Alan Phan
22/10/2013
Đêm qua, tôi vẫn còn mơ màng giữa tỉnh và thức vì chưa quen với múi giờ mới của xứ Mỹ vừa quay lại. Bỗng giật mình vì comment của một bạn đọc,” Người mà không biết nguồn cội của mình thì không phải là con người.” Tôi khá quen với những tuyên bố quá khích của đủ loại nhân vật, đen đỏ tím vàng; nhưng vẫn sốc với những suy nghĩ…ngoài hành tinh
Tôi không biết sự nhắc nhở liên tục các khúc ruột ngàn dặm về “nguồn cội” này có liên quan gì đến số lượng kiều hối gần 12 tỷ USD năm nay? Nhưng nếu có một cụm từ bị lợi dụng thường xuyên trong lịch sử, đó là “tổ quốc, đất nước, dân tộc, quê hương…và nhẹ nhàng hơn, “nguồn cội”.
Tôi còn nhớ những ngày đầu tị nạn của 1975, nghèo khổ chạy khắp nơi tìm một chiếc xe cũ cho gia đình. Qua lời giới thiệu của TV, rồi bạn bè, chúng tôi chạy lên tận Rose Bowl ở Pasadena, dự buổi đấu giá xe dành cho dân nghèo. Tay chủ xị áo quần hình Cờ Hoa bảnh
Ngay cả triết thuyết “tam vô” (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản cũng không ngăn Mao Trạch Đông mô tả cuộc cách mạng của mình là mang bản chất cốt lõi của dân tộc Trung Quốc. Vào thời Trung Cổ, dân du mục của Âu Châu (gypsies) bị các giáo sĩ Thiên Chúa thiêu sống vì họ không có “nguồn cội” (thuộc dòng giõi của quỷ). Gần đây hơn, cả triệu dân Do Thái cũng bị Đức Quốc Xã cho vào lò nướng vì nguồn cội …hơi khác người.
Khi dính đến quyền lợi hay quyền lực, cách dễ nhất để tranh đoạt chiến thắng là chụp một chiếc mũ to tướng lên đầu đối thủ, danh từ sử dụng càng to càng khó hiểu, càng hiệu lực. Dân thì chỉ khôn hơn lợn có vài bậc, nên rất nhất trí với các quan. Điều quan trọng là phải luôn coi phe nhóm mình là biểu tượng duy nhất của “tổ quốc, đất nước, dân tộc…gì đó, không ai có quyền bàn ra tán vào, ngay cả khi vài thủ hạ cao cấp có…hộ chiếu và tổ tiên …người Hán.
Nhưng khi ngồi chém gió với một số các “bộ phận không nhỏ” này, chính tôi cũng không yên ổn lắm với câu chuyện về nguồn cội của mình hay mọi người.
Nếu suy nguồn cội của tất cả loài người từ nguyên thuỷ, chúng ta đều bắt đầu bằng vài nguyên tử atom lạc lõng đâu ngoài vũ trụ. Cách đây trăm ngàn năm, thì nhân loại chỉ là một nhúm nhỏ cư dân tụ tập ngoài thềm lục địa Phi Châu, có chung tù trưởng, thầy pháp, công an và dân đen. Cách đây 10 ngàn năm, khi các bộ lạc đông đúc hơn và phải rời Phi Châu đi về Âu Á kiếm ăn, thì phần lớn gia đình di cư bên nhau để sống còn. Một giả thuyết là có khi ông tổ nội của Tưởng Giới Thạch có thể là tình nhân của ông tổ nội Đặng Tiểu Bình? (một học giả vừa xác định là hôn nhân đồng tính phát sinh từ 12 ngàn năm trước).
Cách đây 5 ngàn năm thì nguồn cội của dân tộc Việt là các khu dân cư dọc theo bờ sông Dương Tử; rồi trôi dạt về châu thổ sông Hồng. Dĩ nhiên, tôi không là một sử gia, nên rất mù mờ về lai lịch, nguồn cội của mọi người; nhưng tôi tin là nếu nhìn tất cả dưới lăng kính lâu dài của lịch sử; thì tất cả dân Việt, dân Tàu, dân Hàn, dân Ấn, dân Pháp…đều đã từng ăn mằm với nhau rất thắm thiết.
Rồi bây giờ, vì những biến động của lịch sử hình thành từ các xung đột quyền lợi, chúng ta phải phân loại nguồn cội và đối nhau như kẻ thù? Ngay cả khi ta cùng một tổ tiên, nhưng nếu có vài lãnh tụ nhanh tay cướp “bằng khoán” của đất nước, dân tộc…thì phần dân số còn lại phải nghe theo lệnh ban phát từ…nghị quyết của một thiểu số???
Chúng ta được “lệnh” là phải yêu tổ quốc qua bệ thờ của các lãnh tụ đã “hy sinh” cho hạnh phúc người dân. Cũng OK đi, dù cái chữ hạnh phúc này rất khó nuốt. Tuy nhiên, theo nhà thơ tư tưởng đỉnh cao Tố Hữu thì “thương cha thương một, thương ông (Stalin) thương mười”. Do đó, mỗi năm, cu Tèo nhà tôi có phải lên Google tìm bản đồ mộ của ngài Stalin để qua Nga khóc cho cái nguồn cội “vịt què” của mình? Hay là vì bác Chế Lan Viên có dặn là “bác Hồ ta đó chính là bác Mao” thì thị Hĩm nên xin visa chạy lên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh để khóc thương cho một người cha chung của dân tộc?
Suy ngẫm thêm về các dân tộc khác, tôi thấy cũng có nhiều quan điểm và hành xử tương phản nhau. Dân Do Thái lang thang khắp thế giới cả ngàn năm, chịu nhiều bạc đãi, mà không quan tâm lắm về nguồn cội của mình. Cho đến Thế Chiến 2 khi bị Đức Quốc Xã giết hại trong sự kiện gọi là Holocaust. Sau chiến tranh, họ về Palestine dựng nên quốc gia Israel và dân Do Thái khắp thế giới dồn tiền bạc và sức mạnh chính trị với lời thề là “never again” (không bao giờ sẽ có một holocaust thứ hai).
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những người Mỹ gốc Do Thái, chúng ta có thể thấy rõ là họ không ưa dân Israeli lắm. Sau bức màn PR, họ nghĩ cư dân của Israel là những anh chị không có văn hóa, ngạo mạn, tham lam và ích kỷ. Nhưng họ vẫn lobby mạnh cho mọi viện trợ quân sự, kinh tế cho Israel vì đây là “nguồn cội” (vả lại tiền của Âu Mỹ là tiền thuế chung của dân, một nguồn OPM lý tưởng).
Trong khi đó, nếu hỏi một gười gốc Ireland hay Poland ở Mỹ, tôi chắc chắn là họ sẽ hãnh diện tuyên bố họ là dân Mỹ, dù không dấu giếm gì gốc Irish hay Polish của họ. Nguồn cội không bao giờ là một đề tài.
Còn nếu “nguồn cội” là giải giang sơn gấm vóc, tiền rừng bạc biển mà tiền nhân đã dầy công vun đắp thì không gì quý hơn là dựng tượng các công thần đã hết sức phá rừng mấy chục năm nay, trồng cao su, xây thủy điện, bán gỗ nguyên sinh…đem cho con cháu chúng ta vài trận lụt kinh hoàng mỗi năm…để học kinh nghiệm. Còn các em trẻ đang vui đùa dưới dòng sông Thị Vải, thân thể đã được công ty bột ngọt Vedan tiêm không biết bao nhiêu là liều vắc xin ung thư miễn phí? Yêu nguồn cội đến thế thì thôi.
Trên hết, trí tuệ của vài ba thế hệ Việt đã được khai phá tận tình với nền giáo dục ưu việt mà chỉ Cu Ba hay Triều Tiên mới bắt kịp. Đây là điểm sáng ngàn đời của chúng ta, xây dựng vững bền một bức tường dân trí kiên định không đời nào địch có thể xuyên thấu.
Còn nếu theo suy ngẫm của tôi, quê hương nguồn cội…là những ký ức tuyệt vời của những ngày mới lớn, khi tâm hồn còn tinh khôi áo mới, thì cái đẹp chân thiện trong tâm linh đó làm sao mà mất được để cần ai phải bảo vệ hay tôi phải đóng thuế? Cái trí tuệ mà tôi đã tự do vun đắp qua đủ mọi sách vở và trải nghiệm có cần ai phải làm “giáo trình” theo lề trái, lề phải? Những món ăn nuôi lớn khôn tôi là những món nợ chịu ơn từ chục ngàn người khắp thế giới, đâu phải chỉ vài lon bo bo viện trợ từ mẫu quốc?
Nói thế, nhưng tại sao trong những đêm chờ sáng cho quê hương, lòng ông già xa xứ vẫn bùi ngùi khi nhìn thấy bức hình bà mẹ Việt còng lưng quảy gánh dưới mưa? Vẫn đau buốt khi nghĩ về những đạo quân bán vé số khắp nước sau vài thế kỷ của “hạnh phúc”? Vẫn thuơng xót cho những đám trẻ không thể có tương lai trong một nền giáo dục què quặt? Nguồn cội còn đồng nghĩa với một tiếng thở dài?
Alan Phan
Source :GOC NHIN ALAN
( http://www.gocnhinalan.com )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét