Hành trình yêu nước của Hồ Chí Minh (Kỳ I)
Tác giả: Trang Thư
12/5/2010
“Chủ nghĩa yêu nước nhen nhóm trong Nguyễn Tất Thành từ giai đoạn tuổi thơ ở Huế. Và khi cùng cha quay trở lại Kinh thành hơn 10 năm sau, 6/1906, lòng yêu nước ấy mới thật sự bùng lên”- Sử gia William Duike viết về Hồ Chí Minh.
LTS: "Một người yêu nước mà đã từ lâu đeo đuổi lý tưởng phụng sự đất nước", chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự nhận mình như thế. Cho dù đã được thế giới công nhận là lãnh tụ cộng sản kiệt xuất có tầm ảnh hưởng to lớn trong thế kỷ 20, bác Hồ vẫn luôn chỉ giản dị nhận mình như một người yêu nước.
Sử gia William Duiker tác giả cuốn sách nổi tiếng về cuộc đời Hồ Chí Minh từng nhận xét: "Trái với các nhân vật cách mạng kiệt xuất khác, Hồ Chí Minh rất ít quan tâm đến ý thức hệ hay tham gia tranh luận trên báo chí mà chủ yếu ông tập trung suy nghĩ và hành động của chính mình vào những vấn đề thực tiễn như làm thế nào giải phóng đất nước ông và các xã hội thuộc địa khác thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây."
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của bác Hồ cũng chính là hành trình lần theo những khát vọng và bước đi yêu nước của Người. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu hành trình ấy.
Lòng yêu nước của Hồ Chí Minh khởi nguồn từ truyền thống gia đình. Nguời cha, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ tới phó Bảng nhưng ban đầu đã từ chối ra làm quan cho triều đình bù nhìn. Ông quyết định ở lại làng Kim Liên mở lớp dạy học.
Cậu bé Nguyễn Tất Thành vừa học trong lớp với cha và một số thày giáo khác, vừa tham gia các hoạt động bên ngoài. Nhà của cậu bé nằm cạnh một lò rèn và người thợ rèn tên Diễn có tài kể chuyện đặc biệt, cậu bé Thành thường cùng chúng bạn tụ tập ở nhà người thợ rèn để nghe nhiều câu chuyện về các hoạt động yêu nước đánh đuổi giặc Pháp của nhóm Cần Vương. Sử gia Duiker kể:
"Cùng với những thanh niên khác, Thành được nghe những chiến công hiển hách như Lê Lợi và Mai Thúc Loan, những người đã chiến đấu bảo vệ quê hương chống quân xâm lược. Thành xúc động lắng nghe câu chuyện ông Vương Thúc Mậu tự vẫn và chuyện nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng đã chết vì bệnh lỵ vào năm 1895, khi quân lính bị suy yếu phải lùi sâu vào rừng núi dọc theo biên giới Lào và phong trào Cần vương này đã kết thúc một cách bi thảm. Thành cũng rất xúc động khi được biết một số người trong gia đình bên họ nội của cha mình đã hết lòng cho sự nghiệp cứu nước."
Khi ấy, cậu bé Nguyễn Tất Thành mới có 11 tuổi. Ở cái tuổi đa số trẻ em còn ham đánh bi đánh đáo ấy, Nguyễn Tất Thành đã có những ham thích lớn lao hơn hẳn: tìm hiểu về lịch sử nước nhà.
"Thành rất khó chịu khi phát hiện ra rằng hầu hết những cuốn sách cổ điển đang được sử dụng ở làng đều kể về lịch sử Trung hoa thay vì lịch sử Việt Nam và vì vậy, ông đã quyết định đi bộ đến thành phố Vinh để mua những cuốn sách nói về lịch sử đất nước mình. Khi thấy rằng những cuốn sách đó quá đắt tiền, Thành đã cố ghi nhớ những nội dung chính để có thể kể lại cho bạn bè khi về làng."
Những biểu hiện của lòng yêu nước nồng nàn của cậu bé Thành thậm chí còn sớm hơn thời điểm năm 1901. Từ năm 1985, khi theo cha mẹ vào Huế để ông Nguyễn Sinh Sắc ôn thi Hội, cậu bé 5 tuổi Nguyễn Sinh Cung (tên khi ấy của bác Hồ) đã có những cảm nhận đầu tiên về đất nước dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Với những quan sát của một đứa trẻ, cậu "tò mò không hiểu tại sao ngay cả những quan lại danh tiếng của Việt Nam cũng đều phải xun xoe quỵ lụy tất cả những người châu Âu." Từ ấy, cậu bé: "trở nên không thích người nước ngoài khi nghe thấy có nhiều người Pháp đối xử tồi tệ với những người lao động làm thuê..."
Chủ nghĩa yêu nước nhen nhóm trong Nguyễn Tất Thành từ giai đoạn tuổi thơ ở Huế. Và khi cùng cha quay trở lại Kinh thành hơn 10 năm sau, 6/1906, lòng yêu nước ấy mới thật sự bùng lên. Mùa thu năm 1907, Nguyễn Tất Thành thi đỗ vào trường Quốc học, cấp học cao nhất thời bấy giờ trong hệ thống trường Pháp Việt. Những mô tả về cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành thời ấy rất ngộ nghĩnh: "Với đôi guốc mộc, quần áo bà ba nâu và mái tóc dài, rõ ràng Thành là hình ảnh của một người nông dân trong con mắt các bạn học sành điệu hơn - nhiều người trong số họ mặc áo dài the, quần trắng theo lối truyền thống hoặc mặc âu phục có bày bán tại trường - nên Thành đã nhanh chóng quyết định cắt kiểu tóc ngắn hợp thời và mặc quần áo giống như các bạn để khỏi bị chế nhạo..."
Tác phong bộc trực và nông dân của Nguyễn Tất Thành bị một số bạn học thượng lưu chế nhạo nhưng lực học của anh thì mọi người đều nể phục, chỉ một năm, anh đã hoàn thành khóa học của cả hai năm. Đặc biệt, quan điểm chính trị của Thành đặc biệt cấp tiến và yêu nước:
"Sau mỗi buổi học, Thành thường lui tới bờ sông, nơi thường có những đám đông tụ tập tranh luận những tin tức mới nhất về ông Phan Bội Châu và cùng nhau đọc bài thơ "á Tế á" của ông, ngợi ca một châu á không có sự thống trị của người da trắng và kêu gọi mọi người tranh đấu vì độc lập dân tộc."
Nguyễn Tất Thành bắt đầu tiếp cận với những quan điểm chính trị cấp tiến nhờ trải nghiệm và đọc những cuốn sách của các nhà cải lương Pháp, Trung Hoa, Việt Nam ở nhà thày giáo Hoàng Thông. Thái độ chỉ trích chính quyền thực dân phong kiến của chàng thiếu niên càng ngày càng mãnh mẽ và đã không ít lần anh công khai đứng ở sân trường phê phán sự nhu nhược của triều đình Huế và đòi bỏ chế độ sưu cao thuế nặng lên nông dân. Thành đã bị trường gọi lên khiển trách vì điều đó.
Không dừng lại, hưởng ứng lời kêu gọi tất cả người Việt Nam cắt tóc để phản đối chế độ phong kiến cũ của nhà yêu nước Nguyễn Quyến. "Thành, lúc này bắt đầu bỏ học cùng bạn bè đi khắp các đám đông cắt tóc cho những khách qua đường cho dù chẳng có mấy ai yêu cầu. Nhiều năm sau. Hồ Chí Minh vẫn còn nhớ bài ca của họ:
Lược bên tay trái
Kéo bên tay phải
Cắt! Cắt!
Cắt đầu ngu dốt
Cắt óc đần độn
Cắt! Cắt!"
Tuy vậy, mãi tới tháng 5 năm 1908, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tròn 18 tuổi mới chính thức tham gia hoạt động chính trị đầu tiên. Thời gian đó, nông dân tràn vào kinh thành Huế để phản đối sưu cao thuế nặng, họ bắt cả tri huyện và nhốt vào cũi giải đến gặp quan Pháp ở kinh thành. Nguyễn Tất Thành đã đi theo đoàn biểu tình và trở thành phiên dịch.
"Bất ngờ viên sĩ quan phụ trách ra lệnh cho toán lính xông tới dùng gậy đẩy để đẩy lùi đám đông. Thành đã chen lên hàng đầu và Thành đã bị trúng vài gậy khi đang cố gắng phiên dịch các yêu sách của những người nông dân cho nhà cầm quyền. Khi đám đông tiếp tục tràn lên, Thống sứ Levecque đã đồng ý cho phép một đại diện của những người biểu tình vào phòng làm việc của mình để thương thuyết các điều kiện để cho đám đông có thể giải tán. Thành đã trở thành phiên dịch."
Quân Pháp sau đó đã bắn vào đoàn biểu tình còn "kẻ quấy rối" Nguyễn Tất Thành bị buộc phải thôi học và từ đó, bắt đầu bị liệt vào sổ đen của cảnh sát. Trốn tránh lực lượng an ninh, anh bôn ba vào Nam và tới đầu năm 1910, anh tới Phan Thiết để dạy Hán ngữ và chữ Quốc Ngữ cho một trường học ở đây. Những bài giảng của Nguyễn Tất Thành ngày đó ngập tràn lòng yêu nước, sử gia Duiker viết:
"Thành đưa ra những chủ đề về lịch sử Việt Nam trong các bài giảng của mình và đọc những câu thơ trong các bài thơ nổi tiếng như "Bài ca hớt tóc" và bài thơ "á-Tế-á" của Phan Bội Châu. Bắt đầu buổi học, Thành yêu cầu các học sinh đọc những câu thơ trong hợp tuyển thơ ca của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (tạm dịch ý chính).
Trời xanh có thấu cho chăng
dân ta đang phải sống
trong đói khát, bần hàn
nặng gông cùm xiềng xích
do bóc lột ngoại bang."
Từ Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và từ đó, anh đã xin làm phụ bếp trên một con tàu để có thể sang Pháp. Giai đoạn niên thiếu của Hồ Chí Minh còn có nhiều tình tiết chưa hoàn toàn rõ ràng nhưng "điều không có gì đáng nghi ngờ là khi rời Sài Gòn vào mùa hè năm 1911, ông là một người lòng tràn đầy tình yêu tổ quốc cũng như thấu hiểu sâu sắc về sự bất công mà chính quyền thuộc địa đã gây ra cho đồng bào của ông. Đối với Thành, dường như không có cách nào khác để giải quyết vấn đề này ở trong nước. Có lẽ các điều đó có thể tìm thấy ở nước ngoài."
© TUANVIETNAM.NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét