28/9/13

Trần Huy Bích - Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ Mới

25 September 2013


Đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn cho nền văn xuôi Việt Nam tương đối dễ nhận thấy và đã được nhiều người đề cập tới. Nhưng các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn còn góp sức một cách rất đáng kể trong việc đưa phong trào Thơ Mới tới chỗ thành công. Qua hai tiếng “Thơ Mới,” chúng tôi muốn nói đến phong trào thơ do Phan Khôi khởi xướng với bài “Tình già,” đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 122 (tháng 3 năm 1932), được một vài nhà thơ như Lưu Trọng Lư hưởng ứng. Tuy nhiên, chỉ sau khi   các nhà thơ trong Tự Lực Văn Đoàn đã “nhập cuộc,” cộng thêm sự tham dự của một số thành viên khác (nhiều lúc nhân danh toàn nhóm), qua nhiều phương tiện khác nhau, nhất là trên hai tờ tuần báo Phong HóaNgày Nay, phong trào này mới bộc phát mạnh mẽ, đưa “Thơ Mới” tới vị trí ưu thắng. Xin được trình bày sự kiện ấy qua những trang sau.

I. Đóng góp của các nhà thơ trong Tự Lực Văn Đoàn:
Trong Tự Lực Văn Đoàn có ba nhà thơ, nhưng Tú Mỡ sáng tác theo các thể cũ, chỉ có Thế Lữ và Xuân Diệu là những nhà thơ hoàn toàn “mới.” Xin được đề cập tới hai nhà thơ này trước.
Thế Lữ:
Theo Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại, Thế Lữ là “một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới.” Cũng theo Vũ Ngọc Phan, “Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, … Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới.”
Thơ của Thế Lữ không chỉ mới về lời mà còn về ý tưởng. Những ý ấy được ông diễn đạt một cách tha thiết, nồng nàn:
Tôi chỉ là một khách tình si Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ Và mượn cây đàn ngàn phiếm, tôi ca Vẻ Đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ Cũng như vẻ Đẹp cao siêu hùng tráng Của non nước, của thi văn, tư tưởng… (Cây đàn muôn điệu)
Theo Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam, khi “thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam.” Hoài Thanh cũng nhận xét, “Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết,” nhưng “… chỉ lặng lẽ, điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ.”
Hoài Thanh rất có lý khi viết, “Không có gì khiến người ta tin ở thơ mới hơn là đọc những bài thơ mới hay.” Trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, giáo sư Phạm Thế Ngũ cũng ghi nhận: “Thế Lữ đã gây cho thơ mới một nền tảng vững vàng với những tác phẩm giá trị của ông.” Một trong những thành công đáng kể của Thế Lữ là bài “Nhớ rừng.” Bài này đã rất được chú ý ngay khi vừa xuất hiện trên Phong Hóa số 95 (ra ngày 27/4/1934), nhất là qua những câu như:
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi, Với khi thét khúc trường ca dữ dội Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng…
Theo Đoàn Phú Tứ (tác giả bài thơ “Màu thời gian”), “Chỉ cần hai câu:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối Ta say mồi, đứng uống ánh trăng tan
cũng đủ thấy thơ mới hơn thơ cũ.”
Vũ Đình Liên (tác giả bài thơ “Ông đồ”) còn nói mạnh hơn: Hai câu trên “có sức mạnh như một tuyên ngôn để bênh vực thơ mới.”
Thế Lữ còn là tác giả những bài thơ đầy mơ mộng với cảnh tượng diễm tuyệt như “Tiếng trúc tuyệt vời,” “Tiếng sáo Thiên thai”:
Mây bay … gió quyến mây bay … Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt Như hắt hiu cùng hơi gió heo may …
Hay:
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn … Tiên nga tóc xõa bên nguồn Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu Mây hồng ngừng lại sau đèo Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi…
Về sau, khi nhiều nhà thơ mới có tài xuất hiện thêm trên thi đàn, hào quang rực rỡ của Thế Lữ có giảm đi phần nào, nhưng công của ông trong việc “dựng nền” cho phong trào Thơ Mới quả không thể phủ nhận.
Xuân Diệu:
Theo Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại, Xuân Diệu là “người đã đem đến cho thi ca Việt Nam nhiều cái mới nhất.” Khi thơ Xuân Diệu vừa xuất hiện, ông bị chê, bị chỉ trích là “ngô nghê” và “quá Tây,” nhất là qua những từ “mặt trời đi ngủ,” “vài miếng đêm” … (chịu ảnh hưởng của Pháp ngữ: “le soleil se couche,” quelques morceaux de nuit”…). Về sau Xuân Diệu cũng sửa lại, giảm bớt phần nào những chỗ “quá Tây” ấy:
Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành.
Theo nhận xét của Vũ Ngọc Phan, thơ Xuân Diệu “đằm thắm, nồng nàn …, cả ý lẫn lời đều thiết tha, làm cho nhiều thanh niên ngây ngất”:
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm.
Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối.
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối
Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.
Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em! …

(Tương tư chiều)
Những bài “Nhị hồ,” Nguyệt cầm” với âm điệu du dương, cho thấy tác giả là một nhà thơ có tài với khiếu quan sát tinh tế và nghệ thuật thật điêu luyện:
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch Không khóc nhưng mà buồn hiu hiu … Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi …
Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời, Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi. Long lanh tiếng sỏi, vang vang hận: Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người …
Xuân Diệu còn nhiều câu đặc sắc khác:
. Những luồng run rẩy rung rinh lá
. Cành biếc run run chân ý nhi
Cùng những câu đầy hình ảnh và cảm xúc:
. Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ Non xa khởi sự nhạt sương mờ Đã nghe rét mướt luồn trong gió Đã vắng người sang những chuyến đò. (Đây mùa thu tới)
. Em sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo Trời đầy trăng, lạnh lẽo suốt xương da … (Lời kỹ nữ)
Theo Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam, “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới,” và “rất được giới trẻ yêu thích.” Trước hết, thơ ông gần với giới trẻ:
Hãy biết rằng anh lúc ở trường Rất tồi toán pháp, khá văn chương. Chàng trai đi học nghe chim giảng …, (Giới thiệu)
Ông cũng nói lên những cảm xúc, tâm tư của họ:
Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo Tình thì buồn như tất cả chia ly Xếp khuôn giấy để hoài trong túi áo Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi. Lòng e thẹn cũng theo tờ vụng dại Tới bên em chờ đợi mãi không về Em xé nhỏ lòng non cùng giấy mới –Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê … (Tình thứ nhất)
Hay:
Chúng tôi ngồi, vây phủ bởi trăng thâu Tay trong tay, đầu dựa sát bên đầu … (Biệt ly êm ái)
Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh trích dẫn thơ Xuân Diệu nhiều hơn tất cả các tác giả khác. Xuân Diệu được chọn in 15 bài, trong khi Thế Lữ và Hàn Mặc Tử mỗi người chỉ có 7 bài. Nguyễn Bính được chọn in 8 bài. Chỉ có Lưu Trọng Lư và Huy Cận gần đạt tới số lượng của Xuân Diệu, mỗi người được trích dẫn 11 bài.
Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, ở chương về các nhà thơ của thế kỷ 20 (Chương thứ Sáu, Năm thứ Ba, tiêu đề “Mấy thi sĩ hiện đại”), giáo sư Dương Quảng Hàm chỉ viết về ba nhà thơ cũ và ba nhà thơ mới. Ba nhà thơ cũ là Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, và Đông Hồ. Ba nhà thơ mới được ông viết để phân tích là Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, và Xuân Diệu. Hai trong ba nhà thơ mới được học giả họ Dương “đưa vào văn học sử” là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Ở trường hợp Xuân Diệu (sinh năm 1916), khi Việt Nam Văn Học Sử Yếu được xuất bản lần đầu năm 1941, ông mới 25 tuổi.
Tú Mỡ:
Ông chuyên viết trào phúng, châm biếm bằng những thể thơ cũ: lục bát, song thất lục bát, hát nói, ngũ ngôn, thất ngôn (cả tứ tuyệt lẫn bát cú, trường thiên). Ông cũng sáng tác bằng một thể thơ dân gian là hát xẩm, cùng những thể biền ngẫu như phú và văn tế. Nhưng ông viết với một tinh thần mới. Trong nhiều bài trên Phong Hóa, Ngày Nay, ông vạch ra để giễu cợt những chỗ sáo, chỗ rỗng trong một số bài thơ cũ (sẽ nói rõ hơn trong phần sau). Những bài châm biếm, trào phúng của ông khiến Phong HóaNgày Nay được nhiều người thích đọc, giúp báo bán rất chạy. Tuy không công khai phát biểu thành lời, ông đã giúp chủ trương “xây dựng cái mới” (trong đó có “Thơ Mới”) của Tự Lực Văn Đoàn một cách rất hiệu quả.

II. Dùng Phong Hóa, Ngày Nay để vạch ra, chế giễu những chỗ dở, chỗ sáo rỗng của nhiều bài thơ cũ:
Trong các nhà thơ cũ giữa giai đoạn tranh chấp “thơ cũ, thơ mới,” Tản Đà có địa vị rất cao. Có lẽ chính vì thế, nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn đã lựa chính Tản Đà để giễu cợt đầu tiên.
Trong bài “Cảm thu, tiễn thu,” Tản Đà có những câu:
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm…

Và:
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương …

Hình ảnh tuy đẹp nhưng không giống cảnh sắc Việt Nam. Ngay trên Phong Hoá số 16 (tức số thứ ba của nhóm chủ biên mới, ra ngày 6/10/1932) đã xuất hiện một bài thơ với tên tác giả là Bán Than (một trong những bút hiệu khác của Khái Hưng), lấy nhan đề “Cảm thu” với những câu như sau:
Nào đâu mặt đất ngô đồng rụng Chỉ thấy bên đường đám cỏ tươi. Trai gái quanh hồ cười khúc khích Sầu riêng thi sĩ lệ đầy vơi.
Hai tháng sau, trên Phong Hóa số 24 (ra ngày 2/12/1932), lại có một bức tranh “Cảm thu,” ký tên tác giả Đông Sơn (bút hiệu khác của Nhất Linh). Bức tranh gồm hai phần, mang tiêu đề “Tưởng tượng” và “Sự thật.” Trong phần “Tưởng tượng,” tác giả vẽ một thi nhân mơ màng nhìn lá rụng, tuyết rơi …, cùng bầy nhạn đang bay trên trời mà ngâm nga. Trong phần “Sự thật” ngay bên cạnh, ta thấy cảnh trời nắng chói chang, cây lá vẫn tươi tốt (đúng cảnh “thu” của Hà Nội). Một người rất giống Tản Đà, một tay cầm dù che nắng, tay kia cầm quạt vừa đi vừa quạt, khăn trên đầu lột ra khoác ở cánh tay (vì nóng). Trên trời không thấy chim nhạn nhưng có hai phi cơ đang bay, tiếng máy ồn ào. Ngay dưới bức tranh là mục “Giòng nước ngược” với một bài hát nói của Tú Mỡ, nhan đề “Tả bức tranh cảm thu” với những câu như sau:
Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng? Trên đường đi nóng rẫy như rang Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ …
Công bình mà nói, nhóm chủ trương Tự Lực Văn Đoàn không có ý chỉ trích cá nhân Tản Đà. Họ chỉ muốn châm biếm những chỗ sáo, quá xa sự thực của các nhà thơ cũ.
Trên Phong Hóa số 148 (ra ngày 10/5/1935), trong một bài điểm sách lấy nhan đề “Những bông hoa trái mùa,” dưới bút hiệu Lê Ta, Thế Lữ giễu cợt những sáo ngữ của một số nhà thơ đã chỉ biết mượn ý, mượn lời của người trước. Trong mục “Điểm sách” trên nhiều số Phong HóaNgày Nay về sau, Thế Lữ tiếp tục chế giễu một số thơ cũ dở; song song với việc chỉ trích một số thơ mới bị ông cho là dở.

III. Dùng Phong Hóa, Ngày Nay để bày tỏ ý kiến về thơ, cổ võ cho thơ mới, và giới thiệu những bài thơ mới đặc sắc:
Trên Phong Hóa số 15, tức số thứ hai của nhóm chủ biên mới (ra ngày 29/9/1932), trong bài “Sầu thảm nhiều rồi” của Việt Sinh (bút hiệu khác của Thạch Lam), tác giả chê thơ cũ là “nhiều sầu thảm quá.”
Trên Phong Hóa số 36 (ra ngày 3/3/1933), Nhất Linh viết một bài bàn luận về thơ mới.
Trên Phong Hóa số 54 (ra ngày 7/7/1933), trong một bài giới thiệu Thế Lữ, Nhất Linh viết, “Ta không nên sợ cái mới,” vì “Sợ cái mới tức là sợ tương lai, chỉ muốn theo con đường đã vạch sẵn.”
Trên Phong Hóa số 97 (ra ngày 11/5/1934), trong một bài nhan đề là “Thơ Mới,” Nguyễn Tường Bách chê một số thơ mới về sự lố lăng, nhưng bày tỏ niềm tin vào tương lai của thơ mới. Theo ông, thơ mới “đã vượt qua những thử thách,” và “đã có những cơ cấu vững chắc.”
Trên Phong Hóa số 134, tức số Xuân Ất Hợi (ra ngày 30/1/1935), Tứ Ly (bút hiệu trước của Hoàng Đạo) vừa nhận xét vừa cổ võ: “Đến nay thơ mới đã nghiễm nhiên chiếm địa vị quan trọng trong làng văn, số thi sĩ làm thơ mới càng ngày càng nhiều,” và “Tương lai thơ mới rất rực rỡ.”
Trong các mục “Tin thơ” xuất hiện trên nhiều số Phong HóaNgày Nay về sau, Thế Lữ viết lời giới thiệu, nhằm mục đích khuyến khích, khen ngợi … những đoạn thơ, bài thơ hay của các tác giả thơ mới vừa xuất hiện.
Nhưng điều quan trọng nhất là Tự Lực Văn Đoàn đã dùng hai tờ Phong HóaNgày Nay để phổ biến, giới thiệu những áng thơ mới có giá trị. Phong Hóa số 31, tức số Xuân Quý Dậu (ra ngày 24/1/1933), in lại bài “Tình già” của Phan Khôi và đăng bốn bài thơ mới của Lưu Trọng Lư. Từ đó, Phong Hóa, tiếp theo là Ngày Nay, đăng thơ của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Lan Sơn, Thái Can … cùng một số tác giả khác. Năm 1935, bắt đầu đăng thơ Xuân Diệu. Năm 1937, thêm thơ của Chế Lan Viên, Nguyễn Bính. Từ 1939, xuất hiện thơ Huy Cận. Từ 1940, thêm thơ của Tế Hanh, Anh Thơ, Thanh Tịnh, Huyền Kiêu… Rất nhiều nhà thơ mới quan trọng được biết tới lần đầu qua hai tờ tuần báo của Tự Lực Văn Đoàn.

IV. Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn:
Qua các giải thưởng văn chương hai năm phát một lần, Tự Lực Văn Đoàn muốn phát hiện, nâng đỡ, khuyến khích những tài năng mới cả về văn lẫn về thơ. Qua ba lần trao giải, số người được thưởng về văn xuôi nhiều hơn; nhưng từ 1937, đã có người được “khuyến khích đặc biệt” về thơ.
Năm 1935: Theo bản công bố kết quả đăng trên Phong Hoá số 174 (14/2/1936), không tác phẩm nào được các giải nhất và nhì. Cả bốn giải thưởng đều là giải khuyến khích, và được trao cho bốn tác phẩm bằng văn xuôi:
1. Ba, truyện ngắn của Đỗ Đức Thu.
2. Bóng Mây Chiều, tiểu thuyết của Hán Văn Lãng.
3. Bóng Ba Người, truyện của Trịnh Huy Tiến.
4. Cô Thủy, truyện của Nguyễn Khắc Mẫn.
(Số tiền thưởng 100 đồng được chia đều cho bốn tác phẩm).
Năm 1937: Theo bản báo cáo của Hội đồng Giám khảo do Thạch Lam viết, đăng trên Ngày Nay số 81 (17/10/1937), có hai tác phẩm được giải thưởng chính:
1. Về kịch: Kim Tiền của Vi Huyền Đắc.
2. Về phóng sự tiểu thuyết: Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng.
(Mỗi tác phẩm được 100 đồng).
Ngoài ra, còn có thêm:
3. Giải khuyến khích: Nỗi Lòng, tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Mẫn.
(30 đồng tiền thưởng từ một nữ độc giả vô danh).
4. Bằng khen “Tự Lực Văn Đoàn khuyến khích đặc biệt”: Tâm Hồn Tôi, thơ của Nguyễn Bính.
Năm 1939: Theo bản thông báo kết quả đăng trên Ngày Nay số 208 (18/5/1940), có hai giải thưởng về văn:
1. Làm Lẽ, tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư.
2. Cái Nhà Gạch, tiểu thuyết của Kim Hà (khi xuất bản thành sách, tác phẩm này đổi tên là Tiếng Còi Nhà Máy).
(Mỗi tác phẩm được 100 đồng).
Về thơ, hai tập Bức Tranh Quê của Anh Thơ và Nghẹn Ngào của Tế Hanh được tuyên bố: “Ban Giám khảo đặc biệt chú ý.” Tác giả Bức Tranh Quê được tặng 30 đồng để “khuyến khích phái nữ lưu.” Với tập thơ Nghẹn Ngào, bản thông báo cho biết: “Nếu tác giả bằng lòng, sẽ lựa các bài đăng trên báo Ngày Nay để độc giả thưởng thức.” Thơ của Tế Hanh bắt đầu xuất hiện trên Ngày Nay từ số 209 (25/5/1940) với lời giới thiệu của Nhất Linh. Mấy năm sau, thi tập Hoa Niên của Tế Hanh được nhà Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn xuất bản.
Bản thông báo cũng cho biết thêm: “Ngoài các tác phẩm kể trên, còn một số tác phẩm được ban giám khảo chú ý và khen tặng trên giấy,” nhưng “Giấy đó sẽ gửi riêng cho các tác giả.” Tuy chúng ta không biết bao nhiêu người đã được “khen tặng” riêng như thế, nữ sĩ Mộng Tuyết ở Hà Tiên cho biết bà nhận được (và đã trưng ra) một bản “Lời khen tặng” in trên giấy rất đẹp, với chữ ký của sáu thành viên quan trọng trong Tự Lực Văn Đoàn (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ) cùng dấu son của văn đoàn, cho tập thơ Phấn Hương Rừng của bà.
Tóm lại, trong bộ môn thơ, ít nhất bốn nhà thơ đã được Tự Lực Văn Đoàn đặc biệt khuyến khích: Nguyễn Bính, Anh Thơ, Tế Hanh, và Mộng Tuyết. Đa số những người được khích lệ như thế còn rất trẻ. Năm 1937, khi được bằng khen của Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Bính mới 19 tuổi (ông sinh năm 1918). Năm 1939, khi nhận được lời tuyên bố “Tự Lực Văn Đoàn đặc biệt chú ý,” Anh Thơ và Tế Hanh cùng ở tuổi 18 (hai người sinh năm 1921). Khi được Tự Lực Văn Đoàn gửi “Lời khen tặng” đến tận nhà, Mộng Tuyết ở tuổi 25 (bà sinh năm 1914).

clip_image002

Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn chỉ trao cho những tác giả không phải là thành viên của văn đoàn nên tính cách khách quan được dư luận trong văn giới đánh giá rất cao.
Trên Sài Gòn Tiếp Thị (xuất bản ở trong nước), số ra ngày 16/08/2012, có bài “Đôi chút về giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn” của nhà văn Nguyên Ngọc. Dựa theo những điều được nhà văn Thanh Tịnh kể lại khi hai ông làm việc với nhau ở Hà Nội trong giai đoạn 1955-1962, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: Năm 1935, những tác phẩm được giải thưởng là “truyện ngắn Ba của Đỗ Đức Thu, tiểu thuyết Diễm dương trang của Phan Văn Dật, và tiểu thuyết Bóng mây chiều của Hàn Thế Du.” Có lẽ do không được Thanh Tịnh kể lại (có thể vì không nhớ), Nguyên Ngọc không đề cập tới các tập truyện Bóng Ba Người của Trịnh Huy Tiến và Cô Thủy của Nguyễn Khắc Mẫn. Về tiểu thuyết Bóng Mây Chiều, ông cho biết tác giả là Hàn Thế Du. Vậy có lẽ “Hán Văn Lãng” (theo bản công bố kết quả trên Phong Hóa số 174) chỉ là một bút hiệu của Hàn Thế Du. Tại sao Thanh Tịnh (qua lời Nguyên Ngọc) nhắc tới Diễm dương trang của Phan Văn Dật trong khi bản công bố kết quả trên Phong Hóa số 174 không có tên tác phẩm này là một điều chúng ta cần tìm hiểu thêm.

V. Nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn in các tác phẩm thơ mới có giá trị:
Hiện nay, chúng ta chưa tìm được đầy đủ nhan đề các tác phẩm thơ mới được nhà Đời Nay xuất bản. Căn cứ vào những cuốn đã phát hiện, ta có thể tạm kể như sau:
1935 và 1941: Mấy Vần Thơ của Thế Lữ
1938 : Thơ Thơ của Xuân Diệu
1940 : Lửa Thiêng của Huy Cận
1941 : Bức Tranh Quê của Anh Thơ
1943 : Mây của Vũ Hoàng Chương
1945 : Hoa Niên của Tế Hanh
Điều đáng cho ta chú ý là nhà xuất bản Đời Nay in thơ như một giai phẩm. Thơ thường được in trên những loại giấy đặc biệt, với một số ấn bản trên giấy quý. Tập thơ được một hoạ sĩ tên tuổi, thường là họa sĩ Tô Ngọc Vân, trình bày. Sự kiện này khuyến khích tinh thần yêu mến, quý trọng thơ. Qua những lời Anh Thơ và Vũ Hoàng Chương kể lại, ta có thể thấy các vị rất thích thú, hãnh diện có thi tập được Đời Nay xuất bản.
Tóm lại, qua thi tài của những nhà thơ có chân trong văn đoàn (Thế Lữ, Xuân Diệu) cùng những nhà thơ có liên hệ gần gũi (Huy Cận, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Tế Hanh …), qua nhiều loại bài viết trên Phong Hóa, Ngày Nay, qua việc giới thiệu thơ trên báo cùng việc giúp tác giả xuất bản thơ, cũng như qua một số giải thưởng và những tấm bằng tưởng lệ, Tự Lực Văn Đoàn đã đóng góp một cách rất đáng kể vào phong trào Thơ Mới, 1932-1945. Nếu không có Tự Lực Văn Đoàn, phong trào Thơ Mới chắc cũng sẽ thành công, nhưng không thể nhanh và rực rỡ như chúng ta đã thấy.

Trần Huy Bích
Source :  Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới: http://damau.org

URL to article: http://damau.org/archives/29325

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét