18/4/13

BÀN THÊM VỀ CHUYỆN “HÒN ĐÁ LẠ” Ở ĐỀN HÙNG


Nguyễn Kiên Giang

Sau bài viết “Vài nhận định về hòn đá mang đạo bùa tại Đền Hùng” đăng trên trang TỄU – BLOG tôi cùng một số bạn trẻ (Nguiễn Lyn – Tây Ninh, Triển Đình – TP.HCM) tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này. Hy vọng sẽ có kiến giải rõ ràng hơn nữa. 

1. Mới đây, các báo mạng đã đăng loạt bài nói về “hòn đá lạ” đó. Đọc thấy có những thông tin hệ trọng của vấn đề được hé mở. Đã trả lời được những câu hỏi cốt lõi sau: Lúc nào, vì đâu, để làm gì? Và, làm như thế nào? Cụ thể như sau:




a. Trong lần tu bổ khu di tích lịch sử Đền Hùng vào năm 2009, do phát hiện ra một viên gạch lạ ở Đền Thượng có ghi Hán tự có nghĩa: “Đánh đổ đức sáng vua Hùng” – và viên gạch này hiện vẫn còn để tại Bảo tàng Hùng Vương (?). Ông Nguyễn Minh Thông (một pháp sư, hiện là Giám đốc Trung tâm ứng dụng văn hóa phương Đông) có ý kiến với ông Nguyễn Tiến Khôi (Giám đốc Ban quản lý khu di tích Đền Hùng lúc đó) và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Viên gạch này tựa như bùa yểm xấu (còn gọi yểm đảo, không rõ ai đặt dưới nền cát, có từ bao giờ...) nên sau khi hoàn thành tu sửa Đền Thượng thì rất nên có đá đặt ở Đền để trấn yểm “phản” lại viên gạch yểm xấu kia”. Sau đó, “một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm đã vào cuộc hội thảo nhiều lần, khẳng định viên gạch này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên Mông mang đến đặt. Thời đó phía Nguyên Mông bị thua trận vì bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước Nam ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại Đền Thượng”. Được sự đồng ý của ông Khôi và “một số lãnh đạo tỉnh Phú Thọ”, ông Thông nhận việc trấn yểm lại viên gạch lạ đó. Ông Thông đã “may mắn” được “ông Nguyễn Đình Khảm (Giám đốc một Cty đá quý trong Hội liên hiệp đá quý Việt Nam ở Hà Nội) công đức viên đá ngọc xanh này”. Viên đá đã đáp ứng mong muốn của ông Thông được ông này là “tác giả” của “hòn đá lạ” đó! Ngoài công dụng khắc chế lại tác hại của viên gạch lạ, ông Thông còn cho rằng nó còn “có khả năng hóa giải các hung khí và tiếp nhận năng lượng tốt của tinh tú trời đất cho Đền Hùng”. 

b. “Mặt trước đá chạm: “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai” dựa trên trận đồ bát quái trong Binh thư yếu lược của nhà Trần và theo mô phỏng của Từ điển thuật ngữ quân sự, gọi là Thiên tinh vì ghép tượng hình chòm sao Bắc Đẩu và trận đồ của Đức Thánh Trần ứng dụng khi đánh quân Nguyên Mông. Trên mặt của Trận đồ còn có câu mật chú thiền phái Mật Tông làm tăng hào quang của Phật và độ linh, độ uy của Phật để giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân. Ông Thông khẳng định phải có linh khí của Phật thì mới cùng với linh khí của Đức Thánh Trần kết hợp thì mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã bị yểm đảo của giặc phương Bắc. 

Văn bản trả lời của ông Thông cho biết tiếp, mặt sau của viên đá ngọc, phía trên là Ấn của Vua Hùng (mà hiện BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng đang dùng để in vào các tờ phiếu ghi công đức), dưới có chạm lá bùa giải bách họa cho nhân dân mà các nhà sư đi tu ai cũng biết.

Từ ngày được hóa giải đến nay, ông Thông cho rằng tỉnh Phú Thọ và Khu di tích Đền Hùng được đánh giá là phát triển rất tốt đẹp. Theo năm tháng, viên đá ngọc sẽ ngày càng tích năng lượng thu phát, các địa phương khác cùng với Phú Thọ cùng được hưởng phúc. Ông cũng cam đoan viên đá đang rất linh ứng và hiệu nghiệm”.

Theo “Tiền Phong Online”

2. Trong bài viết “Vài nhận định về hòn đá mang đạo bùa tại Đền Hùng” (nhận định căn cứ vào 02 hình ảnh có được dó TS Nguyễn Xuân Diện cung cấp), sau khi đã xem xét hòn đá ở các góc độ (mặt trước, mặt sau và chân đế), tôi nhận định sơ lược rằng: Nó là đạo bùa “Cát”, tức là bùa lành! Nhận định đó là nhận định về thông điệp mà hòn đá chuyển tải (xét công năng của bản thân nó theo những gì nó thể hiện). Chính ông Nguyễn Minh Thông - tác giả hòn đá cũng nói rằng nó “có khả năng hóa giải các hung khí và tiếp nhận năng lượng tốt của tinh tú trời đất cho Đền Hùng” đó thôi!

Theo những gì được biết từ bài báo đã dẫn, tôi xin phép đưa ra quan điểm cá nhân như sau:

a. Ông Nguyễn Tiến Khôi đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình (ở vị trí Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng) khi xử lý vấn đề này một cách vô nguyên tắc như vậy. 

Hãy nghe người kế nhiệm của ông Khôi là ông Nguyễn Xuân Các (hiện là Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng) nói: “Mọi vật phẩm có mặt tại đền Thượng nói riêng và khu di tích lịch sử Đền Hùng nói chung đều phải được phép của Ban quản lý và phải có hồ sơ, chứ không thể tùy tiện muốn đặt đâu cũng được. Hòn đá này hoàn toàn không có hồ sơ trong hồ sơ tu bổ đền Thượng”. Ông Các nói, việc bỏ lọt hồ sơ vật phẩm cung tiến này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và cần làm rõ, truy trách nhiệm cụ thể”.

Theo “Dân trí”

Ông Khôi biện hộ rằng “Đã làm tâm linh thì không thể bày vẽ hết các việc được. báo chí mình cứ nói lung tung thế thì còn gì là tâm linh nữa. Anh em cứ giở khoa học ra thì còn gì là tâm linh nữa”. Tôi nhận thấy sự bức bối trong những lời này của ông. Đúng thật, đặt mình vào vị trí của ông, trước một vấn đề như vậy (nếu đúng như vậy!), bất kỳ ai cũng lúng túng vì: không hành động thì không không đành, mà hành động thì lâm vào cảnh “nhân dân bảo có, nhà nước bảo không, các nhà khoa học thì đang nghiên cứu!”… biết sao cho vừa. Nên, việc ông trả lời một cách quẫn lý như vậy cũng đáng để chúng ta chia sẻ.

Tôi chỉ bàn đến cách xử lý của ông Khôi, vì “một số lãnh đạo tỉnh Phú Thọ” kia thì rất mơ hồ. Vấn đề là ai cố vấn cho ông? Sự cố vấn đó thế nào?

b. Người đó là ông Nguyễn Minh Thông (là một pháp sư, hiện là Giám đốc Trung tâm ứng dụng văn hóa phương Đông). 

Theo những gì ông Thông chia sẻ với báo giới, tôi nghĩ rằng ông đã cho chúng ta biết quá sơ sài, quá ít ỏi về lĩnh vực mà chúng ta vốn đã rất mơ hồ này. Tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi: Hay, chính ông ta cũng mơ hồ nhỉ?! 

Những vấn đề cần ông Thông và những người liên quan làm rõ thêm để xua tan sự mơ hồ đó là:

- Viên gạch lạ được phát hiện ở Đền Thượng đó đang ở đâu (“nói có sách, mách có chứng” nhé)? Văn bản từ những hội thảo gồm “các nhà khoa học và một số nhà ngoại cảm” để kết luận viên gạch “do quân Nguyên trấn yểm” đâu rồi? Khi phát hiện viên đá, ông Thông có ý kiến rằng nó “tựa như bùa yểm xấu”, vậy tức là ông không dám khẳng định chắc chắn? Cứ cho là ý kiến của ông đúng, thì nó thuộc loại bùa gì, tạo nên từ cơ sở nào, dựa vào pháp lực nào, pháp lực đó tới đâu…? Nếu không trả lời được những câu hỏi này mà ông đã vội tìm cái viên đá kia làm bùa trấn yểm lại thì đúng là “nhắm mắt lao đầu vào kẻ địch giữa sương mù”, chí nguy! Hơn nữa, theo như ông, thì viên gạch đã được đưa ra khỏi Đền Thượng, tức là cái “cần bị trấn yểm” đã không còn nữa, thì cái “dùng để trấn yểm” có tác dụng gì, trấn yểm gì nữa đây! 

Trao đổi với TS Nguyễn Xuân Diện, được biết căn cứ vào các dấu tích kiến trúc thì Đền Hùng được xây cất khá muộn, và vào thời nhà Trần thế kỷ 13 thì việc “tên giặc Nguyên” nào đó lén đến Đền Hùng trấn yểm là kết luận khó thuyết phục.

- Về dòng chữ Hán (hay chữ Mông Cổ ?) trên viên gạch, theo ông Khôi và ông Thông cho biết nghĩa là: “Đánh đổ đức sáng vua Hùng”, thì thật sự quái lạ! Chúng ta hãy xét cái văn phong, văn khí này của “tên giặc Nguyên” khi dùng các từ “đức sáng”, “vua Hùng”, tôi không đủ cơ sở để kết luận, nhưng mọi người chắc sẽ có nhìn nhận của mình. Và điều này, trong phép trấn yểm, chẳng có pháp nào là trấn yểm cái “đức sáng” cả (Có thì chỉ ra cho tôi mở mắt với)!

- Về hòn đá được ông Nguyễn Đình Khảm công đức mà ông Thông dùng làm bùa trấn lại viên gạch lạ, theo tôi biết, nó chẳng phải là “đá ngọc xanh” gì, và cũng chẳng thấy được “chạm ngọc rubi và nhiều loại ngọc quý khác” như ông nói. Loại đá đó là đá Caxedon, một trong những loại đá thông dụng trong phong thủy, có ở các tỉnh Tây Nguyên của ta. Loại đá này được tạo tác bằng cách đánh bóng như vậy chỉ có hơn 10 năm trở lại đây. Đá phong thủy Caxedon cũng là thạch anh, nhung dạng tinh thể rất nhỏ (không lớn như thạch anh) gọi là ẩn tinh. Như vậy, thực chất đá phong thủy Caxedon không khác thạch anh về tinh chất hóa lý, mà chỉ khác về kích thước tinh thể. Đá Caxedon có tác dụng làm an bình tâm lý tình cảm của con người. Khuyên đeo đồ trang sức bằng đá canxedon đối với những người dễ bị kích động ngoài ra nó còn giúp điều trị bệnh loạn thần kinh và chức năng trầm uất. Đá phong thủy Caxedon cũng được coi là viên đá của tình yêu, nó thu hút trái tim của đàn ông về phía phụ nữ. Đồ trang sức hay đá bằng canxedon màu xanh da trời có khả năng loại trừ nỗi sợ hãi, đem đến cho người chủ niềm tin vào sức mạnh của chính mình. 

(Tham khảo http://haihoang.com/home/index.php?route=product/category&path=35&page=3, mẫu C.333)

- Về các phép tạo công năng của hòn đá mà ông Thông vận dụng, chúng ta thấy hỗn hợp các phép: Thần chú (Chân ngôn) của Phật giáo Mật Tông (Tây Tạng), Phù thuật của Đạo gia, Trận đồ của Binh pháp gia, Quẻ của Dịch học.

+ Về Thần chú (Chân ngôn) của Phật giáo Mật tông (Mật tông và Thiền tông là hai tông của Phật giáo, khác nhau ở pháp tu tập. Không có chuyện “thiền phái Mật tông” như bài báo nói), ta thấy ở mặt có dấu ấn (ấn vuông có bốn chữ “Tổ Vương Tứ Phúc”), một dòng chữ Phạn chạy dọc bên trái, đó là câu thần chú nổi tiếng nhất trong Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú: “Án Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà ha”. Chú Chuẩn Đề thường được các pháp sư dùng để cầu an gia trạch, trừ quỷ mị. Nhưng có vẻ, dòng chữ trên hòn đá này đã viết sai vì thiếu một chữ; Ở mặt có đồ hình Bát trận đồ (mà ông Thông goi là “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai”), có một dòng chữ Phạn nhỏ chạy dọc bên phải, sáu chữ cuối nhìn rõ đó là Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn – Chân ngôn quan trọng nhất của Phật giáo Mật tông Tây Tạng: “Án Ma Ni Bát Mị Hồng”. Câu thần chú được coi là vi diệu nhất đối với sự trì tụng của người Tu mật.

+ Về Phù thuật của Đạo gia, ở mặt có dấu ấn, họa tiết lớn nằm giữa là họa tiết của đạo bùa có tên “Bách giải tiêu tai phù” (cũng là hàng Hán tự chạy dọc bên phải), là bùa được các pháp sư dùng nhằm giải tai ách như ông Thông đã nói.

+ Về đồ hình trận đồ mà ông Thông gọi là “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai” dựa trên Binh thư yếu lược của nhà Trần và theo mô phỏng của từ điển Thuật ngữ quân sự. Những chữ tôi in đậm cho phép tôi suy luận rằng: ông Thông đã tự tạo ra cái đồ hình này từ những cơ sở trên, theo cái logic của ông. Tôi thắc mắc là ông Thông có để ý điều này không: chòm sao Bắc Đẩu (Tiểu Hùng tinh) mà ông thể hiện trên hòn đá (chắc là để định hướng cho đồ hình) bị cắt mất hai ngôi sao ở phần đuôi là thế nào?! Bát trận đồ của Gia Cát Lượng bên Tàu hay Bát trận đồ trong Binh thư yếu lược, mà nói chung là Trận đồ (đồ hình trận pháp) của Binh gia giống như những sơ đồ công thức của toán học, để người học võ bị dễ nắm bắt các phép tắc căn bản của việc giàn trận địa trên chiến trường. Bản thân việc lập trận đồ có một khuyết điểm là bị động chờ địch tiến vào. Như vậy, trận đồ có tác dụng phòng thủ trước sự tấn công của yếu tố từ bên ngoài và/ hoặc giam hãm yếu tố bên trong. Thế thì ở đây, ông Thông thể hiện cái trận đồ đó để chống yếu tố bên ngoài và/ hoặc giam hãm yếu tố bên trong nào?! Mà tôi cũng chẳng thấy cái trận đồ đó giống với cái nào ở Binh thư yếu lược cả!

+ Vể áp dụng quẻ trong Dịch học, như tôi đã trình bày ở bài trước, chân đế của hòn đá có hình Bát quái, mỗi mặt có ba vạch liền nhau - biểu hiện của quẻ Càn (Trời, đơn quái). Có nghĩa là: Càn (Trời/ Thiên) trong Bát quái; Hòn đá nằm trên có thể hiểu là ngụ ý chỉ núi (Sơn, Cấn trong Bát quái). Như vậy, điều này ứng với quẻ thứ 26 trong Dịch lý: “Sơn Thiên Đại Súc” hay còn gọi là “Đại súc”. Quẻ được kết hợp bởi nội quái là Càn (Trời) và ngoại quái là Cấn (Núi). Ý nghĩa của quẻ này là: Tích tụ, lắng đọng một chỗ, súc tích, để giành, đồng loại tụ họp vui vẻ, cục bộ. Chính ông Thông cũng nhận định rằng: “Theo năm tháng, viên đá ngọc sẽ ngày càng tích năng lượng thu phát, các địa phương khác cùng với Phú Thọ cùng được hưởng phúc”.

Theo những gì đã xem xét ở trên, tôi thấy rằng, ông Thông đã sử dụng hỗn hợp các phép của nhiều “Nhà” khác nhau và kết hợp lại theo logic của ông, giống như logic của nhiều vị pháp sư không mấy tinh thông đạo thuật. Để chứng minh thêm cho cái nhận định có vẻ “thiếu phép tắc giao tế” và “khó chịu” vừa rồi của mình, tôi xin phát biểu mấy ý:

* Thế giới tâm linh cũng tuân theo những quy luật, những nguyên tắc của nó, sự vận hành của nó dựa trên những nền tảng căn bản riêng. Đến từ đâu thì quay về đó, sinh từ đâu thì diệt ở đó… Những người nghiên cứu vấn đề này là những nhà Huyền học. Huyền học cũng đáng là một địa hạt khoa học. Chứ không phải như ông Khôi nói: “Anh em cứ giở khoa học ra thì còn gì là tâm linh nữa”.

* Ông Thông khẳng định: “phải có linh khí của Phật thì mới cùng với linh khí của Đức Thánh Trần kết hợp thì mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã bị yểm đảo của giặc phương Bắc”, và ông cho viết Thần chú bằng Phạn ngữ cũng như chữ Vãng (chữ Vạn ngược) lên hòn đá, chắc là do ông chưa biết những điều này: Thứ nhất, trong kinh Ban Châu tam muội, Đức Thế Tôn Thích Ca răn dạy đệ tử mình như sau: “Không được bói hỏi xin bề trên, phù chú yểm yêu quái, tế tự giải tấu, cũng không được chọn ngày tốt giờ tốt”. Thứ hai, Thần chú hay Chân ngôn của Mật tông là để những người Tu mật niệm trì, gọi là khẩu mật, đồng thời kết hợp với thân mật và ý mật quán pháp môn ba mật tương ứng giúp cho người tu trì không khởi vọng niệm. Nhưng tu trì theo Mật tông, phải qua chính miệng vị A-Xà-Lê (Quỹ phạm sư) truyền thụ mới có hiệu lực, nếu không thì tất cả sẽ rặt nói suông (Cư sĩ Vu Lăng Ba). Vậy, thần chú bằng chữ Phạn và những hoa văn khác của Phật giáo được thể hiện trên hòn đá còn có ý nghĩa gì nữa không!

3. Để kết thúc bài viết, tôi xin chia sẻ mấy suy nghĩ sau:

a. Chúng ta lúng túng và bát nháo lên như vậy là vì chưa có một nền tảng học thuật nghiêm túc với đội ngũ nhân lực đủ kiến văn trong lĩnh vực tâm linh, trên địa hạt Huyền học. Chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề này và có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

b. Nên di dời hòn đá ra khỏi vị trí hiện nay bằng phương cách và trình tự chuẩn mực để tránh sai sót không đáng có. Đơn giản vì: Đó không phải và không nên là chỗ của nó!

c. Chúng ta nên sắp xếp gọn gàng vấn đề này để tránh những hao phí vô ích về thời gian, nhân lực, tài lực. Chỉ cần một nhân sĩ có uy tín đứng ra trao đổi nghiêm túc với những người liên quan và những người có sở học, chọn một giải pháp di dời hiệu quả nhất, rồi trình đề xuất lên cấp có thẩm quyền để thực hiện là ổn.

Tôi là hậu sinh, tuổi đời còn trẻ, kiến văn còn hạn hẹp, cúi mong các bậc trưởng bối đại xá!

N.K.G

Lâm Khang chủ nhân chân thành cảm tạ tác giả Nguyễn Kiên Giang đã chia sẻ các bài viết xung quanh Đạo bùa Đền Hùng đang gây xôn xao dư luận; đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sở học quảng bác và tấm lòng ái ưu đối với vận mệnh dân tộc của Anh!



Source : Blog TS Nguyen Xuan Dien  ( Tễu-blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét