19/5/13

Mối Họa Từ Trung Quốc

 Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 130516


Không chỉ đến từ Đông hải, mối họa Trung Quốc còn đến từ ngoài chợ
vào từng nhà chúng ta.


* Thịt chuột làm giả thịt cừu đ bán cho bầy lửa *





 
 
 






Trung Quốc đang là một vấn đề của thế giới, dù nhìn từ bất cứ một góc cạnh nào.

Sau khi chiếm Tân Cương vào năm 1949 rồi tấn công Tây Tạng vào năm 1950 khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc của Mao Trạch Đông vừa ra đời, họ thôn tính luôn Tây Tạng từ năm 1959 và kiểm soát khu vực rộng lớn của Hy Mã Lạp Sơn, rồi gọi đó là "quyền lợi cốt lõi". 

Ngày nay, khái niệm "hạch tâm nghĩa lợi" ấy mở ra khu vực Đông hải của họ và cả vùng Đông hải của Việt Nam, với cái lưỡi bò chín khúc bao trùm lên lãnh hải của nhiều quốc gia khác.

Do đã kiểm soát và khai thác đỉnh tuyết Tây Tạng, là nơi phát nguyên của nhiều con sông lớn của Á Châu, Trung Quốc còn thực tế phá hủy trật tự môi sinh trên thượng nguồn và chi phối cuộc sống của cả tỷ người dưới hạ nguồn của các dòng sông lớn tại Châu Á, từ xứ Kyrgyzstan qua Pakistan, đến Ấn Độ, Bangladesh, Miến Điện, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.

Chuyện phi lý là trong việc tranh chấp với Trung Quốc, nhà cầm quyền Hà Nội không cho người dân lên tiếng đả kích nhà cầm quyền Bắc Kinh. Những người bày tỏ ý kiếm chống chế độ Bắc Kinh còn có tội nặng hơn là chống đảng hay nhà nước cộng sản Việt Nam! Nhiều nhà báo đã được chế độ dằn mặt: đả kích đảng thì còn có thể bị cảnh cáo thôi, chứ loan tin xấu về Trung Quốc là lập tức mất việc và vào tù.

Từ bên ngoài, nói về vấn đề Trung Quốc ngoài Đông hải hoặc chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều người có thể dửng dưng hoặc cho là xa lạ khó khăn. Nhưng nếu thấy rằng hàng ngày, thế giới đang bị Trung Quốc đầu độc bằng thực phẩm độc hại, bằng các sản phẩm có thể gây bệnh cho người tiêu thụ thì đấy là chuyện thiết thực của mọi người, ở mọi nơi. Mối họa Trung Quốc có thể từ ngoài chợ tiến vào từng gia đình chúng ta.

Thực tế thì Trung Quốc trở thành là Trung tâm Đầu độc Toàn Cầu.

Trước hết, mô hình phát triển của Trung Quốc chỉ là công nghiệp hóa bằng cách học lóm và ăn cắp phát minh của thiên hạ nhằm đạt mức tăng trưởng cao mà bất kể về phẩm chất. Ngụ ngôn Trung Hoa có nói đến chuyện người nước Sở chỉ như con khỉ đột mũ mà tưởng rằng mình đã là văn minh. Lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay đã đội mũ và còn đòi làm Tề thiên Đại thánh!

Một hậu quả trước mắt là nạn hủy diệt môi trường sinh sống. Nhưng ô nhiễm môi sinh không chỉ giới hạn trong lãnh thổ làm dân chúng Trung Quốc là nạn nhân đầu tiên. Chính là thói kinh doanh bất lương và bất nhẫn khiến xứ này còn xuất cảng độc dược ra toàn thế giới. Nghĩa là không chỉ hủy diệt môi sinh mà còn hủy diệt sinh mạng người khác.

Về chuyện bên trong, thế giới có 20 thành phố ô nhiễm nhất thì Trung Quốc chiếm được 16 bảng vàng và hiện đứng đầu các nước về sản lượng thán khí đưa tới hiệu ứng nhà kiếng. Không khí độc hại của xứ này được thế giới chú ý và tính ra là năm 2010 đã làm hơn triệu người yểu tử. Ngân hàng Thế giới cho biết là chỉ có 1% của 560 triệu người Trung Hoa sống trong thành phố là có không khí an toàn theo tiêu chuẩn Âu Châu và thật ra bụi có thể thấm vào phổi qua đường hô hấp của họ cao gấp 11 lần bụi độc của Los Angeles.

Một trong các nguyên nhân là nhà máy điện chạy bằng than. Mà chuyện ấy đang tiếp tục vì mỗi tuần họ lại xây thêm một nhà máy độc hại với công suất đủ cho nhu cầu của một thành phố hơn một triệu dân. Một nguyên nhân khác là xe hơi với sức phun khói cao tại thành phố vì thiếu tiêu chuẩn lọc thán khí. Trung Quốc hiện có 90 triệu xe du lịch và sẽ có 400 triệu vào năm 2030. Xe du lịch thì vậy, loại xe chạy bằng dầu cặn diesel có sức phun lưu huỳnh cao gấp 23 lần xe Mỹ.

Mà nào chỉ có không khí. 

Trung Quốc thiếu nước ngọt tính theo đầu người và còn lạm thác nguồn nước là sông ngòi ao hồ. Vì vậy, phân nửa các giếng nước của họ bị nhiễm độc và 90% thị dân xứ này đang phải dùng nước nhiễm độc từ dưới lòng đất. Khi bị thế giới than phiền vì gieo độc qua xứ khác, đến tận các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ, Bắc Kinh chống chế rằng vì nền kinh tế còn nghèo nên họ cần tăng trưởng sản xuất hơn là bảo vệ môi sinh!

Việc Trung Cộng hủy hoại môi trường có thể là vấn đề nội bộ của họ, nhưng khi họ xuất cảng những mặt hàng độc hại thì thế giới và chúng ta ở bên ngoài phải được biết để còn tránh.

Nói rằng nên tẩy chay hàng hóa của Trung Quốc thì nhiều người có thể cho là đem chính trị vào kinh tế hoặc chính trị hóa một vấn đề xa xôi và gây thiệt hại cho các siêu thị bán hàng Trung Quốc. Nhưng vì quyền lợi và vì tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta có nên chú ý đến chuyện này hay không?

Trong thế giới toàn cầu hóa, người ta vận chuyển hàng hóa, con người và tư tưởng rộng rãi, nhanh và nhiều hơn. Nhưng vì tiến trình sản xuất hàng hóa bán qua xứ khác có đặc tính là tham lam và vô trách nhiệm, Trung Quốc không có chế độ kiểm phẩm, độc chất bên trong các món hàng của họ cũng gây bệnh cho khách hàng xứ khác.

Từ vụ sữa bột và thực phẩm cho trẻ em có chất độc melanine bùng nổ từ Tháng Chín năm 2008 thì thế giới mới nghi ngờ loại hàng "Made in China". Gần đây, sau khi bệnh H7N9 vừa bùng phát vào cuối Tháng Ba, Hiệp hội Hoá học Hoa Kỳ lại báo động vào Tháng Tư về hiện tượng gạo nhập cảng có nhuỗm chì, với hàm lượng cao gấp 30 đến 60 lần mức an toàn. Loại gạo độc này vào Mỹ từ Trung Quốc và Đài Loan. Hiệp hội này kết luận là dù Hoa Kỳ chỉ nhập cảng từ 7 đến 10% số gạo tiêu thụ trong nước, nhưng số nhập cảng tăng mạnh. Nếu trong gạo lại có chì thì dân Mỹ gốc Á sẽ là nạn nhân đầu tiên.

Chính người Việt Nam, ở trong và ngoài chính quyền đang cai trị xứ này, phải ý thức được mối nguy nhiều mặt của Trung Quốc, về kinh tế, an ninh, ngoại giao chính trị và cả văn hóa. Riêng về tình trạng đầu độc thì có một số điều nên suy nghĩ. 

Trước hết là Việt Nam đừng nhập hàng độc của Trung Quốc tuồn qua các tỉnh giáp biên với Việt Nam. Thứ hai là đừng... học theo Trung Quốc, tức là cũng vì máu tham mà sản xuất loại hàng thiếu vệ sinh như gạo tráng nhựa, cốm giả, mắm độc. Thứ ba là đừng làm cho Trung Quốc là nhập lậu hàng Trung Quốc rồi dán nhãn Việt Nam để bán vào các thị trường Âu Mỹ khi các nền kinh tế này muốn nâng đỡ Việt Nam. Thứ tư là phải quan tâm đến môi sinh vì đấy là môi trường sinh sống của chúng ta và các thế hệ về sau và học cách kiểm phẩm của thế giới văn minh. Cụ thể là hãy nhờ thân nhân bên này tìm hiểu và nhập cảng các dụng cụ kiểm phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị của hàng hóa mà mình sản xuất ra, lấy đó làm ưu thế về quảng cáo. Thứ năm là phải có can đảm tố giác độc chất của Trung Quốc: ngoài việc biểu tình cho Hoàng Sa và Trường Sa, thì phanh phui những sản phẩm độc hại của Trung Quốc cũng là điều cần thiết.

Người Việt ta có "vấn đề Trung Quốc của Việt Nam", nó nằm trong đảng cộng sản hiện nay ở Hà Nội. Các nước thì có "vấn đề Trung Quốc của thế giới". Chúng ta có thể giải quyết hai loại vấn đề đồng quy và song hành này trong tinh thần vận động dư luận và hợp tác với các nước khác. Ngoài ra, không nên quên rằng chính dân Trung Quốc cũng ý thức được mối nguy bị đầu độc nên ngày càng ưa chuộng thực phẩm nhập cảng từ ngoại quốc. Loan tải tin tức về sự chống đối của người dân Trung Quốc cũng là điều có lợi cho mục tiêu cảnh báo, và nhất là nói thay cho những người Việt ở trong nước bị chế độ bịt mệng.

Bài này được viết trong tinh thần đó.


Xe ủi đất trong dự án bauxite? Không, thịt heo nhiễm độc đấy


Source : Việt Tribune / Dainamax Tribune

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét