Đọc thơ: “Qua sông” của Tô Thùy Yên
Nguyễn Hưng Quốc
28 tháng 4 2010
Tháng Tư, trong nỗi bồi hồi nhớ lại những chuyện buồn cách đây vừa tròn 35 năm, thử đọc lại một bài thơ cũ viết về người lính Việt Nam Cộng Hoà: bài “Qua sông” của Tô Thuỳ Yên.
Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...
Sông cái nước ven bờ sóng sánh
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình…
... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời.
(Tô Thuỳ Yên)
Người đọc, đọc bài “Qua sông” của Tô Thùy Yên, cảm thấy buồn buồn và thê lương. Cái gì đã gợi ra ấn tượng buồn buồn và thê lương ấy? Có nhiều yếu tố có thể được nêu ra. Trước hết là hình ảnh bến đò và cơn mưa ở hai câu đầu. Cả hai đều là những hình ảnh cũ. Và vì cũ cho nên bao quanh chúng là cả một bầu khí quyển văn hoá được hình thành từ nhiều thế kỷ. Bến đò, tự nó, thường buồn. Lại thêm mưa nữa. Nên càng hiu hắt thêm. Rồi hình ảnh bến đò và cơn mưa lại gợi nhớ những hình tượng quen thuộc trong ca dao và thơ cổ thường bàng bạc nỗi quạnh hiu, cảnh biệt ly và tâm sự nhớ nhà. Nỗi buồn được tăng cấp. Mênh mông. Hiện tại và quá khứ hẹn hò nhau trong một trận mưa dầm.
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
Chúng ta chú ý ngay đến chữ “mốc”. Một là vì nó lạ: có lẽ, trước Tô Thuỳ Yên, trong thơ Việt Nam, chưa ai nhận ra cái màu mốc trên nền trời đục ngầu mây và mịt mùng mưa như thế. Nhớ thơ Nguyễn Khuyến: “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao”; thơ Hồ Dzếnh: “Trời đẹp như trời mới tráng gương”; thơ Huy Cận: “Một trời thu rộng mấy hàng cây nao”. Hai là vì nó ở một vị trí khá nổi bật: câu thơ bảy chữ, trong đó chỉ có chữ “mốc” đứng giữa, đơn độc, một mình mang thanh trắc, chia cắt sáu chữ còn lại ra làm hai phần, đối xứng nhau về thanh điệu, khiến chúng ta có thể hình dung khuôn nhạc câu thơ mang hình tam giác:
mốc
trời…...........buồn
lâu.............................hôi
mƯA...............................................xƯA
Hình tam giác? Không phải. Thật ra, nó giống hình tròn hơn: âm “ưa” trong chữ “mưa” đầu câu được lặp lại trong chữ “xưa” cuối câu khiến hơi thơ như bị quẩn lại. Nó loanh quanh. Nó trùng điệp. Như một nỗi buồn cứ day dứt, cứ triền miên không nguôi.
Buồn không phải chỉ vì thiên nhiên. Nỗi buồn còn ứa ra từ một nghịch lý: giữa khung cảnh bình dị, thân thuộc với những dòng sông, những bến đò tưởng chừng còn vang vọng tiếng hò, tiếng hát ấy bỗng dưng lại xuất hiện một hình ảnh rất mới, rất lạ và cũng rất chói: đoàn quân xa. Câu thơ như bị gãy khúc với nhịp ngắt 2/3/2 (Đò nghẹn / đoàn quân xa / tiếp viện) thay vì theo nhịp 4/2 hay 2/2/4 vốn rất phổ biến trong thể thơ bảy chữ. Chính cái nhịp ngắt bất thường ấy tạo ra cảm giác, dường như, hình ảnh đoàn quân xa nổi bật hẳn lên, sừng sững, áp đảo tất cả mọi hình ảnh khác. Hèn gì đò chẳng “nghẹn”. “Nghẹn”? Thật ra, đò hay đường chỉ bị nghẽn thôi. Chỉ con người mới bị nghẹn. Nghẹn, cái gì bị tắc ở cổ, gợi liên tưởng đến cảm giác đau đớn bị dồn nén, u uẩn và u uất, như trong từ láy nghẹn ngào hay từ kép nghẹn lời. Thành ra, cái buồn của thiên nhiên lại biến thành cái buồn của con người.
Tất cả những nỗi buồn ấy dường như oằn hết xuống một cánh cò trắng:
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò
Chúng ta nhớ đến hình ảnh “con cò trên ruộng cánh phân vân” của Xuân Diệu ngày nào. Việc nhớ lại ấy tự nhiên dẫn đến việc so sánh: một bên phân vân, một bên xiêu lạc; một bên bao quanh bằng một khung cảnh hối hả, một bên bị phủ chụp bằng bóng tối, bằng âm u. Và chúng ta cũng biết, như là một quy ước thể loại, mọi hình ảnh trong thơ, nếu không phải là một ẩn dụ, đều có khuynh hướng trở thành ẩn dụ. Do đó, dáng cò ở đây không còn chỉ là một dáng cò nữa.
Hiện thân của những cánh cò xiêu lạc ấy, trên mặt đất, là những người lính trên đường ra trận:
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa.
Tuy viết về lính, nhưng trong suốt bài thơ khá dài, 28 câu, chỉ có một chữ lính duy nhất. Mà cũng không phải là người lính nữa. Chỉ là những “cây mưa”, một “rừng” mưa, những khuôn mặt “dính gió bao la”. Và chưa bao giờ, những người lính ấy, dù dưới danh xưng hay hình ảnh nào, được vinh dự đứng làm chủ ngữ cho một câu thơ, trừ phi khi họ đã chết: “Người chết mấy ngày chưa lấy xác / thây sình mặt nát lạch mương tanh”. Khi họ còn sống, còn cầm súng, sự hiện hữu của họ bị lờ đi, bị quên đi, nếu không nói là bị phủ nhận trong những câu thơ vắng chủ ngữ, trống không: “Vang lên những địa danh huyền hoặc”, hay “Nao nao mường tượng bóng mình”... Người lính, thường xuyên nhất, chỉ xuất hiện trong vị ngữ: “xanh lên rừng lính ướt”; “nhúm ấm cây mưa”... Trong vai trò này, nghịch lý và cũng cay đắng vô cùng, họ, mặc dù cầm vũ khí trong tay, vẫn chỉ là những kẻ phải chịu đựng những tác động nghiệt ngã từ bên ngoài.
Những người lính ấy đang chờ đợi đi tiếp viện cho một chiến trường nào đó bên kia sông:
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Cách so sánh lạ. Người xưa thường so sánh khoảng cách xa xôi với những gì cụ thể: đầu sông / cuối sông; Hàm Dương / Tiêu Tương; sao Hôm / sao Mai. Ở đây, Tô Thuỳ Yên so sánh khoảng cách không gian với một tâm trạng: “xa như nhớ”. Mà cũng phải chứ. Nỗi nhớ nào lại không đẩy đối tượng được nhớ ra thành xa lơ xa lắc. Dường như Tô Thuỳ Yên có vẻ tâm đắc với phát hiện này. Trong bài “Trường Sa hành”, ông dùng lại ý ấy, dưới hình thức khác: “Bốn trăm hải lý nhớ không tới”. Xa. Thật xa. Mà không phải chỉ xa. Bên cạnh cái xa còn có sự bồn chồn.
Thật bồn chồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét