Thơ Mai Thảo, tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh
Nguyễn Hưng Quốc
27 tháng 4 2010
Bài này chỉ là một phần trong một bài viết cùng tên đã được đăng trên tạp chí Văn Học (California) số 49 (3.1990). Tôi cho đăng lại vì nghĩ nó thích hợp để minh hoạ cho luận điểm chính đã được trình bày trong bài “Tháng Tư và ký ức tập thể” vừa rồi.
***
Hẳn Mai Thảo phải thích bài “Ta thấy hình ta những miếu đền” lắm, ông mới lấy tựa bài này đặt tên cho cả tập thơ. Mai Thảo thích, tôi đoán, có lẽ vì bài thơ thể hiện cô đọng một tư tưởng mà ông hằng ôm ấp:
Ta thấy tên ta những bảng đường
Đời ta, sử chép cả ngàn chương.
Không nên nghĩ Mai Thảo, ở vào cái tuổi ngoài sáu mươi, đâm ra ngạo thế, như một số nhà thơ trẻ, vì phẫn chí, giả vờ nghênh ngang. Ở hai câu kế tiếp, Mai Thảo giải thích:
Sao không, hạt cát sông Hằng ấy
Còn chứa trong lòng cả đại dương.
Hạt cát và đại dương. Là gì nhỉ? Là cái cực tiểu và cái cực đại trong Nam Hoa Kinh đấy.
Trong suốt tập “Ta thấy hình ta những miếu đền”, Mai Thảo chỉ nhắc đến mấy chữ Nam Hoa Kinh có ba lần: một lần trong bài “Bờ cõi khởi đầu” và hai lần trong bài “Thơ say trên máy bay”, tuy nhiên, ở hầu hết những bài thơ khác, nếu để ý, người ta sẽ bắt gặp, đâu đó, thấp thoáng, lung linh, một chút ánh sáng dịu dàng và lặng lẽ đến từ vầng trăng Nam Hoa Kinh.
Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, có lẽ Mai Thảo và Chế Lan Viên là hai nhà thơ chịu ảnh hưởng tư tưởng Trang Tử sâu sắc nhất. Thơ của họ phần lớn như một chiếc võng đong đưa giữa hai bờ cực tiểu và cực đại, giữa một bên là thế giới của cá Côn, của chim Bằng và một bên là thế giới của con ve, của chim cưu.
Có điều, Chế Lan Viên chỉ chịu ảnh hưởng của Trang Tử một thời gian ngắn, từ sau tập “Điêu tàn” đến những năm đầu của kháng chiến chống Pháp. Sau đó, tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, một triết thuyết xây dựng trên căn bản sự mâu thuẫn, dấu ấn của Trang Tử trong thơ Chế Lan Viên càng lúc càng mờ. Cái cực tiểu và cực đại trở thành hai phạm trù riêng biệt, thậm chí, đối lập nhau. Vầng trăng Nam Hoa Kinh vẫn còn đấy, trong thơ Chế Lan Viên, nhưng chỉ còn là một vầng trăng khuyết, hay nói như Thanh Tâm Tuyền, trong một câu thơ thật đẹp: “Một đoá trăng tàn lẩn lút bay.”
Ở phương diện này, Mai Thảo đi xa hơn Chế Lan Viên: thỉnh thoảng ông đạt đến cái nhìn “huyền đồng.” “Huyền đồng” là vượt lên trên tinh thần nhị nguyên, không còn áy náy về những sự mâu thuẫn, không còn băn khoăn về những cái lớn, cái nhỏ, cái đúng, cái sai, cái mình và cái không phải mình. “Huyền đồng” là ý thức về cái Một: con người và vũ trụ là Một (“Vạn vật dữ ngã đồng nhất” - Nam Hoa Kinh, thiên 'Tề vật luận'.)
Cái nhìn “huyền đồng” này được Mai Thảo diễn tả khá hoàn chỉnh trong bài “Cục đất”:
Biển một đường khơi xa thẳm xa
Núi vươn trượng trượng tới mây nhoà
Thì treo cục đất toòng teng giữa
Cho cái vô cùng vẫn nở hoa.
Biển và núi là những cái cực đại, cục đất là cái cực tiểu. Cái cực tiểu ở đây lại là “hoa” của cái cực đại. Vẫn có khác nhau đấy. Nhưng khác mà không biệt. Trong đoá hoa kia có đất có biển có núi có cả những áng mây xa, nghĩa là có cái vô cùng. Thì thành là Một.
Cục đất và biển và núi là Một; hạt cát và đại dương là Một; cái “tiểu ngã” và cái “đại khối” (tức vũ trụ, theo chữ dùng trong Nam Hoa Kinh) là Một. Vậy tại sao Mai Thảo lại không có quyền nghĩ là bao nhiêu huyết lệ trong trời đất đều phát sinh từ huyết lệ mình; bao nhiêu vòng quay của vũ trụ đều phát sinh từ hạt bụi của mình, từ đó, tiến xa hơn, nhìn thấy hình ảnh của mình trong những miếu đền, giữa những trầm hương nghi ngút; trong những công viên, giữa những tượng thờ nghìn bệ; trong trời cao, giữa những vì sao chi chít; trong lịch sử, giữa những trang sách nặng trĩu tên người? Tại sao không?
Kết quả của cái nhìn “huyền đồng” là một tinh thần ung dung tự tại, cái tinh thần “không ham sống, không ghét chết, ra không vui, vào không sợ, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi” (Nam Hoa Kinh, thiên 'Đại Tông Sư'), hay nói như Mai Thảo, trong bài “Sáu mốt”, là cái “tinh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm”:
Sáu mốt cùng ta đứng trước thềm
Đợi trời thả tặng chút xuân thêm
Trời thôi tặng phẩm, xuân còn hết?
Còn cái tinh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm.
“Tinh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm,” trong ý nghĩa tuyệt đối của nó, là một trạng thái “chân không” tịch lặng, trong ngần, ở ngoài mọi gió bão, xa lắc những xôn xao:
Sao phải đợi chờ chim én báo
Một đoá vui người đủ tuyết tan.
(Tin xuân)
Tuyết, đâu phải chỉ là tuyết. Tuyết, ở đây, còn là một cục bướu ung thư đang phục kích trong thân hình Mai Thảo. Mai Thảo kể, cái lần đầu tiên, sau khi rọi hình, biết chắc ông bị ung thư, vị bác sĩ quen đã yêu cầu ông nằm lại phòng khám để nghỉ ngơi, nhưng Mai Thảo đã từ chối. Ông ra về. Đi bộ. Ghé vào một quán rượu. Gọi một chai Cognac. Đem cái cay của cuộc đời đổ vào cái đắng của lòng mình. Dần dần, ông coi cái cục bướu ung thư trong thân thể mình như một người bạn để thỉnh thoảng lại chuyện trò:
Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho.
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng.
(Dỗ bệnh)
“Không hiểu,” theo tôi, là một trong những bài thơ tuyệt cú hay nhất của Mai Thảo và là một trong những bài thơ tuyệt cú hay nhất của thi ca Việt Nam:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Đáng để ý hơn cả, trong bài thơ trên, là hai chữ “chẳng sao.” “Chẳng sao,” rất bất cần. Bất cần cái chuyện “có triệu điều không hiểu.” Bất cần cả cái chuyện “khi đã nằm trong đất.” Câu cuối, như một vì sao xa xăm, mở ra những chân trời vời vợi.
Hiểu hay không hiểu, rốt cuộc, thì cũng vậy thôi mà:
Có lúc nghĩ điều này điều nọ
Cảm thấy hồn như một biển đầy
Có khi đếch nghĩ điều chi hết
Hệt kẻ ngu đần cũng rất hay.
(Có lúc)
Và cả cái chết nữa, trong bài “Món đất” sáng tác sau khi tập “Ta thấy hình ta những miếu đền” xuất bản, đăng trên tạp chí Văn số 88 ra vào tháng Mười 1989, Mai Thảo cũng hình dung như một bữa tiệc:
Đất tưởng còn xa trời vẫn gần
Giờ đất đã gần trời xa dần
Khăn bàn trải sẵn cùng thân thế
Đợi chiếc khay trời món đất ăn.
Hơi hai câu thơ đầu, tôi rất thích: nó có hình ảnh một đường nghiêng. Khởi đầu là “đất tưởng,” hai chữ vần trắc, trên cao, thoải xuống từ từ với chữ “gần” được lặp lại hai lần và cuối cùng, xuống thật thấp, tận thung lũng sâu và rộng với ba chữ vần bằng thoi thóp “trời xa dần.” Té ra, bên trong cái dáng vẻ điềm tĩnh, rất Trang Tử của mình, tâm hồn Mai Thảo vẫn có một chút đìu hiu.
Ở trên, tôi có viết thỉnh thoảng Mai Thảo đạt đến cái nhìn “huyền đồng.” Chỉ thỉnh thoảng thôi. Không phải luôn luôn. Mai Thảo chỉ giữ được thái độ thanh thản, ung dung khi đối diện với những vấn đề có tính chất siêu hình, những vấn đề liên quan đến cuộc đời, đến con người, đến kiếp người nói chung. Nhưng khi đối diện với những vấn đề cụ thể hơn, đến đất nước, đến hoàn cảnh lưu vong, đến bạn bè mình và bản thân mình đang trầm luân trong thời cuộc, thơ Mai Thảo biến thành những tiếng mưa thầm:
Bước một mình qua ngưỡng cửa năm
Nhân gian tịch mịch tiếng mưa thầm.
(Trừ tịch)
Mưa thầm. Những cơn mưa lê thê và tái tê của quốc nạn cứ tuôn rơi dào dạt trong lòng mọi người Việt Nam. Mưa sướt mướt trên trại giam có Nguyễn Sỹ Tế, có Phan Nhật Nam, có Tô Thuỳ Yên... vác thánh giá. Mưa ngùi ngùi thương “những Thanh Tâm Tuyền trăm năm đã xa,” “những Vũ Hoàng Chương nghìn ngày đã khuất,” những Bùi Giáng “ngày ca múa khóc cười giữa chợ,” “tối tối về chùa đêm làm thơ.” Mưa phơi phới bay theo Mai Thảo trên đường vượt biển “giữa đất tận trời cùng giữa chỉ một mình ta.” Mưa giàn giụa trên Vũ Khắc Khoan, trên Nghiêm Xuân Hồng, trên Võ Phiến, trên Mặc Đỗ, trên Thanh Nam, trên Tuý Hồng... đội mũ gai nơi cõi lưu đày. Mưa. Mưa trùng trùng. Mưa điệp điệp. Những tiếng mưa thầm và những giọt mưa đen:
Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trong giấc ngủ đen.
(Đợi bạn)
Mưa. Mưa trên niềm nhớ nhung quê hương không nguôi:
Nhánh hương thắp nửa này trái đất
Bay đêm ngày về nửa bên kia.
(Năm thứ mười)
Mưa. Mưa rơi trên từng ngày, từng ngày trôi giạt:
Mỗi ngày một gạch mỗi ngày giam
Lên bức tường câm cạnh chỗ nằm
Gạch miết tới không còn chỗ gạch
Gạch vào trôi giạt tới nghìn năm.
(Mỗi ngày một)
Mưa từ quá khứ xa mưa tạt về:
Đôi lúc những hồn ma thức giấc
Làm gió mưa bão táp trong lòng
Ngậm ngùi bảo những hồn ma cũ
Huyệt đã chôn rồi lấp đã xong.
(Quá khứ)
Mưa. Vẫn mưa. Mưa trong những tách trà buổi sáng. Để thành một “ngụm đau trời đất” dành cho kẻ ly hương:
Trà đựng trong bình trí nhớ câm
Rót nghiêng từng ngụm nỗi đau thầm
Hoà chung cùng ngụm đau trời đất
Là mỗi ngày ta mỗi điểm tâm.
(Điểm tâm)
Có lúc Mai Thảo tự nhủ:
Đừng khóc dẫu mưa là nước mắt
Đừng đau dẫu đá cũng đau buồn.
(Em đã hoang đường từ cổ đại)
Thì cũng là một cách tự động viên. Làm sao mà hết não nề được khi vẫn còn đây, mỗi ngày, những bước chân lang thang giữa phố người, những mắt nhìn ngơ ngác giữa “rừng vô tuyến, ống thu lôi”.
Làm thân sư tử cao nghìn trượng
Tự thuở xa rừng khóc chẳng thôi.
(Manhattan)
Thanh Nam, lúc còn sống, từng có một kinh nghiệm thấm thía:
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do.
(Thơ xuân đất khách)
Chắc chắn Mai Thảo cũng từng chia xẻ kinh nghiệm ấy:
Tôi tự do phơi phới một đời
Sao từng lúc lòng còn nhỏ lệ.
(Thơ say trên máy bay)
“Từng lúc” khác với “đôi lúc.” “Từng lúc” là triền miên một nỗi đau dài thỉnh thoảng ứa ra một giọt nước mắt nghẹn ngào. Nỗi đau hoá thành đất thành trời thành chiều thành đêm:
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy/
(Một mình)
Tôi ngờ là, trong những bài thơ say của Việt Nam, hiếm có bài nào bi thiết và tha thiết như bài thơ nói về cái say của bức tượng lữ thứ này.
Bức tượng? Vâng, một bức tượng bất động lặng lẽ như một khối buồn câm:
Tựa lưng vào vách tường thân thuộc
Trong cõi riêng buồn lại thấy ta.
(Bộ đồ cũ mặc)
Trong bài “Lộ trình,” Mai Thảo tự gọi mình là một bức tượng: “tượng người vô giác.”
Xe lao chở tượng người vô giác
Vào ngả lâm chung lối tử hình.
Bức tượng ấy, giữa cõi nhân gian, bước từng bước lạc lõng và lạc loài. Ấn tượng nổi bật nhất toát lên từ thơ Mai Thảo là ấn tượng nặng nề, day dứt của sự cô đơn. Mai Thảo có đông bạn bè. Trong tập “Ta thấy hình ta những miếu đền”, có khá nhiều bài Mai Thảo viết về bạn bè, viết cho bạn bè, viết nhân lúc đi thăm viếng bạn bè. Có điều, từ hơi thơ đến hình tượng thơ đến cảm xúc thơ, người ta vẫn thấy dường như bao giờ ông cũng lẻ loi. Ông thường làm thơ trên đường đi chứ không phải lúc đã đến.
Thơ Mai Thảo rất ít tiếng động. Cho dù có tiếng động đi nữa thì những tiếng động ấy cũng chỉ được dùng để làm đậm nét thêm cái lặng lẽ, cái tịch mịch trong tâm hồn Mai Thảo. Đi giữa rừng giữa suối; rừng xôn xao, cũng mặc; suối ào tuôn, cũng mặc, Mai Thảo vẫn chìm đắm trong cõi trời đất quạnh quẽ của riêng ông. “Với buổi chiều ta giữa lối buồn.” Đó là Mai Thảo. “Tai đã từ bao lạc tiếng đời.” Đó là Mai Thảo. “Đi dưới mưa một mình.” Đó là Mai Thảo. Và cũng là Mai Thảo nữa, cái bằn bặt não nề này:
Ngất đỉnh cây kia gió thét gào
Trọn mùa. Thành động biển trên cao
Bến ta tối khuất từ xa biển
Bờ chẳng còn ngân tiếng sóng nào.
(Santa Ana Winds)
Tôi yêu bài thơ “Không hiểu” dẫn trên, tôi cũng yêu lắm bài thơ “Không tiếng” dưới đây, rất Đường thi, ngỡ như một bài thơ thiền:
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy.
Bài thơ mang tựa đề là “Không tiếng” nhưng thật ra nội dung lại nói đến chuyện không hình. “Không tiếng” chỉ ám chỉ sự đi về lặng lẽ; đi, đi rất sớm; về, về rất trễ. Nhưng ai đi? ai về? Cả hai câu đều thiếu chủ từ. Không ai đi, không ai về cả. Cái dấu mà đôi lúc vầng trăng tìm thấy chỉ là một cái bóng gầy nơi vách tường. Chỉ là cái bóng thôi. Chỉ là cái ảo thôi. Thế đấy, cái con người từng thấy tên mình trên các bảng đường, thấy hình mình ở những miếu đền lại cũng thấy nữa, thấy rất rõ cái hư vô, cái hư ảo của cả kiếp mình.
Cái ảo ấy lại cưu mang một nỗi buồn rất thực:
Tả ngạn đời ta một nhánh hoa
Bên kia hữu ngạn vẫn thơm và
Hương bay thần chú qua lìa đứt
Mỗi tới bên này mỗi lệ sa.
(Tả ngạn)
Thơ Mai Thảo, những bài làm sau 1975, có thể nói là những giọt lệ rơi trên một triền núi thẳm, cái triền đi xuống những thung sâu. Đôi lúc, Mai Thảo dùng động từ “khóc,” nhưng thơ của ông, rất lặng lẽ, chỉ là những tiếng khóc thầm, những nỗi đau thầm. Tất cả đều âm thầm. Như những tiếng mưa thầm.
Thơ Mai Thảo là những tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh.
NHQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét