Peter Hansen – Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa Miền Nam, 1954-1959 (phần cuối)
26/04/2010 |
( Hiếu Tân dịch )
Ba giai đoạn tái định cư
Đúng như quyết định di cư vào Nam của Bắc di cư có tính tự chủ và có suy nghĩ hơn là nhận thức của nhiều nhà bình luận, kiểu mẫu tái định cư của họ ở miền Nam cũng vậy. Hầu như vào thời điểm họ đến miền Nam, những người di cư tích cực chủ động trong việc lựa chọn địa điểm có thể sẽ là quê mới họ. Đồng thời, các linh mục đã ra đi từ miền Bắc tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo chủ chốt trong những cố gắng của giáo dân của họ tìm kiếm vị trí cho mình trong xã hội miền Nam.
Việc tái định cư của những người di cư ở miền Nam diễn ra trong ba giai đoạn riêng biệt nhưng có chồng lấn lên nhau. Giai đoạn một ứng với thời kỳ di chuyển tự do do Hiệp định Geneva quy định tại Điều 14 (c). Dòng người di cư từ miền Bắc trong khoảng hở ba trăm ngày là khổng lồ, và không một chính phủ nào, chứ đừng nói đến một chính phủ mới ra đời, có thể đối phó với các vấn đề hậu cần liên quan đến đoàn người mới đến. Trong giai đoạn đầu này, phần lớn những ai di tản qua Hà Nội và Hải Phòng được bố trí ở trong những Trạm Tiếp Cư, gần các sân bay và bến tàu ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Vũng Tàu[1]. Những trạm đón tiếp này được lập lên trên những cơ sở công cộng có sẵn như trường học, trại lính Pháp cũ, và nhà thờ, nhiều ngàn người di cư ở trong những liên hợp lều trại được dựng trên những bãi đất trống gần sân bay Tân Sơn Nhất và trên trường đua Phú Thọ. Như các quan chức chính phủ thừa nhận, những khu mới này không phải là giải pháp sinh sống lâu dài cho vấn đề tái định cư[2]. Những người chủ hay những người sử dụng trước của các cơ sở này chẳng bao lâu sẽ cần trở lại cơ ngơi của họ để sử dụng chúng theo các mục đích ban đầu, hơn nữa, do thiếu các cơ sở hạ tầng thích đáng các khu trại tạm này rất dễ xảy ra dịch bệnh và hỏa hoạn[3].
Bảng 2 Các Giám mục của các Địa phận miền Bắc, 1954
Địa phận Giám mục Năm
Bổ nhiệm
Ở lại hay ra đi
Hà Nội Trịnh Như Khuê 1950 Ở lại
Hải Phòng Trương Cao Đại 1953 Ra đi
Bắc Ninh Hoàng Văn Đoàn 1950 Ra đi
Hưng Hóa Jean Maizé MEP 1945 Ở lại
Lạng Sơn Felix Hedde, OP 1939 Ở lại
Andre Jacq. OP 1945 Ở lại
Thái Bình Santos Ubiema, OP 1942 Ra đi
Bùi Chu Phạm Ngọc Chi 1950 Ra đi
Phát Diệm Lê Hữu Từ 1945 Ra đi
Thanh Hóa Louis de Cooman, MEP 1935 Vắng mặt
Vinh Trần Hữu Đức 1951 Ở lại
Nguồn: Từ Lê Ngọc Bích: Nhân vật Công Giáo Việt Nam: Các Vị Giám Mục Một Thời Đã Qua Đời (1933-1995) [Vietnamese Catholic Biography: Deceased Bishops (1933–1995)] (HCMC, 1995; và Công Giáo và Dân Tộc [Catholicism and the Nation], Công Giáo Sau Quá Trình 50 Năm [Catholicism through a Process of Fifty Years] (HCMC: Công Giáo và Dân Tộc, 1995).
Trong giai đoạn hai của công cuộc tái định cư, bắt đầu vào lúc kết thúc thời kỳ ba trăm ngày theo quy định của Hiệp định Geneva, đa số người di cư đóng ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Vũng Tàu chuyển đến những nơi định cư lâu dài hơn ở các tỉnh liền kề xung quanh các trung tâm đô thị. Trong khi những khu định cư mới này nằm rải rác trên nhiều tỉnh, có nhiều khu tập trung trong một vùng nằm ngay bắc Sài Gòn, ở Gia Định, Biên Hòa và Long Khánh. Trong một số trường hợp, bản thân Bắc di cư tự chọn những địa điểm trên đó họ đề nghị xây dựng những cộng đồng mới của họ; trong những trường hợp khác, họ được đưa đến những nơi này bằng các chỉ dụ của chính phủ, hoặc Ủy ban Hỗ trợ Định cư, một nhóm đại diện cho sự lãnh đạo của các giáo sĩ của mười giáo khu miền Bắc di cư đến. Ủy ban Tái Định cư do Giám mục Phạm Ngọc Chi của địa phận Bùi Chu đứng đầu.
Trong nhiều trường hợp, việc di chuyển trong giai đoạn hai này được thúc đẩy bởi mong muốn làm nhẹ bớt những vấn đề xã hội nảy sinh từ dòng người di cư đông đảo và đột ngột kéo đến Sài Gòn và Chợ Lớn. Những vấn đề này bao gồm sự chen chúc chật chội, giá nhà ở và tiện nghi sinh hoạt tăng vọt, và sự bất hòa giữa các cộng đồng tăng lên do cạnh tranh việc làm và cơ hội buôn bán. Việc tái định cư trong giai đoạn hai này không được dẫn dắt bởi một kế hoạch toàn diện, có tính chiến lược, được sự bảo trợ của chính phủ, mà đúng ra, nó được hình thành từ một hỗn hợp những tình huống ngẫu nhiên, những quyết định vội vã thiếu tính trước, và những sáng kiến của bản thân những người di cư. Toàn bộ điều này dựa trên nhu cầu tìm một chỗ nào đó – ở đâu cũng được – cho Bắc di cư đến ở sao cho ít tàn phá nhất đến các cơ sở hạ tầng của Sài Gòn (và một mức độ thấp hơn, Đà Nẵng). Ngay từ tháng Tám 1954, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cắt cho Giám mục Phạm Ngọc Chi (mới vào Sài Gòn được ít ngày) một vạt đất hai mươi lăm ngàn hecta trong các huyện Biên Hòa và Xuân Lộc (lúc ấy là các bộ phận của tỉnh Long Khánh). Theo tờ nhật báo Sài Gòn Tiếng Chuông, các quan chức chính phủ mong đợi sử dụng viện trợ Mỹ để lập bốn mươi làng mới, mỗi làng khoảng hai nghìn năm trăm dân[4]. Giám mục Lê Hữu Từ chọn Gia Kiệm, trên đường Sài Gòn đi Đà Lạt làm nơi tái định cư cho những người di cư từ giáo khu Phát Diệm[5]. Vào tháng Mười Hai, 1954, 271.208 người Bắc di cư đã được bố trí chỗ ở; con số này tăng lên thành 462.799 vào tháng Tư, 1955[6]. Vào tháng Mười Hai, 1955, có 257 trại tái định cư chính thức đăng ký với Tổng ủy Di cư Tị nạn[7].
Không giống hai giai đoạn đầu của công cuộc tái định cư, giai đoạn ba – bắt đầu vào khoảng cuối 1955, và nhanh chóng lấy đà tiến lên – được hình thành bởi những cố gắng phối hợp mạnh mẽ của chính phủ Ngô Đình Diệm, để vận động Bắc di cư theo cách nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị, an ninh, kinh tế dài hạn. Trong giai đoạn này nhà cầm quyền tập trung các nỗ lực của họ vào việc chuyển người di cư ra khỏi một số vùng đông dân ở miền Nam, những vùng bao gồm vùng ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Đà Nẵng và vùng biển miền Trung – và đưa đến những vùng thưa dân hơn như Châu thổ sông Cửu Long và Cao nguyên Trung phần. Trong nhiều trường hợp những kế hoạch định cư mới nhằm giảm căng thẳng do sự di chuyển khối người di cư lớn trong giai đoạn một và hai gây nên. Chẳng hạn dân số tỉnh Biên hòa vào năm 1955 là 265.000 người, gấp đôi con số của mười hai tháng trước. Hầu như tất cả những người mới đến là Bắc di cư[8].
Phân bố ban đầu của người di cư trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam không đồng đều. Vào tháng Mười Hai năm 1955, trong số ba mươi mốt tỉnh có các trại định cư, có năm tỉnh mỗi tỉnh tạo được điều kiện ăn ở cho ba mươi ngàn người Bắc di cư, điều có ý nghĩa hơn là, trong đó có bốn tỉnh ở lân cận Sài Gòn. Bảy tỉnh khác mỗi tỉnh thu hút từ mười đến ba mươi ngàn người mới đến. Mười chín tỉnh còn lại nhận ít hơn mười ngàn người di cư, trong đó nhiều tỉnh ít hơn một ngàn[9]. Các quan chức chính phủ Ngô Đình Diệm tin rằng tập trung quá mức Bắc di cư trong một số ít vùng có thể gây hậu quả bất lợi. Người ta cũng tin rằng nhiều trại tái định cư giai đoạn hai cần phải giải tán và chuyển đi chỗ khác vì tình hình an ninh bất lợi, vì vùng đất định cư không phù hợp với dân cư, hay chỉ đơn giản vì thiếu việc làm và các cơ hội kinh doanh[10]. Ngô Đình Diệm biện hộ cho chính sách phân phối dân cư bằng một số cách. Đầu tiên ông tìm cách tạo ra sự ổn định kinh tế, quân sự, chính trị trong những khu vực nguy hiểm và kém phát triển. Làm như thế, ông hy vọng sẽ tạo ra một Việt Nam Cộng hòa mạnh về kinh tế và một con đê ngăn chặn sự nổi dậy của cộng sản. Đồng thời ông cũng cố gắng giảm căng thẳng ở những vùng bị áp lực bởi sự tập trung quá đông dân và không đủ đất hoặc các cơ hội kinh tế, bằng cách dời những khu định cư khỏi các vùng quá đông như Sài Gòn Chợ Lớn và bờ biển miền Trung.
Việc định cư những người di cư cũng báo trước các chiến dịch tổng thể hơn như cải cách điền địa và tái định cư mà Ngô Đình Diệm hy vọng sẽ bắt đầu sau khi những khủng hoảng ban đầu đã qua đi[11].
Điểm khởi đầu của giai đoạn lớn cuối cùng của công cuộc tái định cư được đánh dấu bằng việc khởi công dự án Tái Định cư Nông nghiệp Cái Sắn ở Châu thổ sông Cửu Long. Địa điểm Cái Sắn, một vạt đất trải ra trên các tỉnh Kiến An và Long Xuyên đã nhận khoảng năm mươi ngàn người di cư trong các năm 1956-1957[12]. Dân cư ở dọc bên bờ con kênh chính và dọc theo mười chín nhánh kênh. Mười tám trong số kênh đó chiếm bởi dân định cư Công giáo, mỗi con kênh là nơi ở của một nhóm dân định cư thuộc một giáo khu nhất định ngoài Bắc, riêng con kênh cuối cùng dành riêng cho dân di cư theo Phật giáo và Tin lành[13].
Ngoài Cái Sắn và các khu định cư mới khác thuộc Châu thổ sông Cửu Long, giai đoạn ba này còn liên quan đến việc tái định cư mở rộng Bắc di cư lên các vùng cao nguyên của Nam Việt Nam, đặc biệt các vùng xung quanh các thành phố Đà Lạt, Pleiku và Buôn Mê Thuột[14]. Các kế hoạch tái định cư Bắc di cư trên các vùng cao nguyên đã được vạch ra ngay từ tháng Bảy 1955, chúng được nảy sinh một phần để giải tỏa nỗi lo lắng về sự quá tải dân cư trong vùng xung quanh Đà Nẵng[15]. Cũng như trong trường hợp các khu định cư vùng Châu Thổ sông Cửu Long, các khu định cư trên cao nguyên được chính phủ Ngô Đình Diệm coi như phương tiện để đạt các mục tiêu nhiều mặt kinh tế, chiến lược và chính trị. Một báo cáo chính thức khẳng định rằng chỉ có 109.000 trong số 5.700.000 hecta trong vùng cao nguyên đã được chính phủ Pháp đưa vào khai thác về kinh tế[16]. Tuy nhiên Ngô Đình Diệm thấy các vùng cao nguyên không phải chỉ như những khu vực đủ điều kiện chín muồi cho phát triển kinh tế mà còn là một địa điểm để lập một con đê chắn sóng chống lại sự nổi dậy của cộng sản. Trong một báo cáo ngày 8 tháng Tám 1956, đại diện chính phủ ở Cao nguyên Trung phần Nguyễn Sơn Duyền nhận xét:
“Trong một hội nghị ở Kontum 10 và 11 tháng Năm 1956, Tổng thống đã quyết định về một kế hoạch cho dân cư các Cao nguyên Trung và Nam, nhằm mục đích quét sạch các hoạt động và các tổ chức của VC, đồng thời:
- Giải quyết vấn đề quá đông dân số trong một số tỉnh miền Trung.
- Hướng dẫn người dân vùng núi cải thiện đời sống vật chất của họ, hướng dẫn họ bước lên con đường văn minh và tiến bộ, sao cho họ có thể tham gia vào hàng ngũ những người sáng lập nhà nước và những người giải phóng.
- Khai hoang và khai thác đất đai vùng cao nguyên và tạo ra các thị trường tiêu thụ mới trong các vùng giàu tài nguyên rừng, khoáng sản… trong rừng núi, và mở ra các ngành công nghiệp quốc dân mới.
Chương trình có các mục tiêu nói trên để phân tán bớt dân cư khỏi các vùng trung tâm có mật độ cao, để cải thiện mức sống vật chất của họ, và để mở mang cao nguyên ra khai thác các nguồn tài nguyên của nó. Để thực hiện nhiệm vụ này và để ổn định vùng mà VC gây rối trong các khu vực tập trung đông dân cư và khó kiểm soát, chính phủ sẽ thi hành một hoạt động chính trị mạnh với nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng cao nguyên.”[17]
Mặc dầu nhiệt tình của Ngô Đình Diệm với những dự án mới này, phản ứng của Bắc di cư tham gia vào chúng may lắm là hỗn tạp. Nhiều người được lựa chọn để sống trong những cộng đồng mới đã chuyển chỗ trong giai đoạn hai của tái định cư vào những vùng có môi trường xung quanh tương đối phù hợp, nơi họ tìm thấy cho mình những cơ hội sinh sống cũng như chung sống với những người đồng đạo. Nhiều người thấy cực kỳ miễn cưỡng phải lần nữa nhổ rễ đến những vùng có tiếng là đầy tai ương, do kinh tế lạc hậu, khí hậu khắc nghiệt, tật bệnh đặc hữu và loạn lạc liên miên. Một số dân Công giáo còn cảm thấy khó chịu khi nghĩ đến việc chuyển đến những vùng mà tại đó họ có thể phải chung sống với những người thuộc các giáo phái phi Công giáo như Hòa Hảo, Bình Xuyên hay Cao Đài[18]. Trong nhiều trường hợp, sự oán giận nảy sinh do bị cưỡng ép di chuyển có vẻ còn kéo dài. Một cặp vợ chồng mà tôi phỏng vấn ở Cao nguyên Trung phần năm 2006, ông bà Q., kể với tôi như sau:
“Chúng tôi ra đi vào tháng sáu 1955, bằng đường bể từ Nghệ An rồi được một tàu Ba Lan đón và đưa chúng tôi đến Đà Nẵng. Chúng tôi ở đó được đâu ba tháng, rồi người ta mời vào Phan Thiết, ở đó có một trại cho những người từ giáo khu Vinh, gọi là Vinh Thủy, do cha Hồ Sĩ Cai lập ra. Chúng tôi không biết và nhiều người khác từ trại này, vì dù có nhiều người đến từ giáo khu Vinh, nhưng không có mấy người từ xứ đạo chúng tôi. Cha xứ của chúng tôi không đi Nam. Vấn đề với trại Vinh Thủy là nó được dựng lên với nghề cá và nuôi trồng thủy sản là nguồn thu nhập chính, mà tôi thì không phải là dân miền biển, gia đình chúng tôi là dân làm ruộng. Cha Cải biết điều ấy và cha dàn xếp với cha Nguyễn Quang Diệu để chuyển tất cả những người muốn đến trại mới Vinh An do chính phủ lập ra ở Đắc Min tỉnh Đắc Lắc. Chúng tôi quyết định ra đi từ đầu năm 1957 và sống ở Đắc Min từ bấy đến giờ. Tất cả những người đánh cá ở lại Vinh Thủy[19].”
Nhiều học giả đã đồng nhất những động cơ chính trị quân sự rõ ràng của Ngô Đình Diệm trong việc đặt Bắc di cư vào các vùng chiến lược như Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tái định cư thứ ba này với việc tạo ra một vành đai thực tế gồm những khu định cư của người di cư vào những vùng thưa dân và do đó sơ hở về quân sự ở những vùng bắc và tây Sài Gòn trong giai đoạn hai[20]. Chẳng hạn Jean Lacouture, cho rằng Ngô Đình Diệm cố ý tạo ra những “vành đai thép”bằng cách bố trí định cư một cách chiến lược những Bắc di cư trung thành xung quanh Sài Gòn để bảo vệ ông ta khỏi cả cộng sản lẫn những kẻ thù tiềm tàng trong lòng Việt Nam Cộng hòa. Kết quả là, bị vây bọc bởi những pháo đài biến chúng thành những ấp chiến lược, một số làng xã đầy dân di cư hình thành một vành đai xung quanh Sài Gòn, như thể chế độ [Ngô Đình Diệm] bị vây hãm muốn củng cố thủ đô của nó bằng một đội cận vệ thép bao gồm những người thù ghét cộng sản nhất và gắn bó mạnh mẽ với đạo Công giáo chiến đấu[21].
Tuy nhiên có nhiều bằng chứng không hậu thuẫn giả thuyết này. Mục tiêu chiến lược chủ yếu của giai đoạn tái định cư thứ hai không đặt nặng vấn đề bố trí Bắc di cư vào các vùng chiến lược bằng việc đưa họ ra khỏi những cơ sở ở đô thị không phù hợp với nhiệm vụ này, đặc biệt khi một số lượng to lớn những người mới đến đe dọa làm hỏng hạ tầng cơ sở đô thị hiện có. Trong khi Ngô Đình Diệm luôn luôn coi Bắc di cư là nguồn ủng hộ tiềm tàng, các khả năng sinh ra từ việc bố trí họ một cách chiến lược đã không được đánh giá đầy đủ cho đến khi quá trình tái định cư đã vận hành suôn sẻ. Trong cuốn lịch sử tự thuật Bên giòng lịch sử, linh mục Cao Văn Luận, một trong những linh mục cố vấn của Ngô Đình Diệm cùng quê Quảng Bình nêu ý kiến rằng khả năng sử dụng Bắc di cư một cách chiến lược đến với Ngô Đình Diệm như một thiên khải. Nhắc đến cuộc trò chuyện tháng Mười năm 1954, Cao Văn Luận khẳng định ông đã nói vói Ngô Đình Diệm như sau: “Nếu ngài nghĩ về nó, ngài có thật sự tin rằng ngài và những người thân tín của ngài đã dùng tất cả sức mạnh để đối phó với tình hình này? Những người di cư từ miền Bắc và Nghệ Tĩnh Bình (bắc Trung bộ) là một gánh nặng, nhưng cũng là một sức mạnh. Ngài đã nghĩ đến chuyện sử dụng sức mạnh đó chưa?”[22] Không có tài liệu nào trong hồ sơ lưu trữ Phủ Tổng thống cho thấy một sự bố trí chiến lược Bắc di cư trước cuối năm 1955, trong thời gian đó mẫu hình tái định cư giai đoạn hai được xác lập hoàn toàn. Vào thời kỳ đầu của khoảng hở thời gian di cư do Hiệp định Geneva quy định, cả Ngô Đình Diệm cũng như bất cứ ai khác đều không biết có bao nhiêu người sẵn sàng cho cơ hội ra đi. Trong khi ông ta tích cực công khai lôi kéo những người miền Bắc (đặc biệt người Công giáo miền Bắc) vào Nam, thì điều đó không có nghĩa là ông đã có sẵn kế hoạch tức khắc cho việc triển khai họ một cách chiến lược[23].
Ủy viên Hội đồng di cư Bùi Văn Lương cảm thấy quá trình bố trí cho Bắc di cư định cư ở các tỉnh xung quanh Sài Gòn chỉ là bước đi trước để chuyển họ đến những vùng xa hơn, bước này tận dụng được việc tự-lựa chọn tái định cư mà nhiều người đã làm. Trong một biên bản bí mật tháng Mười một năm 1955 gửi Ngô Đình Diệm sau một cuộc biểu tình của người Bắc bên ngoài phủ tổng thống, Bùi Văn Lương nói với ông ta:
“Họ sợ họ bị đưa đến một vùng xa xôi hẻo lánh. Do đó, chúng ta nên cho họ lúc đầu ở một nơi tương đối gần, để tạo ra một tiền lệ thuận lợi, chờ thời gian để đưa họ đi xa hơn. Biết rằng đa số họ là nông dân, chúng ta nên đưa họ về Gia Định, là nơi gần thành phố, vốn chỉ dành cho những người gắn với thương mại và công nghiệp nhẹ. Sau đó, họ có thể đến Hố Nai. Biên Hòa và các tỉnh miền đông Nam Bộ. Các tỉnh này, mặc dù nghèo và thiếu phương tiện để định cư họ, nhưng là nơi mà những người di cư muốn đến bởi vì những nơi ấy tương đối yên bình và có đường giao thông thuận tiện đến Sài Gòn.”[24]
Hồi tưởng lại, hóa ra vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch tái định cư giai đoạn hai, trong vùng rộng lớn hơn Sài Gòn lại không phải thuộc về chính phủ, mà thuộc về Giám mục Phạm Ngọc Chi và ủy ban của ông. Trong mọi trường hợp, phần lớn tái định cư được quyết định đơn giản bởi hoàn cảnh và bởi lựa chọn của những cộng đồng Bắc di cư riêng lẻ. Những khu định cư ở Gia Định, đặc biệt ở những địa điểm như Gò Vấp, Tân Bình và Thủ Đức, lan tràn cả sang các vùng kề bên, những khu ăn ở tạm dựng lên cấp tốc tại những khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất và trường đua Phú Thọ. Những khu vực rộng lớn của Biên Hòa và Đồng Nai bị chiếm bởi Bắc di cư một phần vì những khu vực trước đây thuộc người Pháp nay đang rút đi nên bị bỏ không. Các đồn điền cao su trong hai tỉnh này có những dải đất rộng lớn về cơ bản chưa có người ở, là những địa điểm lý tưởng tiềm tàng cho khối dân cư lớn cần định cư nhanh[25]. Nhiều cộng đồng Công giáo Bắc di cư tìm chỗ định cư ở những nơi đã có khá đông dân Công giáo miền Nam[26].
Một khi có khối tới hạn những người Công giáo Bắc di cư nhập vào, những người định cư được bố trí chỗ ăn ở trong giai đoạn hai này miễn cưỡng dời đến những vùng tái định cư giai đoạn ba chỉ vì để thực hiện chính sách của chính phủ. Lời đáp của Ngô Đình Diệm cho báo cáo tình thế của Bùi Văn Lương xác nhận lý lẽ của Philip Catton rằng “Không phải chỉ phải đối mặt với những nỗi cực nhọc của cuộc sống ở cao nguyên nhiều người miền Bắc vẫn còn bám lấy hy vọng rằng việc chia cắt Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn, và cuộc di chuyển tiếp theo của họ sẽ là sớm trở lại quê nhà gốc của họ phía trên vĩ tuyến mười bảy.”[27]
Tuy nhiên việc di cư từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Việt Nam Cộng hòa rồi lại di chuyển trong một số dịp khác nữa cho đến khi tìm được nơi cư trú ổn định lâu dài là một kinh nghiệm chung của Bắc di cư.[28]
Kết luận: Số phận của người Bắc di cư
Vào cuối những năm 1950, niềm thiện cảm ban đầu của những người bản địa miền Nam một phần do tuyên truyền của chính quyền Ngô Đình Diệm đem lại đã bắt đầu nhạt dần. Nỗi oán giận ngày càng tăng của dân chúng đối với người Công giáo miền Bắc lại được tiếp thêm bởi nhận thức rằng họ được ưu đãi bởi người đồng đạo của họ là Ngô Đình Diệm. Liệu có thể giải thích cách nào khác sự hiện diện quá mức của những người Công giáo miền Bắc trong hàng ngũ quan chức cao cấp của chính quyền Nam Việt Nam, trong các bộ máy quân sự, pháp luật và học thuật? Sự bất bình nầy là một nhân tố có ý nghĩa trong sự bất mãn chung ngày càng tăng đối với chính phủ Ngô Đình Diệm, như vậy, có thể nói nó đã góp phần vào cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến cái chết của chế độ và cuộc ám sát Ngô Đình Diệm tháng Mười Một, 1963.
Tuy nhiên, những hành động và chính sách của Ngô Đình Diệm không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự phản ứng dữ dội của dân chúng chống lại Bắc di cư. Bản thân người di cư là đồng lõa trong nhiều quyết định hồi những giai đoạn đầu của cuộc tái định cư, những quyết định kìm hãm sự hòa nhập của những người mới đến vào dòng chính của xã hội Nam Việt Nam. Đúng là chính quyền Ngô Đình Diệm đã can ngăn việc hòa nhập Bắc di cư vào khối dân chúng chung của miền Nam, ngược lại tìm cách định cư các cộng đồng miền Bắc như những thực thể riêng biệt, thường ở những vùng xa các trung tâm dân cư chính của Nam Việt Nam. Nhưng bản thân Bắc di cư là những người chủ động trong sự cách ly này. Ngay cả sau khi bộ máy hành chính của các trung tâm tái định cư được sáp nhập vào các đơn vị hành chính địa phương và các tỉnh, vào cuối 1957, những người Công giáo trong các khu định cư ấy tiếp tục sống như một bộ phận dân cư tách rời. Trong những cộng đồng như Gia Kiệm, hình mẫu này tồn tại dai dẳng bằng nhiều cách cho đến tận ngày nay. Về mặt này, Bắc di cư đã tái tạo và kéo dài chủ nghĩa ly khai vốn là đặc điểm của đời sống Công giáo miền Bắc trong những thế kỷ trước. Mặc dù chủ nghĩa ly khai này giúp cho cộng đồng Bắc di cư giữ được sự thống nhất và cố kết nội bộ, nhưng nó cũng kìm hãm sự hiểu biết lẫn nhau và sự hòa hợp với những người láng giềng miền Nam của họ. Như vậy người Công giáo miền Bắc vẫn giữ mối nghi ngờ sâu sắc với thế giới bên lương mà họ đã gieo trồng trong những cộng đồng miền bắc khép kín và tự túc của họ. Mối nghi ngờ này, kết hợp với niềm tin rằng việc họ lưu lại miền Nam chỉ là tạm thời, đảm bảo cho phần lớn người Bắc di cư vẫn chống đối lại việc đồng hóa.
Các trại di cư biến thành các làng phản ánh các giá trị mà Bắc di cư có, bằng nhiều cách, họ đã trốn khỏi miền Bắc để giữ gìn. Năm 1954, họ đã nhận ra rằng thắng lợi của cộng sản ở miền Bắc đe dọa khả năng của họ sống trong những cộng đồng chính trị thần quyền biệt lập, tự duy trì. Chính phủ Ngô Đình Diệm, ngược lại, đề nghị đặt Bắc di cư trong những khu định cư mới, xa rời bộ phận dân cư chủ yếu của miền Nam, một quan niệm hoàn toàn thích hợp với nguyện vọng của họ. Giới giáo sĩ lãnh đạo miền Bắc, đặc biệt là Giám mục Phạm Ngọc Chi, đều ủng hộ nguyện vọng này. Sự đồng thuận của Bắc di cư luôn luôn bị hiểu sai thành bằng chứng cho việc họ bị chế độ và những người Mỹ ủng hộ nó lôi kéo, lợi dụng. Nhưng rất lâu sau khi sự lợi dụng mà người ta viện ra ấy biến mất khỏi hiện trường, thì những cộng đồng Bắc di cư, như Gia Kiệm chẳng hạn, vẫn còn nguyên như trước: biệt lập về mặt địa lý, khác biệt về văn hóa, và dựa trên tôn giáo.
Peter Hansen là Giảng viên khoa Lịch sử Giáo hội ở Châu Á tại Cao đẳng Thần học Công giáo, Melbourne, Australia, và linh mục địa phận Melbourne. Ông có bằng tiến sĩ thần học về lịch sử giáo hội tại Cao đẳng Melbourne, và M.A.từ đại học Monach, Melbourne. Ông hành nghề luật trong một thập niên, và làm việc trong trại tìm kiếm cứu trợ người Việt Nam ở Hồng Kông và Philipine đầu những năm 1990.
Tóm tắt: Những người Công giáo miền bắc di cư năm tái định cư tại CHVN những năm 1954-1955 theo kết quả của Hiệp định Geneva hình thành một cộng đồng có bản sắc riêng, nói chung không bị đồng hóa, và dần dần, nhưng không phải ngay lập tức, bị chính phủ Ngô Đình Diệm lợi dụng cho những mục đích lập quốc. Trong cả cuộc ra đi từ miền Bắc và cuộc tái định cư tại miền Nam, Bắc di cư nói chung thuận theo sự cai quản của các cha cố của họ. Những cộng đồng Công giáo này thường tái tạo các hình mẫu tổ chức, cung cách lãnh đạo và sự nghi ngờ của thế giới bên ngoài vốn đặc trưng cho các cộng đồng làng xã của họ ở miền Bắc.
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, issue 3, Fall 2009.
Bản tiếng Việt © 2010 Hiếu Tân
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] PTUDCTN gửi PTT, 15 tháng Bảy, 1955, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II.
[2] Về sắc lệnh của chính phủ trưng thu các tài sản này để dùng cho các trại di cư tạm thời: xem báo cáo của chính phủ về tản cư, 20 tháng Tám 1955, File 121, Folder 1088, PTTĐNCH, VNA-II.
[3] Trần Trung Dung (Thứ trưởng Quốc phòng) gửi PTT, Re: Phú Thọ Camp March 23, 1956, File 1003, Folder 9855, PTTĐNCH, VNA-II.
[4] “Đức Giám mục Phạm Ngọc Chi cai quản giáo khu Bùi Chu đến Sài Gòn để tổ chức các làng tản cư”, Tiếng Chuông, 30 tháng Tám. Dự định mỗi làng sẽ có một nhà thờ, một trường học, một giếng nước và, cơ bản nhất, một mạng điện vĩnh cửu. Các kế hoạch này được thực hiện về cơ bản. Phạm Ngọc Chi cũng kiếm được đất đặc biệt ở Suối Cúng huyện Hố Nai. Xem “Đồng bào di cư Bắc Việt ở Biên Hòa: Sinh hoạt cách nào?”, Dân Ta 21 tháng Chín, 1954.
[5] Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, Giám Mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm, 1945–1954 (Sài Gòn, 1973), 34.
[6] Weisner, “Vietnam: Exodus from the North,” 232.
[7] PTUDCTN gửi PTT, 21 tháng Giêng, 1956, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II. Trong số 257 này, một nhóm đại diện khi định cư “giai đoạn một” nơi những người di cư được bố trí ban đầu. Tuy nhiên, phần lớn là các vùng định cư giai đoạn hai.
[8] Weisner, “Vietnam: Exodus from the North,” 232.
[9] Ralph Smuckler, Walter W. Mode, và Frederic R. Wickert, Research Report—Field Study of Refugee Commission (Sài Gòn: Michigan State University, September 1955), 2. Các số liệu ngoại trừ Sài Gòn.
[10] Xem, chẳng hạn, tình hình an ninh ở Sa Đéc, mô tả trong “Báo cáo thăm Sa Đéc” của PTUDCTN gửi PTT, 22, tháng Mười Một 1955, File 343, Folder 4042, PTTĐNCH, VNA-II. Một ví dụ về bố trí đất định cư không thích hợp là Khâu Băng, một trại ở Tỉnh Bến Tre. Xem: Bùi Văn Lương gửi PTT, October 7, tháng Mười,1955, và “Chuyến Thăm Bến Tre cùng với phái đoàn Pháp và Mỹ”, 5 và 6 tháng Mười, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II.
[11] Stan Tan, “‘Dust Beneath the Mist’: State and Frontier Formation in the Central Highlands of Vietnam, the 1955–1961 Period” (Luận văn tiến sĩ, Đại học Quốc gia Australian, 2006), 166, 189. Cao ủy Di cư của Ngô Đình Diệm trở thành Cao ủy Cải cách Điền địa, với Bùi Văn Lương làm cố vấn cho cả hai.
[12] Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa, Cái Sắn: Câu chuyện xúc động về tái định cư và Cải Cách Điền Địa tại “vựa lúa” của Việt Nam Cộng hòa, 8; Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945–1995, 1:264. Kế hoạch ban đầu là di dời hai mươi ngàn gia đình, với một trăm ngàn người, đến Cái Sắn. Xem: Bộ trưởng Cải cách Điền địa gửi PTUDCTN, 10, tháng Mười Hai, 1955, File 375, Folder 4405, PTTĐNCH, VNA-II.
[13] Báo cáo của Bộ trưởng Cải cách Điền địa gửi PTUDCTN, 6, tháng Bảy, 1956, File 375, Folder 4405, PTTĐNCH, VNA-II.
[14] Khoảng mười lăm ngàn người thuộc các sắc dân thiểu số từ miền Bắc đã tham gia cuộc di cư được định cư ngay tại Cao nguyên Trung phần trước giai đoạn ba của tái định cư của người Kinh. Xem: Weisner, “Vietnam: Exodus from the North,” 234–235.
[15] PTUDCTN to PTT, July 15, 1955, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II.
[16] Báo cáo nêu trong: Gerald Cannon Hickey, Free in the Forest: Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands, 1954–1976 (New Haven, CT: Yale University Press, 1982), 18. Báo cáo này bỏ qua sự kiện là phần lớn vùng này có người các bộ tộc thiểu số sinh sống, mặc dầu chính sách của chính phủ Ngô Đình Diệm mà báo cáo nói đến đã cố gắng giải quyết các nhu cầu của họ. Xem Hickey, Free in the Forest, 18–19.
[17] Báo cáo của Nguyễn Sơn Duyền, đại diện chính phủ ở Cao ngyên Trung phần. 8 tháng Tám, 1956. File 376, Folder 4411, PTTĐNCH, VNA-II. Thực tế, quyết định chuyển một số Bắc di cư đến các vùng tái định cư mới không phải là mới hay bột phát, tầm quan trọng của tuyên bố này là nó tổng hợp các ưu tiên chính sách của Ngô Đình Diệm và những cuộc điều động cơ bản của họ trong giai đoạn tái định cư thứ ba. Về các bình luận tương tự, xem biên bản cuộc họp trước của Ủy ban Định cư người di cư, tháng 24 tháng Bảy, 1956, File 375, Folder 4408, PTTĐNCH, VNA-II.
[18] Bình Xuyên là một nhóm (không phải giáo phái) dính líu vào cả các hoạt động bán quân sự và các hoạt động tội ác, cho đến khi nhóm này bị Ngô Đình Diệm tiêu diệt hoặc tước khí giới năm 1955.
[19] Một thí dụ tương tự liên quan đến cộng đồng Đại Hải, di cư như một thực thể đơn lẻ từ giáo khu Hải Phòng đến Sóc Trăng ở miền Nam, xem: “Chúng tôi đi viếng trại định cư Đại Hải Đôn Diên La Bách – Sóc Trăng” xem: Dân Chủ 17, tháng Bảy 1956.
[20] Lê Xuân Khoa cho rằng sức thúc đẩy ngang nhau của các khu tái định cư giai đoạn ba này chủ yếu đến từ phái bộ Truyền giáo Hoa Kỳ và Trường Đại học bang Michigan. Xem: Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945–1995, 1:261.
[21] Jean Lacouture, Vietnam: Between Two Truces, Konrad Kellen and Joel Carmichael dịch (London: Secker & Warburg, 1966), 105. Nguyễn Ngọc Tân miêu tả Bắc di cư định cư ở vành đai xung quanh Sài Gòn như “một bức tường người để ngăn chặn sự thâm nhập của cộng sản và để phá vỡ ảnh hưởng của Việt Minh ở vùng nông thôn”. Xem: Nguyễn Ngọc Tân, “The ‘Miracle of Vietnam’: The Establishment and Consolidation of Ngo Dinh Diem’s Regime, 1954–1959” (luận văn tiến sĩ, Đại học Monash, Melbourne, 1997), 168. Xem thêm: Bernard Fall, “On Father Harnett,” in Lindholm, ed., Viet-Nam, The First FiveYears, 93; Kahin, Intervention, 77.
[22] Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, 1940–1965 (Sài Gòn: Trí Dũng, 1972), 248–249.
[23] Điều này có bằng chứng là hai cuộc viếng thăm Hà Nội để nói chuyện trước cuộc mít tinh quần chúng trong thời kỳ trước khi thủ đô trở về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xem: “Chánh phủ sẽ đòi lại các vùng Bùi Chu và Phát Diệm” Ánh Sáng, 9, tháng Bảy 1954.
[24] PTUDCTN gửi PTT, 22, tháng Mười Một 1955, File 343, Folder 4042, PTTĐNCH, VNA-II. Trong cùng văn bản này, Bùi Văn Lương tiếp tục thừa nhận rằng hai tỉnh này (Biên Hòa và Gia Định) không hề là địa điểm lý tưởng cho Bắc Di Cư định cư vì thiếu ruộng đất, và họ gây cho chính quyền địa phương rất nhiều rắc rối.
[25] Điều này dẫn đến những tin đồn rằng người miền Bắc không được tự do mà bị cưỡng bức lao động trong những đồn điền cao su như dưới thời thực dân Pháp. Xem: “Giới hữu quyền đính chánh, không có việc đưa đồng bào tản cư đi đồn điền cao su” Tiếng Chuông, 23, tháng Tám 1954.
[26] Các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, và Bà Rịa là quê quán của những cộng đồng Công giáo lâu đời.
[27] Philip E. Catton, Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam (Lawrence: University Press of Kansas, 2002), 60–61. Tuyên bố sau đó của ông ở trang 61, rằng “Thái độ của họ tiếp tục phá hoại các quan hệ giữa Sài Gòn và cộng đồng Công giáo, đã căng thẳng do các cố gắng của chính phủ kiềm chế chính quyền thế tục hành hạ các linh mục trong các làng di cư” gây tranh cãi nhiều hơn; Catton đưa ra mà không chứng minh.
[28] Chẳng hạn, cư dân trại Tiên Thuận đã phải di chuyển bốn lần: từ khu nhà tạm ở Sài Gòn đến Tây Ninh; ở Tây Nam cuộc nổi loạn buộc họ về lại Xóm Mới ở Sài Gòn, và trước khi PTUDCTN quyết định tái định cư họ ở Pleiku trên cao nguyên. Xem biên bản các cuộc họp PTUDCTN ở Pleiku, 23, tháng Bảy 1956, File 375, Folder 4408, PTTĐNCH, VNA-II.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét