Như một người dân hèn mọn đứng xếp hàng trên đường Hoàng Diệu, tôi xin gửi mấy dòng đơn sơ này kính viếng anh linh Đại Tướng. Thật lòng mà nói, người dân hèn mọn có cả một nỗi lòng để thốt ra với Đại Tướng trong ngày quốc táng, nhưng nỗi lòng ấy nghẹn lời ở cổ. Nói được gì chăng, chắc Đại Tướng đã nghe rồi và sắp nghe nữa, quá nhiều. Nhưng quá nhiều mà vẫn chưa đủ. Đáng lẽ phải dùng một con tàu mang di hài của Đại Tướng đi từ Ải Bắc đến Cà Mau để Đại Tướng nghe tiếng nói không nói được trong tim mọi người trên mọi con đường của đất nước.
Bởi vì, thưa Đại
Tướng, Đại Tướng là anh hùng của dân tộc. Của cả
một dân tộc từ Bắc chí Nam, không phải của riêng ai.
Và thế nào là anh hùng ? Thế nào là anh hùng dân
tộc? Anh hùng là người đã hiến cả cuộc đời của
mình cho một cái gì cao hơn chính mình. Cái ấy phải là
thiêng liêng. Anh hùng dân tộc là người đã hiến cả
cuộc đời của mình cho một cái gì cao hơn chính mình và
cái đó, dân tộc ấy cho là thiêng liêng chung. Với Việt
Nam trong thế kỷ 20, cái đó là độc lập. Nhưng như thế
vẫn chưa đủ để Đại Tướng là anh hùng dân tộc.
Không ai là anh hùng nếu không được người khác truy
nhận. Không ai là anh hùng dân tộc nếu không được
chính dân tộc truy nhận. Và sự truy nhận ấy trở thành
thiêng liêng khi được chuyên chở trên sức mạnh của
huyền thoại. Không có huyền thoại thì không có anh hùng.
Không có huyền thoại cộng đồng thì không có anh hùng
dân tộc. Huyền thoại ấy không phải do một thế lực
nào nặn ra. Tự nhiên nó đến qua sự giao cảm thần kỳ
giữa một dân tộc với vị anh hùng của họ.
Đại Tướng đang
đi vào huyền thoại ấy. Đã là huyền thoại thì không
nên cắt nghĩa bằng luận lý. Không nên hỏi : đâu
phải chỉ một mình Đại Tướng hiến cả cuộc đời
cho độc lập dân tộc ? Nhưng huyền thoại là vậy :
huyền thoại của Việt Nam muốn rằng vị anh hùng của
dân tộc là tướng. Chẳng phải Đại Tướng là cha đẻ
của một quân đội chỉ có dăm ba khẩu súng trường lúc
khai sinh đó sao ? Chẳng phải chỉ gọi « Đại
Tướng » là ai cũng biết đích danh một người ?
Cũng đừng nên hỏi : bao nhiêu vua đã chống xâm
lăng, đâu phải chỉ tướng ? Nhưng huyền thoại là
vậy : huyền thoại là lịch sử được cảm xúc hóa,
tưởng tượng hóa. Lịch sử tôn quý vua, nhưng huyền sử
sắc phong thần cho tướng. Vua chỉ huy nhưng tướng ra
quân. Và trận mạc đã đi vào tưởng tượng của mọi
cái đầu từ thời cắp sách trong suốt thế kỷ. Mở
sách giáo khoa của lớp ba ngày xưa, cả mấy thế hệ học
trò say mê gì, say mê ai, nếu không phải là sông Như
Nguyệt, sóng Bạch Đằng, ải Chi Lăng, áo bào đẫm mùi
thuốc súng của Nguyễn Huệ, Thoát Hoan chui vào ống đồng
chạy dài ? Hơn thế nữa, cao tột bậc, lịch sử có
Trần Nhân Tông, nhưng huyền sử có đức Thánh Trần. Từ
nhỏ, trong tưởng tượng, chiến công là của tướng. Vua
thì có minh quân và hôn quân, tướng chỉ có trận mạc
hiển hách, vuốt ve tự hào dân tộc. Như con người có
xương có thịt, dân tộc cần thương yêu và được
thương yêu, cần vỗ về và được vỗ về. Nhất là
trong giai đoạn mất nước. Nhất là trong giai đoạn thui
chột tự hào.
Tôi đã lặp đi
lặp lại quá nhiều hai chữ dân tộc. Là bởi vì huyền
sử của dân tộc đang làm nhiệm vụ cảm xúc hóa lịch
sử để đưa Đại Tướng vào vai trò trưởng tử của
Trần Hưng Đạo. Nhân dân đang sắc phong cho Đại Tướng.
Bất cứ ở đâu, mọi con mắt đều nhìn về một phương,
mọi trái tim cùng đập chung một nhịp. Trong lịch sử
chiến tranh gần đây, nếu lấy một thời điểm để nói
chính xác rằng mọi con tim cùng đập một nhịp, thì thời
điểm duy nhất ấy là Điện Biên Phủ. Tôi thuộc thế
hệ những anh học trò sống trong vùng ảnh hưởng của
Pháp có bạn bè, thân nhân bị động viên để tham gia
chiến trận ngoài Bắc. Không mấy ai trong các anh ấy nghĩ
rằng mình cầm súng để bảo vệ một lý tưởng. Không
mấy ai nghĩ rằng mình đang đứng vào phía dân tộc. Họ
thầm nghĩ : phía của dân tộc là phía kia. Và phía
ấy đang vang vọng gầm trời tiếng pháo Điện Biên. Kể
cả những người đang cầm súng ở bên này chiến tuyến,
súng ấy cũng có trái tim để cùng đập một nhịp với
nhịp máu tự hào của cả một dân tộc chiến thắng.
Điện Biên không có giới tuyến. Không phải là chiến
thắng của một phe. Cho nên Điện Biên là Bạch Đằng.
Điện Biên là duy nhất trong huyền sử thoát nhục thuộc
địa. Giống như Bạch Đằng, một bên là dân tộc, một
bên là kẻ thù chung, từ phương Tây hoặc từ phương
Bắc.
Và Điện Biên, và
Bạch Đằng chỉ nói lên một điều : là anh hùng dân
tộc vị nào đã cầm thanh gươm mà chính dân tộc trao
cho để chém một kẻ thù chung. Anh hùng là người ngồi
trên ngựa, giữa trận mạc. Huyền sử của Việt Nam muốn
thế. Không cần lý luận. Trái tim cộng đồng tạo ra
huyền sử ấy không cần lý luận. Cũng không có giới
tuyến. Đại bác Điện Biên không có giới tuyến.
« Bất hạnh
thay cho những dân tộc nào cần anh hùng », xin Đại
Tướng đừng nghe câu nói ấy của Hegel. Dân tộc Việt
Nam đang cần anh hùng.
Cao Huy Thuần
Source : diendan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét