I.
Mấy lời nói đầu
Cứ xem hiện trạng thì Khổng giáo (đạo của Khổng Tử) ở nước ta ngày
nay chừng như không có thế lực gì nữa. Các sách Tứ thơ, Ngũ kinh không được đem
dạy ở các nhà trường. Các hội Tư văn, Văn chỉ cũng không còn thạnh hành mấy ở
dân gian. Nay, muốn tìm cho ra cái gì là cái biểu hiệu của Khổng giáo ngày nay,
thì chỉ còn ra Trung, Bắc kỳ, đến tại các văn miếu hàng tỉnh hàng huyện mà cung
chiêm hai kỳ xuân tế thu tế trong mỗi năm mà thôi, ngoài ra không còn có cách gì
nữa.
Huống chi ở Nam kỳ nầy, bỏ học chữ Hán đã hơn 70 năm nay, theo ý nghĩ
của nhiều người, hễ không học chữ Hán nữa tức là Khổng giáo cũng tuyệt diệt. Lại
cả một xứ nầy, chỉ còn một sở Văn miếu tại Vĩnh Long, là nơi thờ đức thánh
Khổng, hương lửa cũng bơ thờ. Thế là cả trong nước, Khổng giáo đã đến ngày hưu
trí rồi, mà riêng về Nam kỳ đây, chẳng những mới hưu trí từ nay, lại còn như bị
cách chức đã lâu rồi nữa.
Hiện bây giờ, đừng nói hạng người vô học, cho đến những kẻ tốt nghiệp
ở các trường mà ra, cho đến những kẻ mà xã hội đã tôn cho vào hàng trí thức,
chừng như cũng quên lửng Khổng Tử là ai. Hạng người trí thức ấy người ta đương
sùng thượng những ông thánh hiện thời, ông Gandhi, ông Lénine, hay là ông Tôn
Văn ; người ta đương đua theo văn hóa mới, người ta đương duy tân, đương theo Âu
hóa, mà có ai lại nhớ cái ông thánh đời xưa quá cũ kỹ ấy làm chi ? Mà dầu có nhớ
đến nữa, người ta cũng chỉ để bụng thôi, tôn ngài thì tôn, nhưng mà xin để ngài
ra một nơi, vì biết rằng cái đạo của ngài là không hợp thời, không dụng
được.
Thời nào, kỷ cương ấy. Hồi trước ta cai trị lấy ta, ta theo Khổng
giáo. Bây giờ ta bị cai trị bởi người vả lại phải chiều theo cái trào lưu thế
giới, thì tự nhiên Khổng giáo phải lui về mà ở ẩn. Người ta, mỗi người có một
thời, đạo giáo cũng vậy. Khổng giáo đã thất thời rồi, lui về ở ẩn, cũng là yên
phận, ta còn nói đến làm chi ?
Tôi là kẻ đọc sách họ Khổng từ hồi sáu tuổi cho đến bây giờ, chính
mình đã đẻ ra và lớn lên trong cửa ngài. Tôi là một môn đồ của Khổng giáo. Ngày
nay tôi ngồi mà nhìn đạo của ngài điêu tàn trước mặt tôi, sách vở của ngài bị
người ta đem mà bồi bìa bồi liễn, vù hương bát nước ở đền thờ ngài mốc ra và có
nhện giăng, thì tôi sẽ nghĩ làm sao ? Độc giả chư quân phải tưởng rằng nếu tôi
đã là môn đồ của ngài, có lòng trung thành đối với thánh đạo, thì gặp hội nầy
tôi phải rỏ nước mắt hai hàng mà khóc vì đạo ngài, cũng như ngài đã khóc với con
lân què ngày trước. – Tưởng vậy thì sai với cái tâm tình của tôi xa quá. Trong
sự nầy, cái lý nó, mặt nào cũng sẽ ngả về một mặt : một là tôi vong sư bội đạo,
hai là tôi có cái lẽ của tôi.
Trước mặt chư quân, tôi xin khai thiệt ra rằng đối với sự thất thế
của Khổng giáo, tôi cũng nghĩ như mọi người khác là người vốn không ở trong cửa
Khổng mà ra. Tôi cũng nguội lạnh mà nói như họ rằng : thời nào kỷ cang ấy, người
ta mỗi người có một thời, đạo cũng mỗi đạo có một thời, Khổng giáo hết thời thì
Khổng giáo lui đi !
Chẳng những thế, tôi vẫn là nhà cựu học, nhưng tôi cũng dám nghĩ như
hạng trí thức trên kia, tức là hạng nhân vật mới mà tôi nói rằng : Ta bây giờ
đương cần phải duy tân, cần phải theo văn hóa mới, cho nên ta cũng cần phải quên
đức Khổng Tử ta đi một lúc đã ; đối với ngài, trong thời kỳ nầy, ta phải làm lơ
đi mới được, vì có vậy ta mới mong mau đạt đến mục đích.
Tôi lại còn nói thêm rằng : Cái đạo của ngài chẳng những không hợp
thời, không dụng được trong thời nay, mà lại, những chỗ không hợp thời ấy, những
chỗ không dụng được ấy, nếu còn vướng víu trong óc chúng ta, là kẻ cần phải kiếm
cách “sanh hoạt mới” ở đời này, thì cũng còn là không lợi cho ta vậy.
Rồi sau này tôi sẽ nói rõ. Không phải là tôi chê bỏ hết thảy Khổng
giáo đâu, nếu ai tưởng vậy lại là tưởng lầm. Tôi chẳng qua chỉ nói những chỗ không hợp thời, những chỗ không
dùng được mà thôi.
Tôi nghĩ như vậy, tôi nói như vậy đã lâu nay, rồi tôi mới xem xét cho
thật kỹ, thì tôi thấy ra Khổng giáo ở nước ta thế lực còn mạnh lắm, cái hiện
tượng nói hồi nãy đến giờ đó chẳng qua là cái giả tượng nó phỉnh chúng ta đó
thôi.
Thiệt ra thì những ngũ kinh tứ thơ ngày nay tuy không đọc nữa, mà cái
tinh túy của nó, - chưa nói hay hay là dở, - đã thấm đến trong xương chúng ta mấy mươi đời nay. Giềng mối của các
hội Tư văn tuy sa sút, mà sức ngầm của nó vẫn đương còn có trong xã hội. Đừng
nói kẻ vô học là không có quan hệ gì với Khổng giáo, chính những kẻ ấy cũng vẫn
giữ cái quan niệm của nhà nho. Cho đến mấy ông tân học, mấy ông tưởng mình là
theo Âu hóa, mấy ông hằng ngày đọc luôn những sách của thánh Gandhi, chẳng hề
biết một chữ nho, viết hai chữ Khổng Tử bằng “Confucius”, cũng nhồi chặt trong
lòng những cái tinh hoa của Khổng giáo mà chính mình không biết. Cái tình trạng
ấy, theo ý tôi, nửa đáng mừng mà nửa đáng lo : mừng, vì giữ được cái hay của
Khổng giáo thì sau này khỏi mất cái đặc sắc của dân tộc ta từ xưa đến nay ; lo,
vì ôm lấy những cái không hợp thời thì ngại cho đường tấn hóa.
Vì cớ ấy nên tôi viết bài nầy.
II. Cái chơn tướng của Khổng
giáo
Theo sự tri thức của nhiều hạng người không đồng nhau, đối với Khổng
giáo, người thì hiểu thế này, kẻ thì hiểu thế khác, nên trước khi bàn đến cái
ảnh hưởng ở nước ta, tôi phải chỉ rõ cái chơn tướng của nó ra sao.
Khổng giáo có cái chơn tướng của Khổng giáo ; song ở nước ta đây, mỗi
người thấy nó ra một khác, cái đó là tùy theo tầm con mắt của từng
người.
Có người đàn bà đi tình cờ đạp miếng giấy chữ, liền lật đật hai tay
lượm lên mà để qua trên đầu một cái rồi đem đốt đi, nói rằng : Kẻo mang tội với
đức thánh. Chẳng những đàn bà, cái hạng nầy nhiều lắm, họ coi chữ tức là ông
thánh, ông thánh tức là chữ ; vì họ hiểu lầm rằng ông Khổng Tử đã bày ra chữ Hán
và chỉ có bởi chữ Hán thì mới học biết được đạo Khổng Tử.
Một hạng nữa hơi cao hơn hạng kia một chút, họ hiểu rằng hễ là sách
chữ nho tức là của ông thánh hết. Chẳng những Luận ngữ, Trung dung là của
ông thánh, mà cho đến “Minh tâm bỏ bọc, Ấu học dắt lưng” của mấy
ông thầy du phương dạy trẻ, họ cũng cho là của ông thánh. Bao nhiêu những lời
nói trong cuốn sách đóng lề bằng chỉ, là lời của Khổng Tử ráo, họ đều tin ráo.
Rất đỗi đến những câu chưa hề thấy trong sách, chỉ nghe ở miệng người ta mà hễ
là bằng chữ nho, ấy là họ nói lời của ông thánh rồi. Ở Nam kỳ đây, hạng tầm
thường, hay lặp đi lặp lại cái câu “Quân sử thần tử, thần bất tử, bất trung ;
phụ sử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”, họ cho là lời thánh nói ra. Nhiều người
đem hỏi tôi, tôi phải lấy làm lạ. Hoặc giả có, mà tôi lâu nay ít hay ôn nhuần
lại sách cũ rồi quên đi chăng, chớ theo như cái trí nhớ trong đầu tôi, thì câu
nầy chẳng có trong sách nào hết, chẳng ông thánh nào nói hết, mà chừng như là
lời của Lê Tử Trình nói trong tuồng Sơn hậu hồi thứ ba ! Đó, một hạng
người nữa, cứ ù ù cạc cạc, hễ nghe câu chữ nho, thấy cuốn sách chữ nho, thì cho
là đạo Khổng Tử ở đó.
Một hạng cao hơn nữa thì cho Khổng giáo là ở tại cang thường luân lý.
Họ nói rằng người An Nam mình biết kính tổ tiên, nhớ ngày ông ngày bà, trong bà
con không lấy bậy nhau, ấy là nhờ tin theo Khổng giáo. Phần nhiều người có cầm
cuốn sách đi học hay là có thi đỗ ông nọ ông kia, đều nói như vậy. Hạng nầy đã
khá, nhưng cũng chỉ thấy Khổng giáo được một phía mà thôi, không thấy cả mọi bề.
Tôi còn nhớ hơn 20 năm về trước, ở Trung kỳ bỏ thi, nhiều ông nghè ông cử vì đó
mà buồn rầu than tiếc, cho rằng bỏ thi tức là bỏ Khổng giáo. Bỏ thi thì người ta
không học chữ nho, không học chữ nho thì ít biết đạo Khổng, cũng có lẽ, song
những người ấy họ lại không hiểu như vậy mà hiểu khác, họ hiểu rằng sự thi cử
tức là Khổng giáo, bỏ thi cử ấy là bỏ Khổng giáo. Không có gì lạ, họ nhận thi cử
là Khổng giáo cũng như nhận cang thường là Khổng giáo đó mà thôi.
Theo cái quan niệm của hai hạng trên đối với Khổng giáo thì thấp quá,
không đủ kể ; còn sự sai lầm của hạng sau cùng vừa mới nói đây, ta cũng nên đính
chánh lại. Có đính chánh lại những điều sai lầm ấy thì cái chơn tướng của Khổng
giáo mới lòi ra.
Về luân lý, Khổng Tử dạy có ngũ luân mà rằng : “Vua tôi, cha con,
chồng vợ, anh em, bầu bạn : năm điều ấy là đạo thông trong thiên hạ vậy”(1). Có
lần ngài đáp lời Tề Cảnh Công hỏi mà nói rằng : “Vua phải đạo vua ; tôi phải đạo
tôi ; cha phải đạo cha ; con phải đạo con”(2). Nơi khác, nói về Văn Vương, ngài nói
rằng : “Làm vua người, đỗ ở nhân ; làm tôi người, đỗ ở kính ; làm con người, đỗ
ở hiếu ; làm cha người, đỗ ở từ ; giao với người trong nước, đỗ ở tín”(3). Lại
có chỗ ngài đáp lời Định Công hỏi mà rằng : “Vua lấy lễ khiến tôi ; tôi lấy
trung thờ vua”(4).
Coi đó thì thấy rằng về ba luân vua tôi, cha con, chồng vợ, Khổng Tử
không hề có ý nâng một bên lên, hạ một bên xuống mà khi nào ngài cũng nói một
cách đối đãi với nhau. Bên nào ngài cũng buộc cho một cái bổn phận đối với bên
kia, chẳng qua bổn phận tùy theo địa vị mà khác. Vậy, đức Khổng Tử chưa hề xướng
ra cái thuyết tam cang. Và xét tra các sách từ đời ngài về trước cũng chưa hề có
cái thuyết tam cang.
Thuyết tam cang mới bắt đầu có từ nhà Hán, thấy ra trong sách Bạch
hổ thông của Hán nho. Sách ấy có nói rằng : “Quân vi thần cang ; phụ vi tử cang ; phu vi thê cang”. Bởi đó
người ta gọi là tam cang.
Cang, nghĩa là cái giềng lưới. Theo thuyết ấy thì vua, cha, chồng như
là cái giềng lưới, còn tôi, con, vợ thì như những cái mắt lưới. Cái giềng cứ
ràng buộc lấy những cái mắt, và những cái mắt phải ở trong cái giềng. Cái giềng
dương ra thì những cái mắt cũng dương theo, cái giềng xép lại thì những cái mắt
cũng xép theo : giềng có tự do mà mắt không có tự do. Cái giềng ở ngoài những
cái mắt, những cái mắt phải tùy cái giềng : mắt có nghĩa vụ mà giềng không có
nghĩa vụ. Ấy là chỗ cốt yếu của thuyết tam cang đó, rõ là trái với cái bổn ý của
đức Khổng Tử.
Bởi cớ gì sanh ra thuyết tam cang ? Nguyên bên Tàu, từ đời Xuân Thu
Chiến Quốc về trước, quân quyền chưa thạnh lắm, vả bấy giờ trong nước, học
thuyết chia ra nhiều phái, không phải một nhà nho mà thôi. Kế đó, nhà Tần thống
nhứt thiên hạ, Thủy Hoàng đặt ra những cái lễ tôn quân ức thần, quân quyền mới
mạnh lên. Nhà Hán nối lấy, y theo cả lễ pháp nhà Tần, lại bãi bỏ cả chư tử bách
gia mà bắt thiên hạ chỉ tôn một Khổng giáo, ấy là nhà nho cũng nhờ quân quyền mà
được mạnh. Nghề thế, chén tạc phải có chén thù, nhà nho mới càng bợ đỡ quân
quyền cho mạnh thêm lên. Sách Bạch hổ thông nầy là do vua nhà Hán hội chư
nho, Ban Cố đứng đầu, tại Bạch Hổ Các mà làm ra, cho nên lấy đó mà đặt tên. Bọn
Hán nho đã mang sẵn tấm lòng đền ơn trả nghĩa, việc biên tập sách ấy lại thuộc
dưới quyền quân chủ nữa, thì đẻ ra thuyết tam cang nầy ! Đẻ sau mà khôn trước !
Rồi đó các nhà vua thay đổi nhau mà bồng ẵm nưng niu cái thuyết tam cang ấy để
nó binh vực quyền lợi cho mình, thành ra không bao lâu mà nó đè sấp cái thuyết
ngũ luân của Khổng Tử. Cho đến bây giờ ai cũng nói “cang thường”, “cang luân”
hay là “tam cang ngũ thường”.
Vậy cho biết bốn chữ cang thường luân lý hồi đức Khổng Tử chưa có ngũ
luân mà theo nghĩa bình đẳng như nói trên kia mà thôi, chớ ngài không hề biết có
tam cang là gì, và tam cang là cái thuyết của Hán nho nịnh nhà vua mà đặt ra
vậy.
Hết Hán nho rồi tới Tống nho, đều là những kẻ tự xưng mình là nối lấy
chánh truyền của Khổng Tử mà đã cắt nghĩa sai hoặc đã vẽ rắn thêm chưn trong học
thuyết Khổng Tử, làm cho đạo ngài thay hình đổi dạng đi hay là mờ tối
đi.
Tống nho cũng phụ họa theo thuyết tam cang của Hán nho. Về ngũ luân,
họ cũng làm mất cái bổn ý của Khổng Tử, nghĩa là họ bỏ mất cái tinh thần bình
đẳng về nghĩa vụ mà xoay ra mặt áp chế.
Ông Châu Hi nói rằng : “Nói với con lấy điều hiếu, nói với tôi lấy
điều trung”. Ông gì đó (tôi quên tên) nói rằng : “Cái nghĩa vua tôi, không có
thể trốn đâu trong trời đất”. Ông La Tùng Ngạn nói rằng : “Trong thiên hạ không
có cha mẹ nào là chẳng phải”. Lại ông Trình Hy cấm đàn bà góa lấy chồng, nói
rằng : “Chết đói là sự nhỏ, thất tiết là sự lớn”. Đó, coi bao nhiêu lời đó, đủ
thấy cái ý kiến của Tống nho về luân lý là trái nhau với Khổng Tử, họ không thèm
ké né chút nào hết, cứ trợn mắt phùng mang mà đè nén kẻ bề dưới (tôi, con, vợ)
và ra mặt bợ đỡ kẻ bề trên (vua, cha, chồng).
Phái Tống nho cũng gọi là phái Lý học. Vì phái ấy chuyên giảng về
tánh lý, biểu học giả phải dụng công trong sự tồn tâm dưỡng tánh, coi là sự hệ
trọng nhứt của đạo nho. Một điều đó cũng tỏ ra rằng Tống nho sai với Khổng Tử xa
quá, bởi chưng cái phạm vi của Khổng giáo thật là rộng rãi, mà đến họ thì họ
khép bớt cho hẹp lại. Đại để mấy ông Tống nho, ngoài cửa cũng treo môn bài Khổng
giáo, trước sân cũng dựng cờ Khổng giáo, nhưng cái chương trình trong bàn giấy
họ thì khác, vậy mà họ dám tuyên ngôn rằng đạo Khổng Tử truyền đến Mạnh Tử rồi
đứt đi cách hơn một ngàn năm đến bà con họ mới tiếp theo !
Hán nho cách đời Khổng Tử chưa xa mấy, nên dầu có sai lạc cũng còn ít
; đến Tống nho mới càng sai lạc nhiều hơn. Nhưng vì các học thuyết của họ dễ làm
cho người ta trở nên hiền lành yếu đuối, lợi cho sự cai trị, nên từ đó về sau,
Tàu cũng vậy, ta cũng vậy, các nhà vua đều tôn chuộng Tống nho và bắt thần dân
mình phải học theo sách vở của họ đã làm ra hoặc đã chú thích. Đọc sử nước ta,
thấy hồi nhà Lý nhà Trần cũng học đạo Khổng mà trong nước cường thạnh, đến nhà
Lê về sau cũng học đạo Khổng mà quốc thể càng ngày càng suy kém, nhơn tài cũng
không lỗi lạc bằng xưa, ấy hoặc vì còn có cớ gì khác nữa, song tin theo học
thuyết Tống nho, là một cớ rất trọng yếu vậy.
Tôi đã theo sự biết của tôi mà cải chánh lại điều sai lầm của người mình tin tưởng về Khổng giáo, nhứt là về
cang thường luân lý ; bây giờ tôi xin vẽ cái chơn tướng của Khổng giáo ra
đây.
Tôi cũng như người ta, lại có lẽ người ta học rộng biết nhiều hơn
tôi, thì sao tôi dám bảo người ta là sai lầm ? Tôi có một điều tin cậy ở mình
được, là như trên đây, tôi đã đem lời của Khổng Tử ra mà đối chiếu với lời của
Hán nho và Tống nho, sau khi đối chiếu, họ có sai lầm hay không, độc giả cũng đã
thấy rồi. Tôi tưởng, nếu có người mạo cái giấy căn cước của tôi, mà quan tòa
muốn xét cho ra sự giả mạo ấy thì chỉ có đòi tôi đem trình chính cái giấy căn
cước của tôi ra là mạnh lẽ hơn hết. Vậy trên đây, tôi cũng chỉ đến trình cái
giấy căn cước của Khổng Tử ra trước mặt độc giả mà thôi. Dưới nầy đến phiên tôi
vẽ cái chơn tướng của Khổng giáo, tôi cũng chỉ trình giấy căn cước ấy ra một lần
nữa mà hơi kỹ một chút.
Tôi chắc nhiều người cũng đã hiểu như tôi rằng Khổng giáo là không
phải một cái tôn giáo, nhưng là một cái học thuyết. Nay ta kêu bằng Khổng giáo,
Khổng học, hay là đạo Khổng, học thuyết Khổng Tử cũng được, chẳng qua theo sự
tiện lợi trong khi hành văn đó thôi. Bởi vậy, Khổng giáo không cần đem mà so
sánh với các tôn giáo khác, vì nó khác thứ : người ta đem so sánh lụa với lụa,
chớ không ai đem so sánh lụa với “hàng lá môn” bao giờ.
Tôi biết vậy, song muốn cho dễ hiểu, tôi phải so sánh sơ qua. Các tôn
giáo khác, như Phật giáo, Gia-tô giáo, đều trọng về việc ngoài thế gian, mà
Khổng giáo thì trọng về việc thế gian. Các tôn giáo ấy trọng về việc vị lai, mà
Khổng giáo thì trọng về việc hiện tại. Một điều rất khác là chính đức Khổng Tử,
ngài xưng mình là một người thường, tổ thuật theo các thánh đời xưa, chớ không
đưa cái bằng cấp “duy ngã độc tôn” và “Con Đức Chúa Trời” ra như Thích Ca và
Jesus Christ. Ngài là người thường, cho nên đạo của ngài cũng chẳng qua là việc
thường, dạy cái cách người ta ở đời với nhau mà thôi. Tôi nói thế, hình như con
mắt tôi nhỏ quá ; song thật đấy, một lần Tử Lộ hỏi về sự thờ quỷ thần, ngài
không trả lời ; lại về tánh và đạo trời, học trò ngài chưa được nghe ngài nói
tới.
Tuy vậy, thâu lại thì nói rằng cái cách người ta ở đời, chớ bùng ra
thì nội trong cái cách đó cũng đã bộn bề công việc.
Học thuyết của Khổng Tử lập nên trên một chữ “nhân”. Nhân thì yêu
người, yêu người thì cứu người. “Hiếu đễ là gốc sự làm nhân”, rồi suy đến “rộng
ra ơn và giúp chúng”, cái mục đích của nhân là ở đó. Cái phương pháp thì là, bắt
đầu từ cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, rồi đến tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ. Tu thân trở lên là về sự học ; tề gia trở xuống là về sự hành.
“Từ thiên tử đến thứ nhân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Nhờ cái gốc ấy đã
vững vàng mà sự thiệt hành ra được đúng đắn, mọi người ở với nhau như “đo vuông”, nghĩa là bốn bên không lấn mác nhau mà xã
hội được quân bình.
Trong chữ “nhân” có nghĩa bình đẳng. Vì chữ “nhân” bởi chữ “nhị là
hai” và chữ “nhân là người” ráp lại. Cho nên nhân, nghĩa là cái lòng yêu của hai
người đối với nhau, mà cũng là cái bổn phận của hai người đều phải có. Vì vậy mà
trong ngũ luân, mỗi một luân, bên này phải có bổn phận đối với bên kia. Nếu
chếch đi một bên thì thành ra bất bình mà không gọi là nhân được. Nhờ một chữ
nhân đó, làm cho xã hội được quân bình, mọi người ở với nhau đằm thắm, ấy là cái
phước lớn của nhân loại.
Tôi muốn vẽ ra cái chơn tướng của Khổng giáo mà chỉ nói có chừng nầy,
thiệt là sơ lược quá. Song độc giả cũng biết rằng nếu nói cho đủ thì một cuốn
sách cũng không đủ được, đây tôi chỉ từ trong thiên kinh vạn quyển mà rút ra một
điều cốt yếu mà thôi. Thế nhưng tôi dám quyết rằng đó là cái ý chánh của Khổng
giáo, còn kỳ dư có những gì nữa đều là phụ thuộc hết.
III. Người nước ta theo Khổng giáo cách nào
Theo tôi thấy thì Khổng giáo là cái đạo dạy ở đời mà cốt bởi một chữ
“nhân”, như đã nói trong bài trước. Song các lẽ đạo ấy tản mác ra trong các sách
của họ Khổng, mỗi sách nói riêng một việc, có sách lại nói lung tung không biết
mấy trăm ngàn việc, xưa nay các nhà giải sách cũng chỉ thấy đâu giải đó, chưa hề
có ai theo đó mà lập ra một cái chương trình của Khổng giáo cho có thống hệ điều
tự rõ ràng. Như sách Đại học, tuy có điều tự riêng của nó, song một sách
ấy cũng chưa nhốt hết đạo họ Khổng. Lại chính đức Khổng Tử cũng nói rằng : “Đạo
ta, lấy một điều mà xâu suốt nó”, tức là trung và thứ mà thôi ;
xem câu ấy thì thấy như ngài đã chỉ rõ chỗ bí quyết của đạo ngài. Mà đó là chỗ
bí quyết thiệt, vì trung là ở với kẻ khác hết lòng, thứ là suy
bụng mình ra bụng khác, do trung thứ mà đến nhân rất gần. Song le,
đó chỉ là một cái phương pháp ngài xách ra mà chỉ cho độc giả, chớ chưa phải cái
toàn thể của đạo ngài ở đó. Bởi những lẽ nói trên đó, kẻ theo đạo Khổng thật khó
mà lãnh hội cả toàn thể ; cứ sách mà đọc tràn đi, rồi ai hiểu được chỗ nào thì
hiểu, ai nhận lãnh về phương diện nào thì nhận lãnh đó thôi.
Huống chi, hơn hai ngàn năm nay, sách vở bị nhà Tần đốt đi một mớ,
rồi lại đến các ông nho sau làm xạo bậy đi một mớ nữa thành ra kẻ hậu học trông
vào đạo ngài càng như trông vào đám mây đám khói, có khi nhận cái giả làm thiệt,
nhận cái sai làm trúng mà mình không biết được. Cái hại ấy, chính bên Tàu là chỗ
Khổng giáo phát nguyên ra cũng vậy, không luận ở nước ta.
Nước ta từ ngày chưa có Gia-tô giáo thì trong nước có hai đạo : Nho
và Thích. Ngang hồi đời Lý thì đạo Thích thạnh mà trở về sau thì đạo Nho thạnh.
Hai đạo khác nhau song không chống báng nhau, lại hòa hiệp nhau. Trừ một số
người chuyên theo đạo Thích ra, còn hết thảy những người theo đạo Nho là theo
lúc sống, chớ khi chết cũng lại theo đạo Thích.
Đó là một cái tình trạng riêng về tôn giáo của nước ta, tưởng không
nước nào có như vậy. Độc giả hãy nhớ lại, có phải là bất kỳ ai, khi chết mà liệm
thì trên đầu đều đội mão Quan âm(*) không ? Và sau đó gặp các rằm nguyên
đều có cúng không ? Đội mão Quan âm, cúng rằm, chẳng phải theo Phật là gì ? Còn
chưa kể đến sự rước thầy tụng kinh và làm chay thí thực nữa là khác.
Cái vấn đề nầy hay lắm, đáng cho ta khảo cứu lắm. Song tôi hiện chưa
đủ sức, vả lại ở đây cũng không phải chỗ đáng nói nhiều về sự đó, nên tôi chỉ
nói tóm tắt rằng : Có lẽ là vì Khổng giáo chỉ dạy cách sống ở đời, chớ không dạy
về những sự sau khi chết, như là cái thuyết thiên đường địa ngục của đạo Gia,
cái thuyết luân hồi của đạo Phật, không được cho mãn nguyện người ta, nên người
ta rủ nhau hễ chết thì trở về với Thích.
Trong Khổng giáo không có đặt riêng ra người cầm quyền chủ giáo như
Giáo hoàng của đạo Thiên Chúa ; mà ông vua tức là người chủ giáo đó, vì ông vua
là chức “Quân” mà kiêm cả chức “Sư”. Bởi vậy, người trong nước theo Khổng giáo,
làm tín đồ Khổng Tử, đã đành, nhưng trong sự theo ấy lại còn phải ở dưới quyền
vua nữa.
Nước ta từ hồi nhà Hậu Lê đến giờ (xin lỗi độc giả tôi không nhớ hẳn
ông vua nào, mà trong tay cũng không có cuốn sách nào để tra khảo hết), nhà vua
bắt kẻ học trong nước phải học theo sách họ Khổng mà Tống nho đã dọn lại và chú
thích. Học trò đi thi phải theo nghĩa Tống nho chú thích mà làm bài, ai không
theo thì đánh rớt. Ở các trường nhà nước lập ra, như Quốc tử giám, trường Đốc ở
các tỉnh, trường Giáo huấn ở các phủ huyện, nhà vua đều ban cho các thứ sách ấy.
Ấy là về sự giáo dục trong học hiệu. Còn về sự giáo dục phổ thông cho công chúng
thì nhà vua đặt ra những bài gọi là “Giáo điều” như 24 điều của vua Lê Thánh
Tôn, 10 điều của vua Tự Đức, nó là rút trong Khổng giáo ra song chẳng qua(**)
cũng là dựa vào cái nghĩa cang thường của Hán nho và Tống nho. Cho nên
4-5 trăm năm nay trên nền Khổng giáo ở nước ta, thế lực của Tống nho
trở lại mạnh hơn Khổng Tử ; và người An Nam mình, tiếng rằng theo đạo Khổng, chớ
kỳ thật là theo đạo Tống nho vậy !
Ở đây nên nói đến cái hại của khoa cử, vì nó đã làm trở ngại cho
Khổng giáo nhiều lắm. Nhà vua đặt ra các khoa thi hương và hội để chọn lấy nhân
tài, là những người sau sẽ giúp vua trong việc cai trị. Ấy cũng là một cái chế
độ như cái chế độ chọn nhân tài ở học hiệu ngày nay. Song cái chế độ khoa cử dễ
sanh ra nhiều điều tệ. Cái tệ về sự học phải theo Tống nho đã cố nhiên rồi, lại
thêm, những người đi học chỉ cốt thuộc sách cho nhiều, làm bài cho hay để thi
đậu mà thôi, thi đậu rồi thì lo làm quan, không còn kể đến sự học nữa, vì vậy mà
ít người suy nghĩ đến nghĩa lý trong các sách của Khổng giáo, không mấy ai thiệt
hành theo đúng cái học thuyết của họ Khổng.
Bởi vậy ở nước ta, từ xưa đến giờ, cái hạng đi học làm quan thì
nhiều, còn những người đi học mà xứng đáng gọi là “học giả” hay là “chơn nho”
thì thật ít. Đừng nói đến sự có người xướng ra một cái học thuyết mới, chỉ đếm
những người làm sách vở để vùa giúp cho Khổng giáo, cũng không có mấy người. Ấy
là bởi cái học khoa cử nó làm cho lu lấp trí khôn của người ta đi ; ở trong vòng
học vấn nô lệ thì khó mà kiếm ra được cái óc tự chủ !
Vì khoa cử làm tối tắt lòng người đi như vậy, cho nên trong chương
trước tôi nói có nhiều người nhận khoa cử là Khổng giáo, không phải nói ngoa.
Rất đỗi như cụ Phạm Phú Thứ, là một bực thông nho, mà trong bức thơ gửi cho con cháu, cụ
cũng nói rằng : “Người đời xưa dạy
con, chỉn e không chẳng làm nên thánh hiền ; còn người đời nay dạy con, chỉn e
không thi đậu : sự thi đậu là cái hiếu nối đặng nghiệp nhà của sĩ phu
ngày nay”. Lại năm 1908, chúng tôi bị cầm tù ở ngục Quảng Nam, trộm lịnh quan
trên đem sách cả rương vào đọc. Bấy giờ ông Trần Văn Thống làm án sát, nghe tin,
vào ngục tra xét, khi bắt mở rương sách ra thấy nhiều quá, ngài sửng sốt hồi lâu
rồi cười ruồi mà nói rằng : “Ai cho các anh thi nữa mà các anh học”.
Ờ ! té ra chỉ có thi mới học thôi, còn không thì đốt sách ! Cái
kiến thức của một ông Tấn sĩ An Nam
(Trần công đậu tấn sĩ) là như vậy đó !(*)
Nội bài nầy, độc giả đã hiểu đại khái cách ta theo Khổng giáo ra sao
rồi ; bài sau tôi sẽ nói tiếp về cái kết quả của nó.
IV. Cái kết quả của sự theo Khổng giáo dưới quyền nhà vua
Nhà vua đã bắt nhân dân trong nước phải cứ theo sách vở của Tống nho
mà tin Khổng giáo, và đặt ra khoa cử để làm cái lồng nhốt sĩ phu như vậy, rồi
cái kết quả ra sao ? Jesus Christ có nói về bọn tiên tri giả mà rằng : “Cây nào
tốt thì sanh trái tốt, nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu ; nào có ai hái trái
nho nơi bụi gai hay là hái trái vả nơi bụi tật lê ?” – thật quả như vậy. Cái kết
quả của nó là làm cho tâm chí của người ta trở nên hèn yếu và tri thức hẹp hòi.
Mà muốn nói rằng cái kết quả của nó là mất nước, cũng không phải quá
đáng.
Bây giờ đây, những người theo Khổng giáo đều mang tiếng là hủ lậu.
Trong óc mọi người, khi nghĩ đến nhà nho thì tưởng tượng ra như vầy : một người
mới vừa đứng tuổi mà đã ra vẻ lão thành, đầu cổ hơi dơ, móng tay dài, áo quần
lượt thượt, ăn nói vụng về, cử động không được bặt thiệp, thấy cái gì cũng trầm
trồ lấy làm lạ, gặp Tây thì tuồng mặt dớn dác... Than ôi ! tưởng tượng như vậy,
có ai dám bảo là không đúng ? Mà có cái học gì lại đúc ra những người ta như
kiểu nầy ?
Nếu có ai bảo rằng tại theo đạo Khổng Tử, tại bắt chước Khổng Tử mà
ra thế, thì tôi bây giờ dầu có làm mặt lạ với ngài đi nữa, tôi cũng phải ra
miệng đặng mà cãi lẽ cho ngài. Thật đức Khổng Tử không có như vậy đâu. Cái học
của Khổng Tử là tự cường, độc lập, thượng chí và tinh tấn luôn luôn. Kinh
Dịch nói rằng : “Bầu trời đi một cách mạnh, người quân tử bắt chước đó mà tự
làm cho mình nên mạnh chẳng hề nghỉ”. Trung dung nói rằng : “Đứng giữa mà
chẳng nương vào đâu”. Luận ngữ nói rằng : “Giữa ba quân còn có thể cướp
ông tướng được, chớ một người thường, không có thể cướp cái chí của họ được”. Về
sự học hành, theo lời ngài tự thuật, từ 15 cho đến 70 tuổi, cứ hễ 10 năm thì
ngài tấn hóa lên một bậc. Ngài học luôn và làm việc luôn ; một lần đi trên sông,
ngài thấy nước chảy mà than rằng : “Nước nó chảy như vầy đây, chẳng nghỉ ngày
đêm !” Vậy thì ai dám bảo rằng mẹ hiền thế nầy mà lại đẻ ra con cú dường kia
?
Giết người là mấy ông Tống nho ! Những lời thánh dạy trên nầy, há các
ông không biết hay sao ? Song các ông lại bày ra cái kiểu mới của các
ổng.
Bấy giờ trong Phật giáo bên Tàu có thiền tông thạnh hành lắm. Các ông
Tống nho muốn tranh thế lực với thiền tông, bèn ăn cắp kiểu họ mà đem vào làm
của nhà nho. Ấy là cái kiểu “minh tọa” nghĩa là ngồi sững như pho tượng mà cặp
mắt lim dim. Tức là cái kiểu “tọa thiền” hay “nhập định” của nhà Phật
(méditation bouddhique) vậy.
Trước sân ông Châu Mậu Thúc(*) (một vị Tống nho) để cỏ mọc lút đầu mà
không dẫy. Người ta hỏi ổng, ổng trả lời rằng : “Để vậy cho nó cũng phát đạt như
cái sanh ý của mình” ( !) Ông Trình tử (một vị Tống nho) đương ngồi như pho
tượng, cặp mắt lim dim. Ngoài sân trời mưa tuyết. Hai người học trò là Dương Thi
và Du Tạc vào hầu thầy. Thấy thầy đương “minh tọa” thì hai người đứng chầu hai
bên như cặp hạc trước bàn thờ. Đến chừng Trình tử mở bựt mắt ra, hai người mới
dám hỏi chuyện ; chuyện rồi, ra về, tuyết xuống đã sâu một thước ( !)
Còn có nhiều chuyện như vậy chép trong sách của Tống nho. Họ cho là
học đã đến được bực cao rồi mới có những câu chuyện ấy.
Cách minh tọa đó, họ nói để “cầu phóng tâm”, nghĩa là để “thâu lại
cái lòng đã chạy lung”, có khác gì kiểu tọa thiền của nhà Phật là để “minh tâm
kiến tánh” ? Song le, có một điều đáng bật cười hơn nữa, là Tống nho lại cự Phật
thiệt riết, cho Phật là dị đoan hoặc thế !
Do cái thói để cỏ mọc lút đầu ấy mới có những móng tay dài, đầu cổ dơ ; do cái thói ngồi trơ trơ như pho
tượng ấy mới sanh ra những con người
ngẩn ngơ lừ đừ, khôn không ra khôn, dại không ra dại. Cho nên, những nhà nho của
nước ta lâu nay thật là chính tay các ông Tống nho đúc ra, chớ đừng nói Khổng Tử
đúc ra mà oan cho ngài !
Đại để cái học thuyết của Tống nho là cốt để “thúc thân quả quá”
nghĩa là bó buộc mình lại cho ít lỗi chừng nào thì hay chừng nấy. Cái thái độ
của họ là tiêu cực (négatif) trái với của Khổng Tử là tích cực (positif). Thầy
như vậy, tránh sao kẻ học theo mà chẳng tâm chí càng ngày càng hèn yếu, tri thức
càng ngày càng hẹp hòi ?
Vậy, ta thử coi, trong đám nhà nho nước mình gần đây, mà có những
người nào siêu quần bạt tụy ra, đều là người phản đối với Tống nho hết. Tức như
hai ông Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ đó. Tây Hồ tiên sanh cho đến việc chút xíu
cũng phản đối với Tống nho ; sự ấy thấy trong bức thơ của tiên sanh gởi cho vua
Khải Định năm xưa.
Năm trước, khi ông Phan Văn Trường làm báo La Cloche félée,
trên mặt báo có để câu của Mạnh Tử rằng : “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi
khinh”. Có người đem hỏi tôi : chớ sao trong đạo nho ta có cái chủ nghĩa cao
thượng như thế mà lâu nay dân ta không biết tới, cứ chịu đầu mãi dưới cái oai
quyền quân chủ ? – Sự ấy có lạ chi ! Vì Tống nhỏ giải sách, cứ hễ đến những chỗ
như vậy thì kiếm cách mà gìm đi. Lại ngày xưa quan trường theo ý vua, trong lúc
chấm bài thi, hễ gặp ai dùng đến những ý ấy thì đánh rớt. Tôi nói câu đó thật
không có chứng cớ, song hãy xin đem hỏi mấy ông nhà nho có đi thi ngày trước coi
thử có ông nào dám dùng đến chữ “dân quý, quân khinh” vào trong bài của mình
không, thì đủ biết. Nhà vua thật không ưa những câu ấy, nhưng không có lẽ xóa bỏ
đi được, thì chỉ hất cái môi một cái là thiên hạ làm lơ nó đi.
Năm xưa, Tây Hồ tiên sanh có nói cùng tôi rằng : “Cái học thuyết của
Tống nho là học thuyết vong quốc”. Mà quả vậy. Chính nhà Tống của họ bị người
Mông Cổ cướp ngôi đi và cai trị nước Tàu hơn một trăm năm. Sau nhà Tống thì nhà
Minh cũng bị Mãn Thanh chiếm đoạt. Chuyện sờ sờ trước con mắt như vậy mà ai lại
dám cho là chuyện tình cờ ? Tài chi học theo cái kiểu minh tọa ấy mà biểu đừng
đờ người đi sao được ? Biểu thấy giặc đừng đâm đầu chạy sao được ? Thế mà, lại
có câu chuyện buồn cười nữa. Cũng hồi nhà Tống, Trương Tuấn đánh một trận với
giặc Kim, bị đại bại, sau con va là Trương Thức, cũng bậc đại nho, khoe với
người ta rằng : “Ông thân tôi thật có sở đắc về “tâm học” nhiều lắm, cho nên dầu
bị thua xiểng đi như vậy mà lòng chẳng nao núng chút nào”. Thật mở miệng nói
không biết xấu !
Nước ta cũng vậy, đương hồi Tự Đức là hồi mà nho học có tiếng là
thạnh hơn hết từ xưa đến nay, thì người Pháp vừa chạy tàu xồng xộc sang. Bất kỳ
thành nào, xổ súng bắn chơi một vài giờ đồng hồ, ấy là thành bị đổ, đua nhau kẻ
đầu, kẻ chạy, kẻ chết. Triều thần có ông nào hơi biết một chút, xin biến pháp tự
cường, thì bệ hạ ở trên phán xuống rằng : “Lẽ nào văn hiến như nước ta mà lại
trở theo di địch”( !)
Một là tại Tống nho, hai là tại nhà vua. Nhà vua số là lợi dụng Tống
nho làm mềm thần dân đi cho dễ cai trị, không ngờ mềm riết rồi không giữ được
nước nữa ! kết quả đáng thương tâm thay !
V- Cái óc phán đoán của kẻ học
đời nay
Trong năm bài trước đó độc giả đã thấy nguyên hình của Khổng giáo thế
nào và người ta đổi ra thế nào, lại nước ta theo Khổng giáo cách làm sao và cái
kết quả làm sao. Tóm lại mà nói, lâu nay Khổng giáo đã mờ tối đi một phần lớn ;
còn Khổng giáo mà nước ta theo đó chỉ là Khổng giáo của Tống nho đã pha trộn
rồi, thành ra có cái kết quả không được tốt.
Nếu vậy thì Khổng giáo đã mất hẳn rồi, còn đâu mà nói rằng có ảnh
hưởng ở nước ta ?
Không đâu. Tuy vậy, cái gốc của Khổng giáo tuy có sai đi, song những
cái rễ con vẫn còn đâm trong đất, vì những cái ấy Tống nho chẳng những chẳng làm
sai đi mà lại vẫn giữ đúng. Vì vậy nên trong lúc ta theo Khổng giáo của Tống nho
thì những rễ ấy nó cũng ăn sâu vào đầu chúng ta mà lên chồi nứt nhánh, tức là
cái ảnh hưởng còn lại đến ngày nay.
Xin phân bua cùng độc giả, tôi nói đến đây là đã thả Tống nho ra rồi,
mà phạm vào bổn thân đức Khổng Tử.
Nhà nho đã đặt ra cái luật “phi thánh vô pháp” nghĩa là “chê đức
thánh là lỗi phép”. Tôi đã biết luật ấy rồi mà tôi còn dám phạm đến Khổng Tử thì
chẳng hóa ra tôi điên rồ dại dột lắm sao ?
Xin nhắc lại cho độc giả nhớ rằng trong bài đầu tôi đã nói : Trong sự
nầy, cái lý nó, mặt nào cũng sẽ ngả về một mặt : một là tôi vong sư bội đạo(*); một
là tôi có cái lẽ của tôi.
Theo tôi tưởng, những người kêu là có học ở đời nầy, thật không nên
nhắm mắt theo như đời xưa, mà phải có cái óc phán đoán riêng của mình. Cái óc
phán đoán ấy, nó là độc lập tự do, không phụ thuộc ai hết, không thần phục ai
hết. Thầy của cái óc ấy là chơn lý. Nó lấy chơn lý làm thuốc(**) mà đo hết thảy
ông thánh ông hiền, đời xưa đời nay, phương đông phương tây, bất kỳ người nào,
bất kỳ ở đâu. Nó cũng dùng cái thuốc(**) chơn lý mà đo các tôn giáo,
các học thuyết, rồi nó phê bình hết thảy và quyết định bỏ hay lấy.
Có người sẽ hỏi rằng : biết chơn lý ở đâu mà lấy nó làm thầy
?
Xin đáp : vẫn biết rằng chơn lý không nhứt định, - mà chơn lý không nhứt định là phải, vì võ trụ là đối đích thì chơn
lý ở trong võ trụ cũng phải đối đích(***), - song ta nên tạm cho rằng hễ cái lương tâm của người có óc và cái
lương tâm của nhân loại, tức là cái trào lưu của thế giới, hướng về chiều nào,
ấy là cái chơn lý ở đó. Chơn lý đã là đối đích, vậy ta cũng không có thể giữ nó
làm sản nghiệp đời đời, hễ khi nào cái mà ta cho là chơn lý đó bị đánh đổ đi,
thì ta sẽ bị cáo phá sản. Song trong những
ngày ta ở, ta phải có cái chơn lý của ta.
Tôi trừ ra những người có tôn giáo, trong óc họ có một ông Thần hay
là ông Giáo chủ của họ, tôi không nói đến. Còn những người không thuộc về tôn
giáo nào như tôi bây giờ đây, thì tôi tưởng phải có cái óc phán đoán ấy mới
được.
Đừng nói Khổng giáo không phải là tôn giáo ; cho Khổng giáo là tôn
giáo đi nữa, và tôi đọc sách họ Khổng từ hồi sáu tuổi, đẻ ra và lớn lên trong
cửa ngài đi nữa, đến ngày nay tôi cũng có quyền phê bình ngài và phán đoán mọi
lẽ về đạo ngài. Vì tôi ngày trước thuộc về ngài ; song tôi ngày nay, đối với
ngài, tôi là người độc lập tự do.
Tôi không nổi cách mạng cùng Khổng Tử. Nhưng từ khi ngoài(*) 20
tuổi, tôi đã yêu cầu ngài “tháo khoán” cho tôi rồi, tôi đã dùng cách hòa bình
đối với ngài mà tuyên cáo độc lập rồi.
Ví như nước Nam lâu nay thần phục dưới quyền nước Pháp, song nếu ngày
mai đây, nước Pháp phải cho nước Nam độc lập, thì ngày mốt nước Nam sẽ có đại sứ
ra giữa Vạn quốc hội mà bàn luận mọi việc như nước Pháp, vì bấy giờ ở giữa Vạn
quốc, nước Pháp là một nước mà nước Nam cũng là một nước ; thì tôi đây cũng vậy,
ngày nay đối với võ trụ, đức Khổng Tử là một người thì tôi đây cũng là một
người, dầu tôi kém cỏi hèn mọn thua ngài, như nước Nam thua nước Pháp, cũng mặc
tôi.
Tôi nói thế, nghĩa là tôi còn có tri thức ngày nào, còn sống giữa võ
trụ ngày nào, ấy là tôi phải có cái nhân cách của tôi, cái nhân cách ấy, không
ai dầy đạp lên được hay là làm cho tiêu mất đi được. Mà không những tôi, tôi
tưởng những người như tôi cũng phải có cái nhân cách ấy cả, vì chúng ta làm
người, là làm người đứng trong võ trụ kia mà.
Có kẻ sẽ nói vào tai tôi rằng : đã đành mỗi người phải có cái óc phán
đoán, song phán đoán là phán đoán ai kia, chớ nhè ông thánh đời xưa, ông giáo
chủ của mình hơn hai ngàn năm nay mà phán đoán, sự đó chẳng đủ cho ngài sờn một
mảy lông nào mà chỉ tổ làm cho lòi cái dại của mình ra !
Cái lẽ ấy tôi đã biết và cũng đã nói rồi. Ngay đầu năm nay, vào ngày
11 Janvier, tôi có đăng một bài bằng chữ Hán trong Quần báo ở Chợ Lớn,
cũng luận về Khổng giáo, tôi có nói rằng : “Người ta tuy là người ngu mấy
đi nữa, cũng không ai nhè ông thánh vài ngàn năm trước mà công kích làm chi, hay
là ra tay xô đổ các ngài làm chi. Tức như tôi đây, nếu hết sức một đời tôi mà
công kích Khổng Tử, tôi biết rằng cũng không khờn(*) ngài chút nào.
Nói cho quá ra, vì tôi công kích mà cho đến nỗi làm cho ngài rơi từ trên cái
ngai đại thành chí thánh tiên sư rơi xuống, là cũng không có ai cho phép tôi
trèo lên đó mà thay ngài đâu, vậy thì tôi công kích ngài làm chi ?”
Vậy thì tại làm sao tôi lại phê bình Khổng giáo ? – Cái lẽ đó trong
bài tiếp theo đây tôi sẽ giải ra.
Theo như ở bên Tây hay bên Tàu thì chương nầy không cần viết, muốn
phê bình hay là công kích ông trời đi nữa, cũng cứ việc phê bình và công kích.
Song ở ta đây, sự nầy không khỏi làm cho lạ tai lạ mắt người ta, nhứt là làm lạ
tai lạ mắt mấy nhà nho học, nên tôi phải có mấy lời nầy như là phân bua
vậy.
May ra độc giả lượng thứ cho tôi, còn đức Khổng Tử, không may ngài
lại không lượng thứ, ngài sẽ giở câu cũ ngài nói trong Trung dung mà mắng
tôi rằng : “Ngu mà ưa tự dung, hèn mà muốn tự chuyên, sống ở đời nay mà trái đạo
đời xưa, người như vậy, họa sẽ làm vào mình nó !” thì tôi cũng lại cười mà
chịu.
VI. Cái vấn
đề sanh tử của chúng ta ngày nay. - Âu
hóa với Khổng giáo
Chương nầy tôi giải ra cái cớ tại làm sao mà tôi phải phê bình Khổng
giáo.
Từ trận thế giới đại chiến tranh phát ra, càng ngày càng thấy cách
sinh hoạt của loài người càng thay đổi đi vì khó khăn hơn trước. Ở ngay các nước
chịu thẳng cái chiến họa ấy chẳng nói làm chi ; cho đến những nước đứng ngoài mà
cũng bị ảnh hưởng một cách sâu xa dữ dội. Coi như nước ta trong khoảng mươi năm
nay thì biết.
Tức như nước Tàu ở một bên ta đây, họ cũng chịu lấy cái ảnh hưởng ấy
mà trong xã hội họ bựt ra nhiều cái vấn đề rắc rối chẳng biết giải quyết cách
nào. Rút lại, những người thức giả trong nước họ phải quyết định rằng từ nay
phải bỏ hẳn lối cũ đi mà theo Âu hóa hết, vì vậy mới có cuộc “Tân văn hóa vận
động” trong nước họ từ năm 1918 về sau.
Cái gì lại gọi là Tân văn hóa ?
Tân văn hóa ! Phô cái danh ra nghe cho tốt chớ kỳ thiệt chẳng qua là
sự tư tưởng, sự làm lụng, sự ăn ở gì cũng hòa theo Tây hết. Theo Tây, cái tiếng
đó nghe xấu quá, hồi trước nghe đến, chắc ai cũng lắc đầu phì môi ; song bây giờ
người ta đã nghĩ nát gan nát dạ, nghĩ rằng không theo họ thì không còn có phương
gì chọi nhau với họ mà giành lấy sự sống ở ngày nay được. Theo Tây là một cách
cực chẳng đã của những dân tộc hèn yếu ở Á châu phải dùng đến để mà giành sự
sống với Tây.
Còn nước ta thì sao ?
Nước ta hiện bây giờ ở dưới quyền nước Pháp thống trị, thật khó mà
nói sự tự mình cải cách theo ý mình như ai. Song một điều buộc cho ta phải suy
nghĩ, là dân tộc ta hơn 20 triệu, có lịch sử, có văn hóa, có chế độ, có tiếng
nói, có cái tư cách xứng đáng làm một nước. Nghĩa là trong cuộc tấn hóa của thế
giới sau nầy, dân tộc ta, tức là nước Việt Nam ta, cũng có gánh một phần trách
nhiệm vào đó, chớ không chạy chối đi đâu được. Muốn chạy chối cái trách nhiệm
ấy, chỉ có gần diệt chủng như bọn Chiêm Thành và dã man(*) như những Mán Mọi ở dựa theo dãy núi Trường Sơn (Chaine
annamitique) kia.
Đã mang lấy cái trách nhậm ấy thì ở trong cái thời kỳ nầy chúng ta sẽ
tính làm sao ? Nếu ai còn có phương pháp chi để mà tự tồn tự lập được thì thôi,
bằng không thì tôi cũng nói : mọi sự phải theo Tây ráo ! Mà muốn nói cho lịch sự
hơn thì nói : theo văn hóa mới.
Theo ngu ý tôi thì tôi cũng nghĩ như người ta, hễ theo văn hóa mới thì dân tộc ta còn mong sống, còn mong có
ngày tấn tới mà giúp một chút công vào trong cuộc tấn hóa của loài người
; bằng không theo văn hóa mới thì sẽ chết, sẽ diệt chủng như người Chiêm Thành
vậy. Bởi vậy, tôi cho cái sự theo văn hóa mới hay không theo văn hóa mới là cái
vấn đề sanh tử của chúng ta ngày nay, nghĩa là do đó mà chia ra : nhứt chết nhứt
sống.
Do cái vấn đề nhứt chết nhứt sống ấy mà sanh ra sự so sánh Âu hóa với
Khổng giáo và cũng do đó mà tôi viết ra bài khảo cứu nầy, trong khi xét tới
những cái ảnh hưởng của Khổng giáo, tôi có đôi lời đụng chạm đến đức Khổng Tử
ta.
Từ bài sau trở đi, tôi sẽ chỉ rõ ra mấy cái thuyết của Khổng giáo đã
có ảnh hưởng sâu ở nước ta mà trái hẳn với văn hóa mới bây giờ ; mình muốn theo
văn hóa mới thì phải trừ tiệt những cái ảnh hưởng ấy trong óc mình đi mới được.
Song hiện đây, tôi xin dịch một đoạn trong bài chữ Hán, luận về Khổng giáo, tôi
đã đăng trong báo Tàu nói ở chương trước, đặng chỉ ra cái đại khái mà thôi. Đoạn
ấy như vầy :
“Bình tâm mà luận, các nước Á châu ta nếu muốn sanh tồn ở thế giới
ngày nay và muốn giục giã cuộc đại đồng của thế giới ngày mai cho mau thiệt hiện
thì thế nào cũng phải hấp thọ văn hóa phương Tây mới được. Văn hóa phương Tây có
hai mối lớn : một là khoa học, một là cái tinh thần dân trị
(démocratie)(*). Vậy muốn hấp thọ hai cái đó mà còn
đem Khổng giáo xen vào thì cũng như muốn qua hướng bắc mà lại cho xe chạy về
hướng nam đó thôi.
Lấy lẽ gì mà nói như vậy ? Bởi vì, không kể các học phái cuối cùng
của Khổng giáo, như Tống nho, Minh nho, đã thiên về đường tâm tánh, và lại làm
vây cánh cho quân quyền, đành rằng trái nhau với hai cái mối lớn của văn hóa
phương Tây ; dầu cho đến chính mình đức Khổng Tử cũng có chỗ không hợp với hai
cái mối lớn ấy. Không nói chi nhiều, chỉ một sách Châu Dịch, nghĩa lý lờ
mờ, thật đã khó mà dung nhau với khoa học ; lại cái kiểu thờ vua của ngài rõ ra
là phái bảo hoàng, đem sánh với chủ nghĩa dân trị, khác nào như nước với lửa ?
Cứ đó mà nói thì ngày nay nước Tàu cũng vậy mà nước Nam cũng vậy, nếu chẳng chịu
nhận lấy văn hóa phương Tây thì thôi, bằng chịu nhận lấy thì không có thế nào mà
không lìa Khổng Tử ra được. Muốn đổi theo văn hóa mới mà còn trơ trơ giữ lấy học
thuyết Khổng Tử thì thật chẳng được việc gì, rút lại cũng chỉ như cuộc duy tân
của bọn Trương Chi Động(*) hồi cuối đời Mãn Thanh mà
thôi”.
Mấy lời đó tuy không được tường tận cho lắm, song thật đã xách cái
chỗ tương phản của hai bên ra mà chỉ ra hai năm rõ mười. Tôi tưởng dầu ai có cái tài biện luận đến đâu cũng
không có thể cãi được ; hễ muốn nhận lấy bên nầy thì thế nào cũng phải bỏ
bên kia.
Tuy vậy, những cái ảnh hưởng của Khổng giáo có cái dở mà không phải
là không có cái hay. Sau nầy tôi sẽ chỉ ra từng cái, nói cái dở trước rồi đến
cái hay sau. Xin độc giả hãy chú ý đến mà xem, tôi không hề nói cách mơ hồ ấp
úng, mỗi một điều gì tôi sẽ đem những sự thiệt trong xã hội ta ra mà chỉ rõ rằng
nó là do bởi cái thuyết gì trong Khổng giáo.
VII. Về cái thuyết Minh đức tân dân
Cái thuyết nầy có trước Khổng Tử hơn 1500 năm. Hồi đó sử thần nhà Ngu
chép về đức tánh và công nghiệp vua Nghiêu mà rằng : “Vua hay sáng đức lớn, để
gần chín tộc, chín tộc đã hòa ; bằng sáng trăm họ, trăm họ chói sáng ; hiệp hòa
muôn nước, dân đen hết thảy đều biến hóa đến lành”. Đó tức là chương đầu hết
trong Kinh Thơ(*), đại ý nói vua Nghiêu trước làm
cho sáng cái đức mình, rồi lần lần cảm hóa hết thảy thiên hạ.
Tuy vậy trong đoạn sách đó mới có chữ “minh đức”, còn “tân dân” thì
chỉ có ý mà chưa có chính chữ “tân dân”. Vả lại, từ hồi đó cho đến Khổng Tử, dầu cái thuyết ấy đã có rồi,
cũng chẳng ai để ý mấy.
Chính bốn chữ “minh đức tân dân” bắt đầu có từ sách Đại học,
nói rằng : “Đại học chi đạo tại minh đức, tại tân dân”. Nghĩa là : Cái đạo
của đại học ở sự làm cho sáng đức sáng, ở sự làm cho mới dân. Nói theo tiếng ta
cho xuôi thì bốn chữ minh đức tân dân ý nó là : mình phải sửa mình, làm cho sáng
cái đức của mình ra, rồi nhân đó làm cho dân trở nên mới.
Phải biết rằng sách Đại học nguyên là một thiên trong Kinh
Lễ mà không biết ai làm ra. Từ xưa nó vẫn nằm yên trong Kinh Lễ. Đến
Tống nho mới cho là chính đạo Khổng ở thiên ấy bèn rứt ra cho độc lập làm một
cuốn sách, và ông Chu Hy chú thích nó. Chu Hy chẳng cứ vào đâu hết, nói phứt đi
rằng “ấy là lời của Khổng Tử nói mà Tăng Tử thuật lại”. Rồi từ đó học giả ai nấy
đều tin theo, mà “minh đức tân dân” thành ra một cái nghĩa lớn trong đạo nho
vậy.
Theo tôi, cứ mực đen giấy trắng, thì cái thuyết này không biết có
chắc phải của Khổng Tử không ; song theo Tống nho và hết thảy nhà nho từ bấy đến
giờ đều nhìn là của Khổng Tử hết, thì tôi cũng cho là của Khổng Tử. Vậy, trong
sự ấy, nếu có lầm, là lỗi ở bọn ông Chu Hy chớ không phải ở tôi.
Nói rút lại, cái thuyết minh đức tân dân,lâu nay người ta đã cho là
cương lãnh của Khổng giáo, nghĩa là như lưới có giềng, áo có cái bâu, hệ
trọng lắm ; song đem so với Tây học ngày nay thì rất là tương phản, [. . . . . .
](*)
Sách Đại học nói như đã dẫn trên kia rồi chỉ ra một cái phương
pháp. Cái phương pháp ấy là : bắt đầu phải cách vật, rồi trí tri, rồi thành ý,
rồi chánh tâm, rồi tu thân, đó là về phần minh đức, kế đến, rồi tề gia, rồi trị
quốc, rồi bình thiên hạ, đó là về phần tân dân.
Cái ý cốt của nó là như vầy : Trước hết mình phải tu thân cho nên
người trọn vẹn, rồi lấy mình mà cảm hóa mọi người, từ gần đến xa, tức là ở nhà,
ra nước, ra thiên hạ, theo như sách ấy dạy rằng : “Người quân tử chẳng ra khỏi
nhà mà làm nên sự giáo hóa trong nước : Hiếu, ấy là điều để mà thờ vua ; đễ, là
điều để mà thờ kẻ lớn ; từ, là điều để mà khiến chúng dân... Chưa hề có ai học
nuôi con rồi sau mới gả lấy chồng”(1)
Những lời trên đó là dịch y theo nguyên văn, không sai một chữ. Rõ là
trái với khoa học quá.
Lẽ cảm hóa trong loài người vẫn có, nhưng có giới hạn, và cũng gần
như sự ngẫu nhiên, không cả quyết được. Dầu cho thánh đến bậc nào cũng không có
thể lấy một mình mà cảm hóa hết thảy thiên hạ được. Sự ấy xưa nay chưa hề thấy.
Trên kia có dẫn một chương đầu của Kinh Thơ nói vua Nghiêu hay sáng đức
lớn rồi cảm hóa từ nhà ra nước, làm cho dân đen hết thảy đến lành. Đó chẳng qua
là bọn sử thần đặt điều nói láo, tìm lời cho rột(*) để nịnh hót vua
mình, chớ sự thiệt có phải thế đâu. Chính trong Kinh Thơ cũng có chép
rằng con trai cả của vua Nghiêu là Đơn Châu ngạo ngược bậy bạ mà vua không chịu
nổi, đến nỗi vua không truyền ngôi cho mà phải tìm người hiền để truyền cho, là
ông Thuấn. Rất đỗi chính con trai đầu lòng của vua, một giọt máu của vua đó mà
vua còn không cảm hóa được nữa là cảm hóa ai ? Huống chi thời bấy giờ có bốn
người đại ác, thiên hạ kêu là “Tứ hung” mà vua Nghiêu không trị nổi, đợi đến vua
Thuấn lên ngôi mới trừ khử được, thì càng tỏ ra lời sử thần trên kia là phỉnh
dối.
Nếu vậy thì cái nguyên tắc minh đức tân dân ở đâu ? Cái công hiệu tu
thân, tề gia, trị quốc ở đâu ? Phàm sự gì không thể cắt nghĩa được, không thể
thiệt nghiệm được, ấy là trái với khoa học.
Theo khoa học thì tu thân và trị quốc là hai việc, không dính dấp
nhau. Tu thân là để mà dưỡng thành nhân cách. Vậy cách vật trí tri để dưỡng phần
trí dục, thành ý chánh tâm để dưỡng phần đức dục, có vậy nhân cách mới hoàn, lẽ
ấy đành phải rồi. Song muốn trị quốc thì lại phải dự bị các món học thức khác :
phải học chánh trị, pháp luật, kinh tế, vân vân, tốt nghiệp rồi mới ra làm được
công việc trị quốc. Vả lại, ai học môn nào thì làm việc ấy, chớ không thể một
người mà làm được mọi việc. Trong Tây học cũng có nói sự cảm hóa, cũng trọng sự
làm gương tốt cho xã hội, song lại thuộc về vấn đề khác, chớ không dính với việc
trị quốc chút nào.
Cách trị quốc của Khổng giáo là theo “nhân trị chủ nghĩa”, lấy người
mà trị, còn cách trị quốc bên phương Tây ngày nay là theo “pháp trị chủ nghĩa”,
lấy pháp mà trị.
Cái thuyết minh đức tân dân tức là cách nhơn trị. Nhơn trị không phải
là cách lâu dài. Chính đức Khổng Tử cũng nói rằng : “Người còn thì việc chánh
cất lên, người chết rồi thì việc chánh dứt mất”(1). Pháp trị thì
nhờ có hiến pháp và pháp luật đành rành, ai cũng có thể cứ theo mà cai trị được,
không cần phải có người thánh hiền, không cần phải có ai cảm hóa ai.
Cứ theo cái thuyết “pháp trị” phương Tây ngày nay thì trong một nước
mỗi người đều có quyền lập pháp và cũng đều có nghĩa vụ phải thủ pháp. Song theo
thuyết minh đức tân dân thì chỉ có một số ít người ở trên, làm gương tốt cho xã
hội, có thể lập pháp mà thôi, còn bao nhiêu người khác đều phải tùy theo những
người trên ấy cả. Chỗ trái nhau là ở đó. Huống chi, nói rằng cứ tu thân rồi,
minh đức rồi, thì suy ra mà làm mọi việc đều được, cái đó lại còn trái với sự
thiệt đời nay hơn nữa. Theo đời nay, theo các việc người Tây hiện làm bây giờ,
không có việc gì không học mà làm được. Sách Đại học nói không hề có ai
học nuôi con rồi mới lấy chồng, song chính ngày nay, ở các nước văn minh, con
gái trước khi lấy chồng cần phải học phép nuôi con !
Theo thuyết minh đức tân dân thì cái ý nghĩa của nó cũng là cao
thượng thật, song sai với sự thật xa lắm, sai với sự thiệt đời nay lại càng xa
lắm ! Cái chỗ nhược điểm của nó là, theo tình thế trong xã hội, chỉ có một mình
ông vua có thể làm trọn theo thuyết ấy mà thôi, vì minh đức thì là việc chung
cho mọi người, còn tân dân chỉ ông vua mới có quyền chớ không phải hết thảy ai
ai đều có quyền ấy. Thế nhưng cái thuyết ấy từ xưa đến nay chưa chắc đã tạo ra
được nhiều ông vua thánh, mà chỉ tạo ra được một bọn sĩ phu không có thiệt học
và một lũ dân hèn, chỉ biết chịu cảm hóa, chỉ biết trông lên đó thôi.
Bài tới đây sẽ thấy cái ảnh hưởng của nó ở nước ta ra thế
nào.
Mấy trăm năm nay cái thuyết minh đức tân dân nó làm hại cho sĩ phu
nước ta nhiều lắm, nhứt là trong thời mà khoa cử thạnh hành. Cái hồi còn đương
đi học thì người nào cũng nhắm vào hai chữ “tân dân” đó mà ôm những cái hi vọng
hão huyền, cứ tưởng rằng mình ngày sau sẽ làm ông nọ ông kia, sẽ ra kinh bang tế
thế, rồi mình sẽ “thượng trí quân, hạ trách dân” làm nên công nghiệp, ghi vào
thanh sử đến đời đời ; không ngờ thi không đậu hoặc đậu mà không làm ra trò chi,
rồi trở nên thất vọng, thiếu điều ngã ngửa người ra, tay chưn xuội lơ và bủn
rủn. Còn người nào đắc thời, thi đậu, ra làm quan, thì lại ỷ rằng mình bấy lâu
đã có cái công phu “minh đức”, nghĩa là mình đã học giỏi rồi thì bây giờ cứ việc
“thố sở học vu sở hành”, chớ có lo chi ? Bởi vậy mới có những ông thượng thơ bộ
hộ mà chẳng hề làm chạy bốn phép toán ; thượng thơ bộ binh mà cả đời chẳng hề
biết đến cái lưng con ngựa ra sao, cái cò của khẩu súng là gì. Mà rồi ông quan
nào cũng như đức Thượng đế cả, nghĩa là toàn trí toàn năng cả : bữa nay làm Đốc
học, tác thành cho một mớ nhân tài, đến mai đi làm tướng đánh giặc, coi muôn
binh ngàn ngựa, đến mốt đi làm Đổng lý, coi việc bắc cầu, đào sông hay là đắp
đê, là việc của mấy ông anh-rê-nhơ(*). Trời ôi, giỏi quá.
Trong cửa đức Khổng cũng có khoa chánh sự, học về binh, hình, lễ
nhạc, chẳng phải không ; song người An Nam ta sau đây lại giỏi hơn môn đồ của
Khổng Tử nữa, không cần học cũng biết : cứ minh đức tân dân ấy là đủ
!
Cho đến ngày nay đua nhau học Tây, người ta cũng còn vẫn(**)
giữ cái quan niệm ấy. Tôi hãy nghiệm xem từ những việc nhỏ nhỏ. Ở Trung kỳ, khi
tôi đến chơi nhà anh em quen, thấy đứa con nít nào ngoan ngoãn, hỏi nó đi học
chữ tây sau làm chi, thì mười đứa hết chín trả lời rằng sau làm công sứ
(Resident de la province) ! Vẫn biết câu ấy là câu nói chơi của kẻ lớn bày cho
chúng nó, song nội đó đủ thấy cái quan niệm về tân dân của người mình. Vì người
ta tưởng rằng học chữ Tây mà muốn làm ra cái công hiệu tân dân thì làm thầy
thông thầy phán không đủ, phải công sứ mới được, nhưng quên lửng đi rằng cái lỗ mũi An Nam không khi nào làm nên
đến công sứ được !
Chẳng những thế mà lại đã có bao nhiêu việc thiệt bày ra trước mắt
chúng ta. Mấy ông thông ngôn, phán sự, cả đời chỉ vừa xách cái cặp giấy vừa chạy
trong các tòa bố tòa sứ, đã biết đến việc trị dân trị nước là gì, mà rồi cũng
vùng một cái nhảy ra làm phủ huyện ngay được, thậm chí sải cẳng chừng vài cái là
bước lên ngôi tổng đốc. Tôi nói làm vậy, không phải là công kích chi các ông ấy
đâu, không phải chê các ổng làm không nổi phủ huyện tổng đốc đâu, hễ tấn sĩ cử
nhân An Nam làm được, thì các ổng cũng làm được vậy chớ. Song tôi nói, để cho tỏ
ra rằng cái nguyên tắc minh đức tân dân nó cai trị cái óc người An Nam, cả vừa
bên Hán học, lại vừa bên Tây học.
Ngày nay phải theo khoa học mà rửa cho sạch cái óc ấy đi. Việc gì nó
có quan hệ với nhau hãy nên cho là có quan hệ, còn việc gì nó rời nhau ra thì
thôi, không nên nghĩ lù mù xấp nhập vào như vậy nữa. Có bỏ những cái quan niệm
mập mờ ấy thì mới có tấn hóa được ; bằng không, tôi tưởng dầu có một vạn cái
trường chuyên môn, đào tạo nhân tài ra như củi, là cũng chẳng ăn thua gì, vì thứ
đồ nhân tài ấy chỉ là như những cái máy để đợi có người vặn mà thôi.
Cái thuyết minh đức tân dân nó làm hại đến cả và dân chúng nữa. Tôi
đã nói trong bài trước, nó tạo ra được một lũ dân hèn, chỉ biết chịu cảm hóa,
chỉ biết trông lên mà chờ.
Hồi sau khi Tây Hồ tiên sanh mất rồi, ở các miền nhà quê miệt Lục
tỉnh có nhiều chỗ đồn rằng tiên sanh chưa chết, hay là chết rồi mà đã sống lại (
!), độc giả chắc cũng có nhiều người nghe thấy, song có ai nghĩ thử cái đó là
cái tang chứng gì chăng ? Đó chính là cái ánh sáng dội (réflexion de la lumière)
của cái thuyết minh đức tân dân nó rọi ngược lại vậy.
Cái thuyết ấy tiếng là buộc cho hết mọi người , song bài trước đã nói
rồi, chỉ có ông vua mới có quyền tân dân mà làm trọn được, thành ra chỉ là một
cái học thuyết riêng cho vua (hay là quan to), còn dân ở dưới không dự đến. Bởi
vậy từ xưa đến nay cái lòng dân An Nam mình đối với số phận của nước vốn không
phải là nguội lạnh mà tự nhiên có ra nguội lạnh. Vì họ nghĩ bổn phận dân hèn như
họ có dự gì đến cái công cuộc trị quốc bình thiên hạ đâu mà nói cho mất công ;
song trong lòng họ sốt sắng lắm chớ, họ hằng ngày cầu trời khấn phật, trông cho
có ông thánh chúa minh quân ra đời, “ngài làm sáng cái đức ngài trước đi, rồi
ngài cảm hóa một cái, ấy là chúng tôi đều trở nên mới sát rạt hết” !
Hồi trước, đức Thành Thái ở kinh đô, hát xướng luôn đêm, chơi bời thả
cửa, mà khi ngài ngự vô Sài Gòn, ngự ra Hà Nội, thiên hạ còn kính mến hết lòng,
nhiều ông già bà cả thấy phớt qua bóng ngài đi mà động lòng nước cũ vua xưa đến
nỗi nhỏ hai hàng nước mắt. Cho đến ông Cường Để nằm bẹp bên Nhựt Bổn, mà ở bên
nầy cũng có kẻ dám thấy vì bệ hạ tương lai ấy trong chiêm bao. Nói cho phải, cái
ngòi bị ẩm ấy tắt hẳn đi, là từ lúc đức Khải Định sang Pháp về.
Cứ trông lên ! Cứ ngửa mặt ngó ! Ngày nay hết trông lên quân chủ rồi,
thì người ta lại trông lên anh hùng.
Nghe tiếng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, bây giờ cả đến Nguyễn Ái
Quốc nữa, thì người ta tưởng rằng nội một người trong mấy người ấy cũng đủ lấy
nước Nam lại được, cứ đứng ngoài mà trông, thiết tha mà trông ; còn mình đây ?
mình đây là đồ xả rác !
Chớ có lấy con mắt khinh thường mà coi những học thuyết. Nó là vật
không thấy được, không rờ đến được, nhiều người chẳng biết đến nó là gì. Có ngờ
đâu một cái học thuyết đủ làm cho cả một nước tư tưởng đều sai lầm đi, quan niệm
đều thiên lệch đi, tâm lý đều bủn rủn đi, mà cứ mãi như thế, có ngày đến diệt
vong ! Bây giờ đem bốn chữ “minh đức tân dân” mà hỏi từng người An Nam, thì chắc
có phần rất nhiều không hiểu nó nữa, nhưng
vì cái ảnh hưởng đã lâu đời nay nên nó đã choán cả trong óc mọi người, và
đương làm hại chưa thôi.
Người An Nam ngày nay muốn theo văn hóa mới ư ? Muốn bắt chước Tây ư
? Muốn sống ư ? Muốn đi con đường khoa học để bước lên nền văn minh ư ? Hãy cạo
bốn chữ minh đức tân dân trong óc mình đi.
Ấy là trái phá thứ nhứt thả vào một cái đồn hiểm yếu của Khổng
giáo.
VIII. Về cái thuyết trung
dung
Tôi phải thú nhận rằng cho đến ngày nay tôi vẫn chưa hiểu rõ trung
dung là cái gì. Theo lẽ, cái gì không hiểu rõ thì không nên phê bình nó ; song
tôi lại có đủ lẽ khác để phê bình cái thuyết trung dung.
Trước hết tôi phải gạn lại về cái định nghĩa (définition) chữ
trung dung.
Thuyết trung dung thấy ra trong sách Trung dung. Sách nầy cũng
nguyên là một thiên trong Lễ ký mà Tống nho lấy ra như Đại học.
Trình tử cho rằng lời của Khổng Tử truyền lại, rồi sau cháu nội ngài là Tử
Tư chép lấy. Lời Trìnhh tử đó tin được, là vì trong sách Trung dung,
chương nào cũng có chữ “Tử viết” tỏ ra là lời đức Khổng Tử nói. Lại trong sách
Luận ngữ, là sách đáng tin hơn hết, cũng có một chỗ nói về trung
dung.
Đương thời Khổng Tử và Tử Tư, trung dung nghĩa là gì, chắc ai ai cũng
hiểu với nhau. Nhưng lâu đời rồi chữ nghĩa khác lần đi, người ta cần phải chú
thích mới hiểu được. Trong sự học vì điều đó mà sanh ra nhiều cái
khó.
Về chữ trung dung, theo Trình tử giải thích thì trung là không
thiên lạch, dung là không thay đổi. Song le, chính đức Khổng Tử có nói rằng :
“Quân tử theo lẽ trung dung, vì đã là quân tử mà lại theo thời lấy trung”(1).
Như vậy, đã theo thời lấy trung thì lẽ trung mỗi thời một khác, sao lại gọi là
không thay đổi ? Ở nơi khác, Trình tử lại nói : “Chữ trung rất là khó biết, ta
phải hiểu ngầm trong lòng. Giả như một cái phòng thì chính giữa phòng là trung ;
một cái nhà thì chính giữa nhà là trung nữa ; một nước thì chính giữa nước là
trung, mà cái nhà hồi nãy lại không phải là
trung”(2). Vậy thì Trình tử lại đã
nhận cho trung có thay đổi rồi.
Chu tử chừng như đã dòm thấy chỗ mâu thuẫn của Trình tử, bèn giải chữ
dung ra nghĩa khác. Giải rằng : “Trung không có cái thể nhứt định, theo
thời mà ở, ấy là cái lẽ bình thường”(3). Xin độc giả nhớ lấy, Chu tử giải chữ
dung là bình thường. Đã là lẽ bình thường thì ai ai cũng có thể hiểu được mới
phải. Nhưng chính đức Khổng Tử lại nói rằng : “Lẽ trung dung thật là tột vậy
thay, đã lâu rồi, người ta ít làm theo được !”(4). Ngài lại nói
rằng : “ Thiên hạ, nước nhà, có thể quân bình được ; tước lộc, có thể từ đi được
; gươm dao, có thể xông vào được ; chớ trung dung, không thể làm theo được !”(5).
Ngài lại nói rằng : “Quân tử nương theo lẽ trung dung, trốn đời, đời chẳng biết
mình mà mình chẳng ăn năn, duy có ông thánh mới làm được như vậy”(6).
Đó, cứ như mấy lời ngài nói : “Người ta ít làm theo được”, “không có thể làm
theo được”, “duy có ông thánh mới làm được”, thì sao lại gọi là lẽ bình thương
?
Coi đó thì một chữ dung mà Trình Chu trái với Khổng, Chu Trình lại
trái với nhau, Trình lại trái với Trình nữa, rối như vò tơ, mờ như sa mù, tôi
chẳng biết đường nào mà nói.
Đến chữ trung, thì Trình Chu giải nghĩa đều giống nhau, cho là chính
giữa cả. Cứ như lời ví dụ về phòng, nhà, nước của Trình tử trên kia thì chừng
như có thể hiểu được. Thế nhưng, cái phòng cái nhà là hữu hình để mà tìm ra cái
chính giữa của nó được, còn sự lý vô hình thì biết cái chính giữa của nó ở đâu
mà mò ? Trình tử chưa phải là người lập ra
thuyết trung dung, thôi thì bỏ đi mà hỏi Khổng Tử.
Khổng Tử có nói về vua Thuấn mà rằng : “Cầm hai đầu cùng, dùng cái
trung của nó ra cho dân”(7). Ngài nói hai đầu cùng và trung, thì
tôi tưởng tượng ra hình như một cái thước. Bây giờ người ta đưa cái thước cho
tôi, tôi thấy hai đầu cùng rồi, thì tôi tìm ra trung được. Song sự lý trong
thiên hạ thật không phải như cái thước, thì biết hai đầu cùng của nó ở đâu mà
tìm ra cho thấy cái trung ?
Ta nên hỏi đến Mạnh Tử. Mạnh Tử phục Khổng Tử lắm, là vì cái đạo
trung dung của ngài. Mạnh Tử có nói rằng : “Dương tử thì vị ngã, nhổ một cái
lông mà lợi cho thiên hạ, cũng không làm ; Mặc tử thì kiêm ái, mòn từ đầu đến
chưn mà lợi cho thiên hạ, cũng làm. Tử Mạc thì chấp trung. Chấp trung thì gần
phải”(8). Mới nghe qua đoạn nầy, tưởng chừng
như có manh mối một chút. Dương thì vị ngã, Mặc thì kiêm ái, còn Tử Mạc đứng cửa
giữa, không vị ngã quá mà cũng không kiêm ái quá, thế là trung. Câu của Mạnh Tử
nói đó có hơi giống với câu của Khổng Tử nói về vua Thuấn mới vừa dẫn trên kia.
Như Tử Mạc đây có khác gì vua Thuấn cầm hai đầu cùng mà dùng lấy chỗ chính giữa
? Có khác gì biết được hai đầu cùng của cái thước rồi mà tìm ra chỗ chính giữa
của nó ?
Song có phải vậy đâu ; tiếp theo câu ấy, Mạnh Tử lại nói rằng : “Song
chấp trung mà không cân nhắc thì cũng như chấp nhứt”(9). Vậy thì Mạnh Tử
chỉ mới cho Tử Mạc là gần phải đó thôi chớ chưa thiệt phải. Vì trung phải có cân nhắc kia, bằng
không thì là chấp nhứt ; chấp nhứt nghĩa là chỉ cầm có một đầu. Thế là Tử
Mạc không phải trung.
Cũng thì bỏ hai đầu cùng tìm lấy chính giữa mà vua Thuấn là trung,
còn Tử Mạc không phải là trung, là vì một đằng biết cân nhắc, một đằng không
biết cân nhắc. Theo Mạnh Tử thì như vậy.
Bí nhau là tại cái chỗ cân nhắc đó. Đã tìm ra trung rồi mà lại còn
phải cân nhắc nữa, thì tôi xin chịu, chẳng biết đằng nào mà cân nhắc. Gặp những
chỗ bí như vậy thì các ông Trình tử Chu tử mở đường cho tôi mà dạy rằng mình
phải “nghĩa cho tinh, nhân cho thục, đừng có lòng riêng tây của nhân dục một mảy
nào” thì tự nhiên thấy mà làm theo được. Dầu vậy thế nào tôi cũng không hiểu ?
Cũng có khi như tuồng tôi muốn hiểu, là khi tôi thấy trong Luận ngữ có
chép về nghi dung đức Khổng Tử mà rằng : “Ngài hòa mà nghiêm, có oai mà chẳng
dữ, cung kỉnh mà an”(10). Trong câu ấy, tôi hiểu ra rằng người
thường hễ hòa thì không nghiêm, có oai thì dữ, cung kỉnh thì ra bộ cúm núm quá ;
song đức Khổng đã được bên nầy mà không mất bên kia, thế là trung. Nhưng ra chỗ
khác, ra việc khác, thì tôi lại không có thể
lãnh hội như vậy được, cho nên tôi phải nói thiệt tình là tôi không
hiểu.
Bởi vậy, tôi quyết luận rằng trung dung là lẽ mầu nhiệm quá
trí khôn người, chỉ có như Thuấn, Khổng Tử, ít nữa cũng Mạnh Tử thì mới biết mà
làm theo được, còn người thường thì không thể nào hiểu được cả ; chính mình
Trình tử cũng đã cho là rất khó !
Theo người hiểu thì trung dung là thế nào không biết, chớ theo
tôi, tôi không hiểu, thì trung dung thật là một cái thuyết lôi thôi lắm,
như tôi đã nói nẻ nóc ra trên kia. Rút lại nó là thế nào mặc lòng, tôi chỉ đánh
cho một cái dấu hỏi lớn rằng : Tôi không biết một cái thuyết mà chính người lập
ra nó đã trối rằng “gươm đao có thể xông vào, chớ không có thể làm theo nó
được”, thì thôi, còn lập ra làm chi ? Tôi lại không biết những người kế theo
giải thích và phát huy cái thuyết ấy cách trái trấp mập mờ, thì có ích gì cho
hậu học ?
Của là của quý, không phải sắm cho mọi người dùng, đem mà phơi ra,
thành thử người ta dùng bậy. Thật thế, xã hội ta chịu lấy cái ảnh hưởng trung
dung ấy mà hóa ra một cái xã hội ương ương dở dở, trắng không ra trắng, đen
không ra đen. Ở đời thì quý cái cách không khôn không dại ; xử sự thì chuộng cái
lối không mềm không cứng. Mua bán cũng trung dung : hát giá một quan, mặc cả năm
tiền, dứt giá bảy tiền rưỡi, gọi là “bẻ hom tranh”. Làm ăn cũng trung dung : vốn
một ngàn, có thể làm ra ba ngàn, mới được hai ngàn, cầm chừng không làm nữa, gọi
là “giữ tay thước”. Vì giữ lẽ trung dung mà việc gì cũng không dám làm thẳng tay
: vua Tự Đức đã hòa với Pháp rồi thì cứ việc hòa đi, lại còn sai sứ đi cầu cứu
bên Tàu ; Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa thì cứ việc khởi nghĩa đi, nghe Trần Bá Lộc
bắt mẹ, lại đem thân về chịu chết...
(toà kiểm duyệt bỏ một đoạn)
. . . . . . Té ra Trung dung chẳng phải là gì cả, chỉ là cái
thai đẻ ra khiếp nhược, và là cái ổ chứa gian tà mà thôi !
Tư tưởng bên phương Tây trái với cái thuyết trung dung ta, vì họ
chuộng cái thuyết cực đoan. Vậy như một con đường, ta đứng chính giữa mà họ đứng
hai đầu cùng. Bao nhiêu học thuyết phương Tây đều là cực đoan cả. Như : về cách
tổ chức của nhân loại thì có những cá nhân chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, quốc gia
chủ nghĩa, thế giới chủ nghĩa, mỗi cái chạy tới một đầu cùng ; về triết học thì
có những duy tâm chủ nghĩa, duy vật chủ nghĩa, nhứt nguyên luận, nhị nguyên
luận, mỗi cái chạy tới một đầu cùng ; về chánh trị thì hai chủ nghĩa phóng nhiệm
và can thiệp ; về kinh tế thì hai chủ nghĩa tự do và bảo hộ, mỗi cái cũng chạy
tới một đầu cùng... Tùy ai muốn chạy tới đầu cùng nào thì chạy, miễn là chạy cho
tới nơi, không chịu đứng dật dờ giữa đường. Sự tấn hóa của họ mau lắm là nhờ đó,
nhờ cái chia đường ra mà chạy.
Theo đạo Nho, người ta lại bác cái thuyết cực đoan đi. Cuối thiên
Công Tôn Sửu thượng trong sách Mạnh Tử, ông Mạnh Tử có nói rằng :
“Ông Bá Di, chẳng đáng vua mình thì chẳng thờ, chẳng đáng bạn mình thì chẳng
giao, chẳng đứng nơi trào người ác, chẳng cùng người ác nói chuyện, nghĩ rằng
đứng nơi trào người ác, nói chuyện cùng người ác, chẳng khác gì đem áo trào mão
trào mà ngồi nơi bùn than. Suy cái lòng ghét kẻ ác ấy ra, ông nghĩ rằng mình
đứng với người lành mà thấy họ đội mão không ngay, là đi phăng phắc, như hầu
nhục đến mình... Còn ông Liễu Hạ Huệ, chẳng lấy vua dơ làm hổ, chẳng lấy quan
nhỏ làm thấp, dầu bị bỏ sót cũng chẳng hờn, ách cùng cũng chẳng lo. Cho nên ông
nói rằng : Mầy ra mầy, ta ra ta, tuy có trật
cánh tay loã lồ ở bên ta, mầy há có thể làm nhục ta được ư ? Bá Di như
vậy là hẹp, Liễu Hạ Huệ như vậy là bất cung. Hẹp và bất cung, người quân tử
chẳng noi theo”.
Đó như Bá Di và Liễu Hạ Huệ là cực đoan đó, Mạnh Tử đã cho là hẹp và
bất cung mà không noi theo, thì noi theo cách nào ? Giữa thiên ấy, ông Mạnh lại
nói rằng : “Chẳng đáng vua mình thì chẳng thờ, chẳng đáng dân mình thì chẳng
khiến ; trị thì tới, loạn thì lui : ấy là ông Bá Di. Vua nào thờ cũng được, dân
nào khiến cũng được, trị cũng tới loạn cũng tới : ấy là ông Y Doãn. Đáng làm
quan thì làm quan, đáng thôi thì thôi, đáng lâu thì lâu, đáng mau thì mau : ấy
là đức Khổng Tử... Ta thì muốn học đức Khổng Tử”.
Đây thêm Y Doãn nữa cũng là cực đoan. Nhưng Mạnh Tử cũng bỏ đi mà
muốn học Khổng Tử, vì Khổng Tử là trung dung. Mạnh Tử thì vậy, chớ chúng
ta ngày nay nên học ba ông kia, mặt nào ngả về một mặt là dễ chịu hơn, chớ không
nên học Khổng Tử. Cái trung dung của ngài khó theo lắm là vì bốn chữ “đáng” đó.
Biết thế nào là đáng ?
Hiện nay ở nước Nam ta, có nhiều cách làm cho dân ngu đi, song duy
trì hay là xướng minh cái thuyết trung dung ra, là cách diệu hơn thứ
nhứt. Vì theo như cái thuyết trung dung như ở trên ba mươi sáu từng trời của ông
cháu thầy trò họ Khổng thì chẳng ai theo được ; rốt cuộc lại, rồi cũng chỉ “bẻ
hom tranh, giữ tay thước” mà gọi là trung dung đó thôi. Cái trung dung ấy, nói
cho tận mặt nó, tức là cầm chừng, tức là ở cửa giữa, tức là thậm thà thậm thụt,
tức là thủ cựu. Cho nên hễ ai đem cái thuyết trung dung ra mà nói, thì
tôi cho là người ấy có ý làm ngu dân.
Nói tới đây, làm cho tôi nhớ sực đến ông Monet. Ông ấy có nói trong
sách An Nam tỉnh dậy, tức là bài của ông diễn thuyết cho người An Nam tại
Khuyến học hội năm xưa mà rằng : “Tôi bị họ công kích bên tả bên hữu, song kẻ
môn đồ của thầy Tử Tư nầy vẫn giữ trung thành với đạo trung
dung”.
Rõ thật ông Paul Monet muốn làm ngu dân An Nam mà đã nói trái với
lương tâm mình.
Đức Jésus Christ là người chủ trương cái thuyết cực đoan thứ nhứt. Có
lần “một môn đồ thưa cùng ngài rằng : Xin chúa cho phép tôi về chôn cha tôi
trước đã. Nhưng ngài phán rằng : Hãy theo ta, để kẻ chết chôn kẻ chết”(11).
Lần khác, ngài phán cùng các sứ đồ rằng : Ta đến không phải đem sự bình an cho
thế gian mà là đem gươm. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu
với bà gia, và người ta sẽ có kẻ thù nghịch là người nhà mình”(12). Nhứt là câu này
nên đem mà dạy dân nào đã theo đạo trung dung như dân Việt Nam ta và cũng có lẽ
là câu ngài nói vào tai ông Monet nữa : “Chẳng ai được làm tôi hai chủ, vì sẽ
ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các
ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa”(13).
Tôi biết ông Paul Monet theo đạo Gia-tô, ông là một môn đồ sốt sắng
của Jésus Christ. Song khi ông nói với chúng ta thì ông lại xưng là môn đồ trung
thành của thầy Tử Tư !
Tôi đêm ngày mong mỏi, mong cho đến ngày Jésus Christ tái lâm. Bấy
giờ ông La Fontaine, sống lại từ trong những kẻ chết, ra khỏi phần mộ, sẽ đọc
lại cho trước là ông Monet sau là tôi nghe bài thơ Con dơi của ông, thì
hai chúng tôi đều được vui thích mỗi người một vẻ !
Ta ở vào đời nầy, việc gì ta cũng cứ cực đoan đi, cứ thẳng tay đi,
đừng trung dung chi hết. Trung dung thì chết. Mà trong thiên hạ lại có cái trung
dung là cái gì !
IX. Cái chủ nghĩa làm
quan
Tôi không phản đối sự làm quan. Làm quan cũng như làm các nghề khác,
hoặc làm ruộng, hoặc đi buôn, hoặc làm thợ, cũng là một lối sanh nhai của người
ta ở đời, việc chi mà phản đối ? Nhưng đến lấy sự làm quan làm như là một cái
chủ nghĩa, coi nó là mục đích của sự học vấn, thì tôi phải phản đối.
Vì theo cái thuyết minh đức tân dân mà tôi đã nói rõ trong chương thứ
VII, nên trong Khổng giáo đã thiệt tình lấy sự làm quan làm một cái chủ nghĩa.
Mà hình như chính đức Khổng Tử cũng đã đem cả đời mình hy sanh cho cái chủ nghĩa
đó, ví chẳng khác ông Bùi Quang Chiêu ta đã nói to trước mồ ông Tây Hồ mà rằng
đem cả đời mình hy sanh cho cái chủ nghĩa Phát Việt đề huề !
Mạnh Tử có nói rằng : “Đức Khổng Tử ba tháng không có vua thì hình
như băn khoăn, hễ ra bờ cõi là chở con t n(*) theo”(1). Thật vậy, cả đời
đức Khổng Tử chỉ châu du các nước chư hầu để kiếm một cái địa vị làm quan. Về sự
đi của ngài, trong sách nói rằng “triệt hoàn liệt quốc” nghĩa là dấu bánh xe
quanh khắp các nước, cũng như tiếng An Nam ta nói “đi mòn đường chết cỏ” vậy,
thì biết rằng ngài đã đi lung lắm. Sau hết, các vua các nước không có ông nào
dùng được ngài, mà ngài cũng đã già rồi, mới chịu về nước Lỗ là quê hương mình.
Cái thái độ ngài như vậy, cho nên có một lần, Vi Sanh Mẫu, chừng cũng là vai lớn
hơn ngài thì phải, xách quai nôi ngài ra mà bảo rằng : “Khâu ơi, chớ chú làm cái
gì mà lăng xăng vậy, có lẽ là chú làm nịnh ư ?”(2)
Chữ “nịnh” đó theo tiếng An Nam ta là “lém lỉnh”, như kiểu bọn du
thuyết hồi Chiến Quốc, đến đâu cũng trổ cái tài ba tấc lưỡi để được làm quan.
Thế mà Vi Sanh Mẫu đến nỗi lấy điều ấy nghi cho ngài, đủ biết rằng sự đã quá
lắm.
Tôi không khi nào nghi ngài như Vi Sanh Mẫu. Tôi vẫn hết lòng tin
rằng ngài muốn ra làm quan là cốt để hành đạo cứu thời. Ngài từng nói rằng :
“Nếu có ai dùng ta, ta sẽ làm nên nhà Châu ở phương Đông”(3). Có một lần,
người ẩn sĩ kia nói nhắn cùng ngài rằng thiên hạ đều loạn cả, ông toan cùng ai
biến đổi, thì ngài trả lời rằng : “Nếu thiên hạ chẳng loạn thì Khâu nầy có biến
đổi làm chi ?”(4). Lại lần khác Công Sơn Phất Nhiễu và
Bật Nật, là hai tên phản thần, đều có mời ngài đến giúp mình, thì ngài toan đến.
Dầu về sau ngài không đến, nhưng trong khi Tử Lộ can ngài về sự ấy thì ngài nói
quả quyết rằng đến là không hại gì cả, và rằng : “Ta có phải cái bầu đâu, thể
nào treo mãi đó mà không ăn ?”(5).
Cứ như mấy lời trên đây thì thiên hạ hồi đó cũng như thiên hạ bây
giờ, nghĩa là gặp lúc bước loạn ly, không còn có nhân đạo, mà ngài thì cũng như
mấy nhà chí sĩ nhiệt tâm ở đời nay muốn đem cái tài học của mình ra mà xoay đổi
cả cuộc đời. Ngài cứ lăng xăng kiếm một cái địa vị làm quan là vì cái lòng sốt
sắng đó, chớ không phải là vì ham danh lợi, sự ấy tôi vẫn biết cho ngài và hết
lòng tin nữa.
Song le, tôi tin ngài ở đó, mà tôi lấy làm lạ cho ngài cũng ở
đó.
Cứ theo lời người thì lúc bấy giờ thiên hạ vô đạo, đại loạn, mà cái
chí ngài là muốn biến đổi cả thiên hạ, muốn làm nên nhà Châu phương Đông kia,
vậy thì chỉ làm quan mà đạt được cái chí ấy hay sao ? Tôi tưởng, làm quan mà đến
bậc tướng đi nữa, là cũng không thiệt hành cái chí ấy được. Mà chỉ có làm vua
thì hoạ may mới làm nổi công việc to tát ấy.
Thế mà, theo ý ngài thì ngài cứ mơ tưởng “nếu có ai dùng ta”. Ngài cứ
phàn nàn “chẳng ai biết đến mình”. Có khi ngài bực mình vì “không làm đạo ra
được mà toan cỡi bè trôi nổi trên mặt biển”. Sự đó tôi rất lấy làm
lạ.
Tôi thì tôi nói : ngài đã có chí như vậy thì đợi chi ai dùng ? Cần
chi ai biết ? Tội chi lại cỡi bè ra biển làm chi ? Sẵn có ba ngàn đệ tử đó, sao
ngài không vận động mà nổi lên cuộc cách mạng ? Nổi cách mạng đi, rồi ngài lên
làm vua quách đi, có thế mới biến đổi cả cuộc đời được chớ. Mà sự cách mạng ở
nước Tàu thì có lạ gì, trong Kinh Dịch ngài vẫn nức nở khen vua Thang vua
Võ cách mạng, là “thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân”? Thang Võ dám cách mạng, dám
làm vua, thì sao ngài lại không dám ?
Còn như ngài giữ nghĩa quân thần, thì sao bọn phản thần kia mời ngài
mà ngài lại toan đến, và quả quyết đến là vô hại ? Dữ kỳ theo lũ phản thần ấy
thì thục nhược khởi binh cách mạng, đánh kẻ có tội, vớt dân ra khỏi bùn than, có
phải là đường đường chánh chánh hơn không ?
Nếu ngài muốn hành đạo, thì, theo thời thế, theo địa vị, ngài chỉ có
nước làm vua mà thôi, còn làm quan không ăn thua gì và cũng không xứng đáng gì
cho ngài hết. Nhược bằng muốn truyền đạo thì hà tất phải làm quan ? Cứ làm như
mấy ông giáo chủ kia, như Lão Tử, Thích Ca hay là Jésus Christ cũng được
chớ.
Xin độc giả chớ tưởng tôi đem lý sự cùn mà nói tay đôi với ngài. Trên
đây tôi chỉ có ý hỏi ngài đó thôi. Vương Sung nhà Hán ngày xưa, có làm sách
Luận hoành trong đó có một thiên kêu là Vấn Khổng, va lại hỏi ngài
nhiều điều ngặt hơn tôi nữa. Va hỏi được thì tôi đây cũng có quyền hỏi
được.
Cái tư tưởng làm quan ấy di hại cho người nước ta nhiều lắm. Cái hồi
còn học chữ nho, chẳng có người nào đi học mà không hằm hằm tính việc làm quan.
Chỉ khác một điều là cái chủ nghĩa làm quan của Khổng Tử là để hành đạo cứu
thời, còn cái chủ nghĩa làm quan của người mình là để cầu danh cầu lợi. Thế
nhưng có ai chỉ trích đến chỗ đó thì người ta lại lấy Khổng Tử ra làm xương
sống. Rất đỗi có người lại cho sự làm quan là một cái bổn phận của mình, không
làm không được. Ông Hoàng Tế, người làng Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam, là một ông
thầy dạy tôi năm xưa, đậu cử nhơn đã hơn 15 năm mà ở nhà luôn không ra làm quan.
Không giấu chi, thầy tôi không làm quan là vì có ý không muốn hiệp tác với nhà
nước bảo hộ. Song đến ngày trên 50 tuổi, thầy tôi thình lình đổi ý mà rằng : “Lẽ
nào ta vì có người Pháp mà bỏ hết một cái bổn phận làm người, là bổn phận đối
với vua !” Rồi thầy tôi được bổ làm Huấn đạo huyện Quế Sơn. Được mấy tháng thì
vừa gặp ngày lễ Chánh chung, quan tỉnh sức trát biểu quan huyện và quan huấn
phải đi hầu lễ. Thầy tôi cầm bút ký trong lá trát rồi ném bút mà thở dài và than
rằng : “Ôi ! Ngũ kinh đem quét đất hết rồi !” – liền cáo bịnh mà về.
Đó là cái thái độ cao thượng của nhà nho ta đó. Song tôi phải lấy làm
lạ, thế thì té ra thầy tôi vốn không biết hễ ra làm quan thì phải đi hầu lễ
Chánh chung hay sao ? Đợi gì đến thò tay ký lá trát rồi mới ném bút đứng dậy về
? Hay là biết rồi mà vì nhìn sự làm quan là bổn phận của mình nên phải ra mới
được ? Ai kia chớ còn thầy cử Trà Kiệu tôi thì chính là vì lẽ sau đó.
Cho đến ngày nay cũng vậy, hễ miễn được cái bằng cấp ở nhà trường
rồi, ấy là chen nhau ra làm việc với nhà nước. Cái bụng dạ thì chưa chắc là bụng
dạ của Khổng Tử, song cái kiểu cách thì thật là kiểu cách của Khổng Tử
vậy...
X. Về cái thuyết khinh
nông
Nước ta là một nước thuở nay vẫn lấy nghề nông lập quốc. Đâu đâu cũng
nhờ nghề nông đặng mà sống, cho đến mọi sự cần dùng đều lấy ra từ trong hột lúa,
củ khoai, trái bắp. Lẽ đáng có một bọn người học thức chăm lo nghề ấy hầu cho
mỗi ngày một phát đạt lên để chống với thủy hạn thiên tai mới phải. Thế mà xưa
nay trong hạng người ấy chẳng hề có ai chịu mó tay hay là để ý đến nghề nông.
Cái sự cày sâu cuốc bẫm chỉ phó cho một lũ dân ngu vô học mà thôi. Như thế,
chúng ta còn có hột gạo mà ăn là may phước đó, chớ trông gì trong nước cho thạnh
vượng được !
Từ hồi có người Pháp đến đây, thì trường Canh Nông cũng đã lập ra.
Theo ở nước khác, thì học trò tốt nghiệp ở trường ấy ra, phải chuyên làm nghề
Nông, phải lấy cái sở học của mình mà cải lương mọi sự của kẻ dốt đã làm. Song ở
ta đây không hề như vậy ! Bao nhiêu người tốt nghiệp Canh Nông cũng thấy ra làm
quan làm quyền như các người kia. Coi như cụ Bùi Quang Chiêu đó thì
biết.
Tôi nói vậy thì người ta sẽ đổ cho : một là tại phải tùy theo nhà
nước dùng, hai là tại không có vốn lớn để cất ra mà làm lấy các công cuộc về
nông phố. Song le, đó chẳng qua là lời kiếm cớ để chữa mình, chớ kỳ tình là khác
kia.
Tôi nói : đó là vì chịu ảnh hưởng của Khổng giáo. Trong Khổng giáo đã
có cái chủ nghĩa làm quan như bài trước đã nói, cái chủ nghĩa ấy thấm trong óc
mọi người nên ai ai đi học cũng muốn làm quan. Song cái đường làm quan mỗi ngày
một chẹt, thành thử người ta đâm ra đường khác, miễn là sau nầy cũng làm quan
được thì thôi, chớ không phải bổn ý muốn làm nghề nông mà đi học canh nông.
Huống chi trong Khổng giáo lại có cái thuyết khinh nông nữa, cái thuyết ấy cũng
đã choán một phần trong óc sĩ phu nước ta, cho nên dầu có ai thạo nghề canh nông
mà cũng không thèm làm nghề ấy là phải lắm.
Không biết làm sao, về nghề nông, đức Khổng Tử nói nhiều lời khinh
miệt họ lắm, tôi rất lấy làm bất bình. Ngài nói rằng : “Người quân tử mưu đạo
chẳng mưu ăn. Cày vậy mà đói ở trong đó ; học vậy mà lộc ở trong đó. Người quân
tử lo đạo chẳng lo nghèo”(1). Có lần, Phàn Trì, học trò ngài, xin
học cấy lúa, ngài đáp rằng : Ta chẳng bằng kẻ làm vườn. Phàn Trì ra rồi, ngài
nói rằng : Tên Phàn Tu (tên tộc của Phàn Trì) thật là tiểu nhơn thay ! Người
trên ưa lễ thì dân dưới chẳng ai dám chẳng kính, người trên ưa nghĩa thì dân
dưới chẳng ai dám chẳng phục, người trên ưa tín thì dân dưới chẳng ai dám chẳng
dùng tình thiệt. Hễ như vậy thì dân bốn phương cõng con nó mà đến, lọ phải cấy
lúa làm gì !”(2)
Tôi biết ngài nói đó là nói với một hạng người đi học mà có chí về sự
tế thế an dân, đành phải bỏ việc nhỏ để lo việc lớn chớ không phải ngài bảo ai
nấy đều phải bỏ nghề làm ruộng mà đi học làm quan cả đâu. Nhưng mà những câu
“cày vậy mà đói ở trong đó, học vậy mà lộc ở trong đó” thì nghe nó ra thế nào !
Cày mà đói, thì ai còn cày làm chi ? Học mà
được lộc thì cái học ấy chẳng là đáng khinh bỉ lắm ư ? Rất đỗi ngài mắng
Phàn Trì là đồ tiểu nhân, rồi lại nói “lọ phải cấy lúa làm chi ?” thì thật là
quá đáng.
Xét một sách Luận ngữ, thấy Phàn Trì hỏi ngài nhiều lần lắm,
nào là hỏi hiếu, hỏi nhân, hỏi trí, hỏi việc chánh trị, lại có khi đánh xe cho
ngài, đi chơi với ngài, cũng học hỏi luôn luôn. Chắc ông ta cũng nghĩ rằng kẻ
học phải lấy sự trị sanh làm cần, nên lần nầy mới hỏi về sự cấy lúa làm vườn,
ngài không biết mà không bảo cho thì thôi, cớ chi ngài lại mắng ?
Người ta hỏi sự cấy lúa làm vườn, ngài không dạy cho, lại nói dông
dài ra những là người trên ưa lễ, nghĩa, và tín thì dân dưới quy phục, chớ không
cần cấy lúa, thì thật là hỏi một đường mà trả lời một đường. Vậy cho biết cái
đạo ngài cốt chỉ dạy cho “người trên”, chớ không dạy “kẻ dưới”, trái hẳn với cái
bình dân chủ nghĩa ngày nay.
Chẳng phải ngài khinh thị nghề Nông mà lại cũng không coi sự làm ăn
buôn bán ra chi. Trong đám môn đồ của ngài có Tử Cống chăm nghề buôn, hễ rẻ thì
mua mà mắc thì bán, làm nên giàu có. Có một lần, ngài phẩm bình các học trò
mình, ngài cho Tử Cống là “chẳng chịu mạng trời mà lo đi chứa của”(3).
Chữ “chẳng chịu mạng trời” đó, có ý là trời biểu nghèo thì phải chịu nghèo, sao
Tử Cống lại cưỡng đi mà làm nên giàu có ? Theo ý ngài thì phải “một đai cơm, một
bầu nước” như Nhan Hồi cứ ôm lấy cái nghèo mãi thì người khen. Hay là “ăn cơm
lức, uống nước trong, co cánh tay mà gối” như ngài thì ngài chịu lắm. Vẫn biết
sự an bần cũng là một cái tiết thanh cao, như ngài và Nhan Hồi, tôi há lại không
phục ? Song xét trong các sách nói về cách Tử Cống làm giàu thì chỉ là rẻ mua
mắc bán, như kiểu nhà buôn đời nay ; vậy thì cũng là một cách làm giàu chánh
đáng, chớ có phải bóp họng thắt hầu hay là ăn cướp ăn trộm ai, mà cho là chẳng
chịu mạng trời ? Ngài khinh rẻ sự làm ăn buôn bán đã đành, mà nói như thế thì
lại thành ra cái khuynh hướng về cái thuyết định mạng (fatalisme), có hại cho sự
phấn đấu tấn thủ của chúng ta ngày nay lắm vậy.
Có một lần, ngài đi qua nước Vệ, Nhiễm Hữu đánh xe cho ngài. Thấy dân
cư trù mật, ngài khen rằng : “Dân đã đông lắm thay !” Nhiễm Hữu hỏi rằng : “Đã
đông thì nên làm gì nữa ?” Ngài đáp rằng : “Nên làm cho chúng nó giàu”(4).
Coi đó thì thấy ngài cũng cho sự làm giàu là cần, nhưng làm giàu cho
kẻ khác thì được, còn làm giàu cho mình như Tử Cống thì ngài lại phản
đối.
Theo cái ý kiến của ngài đó nên về sau Mạnh Tử cũng khinh rẻ nghề
nông mà cho là “việc của tiểu nhơn”(5). Chữ “tiểu nhơn” nầy tức là chữ “tiểu
nhơn” của Khổng Tử dùng mà mắng Phàn Trì hồi nãy, nghĩa là đồ dân ngu, đối với
“quân tử” là người ở trên cầm quyền cai trị, do đó mà thành ra cái chế độ tư
bổn, lần lần trông thấy trong xã hội có một bọn người ngồi không đó mà ăn, còn
một bọn người làm cháy da phỏng trán.
Người An Nam mình vì chịu ảnh hưởng của cái thuyết khinh nông ấy, nên
người nào đã ôm cuốn sách đi học là cố chịu kiếm ăn trong sự học đó chớ không lo
sanh lý(*) gì cả, một nghề gì cũng không biết.
Những người ấy một mai không kiếm ăn trong sự học được, nghĩa là không làm quan
được, thì lại xoay ra làm những nghề địa lý, coi tướng, coi số, là nghề phỉnh
người ta lấy tiền mà lại mát mặt hơn vác cái cày đi cày. Mà rồi xã hội cũng tôn
họ mà kêu bằng “thầy”, sắp hàng họ ở trên những kẻ tay bùn chưn lấm, nai lưng ra
làm cho có hột gạo để trút vào mồm mọi người, ôi ! nó trái ngược là dường nào
!
Chúng ta ngày nay nên vùi những câu của đức Khổng Tử nói xuống dưới
đất cái mà đừng có khinh rẻ nghề nông như ngài nữa. Phải coi sĩ, nông, công,
thương bằng vai với nhau, đừng có phân ra cao thấp. Xứ Nam kỳ là xứ có những
đồng ruộng cò bay thẳng cánh, thế mà mất mùa chơi một năm đã thấy kêu đói tứ
tung, mà lại còn không biết trọng nghề nông, thì tôi không hiểu cái học thức của
người An Nam là cái gì.
XI. Về sự bao biếm của sách XuânThu
Nhẫn lên bốn chương, về cái thuyết minh đức tân dân, cái thuyết trung
dung, cái chủ nghĩa làm quan, cái thuyết khinh nông, tôi cho là bốn điều trong
Khổng giáo mà có ảnh hưởng xấu ở xã hội ta. Từ đây trở xuống, tôi sẽ kể ra những
điều gì đã có ảnh hưởng tốt.
Có điều này tôi không vì mích lòng Khổng giáo mà phải nói thiệt :
trong những cái ảnh hưởng xấu đã nói trên kia, tôi không thấy có phần nào tốt ;
mà trong những cái ảnh hưởng tốt kể dưới này, lại thấy có phần hơi
xấu.
Trước hết xin nói về cái ảnh hưởng của sách Xuân
Thu.
Xuân Thu nguyên là một bổn sử ký chép chuyện nước Lỗ là quê hương của đức
Khổng Tử và là một nước chư hầu ở dưới quyền thiên tử nhà Châu lúc bấy giờ. Ngài
sửa sang bổn sử ký ấy lại mà làm ra sách Xuân Thu, về sau liệt vào làm
một kinh trong ngũ kinh. Trong một bổn sách xưa nói về Xuân Thu có nói
rằng : “Sách Xuân Thu do chính tay đức Khổng chép lấy, chỗ nào đáng chép
thì ngài chép, chỗ nào đáng bỏ thì ngài bỏ ; tuy Tử Du, Tử Hạ là tay văn học
trong cửa ngài, cũng không giúp được một lời”.
Sách Xuân Thu cốt để bao biếm. Bao, nghĩa là khen những điều
phải ; biếm, nghĩa là chê những điều quấy. Có vì tiên nho tán dương cái nghĩa
bao biếm của sách Xuân Thu mà rằng : “Ngài khen cho một chữ là vinh hơn
áo mão của nhà vua ban cho ; ngài chê cho một chữ là nghiêm hơn dùng búa rìu mà
giết”.
Sự khen chê của sách Xuân Thu là suốt từ việc lớn cho chí việc
nhỏ. Đây nói những việc lớn : ai giúp kẻ yếu, chống kẻ mạnh, cứu những nước bị
tai nạn, phò những nước bị diệt vong, ấy là được khen, còn những nước chiến
tranh nhau, hoặc dùng mưu kế mà khi trá nhau, cùng những con giặc, tôi loàn, và
những kẻ phản quốc, thờ quân thù nghịch, thì bị chê. Nói tóm lại, phàm việc gì
hại đến cuộc hòa bình của xã hội là bị chê, mà trái lại, là được khen
vậy.
Tuy vậy, xét kỹ lại thì cái hiệu nghiệm của sách Xuân Thu, bên
khen không có quan hệ lắm bằng bên chê. Cũng có lẽ là vì sự cấm người ta làm
điều dữ có công hiệu hơn là khuyên người ta làm điều lành. Bởi vậy ông Mạnh Tử
có nói rằng : “Đức Khổng Tử làm nên sách Xuân Thu mà bọn con giặc tôi
loàn phải sợ”.
Trên nền Khổng giáo ở nước Nam ta có những tư văn, văn chỉ, ấy là
những cái cơ quan để phê bình xã hội theo như cái ý nghĩa của sách Xuân
Thu.
Từ hồi có người Pháp đến xứ nầy, nhứt là sau khi cuộc bảo hộ đã thành
lập, vì cớ mở miệng mắc quai, nên các hội nói trên đó ngoài một năm hai kỳ tế
Thánh ăn thịt uống rượu rồi về không thấy có hành động sự gì ; chớ trước kia thì
chính các hội ấy đã làm giềng mối, chủ trương cả dư luận trong xã hội. Mỗi một
phủ huyện nào cũng đều có hội Văn chỉ, mỗi một ông thầy dạy học lâu năm và đông
học trò thì có hội Đồng môn. Những hội ấy rất có thế lực ở dân gian ; người ta
quen gọi là cái nền “danh giáo” hay là cái cơ quan “thanh nghị”. Chẳng những
người trong hội, cho đến người thường ở ngoài nữa, nếu có làm một việc gì phạm
tới luân lý, trái với đạo đức thì không thể nào tránh khỏi sự công kích của hội
hoặc trực tiếp hay gián tiếp. Có khi một việc trái phép mới xảy ra, pháp luật
của nhà nước chưa hỏi đến, mà chính người thủ phạm trong việc ấy đã bị “thanh
nghị” làm cho sỉ nhục mà phải hối cải hơn là bị hình phạt. Bởi vậy cũng có khi,
ở dân gian, người ta đem những việc bất bình mà cáo với các hội ấy, chớ không
cáo với quan.
Hồi xưa người ta sợ “thanh nghị” lắm, sợ đắc tội với “danh giáo” lắm,
hơn là sợ tù tội nữa. Bởi vì cái nhục của tù tội còn có chừng, lại có khi theo
vua thì bị tù tội, song đối với công chúng lại được khoan thứ ; chớ còn đã bị
“thanh nghị” công kích, đã bị “danh giáo” loại ra, thì gần như là không còn mặt
nào trông thấy ai, không còn biết ở đời với ai, chỉ có nước vạch đất ra mà chui
xuống ! Cho nên lúc bấy giờ, từ hàng tấn thân cho đến hạng dân giã, ít kẻ dám
công nhiên làm bậy như ngày nay. Sự đó tôi không có thể trưng bằng cớ ra đây,
nhưng tưởng ai ai cũng công nhận như vậy.
Cái “thanh nghị” do theo ý nghĩa bao biếm của Xuân Thu đó, tôi
cho là đối với xã hội ta đã có hiệu lực nhiều hơn là các tín điều của tôn giáo
đem buộc các giáo đồ. Cái lẽ đó là vì các tín điều chỉ lấy cái giáo nghĩa của
một tôn giáo làm chuẩn đích ; còn bên “thanh nghị” thì lấy nhân cách làm chuẩn
đích. Phàm người nào làm ra việc gì phạm tới luân lý, trái với đạo đức, tức là
làm mất nhân cách của người ấy, “thanh nghị” cứ băm vào chỗ mất nhân cách ấy mà
công kích thì nghe nó thiết thiệt hơn. Tôi xin cử ra đây một sự cấm hút thuốc
phiện.
Đời Tự Đức, khi chưa hòa với Pháp về trước, triều đình ta vẫn cấm
nhân dân hút thuốc phiện. Trong sự cấm ấy, phép vua tuy nghiêm mà cũng không
bằng các hội Văn chỉ và Đồng môn. Tôi chưa kịp thấy, nhưng nghe các ông già nói
lại rằng lúc bấy giờ thuốc phiện dầu nhiều và rẻ mà ít ai dám hút, nhứt là những
người có học, không sợ hình phạt là mấy, nhưng sợ rủi bị hội Văn chỉ hoặc hội
Đồng môn ngoại ra thì khốn.
Ta thử đem việc ấy so với hai việc sau nầy. Ở gần miền tôi có một
người vô đạo mà ghiền thuốc phiện. Ông cố bắt xưng tội ấy thì anh ta không chịu
xưng, nói rằng hút thuốc phiện không phạm vào mười điều răn của Chúa. Lại khi ở
Hà Nội, tôi có gặp một ông thầy tu cũng hút. Tôi hỏi chớ thầy không sợ phạm giới
sao. Ông ta trả lời rằng trong ngũ giới của Phật vẫn không cấm điều nầy, mà có
lẽ hút á phiện thì tiệt được sự sắc dục,
lại là có ích cho người tu hành nữa vậy ! Coi đó thì thấy rằng cũng đồng
một sự cấm hút á phiện mà một bên nói rằng hút thì hư nhân cách, làm cho người
ta dễ nghe hơn là bên kia nói rằng hút thì “trái ý Chúa” hay là “mang tội cùng
Phật” vậy.
Cái thế lực của các hội Văn chỉ mạnh là như vậy, cho nên gặp khi
trong nước có việc thì mọi sự phản động(*) đều do đó mà ra. Ông quan địa phương
nào tham ô, bị “thanh nghị” trong hàng tỉnh hay hàng huyện công kích, ấy là có
thể bị giáng bị cách, không thì cũng bị đổi đi nơi khác. Sau khi kinh thành thất
thủ, các đám cần vương khởi nghĩa toàn là bắt đầu tổ chức từ trong các hội Văn
chỉ, các hội Đồng môn. Nói tóm lại, các hội ấy chẳng những chủ trì dư luận mà
thôi, lại cũng nắm luôn cái quyền ngấm ngầm về chánh trị nữa.
Hiện nay các hội ấy chỉ còn cái xác mà thôi, song cái hồn nó lại tản
mác ra trong dân gian, nó bám vào trong lòng mọi người. Trong khoảng 5-7 mươi
năm nay, những người nào tỏ ra là bất trung với bổn quốc, hãm hại đồng bào, thì
bị người ta chửi mắng nhiếc móc riêng với nhau. Ở Bắc kỳ, có những sanh phần
sanh từ của mấy ông quan to bị người ta đề thơ mà chửi bới, hay là đem đồ ô uế
mà ném vào, cùng là lén mà phá cho hư đi. Lại có những người tuy chưa làm ra
việc chi đáng trách, chỉ mới nói một vài câu chi đó mà thôi, cũng đã bị cáo là
“bán nước dối dân”, rất là khó chịu. Một vạn cái lòng An Nam chẳng có cái nào là
chẳng ghét những người làm mật thám, tức Nam kỳ kêu bằng lính kín. Mật thám ở
các nước văn minh là những người có phần trong sự giữ cuộc trị an cho xã hội,
song theo cái tình thế riêng ở xứ ta lại khác, cho nên người ta ghét cũng
phải.
Trong khoảng 4-5 năm nay, có nhiều người khi không(*) mà bị nghi là mật
thám. Tôi cũng là một người trong đám ấy. Tôi đã trải qua cái tình cảnh ấy nên
nói ra chắc có ý vị. Trong khi ấy, tôi đi đến đâu, người ta chào sơ qua rồi
thôi, ít hỏi han chi. Nếu là chỗ đông người thì họ lấy mắt ngó nhau, dường như
bảo phải giữ mình vì tôi, chẳng khác nào giữ một đứa kẻ cắp. Ngoài sự giữ gìn ấy
họ lại còn hằm hằm mà tỏ ra dáng khinh bỉ. Tôi lại có được thơ nặc danh gởi đến
luôn luôn, cái thì khuyên tôi cải ác tùng thiện, cái thì chửi tôi tàn tệ. Tôi
chịu những điều đoán phạt oan ức ấy mà lại lấy làm vui lòng, vì nội đó cũng đủ
chứng rõ cái lòng ái quốc và cái đức chánh trực của dân tộc Việt Nam. Tôi nói :
dân tộc ta mà sau nầy có ngày cất đầu lên được, là nhờ ở chỗ đó. Chỗ đó, ta phải
cảm ơn Khổng giáo, ta phải nhận rõ ràng là sự ban tứ của sách Xuân
Thu.
Tiện đây, ta cũng nên cứ thiệt mà trần khai cho chánh phủ Pháp
ở đây biết rõ một điều. Chánh phủ làm việc gì mà nói rằng ấy là theo
dân ý, là cái dân ý ở đâu ? Mấy ông hội đồng An Nam chăng ? Mấy tờ báo quốc ngữ
chăng ? Không phải đâu. Nếu chánh phủ muốn tìm cho ra cái dân ý chơn chánh của
An Nam thì hãy tìm ở trong những câu đàm tiếu của dân gian, trong những câu
chuyện trò rất tầm thường ở đầu đường xó chợ. Vì cái hồn “thanh nghị” theo
kiểu Xuân Thu của sĩ phu An Nam ngày xưa, bây giờ nó đã lẩn lút vào những
nơi hạ tiện ấy, trong đó mới có câu chuyện thiệt tình, còn ở đâu cũng đều là giả
dối hết. Mà thật vậy, người Pháp có biết cái chỗ bí yếu ấy rồi mới biết cái giá
thật của dân tộc An Nam là thế nào.
Ngày nay dầu các hội nói trên kia không còn gì, cái thế lực của
“thanh nghị” không có tỏ bày ra như trước, nhưng tôi nói rồi, nó đã bám vào
trong lòng mọi người, thì không có bao giờ mất đi được, điều ấy khỏi lo. Lo là
lo người An Nam mình kém học, ít nghe, cạn thấy, lại thêm không biết phán đoán,
mà ôm cái lòng ghét điều ác quá nồng nàn, bao biếm nhiều khi thất thiệt, thì
người ta lợi dụng cái nhược điểm ấy mà gieo điều nghi kỵ giữa chúng ta, thành ra
ngờ vực nhau, chia rẽ nhau, thật là một điều rất hại vậy.
Lại còn, những người có tài lỗi lạc, hay cậy có thủ đoạn mà toan làm
ra những việc phi thường. Trong khi làm chưa nên việc, bị cái sức ngầm của
“thanh nghị” làm cho hư hỏng đi cũng nhiều lắm. Cho nên, làm anh hùng hào kiệt ở
nước nào còn dễ, chớ làm anh hùng hào kiệt ở nước An Nam nầy mới thiệt khó, vì
dư luận ý chừng nghiêm khắc quá.
Tức như ông Varenne bên Pháp, khi trước liều cho đảng Xã hội xóa tên
mình để được đi Toàn quyền Đông Dương, khi trở về rồi lại xin vào đảng lại, thế
mà dư luận người Pháp chẳng lấy làm điều, không ai nói chi hết, được ở bên mình
thì người ta dị nghị biết bao.
Hai điều vừa nói trên đây là tôi muốn chỉ ra cái chỗ dở của cái ảnh
hưởng sách Xuân Thu. Song chỗ đó chúng ta phải nhận là cái chỗ thiên lịch
của mình chớ không phải tại chữ Xuân Thu vậy.
XII. Sự phân biệt nghĩa và lợi
Khổng học với Mặc học khác nhau ở nhiều điều, mà một cái quan niệm về
nghĩa và lợi cũng đã thấy khác. Mặc Tử nói rằng : “Nghĩa tức là lợi” (Nghĩa, lợi
dã). Mà Khổng Tử thì lại chia nghĩa và lợi làm hai ; chẳng những hai cái là khác
thứ, mà lại hai cái là phản đối nhau nữa.
Hai cái thuyết của Khổng và Mặc khác nhau như vậy là do ở cái tư
tưởng căn bổn của hai đằng không giống nhau. Mặc Tử chuộng kiêm ái, bình đẳng.
Cái xã hội trong ý Mặc Tử cũng gần như cái xã hội các nước Âu Mỹ thời nay. Nghĩa
là coi nhà nước với nhân dân làm một, việc gì lợi cho nhà nước tức là lợi cho
nhân dân đó. Chẳng những thế, vì là kiêm ái bình đẳng cho nên việc chi lợi cho
một người cũng tức là lợi cho nhiều người, việc chi lợi cho kẻ nầy cũng tức là
lợi cho kẻ khác nữa. Vậy thì việc làm lợi đó tức là việc nghĩa, cho nên nói rằng
nghĩa tức là lợi. Còn cái xã hội trong ý Khổng Tử là xã hội có giai cấp, chia ra
vua và dân, nhà nước là của vua, mà nhân dân chẳng qua là vật phụ thuộc vào, tức
là kiểu xã hội nước Tàu và nước ta lâu nay. Theo kiểu xã hội ấy mà nếu nhập
nghĩa và lợi làm một thì e người trên vịn đó mà bóc lột kẻ dưới quá thể, làm cho
mất cái mực quân bình đi mà sanh loạn chăng, nên phải phân biệt ra nghĩa là
nghĩa, lợi là lợi, là cốt để hạn chế bớt cái lòng tham dục của người trên
vậy.
Theo như Mặc Tử thì lợi tức là lợi chung cho mọi người, không có thể
hiểu là lợi riêng của một người được, cho nên nhập hai cái lại một, khuyên người
ta làm lợi tức là khuyên người ta làm nghĩa, mà khuyên người ta làm nghĩa cũng
tức là khuyên người ta làm lợi. Song theo Khổng Tử lại phải thấn tới một bước,
vẫn biết cái nghĩa đó tức là cái lợi chung, mà cũng không chịu nói là lợi, phải
nói là nghĩa để cho phân biệt với lợi. Lợi, theo ý Khổng Tử, thì chỉ là sự tư
lợi của ít người mà thôi, là điều xấu, ai ai cũng nên tránh nó. Vì cái thâm ý
Khổng Tử là như vậy nên ngài chia ra cái bờ của nghĩa và lợi thật rạch ròi. Ngài
nói rằng : “Hễ là người quân tử thì hiểu về nghĩa ; hễ là tiểu nhân thì hiểu về
lợi”(1). Lại nói rằng “Hễ thấy lợi thì phải
nhớ đến nghĩa”(2). Câu trên có ý khuyên người ta nếu
muốn làm quân tử thì phải theo đường nghĩa. Câu dưới nhắc cho người ta trong khi
thấy lợi phải nhớ đến nghĩa đặng đánh đỡ cái lòng tham lợi đi. Mấy câu đó còn là
lời nói chung, đến như trong Đại học thì lại dạy rõ về cách trị quốc mà
rằng : “Nhà nước chẳng lấy lợi làm lợi, mà lấy nghĩa làm lợi”. Chữ “nghĩa” đó
tức là lấy thuế có chừng có đỗi, không xâm phạm đến những cái lợi nhỏ của dân.
Như thế thì nhân dân no đủ mà quy phục(*) với nhà nước ; mà hễ nhân dân no đủ
tức là nhà nước giàu : ấy tức là lấy nghĩa làm lợi. Sách Đại học đây cũng
còn nói lấy nghĩa làm lợi, chớ đến Mạnh Tử thì lại cấm tiệt không cho nói
đến lợi trơn.
“Mạnh Tử ra mắt vua Huệ Vương nước Lương. Vua hỏi : Cụ già chẳng ngại
xa ngàn dặm mà đến đây, cũng sẽ có phương gì để làm lợi cho nước ta chăng ? Mạnh
Tử thưa rằng : Vua lựa phải nói lợi làm chi ; chỉ có nhân nghĩa mà thôi. Chớ nếu
vua nói : có phương gì để lợi nước ta, thì quan đại phu cũng sẽ nói : có phương
gì để lợi nhà ta, sĩ và dân cũng sẽ nói : có phương gì để lợi mình ta. – Rồi thì
người trên kẻ dưới giành lợi lẫn nhau mà nhà
nước nguy rồi ! Nếu ai cũng coi nghĩa làm sau, coi lợi làm trước, thì chẳng cướp
nhau chẳng hề biết no đủ. Chi cho bằng nhân nghĩa : chưa có kẻ nhân nào mà bỏ
sót cha mẹ mình, chưa có kẻ nghĩa nào mà lại để vua mình ra sau. Vậy thì vua
cũng nên nói nhân nghĩa mà thôi, lọ phải nói lợi làm chi ?”(3).
Lại có một lần, “Tống Hình hầu qua nước Sở. Mạnh Tử gặp dọc đường,
hỏi rằng : Tiên sanh tính đi đâu ? – Tống Hình trả lời : Tôi nghe nước Tần và
nước Sở sắp đánh nhau, tôi muốn đến nói với vua nước Sở biểu thôi đi, mà không
chịu, thì tôi lại sẽ nói với vua nước Tần biểu thôi đi; trong hai vua đó thế nào
tôi cũng sẽ gặp một. – Mạnh Tử lại hỏi :
Tiên sanh định nói bằng cách nào ? Tống Hình đáp : Tôi định nói về sự đánh nhau là chẳng lợi .
- Mạnh Tử nói rằng : Không được. Tiên sanh đem lợi mà nói với vua Tần, Sở, vua Tần, Sở
ham lợi mà bãi binh đi, ấy là bọn quân lính vui được bãi mà ham lợi vậy. Rồi thì
kẻ làm tôi nghĩ lấy lợi thờ vua mình, kẻ làm con nghĩ lấy lợi thờ cha mình, kẻ
làm em nghĩ lấy lợi thờ anh mình. Ấy là vua tôi, cha con, anh em đều bỏ nhân
nghĩa mà lấy lợi tiếp nhau. Như vậy mà nước chẳng mất, là sự chưa hề có. Bây giờ
nếu tiên sanh lấy nhân nghĩa nói với vua Tần, Sở, vua Tần, Sở ham nhân nghĩa mà
bãi binh đi, ấy là bọn quân lính vui được bãi mà ham nhân nghĩa vậy. Rồi thì kẻ
làm tôi nghĩ lấy nhân nghĩa thờ vua mình, kẻ làm con nghĩ lấy nhân nghĩa thờ cha
mình, kẻ làm em nghĩ lấy nhân nghĩa thờ anh mình. Ấy lẽ vua tôi, cha con, anh em
cùng nhau bỏ lợi, cứ lấy nhân nghĩa mà tiếp nhau. Như vậy mà chẳng làm nên
nghiệp vương, là sự chưa hề có. Vậy thì lựa phải nói lợi làm chi ?”(4).
Coi mấy lời của Mạnh Tử đó thì thấy sự phân biệt nghĩa và lợi lại
càng nghiêm lắm. Đại ý Khổng Tử và Mạnh Tử cũng vậy, làm một việc gì mà khởi
niệm ra bởi lợi là không được. Theo Mạnh Tử nói đó, trong một nước mà ai làm
việc chi cũng nghĩ về lợi hết, thì sanh ra giành nhau mà rồi nước phải nguy phải
mất. Khổng Tử cũng có nói rằng : “Hễ nương theo lợi mà làm thì nhiều điều oán”(5).
Nghĩa là, hễ mình làm việc gì cũng cốt cho một mình được lợi, thì tất phải hại
đến kẻ khác mà rồi có nhiều người oán mình.
Theo cái thuyết trọng nghĩa khinh lợi của Khổng giáo nên các nhà vua
thuở nay, đối với dân không dám lấy thuế nặng hay là bày ra nhiều thứ thuế.
Chẳng những vậy, gặp năm mất mùa lại còn giảm thuế hay là tha hẳn đi, còn chẩn
thại cho cân nữa là khác. Cứ như cái tình hình kinh tế ngày nay, thật không thể
làm như vậy được. Song ở thời đại quân chủ chuyên chế, phải làm vậy mới được,
không thì thế nào cũng sanh loạn, trong lịch sử có thấy nhiều ông vua vì hà
chính bạo liễm(*) mà phải diệt vong.
Thế nhưng ở đây tôi không cốt nói về phương diện vua đối với dân, chỉ
cốt nói về trong xã hội An Nam ta, cá nhân đối với cá nhân, đã chịu ảnh hưởng
của cái thuyết ấy thế nào.
Ngoài những câu đức Khổng Tử nói mà đã dẫn trên kia, ngài lại còn nói
nhiều lời khác làm cho sự phân biệt nghĩa và lợi càng thêm rõ ràng thiết thiệt,
mà phàm người có đọc sách ngài không thể bỏ qua đi được. Ngài đã tỏ ra ý mình
đối với sự giàu sang mà rằng : “Ăn cơm lức, uống nước trong, co cánh tay mà gối,
cái vui cũng ở trong đó rồi. Chớ còn làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, thì
ta coi cũng như đám mây nổi”(6). Lại rằng : “Khi trong nước hữu đạo
(nghĩa là thạnh trị) mà mình chịu nghèo hèn là đáng xấu hổ ; khi trong nước vô
đạo (nghĩa là loạn ly) mà mình được giàu sang, cũng là đáng xấu hổ”(7).
Lại khi “ngài ở nước Trần, hết lương ăn, Tử Lộ tỏ ý bất bình mà nói cùng ngài
rằng : Thế ra người quân tử cũng có lúc cùng ư ? Ngài đáp rằng : Quân tử cùng
thì chịu cùng, chớ còn tiểu nhân, hễ cùng thì làm bậy”(8). Trong ba câu đó
chỉ câu thứ nhì nghĩa nó hơi tối một chút nên giải thêm cho rõ hơn. Khi trong
nước hữu đạo mà mình chịu nghèo hèn, thế là tỏ ra mình vô tài, cho nên đáng xấu
hổ. Khi trong nước vô đạo mà mình được giàu sang, thế là chỉ có hùa theo sự vô
đạo ấy mà kiếm ăn, hoặc đến làm điều bất
nghĩa để cầu lợi, cho nên đáng xấu hổ.
... (Toà kiểm duyệt bỏ một đoạn)....
Với cái thuyết nầy, phải kể Tống nho là thật có công lắm. Trình tử
nói rằng : “Kẻ học chẳng có việc gì trước hơn là phân biệt nghĩa và lợi”. Một
câu ấy khác nào như một cái hoa tiêu cắm ngay trước mặt những người mới bước
chơn vào cửa Khổng.
Bởi vậy trong làng nhà nho ở nước ta, những người nào học mà rồi trả
chữ cho Thánh thì thôi không kể, chớ còn những người học được chữ nào làm được
chữ ấy, thì họ phải gióng theo sự phân biệt nghĩa và lợi đó mà quyết định cái
đường tấn thối(*) của mình. Chúng ta đừng thấy bọn nhà nho ngày nay phần nhiều thất
thế, không làm ra gì được, mà khinh họ là vô tài. Vô tài thì cũng có vô tài
thật, nhưng họ lại quên lửng cái sự vô tài của mình đi ; họ đương ngồi xấp bằng
trong ba gian lều cỏ dựa lưng vào chữ “nghĩa” mà khủng khỉnh làm cao, lấy nửa
con mắt coi những phường ăn sung mặc sướng, lên bổng xuống trầm, mà cho là đồ vô
sỉ ! Mà hạng người ấy nào có phải là ít.
Tôi biết cụ Nguyễn Bá Học. Cách 20 năm trước, tôi ở Nam Định học chữ
Pháp với cụ đâu vài tháng. Song tôi nhìn cụ là ông thầy tôi thật. Cụ học chữ Hán
vào bậc giỏi, chữ Pháp cụ cũng thông, ở thời bấy giờ có tài như cụ, giá “lém” ra
thì làm gì chả được. Song cụ cứ cả đời làm thầy giáo, lương bổng vừa đủ ăn. Năm
1906, đức Thành Thái ra Bắc kỳ, nghe tiếng cụ, toan thưởng cho cái hàm Hàn lâm
gì đó. Cụ kiếm cớ từ chối không chịu. Sau ngài ban cho cái biển bốn chữ “giản dị
tinh thông” là cái biển sơn đen thếp vàng, hiện giờ còn treo tại nhà. Ấy là tôi
cử ra một Nguyễn Bá Học, nhơn tiện vì nhiều người đã thấy cụ trong Nam
phong ; còn biết bao Nguyễn Bá Học khác mà không tên tuổi chi, thì có ai
biết đến !
Nếu trong xã hội không cần có những người có nết thanh cao để làm
tiêu biểu, hay là nói rằng đương thời đại vật chất, hãy đua nhau trong đường vật
chất không còn kể tinh thần là cái cóc mốc gì, thì thôi, chẳng nói làm chi ;
bằng trong đời còn có luân lý, trong lòng người ta còn có một chỗ để chứa cái
trong sạch thơm tho, thì những nhà nho cao thượng ấy ta cũng nên biểu dương ra
mới phải, mà cùng trong lúc đó ta lại phải cảm ơn Khổng giáo.
Nhiều khi tôi thấy những chuyện vụn vặt trong làng xóm mà tôi ngẫm
nghĩ hoài. Càng ngẫm nghĩ tôi càng tin cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta
thật là sâu xa. Tôi kể lấy một chuyện mà nghe.
Ở vùng nhà quê tôi có hai anh em người kia, anh giàu mà em nghèo.
Người em chuyên nghề trồng trầu bán. Lúc đó vừa gặp sau cơn bão, trầu mắc. Nhà
anh sai trẻ cầm tiền qua nhà em mua một tiền trầu. Người em hái trầu cho một rổ,
biểu đem về mà không lấy tiền, nói rằng : “Chỗ anh em, tao nhờ ảnh nhiều, chi
thứ một vài tiền trầu mà bán chác, tao nỡ nào ngửa tay lấy tiền ảnh hay sao ?”
Trẻ đem cả trầu lẫn tiền về. Người anh thấy trầu nhiều quá, nói rằng : “Sao một
tiền trầu mà nhiều thế, bộ chú vừa bán vừa cho sao há ?” Đứa trẻ mới lòi tiền
ra, thuật lời của em. Người anh đưa thêm một tiền nữa biểu cầm cả hai tiền qua
trả, và rằng : “Nói với chú nó : tình nghĩa là khác, còn mua bán là mua bán ;
huống chi tao đã tư trợ cho chú nó được, thì lẽ nào tao lại đi bòn một bữa gạo
của con chú nó sao ?” – Qua bên kia, người em không nghe, bắt cầm tiền lộn về.
Vậy rồi đứa trẻ cứ phải đi qua đi lại đến mấy lần, mà tôi không hiểu việc ấy về
sau rồi liễu kết ra cách nào.
Việc nhỏ quá con tép ! Song le đạo lý của thánh hiền ở trong đó. Đằng
người em lấy nghĩa làm trọng, muốn làm ra quân tử ; đằng người anh đã không ham
lợi thì không ham lợi cho luôn, cũng không muốn làm tiểu nhơn. Tôi tưởng người
ta ở đời với nhau mà có những câu chuyện như vậy thì nghe có hơi êm đềm dễ chịu,
phải không ? Hay là cứ “đồng trên đè đồng dưới” ?
Tôi nghe nhiều người đi bên Pháp về kể chuyện lại. Ở bển, anh em học
sanh ta hay tiêu tiền chung với nhau, khi người nầy có, cho kẻ kia tiêu, khi kẻ
kia có, người nầy tiêu lại. Song phải biết rằng sự có ấy không kể chắc được.
Người Pháp thấy như vậy, trầm trồ lấy làm lạ. Mà lạ thiệt. Chẳng những ở nước
Pháp, cả Âu châu cũng vậy, theo luật, cái quyền sở hữu rất phân minh thì bảo sao
họ thấy vậy mà chẳng trầm trồ? Vì đó người Pháp ở đây, cho An Nam mình là không
biết phân biệt của người của ta nên có thói ăn cắp. Song họ không biết rằng cái
sự ăn cắp là khác, còn cái sự không phân biệt của người của ta lại là khác.
Không phân biệt của người của ta, tức là cái thói trọng nghĩa khinh tài, chịu
ảnh hưởng Khổng giáo lâu đời mới có được cái thói ấy !
Đó là bề mặt. Lật bề trái lại, thì cái sự phân biệt nghĩa lợi cũng có
điều khó chịu cho người ta, nhứt là vào thời buổi nầy. Theo tâm lý người mình
thì ai ai cũng hiểu rằng lợi là đáng khinh mà nghĩa là đáng trọng. Nhưng xem
chừng như ít người đem cái luật ấy ghép vào cho mình, mà lại đem ghép vào cho
người khác ở chung quanh mình. Suy cái bụng họ ra, ý chừng họ muốn ai ai cũng
“uống nước trong làm việc” thì họ mới ưng ; ai ai cũng “ăn cơm nhà mà đi đánh
giặc” thì họ mới cho là quân tử. Bởi vậy khi nghe ông Phan Văn Trường có mấy
trăm mẫu ruộng ở Cà Mau, ấy là họ bất bình rồi, họ không hỏi đến lai lịch ruộng
ấy vào tay ông Phan cách nào, và từ trước đến nay, ông ta có chút công lao gì
đối với người An Nam, từ đó họ không kể nữa ! Như vậy, làm cho kẻ thức giả ở đời
càng thấy khó.
Còn bọn gian hùng thì quả nhiên họ lợi dụng cái tâm lý ấy mà làm lợi
cho mình. Năm trước, ở Hà Nội tôi thấy có một cái cơ quan, người đứng đầu trong
cái cơ quan ấy đối với những người giúp việc cùng mình thì nói : việc nầy chẳng
qua chúng ta bớt ra mỗi người một chút công để làm nghĩa vụ ; thế nhưng cái
quyền lợi kín ở trỏng không ai thấy thì người ấy tóm thâu. Cho đến mấy ông chủ
phòng ngủ, chẳng biết việc làm ăn riêng của họ có can hệ chi đến 20 triệu anh
em, mà họ cứ kêu “đồng bào ! đồng bào !” om sòm trên tờ quảng cáo “Hỡi đồng bào
! – Xin hãy vì nghĩa đồng bang ghé vào khách sạn tôi !” – Ừ, đồng bào vì nghĩa
đồng bang ghé vào khách sạn ông, ấy là đồng bào làm một việc nghĩa để cho ông
thủ lợi ! Hai chữ “đồng bào” có phải là chữ sắm ra để họ dùng vào việc ấy đâu.
Còn các ông nhà buôn tinh ranh, cũng chực lợi dụng cái tâm lý ấy. Các ổng đưa
những hàng xấu ra mà hô lên rằng : “Của nội
hóa đây ! các ngài phải có cái nghĩa vụ dùng nội hóa hầu để khuyến khích công
nghệ nước nhà”. Rồi họ thừa dịp đó mà bán mắc muốn gấp hai ngoại hóa. Thế
nhưng bọn nầy có dại chi, trong khi ấy thì mình đừng thèm làm quân
tử.
Đừng nói những việc nhỏ mọn như vầy là không hại. Một số đông người
vì lòng thành thiệt mà bị phỉnh, còn một vài kẻ mượn chữ nghĩa mà lấy lợi riêng,
cái tệ ấy lại còn đáng ghét hơn là nhà tư bổn ăn hiếp nhà lao động nữa
vậy.
XIII. Khổng giáo đã cùng Âu
hóa gặp nhau
Nhẫn lên mấy thiên, tôi đã chỉ ra những cái ảnh hưởng Khổng giáo ở
nước ta, mà tôi đã thấy được, hoặc dở hoặc hay là vậy. Những cái hay nó không
trái với văn hóa mới, thì tôi tưởng nên giữ lại ; còn cái dở, nếu giữ lại thì
thật là vô ích mà hữu hại, như tôi đã nói rõ trên kia rồi.
Tôi đã nói, những điều tôi kể ra đó là theo sự tôi thấy. Vậy hoặc còn
những cái ảnh hưởng khác mà tôi không nói đến, ấy là vì tôi chưa thấy. Sau nầy
nếu tôi còn xem xét ra được điều nào nữa, tôi sẽ bổ thêm vào ; nay tạm dừng bút
ở đây.
Trước khi dừng bút, có mấy cái vấn đề về Khổng giáo rất là quan hệ mà
ai cũng nên biết, thì tôi xin giãi bày ra trong mấy thiên nữa, làm kết luận luôn
thể.
Khổng giáo khi gặp Âu hóa tràn sang thì cái trạng thái nó ra làm sao,
sự đó tưởng có nhiều người muốn biết lắm.
Theo tôi thấy thì Khổng giáo tuy đã làm nền móng cho xã hội, duy trì
cái thế đạo nhân tâm trong mấy nước Á Đông ta mấy ngàn năm nay, nhưng khi nó đã
cụng trán với cái văn minh Âu châu thì chừng như nó muốn lung lay, đứng không
vững nữa. Sự ấy rất rõ ràng trước con mắt chúng ta, xin độc giả xem qua cái lịch
sử sơ lược dưới nầy, rồi lấy lòng công bình mà xét đoán, thì dẫu viện ông thầy
trời xuống cũng không lấy lời nào binh vực cho nó được. Mà theo cái thuyết “ưu
thắng liệt bại”, thì nội chỗ đó cũng đủ chứng rằng Khổng giáo là không thích
hiệp với sự sanh tồn ở đời nay.
Cái lịch sử Khổng giáo ở nước ta không đủ đem ra mà nói, phải mượn
của Tàu.
Khổng giáo có cái tánh chất hay điều hòa. Khi trước gặp Phật giáo thì
nó điều hòa với Phật giáo, coi như cái kết quả của Tống nho nói trên kia thì
biết. Khi gặp Gia-giáo(*) thì lại cũng muốn điều hòa với
Gia(*), tức như bọn Từ Quang Khải hồi nhà Minh là danh nho mà theo
Đạo(*), lại làm tể tướng đương triều, theo các giáo sĩ Tây học được
những món thiên văn toán pháp, rồi nhờ có thế lực mà làm sách truyền bá ra, về
sau ai cũng nhìn rằng Tây học truyền sang Tàu là từ bọn đó. Nhưng đến khi Khổng
giáo gặp cả cái văn minh của Âu châu thì dường như muốn điều hòa mà điều hòa
không thể được, ví chẳng khác hai người gặp nhau, toan bắt tay, mà rồi một người
đi bắc một người nam, rút lại chỉ nhìn nhau chớ không thể bắt tay.
Hồi nhà Minh, các giáo sĩ Tây đem truyền sang Tàu chỉ có thiên văn
toán học mà thôi. Lịch pháp nước Tàu nhờ đó mà cải lương được đúng hơn trước.
Người Tàu biết có trái đất, biết trái đất chia ra hai bán cầu và ở trển có năm
châu cũng là từ đó. Nhưng một vài cái khoa học đó không đủ làm cho người Tàu
kính phục, họ cũng vẫn còn tự đại như xưa, họ vẫn cho chỉ có ông Khổng Tử nhà
mình là thánh hơn ai hết thảy.
Đến rốt đời nhà Thanh, đời Quang Tự sơ niên, người Tàu đã
dịch ra được nhiều sách Tây cả sách khoa học và sách triết học. Bấy giờ
họ mới biết bên Tây cũng có những bậc thánh triết như ông Socrates, ông Platon,
ông Descartes, ông Kant, v.v. Lại thêm các nước Âu châu đem những tàu những súng
qua mà doạ họ, họ mới càng hoảng hốt. Khi ấy các nhà nho nước Tàu trước sau chia
ra làm ba phái, tìm cách phò trì cho Khổng giáo để chống lại cái văn minh Âu
châu.
Phải thứ nhứt là bọn lập ra cái thuyết “Tây học do Đông nhi lai”. Họ
tìm những chứng cớ quàng xiên mà chỉ minh ra rằng bao nhiêu những học thuật Âu
châu, dầu triết học dầu khoa học cũng vậy, đều là từ Tàu truyền sang hết, tức
như kỷ hà học là phép toán bày ra bởi ông Nhiễm Cầu, học trò đức Khổng Tử. Cái
thuyết nầy chỉ là như anh nhà quê làm phách, không bổ ích gì cho sự thiệt hết,
nên lại có kẻ nổi lên xướng cái thuyết khác.
Phái thứ nhì là bọn lập ra cái thuyết “Trung học vị thể, Tây học vị
dụng”. Họ nói rằng những sự học về luân lý chánh trị, v.v. thì trong Khổng giáo
cũng đã đủ thừa rồi, nên lấy những cái đó làm cốt ; nước Tàu thiếu là chỉ thiếu
về khoa học, nên phải lấy Tây học để cung cấp cho sự cần dùng. Phái nầy có một
tay kiện tướng tức là Trương Chi Đồng(*). Coi như cái thuyết đó thì thấy họ tuy
chưa(**) chịu nhận cả Tây học, nhưng cũng đã
nhận một phần của Tây học (vì bấy giờ trong con mắt họ coi Tây học chỉ là khoa
học). Cái thuyết ấy thạnh hành một lối, song không thấy công hiệu chi nên lại có
phái thứ ba.
Phái thứ ba tức là phái Khương – Lương(***), xướng ra cái
thuyết “tam thế” của Khổng giáo. Họ chủ trương rằng Khổng Tử đã lập ra phép tắc
để trị các “đời” khác nhau, ấy là đời cứ loạn, đời thăng bình và đời thái bình,
mà thái bình tức là đại đồng. Đó là tam thế. Họ chia ra các thời kỳ, từ Khổng Tử
cho đến bây giờ cũng còn thuộc về đời cứ loạn ; từ thời kỳ họ đó mới bắt đầu
thăng bình rồi còn lâu nữa mới đến thái bình, bấy giờ khắp thế giới sẽ đại đồng.
Đương thời kỳ nào thì phải lấy phép tắc theo thời kỳ ấy mà trị. Rồi họ mới lấy
một đoạn lời đức Khổng nói trong Kinh Lễ mà vẽ vời ra cái phép tắc đại
đồng coi hơi giông giống cái chế độ cộng sản ngày nay. Chính ông Khương Hữu Vi
xướng ra cái thuyết nầy, ổng cho rằng sau Khổng Tử hơn hai ngàn năm, cái bí
truyền ấy đã giấu kín đi, đến ổng, nhờ Trời mở trí cho mới tìm thấy. Học trò ổng
là Lương Khải Siêu cũng phụ họa theo mà nói
bô bô lên một độ, nhưng về sau, khi Lương độ chừng 35 tuổi trở lên, không hề nói
đến nữa cho đến chết.
Cái thuyết “tam thế” nghe nó xuyên tạc quá, thật không thể đứng được.
Người Tàu có ông Trương Văn Khai đã phản đối. Muốn bẻ bác cái thuyết ấy thì phải
dẫn sách vở nhiều quá, không tiện, cho nên tôi tạm bỏ đi. Ở đây tôi chỉ có ý cho
độc giả biết rằng cái thuyết ấy xướng ra là bởi ông Khương Hữu Vi thấy Khổng
giáo không sánh kịp Tây học, mới vẽ vời thêm cho tốt đẹp ra để có đem mà đối
địch cùng nhau. Chớ thiệt ra thì trong Khổng giáo có đâu cái đồ quý lạ như
Khương đã nói. Mà có lẽ đồ quý lạ ấy lại ổng mượn của Tây học mà đem chưng
ra.
Khổng giáo ở nước Tàu xưa nay không có giáo hội (église) gì cả. Từ
Khương Hữu Vi mới có lập ra giáo hội, kêu bằng “Khổng giáo hội”. Trần Hoán
Chương(*), tấn sĩ, học trò của Khương, đứng chủ
trương việc ấy, mà cách tổ chức và chương trình trong giáo hội thì đều do họ
Khương bày ra. Giáo hội ấy lập đâu hồi cuối triều Quang Tự, đầu Tuyên Thống, ban
đầu thiên hạ cũng nô nức, sau càng ngày càng suy. Tôi không rõ, ngày nay có lẽ
tiêu rồi, chưa biết chừng.
Nội một sự lập giáo hội đó cũng đủ thấy cái thế lực của Khổng giáo đã
sa sút lắm, không đủ địch lại với cái phong trào ở ngoài, sợ mình thua mà bị
diệt vong đi, nên mới lập hội đặng hiệp sức lại mà giữ. Song hễ cái gì nó đã
không thích hiệp với đời, thì tức là đã đến ngày nó phải đi, dầu neo tầu cầm
cũng không lại. Khổng giáo hội nầy cũng như “Bảo hoàng hội”, mà hai cái đều do
tay họ Khương lập ra. Thuở nay, ông vua có cần ai lập hội mà bảo hộ ổng bao giờ,
cái ngày lập hội mà bảo hoàng tức là cái ngày đức hoàng đế sắp bước từ trên ngai
bước xuống vậy.
Trong mấy năm đầu Dân quốc cũng còn nghe Khổng giáo hội vọc vạch nọ
kia. Nhứt là hồi Viên Thế Khải toan xưng đế, muốn lợi dụng Khổng giáo để được
việc cho mình, bèn sức cho các trường học phải đọc kinh truyện, bấy giờ Khổng
giáo hội hơi đắc thế được một độ. Nhưng sau khi Viên đổ rồi, hội ấy lại suy, rồi
suy luôn cho đến giờ. Một đoạn lịch sử ngắn ngắn nầy lại đủ tỏ ra rằng Khổng
giáo là bạn với quân quyền, là vây cánh cho cái chánh thể chuyên chế. Hễ quân
quyền lụn bại, chánh thể chuyên chế hạ màn, thì Khổng giáo cũng không còn đứng
với ai.
Thế mà trong khi phái thứ ba nổi lên đó, họ cố làm cho những chỗ hiệp
với quân quyền chuyên chế trong Khổng giáo thay hình đổi dạng đi để giống với
Tây học, khỏi trái với thời thế. Ngoài các sách của họ Khương làm ra, là sách
đại để dựa theo Tây học mà giải kinh Khổng, có mấy điều Lương Khải Siêu đã biện
bác, cũng nên thuật lại mà nghe. Như câu “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi”
trong Luận ngữ, tiên nho đều giải rằng : Dân, có thể cho chúng nó noi
theo được, mà không thể cho chúng nó biết được. Lương giải lại rằng : Dân trình
độ khá, thì cho chúng nó noi theo ; còn chẳng khá thì phải cho chúng nó biết đã.
Lại câu “Thiên hạ hữu đạo tắc thứ nhân bất nghị” vốn có ý là dân không được nghị
luận đến việc chánh trị ; nhưng Lương giải ra là hồi bấy giờ mọi việc đâu vào
đó, nhân dân không còn chỗ nào dị nghị được nữa. Phàm những điều ấy đều vì có ý
“cải trang” cho Khổng giáo mà làm ra ; nhưng chỉ cải trang được một câu một lời
mà thôi, cả sách vở của họ Khổng còn đó, còn có lời nầy dính dấp với lời kia,
chỗ nầy đối chứng với chỗ khác, làm thế nào mà che đậy hết đi được ? Việc họ làm
đó chẳng có công hiệu gì, chỉ càng tỏ ra Khổng giáo đã đến ngày đứng không vững,
nên mới dựa vào lưng người khác vậy.
Cũng như ở ta đây, có nhiều người đã lấy câu “tứ hải chi nội giai
huynh đệ dã” trong Luận ngữ mà cho rằng Khổng giáo cũng chuộng nghĩa bác
ái, không phân biệt các chủng tộc trong loài người. Thật ra thì lời đoán ấy chưa
chắc là đã phải. Cứ văn nghĩa của nội một câu đó cũng đã rõ rồi. Bởi vì, nói
rằng “tứ hải chi nội” (nghĩa là trong bốn biển) thì rõ là chỉ trong một nước Tàu
mà thôi, câu ấy chẳng khác nào nhìn mọi người cùng ở nước Tàu là anh em, chớ
không hề nói đến người ở ngoài bốn biển. Huống chi trong kinh Xuân thu
của đức Khổng làm ra, có một cái nghĩa lớn, kêu là “nội Trung quốc ngoại di
địch”, lấy nước Tàu làm chủ mà ngoại các nước khác ra, cho là mọi rợ hết ; đã
cho là mọi rợ mà còn nhìn là anh em được sao ? Vì quá ư tự tôn theo kiểu Xuân
thu đó mà 5-7 mươi năm về trước nước Tàu và nước ta đều cho người Tây là
mọi, cái lầm như cái trời ấy trải bao lâu mới tỉnh biết. Thế mà ngày nay ta còn
xưng Khổng giáo là bác ái, chẳng qua thấy Gia-tô và Phật có cái nghĩa ấy rồi ta
cũng kiếm lấy một cái tựa tựa để chưng ra cho có với đời mà thôi.
Lại cũng có người lấy câu “Dân quý quân khinh” mà cho rằng chính Mạnh
Tử đã xướng ra dân quyền trước các học giả bên Tây. Kỳ thiệt có phải vậy đâu.
Lời Mạnh Tử nói đó cũng giống như trong Kinh Thơ(*) nói rằng “dân
duy bang bổn” (nghĩa là dân là cội gốc của nước) mà chỉ bạo hơn một chút. Nói
vậy có ý khuyên người làm vua phải coi dân là trọng chớ chẳng hề có ý biểu vua
phải nhường quyền cho dân. Coi cả sách
Mạnh Tử, chỗ nào ổng cũng nói “bảo dân, dưỡng dân, mục dân”, nghĩa là
nuôi dân như nuôi con, chăn dân như chăn trâu chăn dê vậy ; vậy thì dựa vào chỗ nào dám bảo
rằng Mạnh Tử đã xướng dân quyền ?
Đại phàm bàn về một cái giáo nghĩa nào một cái học thuyết nào, cũng phải như
đứng vào chỗ rất cao mà ngó xuống cả toàn thể nó, rồi phán đoán mới trúng được ;
chớ nếu thấy đâu nói đó, mượn một câu một lời, thì luôn luôn là sai lầm, dối
mình và dối cả người nữa.
Nãy giờ nói hơi xa đề, nay xin tiếp theo khúc lịch sử đã kể
trước.
Người Tàu thấy ba phái kia đối với cái vấn đề Khổng giáo gặp Âu hoá
giải quyết lúng túng không xong, năm 1916 khởi đầu mới có cuộc cách mạng lớn về
tư tưởng, tức gọi là “tân văn hóa vận động”. Bấy giờ mới có những người cất thân
ra làm tròng bia chịu đạn như bọn Ngô Ngu, Trần Độc Tú(**) mà công kích
Khổng giáo rất kịch liệt. Sau đó bèn có những sự cất tế điền họ Khổng ở Khúc Phụ
và bỏ xuân đình thu đình không tế.
Người An Nam mình nghe những sự như vậy đều phải than thở, cho họ là
làm bậy, quá nhẫn tâm.
Song phải hiểu mới được, phải biết tình thế nước người ta, nếu đã
biết, thôi thì không trách. Bởi vì các nước lập hiến đời nay, trong hiến pháp
nước nào cũng có điều nhân dân tín giáo tự do. Đã tín giáo tự do thì trong nước
chắc có nhiều tông giáo. Trong nước đã nhiều tông giáo thì nhà nước không có thể
tôn một cái giáo nào làm quốc giáo (religion nationale) được.Trong bản thảo hiến
pháp của Tàu(*), nơi điều 11, cũng đã định rằng tín
giáo tự do, thì lẽ nào nhà nước Tàu còn tôn thờ riêng một mình Khổng Tử ? Nếu
còn đặt tế điền, còn tế lễ một năm hai kỳ ở văn miếu, thì thành ra nhà nước lấy
Khổng giáo làm quốc giáo rồi, há chẳng trái với hiến pháp hay sao ? Nước Tàu
cũng còn có mấy chục triệu dân không theo Khổng giáo mà theo các giáo khác, bọn
ấy có dại đâu ngồi yên mà để cho chánh phủ làm như vậy ? Vì lẽ đó nước Pháp
trong năm 1904 cũng truất Thiên Chúa giáo, không nhận làm quốc giáo nữa, hầu để
tôn trọng hiến pháp và quyền tự do tín giáo của nhân dân. Thế nhưng, người mình
đối với việc nước Pháp làm thì không ai nói chi ; còn thấy người Tàu làm, thì
cho là làm bậy. Sự đó cũng không lạ mấy, vì An Nam đối với Khổng Tử có tình sâu
nghĩa nặng hơn là đối với Jésus Christ.
Tuy vậy, hiến pháp nước Tàu, nơi điều 19, nói về việc quốc dân giáo
dục, lại có nói rằng “lấy đạo Khổng Tử làm cái gốc lớn cho sự tu thân”. Theo ý
riêng tôi thì sự đó rất phải, và cũng chẳng đến nỗi mâu thuẫn với điều 11 ; ấy
vậy mà lúc bấy giờ trong nước Tàu nhao nhao lên,có nhiều người còn không chịu
nữa, thế thì đủ biết cái sự người ta làm trên kia là sự vạn bất đắc dĩ
vậy.
Cho đến năm ngoái đây, sau khi Chánh phủ Quốc dân thành lập tại Nam
Kinh, trở lại hạ lịnh cho nhân dân phải tôn Khổng. Bởi vậy mà khắp trong nước
ta, thấy Hoa Kiều đã làm lễ kỷ niệm Khổng Tử hai lần rồi. Sự nầy tôi không được
biết cho rõ là thế nào, cứ theo dư luận người Tàu thì họ nói vì Tưởng Giới
Thạch muốn thi hành cái lối độc tài (dictature) nên mới hạ cái lịnh ấy, nghe có
lẽ lắm. Độ trước, tôi có viết trong Quần báo mà rằng : “Đối với Chánh phủ
Nam Kinh, tôi vốn không ngờ vực gì cả ; nhưng từ khi chánh phủ ấy hạ lịnh tôn
Khổng, tôi bèn bắt đầu nghi cho họ có giã tâm”, vì việc họ làm đó coi giống việc
Viên Thế Khải đã làm năm xưa.
Cái lược sử Khổng giáo ở nước Tàu cùng cái văn minh Âu châu gặp nhau
đầu đuôi như vậy. Coi đó thì biết cái gốc của Khổng giáo ngày nay đã lung lay.
Có kẻ hay than vắn thở dài, sợ rằng đạo Thánh gặp phải cái thời khó khăn nầy rồi
một ngày một suy diệt. Tôi thì tôi nói : Đổ cho thời a ? Có ai bắt đạo Thánh
phải suy ? Suy là tại đạo Thánh không đủ sức trong mình để làm nên
thạnh.
Nước Tàu còn có năm ba bọn trung với Khổng giáo, gặp cơn nguy biến,
ra tay chống chải, hết phương nầy tìm phương khác, tuy không kéo lại được mà
cũng còn tỏ cho thiên hạ biết rằng trong Khổng giáo vẫn có người. Đến nước ta
thì hết chỗ nói ! Khổng giáo ở nước ta trong khi gặp văn minh Âu châu, hình như
nó nằm sát rạt xuống, vừa khóc vừa rên, vừa ngửng đầu lên coi chánh phủ. Chánh
phủ có để khoa cử thì cứ thi đậu làm quan chơi ; chánh phủ bỏ khoa cử thì cũng
đau lòng mà khóc rên chút đỉnh ; nhưng đến khi chánh phủ lập trường ra bắt học
chữ Pháp thì lại lau nước mắt mà cứ việc học, mong cho tốt nghiệp đặng làm quan.
Rồi đến ngày nay đây, có thằng ngỗ nghịch là thằng tôi nó dám ra đương trường
chỉ trích Khổng giáo, - để coi giạc chừng như, - cũng không ai thèm nóng mặt mà ra miệng hết. Ừ, nó nói ông Khổng Tử
chớ nó có nói chi mình đâu, nó có động đến bát cơm của mình đâu mà hòng ra miệng
! Không dám dối độc giả, tôi viết đến đây, bỗng dưng hai hàng nước mắt trào ra
trên giấy. Không phải tôi khóc vì Khổng giáo điêu tàn, nhưng tôi khóc, một là vì
cái kẻ chỉ trích Khổng giáo lại là tôi, hai là vì ngó thấy cái tình đời bạc bẽo
!
Vậy mà hễ nói đến Khổng giáo thì ai nấy đồng thanh bảo phải duy trì.
Hôm trước đây thấy Chánh phủ Nam kỳ ra lịnh bắt dạy chữ nho mỗi tuần một giờ
trong các trường, thì đã đua nhau cảm ơn và ca tụng ! Tôi chẳng biết nửa giờ chữ
nho ấy mà nó có ích gì cho học trò, có ích gì cho Khổng giáo, có ích gì cho cái
văn hóa tương lai của Việt Nam?
Mới đây, đọc một tờ báo quốc ngữ ở Hà Nội, trong có bài bàn về sự duy
trì Khổng giáo, tôi thấy như thấy của quý, nên coi thử lập luận ra sao. Cái lý
do của họ rất là đơn sơ, chỉ nói rằng nước Tàu ngày nay mà còn tôn Khổng, các
bậc kỳ cựu họ vẫn lo bảo tồn Khổng giáo, thì ta cũng nên lấy họ làm gương. Nói
như vậy thì thật chẳng có lý gì hết. Muốn duy trì Khổng giáo thì phải hiểu Khổng
giáo là gì, cái địa vị của nó ngày nay ra sao, duy trì nó có ích lợi gì không,
và làm cách nào mà duy trì ; chớ còn thấy người ta duy trì, mình cũng duy trì,
thì chỉ nói cho vui tai đó vậy.
Trong bọn kỳ cựu Tàu đó, tôi biết có lão Ngô Trĩ Huy. Va năm nay
ngoài 60 tuổi, đương làm uỷ viên trong chánh phủ Nam Kinh, mà là một người phản
đối Khổng Tử, hồi trước rất kịch liệt và lỗ mỗ. Trong văn tập chú va, có chỗ va
nói rằng : “Cái học của Khổng Khưu là cái học ăn c...” (“Khổng Khưu khiết phẩn
chi học”), vậy mà ngày nay va lại đồng tình với mấy uỷ viên kia hạ cái lịnh tôn
Khổng, thì tôi chẳng hiểu va là người gì ! Ông biểu tôi lấy thứ đồ kỳ cựu ấy mà
làm gương cho tôi sao?
PHAN KHÔI
Thần chung, Sài Gòn, s.213 (1.10.1929); s.214 (3.10.1929); s.216
(6&7.10.1929);
s.218 (9.10.1929); s.219 (10.10.1929); s.220 (11.10.1929); s.221
(12.10.1929); s.222 (13&14.10.1929);
s.223 (15.10.1929); s.225 (17.10.1929); s.227
(19.10.1929);
s.229 (22.10.1929); s.232 (25.10.1929); s.235 (29.10.1929); s.236
(30.10.1929);
s.239 (5.11.1929); s.241 (7.11.1929); s.242 (8.11.1929); s.247 (15.11.1929); s.248 (16.11.1929);
s.249 (17&18.11.1929).
(1) Sách Trung dung, chương
III.
(2) Thấy trong sách Luận
ngữ, thiên Nhan Uyên.
(3) Đại học, chương
III.
(4) Luận ngữ, thiên Bát
dật.
(*) bản gốc viết là Quang
âm, ở đây sửa lại.
(**) bản gốc là chẳng vua,
có lẽ báo in lầm, ở đây sửa lại.
(*) Xem thêm mục Câu chuyện
hằng ngày (Thần chung số 221, ngày 12.10.1929) để thấy ảnh hưởng của việc
Phan Khôi nêu ra ở đây trong dư luận đương thời.
(*) Chu Đôn Di (1017 – 73) tự Mậu
Thúc ; Trình Tử : có thể là Trình Hạo (1032 – 85) hoặc Trình Di (1033 – 1107) –
các nhà Lý học thời Tống ở Trung Quốc.
(*) bản gốc chỗ này còn có 6 từ:
“- hai là
phi thánh vô pháp” – có thể là báo in thừa, ở đây tạm bỏ 6 từ
ấy.
(**) Phải chăng là thước bị
in sai ?
(*) bản gốc là : “... ngài 20
tuổi”, chắc in sai, ở đây sửa lại.
(*) bản gốc là : giã mang,
ở đây sửa lại.
(*) démecratie từng được dịch là :
dân trị, dân quyền, dân chủ.
(*) Trương Chi Động (1837 – 1907),
đỗ tiến sĩ, làm quan thời Quang Tự triều Thanh, chủ trương “Cựu học là thể, tân
học là dụng”, duy trì cương thường phong kiến, chống biến pháp Mậu Tuất ; là một
trong những đại diện của học phái Dương Vụ cuối triều Thanh (theo Từ điển
Nho, Phật, Đạo, bản dịch, Hà Nội; 2001).
(*) Kinh Thơ (viết theo
giọng đọc Nam Kỳ) đây chính là Kinh Thư chứ không phải Kinh
Thi.
(*) Bản gốc chấm lửng liền hai
dòng và để trống chừng 4 dòng, không rõ vì kiểm duyệt hay vì lý do nào
khác.
(1) Đại học, chương
IX.
(*) rột : mạnh, oai, ví dụ
: đi rột quá : đi có đông kẻ hầu người hạ ; làm rột quá : làm ra
sự thể lớn ; chèo rột : chèo mạnh mẽ (theo H.T. Paulus Của,
sđd.)
(1) Trung dung, chương
XX.
(*) ingénier : kỹ
sư.
(**) Bản gốc là vẫy, có lẽ
in sai ; ở đây sửa lại.
(1) Sách Trung dung, chương
II.
(2) Sách Mạnh Tử theo Chu Hy
tập chú, thiên Tận tâm thượng.
(3) Sách Trung dung theo
Chu Hy tập chú, chương II.
(4) Trung dung, chương
III.
(5) Trung dung, chương
III
(6) Trung dung, chương
III
(7) Trung dung, chương
VI
(8) Mạnh Tử, thiên Tận
tâm thượng.
(9) Mạnh Tử, thiên Tận
tâm thượng.
(10) Luận ngữ, thiên
Thuật nhi.
(11) Thấy trong Tân ước thánh
kinh, sách Mathieu.
(12) Thấy trong Tân ước thánh
kinh, sách Mathieu.
(13) Thấy trong Tân ước thánh
kinh, sách Mathieu.
(*) Ở bản đăng báo chỗ này rơi mất
1 chữ nguyên âm nên hơi khó đoán “con t n” là gì ? Nguyên câu trong sách Mạnh
Tử là : “Khổng Tử tam nguyệt vô quân, tắc hoàng hoàng như dã, xuất cương tất
tải chí” (= Khổng Tử nếu ba tháng không thờ vua nào thì lòng dạ như bàng hoàng
thiếu thốn ; mỗi khi ngài từ nước này sang nước khác đều mang sẵn theo lễ vật
hiến tặng). Ở các từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh và Thiều Chửu có 2 từ
“chí”, dạng chữ khác nhau, đều có nghĩa là “đồ lễ”, “của làm tin”, “đồ lễ tương
kiến”. Khi dịch câu này của Mạnh Tử, có lẽ Phan Khôi không muốn dịch sát là “đồ
lễ”, “lễ vật” nói chung mà muốn cụ thể hóa hơn một chút hành vi của Khổng Tử.
Dựa vào gợi ý của một vài bạn nghiên cứu, tôi đoán chỗ này có lẽ Phan Khôi dịch
là “... chở con tẫn theo”; tẫn , chữ Hán, trỏ con cái trong các
giống chim, thú.
(1) Mạnh Tử, thiên Đằng
văn công, hạ.
(2) Luận ngữ, thiên Hiến
vấn.
(3) Luận ngữ, thiên Dương
hoá.
(4) Luận ngữ, thiên Vi
tử.
(5) Luận ngữ, thiên
Dương hóa.
(1) Luận ngữ thiên Vệ
Linh Công.
(2) Luận ngữ thiên Tử
Lộ.
(3) Luận ngữ, thiên Tiên
tấn.
(4) Luận ngữ, thiên Tử
Lộ.
(5) Mạnh Tử, thiên Đằng
Văn công, thượng.
(*) sanh lý ở đây gần với
sinh kế, ý nói việc làm ăn kiếm sống thực tế ; hoàn toàn khác sinh
lý theo nghĩa hiện nay.
(*) phản động : ở đây nghĩa
là “chống lại” ; khác hàm nghĩa “phản động” thời nay.
(*) khi không : tình cờ, tự
nhiên, không có chuyện gì (theo H.T. Paulus Của. Sđd) ; bỗng dưng, tự dưng (theo
Từ điển phương ngữ Nam Bộ,
Sđd.).
(1) Luận ngữ. Lý
nhân.
(2) Luận ngữ. Hiến
vấn.
(*) bản gốc là quý phụ, có
lẽ in lầm ; ở đây sửa lại.
(3) Mạnh Tử, Lương Huệ
Vương thượng.
(4) Mạnh Tử. Cáo tử
hà.
(5) Luận ngữ. Lý
nhân.
(*) hà chính : chính trị
hà khắc, tàn bạo ; bạo liễm : đánh thuế quá nặng.
(6) Luận ngữ. Thuật
nhi.
(7) Luận ngữ. Thái
bá.
(8) Luận ngữ. Vệ Linh
công.
(*) tấn thối : tiến
thoái.
(*) Gia, Gia-giáo, Đạo nói
ở đây đều trỏ Thiên Chúa giáo (cũng gọi Ki-tô giáo, Cơ-đốc giáo, Gia-tô giáo),
tức là Christianisme nói chung, chưa phân biệt Catholicisme (Công
giáo) hay Orthodoxie (chính thống giáo), Protestantisme (tân giáo,
Tin lành).
(*) Đúng ra là Trương Chi Động
(1837-1909), đại diện cho phái Dương Vụ cuối triều Thanh (theo Từ điển Nho
Phật Đạo, bản dịch từ Hoa ngữ, Hà Nội: Nxb. Văn học, 2001)
(**) bản gốc là “học tuy
chưa...”, có lẽ in sai, ở đây sửa lại.
(***) hoặc Khang – Lương: gồm Khang
Hữu Vi (1858-1927) và Lương Khải Siêu (1873-1829).
(*) Trần Hoán Chương (1881-1933)
Tiến sĩ Nho học ; lưu học đại học Columbia (Mỹ) lại đỗ Tiến sĩ ; về nước sáng
lập Khổng giáo hội, ra Khổng giáo hội tạp chí (1913), mở đại hội Khổng
giáo toàn quốc ở Khúc Phụ, để xuất với Thượng viện và Hạ viện Trung Hoa dân quốc
việc lập Khổng giáo làm quốc giáo.
(*) Kinh Thơ : tức là
Kinh Thư (viết theo giọng đọc Nam kỳ) chứ không phải Kinh
Thi.
(**) Ngô Ngu (1871-1949), học giả,
thủ lĩnh tinh thần của phong trào “tân văn hóa” (phong trào Ngũ Tứ).
Trần Độc Tú (1880-1942), học
giả, một trong những người đề xướng “tân văn hóa” ; là người sáng lập và tổng bí
thư đầu tiên của đảng cộng sản Trung Quốc (1921-27), sau trở thành người chống
đảng.
(*) Đây là nói dự thảo hiến pháp
của Trung Hoa Dân Quốc, tức là chính thể nhà nước cộng hòa được thành lập sau
Cách mạng Tân Hợi (1911), chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung
Quốc.
|
3/1/13
PHAN KHÔI - CÁI ẢNH HƯỞNG CỦA KHỔNG GIÁO Ở NƯỚC TA
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét