Nguyễn Lan – Nước Việt có cần một chủ nghĩa dân tộc?
01/05/2010 | 6:00 sáng |
Tác giả: Nguyễn Lân
Chuyên mục: Chính trị - Xã hội
Thẻ: Chủ nghĩa dân tộc
Sau 1975, chế độ Hà Nội cương quyết thực hiện chủ nghĩa xã hội (ngay cả tên nước cũng đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) với phương châm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”, thế nhưng tiến đâu không thấy, chỉ thấy lùi: phá sản kinh tế (nông dân Bến Tre, quê hương của Đồng Khởi, đốt hoa màu phản đối chính sách hợp tác xã, nhân dân phải ăn bo bo để sống cầm hơi), “thiên đường xã hội chủ nghĩa” đầy rẫy nhà tù “học tập, cải tạo”, nhân dân tán thán (với những chuyện tiếu lâm như: XHCN = Xếp hàng cả ngày, cái cột đèn cũng muốn đi, tượng thánh Trần chỉ tay ra biển Đông (khuyên dân đi di tản với tượng Bác Hồ xòe bàn tay ra giá 5 cây vàng), Việt Nam đoạt các cúp: cúp nước, cúp điện,…), bị cô lập với thế giới (về ngoại thương, vì thiếu ngoại tệ nên hầu hết phải dùng hàng hóa thay thế), Bắc Kinh “dạy cho một bài học” (1979), xâm chiếm Trường Sa (1988)…
Tới thời mở cửa, mặc dù kinh tế khá hơn (nhất thời, chưa tính hậu quả về sau trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi), không còn bị cô lập (vào WTO), nhưng lại nẩy sinh những vấn nạn khác: con người và xã hội ngày càng tha hóa trầm trọng (xã hội đen, đĩ điếm, các “cậu ấm”, “cô chiêu” của các quan cách mạng sống buông thả như một lũ mất dạy, bản thân các ông quan này cũng đểu giả, lưu manh không kém…), tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền, bóc lột dân oan, tư sản “đỏ”, ô nhiễm…
Trong khi đó, đối với Bắc Kinh, Hà Nội đi từ nhân nhượng này tới nhân nhượng khác: nhượng đất (Hiệp định Biên giới đất liền Việt-Trung), nhượng biển (Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ), hiệp định về vùng đánh cá chung mà thực chất là để cho tàu cá Bắc Kinh (lớn và đầy đủ phương tiện) tự do khai thác, thậm chí họ còn có ý đồ khác (ông Thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng nói theo kiểu ngoại giao: “họ nói mãi nên chúng tôi mới chịu ký”; trên thực tế, “nói mãi” là gây áp lực buộc Hà Nội phải ký hiệp định có lợi cho họ), thậm chí can thiệp vào chuyện nội bộ của Hà Nội (dưới áp lực của Bắc Kinh, sau Đại hội Đảng VII, ông cố Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch bị thất sủng, mất chức, bị loại khỏi Bộ Chính trị; trong Đại hội Đảng X, Bắc Kinh “mong muốn” Nông Đức Mạnh tiếp tục làm Tổng Bí thư…). Ngày nay, Bắc Kinh tiếp tục buộc Hà Nội phải “hợp tác toàn diện”, để cho Bắc Kinh khai thác bô-xít Tây Nguyên (ngoài hậu quả nghiêm trọng về môi trường, văn hóa vùng đã được các chuyên gia cảnh báo trước, Tây Nguyên còn là địa bàn chiến lược: Tây Nguyên là vùng cao điểm, kiểm soát được Tây Nguyên là kiểm soát được toàn vùng Đông Dương), phải nhân nhượng trong các cuộc đàm phán về việc phân chia lãnh hải vùng Biển Đông (nhằm thực hiện ý đồ bá quyền Biển Đông của họ), thường xuyên răn đe bằng các thủ đoạn như tập trận (có khi bằng đạn thật), tuần tra lãnh hải (kể cả vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam), bắt đầu công khai khai thác Biển Đông bất chấp mọi phản đối, thậm chí bắt giữ, đòi tiền chuộc, bắn giết ngư dân Việt…
Trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài” đó, có khuynh hướng (trực tiếp hay gián tiếp) cho rằng cần phải xây dựng (chí ít là biểu dương) một chủ nghĩa dân tộc (mới) nhằm giải quyết những vấn nạn nêu trên. Vậy, ý nghĩa và công dụng của “chủ nghĩa dân tộc”, “chủ nghĩa dân tộc Việt” là gì?
I. Chủ nghĩa dân tộc
Trên khắp thế giới, ở một giai đoạn nhất định, trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó (bị xâm lăng, khủng hoảng kinh tế,…), mọi chính quyền đều kêu gọi lòng yêu nước của người dân để động viên, huy động lực lượng toàn dân nhằm vượt qua khó khăn ấy. Đây là điều thông thường, chính đáng và chỉ là sự động viên nhất thời chứ không phải là một chủ nghĩa rõ nét nào cả; mọi quốc gia đều làm như thế.
Thế nhưng cần xem xét một số đặc trưng:
•Các chế độ độc tài kiểu Quốc xã: các chế độ độc tài này thường sử dụng chiêu bài “dân tộc” để khích động nhân dân và buộc họ phải phục tùng; thậm chí còn được thêm vào chiêu bài “chủng tộc” (chủ nghĩa Quốc xã coi chủng tộc Đức hơn hẳn các chủng tộc khác và đặc biệt chủng tộc Do Thái thấp hèn, độc hại cần phải loại trừ). Ngày nay, các đảng chính trị cực đoan cũng vẫn dùng chiêu bài dân tộc để kiếm phiếu cử tri. Riêng tại Nam Tư cũ (và nhất là tại Bosnia) đã từng có các cuộc “thanh lọc chủng tộc” đẫm máu. Tại vài nước châu Phi, có các cuộc “thanh lọc bộ tộc”, nhưng chủ yếu là hệ quả của chính sách thực dân chia vùng ảnh hưởng thành các quốc gia thuộc địa không hợp lý (trước đó, các vùng này không phải là một quốc gia và có nhiều bộ tộc sinh sống) và chính sách giải thực vội vã (đúng ra là… bỏ chạy); các thủ lĩnh khích động tình cảm bộ tộc, có thể coi đây là một chủ nghĩa dân tộc sơ khai. Về đại thể đây là chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
•Tại một số nước (kể cả tại các nước dân chủ), trong một số hoàn cảnh (như khó khăn kinh tế), chủ nghĩa dân túy có dịp bùng nổ, chủ nghĩa này khích động tinh thần bài ngoại, kỳ thị chủng tộc, văn hóa,… Thí dụ là Mặt trận Quốc gia (Front National) của ông Le Pen, Pháp hay các nhóm “đầu trọc uống bia” tại một số nước thuộc khối Liên Xô cũ. Đây là một biến thể của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các đảng chính trị cực hữu thường dùng thủ đoạn này.
•Các chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa: là các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản quốc tế (với khẩu hiệu “vô sản thế giới đoàn kết lại”) nên họ phải tôn sùng chủ nghĩa quốc tế của họ, thế nhưng, từ dân thường tới đảng viên (kể cả lãnh đạo), chẳng ai biết cái chủ nghĩa cộng sản (hay chủ nghĩa xã hội) là gì để mà ủng hộ, do đó họ phải thêm vào chiêu bài dân tộc dễ thuyết phục hơn. Riêng tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đưa ra khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, mong dùng lòng yêu nước truyền thống để buộc dân tộc ta phải đi theo cái chủ nghĩa (mơ hồ) của họ. Đây là một chủ nghĩa dân tộc kiểu “mượn hoa cúng Phật”, dùng cái dễ khích động để bảo vệ nền chuyên chính vô sản của họ. Ngày nay, về lý thuyết, Trung Quốc vẫn theo chủ nghĩa xã hội, nhưng trên thực tế, kể từ thời Đặng Tiểu Bình, họ đã từ bỏ chủ nghĩa này; do đó, để bảo vệ cái chế độ đầu Ngô, mình Sở này và cũng để thực hiện giấc mộng bá quyền, họ chỉ còn có nước sử dụng chiêu bài dân tộc mà thôi; Trung Quốc ngày càng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan (có thể coi như một Đức Quốc xã mới), đây là một hiểm họa cho các nước trong vùng và cả thế giới.
•Các chế độ độc tài (quân phiệt) khác: đây là các chế độ độc tài “tiền và súng” (vì quyền và lợi riêng của mình, họ sẵn sàng dùng bạo lực trấn áp, như Miến Điện, vài nước ở Phi, Mỹ Latinh). Vì cần dùng “súng” nên kẻ cầm quyền thường là các tướng lãnh (hay có liên hệ mật thiết với quân đội, công an). Do không có lý thuyết nào cả nên họ sẵn sàng gắn từ “phản quốc” cho bất kỳ ai mà họ cho là chống đối chế độ; ngược lại, những ai theo họ là “ái quốc”. Họ sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một luận cứ để bảo vệ cái ghế ngồi của họ.
•Các chế độ độc tài tôn giáo (toàn thủ): cụ thể là các nước (và cả các nhóm) Hồi giáo cực đoan kêu gọi tín đồ của họ trên toàn thế giới (tính quốc tế) mở cuộc thánh chiến chống lại “quỷ sa tăng” Mỹ và chư hầu. Có lẽ lý thuyết “người anh em Hồi giáo” (Les Frères musulmans – Muslim brothers) có ảnh hưởng quan trọng, chí ít lý thuyết này giải quyết được vấn đề chia rẽ lâu đời giữa các hệ phái Hồi giáo. Mặc dù có tính quốc tế, nhưng tại mỗi quốc gia này, chiêu bài dân tộc cũng vẫn được sử dụng vì lòng yêu nước vốn là tình cảm tự nhiên của người dân mọi quốc gia trên thế giới.
•Các chế độ dân chủ phương Tây: dân chủ và tự do (có thể gọi chung là Freedom) là những giá trị tinh thần lâu đời của họ và do đó họ thường nhắc lại những giá trị ấy. Khi gặp khó khăn, họ cũng kêu gọi lòng yêu nước của người dân thêm vào những giá trị ấy (như trong Thế chiến II: các nước dân chủ phe Đồng minh chống lại các nước độc tài phe Trục). Tất nhiên không phải lúc nào cái Freedom ấy cũng có chỗ đứng đúng nghĩa (Freedom là những giá trị nội tại, còn chính sách ngoại giao của họ lại là vấn đề khác). Trong Thế chiến II, đối với các nước bị xâm lăng, tinh thần dân tộc lên cao, đây là phản ứng tự nhiên của mỗi dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm; thế nhưng, khoảng thời gian từ trước (chuẩn bị chiến tranh) tới sau (tàn dư cuộc chiến) Thế chiến quá ngắn ngủi để thấy được các đặc trưng của tinh thần dân tộc này. Một cách tổng quát, chủ nghĩa dân tộc tại các nước này không có nét đặc trưng, mặc dù qua mỗi kỳ bầu cử, lại rộ lên các chiêu bài dân túy.
•Trong khoảng trước và sau Thế chiến I và II, nổi lên các phong trào giải thực xuất phát từ nguyện vọng muốn giành lại độc lập, tự do. Một cách tổng quát, tại một số nước, trong thời kỳ chống xâm lăng hay phục hưng, người dân nỗ lực thực hiện hoài bão muốn dân tộc họ trở thành một nước phát triển. Từ lý tưởng chính đáng ấy, đây là chủ nghĩa dân tộc trong sáng.
Nhìn từ góc độ thực tiễn, mọi chủ nghĩa dân tộc đều là phương tiện nhằm đạt được các mục tiêu đã định. Chủ nghĩa dân tộc, tự nó, không nhất thiết phải là “tốt” hay “xấu”, vấn đề là dụng ý của người sử dụng mà thôi; có thể phân loại thành: 1) chủ nghĩa dân tộc trong sáng (nhằm đạt được mục đích chính đáng) và 2) chủ nghĩa dân tộc thực dụng (dùng chủ nghĩa này như một phương tiện nhằm đạt được ý đồ riêng).
Nhìn từ góc độ lý tưởng, mọi dân tộc đều có quyền mơ ước quốc gia của họ hùng cường, vang danh trên thế giới. Nếu một quốc gia trở nên hùng cường nhờ vào tài năng và điều kiện khách quan thuận lợi mà không xâm lược, trấn áp các quốc gia khác thì rất đáng để mọi người khâm phục và học hỏi, rút kinh nghiệm. Ngược lại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn đạt mục đích “xưng hùng, xưng bá” của họ bằng cách chà đạp, trấn áp các dân tộc khác và khi cần chủ nghĩa này sẵn sàng gây chiến, xâm lược các quốc gia khác.
Trong một số trường hợp, chủ nghĩa dân tộc đáp ứng được nhu cầu thời cuộc. Thế nhưng việc lạm dụng nó, sử dụng nó như một công cụ nhằm đạt được tham vọng, mưu đồ riêng thay vì lợi ích chung của cả dân tộc thường chỉ đem lại những tai họa cho chính kẻ sử dụng, dân tộc ấy và có khi cho cả thế giới (trường hợp Hitler là thí dụ điển hình). Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc không chỉ đơn giản là các thủ đoạn tâm lý chiến nhằm khích động tình cảm, lòng yêu nước của nhân dân. Cần xem xét cái nội hàm của chủ nghĩa ấy. Phải chăng chỉ vì hình hài, màu da của kẻ thống trị? Nếu thế thì đây chỉ là chủ nghĩa chủng tộc và nếu kẻ thống trị là người bản địa thì “yêu nước là yêu kẻ thống trị” vì chúng là đại diện cho dân tộc hay sao? Phải chăng chỉ vì muốn dân tộc mình làm bá chủ vùng hay thế giới? Đây là điều đã từng xảy ra từ các đế quốc cổ đại đến các đế quốc Liên Xô, Trung Quốc, tự nhận là theo “tinh thần vô sản quốc tế” nhưng trên thực tế vẫn cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc của họ, nếu thế thì đây chỉ là chủ nghĩa chủng tộc mà thôi.
II. Chủ nghĩa dân tộc Việt
Trước hết, cần phải xem xét lại lịch sử, quá trình tư duy và hàm ý của lòng yêu nước của dân tộc.
Thời phong kiến, trong thế giới Trung Hoa, tình tự dân tộc tự nhiên như hơi thở, cứ mỗi lần bị Bắc Triều xâm lược, dân tộc ta (từ dân tới quan), muôn người như một, lại đứng lên đánh đuổi chúng. Từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chủ nghĩa dân tộc Việt truyền thống là mong muốn đất nước được tự chủ (trong thế giới Trung Hoa thời ấy, nước Việt bị coi là một chư hầu, đối với người Việt đương thời, khái niệm “độc lập”, cả về nội dung lẫn hình thức, còn khá mơ hồ) và bảo vệ phong cách sống riêng (xem “Bình Ngô đại cáo” của cụ Nguyễn Trãi, các bài hịch của vua Trần Hưng Đạo, Quang Trung,…). Vì nặng về tình cảm, có thể coi đây là chủ nghĩa dân tộc cảm tính.
Tới thời thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, các sĩ phu viết “hịch Cần Vương” theo đúng bài bản trước đây mỗi khi đất nước bị xâm lăng, mặc dù thời thế đã đổi thay: thế giới Trung Hoa tàn lụi (Trung Hoa trở thành một nước bán thuộc địa) và đằng sau sức mạnh quân sự áp đảo của thực dân Pháp là một nền văn minh mới (văn minh phương Tây). Để đối phó với nền văn minh ấy, dân tộc ta chỉ biết dùng chủ nghĩa dân tộc cảm tính muôn thuở với vũ khí truyền thống và thô sơ (mặc dù có bắt chước sử dụng, chế tạo súng – cụ Cao Thắng -, nhưng không thể so sánh với cả một nền kỹ nghệ vũ khí của Pháp được).
Các phong trào Cần Vương thất bại, các nhà cách mạng phải mầy mò tìm ra phương thức và lý thuyết mới. Mỗi người mầy mò theo cảm nhận và điều kiện riêng của họ, dần dần hình thành các nhóm nhỏ có cùng một số quan điểm với các phong trào, lý thuyết (hay quan điểm): Đông Du, Duy Tân, thuyết Tam Dân (du nhập từ Trung Hoa), thuyết Dân tộc Sinh tồn, các tác phẩm của cụ Lý Đông A (Chính khí Việt, Huyết hoa), Đệ Tam, Đệ Tứ,… Ngoài ra, các sĩ phu thời ấy cũng tiếp cận với tư tưởng nhân quyền, dân chủ thông qua các bài viết của hai cụ Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi (người Hoa). Đây cũng là cuộc tiếp xúc, hội nhập với nền văn minh phương Tây trong lãnh vực chính trị. Tấm lòng của các thế hệ trước thật đáng trân trọng; thế nhưng, ngày nay, nhìn lại buổi giao thời ấy, chúng ta không khỏi suy ngẫm về một số vấn đề cơ bản, đặc biệt là các cách tiếp cận vấn đề của họ.
1.Từ cách nhìn thực tiễn: Với sự đi lên của Nhật Bản (một nước châu Á, cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa), cụ Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật. Một số người chỉ trích phong trào Đông Du của cụ quá trông chờ vào ngoại viện. Nhìn từ góc độ hiệu quả nhất thời thì điều này đúng (vì rốt cuộc phong trào Đông Du chỉ đào tạo được một số nhỏ người), nhưng cũng cần thấy là mặc dù dân tộc ta có một nền văn minh lâu đời nhưng chỉ là nền văn minh lúa nước cổ xưa, dân trí kém, lại là một dân tộc bị trị thì làm sao có tiềm lực để đánh đuổi thực dân Pháp? Việc tìm kiếm đồng minh (ngoại viện) là điều hiển nhiên cần thiết và không phải chỉ có cụ Phan mới có ý định ấy. Chứng cứ là tên gọi Việt Minh là viết tắt của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh với từ “Đồng minh” đầy dụng ý. Xuyên suốt cuộc chiến Việt-Pháp và tại Đông Dương sau này, Việt Nam nhận viện trợ của khối XHCN (xã hội chủ nghĩa) với Liên Xô và Trung Quốc là chủ yếu: huấn luyện người, kinh tế, vũ khí và cả cố vấn quân sự, quân đội,… Nhìn từ góc độ hậu quả lâu dài, cần đặt câu hỏi: phải chăng các vụ “nhượng đất, nhượng biển” ngày nay là cái giá phải trả cho Bắc Kinh? Nếu đúng thì đây là một bài học đắng cay đắt giá, đáng để đời trong mối quan hệ Việt-Trung.
2. Về quan điểm, lý thuyết: Đại đa số các lý thuyết (hay quan điểm) nêu trên có nguồn gốc từ phương Tây (kể cả thuyết Tam Dân vì thuyết này của cụ Tôn Dật Tiên cũng đi từ tư tưởng nhân quyền, dân chủ của phương Tây) và được cải biên lại. Về đại thể, các lý thuyết (hay quan điểm) này đều ít, nhiều là một chủ nghĩa dân tộc, mặc dù Đệ Tam và Đệ Tứ có mâu thuẫn quan điểm “quốc tế-dân tộc” (riêng về Đệ Tam, việc thống nhất 3 đảng cộng sản Đông Dương và do cụ Hồ Chi Minh lãnh đạo là một dấu hiệu cho thấy họ muốn tạm thời từ bỏ tính quốc tế: cụ Hồ Chí Minh có quan điểm thuộc loại trung dung và thiên về dân tộc, khác với khuynh hướng cực đoan, “sắt máu” theo đúng quan điểm đấu tranh giai cấp của Quốc tế Cộng sản và Stalin của Trần Phú, Hà Huy Tập,… – một biểu hiện của khuynh hướng quốc tế và tả khuynh là vụ Xô-viết Nghệ Tĩnh năm 1930).
Sự khác biệt lý thuyết nêu trên dẫn tới các tranh cãi, thậm chí tranh chấp về quan điểm: bảo hoàng (lập lại chế độ quân chủ, với cụ Cường Để), ít, nhiều cực hữu (Đại Việt) hay cực tả (Đệ Tam, Đệ Tứ),… Điều ngộ nghĩnh là tranh chấp Đệ Tam – Đệ Tứ vốn là vấn đề riêng giữa Stalin và Trotsky lại trở thành sự đấu đá giữa hai khuynh hướng Tam – Tứ Việt!
Cũng cần xem lại nguồn gốc của từ “quốc gia” với từ kép “quốc-cộng” và các cụm từ liên hệ: tại Trung Hoa, cụm từ “cuộc chiến quốc-cộng” là một cuộc nội chiến và đấu tranh ý thức hệ, với từ kép “quốc-cộng”: “quốc” là Quốc dân Đảng, “cộng” là Đảng Cộng sản Trung Hoa, mọi chuyện đều rõ ràng; trong khi đó, tại nước Việt, “cộng” thì rõ ràng (Đảng CSVN), nhưng “quốc” là viết tắt của từ “quốc gia”, không nêu đích xác một chính đảng nào và về nghĩa lại khá mơ hồ:
•Theo định nghĩa, từ “quốc gia” (state, etat) hay “đất nước” dùng để chỉ một lãnh thổ có chủ quyền; tự nó không hàm ý một chủ nghĩa nào cả. Về sau này, khoảng những năm 1930 trước Thế chiến II, việc một số quốc gia (Đức, Ý, Nhật…) mới nổi lên và có khuynh hướng đối đầu với các cường quốc đương thời (Anh, Pháp,… là các đế quốc có nhiều thuộc địa) khiến một số các nhà cách mạng ở các nước bị trị, trong dó có nước Việt, có cảm tình với các nước này và ít, nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan của họ. Các đảng chính trị cực hữu tại các nước này thường dùng từ “quốc gia” để khích động người dân, hai thí dụ là Đảng Phát-xít Ý (Partito Nazionale Fascista – National Fascist Party) và Đảng Quốc xã Đức có tên chính thức là Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Đức (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei – National Socialist German Workers’ Party), có lẽ từ “quốc gia” (hàm ý dân tộc) có thêm hàm ý chống cộng (quốc tế). Việc có cảm tình với các nước mới nổi này là phản ứng thông thường của người dân một nước bị trị, còn tác hại của các chủ nghĩa cực đoan này thì người đương thời khó thấy được. Từ đó và sau này, tại nước Việt, có các cụm từ như “chánh nghĩa quốc gia”, “lý tưởng quốc gia”,…
•Thời kỳ 1945, có cuộc tranh chấp giữa Đảng CSVN và các đảng chính trị và hệ phái tôn giáo khác, do tính chất “đảng tranh”, từ “quốc gia” lại hàm ý cuộc đấu đá “quốc-cộng”.
•Từ 1954, nước Việt bị chia đôi và sau đó là cuộc nội chiến Bắc-Nam (một khía cạnh của cuộc chiến tại Đông Dương lần 2), tại miền Nam, tính chất quốc gia – cộng sản lại tăng lên gấp bội.
•Sau 1975, đa số những “thuyền nhân” có ít, nhiều dính lứu tới chế độ miền Nam cũ (VNCH), thường được coi / tự nhận là “người quốc gia” nghiêng về phe bảo thủ (thậm chí có khi là cực hữu) tại các quốc gia sở tại. Đa phần những người này vì oán hận chế độ Hà Nội nên có cảm tình với phe bảo thủ (có khi là cực hữu) để chứng tỏ quyết tâm “không đội trời chung với cộng sản” mà thôi, họ chẳng cần biết rằng các đảng cực hữu (có khi là bảo thủ) chủ trương bài ngoại!
Trở lại về quan điểm, lý thuyết, điều đặc biệt là không thấy sự hiện diện thực sự của khuynh hướng Đệ nhị Quốc tế, với các đảng dân chủ xã hội, tiền thân của các đảng xã hội sau này. Đảng Xã hội trong Mặt trận Việt Minh (1946) chỉ là cái bình phong được lập ra nhằm che giấu thực chất của Đảng CSVN trong Mặt trận này mà thôi. Về quan điểm, Đệ Nhị cũng theo chủ nghĩa xã hội như Đệ Tam (và Đệ Tứ). Sự khác biệt giữa các đảng cộng sản (Đệ Tam) và xã hội (Đệ Nhị) gồm 2 điểm chính: 1) đảng cộng sản chủ trương thành lập chế độ chuyên chính vô sản (được coi là “nguyên tắc”, một thể hiện của nguyên tắc này là điều 4 Hiến pháp của chế độ Hà Nội) trong khi đảng xã hội không chấp nhận nguyên tắc này (có nghĩa là chấp nhận một chế độ dân chủ), 2) đảng cộng sản chủ trương đấu tranh lật đổ chế độ đương thời (kể cả việc dùng bạo lực, còn “đấu tranh nghị trường” chỉ là sách lược nhất thời mà thôi) trong khi đảng xã hội chủ trương đấu tranh nghị trường. Chính vì muốn dùng bạo lực nên “đảng kiếu mới” của Lenin là một tổ chức bán quân sự, Đảng CSVN cũng tổ chức theo mô hình ấy; từ quan điểm tới tổ chức, việc Đảng CSVN lãnh đạo đấu tranh là một nguyên nhân khiến phương thức đấu tranh bạo động là điều không tránh khỏi.
3. Từ bản chất và thực trạng của dân tộc: Cách tiếp cận vấn đề của đại đa số các lý thuyết (hay quan điểm) nêu trên đều là cách trực tiếp, đối đầu, tức khắc: vì đất nước ta trở thành thuộc địa của Pháp nên phải đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập; giống như trước đây dân tộc ta phải đánh đuổi giặc phương Bắc. Giản dị thế thôi! Cách làm này là một thứ phản xạ tự nhiên, theo kiếu trả đũa (người đánh ta thì ta đánh trả – chủ trương bạo động) và với sự nóng vội mong có kết quả (giành lại độc lập) tức thời.
Từ nhận định về tình trạng của dân tộc ta thời đó, cụ Phan Chu Trinh có cách tiếp cận khác hơn: mặc dù mục đích vẫn là giành độc lập, nhưng trước tình trạng dân tộc suy yếu, dân trí thấp kém như thế, trước tiên cần phải “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”, với phương châm “Tự lực khai hóa”, cụ vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền. Đây là cách tiếp cận gián tiếp, không đối đầu, giai đoạn: để giải quyết vấn nạn giặc Pháp, cụ không kêu gọi kiểu “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh!”, phong trào Duy Tân của cụ không phải là một tổ chức chính trị (hay cách mạng) đối đầu với chính quyền đương thời, cụ chủ trương phải có “dân trí, dân khí, dân sinh” (nói theo kiểu ngày nay là “nội lực”) trước khi giải quyết vấn đề độc lập.
So sánh chủ trương của cụ Phan và các khuynh hướng khác, chúng ta thấy có sự khác biệt về trình tự giải quyết vấn đề độc lập: xây dựng “nội lực” trước hay phát động đấu tranh giành độc lập trước (bằng bất cứ giá nào và không quan tâm tới “nội lực”)?
Ngoài ra, dù trước hay sau, chính quyền mới (độc lập) cũng vẫn phải đối diện với vấn đề hội nhập là điều cần phải đặt ra kể từ khi bị thực dân Pháp xâm lược: trở lại với nền văn minh Trung Hoa (đang tàn lụi) hay tiếp thu nền văn minh phương Tây?
Sau thời kỳ Cần Vương, gián tiếp hay trực tiếp, các khuynh hướng chính trị (Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt, Đệ Tam, Đệ Tứ,…) đều ít/nhiều có hàm ý thừa nhận nền văn minh phương Tây. Cụ Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật Bản vì họ đã tiếp thu được nền khoa học, kỹ thuật phương Tây và trở nên một nước hùng mạnh. Cụ Nguyễn Thái Học tiếp thu thuyết Tam Dân, là một thể hiện của tư tưởng nhân quyền, dân chủ. Đệ Tam, Đệ Tứ theo chủ nghĩa xã hội của Marx (mặc dù Đệ Tứ chống lại Stalin) xuất xứ từ phương Tây. Riêng về Đệ Tam (Đảng CSVN) theo chủ nghĩa xã hội của Marx, ông này là một triết gia, mặc dù về bề nổi lý thuyết của ông ta chống tôn giáo (thần học) nhưng chủ nghĩa của ông ta chỉ là hướng ngược lại của cùng con đường tôn giáo (thiên đường cộng sản chẳng qua cũng là khái niệm thiên đường trong tôn giáo mà thôi); hơn nữa cái chủ nghĩa xã hội du nhập vào nước Việt lại là bản sao (ở mức độ sơ khai, “yếu lược”) cộng thêm “mắm muối” là chủ nghĩa Lenin, Stalin, Mao và cuối cùng là tinh thần câu nệ Khổng giáo còn rơi rớt lại của chính những đảng viên Đảng CSVN! Riêng cụ Phan Chu Trinh, mặc dù có cảm tính với Đảng Xã hội Pháp (Đệ Nhị) và thiên về quan điểm nhân quyền, dân chủ, nhưng chủ yếu cụ muốn thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng, toàn diện xã hội.
Giả sử như phong trào Duy Tân thành công, sự thành công này tạo tiền đề để dân tộc ta giải quyết rốt ráo vấn đề hội nhập. Trước đây, khi phương tiện giao thông còn thô sơ, việc giao lưu kinh tế và văn hóa rất hiếm hoi, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt (như truyền bá tôn giáo), việc hội nhập hầu như không đáng kể; kể từ khi phương Tây xâm chiếm và khai thác thuộc địa ở mức độ toàn thế giới, tiến trình hội nhập bước sang giai đoạn phát triển mới, dù muốn hay không, các quốc gia bị trị phải đối diện với vấn đề hội nhập, vì đằng sau sức mạnh quân sự là nền văn minh mới – văn minh phương Tây -, trong đó có giá trị dân chủ. Đối với các dân tộc này, ngoài vấn đề giành lại độc lập, câu hỏi còn lại là họ chấp nhận hay phủ nhận, toàn bộ hay từng phần, nền văn minh mới này? Hơn nữa, họ có đủ “nội lực” để chủ động thực hiện lựa chọn của họ hay không? Riêng đối với nước Việt, chủ trương “dân trí, dân khí, dân sinh” là trang bị tối cần thiết để dân tộc ta trả lời câu hỏi nêu trên.
Trước đây, một số người cho rằng cụ Phan Chu Trinh theo khuynh hưởng “cải lương” (thường với hàm ý tiêu cực là không triệt để), Đảng CSVN cũng nhận định như thế, một phần vì họ muốn quảng cáo cho đường lối đấu tranh bạo động “đúng đắn” của họ và do đó chê bai mọi đường lối khác, phần khác xuất phát từ quan điểm chung của các đảng cộng sản (Đệ Tam) phê phán các đảng xã hội (Đệ Nhị) là “cải lương”, “thỏa hiệp” với tư bản (cụ Phan có khuynh hướng gần với Đảng Xã hội Pháp). Ngày nay, 70-80 năm đã qua, với bao đau thương, mất mát, thất vọng, nhục nhã và kinh nghiệm đắng cay, một số người, trong và ngoài nước, mới xem xét và đánh giá lại chủ trương đúng đắn của cụ.
Thế nhưng vì sao chủ trương đúng như thế lại không được đông đảo những nhà cách mạng đương thời ủng hộ và tham gia? Sau đây là vài giải thích:
•Khi bị thực dân Pháp xâm lược, phong trào Cần Vương là phản ứng tự nhiên, truyền thống của sĩ phu thời ấy (giống như khi bị Bắc Triều xâm lược); phong trào này thất bại, các nhà cách mạng phải thay đổi quan điểm, phương hướng hoạt động, nhưng mục tiêu trước tiên cũng vẫn là đánh đuổi thực dân Pháp mà ít/không quan tâm tới “nội lực” của dân tộc, còn việc phủ nhận/chấp nhận nền văn minh phương Tây khá mơ hồ và có nhiều ý kiến khác biệt, sự khác biệt này là các cảm nhận, đánh giá khác nhau về hiệu quả của các chủ nghĩa nhập cảng này đối với mục tiêu giành lại độc lập mà thôi. Một dẫn chứng là cụ Hồ Chí Minh nói về lựa chọn Đệ Nhị hay Đệ Tam của mình: tôi chọn Đệ Tam vì chỉ có Đệ Tam mới nêu lên vấn đề giải phóng thuộc địa; ngoài ra cụ dịch cuốn Chủ nghĩa cộng sản yếu lược của Stalin là một cuốn sách vỡ lòng về chủ nghĩa cộng sản làm tài liệu truyền bá chủ nghĩa này, trong khi Marx là một triết gia và những điều ông ta viết không đến nỗi thô thiển, ấu trĩ đến thế! Ngoài ra, việc nhập cảng và cải biên các lý thuyết, chủ nghĩa khác thể hiện một giấc mơ, hoài bão (đầy cảm tính) về một dân tộc Việt hùng cường với mục tiêu trước mắt là giải phóng dân tộc; có thể coi đây là một chủ nghĩa dân tộc cảm tính. Vì quá quan tâm đến mục tiêu trước tiên nêu trên nên họ không hưởng ứng chủ trương giai đoạn của cụ Phan Chu Trinh.
•Do yếu kém về tư tưởng (tư tưởng nhân quyền, dân chủ không trực tiếp du nhập vào nước Việt), choáng ngợp bởi các lý thuyết mới của phương Tây và sự nổi lên của một số quốc gia (Đức, Ý, Nhật) đối đầu với các đế quốc đương thời, trong đó có Pháp, nên các nhà cách mạng không quan tâm tới thực trạng đáng buồn của dân tộc mà cụ Phan đã nhận định. Xét cho cùng, dân tộc ta không tiêu hóa nổi văn hóa chính trị phương Tây còn quá mới.
•Sự thiếu vắng của một đảng xã hội Việt đặt ra câu hỏi là phải chăng vì quan điểm, chủ trương của các đảng xã hội (theo khuynh hướng Đệ Nhị) mang tính “cải lương”, “thỏa hiệp” (nói theo kiểu tả khuynh thời ấy) nên các nhà cách mạng Việt (với tinh thần triệt để) không muốn du nhập?
•Về đại thể, động cơ thúc đẩy dân tộc ta muốn đánh đuổi thực dân Pháp là sự uất ức và thù hận (với một nguyên nhân gần là nạn đói năm Ất Dậu 1945), còn việc thực hiện công cuộc giành lại độc lập thì tùy thời mà hành động (ngoại trừ con đường của cụ Phan Chu Trinh). Đây là phản ứng của cảm tính, nói cách khác là cách tiếp cận cảm tính mà thôi. Nhân đây, cũng cần nhắc lại thời “chống Mỹ cứu nước”, ông Tố Hữu, cứ ngồi tròn xoe trong nhà mà hô hoán “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vậy xin hỏi ông: khi giặc đi rồi, ông có thể lấp lại dẫy Trường Sơn đã bị xẻ đôi hay không?
Tới khi chiến tranh Việt-Pháp nổ ra, dân tộc ta bị lôi cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh, các tranh cãi lý thuyết và tranh chấp chính trị (“đảng tranh”) ngắn ngủi thời kỳ 1930-1945 hầu như tan biến trong vòng xoáy ấy. Sau vài năm hòa bình, cả dân tộc lại lao đầu vào cuộc chiến mới. Trong cơn bão thời cuộc ấy, người Việt trở thành một con ốc trong guồng máy chiến tranh, một con tốt đen trong bàn cờ chính trị thế giới. Thiên hạ tranh hùng, tranh bá, thắng thua thế nào là chuyện của họ, còn dân tộc ta lại chọn lá bài “đằng nào cũng thua”!
Tóm lại, từ khi bị xâm lược, dân tộc ta có hai vấn đề cơ bản cần giải quyết: độc lập và hội nhập. Xét cho cùng thì độc lập chỉ là hệ quả của vấn đề hội nhập mà thôi: 1) Thái Lan không bị mất độc lập vì họ áp dụng chính sách ngoại giao mở cửa cho tất cả mọi cường quốc, 2) Nhật Bản trở thành một cường quốc vì họ đã thành công trong công cuộc hội nhập từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, hơn nữa ngày nay sức mạnh kinh tế của Nhật Bản khiến họ không còn là một quốc gia thua trận và chịu sự khống chế của Đồng minh (Hoa Kỳ) như thời sau 1945, 3) triều Nguyễn Gia Long vì áp dụng chính sách “bế quan, tỏa cảng” nên dân tộc bị mất độc lập. Đối với dân tộc ta, từ một vấn đề “hội nhập” lại trở thành hai vấn đề “độc lập và hội nhập”! Hơn nữa, từ 1975 đến nay, lịch sử đã chứng minh rằng dù có độc lập nhưng lại còn tồi tệ hơn trước (nhân dân ao ước: bao giờ cho đến… ngày xưa!), hơn nữa từ “độc lập” nay lại trở thành một câu hỏi lớn.
III. Một chủ nghĩa dân tộc Việt mới?
Loạn chủ nghĩa
Trước hết cần xem xét lại từ “chủ nghĩa”. Từ này quá chung chung, hầu như người ta có thể gắn từ “chủ nghĩa” vào bất kỳ một khuynh hướng, quan điểm nào đấy; điều này có thể dẫn đến những ngộ nhận kỳ quái:
- Chủ nghĩa xã hội (danh từ chung) đi từ tư tưởng xã hội đã có từ trước Mác, xuất hiện từ thời tư bản tự phát (với khởi đầu là sự cơ giới hóa ngành dệt,…) dẫn tới bất bình đẳng và tranh chấp xã hội. Sau này Marx đặt tên cho chủ nghĩa của mình là chủ nghĩa xã hội khoa học (từ đó đi lên giai đoạn chủ nghĩa cộng sản) để phân biệt với cái được gọi là “chủ nghĩa xã hội không tưởng” đã có từ trước. Về sau, do thói quen giản lược từ ngữ và hậu quả của các tranh chấp “tả-hữu”, chủ nghĩa xã hội khoa học trở thành chủ nghĩa xã hội (của Marx). Nhìn từ góc cạnh xã hội, xét cho cùng thì chủ nghĩa xã hội (danh từ chung) có từ trước và sau chủ nghĩa Marx: chừng nào còn có những bất bình đẳng xã hội quá lớn vẫn cần có một chủ nghĩa xã hội nào đó. Hơn nữa, trước đây bất bình đẳng xã hội chủ yếu là bất bình đẳng kinh tế (Marx phê phán dân chủ tư sản là dân chủ “vỏ”: tư bản bóc lột công nhân, không chia sẻ lợi nhuận kinh tế và mặc dù có các cuộc bầu cử nhưng rốt cuộc, dưới bất kỳ chính quyền “tư sản” nào, giai cấp vô sản cũng vẫn chỉ có cái bụng đói meo mà thôi), ngày nay, suy rộng ra, sự bất bình đẳng ấy không chỉ đơn thuần là về kinh tế. Mặt khác, tại các nước phát triển ngày nay, để giải quyết bất bình đẳng kinh tế, người ta dựa trên hai quan điểm đối chọi nhau: “chia đều cái bánh” (khuynh hướng xã hội, đã có từ khoảng 200-300 năm nay) và “làm cho cái bánh lớn hơn” (khuynh hướng tự do kinh tế). Riêng tại nước Việt, với chế độ “tư bản đỏ” ngày nay, ý nghĩa nguyên thủy của quan điểm xã hội vẫn còn nguyên vẹn!
- Người ta thường so sánh chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản (hay chủ nghĩa xã hội). Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự so sánh này: 1) hậu quả của các cuộc đấu tranh giai cấp thời kỳ tư bản tự phát, 2) hậu quả của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe “tự do” và “cộng sản”, 3) chủ nghĩa Marx coi chủ nghĩa tư bản là đối tượng, đối thủ của chủ nghĩa cộng sản (với lối lý luận nhị nguyên kiểu “thiên đường-địa ngục chia hai).
Đây là một so sánh khập khiểng, vì chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa toàn trị, một hệ tư tưởng bao trùm mọi lãnh vực, từ kinh tế đến xã hội, khoa học, văn hóa, đạo đức, tâm linh…, trong khi chủ nghĩa tư bản chỉ là các lý thuyết nhằm quản lý nền kinh tế thị trường, mục đích duy nhất của nó là năng suất (bao gồm lợi nhuận, lợi nhuận là động cơ phát triển kinh tế thị trường); mặc dù có quan hệ hữu cơ với các lãnh vực khác, nhưng chủ nghĩa tư bản chỉ nằm trong lãnh vực kinh tế mà (đối với chủ nghĩa tư bản, việc “bóc lột” hay “không bóc lột” thuộc về phạm trù năng suất chứ không phải là phạm trù đạo đức; nói cách khác, trước đây khi thấy con số 8, giới chủ bèn hoảng sợ vì liên tưởng tới yêu sách ngày làm 8 giờ của công nhân, đáp ứng yêu sách này là làm giảm năng suất; sau này với sự hình thành xã hội tiêu thụ, giới chủ không những hài lòng với các yêu sách ngày làm 8 giờ, được nghỉ hè có lương,… mà họ còn rất quan tâm tới sức mua của người làm công vì họ hiểu rằng sức mua lớn dẫn tới lợi nhuận nhiều cho họ). Điều kỳ dị là, vô tình hay cố ý, có người nhân cách hóa (hay sinh vật hóa) chủ nghĩa tư bản, coi nó như một con (quái) vật kiểu “chủ nghĩa tư bản giẫy chết”, “chủ nghĩa tư bản biết điều tiết”; họ không thấy được là chủ nghĩa tư bản chỉ là hệ quả của nền kinh tế thị trường mà thôi (đây là các lý thuyết kinh tế nhằm giải quyết các khó khăn, khủng hoảng hay nhằm phát triển nền kinh tế này) và sự hình thành nền kinh tế thị trường là kết quả tự nhiên của công cuộc kỹ nghệ hóa kinh tế; không ai phát minh ra nó cả (ngược với cái gọi là “nền kinh tế hoạch định xã hội chủ nghĩa” của chủ nghĩa Marx được tạo ra trong mục đích toàn trị của chủ nghĩa này); nếu không muốn trở lại thời kỳ trước kỹ nghệ hóa thì – dù muốn dù không – phải sống với nền kinh tế thị trường, giả sử như có một cuộc khủng hoảng kinh tế và không có lý thuyết (tư bản) nào giải quyết thì nhân loại… chết ráo cả!
Từ nhận định trên, việc so sánh chế độ tư bản và chế độ cộng sản (hay chế độ xã hội chủ nghĩa) cũng là một so sánh khập khiễng. Một quốc gia theo chế độ tư bản là lựa chọn kinh tế: kinh tế thị trường (nói một cách giản dị là để cho người dân tự do làm ăn), còn thế chế chính trị là một lựa chọn khác: độc tài, quân chủ, dân chủ,… Trong khi chế độ cộng sản là lựa chọn kinh tế: kinh tế hoạch định XHCN và chính trị: chế độ độc tài đảng trị kiểu cộng sản trị, vì quốc gia này đi theo chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa toàn trị. Khi Đặng Tiếu Bình chủ trương “đổi mới kinh tế trước, cải tổ chính trị sau” thì điều này có nghĩa là họ Đặng lựa chọn nền kinh tế thị trường (nói cách khác là theo chế độ tư bản) nhưng vẫn giữ “cái đuôi” (độc tài) cộng sản (“chủ nghĩa xã hội theo màu sắc Trung Quốc”). Về sau, Hà Nội cũng bắt chước “anh Hai” và hô hoán “đổi mới hay là chết!” (thay vì “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội!”) và ngày nay, Hà Nội mong muốn được thế giới công nhận nền kinh tế Việt là một nền kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
- Về mặt hiệu quả, các chủ nghĩa nêu trên đạt được mục tiêu gì? Xin xem xét 3 trường hợp cụ thể:
1. Chủ nghĩa Tam Dân: tại Trung Hoa, chủ nghĩa này thực hiện được cuộc cách mạng Tân Hợi, xóa bỏ được chế độ phong kiến lâu đời, thế nhưng chế độ mới của Tưởng Giới Thạch lại nhanh chóng trở thành một chế độ nửa quân phiệt, nửa phong kiến. Té ra thuyết Tam Dân này chỉ được thực hiện một cách nửa vời! Do không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân (dân tộc, dân quyền, dân sinh) do chính thuyết Tam Dân đề ra, nên về sau này sự thất bại của Tưởng trong cuộc chiến quốc-cộng là điều không tránh được.
2. Chủ nghĩa cộng sản: trong hoàn cảnh bần cùng của các tầng lớp nhân dân lao động thời đó, Marx đề ra chủ nghĩa cộng sản với thiên đường cộng sản “làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu” (nôm na là giấc mơ “ngày mai ăn phở khỏi trả tiền”) và ông ta phê phán “dân chủ tư sản là dân chủ vỏ”; chưa cần xem xét dân chủ vỏ/thực là thế nào, chỉ cần thấy mọi chế độ XHCN trên thế giới đều là chế độ độc tài thứ thệt.
3. Riêng trường hợp nước Việt: năm 1945, Đảng CSVN thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ (CMDTDC, từ dân chủ hàm ý dân chủ tư sản) với khẩu hiệu “độc lập, tự do, hạnh phúc” là giai đoạn chuyển tiếp trước khi phát động cách mạng vô sản. Hiệu quả của việc thực hiện chủ nghĩa xã hội đã được thấy rõ và đã trình bày trong phần đầu của bài, ở đây chỉ xem xét 2 khẩu hiệu “độc lập” và “tự do”. Sau 4.1975, Hà Nội tuyên bố “từ nay, đất nước sạch bóng quân thù”, ngày nay, cái bóng của tàu chiến Bắc Kinh tràn ngập Biển Đông, vậy phải chăng mục tiêu “độc lập” của CMDTDC đã hoàn toàn đạt được? Từ 1953 tới nay, với Đề cương văn hóa (buộc văn nghệ sĩ phải chấp hành quan điểm giai cấp, không còn được tự do sáng tác), cuộc “rèn cán, chỉnh quân”, “đấu tố” (kiểu Mao, với khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào; đào tận gốc, bật tận rễ”), “cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam”,… và chỉ riêng trong lãnh vực văn hóa, từ trước cho đến nay, Bộ “4T” (hay Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương) vẫn là cái “lửng lơ” trên đầu giới làm văn hóa; vậy cái “tự do” của CMDTDC vẫn còn là mục tiêu chưa đạt! Riêng về “hạnh phúc” là một khái niệm nằm trong phạm trù cá nhân (mỗi người cảm thấy hạnh phúc theo cảm quan, nhu cầu riêng của họ) chứ không phải và không thể là chuyện “đem lại hạnh phúc cho nhân dân” như những người chủ trương CMDTDC lầm tưởng rằng họ có thể ban phát cho nhân dân được và do đó coi hạnh phúc là một mục tiêu.
Chủ nghĩa và học thuyết
Như trên đã trình bày, chủ nghĩa thường chỉ đem lại… sự bát nháo. Thế nhưng, trong lãnh vực chính trị, có những hoàn cảnh cực kỳ phức tạp, khó khăn, đa diện như khủng hoảng kinh tế thế giới, chiến tranh lớn,…; do đó cần xây dựng một lý thuyết (với quan điểm, mục tiêu, phương châm,…), từ đó xây dựng sách lược, phương án, lập kế hoạch,… và làm kim chỉ nam hướng dẫn hành động. Từ đó, có khái niệm học thuyết (doctrine), khái niệm này khá mơ hồ và ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào mỗi lãnh vực (tôn giáo, kinh tế, chính trị,…); trong bài chỉ đề cập tới lãnh vực chính trị và góc cạnh thực tiễn mà thôi.
Sự hình thành học thuyết nhằm đáp ứng nhu cầu thời cuộc. so với chủ nghĩa, học thuyết chỉ nhằm đạt được một số mục tiêu cụ thể đã định, được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn (5-10 năm) và trái với chủ nghĩa “toàn diện” (như chủ nghĩa Marx, tôn giáo toàn thủ,…), học thuyết không phải là một triết lý, tư tưởng toàn thể, vượt thời gian, có giá trị phổ quát (thí dụ: chủ nghĩa Marx mang tính toàn diện, vĩnh hằng, tuyệt đối – những điều Marx nêu lên là không thể sai chẳng khác gì “khuôn vàng, thước ngọc” của cụ Khổng).
Thường thì chỉ có các quốc gia lớn mới cần phải có học thuyết để vượt qua các thử thách lớn. Xin nêu một số thí dụ:
- Trường hợp Hoa Kỳ: 1) chính sách New Deal (mặc dù không được gọi là học thuyết) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 khởi đầu tại Mỹ và lan ra toàn thế giới, 2) học thuyết Nixon, đằng sau mục tiêu trước mắt là rút quân khỏi miền Nam nước Việt là xác định lại các mục tiêu và bố trí lại lực lượng, đặc biệt tại Đông Nam Á và Đông Á (lợi dụng sự rút lui này, Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng của họ tại Đông Nam Á), 3) vì Hoa Kỳ là một siêu cường, phải giải quyết nhiều vấn đề trên phạm vi toàn thế giới, nên đằng sau các cuộc bầu cử tổng thống thường là việc chuẩn bị nhóm cầm quyền mới, với một học thuyết mới.
- Trường hợp Trung Quốc: 1) sau thời đại “hoàng đế đỏ” Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách “mèo trắng, mèo đen” với “4 hiện đại” nhằm… xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền kinh tế thị trường, giải quyết tai họa của “bè lũ 4 tên” trong Cách mạng Văn hóa và phá sản kinh tế kể từ khi Mao đưa ra bước Đại nhảy vọt; cái gọi là “chủ nghĩa xã hội theo màu sắc Trung Quốc” chỉ nhằm mục đích biện minh cho sự tiếp tục hiện hữu và cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, 2) Giang Trạch Dân đưa ra thuyết “3 đại diện” với mục đích là chính thức hóa, mở đường cho đám “tư sản đỏ” lên nắm quyền; giải quyết chuyện nội bộ trong đảng được coi là “đảng của giai cấp công nhân”, “liên minh với giai cấp nông dân”, 3) Hồ Cẩm Đào đưa ra luận điểm “xã hội hài hòa” nhằm mục đích xóa bỏ… đấu tranh giai cấp đang diễn ra từng ngày và trở nên cực kỳ nghiêm trọng với nguy cơ bạo loạn, do chính sự lên ngôi của tầng lớp “tư sản đỏ”, với hậu quả là lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, ăn cắp của công, cướp đất, bóc lột dân đen, người lao động (đa số là nông dân),…
Riêng trong trường hợp nước Việt, lần đầu tiên dân tộc ta phải đối phó với hoàn cảnh “thù trong, giặc ngoài” (trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, cầm đầu Tổng Cục 2 và cũng là nhân vật thân Bắc Kinh, nay được lên làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vậy thì cái bộ ấy còn làm được cái gì nữa?!), lại không có chỗ dựa (đồng minh) nào cả, đa số người dân chỉ biết cúi đầu chịu nhục, lo làm ăn hầu như bằng bất cứ giá nào (kể cả làm nàng Kiều thời đại ở khắp nơi trên thế giới – nói thẳng thừng là làm đĩ bốn phương -, con ở được gọi tránh né là ô-sin, tha phương cầu thực, buôn lậu, trồng cần sa,… làm sát thủ,…)!
Từ tình trạng “thế cùng, lực kiệt” hiện nay, để giải quyết những vấn đề của dân tộc, cần phải xây dựng một lý thuyết (học thuyết) làm tư tưởng chỉ đạo. Đối với dân tộc ta, đây là việc làm quá sức, thế nhưng tình thế bắt buộc chúng ta phải làm công việc ấy mới mong thoát được hoàn cảnh ngặt nghèo hiện nay: con người tha hóa, tài nguyên khánh tận, môi trường hủy diệt, chế độ độc tài, tham nhũng, ác độc, ngu xuẩn, ươn hèn (nếu chưa phải là làm tay sai cho ngoại bang, sẵn sàng bán đứng đất, biển, tài nguyên lấy ít tiền bỏ vào cái túi không đáy của họ) và hiểm họa Bắc Triều.
Vì công cuộc xây dựng học thuyết quá khó khăn nên cần phải có sự tham gia của mọi người, nhất là các chuyên viên (chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự, luật pháp và luật pháp quốc tế, lịch sử, văn hóa,…). Việc thực hiện, tất nhiên cần phải có sức của toàn dân với nhiều gian khổ, hy sinh, mất mát và thậm chí có thể có mất mát to lớn, lâu dài. Đổi lại, dân tộc ta mới thực sự có độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hòa bình, thịnh vượng, được đối xử bình đẳng; đối với thế giới, nước Việt có vị trí tương xứng với cuộc đấu tranh từ hơn trăm năm nay kể từ ngày bị thực dân Pháp đô hộ; người dân hãnh diện mình là một Con Người và là Người Việt!
Tinh thần Việt
Để xây dựng học thuyết, điều trước tiên là phải trả lời câu hói Đâu là tinh hoa của dân tộc? Đối với một quốc gia, tinh hoa là những giá trị tinh thần của quốc gia ấy. Chính cái tinh hoa ấy khiến cho, sau một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc ta mới vùng lên, dựng nước và giữ nước cho tới khi thất bại trước nền văn minh Tây phương.
Giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống
Nhắc lại, những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt là mong muốn đất nước được tự chủ và bảo vệ phong cách sống riêng. Câu nói “thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc” của cụ Trần Bình Trọng thể hiện tinh thần ấy. Nhờ những giá trị ấy, mới có các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, khởi nghĩa Yên Bái, Cách mạng tháng Tám,…
Ngày nay, một số người nhắc lại câu “hồn thiêng sông núi”, vậy cái “hồn thiêng” ấy là gì nếu không phải là những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc?
Việc giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần là điều mọi quốc gia phải làm, vì những giá trị ấy là nền tảng để một quốc gia dựng nước và giữ nước vững chắc, lâu dài; giá trị tinh thần là tiềm lực để vượt qua những khó khăn, thử thách nhất thời. Nếu một quốc gia chỉ biết dựa trên bạo lực thì khi không còn sức mạnh này, quốc gia ấy sẽ tiêu vong, lịch sử các đế quốc hay các chế độ dùng bạo lực thống trị, từ xưa đến nay, đã chứng minh điều ấy.
Xây dựng và truyền bá những giá trị thời đại
Kể từ thời Phục hưng (với Thế kỷ Ánh sáng) tới các cuộc cách mạng dân chủ tại các nước Âu Châu, nền văn minh Tây phương đã khai sáng và phát huy những giá trị tinh thần mới, đó là Nhân Quyền, Dân Chủ.
Trước nền văn minh Tây phương, Ấn Độ đã thành công trong công cuộc giành lại độc lập một cách hòa bình (điều này có nghĩa là họ chịu rất ít thiệt hại về người và của) và đã tiếp thu được những giá trị dân chủ. Ngược lại, dân tộc ta đã không biết, không hiểu và không tiếp thu được những giá trị ấy; do đó chúng ta mới dùng chính sách “bế quan, tỏa cảng”, phát động Cần Vương theo truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh” và nhập cảng bừa bãi hầu hết mọi chủ nghĩa, thậm chí tiếp thu chủ nghĩa cộng sản pha trộn Marx-Lenin-Stalin-Mao, là một chủ nghĩa không tưởng, quá khích, bạo động; hậu quả thế nào, người quan tâm tới thời cuộc đều biết rõ.
Ngày nay, cần xem xét từ cuộc đấu tranh giành độc lập đã qua đến cuộc đấu tranh hiện nay, có những giá trị nào đã được phát huy hay đang hình thành?
1. Trước 1945, mặc dù các cuộc đấu tranh hay vận động cho độc lập đều thất bại, nhưng ý thức độc lập dân tộc được nâng cấp và rõ nét hơn: chúng ta đòi độc lập (với đầy đủ ý nghĩa của từ này) chứ không chỉ là mong muốn được tự chủ trong thế giới Trung Hoa thời xa xưa.
2. Trong cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, cuộc sống sản sinh các “mẹ anh hùng”, “mẹ liệt sĩ”, các tấm gương hy sinh của mọi tầng lớp xã hội. Thực tế cuộc sống đã chứng minh ý chí giành độc lập của dân tộc ta; đây chính là tinh hoa của chủ nghĩa dân tộc trong sáng nước Việt thời ấy. Điều đáng tiếc là khi hòa bình lập lại, Hà Nội nóng vội “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, tinh hoa ấy bị bỏ quên (như số phận hẩm hiu của các thanh nữ thanh niên xung phong thời “chống Mỹ”); ngày nay, giới “tư sản đỏ” đào mồ liệt sĩ làm hồ nuôi tôm, “mẹ anh hùng” trở thành “dân oan” ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, tinh hoa ấy bị vùi dập! Người ta thường trách dân ta “vô cảm”, thế nhưng kẻ đáng trách trước tiên là nhà cầm quyền Hà Nội, khi họ phủ nhận chính cái tinh hoa của hai cuộc kháng chiến mà họ tự nhận là hậu duệ. Điều cơ bản là Hà Nội đã không thấy được là có thể biến cái tinh hoa, giá trị tinh thần ấy thành sức mạnh chính trị, ngoại giao và kinh tế (theo sau ngoại giao), làm tiền đề để triển khai sức mạnh trong các lãnh vực khác (ngày nay, người ta gọi là “quyền lực mềm”).
3. Đòi tự do: 1) từ phía những người theo kháng chiến, chính quyền Hà Nội: từ phản ứng chống lại Đề cương văn hóa (1953) nhằm bóp nghẹt tự do sáng tác tới Nhân văn – Giai phẩm và sau này đòi “cởi trói”, “đổi mới” (1986, thời Đại hội Đảng VI) cho thấy nhu cầu đòi tựdo (trước hết là tự do sáng tác) trong nội bộ Đảng và chính quyền, về kinh tế, năm 1968, có vụ làm “khoán chui” của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, là một hình thức tự do kinh doanh cá nhân, 2) từ phản ứng đối với những chính sách sai lầm của Hà Nội (cải cách ruộng đất với các cuộc đấu tố kinh hoàng, cấm tự do tôn giáo, cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, học tập cải tạo, chính sách kinh tế “ngăn sông, cấm chợ” sau 1975, chèn ép các sắc tộc thiểu số, đặc biệt người Thượng ở Tây Nguyên, sự lạm quyền, lộng quyền của đám “tư sản đỏ”,…): di cư vào Nam (1954, khoảng 1 triệu người), vụ Quỳnh Lưu của Công giáo miền Bắc (1956), một số thành phần trong cuộc di tản 4.1975, thuyền nhân (từ 1978, khoảng 2 triệu người?) để “tỵ nạn cộng sản”, “đi tìm tự do”, các biến động tại Tây Nguyên, “dân oan” đòi lại ruông đất,… Đây là bước đầu của cuộc đấu tranh vì tự do, mặc dù mới chỉ là những đòi hỏi tự do sơ khai chứ chưa phải là có ý thức tự do sâu sắc.
4. Đòi dân chủ: chế độ cộng sản là một chế độ độc tài, dẫn tới sự khao khát dân chủ, ban đầu là những tiếng nói đòi dân chủ trong nội bộ Đảng song song với những đòi hỏi tự do; từ thập niên 1980 và đặc biệt thời 1989 (bức tường Bá Linh sụp đổ), nhận thức về dân chủ trở nên sâu sắc, có hệ thống và thành phần tham gia rộng hơn (nhân sĩ trong và ngoài Đảng, tu sĩ,…); ngày nay, cuộc đấu tranh vì dân chủ được mở rộng hơn (với nhiều thành phần tham gia: nhà dân chủ, thanh niên, tôn giáo, “dân oan”,…) và bắt đầu có tổ chức và đấu tranh.
5. Điều đặc biệt là ngày nay, trước chính sách xâm lấn và răn đe của Bắc Kinh, vấn đề dân tộc (bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và chống lại các hiệp định phi lý, phi pháp mà Đảng CSVN đã ký) lại nổi cộm. Cuộc đấu tranh vì dân chủ lại có thêm chiều hướng mới: vì dân tộc; nói cách khác, Nhân Quyền và Dân Chủ bao gồm hai ý nghĩa: 1) về con người và quan hệ giữa người và người: quyền làm người đối với người Kinh cũng như các sắc tộc thiểu số, bao gồm các quyền tự do cá nhân, dân sự,…; 2) về quan hệ giữa các quốc gia: quyền của mỗi dân tộc: quyền được đối xử bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, biên giới (theo các công ước quốc tế),…
Những điều nêu trên là những giá trị nhân bản, thời đại của cuộc đấu tranh vì dân chủ và dân tộc hiện nay của nước Việt. Đây là một thử thách thời đại của dân tộc ta. Cuộc đấu tranh này đầy gian khổ, quyết liệt, có thể lâu dài, trong hoàn cảnh bị đẩy tới đường cùng; ngoài lương tâm, trí tuệ và lòng dũng cảm, dân tộc ta hầu như không có phương tiện nào khác. Thông qua cuộc đấu tranh này, cùng với những giá trị truyền thống, những giá trị thời đại sẽ tiếp tục hình thành và phát huy, trở thành Tinh thần Việt.
Trong trường hợp thành công, thành công ấy là chiến thắng của những giá trị tinh thần (không có kẻ chiến bại) – đúc kết của Tinh thần Việt, từ nghìn xưa tới cuộc đấu tranh vì dân chủ và dân tộc – và trở thành tinh hoa của dân tộc ta. Về sau này, việc gìn giữ và phát huy tinh thần Việt là nền tảng vững chắc để dân tộc ta bước vào thời kỳ Phục hưng, có những lựa chọn đúng đắn để giải quyết rốt ráo vấn đề hội nhập, một thử thách thời đại khác, theo kịp đà tiến hóa của nhân loại, trong tư thế của một quốc gia ngang tầm với mọi quốc gia độc lập khác, có sắc thái riêng và cùng với thế giới giải quyết những vấn đề của nhân loại.
Ngày 28.04.2010
Liên lạc: nguyenlan.be@gmail.com
© 2010 Nguyễn Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét