Tháng 5
26
2013
André Menras – Hồ Cương Quyết/ BVN
Phạm Toàn dịch
Dâng tặng các bà mẹ Tà Ru hôm qua hôm nay và ngày mai, và cũng thầm nghĩ trong lòng tới những bà mẹ Tà Ru ngư dân.
Vào Ngày của Mẹ
hôm ấy, tôi đã mang tới bà những đóa hoa trắng nức hương. Bà ngồi không
nhúc nhích trong chiếc ghế bành, đôi mắt thường ngày như đã tắt bỗng
bừng cháy. Phải chăng vì hương hoa hồng? Bà mỉm cười với tôi, và cái
miệng nhỏ tội nghiệp của bà cất tiếng: « – Con đó
à… » Rồi ý nghĩ cùng ánh nhìn đã dịu đi lại đảo nhìn đâu đó lên trời,
phía sau khung cửa sổ, tựa hồ như đuổi theo những đám mây. Trên khuôn
mặt bà nhăn nheo, những đường hằn cái thì sâu cái thì mỏng. Những vết
nhăn hằn rõ sau nhiều năm dài thấp thỏm không còn được gặp lại người con
trai độc nhất? Những vết nhăn hiển nhiên là vô tình dâng hiến cho các
bà mẹ Việt, cả những bà mẹ «anh hùng» hoặc «không anh hùng», san sẻ cùng
các bà mẹ Việt cho dù bà không biết nước Việt ở nơi đâu? Chắc chắn là
những vết hằn sâu nhất là những vết hằn đã được đem sẻ chia. Những vết
hằn cắm rễ sâu trong con tim và không một ai không một duyên cớ gì có
thể xóa nổi.
- Con chưa đi ư?
- Không, má à, con không đi.
Tôi đảo về nhà
trong vài tiếng đồng hồ… Tôi chạy xe, và chen chúc xô đẩy trong đầu tôi
là cả một đống hình ảnh ngày qua và hôm nay. Vào phòng làm việc, như có
một sức mạnh không cưỡng nổi xô tôi tới và mở chiếc hộp bánh quy cũ bằng
kim loại nơi mẹ tôi cất giữ như kho báu những bức điện tín và nhiều tài
liệu chính thức khác, những lá thư viết từ trong tù với những mảng kiểm
duyệt lớn bằng bút dạ đen, những mẩu báo cũ cắt ra có nội dung về người
con trai bà sau song sắt nhà tù tại một đất nước xa xôi… Bà gọi đó là
«hộp đựng nước mắt» của bà. Tôi đã mượn bà chiếc hộp ấy và cất trong
phòng mình, muốn tránh cho bà nhìn thấy nó, đầu óc tôi ngây thơ nghĩ
rằng như vậy sẽ tránh cho trái tim bà khỏi trỗi dậy sự lo lắng ám ảnh
mỗi khi nhìn thấy nó. Nhưng rõ ràng là cái hộp vẫn cứ hiển hiện trong
đầu bà, nắp hộp luôn luôn mở.
Ngày của Mẹ, tôi
nghĩ tới cả ngàn, cả trăm ngàn, cả triệu những chiếc «hộp đựng nước mắt»
bằng đủ thứ vật liệu, mang mọi hình dáng, được thành kính đặt trên đồ
gỗ hoặc đặt trong trái tim vô vàn bà mẹ Việt, bà mẹ Pháp, bà mẹ Mỹ,
những bà mẹ mắt đã khô vì khóc đã quá nhiều!
Hôm nay đây, khi
bom đạn trong nhiều thập niên không còn rơi xuống đất nước thứ hai của
tôi, thì những «hộp đựng nước mắt» vẫn tiếp tục được mở nắp. Hàng trăm,
có thể hàng ngàn hộp. Mỗi ngày lại có hàng trăm hộp đến chen hàng vào
đám rước ác độc ấy. Mở ra và đậy lại trong một nghi thức sầu thảm bởi
những bàn tay nhỏ nhắn run rẩy, len lén không cho ai thấy, tránh cả
những cặp mắt nhìn để bày tỏ tình đoàn kết.
Vào lúc này đây,
tôi nghĩ tới hai «hộp đựng nước mắt» được mở nắp dưới ánh sáng cháy bỏng
của ngọn lửa thời sự: hai chiếc hộp của mẹ Phương Uyên và mẹ Kha. Hai
con người dũng cảm, đĩnh đạc, ngay thẳng, mắt trong sáng và không vương
giọt lệ nào nhìn thẳng các quan tòa đang xử mình, nhìn thẳng vào một
cường quyền đang run lên như cái cường quyền rất nhiều người trong chúng
tôi từng nhìn thấy khi chúng tôi hai mươi tuổi. Một cường quyền càng tự
thấy mình đáng bị kêu án thì lại càng đưa ra những kết án nặng.
Không đâu, thưa
các vị quan tòa, xin các vị đừng bảo tôi rằng hai bạn trẻ ấy là những
tên khủng bố đang kêu gọi bạo lực hoặc kêu gọi quay về chế độ cũ. Vâng,
hai bạn đó có in lá cờ của Việt Nam Cộng hòa, chính cái lá cờ mà bản
thân tôi đã cảm nhận đủ trong thịt da mình và trong những nỗi đau của bè
bạn mình toàn bộ sự bạo hành, sự man rợ được lá cờ đó đại diện tại bất
cứ nơi nào nó tung bay trong xã hội và trong vô vàn nhà tù công khai
hoặc bí mật.
Nhưng liệu hai
bạn trẻ của chúng ta có biết rõ bản chất thực sự của chế độ đó? Phẩm
chất Việt Nam của hai bạn trẻ đã không chỉ giữ lại từ lá cờ kia sự cương
quyết bảo vệ vùng biển và những hòn đảo tổ tiên để lại chống lại những
cơn đói của Bắc Kinh, trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam thì còn xa mới
cho thấy là họ có cùng sự cương quyết bảo vệ đất nước như thế? Tôi hoàn
toàn tin rằng hai bạn trẻ đã in lá cờ kia để làm một sự thách đố và bởi
vì hai bạn không còn thấy cách nào khác làm nơi quy chiếu để chống lại
cái chế độ cảnh sát trị hiện thời càng ngày càng thể hiện rõ là chế độ
diệt tự do, chế độ đồi bại, chế độ đớn hèn đang hợp tác với bọn xâm lăng
Trung Hoa. Hai bạn đó đã nói, đã viết những gì «không hay» đối với bọn
lãnh đạo Bắc Kinh? Thế thì họ đã làm đúng! Nghìn lần đúng và họ cần được
khen ngợi vì những điều như thế!
Tôi hoàn toàn tin
rằng nếu hai bạn đó sống vào cuối những năm 1960, thì họ cũng sẽ có mặt
trong những cuộc biểu tình của sinh viên chống quân xâm lược Mỹ và cái
chế độ phục vụ cho bọn xâm lược ấy. Chắc chắn các bạn trẻ này cũng in
truyền đơn và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng! Hẳn là hai bạn cũng như lũ
chúng tôi sẽ bị ra tòa án quân sự của Việt Nam Cộng hòa và để được cái
chế độ ấy sau những cuộc tra tấn thông thường sẽ gửi họ ra các nhà lao
Thủ Đức, Tân Hiệp, Chí Hòa, Côn Đảo , Phú Quốc…
Thưa chư vị quan
tòa, chư vị biết rõ đấy, chân lý thật vô cùng đơn giản: những bạn trẻ
này có một tình yêu chính đáng, họ có lòng tôn kính và một tham vọng cho
đất nước và nhân dân mình. Hàng ngày họ phẫn nộ nhìn thấy những khát
vọng ấy bị nhạo báng, và chính những điều đó đã đẩy họ vào hành động.
Một hành động lành mạnh, trong suốt, lô gích, càng ngày càng thấy đó là
điều tất yếu và càng thúc đẩy thêm nhiều người trẻ dấn thân vào con
đường ấy, bởi vì, dù có biết bao nhiều bài diễn văn tuyên truyền song
thực tại của các sự kiện vẫn chỉ cho họ thấy rằng chẳng còn có thể chờ
đợi điều gì tốt đẹp nữa từ hàm răng của Bắc Kinh hoặc từ cái lưỡi của
bọn này là Đảng Cộng sản Việt Nam đương thời. Cả hai đều «nói một đằng,
làm một nẻo» (tiếng Việt trong nguyên bản – ND) để cuối cùng và
thực sự cùng gặp nhau ở điểm mấu chốt: cùng bám lấy cường quyền. Cả hai
đều sử dụng bạo hành, sự sợ hãi và sự thao túng như là những phương tiện
chủ chốt trong thông tin. Cả hai đều tuyệt đối xa lạ với nền dân chủ
thực sự và trên thực tế cả hai đều trở nên xa lạ với nhân dân của mình.
Tôi hoàn toàn tin rằng Phương Uyên và Kha đã in lá cờ chế độ cũ vì nổi
loạn nhiều hơn là vì dính líu về chính trị hoặc về ý thức hệ. Vả chăng,
ngay cả khi không vì động cơ như thế, thì tôi sẽ vẫn tán thành câu này
của Voltaire mà mọi nhà lãnh đạo của thế kỷ XXI đều phải nhớ làm lòng:
«Tôi không đồng ý với diều bạn nói ra, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết
để bảo vệ quyền bạn được nói ra điều ấy».
Hôm nay đây, chọn
lựa duy nhất chân chính là theo lối ấy. Bất kể bao nhiêu bản án còn sắp
đem ra xử, con đường tiến bộ bền vững không nằm trong chế độ cảnh sát
trị, chế độ diệt tự do, chế độ cúi đầu khuất phục trước sự xâm lăng của
Trung Quốc. Con đường đó cũng không nằm trong sự quay lui tiếc rẻ một
nền độc tài thời chiến phục vụ vô điều kiện trước cuộc xâm lăng của
ngoại bang.
Chọn lựa duy nhất
nằm trong cuộc đấu tranh ôn hòa, quyết liệt và không khoan nhượng theo
con đường dân chủ, con đường mang sắc màu Việt, trong sự đoàn kết và hòa
giải dân tộc thực thụ, với sự tôn trọng những lựa chọn được bộc lộ tự
do của nhân dân. Đó là con đường duy nhất để ngăn chặn một cuộc chiến
tranh đang nung ủ âm thầm và đang dần dần hiện rõ, chống lại nạn xâm
lăng, sự cúi đầu cam chịu và cảnh hổ nhục. Đó là con đường cứu nước duy
nhất. Đó là con đường duy nhất để chuyển vào Bảo tàng Khổ đau tất cả các
«hộp đựng nước mắt», để đẩy lui mọi khổ đau đang đe dọa bùng nổ ở khắp
các tầng lớp xã hội Việt Nam, từ những tầng lớp bình dân tới những nhà
trí thức. Nếu những nhà lãnh đạo vẫn cứ cho rằng chỉ riêng họ là có thể
sắp đặt hài hòa số phận của đất nước và nếu những người lãnh đạo này vẫn
bám lấy cách chọn lựa điên rồ, thì không chóng thì chầy những «hộp đựng
nước mắt» sẽ mở ra ngay bên trong các gia đình những viên quan tòa vẫn
đang tưởng mình luôn luôn được chở che an toàn.
Vào Ngày vui này
của tất cả những ai đã mang lại sự sống mà trong lòng chỉ biết đến phúc
lành, hẳn là tôi không bao giờ quên những bà mẹ tội nghiệp của mọi thứ
«tự do cái con c**» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) như của
cái anh nào đó ở quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, như của tất cả những anh
tên Minh ở Hà Nội và khắp nơi vốn sùng bái chuyện đạp chân lên mặt các
công dân yêu nước trung thực hiền hòa và trong tay chẳng có gì để tự vệ,
như của tất cả những tên lưu manh khốn kiếp được bọn ấy chỉ huy và đang
đẩy những thanh chắn bằng sắt ra che chắn các góc những con phố nhỏ để
đổi lấy vài mẩu xương phần thưởng.
Hiển nhiên là đối
với bọn chúng thì Voltaire và Tự Do chẳng có ý nghĩa gì sất, bởi vì cái
xã hội người ta hứa hẹn cho chúng hoặc tiểu sử bản thân chúng đã lột đi
hết của chúng mọi thứ gì thuộc về tính người.
Bọn chúng đã đến
độ lóa mắt trước dòng xoáy bạo hành đang dâng, bọn chúng trở nên ngu độn
và bị thao túng để đi tới chỗ nào cường quyền kéo họ tới và duy trì lực
lượng đó; bọn chúng đã tới độ say sưa vì thấy mình cũng có chút quyền
hành và hình dung đó là những quyền hành vĩnh cửu.
Bọn chúng không
lường được hết sức mạnh của ý thức nhân dân và của lòng yêu nước và cũng
chẳng nghĩ đến những hệ quả cho bản thân vì những hành động tội phạm
chúng chống lại đồng bào, chống lại nhân dân.
Lòng trung thực
của trí tuệ, tình đoàn kết, tinh thần hy sinh là những gì xa lạ với bọn
chúng. Trong một cuộc sống càng ngày càng khó ẩn mình, càng khó giấu
giếm mọi lời nói và mọi hành vi, liệu những kẻ khốn cùng này có biết
chăng, với những đòn roi chúng tung ra, với những lưỡi chửi rủa chúng
phun ra, với những nhà tù chúng đặt ra, chúng đang mở một cái hộp khác,
cái hộp Bất Ngờ (nguyên văn: hộp Pandore – ND) từ đó sẽ
chui ra những «hộp đựng nước mắt» mới, trong đó có những hộp đựng nước
mắt của những bà mẹ đẻ ra chúng và của các bà vợ chúng?
A.M. – P.T.
Source : BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét