1/4/14

Năng Lượng: Mỹ Giúp Châu Âu Giảm Áp Lực Của Nga?


Tuesday, April 1, 2014

Năng Lượng: Mỹ Giúp Châu Âu Giảm Áp Lực Của Nga?


Nguyễn-Xuân Nghĩa & Thanh Hà 
Tạp Chí Kinh Tế RFI

Khí Đốt Mỹ Giải Tỏa Sức Ép Của Nga tại Âu Châu  
Quy trình sản xuất, biến chế và xuất cảng khi đốt của Hoa Kỳ




















Khủng hoảng Ukraina càng thúc đẩy Bruxelles dựa vào Mỹ để giảm mức độ lệ thuộc vào dầu khí của Nga? Tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ ngày 26/06/2014, tổng thống Obama tuyên bố Washington sẵn sàng giúp đỡ châu Âu giải tỏa bớt áp lực của Matxcơva về vấn đề năng lượng. Nhờ những phương pháp khai thác mới, Mỹ đang trở thành nơi có trữ lượng dầu khí ‘tiềm năng’ nhất thế giới.


Năng lượng là một nhược điểm của châu Âu. Hiện tại Liên Hiệp Châu Âu nhập cảng đến hơn phân nửa năng lượng - chủ yếu là dầu hỏa và khí đốt - để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ cho 28 thành viên trong khối. Theo thẩm định của Bruxelles nếu giữ nguyên tình trạng như hiện nay, đến năm 2035 Liên Hiệp Châu Âu sẽ lệ thuộc đến 80 % vào năng lượng của các nước ngoài khối.


Trong năm 2013, chỉ một mình nước Nga cung cấp đến 27 % khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu và 70 % trong số đó phải trung chuyển qua ngả Ukraina. Ngoài khí đốt, Nga còn là một nguồn cung cấp dầu hỏa và than đá quan trọng của châu Âu. Chính vì vậy mà Bruxelles đã không thể mạnh tay trừng phạt Matxcơva sau khi tổng thống Putin thôn tính Crimée.


Vào lúc châu Âu và Nga đang cơm không lành, canh không ngọt thì Washington đề nghị bán khí đốt của Mỹ cho châu Âu. Tổng thống Barack Obama nhân thượng đỉnh Âu Mỹ đã dùng lá bài năng lượng để vừa thúc đẩy tiến trình thành lập khu vực tự do mậu dịch với Bruxelles, vừa làm đối trọng với ảnh hưởng của Matxcơva trên Lục địa Già. Dự án này được Ngoại trưởng John Kerry và đại diện châu Âu, bà Catherine Ashton thảo luận thêm vào ngày 02/04/2014 tại Bruxelles.


Câu hỏi đặt ra là liệu khi nào thì khí đốt của Mỹ mới chảy tới châu Âu? Washington chấp nhận xuất khẩu đến bao nhiêu triệu mét khối cho Bruxelles hàng năm và trong thời gian là bao lâu? Đừng quên rằng Hoa Kỳ luôn coi các nguồn dự trữ của mình là yếu tố chiến lược để bảo đảm về an ninh năng lượng của bản thân nước Mỹ. Liệu rằng với dầu khí của Mỹ,Liên Hiệp Châu Âu giảm bớt mức độ lệ thuộc vào ông khổng lồ Nga hay không?



Năng lượng, lá bài mới của Mỹ?


Từ California, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lần lượt trả lời các câu hỏi trên nhưng trước hết ông nói qua về tiềm năng rất lớn của dầu hỏa và khí đốt Hoa Kỳ: Mỹ đang trở thành một ông khổng lồ về năng lượng nhờ kỹ thuật khai thác mới. 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ mấy chục năm nay, nước Mỹ đã biết nhiều phương pháp khai thác năng lượng, chủ yếu là dầu thô và khí đốt, ngoài than đá là một lợi thế có sẵn. Nhưng họ không muốn thử nghiệm công nghệ mới vì quá tốn kém. Khi giá năng lượng trên thế giới tăng vọt và từ năm 2006, nước Mỹ dồn sức khai triển phương pháp mới và thật sự hoàn thành một cuộc cách mạng về công nghệ làm đảo lộn tất cả. 

- Kỹ thuật "fracing" ấy - đọc như "fracking" - gồm có đào sâu xuống các tầng địa chất trầm tích và xoay ngang để tìm đến mạch năng lượng bao quanh rồi bơm xuống với sức ép cực mạnh một dung dịch nước và hóa chất. Sức ép này mở bung cả dầu thô hay khí đốt bị nhốt trong đá và được hút lên làm năng lượng. Riêng về khí đốt thiên nhiên, Hoa Kỳ có công nghệ dùng áp suất mạnh để biến khí thành nước lỏng đựng trong bồn, gọi là LNG, liquefied natural gas, dễ di chuyển qua nơi khác để từ khí lỏng lại trở về trạng thái khí đốt có thể phân phối qua ống dẫn khí. 

- Kết quả của cách mạng kỹ thuật là Mỹ đã nâng sản lượng khí đốt của mình lên hàng vô địch với trữ lượng dự báo là hơn 900 ngàn tỷ thước khối, khả dĩ sử dụng cả trăm năm tới. Nhưng hậu quả là số cung gia tăng từ năm 2009 làm giảm giá khí đốt tại Mỹ. Khi ấy, Hoa Kỳ nghĩ tới việc xuất cảng trong điều kiện mà giá khí đốt tại Âu Châu và mọi nơi khác đều đắt hơn. 

- Trở ngại cho việc xuất cảng gồm có hai phần. Thứ nhất là hạn chế về chính sách vì Mỹ vẫn cấm bán năng lượng ‘ra bên ngoài’ để có an toàn năng lượng ‘bên trong’, lại còn muốn bảo vệ môi sinh nên kiểm soát chặt chẽ việc lập nhà máy LNG chế biến khí lỏng. Thứ hai là về kỹ thuật để đưa khí đốt từ Mỹ tới các thị trường khác. 

- Vấn đề kỹ thuật thật ra dễ giải quyết dù tốn kém và mất dăm ba năm mới hoàn thành. Vần đề chính sách mới nan giải vì nhiều ràng buộc chính trị bên trong nước Mỹ, thí dụ như các nhóm lợi ích hay doanh nghiệp chế biến, muốn hạn chế xuất cảng để mua nguyên liệu rẻ nhờ giảm giá. 

- Thế rồi khủng hoảng Ukraina và đối sách thiếu thống nhất của Âu Châu trước sức ép của Nga làm dư luận chính trị tại Mỹ thay đổi. Giải phóng khí đốt có thể góp phần giải phóng Châu Âu ra khỏi vòng kiềm tỏa của năng lượng Nga.

- Chúng ta thật ra đang ở giữa cuộc cách mạng cho nên tình hình thay đổi và mỗi năm người ta lại thấy tiềm năng của Mỹ thật ra cao hơn mọi dự đoán trước. Mỹ hiện có sản lượng và mức tiêu thụ khí đốt nhiều nhất thế giới, và trong vài năm tới thì có dư để bán ra ngoài với giá rẻ chỉ bằng một phần ba giá của thiên hạ. Mà dù có xuất cảng thì cũng không nâng giá nội địa quá mạnh và nếu giá tăng thì càng khuyến khích các doanh nghiệp khai thác thêm.


Khí đốt, lá bài lợi hại mới của Mỹ?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hệ thống luật lệ Mỹ nhiêu khê vì áp lực của nhiều trung tâm quyền lợi. Thí dụ giới bảo vệ môi sinh đòi hạn chế nhà máy chế biến, doanh nghiệp chế biến muốn có nguyên liệu rẻ nên đòi hạn chế xuất cảng. Một cách cụ thể thì doanh nghiệp Mỹ muốn sản xuất để xuất khẩu phải vượt sáu ải, của Cơ quan Liên bang Kiểm soát Năng lượng, Bộ Năng lượng, Cơ quan Bảo vệ Môi sinh, Cơ quan Bảo vệ Thú hiếm, Cơ quan Bảo vệ An ninh Hàng hải, Bộ Vận tải, v.v.... Mà muốn bán khí đốt cho một quốc gia chưa ký Hiệp ước Tự do Mậu dịch FTA với Mỹ, trường hợp của vài nước Âu Châu, thì còn phải có giấy phép riêng của Bộ Năng lượng với lý do là việc xuất cảng này "phù hợp với quyền lợi của công chúng Mỹ."

- Ngày nay, nhờ hay vì sự ngang ngược của Tổng thống Vladimir Putin, chính trường Mỹ đang thay đổi quan niệm, với Lập pháp yêu cầu Hành pháp áp dụng thủ tục khẩn cấp cho xuất cảng khí đốt để vừa bảo vệ Ukraina vừa giải tỏa sức ép của Putin trên các nước Âu Châu.


RFI: Nếu Mỹ thay đổi chính sách thì sẽ bán khí đốt cho Âu Châu dưới hình thức nào và bao giờ thì bán được?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta mường tượng ra hai bước kỹ thuật là, thứ nhất, ép khí thành nước trong nhà máy khí lỏng để vận chuyển như dầu thô đến các thị trường khác. Rồi từ chất lỏng trở lại thành khí có thể phân phối qua ống dẫn khí ở nơi mua. Khi bán như vậy thì từ đầu ra ở bên Mỹ phải có giấy phép và đầu vào là nơi mua phải có đầu tư để lập nhà máy cải biến khí lỏng ra khí đốt. Việc mua bán bao hàm cả đầu tư tốn kém để lập nhà máy bên kia đại dương và mất từ ba đến năm năm. Do hoàn cảnh đặc biệt ngày nay, nếu thủ tục cho phép và hoàn thành có thể ngắn hơn thì cũng mất hai năm.

- Thật ra nhiều nước Âu Châu, kể cả Ukraina, có thấy mối nguy của áp lực Nga nên đã đa diện hoá nguồn cung cấp. Thí dụ là Pháp và Hà Lan lập dự án khí lỏng tại Dunkerque và Rotterdam với công xuất là 12 tỷ thước khối một năm, sẽ khởi sự hoạt động năm nay. Còn Ba Lan có dự án nhỏ hơn tại hải cảng Swinoujscie có thể hoàn thành năm nay với công xuất năm tỷ thước khối.

- Ukraina thì lệ thuộc vào khí đốt của Nga đến 60% của số tiêu thụ là 50 tỷ thước khối một năm. Từ năm 2013 xứ này ký hợp đồng với hai tập đoàn năng lượng là Shell và Chevron để khai thác khí đốt từ đá phiến của mình, với hy vọng sản xuất được từ năm đến 10 tỷ thước khối. Song song tổ hợp ExxonMobil của Mỹ cũng đang nghiên cứu việc khai thác khí đốt bên Tây ngạn của Hắc Hải để Ukraina có thêm từ năm tới 10 tỷ thước khối. Ngay trước mắt, Ukraina dự tính đảo ngược nguồn cung cấp, từ Tây sang Đông thay vì từ Nga, với ống dẫn khí qua xứ Slovakia. Trong nỗ lực đa năng hóa như vậy của Âu Châu, Hoa Kỳ có thể đóng góp về kỹ thuật và đầu tư chứ không chỉ qua việc bán khí đốt.


RFI: Nếu Mỹ giúp như vậy thì Liên Hiệp ChâuÂu có thể giảm được mức độ lệ thuộc vào khí đốt của Nga tới chừng nào?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cho đến nay, ta chưa có giải đáp về mức hiệu quả là giảm bao nhiêu phần trăm vào khí đốt của Nga nhiều lý do, cả tiêu cực lẫn tích cực.

- Thứ nhất, vì yếu tố cục bộ, áp lực cản trở xuất cảng vẫn còn mạnh trong Chính quyền Obama. Thứ hai, việc đầu tư vào nhà máy ở nơi mua là Trung Âu hay Đông Âu thật ra tốn kém và ít lời hơn bán khí cho Đông Á nên nhiều doanh nghiệp Mỹ còn ngần ngại. 

- Thứ ba, các nước Âu Châu cũng có khu vực đá phiến đầy triển vọng, thí dụ như khi Pháp và Hoà Lan khởi động hai dự án năm nay thì Pháp hết cần khí đốt của Nga, hai nước có thể bảo đảm yêu cầu cho nước Bỉ và còn dư 22 tỷ thước khối để bán ra ngoài, tức là Âu Châu cũng từ giảm mức lệ thuộc vào khí của Nga. Thứ tư là ngay tại Âu Châu, nhiều quốc gia cũng e ngại môi sinh ô nhiễm nên chưa mạnh dạn chấp nhận công nghệ gạn đá phiến ra khí đốt, mặc dù vẫn dùng than đá còn ô nhiễm hơn!

- Ngoài ra, chưa nói đến xuất cảng thì Hoa Kỳ vẫn có thể góp sức giải tỏa khi phổ biến kỹ thuật khí đốt cho nhiều quốc gia, từ biển Baltic qua Ba Lan, Rumani xuống Hắc Hải nếu các nước này cải tổ thuế khóa để tiếp nhận đầu tư của Mỹ. Ngược lại, khi thấy Mỹ ra đòn, Nga có thể phản đòn và xuống giá để duy trì ưu thế cạnh tranh và thế lực chính trị. Khi ấy, ta thấy ra bài toán khác. Giá khí đốt của Nga thật ra rất đắt vì còn phải chở từ Tây Bá Lợi Á (Sibérie) tới Âu Châu. Và mỗi dự án khí đốt tại Âu Châu làm giảm số mua thí dụ như là 12 tỷ thước khối trong tổng số bán của Nga cho Âu Châu là 200 tỷ thước khối một năm là có thể làm Nga mất từ 5 đến 10 tỷ đô la. 

- Sau cùng, dù việc xuất cảng chỉ trở thành thực tế trong hai ba năm tới, việc Mỹ thông báo sẽ cho xuất cảng dầu thô và khí đốt cũng lập tức làm sụt giá trên thị trường quốc tế. Mà giá khí của Nga lại giàng vào giá dầu, nếu dầu thô sụt giá dưới mức 90 đô một thùng là Nga bị hụt ngân sách. Ông Poutin ngày nay còn hung hăng khi dầu thô còn trên trăm đồng một thùng, chứ nếu sụt tới 90 đồng là kinh tế và ngân sách Nga bị khủng hoảng như đã bị vào năm 2009.


RFI: Tình hình chung về khí đốt trích xuất từ đá phiến tại Mỹ là thế nào?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong mươi năm tới, Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu thế giới về khí đốt và làm giảm giá năng lượng toàn cầu với lượng xuất cảng ngày càng cao hơn. Biến cố Ukraina sẽ đẩy mạnh chiều hướng ấy. Thứ hai, trong nội địa Hoa Kỳ, công nghệ mới cũng nâng cao hiệu suất tiêu thụ và giảm phí tổn về năng lượng, thí dụ dễ thấy là xe hơi ít hút xăng dầu và dùng khí đốt nhiều hơn, hay người ta dùng người máy tự động nhiều hơn. 

- Nói về kế toán, trong cơ cấu sản xuất, phí tổn nhiên liệu giảm mạnh khiến doanh nghiệp Mỹ có thế cạnh tranh rất cao và nhu cầu đầu tư ra ngoài để tìm nhân công rẻ sẽ không còn như trước, nên ta sẽ thấy "tư bản hồi hương". Sau cùng, vì lệ thuộc ít hơn vào năng lượng bên ngoài, như dầu thô Trung Đông, trong trường kỳ, nước Mỹ sẽ có đối sách khác về an ninh chiến lược. Trong khi ấy, Liên bang Nga vẫn chỉ thuộc loại chậm tiến có võ khí và còn tùy thuộc quá nhiều vào việc xuất cảng nguyên liệu và năng lượng.

RFI: Theo báo cáo gần đây nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đến năm 2018, Hoa Kỳ sẽ là nguồn cung cấp đến 1/5 khí đốt cho nhân loại. Đến năm 2025, nhập khẩu dầu thô vào nước Mỹ sẽ giảm xuống chỉ còn bốn triệu thùng một ngày thay vì 10 triệu như hiện nay. Trong chưa đầy một chục năm nữa, Hoa Kỳ sẽ thành nhà sản xuất dầu hỏa số một thế giới đứng trước cả Á Rập Xê Út và Nga. Dầu hỏa và khí đốt sẽ là hai lá chủ bài cho phép FWashington phác họa lại chính sách đối ngoại và sẽ làm thay đổi cục diện trên bàn cờ quốc tế.

Source : RFI . dainamax tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét