Thụy My
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông ở Hà Nội ngày 22/02/2003. REUTERS/Kham/Files
Từ chiều hôm qua 04/10/2013, ngay sau khi được tin đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, các hãng thông tấn quốc tế khi loan tải đều dùng những từ ngữ trân trọng, mà cụm từ thường được sử dụng nhiều nhất là « vị tướng huyền thoại ».
AFP viết : « Tướng Giáp, thiên tài quân sự đã hạ nhục phương Tây ». Hãng tin Reuters trong bản tin mang tựa đề « Tướng Giáp, người chiến thắng trận Điện Biên Phủ đã mất” nhận xét: “Vị
tướng già mà một số người coi là chiến lược gia quân sự ngang hàng với
tướng Anh Montgomery, tướng Đức Rommel hay tướng Mỹ MacArthur, lại có
những lời phát biểu hòa bình ».
AFP sau
khi lược qua những chiến công vang dội của nhà chiến lược tầm cỡ này,
không quên nhắc đến khoảng thời gian sau đó khi ông bị tước đi mọi quyền
hành. Hãng tin Pháp ghi nhận : « Cho dù đã rất yếu, người ta vẫn
cho là tướng Giáp đã viết những lá thư tố cáo nạn tham nhũng hay các dự
án mang lợi lộc cho Trung Quốc nhưng nguy hiểm cho đất nước. Năm 2009,
ông cho công bố lá thư ngỏ phản đối dự án bauxite tại cao nguyên đang bị
rất nhiều chỉ trích ».
Vấn
đề bauxite là cuộc đấu tranh cuối cùng của tướng Giáp.Từ Hà Nội, giáo
sư Nguyễn Huệ Chi hôm qua khi trả lời RFI Việt ngữ, cho biết chính tinh thần phản biện của tướng Giáp là nguồn cảm hứng cho những người chủ xướng trang Bauxite Việt Nam.
Bauxite
là vấn đề mà đại tướng nêu lên cho nhà cầm quyền, và không phải chỉ nêu
một lần mà nêu trong ba lá thư kiến nghị rất nghiêm túc, ý muốn cảnh
báo toàn diện về những vấn đề gắn quyện với nhau: an ninh quốc phòng,
kinh tế, văn hóa, môi trường dân sinh và nhất là đường hướng chính trị
có nguy cơ bị "lệch" của người điều hành. Thế nhưng cả ba lần người ta
đều không trả lời.
Khi đại
tướng đã vào bệnh viện rồi, tôi nhớ có một hôm ông Thủ tướng đến và nói
xin nghe lời đại tướng về vấn đề bauxite. Hôm ấy những người xem
truyền hình đều rất vui, và tôi chắc là đại tướng cũng có niềm tin
trước lời hứa tốt đẹp ấy. Thế nhưng hôm sau ông Thủ tướng xuống Hải
Phòng, nói trước cơ sở đảng, rằng ý kiến khai thác bauxite là chủ trương
lớn của đảng, phải tiến hành không được chậm trễ. Điều trớ trêu là như
vậy.
Về mặt tâm lý xã hội thì
một cách xử sự như vậy chắc chắn thế nào cũng gây phản cảm trong công
chúng. Bởi, nếu đã phải thực thi chủ trương của đảng thì còn vào gặp đại
tướng hứa với ông làm gì. Nhưng tôi nghĩ là đại tướng rất độ lượng, dù
có phiền muộn đi nữa chắc đại tướng không để lâu trong lòng.
Việc
đại tướng mất là một mất mát lớn, đang như là một làn sóng ngầm xao
động, lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ lúc có tin đại tướng mất
đến giờ, riêng điện thoại của tôi chưa bao giờ ngừng cả, giống như những
hồi chuông đang rung lên trong cả nước.
Liệu
đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi nhưng vẫn còn những điều đau đáu trong
lòng về thời cuộc ? Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng tuy không thể võ
đoán, nhưng đối với một con người không nguôi ưu tư, có những suy nghĩ
chiến lược về nhiều mặt đối với đất nước, còn lẽ là ông nằm xuống mà vẫn
chưa thể yên lòng.
Tôi không có điều kiện
để vào thăm đại tướng. Cái năm mà tôi viết ngày sinh nhật đại tướng năm
2010, năm đó đại tướng cũng đã không tiếp ai hết mà vào bệnh viện rồi.
Nhưng với cái tâm thế của một người đã viết đến ba lá thư về việc không
khai thác bauxite, thì tôi nghĩ là đại tướng phải nghĩ rất nhiều về
những vấn đề có tính chất chiến lược, về kinh tế, chính trị, quân sự lẫn
văn hóa - nghĩa là một con người cảm nhận nhiều mặt về bước đi của đất
nước hôm nay và những ngày tới.
Có lẽ
đại tướng nằm xuống mà chưa thể yên lòng được. Bởi vì những vấn đề như
thế vẫn chưa thấy có triển vọng được giải quyết theo hướng tốt đẹp cho
đất nước, trong không phải chỉ một thời gian ngắn, mà cả thời gian dài
sau này.
Có những ý kiến cho rằng đại tướng
Võ Nguyên Giáp là nguyên khí cuối cùng của Việt Nam, khi mất đi khó thể
có được những nhân vật mang tầm vóc như vậy. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
nhận định :
Tôi không nghĩ rằng đại tướng là
người cuối cùng, bởi vì cả một dân tộc 90 triệu người, thì không thể
một người tài giỏi đến mấy mà mất đi, thì dân tộc ấy không thể trở nên
vô vọng đến mức là không có người thay thế. Nhưng rõ ràng đại tướng là
nguyên khí quốc gia thì điều ấy hoàn toàn đúng. Đại tướng xuất thân từ
trí thức, mà có trí thức toàn diện, và chỉ có người trí thức mới làm
được việc lớn cho đất nước.
Sự vô hiệu
hóa đối với ông tuy rằng trong một thời gian dài có làm cho ông lặng
tiếng, nhưng hình ảnh của ông bao giờ cũng in đậm trong lòng nhân dân.
Cho đến nay ông vẫn là biểu tượng lớn sâu sắc.
Đến
khi mà những người muốn biến đại tướng thành một người không còn ý
nghĩa nữa mất đi, thì hình ảnh đại tướng lại càng nổi lên. Bởi vì ông
vẫn còn đó. Đây là may mắn cho đất nước, ông vẫn còn và minh mẫn. Ông đã
có dịp nói được tiếng nói sau cùng. Đó là một sự ngẫu nhiên nhưng cũng
là may mắn của lịch sử.
Ông đã nói lên
tiếng nói sau cùng của thế hệ ông về những vấn đề lớn của đất nước. Cho
nên đại tướng trở thành một biểu tượng không thay thế được trong hoàn
cảnh, thời điểm hiện nay. Và sự hụt hẫng của mọi người, của đông đảo
nhân dân cũng như tầng lớp trí thức là ở chỗ trước mắt chưa tìm thấy một
biểu tượng khác để phất ngọn cờ cho mọi người cùng đi.
Nhưng
tôi chắc là với thời gian thì thế nào cũng sẽ có những người nổi lên.
Và giai đoạn hiện nay thì yêu cầu của lịch sử khác đi rồi, chứ không
phải như ngày trước nữa. Bây giờ là một thứ trí tuệ khác, chứ không phải
là trí tuệ đánh trận, giành với địch từng mảnh đất để cuối cùng tìm lấy
một chiến thắng quân sự.
Cho nên sẽ
có những thế hệ mới đáp ứng yêu cầu mới của lịch sử. Yêu cầu ấy là làm
thế nào bằng tâm thế hòa bình, hòa nhập với thế giới một cách chân
thành, và dân chủ hóa, giành được quyền công dân, trong một đất nước
không lấy chuyên chính, bạo lực thị uy với dân, thì mới đưa đất nước
tiến lên được, và đất nước mới nhìn thấy tương lai.
Tôi
tin rằng thế hệ đáp ứng yêu cầu ấy sẽ là thế hệ nối tiếp đại tướng. Tôi
tin thế nào rồi cũng có một người như thế - có những người như thế, chứ
không thể nào đại tướng mất đi là mất hết.
Theo Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, qua cuộc đời của tướng Giáp có thể rút ra được nhiều bài học :
Bài
học trước tiên mà đại tướng để lại cho mọi người : là người trí thức
thì phải dấn thân. Khi nhận ra được những vấn đề lớn của đất nước, đòi
hỏi trách nhiệm của mình thì phải dấn thân. Bởi vì trong hoàn cảnh của
đại tướng thì có thể đi tìm sự vinh thân phì gia bằng việc học tiếp, mà
người ta sẵn sàng đưa đại tướng đi học để có những học vị rất cao. Thế
nhưng vận mạng của đất nước lại đòi hỏi bỏ mục tiêu nhỏ nhoi ấy cho một
điều lớn hơn.
Bài học thứ hai là có bản
lĩnh để làm chủ các ý kiến của mình mà mình thấy đúng. Ví dụ như việc
đưa pháo vào rồi đưa pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu như
không có bản lĩnh, nhất định không thể có quyết định táo bạo, mà cuối
cùng quyết định ấy là đúng. Ngay từ bấy giờ đại tướng đã có quan điểm là
khi biết chắc nắm được chân lý thì kiên quyết theo đuổi chân lý đến
cùng.
Tôi nghĩ bài học ấy lớn, vì có
thời kỳ người ta lấy tập thể ra để thay thế cho ý kiến cá nhân, và gần
như tiếng nói tập thể là áp lực, cá nhân không cưỡng được. Nhưng thực ra
nhiều khi ý kiến cá nhân lại đúng. Đó cũng là bài học quan trọng, vì
làm cho mỗi con người thấy vai trò cá nhân của mình trong vai trò chung
của cả tập thể. Điều đó lớn lắm. Đất nước, xã hội không thể tồn tại và
phát triển nếu không có cá nhân. Cho nên chính đại tướng góp phần khẳng
định trong ý thức về vai trò cá nhân.
Bài
học thứ ba, trước mọi khó khăn, bị động, thất bại, vẫn tìm được sự
thanh thản, thoải mái và làm chủ chính mình để không rơi vào bi quan,
không bị vô hiệu hóa. Sau 1975 thì hầu như đại tướng mất tiếng nói, và
bị những người có lẽ về một phương diện cá nhân nào đó muốn xóa bỏ vị
trí của đại tướng. Nhưng đại tướng vẫn lặng lẽ chịu đựng, kiên nhẫn, và
cuối cùng người ta ngày càng thấy cách nhìn mọi vấn đề của đại tướng là
đúng.
Tôi nghe nói là ngay trận Mậu
Thân chẳng hạn, đại tướng chủ trương nếu đánh thì đánh xong rút ngay chứ
không nên đánh chiếm, thì người ta đã bác đi, nhưng cuối cùng ý kiến
của đại tướng là đúng.
Tôi cho đó là
bài học, mình không được dùng đi nữa thì mình vẫn thung dung, chủ động,
biết biến cái không thuận lợi thành thuận lợi. Vì kiên trì theo đuổi một
chân lý mà mình thấy đúng từ sớm, cho nên những tâm nguyện dần dần rõ
ra, được nhân dân hiểu và quần chúng đứng về phía mình.
Bài
học thứ tư cũng rất lớn, vì có những người không phải là kém, nhưng vì
nôn nóng quá, trở nên đứt gánh nửa đường hoặc bị quên lãng đi. Sự kiên
trì trong tình thế hiện nay mà không làm khác được, thì âm thầm giữ chân
lý, và cuối cùng sẽ tìm được sự ủng hộ đông đảo. Quả nhiên cuối cùng
đại tướng đã đạt được điều ấy.
Như tôi
đã nói, còn có may mắn : đại tướng là người sống lâu nhất trong hàng ngũ
những người thuộc thế hệ thứ nhất ấy, nên đại tướng đã nói được lời tối
hậu với nhân dân, mà những khác đã chết đi thì không thể. Nhưng cái may
mắn cũng phải phù hợp với một người như đại tướng, chứ một người đầu óc
trống rỗng không có gì, thì dù sống lâu đi nữa cũng vô giá trị.
Tôi
nghĩ chính tiếng nói công khai cuối cùng, là ba lá thư yêu cầu ngừng
việc khai thác bauxite chính là biểu hiện « Tôi biết hết mọi chuyện, và
tôi lên tiếng để cho các anh biết rằng người như tôi không bao giờ quên
đi những điều trọng đại của đất nước ». Chứ ở tuổi của đại tướng có
quyền nghỉ ngơi không nói nữa, nhưng mà đại tướng vẫn nói. Đó là tinh
thần phản biện của người trí thức.
Ở
đại tướng luôn luôn song hành hai con người : người trí thức và người
cách mạng. Mà người cách mạng thì không ngừng đổi mới, còn người trí
thức thì gặp việc của đất nước mà người thất phu không cảm thấy có trách
nhiệm thì không còn là trí thức nữa.
Đại
tướng đã giữ được trách nhiệm của người trí thức, hai mặt đó quyện chặt
với nhau và được cả ba, bốn phía đều ủng hộ : phía những người cách
mạng, phía trí thức, phía quần chúng nhân dân đều thấy đại tướng như một
tấm gương soi sáng cho mình. Đó là vì sao đại tướng để lại niềm thương
tiếc sâu sắc nhất cho đất nước, cho nhân dân, và nhất là cho giới trí
thức - trong đó có những anh em làm trang Bauxite, vì chúng tôi vẫn lấy
đại tướng ra làm biểu tượng cho mình.
«
Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách ». Cuộc đời của đại tướng Võ
Nguyên Giáp cũng gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam, mà
theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì tướng Giáp không chỉ là chứng nhân của
lịch sử, mà còn là người làm nên lịch sử. Ông Huệ Chi nêu ra một vài dấu
mốc :
Đại tướng không chỉ là chứng nhân mà
là người làm nên lịch sử. Cho nên lịch sử qua những chặng thăng trầm,
thì đại tướng chính là hiện thân của những bước thăng trầm ấy.
Trong
chặng đường kháng chiến chống Pháp, người cầm quân đã đưa ra những
chiến dịch xuất sắc, để cuối cùng làm cho người Pháp cảm thấy không thể
thắng nổi.
Rồi đến giai đoạn tiếp nhận
ý kiến của Trung Quốc để rồi có những sai lầm như cải cách ruộng đất,
đó là một chặng đường rất khó khăn. Chính ông Hồ Chí Minh đã phải ủy
thác cho đại tướng ra xin lỗi nhân dân ở trước quảng trường Ba Đình. Đại
tướng ra nói thì mọi người thấy ấm lòng, bởi vì một người đã hy sinh
trong chín năm trời cho cuộc kháng chiến, đã dẫn dắt quân đội đánh thắng
mà bây giờ cũng phải nói lời xin lỗi trước dân chúng, việc đó đã khích
lệ được nhân dân để vượt qua khó khăn trong chặng đường ấy.
Rồi
đến quãng đường mà chúng ta gọi là « đánh Mỹ », đại tướng cũng vẫn làm
tổng tư lệnh. Mặc dù nhiều trường hợp có lẽ có quyết định của những
người đóng vai trò quan trọng hơn trong đảng, nhưng thực ra vẫn hỏi ý
kiến đại tướng. Ví dụ như đánh ở Ban Mê Thuột chẳng hạn, thì đó chính là
quan điểm của đại tướng : không đánh ở Kontum. Nếu mà đánh ở Kontum thì
chắc là thua, nhưng mà đánh ở Ban Mê Thuột nên đã thắng.
Đây
là tôi chỉ nói về quân sự thôi, chứ còn việc đánh ý nghĩa như thế nào
sau này cho đất nước và dân tộc, thì đó là chuyện khác. Nhưng trong
chiến lược đánh nhau giữa hai bên, thì chính những ý kiến như thế của
đại tướng là những ý kiến rất đúng, và nhờ đó đã thắng.
Còn
bại, chẳng hạn việc đánh vào các đô thị năm 1968, những người cầm chịch
đã không nghe lời đại tướng nên đã gây tổn thất rất nhiều. Qua những
tổn thất ấy càng thấy ý kiến của tướng Giáp là rất chuẩn xác. Nếu tướng
Giáp được nghe thì chắc không thất bại như vậy, để lại tổn thất không
chỉ cho quân đội phía Bắc mà còn cho dân chúng ở những vùng đô thị ấy
nữa.
Sau này đến thời kỳ đã làm được
việc gọi là thống nhất đất nước rồi, thì tướng Giáp được chuyển từ quân
đội sang làm những việc khác. Chính thời kỳ ấy là thời kỳ mà đất nước
rơi vào nhiều khó khăn trầm trọng. Và người ta thấy tướng Giáp ít xuất
hiện, gần như là vắng hẳn, những người khác lên tiếng nhiều hơn.
Nhưng
bây giờ nghiệm lại thì mới thấy rằng trong suốt chuỗi ngày ấy, là lúc
mà đất nước càng ngày càng lún sâu vào khó khăn bởi nền kinh tế bao cấp,
bởi cái gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu của Trung Quốc và
Liên Xô. Rõ ràng là sự lặng lẽ của đại tướng trong cả thời kỳ ấy cho
thấy có lẽ trong thâm tâm của đại tướng có một chủ kiến khác, nhưng vì
không được dùng nên đại tướng đã giữ tư thế im lặng.
Đến
khi bắt đầu đổi mới thì đất nước cũng đã vươn lên. Và những tổng kết
của đại tướng tuy về quân sự thôi, nhưng cũng cho người ta thấy cái nhìn
về con người, về nhân tâm, về thời cuộc lấp lóe trong những tác phẩm
của đại tướng. Rõ ràng là phải có một cách nhìn mới, không chỉ trong
quân sự mà còn trong chính trị, kinh tế thì mới có thể đi lên được.
Càng
về sau dần dần đại tướng có tiếng nói trở lại, ông đã lên tiếng về
nhiều vấn đề. Tuy ông rất cẩn trọng, nhưng đó là một cuộc đấu tranh bền
bỉ nhằm làm cho xu thế mới chiến thắng xu thế bảo thủ, muốn kéo lùi lịch
sử trở lại. Biểu hiện rõ nhất là những kiến nghị về các vấn đề chính
trị, quân sự, xã hội, kinh tế, tuy đại tướng nói ít nhưng nói ra lời nào
thì đúng lời ấy.
Những việc như thế,
với sự chín chắn và thận trọng của đại tướng, tôi thấy ông trở thành mẫu
mực cho con người thức tỉnh và đổi mới, mặc dù đại tướng không biểu
hiện ra rõ ràng như một số người khác. Tuổi ông cũng quá nhiều rồi, nên
ông lặng lẽ hơn, kín đáo, cẩn trọng hơn. Ông chính là hiện thân của các
bước thăng trầm của đất nước. Chính vì thế ở giai đoạn hiện nay, thiếu
gương mặt của ông thì tự nhiên người ta cảm thấy như thiếu rất nhiều.
Dù
vậy tôi nghĩ không thể vì thế mà bi quan, cho rằng đại tướng mất đi là
mất tất cả. Vẫn nên lạc quan, bởi vì thế nào lịch sử cũng sẽ đáp ứng yêu
cầu. Cho nên chúng tôi vừa kính trọng, thương tiếc đại tướng, nhưng
cũng vừa tin vào lớp trẻ. Tin rằng lớp trẻ sẽ nối tiếp được ở chặng
đường mới này, với những yêu cầu mới của lịch sử, thì lớp trẻ sẽ đưa đất
nước đi lên được. Tôi nghĩ bài học của đại tướng đặt ra cho thế hệ hôm
nay là như vậy.
RFI Việt ngữ xin chân thành
cảm ơn giáo sư Nguyễn Huệ Chi ở Hà Nội đã vui lòng tham gia tạp chí đặc
biệt về đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Huyền thoại
Võ Nguyên Giáp đã đi vào cõi vĩnh hằng. Dù bên này hay bên kia, dù còn
có những tranh cãi, nhưng rõ ràng « Thời thế đã tạo nên anh hùng ». Có
những ý kiến cho rằng có lẽ phải còn phải chờ đợi rất lâu nữa nguyên khí
của dân tộc lại mới phát tiết - khi những hiền tài tuy không phải là
thiếu, nhưng lại gặp phải rất nhiều trắc trở khi muốn góp phần xây dựng
một đất nước dân chủ, bảo vệ Tổ quốc trước nguy cơ xâm lấn của ngoại
bang.
Nguồn: Viet.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét