30/6/07

VĂN : Quê hương là chốn thần tiên

Phạm Lưu Vũ
Quê hương là chốn thần tiên

Suốt bao nhiêu năm lăn lộn ngoài cuộc đời, lúc nào tôi cũng nhớ về vùng quê ấy. Nơi thuở nhỏ, tôi cùng lũ trẻ con trong làng thường lui tới một cái hồ nằm tít phía chân núi để câu cá. Cái hồ rộng lớn nước xanh ngắt quanh năm, thỉnh thoảng có chỗ hơi nước bốc lên, nom mờ ảo, mong manh như những làn khói mỏng. Ba phía ranh giới của mặt nước hồ uốn lượn theo núi non trùng điệp, phía còn lại là một con đập ngoằn ngoèo, xây bằng đá từ đời nảo đời nào. Con đập giữ nước trên núi chảy xuống làm thành cái hồ. Ngày nào bầu trời cũng đi qua đây, cũng thản nhiên soi xuống mặt hồ cái dung nhan lồng lộng của mình. Bóng mây làm cho mặt nước hồ như thể luôn luôn chuyển động, không lúc nào giống lúc nào. Tôi vẫn nhớ cái hồ ấy đến nôn nao, kể cả những khi phải chứng kiến những câu chuyện buồn. Ước gì sẽ có một lần, một giấc mơ nào đó sẽ đưa tôi trở lại với vùng quê thủa ấy...

Rốt cuộc tôi cũng được toại nguyện. Hình như có một giấc mơ như thế đã diễn ra. Tôi được tạm rời bỏ cái cuộc đời đầy bất trắc và hiểm ác ngoài đường để trở về chính cái vùng quê ấy một thời gian.

Và tôi cũng không ngờ rằng cho đến tận lúc đó, tôi mới nhận ra quê mình, thì ra là một chốn thần tiên.

Từ trong làng, tôi vác trên vai chiếc cần câu, đầu đội một chiếc mũ vải đã sờn tiến về phía chân núi. Vòng vèo qua những nương sắn, nương ngô, những vạt rừng thông, rừng trúc... Con đường mòn đưa tôi tới chân đập đá. Phía bên kia chính là mặt hồ. Tôi chọn một tảng đá nhô ra dưới chân đập, xung quanh có những cành cây gai khẳng khiu lả xuống mặt nước rồi ngồi trên đó thả câu. Tảng đá này tôi đã thuộc lòng từng góc cạnh của nó, thuộc từ những thuở lên mười. Lưng nó đã mòn nhẵn trong tâm khảm của tôi…

Ngày nào cũng vậy, tôi ngồi đó từ lúc rạng đông, khi ra đi trời mới sáng mờ mờ. Lác đác bắt đầu có bóng người đi lại trên đập. Trời sáng đến đâu thì người đi lại đông đến đấy. Tôi còn nhớ con đường mòn dẫn tới đập đá được chia làm hai ngả. Một ngả leo lên đập rồi đi về bên phải, vòng ra sau một quả núi phía xa xa, nơi đó có một cái chợ và một cái làng nhỏ. Những người đi chợ và những đám cưới, đám xin thường đi lại phía bên này. Ngả kia rẽ sang trái, đi hết con đập thì ngoặt xuống một thung lũng, nơi đó có một bãi tha ma. Đó là lối đi của những đám tang và những người đi thăm mộ, nhất là vào những dịp tết hoặc tiết thanh minh...

Tảng đá tôi ngồi câu nằm đúng chỗ rẽ của hai hướng đi sinh, tử ấy. Điều kì lạ là tôi đã từng đọc sách, đã từng chứng kiến khối việc xảy ra trong đời. Vậy mà có những câu chuyện phải chờ đến lúc về ngồi trên tảng đá này, tôi mới được nghe. Chẳng hạn câu chuyện sau đây của những người đi chợ:

“Ở đâu đó lại có cái gì vừa thay đổi bác ạ.”

“Làm sao bác biết?”

“Hôm qua, bọn người thu thuế đến nhà bảo tôi rằng cái học thuyết gì đấy của họ bây giờ là học thuyết khác rồi. Tôi cũng như tất cả những người đóng thuế cần phải hiểu điều ấy...”

“Thế bác trả lời họ ra sao?”

“Tôi trả lời giống hệt bố tôi ngày trước.”

“Bố bác trả lời ra sao?”

“Ngày trước, cũng có một bọn người thu thuế đến nhà mà bảo bố tôi rằng cái học thuyết gì đấy của họ bây giờ là học thuyết khác rồi. Bố tôi cũng như tất cả những người đóng thuế cần phải hiểu điều ấy... Bố tôi cũng trả lời giống hệt ông nội tôi ngày xưa.”

“Ông nội bác trả lời thế nào?”

“Ngày xưa, cũng có một bọn người thu thuế đến nhà mà bảo ông nội tôi rằng cái học thuyết gì đấy của họ bây giờ là học thuyết khác rồi. Ông nội tôi cũng như tất cả những người đóng thuế cần phải hiểu điều ấy... Ông nội tôi trả lời: Cứ theo như các cụ nhà tôi truyền lại, thì tôi không cần phải hiểu học thuyết ấy của các ông là cái gì. Học thuyết nào thì tôi cũng phải đóng thuế cả mà thôi. Vậy hãy cho tôi biết, ruộng nhà tôi phải đóng thuế bao nhiêu? Số thuế ấy các ông thu bằng thóc, bằng tiền hay bằng xương máu...?”

Nghe đến đây, trong lòng tôi bỗng cảm thấy có điều gì rất lạ. Thì ra, những học thuyết trên đời cứ luôn luôn thay đổi. Còn những người đóng thuế thì vẫn như xưa. Những người đóng thuế kia không cần bất cứ học thuyết gì. Chỉ có kẻ thu thuế mới cần đến mà thôi.

Giấc mơ của tôi vẫn chưa dừng lại ở đấy. Một hôm, từ chỗ ngồi câu, tôi chứng kiến một đám tang đi sang phía bên trái. Đám tang chậm rãi qua chỗ tôi, đoàn người kéo dài hết gần nửa con đập. Tiếng kèn, trống, tiếng khóc não nề, âm u dội vào từng vách núi. Tôi kính cẩn đứng dậy, bỏ mũ cầm trong tay, cúi đầu chờ cho chiếc quan tài đi qua chỗ mình. Bỗng từ trong đám những người đang khóc lóc phía sau chiếc quan tài ấy, phát ra những tiếng đấm đá, giằng co. Rồi một bóng người đội khăn trắng bị đẩy văng ra khỏi hàng, ngã lăn lông lốc xuống chân đập. Đám ma vẫn bình thản kéo đi. Tôi kinh ngạc nhìn kẻ kia, lúc này đã lăn xuống sát mép nước, xuýt nữa thì rơi tòm xuống hồ. Gã đang lồm cồm bò dậy. Tôi cám cảnh vẫy gã lại gần, ôn tồn hỏi han:

“Tôi hỏi khí không phải. Anh là con hay là cháu người chết, làm sao đang giữa lúc đau thương mà vẫn tranh cạnh với nhau để ra nông nỗi này?”

Nét mặt còn đang hết sức tức tối, gã kia kể lể ngay với tôi, nửa như muốn thanh minh, nửa như muốn trút cơn giận:

“Tôi chẳng phải là con, là cháu gì của người chết cả, chỉ là một kẻ khóc thuê đấy thôi.”

Tôi bất ngờ trước câu trả lời ấy, bèn hỏi tiếp:

“Thế tạo sao anh lại bị đẩy ra khỏi hàng như thế?”

Gã khóc thuê nhìn tôi ngượng nghịu:

“Thì tôi có biết khóc lóc gì đâu, chỉ là đội khăn, đứng lẫn vào đó rồi lẩm bẩm miệng, khóc câm đấy thôi. Ai ngờ bị bọn khóc thật phát hiện ra đẩy tôi ngã xuống đây. Ông thấy đấy, cùng thân phận khóc thuê cả với nhau mà chúng nó nỡ giật miếng cơm ra khỏi miệng tôi. Tôi biết trong đó còn khối kẻ cũng đang khóc giả vờ như tôi mà có bị phát hiện đâu.”

Té ra là như vậy. Tôi chưa biết nói thế nào với gã khóc thuê này thì bỗng từ giữa hồ nghe đánh ùm một tiếng, nước văng lên tung toé. Có vật gì ở đâu đó như vừa từ trên trời rơi xuống. Tôi và gã khóc thuê giật nảy mình nhìn ra. Lát sau có một cái đầu đội mũ trồi lên mặt nước, thì ra cũng là một con người. Kẻ kia hình như cũng biết bơi. Gã nhanh chóng xác định phương hướng rồi bơi về phía chân đập, nơi tôi và gã khóc thuê đang đứng. Tôi cúi xuống giúp gã leo lên tảng đá. Bất ngờ, vừa nhìn thấy gã khóc thuê, gã kia đã buột miệng reo lên:

“Tao trông mày quen quá, quen khủng khiếp. Hình như đã từng gặp ở đâu rồi thì phải. Chẳng hay mày có nhận ra tao không?”

Tôi kinh ngạc nhìn toàn thân gã ướt lướt thướt như chuột. Cái mũ, bộ quần áo gã đang mặc tỏ ra là trang phục của những kẻ sang trọng giữa đời, gã rõ ràng không phải người vùng này. Phần gã khóc thuê kia thì hình như cũng chịu không nhớ ra. Bèn bảo với gã kia:

“Tao trông mày cũng rất quen. Nhưng bảo đã từng gặp ở đâu rồi thì tao xin chịu. Chẳng hay mày từ đâu rớt xuống đây?”

Gã mới đến nhìn một lượt cả hai chúng tôi rồi giải thích, giọng đột nhiên trở nên từ tốn:

“Tôi vốn là người thuộc gánh hát Thượng Đình.”

Tôi giật mình khi nghe gã nhắc đến tên gánh hát Thượng Đình, bởi có ai lại không biết tới cái gánh hát lừng lẫy, sang trọng nhất cả nước ấy. Đó là một dàn đồng ca đông như một đội quân, có tới hàng nghìn người. Nhưng tại sao gã lại bị rơi xuống hồ như thế này. Tôi đang định hỏi thì gã đã vừa trỏ tay lên trời, vừa kể lể:

“Gánh hát Thượng Đình vừa đi qua đây. Tôi bị chúng nó đẩy ra khỏi hàng, nên mới bị rơi xuống đây đấy.”

Bấy giờ tôi mới bắt đầu lờ mờ hiểu ra, bèn hỏi gã:

“Chúng nó là ai? Tạo sao anh lại bị chúng đẩy xuống đây?”

Gã kia cũng tỏ ra ngượng ngùng, song giọng nói vẫn không giấu nổi vẻ tức tối:

“Chúng nó là bọn cũng hát thuê như tôi. Tôi tuy nằm trong gánh hát đó, nhưng nào có biết hát hò gì đâu. Song, như các ông biết đấy, chốn Thượng Đình xưa nay chỉ thích nghe hát đồng ca mà thôi. Vì thế tôi mới tìm cách chui vào, rồi cũng được phát áo mũ, cũng trang điểm theo đúng qui định của những loài xướng ca... Mỗi khi hát tôi cứ việc đứng lẫn trong gánh hát ấy mà lẩm bẩm miệng, hát câm đấy thôi. Không ngờ bị bọn hát thật phát hiện ra đẩy tôi xuống đây... Các ông thấy đấy, cùng thân phận hát thuê cả với nhau mà chúng nó nỡ giật miếng cơm ra khỏi miệng tôi. Tôi biết trong đó còn khối kẻ cũng đang hát giả vờ như tôi mà có bị phát hiện đâu.”

Thì ra là như vậy. Tôi còn chưa hết kinh ngạc vì sự trùng hợp, run rủi để cho một kẻ khóc thuê và một gã hát thuê cùng lúc đến kể lể với tôi thì vừa lúc ấy, có một đám cưới diễu qua. Đám cưới đi trên con đập, tới gần chỗ chúng tôi thì đương nhiên phải rẽ sang bên phải. Tôi nghe rõ tiếng họ đang nói chuyện với nhau:

“Đám này rước dâu có chọn giờ không đấy?”

“Tất nhiên. Rước dâu bao giờ cũng phải chọn giờ tốt, có thế sau này con cháu mới đầy đàn, mới hy vọng được làm ông nọ, bà kia...”

“Ôi dào! Giờ tốt với chả giờ tiếc. Hai làng cứ cưới qua, cưới lại mãi, đám nào cũng đi qua con đập này, đám nào cũng chọn giờ tốt. Thế mà vẫn truyền đời làm những kẻ đóng thuế, có bao giờ thay đổi được kiếp nào đâu.”

“Thế mới gọi là hy vọng chứ sao. Hy vọng là cái thứ vĩnh cửu, không bao giờ đạt được đối với mọi kẻ đóng thuế chúng ta, kể cả trong những lúc phải đóng thuế bằng xương máu. Thế thì trong đời tất phải có những người được độc quyền đẻ ra những kẻ thu thuế chứ nhỉ?”

“Tất nhiên. Đó là do cái học thuyết gì gì ấy nó quy định như vậy. Té ra giờ tốt là cái mà bọn thày bà bịa ra, cốt để bịp mọi người đấy hẳn?”

“Bọn thầy bà làm gì có học thuyết mà bảo rằng chúng bịa. Có giờ tốt thật đấy. Lũ đàn bà chúng tôi biết rõ lắm. Song giờ nào thì cũng chỉ có hai cái vòi, một vòi đẻ ra những kẻ khôn ngoan, có thể làm nên ông nọ, bà kia, đè đầu cưỡi cổ dân lành... một vòi chỉ đẻ ra toàn dân ngu, với lại khu đen. Trong khi cái vòi đẻ ra kẻ khôn ngoan thì cả làng, ai cũng bị thiến từ lúc mới lọt lòng mất rồi. Thành ra...”

Nghe đến đây, bỗng tôi lại giật mình. May quá, hình như vẫn chưa ra khỏi cơn mơ. Trong lòng cồn lên một nỗi xót xa cho dân làng tôi. Té ra, xưa nay họ vốn đã bị thiến sẵn cái khả năng đẻ ra những kiếp sung sướng từ lúc lọt lòng mất rồi, chỉ chừa lại mỗi cái hy vọng vĩnh cửu mà thôi. Tôi thở dài rồi quay về phía hai gã vừa kể lể lúc nãy. Rốt cuộc, hai gã vẫn chịu không thể nào nhận ra nhau mặc dù nhìn nhau thấy rất quen. Bỗng tôi lại giật mình lần nữa. Hai gã đã biến mất. Có lẽ bọn chúng đã kịp chui vào một đám ma hay một gánh hát nào rồi chăng? Chẳng biết chúng là người hay ma quỷ? Cả bao nhiêu kẻ đã và đang đi lại, than khóc, hát ca... trên con đập ngoằn ngoèo kia nữa? Trong số họ đích thị ai là người, ai là ma quỷ? Đột nhiên, một ý nghĩ chợt loé lên làm tôi lạnh người. Tôi nghi ngờ nhìn xuống cái bóng của chính mình in dưới đáy hồ. Cả tôi nữa? Tôi cũng đích thị là người hay ma quỷ? Thôi đúng rồi, nơi đây phải chăng là một chốn thần tiên...?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét