31/5/13

Huy Đức - Cờ đỏ, cờ vàng và hòa giải

Cuộc tranh giành màu cờ tại Fullerton trở nên kịch tính trong năm 2004 khi nhóm sinh viên gốc Việt tuyên bố không tham dự lễ ra trường nếu cờ đỏ sao vàng được sử dụng theo yêu cầu của các sinh viên đến từ Việt Nam. Trường Fullerton phải chọn giải pháp không treo cờ của nước nào trong lễ tốt nghiệp.
Phần lớn người Việt đến Mỹ phải lao động, học tập để vươn lên, họ không có nhiều thời gian để “care” (quan tâm) đến chính trị Việt Nam. Tháng 7-1995, khi Hà Nội và Washington thiết lập bang giao, cờ đỏ sao vàng chính thức được kéo lên trên đất Mỹ. Thật dễ hiểu khi những người Việt vượt biển trên những chiếc thuyền con, những người Việt đã nằm 15 năm, 17 năm trong các trại cải tạo, từ chối đứng dưới cờ đỏ sao vàng.
Nhưng phản ứng chỉ bắt đầu quyết liệt vào năm năm 1999, khi một người đàn ông sống tại Little Sai Gon, tên là Trần Văn Trường, cho treo trước cửa tiệm ảnh Hồ Chí Minh cùng cờ đỏ sao vàng. Cộng đồng người Việt đã biểu tình liên tục trong suốt 53 ngày để phản đối. Từ California,”chiến dịch Cờ Vàng” bắt đầu, dẫn đến việc 14 tiểu bang, gần 100 thành phố công nhận cờ vàng ba sọc đỏ như một biểu tượng của cộng đồng gốc Việt.
Cờ vàng không chỉ xuất hiện ở Mỹ.
Từ giữa thập niên 1990, nhiều nhà lãnh đạo của Hà Nội phản ứng gay gắt khi trong các chuyến công du thấy “quần chúng đón rước” không dùng cờ đỏ sao vàng mà chỉ dùng cờ vàng ba sọc đỏ. Không phải quan chức Việt Nam nào cũng hiểu chính quyền sở tại không (dại gì) đứng sau những nhóm quần chúng tự phát đó. Cho tới năm 2004, các nhà ngoại giao Việt Nam ở Mỹ vẫn mất rất nhiều công sức để ngăn chặn chính quyền các tiểu bang công nhận cờ vàng.
Việc chính quyền tiểu bang công nhận cờ vàng chỉ là một động thái đối nội. Nhà nước Việt Nam Cộng hòa rõ ràng không còn tồn tại, chính quyền Mỹ bang giao với nhà nước CHXHCN Việt Nam và công nhận cờ đỏ sao vàng. Nhưng, chính quyền Mỹ không thể ngăn cản cộng đồng người Mỹ gốc Việt chọn cho mình biểu tượng.
Một quan chức Việt Nam và thậm chí một thường dân đang cầm hộ chiếu nước CHXHCN Việt Nam, trong một nghi lễ chính thức, có quyền chỉ đứng dưới cờ đỏ sao vàng. Nhưng, một quan chức đi làm “kiều vận” mà không dám bước vào một ngôi nhà có treo cờ vàng thì sẽ không thể nào bước vào cộng đồng người Việt. Tất nhiên, bất cứ thành công nào cũng cần nỗ lực từ nhiều phía.
Năm 2006, tôi gặp lại cô bạn phóng viên Tuổi Trẻ từng học ở Fullerton. Nhà cô vào giờ đó thay vì treo cờ đỏ sao vàng, góc nào cũng tràn ngập cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi chưa kịp tìm hiểu đó là sự lựa chọn mới của cô hay đó là cách để có thể hòa nhập vào “cộng đồng”.
Năm 2008, “cộng đồng người Việt Cali” đã biểu tình kéo dài khi người phụ trách tòa soạn tờ Người Việt, Vũ Quý Hạo Nhiên, cho in tấm hình chụp một cái bồn ngâm chân có in biểu tượng cờ vàng. Hạo Nhiên, thêm sự cố 2012, đã phải ra đi và biết chắc khó lòng quay trở lại. Biểu tình năm 1999, cho dù là “ôn hòa”, cũng đã khiến cho Trần Văn Trường phải chạy về Việt Nam.
Cờ đỏ sao vàng khó có thể xuất hiện ở Californiacho dù ở đó có xuất hiện một cộng đồng người Việt đến từ miền Bắc.
Nếu như nhiều người dân miền Nam trước đây tin cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của tự do thì đối với phần lớn người dân miền Bắc và thế hệ trẻ hiện nay ở miền Nam, cờ đỏ sao vàng không hẳn là biểu tượng của chế độ mà là biểu tượng quốc gia. Nhiều người đã đứng dưới lá cờ ấy để đấu tranh cho điều mà họ tin là độc lập, tự do; nhiều người đã theo lá cờ ấy mà không phải là cộngsản.
Nhiều người dân trong nước vẫn dùng cờ đỏ khi bày tỏ lòng yêu nước.
Tất nhiên cũng cần phân biệt hành động của một số kẻ cực đoan (chống lại cờ đỏ sao vàng) với hành vi của những quan chức chính quyền. Ngăn cản những du học sinh đến từ Việt Nam sử dụng cờ đỏ sao vàng cũng là một việc làm phi dân chủ. Những người hiểu được các giá trị của tự do không thể ngăn cản người khác đứng dưới một lá cờ mà mình không thích.
Nhiều người Mỹ vẫn treo cờ miền Nam cho tới ngày nay cho dù nội chiến Bắc – Nam đã kết thúc từ năm 1865. Thật khó để nghĩ tới tình huống người dân miền Nam Việt Nam được phép treo cờ vàng sau ngày 30-4-1975. Cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm không chỉ thống nhất non sông mà còn để áp đặt ý thức hệ cộng sản lên người dân Việt. Một thời, phải “yêu chủnghĩa xã hội” mới được Đảng công nhận là yêu nước. Ngay lá cờ nửa đỏ nửa xanh của “mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam” một tổ chức do Đảng cộng sản lập ra cũng đã biến mất chỉ sau mấy tháng.
Nhiều người Việt Nam nghĩ, làm biến mất lá cờ vàng ba sọc đỏ là khôn ngoan. Nhiều người cho rằng lá cờ đó thuộc về một chính thể không còn tồn tại và là biểu tượng của một sự thất bại. Nhiều người được dạy, lá cờ đó gắn liền với những xấu xa như là “Việt gian, bán nước”.
Cuối năm 2012, sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha bị bắt khi rải truyền đơn ở Long An có kèm theo biểu tượng cờ vàng.
Chúng ta không có đủ thông tin để khẳng định Phương Uyên và Nguyên Kha chủ động chọn lá cờ này hay được hướng dẫn “bởi các thế lực bên ngoài”. Cho dù lá cờ ấy đến từ bên nào cũng cho thấy cờ vàng đã không biến mất như nhiều người mong muốn. Cho dù không ai biết được lá cờ nào sẽ được chọn trong tương lai, sự trở lại của cờ vàng buộc chúng ta phải thừa nhận, trong nội bộ người Việt với nhau còn bao gồm cả người Việt Nam quốc gia và người Việt Nam cộng sản.
Và, trong không gian nước Việt cũng không chỉ có người Việt.
Chín mươi triệu người dân Việt Nam rõ ràng không phải là “con một cha, nhà một nóc”. Khi “mở cõi” xuống phía Nam, các bậc tiền bối đã từng mang cuốc nhưng cũng đã từng mang gươm.
Người dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên và những bộ tộc Chăm chưa hẳn không còn nghĩ tới đế chế Champa. Những chính khách đối lập ở Campuchia vẫn thường khai thác chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi nhắc Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây một thời là đất đai của họ…
Sự khác biệt đó trong cộng đồng Việt Nam có thể là những mối đe dọa, đồng thời, cũng là nền móng để xây xựng một Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Một quốc gia sẽ trở nên vững mạnh khi sự đa dạng được thừa nhận. Một quốc gia cũng có thể rơi vào sự hỗn loạn hoặc không thể phát triển nếu sự thống nhất bị phá vỡ.
Nhưng, thống nhất quốc gia mà không dựa trên nền tảng hòa giải quốc gia thì sự thống nhất đó chỉ là tạm thời. Thống nhất quốc gia mà bằng cách ém nhẹm lịch sử và dùng vũ lực để dập tắt sự trỗi dậy của những sự khác biệt thì chẳng khác nào gài vào thế hệ tương lai một trái bom.
Nam Tư thời Tito được coi là thịnh trị, các cuộc nổi dậy đều bị dập tắt. Nhưng, ngay những ngày đầu thời hậu Tito, nước Nam Tư bắt đầu rơi vào một thập niên xung đột. Các sắc tộc chém giết lẫn nhau, cơ cấu liên bang sụp đổ. Không chỉ có Nam Tư, Indonesia hồi thập niên 1990 và Myanmar hiện nay cũng đang diễn ra những điều tương tự.
Đừng sợ những người Khmer ở miền Tây sẽ đòi mang đất về Campuchia trừ khi về phát triển và tự do, dân chủ, Việt Nam kém quá nhiều so với Campuchia. Không có người dân Arizona nào không biết đất ấy từng thuộc về Mexico nhưng không ai đòi đưa Arizona trả về cho “đất mẹ”. Ranh giới quốc gia càng ngày càng trở nên mong manh. Ở đâu có cơm no áo ấm hơn, ở đâu có tự do hơn, thì người dân sẽ chọn.
Sự khác biệt và đa dạng lúc nào cũng có thể bị kích động bởi các thế lực cực đoan. Không phải độc tài, toàn trị mà theo kinh nghiệm của những quốc gia thành công, càng nhiều tự do thì càng tránh cho sự khác biệt đó trở thành xung đột.
Tiến trình tự do cũng phải mất thời gian để thuyết phục không chỉ với những người đang cầm quyền mà cả những người dân bình thường và những thành viên trên facebook này. Trong ngày 30-4, có thể nhiều người không muốn treo cờ đỏ sao vàng (khi bị tổ dân phố yêu cầu) nhưng chính họ, chưa chắc đã hài lòng khi nhà hàng xóm treo cờ vàng ba sọc đỏ. Vấn đề là chính quyền phải làm sao để mọi phản ứng đều phải ở dưới hình thức ôn hòa.
Câu chuyện đốt cờ Mỹ sau đây có thể giúp ta có thêm thời gian suy nghĩ.
Nhiều thập niên sau nội chiến (1861-1865) nhiều người Mỹ lo ngại giá trị quốc kỳ bị giảm khi nó được các thương gia dùng để vẽ logo và đặc biệt khi nhiều người da trắng ở miền Nam thích treo cờ miền Nam (Confederate flag) hơn. Để phản ứng lại điều này, 48 tiểu bang của Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm mạo phạm quốc kỳ, các hành động như xé, đốt, dùng cờ để quảng cáo… đều bị cấm.
Năm1905, Halter đã bị tòa tiểu bang buộc tội “khi kỳ” khi bán những chai bia có in cờ Mỹ. Năm 1907, Halter tiếp tục thua kiện ở Tối cao pháp viện.
Cho tới năm 1968, Quốc hội Mỹ vẫn thông qua luật cấm “đụng chạm” tới quốc kỳ sau khi một nhóm người Mỹ chống chiến tranh Việt Nam đốt cờ ở Central Park. Nhưng một năm sau đó, khi nghe tin cảnh sát bắn James Meredith, một nhà hoạt động dân quyền, Sydney Street đã đốt một lá cờ Mỹ ở một ngã tư của New York. Ông bị bắt và bị buộc tội “khi kỳ”.
Sydney Street kháng án vì cho rằng: “Nếu cảnh sát làm điều đó với Maredith chúng ta không cần lá cờ Mỹ”. Tối cao pháp viện đã bác án của tòa New York vì, Hiến pháp bảo vệ quyền bày tỏ chính kiến khác nhau, bao gồm cả quyền thách thức hay khinh thường quốc kỳ.
Cuộc đấu tranh đã không dừng lại.
Năm 1972, một học sinh ở Massachusetts, Goquen, bị bắt, bị xử 6 tháng tù khi may một cờ Mỹ ở đít quần. Nội vụ được chuyển lên Tối cao pháp viện. Tối cao pháp viện tuyên bố luật tiểu bang (dùng để xử Goquen) là vi hiến. Các vị thẩm phán Tối cao cho rằng, trong một quốc gia đa văn hóa, có những hành động mà người này cho là “khinh ” thì người kia lại cho là trân trọng, cho nên, chính phủ không có quyền bảo người dân phải bày tỏ thái độ, ý kiến theo cách nào.
Năm 1984, để phản đối các chính sách của Tổng thống Reagan, Lee Johnson đã nhúng dầu và đốt một lá cờ trước cửa cung đại hội của đảng Cộng hòa. Ông bị bắt, bị xử tù 1 năm và phải nộp phạt 2000 dollars. Tòa tối cao tiểu bang Texas bảo vệ Johnson và cho rằng tòa án cấp dưới sai khi coi hành vi “gây xáo trộn xã hội” của Johnson là “tội”. Theo Tòa tối cao Texas: Tạo ra sự bất ổn, tạo ra sự xáo trộn, thậm chí tạo ra sự giận dữ của người dân là cần thiết, vì chỉ khi đó chính phủ mới biết rõ nhất chính kiến người dân.
Vụ việc dẫn tới, năm1989, Tối cao pháp viện Mỹ quyết định bãi bỏ các luật cấm đốt cờ ở 48 tiểu bang. Các quan tòa đưa ra phán quyết này giải thích rằng, nếu tự do bày tỏ chính kiến là có thật nó phải bao gồm cả tự do bày tỏ những ý kiến mà người khác không đồng ý, hoặc làm người khác khó chịu. Ngay cả thái độ với quốc kỳ, chính phủ cũng không có quyền bắt người dân chỉ được gửi đi những thông điệp ôn hòa và không làm cho ai khó chịu. Cuộc tranh cãi kéo dài tới nhiều năm sau, Quốc hội Mỹ có thêm 7 lần dự thảo tu chính án để chống lại phán quyết này nhưng đều thất bại.
Việc để cho người dân treo lá cờ cũ của phe bại trận miền Nam, việc để cho người dân quyền được bày tỏ thái độ, kể cả bằng cách đốt cờ, đã không làm cho giá trị quốc kỳ của Hoa Kỳ giảm xuống.
Những điều trên đây rõ ràng chưa thể xảy ra ở Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng không nên coi đấy là độc quyền của Mỹ. Người dân Việt Nam cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Người dân Việt Nam, dù là Việt hay H’mong, dù là Khmer hay Chăm… cũng xứng đáng được gìn giữ và phát triển sự khác biệt của mình. Người Việt Nam, dù là cộng sản hay quốc gia, cũng xứng đáng có quyền bày tỏ những gì mà mình tin tưởng.
Không thể có tự do trong một chế độc tài toàn trị. Nhưng, tự do cũng không thể có nếu như mỗi người dân không tự nhận ra đó là quyền của mình. Bạn không thể hành động như một người tự do nếu không bắt đầu bằng tự do trong chính tư duy của bạn.
 
Huy Đức
 
Source : Blog Osin

26/5/13

Vẻ đẹp cơ thể phụ nữ qua tác phẩm của các danh họa


Theo REDS.VN

Link : http://reds.vn/


Dõi theo lịch sử ngành mỹ thuật, chúng ta có thể thấy vẻ đẹp cơ thể phụ nữ đã được hàng vạn họa sĩ khám phá, thể hiện ở hàng triệu họa phẩm ra mắt từ xưa tới nay, được thể hiện hết sức đa dạng, đặc biệt là phản ánh qua lăng kính của các thiên tài nghệ thuật.
Xin chọn lọc một số bức họa quý báu trong tài sản văn hóa của nhân loại từ giai đoạn Phục hưng đến nay để các bạn thưởng thức và thấy được vẻ đẹp người Phụ nữ đã được các danh họa thể hiện như thế nào.

La Primavera, Sandro Botticelli (1482)
The Birth of Venus, Sandro Botticelli (1485)
The Birth of Venus, Sandro Botticelli (1485)
1500
The Three Graces - Raphael (1504)
Leda the Swan, Leonardo da-Vinci (1510)
Allegory, Angelo Bronzino (1569)
1600

Poussin Triumph de Neptun, Nicolas Poussin (1610)
Danae, Artemisia Gentileschi (1612)
Danae, Orazio Gentileschi (1621)
Judgement of Paris, Peter Rubens (1623)
Three graces, Peter Rubens (1639)
Venus at her mirror, Diego de Velázquez (1651)
1700
Diana after the Hunt, Francois Boucher (1745)
Mademoiselle O'Murphy, Francois Boucher (1752)
The Sabine Women Enforcing Peace by Running between the Combatants, Jacques-Louis David (1794-1799)
1800
The Nude Maja, Francisco de Goya (1800)
La grande Odalisca - Jean-August Dominique Ingres (1814)
Venere Anadiomene - Jean-August Dominique Ingres (1848)
La Sorgente - Jean-August Dominique Ingres (1856)
Une Odalisque - Gervex Henri (1843)
La bagnante - Gustave Courbet (1845)
Apres le bain - Bouguereau (1875)
Sirens, Charles Edward Boutibonne (1883)
L'innocence - Felix Henri Giacomotti (1884)
La Brie du Printemps - William-Adolphe Bouguereau (1825-1905)
Le Printemps, William-Adolphe Bouguereau
The Abduction of Psyche, William-Adolphe Bouguereau
Young Girl Defending Herself against Eros, William-Adolphe Bouguereau (1880)
La Vague, William-Adolphe Bouguereau (1896)
The Bathers, Pierre Auguste Renoir (1887)
Nude, Pierre Auguste Renoir
1900
Danae, Carolus-Duran (1837 - 1917)
At Low Tide, Sir Edward John Poynter (1908)
D.D.5a, Sir Gerald Kelly (1924)
Movimento, , Bruno Di Maio
Untitled Nude Brunette, Bruno Di Maio

S.T

25/5/13

Ngày của Mẹ và những «hộp đựng nước mắt»


André Menras – Hồ Cương Quyết/ BVN

Phạm Toàn dịch
imagesDâng tặng các bà mẹ Tà Ru hôm qua hôm nay và ngày mai, và cũng thầm nghĩ trong lòng tới những bà mẹ Tà Ru ngư dân.
Vào Ngày của Mẹ hôm ấy, tôi đã mang tới bà những đóa hoa trắng nức hương. Bà ngồi không nhúc nhích trong chiếc ghế bành, đôi mắt thường ngày như đã tắt bỗng bừng cháy. Phải chăng vì hương hoa hồng? Bà mỉm cười với tôi, và cái miệng nhỏ tội nghiệp của bà cất tiếng: « – Con đó à… » Rồi ý nghĩ cùng ánh nhìn đã dịu đi lại đảo nhìn đâu đó lên trời, phía sau khung cửa sổ, tựa hồ như đuổi theo những đám mây. Trên khuôn mặt bà nhăn nheo, những đường hằn cái thì sâu cái thì mỏng. Những vết nhăn hằn rõ sau nhiều năm dài thấp thỏm không còn được gặp lại người con trai độc nhất? Những vết nhăn hiển nhiên là vô tình dâng hiến cho các bà mẹ Việt, cả những bà mẹ «anh hùng» hoặc «không anh hùng», san sẻ cùng các bà mẹ Việt cho dù bà không biết nước Việt ở nơi đâu? Chắc chắn là những vết hằn sâu nhất là những vết hằn đã được đem sẻ chia. Những vết hằn cắm rễ sâu trong con tim và không một ai không một duyên cớ gì có thể xóa nổi.
- Con chưa đi ư?
- Không, má à, con không đi.
Tôi đảo về nhà trong vài tiếng đồng hồ… Tôi chạy xe, và chen chúc xô đẩy trong đầu tôi là cả một đống hình ảnh ngày qua và hôm nay. Vào phòng làm việc, như có một sức mạnh không cưỡng nổi xô tôi tới và mở chiếc hộp bánh quy cũ bằng kim loại nơi mẹ tôi cất giữ như kho báu những bức điện tín và nhiều tài liệu chính thức khác, những lá thư viết từ trong tù với những mảng kiểm duyệt lớn bằng bút dạ đen, những mẩu báo cũ cắt ra có nội dung về người con trai bà sau song sắt nhà tù tại một đất nước xa xôi… Bà gọi đó là «hộp đựng nước mắt» của bà. Tôi đã mượn bà chiếc hộp ấy và cất trong phòng mình, muốn tránh cho bà nhìn thấy nó, đầu óc tôi ngây thơ nghĩ rằng như vậy sẽ tránh cho trái tim bà khỏi trỗi dậy sự lo lắng ám ảnh mỗi khi nhìn thấy nó. Nhưng rõ ràng là cái hộp vẫn cứ hiển hiện trong đầu bà, nắp hộp luôn luôn mở.
Ngày của Mẹ, tôi nghĩ tới cả ngàn, cả trăm ngàn, cả triệu những chiếc «hộp đựng nước mắt» bằng đủ thứ vật liệu, mang mọi hình dáng, được thành kính đặt trên đồ gỗ hoặc đặt trong trái tim vô vàn bà mẹ Việt, bà mẹ Pháp, bà mẹ Mỹ, những bà mẹ mắt đã khô vì khóc đã quá nhiều!
Hôm nay đây, khi bom đạn trong nhiều thập niên không còn rơi xuống đất nước thứ hai của tôi, thì những «hộp đựng nước mắt» vẫn tiếp tục được mở nắp. Hàng trăm, có thể hàng ngàn hộp. Mỗi ngày lại có hàng trăm hộp đến chen hàng vào đám rước ác độc ấy. Mở ra và đậy lại trong một nghi thức sầu thảm bởi những bàn tay nhỏ nhắn run rẩy, len lén không cho ai thấy, tránh cả những cặp mắt nhìn để bày tỏ tình đoàn kết.
Vào lúc này đây, tôi nghĩ tới hai «hộp đựng nước mắt» được mở nắp dưới ánh sáng cháy bỏng của ngọn lửa thời sự: hai chiếc hộp của mẹ Phương Uyên và mẹ Kha. Hai con người dũng cảm, đĩnh đạc, ngay thẳng, mắt trong sáng và không vương giọt lệ nào nhìn thẳng các quan tòa đang xử mình, nhìn thẳng vào một cường quyền đang run lên như cái cường quyền rất nhiều người trong chúng tôi từng nhìn thấy khi chúng tôi hai mươi tuổi. Một cường quyền càng tự thấy mình đáng bị kêu án thì lại càng đưa ra những kết án nặng.
Không đâu, thưa các vị quan tòa, xin các vị đừng bảo tôi rằng hai bạn trẻ ấy là những tên khủng bố đang kêu gọi bạo lực hoặc kêu gọi quay về chế độ cũ. Vâng, hai bạn đó có in lá cờ của Việt Nam Cộng hòa, chính cái lá cờ mà bản thân tôi đã cảm nhận đủ trong thịt da mình và trong những nỗi đau của bè bạn mình toàn bộ sự bạo hành, sự man rợ được lá cờ đó đại diện tại bất cứ nơi nào nó tung bay trong xã hội và trong vô vàn nhà tù công khai hoặc bí mật.
Nhưng liệu hai bạn trẻ của chúng ta có biết rõ bản chất thực sự của chế độ đó? Phẩm chất Việt Nam của hai bạn trẻ đã không chỉ giữ lại từ lá cờ kia sự cương quyết bảo vệ vùng biển và những hòn đảo tổ tiên để lại chống lại những cơn đói của Bắc Kinh, trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam thì còn xa mới cho thấy là họ có cùng sự cương quyết bảo vệ đất nước như thế? Tôi hoàn toàn tin rằng hai bạn trẻ đã in lá cờ kia để làm một sự thách đố và bởi vì hai bạn không còn thấy cách nào khác làm nơi quy chiếu để chống lại cái chế độ cảnh sát trị hiện thời càng ngày càng thể hiện rõ là chế độ diệt tự do, chế độ đồi bại, chế độ đớn hèn đang hợp tác với bọn xâm lăng Trung Hoa. Hai bạn đó đã nói, đã viết những gì «không hay» đối với bọn lãnh đạo Bắc Kinh? Thế thì họ đã làm đúng! Nghìn lần đúng và họ cần được khen ngợi vì những điều như thế!
Tôi hoàn toàn tin rằng nếu hai bạn đó sống vào cuối những năm 1960, thì họ cũng sẽ có mặt trong những cuộc biểu tình của sinh viên chống quân xâm lược Mỹ và cái chế độ phục vụ cho bọn xâm lược ấy. Chắc chắn các bạn trẻ này cũng in truyền đơn và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng! Hẳn là hai bạn cũng như lũ chúng tôi sẽ bị ra tòa án quân sự của Việt Nam Cộng hòa và để được cái chế độ ấy sau những cuộc tra tấn thông thường sẽ gửi họ ra các nhà lao Thủ Đức, Tân Hiệp, Chí Hòa, Côn Đảo , Phú Quốc…
Thưa chư vị quan tòa, chư vị biết rõ đấy, chân lý thật vô cùng đơn giản: những bạn trẻ này có một tình yêu chính đáng, họ có lòng tôn kính và một tham vọng cho đất nước và nhân dân mình. Hàng ngày họ phẫn nộ nhìn thấy những khát vọng ấy bị nhạo báng, và chính những điều đó đã đẩy họ vào hành động. Một hành động lành mạnh, trong suốt, lô gích, càng ngày càng thấy đó là điều tất yếu và càng thúc đẩy thêm nhiều người trẻ dấn thân vào con đường ấy, bởi vì, dù có biết bao nhiều bài diễn văn tuyên truyền song thực tại của các sự kiện vẫn chỉ cho họ thấy rằng chẳng còn có thể chờ đợi điều gì tốt đẹp nữa từ hàm răng của Bắc Kinh hoặc từ cái lưỡi của bọn này là Đảng Cộng sản Việt Nam đương thời. Cả hai đều «nói một đằng, làm một nẻo» (tiếng Việt trong nguyên bản – ND) để cuối cùng và thực sự cùng gặp nhau ở điểm mấu chốt: cùng bám lấy cường quyền. Cả hai đều sử dụng bạo hành, sự sợ hãi và sự thao túng như là những phương tiện chủ chốt trong thông tin. Cả hai đều tuyệt đối xa lạ với nền dân chủ thực sự và trên thực tế cả hai đều trở nên xa lạ với nhân dân của mình. Tôi hoàn toàn tin rằng Phương Uyên và Kha đã in lá cờ chế độ cũ vì nổi loạn nhiều hơn là vì dính líu về chính trị hoặc về ý thức hệ. Vả chăng, ngay cả khi không vì động cơ như thế, thì tôi sẽ vẫn tán thành câu này của Voltaire mà mọi nhà lãnh đạo của thế kỷ XXI đều phải nhớ làm lòng: «Tôi không đồng ý với diều bạn nói ra, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền bạn được nói ra điều ấy».
Hôm nay đây, chọn lựa duy nhất chân chính là theo lối ấy. Bất kể bao nhiêu bản án còn sắp đem ra xử, con đường tiến bộ bền vững không nằm trong chế độ cảnh sát trị, chế độ diệt tự do, chế độ cúi đầu khuất phục trước sự xâm lăng của Trung Quốc. Con đường đó cũng không nằm trong sự quay lui tiếc rẻ một nền độc tài thời chiến phục vụ vô điều kiện trước cuộc xâm lăng của ngoại bang.
Chọn lựa duy nhất nằm trong cuộc đấu tranh ôn hòa, quyết liệt và không khoan nhượng theo con đường dân chủ, con đường mang sắc màu Việt, trong sự đoàn kết và hòa giải dân tộc thực thụ, với sự tôn trọng những lựa chọn được bộc lộ tự do của nhân dân. Đó là con đường duy nhất để ngăn chặn một cuộc chiến tranh đang nung ủ âm thầm và đang dần dần hiện rõ, chống lại nạn xâm lăng, sự cúi đầu cam chịu và cảnh hổ nhục. Đó là con đường cứu nước duy nhất. Đó là con đường duy nhất để chuyển vào Bảo tàng Khổ đau tất cả các «hộp đựng nước mắt», để đẩy lui mọi khổ đau đang đe dọa bùng nổ ở khắp các tầng lớp xã hội Việt Nam, từ những tầng lớp bình dân tới những nhà trí thức. Nếu những nhà lãnh đạo vẫn cứ cho rằng chỉ riêng họ là có thể sắp đặt hài hòa số phận của đất nước và nếu những người lãnh đạo này vẫn bám lấy cách chọn lựa điên rồ, thì không chóng thì chầy những «hộp đựng nước mắt» sẽ mở ra ngay bên trong các gia đình những viên quan tòa vẫn đang tưởng mình luôn luôn được chở che an toàn.
Vào Ngày vui này của tất cả những ai đã mang lại sự sống mà trong lòng chỉ biết đến phúc lành, hẳn là tôi không bao giờ quên những bà mẹ tội nghiệp của mọi thứ «tự do cái con c**» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) như của cái anh nào đó ở quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, như của tất cả những anh tên Minh ở Hà Nội và khắp nơi vốn sùng bái chuyện đạp chân lên mặt các công dân yêu nước trung thực hiền hòa và trong tay chẳng có gì để tự vệ, như của tất cả những tên lưu manh khốn kiếp được bọn ấy chỉ huy và đang đẩy những thanh chắn bằng sắt ra che chắn các góc những con phố nhỏ để đổi lấy vài mẩu xương phần thưởng.
Hiển nhiên là đối với bọn chúng thì Voltaire và Tự Do chẳng có ý nghĩa gì sất, bởi vì cái xã hội người ta hứa hẹn cho chúng hoặc tiểu sử bản thân chúng đã lột đi hết của chúng mọi thứ gì thuộc về tính người.
Bọn chúng đã đến độ lóa mắt trước dòng xoáy bạo hành đang dâng, bọn chúng trở nên ngu độn và bị thao túng để đi tới chỗ nào cường quyền kéo họ tới và duy trì lực lượng đó; bọn chúng đã tới độ say sưa vì thấy mình cũng có chút quyền hành và hình dung đó là những quyền hành vĩnh cửu.
Bọn chúng không lường được hết sức mạnh của ý thức nhân dân và của lòng yêu nước và cũng chẳng nghĩ đến những hệ quả cho bản thân vì những hành động tội phạm chúng chống lại đồng bào, chống lại nhân dân.
Lòng trung thực của trí tuệ, tình đoàn kết, tinh thần hy sinh là những gì xa lạ với bọn chúng. Trong một cuộc sống càng ngày càng khó ẩn mình, càng khó giấu giếm mọi lời nói và mọi hành vi, liệu những kẻ khốn cùng này có biết chăng, với những đòn roi chúng tung ra, với những lưỡi chửi rủa chúng phun ra, với những nhà tù chúng đặt ra, chúng đang mở một cái hộp khác, cái hộp Bất Ngờ (nguyên văn: hộp Pandore – ND) từ đó sẽ chui ra những «hộp đựng nước mắt» mới, trong đó có những hộp đựng nước mắt của những bà mẹ đẻ ra chúng và của các bà vợ chúng?
A.M. – P.T.

Source : BVN

24/5/13

SỰ TẦM THƯỜNG




                             NGUYỄN KHOA ĐIỀM


Bây giờ ta có thể bầu bạn với sự tầm thường
 Vợ chồng sớm chiều treo mình lên cái đinh mắc màn
 Bàn chuyện chạy chọt
 Những đứa trẻ phải vào được lớp một
Đừng gieo vào đầu con những mơ ước xa xôi
 Mơ ước nào cũng có giá.
Đôi người nhắc nhở rằng
 Không phải độc lập tự do cao quý hơn tất cả
Mà chính là nhẫn nhục để ổn định.
Đức Phật từ bi
 Xin người đừng mắng tôi
 Khi tôi nói lắm kẻ muốn ngài ngậm miệng ăn tiền
 Với tờ giấy bạc trên miệng.
 Sự tầm thường thật kín kẽ
Mặc những tấm áo đúng thời tiết
 Tụ tập trên các diễn đàn
 Nói lời rỗng
Đồng phục các cuộc thảo luận đại sự
Luôn luôn tìm một mặt bằng để ngả lưng
Chúng ta có đủ mọi phong trào, các cuộc họp liên miên
Để chỉ nhõn sắm ra sự tầm thường
 Tai quái.
 Chúng ta coi sự sáng tạo là đáng sợ
Chúng ta ghét bọn “chơi trội”
Cứ bày ra chuyện đâu đâu
 Họ đâu biết tiếng “ keng” của sự cụng ly
 Nói nhiều hơn tất cả !
Bây giờ các bí thư sẽ chạy ra đường
- Thay vì bước vào phòng họp –
Để xua cán bộ làm việc.
 Bây giờ các nàng ca-ve học nói lời lịch sự
 Để tham gia nhóm lợi ích.
 Các bậc lão thành đang ngủ trong phòng máy lạnh,
 Nhường chỗ cho sự tầm thường lên ngôi …
Đôi khi tôi tin rằng chúng ta thua cỏ
Vì cỏ có thể lụi đi để sống lại
 Tốt tươi hơn
 Mãnh liệt hơn
 Trong khi sự tầm thường đóng bộ áo
 Tang chế, nhạt nhòa
 Cúi đầu
Đi sau cái chết

24.4.2013
 

19/5/13

Mối Họa Từ Trung Quốc

 Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 130516


Không chỉ đến từ Đông hải, mối họa Trung Quốc còn đến từ ngoài chợ
vào từng nhà chúng ta.


* Thịt chuột làm giả thịt cừu đ bán cho bầy lửa *





 
 
 






Trung Quốc đang là một vấn đề của thế giới, dù nhìn từ bất cứ một góc cạnh nào.

Sau khi chiếm Tân Cương vào năm 1949 rồi tấn công Tây Tạng vào năm 1950 khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc của Mao Trạch Đông vừa ra đời, họ thôn tính luôn Tây Tạng từ năm 1959 và kiểm soát khu vực rộng lớn của Hy Mã Lạp Sơn, rồi gọi đó là "quyền lợi cốt lõi". 

Ngày nay, khái niệm "hạch tâm nghĩa lợi" ấy mở ra khu vực Đông hải của họ và cả vùng Đông hải của Việt Nam, với cái lưỡi bò chín khúc bao trùm lên lãnh hải của nhiều quốc gia khác.

Do đã kiểm soát và khai thác đỉnh tuyết Tây Tạng, là nơi phát nguyên của nhiều con sông lớn của Á Châu, Trung Quốc còn thực tế phá hủy trật tự môi sinh trên thượng nguồn và chi phối cuộc sống của cả tỷ người dưới hạ nguồn của các dòng sông lớn tại Châu Á, từ xứ Kyrgyzstan qua Pakistan, đến Ấn Độ, Bangladesh, Miến Điện, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.

Chuyện phi lý là trong việc tranh chấp với Trung Quốc, nhà cầm quyền Hà Nội không cho người dân lên tiếng đả kích nhà cầm quyền Bắc Kinh. Những người bày tỏ ý kiếm chống chế độ Bắc Kinh còn có tội nặng hơn là chống đảng hay nhà nước cộng sản Việt Nam! Nhiều nhà báo đã được chế độ dằn mặt: đả kích đảng thì còn có thể bị cảnh cáo thôi, chứ loan tin xấu về Trung Quốc là lập tức mất việc và vào tù.

Từ bên ngoài, nói về vấn đề Trung Quốc ngoài Đông hải hoặc chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều người có thể dửng dưng hoặc cho là xa lạ khó khăn. Nhưng nếu thấy rằng hàng ngày, thế giới đang bị Trung Quốc đầu độc bằng thực phẩm độc hại, bằng các sản phẩm có thể gây bệnh cho người tiêu thụ thì đấy là chuyện thiết thực của mọi người, ở mọi nơi. Mối họa Trung Quốc có thể từ ngoài chợ tiến vào từng gia đình chúng ta.

Thực tế thì Trung Quốc trở thành là Trung tâm Đầu độc Toàn Cầu.

Trước hết, mô hình phát triển của Trung Quốc chỉ là công nghiệp hóa bằng cách học lóm và ăn cắp phát minh của thiên hạ nhằm đạt mức tăng trưởng cao mà bất kể về phẩm chất. Ngụ ngôn Trung Hoa có nói đến chuyện người nước Sở chỉ như con khỉ đột mũ mà tưởng rằng mình đã là văn minh. Lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay đã đội mũ và còn đòi làm Tề thiên Đại thánh!

Một hậu quả trước mắt là nạn hủy diệt môi trường sinh sống. Nhưng ô nhiễm môi sinh không chỉ giới hạn trong lãnh thổ làm dân chúng Trung Quốc là nạn nhân đầu tiên. Chính là thói kinh doanh bất lương và bất nhẫn khiến xứ này còn xuất cảng độc dược ra toàn thế giới. Nghĩa là không chỉ hủy diệt môi sinh mà còn hủy diệt sinh mạng người khác.

Về chuyện bên trong, thế giới có 20 thành phố ô nhiễm nhất thì Trung Quốc chiếm được 16 bảng vàng và hiện đứng đầu các nước về sản lượng thán khí đưa tới hiệu ứng nhà kiếng. Không khí độc hại của xứ này được thế giới chú ý và tính ra là năm 2010 đã làm hơn triệu người yểu tử. Ngân hàng Thế giới cho biết là chỉ có 1% của 560 triệu người Trung Hoa sống trong thành phố là có không khí an toàn theo tiêu chuẩn Âu Châu và thật ra bụi có thể thấm vào phổi qua đường hô hấp của họ cao gấp 11 lần bụi độc của Los Angeles.

Một trong các nguyên nhân là nhà máy điện chạy bằng than. Mà chuyện ấy đang tiếp tục vì mỗi tuần họ lại xây thêm một nhà máy độc hại với công suất đủ cho nhu cầu của một thành phố hơn một triệu dân. Một nguyên nhân khác là xe hơi với sức phun khói cao tại thành phố vì thiếu tiêu chuẩn lọc thán khí. Trung Quốc hiện có 90 triệu xe du lịch và sẽ có 400 triệu vào năm 2030. Xe du lịch thì vậy, loại xe chạy bằng dầu cặn diesel có sức phun lưu huỳnh cao gấp 23 lần xe Mỹ.

Mà nào chỉ có không khí. 

Trung Quốc thiếu nước ngọt tính theo đầu người và còn lạm thác nguồn nước là sông ngòi ao hồ. Vì vậy, phân nửa các giếng nước của họ bị nhiễm độc và 90% thị dân xứ này đang phải dùng nước nhiễm độc từ dưới lòng đất. Khi bị thế giới than phiền vì gieo độc qua xứ khác, đến tận các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ, Bắc Kinh chống chế rằng vì nền kinh tế còn nghèo nên họ cần tăng trưởng sản xuất hơn là bảo vệ môi sinh!

Việc Trung Cộng hủy hoại môi trường có thể là vấn đề nội bộ của họ, nhưng khi họ xuất cảng những mặt hàng độc hại thì thế giới và chúng ta ở bên ngoài phải được biết để còn tránh.

Nói rằng nên tẩy chay hàng hóa của Trung Quốc thì nhiều người có thể cho là đem chính trị vào kinh tế hoặc chính trị hóa một vấn đề xa xôi và gây thiệt hại cho các siêu thị bán hàng Trung Quốc. Nhưng vì quyền lợi và vì tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta có nên chú ý đến chuyện này hay không?

Trong thế giới toàn cầu hóa, người ta vận chuyển hàng hóa, con người và tư tưởng rộng rãi, nhanh và nhiều hơn. Nhưng vì tiến trình sản xuất hàng hóa bán qua xứ khác có đặc tính là tham lam và vô trách nhiệm, Trung Quốc không có chế độ kiểm phẩm, độc chất bên trong các món hàng của họ cũng gây bệnh cho khách hàng xứ khác.

Từ vụ sữa bột và thực phẩm cho trẻ em có chất độc melanine bùng nổ từ Tháng Chín năm 2008 thì thế giới mới nghi ngờ loại hàng "Made in China". Gần đây, sau khi bệnh H7N9 vừa bùng phát vào cuối Tháng Ba, Hiệp hội Hoá học Hoa Kỳ lại báo động vào Tháng Tư về hiện tượng gạo nhập cảng có nhuỗm chì, với hàm lượng cao gấp 30 đến 60 lần mức an toàn. Loại gạo độc này vào Mỹ từ Trung Quốc và Đài Loan. Hiệp hội này kết luận là dù Hoa Kỳ chỉ nhập cảng từ 7 đến 10% số gạo tiêu thụ trong nước, nhưng số nhập cảng tăng mạnh. Nếu trong gạo lại có chì thì dân Mỹ gốc Á sẽ là nạn nhân đầu tiên.

Chính người Việt Nam, ở trong và ngoài chính quyền đang cai trị xứ này, phải ý thức được mối nguy nhiều mặt của Trung Quốc, về kinh tế, an ninh, ngoại giao chính trị và cả văn hóa. Riêng về tình trạng đầu độc thì có một số điều nên suy nghĩ. 

Trước hết là Việt Nam đừng nhập hàng độc của Trung Quốc tuồn qua các tỉnh giáp biên với Việt Nam. Thứ hai là đừng... học theo Trung Quốc, tức là cũng vì máu tham mà sản xuất loại hàng thiếu vệ sinh như gạo tráng nhựa, cốm giả, mắm độc. Thứ ba là đừng làm cho Trung Quốc là nhập lậu hàng Trung Quốc rồi dán nhãn Việt Nam để bán vào các thị trường Âu Mỹ khi các nền kinh tế này muốn nâng đỡ Việt Nam. Thứ tư là phải quan tâm đến môi sinh vì đấy là môi trường sinh sống của chúng ta và các thế hệ về sau và học cách kiểm phẩm của thế giới văn minh. Cụ thể là hãy nhờ thân nhân bên này tìm hiểu và nhập cảng các dụng cụ kiểm phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị của hàng hóa mà mình sản xuất ra, lấy đó làm ưu thế về quảng cáo. Thứ năm là phải có can đảm tố giác độc chất của Trung Quốc: ngoài việc biểu tình cho Hoàng Sa và Trường Sa, thì phanh phui những sản phẩm độc hại của Trung Quốc cũng là điều cần thiết.

Người Việt ta có "vấn đề Trung Quốc của Việt Nam", nó nằm trong đảng cộng sản hiện nay ở Hà Nội. Các nước thì có "vấn đề Trung Quốc của thế giới". Chúng ta có thể giải quyết hai loại vấn đề đồng quy và song hành này trong tinh thần vận động dư luận và hợp tác với các nước khác. Ngoài ra, không nên quên rằng chính dân Trung Quốc cũng ý thức được mối nguy bị đầu độc nên ngày càng ưa chuộng thực phẩm nhập cảng từ ngoại quốc. Loan tải tin tức về sự chống đối của người dân Trung Quốc cũng là điều có lợi cho mục tiêu cảnh báo, và nhất là nói thay cho những người Việt ở trong nước bị chế độ bịt mệng.

Bài này được viết trong tinh thần đó.


Xe ủi đất trong dự án bauxite? Không, thịt heo nhiễm độc đấy


Source : Việt Tribune / Dainamax Tribune

 

18/5/13

Phạm Hồng Sơn - Trinh bạch lương tâm

 
Tháng 5 18, 2013
Phạm Hồng Sơn
 
Tòa án sơ thẩm tại Long An ngày 16/05/2013 đã tuyên án đối với hai thanh niên, Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, 6 năm tù kèm thêm 3 năm quản chế và Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, 8 năm tù, 3 năm quản chế. Theo những gì cáo trạng liệt kê thì họ có tội và lĩnh án như thế vì họ đã dám bày tỏ một cách ôn hòa tình yêu tổ quốc và sự bất bình đối với chính thể hiện tại. Điều rất đáng nói nữa là án tù (kể cả quản chế – một hình thức tù hợp pháp) trung bình hơn 10 năm cho mỗi thanh niên yêu nước đã được tuyên đúng vào ngày nhiều vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam phải chịu lệnh cấm đánh bắt cá của nhà nước Trung Quốc. Nghe nói về bản án, nhiều người đã thốt lên: “Ác quá!”, “Quá ác!”, “Quá nặng!”
Nhưng nhìn ở phương diện đấu tranh Thiện – Ác thì kết quả đó thể hiện đúng qui luật. Khi cái Ác đã đạt đến độ ngày càng bất chấp dư luận, không cần che đậy thì đương nhiên nó sẽ phải càng bạo liệt hơn với những cái Thiện dám cương cường chống lại nó. Mà cái cương cường của Phương Uyên và Nguyên Kha có một nét khác hẳn, ngoài tuổi rất trẻ, so với những cương cường trước, đó là họ đã dám công khai đưa ra một thông điệp, dù rất giản dị: Nếu muốn cứu nước, chống ngoại xâm thì cần chống Đảng (Cộng sản Việt Nam)[1]. Họ lý luận vì luật pháp không có điều nào cấm chống Đảng và họ nhận thấy điều cần thiết đó qua thái độ của Đảng trước hành vi xâm lăng từ Trung Quốc.
Có thể nói một trong những nan giải trong cuộc đấu tranh với độc tài ở Việt Nam hiện nay đó là việc cả cái Ác và (phần lớn) cái Thiện đều dùng chiến thuật lừa nhau. Hai bên đều tránh nói sự thật mà cả hai cùng biết dù cả hai cùng biết là đang lừa.
Ví dụ, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) biết rõ chả còn mấy ai tin rằng Đảng thực muốn hay có khả năng chống tham nhũng, tự chỉnh đốn theo xu thế tiến bộ hay muốn bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc nhưng ĐCSVN vẫn không ngừng tuyên truyền, kêu gọi về những vấn đề đó. Ngược lại, đa phần những người tỏ sự bất bình, muốn tiến bộ cũng biết rằng ĐCSVN chẳng tin họ có thiện cảm thực với Đảng nhưng đa phần vẫn bày tỏ, tin tưởng vào sự tiến bộ của Đảng, thậm chí còn tỏ rõ sự trung thành và bảo vệ Đảng. Rất nhiều người biết Hồ Chí Minh là người đã sinh ra chế độ độc tài hiện nay và biết ĐCSVN vẫn đang áp dụng những cách cai trị từ thời Hồ Chí Minh nhưng họ vẫn thể hiện coi như Hồ Chí Minh là tấm gương, mẫu mực. Hoặc đa phần rất chán ngán, nhà nước chính thể hiện nay nhưng vẫn thường phân bua, né tránh: “Không, tôi không chống nhà nước”. Trong khi đó, pháp luật không nói gì tới cấm chống Đảng và đạo đức hiển nhiên ngàn đời luôn dạy con người rằng cần phải chống lại mọi thứ xấu xa, ác độc, kể cả nhà nước.
Thế mà Nguyễn Phương Uyên đã khẳng khái trước tòa thế này: “Tôi dùng máu viết khẩu hiệu ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ và ‘Đảng Cộng sản chết đi’, khẩu hiệu bị cho là ‘phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam’, là vì tôi thể hiện lòng yêu nước khi tôi căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam đến tột cùng sự phẫn uất.”
Còn Đinh Nguyên Kha thì nói thẳng với tòa: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống Đảng Cộng sản. Mà chống Đảng thì không phải là tội.”
Nếu coi chính thể và nhân quần là hai bóng hình của nhau thì có thể thấy đặc tính thiếu trung thực của cả chính thể và nhân quần Việt Nam hiện nay là điều tất yếu. Nhưng cũng thấy sự tất yếu thay đổi của chính thể nếu nhân quần thay đổi.
Những lời mộc mạc mà khẳng khái của hai thanh niên tỉnh lẻ, còn rất trẻ và chưa nhiều học vấn như Phương Uyên và Nguyên Kha là một thể hiện lương tâm xã hội vẫn còn sự nguyên sơ, trong trắng hay đang có bước chuyển lại về dạng trong trắng, nguyên sơ. Không nguyên sơ không thể nói ra những thứ mà đa phần xã hội đều biết, nhưng im lặng. Không trong trắng không đời nào lại thốt ra những điều mà cầm chắc chỉ chuốc thêm hằn thù của cái Ác. Đó chính là sự trinh bạch lương tâm – điều tối thiểu cho mọi xã hội muốn phục Thiện, diệt Ác.
 
© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra



[1] Quan điểm đấu tranh (chống, tấn công,…) của tôi – Phạm Hồng Sơn – người viết bài này trước sau như một là dựa trên triết lý đấu tranh bất bạo động (non-violent struggle).
 
 
Source : pro&contra