự lúc ban ngày thì người con gái ấy lại đến, chỉ hỏi ta mỗi câu, tại sao em lại là mỹ nhân, rồi lại ra đi.

Nguyễn Thanh Hiện

Source : Tienve
(www.tienve.org )

 

18/4/13

Tháng tư và cú chạy marathon bỏng rát

Nguyễn Tấn Cứ

 
Không thể chạy vì mặt đường đã chật kín những nỗi buồn
Không thể đi vì mọi góc phố đều bị chất đầy những kỉ niệm
Không thể cựa quậy vì những giấc mơ bị ướt đẫm mồ hôi
Không thể đứng lại vì sự cuốn đi của đám đông đang chết

Tháng tư như một quả bom vẫn còn chôn sâu trong lòng đất
Chiến tranh như những viên đạn pháo treo trên nhành cây kí ức
Những khẩu 155 ly u mê gục đầu trong những khu vườn xương xẩu
Những chiếc HU 1A khô khốc mốc meo đang rã cánh ở thiên đường

Chạy đi đâu tháng tư và những cơn điên của mùa hè đang nhe nanh khạc lửa
Chạy đi đâu với những vây quanh của những bệnh nhân đang cào lên khung cửa
Những con cừu đang đến mùa gào kêu đòi lột da vì những cơn dâm loàn mùa hạ
Những tên đồ tể vung đao lên giữa trưa trong những oan khiên đỏ quạch một màu

Tháng tư của những oán thù đang dâng tràn lên
trên những hàng cây thông tin mặt nhàu góc phố
Tháng tư của sự không bao giờ lãng quên
của phía bên này bên kia thắng thua và được mất
Tháng tư của những con chồn đã đổi màu
khi chiến tranh đang cất lên tiếng tru
hú lên trên một chiến trường rất khác
trong khi những con mèo thì vồ xé nhau trong bẫy sắc
khi những con chuột hồn nhiên đang nối đuôi nhau chui xuống đường hầm

Tháng tư như một suất ăn đêm được chia phần cho những bóng ma quá khứ
cho những kẻ chở ngược tương lai về phía bên kia bóng tối
cho những con mèo đêm đang gào lên trên mái nhà lịch sử
Chúng đang rền siết lên dưới ánh trăng chuyển dạ
Chúng đang sinh ra những con cáo tinh ranh
đang lẫn lộn giữa loài người

Tháng tư không thể chạy đi đâu không thể dừng lại ở đâu
không biết trốn ở đâu không biết làm gì ở đâu
khi tháng tư vẫn gầm gừ vẫn oi ả nực nồng hầm hập hâm hấp rầm rập
như những cơn giông đang bốc cháy như lân tinh rờn rợn tận trong lòng...

Source : Tienve  

Trí thức và độc tài




I

17.04.2013

 

bởi Nguyễn Hưng Quốc

Đọc lịch sử các chế độ độc tài, từ độc tài phát xít với những Hitler và Mussolini đến độc tài cộng sản với những Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Nicolae Ceauşescu, và Kim Chính Nhật (bây giờ là Kim Chính Ân) hay độc tài quân phiệt với những Saddam Hussein, Muammar Gaddafi, Robert Mugabe…chúng ta không thể không ngạc nhiên.

Có rất nhiều điều để ngạc nhiên.

Thứ nhất, tất cả các tên độc tài, dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau, đều vô cùng tham lam và độc ác. Chúng thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay và với quyền lực vô tận ấy, giết vô số người, từ những kẻ thù thực sự đến những kẻ thù tưởng tượng, trong đó phần lớn là chính dân chúng ở nước chúng.

Thứ hai, tất cả đều mắc bệnh huyễn tưởng, tự xem vị thế và quyền lực của mình như một thứ gì thuộc về thiên mệnh; và vì thiên mệnh, chúng nằm ngoài hoặc nằm trên không những luật pháp mà còn cả các nguyên tắc đạo lý thông thường của con người. Giết người, thậm chí, giết vô số người, với người khác, là tội ác; với chúng, là thiêng liêng và cao cả.

Thứ ba, vì căn bệnh huyễn tưởng ấy, rất nhiều nhà độc tài trở thành lố bịch, không khác những tên hề. Ceauşescu tự xưng mình là “Thiên tài của vùng Carparthians”, một vùng núi rộng lớn ở Trung Âu, kéo dài từ Slovakia qua miền Nam Ba Lan, miền Tây Ukraine đến tận phía Đông Bắc của Romania. Còn vợ của ông, Elena, người được cử làm Phó Thủ tướng, thì được tuyên truyền như một “Quốc mẫu”, một nhà khoa học vĩ đại (dù bà thực sự bỏ học từ năm 14 tuổi, và tất cả các cái gọi là “công trình khoa học”, kể cả luận án tiến sĩ của bà, đều do người khác viết). Rafael Trujillo, nhà độc tài ở Dominican Republic từ 1930 đến 1938 và từ 1942 đến 1952 thì tự xem mình là Thượng đế. Ông ta ra lệnh cho mọi nhà thờ trong nước phải khắc câu “Chúa ở trên Trời, Trujillo ở dưới Thế” (God in Heaven, Trujillo on Earth) và mọi bảng xe đều khắc câu “Trujillo vạn tuế”. Francisco Macias Nguema, nhà độc tài ở Equatorial Guinea từ năm 1968 đến 1979 cũng thế. Cũng tự xưng mình là Thượng đế. Dưới thời ông, biểu ngữ chính trong nước ghi “Không có Thượng đế nào khác ngoài Macias Nguema”. Saparmurat Niyazov, Tổng thống xứ Turkmenistan từ năm 1990 đến 2006 thì ra lệnh đổi tên 12 tháng trong năm theo tên ông và người thân trong gia đình của ông. Ông cũng viết sách và ra lệnh bất cứ người dân nào, để được thi lấy bằng lái xe, cũng phải thuộc lòng nguyên cả cuốn sách của ông.

Thứ tư, tất cả đều giả dối, đều sử dụng vô số huyền thoại láo khoét để biến mình thành thần tượng, thành những lãnh tụ anh minh, đầy viễn kiến, mở ra những chân trời mới cho đất nước hoặc cho cả nhân loại. Những huyền thoại ấy nhiều khi rất ngây ngô, ví dụ chuyện Kim Chính Nhật điều khiển đội tuyển bóng đá Bắc Triều Tiên trong giải World Cup 2010 bằng cách chỉ dẫn từng đường đi nước bước trong suốt trận đấu cho huấn luyện viên Kim Jong-Hun qua một chiếc điện thoại di động vô hình!

Nhưng cả bốn điều “đáng ngạc nhiên” trên đều không đáng ngạc nhiên bằng hai điều này:

Một, mặc dù tham lam, độc ác, mắc bệnh huyễn tưởng và giả dối như vậy, những tên độc tài ấy lại cầm quyền, hơn nữa, cầm quyền một cách tuyệt đối, trong thời gian rất dài, có khi cả đời hoặc nhiều đời, hết đời con đến đời cháu, chắt.

Hai, dù đầy khuyết điểm như vậy, những tên độc tài ấy vẫn được nhiều người, kể cả giới trí thức, thậm chí là trí thức xuất sắc ở Tây phương, ngưỡng mộ và hết sức bênh vực cũng như góp phần tuyên truyền cho chúng một cách nhiệt tình.

Trong hai điều trên, điều thứ hai quan trọng hơn. Giải thích điều thứ nhất, người ta có thể nói: Bởi các nhà độc tài đã xây dựng được một bộ máy tuyên truyền hữu hiệu đủ để nhồi sọ tất cả mọi người và một bộ máy quyền lực mạnh mẽ đủ để nghiền nát bất cứ người nào dám chống đối. Nhưng không có một bộ máy xã hội và chính trị nào có thể tồn tại độc lập. Vấn đề chính là ở con người, tức ở khía cạnh thứ hai, chúng ta vừa nêu ở trên: Tại sao người ta lại khiếp sợ và ngưỡng mộ các tên độc tài đến như vậy? Tại sao người ta lại để cho các tên độc tài dễ dàng lừa dối mình đến như vậy?

Trên thế giới, cũng có nhiều người từng ngạc nhiên như vậy. Có thời, những kẻ như Hitler, Mussolini, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel Castro, thậm chí, Kim Chính Nhật đã trở thành thần tượng của nhiều trí thức và văn nghệ sĩ Tây phương. Đạo diễn Oliver Stone khen Fidel Castro là một kẻ “rất vị tha và đạo đức. Một trong những người khôn ngoan nhất trên thế giới.” Một đạo diễn khác, Steven Spielberg, cho “gặp gỡ Fidel Castro là tám giờ quan trong nhất” trong cuộc đời của ông.

Trước đó, ở Ý, Gabriele D’Annunzio, một nhà thơ lớn, cũng như nhiều nhà thơ thuộc trường phái Vị Lai khác, từng là những kẻ ủng hộ nhiệt thành Mussolini. Ở Đức, Hitler không thiếu người ngưỡng mộ, kể cả một trong những triết gia lớn nhất của thế kỷ, Heidegger, một trong những họa sĩ lớn nhất của thế kỷ, Salvador Dali, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ, Ezra Pound. Nhà văn Na Uy từng đoạt giải Nobel năm 1920, Knut Hamsun, cũng rất ủng hộ Hitler.

Đối với các nhà độc tài cộng sản, số trí thức ngưỡng mộ nhiều hơn hẳn. Nhà văn Anh George Bernard Shaw (1856-1950) suốt đời ủng hộ Lenin, Stalin, và cả Hitler nữa. Cả Andre Gide và Doris Lessing đều từng ủng hộ Stalin tuy cả hai, sau đó, tự nhận là mình lầm. Picasso, Bertolt Brecht, Pablo Neruda, W.E.B. Du Bois, Graham Greene, v.v. cũng đều ủng hộ Stalin; trong đó, có người vừa ủng hộ Stalin vừa ủng hộ Mao Trạch Đông.

Jean-Paul Sartre cũng từng là người ủng hộ Stalin và chế độ cộng sản rất nồng nhiệt. Ông là tác giả của một câu nói gây rất nhiều tai tiếng: “Mọi kẻ chống cộng đều là chó” (every anti-communist is a dog). May, sau đó, ông thay đổi thái độ. Khi quân đội Sô Viết xâm lăng Hungary vào tháng 11 năm 1956, ông lên án Liên Xô kịch liệt. Sự phê phán của Sartre đối với Liên Xô càng mạnh mẽ hơn nữa vào năm 1968 khi quân đội Xô Viết trấn áp dân chúng Czechoslovakia trong sự kiện được gọi là “mùa xuân Prague”. Trước năm 1975, trong chiến tranh Việt Nam, ông là người tích cực ủng hộ miền Bắc và lên án Mỹ một cách gay gắt. Sau năm 1975, chứng kiến thảm cảnh của người Việt Nam vượt biển, ông lại lên tiếng phê phán chính quyền Việt Nam và kêu gọi chính phủ Pháp cứu giúp người tị nạn.

Chúng ta lại phải tự hỏi: Tại sao nhiều người trí thức lại dễ dàng bị các nhà độc tài lừa bịp đến như vậy? Tại sao họ lại nhẹ dạ và cả tin đến như vậy?

Nhớ, trước đây, trong những lần về Việt Nam, tôi gặp khá nhiều văn nghệ sĩ và trí thức ở miền Bắc. Nhiều người kể lại, trước phong trào đổi mới, đặc biệt, trước năm 1975, họ gần như tuyệt đối tin tưởng vào giới lãnh đạo và chế độ. Trong các buổi học tập chính trị và văn hóa, họ lắng nghe cán bộ giảng bài như nghe những lời thánh phán. Họ cắm cúi ghi chép rồi về nhà, đọc lại một cách thành kính. Sau này, cũng theo lời họ, đọc lại các cuốn sổ tay cũ, họ thấy những ý kiến trong ấy rất hời hợt, thậm chí, ngô nghê. Họ tự hỏi: Tại sao thời ấy họ lại xem những ý kiến ấy như những lời vàng ngọc như vậy? Chính họ, họ cũng không biết rõ câu trả lời. Tất cả đều cho: Đó chỉ là hậu quả của việc nhồi sọ.

Lại nhớ, mấy năm đầu sau 1975, một số trí thức Việt kiều ở Pháp về thăm nước rồi viết bài đăng tải trên báo chí ở Paris. Họ khen Việt Nam không tiếc lời. Trong lúc người Việt Nam đói đến xanh xao mặt mũi, họ khen đời sống rất sung túc. Trong lúc cả hàng chục ngàn người bị bắt đi cải tạo và con cái họ không được vào đại học, họ khen “chính quyền cách mạng” thực tâm hòa giải, không có bất cứ một chính sách kỳ thị nào đối với những người thuộc chế độ cũ trước đó. Trong lúc cả hàng triệu người bất chấp nguy hiểm tìm cách vượt biên tìm tự do, họ cho Việt Nam là một quốc gia dân chủ và ao ước một ngày nào đó được về nước sống hẳn (dù trên thực tế, không bao giờ họ về cả!)

Trí thức trong nước bị nhồi sọ. Nhưng còn trí thức ngoài nước thì sao?

Trong lúc loay hoay tìm cách trả lời cho câu hỏi ấy, cũng như câu hỏi về sự nhẹ dạ và cả tin của trí thức thế giới nói chung, tự dưng tôi nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Quốc Chánh trong bài “Tao là đứa bé ngoẻo trên lưng Linda Lê”:

“Có 3 thứ không thể kết hợp với nhau nổi. Đó là: Thông minh, lương thiện & cộng sản.

Một người thông minh & lương thiện thì không thể cộng sản,
Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện, &
Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh.”

Những câu thơ ấy ám ảnh tôi đến độ tôi không thể nghĩ tiếp được nữa.

Đành dùng chúng thay cho lời kết luận của bài viết.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

BÀN THÊM VỀ CHUYỆN “HÒN ĐÁ LẠ” Ở ĐỀN HÙNG


Nguyễn Kiên Giang

Sau bài viết “Vài nhận định về hòn đá mang đạo bùa tại Đền Hùng” đăng trên trang TỄU – BLOG tôi cùng một số bạn trẻ (Nguiễn Lyn – Tây Ninh, Triển Đình – TP.HCM) tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này. Hy vọng sẽ có kiến giải rõ ràng hơn nữa. 

1. Mới đây, các báo mạng đã đăng loạt bài nói về “hòn đá lạ” đó. Đọc thấy có những thông tin hệ trọng của vấn đề được hé mở. Đã trả lời được những câu hỏi cốt lõi sau: Lúc nào, vì đâu, để làm gì? Và, làm như thế nào? Cụ thể như sau:




a. Trong lần tu bổ khu di tích lịch sử Đền Hùng vào năm 2009, do phát hiện ra một viên gạch lạ ở Đền Thượng có ghi Hán tự có nghĩa: “Đánh đổ đức sáng vua Hùng” – và viên gạch này hiện vẫn còn để tại Bảo tàng Hùng Vương (?). Ông Nguyễn Minh Thông (một pháp sư, hiện là Giám đốc Trung tâm ứng dụng văn hóa phương Đông) có ý kiến với ông Nguyễn Tiến Khôi (Giám đốc Ban quản lý khu di tích Đền Hùng lúc đó) và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Viên gạch này tựa như bùa yểm xấu (còn gọi yểm đảo, không rõ ai đặt dưới nền cát, có từ bao giờ...) nên sau khi hoàn thành tu sửa Đền Thượng thì rất nên có đá đặt ở Đền để trấn yểm “phản” lại viên gạch yểm xấu kia”. Sau đó, “một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm đã vào cuộc hội thảo nhiều lần, khẳng định viên gạch này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên Mông mang đến đặt. Thời đó phía Nguyên Mông bị thua trận vì bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước Nam ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại Đền Thượng”. Được sự đồng ý của ông Khôi và “một số lãnh đạo tỉnh Phú Thọ”, ông Thông nhận việc trấn yểm lại viên gạch lạ đó. Ông Thông đã “may mắn” được “ông Nguyễn Đình Khảm (Giám đốc một Cty đá quý trong Hội liên hiệp đá quý Việt Nam ở Hà Nội) công đức viên đá ngọc xanh này”. Viên đá đã đáp ứng mong muốn của ông Thông được ông này là “tác giả” của “hòn đá lạ” đó! Ngoài công dụng khắc chế lại tác hại của viên gạch lạ, ông Thông còn cho rằng nó còn “có khả năng hóa giải các hung khí và tiếp nhận năng lượng tốt của tinh tú trời đất cho Đền Hùng”. 

b. “Mặt trước đá chạm: “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai” dựa trên trận đồ bát quái trong Binh thư yếu lược của nhà Trần và theo mô phỏng của Từ điển thuật ngữ quân sự, gọi là Thiên tinh vì ghép tượng hình chòm sao Bắc Đẩu và trận đồ của Đức Thánh Trần ứng dụng khi đánh quân Nguyên Mông. Trên mặt của Trận đồ còn có câu mật chú thiền phái Mật Tông làm tăng hào quang của Phật và độ linh, độ uy của Phật để giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân. Ông Thông khẳng định phải có linh khí của Phật thì mới cùng với linh khí của Đức Thánh Trần kết hợp thì mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã bị yểm đảo của giặc phương Bắc. 

Văn bản trả lời của ông Thông cho biết tiếp, mặt sau của viên đá ngọc, phía trên là Ấn của Vua Hùng (mà hiện BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng đang dùng để in vào các tờ phiếu ghi công đức), dưới có chạm lá bùa giải bách họa cho nhân dân mà các nhà sư đi tu ai cũng biết.

Từ ngày được hóa giải đến nay, ông Thông cho rằng tỉnh Phú Thọ và Khu di tích Đền Hùng được đánh giá là phát triển rất tốt đẹp. Theo năm tháng, viên đá ngọc sẽ ngày càng tích năng lượng thu phát, các địa phương khác cùng với Phú Thọ cùng được hưởng phúc. Ông cũng cam đoan viên đá đang rất linh ứng và hiệu nghiệm”.

Theo “Tiền Phong Online”

2. Trong bài viết “Vài nhận định về hòn đá mang đạo bùa tại Đền Hùng” (nhận định căn cứ vào 02 hình ảnh có được dó TS Nguyễn Xuân Diện cung cấp), sau khi đã xem xét hòn đá ở các góc độ (mặt trước, mặt sau và chân đế), tôi nhận định sơ lược rằng: Nó là đạo bùa “Cát”, tức là bùa lành! Nhận định đó là nhận định về thông điệp mà hòn đá chuyển tải (xét công năng của bản thân nó theo những gì nó thể hiện). Chính ông Nguyễn Minh Thông - tác giả hòn đá cũng nói rằng nó “có khả năng hóa giải các hung khí và tiếp nhận năng lượng tốt của tinh tú trời đất cho Đền Hùng” đó thôi!

Theo những gì được biết từ bài báo đã dẫn, tôi xin phép đưa ra quan điểm cá nhân như sau:

a. Ông Nguyễn Tiến Khôi đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình (ở vị trí Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng) khi xử lý vấn đề này một cách vô nguyên tắc như vậy. 

Hãy nghe người kế nhiệm của ông Khôi là ông Nguyễn Xuân Các (hiện là Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng) nói: “Mọi vật phẩm có mặt tại đền Thượng nói riêng và khu di tích lịch sử Đền Hùng nói chung đều phải được phép của Ban quản lý và phải có hồ sơ, chứ không thể tùy tiện muốn đặt đâu cũng được. Hòn đá này hoàn toàn không có hồ sơ trong hồ sơ tu bổ đền Thượng”. Ông Các nói, việc bỏ lọt hồ sơ vật phẩm cung tiến này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và cần làm rõ, truy trách nhiệm cụ thể”.

Theo “Dân trí”

Ông Khôi biện hộ rằng “Đã làm tâm linh thì không thể bày vẽ hết các việc được. báo chí mình cứ nói lung tung thế thì còn gì là tâm linh nữa. Anh em cứ giở khoa học ra thì còn gì là tâm linh nữa”. Tôi nhận thấy sự bức bối trong những lời này của ông. Đúng thật, đặt mình vào vị trí của ông, trước một vấn đề như vậy (nếu đúng như vậy!), bất kỳ ai cũng lúng túng vì: không hành động thì không không đành, mà hành động thì lâm vào cảnh “nhân dân bảo có, nhà nước bảo không, các nhà khoa học thì đang nghiên cứu!”… biết sao cho vừa. Nên, việc ông trả lời một cách quẫn lý như vậy cũng đáng để chúng ta chia sẻ.

Tôi chỉ bàn đến cách xử lý của ông Khôi, vì “một số lãnh đạo tỉnh Phú Thọ” kia thì rất mơ hồ. Vấn đề là ai cố vấn cho ông? Sự cố vấn đó thế nào?

b. Người đó là ông Nguyễn Minh Thông (là một pháp sư, hiện là Giám đốc Trung tâm ứng dụng văn hóa phương Đông). 

Theo những gì ông Thông chia sẻ với báo giới, tôi nghĩ rằng ông đã cho chúng ta biết quá sơ sài, quá ít ỏi về lĩnh vực mà chúng ta vốn đã rất mơ hồ này. Tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi: Hay, chính ông ta cũng mơ hồ nhỉ?! 

Những vấn đề cần ông Thông và những người liên quan làm rõ thêm để xua tan sự mơ hồ đó là:

- Viên gạch lạ được phát hiện ở Đền Thượng đó đang ở đâu (“nói có sách, mách có chứng” nhé)? Văn bản từ những hội thảo gồm “các nhà khoa học và một số nhà ngoại cảm” để kết luận viên gạch “do quân Nguyên trấn yểm” đâu rồi? Khi phát hiện viên đá, ông Thông có ý kiến rằng nó “tựa như bùa yểm xấu”, vậy tức là ông không dám khẳng định chắc chắn? Cứ cho là ý kiến của ông đúng, thì nó thuộc loại bùa gì, tạo nên từ cơ sở nào, dựa vào pháp lực nào, pháp lực đó tới đâu…? Nếu không trả lời được những câu hỏi này mà ông đã vội tìm cái viên đá kia làm bùa trấn yểm lại thì đúng là “nhắm mắt lao đầu vào kẻ địch giữa sương mù”, chí nguy! Hơn nữa, theo như ông, thì viên gạch đã được đưa ra khỏi Đền Thượng, tức là cái “cần bị trấn yểm” đã không còn nữa, thì cái “dùng để trấn yểm” có tác dụng gì, trấn yểm gì nữa đây! 

Trao đổi với TS Nguyễn Xuân Diện, được biết căn cứ vào các dấu tích kiến trúc thì Đền Hùng được xây cất khá muộn, và vào thời nhà Trần thế kỷ 13 thì việc “tên giặc Nguyên” nào đó lén đến Đền Hùng trấn yểm là kết luận khó thuyết phục.

- Về dòng chữ Hán (hay chữ Mông Cổ ?) trên viên gạch, theo ông Khôi và ông Thông cho biết nghĩa là: “Đánh đổ đức sáng vua Hùng”, thì thật sự quái lạ! Chúng ta hãy xét cái văn phong, văn khí này của “tên giặc Nguyên” khi dùng các từ “đức sáng”, “vua Hùng”, tôi không đủ cơ sở để kết luận, nhưng mọi người chắc sẽ có nhìn nhận của mình. Và điều này, trong phép trấn yểm, chẳng có pháp nào là trấn yểm cái “đức sáng” cả (Có thì chỉ ra cho tôi mở mắt với)!

- Về hòn đá được ông Nguyễn Đình Khảm công đức mà ông Thông dùng làm bùa trấn lại viên gạch lạ, theo tôi biết, nó chẳng phải là “đá ngọc xanh” gì, và cũng chẳng thấy được “chạm ngọc rubi và nhiều loại ngọc quý khác” như ông nói. Loại đá đó là đá Caxedon, một trong những loại đá thông dụng trong phong thủy, có ở các tỉnh Tây Nguyên của ta. Loại đá này được tạo tác bằng cách đánh bóng như vậy chỉ có hơn 10 năm trở lại đây. Đá phong thủy Caxedon cũng là thạch anh, nhung dạng tinh thể rất nhỏ (không lớn như thạch anh) gọi là ẩn tinh. Như vậy, thực chất đá phong thủy Caxedon không khác thạch anh về tinh chất hóa lý, mà chỉ khác về kích thước tinh thể. Đá Caxedon có tác dụng làm an bình tâm lý tình cảm của con người. Khuyên đeo đồ trang sức bằng đá canxedon đối với những người dễ bị kích động ngoài ra nó còn giúp điều trị bệnh loạn thần kinh và chức năng trầm uất. Đá phong thủy Caxedon cũng được coi là viên đá của tình yêu, nó thu hút trái tim của đàn ông về phía phụ nữ. Đồ trang sức hay đá bằng canxedon màu xanh da trời có khả năng loại trừ nỗi sợ hãi, đem đến cho người chủ niềm tin vào sức mạnh của chính mình. 

(Tham khảo http://haihoang.com/home/index.php?route=product/category&path=35&page=3, mẫu C.333)

- Về các phép tạo công năng của hòn đá mà ông Thông vận dụng, chúng ta thấy hỗn hợp các phép: Thần chú (Chân ngôn) của Phật giáo Mật Tông (Tây Tạng), Phù thuật của Đạo gia, Trận đồ của Binh pháp gia, Quẻ của Dịch học.

+ Về Thần chú (Chân ngôn) của Phật giáo Mật tông (Mật tông và Thiền tông là hai tông của Phật giáo, khác nhau ở pháp tu tập. Không có chuyện “thiền phái Mật tông” như bài báo nói), ta thấy ở mặt có dấu ấn (ấn vuông có bốn chữ “Tổ Vương Tứ Phúc”), một dòng chữ Phạn chạy dọc bên trái, đó là câu thần chú nổi tiếng nhất trong Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú: “Án Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà ha”. Chú Chuẩn Đề thường được các pháp sư dùng để cầu an gia trạch, trừ quỷ mị. Nhưng có vẻ, dòng chữ trên hòn đá này đã viết sai vì thiếu một chữ; Ở mặt có đồ hình Bát trận đồ (mà ông Thông goi là “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai”), có một dòng chữ Phạn nhỏ chạy dọc bên phải, sáu chữ cuối nhìn rõ đó là Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn – Chân ngôn quan trọng nhất của Phật giáo Mật tông Tây Tạng: “Án Ma Ni Bát Mị Hồng”. Câu thần chú được coi là vi diệu nhất đối với sự trì tụng của người Tu mật.

+ Về Phù thuật của Đạo gia, ở mặt có dấu ấn, họa tiết lớn nằm giữa là họa tiết của đạo bùa có tên “Bách giải tiêu tai phù” (cũng là hàng Hán tự chạy dọc bên phải), là bùa được các pháp sư dùng nhằm giải tai ách như ông Thông đã nói.

+ Về đồ hình trận đồ mà ông Thông gọi là “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai” dựa trên Binh thư yếu lược của nhà Trần và theo mô phỏng của từ điển Thuật ngữ quân sự. Những chữ tôi in đậm cho phép tôi suy luận rằng: ông Thông đã tự tạo ra cái đồ hình này từ những cơ sở trên, theo cái logic của ông. Tôi thắc mắc là ông Thông có để ý điều này không: chòm sao Bắc Đẩu (Tiểu Hùng tinh) mà ông thể hiện trên hòn đá (chắc là để định hướng cho đồ hình) bị cắt mất hai ngôi sao ở phần đuôi là thế nào?! Bát trận đồ của Gia Cát Lượng bên Tàu hay Bát trận đồ trong Binh thư yếu lược, mà nói chung là Trận đồ (đồ hình trận pháp) của Binh gia giống như những sơ đồ công thức của toán học, để người học võ bị dễ nắm bắt các phép tắc căn bản của việc giàn trận địa trên chiến trường. Bản thân việc lập trận đồ có một khuyết điểm là bị động chờ địch tiến vào. Như vậy, trận đồ có tác dụng phòng thủ trước sự tấn công của yếu tố từ bên ngoài và/ hoặc giam hãm yếu tố bên trong. Thế thì ở đây, ông Thông thể hiện cái trận đồ đó để chống yếu tố bên ngoài và/ hoặc giam hãm yếu tố bên trong nào?! Mà tôi cũng chẳng thấy cái trận đồ đó giống với cái nào ở Binh thư yếu lược cả!

+ Vể áp dụng quẻ trong Dịch học, như tôi đã trình bày ở bài trước, chân đế của hòn đá có hình Bát quái, mỗi mặt có ba vạch liền nhau - biểu hiện của quẻ Càn (Trời, đơn quái). Có nghĩa là: Càn (Trời/ Thiên) trong Bát quái; Hòn đá nằm trên có thể hiểu là ngụ ý chỉ núi (Sơn, Cấn trong Bát quái). Như vậy, điều này ứng với quẻ thứ 26 trong Dịch lý: “Sơn Thiên Đại Súc” hay còn gọi là “Đại súc”. Quẻ được kết hợp bởi nội quái là Càn (Trời) và ngoại quái là Cấn (Núi). Ý nghĩa của quẻ này là: Tích tụ, lắng đọng một chỗ, súc tích, để giành, đồng loại tụ họp vui vẻ, cục bộ. Chính ông Thông cũng nhận định rằng: “Theo năm tháng, viên đá ngọc sẽ ngày càng tích năng lượng thu phát, các địa phương khác cùng với Phú Thọ cùng được hưởng phúc”.

Theo những gì đã xem xét ở trên, tôi thấy rằng, ông Thông đã sử dụng hỗn hợp các phép của nhiều “Nhà” khác nhau và kết hợp lại theo logic của ông, giống như logic của nhiều vị pháp sư không mấy tinh thông đạo thuật. Để chứng minh thêm cho cái nhận định có vẻ “thiếu phép tắc giao tế” và “khó chịu” vừa rồi của mình, tôi xin phát biểu mấy ý:

* Thế giới tâm linh cũng tuân theo những quy luật, những nguyên tắc của nó, sự vận hành của nó dựa trên những nền tảng căn bản riêng. Đến từ đâu thì quay về đó, sinh từ đâu thì diệt ở đó… Những người nghiên cứu vấn đề này là những nhà Huyền học. Huyền học cũng đáng là một địa hạt khoa học. Chứ không phải như ông Khôi nói: “Anh em cứ giở khoa học ra thì còn gì là tâm linh nữa”.

* Ông Thông khẳng định: “phải có linh khí của Phật thì mới cùng với linh khí của Đức Thánh Trần kết hợp thì mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã bị yểm đảo của giặc phương Bắc”, và ông cho viết Thần chú bằng Phạn ngữ cũng như chữ Vãng (chữ Vạn ngược) lên hòn đá, chắc là do ông chưa biết những điều này: Thứ nhất, trong kinh Ban Châu tam muội, Đức Thế Tôn Thích Ca răn dạy đệ tử mình như sau: “Không được bói hỏi xin bề trên, phù chú yểm yêu quái, tế tự giải tấu, cũng không được chọn ngày tốt giờ tốt”. Thứ hai, Thần chú hay Chân ngôn của Mật tông là để những người Tu mật niệm trì, gọi là khẩu mật, đồng thời kết hợp với thân mật và ý mật quán pháp môn ba mật tương ứng giúp cho người tu trì không khởi vọng niệm. Nhưng tu trì theo Mật tông, phải qua chính miệng vị A-Xà-Lê (Quỹ phạm sư) truyền thụ mới có hiệu lực, nếu không thì tất cả sẽ rặt nói suông (Cư sĩ Vu Lăng Ba). Vậy, thần chú bằng chữ Phạn và những hoa văn khác của Phật giáo được thể hiện trên hòn đá còn có ý nghĩa gì nữa không!

3. Để kết thúc bài viết, tôi xin chia sẻ mấy suy nghĩ sau:

a. Chúng ta lúng túng và bát nháo lên như vậy là vì chưa có một nền tảng học thuật nghiêm túc với đội ngũ nhân lực đủ kiến văn trong lĩnh vực tâm linh, trên địa hạt Huyền học. Chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề này và có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

b. Nên di dời hòn đá ra khỏi vị trí hiện nay bằng phương cách và trình tự chuẩn mực để tránh sai sót không đáng có. Đơn giản vì: Đó không phải và không nên là chỗ của nó!

c. Chúng ta nên sắp xếp gọn gàng vấn đề này để tránh những hao phí vô ích về thời gian, nhân lực, tài lực. Chỉ cần một nhân sĩ có uy tín đứng ra trao đổi nghiêm túc với những người liên quan và những người có sở học, chọn một giải pháp di dời hiệu quả nhất, rồi trình đề xuất lên cấp có thẩm quyền để thực hiện là ổn.

Tôi là hậu sinh, tuổi đời còn trẻ, kiến văn còn hạn hẹp, cúi mong các bậc trưởng bối đại xá!

N.K.G

Lâm Khang chủ nhân chân thành cảm tạ tác giả Nguyễn Kiên Giang đã chia sẻ các bài viết xung quanh Đạo bùa Đền Hùng đang gây xôn xao dư luận; đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sở học quảng bác và tấm lòng ái ưu đối với vận mệnh dân tộc của Anh!



Source : Blog TS Nguyen Xuan Dien  ( Tễu-blog )

17/4/13

Đền Hùng từng bị đặt bùa yểm?


Cập nhật: 14:01 GMT - thứ tư, 17 tháng 4, 2013
Đền Thượng
Đền Hùng là thánh tích của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay
Đền Hùng thờ Quốc Tổ, nơi linh thiêng bậc nhất của người dân Việt Nam, từng bị người phương Bắc đặt một ‘đạo bùa yểm’ chôn dưới nền đất, một quan chức coi giữ khu đền này khẳng định với báo chí trong nước.
Thông tin này chỉ được tiết lộ sau khi có áp lực từ dư luận đòi giải thích về một phiến đá bí ẩn đặt một cách có chủ đích ngay tại điện thờ của đền Thượng, đền chính trong quần thể Đền Hùng tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Ông Nguyễn Tiến Khôi, người trước đây là quản lý cao nhất ở đền Hùng và là người nắm rõ nhất về phiến đá bí ẩn này, giải thích rằng đó thật ra là một đạo bùa để trấn lại bùa yểm của người phương Bắc.

Bị yểm 600 năm

Phương Bắc tìm cách yểm bùa nước Nam?
Giáo sư sử học Lê Văn Lan giải thích có hay không việc người phương Bắc yểm bùa trên nước Việt.

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Từ đó ông Khôi đã nêu rõ các chi tiết về ‘đạo bùa yểm’ này mà lần đầu tiên được tiết lộ với công chúng.
Nói trên trang mạng của tờ Tiền Phong và báo mạng Đất Việt, ông Khôi cho biết trong đợt tu sửa đền hồi năm 2009, các công nhân đã phát hiện ‘một viên gạch lạ có in chữ Hán’ lúc tháo dỡ toàn bộ bệ thờ trên đền Thượng.
Viên gạch lạ này đã được ông Khôi gửi sang cho ông Nguyễn Minh Thông, vốn là đại tá quân đội và hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phương Đông, để nhờ nghiên cứu.
Trong báo cáo giải trình của ông Thông cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ được báo Tiền Phong dẫn lại thì trung tâm của ông ‘đã hội thảo nhiều lần’ với ‘một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm’ và đi đến kết luận rằng viên gạch là ‘do đạo sỹ của quân Nguyên Mông đem đến đặt từ cuối thời Trần’, tức là tính cho đến nay là hơn 600 năm.
"Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước và nhân dân. Việc này (đặt đá trấn yểm) đã được các lãnh đạo trung ương, tỉnh đều chứng kiến và biết."
Nguyễn Tiến Khôi, cựu giám đốc Ban quản lý đền Hùng
Theo báo cáo này thì ‘Thời đó phía Nguyên Mông bị thua trận vì bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước Nam ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại Đền Thượng’.
Trên viên gạch có ghi dòng chữ Hán ‘Đánh đổ đức sáng Vua Hùng’ và hiện tại vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng đền Hùng, Đất Việt dẫn lời ông Khôi cho biết.
Do đó, để hóa giải, ông Thông đã đề xuất lên Ủy ban tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hóa tìm một đạo bùa khác để trấn yểm. Đề xuất này, theo ông Khôi, đã được những vị có chức trách đồng ý và ông Thông đã lên kế hoạch thực hiện.
Đạo bùa trấn yểm đó chính là phiến đá đặt trên bệ bát quái trong đền Thượng vốn đã gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua. Công chúng không hề biết nguyên do cũng như ý nghĩa của phiến đá này nên dẫn đến tâm lý e ngại.

Ý nghĩa gì?

Mặt trước
Mặt trước của phiến đá bùa là trận đồ bát quái cùng với thần chú Mật tông
Trong báo cáo của mình, ông Thông đã giải thích về nội dung bùa trấn này như sau:
Phiến đá được chọn là do giám đốc một công ty đá quý ở Hà Nội có tên là Nguyễn Đình Khảm cung tiến. Đây là viên đá xanh ‘có nhiều năng lượng tốt lành, có khả năng hóa giải hung khí và tiếp nhận năng lượng của tinh tú trời đất’.
Mặt trước vẽ trận đồ bát quái của danh tướng Trần Hưng Đạo dựa trên tác phẩm ‘Binh thư yếu lược’của ông và chòm sao Bắc Đẩu. Trên mặt trận đồ là câu thần chú Phật giáo Mật tông.
Mặt sau của đạo bùa này là ấn vuông của Vua Hùng đóng ở trên và lá bùa giải bách họa vẽ ở phía dưới.
Ông Thông giải thích rằng linh khí của Đức Phật kết hợp với linh khí của Đức Thánh Trần sẽ ‘hóa giải được’ đạo bùa yểm của người phương Bắc và sẽ giúp cho vận nước được hưng thịnh.
Ông Nguyễn Tiến Khôi được Đất Việt dẫn lời nói ông cam đoan ‘viên đá đang rất linh ứng và hiệu nghiệm’.
“Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước và nhân dân,” ông nói và cho biết việc này đã được ‘các lãnh đạo trung ương, tỉnh đều chứng kiến và biết’.

Ký ức dân gian

"Đã có nhiều dấn ấn trong tâm lý dân gian qua các đời rằng người Tàu hay sang đây làm các thứ tệ hại như yểm bùa, triệt long mạch và đập phá những thứ có giá trị tâm linh của người Việt."
Nhà sử học Lê Văn Lan
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết chuyện người phương Bắc tìm cách yểm bùa nước Nam là ‘có thực’ mà ‘ý thức dân gian còn ghi lại’.
Chính sử không hề đề cập đến việc này nhưng trong ngoại sử và sách địa lý thì có chép, ông Lan nói.
“Đã có nhiều dấn ấn trong tâm lý dân gian qua các đời rằng người Tàu hay sang đây làm các thứ tệ hại như yểm bùa, triệt long mạch và đập phá những thứ có giá trị tâm linh của người Việt,” ông giải thích.
“Tôi đã đi điền dã và sưu tầm nhặt nhạnh được nhiều lời kể dân gian không chỉ tập trung vào Cao Biền (quan đô hộ đời Đường) mà còn cả các đời khác rằng các thầy địa lý người Tàu đi vào đây (nước Nam) bán thuốc đeo quang gánh, đội nón lá rộng vành,” ông nói.
“Họ đi đến đâu thường hay xem đất, tìm đất... sau đó chôn bùa hoặc đào đất để phá long mạch.”
Mặt sau
Đạo bùa này được cho là trấn bùa xấu và giúp vận nước hưng thịnh
Tuy nhiên đối với khu vực đền Hùng mà ông Lan nói ông đã ‘điền dã rất kỹ từ nửa thế kỷ nay’ thì ông chưa sưu tầm được truyền thuyết, lời kể hoặc hiện vật nào ‘chứng tỏ người Tàu đã sang đây để yểm bùa hay triệt phá gì’.
Cho nên ông Lan cho rằng phiến đá trấn yểm đặt trong đền Thượng ‘nên được di dời ra khỏi đền’ vì ‘đấy là thứ mới tạo chứ không phải có từ trước’.
Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cũng có cùng ý kiến với ông Lan về cách xử lý đối với phiến đá.
“Đó là một hiện vật không nguyên gốc,” ông nói với BBC, “Cầu may thì cũng được thôi nhưng không thể đưa vào một cách tùy tiện.”
“Quan điểm của tôi là nếu như chưa biết rõ hòn đá này là gì và không gắn với đền thờ Vua Hùng thì tốt nhất là nên đưa ra ngoài,” ông nói.
Hiện Ban quản lý đền Hùng đang tính đến sau ngày Quốc giỗ mùng 10/3 Âm lịch sẽ tổ chức hội thảo khoa học để các chuyên gia và các nhà khoa học bàn luận rõ ràng về vấn đề này.
Tuy nhiên, TS Thịnh cho rằng ‘lĩnh vực tâm linh rất mơ hồ khó mà đem ra một hội thảo khoa học’.
 
Source : BBC