26/6/13

TRÒ CHUYỆN VỚI BÁC SĨ, NHÀ THƠ ĐỖ HỒNG NGỌC QUA NHỮNG LÁ THƯ TỪ KINH XÁNG

Posted (on Damau  Magazine ) By Hai Trầu On 20 June 2013
Vài lời của tác giả:
Thưa bạn,
Trong cuộc trò chuyện với Bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc trên trang nhà dutule.com kéo dài tròn ba tháng (từ 15-3-2013 đến 14-6-2013), tôi có bốn” Lá Thư Từ Kinh Xáng”để trò chuyện với bác sĩ; vì là một diễn đàn chung có nhiều bạn đọc cùng vào đặt câu hỏi với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về mọi vấn đề nên những lá thư trao đổi qua lại giữa tôi và bác sĩ thường bị cách quãng nhưng nó lại liền một mạch vì mục đích của tôi là muốn hỏi thăm bác sĩ về việc sang tác của ông cũng như về nhà văn Nguyễn Hiến Lê và bác sĩ Ngô Thế Vinh là hai nhân vật mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rất thân quen và gần gũi. Đó là chưa kể vì lý do giới hạn của các trang trò chuyện trên dutule.com, do vậy mà các lá thư từ kinh xáng đều bị lược bớt cho ngắn lại nên không còn nguyên vẹn các chi tiết mà tôi muốn bày tỏ. Chính vì vậy nên nay tôi có ý đúc kết lại các lần trao đổi này theo các lá thư đã gởi và xin được trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Trân trọng,
Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 16 tháng 6 năm 2013


Kinh xáng Bốn Tổng ngày 15 tháng 03 năm 2013
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Nhắc đến Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, không thể không nhắc đến bài viết “Nguyễn Hiến Lê và tôi”, đăng trên tạp chí Bách Khoa số 426 ngày 24-4-1975, tác giả viết:
“Tôi biết có những tác giả sản xuất còn mạnh hơn ông, viết mau và viết mạnh hơn ông, nhưng đọc họ, người ta thấy rõ ràng là những tác phẩm máy móc, sản xuất hàng loạt.. Ở ông [Nguyễn Hiến Lê] thì không. Ở ông là con người. tác phẩm của ông là con người ông. Ông “dạy” cho thanh niên rèn nghị lực thì chính ông là một tấm gương nghị lực; ông viết về tổ chức thì nếp sống của ông là một sự tổ chức; ông viết về tự học thì chính ông đã nhờ tự học mà thành công. Nhờ viết từ những kinh nghiệm sống thực đó, người đọc thấy gần gũi với ông và những lời ông chỉ dẫn đều ứng dụng được.”
Qua đoạn văn của bác sĩ mà tôi vừa trích dẫn, xin thưa bác sĩ, ngoài nhận xét vừa nêu, bác sĩ có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về các nội dung khác trong bài viết ấy?
Qua rồi 38 năm, thời gian cũng đã khá dài, nếu có phải nhận định lại, bác sĩ có thay đổi hoặc bổ túc thêm về cài nhìn của mình đối với thầy Nguyễn Hiến Lê không và nếu có bác sĩ sẽ bổ túc những điểm nào?
Bác sĩ có thể kể lại những lần bác sĩ gần gũi hoặc gặp gỡ cùng những kỷ niệm đáng nhớ với nhà văn Nguyễn Hiến Lê không?
Ngoài ra, dù là một người sống với ruộng đồng, nhưng qua theo dõi các sinh hoạt văn chương, tôi nhận thấy có nhiều vị bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ viết văn làm thơ như xa xưa có bác sĩ William Somerset Maugham viết Kiếp Người; Việt Nam mình có bác sĩ Ngô Thế Vinh với Vòng Đai Xanh và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác lúc sau này như “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”, “Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch”; rồi còn có dược sĩ Ngô Nguyên Nghiễm ở Châu Đốc làm thơ, bác sĩ Nguyễn Đức Tùng làm thơ ở bên Canada, bác sĩ Hoàng Chính viết văn cũng ở bên Canada, nha sĩ Đăng Khánh làm thơ ở Houston, bên Mỹ ; bác sĩ Trần Văn Tích viết văn bên Đức và có lẽ còn nhiều vị khác nữa mà tôi chưa được biết… Ngay như bác sĩ, qua lời giới thiệu trên trang nhà Du Tử Lê, bác sĩ vừa viết văn vừa làm thơ. Vậy qua kinh nghiệm chính mình, bác sĩ có thể chia sẻ với bạn đọc vì sao các vị theo ngành thuốc thường lại mê viết văn làm thơ nhiều như vậy ? Có phải do bẩm sinh của mỗi cá nhân hay là do có một truyền thống lâu đời nào không, thưa bác sĩ ?
Trân trọng kính chào bác sĩ.
Hai Trầu


Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
19.3.2013
Anh Hai Trầu ơi,
Rất cám ơn anh đã “mở hàng” cho mục Trò chuyện lần này trên DTL. Khi nhận lời làm “khách mời” kỳ này tôi cũng lo lo, sợ “ế” thì tội nghiệp cho DTL lắm! Xin được trả lời 2 câu hỏi của anh: Về Nguyễn Hiến Lê (NHL), anh Hai Trầu ơi, tôi phục anh còn nhớ bài viết của tôi trên tạp chí BK số 426 ngày 24-4-1975. Đó cũng là số báo cuối cùng của BK. Đã 38 năm rồi chớ ít gì! Tôi may mắn được quen biết với ông NHL từ năm 1957 đến năm ông mất, 1984. Suốt thời gian đó, tôi thường gặp ông, khi trực tiếp khi thư từ qua lại. Đến nay tôi vẫn còn giữ nhiều thư viết tay của ông như một kỷ niệm. Tôi học được ở ông lối sống và lối viết. Ông là tấm gương nghị lực, gương tự học, chọn con đường làm văn hoá suốt đời mình. Câu “châm ngôn” của ông là “Viết để học và học để viết”. Tôi chịu lắm. Chỉ có cách đó mình mới học được nhiều, học được sâu. Tôi bây giờ còn đi dạy và vẫn nghĩ: “Dạy để học và học để dạy”. Ấy là bắt chước ông đó.
Anh hỏi tôi có “bổ túc” gì thêm không trong nhận định của tôi về ông trước đây? Xin thưa tôi vẫn luôn nghĩ ông là một “người hiền”- người hiền Nam bộ, dù sinh ở đất Bắc. Khiêm tốn, giản dị, chính trực. Chắc anh đã đọc Hồi ký của ông rồi thì biết. Ông sống tri túc, kham nhẫn, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Năm 1986, hai năm sau ngày ông mất, báo Thanh Niên nhờ tôi viết một bài về ông. Đó là bài đầu tiên viết về Nguyễn Hiến Lê sau 1975. Tôi đặt tựa là “Nguyễn Hiến Lê, nhà giáo dục”, nhưng tòa soạn sửa thành “NHL, một tấm gương kiên nhẫn”. Tôi nghĩ ông xứng đáng được gọi là “Nhà giáo dục”. Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng. Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau. Vừa rồi còn có nhóm thanh niên tổ chức một chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy từ Bắc vào tận Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn, họ mặc áo pull có in hình ông, gắn cờ có hình ông lên xe nữa! Tóm lại, họ đã coi ông là một “thần tượng”. Ngộ quá chớ phải không anh? Trong cuốn “Nhớ đến một người” tôi có viết kỹ hơn về Nguyễn Hiến Lê. Có dịp tôi sẽ xin gởi tặng anh Hai một cuốn!
Về câu hỏi thứ hai của anh vì sao mà nhiều thầy thuốc (y nha dược sĩ…) viết văn, làm thơ làm nhạc, vẽ tranh…? Anh có kể trường hợp Somerset Maugham, chắc cũng nên nhắc Tchekov, Cronin v.v… Việt Nam mình không thiếu. Tôi nghĩ những người thầy thuốc viết văn thì cũng như nhà giáo, kỹ sư, luật sư… viết văn vậy thôi. Một đằng là cái “nghề” và một đằng là cái “nghiệp”. Cái “nghiệp” thì nó gắn vào trong gène rồi, còn cái “nghề” thì ai cũng phải có để kiếm sống. Anh nhớ Huy Cận là kỹ sư nông nghiệp, còn Xuân Diệu là công chức nhà Đoan?… Viết văn làm thơ phải là chuyện “máu mê” từ nhỏ, trước khi người ta học để trở thành thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư… Dĩ nhiên, môi trường hành nghề cũng có tác động. Người làm nghề y gần gũi với nỗi đau nỗi khổ của kiếp người, dễ xúc động, dễ trầm tư và thúc đẩy cầm lấy cây viết! Tôi thì mê văn chương từ nhỏ. Hồi đậu tú tài toàn phần xong, tôi hỏi ý kiến ông Nguyễn Hiến Lê nên học văn khoa (theo sở thích mình) hay học y khoa ( theo ý muốn gia đình). Ông khuyên nên học… y khoa để giúp ích cho đời cụ thể hơn. Rồi nếu nuôi dưỡng được năng khiếu văn chương thì hành nghề y chừng mươi năm sẽ có nhiều điều để viết lắm! Nghe lời ông, tôi thi vào y khoa và ghi danh học… văn khoa!
Kính mến,
Đỗ Hồng Ngọc
* Mời quý độc giả đọc thêm bài của Đỗ Hồng Ngọc viết về Nguyễn Hiến Lê: http://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/nho-den-mot-nguoi/ II.


Kinh xáng Bốn Tổng ngày 20 tháng 3 năm 2013
Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Xin chân thành đa tạ bác sĩ đã có lòng yêu mến và giải đáp vài ba ý kiến của một bạn đọc nhà quê già như tôi rất tận tình, những lời giải đáp ấy rất gần gũi, thân ái giống như tấm lòng của một vị thầy thuốc ân cần, tử tế, nhân từ dành cho một bệnh nhân đang cần một vị lương y vậy!
Theo tài liệu bút lục của nhiều nhà thì số báo Bách Khoa 426 ngày 24-4-1975 là số chót, có các bài tạp chí Bách Khoa giới thiệu nhà văn Nguyễn Hiến Lê nhân cuốn sách thứ 100 của ông ra đời, đó là cuốn “Mười Câu Chuyện Văn Chương” do nhà Trí Đăng xuất bản . Được biết, sau này thầy Nguyễn Hiến Lê còn nhiều cuốn sách biên khảo quí báu nữa, và có lẽ cuốn sau cùng là cuốn “Sử Trung Quốc” do nhà Văn Nghệ bên California xuất bản vào năm 2003.
Thưa bác sĩ, tôi hồi nhỏ , những năm 1950, từ kinh xáng Bốn Tổng có dịp theo xuồng ra Long Xuyên , rồi sau này, khi tôi được vào học trường Khuyến Học, rồi trường Trung học Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên thì Thầy đã lên Sài Gòn, nhưng hình bóng Thầy vẫn thấp thoáng nơi các lớp học vào hai năm Thầy dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu này vào thời ông Nguyễn Ngọc Thơ còn làm Tỉnh Trưởng. Mãi đến sau năm 1975, khoảng cuối năm 1979 hoặc tháng 02 năm 1980, Thầy Nguyễn Hiến Lê mới dọn về lại Long Xuyên ở luôn những ngày tuổi già nơi đường Gia Long ấy.
Hồi nhỏ tôi ở trọ trên Cua Lò Thiêu, đi học phải đi bộ dọc theo con đường Tạ Thu Thâu qua cây cầu sắt ngay Ty Trường Tiền, rồi đi dọc theo đường Gia Long tới trường; chúng tôi thường đi bộ ngang qua nhà Thầy nằm trên đường Gia Long với con kinh lộ mùa nước cỏ tháng mười một, tháng chạp âm lịch, nhằm mùa cá dại nên cá lòng tong, cá nhái nổi bèo mặt nước.

truongThoaiNgocHau1959

Là dân quê tụi tôi, dường như ai cũng thích đọc sách của Thầy. Từ cuốn đầu tay “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” tới cuốn sau cùng , cuốn nào cũng thích mà nhất là các cuốn thuộc loại sách “Học Làm Người” nhưng chỉ âm thầm tìm đọc sách thôi chứ không có ý tìm gặp hoặc viết thư từ gì vì hổng dám làm phiền, làm quen với những người nổi tiếng. Hồi xưa khác chứ không có hiện tượng như ngày nay người ta ngưỡng mộ Nguyễn Hiến Lê như bác sĩ vừa nhắc:
“Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng. Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau. Vừa rồi còn có nhóm thanh niên tổ chức một chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy từ Bắc vào tận Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn, họ mặc áo pull có in hình ông, gắn cờ có hình ông lên xe nữa! Tóm lại, họ đã coi ông là một “thần tượng”. Ngộ quá chớ phải không anh? “
Thú thật với bác sĩ, ngày nay tuổi tôi cũng già quá mạng rồi, mỗi ngày tôi ngoài việc nhìn đồng ruộng mà tiếc cho những ngày mùa lúa mùa cách nay sáu bảy chục năm, lúa thôi là lúa, bạt ngàn san dã, chạy mút tận chân trời, mà chợt buồn sao thời gian trôi qua quá mau, tuổi ấu thơ nhà quê với những ngày mùa cắt gặt theo cộ trâu, cộ bò mót lúa bông rơi rớt hồi xa xưa ấy nay chẳng còn! Ngoài những thương nhớ ấy, tôi chỉ còn mỗi việc là đọc lại sách của thầy Nguyễn Hiến Lê, tôi có khoảng gần 100 cuốn của Thầy. Thú thiệt nhe bác sĩ, mình chỉ đọc các bài “TỰA” trong các cuốn sách ấy của Thầy thôi là thấy cũng đáng đồng tiền bát gạo rồi bác sĩ ơi! Còn bác sĩ thì sao, bác sĩ có nhận xét gì về các bài “TỰA” trong các sách của Nguyễn Hiến Lê? Ngoài ra, bác sĩ có nhận xét gì về bút pháp của Nguyễn Hiến Lê trong các sách của Thầy?
Thêm vào đó, bác sĩ đã trải qua nhiều thời kỳ văn học Việt Nam, bác sĩ có thể chia sẽ với bạn đọc về cái nhìn của mình qua các thời kỳ văn học ấy được không, chẳng hạn thời kỳ văn học Miền Nam Việt Nam 1954-1975, thời kỳ văn học Việt Nam từ 1975 tới nay ở Sài Gòn cũng như ở hải ngoại sau 38 năm qua? Trong các giai đoạn văn học này của Việt Nam, theo bác sĩ, có những tác giả và tác phẩm nào bất hủ không, thưa bác sĩ?
Vì “trò chuyện với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc”, nên tôi có ý hơi lòng vòng, mong bác sĩ và bạn đọc rộng lòng bỏ lỗi cho. Xin cảm ơn bác sĩ và bạn đọc nhiều lắm. Và không quên cảm ơn bác sĩ có nhã ý tặng sách.
Kính thư,
Hai Trầu


Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời
Sài Gòn ngày 14-04-2013
Kính anh Hai Trầu,
Rất cảm động, lại được thư anh hỏi han và chia sẻ trên dutule.com. Thú thực, có một “bạn đọc nhà quê già” như anh Hai, với tôi, là một hạnh phúc, bởi tôi cũng là một bác sĩ “nhà quê già” không kém đó anh Hai (*). Thế hệ chúng ta có lẽ cũng lại là một thế hệ lạc lõng, cho nên rất gần gũi nhau.
Đúng như anh nói. Sử Trung Quốc là cuốn biên khảo sau cùng của Nguyễn Hiến Lê. À, anh vừa gọi “Thầy” Nguyễn Hiến Lê mặc dù chưa hề học với ông ngày nào. Và có lẽ thế hệ chúng ta nhiều người cũng nhận ông là “Thầy” dù chưa hề học với ông ngày nào anh nhỉ? Trong bài báo “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi” viết năm 1975 trên Bách Khoa, tôi cũng đã nói lên điều này. Câu anh viết: “nhưng hình bóng Thầy vẫn thấp thoáng nơi các lớp học vào hai năm Thầy dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu này” rất cảm động, chứng tỏ mặc dù chỉ dạy học có hai năm, ông cũng đã để lại “hình bóng” tốt đẹp cho nhiều lứa học trò về sau. Nhờ cái gì vậy? Nhờ tấm lòng của một “bậc thầy” phải không anh? Không chỉ là kiến thức đâu mà chính là “thân giáo” đó.
Về cách viết TỰA của Nguyễn Hiến Lê, đúng vậy đó anh Hai. Cách viết TỰA của ông cũng đặc biệt, đáng “đồng tiền bát gạo” lắm. Nó chân thành và thấu cảm thực sự anh à, cho nên nó mới đi vào lòng người. Không phải chỉ những bài tựa viết cho riêng sách của mình đâu mà cả những bài tựa ông viết cho người khác. Anh thử đọc bài tựa ông viết cho cuốn “QÊ HƯƠNG” của Nguiễn Ngu Í thì thấy. Tôi may mắn cũng được ông viết cho một bài tựa ở cuốn “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò”, cuốn sách đầu tay của tôi do La Ngà xuất bản và Lá Bối phát hành, năm 1972. Tôi vẫn còn giữ “thủ bút” của ông như một kỷ niệm đó anh Hai. Tôi nhớ câu kết của ông trong bài tựa này “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”! Ông viết vậy có lẽ vì từ năm 1967, tôi đã gởi tặng ông tập thơ đầu tay của tôi Tình Người (thơ Đỗ Nghê).
Ôi, “chia sẻ với bạn đọc về cái nhìn của mình qua các thời kỳ văn học” ư? Dạ cái “vụ” này xin anh Hai tha cho! Tôi làm sao dám nói về những điều to tát như vậy! Xin anh hỏi các nhà phê bình văn học vậy nhé. Hình như Võ Phiến, một nhà văn lớn, đã có một cuốn nhận định gì đó về văn học Việt Nam cũng gặp không ít những phiền toái! Ngay cả Hoài Thanh và Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan… ngày xưa cũng vậy! Nhưng vì anh Hai đã hỏi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi chỉ thấy các đợt sóng văn học cứ tuần tự luân phiên vỗ bờ, và bên dưới đó là… mênh mông nước! Tôi có một bài thơ nhỏ trong tập Vòng Quanh (1997):
SÓNG
“Sóng quằn quại
Thét gào
Không nhớ
Mình
Là nước!”
Cảm ơn anh Hai đã chịu khó đọc.
Thân kính.
Đỗ Hồng Ngọc
(*)http://www.dohongngoc.com/web/o-noi-xa-thay-thuoc/thay-thuoc-va-benh-nhan/bac-si-nha-que/


Kinh xáng Bốn Tổng ngày 15 tháng 04 năm 2013
Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Tôi vừa nhận được thơ hồi âm của bác sĩ, nên trong bụng tôi mừng quá mạng. Thơ bác sĩ viết cho một bạn đọc nhà quê già mà rất chí tình, đồng cảm, chẳng hạn có đoạn bác sĩ viết rất cảm động: “Thế hệ chúng ta có lẽ cũng lại là một thế hệ lạc lõng, cho nên rất gần gũi nhau.”
Dạ, thưa bác sĩ, qua giới thiệu của trang nhà Du Tử Lê, được biết bác sĩ tuổi Canh Thìn, sanh năm 1940, tôi tuổi Nhâm Ngọ, nhỏ hơn bác sĩ hai tuổi, nhưng chắc tôi cũng cùng với bác sĩ là được sanh ra giữa những mùa ly loạn nơi các làng quê rồi lớn lên giữa ruộng vườn, theo học trường làng; rồi sống qua mấy mươi năm chiến tranh nên lúc nào cũng thấp thoáng bên mình những “lạc lõng”; “lạc lõng” từ những ngày thơ ấu chạy giặc tản cư cho tới những ngày già nua lụm cụm như bây giờ; “lạc lõng” từ trong gia đình cho tới bà con, chòm xóm, láng giềng và bằng hữu nữa khi mỗi người mỗi ngã trôi giạt bềnh bồng khắp mọi miền, chẳng khác nào khi một mình đi trên bờ bi nhìn cánh đồng lúa mênh mông mà bóng hình mình in lên mặt ruộng lúc nắng chiều chênh chếch về hướng tây giữa lúc chiều tà! Thành ra, nhiều lúc tôi tự nhìn lại mình, nhìn lại thân phận dân quê tụi tôi, tôi thầm cảm ơn bác sĩ có lòng với dân quê tụi tôi dữ lắm! Một người không thể làm hết mọi việc nhưng làm được một việc ý nghĩa cũng xứng đáng sống với đời sống này rồi vậy!
Qua trả lời thơ của Cô Sáu Sa Đéc trên Dutule.com, bác sĩ đã viết: “Cảm ơn Cô Sáu. Tôi viết cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” năm 1974, lúc đó tôi cũng vừa mới có 3 đứa con “đầu lòng” nên đã có ít nhiều kinh nghiệm, lại đang làm ở khoa Cấp Cứu bệnh viện Nhi đồng Saigon nên hằng ngày gặp nhiều trường hợp rất thương tâm, vì thế mà thấy cần phải viết. Viết xong, tôi có đưa nhờ ông Nguyễn Hiến Lê coi qua. Ông nói: “Đọc cuốn này thấy cháu là một bác sĩ nhi khoa tốt. Nhưng cháu viết cho ai đây? Cho những người có học ở thành thị, còn bà con ở thôn quê ít học thì sao?”. Vì câu nói này, sau đó tôi có viết thêm cuốn : “Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc…” Theo tôi, với “Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc…”, bác sĩ đã mang tặng cho đời, cho dân quê chúng tôi một món quà đầy ý nghĩa vậy!
Ngoài ra, trong thơ bác sĩ có nhắc cách tôi gọi Thầy Nguyễn Hiến Lê bằng “Thầy”, bác sĩ viết: “À, anh vừa gọi “Thầy” Nguyễn Hiến Lê mặc dù chưa hề học với ông ngày nào. Và có lẽ thế hệ chúng ta nhiều người cũng nhận ông là “Thầy” dù chưa hề học với ông ngày nào anh nhỉ?”
Dân quê tụi tôi dường như không biết từ lúc nào, họ luôn luôn có lòng kính trọng những người biết chữ. Hồi đời xưa thì các bậc túc Nho đều được bà con tôn xưng là Thầy. Chẳng hạn như ở làng Cái Tàu Thượng nằm bên bờ sông Tiền Giang, những năm 1930-1940, có Thầy Bùi Xuân Hòa một bậc tinh thông chữ Nho, những bài minh trên bảo tháp của ngài Yết Ma Trụ Trì chùa Tân Phước Tự tại làng Tân Bình thuộc quận Lấp Vò trước kia thuộc Long Xuyên, sau này thuộc Sa Đéc, là do Thầy đặt để và được khắc lên bảo tháp, nay vẫn còn. Rồi có dịp tôi về ngang qua làng Tân Bình, tôi may mắn được gặp Thầy Bảy Lạc, cũng là một bậc túc Nho của làng Tân Bình, Thầy mới chép cho tôi xin sáu bài minh trên bảo tháp ấy qua nét chữ rất sắc sảo, tài hoa của Thầy Bảy Lạc gợi cho chúng tôi, các thế hệ hậu sinh trong làng như tôi, rất lấy làm vinh hạnh làng quê mình có các vị Thầy hay chữ; nhưng nay thì các bậc tiền hiền ấy cũng đã ra người thiên cổ hết rồi, bác sĩ ơi!
Đó là nói về dân quê quý trọng các bậc túc Nho một thời và ai biết chữ là họ tôn xưng là bậc Thầy. Rồi trong cái nề nếp đạo đức “tôn sư trọng đạo” ấy, dân quê chúng tôi còn được các đấng sanh thành, các bậc tiền hiền dìu dắt dạy dỗ theo cái nếp nhà xưa cũ nữa. Chẳng hạn có lần tôi kể với anh Tô Thẩm Huy về cái nếp nhà này và nay xin lò mò chép lại tỏ bày cùng bác sĩ:
Thêm vào đó, cái nền lễ nghĩa nơi các làng quê vào những năm xa xưa ấy một phần nữa nó còn được tô bồi bằng việc thờ phượng Thánh Thần, Trời Phật qua các đình miếu, chùa chiền, những nơi chốn trang nghiêm ấy là một trong những biểu tượng của sự kết hợp giữa các đấng thiêng liêng với con người một cách hài hòa; nó chẳng những phù hợp với đời sống tinh thần của dân quê mình vốn coi Trời Đất là trọng, mà còn là biểu hiện một quan niệm về đời sống thuận cùng Trời Đất và hợp Con Người lân láng vậy ! Tôi cũng xin được gợi nhớ ra đây những lời dạy từ các trang sách rầt cũ của các bậc thánh hiền như Minh Tâm Bửu Giám, Quốc Văn Giáo Khoa Thư; những trang sách rất cũ và thật là đơn sơ mà hàm súc ấy, nó rất thâm thúy mà gần với làng quê, nó rất cao siêu mà thiết thực trong đời sống thường ngày của cư dân nơi những miếng ruộng, mảnh vườn quanh năm xanh một màu xanh của thiên nhiên tươi mát ấy… Trải qua nhiều đời, từ ông Cố, ông Nội tôi, rồi đến đời Tía Má tôi, tôi còn giữ được mấy trang sách Minh Tâm Bửu Giám này được nẹp bằng hai thanh tre với chỉ gai kết lại là một trong những vật quí báu còn sót lại qua biết bao mùa binh biến, những trang sách có tuổi thọ nhiều hơn tuổi đời những người cùng thế hệ với tôi mà tôi đã được học từ những ngày còn nhỏ, cũng xin gởi kèm theo đây như một di tích về cái nền đạo nghĩa ở nhà quê vùng làng Tân Bình tôi qua gần trăm năm ấy đến bây giờ. Tất cả, đó có thể gọi là những tinh chất làm nền cho một phong vị sống đẹp của dân quê miệt vườn ruộng miền Tây Nam Phần từ những năm xa xưa ấy vậy.

1trangMinhTamBuuGiam
Quyển Minh Tâm Bửu Giám đời xưa

Thưa bác sĩ,
Từ cái nền lễ nghĩa đó, nó được truyền đi truyền lại nhiều đời, rồi lâu dần hết đời này tới đời khác, nó hóa thành cái nếp quen tôn kính các bậc thánh hiền, và việc kính thầy, trọng thầy dạy chữ, dạy nghề nó thấm vào lòng mình như máu chảy trong tim vậy! Người nhà quê nó lớn được một phần là nhờ có lòng biết tôn kính các bậc ân sư dạy cho mình vậy. Thuở nhỏ, chúng tôi học vở lòng với thầy Chín Nhậm ở Cầu Nhà Lầu (Mặc Cần Dưng), rồi học Sơ Đẳng Tiểu Học bắt đầu lớp Năm với Thầy Cầm, lớp Tư với Thầy Trang, lớp Ba với Thầy Ngân; lên bậc Tiểu Học, chúng tôi học với Thầy Nhì dạy lớp Nhì, lớp Nhứt vớ Thầy Nguyễn Văn Chánh kiêm Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa (Mặc Cần Dưng, Long Xuyên). Vậy mà rồi từ những năm 1949-1956, cách nay sáu bảy chục năm và các Thầy thì đã ra người thiên cổ hết rồi, nhưng mỗi lần có dịp nhắc lại, như hôm nay chia sẻ cùng bác sĩ sao trong lòng tôi vẫn thấy bồi hồi thương Thầy hoài như lúc mình còn bé bỏng ê a học vần xuôi vần ngược vậy!
Tiếp theo cái lòng kính và trọng Thầy ấy, dường như học trò chúng tôi thuở ấy khi lên tới Trung Học, đứa nào cũng gọi các Thầy dạy lớp mình bằng Thầy đã đành, mà các Thầy không trực tiếp dạy mình, mình cũng tôn xưng bằng THẦY với tất cả lòng kính nễ. Chẳng những học trò gọi Thầy mình bằng Thầy như vậy mà ngay cả “Phụ Huynh Học Sinh” cũng gọi các vị Thầy của con mình bằng Thầy nữa. Thế nên, có thể nói cái nề nếp giáo dục ngày xưa ở thôn quê là lấy cái nề nếp kính trọng Thầy làm cái đạo chánh vậy! Nhớ có lần học trò chúng tôi mấy ngàn đứa gồm tất cả các trường trong tỉnh lỵ Long Xuyên tiễn Thầy Lê Công Chánh dạy môn Sử Ký lớp Đệ Ngũ đến nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Long Xuyên trên đường đi vô Núi Sập, mà ngày nay là chỗ Viện Đại Học An Giang cất gần đó, đứa nào cũng khóc khi nghe bài điếu văn vô cùng cảm động của Thầy Nguyễn Văn Mùi tiễn Thầy Chánh về bên kia thế giới!
Do vậy, theo ý nhà quê của tôi, cái đạo trọng Thầy là cái đạo cũ nhưng nó vẫn mới và rất cần dù ở thời nào! Cái đạo ấy nó làm mới đời sống trong mỗi người; người biết giữ cái đạo ấy, tâm hồn của họ sẽ giàu có còn hơn là tiền bạc và danh vọng, chức phận cao vòi vọi vậy!
Đó là vài ba ý nghĩ khi tôi gọi bác sĩ hay gọi nhà văn Nguyễn Hiến Lê bằng THẦY là có ý vậy. Giờ xin bác sĩ chia sẻ vài điều về việc trước tác của bác sĩ nhe bác sĩ! Khi nào thì bác sĩ dùng VĂN hoặc THƠ để chuyên chở những ý tưởng của mình? Bài thơ đầu tiên bác sĩ gởi đăng ở tạp chí nào? Có lần nào bác sĩ bị các ông chủ bút từ chối đăng bài của bác sĩ không? Nếu có, cảm tưởng của bac sĩ lúc bấy giờ thế nào? Bác sĩ có làm thơ tình lãng mạn không, nếu có, xin bác sĩ cho bạn đọc được đọc một bài mà bác sĩ ưng ý nhứt nhe bác sĩ?
Kính chúc bác sĩ vạn an.
Kính thư,
Hai Trầu


Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
22-5-2013
Thưa anh Hai Trầu,
Cảm ơn thạnh tình của anh Hai. Anh nói rất đúng, lứa mình phải nói là lứa “lạc lõng”, học hành cà ịch cà đụi là chuyện bình thường. Suốt những năm tản cư tôi cứ học hoài một lớp, lớp 3. Sau này nhờ biết tổchức việc học theo hướng dẫn trong cuốn “Kim chỉ nam của học sinh” của Nguyễn Hiến Lê (1957) mà tôi học nhảy lớp, bỏ cả đệ tứ và đệ tam để thi Tú tài I và II, rồi đậu vào Y khoa. Anh nhớ hồi đó thi Tú tài đậu chừng 10% , mỗi năm thi 2 kỳ, gồm cả thi viết và thi vấn đáp. Anh nhớ hồi đó lứa mình mà “rớt Tú tài…”. Nhưng thôi, nói mãi chuyện xưa không nên! Người ta bảo đời người có ba hồi: “hồi trẻ”, “hồi trung niên” và… “hồi đó”! Khi nào mình cứ “hồi đó” hoài chứng tỏ là mình “già quá mạng” rồi phải không anh Hai.
Giờ xin nói chuyện “trước tác” của tôi nhe. Tôi mê văn thơ từ hồi nhỏ, đọc gần hết tủ sách trong một tiệm cho mướn sách ở Phan Thiết. Cô Hai tôi ( xe lửa trúng mìn, gãy cả 2 chân) cư ngụ trong một ngôi chùa nhỏ,thường kêu tôi đi mướn sách về cho cô đọc, nhưng lại cấm tôi đọc vì con nít đọc truyện không tốt, mê, bỏ học. Mỗi lần đi mướn truyện, tôi lén đọc hết dọc đường đi, có khi ngồi gốc cây đọc xong mới về. Tôi còn ghi chép tóm tắt nội dung, các nhận xét của mình vào một cuốn vở. Tôi nhớ những bài văn của mình hồi học lớp Nhứt (lớp 5) thường được thầy khen và đọc trước lớp. Rồi cậu tôi là ông Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư làm báo ở Saigon về thăm, cho một đống sách báo, tranh ảnh. Tôi mê tít.
Những bài thơ học trò thôi không nhắc, thí dụ kiểu: “Những bước chân mềm trên cát thơm/ Em đi sa mạc rợn trong hồn? Buổi chiều lên đọng hai vành mắt/ Màu áo hôm nào làm sao quên…” Bài thơ đầu tiên đăng trên báo Bách Khoa năm 1960, ký với một cái tên tắt. Tuy biết ông Ngu Í cậu mình làm ở đó nhưng tôi giấu ông. Khi báo đăng, tôi mới nói. Ông ngạc nhiên và khen ngợi. Sau đó tôi lấy bút hiệu Đỗ Nghê và đăng nhiều thơ trên Bách Khoa, Mai, trong Ban biên tập báo Tình Thương (với Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Trần Mộng Lâm…) rồi ở trong nhóm chủ trương bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức (Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương…)
Năm 1967, đang là sinh viên y, tôi in tập thơ đầu tay: Tình Người và sau đó là các tập Thơ ĐỗNghê (1974), Giữa hoàng hôn xưa (1993), Vòng quanh (1997), Thưcho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)…
Tôi không viết “chuyên nghiệp” được như Nguyễn Hiến Lê, tôi chỉ viết khi có hứng. Bây giờ có máy vi tính cũng tiện. Khi hứng đến, tôi cứ viết ào ào rồi để đó, năm bảy ngày sau cho nó “hoai” đi mới “chỉnh”lại đôi chút. Tuy nhiên, khi báo đặt bài gấp thì cũng viết ngay được. Lâu lâu gom lại có thể in thành một cuốn sách như Thư gởi người bận rộn, Chẳng cũng khoái ru, Nhớ đến một người… Tôi không viết được truyện anh Hai à, vì không có khảnăng… hư cấu!
Tôi gởi anh vài bài “thơ tình lãng mạn” như anh gợi ý để đọc vui nhe:
Mũi Né
Em có về thăm Mũi Né không?
Hình như trời đã sắp vào xuân
Hình như gió bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân.

Em có về thăm Mũi Né không?
Mùa xuân thương nhớ má em hồng
Nhớ môi em ngọt dừa xứ Rạng
Nhớ dáng thuyền đi trong mắt trong.

Em có về thăm Mũi Né xưa?
Con đường sỏi đá vẫn quanh co
Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc

Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ.

Em có về thăm Mũi Né yêu?
Mười năm như một thoáng mây chiều
Mười năm vườn cũ chim bay mỏi
Áo trắng chân mềm em hắt hiu.

Mũi Né ơi, người xưa đã xa
Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ
Năm nay người có về ăn Tết
Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ?

Đỗ Nghê(1970)
Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã phổ nhạc rất hay bài thơ này và nói “ngày Tết mà hát bài này…đã lắm!” nhưng chưa tìm ra… ca sĩ!
Và cũng “để đáp lại tấm thạnh tình” của anh và bạnđọc, xin gởi thêm một bài thơ nữa, viết ngày sóng thần ập vào Fukushima, Nhật Bản:
Giả sử
Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang
Ập vào Mũi Né
Anh chỉ kịp quẳng em lên một chiếc thuyền thúng
Vút qua những ngọn dừa
Những đồi cát trắng

Em nhớ mang theo đôi quả trứng
Vài nắm cơm
Vài hạt giống
Đừng quên mấy trái ớt xanh…

Biếtđâu mai này
Ta làm An Tiêm
Trở về làng cũ
Nơi này ta sẽ gọi là Nha Trang
Nơi kia gọi là Mũi Né…

Cho nên
Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn?

ĐỗNghê
(2011)

 
 
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 22 tháng 5 năm 2013.
Kính chào bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Nhận được lá thơ trả lời của Bác sĩ về việc trước tác thơ văn, mà nhất là được đọc bài thơ Mũi Né, mà Bác sĩ làm cách nay 43 năm, làm tôi nhớ quá một thời lang bạt khắp các vùng Mũi Né, Sông Mao (Hải Ninh), Phan Lý Chàm, Tuy Phong ngoài Phan Thiết của Bác sĩ quá mạng! Những ngày tháng khi tuổi đời vừa mới lớn ấy rồi lại có mộng đi đó đi đây, vậy mà rồi tôi lại được đi tới quê nhà của Bác sĩ. Tôi còn nhớ tỉnh Bình Thuận nằm dọc theo quốc lộ I chạy dài từ trong này giáp với Bình Tuy với Rừng Lá, Căn Cứ 4, Căn Cứ 5 ra tới ngoài kia giáp với Suối Vĩnh Hảo, bải biển Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận mà hai bên quốc lộ là rừng chồi rải đều lên mặt đất với phía trong xa xa là dãy Trường Sơn chập chùng núi là núi và bên này quốc lộ xa xa chạy về hướng biển bạt ngàn… Dường như từ lâu lắm rồi, có tới hơn bốn mươi năm, tôi chưa có dịp trở lại Phan Thiết lần nào nhưng sao trong lòng tôi vẫn không quên Phan Thiết của Bác sĩ, mà nhất là lại được đọc bài thơ Mũi né của bác sĩ nữa!
“Em có về thăm Mũi Né không?
Hình như trời đã sắp vào xuân
Hình như gió bấc lùa trong Tết
Những chuyến xe đò giục bước chân.”

…..
Những chữ “hình như”, “hình như”, “sóng vỗ”, “sóng vỗ”,“mười năm”, “mười năm” và những chữ “gió bấc”, “một thoáng”,”mùa ơi” “ngậm ngùi”… qua ngòi bút của Bác sĩ nghe sao tha thiết quá về một lần nhớ về Mũi Né ngày nào!
Trong  thư vừa rồi bác sĩ có nhắc Bác sĩ Ngô Thế Vinh, tôi có lần đã đọc vài tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh như Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Vòng Đai Xanh (1970, 1987), Mặt Trận Ở Sài Gòn (1996), “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”(2000), và “Mékong Dòng Sông Nghẽn Mạch” (2007), được biết thời còn là sinh viên đại học Y Khoa Sài Gòn, bác sĩ và nhà văn Ngô Thế Vinh cùng làm tờ báo Tình Thương của trường này, bác sĩ có thể chia sẻ với bạn đọc vài kỷ niệm giữa Bác sĩ và nhà văn Ngô Thế Vinh trong những ngày làm báo sinh viên này được không? Và khi nào báo Tình Thương đình bản và vì sao báo đình bản, thưa bác sĩ?
Đặc biệt, giữa hai tờ báo Tình Thương và Ý Thức, bác sĩ là một trong các tên tuổi trong Ban Biên Tập, nay qua rồi hơn 40 năm, bác sĩ có cái nhìn nào về cách làm tờ báo sinh viên và tờ báo ở ngoài đời, chẳng hạn làm báo nào dễ hơn hoặc khó hơn, thuận lợi hoặc trở ngại, và có lần nào Bác sĩ hạnh phúc cũng như mệt mỏi với các tờ báo mà Bác sĩ cùng các nhà văn khác đồng khai sinh ra nó?
Kính chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc
Kính thư,
Hai Trầu


Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Sài Gòn ngày 14 tháng 6 năm 2013
Anh Hai Trầu ơi,
Tôi với anh Hai mà cứ trao đổi qua lại trên dutule.com như vầy hoài chắc bạn đọc sẽ ngán! Cũng có mấy câu hỏi về… Phật pháp, về… bệnh hoạn, nhưng đã ra ngoài khuôn khổ cuộc Trò chuyện về văn học nghệ thuật trên dutule.com rồi!
Kỳ này, anh hỏi tôi về chuyện nguyệt san Tình Thương của sinh viên y khoa 50 năm về trước với Ngô Thế Vinh và về bán nguyệt san Ý Thức của Nguyên Minh và bằng hữu là hai tờ báo tôi có dịp tham gia nên xin được trả lời anh vắn tắt như sau:
Nhà văn – bác sĩ Ngô Thế Vinh học trên tôi một năm, nhưng như anh biết, hồi đó học y khoa đến 7 năm, lại cùng làm báo Tình Thương chung với nhau nên chúng tôi rất thân thiết. Ngay hồi sinh viên, Ngô Thế Vinhđã nổi tiếng với các tiểu thuyết Mây Bão, Bóng Đêm, rồi sau này là Vòng Đai Xanh và những năm gần đây, anh chuyên khảo về dòng sông Cửu Long với những cuốn sách rất có giá trị. Anh từng lặn lội lên đến tận nguồn Mékong và cảnh báo dòng Mékong sẽ nghẽn mạch, cũng như đã thấy trước Biển Động sẽ dậy sóng như thế nào. Nói về Tình Thương của Sinh viên Y khoa thời đó, không ai viết rõ hơn Ngô ThếVinh vì anh là Thư ký tòa soạn. Anh Hai chịu khó đọc bài viết năm 2009 này của Ngô Thế Vinh theo địa chỉ: www.luanhoan.net/GioiThieuTacGia/html/22-3-13%20gttg%2010.pdf nhé. Tôi chỉ ghi lại đây vài dòng phần mở đầu và kết:
“Thời gian ở trường Y khoa, đó thực sự là những năm xanh của một đời người. Không phải chỉ có học, chúng tôi còn có những bận rộn ngoài chuyên môn y khoa nhưhoạt động sinh viên và cùng với các bạn trông nom tờ báo Tình Thương. Tờ báo ấy ra đời trong một hoàn cảnh và thời điểm đặc biệt ngay sau biến động tháng 11 năm 1963”.
(…)
“Có thể khái quát mà nói rằng, cho dù giữa những năm chiến tranh, báo Tình Thươngđã thể hiện được một tinh thần tự trị đại học, trong sinh hoạt tương đối có tựdo, có tinh thần dân chủ, tôn trọng khác biệt, trong một mẫu số chung rộng rãi và đoàn kết cùng hướng tới một xã hội nhân bản. Viết về lịch sử trường Đại học Y Khoa Sài Gòn, có lẽ không nên lãng quên tờ báo Tình Thương. Điều đáng tiếc là Tình Thương đã không tồn tại lâu dài để trở thành một truyền thống và như một nhịp cầu giữa vòng thành y khoa ra bên ngoài xã hội”.
(“Tìm lại thời gian đã mất, Nguyệt san Tình Thương, 1963-1967. Tiếng nói của Sinh viên Y khoa”, Ngô Thế Vinh, 2009)
Còn về Bán nguyệt san Ý Thức, cũng xin mời anh xem bài viết của Lữ Quỳnh, một người trong nhóm chủ trương trên www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13905
(…) Cho đến khoảng năm 1969, Lữ Kiều từ Phú Quốc, Lữ Quỳnh, Châu Văn Thuận từ Qui Nhơn, Hồ Thủy Giũ từ Quảng Nam, Nguyên Minh, Trần Hữu Ngũ ở Phan Rang đã có cuộc họp mặt bàn chuyện làm báo. Tờ Gió Mai được đổi tên: tạp chí Ý Thúc. Và,tòa soạn theo chân người viết. Tuy in ronéo, tờ báo được trình bày rất đẹp và phổ biến khá rộng. Nhóm chủ trương có thêm Lê Ký Thương, Ðỗ Nghê (Ðỗ Hồng Ngọc ), Trần Hoài Thư, Võ Tấn Khanh.
Qua năm 1970, tạp chí Ý Thức xin giấy phép ấn hành ở Sài Gòn. Mỗi tháng 2 số ( bán nguyệt san). Số báo ra mắt ngày 01-10-1970 dưới tiêu đề Bán Nguyệt San Văn Học Nghệ Thuật Ý Thứcvới truyện ngắn Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ, Nguyên Minh; Truyện dài Từ Kế Tường; Kịch Lữ Kiều; Ðọc sách: Quê Người của Dương Nghiễm Mậu… Nhóm chủ trương lúc này thêm: Ngụy Ngữ, Nguyễn Mộng Giác, Lê Văn Ngăn, Trần Hữu Lục.
Bên cạnh Bán Nguyệt San Ý Thức, còn có nhà xuất bản Ý Thức. Trong mấy năm đầu của thập kỷ 70, đã lần lược ấn hành nhiều tác phẩm của Ðỗ Nghê, Lê Ký Thương, Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, Nguyên Minh, Nàng Lai. Nhiều bản dịch văn học và lịch sửcủa Trần Quang Huề, Nguyên Thạnh, Minh Quân, Lê Ký Thương…
Bán nguyệt san Ý Thức qua năm thứ hai có phần chệch hướng, không còn là tờ báo vốn có tiếng dấn thân tích cực, chống lại thứ văn nghệ salon, viễn mơ tràn ngập lúc bấy giờ. Ý Thức số 24 phát hành xong thì đình bản.
Bấy giờ giữa năm 2008 này, nhìn lại, nhóm chủ trương tạp chí Ý Thức đã phiêu bạt khắp nơi, thật khó để hình dung ra một buổi họp mặt như ngày nào! Nhưng, không như Nguyễn Mộng Giác nghĩ “40 năm qua, từ những thanh niên hăm hở đi tìm một giải pháp cho thời thế và cho văn chương, họ đã bắt đầu trở thành những ông già chậm rãi, mỏi mệt, cuộc vui hằng ngày không phải là những hăm hở mở đường phá núi, mà là ngồi lặng yên bên chồng sách cũ”. Họ, tuy tuổi tác có cao, sức khỏe không còn như ngày nào, nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau, vẫn trao đổi chuyện văn chương, vẫn viết lách, in ấn: một Trần Hoài Thư ở New Jersey miệt mài với Thư Quán Bản Thảo, một Nguyên Minh ở Saigon vẫn đều đặn ra tập san Quán Văn…
(Những kỷ niệm của một thời Ý Thức. Lữ Quỳnh, 2008).
Anh thấy đó, tất cả chúng ta đều có một thời tuổi trẻ như vậy!
Chúc anh Hai Trầu sức khỏe,
Thân mến.
 
 
Lời kết
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Bác sĩ viết:"Tôi với anh Hai mà cứ trao đổi qua lại trên dutule.com như vầy hoài chắc bạn đọc sẽ ngán!"; mà ngán thiệt Bác sĩ ơi vì có 13 kỳ "trò chuyện" mà tôi đã có tới bốn kỳ rồi, nên tôi xin rút lui nhe bác sĩ!
Khởi đầu với nhà văn  Nguyễn Hiến Lê và kết thúc với nhà văn Ngô Thế Vinh, kể ra với bốn kỳ trò chuyện ấy tôi học hỏi được nhiều điều rất thú vị từ Bác sĩ. Hai tác giả mà tôi xin được nhắc đến vừa rồi, cả hai đều sanh ra và lớn lên trên đất Bắc nhưng sống thì sống tận dưới Phương Nam này và rồi mỗi vị lại hết lòng thương đất Phương Nam này dữ lắm qua các tác phẩm của các bậc danh tài ấy.
Với nhà văn Nguyễn Hiến Lê thì từ khi vô Nam đã có "Bảy Ngày Trên Đồng Tháp Mười", rồi dạy học tại trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) của tôi; khi về hưu lại sống với tuổi già nơi căn nhà tại đường Gia Long cũ ngay trong thị xã Long Xuyên; rồi đến khi lìa bỏ cõi đời này Thầy Nguyễn Hiến Lê lại về an nghĩ nơi ngôi cổ tự Phước Ân tại ngã tư rạch Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, cách quê nội tôi chưa tới sáu cây số, đó là làng Tân Bình thuộc Lấp Vò (Đồng Tháp).
Về việc tìm mộ nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ngay ở lá thư đầu được Bác sĩ hồi đáp là tôi đã có ý thắc mắc rằng sao mộ của nhà văn Nguyễn Hiến Lê lại ở Đồng Tháp? Tôi định sẽ hỏi bác sĩ nhưng chưa kịp hỏi thì may sao sau đó vài ngày tôi lại đọc được bài “Tôi đi tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê” của Trần Thị Trung Thu. Tôi mới vở lẽ ra là mộ của nhà văn Nguyễn Hiến Lê tọa lạc tại chùa Phước Ân mà tôi vừa nhắc. Rồi tôi cũng có viết lá thư gởi cho tác giả Trần Thị Trung Thu trao đổi cùng tác giả về việc tại sao dân vùng quê Lấp Vò không biết mộ nhà văn Nguyễn Hiến Lê nằm nơi nào.
Dù tôi có giàu óc tưởng tượng cách mấy đi chăng nữa, tôi cũng không bao giờ dám nghĩ rằng sẽ có một ngày Thầy Nguyễn Hiến Lê lại chọn chùa Phước Ân tại vùng Ngã Tư Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, thuộc Lấp Vò của tôi đễ an nghỉ giấc ngàn thu! Một điều mà tôi rất lấy làm thú vị là qua cuộc trò chuyện cùng Bác sĩ vừa rồi tôi có dịp được Bác sĩ đã giới thiệu thêm các tài liệu để tôi biết rõ thêm về sự việc này. Tiện đây tôi xin gởi lại bác sĩ vài hình ảnh mới nhất về khu tháp mộ của Thầy Nguyễn Hiến Lê mà nhiếp ảnh gia Trần Văn Nhiếp vừa chụp được cách đây mấy ngày như một nén hương lòng tưởng niệm một bậc Thầy mà tôi và Bác sĩ đều có chung một tấm lòng kính trọng Thầy Nguyễn Hiến Lê vậy!

moNguyenHienLe01
Toàn cảnh khu mộ nơi chùa Phước Ân tại ngã tư rạch Cai Bường
(xã Vĩnh Thạnh- Lấp Vò, Đồng Tháp); tháp mộ của Nhà văn Nguyễn Hiến Lê hai tầng
đứng hàng thứ ba kể từ góc trái với nền xi măng rêu phủ một màu xanh đen
vì mưa nắng bao mùa… (Hình do nhiếp ảnh gia TVN chụp tháng 6-2013)
 
 
moNguyenHienLe02
Một vị khách đang đứng đọc hàng chữ
ghi trên tháp mộ Nhà văn Nguyễn Hiến Lê với chút
ngậm ngùi như đang nghĩ ngợi về một kiếp người…
(Hình do nhiếp ảnh gia TVN chụp tháng 6-2013)

Còn bác sĩ Ngô Thế Vinh thì cũng thương con sông Cửu Long chảy ngang qua vùng đồng bằng Miền Tây này nhiều lắm! Chẳng những ông viết về con sông ấy như Bác sĩ vừa kể bên trên, mà ông còn thương những mảnh đời của biết bao cư dân vùng đồng bằng này nữa, đặc biệt là dân quê miệt ruộng rẫy dưới này của tụi tôi (những người lúc nào cũng cần nước ngọt của dòng Cửu Long để tưới ướt những cánh đồng) qua những thay đổi lưu lượng cùng đời sống của một dòng sông nước ngọt ngày nào nhưng nay thì đang ở vào tình trạng “cạn dòng”, “nghẽn mạch” rồi! Có lần ông gởi tặng tôi bức hình con sông Cửu Long mà ông sưu tầm được trong những lần đi tìm tòi ngọn nguồn con sông ấy với lời đề tặng: "Nhớ quê thương cả một dòng sông". Thật đáng trân trọng biết bao về một tấm lòng nhân ái ấy!

BanDoDiaLySongMekong
Bản đồ sông Cửu Long chảy qua bảy nước
với lời đề tặng của bác sĩ nhà văn Ngô Thế Vinh

Trước khi dứt lời, tôi xin chân thành cảm ơn Bác sĩ đã dành cho tôi một một cuộc trò chuyên vừa thú vị, vừa bổ ích .Tôi không quên kính chúc Bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe cùng quý quyến vạn sự cát tường.
Kính thư,
Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 15 tháng 6 năm 2013

 Hai Trầu

Source : Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới: http://damau.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét