Việt Nam thận trọng khi tiến gần lại với Hoa Kỳ
Đăng ngày 2010-04-24 17:28
Thụy My
Mười lăm năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, việc hợp tác quân sự Việt - Mỹ chỉ mới nhích dần từng bước. Một tâm trạng đầy mâu thuẫn đã ngăn cản Hà Nội tiến xa hơn. Không chỉ vì mối quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc, mà còn do tâm lý e ngại "diễn tiến hòa bình". "Thân với Trung Quốc thì mất nước, thân với Mỹ thì mất Đảng".
Nhật báo trên mạng Asia Times hôm nay có bài nhận định về quan hệ Việt – Mỹ, mà theo tờ báo, Việt Nam tỏ ra thận trọng trong việc xích gần lại hơn với Hoa Kỳ.
Theo nhận xét của tờ báo, mười lăm năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, việc hợp tác quân sự giữa hai nước chỉ mới nhích dần từng bước. Cả hai bên đều muốn ngăn trở việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, và ý định muôn thuở nhằm thống trị khu vực của nước này – trong đó có Biển Đông. Đây là khu vực mang tính chiến lược, nơi trung chuyển một phần tư lượng hàng hóa của thế giới. Bắc Kinh cùng các quốc gia khác đang tranh chấp hai quần đảo ở đây, được xem là giàu khoáng vật.
Trong khi động cơ của Hoa Kỳ tương đối rõ, đó là thắt chặt quan hệ với quân đội Việt Nam và thiết lập một sự hợp tác khu vực, thì phía Hà Nội vẫn còn lưỡng lự trong việc xác định thái độ. Làm thế nào, và có nên có quan hệ đối tác chiến lược với Washington, kẻ cựu thù trong chiến tranh hay không.
Một mặt, Việt Nam vẫn thích thú khi có được sự quan tâm ở cấp cao của Hoa Kỳ. Vào tháng 10 năm 2008, hai nước đã khởi đầu một cuộc gặp gỡ thường niên về mặt an ninh ở cấp trợ lý và thứ trưởng. Phía Hoa Kỳ gọi tên chính thức là các cuộc « thảo luận chính trị và quân sự », nhưng các nhà ngoại giao Việt Nam lại thông tin là « đối thoại chiến lược ». Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, là người đầu tiên công khai việc đối thoại này trong một cuộc họp tại đại sứ quán Việt Nam một tháng trước đó, gây ngạc nhiên cho một số khách Mỹ.
Nhưng mặt khác, phía Việt Nam cũng quan ngại về một quan hệ quân sự quá chặt chẽ. Từ năm 2003, tàu chiến Mỹ đã được phép neo đậu tại cảng Việt Nam để thực hiện một loạt các hoạt động trao đổi về quân sự và ngoại giao. Trong khi hoan nghênh các chuyến viếng thăm có tính biểu tượng cao của hải quân Mỹ, Việt Nam cũng giới hạn ở con số chỉ một lần trong năm, đồng thời bảo đảm rằng hải quân Trung Quốc cũng có quyền tương tự.
Ý muốn xoa dịu Bắc Kinh cũng đã được thể hiện qua một loạt chính sách. Từ việc làm thế nào đưa tin về các hoạt động hợp tác với Mỹ trên các phương tiện truyền thông nhà nước, cho đến thói quen gởi các đoàn đại biểu cao cấp đến Bắc Kinh cùng thời gian với các chuyến thăm cấp cao tại Washington.
Hồi tháng ba, một tàu tiếp liệu của Hải quân Mỹ đã im lặng neo đậu suốt 16 ngày tại cảng mới Vân Phong, nằm tại vịnh Cam Ranh. Vịnh Cam Ranh vốn nổi tiếng vì vị trí chiến lược, do Mỹ xây dựng nên trong thời chiến tranh, sau đó chính quyền cộng sản Việt Nam đã cho hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô thuê làm căn cứ. Chuyến viếng thăm mới đây của tàu USNS Richard E Byrd không được công bố rộng rãi, nhưng mục đích có lẽ là để sửa chữa và tiếp vận, theo một hiệp ước về hỗ trợ hậu cần.
Tháng 12 năm 2009, đại tướng Phùng Quang Thanh trở thành bộ trưởng Quốc phòng thứ hai của Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc sang thăm Washington. Đương nhiên là một đoàn đại biểu của Bộ Quốc phòng cũng sang Bắc Kinh trước và sau chuyến đi của tướng Thanh. Việc o bế Trung Quốc như trên đã được phản ảnh trong sách trắng của Hà Nội, về chính sách quốc phòng liên quan đến các vùng lãnh thổ tranh chấp với người láng giềng khổng lồ phương bắc.
Nhìn chung, sự nồng ấm trong quan hệ Việt- Mỹ mang lại những kết quả đầy hứa hẹn. Việt Nam được mời làm quan sát viên trong cuộc tập trận của hải quân Mỹ với các đồng minh khu vực, trong đó có Thái Lan. Bên cạnh đó cũng có các thảo luận về các hoạt động tìm kiếm cứu nạn chung tại vùng bờ biển Việt Nam, cũng như việc huấn luyện lực lượng giữ gìn hòa bình Việt trong khuôn khổ các hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Các sĩ quan Việt Nam cũng được mời tham gia chương trình Huấn luyện Quân sự Quốc tế của Hoa Kỳ, nhằm thắt chặt quan hệ với các nhà lãnh đạo quân sự tương lai. Nếu nhìn riêng rẽ thì các hoạt động trao đổi này có lẽ không mấy ý nghĩa, nhưng là dấu hiệu sự hợp tác tương lai giữa Hà Nội với Washington, và giúp cho hải quân Mỹ hiện diện tại Biển Đông.
« Thân với Trung Quốc thì mất nước, thân với Mỹ thì mất Đảng »
Tuy rằng quan hệ Việt – Mỹ tiến triển trên nhiều phương diện, nhưng cũng có một tâm lý mâu thuẫn ngăn cản Hà Nội tiến xa hơn. Không chỉ vì sự nhạy cảm đối với Trung Quốc, mà nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam e ngại « diễn tiến hòa bình ». Họ sợ rằng nếu thân mật hơn với Mỹ, có thể dẫn đến việc thả lỏng cho các lực lượng đòi tự do hóa chính trị, mà đảng cộng sản khó lòng kiểm soát nổi.
Nỗi ám ảnh này được thể hiện qua nhiều cách. Mới đây, chính quyền Việt Nam đã từ chối cấp visa nhập cảnh cho bà dân biểu Loretta Sanchez, thành viên của Ủy ban Quân sự Quốc hội Mỹ và là người đấu tranh cho nhân quyền. Đôi khi, sự nghi ngại còn mang tính cá nhân. Mùa thu năm 2008, Hà Nội cũng đã từng không cho phép một tùy viên quân sự làm việc tại Đại sứ quán Mỹ, vì vấn đề lý lịch : đại tá Patrick Reardon vốn sinh ở Việt Nam, được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi từ lúc mới chập chững biết đi. Chính quyền Việt Nam vẫn tỏ ra cảnh giác đối với Việt kiều, đặc biệt là với những người có ảnh hưởng chính trị.
Ám ảnh sâu kín trên cũng ảnh hưởng đến những quyết định ở cấp cao. Chuyến đi của bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hồi cuối năm qua đã từng bị hoãn lại hai lần. Theo nguồn tin từ Việt Nam, có những khác biệt trong Bộ Chính trị về mục đích của chuyến viếng thăm trên. Ông Thanh được cho là thân phương Tây, trong khi một số nhà lãnh đạo khác như ông Nguyễn Chí Vịnh thì muốn dựa vào Bắc Kinh, và lo ngại việc siết chặt hơn quan hệ với Washington. Các quan điểm đối chọi này được phản ánh trong một câu nói đang được truyền khẩu ở Việt Nam : « Thân với Trung Quốc thì mất nước. Thân với Mỹ thì mất Đảng ».
Đây chính là hai ngã rẽ của một con đường mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải tự chọn lựa. Ai biết được các sĩ quan cấp úy, cấp tá của quân đội nhân dân Việt Nam sẽ học được những gì khi tiếp xúc với các bạn học là sĩ quan Mỹ ? Cho dù có khuynh hướng tăng cường hợp tác quân sự Mỹ Việt, nhưng có lẽ rồi sẽ khi thì nồng ấm, khi lại lạnh nhạt.
Sau Thế vận hội, Bắc Kinh lại muốn lập kỷ lục mới qua Triển lãm Thượng Hải
Liên quan đến Triển lãm Toàn cầu Thượng Hải, nhật báo La Croix nhận xét: « Cả thế giới đều muốn ve vãn Trung Quốc ». Đặc phái viên của tờ báo tại Thượng Hải đã mô tả lại các gian triển lãm của một số nước tại đây. Tòa nhà triển lãm của Pháp được bao bọc bằng một khu vườn kiểu Tây, gian Nhật Bản trông giống một chú rùa khổng lồ màu tím, tòa nhà Hà Lan là một đóa hoa uất kim hương màu vàng, còn Phần Lan giống như một cái bát màu trắng. Tất cả các tòa nhà này trông như vừa dưới đất chui lên, đang được ráo riết hoàn thiện. Một kiến trúc sư nhận xét : « Khả năng của người Trung Hoa thật là khó tin, một khi họ đã quyết định thì họ làm bằng được ».
Triển lãm Toàn cầu Thượng Hải sẽ phá vỡ tất cả các kỷ lục từ trước đến nay. Một nhà ngoại giao châu Âu cam đoan, triển lãm nhất định sẽ thành công, vì người Trung Quốc muốn thế. Hơn 10 tuyến xe điện ngầm đã được xây dựng trong 5 năm, nhiều xa lộ mới, các sân bay được mở rộng và nhiều khu phố được tân trang toàn bộ. Hai năm sau Thế vận hội, Bắc Kinh lại muốn lập những kỷ lục mới qua Triển lãm Thượng Hải. Đây là lần đầu tiên Triển lãm Toàn cầu được tổ chức tại một nước đang phát triển, và đây hẳn sẽ là triển lãm rộng lớn nhất, với con số nước tham gia và khách tham quan cao nhất.
La Croix cho biết thêm một ít con số : Chính quyền Bắc Kinh đã đuổi 272 nhà máy « rất ô nhiễm », một xưởng đóng tàu và 60.000 dân để lấy đất cho khu vực triển lãm. Số tiền đầu tư chính thức là gần 30 tỉ euro, nhưng con số này chưa tính đến các công trình xây dựng lớn trong thành phố. Có 242 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự, và người ta chờ đợi 100 triệu khách tham quan, trong đó 90% là người Trung Quốc.
Thành công được báo trước của triển lãm cũng nhờ vào sự tham gia đông đảo của toàn cầu. Một nhà ngoại giao tâm sự, nếu địa điểm tổ chức không phải là Thượng Hải, trung tâm kinh tế của một Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh, thì nước ông đã không đầu tư lớn như thế. Pháp đã đổ vào đây 45 triệu euro. Nếu chỉ có 10% khách tham quan ghé vào gian hàng Pháp, thì cũng đã thu hút được đến 10 triệu người ! Gian hàng Đức tiêu tốn 50 triệu euro, Ý 55 triệu, còn đối tác mới giàu tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc là Úc đã bỏ ra 80 triệu. Riêng Nhật Bản, quốc gia đã từng dội bom Thượng Hải trong Đệ nhị thế chiến thì chi ra đến 100 triệu euro. Giám đốc tiếp thị gian hàng Pháp giải thích, đây là cơ hội có một không hai để tiếp xúc trực tiếp với người dân đến từ cả nước Trung Quốc rộng lớn ; mà không qua một sự kiểm duyệt nào. Một nhà sử học Trung Quốc nhận định, cuộc triển lãm này sẽ giúp cho Thượng Hải chiếm vị trí quan trọng vào đầu thế kỷ 21, và để lại những dấu ấn sâu đậm hơn cả Thế vận hội Bắc Kinh.
Mang thai hộ : Có nên hợp pháp hóa ?
Quay lại với nước Pháp, bên cạnh chủ đề gây tranh cãi lâu nay là việc cứu vãn nền kinh tế Hy Lạp, các báo Pháp hôm nay cũng đề cập đến các đề tài xã hội như việc cấm phụ nữ mặc burqa, loại áo trùm kín cả thân người và mặt mũi chỉ chừa có đôi mắt, ở nơi công cộng. Riêng L’Humanité nhân việc Quốc hội Pháp sẽ xem xét lại bộ luật về đạo đức sinh học, đã đặt lại câu hỏi về việc, liệu có nên hợp pháp hóa việc mang thai hộ hay không ? Nếu những người ủng hộ cho rằng việc này sẽ giúp chấm dứt việc bỏ tiền ra thuê đẻ hộ ở nước ngoài, thì phe phản đối lo ngại tác dụng ngược, sẽ biến người phụ nữ thành một công cụ sống ; cũng như các tác động tiêu cực về thể trạng và tâm lý sau này.
Source : http://www.viet.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét