Thursday, September 26, 2013
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 130925
Diễn đàn Kinh tế
Nhân cơn khủng hoảng, giới chính trị vén tay bốc thuốc lung tung....
Năm năm sau vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ mà cao điểm là sự sụp
đổ của tập đoàn đầu tư tài chính Lehman Brothers vào ngày 15 Tháng Chín
năm 2008, tình hình kinh tế Mỹ đã có vẻ khả quan hơn. Nhưng tại sao hai
năm sau vụ khủng hoảng về ngân sách khiến giá trị trái phiếu của Hoa Kỳ
bị tụt hạng vào đầu Tháng Tám năm 2011, nước Mỹ lại có thể gặp khủng
hoảng nữa khi ngân sách liên bang bị phong tỏa vì không được nâng định
mức đi vay? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này và thấy ra hiện
tượng gọi là "hậu quả bất lường" của chính sách kinh tế.
Từ chuyện nước Mỹ...
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Vụ khủng hoảng tại Hoa
Kỳ năm 2008 khiến hàng loạt tập đoàn tài chính Mỹ bị rúng động và chính
phủ phải ban hành đạo luật cấp cứu với 700 tỷ đô la đắp vốn cho các cơ
sở lâm nạn. Sau đó tình hình có dấu hiệu khả quan hơn và các ngân hàng
lớn nhất của Mỹ nay thu lời rất cao.
Trận khủng hoảng cũng khiến thế giới bị Tổng suy trầm và Hoa Kỳ có
nhiều biện pháp kích thích khiến bội chi ngân sách tăng vọt cùng gánh
nặng công trái lên tới mức kỷ lục. Nạn bội chi và đi vay mới dẫn tới vụ
khủng hoảng chính trị vào Tháng Tám năm 2011 khi Quốc hội Mỹ không thể
nhất trí về việc giảm chi và tái quân bình ngân sách.
Tuần qua, nguy cơ ách tắc chính trị này lại tái diễn với một dự
luật được biểu quyết tại Hạ viện. Khi tổng kết về chuyện khủng hoảng tài
chính, suy trầm kinh tế và ách tắc chính trị, ta cần nhìn ra cả hai mặt
tích cực và tiêu cực về chính sách ứng phó vì có thể rút tỉa bài học
hữu ích cho xứ khác, vào thời khác. Theo dõi câu chuyện này từ nhiều năm
nay, ông nghĩ rằng thính giả của chúng ta nên quan tâm nhất đến bài học
nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì chúng ta làm việc tại Hoa Kỳ và nhìn
nước Mỹ từ nhiều giác độ khác nhau nên có thể gây ấn tượng sai lầm rằng
mình luôn luôn coi Hoa Kỳ là nhất. Sự thật nó không đơn giản như vậy và
câu hỏi của ông là có ích vì giúp ta nghĩ đến các "hậu quả bất lường"
của chính sách ứng phó. Tôi xin được gọi đó là bài học về "những liều
thuốc đổ bệnh".
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ khởi đi từ những liều thuốc này. Thưa ông, trước hết vì khủng hoảng và cần phải bốc thuốc chữa bệnh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lùi về thật xa để nói đến đặc tính
văn hóa, hoặc loại quy luật bất thành văn của xã hội Hoa Kỳ. Quốc gia
này quá mới quá trẻ và có tiềm năng quá lớn nên nói chung người dân lạc
quan cho rằng việc gì họ cũng làm hơn được xứ khác. Nhưng vì quá trẻ nên
từ tình trạng lạc quan hồ hởi họ lại dễ hốt hoảng khi hữu sự và có phản
ứng thái quá.
- Bây giờ, về nguyên nhân khủng hoảng, tổng kết lại các công trình
nghiên cứu ta có thể thấy ra sự lạc quan sau khi Chiến tranh lạnh kết
thúc năm 1991 và thế giới được "nhất thể hóa", toàn cầu hóa với trao đổi
hàng hóa, dịch vụ và tư bản được giải tỏa tự do hơn. Thứ hai, nhờ tiến
bộ khoa học, thị trường phát minh ra nhiều phương thức đầu tư tài chính
tân kỳ mà chính trường không kịp nhìn ra rủi ro để ban hành luật lệ giám
sát. Và chính trường cũng lạc quan từ hơn 20 năm trước khi nhà nước
khuyến khích thị trường phát triển đầu tư về gia cư để giàu nghèo gì
cũng dễ mua nhà và khi giải toả chế độ kiểm soát ngân hàng từ năm 1999.
Quốc gia này quá mới quá trẻ và có tiềm năng quá lớn nên nói chung người dân lạc quan cho rằng việc gì họ cũng làm hơn được xứ khác. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Trong thế giới rộng mở đó, tiết kiệm dư dôi từ Á Châu chảy vào Mỹ
kiếm lời có làm hạ lãi suất và càng gây ra tinh thần hồ hởi khiến người
ta đi vay dễ dàng và vay quá sức trả, để đầu tư vào những ngành có quá
nhiều rủi ro mà cả giới đầu tư, ngân hàng và nhà nước đều đánh giá sai.
Tức là trong nhiều thập niên liên tục, người ta gây ra những thất quân
bình nghiêm trọng mà lạc quan tin rằng mọi sự vẫn an toàn. Nếu nhớ lại
lời phát biểu của các giới chức hữu trách từ những năm 2006 đến đầu năm
2008 thì mình thấy ra tinh thần lạc quan phổ biến ấy.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua giai đoạn tâm lý đảo
ngược, từ lạc quan biến ra hốt hoảng như ông vừa nói, hoặc đã trình bày
trên diễn đàn này từ hơn năm năm trước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là nếu không chấn chỉnh thì từ đầu
cái gì nghiêng quá sẽ đổ. Khi trái bóng gia cư, một hậu quả của sự lạc
quan, bắt đầu xì từ năm 2006 thì những bất toàn của cả hệ thống phức tạp
này được phơi bày. Nó dẫn tới sự khủng hoảng của nhiều ngân hàng Âu
Châu từ năm 2007 đã lỡ tài trợ quá nhiều cho loại nghiệp vụ quá rủi ro
được gói kín trong những kén nợ bị ung thối. Từ đó mới có nạn ách tắc
tín dụng và dội ngược về Mỹ thành vụ sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers
và hàng loạt doanh nghiệp tài chính hàng đầu của nước Mỹ.
- Vì đây là loại cơ sở quá lớn nên nếu sụp đổ thì sẽ gieo họa cho các
thân chủ và nhiều ngành khác nên chính quyền mới lúng túng về cái lẽ nên
cứu hay không, cứu ai mà bỏ ai và làm sao cứu khi các doanh nghiệp tài
chính đều mất nợ, kẹt vốn và thiếu thanh khoản mua lại tài sản của các
cơ sở lâm nạn? Chính là sự lúng túng đó của chính trường sau khi đã
chểnh mảng trong nhiệm vụ giám sát mới gây hốt hoảng cho thị trường. Và
vụ khủng hoảng tín dụng gia cư trị giá mấy trăm tỷ và tập trung ở bốn
năm tiểu bang biến thành khủng hoảng rộng lớn trên cả nước và lan ra
toàn cầu thành Tổng suy trầm. Từ nạn hồ hởi sảng, người ta hốt hoảng bậy
và lãnh hậu quả là tài sản người dân bị mất 11 ngàn tỷ đô la, kinh tế
sa sút, thất nghiệp vượt 10%.
Vũ Hoàng: Theo như cách ông trình bày thì chính là phản ứng
thái quá này mới dẫn tới những chính sách ứng phó mà ông gọi là "liều
thuốc đổ bệnh". Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy vì năm 2008, Hoa Kỳ
có tổng tuyển cử để bầu lại cả Hành pháp lẫn Lập pháp. Trong tình trạng
hoang mang chung, ta rất dễ quên phần trách nhiệm của mình mà cứ chỉ ra
những sai lầm khiếm khuyết của người khác. Sai lầm nặng nhất, bị quy
trách cho mọi chuyện chính là thị trường hay lòng tham của ai khác. Và
đấy là lúc người ta có phản ứng thái quá là tin rằng nhà nước sẽ giải
quyết được mọi chuyện.
- Kết quả là nhà nước tăng chi, gây khiếm hụt ngân sách và đi vay tới
mức kỷ lục nên mới gây ách tắc chính trị về ngân sách năm 2011. Vậy mà
kinh tế chưa hồi phục khiến ngân hàng trung ương hạ lãi suất tới sàn và
sau đó còn thi hành ba đợt bơm tiền rất hãn hữu gọi là QE để nâng thanh
khoản và giảm lãi suất. Tháng Năm vừa qua, khi ngân hàng trung ương Mỹ
thông báo có thể giảm dần chính sách bơm tiền kể từ Tháng Chín thì người
ta lại hốt hoảng là giai đoạn tiền rẻ sẽ chấm dứt và cổ phiếu sụt giá
làm cả thế giới rúng động trong mấy tháng liền.
- Tuần qua, ngân hàng trung ương lại quyết định ngược, rằng tình hình
kinh tế chưa khả quan nên sẽ duy trì chính sách bơm tiền khoảng 85 tỷ đô
la một tháng thì mọi người lại hoang mang. Giữa khung cảnh đó, cuộc
tranh luận về ngân sách tái bùng nổ với dự luật của Hạ viện bên đảng
Cộng Hoà là không cho nâng định mức đi vay nếu ngân sách liên bang lại
mất tiền thi hành đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế ban hành từ
Tháng Ba năm 2010. Vì đòn phép chính trị này, người ta lại sợ rằng từ
đầu Tháng 10, ngân sách Hoa Kỳ bị chặn và hết tiền trả lương công chức!
Bài học cho các nước
Vũ Hoàng: Trong cả một chuỗi vấn đề quá phức tạp đó,
chúng ta có thể thấy ra hai chuyện. Thứ nhất là kế hoạch cấp cứu nhằm
đẩy lui và không để tái diễn một vụ khủng hoảng tài chính. Thứ hai là kế
hoạch kích thích kinh tế để ra khỏi tình trạng suy trầm. Trong hai
chuyện có vẻ biệt lập mà thật ra lại có quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau
thì đâu là những liều thuốc đổ bệnh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết về lĩnh vực tài chính ngân hàng,
Hoa Kỳ đã bơm tiền chuộc nợ cho các cơ sở lâm nạn và kết quả thành công,
các ngân hàng đã có lời và trả lại tiền nợ cho nhà nước. Song song, các
cơ chế hữu trách của Mỹ và quốc tế đều bắt hệ thống ngân hàng cải thiện
quân bình tài chính qua việc tăng vốn và hạn chế tỷ lệ đi vay để tránh
rủi ro.
- Nhưng phần tiêu cực của kế hoạch cấp cứu và ngăn ngừa khủng hoảng tái
diễn là chế độ kiểm soát quá chi ly rắc rối, cho đến nay mới chỉ khai
triển được chừng 40% nội dung thành điều lệ áp dụng. Nó lại không giải
quyết được một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng là hiện tượng tập trung tư bản
vào loại ngân hàng gọi là "quá lớn nên không thể đổ", dân Mỹ gọi là "too big to fail". Đây là hậu quả
bất lường đáng kể nhất, là liều thuốc đổ bệnh khiến cho khủng hoảng sẽ
còn có thể tái diễn.
Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho, hiện tượng ngân hàng "quá lớn nên không thể đổ" là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi tư bản tài chính tập trung vào một số
ngân hàng thì các cơ sở này là trung tâm thu hút và phân phối tiền bạc
cho nhiều khu vực kinh tế nên chi phối cả hệ thống. Vì vị trí đó, chúng
trở thành loại cơ sở mà nhà nước không thể để cho sụp đổ nên dễ lấy
quyết định rủi ro vì hiện tượng "ỷ thế làm liều" trong kinh tế học. Khi
vụ khủng hoảng bùng nổ, chính trường Mỹ có đạo luật kiểm soát để không
tái diễn nạn tập trung tư bản như xưa.
Nhờ có chế độ dân chủ và tự do báo chí, người dân có quyền phê phán những chuyện đó để rút tỉa bài học cho các cuộc bầu cử về sau. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Nhưng kết quả lại ngược với thực tế là ngày nay các ngân hàng lớn
nhất của Mỹ đã quản lý một lượng tài sản còn lớn hơn năm 2009. Giải pháp
lý tưởng là có nhiều ngân hàng loại trung bình đi sát thị trường và
doanh nghiệp và phải thẩm định rủi ro khi cho vay vì sẽ không được cứu
nếu bị lỗ, giải pháp ấy vẫn là lý tưởng. Và việc cấp cứu năm 2010 là
liều thuốc đổ bệnh vì vẫn duy trì nạn ỷ thế làm liều. Chuyện này rất dễ
xảy ra cho mọi quốc gia, không chỉ riêng tại Hoa Kỳ.
Vũ Hoàng: Sau liều thuốc đổ bệnh trong kế hoạch ngăn
ngừa khủng hoảng, thưa ông, đâu là hậu quả bất lường của những kế hoạch
kích thích kinh tế đã được áp dụng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chỉ có thể tóm lược khái quát về một tình hình quá phức tạp.
- Đó là kinh tế Mỹ đã hồi phục trên nền móng còn bấp bênh. Sau khủng
hoảng thì giới đầu tư đã thịnh vượng hơn mà đa số ở dưới thì chưa nên
nạn chênh lệch lợi tức hay bất công xã hội vẫn tiếp tục và số người phải
lãnh trợ cấp đã lên tới mức kỷ lục nên trở thành gánh nặng ngân sách và
gây tranh luận về chính trị. Nói cách khác, người ta kích thích không
đúng nơi và tạo cơ hội cho một thiểu số làm giàu rất nhanh trong khi đa
số và thành phần trung lưu vẫn bị khó khăn. Hiện tượng tập trung tư bản
không chỉ có trong lĩnh vực ngân hàng và là vấn đề nghiêm trọng.
- Thứ hai, sau khi hốt hoảng và trông cậy vào chính quyền, đa số tới
60% dân Mỹ ngày nay lại thấy nhà nước có quá nhiều quyền lực và tỷ lệ
tín nhiệm của dân chúng dành cho giới lãnh đạo, nhất là trong Quốc hội,
đã sụt tới mức thấp nhất. Liều thuốc đổ bệnh là nhân khi người dân hốt
hoảng thì nhà nước mở tầm can thiệp, nâng cao bội chi ngân sách và lại
gây nhiều vấn đề khác. Nhờ có chế độ dân chủ và tự do báo chí, người dân
có quyền phê phán những chuyện đó để rút tỉa bài học cho các cuộc bầu
cử về sau. Kết luận của tôi là Hoa Kỳ là nơi mà mọi người đều có quyền
lên tiếng và cảnh báo về những liều thuốc đổ bệnh sau một cơn hốt hoảng!
Vũ Hoàng: Xin cảm ơn ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Source : RFA / Dainamax Tribune
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét