Tháng 10 7, 2013
Ông là đại diện cuối cùng của một thế hệ
mà chúng ta chỉ còn gặp lại trên những trang hồi kí, Thế hệ Vàng của
cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng, lãng mạn, tràn đầy lí
tưởng. Qua mỗi thế hệ đến sau, vàng dần biến thành đồng thau và thế hệ
hiện đang lãnh đạo đất nước này trông không khác gì đất sét. Người ta
thương tiếc ông như rỏ nước mắt cho những phẩm chất đẹp đẽ cũng theo ông
về bên kia , để lại bên này một thế giới chân không về giá trị.
Ông là một trong hai nhà lãnh đạo Việt
Nam tắm trong một hào quang quốc tế. Người kia đã khuất từ chính xác 44
năm trước. Trong cái bóng của ông, các chính khách đương thời của chúng
ta trông không khác các vĩ nhân tỉnh lẻ. Gắn với tên ông, chế độ cộng
sản ở đất nước này dường như dễ gây thiện cảm hơn, thậm chí lung linh
hơn trong mắt thế giới. Hào quang ấy hẳn cũng đã giúp ông tránh được số
phận của nhiều đồng chí và cộng sự thân thiết từng bị nuốt chửng trong
chiếc hộp đen của quyền lực đỏ đến nay còn khép kín. Những ngày này, khi
hào quang ấy cũng theo ông ra đi, người ta bám vào nó như vầng sáng
cuối cùng hắt lại từ dĩ vãng.
Theo ông ra đi là thiên tài quân sự mà
huyền thoại đã từ lâu bịt kín mọi ngả nhận thức khác. Thiên tài cầm quân
của ông đồng hóa thành thiên tài chống ngoại xâm của Đảng Cộng sản,
điều sẽ trở thành biện minh số một cho độc quyền thống trị vĩnh cửu của
tập đoàn chính trị mà ông suốt đời trung thành này. Thành tích của vị
“Napoléon Đỏ” đã đứng cao hơn núi máu xương chiến trường. Những ngày này
hoài niệm đạn bom lên tiếng để hiện thực lặng im, rằng đất nước của vị
tướng vĩ đại đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình. Gần nửa
cuộc đời sau của ông là bằng chứng lặng lẽ của hiện thực ấy.
Theo ông ra đi là những hi vọng tìm một
điểm tựa tầm cỡ khai quốc công thần cho một hành trình cứu quốc mới, đưa
Việt Nam ra khỏi vòng tròn ma quái của nghèo hèn, lạc hậu, băng hoại,
phụ thuộc, chuyên chế và hỗn loạn. Dù chỉ lên tiếng một số lần, có thể
là quá thưa thớt và yếu ớt so với mong
đợi, và không bao giờ chạm lằn ranh cho phép của thể chế, ông đã là một
biểu tượng, một chỗ dựa tinh thần, một uy quyền đạo đức trong một khung
cảnh thiếu vắng mọi điểm tựa. Dù chưa từng có một ảnh hưởng quyết định
nào với nền chính trị Việt Nam và quá khiêm nhẫn để đột phá và cách tân,
ông đã là một địa chỉ của hi vọng cải cách.
Theo ông ra đi là thời đại đã thành cổ
điển của những đại tự sự giải phóng dân tộc, chống thực dân, chống đế
quốc, chống phong kiến, cách mạng vô sản và chủ nghĩa cộng sản như nấc
thang tiến hóa cuối cùng của nhân loại. Một thời đại đầy xung đột, lầm
than, bạo lực. Một thời đại đầy ấu trĩ, cuồng tín, u mê. Song cũng đầy
những vẻ đẹp của niềm tin giản dị và hùng tráng bởi những nhân cách và
tầm vóc phi thường. Thời đại ấy đã cáo chung ngay khi ông còn sống. Bây
giờ ông có thể cùng thời đại của mình yên nghỉ. Một cuộc đời dài có thể
vắt qua hai thế kỉ, song không một vĩ nhân nào trong lịch sử đóng được
dấu ấn lên hai thời đại kề nhau.
Kính cẩn vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt một thời đại. Cầu cho thời đại hôm nay không còn cần đến những vị tướng và những chiến trường.
Phạm Thị Hoài
source : pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét