11/5/10

Cựu Ngoại trưởng Việt Nam bàn chuyện ứng xử với nước lớn

Cựu Ngoại trưởng Việt Nam bàn chuyện ứng xử với nước lớn
Tác giả: Phương Loan

11/05/2010

Với Trung Quốc, phải hữu nghị với họ. Hữu nghị thực lòng, hợp tác thực lòng. Những vấn đề còn khác biệt phải tìm cách làm việc với họ. Phải khôn khéo, rất khôn khéo - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói.

Cựu Ngoại trưởng: "Sai lầm đối ngoại khó sửa lắm"

Phải hữu nghị, rất hữu nghị với Trung Quốc


Đỉnh cao của nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện trong ứng xử với các nước lớn. Việt Nam là một nước nhỏ giữa các cường quốc với các mâu thuẫn và lợi ích chồng chéo, đan xen nhau. Bác Hồ đã xử lý rất khôn khéo các mối quan hệ này, cân bằng quan hệ, tận dụng những điểm đồng, giảm thiểu khác biệt với các nước lớn ra sao, thưa ông?


Đúng là Việt Nam anh dũng thật nhưng mình chỉ là nước nhỏ. Bây giờ Việt Nam đã là nước trung bình, hơn 80 triệu dân, nhưng bên cạnh các nước lớn thì mình là nước nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu, tiềm lực quân sự rất yếu. Và Việt Nam chỉ muốn hòa bình, độc lập dân tộc.

Cụ Hồ ứng xử với nước lớn phải nói tuyệt vời: đối với Liên Xô, với Mỹ, với Pháp, với Trung Quốc, những mối quan hệ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, với nhiều động thái rất hay.

Với Trung Quốc, Cụ hết sức tranh thủ. Cụ Hồ đối với Trung Quốc vô cùng tình nghĩa. Cụ biết những tham vọng, ý đồ của Trung Quốc, nhưng theo cách không phải để phê phán, chê trách người ta mà để tìm cách làm thế nào khiến người ta không đụng chạm, làm thiệt hại đến lợi ích của mình.

Cụ rất coi trọng Trung Quốc, kính trọng các lãnh đạo Trung Quốc, làm cho họ hài lòng, từ động thái rất nhỏ như cử chỉ với ông Đại sứ, với những thành viên trong đoàn Trung Quốc sang thăm cũng như khi Cụ sang thăm Trung Quốc, gặp Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, những tướng lĩnh đã giúp Việt Nam trong thời kì chống Pháp... Cụ đối xử thật lòng. Đó là ngoại giao tâm công của Cụ, lấy cái tâm của mình làm cho họ gần gũi với mình.


Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên
Tuy họ có ý đồ về biên giới, lãnh thổ, nhưng mình phải có phương pháp để ứng xử.

Giai đoạn mâu thuẫn Xô - Trung căng thẳng, ai cũng muốn lôi kéo Hồ Chí Minh về phía mình, nhưng Cụ luôn giữ một thái độ ôn hòa. Tuy nhiên, đó không phải cân bằng ba phải. Cụ thấy lúc này là phải đoàn kết, luôn cố níu hai "ông lớn" lại với nhau, dù không thể được. Trong thời kì đó, Cụ giữ vai trò quan trọng trong việc giữ đoàn kết trong các đảng cộng sản.

Với Mỹ, từ năm 1945-1946, thời kì đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cụ cũng đã viết thư cho Tổng thống Mỹ, nêu mong muốn quan hệ với Mỹ.

Với Pháp, Cụ Hồ là người uyên bác về Pháp, hiểu người Pháp, văn hóa Pháp và rất muốn hữu nghị với Pháp. Nhưng đáng tiếc, như đã nói, tầm nhìn của Pháp hẹp quá, họ xem thường Việt Nam và tin sẽ thắng lớn. Nếu họ thuận theo Hiệp định sơ bộ 1946, họ được nhiều, không mất, không bị tổn thương vì thất bại ở Việt Nam, giảm sút ảnh hưởng ở Đông Nam Á...

Có thể nói, đối với với các nước lớn, Cụ biết lắm: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến hóa. Ai cũng quý mến, trân trọng Cụ.

Cụ thực lòng, chứ không phải theo kiểu ngoại giao mà người ta hiểu trong bụng mình giả dối. Cụ Hồ thực tâm muốn hữu nghị, thực tâm hữu nghị.

Trong việc cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, câu chuyện cụ thể nào mà ông ấn tượng nhất về ngoại giao Hồ Chí Minh, thưa ông?

Rõ nhất là thời kì xung đột Xô - Trung. Trong Đảng, trong nhân dân ta lúc ấy nhiều người thích quan điểm của Trung Quốc. Chín bài xã luận của Trung Quốc đập lại chủ nghĩa xét lại của Khruschev được đọc trên đài phát thanh cho dân. Tại Bờ Hồ khi ấy kín đặc người nghe phát thanh. Dư luận chung như thế. Nhưng Cụ Hồ không bao giờ làm mất sự ủng hộ và cảm tình của Liên Xô với Việt Nam.

Bác giữ quan hệ cực kì tốt. Trung Quốc hài lòng vì chống xét lại là hợp với Trung Quốc. Với Liên Xô, họ không trách được, vì Hồ Chí Minh giữ cân bằng, hài hòa và một thái độ phải chăng, cái phải chăng không phải ba phải, trung dung.

Ngày nay, Việt Nam đã là bạn, là đối tác của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó láng giềng và nước lớn là những ưu tiên và cũng tập trung nhiều vấn đề phức tạp. Hợp tác nhiều hơn và cạnh tranh cũng lớn hơn, thường xuyên hơn. Trong quan hệ với các nước lớn và khu vực hiện nay, theo ông, chúng ta phải học Bác như thế nào để giữ và bảo vệ cho được lợi ích dân tộc?

Học cụ Hồ trước hết là bài học về hòa hiếu. Bảo vệ độc lập chủ quyền là việc mình luôn phải làm. Bảo vệ như thế nhưng mình luôn phải nghĩ tới chữ hòa hiếu.

Trong ASEAN cũng vậy. Đôi khi Việt Nam và các nước có va chạm lợi ích, mình phải bảo vệ lợi ích của mình, nhưng cũng phải giữ được đoàn kết, hợp tác trong ASEAN. Đó là cái quan trọng.

Với các nước lớn, mình phải tranh thủ, biết cái yếu của mình. Xưa kia cha ông cầu phong bên ngoài, bên trong vẫn giữ cái độc lập, tự chủ của mình.

Đừng làm cho nước lớn phật ý bởi những điều không đáng. Bác Hồ không bao giờ làm mất lòng các nước lớn. Những gì buộc phải làm thì mình làm, còn cái gì không đáng thì mình nên điều chỉnh liều lượng. Ví dụ, quá khứ chiến tranh không cần khới lại nhiều nữa, nên bớt đi. Đó là vết sẹo, đụng vào lại đau, lại xót...

Với các nước lớn, mình phải coi trọng, vì họ hay để ý lắm. Nước nào cũng để ý chuyện mình có làm gì cho họ mất mặt, cho họ bực mình, khó chịu, nghi ngờ. Mình phải hết sức tìm cách tránh.

Biển đảo, chủ quyền: đấu tranh bảo vệ bằng mọi hình thức


Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên
Song song với câu chuyện hợp tác, hòa hiếu, thì việc đấu tranh để giữ cho được lợi ích chính đáng của dân tộc mình cũng là yêu cầu. Ứng xử như thế nào trong đấu tranh mà vẫn giữ được hòa hiếu?
Đó là điều cần học Hồ Chí Minh. Mình vẫn giữ được lợi ích của mình, bảo vệ công dân của mình mà vẫn không làm ảnh hưởng đến quan hệ chung, ảnh hưởng đến hữu nghị, hợp tác chung.

Những vấn đề lớn đụng đến biên giới, lãnh thổ, hải đảo, thềm lục địa... mình phải kiên quyết đấu tranh, không thể không được.

Trong thế giới này, càng hội nhập thì đấu tranh lại càng tăng. Nhưng cũng cần hợp tác. Và vì thế, càng cần nghiên cứu, học tập Hồ Chí Minh.

Mình nói học tập đạo đức Hồ Chí Minh nhiều, nhưng thực chất thì còn học ít lắm.

Cụ thể, trong bối cảnh hiện nay, theo ông, với Trung Quốc, với Mỹ, ASEAN, ta nên ứng xử như thế nào?

Với Trung Quốc, phải hữu nghị với họ, bằng mọi cách. Hữu nghị thực lòng. Hợp tác thực lòng.

Những vấn đề về chủ quyền, biển đảo thuộc về lợi ích quốc gia tối thượng thì mình phải quyết liệt, không để mất được. Quyết liệt nghĩa là mình phải làm bằng mọi hình thức.

Mặt khác, phải hết sức hữu nghị, đừng nói những gì xúc phạm để đến mức không nhìn nhau nữa, không bắt tay lại được với nhau, hoặc dẫn tới mức thù địch như trước đây thì nguy hiểm.

Cách tốt nhất là tìm cách làm việc, bàn bạc với họ. Và phải tránh đừng để xảy ra đổ máu. Họ là nước lớn, dễ là người gây chuyện, còn mình là nước bé, Việt Nam không bao giờ gây sự. Chiến tranh thì dân khổ. Vì thế, mình phải khôn khéo, rất khôn khéo.

Đây là việc nhức đầu nhất, nói thì dễ nhưng làm không dễ.

Những vấn đề lớn đụng đến biên giới, lãnh thổ, hải đảo, thềm lục địa... mình phải quyết liệt đấu tranh. Ảnh nguồn VNE


Với Mỹ, 35 năm chiến tranh đã qua, bây giờ rõ ràng mình phải quan niệm, Việt Nam là nước nhỏ, không phải là đối thủ của Mỹ. Việt Nam chỉ là mắt xích trong quá trình tranh giành giữa hai phe. Người Mỹ đã sai lầm khi đánh sang Việt Nam dẫn tới thất bại.

Cũng như với Trung Quốc, mình đừng làm gì mất mặt Mỹ. Dù sao đó cũng là vết thương của người Mỹ. Cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam cho biết họ ân hận lắm vì đã tham chiến.

Lúc này không phải là lúc mình đặt vấn đề tội lỗi, hay trách nhiệm chiến tranh. Những vấn đề như chất độc da cam, bồi thường chiến tranh, phải để lại sau. Họ chưa thể nào làm bây giờ. Phải hiểu cái thế của nước lớn. Nhưng đây là món nợ lương tâm mà không một chế độ, một nước nào có thể lãng quên được. Nước Nhật cũng phải 50 năm sau... Mình nuôi vấn đề này nhưng không nóng vội.

Với Mỹ, phải tranh thủ kinh tế, khoa học kĩ thuật của họ, tranh thủ nhiều mặt.

Với Nga, mình cũng phải tranh thủ, nhưng cũng cần hiểu họ không quan tâm nhiều tới khu vực này. Họ lo chính là Trung Á, SNG, mảng với các nước lớn khác.

Với châu Âu, mình phải làm tốt hơn vấn đề dân chủ, nhân quyền, điều các nước quan tâm. Vấn đề ở cách mình làm thôi, chứ trên thế giới này, chẳng nước nào dân chủ hơn ai. Như Mỹ, sau sự kiện 11/9, họ an ninh tăng cường; Bộ trưởng Ngoại giao đi họp còn khám từ đôi giày trở đi. Lợi ích của họ, họ phải lo giữ. Vấn đề an ninh của mình mình phải lo, không thể bỏ được. Nhưng phải công khai. Cái gì tránh được thì hết sức tránh.

Nhìn chung, lúc này, thế của nước mình thuận lắm, mà càng như vậy càng phải học Bác Hồ.
© TUANVIETNAM.NET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét